Hồi ký chiến tranh - Một thời máu và hoa (Phần 2)

Kỳ 10: Hồi ký bác Phong Quảng



Giải phóng Quảng Trị _19/3, tiếp sau đó một tuần là đến giải phóng Huế_ 25/3. Là anh lính Trị Thiên, mỗi năm cứ đến ngày này là ký ức lại tràn đầy trong tôi. Tôi xin chia sẻ với các bạn trong QSVN về những ngày ấy, những trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp của tôi...Tất nhiên tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì tôi thấy và cảm nhận của một người lính khi đó.
Không biết phải bắt đầu từ đâu khi kể về một sự kiện, một chiến dịch và một trận đánh. Với tầm hạn chế của anh lính cấp phân đội có lẽ tôi nên bắt đầu bằng những phần việc của người lính và học tập lối viết của bác baleo là lật dở từng ngày một cho đến khi lá cờ xanh đỏ phất phới trên Phú Văn Lâu.
CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NGÀY_ CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NĂM.
Đây là cái tít của chương III trong ký sự " Bắc Hải Vân xuân 1975" của nhà văn Xuân Thiều. Nhà văn Xuân Thiều viết với tư cách cán bộ trợ lý tác chiến quân khu Trị Thiên. Ông viết ở tầm bao quát rộng và theo tôi là rất xác thực, điều này tôi cảm nhận được từ những gì ông mô tả các trận đánh của e4 chúng tôi ở Phong Điền, Quảng Điền. Chương này ông nói về không khí chuận bị chiến trường của toàn mặt trận Trị Thiên, còn tôi chỉ viết những gì xảy ra quanh tôi bởi ngay những chuyện trong cùng trung đoàn nhiều khi tôi cũng không biết.
Lùi lại nửa cuối năm 1974, e4 chúng tôi bắt đầu chuỗi những trận đánh ở tả ngạn Ô Lâu. Trung đoàn 2 sư 324 tập tành mấy tháng nay ở tuyến 2 nghĩ là để cùng vào trận với chúng tôi lại đột ngột biến mất, để lại một khoảng trống sau lưng chúng tôi. Tâm lý sợ lạnh lưng, hở sườn ông lính nào chả có, cả dải phòng tuyến hơn 20km chỉ còn có e4 , k10 (tỉnh đội) và lính địa phương huyện. Phía tây bắc là bọn Trâu Điên ( lữ 258) phía đông nam là tụi 147, chúng tôi phải rút bỏ một số vị trí ( gài mìn để lại ) dồn về thượng Ô Lâu đánh các điểm cao 61, Không tên và bình độ 50. Những trận đánh này có nhiều câu chuyện đáng nhớ lắm như có gói thuốc Điện Biên qua tay địch lại về tay ta vẫn còn 18 điếu, vì sao vậy? Những người biết nó vì sao đều đã chết trận ( ở cả hai phía ) đêm ấy. Việc sử lý tù binh bị thương ra sao.v.v . Nhưng xin để dịp khác vì tôi đang muốn nói những cái liên quan tới 1975.

Bác Xuân Thiều nói cuộc chuẩn bị ba mười ngày, rồi ba mười năm thì cũng kệ bác ấy. Tôi xin bắt đầu sự chuẩn bị của chúng tôi từ sau những trận đánh mùa mưa 1974 ấy.
Tôi được đề bạt " A bậc phó" lần thứ hai, các bạn chớ nghĩ tôi bị kỷ luật nghe. Cái lần đầu tiên ấy là do có mấy bà văn công QK về tiểu đoàn , lính tráng mừng rơn. Tôi vừa ở chốt về nghe tin cũng mừng khấp khởi, từ ngày vào chiến trường đã bao giờ được xem văn công đâu. Đùng một cái, hôm sau có lệnh quay lại chốt thay cho một cậu vừa lên thay mình, thật vô lý!. Bức xúc quá tôi lên gặp chỉ huy thắc mắc, đại đội hỏi trung đội, trung đội trả lời tôi là A phó.. Lần phong "miệng" đó kết quả là tôi lại phải lên chốt và mất một dịp được xem văn công. Mấy bà văn công diễn xong đi, tôi lại là anh xạ thủ số 1_ 12ly "vác" và vẫn binh nhất.
Lần phong này khác hẳn, có quyết định Hạ sĩ đàng hoàng và lệnh đi học pháo ở Quân Khu. Các bạn ạ thế là sau 2 năm 2 tháng (8/1972_10/1974) tôi mới được lên một cấp đấy.
Cùng đi học với tôi có hạ sĩ A bậc trưởng Lang Khùn ( một đồng đội người dân tộc Thái_Nghệ An, nhập ngũ 1971, đã tốt nghiệp lớp 10 PT). Chúng tôi lên gặp chính trị viên Sen trước khi rời đơn vị. Anh Sen dăn dò :" Các cậu đều có văn hóa, gắng học nắm vững kỹ thuật , về còn hướng dẫn anh em nữa."
Chết thật! học pháo xong lại về biên chế của tiểu đoàn bộ binh nghe lạ quá. Mới nghe "Pháo" là tôi đã mừng hú, chào cánh bộ binh thôi, từ nay "em" đi trận bằng xe xích, xe hơi rồi. Nghe CCV nói tôi chả hiểu là thế nào nữa(?), lên đến trung đoàn, trưởng ban pháo bảo :" Các cậu cứ lo học đi, đừng thắc mắc."
Phụ mấy lính vệ binh trung đoàn rong tám thằng thủy quân lục chiến bị bắt ở điểm cao 61 ra quân khu, đến Đông Hà thì chia tay . Chúng tôi đi nhận tân binh , nhận lớp sau đó học hơn một tháng thì xong. Cái loại pháo chúng tôi học là " canong 57" , các bạn nào đã xem những bộ phim thời "chiến tranh vệ quốc vĩ đại" của Liên Xô cũ thế nào cũng thấy nó. Hình như cái anh CCCP này moi từ bảo tàng ra thì phải, lính tráng đùa nhau bảo còn mấy trăm viên đạn bắn rồi quang pháo đi. Chẳng biết có mặt trận nào được trang bị như thế không còn Trị Thiên thì có e4, e271, d3 Quảng Trị, du kích Do Linh mỗi đơn vị 4 khẩu. Huấn luyện chúng tôi là đại úy Vạn người của phòng Pháo QK.
(Còn tiếp)
Có một câu chuyện vui ngoài lề lấp chỗ trống để linhmoi đọc cho đã ( cũng là chuyện thật 100%)

Ra đến Thanh Hà ,Gio Linh thì mới biết mình học pháo mặt đất 57 ly nòng dài. Tôi buồn quá, các bạn có biết ở mỗi đại đội bộ binh lúc bấy giờ bao giờ cũng có 2 khẩu cối 60 ly, Pháo mới nòng so với lính bộ bình còn thua thì pháo phót gì, đúng là pháo "tét". Tôi nhìn khẩu pháo , người "bạn" cùng những trận đánh sắp tới của tôi mà chẳng biết nói sao. Nòng bé tẹo,chỉ được cái dài ( 4m),hai bánh xe như hai bánh xe bò. Tôi nhớ ra là đã từng gặp nó trong các bộ phim xô viết thời chiến tranh vệ quốc. Quả đúng, nó là hung thần của các xe tăng Đức ngày đó. Càng buồn hơn khi mấy hôm sau, tôi nhận các tân binh về tiểu đội thì bên nhà bên cũng có một trung đội nữ du kích cùng tham gia lớp học với chúng tôi. Cứ nghĩ mấy thằng cùng nhập ngũ nó sang quân đoàn 2 mà thèm, vẫn tự an ủi , thôi mình cỡ lính quân khu, lính tỉnh cũng oách chán. Lo nhất học xong lại xuống lính huyện, lính xã thì chán chết. Tạm cất cái chuyện này đi đã, tôi vào ngay cái chuyện "săn bắn" ngay đây không anh em lại cho thằng này lan man.
Cái trung đội nữ du kích Do Linh cùng khóa chúng tôi,hàng ngày cùng ngồi một " giảng đường" nên không khí học cũng say sưa hơn .Chiều chiều sau giờ cơm, lính nhà ta cùng vài o bên nớ cũng thơ thẩn chuyện mây gió...Tiểu đội tôi có thằng Huấn tiểu đội phó, hắn nhập ngũ cùng tháng, quê Hải Dương.Tôi quí hắn vì trông hắn thư sinh, da trắng, tóc quăn, đẹp trai và có duyên lắm. Hắn cũng quí tôi vì cũng cao ráo, mác trai Hà Nội lại thoáng. Phải cái nó rất
"máu" gái, suốt ngày sang chuyện trò với du kích. Mỗi lần hội ý tiểu đội tôi cứ phải sang gọi, lâu dần tôi mắc chứng nghiện sang "gọi" nó.Thế có chết không, ông trưởng, ông phó đồng tình..
Khi khóa học kết thúc thì hắn thân thiết lắm với một o tên B, còn tôi thân với o T. Ngày chia tay , lính hai bên lưu luyến lắm. Sau bữa liên hoan bế giảng, hai bên tràn sang nhau ghi lưu bút, tặng này tặng nọ.v.v Với ai không biết nhưng tôi với T dù đã khá thân nhau nhưng vẫn có khoảng cách. Đến hôm nay khi chia tay , chúng tôi hình như cùng thấy mối tiếc lắm lắm. Ngày mai chúng tôi xa nhau có thể là mãi mãi. Tôi hẹn T , mai sẽ đến nhà thăm gia đình cô ấy ,T đồng ý...
Về gường đêm ấy Huấn thủ thỉ :" tao hẹn B tối mai gặp nhau ở cầu xi măng " Hắn còn bảo :"về nhà làm gì mất thời gian thưa mạ, thưa cha lắm, mai hẹn ra cầu cùng tao không hơn à.". Sáng hôm khi các o du kích trở về địa phương, tôi qua hẹn lại với T và thông báo cả chuyện Huấn và B, chúng tôi có thể cùng đến cầu xi măng .
Chiều tối hôm sau, tôi và Huấn mò ra cầu xi măng. Hai thằng ngồi trên thành cầu hồi hộp chờ đợi.Trời tối hẳn, sắp tới giờ "G" , chúng tôi càng nóng ruột, cứ đốt thuốc liên tục. Mắt hai đứa nhìn xa thẳm theo con đường dẫn ra biển. Xa xa thoáng thắp ánh đèn, ngày một rõ. Tim tôi rộn lên, tôi tự nhủ lần này trước lúc chia tay phải mạnh dạn lên ...Ánh đèn chập trờn trong gió, sáng dần. Chúng tôi bắt đầu nghe tiếng chân bước, hơi lạ vì tiếng bước chân nằng nặng .Không chịu nổi chúng tôi rời chỗ ngồi tiến về phía ánh đèn. Khi nhận ra được điều gì ... thì bà mẹ đã kêu lên :" May quá! ..Các chú giải phóng ơi!.. Giúp mạ con tui với!.." Trước mắt tôi là một bà mẹ và một cậu bé chừng 14 tuổi.Trên vai hai người là một cáng võng. Cả hai người run run kiệt sức. Chúng tôi điếng người nhưng theo phản xạ hai thằng ghé vai đỡ cho họ.Tôi hỏi :" Bây giờ đi đâu hả mạ"
Nhà hộ sanh huyện. Bà mẹ đáp
Cách bao xa? Huấn hỏi
Chừng sáu,bảy cây số. Cậu bé trả lời
Chết chúng tôi rồi, sáu bảy cây , chúng tôi có bay cũng không kịp quay về được. B và T đến sẽ không thấy chúng tôi rồi. Thằng Huấn đi sau tôi nói như than :" mạ ơi! khổ thế..."
Bà mẹ cứ nghĩ nói về mình lại bảo :" Khổ chi nữa, chừ gặp được giải phóng là sướng hung rồi."
Tiếng rên của phụ sản trên võng làm chúng tôi quên hết mệt nhọc, cứ lao về phía trước theo ánh đèn của bà mẹ.Trong đầu thì nghĩ đến B và T.
Nhà hộ sinh huyện tối om, nhưng vẫn có người trực .Bên ánh đèn dầu chúng tôi cùng gia đình làm thủ tục cho phụ sản. Xong xuôi hai đứa ra cái giếng trước cửa, gột rửa bùn bắn vào quần áo. Chúng tôi buồn bã nghĩ đến chuyện hẹn hò .Giờ này còn ai trên cầu nữa, hai đứa cứ ngồi bên thành giếng chẳng biết làm gì.
Trong căn phòng sáng mờ mờ bỗng nghe tiếng oa oa. Cửa phòng bật mở, o y tá cầm xô nước chạy ra giếng , nói với chúng tôi :" Con trai,các eng ơi!" .Gương mặt rạng ngời lấm tấm mồ hôi, cô xách xô nước chạy vào, bóng cô bay bay, nước trong xô sóng sánh văng trên đường chạy.
Chúng tôi đứng dậy ra về, chào chú bé, công dân mới của Quảng Trị đau thương. Nghĩ đến hai o du kích ,chẳng biết nói sao nữa, không kịp rồi! Ngày mai chúng tôi phải lên đường vào trận, để lại Quảng Trị biết bao vui buồn lưu luyến.

Học xong, quân ở đâu lại về đấy, Triệu, Tuẫn và Huấn( ba ông này đều là người Hải Hưng, cùng tuổi quân, từ 9/1975 đến nay tôi vẫn chưa gặp) ở lại nhận pháo, tôi và Lang Khùn dẫn anh em tân binh về Trung đoàn trước. Đến Đông Hà, sẵn tính "thoáng" tôi cho anh em ở chơi một ngày , để ai còn tiền miền Bắc thì tiêu cho hết vì bắt đầu hôm sau là rừng xanh núi đỏ, có tiền cũng chẳng để làm gì. Tôi tranh thủ đến đại đôi trinh sát tỉnh đội Quảng Trị thăm anh bạn thân, cùng nhập ngũ hiện đang làm quản lý đại đội. Ở đây tôi được ăn một bữa ngon đến giờ vẫn chưa quên, tôi nói đùa với ông bạn mình :" Đi B thế này tao đi cả đời, mà nghe như bên Trung Quốc ai làm quản lý đủ 3 năm là người ta bắn, ông làm 2 năm thôi rồi ra mà đi đánh nhau, nhỡ chết còn được làm Liệt Sĩ" . Nói vậy thôi, bữa ăn đó chỉ thêm có hộp thịt và ít bột trứng nhưng với lính thì như tiệc rồi.Bạn tôi giờ vẫn khỏe, chuyên sản xuất, buôn bán đệm mút ở phố Hà Trung phát đạt lắm. Chia tay bạn, tôi về điểm quân số vẫn đủ, may không có ông nào "tút" cả, đa số anh em thuần và nóng lòng được vào mặt trận. Tiếp đến là mưa rừng lũ suối ba ngày liền chúng tôi mới đến đoạn đường 15N gặp sông Ô Lâu, còn nửa ngày đường đi xuôi theo con sông là đến đơn vị. Nhìn dòng sông chảy cuồn cuộn, máu lười và hay "sáng kiến" của tôi lại nổi lên, tôi nghĩ : Kết mấy cái bè chuối, để ba lô lên thả trôi chắc chỉ 2 tiếng là đến đơn vị đỡ phải hành quân bộ. Gọi hai ông tân binh tên Quán, Thảo dân Quảng Nham_Quảng Xương chuyên đi biển , tôi hỏi qua chuyện sông nước và nói ý định của mình. Anh em biết chuyện ai cũng sướng ( lính mới hành quân ba ngày rồi, ngán đi bộ rồi) chỉ mình Lang Khùn bảo không nên vì có phải ai cũng biết bơi đâu, nể Lang Khùn tôi bỏ ý định đi bè mạo hiểm ấy.
Về Trung đoàn mới biết được bổ xung cho c15 hỏa lực bắn thẳng . Thế là từ nay tôi phải xa C7, xa K15 nơi tôi đã gắn bó hai năm trời, ở đấy ngoài tình đồng đội tôi còn có rất nhiều tình cảm bạn bè và đông hương Hà Nội. Đơn vị mới (C15) có nhúm người mà lắm súng thật, nào DKB, DKZ_75, H12, lính đa số là người các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên, C trưởng là anh Tầm người dân tôc. Chỉ mới nhìn người C trưởng tôi đã cảm tình ngay, đôi mắt to và sáng, mồm lúc nào cũng bặm lại nhưng rất hay cười, cười to nữa, tôi nghĩ anh ấy là người quyết đoán. Bây giờ có thêm 4 canong 57 cùng gần ba chục lính mới Thanh Hóa và các tỉnh đồng bằng bắc bộ nên khá đông vui, riêng Hà Nội chỉ có mỗi mình tôi. Hậu cứ của đơn vị ở ngay suối nước nóng ( bây giờ là khu du lịch _nước khoáng Thanh Tân, khá nổi tiếng ở Thừa Thiên).
Tôi cùng anh em mới về được tổ chức huấn luyện các loại súng đã có của đơn vị, thời gian còn lại dốc sức làm đường kéo pháo.

ĐƯA PHÁO VỀ
Không Khí chuẩn bị cho chiến dịch sôi động và nóng dần. Trong lúc chờ pháo về chúng tôi được lệnh làm đường để cho xe cơ động khi vào trận đánh. Mùa khô vạt đồi thấp sườn đông bắc dãy 330 đất cứng, lính "công binh" rởm chúng tôi chỉ cần làm cho có nét đường để xe biết mà chạy. Gặp mấy khe cạn thì quang vào ít đá, sỏi sắp xếp cho đỡ lồi lõm là được.
Pháo về thì ngày nổ súng cũng gần lắm rồi, dù chẳng ai biết chính xác khi nào. Lệnh trên là xe ô tô chỉ được chạy bên triền khuất của dãy 330, đoạn đường mới chúng tôi đã làm chỉ được chạy khi đã nổ súng, đơn vị phải tổ chức kéo pháo bằng tay về điểm qui định. Ôi chao! Mất công làm đường mà không cho xe vào, nghĩ kéo tay 2 khẩu pháo 6,7 km trên con đường ấy thì chắc bại người. Chưa hết, còn đống đạn trên xe nữa chứ. Thương lính, Anh Tầm C trưởng nói với lũ a trưởng chúng tôi.
Tao lánh mặt, chúng mày khéo động viên lái xe chạy vào thêm tí nào hay tí ấy nhé. Nghĩ ông này (C trưởng) cũng vào loại liều mạng, kỷ luật bí mật trước chiến dịch rất nghiêm.
Đến chân điểm cao 146, thì thấy 2 chiếc xe ba cầu, đằng sau là hai khẩu pháo, thùng xe đầy những hòm đạn màu xanh lá cây. Gặp anh Huấn ( có 2 Huấn) trung đội phó , chúng tôi nói ý kiến của anh Tầm cho anh Huẩn hiểu . Anh Huấn quay ra nói chuyện thế nào mà hai lái xe đồng ý. Có thể do lợi thế đồng hương Hà Tĩnh với nhau mới thuận lợi thế.
Trời tối mịt, mỗi xe hai lính ngồi hai tai xe (chỗ đèn xe), một người đi trước giữa đường chừng 5,6m làm tiêu. Lái xe đi chậm chậm, có gì thì hai người ngồi tai xe kêu lên cho lái xe biết. Mò mẫm , rì rì vậy cũng vượt được gần 4 cây số đường tự tạo. Nhưng khi bắt được vào con đường chiến lược cũ thì gặp sự cố ở suối Ồ Ồ. Xe bị patile , máy cứ ầm ì mãi không qua được. Chúng tôi xúm vào chèn đá, chèn cây, đẩy v.v..Tụi địch trên truyến giáp ranh nghe tiếng máy liền cho mấy loạt cối, đất đá bay rào rào nhưng không ai việc gì. Cũng may chỉ có một loạt, chắc chúng bắn hú họa cầm canh thôi. Rồi chúng tôi cũng vượt qua được nhưng lúc này cánh lái xe bắt đầu cáu gắt , vì bò mãi, lúc nào cũng sắp đến, sắp đến...
Đến nơi, anh Tầm ra thấy anh em về an toàn mừng rỡ. Anh bảo Quang liên lạc kiêm trinh sát pháo chạy ngay về cứ mang 2 cặp gà ra biếu lái xe.Tôi cầm 1 cặp đến gặp lái xe :" Cảm ơn anh đã giúp đơn vị, chúng tôi biếu anh cặp gà mang về đơn vị bồi dưỡng. Lính giáp ranh chẳng có gì ngoài mấy con gà." Anh lái xe im lặng một lúc rồi quạu lên :" Gà qué chi, các ông toàn làm liều, làm bậy " anh lái xe đóng cửa cái rầm định nổ máy. Tôi vội nhẩy lên , vứt cặp gà vào thùng xe, kiên trì nhỏ nhẹ nói với anh :" anh để tụi tôi áp tải, dẫn đường cho xe ra chân 146". Anh lái xe nói nhát gừng :"Lên đi!" rồi nổ máy. Chúng tôi lại hành trình ngược nhưng lúc này nhẹ nhàng biết bao. Rồi anh lái xe cũng dịu lại, bắt đầu hỏi thăm và trò chuyện vui vẻ với chúng tôi.
Hôm nay, mỗi khi nhớ lại chuyện này nghĩ cũng ngộ, hóa ra chúng tôi đã biết" hối lộ" từ ngày ấy. Lính ta vẫn có câu :" lính tiểu đoàn bằng quan đại đội" quả cũng đúng thật. Ở bộ binh chúng tôi chẳng nuôi nổi một con gà, toàn sống trong hầm và nhà âm thì tăng gia làm sao được. Lên C15 , ở hậu cứ thấy tiểu đội nào cũng có chuồng gà, ở nhà nổi sướng hơn hẳn. Có vậy chúng tôi mới có gà lót tay lái xe chứ.

Sau khi nhận pháo về( mới có 2 khẩu), C trưởng gọi lũ A trưởng chúng tôi lên phổ biến công việc ( giao nhiệm vụ). Tôi và Lang Khùn sẽ tham gia đánh Phổ Lại, Tuẫn làm trận địa tại ấp Sơn Quả gần Lại Bằng sát bờ Bắc sông Bồ, tuyến tiếp xúc của K13(d3/e4). Triệu làm trận địa ở Ngầm Ồ Ồ thuộc tuyến tiếp xúc của K15 (d1/e4). Lúc này K15 lực lượng chủ yếu đang chuẩn bị xuống đồng bằng, K2( d2/e4) là chủ công đánh Phổ Lại như vậy cả trung đoàn dồn về tuyến tiếp xúc đông nam gần như nằm gọn trong xã Phong Sơn. Các khu vực Phong Mỹ, Hòa Mỹ, Tân Mỹ và bên tả ngạn Ô Lâu bỏ trống ( tôi đoán vậy vì có đi được đến đâu mà biết)
Việc làm trận địa của tôi và Khùn là khó khăn nhất vì địa hình chân cứ điểm Phổ Lại ( điểm cao 57 và 54) khá trống trải, lại gần mục tiêu có 600m. Chúng tôi phải làm hoàn toàn vào ban đêm , ban ngày ngụy trang lại rồi về ngủ. Chuyện đào hầm, làm trận địa là thường xuyên với lính và cũng chẳng có gì đáng nói, tôi muốn nói qua một chút về những đồng đội của tôi ngày ấy, rất nhiều người từ 1975 đến nay chưa hề gặp lại.
Việc tôi và Lang Khùn, hai thằng gốc K15 được đánh trận mở màn thực sự là chúng tôi tự hào vì được trên tin tưởng vào truyền thống của tiểu đoàn chúng tôi. Tất nhiên cũng phải có đánh giá của anh Phú trưởng ban pháo trung đoàn, người theo dõi chúng tôi trong quá trình học tập ở quân khu. Nhưng tôi khoái hơn cả là lại chiến đấu cùng Lang Khùn. Các bạn ai đã từng đánh trận chắc sẽ hiểu tâm lý của anh lính khi có người chỉ huy, người đồng đội từng trải, quyết đoán họ sẽ tự tin hơn rất nhiều.Tôi ở với Khùn gần hai năm trời tôi biết, hắn lỳ đến bình thản trước ác liệt, khó khăn. Con người thấp đậm như lực điền ấy lại rất nhanh nhẹn thông minh và nhiều tài lẻ. Khùn đi săn rất giỏi, cứ thấy hắn phơi quần áo ra sương là chúng tôi biết thế nào cũng được bữa thịt rừng. Lần bắn được một con báo, hắn còn làm một con báo nhồi bông ( thực ra là nhồi rẻ rách) hong trong bếp đại đội, sau này chẳng biết con báo ấy về tay ai nữa. Nên dù hôm nay, chúng tôi cùng là A trưởng nhưng tôi bao giờ cũng coi cậu ấy là cấp trên của mình. Tôi và nhiều đồng đội không thể quên được mỗi khi sốt rét được hắn ưu tiên cho bát canh chua...Từ ngày tôi xa đơn vị ( 9/1975 ) cũng là từ đó tôi chưa gặp lại Lang Khùn. Nghe có anh em nói gặp hắn ở Tân Kỳ ,Nghệ An chắc Sài Gòn ra tôi sẽ đi tìm hắn xem sao.
Ngoài Khùn ra, Tuẫn và Triệu cũng là hai người lính từng trải, hai ông này đều từng tham gia đánh trận Cửa Việt 1973. Còn một người rất đặc biệt là trung đội trưởng của chúng tôi anh Lý Công Chất người Hoa ở Cao Bằng. Tôi sẽ nói về anh trong những ngày tiếp theo song với anh lại để cho tôi nhiều suy nghĩ nhất khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Dù không biết tin về anh nhưng tôi biết dù ở đâu, làm gì trong con người anh ấy thật đau khổ, dằn vặt...khi cuộc chiến nổ ra.
Từ đây cho đến ngày N+3, ngày nổ súng, công việc chuẩn bị cho trận đánh của chúng tôi thật nhiều mà khi nhắc đến ai cũng biết và chẳng có gì là đặc biệt. Vậy chờ đến ngày N đó, nếu anh em đồng ý tôi có thể xen vào những chuyện về lính e4 chúng tôi được không ?

LÍNH ĐOÀN PHONG QUẢNG (tên ghép của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền bắc Huế)
Trung đoàn 4 chúng tôi thành lập đầu năm 1973, ban đầu Trung đoàn có K15 mặt trận đường 9 và K13 ( không biết xuất xứ từ đâu _ 1973 tham gia đánh Cửa Việt ) từ Quảng Trị vào và K10 tỉnh đội Thừa Thiên. Các đơn vị trực thuộc cũng từ Quảng Trị vào, tôi không biết xuất xứ nhưng đều là các đơn vị tham gia chiến đấu ở các khu vục nóng bỏng như Thành cổ, Tích Tường, Như Lệ, Động Ông Do, điểm cao 367...Khoảng tháng 3 năm 1974 K2 từ Quảng Trị vào thay K10 trong đội hình e4. Lúc ấy thấy lính K2 vào Phong Điền lên chốt còn mang theo cả phích nước. Chúng tôi nghĩ : lính cậu thế này không biết đánh đấm ra làm sao(?).
Sau khi hiệp định, lính ở tuyến tiếp xúc với địch ở Quảng Trị có được nhàn nhã và sướng hơn chúng tôi trong Phong Điền Thừa Thiên. Giao thông thuận tiện , gần dân, gần phố huyện nên mọi thứ đều khấm khá hơn . Ở Quảng Trị ta mạnh nên thằng địch không giám ho hoe gì, còn Phong Điền vẫn còn nhiều vùng tiếng súng chưa dứt.
Trong lúc quân hai K còn lẫn lộn xen kẽ nhau, lính cùng trung đoàn mà trông khác hẳn nhau. Chúng tôi xanh gầy, nhếch nhác lắm , lính K2 phơn phơn như lính triều đình. Lính K2 còn nuôi chó, Chó chạy cả lên trận địa chúng tôi , gặp lính đang thiếu đạm, thế là chó hết đường về. Bữa đó khẩu đội 12ly 7 ở điểm cao 330 chúng tôi được mấy ngày no say. Lính ta đói khát nên đôi khi cũng bậy bạ chút xíu rồi quên ngay. Ai ngờ chúng tôi lại gặp họ
Tháng 7/1974 khi K15 chúng tôi đánh 61 thì K2 đánh dãy đồi Không tên ở khu vực hữu ngạn sông Ô Lâu. Tiến công thắng lợi, hai khẩu 12ly7 ở điểm cao 506 và Động Chuối được lệnh rút về tăng cường cho các điểm cao vừa chiếm được. Trên đường về qua dãy đồi Không tên nhờ nấu cơm trưa ở khẩu đội cối 82 của K2, bên bờ sông Ô Lâu. Được anh em K2 chia sẻ cho ít mắn ruốc, rau rừng thật cảm động. Lúc này lính K2 đã "Phong Điền" hóa rồi , cũng thiếu thốn như chúng tôi. Đói thì bàn ăn, các bố mơ đủ chuyện về ăn, có một ông nói:" giá bây giờ mà còn con Míc nhỉ, em xung phong đi kiếm giềng ngay." , một người khác thì gạt đi ý là chó nuôi quen rồi không được giết...Nhiều ý kiến qua lại còn bọn tôi thì im lặng có ông nghệt ra. Té ra con chó bị chúng tôi trộm ngày ấy là của khẩu đội cối 82_K2 này. Ở đời cái gì không biết thì thôi nhưng khi đã biết thì làm người ta phải nghĩ. Cũng như khi đã gặp trực tiếp những đồng đội K2 , chúng tôi lại áy náy vì những chuyện đã qua. Hôm nay kể với anh em QSVN cũng là một lời tạ lỗi với các chiến hữu k2 của chúng tôi.

Tôi được quan sát trận đánh dãy đồi Không tên từ điểm cao 506, trận tập kích nhanh gọn như chỉ thấy trong phim ảnh. Nhìn những chớp lửa lóe liên tục trong vòng 15 phút từ ba ngọn đồi trong đêm ấy, tôi cứ nghĩ là đặc công ở đâu về chứ đâu đã biết là lính K2. Bên cạnh là điểm cao 61, súng nổ liền ba ngày mới dứt , lính C4 K15 chúng tôi cuối cùng cũng diệt được cái cao điểm oan nghiệt này. Cũng từ trận đánh ấy chúng tôi mới biết K2 là ai. Gốc gác từ trung đoàn 246 của quân khu Việt Bắc vào chiến đấu trong Quảng Trị đã lâu. Nếu bạn nào vào thăm Thành cổ, sẽ thấy ở nhà truyền thống có những dòng chữ đồng ghi danh các đơn vị chiến đấu ở Quảng Trị , các bạn sẽ thấy K2,K15 ở dòng các tiểu đoàn độc lập. Như vậy ngay buổi đầu thành lập đoàn Phong Quảng đã có ít nhất 2 tiểu đoàn Anh hùng , từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị trong những ngày hè đỏ lửa. Tôi nói ít nhất vì K13 tôi chưa biết về họ nhiều.
Ít ngày sau khẩu đội 12ly7 của tôi cùng C5bb/K15 nhận bàn giao chốt giữ dãy đồi Không tên từ K2. Khi lên tôi được nghe một câu chuyện về việc sử lý tù binh của lính K2.
Sau trận đánh bao giờ cũng phải giải quyết các công việc chính sách và củng cố trận địa, hầm hào để đánh địch phản kích. Sáng ra mới phát hiện còn sót hai thằng thủy quân lục chiến bị thương không tự vận động được. Người ít , còn phải chiến đấu tiếp, ông trung đội trưởng không biết giải quyết ra sao, bèn lệnh cho lính ta khênh hai cu cậu xuống để tạm ở cái nhà âm cũ dưới chân điểm cao rồi sau tính tiếp. Đến trưa anh nuôi mang cơm lên báo cáo :" hai thằng nó đói, nó kêu rên quá , các anh để lại ít cơm tí quay về em quang cho nó ". Tiếp đến hôm sau vẫn thế, nghe anh nuôi nói ông trung đội trưởng càng sốt ruột . Một ông lính nhà mình nói :" Để em xuống cho mỗi thằng một phát, lấp đất lên là xong." Ông trung đội trưởng bảo :" Chú mà làm được thì xuống làm đi ." Ông lính nhà ta đi xăm xăm xuống thật, mọi người chờ mãi chẳng thấy tiếng súng nổ. Một lúc sau ông lính mình đi lên bẽn lẽn gặp trung đội trưởng :" Báo cáo anh, em chịu !.." Trung đội trưởng hỏi trong anh em có ai muốn xuống sử lý nữa không(?). Tất cả im thít, trung đội trưởng nói :" thế thì anh em chuẩn bị cáng đi ... đưa chúng nó về phẫu "
Vì việc trên, chốt mất đứt 4 người để cáng 2 tù binh bị thương, trong lúc người đang thiếu vô cùng. Nghĩ mấy hôm trước bạn baoto chắc cũng định đưa cái đề tài " đối thoại với các thân phận...". Bạn ấy cũng định nhìn từ lăng kính :" chính là thằng lính bên này, giết thằng lính bên kia." Để đánh giá chiến tranh hay đánh giá về người lính cả hai phía là đều không trúng. Nếu như cái anh lính mà không " em chịu! " thì chắc sau này anh ấy và cả người trung đội trưởng kia có thể cũng bị cái gọi là "hội chứng chiến tranh" như lính Mỹ. Cá nhân tôi thì cho rằng những người lính trong cuộc chiến vừa qua ( ở cả hai phía), vào trận đánh họ chĩa súng vào nhau và nổ súng quyết liệt trước tiên là để giàng sự sống cho mình. Khi cởi áo lính ra họ lại trở về như những người bình thường trong xã hội. Có chăng là họ rất ghét chiến tranh và biết yêu quí hơn giá trị của cuộc sống hôm nay.

Sau khi ban giao Không tên, K2 lại tập trung đánh bình độ 50 nằm bên sườn trái điểm cao 61.Trận đánh này, cụm hỏa lực chúng tôi ở Không tên cũng tham gia yểm trợ , khống chế tụi địch ở đồi DK ( cao điểm 70). Trận đánh diễn ra nhanh gọn , địch phản kích không mạnh mẽ như thường lệ, điều này làm phần nào anh em chúng tôi chủ quan. Khoảng ba, bốn ngày sau địch tổ chức tấn công lại chúng tôi, mục tiêu chính là điểm cao 61, vị trí quan trọng nhất bên hữu ngạn sông Ô Lâu.
Đêm ấy đạn pháo phủ kín mấy điểm cao của chúng tôi, chúng bắn với cường độ cao làm căn hầm chúng tôi rung chuyển. Điểm mặt không thấy Trực đâu, tôi chạy một vòng trong chiến hào, tìm các ngóc ngách cũng không thấy đâu. Nghe tiếng nổ chuyển về phía sau, tôi cầm 5 quả lựu đạn ra quan sát yên ngựa giữa hai mỏm của dãy không tên, Trung ( Nghệ An ) cầm khẩu AK còn lại ra quan sát hướng 61. Lúc này pháo sáng rực trời, Khẩu đại liên địch trên đồi DK bắn vào chúng tôi như vãi đạn. Thò đầu lên quan sát lại vội thụt ngay vì những tiếng chíu chíu, rắc rắc và bụi. Địch bắn rát quá, quan sát không được kỹ, tôi tính quăng đại một quả lựu đạn xuống sườn đồi cho chắc ăn đỡ phải thò đầu lên nguy hiểm quá. Nhưng nghĩ nhỡ địch chưa lên lại sợ anh em cười. Đang tính toán thì nghe ba hồi còi toe, toe, toe bên điểm cao 61, trên đỉnh đồi xuất hiện cùng lúc hàng chục quầng lửa nhỏ của lựu đạn, rồi tiếng hô xung phong. Tôi lao về phía khẩu 12 ly 7, gọi Trung lại cùng quan sát, quên hết cả những tiếng chiu chiu răng rắc. Trong cái mịt mùng ấy tôi không thể biết đâu là địch, đâu là ta. Rồi những tiếng la hét òa ra, chúng tôi nhìn nhau, mất rồi! Tôi và Trung xịu lại lo lắng, Anh Cấp, Hồng...và các đồng đội c5 không biết giờ số phận ra sao? Trực tay cầm AK ở đâu chạy về nhẩy bổ xuống hào cùng chúng tôi quan sát ( Trực đang ca gác, bỏ vị trí sang bên cối 82 tán dóc, pháo bắn dữ quá không về được), thế mà tôi cứ nghĩ nó bị sao rồi.
Pháo sáng lúc này đã giảm, thấy địch bắt đầu chạy lên, chạy xuống. Chúng tôi quyết định nổ súng, Trực quan sát hỗ trợ tôi xác định mục tiêu, Trung lắp đạn còn tôi điển xạ dài vào đám địch đang chạy, mỗi lần súng nổ chúng lại lao người nằm rạp xuống, ngưng bắn lại vùng chạy. Sang băng thứ 2, mới được vài loạt, thì súng không nổ, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào tôi lại khóa chốt an toàn ( sai thao tác), vừa nhấc tay ra thì súng lại nổ, hóc. Chúng tôi trải cái tăng dưới lòng hào , tranh thủ ánh sáng của pháo sáng hì hục chữa súng.
Xoẹt..u ù, tai tôi ù đặc, chúng tôi lao vào hầm, ụp u ù căn hầm chúng tôi lộc xộc rung chuyển, đất cát, khói bụi nồng nặc...Cửa hầm phía sau bị sập, bên ngoài cây cối ngụy trang xơ xác nghiêng ngả chỉ chân pháo vẫn đứng ngay ngắn như chẳng hề gì. Giá tì vai để ở cửa phía sau gãy đôi, thiệt hại chỉ có thế.
Sửa xong súng thì trời bắt đầu sáng, tôi đi theo giao thông hào về hầm bên triền đồi phía sau ( so với hướng địch) thì gặp anh Hồng tiểu đoàn phó từ dưới bờ sông đi lên. Anh phổ biến quyết tâm của trung đoàn lấy lại 61, giao nhiệm vụ cho chúng tôi xong, anh lại đi sang bình độ 50 bàn phối hợp chiến đấu với K2.
Đỉnh 61 bắt đầu xuất hiện những cụm khói của pháo ta, tôi quay súng sang đồi DK làm vài điểm xạ dài cho bõ tức, hôm qua nó làm tụi tôi xém chết, nhờ trời súng hỏng mà thoát. Rồi quay sang sườn trái 61 điểm xạ khống chế con đường lên xuống của địch. Thằng DK lại bắn đại liên sang chúng tôi, lần này chúng đọ làm sao được với 12 ly7. Tôi lại quay sang áp đảo chúng, nhất địch không cho khẩu DK 90 chúng nó kịp làm gì. Thọ bạn đồng hương thân thiết với tôi, lính c5bb đang chốt mỏm bên cũng chạy sang xin bắn ké, tôi nhường cho Thọ bắn, rồi những anh em khác tôi cũng cho thay nhau bắn. Pháo chuyển làn đã thấy xuất hiện những đám nổ nhỏ, Xung kích ta lên nhanh quá. Tôi thấy địch chạy rất nhiều xuống đồi, rê nòng theo bắn được vài loạt thì Thọ giật lại bảo :" Đừng bắn nữa, nhỡ bộ binh truy kích ". Thật có lý, tôi cho chuyển sang khống chế tiếp thằng đồi DK.
Thế là sau hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tôi chiếm lại được điểm cao 61, chưa biết tổn thất 2 bên ra sao nhưng bắt sống 8 tù binh. Hôm sau Thọ c5bb mò sang 61 thăm anh em cùng đại đội bên đó về có kể lại, hầu hết số anh em giữ chốt của ta hy sinh, anh Võ c phó c5 bị tụi nó chặt mất đầu ( vì anh ấy cao to, râu quai nón trong oai về như vị tướng ). Thọ còn kể :
_Không hiểu sao khám xác thằng địch trước khi chôn lại thấy bao thuốc Điện Biên còn 18 điếu, nó lấy ở đâu ra nhỉ ?
Chúng tôi suy đoán chắc chiều qua anh Võ mang sang chưa kịp phát cho mọi người, đau quá! các đồng đội còn chưa kịp hút một điếu thuốc thơm.
Rồi chúng tôi chuyền tay nhau xem một lá thư lính ta lấy được của một thủy quân lục chiến chết trận. Tôi đọc xong mà thấy buồn ghê gớm, đến hôm nay tôi vẫn nhớ nội dung bức thư đó. Lá thư đẫm nước mắt của người chi gái ở Nha Trang gửi cho em trai mình. Chị ân hận như người mang tội vì không thay cha mẹ lo được cho em thoát khỏi quân dịch. Nhà nghèo quá lại mồ côi cha mẹ.
Chị đâu biết em trai mình giờ đây đã vĩnh viễn nằm lại ở một khúc hào nào đó trên điểm cao 61, quả là chiến tranh đâu chỉ là chuyện của những người lính với nhau...
Còn chuyện này nữa, sau trận đánh một lần về đại đội, chính trị viên Sen nói với tôi :" Sao mi là số 1 mà lại toàn để cho thằng Thọ c5 nó bắn ". Tôi trả lời :" Bắn bộ binh thì ai bắn chả được, lúc ấy tai em ù lắm, bắn nhiều hơi buốt. Nhưng sao anh biết em cho thằng Thọ bắn???". Chính trị viên chợt nhận ra điều gì đó, xua tay và cười ý cho qua.
Tôi nghĩ, sau trận đánh lúc ăn trưa có người trong tiểu đội trách tôi là không cho anh ta bắn mà cho Thọ bắn nhiều hơn người khác, chắc ông tiểu đội trưởng nghe được. Thế đấy! Công việc duy nhất của tiểu đội trưởng chúng tôi trong một trận đánh là thế đấy. Chán quá!!!

NHỮNG NGÀY CHUẨN BỊ CUỐI CÙNG
Khối lượng công việc khổng lồ từ trinh sát nắm địch, lót ổ dưới đồng bằng, làm trận địa, làm đường các loại và bảo đảm hậu cần v.v.. đã được những người lính e4 làm cật lực ngày đêm hàng tháng nay. Đặc biệt là những ngày cuối cùng, gần như cả trung đoàn thức trắng.
Mặt trận đồng bằng : Tiểu đoàn 1( đơn vị cũ của tôi ) đêm 7/3 các c bộ binh bắt đầu tiếp cận các vị trí ém quân. Anh em c7 là đại đội trợ chiến, trước đấy đã cùng anh em bộ binh và lực lượng địa phương bí mật chuyển một lượng lớn đạn dược cần thiết cho cuộc chiến đấu sắp tới. Một đêm xuống, một ngày dấu mình trong hầm bí mật, một đêm lên, cứ thế những thùng đạn được chuyển xuống đồng bằng , được cất dấu kín đáo dưới các luống khoai lang, những trảng cát. Cùng tham gia mặt trận đồng bằng Phong_ Quảng còn có K10, như vậy xuống đồng bằng hướng bắc Huế ta có 2 tiểu đoàn chủ lực.
Ở giáp ranh, cùng tiểu đoàn 2 đánh Phổ Lại còn có một số khẩu đội DKZ82 của d1 và các đơn vị hỏa lực của trung đoàn, của quân khu.Tôi được nghe phổ biến tổng cộng có tới 53 khẩu pháo các loại , trong đó có rất nhiều pháo bắn thẳng.
d3 tiếp tục giữ địa bàn Phong Sơn và làm dự bị cho tiểu đoàn 2 (đoạn này là tham mưu con đấy nhé, vì còn đơn vị nào khác nữa đâu)
2 tiểu đoàn dưới đồng bằng, 2 tiểu đoàn ở giáp ranh, quân số chúng tôi không có gì thay đổi khi vào chiến đấu ngoài việc QK tăng cường các đơn vị pháo lớn.
Đêm cuối cùng chúng tôi mới được phép kéo pháo vào trận địa. Giúp chúng tôi kéo pháo có một số anh chị em cơ quan địa phương Phong điền. Còn cách trận địa chừng non một cây số thì địa phương ra về, chỉ còn lính c15, mọi người bảo đấy là nguyên tắc bí mật ( chắc họ sợ địa phương có thể bị cài lính kín của địch). Chúng tôi lần lượt đưa từng khẩu một vào trận địa, đạn đã chuyển vào từ mấy đêm trước, tất cả đã đầy đủ chỉ duy nhất kính ngắm là chưa có. Nguyên do là khi nhận 2 khẩu đầu, lính ta không nhận đồng bộ, cứ nghĩ đơn giản nhận 2 khẩu sau sẽ lấy kính ngắm về một thể. Ai cũng lo lắng sốt ruột , trông chờ từng phút xe kéo 2 khẩu pháo kia vào. Nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương án đánh không kính ngắm.
C trưởng Tầm lấy đưa tôi một tờ giấy 5 hào 2, cái bút chì, anh bảo tôi vẽ phác cứ điểm Phổ Lại. Anh chỉ cho tôi từng mục tiêu để tôi đánh dấu lại ghi thứ tự, đánh số thống nhất từng mục tiêu với nhau. Tôi đếm từ dưới lên tổng cộng 13 mục tiêu kể cả khu A. Tôi được trang bị thêm một máy điện thoại quay tay đấu nối tiếp với khẩu của Lang Khùn. Anh cũng hướng dẫn cách phát hiện dây bị dứt ở xa hay gần và phổ biến cách nối dây cho anh em. Thông tin họ đảm nhiệm trục chính, còn lại chúng tôi phải tự bảo đảm thông suốt đến chỗ mình. Sau đó kiểm tra lại việc ngụy trang, nằm chờ giờ nổ súng.

TRƯỚC GIỜ G
Trước giờ nổ súng, người lính nào không hồi hộp căng thẳng. Mấy ông lính mới còn là háo hức nữa, chỉ ít phút nữa thôi họ sẽ thành những chiến binh thực thụ, một dấu ấn trong đời lính. Trong họ có người trầm tư, cũng có người vui vẻ luôn miệng hỏi : anh ơi ! ....là thế nào? v.v.. Nhưng tất cả họ đều hướng tới giờ nổ súng và đầy tin tưởng vào thắng lợi.
Với tôi, dù đã qua vài trận đánh trước đó, không hẳn là hồi hộp bởi ít nhiều tôi cũng đọc được diễn biến cơ bản của trận đánh, cũng hình dung được những tình huống có thể sẽ diễn ra, kể cả những mất mát, tổn thất. Song, dù sao đây cũng là một trận đánh lớn đối với tôi, không phải là một trận đánh đơn lẻ mà nó nằm trong chuỗi những hoạt động chung của cả Trị Thiên. Thứ nữa, lần này tôi là anh lính pháo binh cũng vất vả nhưng phải thú thật chưa thể sánh được với bộ binh. Ém quân cả ngày trời dưới cái nắng miền Trung gay gắt, cách địch có 600m chúng tôi phải hạn chế hoạt động kể cả đi lại, nhưng vẫn còn có những bóng mát mà nấp còn bộ binh ở phía trước chúng tôi gần địch hơn, mọi hoạt động khó khăn gấp bội. Tôi nghĩ đến ngay việc hút điếu thuốc lào với họ cũng không đơn giản..Tôi vẫn thường xuyên theo dõi các động tĩnh của địch phía trước, dù đã để ý quan sát nhưng không phát hiện thấy bộ binh mình ở chỗ nào, quả là họ giấu quân rất tài.
Tôi cũng không tưởng tưởng nổi những đồng đội d1(K15) của tôi dưới đồng bằng họ sẽ làm thế nào để dấu mình trên những trảng cát nóng bỏng, hiếm lắm mới có vài bụi cây nhỏ. Thế mà họ vẫn giữ được bí mật đến tận lúc nổ súng.
Theo tôi thì từ đêm 7/3 thực sự đã bước vào trận đánh. Hàng ngàn chiến sĩ lặng lẽ trong đêm bí mật tiếp cận các vị trí xuất phát, ém sát ngay đồn địch chót lọt đã là một chiến thắng quan trọng, đặc biệt là ở dưới đồng bằng.
"Sau này , khi đã hồ hởi tay bắt mặt mừng gặp lại nhau ở Huế giải phóng, chúng ta mới thấy hết giá trị của những bước chân khởi đầu trước giờ nổ súng hôm ấy.Bây giờ không làm sao diễn tả được hết những bước chân khởi đầu của các đơn vị......
....Các chiến sĩ trung đoàn 4 đã phải bí mật giấu quân cả ngày dưới chân đồi cách vài trăm mét ngay trước cứ điểm Phổ Lại để gần chiều, nổ súng."
Trích trong_Bắc Hải Vân xuân 1975.
Quả là bác nhà văn Xuân Thiều đánh giá thời đoạn đó thật xác đáng.
Lại nói về hồi hộp, thực sự là tôi không hồi hộp như thủa ban đầu mà có chút gì đó nóng lòng trước vị trí chiến đấu mới của mình và cũng muốn xem cái uy lực, hiệu quả của loại vũ khí "mới" này ra sao(?). Lo lắng một chút vì mãi đến chiều mà vẫn chưa có kính ngắm.
Trong lúc chờ đợi, tôi hướng dẫn anh em cách ngắm qua nòng : là điều chỉnh cho mục tiêu nằm chính giữa nòng pháo, sau đó nhích tầm lên tùy theo cự ly của mục tiêu. Trường hợp cụ thể ở đây các mục tiêu có cự ly gần như nhau nhưng nhích tầm lên bao nhiêu thì chưa xác định được. Để chắc ăn (không đấm vào lưng bộ binh), tôi cho đưa mục tiêu về mép tiếp tuyến dưới của nòng pháo và khi có hiệu lệnh nổ súng phải làm sao bắn đầu tiên, dù biết điều này là bất lợi cho mình. Bắn sớm tôi sẽ không sợ lẫn điểm nổ với các loại pháo khác , có như vậy tôi mới xác định được tầm bắn chính xác cho các mục tiêu.
Nắng đã dịu dần và mặt trời đã chếch về hướng Tây, đoán chừng chẳng bao lâu nữa là đến giờ nổ súng, tôi cho anh em ngắm vào mục tiêu số 1, NẠP ĐẠN.

Ngày mở đầu chiến dịch của trung đoàn Phong Quảng, xin bắt đầu từ ký sự của nhà văn Xuân Thiều.
_Ở Phong Sơn (tây - bắc An Lỗ) hồi 16 giờ 30 chiều 8 tháng 3, trung đoàn 4 nổ súng đánh chiếm Phổ Lại ( điểm cao 54 và 57 do tiểu đoàn 130 bảo an thuộc quyền chỉ huy của lũ 147 thủy quân lục chiến, chiếm giữ).
Đây là hướng phối hợp quan trọng,địch đã chú ý tăng cường phòng thủ, nên ta sử dụng một cường độ pháo đáng kể làm địch càng bối rối,nghi hoặc về hướng tiến công chủ yếu của ta. Pháo trong trận này ngoài 37 ly, 12,7 ly hạ nòng bắn trực tiếp những điểm xạ dài còn có các loại cối 82 ly,DK82,pháo 85,cối 120 ly,pháo 152 ly.Bởi thế sau 30 phút bắn phá hoại,40% công sự của địch đã bị phá hủy.
Lượng lượng xung kích được dùng đánh Phổ Lại là tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 4 bộ binh ( còn một tiểu đoàn khác đột nhập xuống đồng bằng đánh các vị trí Trung Kiều, Sơn Tùng hỗ trợ các đội vũ trang công tác diệt các ôn,phát động quần chúng).
Trận Phổ Lại diễn ra vô cùng gay gắt,ác liệt.Thoạt đầu từ ngày 6 tháng 3 ta đã bí mật đưa pháo lên các điểm cao có lợi để dễ dàng bắn áp chế địch, và nhất là trong đêm 7 tháng 3 ta đã ém được hàng tiểu đoàn bộ binh vào sát địch vài trăm mét, bí mật và bất ngờ.
_ 16 giờ 30 ngày 8 tháng 3, các cỡ pháo ta bắt đầu bắn phá hoại vào Phổ Lại, Cùng lúc ấy một lực lượng bộ binh tiến công một số điểm lẻ ở Cổ Bi, Thanh Tân,diệt 3 tiểu đội địch gây cho địch hoang mang.
_ 16 giờ 50 , Pháo địch từ Đồng Lâm, Từ Hạ,Yên Bầu, Hiệp Khánh bắt đầu phản ứng, bắn về tuyến Ồ Ồ, Thanh Tân.
_ 17 giờ , pháo ta thôi bắn.Xung kích bắt đầu xung phong trên ba hướng, có hỏa lực đi kèm: trung liên, B40,B41 chi viện.
_ 17 giờ 15 , sau khi dùng thủ pháo, tiểu liên tiêu diệt từng ụ súng,từng công sự của địch,hai hướng quân ta gặp nhau, hoàn toàn làm chủ một khu vức gọi là khu A và một số mục tiêu khác, chỉ còn mục tiêu số 13.
_ 17 giờ 30 ,tiếp tục công kích mục tiêu số 13, nhưng quân địch_ số sống sót đã dồn về đây, chống cự quyết liệt, nên ta đành dừng lại. Từ đây cho đến suốt đêm 8 rạng 9 tháng 3 ta tổ chức 4 lần tiến công đều không dứt điểm được.
Cũng trong đêm ấy tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 4 hoạt động ở đồng bằng đã tập kích tiêu diệt 2 vị trí Trung Kiều và Sơn Tùng, sau đó tổ chức chốt lại cho quần chúng nổi dậy.

Loạt cao xạ 37ly xé tan bầu không khí tĩnh lặng, sự tĩnh lặng bị dồn nén như được mở bung ra. Hiệu lệnh nổ súng đã phát, tôi hô nhỏ vừa đủ mọi người trong khẩu đội nghe:
bắn!
Păng ằng ! Khâu canon chồm lên, lá ngụy trang rơi lả tả, đầu nòng pháo dựng lên một cột khói trắng mờ. Cả tiểu đội căng mắt mà không thấy điểm nổ đâu. Có ai đó nói " đạn tìm chim rồi, anh ơi !".
Quái lạ, không lẽ..Chợt nhớ ra tốc độ đầu nòng là 720m/s, gấp đôi tốc độ đầu nòng của AK, tôi bảo Trọng ( số 1) ngắm vào chính giữa một mục tiêu ở lưng chừng điểm cao, không chỉnh tầm nữa, bắn thử phát nữa xem sao.
_Báo cáo nòng tịt ! Trọng hô lên
Tôi quay sang nói:" Cái thằng này, tịt là tịt thế nào???." Gạt Trọng ra tôi nhìn vào nòng pháo, đúng là "tịt" thật, khói quện đặc kín trong nòng không làm sao nhìn được. Tôi hô anh em lấy thông nòng đẩy khói ra và tôi bắt đầu điều chỉnh tầm hướng vào mục tiêu mới ( toàn bộ thao tác phải có hỗ trợ của đồng đội, chỉ khi chỉnh tinh thì một mình tự làm, chỉ sử dụng được tay trái). Quả đạn thứ hai phóng đi, trúng ngay mục tiêu, lần này không những thấy điểm nổ mà nhìn rõ cả luồng lửa đỏ viên đạn bay để lại. Lúc này hơn 50 khẩu pháo và cối của ta bắt đầu rộ lên, lửa trùm lên cứ điểm Phổ Lại. Đất đá, các vật dụng trên cứ điểm bay tung lên trời cùng lửa khói. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một trận bão lửa dữ dội như thế.
Còn khẩu chúng tôi, Bắt đầu từ phát đạn thứ 2 chúng tôi ngắm đâu chúng đấy, cứ mỗi mục tiêu 5 viên, đạn lao như hút vào mục tiêu và những chớp lửa sáng lên. Cứ thế, chúng tôi di chuyển mục tiêu theo thứ tự định trước. Bắn được hơn ba chục quả thì một bên càng pháo bị bật lên,bực quá! đành phải dừng bắn để làm lại thiết bị pháo ( một bài học nữa cho công tác chuẩn bị). Mọi người lao vào người xẻng, người cuốc chỉ một thoáng là xong, đúng là vào hoàn cảnh ấy ai cũng sốt ruột, tự cảm thấy có lỗi muốn sửa, nên mới nhanh được như vậy.
Lúc này địch bắt đầu bắn vào trận địa chúng tôi, đạn nổ xung quanh trận địa, những tiếng nổ chát chúa dội vào tai . Tôi đứng sát vào tấm lá chắn, giúp Trọng thao tác mỗi khi thay đổi mục tiêu, anh em ngồi áp vào vách trận địa để tránh mảnh pháo, ôm quả đạn sẵn sàng nạp. Chúng tôi vẫn tiếp tục bắn mặc cho địch phản pháo tới tấp. Đúng lúc ấy Toàn đưa tôi điện thoại, anh Tầm hô : " bỏ qua các mục tiêu, cấp tập vào khu A". Cho anh em bắn vào khu A, tôi cầm điện thoại, mắt quan sát các mũi bộ binh của d2 đang lao lên trong lửa đạn, tiếng thủ pháo ùng oàng xen lẫn tiếng pháo, tiếng nổ AK của bộ binh không nhiều, địch kháng cự yếu ớt. Anh Tầm lại hét lên trong điện thoại :" Ngưng bắn! Ngưng bắn". Ôi chao ! Nhanh lẹ vậy. Ngưng bắn, chúng tôi dọn đống cát tút vàng chóe xếp vào một hố nhỏ rồi phủ lá cây lên. Tranh thủ củng cố lại thiết bị pháo kỹ hơn để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.
Một người lính trinh sát trung đoàn chạy sang, nhờ chi viện người cáng thương binh. Tôi cử 2 người sang giúp họ, khi hỏi bị thương ở đâu, người lính trinh sát trách nhẹ tôi :" Các ông bắn sớm quá, nó bu vào phản pháo, làm chúng tôi bị mất người." Lúc bấy giờ tôi mới biết đài quan sát của trung đoàn cũng đặt ở quanh đây và có lẽ người thương binh đầu tiên là lính trinh sát của trung đoàn.
Tôi nghe thấy tiếng chân chạy rầm rập, chắc của lính vận tải mang đạn và cây lên củng cố trận địa. Rồi những thương binh nhẹ tự đi xuống, sau nữa là những cáng thương nhưng lần này không nhiều. Vậy là trận đánh mở màn cơ bản thuận lợi.
Với chúng tôi trận đánh coi như kết thúc, một trận đánh không kính ngắm của pháo binh Việt Nam trong năm 1975. Tôi nghe pháo binh ta thời chống Pháp đã có nhiều trận đánh như thế, lúc đó là do ta nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Còn với chúng tôi khi ấy, để phải đánh như vậy lại do sai sót của chính chúng tôi. Một bài học nhớ đời không chỉ trong chiến tranh..Tối anh Tầm điện xuống động viên, anh bảo trên đánh giá đại đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Tôi nghĩ : Họ có biết chúng tôi đánh trận này thiếu kính ngắm không nhỉ ? Mà chả thấy bác Xuần Thiều nhắc đến tí nào ..he he tủi thân quá.

Ngày 9/3. Từ những dòng ký sự của nhà văn Xuân Thiều
Ngày 9 tháng 3 hồi 7 giờ 15. Pháo địch ở các nơi tập trung bắn vào Phổ Lại trong hai giờ liền. Ta chuẩn bị cho C17 và C5 đánh bọn phản kích.
_9 giờ 15, lực lượng phản kích của địch gồm 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến và 2 chi đoàn xe bọc thép tiến vào giải tỏa cứ điểm Phổ Lại. Ta đã khéo phục kích bắn cháy 1 xe tăng, tiêu diệt trung đội địch đi đầu, buộc địch chùn lại.
9 giờ 30, địch điều 1 đại đội cũng thuộc tiều đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến nữa đến. Lực lượng địch bây giờ có 3 đại đội bộ binh cùng với 19 xe thiết giáp và xe tăng.Từ đó đến hết ngày 9/3 địch huy đông 14 lần chiếc A37 ném bom, kết hợp pháo chi viện , tổ chức hang chục đợt phản kích, đều bị ta đầy lùi.Trong lúc đó , hồi 15 giờ 45 ta lại chiếm thêm khu B, mở rộng bàn đạp bẻ gãy hoàn toàn một hướng phản kích của địch.
Hồi 23 giờ đêm 9/3 một lực lượng của ta lại tập kích diệt một tiểu đội địch ở Bắc sông Tứ Chánh , ngoại vi cứ điểm Phổ Lại.

Bắt đầu một ngày chống phản kích, lúc này mục tiêu chính diện gần của chúng tôi không còn nữa, chỉ còn lại những mục tiêu ở xa và nhiều khi phải bắn gián tiếp. Pháo địch bắn phá dữ dội lên Phổ Lại sau chuyển làn vào các trận địa pháo của ta. Mấy ông 85, 152 nhà mình cũng đấu lại ầm ầm, chúng tôi ngồi trong hầm chịu trận và chờ lệnh. Địch bắn dày tập trung xung quanh trận địa làm đường dây dứt liên tục, chúng tôi thay nhau đi nối không kịp và có cảm giác như mình là lính thông tin vậy.Cứ sau mỗi loạt pháo là tôi lại kiểm tra máy, quay thấy nhẹ là biết dứt gần đâu đây, nặng nặng chút là xa.
Phải nói thật khi ấy đi nối đường dây lại là nguy hiểm nhất vì đạn phản pháo của địch chủ yếu rớt xung quanh trận địa, địa hình trống trải chẳng có lấy một cái rãnh nào mà núp. Tất nhiên tôi chỉ cho anh em đi khi pháo ngừng, nhưng khi đi nó mới bắn thì đành chịu.
Chuyện cũng đã lâu, đến nay tôi không nhớ căn nguyên vì sao??
Lại mất liên lạc, tôi cử Hoa ( một tân binh Thanh Hóa) đi kiểm tra và nối lại, cậu ấy đi lâu quá không thấy về làm tôi đã lo lo. Chuông điên thoại reo, tôi mừng quá vì chắc Hoa đã hoàn thành nhiệm vụ. Cầm máy thấy giọng Lang Khùn :" Hoa vừa bị pháo nó dập cho, giờ cu cậu sợ quá không giám đi về nữa". Tôi nói với Khùn để tôi xuống đón cậu ấy, Khùn không phải lên. Sang khẩu của Khùn thấy quần áo Hoa lấm toàn bùn đất, mặt tái mét, tôi nói vui :" Không chết là giỏi rồi, đúng là cậu được trời cứu !" Hoa vẫn ngồi lặng, chưa hết run. Tôi ngồi chơi bên khẩu đội Khùn thêm một lát rồi hai anh em ra về. Tôi nhìn cái rãnh toàn bùn và những hố pháo xung quanh, phải thừa nhận cậu ta rất may mắn. Như thế ai mà không sợ nhất là lính mới lần đầu ra trận. Tôi nói :" Trước anh còn run hơn mày khi chỉ mới nghe tiếng pháo, dần rồi nó quen đi"
Quả là sau cái lần đó, Hoa nghe tiếng pháo bình thản hơn anh em khác. Hết chiến dịch tôi đi công tác về thấy Hoa buồn xỉu hỏi ra mới biết Hoa bị trên gạt danh sách được bằng khen. Tôi chạy lên đại đội chất vấn và khảng định Hoa hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí còn hơn nhiều người khác. Cuối cùng Hoa cũng được khen thưởng xứng đáng với mình.
Năm ngoái có việc đi qua Quảng Xương,Thanh Hóa gặp lại một số anh em cũ mới hay Hoa đã hy sinh ở Lạng Sơn khi cùng trung đoàn 4 chiến đấu ở biên giới phía Bắc.
Cả ngày đánh phản kích, đến tầm chiều các trận đánh mới dịu đi thì có chuông điện thoại. Đầu dây bên kia là trưởng ban pháo : ra lệnh bắn cầm canh vào mục tiêu x ( tôi chẳng nhớ mục tiêu này). Bước ra khỏi lán thấy trên đầu có chiếc OV_10 đang lượn , nhưng tôi vẫn cho anh em chuẩn bị bắn. Vừa lúc anh Lý Công Chất (b trưởng) đến thăm, thấy anh em đang thao tác bắn, anh hô dừng lại. Nhìn tôi anh nói :" Máy bay trinh sát địch trên đầu thế kia cậu định bắn cái gì??".
Sau khi nghe tôi báo cáo anh nói :" Bắn cầm canh thì lúc nào bắn chả được, không theo qui luật mà, thôi lát nữa hãy bắn."
Chừng 5 phút sau có chuông điện thoại, chính trị viên nói:" Lệnh bắn mà sao không bắn hả???." Tôi trình bày lại tình hình, chính trị viên nói:" anh chống lệnh hả?" Tôi đưa ngay máy cho anh Chất và đi ra khỏi hầm, đến đứng bên cạnh khẩu pháo. Hai ông to tiếng một hồi, anh Chất đi ra mặt đỏ gay, nói với tôi bắn thì bắn. Chúng tôi ngắm vào cọc chuẩn, làm các thao tác bắn gián tiếp vào mục tiêu nào đó ở rất xa.
Tiếng pháo vừa dứt, thằng OV_10 đã vè vè lượn tới, Xoẹt! một vệt khói trắng lao ra từ máy bay, rơi ngay trước trận địa. Lập tức đã thấy tiếng ầm ầm của thằng A37, nó lao thẳng xuống trận địa chúng tôi. Tôi hô anh em chạy vào hầm. Xoẹt ! Xoẹt ! u u u. Căn hầm như lồng lên . Anh Chất nhẩy ra khỏi hầm hô to :" Chạy theo tôi". Chúng tôi vọt ra khỏi hầm chạy bán sống bán chết . Khi chạy, tôi nghe nhiều tiếng nổ đầu nòng "thùng thùng" xung quanh dưới mặt đất, trên trời ran dài những tiếng lục bục, tôi biết cao xạ mình lên tiếng. Chiếc A37 không dám xà xuống nữa, cắt loạt bom vu vơ rồi bỏ chạy. Chúng tôi chạy trở lại, trận địa còn nguyên vẹn, bom địch bị hất ra xa . Cảm ơn lính cao xạ...
Thực sự nếu không có anh Chất ở đấy thì tôi cũng chưa đủ từng trải để hô anh em chạy. Trường hợp không có anh em 37ly rất có thể loạt bom thứ 2 sẽ trúng trận địa, sử lý như anh Chất thật thông minh, tránh được tổn thất về người một cách không cần thiết. Sau này khi ngồi với nhau bình xét thành tích chiến đấu trong ban chỉ huy đại đội cũng đã tranh cái nhau về vụ việc này, cuối cùng đa số đều cho rằng tôi và anh Chất không sai.

Từ những dòng ký sự của nhà văn Xuân Thiều
Ngày 10/3
Ngày 10 tháng 3 năm 1975 . 5 giờ sáng địch điều thêm tiểu đoàn 60 thuộc liênđoàn biệt động 15 đang huấn luyện ở Phú Bài ra tăng viện, đứng chân ở Kiểm Lâm.Cùng với lực lượng tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 7 thuộc lữ 147 thủy quân lục chiến đãđứng chân ở Định Kỳ, Đông Lâm, chúng chuẩn bị phản kích và ngăn chặn hành langcủa ta từ giáp ranh về đồng bằng.
Từ 10 giờ đến 17 giờ, địch tổ chức 17 đợt phản kích từ hướng đông và tây bắclên để tái chiếm khu A ( Phổ Lại). Quân ta vẫn dũng cảm đầy lùi hết đợt này đếnđợt khác, nhưng do mật độ phòng ngự khá dày đặc, thương vong của ta không phảiít. Tình hình trở nên khá căng thẳng, bộ chỉ huy cánh Bắc ra lệnh cho trungđoàn 4 chỉ để lại lực lượng nhỏ để cảnh giới, và hỏa lực khống chế Phổ Lại, còntất cả rút về vị trí củng cố.
Ngày 11/3
Ngày 11 tháng 3 . Suốt ngày ta vẫn đánh phản kích, tuy không mạnh mẽ nhưtrước.Đến 4 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 1975, ta gài mìn lại và rút hẳn. TrậnPhổ Lại đến đây coi như kết thúc. Ta đã tiêu diệt trên 500 tên địch, đắc biệtcó hai đại đội hầu như bị diệt gọn (Đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 130 bảo an và đạiđội 4 thuộc tiểu đoàn 4 lữ 147 thủy quân lục chiến)

Suốt 2 ngày 10 và 11/3 chúng tôithỉnh thoảng vẫn bắn chi viện cho bộ binh đánh phản kích nhưng hầu hết là bắngián tiếp. Vị trí đặt pháo không phù hợp cho đánh phản kích, các mục tiêu bịthu hẹp, tầm bắn xa hơn và hướng bắn bắt đầu ra ngoài xạ giới cho phép ( 54độ). Mỗi lần bắn phải xoay cả khẩu pháo và làm lại thiết bị càng từ đầu, rấtkhó khăn.
Do trước đó bắn nhiều, mỗi lần pháo chồm lên,chỗ bánh pháo lại lún một tí, lâu dần hai bánh pháo nằm lọt trong hố. Để xoaypháo, chúng tôi phải nhờ số anh em địa phương gần đó hỗ trợ. Giúp đỡchúng tôi xong họ nói :" Bắn thì bắn cho ra trò đi, thỉnh thoảng phát một thếnày nó phản pháo làm chúng tôi suốt ngày chạy xuống hầm, ngủ không yên."
Mới hai ngày mà cứ điểm Phổ Lại như biến dạng,mặt đồi đỏ ối, tiếng súng vẫn vang rền. Thương binh ngày về càng nhiều, rõ rànglúc này chúng tôi đang rất khó khăn. Nghe một số thương binh nhẹ qua trận địanghỉ uống nước kể lại, công sự , hầm hào trên đó bị pháo phá hỏng khôngkịp củng cố, trong điều kiện đó làm sao tránh được thương vong nhiều.
Tiểu đoàn 2 hao hụt nhiều về quân số, tiểuđoàn 1 chiến đấu dưới đồng bằng tình thế khó khăn không kém. Tiểu đoàn 3 hôm mởmàn có đánh vài trận tập kích nhỏ ở Cổ Bi, Tứ Chánh quân số đủ ( mỗi đại độikhi ấy chỉ khoảng 50 tay súng) nhưng phải căng ra giữ tuyến bắc sông Bồ và tâyPhong An.
Sau này tìm hiểu thì được biết , trênhướng chúng tôi còn có trung đoàn 46 mới từ ngoài Bắc vào, thế chân trungđoàn 9 ở Ba Lòng ( đến chỗ chúng tôi mất 2 ngày đường đi bộ). Việc quân khu sửdụng lực lượng này phải được phép của Bộ.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 11/3, anhTầm gọi điện, lệnh cho tôi bắn cấp tập vào khu A. Buồn quá, hình ảnh trậnđánh 61 năm ngoái lại hiện ra, lại một lần nữa tôi phải nã đạn vào nơi cách đâyvài phút vẫn còn đồng đội của mình. Hàng chục quả đạn lao vun vút với tốc độbắn nhanh hơn cho đến khi có lệnh ngưng. D2 chiếm lại được khu A nhưng nghechừng rất oải rồi.

Đến tối, chúng tôi có lệnh rút, bắt đầu kéo pháo ra. Chúng tôi dồn người kéo khẩu của Khùn ra trước, khẩu của tôi ra sau, đến gần sáng mới về đơn vị . Tôi ngủ một mạch tới gần trưa mới tỉnh, ra suối nước nóng tắm ngâm mình cho đã. Lúc bấy giờ tôi đâu biết được tác dụng của nước khoáng Thanh Tân nó thế nào, chỉ biết gặp nước ấm ghét bở rã từng tảng. Mang bộ đồ lính lên đỉnh đồi ngâm vào các vũng nước từ trong đất đùn ra, nóng rấy tay, tính "sát trùng" sau mấy ngày trận mạc. Nhìn về đồng bằng, thấy 4 chiếc trực thăng vũ trang đang quần đảo, bắn rốc két liên hồi nghe mà sốt ruột. Biết anh em K15 cũ của mình giờ này đang chịu trận, lo lắng. Sau này mỗi năm, đến ngày 27/7 đi thăm các gia đình liệt sĩ của đơn vị tôi tại Hà Nội, thấy hầu hết liệt sĩ hy sinh ở đồng bằng năm đó đều ghi ngày 12/04/1975.

LÀ NGƯỜI LÍNH KHI ẤY
Bác Xuân Thiều ở phòng tác chiến quân khu, bác nắm rõ tình hình ta địch hơn, đơn vị nào đã đánh, đơn vị nào còn đang chuẩn bị chiến trường, đơn vị nào còn ém quân, án binh bất động mà những dòng bác viết cũng không dấu nổi nỗi buồn xót xa khi ta phải rút khỏi đồng bằng.
Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3 tôi cùng anh em trong tiểu đội" tạm nghỉ chiến đấu" làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, vận chuyển đạn cho khẩu của Triệu, Tuẫn và 2 khâu DK_Z75 chiến đấu ở Cổ Bi và đồi Sỏi. Ban ngày đi làm trận địa mới ở ngầm Ồ Ồ ( phía sau khẩu của Triệu) và "hầm đại tá" chân điểm cao 146 Hòa Mỹ, nơi con đường 71 chạy xuống đồng bằng. Việc làm trận địa ở hai vị trí này là chuẩn bị dự phòng cho các trận đánh phòng ngự. Những ngày này tôi có điều kiện đi lại từ Cổ Bi đến Hòa Mỹ, nghe và gặp được khá nhiều người, biết được ít nhiều tình tình đơn vị, tình hình đồng bằng.
Ở đồng bằng, K15 xé lẻ cùng lực lượng địa phương chiến đấu trên địa bàn rộng, chỉ có vũ khí nhẹ không có hỏa lực. Địa hình lạ, trống trải, cát nhiều hơn đất nên hầm hố rất tạm bợ không chịu nổi hỏa lực địch. Ngược lại địch sử dụng nhiều xe tăng và trực thăng cộng với số lượng bộ binh lớn, áp đảo. Trong điều kiện chiến đấu như thế đội hình tiểu đoàn nhiều nơi bị chia cắt, nhiều phân đội phải chiến đấu độc lập sau đó tự tìm đường lên hậu cứ. Nhiều người lạc và một số bị bắt làm tù binh.
Số anh em bị bắt chủ yếu là ở Q21. Nhiều anh em xuống đồng bằng không nắm rõ được địa danh của địa phương, họ chỉ biết mật danh này. Ở đấy ta có một trạm phẫu thuật do huyện Quảng Điền quản lý. Hầu hết anh em thương binh trong mấy ngày chiến đều đưa về đây. Ngày 12/3 rất nhiều anh em hy sinh tại đây khi địch chiếm được Q21. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa rõ Q21 ngày đó là nơi nào ở Quảng Điền.
Khi quân ta rút về hậu cứ, bộ phận do tiểu đoàn Trưởng Tắc cũng phải mất 3 ngày mới tìm được khu vực vượt quốc lộ 1. Một số anh em kể rằng : địch bít kín đường 1, những chỗ hành lang cũ đều bị chúng chốt chặn, giao liên hầu hết là nữ địa phương dẫn đi lên, lại đi xuống cả đêm không tìm được chỗ vượt an toàn, phải nằm lại chờ đêm sau. Lính ta sốt ruột mắng , có thương binh còn dọa bắn...tình thế căng thẳng quá mà, sau này nhiều anh em cảm phục sức chịu dựng của những nữ giao liên địa phương đó.
Tôi có hai người đồng đội Hà Nội trở về hậu cứ một cách đơn độc. Đó là Oánh "trọc" cùng học sinh Chu Văn An với tôi, mãi ngày 16/3 mới lên được đồi Sỏi. Vừa thấy chúng tôi đã vội hỏi :" còn lương khô không? Đưa tao một miếng ". Khi cầm phong lương khô trên tay thì bật khóc, rồi mếu máo nói :" Mẹ chúng nó chứ...đem con bỏ chợ". Chúng tôi cũng ứa nước mắt...Chẳng ai trách Oánh cả, bởi cậu ấy đâu biết những chỉ huy cao nhất của mình cũng không trở về. Trường hợp thứ hai, nghe anh em kể lại là anh Chính, mãi ngày 19/3 khi đơn vị đang chuẩn bị vào đợt 2 chiến dịch mới về được. Suốt một tuần len lỏi một mình vượt qua các chốt của địch, cứ nhằm hướng núi mà lên. Khi nhìn thấy anh em mình ở giáp ranh thì cũng là lúc anh kiệt sức ngất đi. Anh được anh em địa phương đưa về nấu cháo cho ăn, thấy bảo lúc đó nhìn mồm anh ấy xanh lè vì mấy ngày liền chỉ ăn lá cây..
Là người lính khi ấy, chỉ rõ được tình hình đơn vị ai chẳng buồn và bi quan về so sánh lực lượng.
Một lần khác, khi đang làm trận địa ở chân 146, gặp pháo địch bắn, tôi chạy vào một cái hầm chữ A của một đơn vị phía sau của trung đoàn ( hình như là Vệ Binh). Vừa nhảy vào hầm thì giật mình thấy 2 thằng áo răn ri đang ngồi run run. Biết là tù binh tôi hỏi :" tụi mày bị bắt ở đâu?", một đứa trả lời:" dạ, tụi em bị bắt ở Tứ Chánh".
Thấy họ vẫn run tôi đùa :" Run chi vậy, tụi bay ở đây là sống rồi còn gì nữa(?). Tao đây này, mai lại vào trận chưa biết sống chết ra sao đây ".
Vẫn cái thằng hay nói đó trả lời:" Dạ đúng! Tụi em chắc sống rồi nhưng được về gặp ba má chắc còn lâu lắm".
Tôi tò mò hỏi thử, vì cũng muốn xem đối phương họ nhận định như thế nào :" Dạ chắc cỡ 10 năm anh ạ ".
Hết đợt pháo, tôi ra khỏi hầm nghĩ thầm: mấy thằng này dự đoán cũng gần giống mình..
Cũng chính hôm ấy, trong lúc nghỉ ăn tối ở một cái lán của trung đội vệ binh, ở đây anh em vệ binh có cái đài, tôi nghe tiếng chị phát thanh viên tố cáo chính quyền Sài Gòn ném bom vào khu dân cư của thị xã. Mới biết Buôn Ma Thuột đã được giải phóng.
Trở lại mặt trận bắc Huế chúng tôi thời điểm nổ súng cho đến lúc rút từ đồng bằng lên, lực lượng có e4 chúng tôi, K10 tỉnh đội, C3 Phong Điền và lực lượng địa phương hai huyện Phong điền_Quảng Điền.
Phía địch có Lữ 147 TQLC, lữ đoàn thiết xa 20, lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, một bộ phận của liên đoàn bảo an 914, tiểu đoàn bảo an 130 cùng một số đại đội bảo an, các chi phân khu quân sự cùng cảnh sát dã chiến. ngoài ra còn lực lượng dân vệ..
So sánh lực lượng tại chỗ, địch đông hơn chưa kể còn có pháo binh và không quân vượt trội. Dù vậy, e4 và K10 cùng với lực lượng địa phương hai huyện Phong_ Quảng đã làm cho phòng tuyến của địch rung chuyển, khiến địch lúng túng. TQLC không vào được Đà Nẵng để thay sư đoàn Dù, sư Dù không thể về SG hoặc lên Buôn Ma Thuột được. Khi chiến sự xảy ra địch lại phải điều thêm tiểu đoàn 60 biệt động quân từ Phú Bài ra Bắc Huế .Nó như một trận đánh tạo thế, tạo thời cơ cho những đòn đánh tiếp theo, dù chúng tôi đã phải căng ra quá sức và chấp nhận những tổn thất không nhỏ. Chiến tranh là thế và sẽ phải có những đơn vị như thế.

TẦM NHÌN XA HƠN
Sau này tôi mới biết ngay sau lưng chúng tôi có cả trung đoàn 46 mới từ Bắc vào quân số đủ ( một tiểu đội những 10 người) làm dự bị cho e4 và chờ thời cơ . Chẳng dám mạn bàn về việc dùng binh của các tướng lĩnh nhà mình nhưng ví thử e46 tham chiến chắc tình thế sẽ ngon lành, chưa cần phải có tác động của Buôn Mê Thuột. Khi đọc sách của thượng tướng Nguyễn Hữu An thì mới thấy QĐ 2 vẫn còn những đơn vị tăng và pháo tầm xa ở tận Khe Sanh. Như vậy đợt 1 ở Quảng Trị tham chiến có 5 tiểu đoàn, ở Bắc Huế có e4, K10, ở Tây Huế có e6,e271 đánh những trận nhỏ phối hợp, lực lượng còn mạnh, ở Nam Huế e1,e2 của f324 đánh ở Mỏ Tàu. Sư 325 còn đang chuẩn bị, e3 f324 đang từ Thượng Đức ra, các e6,e271,e46 quân số đầy đủ còn chưa vào trận.Còn mạnh lắm!
Thực tế sau khi có Buôn Mê Thuật, e4 dù sứt mẻ nhiều cũng chỉ mất hai ngày ( cũng khá vất vả) là phá vỡ phòng tuyến Bắc Bình rồi lao về cửa Thuận An. Lúc này trên cho sử dụng e46 nhưng chẳng kịp dùng vì mọi sự đã thuận lời nhiều rồi. Sau này e46 đi vào tiếp trong đội hình quân đoàn 2, chẳng biết trên đường vào họ đánh những trận nào(?) nhưng trong chiến dịch Hồ Chí Minh tên của họ lại xuất hiên trong trận đánh cảng Cát Lái ở cửa ngõ phía đông Sài Gòn.

TẢN MẠN CHUYỆN VỀ E46
Làm dự bị cho e4 trong đợt 2 nhưng e46 không phải động binh. Khi chúng tôi được lệnh bỏ pháo lại, nhận DKZ_82 cùng bộ binh đuổi địch xuống Thuận An ,thì e46 di chuyển từ tuyến sau lên. Đến Phong Sơn mấy lính trẻ e46 đã có cuộc " tập trận" làm cháy một khẩu pháo 57 của chúng tôi và mấy km đường dây điện thoại của thông tin. Chuyện là thế này :
e46 có khá nhiều lính mới vừa nhập ngũ sau tết 1975, khi được lệnh tiến xuống đồng bằng, đang trong khí thế Buôn Mê Thuột thắng lớn, Huế vừa giải phóng. Khi qua Phong Sơn thấy còn ngổn ngang chiến trận của hai hôm trước , máu hăng lên họ đốt lửa tạo ra nhiều đám cháy, cỏ tranh cháy lan ra thành đám cháy lớn.Trong cảnh khói lửa, họ tưởng tượng và tái hiện lại trận đánh tại thực địa. Họ xung phong chạy qua những đám cháy và để thêm hoàng tráng các bố mày bắn luôn đạn thât .Cứ từng loạt AK bắn lên trời nổ ran cả vùng , như đánh trận thật.
Đơn vị tôi xuống đến Triều Sơn Đông, Hương Trà ngoại ô Huế được lệnh dừng lại. Địch ở Thuận An hàng hết cả rồi, Tôi lại được điều về Phong Sơn có nhiệm vụ gom pháo ở các trận địa về tập kết ở Ồ Ồ chờ xe kéo xuống biển ( trước khi nhận DKZ-82 theo bộ binh xuống đồng bằng, đơn vị đã để lại mỗi khẩu 1 người trông).Trên đường lên, từ xa đã thấy khói lửa, lại có tiếng súng cứ ngỡ tàn binh địch. Đến Cổ Bi thì thấy Thảo ( lính tiểu đội tôi để lại canh pháo) chạy lại, mặt tái mét. Thảo kêu:" em đi kiếm rau, về thấy lửa cháy vào trận địa". Tôi bảo :" chính xác không, cậu đã thấy tận mắt chưa, mà sao không thấy đạn nổ?" Thảo không trả lời đươc là tôi hiểu, hai anh em chạy về trận địa thì một bên lốp pháo đã cháy, may chưa đến chỗ hầm đạn. Cứu xong pháo và đạn, đang ngồi thở và nghe Thảo trình bày, ăn uống chẳng có gì, định ra mấy chốt cũ của ta xem có quả bí non nào không, cậu ấy còn định sang cả chốt địch kiếm bột ngọt và gạo xấy... Lại tiếng AK, Thảo than :" Tụi e46 mới vào đấy anh ạ, máu lắm ". Tôi lấy khẩu AK ra khỏi lán, điểm xạ cứ hai viên một đến hết băng đạn. Một lúc sau gần một tiểu đội mò vào nghỉ uống nước và hỏi chuyện đánh nhau. Chuyện trò một lúc thì biết họ hầu hết ở Thanh Hóa, Ninh Bình, đến giờ này chẳng ông nào còn đạn, tôi lấy một hòm( 700 viên) cho họ chia nhau và khuyên đừng bắn lung tung nữa, tôi còn đùa :" các ông trận đầu lập công rồi còn gì, hủy một khẩu pháo 57 của e4 ". Các cu cậu cười bẽn lẽn rồi chia tay.

TB: Hôm qua tôi có đọc lướt hồi ký của viên trung úy TQLC thuộc c4,d4 lữ 147, lữ đoàn trực tiếp dụng độ với chúng tôi. Tôi biết có vài bạn đã đọc hồi ký này và tôi cũng sẽ lấy ra dẫn chứng của tôi để các bạn tự nhận xét về những điều anh ta nói. Không biết các bác quản trị có ủng hộ không???

LÍNH THỦY QUÂN LỤC CHIẾN
Về những người lính TQLC, đúng họ là một trong những đơn vị hàng đầu của QLVNCH. Bởi rất nhiều lý do về trang bị ,về bảo đảm tiếp tế và các chế độ khác
....Và điều này cũng làm tôi thắc mắc là từ ngày Sư đoàn tôi ra Quảng Trị, chúng tôi vẫn có những chuyến bay riêng để tiếp tế, tải thương, tải xác... tại sao bây giờ chúng tôi lại phải tải xác qua hệ thống chuyển vận của căn cứ này?
Là lực lượng dự bị chiến lược, đương nhiên họ phải tham gia vào những trận đánh nóng bỏng nhất. Thường những trận đánh như thế bao giờ cũng được sự chi viện tối đa của không quân, hải quân Mỹ. Tham gia nhiều trận đánh cũng sẽ có nhiều trận bị đối phương tẩn cho nên cũng là những đơn vị từng trải trong QLVNCH. Từ trước tôi vẫn biết, với những người lính Sài Gòn họ có phần kính nể lính Dù, TQLC và bản thân lính TQLC cũng có sự kiêu hãnh với săc lính của mình ( hơi quá so với khả năng thực của mình), nhưng cái cách kiêu hãnh như kiểu Cao Xuân Huy còn quá cả những anh hùng màn bạc Holyut. Các bạn nào đã xem hồi ký này chắc cũng đồng ý với tôi rằng anh ta như một dạng người hùng thất thế, từ cái nhìn đó anh ta chê bai, coi thường tất cả, không chỉ đối phương (kẻ thắng trận) mà cả đồng đội, những người cùng chiến tuyến với mình. Làm như chỉ có anh ta và nhóm bợm nhậu của anh ta mới là những người dũng cảm nhất, từng trải lì lợm và thành thạo chiến đấu nhất.
Năm 1974 khi chúng tôi chiến đấu ở Ô Lâu, đối diện với chúng tôi cũng là lính TQLC , nếu tôi nhớ không nhầm là tiểu đoàn 2 Trâu Điên. Trận đánh đó ( đã viết ở phần trên). Lần đó chúng tôi có 2 mũi xung kích, 1 mũi của k15, 1 mũi của k2 tổng cộng chừng 15 người. Khi anh em xông lên chiếm đỉnh đồi, ngoài số bị diệt còn bắt được 8 từ binh, số còn lại rất đông chạy như vịt xuống đồi. Chẳng thấy bóng dáng anh hùng đâu cả.
...Những người lính của tiểu đoàn 2 này không hổ danh với chính cái tên mà Việt Cộng đã đặt cho họ, tiểu đoàn Trâu Ðiên.
Ối dào! Lính mình hơi đâu mà đặt tên cho họ, mà nếu buộc phải đặt , thì gọi là " vịt đàn", chứ Kình Ngư, Hắc Long, Mãnh Hổ gì .. Còn những cái tên nghe dữ dằn thế cũng là cái cách tụi chiến tranh chính trị bơm tinh thần cho họ thôi. Điều này thì tôi không thấy ngạc nhiên vì đã từng được xem nhiều tấm ảnh thu được : Đầu mũ nồi xanh, áo rằn ri phanh ra, quần rằn ri nhiều túi, giày trận bó cao, hậu cảnh là những căn nhà đổ ở Quảng Trị hay lồng sau đó là một điểm cao chiến trận mờ khói súng.
Xin lỗi! Thực sự tôi không có ý coi thường những người thợ, nông dân ,sinh viên và trí thức từng khoác áo lính trong chế độ Sài Gòn cũ. Tôi biết ở đâu, ở đợn vị nào cũng có những người chân chất và thực sự gan góc. Tôi tôn trọng họ, chứ tuyệt nhiên không bao giờ tôn trong cái anh hùng bợm nhậu, và sự lưu manh đường phố theo dạng người hùng kiểu Cao Xuân Huy. TQLC cũng là một đơn vị có tổ chức tốt, bởi thế chiến đấu với họ cũng không hề dễ dàng. Cũng bởi thế tôi chưa tin những gì Cao Xuân Huy nói, dù anh ta nói có đôi chút sự thật nhưng chỉ là cái cớ để lồng hình ảnh cá nhân mình với vẻ dạng ngang tàn, chịu chơi xả láng, bất cần đời nhưng đầy nghĩa khí. Kiểu mẫu của iêng hùng VNCH.
...Tôi chỉ là một người lính, lính của một binh chủng chuyên môn đánh trận và chỉ nhận những người tình nguyện
Riêng điều này, tôi thấy nó mâu thuẫn với những gì tôi gặp trước đó là chuyện lá thư của chị gái người lính chết trận ở 61 và những lúc tiếp xúc với 8 tù binh bị bắt, tôi chưa tin tất cả họ là lính tình nguyện.
VỀ TRẬN ĐỒI 51:
Trả phép chậm, anh ta lý luận thật khiêm tốn
....Thiếu một thằng sĩ quan tại một đại đội lúc nào cũng có sẵn hai, ba thằng sĩ quan dự bị thì đâu có nhằm nhò gì, mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui mà.
Khi nghe về diễn biến trận đánh đã xẩy ra 10 ngày trước anh ta phán :
.....Tôi cũng được biết đáng lẽ đại đội 4 tôi lên nằm đồi 51 theo đúng vòng luân phiên nhưng vì thiếu đại đội phó -là tôi- nên đại đội 3 đã lên thay. Như vậy, chuyến đi phép của tôi đã cứu tôi và cứu nửa đại đội của tôi, nhưng chuyến đi phép của tôi đã làm chết oan Sáng và nửa đại đội của Sáng. Ðồi 51 đã được đại đội 2 lấy lại sau đó một ngày, giải thoát được một tiểu đội còn bám lại và lấy lại toàn bộ vũ khí bị mất, chỉ thiếu có bộ phận máy nhắm của một khẩu súng cộng đồng, đồng thời tịch thu được khá nhiều vũ khí...
.....Khi địch tràn ngập vị trí phòng thủ ở đỉnh đồi, Sáng đã xin pháo binh bắn thẳng vào đầu mình, không khóa, không mã, không ngụy, không ám danh đàm thoại gì hết trên hệ thống truyền tin, tiếng Sáng ngắn gọn sau một tiếng chửi thề: "Ðụ mẹ, nó đông quá, chụp lên đầu tao!" Pháo đã chụp lên đỉnh đồi và hai chiếc máy bay cũng nhắm thẳng đỉnh đồi mà dội.

Rõ ràng vai trò của thiếu úy đại đội phó Huy là rất quạn trọng trong cái c4 TQLC này, mới có thể thay đổi các quyết định trong chiến đấu của cấp chỉ huy. Cái tôi, cái bóng dáng của một "người hùng màn bạc' đã rõ.
Cái ngày 8/3 ấy, như tôi đã kể phần trên, không hề có môt chiếc máy bay nào hết, chúng tôi nổ súng vào tầm chiều cũng đã tính đến việc loại trừ khả năng hoạt động của không quân địch và tranh thủ đêm tối để làm hầm hào, giải quyết các vấn đề sau trận đánh. Lấy đâu ra máy bay mà dội vào thiếu úy Sáng.
Theo Cao Xuân Huy, đồi 51 đã được c2 lấy lại sau một ngày ( tức 9/3), lại sai bét nhè luôn, chính ngày (9/3) cả tiểu đoàn 4 ( trong đó có c4 )mới bắt đầu tham gia phản kích cùng với 19 chiến xa nhằm tái chiếm 51. Cũng hôm ấy mới có A37 xuất hiện, trong đó có 4 trái nó ném vào khẩu đội tôi (như đã kể). Sang ngày 11/3 hầu hết lực lượng chúng tôi đã rút, chỉ để lại một nhóm nhỏ trên 51 cảnh giới nhằm giảm thương vong. Buổi chiều, khi địch lên, tổ cảnh giới lùi xuống sườn tây nam và tôi đã bắn cấp tập ( như đã kể, nhưng lúc ấy tôi chưa biết rõ tình huống đó, nên nghĩ là mất chốt) .rồi ta lại lên, đến đêm mới rút hằn và gài lại mìn, thế thì lấy đâu ra vũ khí mà thu.
"Ðụ mẹ, nó đông quá, chụp lên đầu tao!"
Lấy đâu quân mà đông vậy, hai đại đội chúng tôi khi ấy chưa nổi một trăm người, chưa chác bằng một đại đội của họ.
Cũng thông cảm cho anh ta vì khí đó còn đang ở Sài Gòn, 100% sự thật này chỉ là tưởng tượng . Bởi thế những phần sau đó tôi có quyền nghi ngờ những điều anh ta nói.

XEM :" THÁNG BA GÃY SÚNG"
Đọc tiếp các phần sau, Cao Xuân Huy nói về nội bộ của các sắc lính SG ở bắc sông Bồ khi đó ( 19/3 đến 26/3 ).
Bắt đầu từ ngày 12/3 đến ngày 23/3 khu vực bắc sông Bồ không có trận đánh nào bằng bộ binh , chỉ có pháo binh hai bên bắn phá nhau và có thể có đụng độ lẻ của bộ đội địa phương Phong Điền với lính địa phương. Chiều ngày 23/3 thì d3/e4 chúng tôi đánh Lại Bằng vượt sông Bồ, bên địch là d5/lũ TQLC ( có thêm 1 trung đội của c4/d4 theo lời Cao Xuân Huy ) , sau liên đoàn 14 biệt động quân vào thế chân ở Lại Bằng để d5 TQLC rút về Thuận An . Cái đơn vị của do Cao Xuân Huy chỉ huy không hề nổ súng từ ngày đó mà về đến Thuận An đã chẳng còn đạn thì thật lạ.
Theo mô tả của Cao Xuân Huy thì họ là thiện chiến, là " ủi giỏi". Tôi chưa biết các bạn trẻ đọc Cao Xuân Huy thấy cái đơn vị ấy nó thiện chiến ở chỗ nào ? Có khái niệm thế nào là một đơn vị thiện chiến.
Tôi nói qua về những người lính của mình một chút :
Hồi chống Pháp, có bài thơ của ai đó tôi không nhớ :" ...Ăn cháo ba ngày/ chạy mười chín cây...", bộ đội ta đuổi Tây ở Tây Bắc. Rồi những trận đánh "bôn tập" phải hành quân xa mấy chục cây số, đến nơi là vào trận liền, tất nhiên là phải có đầy đủ vũ khí theo trang bị hồi đó.

Suốt mấy ngày, nhiệm vụ của tôi chỉ là phục vụ chiến đấu cho các khẩu đội bạn, nên phải đi lại, mang vác và đào hầm hào, làm trận địa nhiều. Người mệt nhoài, nhiều đêm cũng chẳng về đơn vị, bạ đâu ngủ đấy, mà ngủ say như chết, pháo bắn vào khu vực mà không biết, sáng ra anh em bảo :" ông này lỳ thế, pháo bắn ầm ầm mà không chịu vào hầm". Khổ có biết gì đâu ! Vất vả từ trước chiến dịch có mấy khi được ngủ trọn đêm. Ngồi bây giờ ngẫm lại thấy bao nhiêu sự kiện ,công việc, những địa danh đến và đi thế mà dồn nén lại chỉ có mười mấy ngày. Đúng là "một ngày bằng hai mươi năm" nhưng để mà kể ra những cái việc mà nơi nào, đơn vị nào cũng phải làm, mà ai cũng biết chẳng đáng .
Ngày 19/3 đại đội báo cho tôi xuống thay cho Tuẫn đang ở Cổ Bị, Trọng ốm nên tôi kéo Huấn (A phó) đi cùng. Đến nơi thấy Khùn cũng ở đấy , hai ông đang đăm chiêu vì hai ngày nay vẫn chưa giải quyết được cái lô cốt mẹ ở bình độ 28. Thấy tôi và Huấn đến, Khùn nói :" Không hiểu thế nào, bắn mãi mà cứ nổ xung quanh, không làm sao trúng được." Chúng tôi cùng quan sát, nó như cái bao thuốc lá thế kia mà, nhưng tính áng bằng ống nhòm khoảng gần 3000m, quả là hơi xa. Tuẫn nói "bắn hơn hai chục phát rồi đấy, mấy ông đại đội kêu rát cả tai ."
Tôi biết Tuẫn là thằng bắn DKZ giỏi có tiếng của K13 mà bắn không được, chắc pháo súng phải có vấn đề. Tôi nghi ngờ nói vậy thì Huấn nói :" thôi bỏ mẹ rồi, khẩu này hôm kéo vào bị đổ , khả năng dơ bộ phận nào đó." Hèn gì mà cả Tuẫn, Khùn bắn đều không trúng. Chúng tôi cùng xem xét khẩu pháo, kiểm tra đi kiểm tra lại chẳng phát hiện điều gì ( nó có việc gì cũng chả biết đường nào mà chỉnh sửa, toàn bộ binh mới lên ). Khi Tuẫn và Khùn về rồi, tôi nghĩ mình cũng rứa thôi, không biết súng có gì không nhưng cự li xa quá cũng khó mà chính xác được. Chẳng vội gì mà bắn ngay, chờ nắng lên hãy hay. Tôi cho anh em làm lại thiết bị pháo thật cẩn thận, cân bằng pháo xong xuôi rồi chui vào lán hút thuốc tán dóc với anh em.
Tôi chọn lúc trời quang, trong nhất tôi bắt đầu cho bắn. Lệch phải, chỉnh, lệch trái ,chỉnh, lệch trái tiếp. Bắn đến 5,6 viên rồi mà đạn chỉ nổ xung quanh. Tôi nhắc Huấn khử độ dơ cẩn thận, cứ thế đến quả thứ 8 hay 9 gì đó thì sập góc trái lô cốt. Chúng tôi để nguyên thế bắn tiếp, lại lệch trái tiếp. Trên cho bắn 10 viên đã hết, nhưng trông cái lô cốt vẫn lù lù trước mặt tôi cay mũi bảo anh em cứ bắn tiếp. Ý định thên 1,2 quả nữa xem sao. Vẫn nổ xung quanh, cứ xuýt trúng. Như đánh bạc ấy càng thua càng cay, tôi lại bắn tiếp đến khi đếm lại số đạn đã bắn mất 19 quả. Vẫn chẳng ăn thua gì đành ngừng hẳn.
Tôi báo cáo về đại đội, anh Tầm bảo thôi không bắn nữa, giọng anh cũng hơi buồn, không biết anh phải báo cáo với trên thế nào?. Kể như cả lũ chúng tôi thất bại.
Ngày 21/3 Quang trinh sát xuống dẫn tôi đi nhận trận địa mới, hướng quay hẳn về hướng đông. Địa thế rất thuận lợi, mằn giữa hai bụi tre vừa kín đáo vừa an toàn , lại mát nữa. Mục tiêu lần này là bên kia sông Bồ, toàn bắn gián tiếp và phải chuẩn bị cả bắn ban đêm. Thấy bộ binh đi lại nhiều, tôi biết lại chuẩn bị đánh lớn nữa rồi. Lần này là d3 (K13) là chủ công, từ đầu chiến dịch d3 làm dự bị, chỉ đánh vài trận tập kích nhỏ cỡ trung đôi. Lần này đánh vượt sông, chắc sẽ nhiều khó khăn không biết họ sẽ đánh ra sao(?)

Ngày bé, tôi có đọc vài hồi ký của các tướng soái Xô Viết viết về thời chiến tranh giữ nước vĩ đại. Trong đó, họ mô tả những trận đánh vượt sông Dơniep, Danuyp thật hoành tráng ..Rồi sau trận đánh những người đầu tiên qua được bờ sông đều được phong Anh Hùng. Có nghĩa những trận đánh vượt sông bao giờ cũng rất khó khăn và ác liệt. Lần này trung đoàn đánh vượt sông qui mô tuy nhỏ những độ tập trung, ác liệt chắc không kém.
Khẩu đội của tôi tham gia yểm trợ cho d3 đánh trận vượt sông, lẽ ra phải có nhiều cái đáng nói về trận này. Thật tiếc là dù vị trí trận địa chúng tôi không xa bến vượt bao nhiêu nhưng không nhìn được bờ sông. Địa hình ở đây có nhiều tre, cây cối như những xóm làng, tầm quan sát rất hạn chế, không thể tận mắt nhìn các mũi xung kích họ chiến đấu như thế nào. Các mục tiêu của chúng là gián tiếp, phần lớn nằm sâu trong bờ bên kia sông. Lệnh bắn là bắn, kết quả ra sao chúng tôi cũng không rõ. Tôi đành mượn mấy lời bác Xuân Thiều, bác ấy không ở đấy nhưng lại ở phòng tác chiến, tình hình hàng ngày còn nắm rõ hơn chúng tôi khi ấy :
Trung đoàn 4 trong đợt 1 của chiến dịch đã giành thắng lợi lớn ở Phổ Lại và đồng bằng Phong Điền ( cả Quảng Điền nữa). Sau đó trung đoàn đã tranh thủ củng cố đơn vị, lần này ra quân với khí thế dũng mãnh và quyết tâm cao.
.......Cuộc chiến đấu vượt sông ( bồ) Lại Bằng xảy ra hồi 15 giờ ngày 23 tháng 3, bắt đầu bằng trận mưa pháo vào Long Khê, Lại Bằng, núi Bản trong khi đó cối và 12 ly 7 bắn xối xả vào bến sông chỗ ta sắp vượt qua. Lúc pháo chuyển làn là lúc các đơn vị đánh chiếm đầu cầu bắt đầu vượt sông thì pháo của địch lập tức ngăn chặn ta ở bến vượt, bắn vào Cồn Nổi, vào làng Huyền. Giữa một cuộc đấu pháo khiến ta có cảm giác đạn va vào nhau giữa không trung, chiến sĩ đoàn 4 ( K13) vẫn bình tĩnh bơi qua dòng sông Bồ mặc cho mảnh pháo rơi lủm bủm đó đây trên mặt nước, mắc cho đạn bắn thẳng của những tên lính liều lĩnh ... bắn xối xả.
16 giờ ngày 23 tháng 3 năm 1975, đơn vị đầu tiên gồm 34 chiến sĩ đã vượt qua sông Bồ, nhanh chóng chiếm bàn đạp chi viện cho các đơn vị tiếp tục vượt sông phía sau. Phòng tuyến của tiểu đoàn 5 lữ 147 thủy quân lục chiến bắt đầu bị chọc thủng.

Những thương binh nhẹ đầu tiên về qua trận địa chúng tôi, họ ngồi cả lại hút thuốc và nói chuyện bên kia sông. Lần đầu tôi mới tiếp xúc với lính K13 bời từ ngày về trung đoàn họ luôn chốt ở Cổ Bi, vùng giáp ranh gần với đồng bằng nhất nên cũng khó khăn nhất. Nhất là mua mưa khi nước sông Bồ có lũ ,cả vùng Cổ Bi, Tứ Chánh trắng băng, lính K13 phải trụ lại trên những cành cây, địch ra sức dụ dỗ, kích động , kêu gọi chiêu hồi. Chúng vè vè ca nô dọa dẫm nhưng lính K13 cũng lỳ lợm chĩa súng thẳng vào cano địch sẵn sàng nhả đạn. Thằng địch ơn quá phải tháo lui. K13 từ ngày về chưa đánh trận lớn nào, hôm nay mới thể hiện...
Tôi để ý trong số thương binh, có một anh chàng cao, gày và đen. Quần áo xộc xệch, bàn tay phải băng trắng, tay trái vẫn quắp một quả mít . Mặc mọi người nói chuyện làng Huyền, chuyện địch ta chẳng quan tâm, anh sùng sục mượn dao nhờ chúng tôi bổ mít. Bổ ra xanh quá, ăn hơn khoai lang một chút, anh ta cười toet bảo :" Cái làng Huyền ấy nhiều mít và thanh trà lắm, tiếc là hơi xanh, thôi để cho mấy bác Nghệ bác ấy làm nhút" Giọng oang oang biết ngay tay này lại "điếc" rồi ( do sức ép). Lúc sau anh ta như chợt nhớ ra việc gì quan trọng lắm, móc tay vào túi ngực lấy ra một tấm ảnh khỏa thân :" có cái này hay lắm, các ông xem này." Cả lũ xúm vào, thích thú bình phẩm đủ chuyện...
Họ đi rồi, tôi thấy vui vui khi nghĩ về họ, về sự hồn nhiên trong người lính. Cu Huấn người K13 cũ bảo :" lần này lão Kỳ dẫn lính vượt sông thì chẳng thằng nào biết sợ." Thảo nào họ chiếm đầu cầu nhanh thế.

TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
Đêm ấy lực lượng chiến đấu của trung đoàn 4 lần lượt vượt sông bám được vào đất Hương Trà.
Để bảo toàn lực lượng thủy quân lục chiến, Nguyễn Thành Trí tung liên đoàn 14 biệt động quân vừa chạy ở tuyến Mỹ Chánh vào, có chi đoàn xe tăng M113 gồm 18 chiếc yểm trợ, ra phản kích ngăn chặn ta. Trong lúc đó, Bộ tư lệnh nhẹ thủy quân lục chiến cùng lữ đoàn 147 chuồn về cửa Thuận An.

......Khoảng 4 giờ sáng ngày 24 tháng Ba, đại đội tôi nhận nhiệm vụ làm gạch nối ở làng Ðồng Lâm để yểm trợ cho đại đội 1 và đại đội 2 rút ra từ phía núi.
.....Nhưng rồi khoảng 2 giờ trưa, đại đội Biệt Ðộng Quân lại biến mất. Họ không báo cho chúng tôi biết và họ cũng không đi qua cầu An Lỗ. Tôi không đoán nổi là họ đi lối nào và lúc nào. Tôi báo cáo về tiểu đoàn. Chỉ còn đại đội tôi nằm ở bờ bắc cầu An Lỗ.
.....8 giờ tối, khi tôi đang cố gắng liên lạc với trung đội 2, Ðại đội trưởng gọi tôi lên họp.
"Ông cho con cái trang bị nhẹ tối đa, bằng mọi giá phải về đến Thuận An trước 6 giờ sáng mai. Ai tới trễ sẽ bị bỏ lại vì chỉ có một chuyến tàu đón mình về Ðà Nẵng thôi."

Vài dòng trên (xanh) của Cao Xuân Huy thời điểm này tôi thấy khớp với những gì bác Xuân thiều đã nói.
Suốt ngày 24 tháng 3 kịch chiến xẩy ra ở Lại Bằng.Tám lần địch tập trung lược lượng phản kích, có lần chúng đã chiếm được bến vượt, nhưng cuối cùng đã bị đẩy lùi.
Quả là ngày 24/3 rất căng thẳng, khẩu đội của tôi bắn liên tục, nhìm nòng pháo mầu bàng bạc, nóng dãy. Địch cũng phản pháo quyết liệt không kém, bụi tre mới hôm qua còn xanh um mà giờ xơ xác. Bên kia sông dội lên đủ loại âm thanh.Tôi vô tình nghe được cuộc đàm thoại giữa Trung đoàn trưởng Nguyễn Hạng và anh Quân ( là cán bộ tiểu đoàn) vì đường dây thông tin qua chỗ tôi mới xuống đến sở chỉ huy tiểu đoàn.
- Anh Quân, anh đang ở đâu! Lính anh ở đâu!. Vị trí của anh là ở bên kia sông, anh rõ chưa! Giọng của trung đoàn trưởng rất gay gắt, như quát và kiên quyết
- Báo cáo anh, băng xong vết thương tôi sẽ sang ngay, anh em đang rời chỉ huy sở sang sông.
Thật căng thẳng !
Quảng 15 giờ chúng co cụm lại ở bình độ 12. Và đây là chút hơi tàn cuối cùng trước khi chúng rút chạy và tan rã hoàn toàn. 17 giờ 30 chúng giật sập cầu An Lỗ, chiếc cầu cửa ngỗ vào thành phố Huế.
Chập choạng tối pháo địch bắn sang trận địa chúng tôi như mưa, chưa bao giờ thấy bắn dai, nhiều như thế vào trận địa chúng tôi. Huấn cũng lính 72 với tôi cũng phải thốt lên :" Chết mất thôi !". Tôi biết cái hầm này rất sơ sài, chỉ có 3 tấc đất đắp trên nhưng lại an toàn vì nó được chắn bởi một bụi tre lớn. Nhưng nó bắn nhiều thế này cũng làm thần kinh chúng tôi mệt mỏi và lo lắng nghi ngờ, không lẽ nó phản công vào ban đêm, nhưng không thấy pháo sáng, lạ! Chưa bao giờ thấy như thế.
Pháo ngưng bắn, không giam tĩnh lặng hẳn, chúng tôi lại lần tìm nối những chỗ đứt của đường dây điện thoại, nối xong cũng không liên lạc được chắc đứt nhiều và ở nơi xa, kệ !chờ lát nữa thông tin sẽ nối lại.
Chấp hành lệnh của quân khu, lập tức trung đoàn 4 tổ chức truy kích địch. Mặc dù tối trời, đường xá còn bỡ ngỡ, lại qua một ngày chiến đấu căng thẳng, chiến sĩ ta quên hết mọi sự vất vả mệt nhọc, cảm thấy đây là giờ phút đẹp nhất, tự hào nhất của cuộc đời chiến sĩ: Giờ phút của người chiến thắng trên đường khép chặt vòng vây tiêu diệt quân địch đã và đang hoàn toàn tan rã.
...14 giờ ngày 25 d1/e4 đã có mặt ở Động Ấp ( bắc cửa Thuân). Như vậy tiểu đoàn 3 Quảng Trị từ hướng bắc đánh vào, tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 từ phía tây đánh xuống,cả 2 tiểu đoàn đã hội quân ở đây, cùng nhau chốt chặt phía bắc của Thuận An không cho địch tẩu thoát theo đường biển kể từ chiều 25 tháng 3 năm 1975.

Đại đội cho người xuống yêu cầu để lại 1 người trông pháo còn tất cả về ngay. Chúng tôi dồn ghép đội hình nhận 2 khẩu DKZ_82 và cùng đại đội hành quân ngay trong đêm. Vượt sông Bồ, đơn vị đi sâu xuống đồng bằng, băng qua những xóm làng vắng lặng, thi thoảng có tiếng chó sủa, le lói ánh đèn dầu hắt ra từ những mái nhà tôn ven đường. Xa xa trên rừng vẫn nghe tiếng đầu nòng của đại bác 130 , quầng sáng phía trước là Huế. Lại luồn sâu hay vu hồi chăng (?) mà sao đi mãi, ám ảnh đồng bằng trong tôi vẫn còn đó, cũng lo lo. Nhưng sao lạ thế, nó vừa bắn, đạn văng như trấu mà sao bây giờ im lặng thế. Tôi có biết đâu trận pháo dữ dội ban tối là những loạt pháo cuối cùng của địch ở bắc Huế. Tình thế khác rồi, chưa biết tình huống phía trước, sắp tới là gì nhưng tôi cảm nhận thắng lợi đang đến gần, trời càng sáng càng nhận rõ. Đơn vị ngoặt trái qua khu dân cư ngoại ô ( Bao Vinh), nhà cửa nhiều hơn và hầu như vắng chủ, đi tiếp, xuôi theo dòng sông xanh biếc, không lẽ là sông Hương .. đây sao? Chúng tôi đã không có vinh hạnh vào Huế, mục tiêu chiếm lĩnh là cửa biển Thuận An nơi địch dồn về rất đông. Nhưng không có trận đánh nào xảy ra, dừng chân ở thôn Triều Sơn Đông, người dân dứng trên bậc cửa, hiên nhà nhìn bộ đội mừng vui, lạ lẫm và lo sợ nữa. Bất giác tôi nhớ Trực, người bạn cùng khẩu đội 12,7ly ở K15 , nhớ đến câu thơ Trực viết trong cuốn sổ nhỏ sau đêm gác ở đồi Không tên :

Thôi thế nhé Huế ơi gắng đợi
Một ngày mai anh sẽ về bên em
Nước sông hương một dòng trong mát
Soi bóng hình Hà Nội yêu thương . . .
Mùa mưa 1974
hồi 5g 30 1/11/1974 _Phạm Thiện Trực
Mộc mạc, đơn giản nhưng là ước mơ của người lính e4 ngày ấy đã trở thành hiện thực. Ngỡ ngàng

ĐIỂM CAO 61 VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN
Đỉnh 61 bắt đầu xuất hiện những cụm khói của pháo ta, tôi quay súng sang đồi DK làm vài điểm xạ dài cho bõ tức, hôm qua nó làm tụi tôi xém chết, nhờ trời súng hỏng mà thoát. Rồi quay sang sườn trái 61 điểm xạ khống chế con đường lên xuống của địch. Thằng DK lại bắn đại liên sang chúng tôi, lần này chúng đọ làm sao được với 12 ly7. Tôi lại quay sang áp đảo chúng, nhất địch không cho khẩu DK 90 chúng nó kịp làm gì. Thọ bạn đồng hương thân thiết với tôi, lính c5bb đang chốt mỏm bên cũng chạy sang xin bắn ké, tôi nhường cho Thọ bắn, rồi những anh em khác tôi cũng cho thay nhau bắn. Pháo chuyển làn đã thấy xuất hiện những đám nổ nhỏ, Xung kích ta lên nhanh quá. Tôi thấy địch chạy rất nhiều xuống đồi, rê nòng theo bắn được vài loạt thì Thọ giật lại bảo :" Đừng bắn nữa, nhỡ bộ binh truy kích ". Thật có lý, tôi cho chuyển sang khống chế tiếp thằng đồi DK.
Tôi đã viết về trận đánh 61 từ cái nhìn của anh lính 12,7 ly, Một trận đánh như vậy mà chỉ có vài dòng thật tiếc. May mắn hôm rồi tôi lại gặp người đồng đội cũ c5 bb Bình, anh là người còn lại duy nhất trong mũi chính diện từ bờ sông lên. Thường khi chúng tôi gặp nhau vẫn ôn lại những buồn vui, mất mát , chả mấy khi nói "mày làm gì khi ấy" như lần này khác. Mọi chuyện hỏi han,căn vặn đều do tôi chủ động để hôm này có câu được chuyện kể lại cho các bạn.
1_Chuyện của người lính bộ binh c5 (c3/d1/e4)
Không có chuyện 7,8 người lên đâu, mũi của tôi có 3 thằng thôi.Tôi, thằng Đống Vĩnh Phú và thằng Yêu Lạng Sơn. Thằng Yêu không biết chốt ở đâu điều về, nó bảo ông Thước B phó và ôngThiệu A trưởng trên đường về đều bị thương cả rồi.Đại đôi nói thằng Đống chỉ huy, khi nào nghe tiếng H12 bắn thì xông lên, mà lầm này có cả bom bay nữa không sợ đâu...Bom bay nghe thật lạ nhưng đem lại cho tôi một cảm giác yên tâm vì quanh mình còn rất nhiều đồng đội đang cùng tham gia trận đánh. Phía bên trái khẩu 12,7 ly của c7 vẫn bắn liên tục suốt sáng, rồi cối 82 cóc cóc nã lên đỉnh 61. Bên sườn trái DK82, đại liên dội lại liên hồi, tôi thấy bên bình độ 50 khá đông quân ta.
Bắt đầu H12 nó rú, tiếng rú khủng khiếp thật khó tả, khầu H12 đặt chính diện bên kia sông. Từng xem H12 bắn nhiều lần nhưng chưa từng nghe nó réo qua đầu mình như thế này bao giờ. Chúng tôi bắt đầu lao lên, đến lưng chừng đồi, nhận ra xác thằng Bài Vĩnh Phú tay còn băng trắng nhưng bụng ruột lòi ra. Thằng Đống như điên lên, khâu M79 trong tay nó nổ liên hồi. Gần như không có sức kháng cự từ phía địch, tôi nhìn sang sườn phải ( bình độ 50) lính K2 dàn hang ngang, đứng thẳng người vừa đi vừa bắn. B40, B41 bốn năm khẩu thay nhau phụt không lúc nào dán đoạn. Tôi rất ấn tượng với kiểu đánh này của lính K2, không thèm ụ này, hố kia mà tiến thẳng, dung hỏa lực bắn nhanh, liên hồi, áp đảo. Khi lên đỉnh gặp nhau tôi càng nể và phục họ về cách dung B40,B41. Trước đây nói đến sử dụng B40, B41 thì cả mặt trận Quảng Trị đều nể K15, vậy mà hôm nay lính K15 được một phen tròn mắt, biết thế nào là sử dụng B40,B41 . Lính K2 tự chế cái rọ đựng đạn B40 đã lắp sẵn liều phóng, họ đeo vào lưng, mỗi người có thể deo 6_8 quả khi vào trận. Bắn xong thò tay ra sau rút đạn ( như cung thủ lấy mũi tên) rất nhanh. Nên mũi xung kích của họ chỉ hơn chục người nhưng cách đánh này hỏa lực bắn ra tưởng họ đông gấp đôi, gấp ba.
Tiếng nổ của những trái lựu đạn vừa dứt, tôi và Yêu lao lên, đến đỉnh đồi đã thấy lính K2 có mặt, tụi địch còn sống trong giao thông hào không dám kháng cự, vứt súng hàng cả loạt. Số tù binh cả chục đứa bị đồn vào một góc sau đó được 2 lính K2 giải xuống tuyến sau. Lúc này pháo địch bắt đầu bắn vào điểm cao, lợi dụng pháo bắn một tên lén bỏ chạy. Nghe anh em hô hoán bắn theo thằng đich, tôi nhìn xuống, thấy nó đang cắm đầu cắm cổ chạy xuống khe giữa 61 và Không Tên, nhảy đến khẩu đại liên của địch nằm ngay đoạn hào trước mặt, tôi bắn đuổi theo, bụi tung mù quanh chân nó nhưng không trúng, thằng này gặp may. Mà lạ là sao tụi nó lại đặt đại liên ở đây nhỉ (?), nhìn sang bên Không Tên, thấy rõ khẩu 12,7 ly của c7, rõ từng người, tôi hiểu. Cũng may là ta chiếm lại được 61 chứ ở vị trí cao hơn thế này mấy ông 12,7 ly nhà mình sẽ khổ với nó. Trận đánh nhanh gọn không ngờ, ta không ai bị thương, bắt 10 tù binh, trên đường 1 tẩu thoát. Chúng tôi tìm chỉ được xác: anh Võ, Lóng (Đông Anh),Thứ ( Vĩnh Phú) và Bài ở lưng chừng đồi khi lên, không thấy anh Cấp, Hồng và một số người khác đâu. Sau này được biết số này bị thương bò về được đến bờ sông thì gặp quân ta.
Sau khi K2 rút, trên tăng cường cho 61 ba người nữa để giữ mỏm 3 và đỉnh 61 ( điểm cao 61 kéo dài về phía đông khoảng 60m có một mỏm thấp hơn, lính ta gọi là mỏm 3), mỗi nơi ba người. Lúc này chúng tôi chỉ ngồi chịu trận của pháo, đại liên và ĐK địch và xem cánh c7 đáp lại bằng cối 82, ĐK 82 và 12,7 lên hai điểm cao 58 và 70. Không bên nào xung trận cả.Pháo bắn nhiều thật nhưng cái khổ nhất lại là mùi xác chết ở 61, bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn rùng mình. Người ít, ngớt pháo là lo củng cố trận địa nên xác địch chết chúng tôi chôn rất sơ sài, chôn ngay trong chiến hào, chỉ lấp được 20,30 cm đất.Nắng, mưa làm tăng thêm mùi hôi thối và ròi từ những đụm đất có người chết bò khắp đường hào, nó bò cả vào chỗ ngủ, mỗi lần dậy lại thấy mình đè chết cả chục con... vậy mà vẫn phải sống không khác gì địa ngục
Dù địch không lên nhưng pháo bắn nhiều hòng ép ta rút khỏi 61. Yêu, Đống cũng lần lượt hy sinh sau các loạt pháo địch. Ngược lại ta cũng ép 2 điểm cao 58 và 70 bằng ĐK, cối 82 ,bên Không Tên khẩu 12,7 ly của c7 liên tục nhả đạn, kiềm chế không cho thằng địch nào thò lên khỏi mặt đât. Đêm đến thỉnh thoảnh lại thấy vài loạt bắn sang địch làm chúng mất ăn mất ngủ. Vài ngày sau, trinh sát báo địch rút khỏi 2 điểm cao 70 và 58. Tôi được điều lên phía trước, điểm cao 70 ( đồi ĐK), thoát khỏi 61 cảm giác nhẹ cả người.
Những ngày ấy thật kinh khủng, 61 chỉ là một điểm cao nhỏ, với những trận đánh nhỏ nhưng nó mang đủ tính tàn khốc của chiến tranh. Giành đi giành lại, chuyện bao thuốc, chuyện Đại đội phó Võ chết không toàn thây ( Bị địch chặt đầu), cái chết của Bài, của Đống, của Yêu cứ ám ảnh mãi.Trước đó c4 đánh chiếm 61, cũng mất ba ngày, thương vong không ít, khi làm chủ điểm cao chỉ còn có một người lành lặn. Có lẽ vì thế mà lính đoàn 4 mỗi lần gặp nhau đều nhắc về 61, dù trước và sau nó, trung đoàn đã có biết bao trận đánh lớn nhỏ khác.
Nguyễn Phú Bình_ chiến sĩ c5/K15 ( c3/d1/e4)

SAUHIỆP ĐỊNH PARI 

Tháng 3/1973 đơn vị chúng tôi bàn giao các vị trí chốt ở chân điểm cao 367 cho bộ đội Quảng Trị, hành quân vào Phong Điền nhập vào trung đoàn Phong Quảng. Thực ra Phong Điền với Hải Lăng là hai huyện giáp nhau, đường chim bay từ nơi đóng quân cũ đến nơi đóng quân mới chỉ vài chục km mà chúng tôi phải đi hơn 4 ngày mới vào tới nơi. Mất 2 ngày đi xuôi về phía Nam theo đường 15N, đến Tam Dần gặp đường 71 chúng tôi bắt đầu luồn rừng, theo các đường mòn xuống vùng giáp ranh.
Địa hình Phong Điền có hai vùng riêng biệt. Phần rừng núi phía Tây Nam xanh ngắt những cánh rừng đang hồi sinh lúp xúp, vượt lên mảng màu xanh ấy là hàng ngàn những cây to màu trắng ngà chết khô bởi thuốc diệt cỏ những năm 1966. Ở đây có nhiều điểm cao quan trọng như Động Chuối, 506, Kakê, 150, 146, 330, Củng Cáp, Cây Tất và 674. Từ các điểm cao này, mắt thường có thể nhìn rõ cả vùng đồng bằng Phong Điền Quảng Điền ra đến tân biển, dùng ống nhòm có thể quan sát mọi hoạt động trên quốc lộ số 1. Một số điển cao ngày trước là căn cứ pháo binh của địch như Củng Cáp, 146, Đông Chuối. Khi chúng tôi đến trên các căn cứ vẫn còn vứt vương vãi các thùng liều và đầu đạn pháo các loại, hầm tôn vòm đắp bao cát và các ván nằm còn nguyên vẹn. Từ Củng Cáp có một con đường nhựa do Mỹ làm chạy thẳng xuống ngã ba Lành Ngạnh rồi ra đường 1.
Mé đông bắc là vùng đồi thấp xen xình lầy, cây cối lúp xúp trơ trọi vài bụi tre nhỏ, lau lách và những cây duối mọc ven các bờ suối.Trước kia ở đây có dân và nông trường Hòa Mỹ của Ngô Đình Cẩn. Năm 1966 Mỹ lập vùng trắng ngăn chặn hoạt động của ta nên dân bị di dồn đến các vùng quanh Huế. Để lại cả vùng đất bán sơn địa hoang tàn, cây cối ít hơn mìn. Anh em c2 và c4 chốt ở khu vực này cứ vài hôm lại có người dính mìn, bị thương và hy sinh nhiều hơn là đụng địch. Giai đoạn đầu hiệp định chúng tôi thường quan sát , chọn những địa thế có lợi xây dựng trận địa, cứ dịch dần lên phía trước cho đến khi đụng địch. Mỗi lần như vậy, hai bên cùng muốn dành lợi thế về mình nên thỉnh thoảng có nổ súng. Nó na ná như chuyện cắm cờ trước hiệp định. Dần dần chúng tôi chiếm giữ một vùng rộng lớn dưới đồng bằng và tạo một tuyến giáp ranh. C5 ban đầu được giao giữ các điểm cao, nay được lệnh xuống hết đồng bằng mà quân không đủ căng ra giữ các vị trí cần thiết.
Những ngày đầu vào Phong Điền dù hiệp định đã được ký nhưng tiếng súng còn nhiều nơi chưa dứt. Địch cũng lợi dụng ta ít người và điều kiện tiếp tế khó khăn tranh thủ lấn những điểm chốt quan trọng. Các con đường 15N, 71 mới vào đến Tam Dần cà còn phải tu sửa nâng cấp. Chúng tôi phải cắt cử những người còn khỏe trong đơn vị đi lấy gạo và các nhu yếu phẩm khác. Những người yếu hơn hoặc sốt nhẹ đều lên chốt, tiêu chuẩn gạo, muối đều phải giảm. Mọi thứ đều thiếu thốn nhưng thiếu thuốc lào là căng thẳng nhất. Hồi đó lính tráng chủ yếu là dùng thuốc lào, thuốc lá chỉ hút vui những dịp lễ tết chứ dùng thường xuyên thì không hậu cần nào bảo đảm nổi. Chuyện về thuốc lào cũng rất lắm, tôi xin kể vài câu chuyện nhỏ.
CHUYỆN THUỐC LÀO
Tôi nhớ một lần khẩu đội tôi hành quân qua 146, cả khẩu đội đang ngồi nghỉ và chia nhau những điếu thuốc lào cuối cùng. Mỗi người vê trong tay dúm thuốc và chuyền tay nhau cái điếu cày. Nghĩa là thằng hút cuối cùng, vừa định đưa đóm vào đốt thì từ dưới dốc có một lính bộ binh chạy ngược lên hô :" Đồng hương ơi, cho tôi ké một tý". Mắt anh ta sáng rực chắc bị nhịn đã lâu. Nghĩa thấy vậy chỉ đưa lửa rít cho thuốc chỉ cháy một bên rồi đưa cho người lính lạ. Cả khẩu đội nhìn người lính lạ rít thuốc mà phát thèm dù vừa hút xong. Thật tiếc là chúng tôi không còn. Chuyện chia sẻ điếu thuốc đã nhiều người nói đến và đó cũng là chuyện thường của người lính trong chiến tranh. Nhưng cũng không phải tất cả là như thế, có chỗ có nơi vẫn còn những điều không hay.
Đó là lần khẩu đội tôi làm trận địa trên đỉnh điểm cao 330 , có nhiệm vụ bảo vệ tiểu đoàn bộ và cơ quan huyện Quảng Điền đóng ở khe suối dưới sườn Tây Nam của dãy 330. Chúng tôi ở chung với cơ quan tiểu đoàn bộ, ngày lên đào hầm, đi chặt cây làm trận địa, trưa và tối xuống ăn ngủ cạnh bếp tiểu đoàn bộ.Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở vào tình trạng đói ăn và thiếu muối, đặc biệt là thuốc lào. Cả khẩu đội không ai còn thuốc, đã có ông phải cạo tinh tre, tẩm nước điếu hút đại cho đỡ nghiền, thèm lắm. Nghe tiếng điếu cày rít lên ở lán tay Minh quản lý bếp tiểu đoàn, không chịu nổi, chúng tôi lân la sang xin. Tay Minh mở hộp thuốc ( bằng hộp xi đánh giầy ), chìa cho chúng tôi xem và nói :" Các bạn thông cảm nhế, anh chỉ còn có ngần này , cho các bạn thì mai anh không còn gì để hút" .
Nghe giọng tay Minh nói chúng tôi tức điên . Nghĩa "lùn" nói :" Còn hơn nửa hộp thuốc lào mà không cho anh em được một điếu, phải trị thằng cha này một trận! Đãi ơi! Mai mày rình hắn Minh đi vắng mày lục ba lô hắn có bao nhiêu thuốc lào lấy mẹ nó hết đi ".
Đãi là anh nuôi, tính tình ỏn ẻn như con gái, bọn tôi gọi là "chị" Đãi, quê Hà Bắc. Nhà nghèo lắm không được đi học, khi ở với chúng tôi Đãi viết thư đều phải nhờ anh Huệ đồng hương viết hộ. Nghe Nghĩa nói, chị Đãi chẳng nói gì, nhưng ngày hôm sau thấy Đãi gọi tôi ra dúi vào tay hai gói thuốc lào độc lập.
Khà khà , tôi khoái quá, mang vào lán chia cho anh em , tiếng rít thuốc lào lại ro ro . Tay Minh ngồi lán bên nhìn sang biết bọn tôi lấy mà không làm gì được. Hôm sau lán bên không nghe thấy tiếng rít của thuốc lào của tay Minh, biết lão hết thuốc mà không còn mặt mũi nào sang xin chúng tôi. Song, nghĩ lại thương, thằng Nghĩa lại cầm ¼ gói sang mượn điếu hút rồi vờ để quên để lão có mà hút.
Lính tráng đôi khi cũng phải nhắc như vậy đấy.
Nghe chuyện biên giới Tây Nam và biến giới phía Bắc, tôi có cảm giác cái chuyện thuốc lào thời các bác nó đã phai phai, ít thấy các bác nhắc đến. Toàn thấy kể chuyện thuốc rê, Mai , Đà Lạt . Bác Võ Văn Hà có nhắc đến nhưng cũng rất "ngô nghê" về thuốc lào , mà là bác nhớ ông nhà báo thì mới nhắc đến thôi.
Chuyện cái nõ điếu, đúng là rất quan trọng, nó quyết định phần lớn cái độ say sưa, đê mê khi hút. Hút cái điếu mà không nghe được tiếng rít rắt réo thì còn gì là hút, phí thuốc. Ngày huấn luyện chúng tôi đóng quân ở xứ Mường Hòa Bình, ở đây đàn bà, đàn ông họ đều hút nhưng cái ông điếu nó to phải lấy hai tay bịt bớt lại mới đủ hơi. Không dùng đóm mà gắp cục than dí vào nõ, bập bập, truyền tay người này sang người khác , im lìm nhả khói. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hút nhưng chỉ những lúc có mấy Ủn ( em) đang ngồi hút, lấy cớ hút chung để tán chuyện thôi chứ hút loại điếu to ấy chán chết. Nhưng cũng chẳng phải về Ngọc Hà hay Đội Cấn mua làm gì, lính ta tự làm lấy được, rất đơn giản, ai cũng làm được nhưng ông nào khéo tay thì nõ sẽ kêu hơn, chúng tôi vẫn kháo nhau làm nõ bằng gỗ cây chè là ngon nhất.
Kiểu hút của đồng bằng Bắc bộ là : đóm tre ngâm cháy đượm, pập pập nhẹ cho thuốc cháy đỏ, cháy hết, xì bã ra rồi kéo thật sâu, phải nghe được tiếng rít rắt réo của điếu mới đã. Buổi sớm thì các bác nên chọn ngồi cạnh cái cột để mà còn ôm không là té bổ chửng đấy. Những lúc hết thuốc phải hút chung nhau thì những người hút đầu rít nhưng không cho lửa cháy hết thuốc còn để cho người sau. Người sau cùng mới được xì bã và rít. Câu " trâu chậm uống nước đục" không đúng trong trường hợp này.

" GẶP" VOI Ở 150
Làm xong trận địa ở 330 chưa kịp lên chốt thì tôi bị điều động sang khẩu đội chốt ở điểm cao 150 cùng với anh em C5bb. Về đây tôi gặp lại anh Nhân, người cùng tiểu đội huấn luyện với tôi từ năm 72.
Ngày ở huấn luyện, tôi lên đơn vị chậm vài ngày do phải cắt Amidan. Vẫn nhớ khi được phân về tiểu đội 3, vừa bước lên nhà sàn của một gia đình đồng bào Mường ở xóm Mu, xã Ngọc Mỹ, Tân Lạc, nơi tiểu đội tôi ở, người đầu tiên tôi gặp là anh. Anh nhìn tôi và buông một câu vẻ xót xa :" Non tơ thế kia mà . . .", anh không nói nữa nhưng tôi hiểu anh định nói gì.
Cả tiểu đội trong suốt quá trình huấn luyện chỉ có tôi và anh không dám trốn về. Anh có lòng tự trọng của người lớn tuổi còn tôi trong suy nghĩ cố không để một điều tiếng gì làm cha mẹ tôi phải phiền lòng, dù hai chúng tôi đều rất nhớ nhà, nhớ Hà Nội. Hai anh em ngày một thân nhau. Những lần đi lấy củi, lấy nứa anh đều giúp đỡ tôi rất nhiều, từ cách chặt cây nứa đến cách cột làm sao cho chặt. Những ngày phép ít ỏi tôi vẫn đến thăm anh ở 3b Đồng Nhân nơi anh ở với người chú bị mù. Anh luôn coi tôi như đưa em của mình, Anh cứ nửa đùa nửa thật bảo gả cô em họ cho tôi...
Ở 150, chúng tôi và lính c5bb cùng nhau làm lán trại, hầm hào. Dưới chân điểm cao, ở khu vực tranh chấp bên kia sông Rào Cáo có những vạt tre lớn. Chúng tôi bàn nhau xuống đó lấy tre về làm mấy thứ đồ " gia dụng" trong sinh hoạt hàng ngày của lính . Tôi và Đường "con" lọ mọ rò đường, tự cắt rừng đi xuống, chưa thạo địa hình và qui luật nên vẫn phải mang mỗi thằng một AK. Đi được một đoạn thì tôi phát hiện ra có dấu chân Voi, nó cũng đi từ trên đỉnh đồi xuống, theo một khe nước. Vết chân để lại những hố sâu đường kính chừng 30cm, bọt nước vẫn sủi lên từ những dấu chân nó. Những chỗ voi đi qua đường rất thoáng, cây cối ngả rạp về hai bên nên chúng tôi đi theo rất tiện, không bị vướng víu dây leo, lau lách gì và cũng không sợ bị cài lựu đạn. Nhưng cũng rất lo, ngộ nhỡ gặp voi không biết khẩu AK này có thể bắn chết nó không ?. Hai thằng vừa đi vừa thảo luận cách bắn và thống nhất ngắm vào tai. Chuyện bắn voi ấy là nghe người ta kể thế, chứ đã ai biết gì nhiều về voi, ngày bé tôi cũng chỉ được thấy voi ở thảo câm viên.
Xuống tới bờ sông ( chúng tôi quen miệng goi là sông nhưng nó chỉ là một con suối rộng ). Ngừng lại quan sát phát hiện thấy một bãi phân của nó ngay giữa suối, nước chảy qua còn chưa tan hết. Hai thằng thay nhau cảnh giới, ngồi chờ một lúc mới lần lượt lội sang bờ bên kia. Chúng tôi vừa chặt tre vừa cảnh giới cả địch lẫn voi , có lẽ lúc ấy tôi ngại voi hơn là địch. Lần đầu tiên tôi đi rất gần một con voi hoang giã , " tránh voi chẳng xấu mặt nào" tôi thực hiện đúng câu thành ngữ này, nếu đụng nó buộc phải nổ súng, địch phát hiện ra chúng tôi thì còn nguy nữa. Tôi đã thấy vết chân nó và bãi phân to tướng của nó giữa suối nhưng tự coi lần đó mình đã gặp voi các bác ạ. Hai thằng chặt vội lấy 3 cây tre bó lại, kèm thêm mấy củ măng rồi rút lẹ. Lần đầu còn lạ lẫm, lớ ngớ địa bàn nên không tham được.
Quả đúng là những ngày ở Phong Điền, tôi đã găp khỉ đàn, vượn, nai, hoãng và lợn rừng . Lính tiểu đoàn tôi bắn được khá nhiều thú rừng, tôi đã được thưởng thức đủ loại thịt rừng ở đây, nhưng bản thân mình thì chưa hạ được con nào. Một lần thấy đàn khỉ đang kiếm ăn ở mấy bụi giang, nhưng không làm sao tiếp cận được, cứ cách vài chục mét là nó hú nhau chạy mất. Mấy năm gần đây về thăm lại chiến trường xưa, thấy cây cối xanh tươi lên rất nhiều và ở đây đã là rừng bảo tồn thiên nhiên, báo chí nói đây có hổ, báo và nhiều thú rừng khác... Với tôi, thời đó còn có cả voi.
Củng cố xong lán trai, trận địa thì tôi thì tôi lăn ra sốt, đây cũng là lần đầu tiên tôi bị sốt rét. Tôi và một số anh em bị sốt nặng được chuyển xuống kiềng ( chỗ nấu cơm,dự trữ đạn, gạo cho một chốt), ở đây mát mẻ hơn vì có bóng cây còn ăn uống thì như nhau. Gần chục ông có một hộp thịt 2,5 lạng chia hai ngày, thêm nước, muối nấu với mấy cọng môn thục già hắc mà nhiều khi ăn rất ngứa cổ họng. Rừng nhiều, cá lắm nhưng lúc đó sức chúng tôi bị kiệt quệ không đi xa cải thiện được. Anh Nhân lúc này khỏe là thế, mình anh lo tất tật các việc cơm nước cho anh em trên chốt và chăm sóc anh em sốt dưới kiềng, cũng chẳng con thời gian sức lực đâu để kiếm thêm chút rau rừng cho anh em được. Riêng tôi anh vẫn cố đi tìm lá về ( tôi không biết là lá gì nữa) đun nước và đích thân anh tắm cho tôi. Anh Nhân đã dồn hết sức lực chăm sóc tôi và rất nhiều đồng đội vượt qua bệnh tật.
Mấy ngày sau vừa dứt cơn sốt, chúng tôi lại được lệnh chuyển về điểm cao 300 . Tạm biệt anh Nhân và anh em c5bb, nhưng đâu ngờ đó là những ngày cuối cùng được sống bên anh Nhân, người anh, người đồng đội quí mến của tôi.

ĐIỂM CAO 300
Điểm cao 300 nằm kề điểm cao 674, nơi địch có một lực lượng thám báo chốt giữ. Điểm cao nằm sâu trong vùng giải phóng bị ta phong tỏa, biết không sớm thì muộn cũng sẽ bị tiêu diệt nên chúng đang tìm cách rút. Khẩu đội tôi lên 300 để phục, đánh chặn trực thăng địch nếu chúng bốc quân bằng đường không.
Vị trí nằm sâu trong vùng của ta nên chúng tôi rất chủ quan, trận địa không ngụy trang, tôi tin địch trên 674 nhìn bằng mắt thường cũng thấy trận địa chúng tôi. Có lẽ vì thế mà địch không dám cho máy bay vào nữa , chúng phải thực hiện cắt rừng rút bằng đường bộ.
Chúng tôi có 8 người tổ chức thành hai cụm ,trên đỉnh đồi với khẩu 12,7 ly và dưới khe suối đặt bếp nấu ăn cách nhau chừng 20 phút đường đi. Tối đến tôi cùng hai lính mới ( Đường "con" và Bốn người Hà Bắc ) ngủ lại đỉnh đồi canh súng. Còn lại cán bộ b và a trưởng đều xuống khe suối ở dưới kiềng ngủ. Tôi bực lắm, nơi quan trọng nhất là trận địa, đã ít người lại không ông cán bộ nào ở, để lại ba ông lính mới... nhưng vì tự trọng tôi cố gắng không hề nói một lời. Toàn lính trẻ như nhau chúng tôi cũng phân công nhau gác nhưng thú thực cũng chỉ được vòng đầu là mắt cứ díp lại, rồi chui vào hầm ngủ hết. Tôi để khẩu AK chĩa ra của hầm rồi ngủ tít. Nửa đêm có tiếng gọi của B phó và A trưởng, giọng thì thào :" Có địch mò xuống , phải canh trừng đấy.." Họ còn dặn dò những gì gì nữa tôi cũng chẳng rõ nhưng cứ gật. Thấy chúng tôi bỏ gác họ không nói gì chắc sợ tôi nổi khùng. Họ đi rồi, tôi ngồi quan sát kỹ một lúc nữa lại kéo súng vào ngủ. Lúc này thằng Bốn không ngủ được nữa , cứ mỗi lần gió thổi làm tấm tăng nilon che súng kêu loạt soạt nó lại thộp ngực dựng tôi dạy. Lần đầu tôi còn ngồi dạy lắng nghe ,những lần sau tôi cứ nhắm mắt bảo :" không có gì đâu, cứ ngủ đi ". Tôi biết thằng Bốn chẳng ngủ được, coi như nó đang gác nên yên tâm làm một giấc đến sáng. Sáng ra , tôi vừa gấp tăng che súng vừa nghĩ :" Chắc mấy lão chỉ huy hôm qua thần hồn nát thần tính giống thằng Bốn thôi, có quái gì đâu mà cứ lục sục suốt đêm ". Thăng Đường chui ra khỏi hầm vươn vai rồi ra khỏi trận địa giải quyết việc cá nhân. Bỗng nghe thằng Đường gọi, tôi chạy ra, theo tay nó chỉ phát hiện thấy lấp ló trong đám cỏ tranh là đoạn dây cước căng ngang, lần theo sợi cước gặp ngay một quả US gài trên chạc ba cây mua. Thật hú vía ! Đúng là đêm qua chúng nó mò vào đây thật. May là chúng thám báo, chủ yếu là dấu mình không đánh nên bọn tôi thoát chết. Chắc chúng chuồn bằng đường bộ rồi và có ý tặng lại bọn tôi quả US.
Buổi trưa thì máy bay địch xuất hiện. Một L19 bay sát mặt đường nhựa và 4 chiếc HU quần đảo, bắn khá dữ dội vào các chốt bộ binh của ta. Súng nổ ran ở khu vực giáp ranh, khẩu 12ly7 ở KaKê cũng nổ rầm rầm. Chúng tôi đã vào vị trí chiến đấu, là lính mới tôi có nhiệm vụ lắp đạn vào băng, chưa có việc nên ngồi thành trận địa quan sát. Chúng nó còn xa so với tầm bắn, chỉ đúng 1 lần thằng L19 lượn vào gần nhưng nó bay nhanh quá, thấp quá không bắn tà âm được. Giá lúc này chúng tôi còn ở 150 thì bắn chúng ngon lành. Nhìn A trưởng trực tiếp làm số 1, thấy anh ta run run, mét mặt căng thẳng quá, thực sự làm tôi rất thất vọng. Cánh lính trẻ chúng tôi còn non nớt, bước vào chiến đấu chúng tôi thường nhìn lính cũ làm gương. Ai chẳng mong người chỉ huy, dẫn dắt mình là người lính can đảm, từng trải.
Đến chiều liên lạc đại đội lên báo rút về chân 146 dưới đồng bằng, chúng tôi sướng rơn, ở đồng bằng mọi thứ sẽ khá hơn. Trên đường về nghe Chương "con" kể mới biết vụ máy bay hồi trưa là nó yểm trợ cho tụi thám báo rút. Chúng nó cắt rừng về đến 150 bất ngờ đụng quân ta, súng nổ Giáp hy sinh, địch rút qua sông Rào Cáo đến đường nhựa chúng chạy qua tuyến giáp ranh. Lính c4 mải bắn máy bay không để ý để chúng thoát. Công cốc, săn mãi không được lại để mất người, ra những chiếc mấy bay xuất hiện chỉ để đánh lạc hường chúng tôi.
Về 146, tôi gặp anh em Hà Nội mới biết anh Nhân hy sinh chỉ sau khi tôi đi mấy ngày. Mọi người khỏe lại thì anh bắt đầu sốt, nhưng anh vẫn cố đi lấy một chuyến gạo, về đến chốt thì kiệt sức. Anh em chạy về đại đội gọi y tá, thấy anh y tá lác đầu bảo không kịp mất . Hải kể cho tôi là lúc dìu anh ra cáng, anh bán chặt vai Hải, mắt nhìn lên trời trừng trừng như muốn gửi gắm điều gì đó. Cáng đi được một quãng thì anh không thở nữa, lúc đó anh vừa sang tuổi 27.
Tháng trước Lại Đức Thía vấp mìn hy sinh, hôm nay đến anh , tiểu đội hồi huấn luyện với nhau về K15 chỉ có ba anh em, thì hai người đã ra đi. Mấy hôm sau tôi ngược lên ngầm suối Cát, tìm đến nghĩa trang của tiểu đoàn thăm anh Nhân và các đồng đội khác, nhìn hơn chục ngôi mộ mới đỏ tươi màu đất nghĩ mà buồn. Mới vào Phong Điền chưa đầy tháng , chưa đánh trận nào mà bao người đã ngã xuống. Nhân, Thía, Ngãi,Tre, Giáp, Thoa, Ấu...Những tấm bia làm băng vỏ thùng lương khô nghiêng ngửa, chẳng có lấy một nén nhang.

GIÁP RANH
Sau vài tháng vào Phong Điền tình hình cũng ổn định dần, trừ khu vực Cổ Bi do K10 chốt giữ là phức tạp vần xảy ra động độ. Các khu vực khác tương đối yên tĩnh và có vẻ có không khí hòa hợp dân tộc. Lính tráng hai bên chiến tuyến bắt đầu có những cuộc tiếp xúc, tuyên truyền lẫn nhau. Bên đối phương cầm đầu là những sĩ quan tâm lý chiến, còn ta là những chính trị viên cùng một vài anh em gốc học sinh, sinh viên hoặc giáo viên.
Tuy nhiên, vẫn có những cuộc tiếp xúc ngoài kịch bản là lính từ hai chiến hào tự phát nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng cũng có trao đổi "hàng hóa". Đối phương ném sang bao Rubi quân tiếp vụ và nhận lại bao Điện Biên v.v.
Trung đoàn cho làm một cái nhà hòa hợp bằng tranh tám mái, để thỉnh thoảng hai bên gặp gỡ theo tinh thần hiệp định. Trung đoàn còn tổ chức một vài trận đánh bóng truyền chung có lính hai bên tham gia ở khu vực Thanh Tân , Ồ Ồ. Chuyện đánh bóng chuyền tôi đã một lần đọc, đăng trên báo QĐND không rõ tác giả là ai nhưng chắc chắn là lính e4 chúng tôi.
Cũng giai đoạn tiếp xúc này, tiểu đoàn tôi có hai vụ chiêu hồi rất đáng tiếc.
Vụ thứ nhất là mấy con bò vừa mang từ hậu cứ cũ ở Vĩnh Linh. Trước 1972 tiểu đoàn tôi có hậu cứ tại nông trường Quyết Thắng bên bờ bắc Bến Hải, cứ vào đánh đường 9 vài trận lại rút ra củng cố, đúng là "cơm Bắc giặc Nam". Ở đây đơn vị tăng gia sản xuất, nuôi đủ thứ, trong đó có cả bò. Khi về Đoàn 4, tiểu đoàn tính đưa bò vào cộng với bò trên cho đơn vị đón Anh hùng định lập trại tăng gia mới. Chưa kịp làm chuồng và liên hoan, thì mấy cha hậu cần chăn dắt thế nào để bò đi vào bãi mìn chạy sang phía địch. Nghĩ mà cay, lính tráng đang đói dài, cái ăn đến miệng rồi còn để mất , cống không cho địch cả chục con bò . Trông thấy địch đứng phưỡn bụng ra chắc vừa xơi thịt bò no say, lính ta tức lên lại tương vài loạt thế là lại đánh nhau.
Vụ thứ hai mới thật sự nghiêm trọng, một trong những đồng hương cùng nhập ngũ với tôi ( thằng T) chạy sang địch. Tội nặng nữa là trước khi đi đã giết người đồng đội tên Mẫn ( Nam Hà) cùng gác đêm ấy. Nhìn hiện trường vung vãi, bãi cỏ dập nát và con dao găm bị rơi lại, chúng tôi biết địch có đưa người sang hỗ trợ và Mẫn đã chống cự quyết liệt, bị thương nặng nghe nói đưa về bệnh viện trung ương Huế thì chết.
Sau vụ này, chúng tôi cũng mệt vì nghe tiếng loa của địch và thằng chiêu hồi lải nhải , lính mình nghe loa bực quá đáp lại bằng mấy quả B, thế là lại choảng nhau ì ùng. Vài hôm căng thẳng, rồi lại thôi, lại ý ới trêu nhau, đổi thuốc này nọ.
Đúng là cái thời nửa đánh nửa không .

BÂY GIỜ CÓ MƠ CŨNG KHÔNG THẤY ĐƯỢC.
Đời lính đâu phải lúc nào cũng gian nan chiến trận, bên cạnh những năm tháng khó khăn ấy tôi tin ở mỗi người lính cũng có những phút giây thơ mộng trước cảnh sắc thiên nhiên trên mỗi miền đất ta qua. Đành rằng tại cái thời điểm ấy ta chưa cảm nhận hết được vì bên nó còn là cái sống, cái chết, còn là đói cơm thiếu muối. Cũng chính để tồn tại, vượt qua khó khăn thiếu thốn mà người lính đôi khi có được những hành trình đầy thú vị.
Đó là những chuyến phiêu linh trong những cách rừng Phong Điền một phần nhỏ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ để kiếm xâu măng giang, nắm môn thực, những con cá suối thêm vào khẩu phần nghèo nàn trong bữa ăn của lính chiến trường. Thực tình khi ấy, mỗi lần xách súng vào rừng, xuống khe cải thiện chẳng bao giờ trong tôi có một chút khái niệm về cái đẹp của cảnh vật xung quanh, đang thiếu đói mấy ai mơ mộng. Nhưng sau mỗi chuyến đi về, rất tự nhiên trong người thảnh thơi thoải mái hơn và càng vui khi về có nhiều rau và cá.
Năm 2002 khi tôi cùng con gái về thăm lại chiến trường cũ, ở vùng đồng bằng giáp ranh thì không ấn tượng gì lắm nhưng ngược lên một đoạn con đường 71 cũ thì khác. Con gái tôi phải thốt lên :" Chiến trường của Bố ngày xưa đẹp quá ! ". Quả vậy, rừng núi Phong Điền phong phú lắm, phần trước tôi đã kể từng gặp nhiều động vật quí hiếm và có lẽ đến lúc ấy tôi mới chợt nhận ra cái đẹp của nó sau mấy chục năm trời khi tuổi đã xế chiều. Tôi trêu lại con gái mình rằng :" Hồi ấy mày mà đến được đây xem có thấy đẹp không ... ".
Từ chân điểm cao 146 tôi nhìn lên điểm cao 506 một màu xanh hơn và không còn những thân cây khô trắng của 30 năm trước. Ngày trước, từ 146 nơi C bộ đóng quân lên đỉnh 506 chúng tôi phải đi mất một ngày đường. Để lên đó chúng tôi vượt qua đồi Súng Cối, men theo một khe suối rồi lên theo sườn tây nam điểm cao. Rời khe suối phải đi thêm gần 2 tiếng mới lên tới đỉnh. Hàng ngày, một trong ba chúng tôi phải thay nhau xuống khe suối này tắm, xong rồi cõng một gùi nước 36 lít = 6 mũ sắt Mỹ lên đến đỉnh là nắng đã chiếu thẳng đỉnh đầu. Đỉnh 506 khô cằn chỉ có lau lách và cỏ tranh, chúng tôi trồng gì cũng không sống nổi vì nắng và gió quá mạnh nhưng các triền núi quanh nó cây cối rậm rì ngày nào cũng nghe tiếng kêu lũ vượn và muôn loài thú khác. Lật sang bên sườn tây bắc 506, tụt xuống chân điểm cao là khe Mễ, một nhánh chính cung cấp nước cho dòng sông Ô Lâu.
Khe Mễ ( bây giờ người ta gọi là khe Me) là một con suối lớn, hai bên bờ có nhiều vách núi dựng đứng và cũng có những vạt đất rộng mấp mé mép nước cây cối quanh năm xanh tốt. Lòng suối có chỗ trải rộng hiền hòa, có chỗ gập ghềnh thác trắng, có nhiều hang hờm nên cũng rất đa dạng các loại cá.
Tôi đã nhiều lần lang thang cả ngày ngược lên thượng nguồn khe Mễ để kiếm cá. Mỗi lần như thế chúng thường chuẩn bị khoảng chục quả thủ pháo tự tạo, cơm nắm và chừng nửa ký muối dùng để ướp cá . Sau 3 tiếng luồn rừng từ trên đỉnh xuống đến khe, chúng tôi tranh thủ giặt quần áo và phơi trên một cái giá phơi cực kỳ đặc biệt, đó là một cặp sừng hươu rất to và đẹp, nó to hơn nhiều những cặp sừng tôi gặp ở một số nhà đại gia thường trưng trong các phòng khách (nhưng khi đó với chúng tôi chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc làm chức năng cái dây phơi).Bỏ lại những đồ chưa dùng đến, hai thằng xách theo khẩu AK, mình trần ngược dòng nước vừa đi vừa tắm và chọn tìm những vũng đánh mìn. Những tiếng nổ trầm nặng của thủ pháo dội lên vang qua các vách núi rồi cũng chìm nhanh vào tĩnh lặng giữa không gian rộng lớn của núi rừng. Hai thằng lính trơ trọi lúc trong ghềng thác, lúc giữa hồ lặng nước trong xanh in bóng mây trời. Cười sướng, cuống quýt khi cá nổi trắng suối và buồn thiu khi chỉ thấy tăm nước sủi sau những tiếng nổ. Nhưng thường chúng tôi chỉ đánh vài ba quả đầy gùi cá là về vì có đánh nhiều cũng chả có cách nào sử lý được. Quay về điểm xuất phát nơi phơi quần áo, làm cá, ướp muối gói ghém đâu đấy và bắt đầu bữa cơm nắm với những chú cá nướng chấm với muối ớt bên dòng suối trong mát giữa trưa hè rát bỏng...
Tôi đã nhiều lần muốn tìm về để một lần được rong ruổi , được "về trẻ" với những cánh rừng, dòng suối năm nao mà bất lực. Rất nhiều lý do để điều đó không bao giờ trở lại, có chăng chỉ gợi cho ta nhớ về một thời đã qua.
Hè năm ngoái tôi đã tổ chức một Tour cho hai ông lính cậu từ nước ngoài về biết thế nào là Trường Sơn.Trước khi đi tôi ra ga sắm cho mỗi chú một bộ đồ trận cho lính ra lính. Sau chuyến đi, hai ông cháu thế hệ 8x đã khoái lắm rồi, chúng bảo chưa bao giờ có được chuyến đi như thế. Còn với tôi, chưa thể nào ưng ý, muốn được như ngày ấy BÂY GIỜ CÓ MƠ CŨNG KHÔNG THẤY ĐƯỢC

CHUYỆN LIÊN LẠC VÀ ANH NUÔI
Đại đội huấn luyện chúng tôi đi B khác với thường lệ, chúng tôi được lệnh lên xe bịt bạt kín, chạy suốt một đêm, đến sáng thì vào đến Yên Mô Ninh Bình, nơi sư đoàn bộ sư đoàn 312B đóng quân. Sư đoàn đặc biệt này được thành lập đâu như tháng 7/1972 và giải thể tháng 1/1973. Đến bây giờ rất nhiều người không biết về sự hình thành của nó và nhiệm vụ của nó khi ấy.
Biên chế của sư đoàn chỉ có 3 tiểu đoàn mỗi tiểu đoàn trên 500 quân và các đơn vị trực thuộc nhưng được trang bị mạnh. Trừ tiểu đoàn 38 là đơn vị chiến đấu của quân khu tả ngạn, còn lại các đơn vị khác đều là những học viên các trường sĩ quan, họ đều đã trai qua chiến đấu. Ví như dụ như có đại đội hóa học không biết làm gì, nhưng có 1 trung đội súng phun lửa. Đại đội 24 quân y thì có vài ông bác sĩ nguyên là giáo sư của trường đại học quân y, lính toàn sinh viên quân y năm thứ 3, thứ 4. Với quân số như vậy f312B so với các sư đoàn của ta sau nhiều ngày chiến đấu ở Quảng Trị thì đúng f312B là một đơn vị rất mạnh. Bởi thế mỗi bước đi của sư đoàn đều có chỉ huy trực tiếp của bộ tổng tham mưu cũng như sự săn lùng của đối phương, từ Hà Tĩnh trở vào B52 đánh vút đuôi đội hình đơn vị liên tục.
Đặc biệt thế nên số tân binh bọn tôi bổ xung về đã có sẵn chức danh là anh nuôi và liên lạc.
Một tuần làm Liên lạc đại đội
Tôi cùng thằng Phong Khuâm Thiên về đại đội 36, tiểu đoàn 130, trung đoàn 165, sư 312B làm liên lạc đại đội. Tôi đi với thượng úy Đại đội trưởng Lập, thằng Phong đi với thượng úy Nhẫn chính trị viên.
Nhận quân trang mới nhiều thứ quá , mũ cối,mũ tai bèo ,Hăng gô, túi cứu thương,dao găm, tăng,võng,xẻng bộ binh..Một khẩu AK Tiệp mới tinh cùng 300 viên đạn, hai quả lựu đạn. Tôi chưa bao giờ thấy mình giầu thế.
Cả đơn vị đang chuẩn bị diễn tập, chưa hình dung ra điều gì, thì hôm sau được lệnh đi trinh sát cùng đại đội trưởng .Chúng tôi hành quân đến hơn hai chục cây số , đến nông trường Hà Trung. Các cán bộ và lính trinh sát phân tích địa hình, xác định điểm tập kết từng đơn vị ,vv..Tôi đi theo nghe câu được, câu chăng như người thừa . Đợt trinh sát suốt một ngày một đêm, sáng ra mới về đến đơn vị , mệt nhoài. Cứ nghĩ mình được được nghỉ vài hôm mới bắt đầu "đánh", ai ngờ ngay chiều hôm ấy , cả đơn vị xuất kích . Tôi nghe lính cũ bàn nhau về chiến thuật là đánh bôn tập, hành quân vào tuyến tiếp xúc là đánh luôn. Lại hành quân suốt trong đêm. Lại còn tình huống "địch" nống ra, phải đi vòng thêm mấy cây số nữa. Đến vị trí tập kết , đã thấy "pháo " nổ ầm ầm trên các điểm cao. Sở chỉ huy rộ lên các tình huống , máy vô tuyến 2W, điện thoại làm việc liên tục. Tập trận mà cứ như đánh nhau thật. Từ đài qua sát tôi thấy địa hình nông trường Hà Trung nó giống với địa hình ở Điện Biên Phủ, có chăng là nhỏ hơn chút xúi.
Cuối cùng đến lượt tôi , C trưởng chỉ cho tôi ngọn đồi phía xa xa :" Cậu báo cho trung đội 1 nhanh chóng chiếm lĩnh điểm cao X, là điểm cáo phía trước mặt đó..", theo tay chỉ cũng lại một ngọn đồi xa xa nữa. Tôi chạy băng băng về hướng ngọn đồi đầu tiên, lên đến nơi chả thấy ma nào ( không biết có phải là ngọn đồi đó không ). Khi ấy , tôi chẳng xác định được đồi nào với đồi nào cả. Tôi chạy quay lại về chỗ cũ, không thấy mọi người đâu, sở chỉ huy đã rời đi , thế là lạc. Nhìn lên dãy đồi xa thấy lính mình lố nhố trên đỉnh đồi nhưng không biết có phải lính C mình không, dưới lòng chảo có mấy cái nhà ngói, tò mò đi xuống. Nhà trống rỗng nhưng sạch sẽ, có giếng nước trong mát. Tôi tranh thủ nghỉ và rửa mặt, làm gọn nửa phong lương khô. Tiếp tục đi lên hướng đồi lúc đầu có "pháo" nổ, hy vọng tìm được họ, tôi gặp Thanh, Đạt đều lính mới như tôi. Hỏi ra thì chúng nó cũng như mình, đang lạc đơn vị.
Mãi đến gần trưa tôi mới tìm về được đại đội. Thấy ban chỉ huy đang hội ý chọn chỗ nghỉ cho anh em, tôi góp ý :" Ở dưới lòng chảo có nhà và giếng mát lắm, các thủ trưởng cho bộ đội nghỉ đấy thì tuyệt." C phó Đạo nhìn tôi cười và nói :" Chỉ được cái tham mưu con ". Không ngờ chừng nửa tiếng sau, một tốp F4 nó đến thật, chỉ trong 10 phút , mấy ngồi nhà tan biến , thay vào đó là những hố bom xám ngoét. Tôi vô cùng kinh hoàng nhưng bái phục các anh chỉ huy của mình.
Sau đợt diễn tập, đám lính trẻ chúng tôi chuyển xuống làm anh nuôi hết , các liên lạc mới lại phải lấy lính cũ. Mới tập trận thôi mà tôi cùng cán bộ C và trinh sát thức trắng 3 đêm hành quân liên tục người mệt rã ra, chưa biết vào trận thật có làm nổi không, may mà các xếp cũng sáng suốt chuyển đám lính mới chúng tôi xuống làm anh nuôi.
Làm anh nuôi tôi được trang bị thêm 2 nồi 20 cùng 1 con dao tông nữa và bắt đầu lên đường đi B.

Lễ xuất quân, cả đại đội tập trung hàng ngũ chỉnh tề nghe CTV đọc thư của Phó tổng Tham Mưu Trưởng Vương Thừa Vũ. Đến hôm nay tôi cũng chưa rõ gọi nó là gì nhưng nội dung tôi nghe như mệnh lệnh chiến đấu. Tôi vẫn nhớ mang máng một câu :"... Cho dù phía trước là vực sâu hay núi cao..." Nghe khí thế lắm, nó như những hình ảnh tôi thấy trong phim tài liệu về chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 khi cấp trên trao cờ cho các đơn vị thọc sâu của quân đoàn 2 và quân đoàn 4 trước khi tiến vào Sài Gòn. Chỉ khác thời điếm đó chúng ta đang rất khó khăn trên các chiến trường.
Chúng tôi hành quân bộ chừng hơn tiếng đồng hồ thì ra tới đường số 1, một đoàn xe dài nối nhau đã chờ trên đường. Trung đội tôi ngồi gọn trên một chiếc Zin 3 cầu, hơn ba chục con người được chen chúc, ba lô làm ghế súng để trước mặt, người dựa vào nhau. Đoàn xe chạy chậm trong đêm, trong ánh đèn gầm sáng mờ phía trước. Xa xa, tiếng máy báy ì ầm , pháo sáng chập chờn , lúc sáng rực lúc ảo mù như ánh trăng. Xe chạy được khoảng 2 tiếng thì dừng lại chờ vượt sông bằng cầu phao. Cả đoàn xe nằm rải dọc bên đường chờ lệnh . Xe chúng tôi nhích dần, nhích dần về đầu cầu, những chiếc xe ngược chiều xộc xệch, trống rỗng. Tiếng hò hét, tiếng xe cộ gầm rú, ánh đèn pin loang loáng, không khí thật căng thẳng. Tôi ngồi im trên xe, quan sát các hoạt động của đầu cầu trọng điểm, thỉnh thoảng ngước nhìn bầu trời chập trờn pháo sáng...Xe chúng tôi từ từ bò xuống cầu phao theo sự điều khiển của một cô gái. Cô đội chiếc mũ sắt giống như lính cao xạ, mình choàng chiếc dù hoa, tay cầm cờ đuôi nheo, vẫy vẫy cho xe bám vào mép cầu đập dình .Dáng cô đĩnh đạc, dứt khoát. Xe lướt ngang qua cô gái, mấy ông lính từng trải buông vài lời chòng ghẹo. Còn tôi, người lính trẻ, lần đầu vượt trọng điểm, nỗi sợ phần nào được trấn tĩnh khi nhìn cô gái đĩnh đạc, gan góc đó. Cảm phục ! Không nói nên lời.
Sau này, mỗi lần đi đâu qua Thanh Hóa, đến Đò Lèn tôi thường dừng lại, nghỉ hút điếu thuốc và uống cốc nước dừa. Ngắm nhìn tượng đài ghi công những Anh Hùng giao thông ngay đầu cầu, tượng đài bằng đá thật uy nghi , hoành tráng ...Riêng tôi, hình bóng người con gái, đầu đội mũ sắt, tay giơ cao lá cờ nhỏ chỉ đường cho xe qua, chiếc khăn dù bay bay, chập chờn giữa trời đêm năm ấy thì chẳng tượng đài nào sánh nổi...
Đoàn xe tiếp tục lao về phía Nam, trong đêm tối đi qua những đâu , tôi cũng chẳng biết được. Chỉ khi cả đơn vị xuống xe để vượt sông bằng đò, tôi mới biết là mình đã đến sông Mã. Cầu Hàm Rồng một trong điểm ác liệt nổi tiếng bị bị bom Mỹ đánh gẫy từ những ngày đầu chiến tranh phá hoại trở lại miền Bắc. Chúng tôi phải xuôi theo dòng sông Mã đến một bến đò cách không xa cây cầu cũ.
Không khí qua đò nhộn nhịp, đông vui ,không căng thẳng như ở các trọng điểm. Đưa chúng tôi qua sông đủ loại đò, to có, nhỏ có. Lái đò cũng đủ mọi lứa tuổi, có cả những em thiêu niên nhưng đa phần là các cụ và phụ nữ.
Hò ơ ...ơ hò ..
Đâu đó những giọng hò cất lên từ những cô gái xứ Thanh tinh nghịch . Lính ta đáp trả cũng láu lỉnh, làm cả bến đò rộn vui, như nơi đây chẳng hề có bom đạn.Tôi rất thích điệu hò đối đáp này của người dân xứ Thanh, giai điệu đơn giản và lời nếu ai nhanh trí có thể tự bịa ra được. Tiếng hỏi thăm, trêu đùa nhau tíu tít, đò nào có những cô gái trẻ thì đầy ắp tiếng cười.
Sang đến bờ Nam trời đã gần sáng. Chúng tôi đi xuyên qua thị xã Thanh Hóa lên Triệu Sơn, nơi bắt đầu con đường 15. Thị xã ngổn ngang, tĩnh lặng gần như không có dân, nhà cửa đổ nát nhiều quá . Nhà ga thị xã bị bom Mỹ đánh nát, đường ray bật lên cong queo, những toa xe , đầu máy lật nghiêng. Tôi có cảm giác như một thành phố chết, không một bóng người, hoang vắng đến lạnh người. Chúng tôi lầm lũi bước qua cảnh đổ nát ngược lên phía Tây thị xã.
Đơn vị nghỉ tại một làng nhỏ ria thị xã, lính cũ bảo đây là "rừng thông "địa danh là thế nhưng tôi chẳng thấy cây thông nào. Đơn vị tỏa vào trong làng trú trong các nhà dân. Nhận nhà xong, tôi được phân công lo bữa ăn trưa cho anh em còn thằng Thìn đen sẽ nấu bữa chiều.
Ngày đầu làm anh nuôi thực thụ cũng chưa có gì vất vả, chủ nhà sai con cháu hướng dẫn, giúp tôi rất nhiều, trung đội cũng cử người xuống phụ thêm nên rất nhanh tôi đã chuẩn bị xong bữa trưa , chia chác đâu đấy là mắc võng ngủ. Dù sao cũng phải ngủ sau các đồng đội vì mình là anh nuôi. Các bác bảo sướng cái nỗi gì.

Hai ngày tiếp theo chúng tôi vẫn được đi bằng ôtô đến Nam Đàn, bắt đầu chặng đường đi bộ theo đường giao liên của 559.

Hành quân mùa mưa thật vất vả, làm anh nuôi càng cất vả hơn. Cứ sau mỗi ngày hành quân lính tráng mắc võng nằm nghỉ, thì tôi lại là lúc bắt đầu công việc của mình. Cũng có vài người được cử xuống giúp anh nuôi, làm một số việc như lấy củi, đào bếp Hoàng Cầm . Việc cắt đặt , phân công ấy, những người lính bình thường cũng còn có lúc nghỉ ngơi, còn anh nuôi ngay mô cũng rứa, lại lo ba bữa cơm cho đơn vị..
Thường cứ sau bữa cơm chiều, tôi phải tiếp tục nấu một nồi cơm to nữa, để nắm thành mấy chục nắm cơm cho bữa trưa trên đường hành quân ngày hôm sau. Sáng ra, chia cơm xong, ăn vội ăn vàng ,thu dọn nồi niêu xong thì đơn vị đã hành quân ra đến đầu làng. Úp vội 2 cái nồi vào ba lô rồi vác súng là đuổi theo đơn vị.
Củi lửa trong mùa hành quân mưa cũng là một vấn đề.
Qua những binh trạm được đóng trong nhà dân thì không phải lo, binh trạm phát cho đơn vị những phiếu củi, lính ta chỉ việc dùng củi do dân kiếm sẵn từ trước và đưa phiếu củi cho dân. Binh trạm sẽ thanh toán với họ. Bếp sẵn, củi khô, khéo dân vận có các Mạ, các O xúm vào giúp vừa nhàn vừa vui. Nhớ lần đóng quân ở Tuyên Hóa Quảng Bình cả chục ngày liền, sáng nào tôi cũng phải dạy sớm nấu cơm. Cô con gái bác chủ nhà hay dạy sớm cũng lo chuyện bếp nước cho gia đình. Hai đứa cùng ngồi bên bếp, lứa đấy, rơm đấy, cơm sôi sùng sục vui đáo để nhưng mà chuyện này kể khó lắm, các bác thông cảm bởi nó không phải việc của anh nuôi, lạc đề mất...
Ở những trạm giữa rừng mới cực, bếp Hoàng Cầm cũ lúc nào cũng có nhưng vẫn phải sửa sang chút ít mới dùng được. Binh trạm trong rừng, quân ra quân vào hàng ngày bãi khách nhãn lì, kiếm bổ xung cái cọc phụ còn khó huống chi củi, phải đi khá xa mới có củi. Nhiều khi phải dẽo săng lẻ, khoang tàu để nấu cơm khi mưa, loại cây này dễ cháy nhưng ban đầu cũng cần mồi cho có nhiệt, củi xe xe mới cháy được. Vậy nên đi đường gặp bất cứ mảnh cao su nào lính vứt là tôi lượm, thủ túi cóc, dùng để nhóm bếp dần. Nói vậy thôi, tôi cũng được anh em giúp rất nhiều, họ hướng dẫn tôi rất nhiều. Thường anh em hay mắc sẵn tăng võng cho tôi xong việc là chui vô ngủ.
Những ngày ấy tôi cũng phải cố gắng ghê gớm để theo được lớp lính đàn anh. Nhiều đêm hành quân mệt rũ nhưng chân vẫn đi, trong cái hàng quân ấy, tôi như bị cuốn theo nhịp di của họ, nhiều lúc đi như mộng du và không cảm giác.
Một lần trên đất Hà Tĩnh, cũng hành quân trong đêm mưa, cũng trong trạng thái vừa đi vừa ngủ. Khi đi qua một bờ mương, tôi trượt chân ngã. Như một cái máy, tôi đứng dậy đi tiếp không hề có cảm giác gì sau cú ngã.Tôi bám theo đoàn quân, mải miết đi, người mệt rũ .
Áng chừng cũng sắp đến nơi, vô tình sờ vào bụng , thấy thắt lưng to* bung ra lúc nào không hay. Nắn quanh người, bi đông,lựu đạn các thứ đều còn , riêng dao găm không thấy. Tôi buột miệng kêu :" Tôi mất dao găm rồi! ".
Đúng lúc ấy, tiểu đoàn phó Phong đi ngang, Ông đi đến chỗ tôi, hỏi giọng
nghiêm khắc:" Đồng chí mất dao găm phải không? Làm sao lại để mất ?"
_Tôi..tôi không biết mất lúc nào? Chắc rơi trên đường...Tôi lắp bắp.
Vị Tiểu Đoàn phó gọi ngay B trưởng của tôi đến, ra lệnh :" Cho đồng chí ấy quay lại, tìm bằng được!!! ".
Trung đội trưởng của tôi đứng thẳng người, hô :"Rõ!".
Khi vị tiểu Đoàn phó đi khỏi, B trưởng quay sang nói với tôi :" Cậu chịu khó quay lại tìm nhé" giọng anh nhỏ nhẹ .
Cả trung đội nhìn tôi thương lắm, cả một đêm hành quân, sắp đến chỗ nghỉ lại phải quay lại. Biết rơi chỗ nào mà tìm . . lại lính mới nữa..
Có người nói : " dại thế ! sao lại kêu lên để ông ấy biết".
Anh Diệu , người từng bắt sống thiếu tá Đức (trưởng ban tác chiến lữ dù 3) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, thì thào :" Hành quân cả đêm mệt rồi, cứ về nghỉ , con dao là cái Đ.. gì, vào đó tao kiếm lại cho "
"Không được, cậu phải quay lại, Đãi đi với cậu ấy".Trung đội trưởng nói dứt khoát.Tôi không còn cách nào khác, phải quay lại nhưng thầm cảm ơn B trưởng, đã không để tôi đi một mình giữa đêm mưa khuya khoắt.
Chả là sư đoàn tôi hành quân vào mùa mưa, có đơn vị khi vượt sông, vượt suối bị trôi mất súng. Riêng trung đoàn tôi( toàn học viên SQLQ) lính đều đã từng đi vài chiến dịch sau hơn một năm học và rèn tại trường càng thêm từng trải. Lính tráng luôn tự hào là "anh cả đỏ" của sư đoàn nên việc có một người lính làm mất vũ khí là điều các cấp chỉ huy không thể chấp nhận.
Tôi và anh Đãi ( trung đội phó) lặng lẽ quay lại. Đi bên người lính dày dạn , từng trải tôi rất yên tâm nhưng lòng áy náy quá . Tại mình làm anh ấy vất vả thêm ,lẽ ra giờ này anh sắp được nghỉ ngơi. Hai anh em đi được chừng nửa tiếng , thấy bên đường có căn nhà nhỏ, tôi chỉ vào nói với anh :" anh nghỉ tạm ở đây, để mình em đi cũng được ". Trời tối om, Anh và tôi mò mẫm đặt ba lô nơi hiên nhà , bên trong chủ nhà chắc đang say giấc , anh bảo :" đi thêm ít nữa không thấy thì quay lại, đừng cố, anh đợi ở đây "
Khoác khẩu AK tôi đi tiếp, ngược lại đường hành quân.Trời vẫn mưa, tiếng ếch nhái, côn trùng lúc rộ lên, lúc tắt lịm trong đêm tối âm u.Gió rít lạnh, tôi lầm lũi ,âm thầm bước đi.Con đường sẫm mờ , loang loáng những vũng nước đọng trên nó, tôi cứ lướt ào qua , không cần biết nông sâu. Lúc này thì tôi không thể gà gật được nữa , mắt chăm chú quan sát mặt đường,tai lắng nghe từng động tĩnh nhỏ. Mải miết, cũng chẳng nhớ đi được bao xa nữa. Khi đến bờ mương, con dao găm vẫn nằm đó. Tôi ngồi xụp xuống, rưng rưng nắm chặt , sung sướng hơn được quà ngày bé. Mưa vẫn rơi không ngớt, sống mũi cay cay, tôi biết mình đã khóc, nước mưa tạt vào tràn chảy khắp mặt, làm tôi không còn nhận thấy vị mặn của nước mắt mình. Đúng là tôi đã khóc, vì những vất vả gian nan của đời lính và cũng vì tôi thấy mình đã dần vượt lên nó , từng trải hơn mỗi ngày.
Đường quay về như sáng hơn ra trước mắt, tôi bước đi nhe nhõm. Con dao thô kệch, xấu xí mà hôm nay làm tôi cực thế. Tôi bỗng lại nhớ mấy thằng bạn mình.Ngày bé chúng tôi mê dao găm lắm, tôi có một con tự tạo do một đàn anh tặng.Thằng bạn thân còn có một con đẹp hơn, nó rất đa năng,có thể làm cưa,làm kìm và mở được đồ hộp...Hình như nó nẫng của ông già thì phải. Ông già nó là tướng trận mạc, chiến dịch nào cũng đi. Con dao của ông đẹp thế mà mất, chẳng biết ông tìm lại được không? Nghe đâu có lần ông lên tận trường, lục soát ba lô thằng con nghịch nghợm của mình, để tìm con dao . Con dao đối với người lính, quan trọng thế sao? Còn khi ấy, chúng tôi mê dao cũng chỉ để mỗi lần đi chơi dắt theo , làm le với đám bạn bè và hù dọa lũ con trai ngoài phố .Giờ mỗi thằng mỗi nơi, nghe đâu giờ nó là lính đảo, lính biển gì đó. Chắc cũng bị "hành" cho no bụng nước, rèn đến mặn cả người chứ kém gì. Để làm người lính thực thụ, thật không dễ...
Anh Đãi đón tôi vào hiên nhà ngồi nghỉ, bóc phong lương khô, anh đưa tôi . Dựa lưng vào ba lô, tôi nhâm nhi thanh lương khô, mắt thiu thiu ngủ. . .Khi mở mắt, mưa đã ngớt, trời đã rạng , thanh lương khô vẫn nằm trên tay. Nhìn thấy xung quanh toàn quan tài, rùng mình, đêm qua trời tối quá chúng tôi không nhận ra được những khối lù lù ấy là gì. Giờ mới biết, thấy hơi ghê ghê những mọi chuyện đã qua.Tôi ăn tiếp thanh lương khô , rồi lại lên đường.
Gần trưa, chúng tôi mới tìm thấy đơn vị, đến đầu làng, Đại đội trưởng Lập đang đứng ngắm dòng sông . Thấy anh em tôi về muộn ,Ông hơi ngạc nhiên , khi biết chuyện , Ông cười vỗ vai tôi và nói:" con dao là đôi tay người lính đấy, vào trong kia không thể thiếu nó được".Tôi thoáng vui trở lại, Ông lại tiếp tục ngắm con sông dục ngầu bởi mưa nguồn, tôi tò mò hỏi sông gì, ông bảo " sông Ngàn Sâu đó". Nhớ mãi!

TÂM LINH LỒNG NỖI NHỚ
Sáng thứ 7, đang ngồi viết bài về 27/7 cho uttroi thì có điện thoại của anh em đồng đội cũ (Trị Thiên) kêu đi thăm các gia đình liệt sĩ.Thường thì chúng tôi vẫn phân công theo khu vực, nhưng có hai gia đình mãi gần đấy chúng tôi mới tìm được ( giống trường hợp của Đặng Đình Kỳ và Nguyễn Đức Thảo). Khi đến nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Minh c5, ngồi nghe bà mẹ kể những điều bà thấy trong mộng làm tôi cực kỳ ấn tượng.
Bà kể một đêm mùa đông,trời tối đen, gió rét lạnh, năm ấy là 1974 , tự nhiên bà nghe tiếng gõ cửa , choàng dạy bà nghĩ :" Hình như Minh nó về ".Ra mở cửa lại chẳng thấy ai. Suốt đêm hai , ba lần như thế, bà đều ra mà chẳng thấy ai. Vào giường ngủ thiếp đi bà mơ thấy con trai về, trông thấy con gày xanh, bà hỏi :" Con bị thương à "
Vâng, con bị vào mạng sườn, nhưng mẹ yên tâm, đơn vị không bắt con làm việc nặng đâu _Minh trả lời và đưa tay xoa vai bà rồi đi mất.
Bà tỉnh dạy thì gối ướt đầm. Hôm sau bà lên khu đội hỏi về con mình. Họ bảo bà nghĩ lung tung và đuổi bà về. Chẳng có lý gì để ở lại, bà đành phải về, linh cảm cho bà biết có điều chẳng lành nhưng bà không đủ can đảm để biết thêm nữa. Về nhà chồng bà trách :" bà chỉ được cái mau nước mắt, hơi tí là xụt xùi".
Thằng Minh con bà đi B đã hai năm rồi, trước lúc đi B nó còn gửi cho bà 42 đồng , nó bảo " 20 đồng mẹ cho con lúc lên đơn vị, còn 22 đồng là hơn hai tháng phụ cấp con chẳng tiêu gì. Con gửi về cho mẹ và em, trong này không dùng đến". Bà nghĩ mà chảy nước mắt, nhà nghèo quá, Minh nó thương bà. Bà bảo :" Thế mà ngày đi bộ đội nó còn chanh nhau với em con dao con díp...
Mấy hôm sau bà đến cơ quan, thấy mọi người cư xử là lạ ,bà chả hiểu thế nào cả? Nghe mấy đứa cùng phòng rì rầm bàn tán chuyện đi B, chuyện hy sinh khi bà đi qua thì họ lại im thít. Không chịu được bà lôi con Thanh ra một góc, bắt nó phải nói có chuyện gì? Con bé sợ quá buộc phải nói thật :" Cô ơi, hôm nọ có anh bộ đội về nói, Minh nhà mình hy sinh rồi . ." Chưa hết câu nó khóc nức nở, vừa khóc nó vừa nói :" Cô đừng khóc, bác giám đốc mà biết thì cháu bị đuổi việc mất ..." Bà cũng chỉ nghe được có thế . .
Ra viện bà được cơ quan cho nghỉ mấy ngày. Ông cũng xin nghỉ ,suốt ngày bên bà. Bà bảo :" sao mấy đứa bạn thằng Minh không về nhà mà lại đến cơ quan báo nhỉ?". Ông kéo bà vào lòng , bà thấy người ông rung lên ...Ông bảo :" Đừng trách chúng nó, tội nghiệp ,chúng nó ở trong đó đói khổ , vào sống ra chết , nay ra được đến đây đừng bắt chúng nó phải làm cái việc này nữa ". Nước mắt bà lại chảy , bà nghĩ thương chúng nó quá, những đồng đội của Minh, cả mấy đứa con gái cơ quan bà như con Thanh, con Hà ...
Bà lại sinh con, với con bé, anh nó là tấm hình chú bộ đôi lồng trong khung kính cùng tấm bằng "Tổ quốc ghi công" trên tường. Bà kể :
_ Tưởng là Minh nó không biết, thế mà nó vẫn biết. Hôm gọi hồn nó cứ đòi gặp em. Nó chỉ em nó nấp sau cánh cửa kia kìa. Nó còn nói nó về mấy lần cả nhà không biết , lúc là con chim cứ lao vào cái bằng tổ quốc nghi công, lúc là con thằn lằn mắt sáng rực nơi bể nước...Rồi bạn gái con về mà mẹ chẳng cho vào...
Năm ngoái tìm được mộ nó ở nghĩa trang Hương Điền, cả nhà định đưa nó về, nó bảo :" Con không về đâu, ở trong này vui lắm, con có nhiều bạn. Con có vợ rồi, cô ấy là Xuân Hoa , du kích hy sinh trước con gần một năm. 27/7 mẹ làm cơm thì gọi cả Hoa về nữa nhé ..." Vì thế bà không mang Minh về nữa, chỉ sửa sang lại phần mộ cho nó...

Chúng tôi ngồi lặng nghe bà kể, khi ra về mới hỏi nhau ngày đó đứa nào biết o Hoa không? Các bạn tôi bảo ngày đó có o Hoa ở Quảng Điền nhưng không dám chắc ...Đơn vị tôi ở Hòa Mỹ chung với du kích và cơ quan huyện Quảng Điền .Tôi thì biết mấy o Tiệm,Đào,Phương,Điệp làm bên địch vận ,hồi đó chúng tôi gọi là " Thiên nga Việt Cộng" .Ngày 12/3/1975 Tiệm, Đào và Phương hy sinh dưới đồng bằng (Q21) cùng với rất nhiều đông đội K15 của chúng tôi. Nếu có Xuân Hoa ở Quảng Điền thật thì quả là Minh thiêng quá.
Minh hy sinh ngày 26/12/1974 khi đi cải thiện cho anh em bị vấp mìn, thằng Lợi đi cùng Minh hôm đó hôm nay chỉ ngồi khóc, nó bảo :" Minh tự dành lấy cái chết thay cho nó..."
Chuyện ghi lại khi thăm nhà các liệt sĩ của Trung Đoàn Phong Quảng
26/7/2008
Tháng 8 / 2008 tôi lại vào Huế, lên nghĩa trang Hương Điền thắp hương cho Minh và các đồng đội. Mộ Minh không nằm cùng anh em Trung Đoàn mà nằm tận rìa nghĩa trang. Tôi để ý tìm khắp xem có liệt sĩ nào là Xuân Hoa không, nhưng không thấy. Không biết cô ấy có trong số những ngôi mộ vô danh kia không?. Về Huế tôi ghi lại và nhờ một người bạn ở Huế hỏi thăm anh em Quảng Điền cũ xem có ai là Xuân Hoa thì báo cho tôi. Đến hôm nay vẫn chưa có tin gì.
Năm nay, 27/7 này tôi không về đựợc Trị Thiên , ghi lại mấy dòng thay cho nén nhang gởi các đồng đội tôi đã không về.

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỎ TRONG CHIẾN TRƯỜNG.
Chúng tôi chiếm lại 61 thật nhanh gọn, bộ binh đánh rất giỏi và bắt sống 8 tù binh ( toàn bọn thủy quân lục chiến). Suốt quá trình diễn ra trận đánh, tiểu đội trưởng của chúng tôi không hề có mặt tại trận địa . Anh ta chỉ ngồi trong cái hầm mé sau đồi cùng anh y tá. Vậy mà mấy hôm sau về đại đội tôi lại gặp chuyện.
Sau khi tái chiếm 61, tiểu đội trưởng có về đại đội, chẳng biết báo cáo những gì...Đến lượt tôi khi về đại đội lấy thực phẩm, chia kịp vào lán đã thấy anh Sen chính trị viên hỏi :" Cậu là số 1 mà sao lại để cho Thọ C5 nó bắn " . Tôi trả lời:" Em bắn mãi tức cả tai, anh em ai thích em cho bắn, có phải bắn máy bay đâu mà cứ phải số 1. À mà anh nghe ai nói thế?". Chính trị viên Sen chợt nhận ra điều gì đó, anh bảo :" thôi, thôi, chẳng vấn đề gì". Thế đấy, tôi hiểu anh Sen đã nhận thấy vai trò của tiểu đội trưởng trong trận đánh này, nếu khi ấy có mặt tiểu đội trưởng ở trận địa thì tôi đâu có làm được điều đó. Đã thế im mẹ nó đi, đằng này lại còn phản ánh, ta đây !, lòi cái đuôi hèn nhát. Thực tình, tôi chưa thấy người lính nào tự mình nhận là dũng cảm, bởi đã là con người ai cũng muốn sống. Chiến tranh liên miên suốt mấy thế hệ, những người lính ngày ấy ra đi đều xác địch có thể không trở về. Trong những ngày tháng gian khổ ấy, giữa cái sống và chết chúng tôi mỗi người lính phải hàng ngày, từng giây,từng phút đấu tranh vượt qua nó để trụ lại. Trong chúng tôi không phải ai cũng vượt qua đươc, có người tự thương, có người đảo ngũ nhưng tôi không coi họ là những kẻ hèn nhát, dù họ có lỗi. Bởi trong họ , trước đó có những người đã chiến đấu rất anh dũng. Thường thì trong ác liệt, gian khó bằng bản năng tự nhiên , người lính biết tự bảo vệ mình và chia sẻ với đồng đội. Lúc ấy họ chấp nhập , hành động để dành lại cuộc sống bằng cái chết anh dũng. Đó là những người lính chân chính. Còn hèn nhát, là những kẻ sợ hãi đến mức không dám phản ứng dù đó là hành động để dành lấy sự sống. Họ quá thừa trong những trận đánh, trong cuộc sống . Chúng tôi coi thường và ít để ý đến họ, đã lờ đi cho họ thế mà họ đã đáp lại như vậy đấy.
Thực phẩm ở đại đội hết, đại đội điều tôi đi tận Tam Dần lấy. Tam Dần là ngã tư đường 15N và đường 71. Nơi đây có thể gọi là thủ đô của bộ đội Phong Quảng chúng tôi. Ở đây có các đơn vị hậu bị và các trận địa pháo tầm xa 130. Có nhiều kho tàng và quân y viện (96). Có cả một làng nhỏ, rất nhiều trẻ con là con em các cán bộ địa phương ba huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền. Ở đây cũng tổ chức lớp học, có các cô giáo quản lý các cháu. Tôi nghỉ một tối ở đây , sống trong khung cảnh đầm ấm như ngày nào được đóng trong nhà dân hồi huấn luyện. Nghe, nhìn lũ trẻ nô đùa làm tôi lại nhớ đất Bắc xa xôi.
Hôm sau trời mưa to, tôi không về ngay mà tranh thủ vào viện thăm số anh em bị thương ở 61. Gặp được anh Cấp, thằng Hồng C5, đang ngồi nói chuyện với nhau thì một cô y tá hỏi :" Có anh nào về Phong Điền hôm nay không?" . Khi biết có tôi về Phong Điền, cô y tá mừng lắm :" cho em gửi một o đi cùng ". Ngay sau đó đã thấy một cô gái vào lán ,chào hỏi và chờ tôi để cùng lên đường.
Cô gái cùng đi với tôi về Phong Điền thật đẹp, dáng người cao ráo, tôi cứ nghĩ cô là văn công. Cô mặc bộ bà ba giống như hầu hết các o du kích địa phương ở đây. Trông cô, không ai nghĩ là vừa từ ngoài Bắc vào vì từ cách buộc gùi, choàng áo mưa rất thành thạo.
Chúng tôi đi xuôi con đường 71 , trời mưa tầm tã. Mùa mưa ở Trị Thiên thì khỏi nói, mưa thối đất, thối cát. Hai chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện cho quên đường dài. Khi biết tôi ở Hà Nội cô gái reo lên :" Em cũng vừa từ Hà Nội vào này ! ".
_ Ủa, sao cô nói tiếng Huế ? . Tôi tò mò hỏi
_ Em ra Hà Nội học mấy năm rồi, nay lại trở lại Phong Điền. Xa quê lâu rồi nên không hiểu tình hình địch ta dưới đó, không dám đi một mình.
Hèn chi mà tôi thấy cô gái thành thạo thế. Nhìn cô đi trong mưa ,những lọn tóc bết vào má trông rất hồn nhiên. Chiến trường đâu chỉ bom với đạn mà còn bao cái gian khó mà người lính phải chịu đựng. Thôi thì chúng tôi kiếp nam nhi thời loạn đã đành chứ mấy cô gái ở trong này thì cái khó, cái khổ đúng là gấp bội. Khi biết cô có bạn học ở Chu Văn An, có vợ chồng chị gái sống ở đường Hoàng Hoa Thám và hiện chú cô đang là bí thư huyện Phong Điền. Tôi hỏi:
_Sao o không ở lại ngoài đó học tiếp đi, vào đây làm chi cho khổ? Mà tôi thấy ở đây các o khổ lắm.
Cô bảo rằng:" Các anh quê tận miền Bắc còn vào đây được , em quê hương ở đây mà không vào coi răng được".
Đường từ Tam Dần xuống đồng bằng Phong Điền thường chúng tôi đi gần một ngày đường , tuy là đường cho ô tô nhưng mùa mưa nên chẳng thấy một chiếc xe nào, trên đường có nhiều ngầm , có đoạn đường chạy trong lòng suối nên dù choàng áo mưa nhưng người chúng tôi ướt sũng. Những lúc lội suối chúng tôi phải nắm chặt tay nhau để khỏi bị trược ngã hoặc trôi. Có một khúc đường gặp một cây to đổ xuống ngáng ngang. Muốn vượt qua phải đỡ nhau mới trèo qua cây được, mỗi lần như thế da thịt chạm nhau mặt hai đứa đỏ rựng... Lúc bấy giờ tôi thấy cô đẹp lắm, và cứ lúc lúc tôi trộm ngắm nhìn cô rồi nghĩ vu vơ : chiến trường ác liệt, gian khổ thế vẫn có những người đẹp cùng chung chiến hào, phần nào như được an ủi. không đến nỗi như câu ca trong bài nhạc vang chúng tôi thường rên rỉ :
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca_Chọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà
.....
Đưng hót như chim trên vũng là sâu, xin thật lòng cho tiếng nói đâu môi.
......
Chúng tôi cùng ăn cơm trong mưa, những lát cơm nắm được cắt từ tay cô gái xếp đều trên chiếc lá rong bứt ven đường. Nước mưa vẫn hắt vào lấm thấm trên mặt lá, tấm vải mưa nhỏ của thằng lính không che nổi hết trời, ăn trong mưa, trong gió. Trong hoàn cảnh ấy chẳng thể khác được, cơm lạnh lẫn nước mưa nhưng tôi thấy ấm áp vô cùng. Tôi có cảm giác như mình đang có tất cả giữa chiến trường ác liệt này người em, người chị và người mẹ.
Rồi lại đi tiếp, lại những câu chuyện vu vơ không dứt , cứ thế chúng tôi cũng vượt qua hết quãng đường dài ấy.
Đến chân 146 thì chú cô, bí thư huyện đã đứng đó đón cô. Hình như trong Tam Dần đã điện cho ông biết . Ông và cô gái chào tạm biệt tôi, hai chú cháu, hai người đồng chí đi tiếp về hướng Ô Ồ. Còn tôi tiếp tục đi về hướng đông, điểm cao 61.
Rồi tôi đi học , về là vào chiến dịch, cho đến hôm này chưa hề gặp lại cô gái ấy.

KHI NGƯỜI LÍNH VỀ
Tháng 8/1977 tao mới được ra quân, sướng ! Cứ nghĩ, về nhà gặp mẹ, gặp cha và các em nghỉ vài hôm rồi xin đi làm một công việc nào đó , ổn ổn rồi lấy cô vợ , một cuộc sống bình yên như từng mơ ước. Nhưng sự đời thật không đơn giản mày ạ, Ngày đi lính tao vừa tốt nghiệp lớp 9, chưa có nghề nghiệp gì, về nhà cớ ngỡ phường khóm chào đón mình như ngày ra đi. Nào ngờ, hàng ngày cầm cái quyết định ra quân và giấy giới thiệu của Phường đi khắp nơi xin việc. Hầu hết là nhận được cái lắc đầu, một vài nơi thương hại thì đồng ý thì bố trí cho làm chân bảo vệ, chán nản tao quay về trả Phường cái giấy giới thiệu. Mấy ông phường tỏ ý quan tâm ý giới thiệu tao vào làm phụ vặt, chạy loong toong cho mấy hợp tác xã gia công gì gì đó. Chả lẽ đánh nhau mãi để rồi về làm mấy cái việc này sao, nghĩ mà ức, chẳng thấy tương lai đâu cả ? Cũng tại mình không nghề, ít chữ...
Nằm nhà hai hôm suy tính có lẽ phải học tiếp để có cái bằng lớp 10 rồi thi trung cấp hay học lấy một cái nghề nào đó, lúc bấy giờ nhiều người đi học công nhân kỹ thuật ở Liên Xô cũ , tao cũng chỉ ước mơ có vậy. Tao quyết định trở lại đi học, tao nói với mọi người trong nhà việc đi học, tất cả đều chăm chú lắng nghe nhưng không ai có ý kiến gì...Mọi người thương tao không chỉ tao là thằng lính chiến về thiệt thòi về chuyện học hành ( Trong thời gian tao ở lính ba em tao cũng đã lần lượt vào đại học, chú út vừa thi xong đủ điểm học nước ngoài) mà còn tỏ ý ai ngại vì tao đã không hiểu gì hết về xã hội bây giờ và không tin tao học được sau những năm tháng chiến tranh nhưng không ai dám nói ra. Cậu em sát tao đang học đại học giao thông nhẹ nhàng hỏi :" Anh xem liệu sức mình còn học được không ? Và anh định học ở đâu bây giờ ? "
- Ơ cái thằng này hỏi kỳ thế ! Chiến tranh tao đi lính từ trường Hai Bà Trưng thì bây giờ hòa bình tao về lại thì trường phải nhận chứ làm sao. Không học thì tao làm gì bây giờ đây ?. Mấy ngày nay đi xin việc đứt lưỡi có ai nhận đâu.
Không ai trả lời cho tao, nhưng tao biết cả nhà thương tao vô cùng, mà không biết làm sao.
Hôm sau tao lẳng lặng cầm tờ quyết định ra quân đến ngôi trường mà cách đây 5 năm tao đã phải rời xa nó để vào Nam chiến đấu. Hai Bà Trưng, ngôi trường xưa vẫn thế mà giờ sao thấy xa lạ , lạnh lùng. Học trò cũ đâu còn, các thầy cô thì không thể nhận ra tao trong bộ quần áo lính nhàu nát, khuôn mặt khắc khổ già trước tuổi của mình.
Vào văn phòng tao đưa giấy cho thầy hiệu trưởng và trình bày :" Em là học sinh cũ của trường, đi bộ đội năm 1972 nay được ra quân và xin được học tiếp lớp 10.'
Thầy hiệu trưởng nhìn tao lạ lẫm, phân vân lắm, sau cùng ông cũng nói thẳng là không thể được vì em quá lớn tuổi rồi. Tao thất vọng trở về nhà, vừa đặt lưng xuống nằm thì thằng Hồng xồng xộc chạy vào, nó la lớn :" Thuấn về rồi đấy à, sao đến bây giờ mới về ?" . Chúng tao ôm nhau rồi ngồi trò chuyện. Nó bảo nó bây giờ đang làm phụ xe cho công ty vận tải lương thực, kinh tế cũng khá ( cái thời mà ông tài xế được trọng vọng hơn cả tiến sĩ, giáo sư) , sang năm nó sẽ được đi học lái xe, lúc ấy sẽ khá hơn nhiều.
Nghe tao nói ý định đi học của mình, nó tròn mắt
- Mày điên à, bây giờ còn đi học ai nuôi mày. Để tao xin cho mày vào chỗ tao, làm phụ xe như tao, chỉ hai năm là được đi học lái xe. Khi đã là tài xế, mày thấy đấy thiên hạ có ai dám ngồi uống bia hơi cả chục vại như họ nào, đi xa thì cơm bưng nước rót...
- Tao điên đấy kệ tao !
Lúc bấy giờ tao chỉ muốn tống cổ nó ra ngoài. Thằng Hồng vẫn nài nỉ thuyết phục tao :" Mày từ bỏ chuyện học hành đi, đừng viển vông hão huyền nữa." nó còn một thôi một hồi nào là bố mẹ tao nuôi ba đứa em ăn học cũng kiệt sức rồi và cũng như mọi người nó nhất định không tin tao học được, nhưng nó còn dám nói ra.v.v. Rồi nó rủ tao đi ăn, uống cốc bia cho thanh thản đầu óc. Hai thằng chở nhau lên tận Lý Quốc Sư vào nhà hàng đặc sản, chà chà từ bé đến giờ tao mới bước chân vào đây lần đầu và cũng lần đầu tiên tao được thưởng thức món chim ngói quay cùng vài ba món nữa rất ngon. Hồng ra quân trước tao có một năm mà giờ khá thế, tiền có vẻ rủng rỉnh lắm. Hai thằng vừa ăn vừa ôn lại chuyện đơn vị, chuyện Phong Điền, Hương Trà xưa, lúc ra về nó dúi vào tay tao mấy chục đồng, nhưng tao nhất quyết không nhận.
Hôm sau tự nó làm cho tao cái đơn, đến bảo tao ký vào còn các việc khác để nó lo, nó còn mang đến một bao gạo khoảng 5kg và nói :" Tao làm nghề vận tải lương thực, hàng ngày chỉ quét gạo vãi trên thùng xe cũng đủ ăn, hơi sạn một tí chịu khó nhặt , gạo bây giờ quí lắm."
Tao biết, giờ với gia đình tao cái gì không quí, nhưng tao dứt khoát không nhận và nói với nó :" Đi nhậu với mày thì được, nhưng tiền và gạo dứt khoát tao không lấy, mày mang về đi ." Hông biết tính tao đành cầm về nhưng vẫn để lại lá đơn xin việc lại cho tao.
- Mày nghĩ kỹ đi, nếu định đi làm thì ký vào đơn , bảo đảm với mày tao xin được việc cho mày.

Mấy ngày liền nằm nhà tao tìm lục đống sách cũ của các em để lại, nghiền ngẫm mớ kiến thức mà tai ù đặc, mới thấy kiến thức của mình rơi vãi quá nhiều. Giờ đi học lại đúng cũng không phải chuyện đùa. Cầm tờ đơn thằng Hồng viết sẵn tao lung bung suy nghĩ chưa biết tính sao thì nó lại đến. Nó chạy qua gian bếp chào mẹ tao rồi nhảy vào nhà , nhìn tao bên đống sách thăm dò. Cái thằng nó vẫn thế, vẫn nhiệt tình bồng bột nhưng chu đáo với anh em, mấy hôm nay cứ đi làm về là chạy đến nhà tao, tao cũng biết nó lo và thương tao. Ngày trong Nam, khi tao xuống đồng bằng cánh Nam lên muộn chưa tin tức gì, anh em bảo nó khóc làm như tao chết rồi ý. Tiên sư cái thằng bây giờ vẫn thế !
Nhìn đống sách cũ trên giường nó bảo :" Thôi đừng điên nữa Thuấn ơi ! Đi làm đi cho xong"
Nghe nó nói tao lại muốn khùng nhưng kìm lại vì sâu xa nó cũng thương mình, tao bảo nó :" Mày để tao điên nốt năm nay, năm sau nhờ mày lúc ấy tao sẽ gọi, còn bây giờ mày về đi !"
Hông lẳng lặng ra về, tao xuống bếp thấy túm "gạo sàn xe" để ở góc, biết là của nó lén đưa cho mẹ tôi. Ôi Hồng ơi !
Hôm sau tao lại cầm giấy mò lên tận sở giáo dục, bác bảo vệ chỉ cho phòng giám đốc là tao đi thẳng vào gõ cửa. Cánh cửa mở ra, bác giám đốc nhìn thấy tao nở nụ cười tươi như đã quen lâu rồi ý. Vừa kéo tao vào bác vừa nói :
- Chào đồng chí ! Lại có kế hoạch quân sự gì với sở hả ? Chúng tôi đã triển khai cho các trường tập các nội dung quân sự theo chương trình...._ Ôí giời ơi ! Ông ấy cứ tưởng tao là lính bộ tư lệnh thủ đô sang làm việc với sở.
Khi hiểu ra, ông gật gù ngẫm nghĩ :" Người ta không nhận cũng có lý của họ đấy ! Nhưng thôi, tôi sẽ giải quyết trường hợp của cậu, quan trọng là cậu có học được hay không thôi."
Ông viết cho tao mấy chữ xuống trường, rồi chúc tao cố gắng học và thành công.

Ông hiệu trưởng cầm mảnh giấy của giám đốc sở, phân vân một lát rồi hỏi :
- Cậu định muốn vào lớp nào?
- Tùy thầy thôi ạ, thầy xếp vào đâu thì em học lớp đó.
- Khó là tớ xếp cậu vào đâu đều không ổn vì các giáo viên chủ nhiệm lại cho là tớ thế này thế nọ, làm khó họ, thật tình họ không muốn lớp của họ có học sinh quá lứa như cậu, họ khó sử mà, cậu hiểu điều đó không? Cậu cứ đề xuất thì dễ hơn cho tớ, khách quan mà !.
- Thế thầy cho em vào lớp F_ Tao cũng tính vào lớp F do cô H làm chủ nhiệm, cô dạy môn tiếng Nga, cái môn tao sợ nhất, vào lớp này hy vọng trông cậy vào sự " chiếu cố" của cô. Chứ thực tao cũng chả có một tí liên hệ nào với cô ấy.
Thầy hiệu trưởng ghi vào giấy rồi chỉ cho tao xuống lớp. Tao cầm giấy không xuống lớp mà xin phép ông hai ngày sau lên lớp, để tao còn chuẩn bị sách vở.
Ông đồng ý !
Cả nhà mừng cho tao, cái thằng điên ! Mỗi người lo cho tao một chút, người cây bút, người tập vở.v.v..Thằng Hông mua cho tao một đôi dép nhựa gia công mầu nâu đỏ, nó bảo :" Chịu chơi nhất Hà Nội đấy ! Tao sắm cho mày để tán các cháu cùng lớp cho dễ ." Bố sư nó, có vẻ nó chưa hết "cay cú" cái chuyện tao đi học.
Đêm trước hôm lên lớp tao nằm thao thức, cứ mường tượng ra cái cảnh đến lớp chẳng giống ai mà ngại, chẳng biết thầy cô và lũ trẻ kém mình 6,7 tuổi họ nghĩ gì khi thấy trong lớp xuất hiện một thằng lính luống tuổi ....Mừng, lo, buồn lẫn lộn mày ạ !

Buổi đầu đến lớp buồn cười lắm ! Tao lẳng lặng vào ngồi vào cái bàn cuối cùng của lớp 10 F. Cả lớp học sinh đang túm năm , tụm ba đùa nghịch, tán chuyện, thấy tao vào, không ai nói ai tự đi về chỗ của mình ngồi im thít. Cả lớp lặng như chùa, một vài cô cậu liếc trộm về phía tao ngồi rồi rì rầm bàn tán. Sau này, khi đã quen biết, chúng nó mới bảo :" Lúc ấy tưởng anh là giáo viên ở trên xuống dự giờ ". Tưởng gì nữa ! Giống quá đi còn gì. Hôm ấy tao mặc khá bảnh, áo sơ mi trong quần, dép nhựa nâu gia công của thằng Hồng, cái cặp sách kiểu gấp thường thấy ở các viên chức quèn hay mang ông già cho, trông khác gì anh giáo trẻ. Chúng nó sợ và tưởng là phải.
Giờ học đâu tiên là giờ lý, một cô giáo chạc 40 bước vào, sau khi chào cả lớp cô hỏi ngay :" Em nào là Thuấn ?" , tao đứng lên. Sau đó cô giới thiệu tao với toàn lớp, cuối cùng cô kết luận :" Anh Thuấn đi bộ đội về bỏ học đã lâu, nay học lại sẽ rất khó khăn, mong các em sẽ chia sẻ giúp anhThuấn trong học tập để đuổi kịp các bạn trong lớp. Riêng Thuấn, em cũng xác định cần thời gian bao nhiêu để kịp các bạn trong lớp?"
Thưa cô ! Cho em hai tháng ạ và rất mong các bạn giúp đỡ thêm tôi trong học tập _ Tao trả lời chân thành , mạch lạc. Cả lớp nhìn tao lạ lắm, những tiếng cười rúc rích và cũng không ít ánh mắt chia sẻ mến phục nhìn tao như một người anh, chủ yếu là lũ con gái. Tao như được giải tỏa, như không còn cách trở , xa lạ nữa giữa cái lớp 10 F ngày ấy.
Tao bắt đầu lao vào học , chăm chỉ miệt mài nhưng lạ là tối thuộc lầu hết bài rồi thế mà sáng ra quên tiệt. Cái đầu thằng lính bao năm nay vẫn quen với nhịp gấp gáp từ cuộc chiến, mọi điều đến rồi đi , giữa sống và chết, trong bại và thắng, gian khó, mất mát hàng ngày đi qua với mỗi thằng lính, bấy giờ cũng phải biết cách quên để tiếp tục tồn tại. Có chăng đọng lại trong ta tình đồng đội....

Thuấn vẫn ngồi trước mặt tôi nhưng cái dáng vẻ của ông Vụ trưởng không còn nữa. Anh lính K10 E4 ngày nào lại hiển hiện khi chúng tôi nhắc về quá khứ.

Dần dần rồi tao cũng quen và cũng theo được lớp trẻ. Suốt 2 tháng trời cái bà dạy lý không hề nhắc nhở gì đến tao. Đúng thời hạn bà ấy bắt đầu gọi tao lên kiểm tra bài đầu giờ, lần đầu bị kiểm tra tao cũng trả lời tàm tạm. Tưởng hôm sau được yên, đâu ngờ bà ấy lại gọi kiểm tra tao tiếp, cứ thế suốt 6 buổi liền cứ đền giờ lý là tao đều bị kiểm tra và cả 6 lần tao đều đạt yêu cầu. Từ đấy về sau tao mới được trở lại bình thường như các học sinh khác. Với các môn khác tao cũng đều được các giáo viên chú ý và mỗi người có một cách giúp tao những với cô dậy Lý thì ấn tượng nhất. Sau này tao nghe lũ học sinh chúng nó kể là mỗi lần thấy trò lười, bà ấy đều mắng :" Được học mà không chịu học, sang lớp F mà xem ...." .
Một năm đèn sách trôi nhanh, thi đại học tao vượt điểm chuẩn trường cao nhất 2 điểm, chưa phải dùng chế độ bộ đội cũ. Nhưng chờ mãi không thấy gọi trong khi các trường chúng nó có giấy cả. Sốt ruột tao lên bộ Đại học hỏi, mới hay tao nằm trong danh sách dự bị đi học nước ngoài. Năm 1978 tình hình hai đầu đất nước căng thẳng, ở Tây Nam đã đánh nhau rồi, nhiều học sinh lại phải ngưng học, trong đó có cả những đứa có điểm đi nước ngoài, họ giữ tao để thay những vị trí khuyết do phải ra trận. Nghĩ mà buồn quá, lại một lứa đàn em phải ngưng học để ra trận...Đất nước ơi!
Mẹ tao dứt khoát không muốn tao đi xa nữa dù đó là Liên Xô, là nơi người ta bảo sung sướng . Bà không muốn xa tao một lần nữa, chiều mẹ, tao lên bộ đại học rút hồ sơ về học K18 Đại học giao thông . Thế mới ngấm , mới hiểu nỗi lòng mẹ, chạnh lòng nghĩ tới những bà mẹ hôm nay tiễn con ra trận...

CHUYỆN LÍNH GIÁP RANH
Tôi lại được đại đội gọi lên, phụ trách thằng Ngọc ( hy sinh 8/3/1975) và thằng Vị liên lạc ( nay là đại tá chính ủy lữ pháo binh QK1) đi lấy hom sắn về cho đơn vị tăng gia. Đại độiảtưởng bảo :" muốn đi đâu thì đi, cứ có hom sắn mang về là được ." Đúng là các bố khoán trắng nhưng cũng thoáng, chúng tôi được tự chọn hướng đi cho mình. Đi theo đường 15N , con đường chạy dọc tuyến giáp ranh không hy vọng gì, vì giáp ranh chỗ nào chả như nhau chi chít hố bom, hố pháo lấy đâu dân mà có hom sắn. Ba thằng bàn nhau đi ngược đường 71 về miền Tây, lên xin đồng bào dân tộc, gần 3 ngày ròng rã thì đến đường 14B ( cây số 0 đường 71) . Đường 14B lúc này là con đường huyết mạch chính của đông Trường Sơn, mặt đường to rộng hơn hẳn đường 71 và đường 15N, chạy từ đường 9 qua Quảng Nam vào tận Tây Nguyên . Cây số 0 cũng là điển cuối con đường chạy từ bên Lào sang qua dốc Mèo. Ở đây có một đơn vị thanh niên xung phong nên xe ra, xe vào cũng hay tấp lại nghỉ đêm. Đông vui, tấp nập đủ các đơn vị, các sắc lính " ngụ cư" quện quanh mấy cô gái xứ Thanh, không khí như thủ đô của lính ấy.
Mấy thằng lính giáp ranh lên trông nhếch nhác, nghèo nàm như nhà quê ra tỉnh, tụ nhau dưới gầm cây cầu gỗ, che cái tăng lên làm nơi trú ngụ. Vào đơn vị thanh niên xung phong mượn thêm cái nồi và chuẩn bị bữa chiều.
Một đoàn xe 3,4 cái vừa từ phía Nam chạy ra cũng dừng lại nghỉ gần cây cầu. Lính xế có khác, trên xe có đủ mọi thứ cần thiết cho bữa ăn, xe dừng, tất tật quăng từ trên thùng xe xuống từ rau, thịt hộp đến củi , chỉ một loáng bếp đã đỏ hồng mấy thằng bộ binh nhìn theo thèm dỏ rãi ngưỡng mộ, mơ ước.
Cơm chưa kịp chín mấy o Thanh Hóa đã ra đòi nồi, cò cưa tán tỉnh chờ cơm chín hẳn rồi kiếm lá chuối rừng đổ cơm ra trả lại họ nghĩ hoàn cảnh quá. Phải nói cánh bộ binh chúng tôi chẳng nước non gì để các O phải để ý. Cả năm mới thấy mò lên một lần, lính tuyến trước khố rách áo ôm, trong khi cánh xế vài hôm lại " xe anh qua" , trong Nam ra thì có khăn dù, ngoài Bắc vào thì có gương lược, giấy bút làm quà tặng, em nào chả thích. Trông lính xế lúc ấy bảnh lắm, vì từ ngày ký hiệp định, con đường 14 chẳng hề còn tiếng bom, hết trọng điểm chạy nhàn hơn nhiều.
Chúng tôi đang ăn cơm thì một chiếc Zin157 đến tấp lại bên cầu, chiếc xe sạch bóng chắc vừa rửa xong, lính xế ta bước xuống, đầu chải láng mượt, mặc chiếc áo dệt kim trắng tinh, miệng vừa huýt sáo bài :
Chiếc cầu là nơi hẹn hò của đôi ta
Đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo
Đêm trăng sang bên câu anh thổi sáo
...
Anh quay kính xe lên, như thể sắp đi xa khỏi xe. Tôi đoán chừng bố mày lại vào thăm các em đây, trông dáng bộ vui vẻ lắm. Tôi tranh thủ lao đến bắt chuyện và hỏi xin được một be xăng để dùng cho bật lửa. Anh lính xế vui vể mở nắp thùng xăng cho tôi lấy rồi khóa nắp xăng cẩn thân, trước khi đi nháy mắt với tôi. Tôi trở về gầm cầu chui vào võng nằm nghĩ đến chặng đường ngày mai.
Hôm sau chúng tôi vượt qua dốc Mèo, con đường đã lâu không sử dụng nhiều đoạn lở chỉ còn là đường mòn. Đi trên đoạn đường lở nhìn xuống vực mà chết khiếp. Nghĩ sơ xảy trượt chân trôi theo đất lở mấy trăm mét dốc đứng thế này chắc không bò lên nổi. Đến một bản giáp biên giới Lào, gặp một lính công binh, chúng tôi bắt chuyện, biết người lính này thông thạo địa bàn và tiếng dân tộc nên theo về chỗ anh ta nghỉ. Người lính công binh nói quê Vụ Bản , Nam Định có nghề làm men lá nấu rượu, anh được đơn vị cho đi lấy lá về làm men, nấu rượu cho đơn vị thỉnh thoảng liên hoan còn có tí cay. Anh bảo cứ theo anh, anh chỉ cho cách lấy hom sắn. Một lúc sau thì thấy hai bố con người Pa Kô đến, họ nói chuyện với anh lính công binh bằng tiếng dân tộc, họ nói với nhau như cãi nhau.
Anh lính công binh dẫn hai bố con đến chỗ tôi, anh giới thiệu và đề nghị họ giúp cho chúng tôi ít hom sắn. Hai bố con người Pako từ chối :" Đồng bào còn ít hom sắn lắm, không cho bộ đội được, bộ đội đi bản khác xin thôi ". Nói xong, rồi hai bố con hầm hầm ra về. Tôi thất vọng quay nhìn anh lính công binh hỏi :" Các bản khác có xa đây không ? Anh chỉ cho tôi để mai tôi biết đường tìm. "
Nó còn nhiều sắn lắm nhưng bố con nó tức tôi đấy. Bố con nó đòi chia số lá lấy được nhưng tôi không chịu vì chúng nó đang học nghề tôi, để trả công bố con nó phải để số lá lại. Khi tôi đủ số lá cần thiét thì bố con nó mới được lấy, lúc ấy tôi mới truyền nghề cho. Các ông đừng lo, thế nào bố con nó cũng phải cho hom sắn. _ Anh lính công binh nói quả quyết. Hóa ra lúc nãy họ cãi nhau thật.
Tôi đề nghị :" Mai chúng tôi cứ đi thử mấy bản khác xem sao, nếu không được nhờ ông thuyết phục bố con ông ấy họ ."
Tôi quyết định bỏ một ngày lùng sục mấy bản giáp biên , sáng ra lên đỉnh đồi xác định vị trí tạm trú xong là lên đường. Đi hết hơi mới thấy một bản có ba nóc nhà nửa sàn nửa đất treo leo sườn núi. Thấy bộ đội vào lũ trẻ nhếch nhác ở chuồng chạy lảng ra không có cách nào mà hỏi được. Máy con chó đói gầm gừ cảnh giác. Chẳng biết hỏi ai tôi đành liều xộc vào cái nhà to nhất, peeng ! u..u.. cái cồng to treo gần bếp, rung rung nhẹ cùng tiếng âm trầm vang giữa núi rừng. Bà cụ ngồi bên cái cồng già như chưa có ai già hơn, tóc trắng xõa phủ ngang người, ngực trần , cặp vú nhăn nhúm dài thõng đen mốc, cánh tay gày guộc khẳng khưu. Cụ ngồi gần như bất động, cặp mắt lòa nhìn vào không trung vô định. Tôi chào bà cụ , chẳng thấy cụ phản ứng gì đành quay ra nhìn hai đồng đội rồi nhìn quanh bản, thất vọng quá. Chẳng ai tiếp chúng tôi, hơn nữa họ cũng không biết tiếng Kinh, chúng tôi đành quay về, bây giờ chỉ còn nước trông cậy anh lính công binh và hai bố con lão Pakô kia thôi.
Tối ấy cái chuyện ăn chia của anh lính công binh và hai bố con lão Pakô vẫn chưa ngã ngũ nên chuyện hom sắn của chúng tôi hãy còn chờ đấy. Tôi nói với anh lính công binh là chúng tôi hết cách rồi, đề nghị anh nhượng bộ họ một tí cho chúng tôi nhờ. Tay công binh cũng chả vừa, cứ nhất định không chịu. Anh ta còn bảo :" thăng cha này quái lắm , hơn cả Do Thái , hắn giàu nhất vùng này đấy."
Sáng ra, tôi chào anh lính công binh nói là về nhưng thực sự chưa biết đi đâu vì hom sắn chưa có về sao được. Anh lính công binh tần ngần rồi nói nhỏ :" Quanh đây có mấy nương sắn đều của nhà bố con lão cả, ông qua thấy cứ lấy đại đi, có gì tôi bảo lãnh cho.."
Được ! để tôi xem thế nào._ Chia tay anh lính công binh, chúng tôi quay trở lại con đường cũ, qua một hai vạt sắn tôi nhìn vào thấy có nhiều gốc đã bật lên, cây nghiêng ngả trơ rễ (đã thu hoạch). Bỏ qua, chúng tôi vẫn đi cho đến khi nghỉ giải lao ngồi ngẫm nghĩ : Đường về lấy đâu ra hom sắn, chẳng lẽ về không !
Tôi quyết định quay lại, cử thằng Ngọc cảnh giới, tôi và thằng Vị lao vào chặt lấy chặt để bó thành 3 bó dài chừng 1m, chằng cẩn thận lấy quai gùi buộc lại đeo lên vài. Cả lũ đi nhanh như chạy, đến khi cảm thấy an toàn thằng Vị còn bày trò :" Đáng lẽ phải viết giấy biên nhận chứ nhỉ ?". Tôi thầm nghĩ đã có anh lính công binh lo vụ này .
Về gần đến Tam Dần chúng tôi vào nghỉ nhờ một đơn vị của d16 phòng không f324. Lại gặp một bác đồng hương Hà Nội nhà phố Hàng Bột làm quản lý đại đội. Quả mấy cha Hà Nội cũng láu cá, tôi gặp mấy ông vào đều làm quản lý cả. Đồng hương gặp nhau giữa chiến trường thì còn gì bằng, chúng tôi không phải làm gì nữa chỉ việc nghỉ ngơi và chờ cơm. Sau bữa cơm tràn chề hạnh phúc ấy, trên đường về chúng tôi đều chung một ý là : thấy anh em bỏ những lá rau già đi mà buốt ruột, thằng nào cũng thấy tiếc.
Đúng là sau hiệp định Pari lính giáp ranh vẫn còn cực lắm.

Đời lính khi thực hiện nhiệm vụ của mình gặp không ít trở ngại, khó khăn. Là người lính thì phải tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ, có lúc phải " vượt rào" vi phạm chút ít nguyên tắc, kỷ luật quân đội. Chuyện viết giấy bướm cấp cả trăm bình điện thời kỳ rút quân ở K, chuyện trộm hom sắn của đồng bào miền Tây Thừa Thiên là thế, nay thêm một chuyện nữa, các bác xem và gộp ngần ấy tội lại xem đã đủ gỡ " sao " Phong Quảng này được chưa.

Một lần với biên giới phía Bắc
Đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi hai đầu đấtnước là chiến tranh , Việt Nam còn đang bị cấm vận cộng với một số sai lầmtrong cải tạo và xây dưng kinh tế, khiến đời sống của dân ta vô cùng khókhăn.
Cái thời ở hậu phương là "Đêm ấy là đêmnào" , còn lính biên cương thì " Canh toàn quốc, nước chấm đại dương".
Tôi còn nhớ , một sĩ quan cấp úy như tôi, ở cơquan TCHC , mà đến kỳ quân trang cũng chỉ giữ đủ 2 bộ cần thiết để đi làmcòn lại may ô, áo hè, áo đông cho ra chợ trời hết, bán đi nhặt nhạnh ít tiền vềmua sữa nuôi con. Chưa có khi nào chị em lại " hạ giá " đến thế :
Một yêu anh có may ô
Hai yêu anh có cá khô ăn dần
....
Tiện thể tôi kể cho anh quân sử biết về côngtác bảo đảm hậu cần thời kỳ đó vì hầu hết các bác là lính chiến, có thế nàodùng thế, no đói thì biết thế chứ ai quan tâm vì sao.
Để bảo đảm cái ăn cho bộ đội tuyến trước, TCHCđã tổ chức các trạm quân lương trên từng tuyến như trạm 2 ở Vôi chuyên lo chohướng Lạng Sơn, trạm 4 Phú Thọ lo cho tuyến Lào Cai, Hà Giang, trạm 6 lo thugom hàng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng . Ở phía Nam có trạm 9 ở Sài Gòn và vàitrạm ở khu 7, khu 9 v.v. Các trạm có nhiệm vụ thu gom lương thực, thựcphẩm tại địa phương do nông dân đóng góp theo nghĩa vụ và tiếp nhận lươngthực, thực phẩm từ các tỉnh ở hậu phương lên rồi đẩy hàng lên biên giới. Thườngthì hàng đưa lên chủ yếu là thịt lợn rim, ruốc mặn, cá khô, lương khô..v.v.
Không biết các bác đã được xơi mấy thứ đồ dongành quân lương ta làm chưa, chứ tôi thì ruốc mặn được xơi từ ngày đánh Mỹ ,cá khô thì thỉnh thoảng cũng được phân phối nội bộ một ít còn thịt rimthì chưa biết nó thế nào vì chỉ để dành cho tuyến trước.
Nhưng trên cũng yêu cầu phải đưa thựcphẩm tươi lên được tuyến trước, một trong số thực phẩn tươi trong đó cólợn sống. Khả năng vận tải của cục quân lương không đáp ứng được và quân độichưa có xe chuyên dùng chở lợn nên vẫn phải dùng zin130 chở hiệu suất rất thấpmà hao hụt nhiều. Nhóm kỹ thuật chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu cảibiên loại xe này từ những chiếc xe ca Hồng Hà đã thanh lý ( xe cơ sở làloại xe Giải Phóng của TQ).
Tôi được giao chạy thửnghiệm và viết báo cáo đánh giá kết quả . Nói chung kết quả tạm tạm các bác ạ,sau trên cũng cho cả nhón cái giấy khen. Tôi xin kể các bác nghe kỷ niệm mộtchuyến đi biến giới năm đó.
Nhóm chạy thử nghiệm " Xechở lợn" của tôi còn thêm 2 người nữa là Thọ và X đều là lái xe và thợ sửa chữakịch bậc. Rong ruổi trên tầng cây số bằng cái xe hình thù chẳng giống ai, đầuxe ca, đít xe tải, mầu nâu đỏ do chỉ có một nước sơn chống gỉ, trông nó xù xìtối om.Vi vu trên đường nay trạm quân lương này mai trạm quân lương khác cũngvui. Nhất là cái thời ngăn sông cấm chợ, làm anh lái xe còn oai hơn cả ông tiếnsĩ. Ngược thì chở lợn lên biên giới, xuôi thì ( sau khi đ ã rưửa sạch xe) chở người tất tật cả cán bộ công tác lẫn con buôn. Tất nhiên làcũng thu tiền nhưng hữu nghị theo giá ngồi sàn, sau mỗi chuyến đi về thế nàocũng có được bữa nhậu, khá hơn còn mua được hộp sữa ngoài KH mang về chocon.
Cung đường đi Cao Bằng phảiqua một loạt đường đèo dốc như đèo Giàng, đèo Gió, đeo Tài Hồ Xìn, tôi đề xuấtchở lợn từ Nam Định lên giao trực tiếp cho sư đoàn 346 cũng để xem khảnăng vượt đèo dốc của xe đến đâu. Dự kiến chuyến đi có thể có trục trặc kỹthuật, chúng tôi phải chuẩn bị khá kỹ từ đồ ăn, dụng cụ bếp nước chongười và cám trên đường cho lợn.
Đêm đầu lên trạm 3 TháiNguyên, nghe anh em lái xe trạm 3 nói :" xe này chở 3,6 tấn lợn qua đèo Giócăng đấy" . Tôi đâm lo và đề nghị cho xuống bớt 1 tấn nhưng anh Truyền trạmtrưởng không đồng ý, đành liều.
Sáng hôm sau đi sớm, trưađến thị xã Bắc Cạn thì một con lợn lừ đừ có triệu chứng chán sống, chúng tôitranh thủ hóa kiếp cho nó, cả con lợn được sát muối treo trên xe, còn nội tạnglấy mấy bộ phận chính nấu chín làm thực phẩm vừa đủ đi đường, còn lại biếu chủnhà nơi chúng tôi nghỉ trưa.
Vượt qua đèo Giàng, đến chândèo Gió trời còn chưa tắt nắng, chúng tôi dừng chạy tranh thủ kiểm traphanh, điện nước và làm thêm can xăng treo dự phòng bơm xăng hoạt động kém. Rồicon bò già ì ạch mãi cũng đến đỉnh dèo Gió, nhiều khi tưởng tụt hơi maynhờ có tài già lão luyện chúng tôi vượt qua được.
Đến Ngân Sơn thì khuya lắm rồi, cả thịtrấn tối mù trong sương nhưng lạ là vẫn nghe văng vẳng tiếng hát đối đáp nhưhát lượn năm nào tôi gặp ở Lạng Sơn. Chúng tôi dừng xe trước căn nhà có tiếnghát , tò mò muốn xem họ làm gì phía trong. Hóa ra chợ phiên Ngân Sơn vừa tankhi chiều, trai gái hát hò chưa có kết quả, đám con trai theo mấy cô gái về nhàtrọ hát tiếp. Hai cô gái ở trong buồng trong hát ra, đám trai tráng năm sáu anhtụ cả xuống bếp nhờ một ông già mù đọc mớm lời cho để đối đáp với hai cô. Cả bachúng tôi cùng ngồi trong bếp nghe hát, song không hiểu gì vì không ai biếttiếng dân tộc. Nhưng cũng tò mò xem kết quả nó ra sao và cũng nóng ruột khimuốn được nhìn thấy những cô gái bên trong căn buồng ấy. Họ hát cho đến sáng vàhình như đám con trai dù được ông già mớm lời vẫn không chiếm được trái tim mấycô nàng, khi nhìn rõ mặt người thì chẳng còn anh chàng nào. Chúng tôi rềnh ràngchờ bớt sương mới chạy nên cũng được chiêm ngưỡng mấy em Ngân Sơn, họ nóichuyện với chúng tôi bằng tiếng kinh rất sõi. Sau mới biết là mấy em học trungcấp sư phạm trên tỉnh, rủ nhau đi chợ, hèn gì mấy trai làng có sư phụ phảithua. Tiếc là chúng tôi không có thời giam để tìm hiểu thêm về họ, về chợphiên, về nhưng đêm thức trắng đối đáp đầy cuốn hút.
Xe chúng tôi leo dèo Tài Hồ Xìn thì gặp línhta đi chơi thị xã ngày chủ nhật bám vào xe chúng tôi như ong. Biết làm saođược! Ì ạch lên đến đỉnh tôi cho xe dừng lại, xuống thuyết phục đám lính trẻrằng : xe đổ dốc, tốc độ lớn rất nguy hiểm. Nhưng không ông nào chịu xuống cho.Nhìn anh em thấy cũng thương nhưng không thể chạy được, cuối cùng tôi phải đềnghị :
- Anh em có muốn ăn thịt lợnkhông ?
Tôi vừa dứt lời, mắt lính ta sáng lên nhưngchưa hiểu cái ông trung úy này sẽ làm gì.
- Anh em cử cho hai ngườibiết làm thịt lợn, ngồi lên xe, xuống chân đèo tôi cho mổ lợn, biếu anh em bộlòng, có nồi, muối và cả rượu nữa ta làm bữa tươi. Còn tất cả bây giờ phải chịukhó đi bộ.
Xe xuống chân đèo, chọn chỗ có con suối tôicho dừng xe và tìm con lợn yếu nhất ra làm thịt. Phải nói hai ông lính trẻ thạotay nghề chỉ một loáng đã sử lý xong bộ lòng, đem ra luộc rồi ngồi chờ đại quânxuống đánh chén.

Một bữa liên hoan thịnh xoạn , tất cả thức ănbầy trên những tàu lá chuối, rượu uống bằng bát và ăn bốc. Chúng tôi ngồi vuicùng họ một lát rồi chia tay. Đám lính trẻ tươi rói đáp lại : Cảm ơn thủ trưởng! 

Được làm anh thủ trưởng bất đắc dĩ ngẫm cũng vui vui nhất là khi nhìn thấy anh em trong bữa ăn hôm đó. Buổi trưa xe đến sư bộ, tiếp chúng tôi là chủ nhiệm hậu cần f . Leo lên được chỗ ban hậu cần giữa cái nóng oi ả đã mệt hết hơi, nhìn trên bàn thấy 2 chai rượu trắng nút lá chuối và đĩa lạc rang khô khốc tôi phát hoảng. Làm xong thủ tục bàn giao, tôi ngồi cùng anh em hậu cần f uống mấy chén rượu cay nồng giữa trưa nắng biên cương mới thấm cái khó khăn một thời đã trải của người lính biên cương phía Bắc.

CHỢT NHẬN RA
Ngồi trong thư viện QĐ lật tìm từng trang của cuốn "lịch sử quân khu 4", tôi đang muốn tìm hiểu thêm về hoạt động của đoàn Phong Quảng và f 337 trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Đọc những trang sách tôi hiểu thêm nhiều điều về mảnh đất, con người khu 4 trong suốt những năm tháng chiến tranh..
Quả đúng mảnh đất Bắc Trung bộ này là cái nôi đã sinh ra rất nhiều đơn vị chiến đấu nổi tiếng của quân đội ta trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như f324, f325, f304, f341, f968.v.v.
Trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chỉ trong mấy ngày đầu của cuộc chiến, QK4 kịp điều động các đơn vị của mình ra mặt trận cùng các quân khu biên cương chiến đấu rất hiệu quả.
F31 của bác Tài Liên Sơn ở Tây Nam, rồi nhập vào QĐ3
F316B của bác Thắng Còng ở Tây Bắc
F337 của bác lính mới ở Lạng Sơn
Tôi đặc biệt tự hào là trong số những cán bộ chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công được lưu tên tuổi trong cuốn sách này có một đồng đội của tôi ở K15 ( d1, e4, f337 ) và hiện cũng là một thành viên QSVN_bác Bến Hải. Hơi tiếc vì hiện nay ông bạn tôi vẫn phải ngày đêm bươn trải kiếm sống chưa thể tham gia vào QSVN thường xuyên được.
Xem hình của các vị tư lệnh và phó tư lệnh có trong cuốn sách chợt nhận ra thiếu tướng Cao Xuân Khuông, chính là anh Khuông trung đoàn phó trung đoàn Phong Quảng của chúng tôi thời kỳ 1973_1975. Tôi nhớ lại lần đầu gặp anh ở điểm cao 330 năm 1973, cuộc gặp ấy thật không dễ chịu gì ...
Tôi không thể nhớ chính xác là ngày tháng nào trong cái năm 1973 ấy, chỉ biết là sau những ngày gian nan vất vả khi chúng tôi mới về đứng chân trên đất Phong Điền. Khi trong mỗi người lính trẻ chúng tôi đã trải qua và thực sự hiểu ra thực tế chiến trường không như những gì mình đã nghĩ trước đây. Chuyện đói cơm thiếu muối, vắt sức đêm ngày làm trận địa hầm hào, vừa xong trận địa lại di chuyển sang nơi khác, rong ruổi hết 150 rồi đến 300..., chúng tôi cứ chạy quanh săn phục trực thăng địch mà chưa đánh được trận nào. Mới chỉ mìn và muỗi rừng thôi đã làm quân số chúng tôi hao hụt, thay nhau khiêng cáng đồng đội đi viện gần 3 ngày đường mới ra đến nơi. Tất cả những gian khó ấy chúng tôi cũng vượt qua và thêm từng trải, song qua nó chúng tôi cũng nhận thấy đôi điều làm đám lính trẻ thất vọng về hình ảnh một số (ít) cấp chỉ huy của mình. Trong các bài viết trước tôi đã bỏ qua nó vì cho rằng nó chỉ là chuyện nhỏ và chỉ là số ít so với hàng ngàn điều tốt đẹp vốn có của người lính. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy cần phải nêu ra để các bạn trẻ hiểu và tránh được những phản ứng tiêu cực không đáng có như chúng tôi ngày đó .
Trong những lúc khó khăn ấy cả tiểu đội không còn muối phải ăn nhạt mấy hôm liền, mắt ai cũng vàng ra mệt mỏi thế mà trong bữa ăn lúc lúc lại thấy A trưởng mở bi đông làm một ngụm nhỏ như uống rượu. Anh em thấy lạ tìm hiều mới vỡ lẽ đấy là bi đông nước muối. Thất vọng biết bao về người đồng đội, người anh .
Khi tiểu đội tác chiến độc lập ở điểm cao 300, ban ngày tất cả phải lên để sẵn sàng chiến đấu nhưng về đêm cán bộ A,B kéo nhau xuống kiềng ngủ cả, để lại ba thằng lính trẻ trên trận địa. Rồi khi máy bay xuất hiện dù con xa ngoài tầm bắn đã thấy sắc mặt A trưởng tái mét, thở gấp thế thì vào chiến đấu không biết sẽ chỉ huy anh em ra sao ra sao. Ngồi lắp đạn bên vách trận địa mấy lính trẻ thấy buồn , may lúc đó còn có B phó cùng đi, ít ra con có người cho lính tráng trông cậy. Thật không may cho lính khẩu đội này, nhìn khẩu đội bạn thấy A trưởng toàn những người mạnh mẽ, gương mẫu và vui tính, luôn biết dìu dắt lớp trẻ. Nhiều khi thấy vì anh em mà mấy ông ấy to tiếng cả với trung đội, đại đội trong khi A trưởng của tôi thì ngược lại mà còn làm nhiều điều nực cười hơn. Cả đại đội thỉnh thoảng mới có làm một tờ báo tường, chưa bao giờ tôi thấy tiểu đội ( ba người ) cũng làm riêng một tờ báo tường như tiểu đội tôi. Lúc ấy tôi cũng chẳng để ý là ai qui định hay là một cách chơi trội của ông A trưởng. Ông ấy khoán mỗi thằng làm 2 bài thơ hoặc viết một bài gì đó. Chúng tôi bảo : ' Ối giời ! có ba ông ở tít tịt trên đồi cao, suốt ngày quần tà lỏn, nước uống tính từng giọt mà lại còn bích báo ai mà đọc."
Chúng tôi phản ứng là không biết làm thơ và quên chữ rồi nhất định không chịu làm. Hai thằng cứ ngồi đánh cờ với nhau. Bất lực trước phản ứng phớt đời của chiến sĩ, khẩu đội trưởng lay hoay tìm kiếm bìa, giấy và một lọ thuốc đỏ quyết làm một mình. Cuối cùng tờ báo tường của khẩu đội tôi cũng ra đời. Cái tít lớn được viết bằng thuốc đỏ " tiền phong" chữ t không viết hoa và nó loàng ngoàng hơn cả chữ Ả Rập. Bên dưới tít là dòng chữ :" tiếng nói của khẩu đội 3" còn nội dung thì được nhặt từ mấy bài thơ trong quyển văn nghệ quân đội, tôi cũng không nhớ số bao nhiêu, năm nào nữa nhưng đã cũ nát mà chúng tôi ai cũng đọc di , đọc lại ít nhất vài lần.
Hôm ấy, không nhớ vì lý do gì, khẩu đội trưởng vắng mặt. Tôi và Trạch đánh cờ chán lăn ra ngủ trong nhà âm. Giật mình, tỉnh dạy thấy trước cửa nhà âm là hai người lính, một già, một trẻ. Người lính già dong dỏng cao bên hông đeo khẩu K59, rất tự nhiên ông đi vào ngồi xuống cái ghế cố định chúng tôi làm bằng hai cây lầu ô. Người lính trẻ chạc như chúng tôi, chắc là công vụ vẫn đứng của nhà tay ve vẩy chiếc mũ tai bèo .
Mắt nhăm mắt mở chúng tôi ngồi dạy :" Chào thủ trưởng !" Chào vậy nhưng chẳng biết ông ấy là ông nào. Ông ngắm nhìn căn nhà âm khá lộn xộn của chúng tôi rồi hỏi :
- Sao chỉ có hai đồng chí mà lại ngủ hết cả thế này?
- Báo cáo thủ trưởng có ba nhưng anh khẩu đội trưởng đi đâu chúng tôi không biết._Chúng tôi cứ thủng thẳng trả lời
- Thế đồng chí làm gì ? Là số mấy_ Ông chỉ vào tôi và hỏi
- Chả là số nào cả, tôi chỉ biết trông súng thôi_Đang chán đời, bất mãn tôi cứ nói bừa cũng chẳng cần biết ông là gì trong trung đoàn
- Thế còn đồng chí ? _ Ông quay sang hỏi Trạch với thái độ bắt đầu gay gắt hơn.
- Tôi cũng thế, trông súng ạ._ Trạch cũng trả lời cho qua
- Chết ! Chết ! Máy bay đến thì các anh làm gì được đây. Hai đồng chí tên gì? _ Ghi xong rồi ông bỏ đi , cậu công vụ chạy theo ông xuống dốc về hướng tiểu đoàn bộ.
- Rách việc rồi ! _ Trạch lo lắng nói với tôi
- Kệ muốn sao thì sao, thôi nấu cơm đi, trưa đến nơi rồi._ Tôi bật nắp thùng đại liên lấy gạo mang xuống bếp.
Buổi chiều anh Định C trưởng lên trận địa chúng tôi, chưa nhìn thấy mặt đã thấy tiếng ông ấy chửi :" Mẹ chúng mày, lính với tráng bố láo, bố toét .". Khi thấy chúng tôi anh trợn mắt lên :" Chúng mày biết ai đấy không ? Gặp trung đoàn phó mà trả lời thế à ! Ông Khuông đấy ." Anh chửi chúng tôi một thôi một hồi rồi vớ cái điếu cày , vừa bật lửa vừa nói :" Thằng PQ ngày mai chuyển xuống khẩu thằng Hòe ở Phước Tích". Ông A trưởng im lặng không nói gì nhưng vẻ mặt vênh vênh khoái chí lắm.
C trưởng nhả hết khói htuốc lào, nhìn vào tờ bích báo lật phật đung đưa trên cột nhà âm, mắt trợn ngược lên :" Thằng nào bày trò bôi bác thế này ? Vứt mẹ nó đi !"...
Tôi đang sướng âm ỉ vì sắp được xuống khẩu anh Hòe ở đồng bằng Phước Tích nhưng chẳng dám lộ, nhân lúc C trưởng đòi vứt báo tường mới được thể cười toét, còn kích thêm :" Anh B làm đấy ạ ! Suốt ngày bắt bọn em làm cái đó làm sao mà luyện tập được."
Sau ngày ấy tôi mới biết trung đoàn phó của tôi là Cao Xuân Khuông , năm 1975 khi tình thế dưới đồng bằng gặp khó khăn, không bắt được liên lạc với hậu cứ, nghe nói anh gom được 8 người lính gồm trinh sát và vệ binh của trung đoàn xuống tìm gom anh em đưa lên hậu cứ. Một kỷ niệm nhỏ không hay lắm với người trung đoàn phó mà tôi luôn kính phục chỉ có vậy.
Còn tại sao ngày ấy chúng tôi lại trả lời anh giọng bất cần đời như vậy, các bạn có thể tự luận ra được.

CÁNG NHAU ĐI VIỆN
Cáng thương binh, bệnh binh đi viện là chuyện thường ngày ở Huyện, là lính ông nào ít nhất cũng vài ba lần phải làm. Cái chuyện tôi muốn kể ra đây là những cái oái oăm xảy ra khi phải làm cái công việc khiêng cáng ấy.
Vì cái chuyện này mà đại đội tôi có ba ông bị kỷ luật, ba ông này đều là diện gương mẫu luôn dẫn đầu đại đội . Đó là A trưởng Vị Văn Thẩm một trong những A trưởng có nhiều thành tích trong chiến đấu, Thằng Lương (đen) Phú Thọ vừa được chiến sĩ thi đua cấp đại đội về thành tích cắt tranh. Cái giai đoạn xây dựng lán trại một ngày nó cắt được tận 34 gánh tranh. Bác nào đã từng cắt tranh về lợp nhà sẽ đều không tin nổi, dù đồi tranh có ngay gần nhà phải không ạ. Nhưng mà đúng đấy vì : Bó tranh của chúng tôi nhỏ hơn, tranh không rũ bỏ rác ( thường người ta chỉ lấy phần lõi ), nên 4 bó tranh của chúng tôi chưa chắc bàng một bó tranh bình thường. Nhưng rõ ràng chuyện cắt tranh ở đơn vị tôi thằng Lương là số 1. Người thứ ba là thằng Ngọc hiền lành chăm chỉ ( tôi đã nhắc trong chuyện lấy hom sắn).
Số là ba vị này được giao nhiệm vụ cáng VHA bị sốt rét ác tính đi viện. Không biết đi thế nào đến nơi thì VHA đã chết. Bệnh viên khám nghiệm tử thi thấy trên người bệnh binh có những vết xước, tím bầm. Họ báo về đơn vị, yêu cầu kỷ luật ba ông này. Tất nhiên là đại đội kỷ luật họ, ba ông này cũng chấp nhận kỷ luật, họ chỉ buồn chẳng hề thanh minh, thanh nga gì vì trước cái chết của đồng đội dù làm tốt họ như thấy mình có lỗi. Nhưng cả đại đội đều hiểu là thằng cáng cũng sốt và yếu nhưng nhẹ hơn thằng nằm cáng chút ít mà thôi. Trên con đường nòm dốc đứng, trơn tuột ấy đi một mình còn ngã lên ngã xuống huống chi là đi cáng. Những đoạn đường gấp khúc như đỉnh tam giác, ngay đỉnh lại có cái cây ông trước đi đúng đường thì ông sau phải văng ra khỏi đường là cái chắc, là tụt dốc, là loạng choạng, là quệt đồng đội vào cây...là sước, là chày làm sao tránh khỏi. Sau lần ấy cả đại đội trùng lại, y tá cũng choáng, thành ra có ông sốt chưa đáng đi viện cũng cứ chuyển đi cho lành.
Thằng Bằng " giời" ở Đông Anh sốt, chưa đến nỗi gì, y tá cuống lên cho đi viện luôn. Lần này đến lượt tôi phụ trách tổ cáng Bằng " giời" đi viện.
Nói qua cái ông Bằng " giời" này một chút. Chúng tôi thêm cái chữ " giời" cho nó vì nó hơi lập dị, hơi ngơ ngơ một chút. Đi B, ở rừng mà kén ăn kinh khủng, không ăn con bốn chân nên thịt hộp , ruốc B cũng kiêng nốt. Ngoài trang bị của lính lúc nào nó cũng có cây súng cao su đeo trước ngực. Rảnh cái là đi bắn chim, kể cả trên đường hành quân, mấy lần lang thang suýt lạc đơn vị nên anh em chúng gọi là Bằng "giời". Thức ăn phụ thuộc vào việc bắn chim, chẳng bao giờ ngó đến thực phẩm được phát. Ông ấy ốm, không tự kiếm mồi được nữa thì ăn muối. Nói cách nào cũng nhất quyết không ăn. Khi cáng ông này đi viện chúng tôi cũng phải mang theo khẩu súng cao su đi, trước là cố gắng bắn được con chim nào trên đường thì cho ông ấy bồi dưỡng, sau là bàn giao cho Y tá ở bệnh viện để họ biết mà giữ lại cho nó, khi khỏe để ông ấy còn tự cải thiện.
Trên đường đi, mỗi lần nghỉ ông ấy lại cầm cây súng chun của mình, lò dò nghiêng ngó tìm chim, chúng tôi biết là bệnh tình cũng chưa đến nỗi gì. Tôi bảo Bằng "giời" : " Chỗ nào đường tốt bọn tao cáng, chỗ nào dốc quá mày xuống bọn tao dìu cho dỡ nguy hiểm và cũng đỡ cho bọn tao tí chút nhé !". Nó ừ thế nhưng đến chỗ dốc hỏi xuống đi được không, nó lại kêu mệt, làm anh em tôi đến vất vả. Đang men theo con đường hẹp dốc nghiêng đứng thì bố mày lại kêu buồn ị, đòi xuống bằng được. Chúng tôi dừng lại chờ nó, thấy cứ lay hoay không tài nào ngồi được. Ngồi dọc theo đường thì độ nhiêng quá lớn, chân thấp chân cao không những ngã lộn cổ mà sản phẩm đầu ra có khi lại tương vào chân mình. Ngồi ngang đường nhìn lên hướng dốc thì không thể được vì sẽ ngã ngửa, quay ngược lại thì mông chạm đất. Cuối cùng phải ngồi quay nhìn lên dốc và nhờ sự trợ giúp của anh em chúng tôi. Tôi phải một tay bán vào một gốc cây, một tay nắm tay ông ấy để không bị ngã ngửa. Cứ thế thay nhau nhìn mặt ông nhăn nhó giải quyết cái vấn đề phức tạp ấy.
Gần đến viện có đoạn đường phải lội dọc theo một con suối, đá to đá nhỏ nổi tròn mặt suối, lúc này thì trơn trượt thực sự. Một đầu cáng mà trượt ngã thì thằng trên võng chỉ có nước văng ra không đập người vào đá thì cũng ướt hết người. Tôi lại gạ nó xuống để chúng tôi dìu, nó vẫn không. Tức mình tôi đảo người vờ bị trượt làm cáng võng đung đưa nghiêng ngả. Lúc bấy giờ Bằng " giời" mới chịu xuống để anh em dìu. Gớm bố mày bá vai anh em nhảy tanh tách từ hòn này sang hòn kia, chỗ nào không có đá ông ấy đu trên vai chung tôi, chân co gồng lên cho khỏi ướt, suốt cả cây số đường suối chẳng thấy rên la gì hết.
Đến viện trông ông ấy còn khỏe hơn thằng cáng, làm y tá tý nhầm. Chúng tôi về đến đơn vị được vài hôm đã lại thấy ông ấy quay về, mặt mũi tươi rói. Khẩu súng cao su vẫn lủng lẳng trước ngực, tay còn sách một xâu chim bắn được trên đường. Đúng là nó bị đi viện oan, làm chúng tôi mệt gần chết.
PS : Bây giờ ông này đang sống ở Hải Bối Đông Anh, bên kia cầu Thăng Long, bị mắc bệnh tự kỷ ám thị lúc nào cũng sợ bị người ta ám sát, nên hàng năm gặp gỡ các CCB của trung đoàn chẳng bao giờ đi. Nghĩ cũng thương.

ĐỒNG CẢM VÀ CHIA SẺ
Sắp 20/11 rồi, ngày "hiến cam" mình không có cam quýt và hoa tặng các giáo, thì có câu chuyện nói về họ cũng là thay cho món quà. Trước là để nịnh các bạn làm nghề gõ đầu trẻ, sau nữa là cũng để không quên những người lính một thời gian nan trận mạc, năm tháng tuổi trẻ suốt mùa biên cương.
***
Gấp lá thư bỏ vào túi ngực, N bâng khuâng nhìn dãy núi đá lở loét vì pháo địch, thị trấn biên giới Đồng Đăng còn chìm trong sương sớm.
Tiếng hát của cô sinh viên trong đội văn nghệ xung kích Đại học sư phạm 1 như vẫn vang vang lẩn khuất đâu đó thấm sâu vào trong các vách núi, hang đá đọng lưu lại. Cả tuần nay, mỗi lần rời lán chỉ huy đại đội để đi đâu đó là N lại giở ra đọc lá thư T gửi cho anh sau khi đội văn nghệ rời chốt C2. Lá thư chỉ vẻn vẹn có bốn câu thơ như đã nói hộ tất cả, gửi gắm một tình yêu với anh, một người lính trận.
Em đi lòng thấy bồi hồi
Em sang C1 nhớ đồi C2
C2 em nhớ nhất ai?
Nhớ đại đội trưởng lòng ai thấy buồn ?
Ngày 1/8/1981_TT
Kiểm tra một lượt các vị trí tiền tiêu của đơn vị xong, quay về thì cậu liên lạc đưa N lá thư Hà Nội mới. N hồi hộp để lá thư lên bàn chưa dám bóc vội...dù lòng anh rất muốn.
N cũng định viết thơ đáp lại tình cảm của cô ấy mà cứ lần lữa, lần lữa mãi. Không phải vì quá bận mà không cầm bút được, anh nghĩ có thể đấy chỉ là rung động nhất thời của cô ấy trước những người lính biên cương hôm ấy, mai mốt về dưới phố, trong ánh đèn và nhịp sống thực dụng của đô thị cô ấy nghĩ lại thì thư đi thư về chỉ thêm buồn lòng người lính.
Hai bảy tuổi đời, mười năm lính, N đã trải qua một mối tình tan vỡ trong cuộc chiến tranh trước, khi anh đang là người lính trẻ. Tình yêu cũng nảy nở trong chiến tranh và cũng vì nó mà tan vỡ. Ngày ấy cả nước là tiền tuyến mà không giữ nổi thì bây giờ sự khác biệt ghê gớm giữa tiền tuyến và hậu phương. Khoảng cách địa lý không xa, mọi trái ngược về cuộc sống hàng ngày dội đến làm người ta dễ so sánh và mấy ai muốn lựa chọn gian khó về mình. Là lính, lại gốc nông dân xứ Nghệ nữa nên N dù rất cảm động trước những lời cô gái nhắn gửi , nhưng anh vẫn chưa dám viết thư trả lời cô gái ấy.
N quyết định cầm bút, anh viết cho T một lá thư dài và bắt đầu từ đấy một mối tình "qua những lá thư" nảy nở, nó ngày một sâu nặng đằm thắm theo năm tháng. Rồi vài tháng cô gái lại một lần lên biên giới thăm anh, thăm cái C2 của anh dần dần với cô đã như là gia đình.
***
Chuyện tình giữa anh lính và cô giáo đã có thời người ta hay nói đến và luôn được cho là hình mẫu lý tưởng cũng bởi rất nhiều lý do. Người thì bảo họ có nhiều điểm tương đồng về môi trường sống, hành động chỉ có từ chuẩn mực trở lên. Lính chẳng tiếc mình cho quê hương, Người cầm phấn nguyện cháy hết mình cho sắp nhỏ. Người thì bảo vì cả hai đều rất nghèo, thế mới có câu : "Bộ đội _ Cô giáo, Rau_ Cháo nuôi nhau". Cứ cho là "nồi nào vung ấy" đi, nhưng chuyện tình về họ, anh lính và cô giáo đều rất đẹp. Bài hát "Hành khúc ngày và đêm" ấy, các bác nghe lại nó đi, rõ ràng nó rất lãng mạn và bay bổng. Song, đấy là trong văn học, trong thi ca còn chuyện tôi kể chắc không được đẹp và lãng mạn nhưng thật cảm động về sự chia sẻ trong cuộc tình Rau _ Cháo của họ.
Sự đồng cảm hay ngợi ca một điều gì đó, con người ta dễ dàng ban tặng, có thể là không tiếc lời nữa kia ( thật cảm động phải không các bác) bời người ta không mất gì, nhưng để cùng chia sẻ, chịu đựng và hy sinh mới là cái không dễ có ở đời. Sóng gió trong mối tình của họ cũng bắt đầu từ đây.
Cô sinh viên trong một gia đình nền nếp trí thức Hà Nội, Cha mẹ cô gái là người đáng trọng trong xã hội, hiểu biết và luôn có tư tưởng mới là tôn trọng con cái. Với họ, quan niệm "môn đăng hậu đối" cũng đã là xưa, là cổ hủ. Ấy vậy mà khi nghe tin con gái cưng của mình yêu anh lính biên giới gốc xứ Nghệ ông bà cũng thất thần, lo lắng. Đó cũng là lo lắng suy nghĩ rất thực tế trong cuộc sống hiện tại. Là những người có học, từng trải bố mẹ cô gái biết cuộc sống sau hôn nhân không như khi yêu bởi thế họ ngăn cản mối tình "điên" của con gái mình cũng là chuyện thường tình.
Yêu ai thì yêu chứ yêu cái anh lính tít mù biên cương thì tương lai ở đâu?. Lối xóm không nói ra nhưng cũng bóng gió xa xôi, bạn bè mỗi khi trò chuyện thì nửa đùa nửa thật: "Tưởng kỹ sư, tiến sĩ gì gì, chứ yêu cái anh bộ đội chín năm thì...". Chẳng mấy ai vun vào
Lòng cô gái buồn ngẫm xót xa hơn cho người lính, nhưng cô càng yêu, càng thương người yêu mình. Cô thực sự thấm hiểu cái gì người ta nói và cái gì người ta làm.
Không ngăn nổi quyết tâm của cô gái, gia đình đành chấp nhận.
N hiểu được chuyện gì đến với cô, anh càng cảm phục và thương T hơn nhưng không biết phải làm gì đây để bù đắp cho T ngoài tình yêu mãnh liệt của mình. Mặc cảm tự ti là giết chết tình yêu, là tự đánh mất mình...Anh thầm nghĩ quyết bảo vệ nó như những gì anh đã dâng hiến cho đất nước này mười năm qua.
Vậy mà người lính từng bắn cháy 2 xe tăng địch trong những ngày đầu của chiến dịch Quảng Trị 1972. Từng chỉ huy đại đội đánh trận Khánh Khê nổi tiếng ở biên giới phía bắc. Chiến công lẫy lừng được đi báo cáo điển hình toàn quốc, được sử sách lưu tên mà hôm nay sao run thế, đứng hàng giờ trước một số nhà, một con phố nhỏ ở Hà Nội. Cuối cùng anh cũng vượt qua được cái rào cản vô hình đó, cái mạc cảm người lính trận để tới nhà người yêu. Món quà lần chạm ngõ đầu tiên của anh lính là 10kg gạo, mộc mạc chân quê và cũng chỉ có thế, thật không ngờ lại làm cha mẹ cô gái rung động...
Từ đấy ông bà không ý kiến gì nữa. Ra trường, cô giáo trẻ tình nguyện lên biên giơi để được gần người yêu, ông bà cũng không ngăn cản dù rất thương con. Từ Lộc Bình cứ mỗi thứ bảy cô giáo trẻ lại đạp xe lên Đồng Đăng mấy chục cây số đường núi thăm người yêu.
Theo thời gian một đám cưới mà hoa cô dâu là cành đào cành mận, tiếng pháo địch bên kia biên giới bắn sang thay cho pháo cưới. Mối tình đẹp, lãng mạn bước vào giai đoạn mới của sự dấn thân, chịu đựng và sẻ chia.
( Bài viết có mượn mấy dòng tán dóc của các thành viên về "chuyện tình giữa anh lính và cô giáo")

Sau ngày cưới, N lên làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1 (K15). Cuộc sống chẳng khác trước ngày cưới là bao. Hàng tuần T vẫn đạp xe lên thăm chồng, anh em tiểu đoàn bộ dành riêng cho họ một gian nhà vách nứa mà vật dụng toàn đồ lính từ nồi niêu đến chén bát. Sáng ra T thường đi chợ mua thêm ít thức ăn làm cơm để bồi dưỡng cho N và đồng đội của anh, bữa thì có anh em trong D bộ, bữa thì anh em C2 cũ lên thăm. Sớm thứ hai T lại đạp xe về trường trong giá rét núi rừng để kịp giờ lên lớp. Mỗi lần hai vợ chồng xum họp, gọi là bữa ăn tươi cũng chỉ thêm ít tóp mỡ sốt cà chua và rau sống mà anh em đồng đội và đôi vợ chồng trẻ cũng tràn trề hạnh phúc. Thương vợ lắm, song N chưa biết phải thu xếp ra sao để vợ đỡ vất vả, pháo địch hàng ngày vẫn bắn sang, việc đi lại hết sức nguy hiểm. N tính hết ba năm vợ anh phải về Hà Nội, trước mắt mỗi năm, hai vợ chồng cũng gần nhau được hai kỳ phép là tạm ổn, rồi tính tiếp. Ở Hà Nội có gì còn có bố mẹ, bà con hàng xóm, điều kiện sinh hoạt khá đầy đủ anh cảm thấy an tâm hơn. Còn N, nếu được đi học hy vọng cũng sẽ có những thay đổi thuận tiện hơn trong cuộc sống gia đình.
Ấy vậy mà mọi toan tính đều không thành. Năm đó toàn vùng biên cương mất mùa, dân đói lắm, là người lính từng gắn bó và được dân che chở trong chiến đấu địch hậu thời đánh Mỹ, nhìn đồng bào dân tộc không có cơm ăn, N đã có quyết định động trời. Anh vượt rào, tự quyết định cấp 2 tấn gạo trong kho dự trữ chiến đấu của tiểu đoàn cứu đói cho đồng bào dân tộc hai xã ven thị trấn.
Bà con có được cơm ăn thì N bị kỷ luật, cánh cáo toàn sư đoàn, cái án kỷ luật lần đầu tiên trong đời đã tước mất cơ hội đi học của N. Giấc mộng đổi đời cũng tiêu tan, chưa biết bao giờ thực hiện được.
Nghe tin chồng bị kỷ luật, cô giáo lại tất tả đạp xe về Đồng Đăng an ủi chồng, giúp anh giữ vững tinh thần để tiếp tục công tác.
Cô giáo xin nghỉ phép, ở lại cùng đơn vị của chồng tham gia phong trào tăng gia của đơn vị, không quản ngại bụng mang dạ chửa. Hình ảnh vợ chồng tiểu đoàn phó trên nương làm rẫy đã động viên khích lệ anh em trong đơn vị tham gia tích cực và thực chất hơn. Con sơn ca lại cất tiếng hát mỗi mỗi ngày trân trận địa, vẫn tiếng hát xưa nhưng nay thêm đàm thắm, chia sẻ của người trong cuộc. Lính cả tiểu đoàn ai cũng biết và mến yêu chi T.
Đồng bào vượt qua được nạn đói, vụ tiếp theo được mùa đã mang thóc trả lại và cám ơn bộ đội D1 đã chia sẻ với dân. Vậy là trận địa lòng dân biên giới được đơn vị giữ vững, nhờ sự chịu đựng chia sẻ của anh em toàn tiểu đoàn, nhờ cái án kỷ luật của N và một chuyện nữa , chính những ngày gian khó đó, một sinh linh bé nhỏ, đứa " con đầu " của họ đã mất khi cô giáo bị ngã trong lúc chạy tránh pháo địch. Anh em đồng đội ai biết đều vô cùng xót xa và thương vợ chồng N..
Vẫn chưa hết, số phận hẩm hưu chưa buông tha N. Khi làm tham mưu phó trung đoàn, N lại được đi học học viện lục quân Đà Lạt. Nhưng cả lần thứ ba này nữa anh cũng không thực hiện được mơ ước của mình.
Về Hà Nội thì vợ ốm nằm viện, N ở lại ít hôm chăm sóc vợ nên lên nhập học muộn, trường trả về đơn vị. Cục cán bộ yêu cầu kỷ luật vì đã không chấp hành đúng thời gian nhập học. Trung đoàn hiểu hoàn cảnh của N nhưng không thể không kỷ luật N được vì anh thuộc diện nguồn đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự kế cận do những chiến công trước đó. Để tránh kỷ luật N, trung đoàn quyết định cho anh về hưu non và N chấp nhận.
T nằm trên giường bệnh hay tin anh bị kỷ luật và xin về hưu thì nước mắt ứa trào . Vươn tay ôm lấy bờ vai của người lính khắc khổ đen đủi, cô thổn thức :" Anh vẫn mãi là của em !".

Sự đời trớ trêu thay, cái vận đen đủi của N làm người ta phải ngẫm. Đành rằng N cũng có sai phạm, hai tội trên có đáng để quân đội mất đi một cán bộ suốt mười mấy năm lăn lộn nơi chiến trường, một người lính dũng cảm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trên các cương vị được giao.
Tôi vẫn nhớ ngày bắt đầu chiến tranh biên giới, đất nước cực kỳ nguy ngập. Chỉ sau hai ngày khi tiếng súng ở biên giới phía Bắc vang lên, sư đoàn 337 từ một đơn vị làm kính tế đã chấp hành lệnh trên lên đường ra trận. Sự gấp gắp đến mức trong khi những người lính còn đang hành quân bộ ra ga Si thì các cán bộ tác chiến cấp tiểu đoàn đã đi bằng máy bay ra Lạng Sơn để kịp chuẩn bị chiến trường.
Trong đơn vị không ít người tranh thủ tụt tạt về thăm và báo cho gia đình.Nhiều người khi lên đã không kịp tham gia trận đánh và tất nhiên không ai bị kỷ luật cả, bởi lúc ấy tiền tuyến cần người, những người lính có mặt tuyến đầu đã là quí như vàng rồi.
Nhà N ngay cùng huyện Diễn Châu, cách ga Si không xa mà anh đâu có dám chạy về báo cho gia đình. Đấy không phải là ý thức của người lính khi tổ quốc lâm nguy đó sao ? Chuyện N nhập học muộn về hình thức cũng như những người lính tụt tạt thì lại bị kỷ luật, Tại sao thế

Chỉ khi đất nước một lần nữa lâm nguy thì người ta mới nhớ tới Nguyễn Hữu An, Nguyến Chuông và những người lính trận.

KỶ NIỆM VUI : LÍNH SINH VIÊN
( Chuyện cấm lưu hành trong nghành giáo dục )
Khoác áo lính hai mấy năm trời, trải qua khá nhiều đơn vị, ngẫm lại ở mỗi nơi đều có vui buồn kỷ niệm. Lính chiến trường, lính sinh viên, lính cơ quan rồi lính vật vờ, chây bửa đón " Ga hưu ",ở đâu chả có chuyện. Với tôi, đời lính không dài nhưng có đến 6 năm đi học. Là lính sinh viên thì Trỗi nhà ta hầu hết đã từng, ngoài học hành rèn luyện ra, cái chuyện trèo tường ra phố, cắm quán thiếu nợ rồi ra đong đưa với mấy em gái thị xã thì Trỗi ta bao giờ cũng vào loại ưu tú. Những loại chuyện này tôi không dám kể vì ngay trong Blog này có toàn những cao thủ, lớ sớ ba hoa chích chòe thì ăn đủ. Tôi chỉ kể chuyện các bố ít biết đến mà cái thời của tôi mới bắt đầu có lần đầu.
Năm 1980 bọn học viên năm thứ tư ĐHKTQS được cùng các thầy vào Nghệ Tĩnh coi thi đại học. Khà khà, đang là thằng học viên được làm anh giám thị, đúng là cái độ oách nó lên mấy bậc các bác ạ. Phen này ối kẻ nể sợ.
Giám thị nhìn em giám thị cười
Em nhìn giám thị nước mắt rơi.
Năm ấy sân ga Hàng Cỏ tràn ngập bộ đội quân hàm sơ mít và sinh viên đại hoc KTQD. Một đoàn tàu riêng chở các giám thị hai trường vào coi thi Nghệ Tĩnh. Đến Vinh các giám thị trẻ được tạm nghỉ chờ ở trung tâm văn hóa thành phố. Không rõ lý do gì mà thấy các em, các cháu tập đàn, tập hát ngay ngoài sảnh. Đàn Bầu, tam thập lục, ghi ta, ác coóc ... từng tốp xen lẫn đám lính kiểng chúng tôi. Toàn những nghệ sĩ tương lai cả, ai cũng có thanh có sắc, yểu điệu đàn hát đến là vui tai vui mắt. Không khí như hội, đàn hát vô tư ngay trước mặt tôi và bài hát chúng tôi nghe nhiều nhất hôm ấy là " Tàu anh qua núi" của Phan Lạc Hoa, bài ca của đất nước thống nhất và dựng xây.
Nhớ tám năm trước, tôi đi qua đất Nghệ Tĩnh này vào mùa mưa ảm đạm, trong bom pháo rập rình của chiến tran. Đoàn quân lặng lẽ bước đi, nối dài mãi trong đêm lần lượt vượt sông Lam, sông La rồi Ngàn Sâu, Ngàn Phố hậu phương dần xa và mặt trận dần ở phía trước. Tôi nhớ những khi hành quân ban ngày, cái đài bên hông chính trị viên luôn vang lên bài ca ra trận : Việt Nam trên đường chúng ta đi
Học viên lớp xe quân sự và một số giáo viên K2 cùng về hội đồng thi tại xã Đức Thủy, Đức Thọ trong một chiếc xe ca Ba Đình. Nhóm học viên chúng tôi được bố trí chỗ ở trong nhà bác công an xã và hai nhà bên cạnh. Vừa ổn định xong chỗ ở đã thấy hai cô cậu học sinh từ các địa phương khác đến liên hệ với công an xã để được bố trí nhà trọ. Lúc sau thấy bác công an xã dẫn cô gái tên Hoa sang nhà tôi và nói chủ nhà bố trí chỗ ở, cậu con trai tên Tùng thì ở luôn nhà bác công an xã. Sau này khi quen nhau rồi các em nó mới thổ lộ :" Tụi em biết các anh giám thị ở đây nên nài nỉ bác cho ở cùng để làm thân... dù sao quen biết vẫn hơn." Chúng nó láu mà thật thế đấy.
Chúng tôi có giá quá ! Tôi và thằng Thảo ngủ ở cái phản kê cạnh cái bàn tiếp khách to của chủ nhà. Anh cu Thảo bị ghẻ, tối nào cũng phải nhờ tôi bôi thuốc cho. Đêm ấy đã muộn rồi mà em Hoa vẫn ngồi bên bàn vật lộn với con chữ. buồn ngủ quá, mà còn nhiệm vụ bôi thuốc ghẻ cho chú em Thảo nữa chứ, tôi nhắc khéo :" Hoa ơi ! Em nghỉ đi, mai tỉnh táo thi cho tốt, bây giờ cố, thức khuya quá nó mụ người ra chứ ích gì."
Em cố tí nữa cho xong phần này thôi, các anh cứ ngủ đi ! _ Em nó trả lời vậy. Tôi nghĩ : không biết cái tí của em nó đến bao giờ đây, "Có mà ngủ nong" ấy, mùa hè, gió Lào nóng bỏ mẹ, lại đèn sáng tơ hơ thế kia bố thằng nào ngủ được.
Đúng là cái tí của em dài thật, hai thằng không chịu được đành dùng chiến thuật quần tà lỏn nhưng đắp cái vỏ chăn quay lưng lại phía ánh đèn. Có thế chú em Thảo mới làm việc với lọ thuốc Đép được, chú phải tự bôi thuốc lấy, tôi chỉ hỗ trợ phần che khuất, không biết hiệu quả điều trị được bao nhiêu phần trăm, nhưng vất vả quá lắm và cái mùi khen khét của thuốc Đép nó xộc vào mũi đến khổ .
Hôm sau nghe sơ kết buổi thi đầu, thấy phòng thi ông Thảo lập những hai biên bản và thu gần hai chồng sách giáo khoa. Cha cha, cái thằng nó tức cái con Hoa sao ấy mà làm dữ vậy.
Phòng của tôi không có giáo viên trông cùng, chỉ có 2 thằng học viên là tôi và thằng Giá nên hiền khô. Chúng tôi cũng thu cả mớ sách giáo khoa nhưng không lập biên bản nổi. Cứ mỗi lần thu được một quyển thấy các em gái nó cười với giám thị là lại thôi. Có em tôi thu đến 4 quyển vẫn chưa dám bảo đảm là hết sách trong người, cứ như nhà ảo thuật ấy nhưng cuối cùng cũng tha tất cả trai lẫn gái. Cũng chỉ vì nụ cười Hà Tĩnh mà tôi và Giá bị nhắc nhở, biết vậy nhưng cũng khó sửa lắm, của đáng tội con gái Đức Thọ xinh thế mà...
Tụi học sinh cũng kháo nhau là có hai giám thị trẻ dễ tính nhất, gặp nhau ngoài đường, chúng nó kéo bằng được tôi vào nhà chơi, thăm hỏi, trò chuyện xong ra về còn nhét bao Trà Khúc vào tay nữa. Ôi chao ! Lại còn đút lót giám thị nữa. Thật ra cũng là tình cảm thôi, buổi sau tôi đâu có trông phòng mấy em nữa.
Đến lượt ông mãnh Tùng, không biết nghe đâu mà biết là mai tôi trông phòng của nó. Nó nì nèo :" Anh ơi ! Mai giúp em với, anh xếp thế nào cho em ngồi gần thằng Tiếp. Nó học giỏi lắm, ngồi gần nó em chỉ ngó cái đáp số để kiểm tra lại bài mình thôi, không làm bạy đâu."Ậm ừ thế chứ biết xếp thế nào mà ngồi cạnh nhau được.
Cẩm bản danh sách học sinh tôi đánh số lên bàn, cứ ba đứa một bàn theo số báo danh. Thế nào bàn cuối cùng còn mỗi thằng Tùng một mình một bàn, tôi chợt nghĩ ra cách giúp nó.
Sau khi đọc đầu bài tôi cứ để cho lớp làm bài chừng 10 phút, rồi lừ lừ đi xuống bàn thằng Tiếp, tôi nghiêm giọng :" Cậu ngồi dịch sang đây." Thằng cu Tiếp nhìn trái rồi nhìn phải, lơ láo chẳng hiểu gì nhưng vẫn nghe lệnh của tôi.
Tôi lại gắt lên :" không phải thế , cậu đứng dậy, đi ra đây !" . Cu Tiếp xanh mặt, hốt hoảng đi ra. Tôi lôi xuống bàn thằng Tùng dí ngồi vào bên cạnh...
Tôi nhớ giám thị hành lang là anh Tiến giáo viên đạn có hỏi về chuyện ngồi lộn số, tôi phịa : " Mấy đứa trên đó cứ bàn tán, em lôi cậu này xuống đây, tách chúng nó ra.."
Trưa ấy thằng Tùng hoan hỉ chạy sang nhà tôi cảm ơn đã giúp, chỉ thế thôi chứ không Trà Khúc Trà khét gì như mấy cô gái hay cười. Lại nghĩ, biết thế này lần sau ông chỉ giúp con gái... Dưng mà chẳng bao giờ có lần sau các bác ạ.
Hì Hì ! Chuyện bố láo bố toét của tôi ngày đó các giáo và bác NTN không nên đọc. Mà có đọc thì cũng lượng thứ cho, bộ đội mà. Bắt mấy thằng lính mê gái coi thi là hỏng, hỏng đến tận giờ chữa chưa xong .

DÒNG Ô LÂU

Bao nhiêu con đường, bao nhiêu dòng sông đã đi qua trong mỗi đời người. Tuổi thơ tôi là dòng Ly Giang xa xôi, khi tuổi đôi mươi là dòng Ô Lâu của miền Trung xứ Huế. Dòng sông nhỏ, thất thường con nước, có cái tên nghe ngồ ngộ nhưng nghe lâu thấy thương, người lính như tôi dòng sông nhỏ này đầy kỷ niệm.

Bên dòng sông Ô Lâu

Đó là những trận đánh của đơn vị từ mùa hè năm 1974, dòng sông nhỏ dựng lên những cột nước trắng xoá, hai bên bờ khói lửa trùm kín bến vượt. Ngoái nhìn về phía bờ sông vẫn thấy thấp thoáng những đồng đội tôi chạy, họ lao tới bờ sông, vượt qua những cột nước trắng của pháo địch, lên chi viện cho chúng tôi dứt điểm đồi 61. Những ai ngã xuống trên đường chạy hay dưới lòng sông kia tôi không thể biết tên họ, chỉ biết đó là những người lính đoàn Phong Quảng , máu các đồng đội tôi đã hoà vào dòng nước này, làm sao quên...

Trận đánh đó đúng vào ngày 18/09/1974, ngày tôi vừa tròn tuổi hai mươi, ngày đó tôi đâu nhớ sinh nhật của mình mà tình cờ sau này khi đọc ghi chép của người tiểu đoàn phó, tôi mới hay.

Ghi chép của Trần Đình Hồng, tiểu đoàn phó K15, E4

.... 9/1974 phong thượng uý. Ngày 18/09/74 chỉ huy đơn vị đánh chiếm cao điểm 61 chỉ trong 10 phút bằng phương pháp vận động tấn công giành thắng lợi diệt 120 tên địch.

Ngày 25/10 đi nhận bàn giao khu vực hoạt động của đơn vị, trời mưa to, phải bơi qua sông Ô Lâu bị nước cuốn trôi đi đã đượcđồng chí Mai Hồng Tình quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá vớt lên. Ôi ! tôi rất cảm ơn anh đã cứu tôi, đã dạy cho chúng ta hết lòng vì đồng đội, tình cảm đó không sao quên được..

Mới lại thấy Ô Lâu đâu chỉ riêng mình có kỷ niệm và đâu chỉ là những trận đánh ngày nào. Dòng sông và những cánh rừng bên sông từng gắn bó với người lính chiến trường . Là lũ nguồn dữ dội trong mưa, là cạn khô nổi trắng cát sỏi trong nắng, thất thường lắm nhưng sông ơi ! Là thương nhớ khôn nguôi...

Đã nhiều lần tôi về lại Ô Lâu, đã thăm lại các điểm cao nơi xảy ra trận đánh, nhưng để ngược dòng sông vào sâu những cánh rừng thượng nguồn thì chưa thực hiện được vì rất nhiều lý do. Lần này, có ông bạn ĐN hợp máu lãng du, thích khám phá chẳng ngán gian nan vất vả, tôi mới quyết thực hiện ý định này.

Xa rừng hơn 30 năm rồi sức trẻ đâu còn nữa, chúng tôi phải nhờ cậy người dân bản địa. Thật may mắn là nhờ những người bạn Huế có chuyến về chiến khu Hoà Mỹ chúng tôi đã tìm được một hướng dẫn viên như ý và đặt " căn cứ" xuất phát cho chuyến " phượt " rừng tại chính nhà người dẫn đường cho chúng tôi.

Người đàn ông dẫn đường cho chúng tôi trạc 60 tuổi, từng là lính của chế độ Sài Gòn cũ, ông cùng gia đình sống ở chân đồi 61 đã hơn 30 năm nay. Hôm nay cùng chúng tôi lội sông băng rừng, trên đường ông ấy không chỉ giải thích cho chúng tôi những câu hỏi về rừng, về dòng sông hôm nay mà còn là ký ức thời lính trận, khi hai chúng tôi ở hai chiến tuyến. Cũng là một dịp tôi hiều thêm về người lính đối phương xưa, họ hầu hết là những người nông dân chất phác hiền hậu, càng thấm thêm nỗi đau đất nước

Hơn 30 năm vứt bỏ áo lính, trở về với rừng, nước Ô Lâu, ông và gia đình lấy nghề rừng để sống. Nay tuổi cao không đi rừng nữa, ông bảo chân đã yếu rồi, vậy mà đi với chúng tôi ông cứ băng băng. Khi hỏi, thì ông bảo người dân vào rừng để kiếm sống, là song mây, lá nón mỗi khi về trên lưng phải cõng 40, 50 kg, chứ vào rừng chơi nhởi như chúng tôi thì sức còn dư. Hai vợ chồng sinh được những bốn con, năm thằng ( hai thằng đã mất, tôi không tiện hỏi ), ngần ấy miệng ăn mà chỉ trông vào mấy sào đất vườn với trồng rừng được chia sao đủ để sống, phải gắn với rừng chứ, không làm sao trụ nổi. Vậy là nghề rừng đôi khi lại là nguồn sống chính của gia đình ông. Tôi không thể hình dùng được những năm trước đó hai vợ chồng ông nuôi nổi từng ấy đứa con chỉ bằng nghề đi rừng. Ông kể ngày đó cực lắm, loay hoay với đất trồng gì cũng hỏng, nhưng rồi cũng qua được, giờ lũ con đã lớn đều đi làm xa cả, có đứa làm ăn tận Sài Gòn. Ở lại nhà còn vợ chồng cậu con trai út, ngày ngày cạo mũ cao su khi vãn việc lại ngược sông kiếm cá về bán, thêm ít tiền bồi dưỡng cho cô vợ trẻ đang mang bầu.

Chuyện về cuộc sống hôm nay của người dẫn đường, của người dân vùng thượng Ô Lâu thật dài, dân nơi đây còn nghèo, không thấy bóng cây lúa, đã thử trồng lạc rồi trồng đậu nhưng chưa thấy khả quan gì, nguồn sống trông cả vào rừng và những đồi cây keo tai tượng. Rồi lũ lụt, dòng sông xanh trở màu đỏ đục, nước sông cuồn cuộn hung dữ phá đi bao công sức con người tạo dựng. Nhìn rác mắc trên ngọn cây sau cơn bão số 9 mới biết lũ nguồn dữ dội hơn xưa nhiều lắm.

Nhớ mùa nước tháng 12 năm 1974, khi tôi dẫn anh em tân binh về trung đoàn, hành quân suốt 3 ngày trong mưa về đến thượng Ôlâu . Cơn lười và máu hay "sáng kiến" khiến tôi nảy ý định kết bè thả trôi sông để về đơn vị ở giáp ranh. Thật may là đã có người bạn gàn vì thấy quá mạo hiểm, chỉ một sơ xuất nhỏ có thể chúng tôi sẽ bị trôi vào vùng địch và không bao giờ có chuyện hôm này mà trở lại.

Gặp con thuyền nhỏ ngược dòng sông, không biết họ ngược lên để làm gì (?). Người dẫn đường giải thích là họ đi săn cá Trình bằng cách đánh điện. Cá Trình đánh được về đem bán cho nhà hàng, khách sạn dưới Huế. Không chỉ có cá Trình, khi về còn có cá tràu và các loại cá suối khác.

Lại nhớ lính ngày đó cũng thường đi kiếm cá. Chúng tôi không có thuyền mà mình trần lội ngược dòng nước, trên vai là cái gùi đựng mấy quả thủ pháo, con dao đeo bên sườn, tay xách khẩu AK lặn lội khắp bãi cạn, hờm nước, vách đá kiếm ăn. Ùng oàng thủ pháo rồi lặn ngụp gom cá nổi vì sức ép, mỗi lần về trên vai một gùi cá nặng, đủ các loại cá suối, thịt thơm xương mền. Lính ta còn biết cách đánh cá khác bằng cách đập rễ cây Chay lên đá, xả nước cho nhựa chảy xuống suối, vài phút sau cá nổi trắng suối nhưng sau mỗi lần đánh ấy thì đừng bao giờ mơ có cá nữa, cách đánh hủy diệt này ít ai dùng vì bị mọi người lên án.

Cuối mỗi chuyến đi đánh cá, chúng tôi thường dừng lại ở những vạt sỏi trên sông (như chỗ anh bạn ĐN đang tắm trong hình) làm cá, sát muối bảo quản rồi tắm chào sông, xong là lên đường trở về chốt ở giáp ranh. Ngày ấy trên bãi đá này có một cặp sừng hươu rất to và đẹp, chúng tôi thường làm giá phơi quần áo sau khi giặt, quả là sành điệu và sài sang hơn cả các đại gia hôm nay.

Ngoài cá sông, rừng thượng Ô Lâu cũng là nguồn cung cấp rau xanh cho lính nhưng cũng phải mất nhiều thời gian công sức mới có được. Suốt cả chặng đường qua hết vạt rừng này đến vạt rừng khác trên đường đi tôi ít thấy mấy thứ rau rừng ăn được. Cũng vì chúng tôi chỉ đi bám theo đường mòn, nơi thường xuyên có người qua lại thì không mấy khi còn thứ rau ăn được. Kinh nghiệm trước kia chúng tôi thường lần dọc theo các khe suối nhỏ, ở đấy mọi thứ đều phong phú hơn, môn thục, rau rớn, tai voi, mua chua chỉ mọc ở những khe suối hay vách đá ẩm ướt. Lạ là hôm trước được ăn salát cải xoong trộn dầu dấm ở nhà hàng, thấy rau mền và thơm khác với cải xoong Bắc. Nghe những người bạn Huế giới thiệu rau này mọc ở các vách núi đá trên rừng chứ không trồng ở ruộng nước như ngoài Bắc vậy mà trước kia mình chẳng gặp. Mới biết rừng rộng và bao la lắm, vài ba tháng nằm rừng làm sao thấy hết được.

Phía trước xa kia, không biết là " mấy con dao quăng " là đường 15N, một nhánh phía đông của hệ thống đường Trường Sơn, huyền thoại xưa . Hai thằng tôi tính đi tính lại, đành phải dừng bước trước đại ngàn Trường Sơn vì sự chuẩn bị chưa đầy đủ và chiều còn cuộc hẹn với người bạn Hương Trà nữa.

Chờ ĐN tắm chào rừng xong, chúng tôi rút về "căn cứ " đúng 2 giờ chiều. Bữa cơm trưa muộn nhưng thật hấp dẫn, cá tràu suối nấu canh măng chua , gà đồi luộc, cải xanh trong vườn xào lòng , chỉ tiếc là vẫn lại ba người. Không biết vì quá muộn hay ý tứ vốn có của người Huế mà vợ con người dẫn đường không cùng ăn được với chúng tôi.

Chia tay gia đình người dẫn đường, cơ sở mới của chúng tôi, hai thằng về Hương Trà gặp Quảng, người đồng đội cũ . Xong những việc cần bàn với Quảng, lại chuyện xưa nhắc lại, chuyện Hà Nội , chuyện Trỗi, Huế nghịch ngợm choảng nhau rồi lại cùng bên nhau giữa chiến trường ác liệt. Ký ức tràn về, bên ly bia trào bọt, ngất ngư chuyện trò quên thời gian, quên trời sáng tối.

Một ngày về rừng thật vui vẻ mỹ mãn, trọn vẹn với ký ức. Không biết anh bạn ĐN nghĩ sao về chuyến " phượt " rừng này, còn tôi cho rằng chẳng có tua du lịch nào sánh được với chuyến đi này. Cảm ơn những người bạn Huế đã đồng cảm, sẻ chia tạo điều kiện cho tôi những ngày ở Huế và giúp đưa tôi về với Huế xưa.

ÊULẮM !
Chiếc xe ca Ba Đình cũ kỹ lầm lũi bò trên mặtđê, để lại phía sau nó một vệt dài bụi đỏ, nắng chiều trải dài đổ xuống mặtsông sáng lóa, những tia nắng xuyên ngang ô cửa vào trong xe làm tăng thêm cảmgiác chật chội của chuyến xe thời chiến. Trên xe, lính chiếm phân nửa, đủ mọisắc lính của đất Sơn Tây thủ đô bộ đội. Được ngày cuối tuần xả trại về Hà Nội,ông lính nào trông cũng tươi rói. Chuyện lính râm ran át cả tiếng xe chạy, báctài như đã quá quen cảnh này, thỉnh thoảng tán vào đôi câu đùa rỡn với đám línhtrẻ làm không khí trên xe rộn lên, vui vẻ.
Xe đang bon trên đường, bỗng nghe tiếng kenkét do phải phanh gấp dội vào. Chiếc xe chựng lại, mọi người trên xe bị xô dồncả về phía trước, bác tài gầm lên đầy bực tức, văng một tiếng chửi thề.Nhìn qua kính lái phía trước, một cô gái trẻ giữa đường, tay vẫn còn giơ caochiếc cặp học sinh đứng chặn đầu xe . Bên lề đường là cả hơn chục cô cậu họcsinh, họ ào đến cửa khi xe vừa dừng lại. Lưỡng lự vài giây bác tài kêu ngườiphụ xe mở cửa, tốp học sinh ùa chen lên xe.Tôi né người sang bên cho từng ngườivào một, xe chật cứng người, cô gái đứng chặn xe là người lên sau cùng, hếtchỗ, đành đứng ngay bậc lên xuống cạnh tôi và người phụ xe.
Cả xe im lặng, đám lính chúng tôi ngỡ ngàng,người nhún vai, kẻ lắc đầu, không hiểu họ nghĩ gì trước sự việc vừa xảy ra (?).Mọi người, nhất là mấy ông lính, mắt đổ dồn nhìn cô gái, khiến tôi đứngcạnh cũng thấy người nóng ran. Cô gái thoáng chút căng thẳng, bối rối đưaánh mắt nhìn ra xa ngoài cửa xe ...
Liếc nhìn trộm cô gái, ôi ! xinh đấy chứ ! Tôithầm nhận xét. Thân hình nhỏ nhắn trong chiếc áo chiết eo mầu cỏ úa, hai dảiđuôi sam dài được buộc lại bằng mấy sợi len tím, trên ngực áo là chiếc huy hiệuđoàn mới tinh, khuôn mặt thanh tú ửng hồng. Nhìn bóng dáng ấy thật chẳng ai cóthể tin điều cô ta vừa làm cho đám bạn.
Cái máu hay chòng ghẹo người khác trong tôilại trỗi dậy nhất là khi nhận thấy điều gì đó là lạ trong cô gái. Chưa biếtphải nói cái gì, không chỉ để khám phá cái nam tính trong cô gái lạ mà còn đểxua đi những ánh mắt ngô nghê của mấy ông lính nhà mình trên xe nữa...suốttừ lúc dừng xe tới giờ vẫn chưa chịu rời mắt nhìn cô ta làm tôi cảm thấy khóchịu lây.
Việc bắt chuyện tán tỉnh một cô gái vớimấy ông lính Hà Nội có mã thư sinh như tôi thật chẳng khó gì, ở nơi đóng quântrong các xóm làng tôi chỉ đong đưa chút xíu là xong. Nhưng lúc này, tôi nghĩmãi mà chưa biết bắt đầu bằng cách nào. Chả biết sao mà cuối cùng phát ra mộtcâu bâng quơ, rõ sến, không giống ai :
_"Trái tim dũng cảm" này, giá mà ở trongnhững người lính chúng tôi thì hay quá
Vay mượn ở đâu ra không biết mà nhạtnhẽo, ngớ ngẩn thế, rõ chán! Tôi tự trách mình, cô ta thì vẫn im lặng, quê quá,lúc bấy giờ tôi chỉ muốn nhẩy ra khỏi xe
Lúc sau, cô gái liếc nhìn tôi, mắt sắcnhư dao cau làm tôi càng khó xử. Biết làm sao được, ráng mà chịu, chờthời cơ sửa lỗi sau vậy. Rồi nàng cũng đáp lại:
_Xin lỗi và mong anh cùng mọi ngườithông cảm cho, hôm nay thứ bảy ai cũng muốn được về nhà . Vì việc này có thểlàm các anh muộn vài phút, điều đó khiến anh khó chịu lắm sao ?.
Nghe cái giọng trịnh trọng quá, tôi thầmbiết : lại có ý diễu mình đây nhưng đáp lại là may lắm rồi. Tôi trấn tĩnh lạivà đổi sang giọng chân chất mộc mạc hơn:
_Cô hiểu sai ý tôi rồi, tôi đâu có nói vềchuyện sớm muộn mà nói về việc cô vừa làm ấy. Có phải kia là các bạn cùng lớpcô đấy không? Chúng tôi là lính nhìn cảnh vừa diễn ra thấy nó gai gai thế nàoấy...
_Đúng là các bạn cùng lớp em. Anh thông cảmnhé, cũng tại anh nói "mát mẻ "quá nên em phải vậy. Thôi ! Giảng hòa nhé.
Nói xong cô quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi.Đôi mắt nâu thật dịu dàng, và thật mạnh bạo ! Tôi chưa bao giờ gặp đôimắt và cái nhìn như thế. Tôi không thể ngờ mình đổi chiến thuật lại hiệuquả đến thế, phải nói là ngỡ ngàng mới đúng. Mà lạ thật, cũng là trong một conngười ấy mà sao lúc sắc lẹm, lúc dịu dàng...Khoảng cách xa lạ như không còn nữa.
Từ đây trở đi câu chuyện thật dễ chịu nhẹnhàng, được đà tôi bắt đầu ba hoa đủ thứ chuyện về lính, cố kể nhiềuchuyện vui khiến cô nhiều lúc phải bật cười. Đôi khi vẫn phải lườm mấyông lính nhà mình để họ "giữ ý" giùm, tôi rất sợ mấy ông vui miệng tán theo vôý làm lộ nhân thân ... thì hỏng bét. Cô ta thỉnh thoảng cũng hỏi han, gópchuyện và đáp lại tôi rất giản dị, có phần kiệm lời nhưng thông minh, dịu dàngvà đầy nữ tính .
Nắng chiều đã tắt, làng xóm đồng ruộng trênđường xe qua sẫm lại, xanh ngắt, khói lam chiều phía xa, mờ mờ tỏa từ sau nhữngrặng tre. Trời mùa đông nhanh tối, nhìn về phía Hà Nội một vầng hồng nhẹ mờ mờcủa những ánh đèn thành phố hắt lên bầu trời tối mịt. Xe chạy gần đến Hà Nộikhông khí bộn rộn căng thẳng của chiến tranh càng hiện rõ. Các loại xe quân sự,xe chở đạn tên lửa, xe kéo pháo cao xạ không biết từ đâu xuất hiện ngày mộtnhiều, lầm lũi đen ngòm. ..Hà Nội đang chuẩn bị cho những trận đánh mới, chiếntranh mỗi ngày mỗi ác liệt
Tôi chợt trở lại với thực tại của mình,có một đêm nay và ngày mai để chào Hà Nội. Lần này về là để đi xa lắm, khôngbiết bao giờ trở lại. Tôi thoáng buồn, im lặng, cái buồn bất chợt trong tôi làmcô gái ngỡ ngàng, cô cũng đứng lặng như thể biết được ý nghĩ trong tôi. Tôi sẽxa Hà Nội và sẽ nhớ lắm con phổ nhỏ cổ kính của tôi, những người thân, bạn bècùng lứa . Có điều gì trong tôi trỗi dậy, nao nao một nỗi buồn, vương vấnmơ hồ... trong cả chuyến xe ngày hôm nay sao tôi thấy có điều gì khác lạ.
Tôi ngả người tựa vào thanh vịn của xecố dãn xa khoảng cách để nhìn em cho rõ , em cũng nhìn tôi , khi mắt chúng tôigặp nhau thật cảm thông dịu dàng.
Xe đến Kim Mã, tôi quyết định không về nhàngay mà đi theo em dù em đã chào từ biệt. Không hiểu sao nhìn em lúc này trongtôi có điều gì xao xuyến, tôi không muốn rời xa.
Em nhè nhàng nói :" Em tự về được mà, anh nênvề nhà sớm kẻo người nhà mong. Ngày mai em sẽ đến nhà thăm anh. "
Tôi bảo :" em biết nhà anh ở đâu mà đến, đưa em về biết nhà em, mai anh sẽ đến thăm em."
_Trên xe anh nói nhà anh rồi đấy thôi, anhquên rồi sao, Hùng ơi !
Nghe đến đây tôi tóa hỏa, mới nhớ ra trên xetôi đã ba hoa, phịa cả tên và địa chỉ. Khổ thế ! Cái thằng lính đi đâu tán đấychẳng mấy khi dùng tên thật của mình. Ban đầu cũng nghĩ tào lao tí cho vui..tôi lấy đại tên của tay A trưởng và kể nhà tôi ở khu phố của cán bộ cao cấp .Tôi vội cải chính lại tên và địa chỉ thật của mình
Em bật tiếng cười trong trẻo khi nhận ra mọichuyện :" lại thế nữa! thế mà em luôn nghĩ anh là người nghiêm túc đấy ."
Lần trước anh phịa đấy, lần này là thật, em nhớ nhé và bây giờ anh là người khác_Tôi nói chân thành.
Vâng em tin , chào anh, mai ta gặp nhau, chúc anh vui vẻ !_ Nói xong, em vội bước.
Nhưng tôi vẫn bám theo, còn em không đuổi khithấy tôi vẫn đi bên cạnh. Đi đâu tôi chẳng cần biết , chúng tôi cứ đi, im lặngtrong ánh đèn mờ của phố phường Hà Nội.Thật lạ , hai đứa chẳng nói câugì, chỉ đi bên nhau như những người thân thiết từ bao giờ.
.........
Hà Nội về tối mơ màng tĩnh lặng, bước chân haiđứa ngập ngừng
(Trích tản văn của Văn Công Hùng )
Đến đầu Thợ Nhuộm thì cócòi báo động, chúng tôi ngồi lại bên vỉa hè cạnh một cái hẩm tròn nhỏ nhưngchẳng ai chịu xuống. Có tiếng bom xa xa phía ngoại ô, trong nội thành vẫn yêntĩnh. Đến lúc này em mới bảo tôi :" lát nữa báo yên anh về đi, cũng sắp tới nhàem rồi. Tôi xin địa chỉ, nhưng em nhất định không cho và như để an ủitôi, em bảo mai thế nào em cũng đến thăm tôi.
Chúng tôi đến đầu BT thì em đứng lại chìa tayra nói :" Ta chia tay ở đây thôi, hẹn ngày mai gặp lại." Tôi nắm chặt tay emkhông muốn rời, em nhẹ nhàng rút tay ra, rồi vụt chạy . Tôi đứng trân ra nhìn,hai cái đuôi sam lắc lắc xa dần rồi mất hút trong đêm tối. Bừng tỉnh lại tôichạy đuổi theo, chết thật ! mình còn chưa kịp biết tên cô ấy..Muộn mất rồi! Tôithẫn thờ nhìn những ô cửa sổ trong dưới ánh đèn vàng hy vọng thấy một bóng hình.
.............
Em ở đâu trong miên man những bóng ngườixa lạ, những quầng sáng vàng vọt, và cả tiếng lá xao xác trên đường. Có nhữnglúc cứ thấy thắt ruột lại trước những dự cảm mơ hồ, mong manh như gió, nhữngcơn gió lang thang.
( Trích tản văn của Văn Công Hùng )
Đêm ấy tôi về nhà rất muộn, con bé út ramở cửa cho tôi, mẹ không có nhà, bà đang ở trong bệnh viện chăm sóc cho Chatôi.
Sáng tỉnh dạy đã thấy mẹ chuẩn bị một cặp lồngcháo, bà giục tôi ăn sáng để mang cháo vào cho cha. Tôi muốn vào thăm cha nhưnglại lo em đến không gặp, không dám nói với mẹ tôi đành đi mà lòng thấp thỏm.
Gần trưa mẹ vào thay , mẹ bảo có cô gái gì tên...h đến thăm con, trước khi về nó nói nhà ở ... phố BT. Mẹ còn dặn với theo khitôi đi ra :" Con về ăn trưa đi, nếu đi chơi đâu thì về sớm để chiều cònlên đơn vị cho kịp giờ."
Tôi phóng thẳng đến phố BT, tìm số nhà theo mẹnói, đến nơi mới biết số nhà ấy là của một khu tập thể. Trước cổng có hai côgái đang đứng buôn chuyện, tôi hỏi hai cô gái :"Hai cô cho hỏi, nhà ..h ởđâu ?" Hai cô nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi họ nhìn nhau và trả lời làkhu nhà này không có ai tên thế. Biết làm sao đây (?) tôi cố gặng hỏi lại vớichút hy vọng nhưng đáp lại là ánh mắt diễu cợt và những nụ cười thiếuthiện cảm. Tình huống này tôi chỉ còn cách chào họ rồi chuồn. Về nhà bữa cơm mẹchuẩn bị ngon thế mà tôi ăn chả được..
Chiều ấy tôi ra đi, chia tay Hà Nội mang tronglòng một chút mơ màng mong manh về người con gái ấy. Những tưởng thời gian trôiđi tôi cũng sẽ nguôi ngoai, đâu ngờ cảm xúc trong tôi về chuyến xe ấy vẫn theo tôi suốt đến tận bây giờ và trong nỗi nhớ Hà Nội luôn có hìnhbóng em.
Đi B tôi vào mặt trận Tây Nguyên, ở bộ phậnquân khí của sư 10. Từ sau hiệp định Pari lính Tây Nguyên nhận được thư nhàthường xuyên, nhất là lính trên sư bộ chúng tôi. Thư mẹ tôi lần nào bà cũngnhắc đến cô gái ấy, bà kể em là sinh viên học đâu tận Thái Nguyên ấy nhưng cứmỗi chủ nhật được về Hà Nội lại đến thăm nhà mình. Bà cứ gặng hỏi tôi và em làthế nào ? sao từ trước chẳng thấy tôi nói gì...Tôi biết cụ thích cô ấy lắm rồi,vì thỉnh thoảng có mấy đứa cùng lớp phổ thông xưa đến chơi cụ chỉ nhắc qua, cònchuyện về cô ấy bao giờ cũng mất cả trang thư. Chẳng riêng gì các cụ, con bé útnhà tôi mới i tờ , nó thư cho tôi chữ ngả chữ nghiêng nhưng tên chị ...g thì nóviết nắm nót và đẹp nhất, tôi tin nó cũng yêu mến cái chị ..g này lắm. Côấy như cô Tấm vậy, mỗi lần cô đến cả nhà tôi lại rộn vui , làm vơi đi phần nàonỗi nhớ đứa con xa .
Còn tôi! Biết phải nói gì hơn nữa, tôi thầmcảm ơn số phận đã đưa tôi đi trong chuyến xe ấy. Là thằng lính chiến trường chảbiết sống chết ra sao nên tôi đâu dám nghĩ đến chuyện yêu. Đấy là nghĩ thếnhưng khi thấy luôn có một cô gái, lại xinh nữa quan tâm đến mình hẳn lòng tôiấm lại rất nhiều. Có lúc tôi muốn viết thư cho cô ấy những lại không giám,chiến tranh liên niêm , biết bao giờ mới dứt nên lại thôi.
Chiến tranh qua rồi, tôi may mắn còn lành lặntrở về, nhất định tôi phải tìm cô ấy....
*********
CÂU CHUYỆN TRÊN tôiđược nghe được từ một người lính Tây Nguyên khi anh cùng tôi bị mắc kẹt lại ởHuế hồi tháng 10/1975. Năm ấy Huế có mưa lớn, lũ về nước đầm phá dâng cao, cầuAn Lỗ bị lũ phá hỏng ( cầu lúc đó làm bằng gỗ thông tẩm dầu Mỹ, chưa có cầu ximăng như bây giờ). Huế dồn cục người từ phương Nam ra, lính đi phép, đi côngtác, ra quân và đi học, người miền Bắc vào chơi miền Nam ra .vv. đôngnghịt. Ai cũng lỉnh kỉnh đồ đạc hàng hóa của xã hội tiêu thụ. Chỉ có mấyanh lính chiến trường chúng tôi là ba lô lép kẹp. Đồ quí nhất trong hành trangcủa tôi là con búp bê nhỏ, có cái lông mi cong cong, đặt nằm xuống là nó nhắmmắt. Tôi dành những đồng tiền ít ỏi của mình mua nó làm quà cho bé Hà, con gáidì tôi. Tôi thương bé Hà vì chú Hưng chồng dì tôi không bao giờ trở về nữa, béHà chưa bao giờ biết cha mình. Trong ngày khải hoàn này chắc hai mẹ con dì tôibuồn lắm...
Lính nằm chờ thông xe dỗiviệc nên chuyện cứ dài dài không biết bao nhiêu chuyện. Riêng câu chuyện trênthì tôi chú ý vì rất có thể cô gái ấy tôi biết ..
Tôi có anh bạn cùng đơn vịthân lắm, chúng tôi cùng người Hà Nội. Anh bạn tôi cũng ở cái số nhà ấy và cócô em gái cùng tên với cô gái mà anh lính Tây Nguyên vừa kể. Là lính chiếntrường chúng tôi thường chia sẻ với nhau nhiều thứ kể cả những lá thư của ngườiyêu. Bạn tôi vẫn thường cho chúng tôi xem thư em gái gửi cho mình. Đọcthư, tôi biết em gai bạn tôi đang là sinh viên đại học mỏ địa chất mà trườngnày cũng đang ở Thái Nguyên. Trong cái ví của cậu ấy bao giờ cũng có ảnh giađình trong đó có ảnh cô em gái là chúng tôi để ý nhiều nhất. Quả là em gái cậuta xinh đẹp và sắc sảo lắm, vậy nên cả chốt ai cũng nhận là em rể hắn.Chuyện đùa vui thế thôi nhưng cũng làm cánh lính chúng tôi vui và không ít ôngmơ tưởng thật sự. Chúng tôi khi buồn lại bảo anh bạn lấy thư em gái ra đọc vìcô bé có cách viết dí dỏm, nghe mãi không chán.
Rồi một lần đầu mùa khô1974, có người lính trinh sát e2,f324 mò lên chốt chúng tôi hỏi thăm anh bạntôi. Lính tráng tiếp khách chỉ có thuốc lào và trà sâm chiến sĩ nhưng vui vẻtình đồng đội, đồng hương. Người lính trinh sát Hà Nội , trước khi đi bộđội đang học năm thứ nhất đại học tổng hợp văn. Qua chuyện trò thì biết anh ta là bạn trai của em gái bạn tôi, nghĩa là em gái bạn tôi đã có người yêu,điều này làm khối ông lính chúng tôi thất vọng nhưng không vì thế mà chúng tôi đốisử không tốt với người đồng đội f324 kia. Ngược lại chúng tôi ngưỡng mộ anh tavì được một cô gái xinh đẹp như thế yêu và cánh lính chúng tôi rất tự hào vềđiều này. Chỉ có điều từ ngày đó chúng tôi chia sẻ với người anh cô gáiđó từ điếu thuốc lào hay bất cứ một cái gì khác đều là tình bạn, tình đồng đội,đông hương. Cái chuyện tán láo vui đùa anh vợ ,em rể chẳng còn ai nhắc đến. Làlính, chúng tôi rất trân trọng mối tình của đồng đội mình.

Khi nghe người lính TâyNguyên kể thì tôi tin chắc hai cô gái đó chỉ là một...Lạ chưa, mỗi cô trong nóđều rất trong sáng, đáng yêu và cảm phục nhưng hai cái đáng yêu ấy trong cùngmột thời điểm, trong một con người thì ... tôi chưa tưởng tượng nổi, bất ngờ quátôi chưa đủ thời gian, từng trải để đón nhận, suy xét chuyện này, nó làgì trong cuộc sống chúng ta những ngày đã qua. Tôi đành im lặng để mà qua sát,mà chiêm nghiệm .Khi quanh cô là những người lính trẻ được cô yêu ( anhquân khí, anh trinh sát và các đồng đội của anh trai cô )    


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật