Hồi ký chiến tranh - Một thời máu và hoa (Phần 2)

Kỳ 11: Hồi ức bác Xuanxoan



Trước tết năm 1972, Trung đoàn tân binh thuộc Quân khu Thủ đô của chúng tôi được nghỉ phép để đi B; Hà Nội đêm giao thừa năm ấy gam mầu khác hẳn (mọi năm là pháo và hoa )- áo lính bạc mầu (vải rất thô, sờn lông, loang lổ do bạc không đều) tràn ngập đường phố đến nỗi người Hà Nội phải thốt lên: trên trời là pháo hoa, dưới đất là mầu áo lính. Năm ấy, anh em công an đường phố thật vất vả, luôn phải đi cùng anh em quân cảnh bên Bộ tư lệnh Thủ đô, giờ nghĩ lại thấy mình ấu trĩ quá, công thần quá - mới nhập ngũ, ở thao trường 3 tháng đã nghênh ngang coi trời bằng vung... nhưng người Hà Nội vẫn cao thượng giành cho chúng tôi những người lính trước lúc đi B những tình cảm ấm áp và những ánh mắt đầy vị tha và chỉ khi vào đến Khu Bốn chúng tôi mới hiểu - Lính đi B khi vào Khu Bốn chắc không thể quên những câu "tếu" hết sức chân chất như Bọ không biết các chú bộ đội mất cái chi mà mang con gái bọ ra hè ngửi...với tôi không quên câu "chú cho bọ cái mũ cối (chóp), vào Nam răng cũng có chú chết..lời nói thật chát phát, mộc mà mỗi vùng, mỗi miền và các bà mẹ Lào (đoạn sau sẽ viết) cũng thể hiện khác nhau nhưng bản chất tình thương giành cho anh bộ đội cụ Hồ chỉ là một.
Từ Bãi Nai, Hòa Bình chúng tôi hành quân về Hòa Xá, quê hương của chiếc gậy Trường Sơn để đổi quân trang, nhận vũ khí. Hà Nội vừa trải qua trận lũ khủng nên đời sống nhân dân càng khó khăn - nhìn ông chủ nhà khoảng 70 - 80 móm mén nhai ngô bung tôi không khỏi sót sa, hình ảnh đó khắc đậm theo vào chiến trường và tôi đã tự hỏi để trả lời: họ đã sống làm ruộng, trồng lúa khoai nhưng sãn sàng ăn ngô bung nhường những bát cơm trắng ngần cho chúng tôi; vẫn biết đi vào Nam là chấp nhận cái chết nên được đãi ngộ hơn nhưng trong tâm can mình vẫn áy náy hình ảnh cụ già món mén nhai ngô bung; Họ đã sống, làm việc và hưởng thụ đơn giản như thế đây.

Sau khi nhận quân trang và vũ khí, đơn vị hành quân ra ga tầu. Sân ga đầy lính với trang bị lỉnh kỉnh soong nồi, súng ống, xẻng gậy va vào nhau côm cốp và những khuôn mặt, ánh mắt của lính nhìn xuống sân ga hy vọng gặp được người thân lần cuối trước khi tầu chuyển bánh vào khu 4 nhưng tất cả đều vô vọng vì chuyến di chuyển quân lần này thật bất ngờ không ai tin kịp về gia đình. Tiếng còi tầu vẫn ầm ĩ như mọi khi, bánh xe nghiến răng rắc trên đường ray nhưng trong lòng tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái gì..phải chăng thiếu bàn tay với chiếc khăn nhỏ bé vẫy vẫy của người bạn gái tiển đưa, tôi ra mặt trận khác xa với phim ảnh tuyên truyền hồi đó các cuộc chia tay ra chiến trường đều có nụ hôn và giọt nước mắt - hình ảnh ra trận được tôi tưởng tượng như phim 4 người lính và 1 con chó trên chiếc xe tăng của Nga, thật thất vọng.
Ga Vinh đây, đơn giản như một ga xép nhỏ, bom đạn đào xới ngang dọc gần như không còn căn nhà xây nào, tháp nước còn với đầy vết thương... nhưng anh chị em công nhân đường sắt vẫn đảm bảo đường ray thông suốt, an toàn; chúng tôi tiếp tục lên xe đi về phia nam, qua một hay bến phà gì đó chúng tôi tập kết ở Quảng Bình, vùng đất huyền thoại mà tuổi học trò chúng tôi chỉ được đọc qua sách vở, những căn nhà nho nhỏ đi đụng đầu, dân cư chủ yếu người lớn tuổi và phụ nữ con nít, một mầu áo chủ đạo của dân cư thời kỳ này là mầu đen (phía bắc là mầu nâu) và với ông chủ nhà tốt bụng tôi đã tặng chiếc mũ cối khi nghe được lời chân thật: vào chiến trường răng cũng có chú chết, bỏ mũ uổng phí chú cho tôi cái mũ ni vào trong đó chú lấy cái mũ khác và tôi bắt đầu dùng mũ tai bèo từ đây.
Chiều chúng tôi tập trung bên dòng sông Nhật Lệ chờ các mẹ, các chị và các em gái chở qua sông - ngày các mẹ các chị đi làm đồng, chiều tối về chở quân qua sông tôi không hiểu sức lực ở đâu mà các mẹ dẻo dai quật cường đến thế; không một đòi hỏi, không một lời than phiền, mẹ thực hiện việc hàng ngày đưa bộ đội qua sông giống như mẹ thanh thản chèo thuyền đưa con trai mẹ đi làm. Ôi các mẹ, các chị thế hệ lính chiến chúng tôi hôm nay còn sống dù có bỏ tiền tỷ tỷ ra xây tưọng đài các mẹ cũng không thể báo đáp sự công ơn của mẹ. Văn thơ ca ngợi Mẹ Suốt, tôi không biết đã gặp chưa vì buổi qua sông hôm đó tôi ngồi trên thuyền của một mẹ và một cô gái đưa đò, sông thì rộng con thuyền thì nhỏ nhoi mẹ nhỏ nhẹ dặn: các con ngồi yên nhé khi thấy chúng tôi đồng loạt thả bát "B52" xuống dòng sông làm con thuyền tròng chành. Đơn giản thôi, mẹ dặn khi con khi thuyền tròng chành...các con ngồi yên nhé và mình hiểu hãy tin mẹ cầm lái con đò.

Chiều trên sông Nhật Lệ hôm ấy đẹp đến nao lòng, nắng vàng nhẹ dát lên gò má hồng của em gái nhỏ, con sóng lăn tăn chẩy về phía biển, ơi đời đẹp sao lúc tuổi 20 ta lên đường, mẹ chèo thuyền dáng hao gày chữ S; em chúm chím nhoài người về phía trước; anh mơ màng buổi sáng em sang sông - Bất ngờ tôi phát hiện ra, người tiễn tôi ra trận hôm nay lại là người không quen biết và đơn giảm chỉ là ánh mắt nhẹ nhành nhìn nhau.
Thế đấy, người lính ra trận chưa được yêu thì cứ hay mơ màng.Thuyền chạm bờ chào mẹ chia tay vội em gái nhỏ chúng tôi hành quân về phía tây Quảng Bình, vùng bán sơn địa như khu vực rừng tôi thường đi lấy củi khi sơ tán theo Bộ Tài Chính ở huyện Quốc oai, nhà ở đây thấp thật, vách được đắp bằng đất nhưng nằm thì mát. Ở được vài hôm thì chúng tôi lên xe gaz đi vào Binh trạm 5. Dọc đường chị em thành niên xung phong đang làm đường, lúc đầu còn khỏe cứ reo hò nhận đồng hương; sau mệt quá, rát cổ lính ta im dần. Tối qua ngầm, dưới ánh đèn gầm thấy những cọt tiêu trằng mờ lay động, tôi gọi mấy thằng ngồi cạnh ở phía sau chỉ đứa thì bảo chị em mặc áo may ô trắng, đứa thì bảo chị em mặc áo sơ mi, còn tôi, tôi bảo chị em không mặc áo ngoài thế là cãi nhau ỏm tỏi. Tới giờ tôi cũng không biết trong chúng tôi đứa nào đúng và từ đó hình ảnh người nữ thành niên xung phong mặc áo lính luôn hiện diện trong trí tưởng tượng của tôi và trở thành thần tượng của tôi lúc nào không biết.
Binh trạm 5 cái tên khi nói đến Trường Sơn, khi nói đến đi B luôn được nhắc đầu tiên đây rồi; ngày nhận lương thực mỗi thằng một ruột tượng gạo, chúng tôi được nhận gạo không hạn chế thế là sợ đói tôi và một số thằng lấy đầy ruột tượng đến nối phải buộc bằng dây ngoài, còn những đứa khác thì thắt nút ruột tượng. Chiều không biết thằng nào xử giặc rủ nhau lấy dây dép dự phòng đốt và xăm lên cánh tay hai chữ 4/9 để sau này vào chiến trường nếu có bị thương hay chết anh em sẽ tìm được xác nhau – nghe có lý thế là mình cũng xăm hai số 4/9 và thêm một cánh chim bay đơn độc. Cánh nhập ngũ 4/9/1971 chúng mình giờ gặp nhau giơ cánh tay ra là nhận được nhau, không chạy đâu được. Đêm đầu tiên trên đường Trương Sơn mắc võng đung đua sao thi vị thế: ánh trăng sáng trắng đổ xuống rừng lọt qua kẽ lá như sao rơi, mùi hương lan rừng thoang thoảng; đang mơ màng chợt nhớ mẹ, nước mắt ứ ra thế là tôi gọi - má ơi; bừng tỉnh cả nhóm nhớn nhát nhìn tôi, ngượng quá - lớn thế đi bộ đội rồi, vào đến Trường Sơn rồi mà còn khóc gọi mẹ, trong đời lính chiến mình còn gọi mẹ lần 2 là khi đánh bãi đá cứ điểm Thanh Bình tôi bị pháo DKZ bắn trọng thương chỉ kịp kêu - má ơi.

Từ Binh trạm 5 chúng tôi theo giao liên tiến về phía Nam, đường dốc loanh quanh, cây cối che rợp đường mòn, những đoạn theo đường ô tô chúng tôi phải rảo bước nhanh. Dốc và dốc bắt đầu thử sức những tràng trai trẻ đất Hà thành, lúc này mình mới thấy thấm thía những đêm dài đeo đất hành quân dã ngoại ở dốc Cun hòa Bình; qua một binh trạm bắt đầu thấy áo rét bằng sợi mầu cứt ngựa của lính Hà được treo trên cây và sau đó những ngày tiếp theo là những đồ dùng cá nhân khác được lính bỏ bên đường thậm chí cả tăng võng, ruột tượng gạo và sữa bột cũng được các anh chàng lười rèn luyện thời tân binh bỏ cẩn thận cho phía sau chúng tôi. Lúc đầu thấy tiếc cũng nhặt, nhưng sau mệt quá mình cũng bỏ dần, không nhặt gì nữa. Tối đến binh trạm, mỗi thằng đổ 1 ca gạo (bi-đông có ca ở phía dưới) góp để nấu cơm; tiểu đội mình có thằng D nhà ở hàng Bột (khi hành quân đến Paksong trên người chỉ còn đúng cây AK) không có gạo góp đầu tiên, lúc đầu tức định không cho ăn, sau mình (khi đó là A phó hành quân) bàn với thằng Thắng người Gia Lâm (Thắng chết sốt rét ác tính ở binh trạm cuối trước khi rẽ sang Lào, mộ Thắng sau được quy tập về nghĩa trang Trường Sơn, nằm hàng đầu khu vực anh em liệt sĩ người Hà Nội ) cho nó ăn và tối cho nó ngủ phía dưới võng anh em tiểu đội khi gặp trời mưa. Hồi đó tức thằng D giờ nghĩ lại thấy cảm phục tinh thần của nó "ăn xin số 1" của đường đây 559 những vẫn không đảo ngũ. Bây giờ nếu ai vượt được Trường Sơn như thời đó tôi nghĩ họ đều xứng danh anh hùng. Vượt Trường Sơn đã rất nhiều bài viết nên mình không đề cập nhiều ở đây và điều kỳ lạ ở vùng đất này có loài xương rồng cổ thụ đường kính cả mét mọc thẳng đứng hơn một người ôm không hết như "trọng C6" đã kể.
Dốc cao, vực thẳm là điều có thật, chỉ cần không cẩn thật trượt chân cũng toi mạng; dọc đường Trường Sơn tôi thấm thía lời thơ ở tờ truyền đơn chiêu hồi của phía Việt Nam Cộng Hòa rải đầy dọc đường... "3 tháng đêm nghỉ ngày đi, mòn vẹt gót áo sờn vai rách chỉ..." và khi đến vườn chuối cao nguyên Bôlôven áo quần thằng nào cũng rách toạt, dép mòn tụt quai không đi được nữa nhưng có một điều tuyệt vời không một thằng nào đảo ngũ. Dân Hà Nội là thế, thời bình thì "tây rau muống", khi tham chiến thà xin ăn chứ không "B quay". Khi ở ngoài bắc cán bộ lãnh đạo cứ nghi ngờ anh em Hà Nội là loại công tử bột, vào chiến trường là đảo ngũ những thực tế đâu phải thế - bản thân tôi năm 1969 -1970 đang học lớp 10 năm cuối cấp III ở Thường Tín thì gia đình báo về khám sức khỏe thế là mình bỏ học chờ giấy gọi nghĩa vụ quân sự; 5/1970 mình nhập ngũ ở tiểu đoàn 36 (tiểu đoàn mà Trọng C6 bôi bác đấy) được mấy ngày thì được lệnh ra quân mà không hiểu lý do. Sau khi về mới biết Bà H. phó khu Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội hồi ở Điện Bàn Quảng Nam là người làm thuê của ông ngoại tôi đã tố gia đình tôi là địa chủ nên tôi không được đi bộ đội (nhà tôi là địa chủ kháng chiến, bà ngoại tôi: Phạm thị Ngự là bà mẹ Việt Nam anh hùng có 3 con là liệt sĩ thời chống Pháp); nhưng tội nhất là cậu tôi Khúc Thừa Quỳnh khi ra Bắc đã là trung úy, tham mưu trưởng tiểu đoàn, chuyên huấn luyện quân đưa vào chiến trường B rồi lại quay ra huấn luyện, khi giải phóng Miền Nam năm 1977 ông về hưu ở Đà Nẵng vẫn quân hàm trung úy. Có lẽ đây là một trung úy có tuổi thâm niên nhiều nhất và là số 1 trong quân đội nhân dân Việt Nam. Sau này khi tôi vào chiến trường, địch đánh vào cứ lấy được nhật ký của tôi và trên đài tiếng nói của Việt Nam Cộng hòa mục sinh Bắc tử Nam có thông báo tôi đã hồi chánh và được phong trung úy quân lực Việt Nam công hòa và đang đồn trú ở Mang Giang thế là Bà H, cùng các đệ tử đến nhà tôi lúc đó ở Lương yên đòi thu hồi 3 bằng liệt sĩ của các cậu tôi, má tôi nổi khùng nói: tôi đẻ ra nó, tôi biết nó không hồi chánh, bà cầm kiếm đòi chém kẻ nào dám bước vào tịch thu bằng liệt sĩ của gia đình. Tuy không thu được bằng liệt sĩ và Bảng Vàng Danh Dự do Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tặng cho ba má tôi (do có 3 con tham gia quân đội và đều ở chiến trường); nhưng do công tác tuyên truyền miệng thời đó nên hàng xóm và nhất là bà con có con em đi B ở Ô Đống Mác khi thấy má tôi đi chợ đều hay nói bóng gió con bà Miền Nam hồi chánh (dân chợ Ô Đống Mác và Lương yên thời đó hay gọi má tôi là bà Miền nam) và nhà tôi chuyên bị ném đá. Cũng may, năm 1974 thằng em tôi ở sư 325 đánh Quảng Trị bị thương ra Bắc điều dưỡng đã đưa anh em thương binh cụt chân, cụt tay về nhà ở nên không còn cảnh ném đá và khi giải phóng Miền Nam được 2 tháng má tôi chuyển ngay gia đình về Nam vì theo má tôi nói không biết con có hồi chánh thật hay không nhưng khi giải phóng giấy báo tử về nhiều quá, má sợ. Riêng ba tôi ổng cũng buồn vì nghe tin tôi hồi chánh, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tình nguyện đi B theo đoàn công tác của Bộ Tài Chính và tháng 3/1975 ông bắt đầu vào Miền Trung (ông nguyên cán bộ tài chính khu ủy khu V thời chống Pháp), nói như Bọ Lập "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh".

Nhận quân chúng tôi ở vuờn chuối là anh Thính D3 tình nguyện vừa đi học bổ túc sĩ quan về; người anh to cao, ăn nói chất phát, rất ấn tượng qua lời dặn dò chúng tôi. Tiểu đội hành quân trên đường dây chúng tôi chia tay nhau, tôi theo chân anh Thính về đơn vị. Cao nguyên Bôlôven tuyệt đẹp, thảm cỏ xanh mướt như có người cắt xén, chăm sóc; nghỉ 10 phút ở bản Kapơ dọc đường hành quân, nằm thả mình trên thảm cỏ, nhìn trời xanh trong veo sao thấy hạnh phúc thế; phải chăng hạnh phúc là đây?... những căn nhà sàn xinh xắn, sạch sẽ, vài chú ngựa thong dong gặm cỏ như trong truyện cổ tích – giá có người con gái xuất hiện thì mình bảo đó là nàng công chúa ngủ trong rừng mới dậy. Thôi mơ màng thế là đủ, mình hành quân tiếp.

Tối cao nguyên se se lạnh, gần đến Paksong tôi đi gần anh Thính hơn...bỗng một người to lớn, đen chũi tay vung một vật trắng toát dài như cây kiếm về phía tôi, tôi vội bật khóa an toàn lăn xuống theo phản xạ và hô có địch; có địch làm cả đội hình rối loạn...anh Thính vội nói quân ta, quân ta... hóa ra người như lính tây đen (sau này tôi mới biết ) đó là Thảo đen con lai người Pháp da đen, người Sơn Tây vào trước chúng tôi 1 năm ở C4 cối bộ binh tiểu đoàn, nó biết chúng tôi là lính mới, đang ăn thịt bò nó lấy cái xương sườn bò dài ra dọa chúng tôi, thật chẳng các dại nào giống cái dại nào, lính mới có biết gì đâu, nếu thần hồn nát thần tính bấm cò thì chết - hú hồn. Sau này ở tiểu đoàn tôi chơi thân với bọn Sơn Tây là vậy.

Tôi được bổ sung vào K3 tình nguyện (sau 4/1972 đổi tên thành D1 E19 F968) mà đối tượng tác chiến của đơn vị là lực lượng đặc biệt của Thái lan được Mỹ huấn luyện và các đơn vị hoàng Gia Lào GM41, GM 42..., bọn tôi là lớp thanh niên Hà Nội đầu tiên và duy nhất tới giờ của tiểu đoàn. Lính đợt 4/9/1971 được bổ sung vào K3 tình nguyện gồm:

D bộ có Tuân "gián điệp"(có nốt ruồi cạnh mắt) ở Hàng Lược vào hữu tuyến; Phan Thế Hùng "Hùng nhẩm" liên lạc tiểu đoàn năm 1973 ra học sĩ quan, nay ở VP.Bộ Quốc Phòng; Trường "đỏ" lính 2W nay ở VP.Bộ Ngoại Giao; Giá lính liên lạc tiểu đoàn (đã hy sinh salavan); Dục râu lính hữu tuyến (đã hy sinh ở salavan); Toán trinh sát nhà ở dốc Vĩnh Tuy, nó đi trinh sát nhanh như quạ, thấy tổ ong bò vẽ khi nghe nó hô thì đã thấy nó tung tấm ni lông phủ kín người rồi, chỉ khổ bọn mình máy 2W lỉnh kỉnh chạy bán chết; Huy 2W sau về làm chủ tịch công đoàn ngành giáo dục huyện Từ Liêm và tôi "Xuân xoăn" lính 2W sau về miền Nam sang hữu tuyến ( tóc dài không cắt nó xoăn tít thế là anh em gọi là xuân xoăn). Về các đại đội chiến đấu có: Lợi "trọc" ở Gia lâm (sốt rét rung hết tóc, đầu trọc lông lốc như cái bình vôi) thích sử dụng xtoc (súng cối cá nhân), Chanh Gia lâm B trưởng ( Chanh và tôi hưởng trọn qủa DKZ ở trận Thanh Bình, Bắc Tây nguyên, Chanh hy sinh, tôi bị vỡ hàm); Ngọc "thiu thiu" lính tiểu đoàn 34 - 36 thu dung (sốt rét suốt ngày, da sỉn như bọn nghiện bây giờ nên bọn tôi gọi là Ngọc thiu thiu) nhà ở K80 cạnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bây giờ - thiu thiu nhưng đánh lỳ đòn; Hậu bạc (tóc bạc trắng) bị bắt là tù binh trao trả năm 1974; Minh con Hàng Khoai - lính chốt C3 bị thương ra quân 1974; Đại Lợi nhà phố Ngọc Hà gần Lăng Bác lính cối C4 hiện công tác tại Viện khoa học xã hội: mẹ đau, tự mình chăm sóc cho mẹ nằm liệt gần 20 năm nay không hề kêu ca, chàng trai Hà thành này thật có hiếu "một bông hồng cho những ai , cho những ai đang còn mẹ..." – chiến tranh cầm súng ra trận như một điều tự nhiên, hòa bình nhẫn nhịn chịu thương chịu khó chăn sóc cho mẹ già theo bổn phận; Dương "nghệ sĩ" nhà Hàng Đào (lúc nào cũng có cây ghi ta bên cạnh) hy sinh ở khôngsêđôn và Thắng ở Gia Lâm tuy có bàn giao do sốt phải nằm lại đường dây và hy sinh vì ác tính. Như vậy chỉ trong vòng 4 năm gần 1/3 số lính Thủ Đô ở tiểu đoàn chúng tôi đã hy sinh; 2/3 còn lại đều bị thương tật - chiến tranh là thế đó. À mình nhớ sau này bọn thằng Trọng C6 có bàn giao một anh lính định "tút" nhưng đi ngược vào E9 (đi sâu vào vùng địch) nên bị bắt trả về đơn vị mình có lẽ Trọng C6 viết nhầm - nó là người Hà Nội, sau về nuôi quân chỗ D bộ mình, nhà ở HĐ thì phải.

Không giống như anh em lính mới Hà Nội ở (Trọng C6) E9, bọn tôi ở Paksong ngày đầu tiên đi thực địa chiến trường chính là đi...bắn bò – bò ở cao nguyên nhiều vô kể, cứ hết thực phẩn là lại đi băn bò nhưng bắn cũng phải theo kế hoạch phân chia đều cho các đại đội. Về khoản bắn bò mình phục nhất là Mão trinh sát người Quảng Bình khi bắn, bò đang còn giẫy mà nó đã dùng dao găm lột sạch da con bò rồi (sau Mão hy sinh ở khôngsêđôn – kỳ lạ là trận đó mình và Mão, 2 thằng đi trinh sát thực địa, khi tạm dừng ở con suối cạn mình vừa tung dây trời lên cây để chuẩn bị lên sóng liên lạc về tiểu đoàn thì Mão gọi mình lên bờ ăn cơm, 2 thằng ngồi đối diện nhau, một quả pháo chụp 2 thằng cùng bổ ngửa, thấy Mão nấc, biết nó bị thương mình xé vội băng cá nhân để băng cho nhưng khi cầm cuộn băng nhét vô bụng thì bàn tay mình lọt thỏm vô luôn bụng xuyên qua sau lưng. Biết không thể sơ cứu, mình đành nhìn đồng đội trút hơi thở cuối cùng trên tay mình).

Cao nguyên rộng, tương đối bằng phẳng, khi D3 tình nguyện đánh giải phóng dân bỏ đi hết, nhà cửa chỉ còn một căn nhà ngói 3 tầng của tỉnh trưởng Bun Um hoang phế; vườn chè của việt kiều rất nhiều, tươi tốt, búp to, xanh mướt lính tự do hái về sao (mình biết sao chè là ở đây); cà phê thì bạt ngàn, lính rang uống cả ngày, thời đó bọn mình chỉ sử dụng đường hóa học để uống cà phê mặt thằng nào thằng nấy cứ tưng tưng thích thú – giờ mới biết mình ngu. Rau thì khỏi phải nói nhiều loại vô kể từ rau nhút, quả su su đặc biệt là đọt su (ở với anh em khu 4 nhiều nên hay dùng từ khu 4) đọt su ăn cực ngon; rau cần, rau muống như ở Hà Nội mọc đầy hoang dại; còn cá cứ vũng nào còn nước dứt khoát chỗ đó có cá và chủ yếu là cá rô, cá quả; còn khí hậu tuyệt vời, ngày mát mẻ, tối lạnh nhưng đắp chăn càng thú vị và đặc biệt có đêm mình để chậu nước thì sáng ra trên mặt nước có váng mỏng dính đóng lại như màng nước đá khi ta để trong tủ lạnh. Cao nguyên Bôlôven – đặc biệt là Paksong thời đó đẹp không bút nào tả nổi,

Thời gian này tiểu đoàn còn có máy thông tin 15W riêng, sau khi tiểu đoàn biên chế vào trung đoàn 19 thì máy 15 W chuyển về Sư đoàn. Các đại đội của tiểu đoàn có nhiện vụ chốt và bảo vệ Paksong còn lính 2W chúng tôi cứ 2 người một máy đi dã ngoại tập liên lạc với nhau. Chúng tôi thật may là khi vào chiến trường có thời gian dù chỉ cần vài ngày làm quen với thực địa, với bom đạn chính vì vậy tổn thất của lính Hà Nội so với các tỉnh khác như Nam Hà, Hà Bắc, Vĩnh Phú là ít.

Cuối tháng 5/1972 chúng tôi được lệnh chuẩn bị chiến dịch, sau thời gian nghỉ ngơi tôi rất phẩn khởi được ra trận lần đầu tiên - chiến dịch giải phóng Khôngsêđôn. Lương thực thì chuẩn bị đầy đủ và có thể nói còn hơn cả thời ở Miền Bắc, tuy nhiên gạo tẻ thì không có chỉ có gạo nếp Lào – cơm gạo tẻ là thứ xa xỉ đối với lính ở Lào, thực phẩm mang theo chúng tôi dùng cả ngựa thồ, nói như vậy thôi, vì đây là lần thực phẩm nhiều nhất và duy nhất trong đời lính chiến của tôi.

Từ cao nguyên Boloven chúng tôi hạ dần độ cao xuống đồng bằng; bọn trinh sát đã đi trước mấy ngày chuẩn bị vượt sông Khôngsêđôn. Chiều bọn tôi ẩn mình bên này bờ sông chờ đến tối mới vượt, nhìn nước cạn thấy cả những viên đá dưới lòng sông nhiều thằng nói vượt ào qua chứ chờ với đợi – chập tối bọn thằng Toán trinh sát cùng bọn hữu tuyến bắt đầu vượt sông dây điện thoại được chăng vừa chuẩn bị liên lạc vừa làm dấu dẫn đường vượt (chỗ nông nhất). Mặt trời vừa khuất bóng chúng tôi vượt sông, C1 và C2 đi trước tiếp đến D bộ, C3,C4 đi sau cùng, trung đội thông tin bọn tôi được phân theo các đại đội, đài 2W của tôi theo đại đội 3. Các đại đội lần lượt qua, tôi cảm thấy nước sông mỗi ngày một to, khi D bộ qua, tôi đã thấy hiện tượng vượt sông khó khăn, có người trượt ngã và nước cuốn trôi, khi tôi đến gần giữa dòng sông thì từ trên thượng nguồn nước đổ về cuồn cuộn, củi rều trôi bồng bềnh như ở lũ sông Hồng, tôi kêu to: lũ rồi - đấy là bản năng của dân đầm trấu ven đê sông Hồng mà tuổi thiếu niên tôi hay đi vớt củi rều mùa lũ (còn mùa cạn bơi vượt sông Hồng ăn trộm khoai lang bãi giữa); liên tiếp những cây to, rất to từ thượng nguồn chạy băng băng quăng quật vào chúng tôi như ta đánh gián; đúng là như lũ cuốn, không gì ngăn được, cả đội hình chúng tôi tan ra từng mảng, tan biến trong màn đêm; lúc đầu tôi còn cố ôm máy và khẩu AK nhưng sau đó muốn giữ cũng không được lũ đã cuốn trôi toàn bộ những gì ngoài cơ thể trần như nhộng của tôi, chiếc quần đùi rộng thình cũng bị lũ cuốn phăng teo. Lần đầu tiên tôi mới thấm thía thế nào là lũ đầu nguồn (đâu phải như bọn trẻ ven đê bọn tôi mong lũ để vớt củi rều về làm củi) và cũng lần đầu tiên tôi hiểu đầy đủ câu "chết đuối vớ phải cọng rơm" khi chống chọi với lũ cả tiếng đồng hồ có lẽ tôi đã trôi được cây số; sức tàn, lực kiệt thấy bất cứ cái gì trước mặt đều có giơ tay nắm – từ cái lá cây cũng cứ vơ, một cọng rác nhỏ nhoi cũng giữ... cố lắm ngón chân cái mới chạm đất, nhìn thấy cành cây lòa xòa mặt nước cố với mà không được, chấp nhận buông xuôi cho dòng nước cuốn thì may quá một cành cây đưa ra bảo tôi nắm vào để kéo vào bờ, khi tôi vào được bờ thì đồng chí đó lại chạy đi tìm cứu những đồng chí khác; vì là lính mới nên mình không còn nhớ ai đã cứu mình lúc đó. Trong chiến tranh việc cưu mang, cứu giúp là việc làm tất nhiên, là nghĩa vụ của người lính không một tính toán vụ lợi, không một lời kể công - đơn giản thôi vì họ là một công dân Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mặc áo lính.

Trời lúc này đã gần sáng, mệt mỏi, đói khát người lại trần như nhộng, nhìn quanh cũng nhiều đồng chí như tôi ( ngày thường thấy nó to, hùng dũng là vậy sao bây giờ bé téo tẹo teo, mềm xèo như con chi chi, nhìn chán chết ) chúng tôi bàn nhau trốn vô các bụi rậm tránh gặp dân; đói, khát dù ở cạnh sông cũng không dám mò xuống uống, đành nằm chờ tối bắt liên lạc với tiểu đoàn. Chờ, cố gắng chờ, phải chờ, sống chết cũng phải chờ tối, câu nói này cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi, phía xa thưa thớt có người đi lại nhưng tất cả chúng tôi đền năm im chờ và đợi và tối cũng đến, bọn thằng Ngọc thiu thiu C2 đi từng bụi dậm gọi nhỏ, mừng quá chúng tôi lần lượt chui ra, đói quá nên ăn trước rồi mới mặc quần đùi sau. Sau đợt lũ cuốn này chúng tôi phải lùi lại ít ngày chờ chi viện từ cứ Pakson; con ngựa mang theo để gùi nghe nói cũng thịt để ăn.

Trận đầu ra quân của tôi là thế đó – sạch sành sanh, trắng tay đúng nghĩa; may rủi đều do số phận, nhanh một giây cũng chết, chậm một giây cũng chết. Sau trận chết hụt này tôi không bao giờ tắm "Tiên" nữa, duy bọn thằng Lợi trọc ở Gia Lâm ở C2 đi trước không hưởng thụ "chết đuối vớ phải cộng rơm" nên hiện giờ bọn nó dù đã "60 năm cuộc đời" rồi nhưng vẫn rủ nhau từ già đến trẻ vẫn đi tắm tiên ở bãi sông Hồng. Nếu bạn nào ở Hà Nội cứ ở bên này bờ sông Hồng dưới cầu Long Biên khoảng 200m, sáng bắc ống nhòm nhìn sang phía Gia Lâm là thấy bọn nó tắm "tiên" đấy. Mấy ngày sau, tôi được bỏ sung máy 2W và khẩu AT tiếp tục cùng C3 hành quân tham gia chiến dịch giải phóng khôngsêđôn.

Khoảng đầu tháng 3/1975 khi tham gia chiến dịch nghi binh Bắc Tây Nguyên, mình cùng C3 chốt ở điểm cao 605. Sáng hôm đó sau khi đánh bật địch tấn công chiếm chốt (sau này mình kể rõ hơn ở phần sau) mình lấy được một ba lô của lính Việt Nam Cộng hòa có 2 vật mình chú ý là 01 lon, tròn, nhôm trắng ( hồi đó gọi là longô hay gì đó giờ quên mất tên gọi rồi) mở ra có một miếng thịt heo tươi còn nguyên lông đen, mình nghĩ thằng này đúng là lính chiến nhưng lười hơn mình, chắc thịt trộm heo của dân chỉ kịp sẻo một miếng để hàng quân và một cuốn nhật ký – hay thật, lính chiến bên này hay bên kia đều có ghi nhật ký và cũng đều chân thật.

Khi đọc nhật ký của đối phương, mình nhớ mãi đến giờ chàng lính này viết khi về phép trước tết 1974-1975 ( nhà ở 100 đường Hồng Thập tự Sài Gòn, sau giải phóng mình có tìm mà không gặp – nay là đường Xô viết nghệ tĩnh) chắc bị mẹ trách nhiều nên mới viết: mẹ à (chắc người Bắc di cư) đóng quân quanh năm vùng rừng rú, một năm về phép một lần, lính xa trường khổ lắm mẹ ơi; về tiêu hết tiền, đi chơi nhiều mẹ mắng...lần sau về mẹ nhớ cho con ăn bánh xèo nghe. Đặc biệt trong cuốn nhật ký có câu đối tết của người lính cộng hòa này viết:

Một cành mai, ba bẩy điếu thuốc, bị không gạo cũng vui đón xuân
Một thằng quan, năm ba thằng lính, túi không tiền cũng ngồi đón tết.

Lúc đầu mình chưa hiểu ý một cành mai, sau thời gian ở Miền Nam mới biết mai xuân và mai ve áo. Cũng một kiếp người, dù ở bên nào chiến tranh người cha, người mẹ của người lính cũng đều quan tâm đến con cái, và hết lòng dậy dỗ con phải không anhThơ và con người phải chấp thuận sống theo số phận an bài phải không.

Quảng thời gian ở lính mỗi khi đi đánh phối thuộc đánh điểm hay đi chốt với các đơn vị về có chiến sĩ hy sinh hay bị thương ...anh em đang thông tin cho nhau thì thằng Tư người Nghệ An lính hữu tuyến mới bổ sung sau đợt đánh Khôngsêđôn (bắt trước câu nói đùa của lính Hà Nội trong lúc hành quân, hay đi cải thiện khi không có lãnh đạo) bô bô nói tếu "...một tên x.l và mấy tên khác bị thương".. Trường B phó người Kỳ Anh, Hà tĩnh góp ý ...mày câm cái mồm thối của mày được không; còn chính trị viên trưởng tiểu đoàn "Mặc khẩu khột" nghe được gọi lên hỏi ...tại sao gọi các đồng chí đã hy sinh như thế?.. địch cũng gọi tôi và đồng chí là tên xâm lược; về suy nghĩ và trả lời cho tôi. Sau đợt phê bình này ...không những Tư nhà ta mà cả bọn tôi cạch đến khi ra quân không dám nói tếu kiểu nay. mọi cái rồi sẽ qua, cái đau để lại sau, nhưng đã là con người thì có quyền lựa chọn đứng lên sau mỗi lần ngã hay không đúng lên. Đối với kẻ thù cũng vậy, sau chiến tranh mỗi dân tộc có mỗi cách ứng xử với kẻ thù khác nhau nhưng về cơ bản vẫn là tha thứ. Nhớ lời Bác Hồ đã từng nói...tôi Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa sẵn sàng trải thảm đỏ cho người Mỹ cuối cùng rút về nước.

Đấy là kể chuyện phê bình, còn chuyện Vắt (dọa mấy em gái chơi) - Nói tới Paksong chỉ nói tới cái đẹp không thì bảo mình thiên vị, thôi thì phải nói thật là ở Paksong sợ nhất...vắt, eo ôi vắt nghĩ lại mà kinh – Trong nhật ký Trọng C6E9 nói thế là ít đấy, lính K3 tình nguyện luôn có đôi tất chân do lính tự làm bằng vải bọc nhựa ( giờ nhìn các em chân dài mặc váy ngắn tất lên tới bẹn mình nghĩ mấy em dùng "mốt" xưa quá, bọn tớ ở chiến trường mang tất dài lên tới háng cách đây hơn 40 năm rồi, nay học mốt bọn tớ mà còn bầy đặt mặc váy ngắn...), đùa tí thôi; nhưng đúng là nếu không có những đôi tất tự chế đó, lính Paksong chắc khó hoàn thành nhiệm vụ vì vắt cản đường – phải đạp lên vắt mà đi..

Paksong vắt và vắt vì thị xã không dân nên cây cỏ mọc um tùm, chẳng cần phải sau cơn mưa chỉ cần thấy hơi người vắt đứng thẳng người mọc như măng; vắt ở mọi lúc mọi nơi và càng nhiều hơn khi tiểu đoàn vào đánh giành lại Paksong lần 2 năm 1973. Vì đây là vùng tranh chấp ta và địch, thì cái sợ thứ 2 là mìn - địch cài mìn ta đánh giải phóng, ta cài mìn địch chiếm lại cài mìn... cứ thế đã làm nên một Paksong có đặc điểm riêng biệt do con người tạo ra là mìn và mìn ( tháng 4/1973 Đại tá Đặng Tính khi vào nghiên cứu chiến trường dù công binh đã đi trước dò mìn nhưng xe chở Đại tá vẫn vấp phải mìn chống tăng và hy sinh); tối tối nghe mìn nổ mai mò tới dứt khoát không phải thám báo cũng là thú rừng, chỉ việc khiêng về cải thiện.

Nằm chốt cùng C3 ở bản NaBông, phía bên kia nhà sư là địch do lực lượng đặc biệt của Thái chiếm giữ, ta và nó chỉ gầm gè tìm sơ hở của nhau mà tung cú đá quyết định; địch mạnh hơn vì được hỗ trợ của không quân, pháo binh còn ta chỉ có sự gan lỳ chịu đòn của lính bộ binh C3; có cối C4 mà cối tiểu đoàn các bác biết rồi đấy – đạn bắn chi viện gần như bằng không vì cơ số đạn trên đường hành quân chiến đấu mang được mấy quả; to khỏe như thằng Thảo đen thì vác được cái đế, Thằng Minh đen Sơn Tây to cao chỉ vác được cái nòng, loại như Đại Lợi ở Ngọc Hà gánh tòng ten được 4 - 6 quả lấy đâu mà bắn chi viện. Hỏa lực chốt chủ yếu tại chỗ như B40, B41, cối cá nhân M79). Trận này thằng Minh con 17 Hàng Khoai đeo Xtoc ( M79 ) đạn to bằng nắm tay vàng óng quanh ngực trông oách thật – đúng là cao bồi chợ Đồng Xuân. Bom pháo liên tục, bản cháy ngút trời, không biết là ta đánh hay chúng rút để cho bom, pháo bắn mà khi chiếm được bản thì chẳng còn thằng địch nào. Chốt ở bản không dân thì tiện việc nấu ăn, gạo sẵn, gà thì thằng nào thích thì bắn vài con bọc vô đất nhão vất vào nhà cháy thế là có bữa gà nướng ( nói như dân nhậu bây giờ là đặc sản ), còn bọn tôi sau này do ăn gà nướng quá nhiều nên cứ thấy thịt gà là...muốn ói vì sặc mùi cứt gà sát và mất một thời gian không dám ăn thịt gà.

Chốt ở Bản NaBông được vài hôm, tối tối một chiếc máy bay bà già bay vòng vo tam quốc phát đi lời kêu gọi của một thằng nào đó chiêu hồi kêu gọi bọn tôi hồi chánh, sau này mới biết khi C2 đánh khottaben, thằng T người Hà Tây (nay Hà Nội) bị bắt chắc bị nó đánh đau quá chịu không nổi nên đọc lời kêu gọi bọn tôi chiêu hồi, nhiều thằng lính tức quá cứ AK nã về phía máy bay, đạn lửa bay kẻ đường dọc ngang giống như trò đùa cũng hay hay.

Sự hy sinh mất mát như các bạn thấy đâu phải chỉ có những người lính cầm súng - Những người ở hậu phương có thể còn chấp nhận sự hy sinh quyền lợi, tự do, tính mạng gấp trăm lần những người cầm súng ra trận như tôi đã viết trên dọc đương hành quân: Cụ ông 70 -, 80 tuổi răng cái có cái không món mén nhai ngô bung nhưng vẫn cảm thấy chưa làm được gì nhiều cho tổ quốc; những người phụ nữ hậu phương ngày đeo súng làm cỏ để có gạo nuôi quân, chiều tối về tât bật chở quân qua sông dưới làn bom đạn vẫn thấy thời gian trong ngày quá ít để đóng góp sức mình cho cuộc chiến tranh giải phóng; nhữnh nữ thành niên xung phong lấy thân mình làm cọc tiêu cho xe qua - mất mình em có sao đâu, miễn là các anh bộ đội bình yên đến được chiến trường là dù có hy sinh họ vẫn nở nụ cười trên môi mãn nguyện vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Những khoẳng khắc của phóng viên mặt trận từ 2 phía ghi được sự hy sinh của nhân dân ở hậu phương 2 phía là những minh chứng cho sự quyết tâm của một dân tộc sãn sàng hy sinh tất cả cho độc lập tự do dù có đốt cháy cả dẫy trường Sơn.

Nói về sự sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho độc lập tự do cho tổ quốc, lớp hậu sinh bọn mình so với các bậc đàn anh đi trước trong đơn vị là người khu 4 thì bản lĩnh chưa bằng bằng - Tiểu đoàn mình nguyên là lính biên phòng bảo vệ cầu Hiền Lương, sau Bộ rút tăng cường cho chiến trường Lào. Lớp chiến sĩ năm 1968 của tiểu đoàn có những tấm gương hy sinh thật bi hùng nhưng chưa sách vở phản ánh cũng như sự tưởng tượng của nhà văn như khi chặn địch, xe địch không chạy vào đúng nơi gài mìn, đồng chí trung đội trưởng chạy ra giữa đường nã súng về đoàn xe cho xe địch túa ra hai bên đường vào đúng bãi mìn để bộ đội tiêu diệt và có những sự hy sinh thật bi tráng đó là lần trinh sát đường 16 đi xêbănghiên, đồn paipo gần ChămPacSac ( sekongnoi ) bị địch phát hiện 3 đồng chí gồm anh Thu B trưởng trinh sát, anh Khải A trưởng Trinh sát cùng quê Quảng Bình và đồng chí Phán lính trinh sát người thọ Xuân Thanh Hóa phải dầm mình xuống bãi lầy một ngày đêm, khi địch hết lùng sục đơn vị đi tìm cáng về thì 3 đồng chí trên mình đỉa bám như mặc áo "áo tơi" bằng đỉa. Hai đồng chí Thu và Khải hy sinh do không còn máu, đồng chí Phán khỏe mạnh còn sống khi gỡ đỉa đếm trên người có đến 375 vết đỉa cắn phải đưa khẩn ra đường dây đưa ra bắc điều trị. Khi phục viên lập gia đình, con cái cứ bảo cha do ở bẩn, bị ghẻ (người chằng chịt vết sẹo, xấu xí) nên quân đội thải hồi; anh Phán nói con không tin, sau phải nhờ anh Dũng nguyên tiểu đoàn trưởng D 3 tình nguyện quê ở Ba Đồn, cùng anh Quá người Thanh Hóa nguyên tác chiến tiểu đoàn đến nói gia đình, dòng họ, làng xã mới tin là đỉa cắn.

Giờ tôi viết ra đây có lẽ cũng không ai tin - vì có lẽ chỉ ở D3 tình nguyện mới có chuyện đỉa cắn chết người. Khi nhận được thông tin báo qua đài 15 W của tiểu đoàn rằng 2 hy sinh vì đỉa cắn, một bị thương nặng, Mặt trận không tin đã cử cán bộ vào kiểm tra xác minh; không biết lịch sử Sư đoàn 968 có đưa bi anh hùng ca này vào lịch sử Sư đoàn không?.( một lần nào đó nếu có điều kiện nhờ Anh Thơ và anh Vetran rể Thành Hóa khi về quê vợ ghé thăm đồng chí Phán người còn sống sót 1 trong 3 đồng chí trong lúc đi trinh sát đó- giáp miền núi Thọ Xuân Thanh Hóa ).

Trải lòng cùng các "xiều", chiến hữu, bạn hữu trên mạng.

Mọi việc khởi đầu – nói như các cụ ta đã dạy. Khi vào trang thông tin "một thời máu và hoa" do mình chưa chuẩn bị hành trang đầy đủ nên thiếu cái này, thừa cái kia và đúng là lính mới " ngơ ngơ như bò đi cợp" khi tiếp cận chiến trường - nói như mấy chàng lính cũ đơn vị K3 Tình Nguyện người Hà Tĩnh mắng mình; âu cũng lại là bài học "đi một ngày đường học một sàng khôn".

"Một thời Máu và hoa" chuyên mục là vậy, nhưng càng đọc nước mắt càng nhiều hơn; đọc chưa hết các bài viết của đồng đội nước mắt đã cay xè, giờ đồng đội viết đấy - biết rằng đã lược đi những sự tàn bạo của chết chóc; lược đi sự trần trụi của thô tục, mài rũa bớt đi sự thô bạo của sự kiện nhưng vẫn đau lòng trước sự chịu đựng quá sức tưởng tượng của người lính chiến trường. Hôn nay chúng ta, những người còn sống sót sau cuộc chiến tranh nói chung và những người đang ngồi trên trang mạng "một thời máu và hoa" nói riêng muốn nói với nhau, kể với nhau những kỷ niệm vui - buồn, đắng - cay, mặn - ngọt, đau khổ đến tuột cùng và một chút lãng du của tuổi xuân ở chiến trường.

Hồi ký là vậy; hồi tưởng là vậy, mỗi người ở mỗi góc độ cuộc chiến, cùng đi tới đích cuối của cuộc chiến tranh bằng cách đi khác nhau; có người chấp hành đúng kỷ luật chiến trường, nhưng cũng có người xé rào; có người lúc này, lúc khác; có hành vi này, hành vi khác như thằng D người Hà Nội khi ở Binh trạm 5 vất hết quân tư trang do không đủ sức mang vác, chỉ còn đúng cây AK cứ kéo lê dọc đường hành quân và dù ngửa tay "xin" cơm đồng đội trên đường dây 559 cũng không đảo ngũ, vào chiến đấu đã hy sinh anh dũng; như thằng Tư "toác" lính thông tin người xứ Nghệ, tiểu đội mình lúc nào cũng toang toác nói "kiểu đài phản động" nhưng trong chiến trận lúc nào cũng xung phong đi trước. Cuộc đời lính chiến thế mới thật là lính, không tròn chĩnh như hòn bi, không hồng như báo cáo của chính trị, không khô cứng như cây súng và khao khát được yêu.

Còn tình yêu lính ư, có chứ ai bảo là không; không chỉ có mà còn cuồng nhiệt, dữ dội nữa, nó luôn cháy bỏng trong người lính và những người đã từng mặc áo lính, nó theo người lính đến cuối cuộc đời mà câu thơ của Xuân Diệu đã là lột tả bản chất "yêu" của lính mà mình đã chép lại tặng Vetran:

...Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn say tình đến ngất ngư...

Nhưng mỗi chiến trường sẽ có sự tỏ tình và "yêu" khác nhau như mình lính K3 thì lấy đâu bóng dáng phụ nữ Việt mà tỏ tình, còn với em gái Lào thì lời đầu tiên khi bước chân vào tiểu đoàn tình nguyện này đã được nghe giáo huấn:

Tòa án binh sẵn sàng mở để xét xử bất kỳ đồng chí nào vi phạm tình hữu nghị Việt - Lào và đặc biệt là đối với phụ nữ Lào nếu vi phạm là tước quân tịch, xử bắn ngay tại chiến trường, vì vậy lính bọn tôi hầu như "sun vòi" ngay.


Nói thế, đời trai trẻ của lính làm sao cưỡng lại yêu cầu tự nhiên những lúc nhớ quá thì xung phong đi cải thiện để ra bản nhìn chị em giã gạo – nói chị em đừng cười, vì khi giã gạo do ngực để trần ( không áo trong và cũng không áo ngoài ) cặp "đào tiên" nhún nhẩy theo nhịp giã gạo đẹp tuyệt, nhiều khi phía dưới của mình cũng gật gù theo nhịp giã cắc, cắc... bùm là đây "SGG" nhé. Táo bạo hơn nữa là đi tắm suối – Chiều ở Bản Bạc (khoảng đoạn cuối cao nguyên xuống đồng bằng) tôi thường "tắc nạm"; tắm ở bản vui lắm, khi chị em xuống tắm thì cứ từ từ (...ừ thì từ từ khoai cũng mềm nhừ... như "lính thông tin" là đây) ngồi xuống nước và chị em cũng từ từ cuốn váy lên và ném cái bịch lên bờ ( bây giờ bọn thằng Lợi vẫn tắm tiên có thể là lý do này) thế là lúc này tôi cũng xuống tắm, lính ta thì lịch sự hơn là mặc quần đùi vì kỷ luật quân đội (vì cả lý do khác nữa...) khi mình khoái thì quay lưng bảo em cọ hộ lưng và khi em cần, em quay lưng bảo mình cọ lưng, mình cọ cẩn thận lắm - thậm chí nhiệt tình tay vượt ra cả phía trước, khi đó em bảo ngay: cái này là dành cho con mình đấy...

Đấy là ở bên Lào chỉ lơ tơ mơ thế thôi, ai dám vượt quá, "nó" đi báo cáo cán bộ là chết ứ ự - chỉ có thế thôi; còn khi về Tây nguyên đi dải dây gặp đầu tiên là chị em dân tộc ở vườn xoài Lệ Thanh – Lệ Xuân mấy thằng mình sốt rét thèm soài cũng có mà tinh nghịch cũng có mới nhờ chị em dân tộc hái xoài vì cái bộ đội không biết trèo, chị em giúp ngay trèo lên hái, mình ở dưới cứ tủm tỉm cười thế là chị em biết: Ơ cái bộ đội thấy "cái" của em, "cái" của em thấy mặt bộ đội rồi, ngượng quá chạy thối chết.

Thế đấy, tuổi 18 - 20 nhập ngũ đã có mối tình nào vắt vai đâu anh "Vetran", chỉ giỏi tưởng tượng khi được người con gái nắm tay, trao cuốn sổ trắng để ghi nhật ký thì tưởng bở được yêu, vào chiến trường sau mỗi cuộc chiến cứ mơ, nơ, màng, màng...kết thúc chiến tranh, đến dưới góc cây đầu đường Hàng Bún gần dốc Hàng Than như mọi chiều thứ 7 trước chiến tranh chờ - ngước nhìn lên gác anh bộ đội ...nghe tiếng cười trẻ thơ - Thật đúng là kết thúc chiến tranh.

(Chuyện vui bên lề:

Phụ họa bác Xuanxoan một câu chuyện về tình huống "mặt đối mặt":

Khi đó là ở chiến trường Trị Thiên. Bộ đội đóng quân trong rừng, nhưng xung quanh vùng vẫn có một số bản người dân tộc. Khác với các bản làng tít trong Tây Nguyên thường trồng cây gạo (Pơ-lang) hay cây Kơ-nia ở đầu bản, ở vùng này lại trồng dừa, nhưng ở mãi ngoài nương. Đồng bào dân tộc rất hiếu khách, họ sẵn sàng cho các tốp lính đi lẻ vài trái dừa ngày nắng. Phiền một nỗi cây dừa rất cao, mà lính tráng hầu như không biết trèo dừa. Vì thế nhiều khi đồng bào cho đấy mà đành chịu không hái được. Về sau chúng tôi phát hiện ra các cô gái dân tộc trèo dừa rất giỏi. Thế là phải tán. Tán xong rồi thì chỉ còn việc ngồi chờ mà chuẩn bị bổ dừa.

Một lần nhóm chúng tôi tán xin được một cô gái mấy quả dừa. Quá nhiệt tình (và cũng háu ăn nữa), chúng tôi theo cô ra sát gốc dừa chờ đón "chiến lợi phẩm". Cô gái lấy ra 1 đoạn dây thừng bện bằng dây lông beo (loại dây rừng này rất bền, chuyên dùng bện dây buộc, khắp rừng Trường Sơn chỗ nào cũng có) quấn 1 vòng to quanh cây dừa, vặn xoắn lại rồi cho chân vào túc tắc trèo lên.

Ba thằng lính nhà ta đứng ngửa cổ lên nhìn. Đầu tiên là nhìn chùm dừa trên cây cao. Mà thực ra cũng định nhìn chùm dừa là chính thôi. Thế quái nào khi cô gái leo lên được độ 3 mét, thì cả ba thằng lại nhìn vào cô gái. Người dân tộc mặc váy ngắn, áo thì cũn cỡn, may lắm chỉ dài độ ba chục phân, lại có thói quen không mặc "nội y", nên khi ngửa cổ lính tráng nhà ta nhìn thấy đủ cả dừa thật lẫn dừa giả và ... vân vân. Cả 3 thằng chợt đỏ mặt chưa biết làm thế nào. Thằng Dũng chắc định cười nhưng lại muốn nén nên hắt từ trong cổ họng ra một tiếng "hục" to tướng.

Bất chợt cô gái tụt nhanh xuống gần như chỉ trong chớp mắt rồi túm lấy chúng tôi kêu:

- Bộ đội nhìn thấy gì rồi phải không?

- Khô ..ông, khô ...ông. Chúng tôi không nhìn thấy gì cả. - Cả ba thằng tôi luống cuống.

- Có thật không nhìn thấy gì không. Bộ đội phải nói thật đi. - Cô gái lại gặng, giọng căng thẳng.

- Thâ ..ật, thâ .. ật. Thật mà. Chúng tôi không nhìn thấy gì đâu. - Thằng Dũng vội gân cổ lắp bắp chối.

Tim đập chân run. Chúng tôi hoảng thật sự. Nhớ lại tháng trước bên Đại đội bạn, có một thằng nhìn trộm gái bản tắm suối bị bắt quả tang. Thế là cán bộ Đại đội phải trực tiếp dẫn đến già bản xin lỗi và nộp phạt nửa cân muối theo đúng lệ làng. Khi đó chúng tôi cũng rất thiếu thốn nên nửa cân muối không phải là chuyện nhỏ. Nay ba thằng tôi mà nhận tội nhìn thấy cái gì, bị phạt mất vài cân muối của đơn vị thì có đem bắn chúng tôi cũng không oan.

Cô gái vẫn nhìn chúng tôi dò xét, trong khi cả ba thằng mím môi, nín thở, mắt nhìn xuống đất. May sao cô gái cất giọng:

-Thôi các anh lùi ra xa đằng kia đi, để em hái dừa cho.

Chúng tôi lùi thật xa, khe khẽ thở phào rồi ngồi xuống đất, mặt cúi gằm. Cô gái lại trèo lên cây dừa và hái cho chúng tôi 3 trái. Chúng tôi nhận dừa, cảm ơn cô với lòng biết ơn như trẻ nhỏ được mẹ đi chợ mua quà về.

Hú vía. Chúng tôi đi xa rồi mà vẫn còn run.

Chuyện này không thể kể được với ai, cũng không dám đem ra bàn tán. Chỉ đến khi đã vào sâu trong B3 rồi, đôi lúc chúng tôi mới dám ôn lại.)

Điều tôi sợ nhất sau chiến tranh kết thúc:

Trước năm 1975 người lính ra trận có một hậu phương Miền Bắc vững chắc, có một gia đình làm chỗ dựa tinh thần, có một niềm tin và nỗi khao khát cháy bỏng là thống nhất đất nước thì đường ra trận của người lính đúng như trẩy hội mùa xuân; những ai đã từng ở Trường Sơn cuối năm 1974 được chứng kiến khí thế ra trận của người lính - quân vào, quân ra lấy hàng rầm rập suốt ngày đêm đúng là như thác đổ, khi đó bọn tôi lật cánh từ chiến trường Lào về Tây nguyên góp phần làm đường dây 559 thêm sôi động bởi cả một sư đoàn với phong thái ung dung, đỉnh đạc, tính hài hước vui vẻ, tinh thần lạc quan yêu đời của người lính phong trần, từng sông pha trận mạc nơi đất nước bạn nay mới được "về quê" để chiến đấu - đúng với tâm nguyện người lính.

Nhưng "Chiến tranh đâu phải là trò đùa..." tuổi xuân trôi qua ở chiến trường với đầy kỷ niệm vui buồn, đồng đội hy sinh đã được đưa về đất mẹ, tuy vẫn còn " rải rác biên cương mồ viễn xứ/chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/áo bào thay chiếu anh về đất/sông Mã gầm lên khúc độc hành...như lời bài thơ Tây tiến của Quang Dũng"; những người còn sống sót có đấy những tấm Huân chương "đỏ" ngực, nhưng di chứng của cuộc chiến trên mỗi thân thể của mỗi người thì vô cùng đa dạng. Tồi tệ nhất là di chứng của chất độc da cam mà có một hồi nhân dân chưa biết nên khi anh em đồng đội bị nhiễm chất độc mầu da cam về sinh con đẻ cái bị "dị tật" thì miệng lưỡi dân gian nói là gia đình đồng đội ta ăn ở thất đức mới đẻ con "quái thai", nay hiểu ra thì chẳng gì cứu vớt được: đau! Đau! Đau lắm, muốn chết trời cũng không cho chết; có lẽ đời lính chiến trường khổ nhất, khổ đến tột cùng, khổ đến tận cam lai vẫn còn khổ - chính là dính vô chất độc mầu da cam.

Nhưng kể cũng lạ, cùng đơn vị người bị dính, người không bị dính chất độc da cam như ở Dbộ Tiểu đoàn 3 tình nguyện, bọn tôi cùng ăn, cùng uống nguồn nước, cùng hít thở khí trời vùng chiến trận nhưng Chọn là y tá tiểu đoàn bộ người Thanh Hóa lại bị nhiễm chất độc, truyền qua các con, có một đứa lành lặn hơn, có chồng và người ta nói chỉ có thế hệ thứ 2 những khi con Chọn lấy chồng thì thế hệ thứ 3 vẫn bị ảnh hưởng chất độc da cam, gia đình cháu lại tan vỡ - đến cam lai mà vẫn còn khổ, có lẽ không còn gì khổ hơn nữa. Ở Mỹ khi người Mỹ tham chiến ở Việt Nam thì xã hội có hội chứng "sau Việt Nam", khi người Mỹ tham chiến ở Irac hay Afghanistan cũng có các hội chứng tương tự như vậy. Còn ở Việt Nam thắng lợi to lớn quá, hòa bình rồi mà cứ ngỡ như mơ lên mọi cái riêng tư, mọi di chứng chiến tranh đều được đặt qua bên; anh em rời quân ngũ tự mình bơi chải kiếm sống kẻ đạp xích lô, người lên rừng buôn bạc trắng, kẻ bán phở chợ Đồng Xuân ai may mắn thì tiếp tục đi học, ra làm công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" vui thú điền viên, đến giờ nhìn lại chẳng ai giàu có gì; âu cũng đặc trưng của một thế hệ người tham gia bảo vệ Tổ quốc và khi đặt "Tổ quốc trên hết" thì mọi riêng tư phiền muộn đều tan biến đâu hết.

Riêng tôi có thể bị thể nhẹ bị nên lúc đang học học viện của Đảng ở Thủ Đức năm 1979 có một đoàn gì đó tôi không nhớ, trong đó có một nhà sư đến bắt mạch cho tôi và có nói tôi bị chất độc nặng (hồi đó chỉ nói là chất độc thôi) và có bốc thuốc và châm cứu cho tôi; Sợ thật sự, khi nhà sư báo cho mình biết nhưng không có tiền mua thuốc nên nhà sư dặn tôi cứ mỗi buổi sáng vắt một quả chanh uống nguyên chất trước khi đánh răng sẽ bớt và không biết đúng hay không, tôi tin và duy trì việc uống nước chanh nguyên chất này trong 5 năm tới khi ra trường và thật sự là khi đó tôi đang yêu cô bé quàng khăn quàng đỏ (do người bé nhỏ, mà gia đình tôi đặt tên gọi riêng)... mà không dám "động đậy" thế là tan vỡ một mối tình và người đó trách tôi đến giờ, sao hồi đó anh không "hư" một tí để thành vợ thành chồng.

Trục trặc mãi đến năm 1985 khi gặp là cưới liền nói như vợ tôi bây giờ nói thấy tội tôi "ngồi xó bếp" không ai thèm rước mới đồng ý cưới; Năm 1986 khi vợ có bầu tôi sợ suốt 9 tháng 10 ngày mà không dám nói; khi đưa vợ đi đẻ đứa con đầu lòng thấy tôi, một thằng đàn ông cứ chộn rộn ra vô phòng đẻ, một bà cụ chăm đẻ bảo tôi ra gốc đa quỳ lạy thắp hương vái, không có hương bà cụ cho bó hương và bảo vái - tôi vái theo lời bà cụ: Cầu Trời, cầu Phật phù hộ cho mẹ tròn con vuông; cầu Trời, cầu Phật phù hộ cho mẹ tròn con vuông nhưng tôi vái thêm câu...con trai cũng được, con gái cũng được, cầu mong mẹ tròn con vuông ...chỉ đến khi bác sĩ ra bảo sinh con trai, lành lặn, cháu khỏe, tôi mới thở phào nhẹ nhõm; (cháu mới tốt nghiệp đại học y khoa Hà Nội 2 năm nay).

Run thật, chỉ sợ đẻ con dính chất độc da cam mà không dám nói đến giờ, đánh trận một thân một mình sao đời nhẹ thế, nếu bị hy sinh chắc cũng nhẹ thênh, nhưng khi có gia đình cái gì cũng phải tính trước tính sau, nặng thật; đời lính trở về sau chinh chiến 1975 mà vẫn còn run sợ là thế đó.

(ghi chú: suy nghĩ nhiều mình mới đưa bài viết này, cũng là cái tôi chẳng giống ai, nếu bi ai quá, cá nhân quá mình sẽ rút)

(Chuyện bên lề:

- Cũng là suy nghĩ chung của cánh lính trước 75 cả thôi, bác xuanxoan. Khi đó cũng có ai biết là da cam da quýt gì đâu mà đề phòng, mãi về sau này mới biết (thời trước thông tin mờ mịt lắm). May thì con cái không sao, mà cũng chẳng biết nữa, còn đời sau nữa thì sao?Bản thân chúng ta chắc ít nhiều cũng "dính" cho nên mới lắm bệnh tật như vậy, cũng tự an ủi rằng vẫn còn đỡ hơn nhiều anh em khác còn khó khăn hơn , đó là một cái giá phải trả cho ngày chiến thắng .Kệ nó đi, vẫn cứ vui vẻ mà sống !!!

- Bố vợ em nguyên là sĩ quan đặc công thời chống Mỹ, hoạt động tại chiến trường Tây Nam bộ, chủ yếu là Tây Ninh và sang cả Campuchia từ năm 1968 cho đến giải phóng miền Nam, năm 1976 cụ được xuất ngũ về quê. Sau 17 năm khi đi chiến đấu trở về thì mới sinh được cô con gái đầu lòng ( chính là sếp của em bây giờ ). Cụ bị nhiễm chất độc màu da cam trong chiến trường mà cũng không biết, mãi đến những năm gần đây do sức khoẻ kém đi khám thương tật _ bị một mảnh đạn vào đầu nhưng không lấy ra được mới phát hiện ra. Ngày đó khi tìm hiểu nhau biết chuyện em cũng trăn trở lắm, tuy vợ em không có sao nhưng cũng không đảm bảo là đến thế hệ thứ 3 an toàn. Khi chúng em có đứa con gái đầu lòng, em lúc nào cũng lo nơm nớp, liên tục đưa nhau đi khám thai, bác sĩ nói bình thừơng nhưng em cũng không hết lo, thêm một số kẻ độc mồm độc miệng phán linh tinh càng làm em suy nghĩ. cũng may ông bà bên nội hay an ủi là cái này chỉ bị di truyền theo bên nội chứ cún nhà em không bị ảnh hưởng. Ơn trời khi cháu ra đời hoàn toàn khoẻ mạnh và trí tuệ phát triển đến nay bình thường, có vẻ hơi thông minh nữa, không dốt như em.
Tuy như vậy nhưng để nhận chế độ thương binh của cụ cũng gặp rất nhiều khó khăn với mấy bác cán bộ chính sách cơ quan TBLĐXH , em nghe cụ kể lại nhiều khi tức phát điên lên, do giấy tờ lúc xuất ngũ không để ý bị thiếu và cụ cũng thẳng tính không chịu làm cái phong bao nên mãi không được hưởng chính sách. Sau này có một nguời anh em họ hàng là một vị tướng bên quân khu Một đã về hưu đến chơi biết chuyện giúp đỡ thì mới có chút tiền xương máu hưởng tuổi già.
Đến bây giờ do ảnh hưởng của viên đạn trong đầu nên mỗi khi trở trời là cụ rất hay cáu gắt. Hàng tháng cũng có chế độ đi nằm viện đông y châm cứu, an dưõng vài ngày. Bình thường thì vẫn khoẻ lắm, hàng tuần đi xe máy mang quà ra cho con rể và cháu ngoại. Hai bố con gặp nhau vẫn bắt con rể chia đôi sòng phẳng chai rượu mật nhân xong mới về .

- Kể thêm một kỷ niệm để góp phần đưa topic của bác Xuanxoan trở lại hồi ức xưa.


Hồi năm 1968, 1969 ở mặt trận Trị Thiên, bộ đội chủ lực nhà ta mặc quần đùi nhiều hơn mặc quần dài. Số là khi đó ở rừng, nhưng hầu như đêm nào cũng phải xuống đồng bằng vùng giáp ranh để nhận gạo và thực phẩm tiếp tế. Núi rừng miền Trung dốc nên lắm sông nhiều suối. Một chặng đường đi cùi gạo nhiều khi phải đi hai ngày, vượt hàng chục sông suối. Lúc nào cũng mặc quần dài thì ướt át và dính khó chịu vô cùng vì cùi gạo đạn nặng, cứ cởi quần ra rồi lại mặc vào liên tục rất bất tiện. Mà để nguyên vượt suối thì khi qua suối xong, quần chưa kịp khô đã phải lội tiếp suối khác. Thế nên mặc quần đùi là tiện nhất. Khi vượt sông thì không gì tiện bằng cởi hết quần áo ra bọc vào ni-lon rồi cứ thế "thiên nhiên" mà ôm bọc đồ lội sông.

Lúc đầu toàn lính tráng đàn ông cả thì không sao. Ai chả giống ai. Mà quả thực lúc đó mệt mỏi, ai cũng muốn vượt sông suối nhanh để tránh pháo bắn cầm canh của bọn Ngụy chẳng may rót tới, còn hơi đâu mà nhìn ngang ngó dọc. Nhưng sau Mậu Thân 1968, trong Trung đoàn có nhiều chị em cùng góp sức. Họ là các nữ du kích từ các xã ven thành Huế phải thoát ly lên rừng do bị lộ sau Chiến dịch Tổng tấn công, sau 26 ngày đêm cùng Quân Giải phóng chiếm giữ thành Huế. Các o du kích bạo dạn và tự nhiên gấp nhiều lần bộ đội. Lúc đầu cùng vượt sông, họ né dịch ra khúc sông khác. Nhưng nhiều con sông chỉ có một chỗ vượt, vả lại vượt sông toàn vào ban đêm, nên dần dà chị em cũng lội chung với lính. Họ không cởi hết, nhưng cũng chỉ mặc đồ lót. Dạo đó ven sông ngay sát cửa rừng còn có một khu lán tạm cho bộ đội nghỉ sau khi vượt sông, vì khi đã vào rừng thì đợi đến sáng đi tiếp cũng được. Mỗi lán chỉ là một dãy sạp dài có thể nằm được hai ba chục người. Thế là sau khi qua sông, tới lán, hạ cái gùi gạo xuống là mỗi người chen vào một chỗ nằm, tranh thủ ngủ. Chị em du kích cũng chẳng nề hà gì, chỗ nào còn trống là chen vào nằm. Sáng ra nhìn nhau thấy quần áo sơ sài, mới vội khuơ Đông, quờ Tây kiếm cái mặc vào.

Vậy mà có lẽ cái sự thông cảm của tình đồng chí, tình giai cấp trong lúc gian khổ đã lấn át tất cả nên rồi ai cũng cảm thấy bình thường. Lúc đó cũng chẳng ai có ý nghĩ và nhất là hành động vẩn đục. Chúng tôi cứ sống và chiến đấu như thế suốt mùa mưa mà không xảy ra chuyện gì.

Sau này khi chuyển địa bàn sang chiến trường khác, trong lúc rỗi chúng tôi mới có dịp moi lại chuyện đó ra để tán gẫu với nhau. Rồi chợt nhận ra là chẳng ai biết tên cụ thể của một o du kích nào.)

Cơn sốt rét đầu tiên của tôi ở chiến trường

Nói lính chiến chỉ nói toàn đánh trận, thành tích ...thì báo chí đã viết từ xa xưa rồi; nhưng cuộc đời lính chiến, đâu chỉ toàn mầu hồng như trong thơ ca văn học mà cuộc đời lính chiến còn có cái hài của dân gian, vị ngọt của tình yêu, vị đắng của bi quan và sự tuyệt vọng của con người trước sức mạnh của thiên nhiên, tất cả những thử thách của vòng đời con người từ khi sinh ra đến lúc chết thì người lính chiến đều được trải nghiệm nhưng ở những góc độ khác nhau.

Với tôi đã có một lần bị lũ cuốn trôi khi tham gia trận đánh đầu tiên trong chiến dịch 128 ngày đêm Nam Lào 1972 -1973; khi đó tuổi hai mươi cường tráng, hừng hực sinh khí trước lúc vượt sông Khôngsêđôn là vậy, nhưng lũ đổ về bất ngờ, cuồn cuộn cuốn theo những cây cổ thụ cứ như cây chổi quét của lính nhà trời quăng quật tôi lúc bên này lúc bên kia đến khi người rã rời, mất hết sức chống đỡ thì tâm lý tuyệt vọng xuất hiện, buông xuôi cho số mệnh; thấy trên mặt nước có gì thì cứ bấu viếu dù là cọng rơn, ngọn lá. Đó là lần thứ hai tôi tuyệt vọng nhưng là sự tuyệt vọng buông xuôi do không còn sức chiến đấu, phó mặc số mệnh mình trước sức mạnh của thiên nhiên, cho sự may rủi ở trời; còn lần thứ nhất sự tuyệt vọng xuất hiện trong tôi do ý chí suy sụp, tinh thần bi quan do không chịu nổi cái đau về thể xác - đó là lần đi gùi gạo trên đường dây về cho đơn vị.

Đi gùi gạo, trong cuộc đời lính chiến chắc các đồng đội cũng đã từng nhiều lần đi gùi gạo nhất là khi đói thì tiểu đội bao giờ cũng cử những người khỏe nhất trong tiểu đội đi gùi gạo và bao giờ người lính đi gùi gạo cũng được giao nhiệm vụ gùi thêm vài ký, càng nhiều càng tốt về cho tiểu đội "ca cóng" cải thiện thêm. Trong lần gùi gạo đầu tiên đó, tôi từ vị trí đóng quân Thị xã Paksong đoàn chúng tôi đi ngược chiều với đợt hành quân của lính tân binh bọn tôi từ bắc vào – Từ thị xã Paksong chúng tôi đi ngược ra Bản Kapơ đi ra vườn chuối và lên đường dây. Tại đây chúng tôi được anh em binh trạm cho tự do lấy được bao nhiêu thì lấy, thế là lòng tham trong người nổi lên - tôi lấy đầy một gùi đeo trên lưng, một ruột tượng gạo quấn quanh bụng và một cây AK lủng lẳng trước ngực vui vẻ bước trên đường về...lúc đầu thì đi đầu đoàn lấy gạo, sau tụt dần, vất dần ruột tương gạo và là người đi cuối cùng ...trời mưa, lại mưa rừng như thác đổ, tôi lầm lũi đi trong chiều tà, nước mưa như tát vào mặt, sấm chớp cứ như bổ vào đầu mình để trấn áp và bất chợt người nóng ran hoa mắt, chóng mặt ...tự nghĩ mình sốt rét ư ...cố đi ...đường đâu mất rồi, lạc đường rồi...cứ đi ...tôi ngã và ngất lúc nào không hay...rét quá, đau đầu quá, nóng quá...cố gắng dậy đi và ngã...lần đầu tiên trong đời bị sốt rét và vào trường hợp một thân một mình không biết xử lý ra sao...đau đầu quá; thật sự sức chịu đựng của tôi là có hạn, tôi không chịu được cơn đau đầu của lần đầu tiên bị sốt rét. Trong đêm tối rét buốt tôi mơ màng thấy ánh sáng ấm áp của ngon đèn tròn, chiếc chăn bông ấm áp ở nhà và đôi mắt bồ câu (mầu nâu) của người bạn gái...choàng tỉnh chỉ thấy bóng đen, sấm chớp và mưa - thất vọng...chợt ý nghĩ tự sát lóe lên, ý chí sống không còn trong người, đau đớn rã rời chỉ muốn được giải thoát khỏi cõi trần gian, với chút sức lực còn lại tôi cố gắng mở khóa an toàn, dựa đầu mình vào nòng súng và bấm cò...khi tỉnh dậy tôi thấy mình đã nằm ở Bản Kapơ rồi. Sau này anh em nói biết tôi đi lạc, đơn vị cho người đi tìm một ngày mà không thấy, sau nghe tiếng AK anh em đi tìm theo tiếng súng và thấy tôi nằm ngất giữa rừng. Khi khỏe lại xấu hổ với hành vi tiêu cực của mình, tôi không dám nói với đồng đội tiếng súng đó là tôi định tự sát do không chịu được sự đau đớn của cơn sốt rét chứ không phải bắn báo hiệu bị lạc và thật may sao, viên đạn có thể do tôi ngồi khẩu AK dựng đứng và khi bấm cò nòng súng đi thẳng lên trời nên tôi không sao cả; sau đợt sốt rét này với tôi sốt rét như cơm bữa là chuyện bình thường.

Thiđua làm đẹp doanh trại

Cuối chiến trận Nam Lào 1972 -1973, chỉ cần một khoảng thời gian không có tiếng súng, chúng tôi những ngườilính đã làm đẹp ngay doanh trại như mỗi tiểu đội có cổng trại riêng, phong lanrừng chặt cả khúc cây treo hiên lán, đơn vị thường xuyên tổ chức liên hoan vănnghệ và tiểu đội "ca cóng" đêm ngày - Ấy là ngày sau đình chiến 1973 chúng tôiđóng quân ở gần bản Nọng chùa có đường xe bò (bên Lào có đường xe bò thường làđường chính và đường vào bản) phía đầu đường có cây bưởi, đi sau vào là cả rừngmít và rừng rậm. Đóng quân trong rừng, chúng tôi thường đào hầm rộng đủ từ 3 –6 người và giường nứa dài như hồi ở Bãi Nai – Lương Sơn, Hòa Bình, làm nhà trênhầm che mưa nắng; hai bên ngách có hầm chữ A như mọi kỳ; nhưng đợt này tiểuđoàn chuyên đánh rừng của bọn tôi có một sự thay đổi mang "tính đường dây" (nói anh em đường dây đừng buồn vì anh em giỏi nhất là đảm bảo thông suốt, antoàn cho quân vào quân ra, doanh trại đẹp; còn bọn tôi doanh trại không là vấnđề, đi đánh địch là chủ yếu, ở cứ là phụ - thời gian hành quân nghi binh củabọn tôi nhiều hơn nghỉ, vì thế bọn tôi có thể vừa đi vừa ngủ, sau này có dịptôi sẽ viết về vừa đi vừa ngủ), không phải rèn kỹ chiến thuật nhiều vì Tiểuđoàn trưởng mới của bọn tôi là lính đường dây, mới được mặt trận bổ sung vàoquân số tiểu đoàn (trong chiến dịch chúng tôi hao binh tổn tướng nhất là từKhôngsêđôn rút về đánh các trận để giải phóng xalavan và Paksong lần II) nênkhi về cứ, có tiểu đoàn trưởng ( tên là L... ) mới. Ngay từ ngày đầu ông đã yêucầu doanh trại chúng tôi phải sạch, đẹp, đường đi phải đắp đất cao hơn mặt bằngtừ 20 – 30 phân, rộng khoảng 2 m và hai bên phải được kè bằng gỗ...tôi còn nhớkhi mang máy 2 W đi tháp tùng cùng cán bộ tiểu đoàn thăm các đại đội về thấy anhL... tiểu đoàn trưởng tự nhiên ngã xoài (sau này biết ông ta khéo mồm miệng, giảđò ngã để khéo phê bình bọn tôi chặt cây còn để gốc cao), ngồi ôm chân bọn tôichạy tới ông suýt xoa chân nói: tại cái gốc cây này chặt còn để cao quá đi vấp,đau quá... anh em tiểu đoàn hành quân đêm dễ vấp ngã, các đồng chí chiều vềcho anh em tiểu đoàn bộ đi chặt hết các gốc cây cho sát đất; bọn tôi chỉ lặnglẽ nhìn nhau và điều bất ngờ nữa xẩy ra khi đi đến gần nhà tiểu đội trinh sát,tự nhiên thấy D trưởng L... nhẩy, nhẩy lên hai tay nắm chặt cái gì đó í a, í ớigọi bọn tôi đến giúp một tay (tôi cứ tưởng lính đường dây giỏi săn bắn chắc bắtđược trăn đang kéo xuống cho anh em cải thiện) bọn tôi chạy đến thì ông đang đubám trên cành cây héo kéo xuống; rồi ông gọi Tăng người Hà Tây tiểu đội trưởngtrinh sát đến nói: đồng chí cho anh em kéo các cây khô này xuống không máy bayđịch biết...lúc này bọn tôi chỉ còn biết lè lưỡi. Cũng ở đây tôi nhớ mãi thằngHùng "nhẩm" mặt mày hớn hở chạy trên con đường rộng 2m này từ đại đội 1 lên tiểuđoàn bộ nói với tôi – tao được ra Bắc học sĩ quan rồi, mừng cho nó mà cũng buồncho mình vì không biết bao giờ mình mới được ra Bắc (suy diễn lung tung). Ởchiến trường, bọn tôi quen cái gì cũng phiên phiến nhưng với Tiểu đoàn trưởngmới thì không...khi bọn tôi đang đào hầm tiêu sau nhà, vô tình ông đi qua, Tư"toác" lính tiểu đội bô bô chào thủ trưởng và ...thủ trưởng vào xem bọn em làmhầm tiêu đẹp không, ngắm nghía một hồi thủ trưởng L... nói: đẹp lắm, tốt lắm,giỏi lắm chiều nay nuôi quân có món thịt hộp ngon lắm, các đồng chí nghỉ taysớm đi...tôi và mấy thằng lính hí hởn tưởng được thủ trưởng khen, đang phổng mũi...thì D trưởng L... nói luôn – mai các đồng chí tháo ra làm lại, xoay chỗ ngồi, cửaquay mặt về phía rừng cho đẹp...và sau này thằng nào trong D bộ nói "khéo" kiểuđó bị bọn tôi gọi là ...dẫm phải c...ông L... 

Thời gian này chán nhất là tôi, khi có khách trên về hoặc D bộ muốn ăn bánh cuốn là gọi tôi xuống tổ nuôi quân D bộ phục vụ: giã gạo ra bột bằng mũ sắt, sau đó dây bột bằng vải màn và đúc bánh cuốn cho khách ( khi ở ngoài Bắc huấn luyện anh em nuôi quân thích tôi phụ giúp nấu ăn như thịt heo, thịt chó...nên vào chiến trường sau đánh trận là tôi hay chủ động "ca cóng" cho tiểu đội, nấu ăn cũng tàm tạm – có dịp tôi kể chuyện khi tôi là lính mới nhập ngũ ăn... vụng ở bếp đại đội ở Lương sơn, Hòa Bình), cũng từ quan điểm sống và lãnh đạo như trên, anh em lính nhất là lính trinh sát; lính quê Hà Nội và Sơn Tây thường trốn đơn vị đi vào bản và vùng giáp ranh với địch để buôn bán trao đổi đồ dùng và thực phẩm, thuốc lá chữ A và nhiều khi lính tiểu đội tôi muốn ăn thịt heo là dù là nửa đêm tôi cũng dậy đi thịt ngay heo con của tiểu đoàn bộ ( không nhớ thằng nào bầy tôi cách đập heo trộm như sau: giả đò ngồi ị, cho ít thức ăn phía trước, khi heo đến, cầm cây gỗ đập phía trước sống mũi của nó là heo lăn quay không một tiếng kêu) làm thịt heo ban đêm thì chặt bỏ đầu, lột da vất, bỏ lòng chỉ lấy thịt ( cho nên bài trước tôi viết chàng lính chiến phía Việt Nam Cộng Hòa ở điểm cao 605 Bắc Tây nguyên năm 1975 lười nhác hơn bọn tôi là chỗ longô của họ toàn thịt heo nhưng còn lông đen xì); nhiều khi cũng áy náy nhưng bản chất là lính chiến mà suốt ngày cứ phải ngồi học chính trị, học hát ...phát cuồng chân tay biết làm sao, mới đình chiến đã hơi bị hư, không biết khi hòa bình mình sống ra sao?.

Năm đó, trong dịp ngày lễ 2/9 tôi được phân công đi mua rượu của dân bản gần đường dây, mang một gùi bi đông trên lưng đến nhà đầu tiên thấy anh em uống thử rượu trên bát, mình cũng bắt chước thử (thật sự lúc đó đâu biết uống rượu, ngoài Bắc thì thỉnh thoảng có tiền mới đi làm một vại bia hơi ở vườn hoa Pasteur với đĩa đậu phọng rang mà ngồi cả buổi). Nhà đầu tiên người dân cho bọn mình thử rượu nước nhất thấy anh em lắc đầu mình cũng "bò đậy", đi nhà 2, nhà 3 mình uống thử cũng "bò đậy, bò đậy" đến nhà cuối cùng của Bản cả đoàn "đậy, đậy...ậy, ạy" thế là mua đầy rượu về nộp bếp nuôi quân..và khi liên hoan chia rượu về cho các tiểu đội tôi bị không chỉ lãnh đạo chửi và cả lính tráng D bộ chửi té tát vào mặt vì mua rượu nhạt phèo như nước ốc – tôi thử rượu nước nhất (mà lại hứng nóng hổi trên lò nữa chứ) nhiều quá say ngất ngưởng, khi đến cuối bản thử rượu nhạt thì có thằng trong đoàn bảo rượu ngon, rượu ngon, mình tưởng thật mua ngay. Chính trong thời kỳ chỉnh đốn doanh trại này ở C3 có đồng chí T... có tuổi quân gần 10 năm, không chịu làm gì, tư tưởng chỉ muốn ra Bắc lên bị khép tội phản chiến thế là bị tước quân tịch áp giải về mặt trận ( giờ nghĩ cũng tội anh T...tuổi cũng lớn, chinh chiến nhiều năm trời khi đình chiến chỉ ăn chơi, hát hò làm sao không nhớ nhà, nhớ quê chứ, gép tội phản chiến nặng quá; âu cũng tại thời thế, thế phải thế). Nhưng cũng may cho tiểu đoàn bọn tôi, sau thời gian ngắn ông L...được điều đi đơn vị khác và bọn lính chúng tôi lại bắt đầu trở lại rèn kỹ chiến thuật – trung đội thông tin bọn tôi đi thực địa bốn phía truyền tin, học thuộc mật mã, dải dây các địa hình, còn các đại đội bộ binh học các cách đánh trong lòng địch của đặc công, đánh vận động... đơn vị không còn cảnh thi đua trang trí doanh trại đẹp để bình chọn; không còn cảnh anh em cả ngày ngồi ở hội trường... ê... a ...học chính trị, ca hát và ca cóng đêm này sang đêm khác nữa; trong thời gian đình chiến này, bọn tôi đi làm đường giao thông giúp bạn khoảng 3 tháng ở Xalavan.

Lời của thơ ca thủa ấy là một phần đời thực của người lính chiến trường

Những người yêu thơ với những vần thơ đẹp có thể có những lời bình tuyệt hay, tiếng ngâm của diễn viên Linh Nhâm thời thế hệ tôi làm sao động lòng người bởi chất giọng vàng với ý thơ lả lướt đêm đông; đêm văn nghệ vào ngày bọn tôi kết thúc khóa huấn luyện trước khi đi B, chúng tôi như đã được nghe lời tâm tình của người bạn gái qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Huyền - mượt mà, sâu lắng tình người đến thế; lời ca của Cố nghệ sĩ Quốc Hương như tiếng trống trận dồn dập, thúc dục bọn tôi ra chiến trường...tôi cảm nhận cái hay của lời ca, cái đẹp của nàng thơ mộc mặc đơn giảm và dễ cháy bỏng như tuổi mười tám, đôi mươi của mình như thế đấy.

Khi vào đến chiến trường chúng tôi với những ngày hành quân trèo đèo, vượt suối, cơm vắt, mưa rừng bám theo gót chân anh chị giao liên "chơi" trốn tìm với những tọa độ" chết" (do B52 thường dải thảm ) của lính đường dây 559 mới hiểu thật, hiểu đủ nghĩa ý thơ, của lời ca tiếng hát "...Trường Sơn đông nắng tây mưa/ai chưa đến đó như chưa hiểu mình..." ngẫm lại quãng đời hành quân trên đường Trường Sơn những gian lao vất vả đi bên đông trời nắng, đi bên tây trời mưa; dốc cao, vực thẳm; bom gầm đạn rít bên mình ...lại được nhà thơ Tố Hữu chắt lọc từng từ, đan kết sự kiện lại nêu bật cái gian nan vất vả của anh bộ đội trường Sơn thành ý thơ tự hào, bay bổng đến như vậy. Hay trong cuộc đời những người lính mà tôi được đọc thì những người lính tham gia chiến trường Camphuchia thực sự là những người lính luôn đặt vấn đề nước uống lên hàng đầu so với các thế hệ trước đó ( đây là cá nhân tôi được đọc, nghe anh em chiến trường K lính Quân khu V kể cho nghe về sự hy sinh của lính về mìn và nước, Sư trưởng sư 2 Trương Hồng Anh cũng hy sinh vì mìn giống như sự hy sinh của đại tá Đặng Tính ở Bôlôven; khi đọc nhật ký của Trần Phú 341 mình chưa thấy nói nhiều về mìn và nước nên cũng hơi phân vân khi viết đoạn này, anh em ở K có gì góp ý cho mình rõ hơn nhé) thì tôi liên tưởng ngay mùa hè ở rừng khộp... Với bọn tôi mới thụ hưởng chỉ một mùa khô chinh chiến ở đồng bằng Xalavan đã thấm thía vấn đề nước và địa hình không có nước. Khi tôi rơi vào trận chiến ở địa hình vùng "...khô khan rừng khộp, khô gầy rừng le..." mới hiểu thế nào là cách sống ở rừng khộc - trắng tái trơ mặt đất; còn cây le mọc nhiều dọc bên bờ suối nhưng lại là những cây khô gầy, mảnh mai, cong queo cháy xém vì suối không có nước nước và nước ở đây chính là vấn đề có tính quyết định chuyện đánh đấm ở khu vực rừng khộc và rừng le mùa khô. Cũng câu thơ đó, đêm thơ nào đó, diễn viên nào đó thời hiện tại mà ngâm trong đêm khuya tĩnh mịch chắc các bạn trẻ bây giờ sẽ nói... nghe cũng hay hay, những những người lính chúng tôi từng trải qua tác chiến những địa hình này mùa khô sẽ rùng mình...thấy khát khô cổ họng và chợt nhớ về đồng đội với những ngày giữ chốt phải tiết kiệm từng viên đạn, từng giọt nước.

Trường Sơn ngày đó, bất kỳ tháng nào, bất kỳ ngày nào, bất kỳ giờ nào nếu chúng tôi mở đài đều được nghe "những bài ca đi cùng năm tháng" với giọng hát của những ca sĩ nổi tiếng và đêm đêm nằm nghe tiếng thơ nước mắt cứ rơi hoài. "Tiếng hát át tiếng bom" - đây chính là một lực lượng vô hình, một thứ vũ khí phi vật chất giúp chúng tôi trên đường hành quân ra trận, vào thời kỳ đó thật sự văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng chúng tôi ra chiến trận - thông qua lời ca tiếng hát. Với họ - các anh chị văn nghệ sĩ luôn là thần tượng của người lính chiến trường chúng tôi; khi đánh trận về mắc võng nằm đu đưa, rít một hơi thuốc lá chữ A mà được nghe nghệ sĩ Thanh Hoa hát chèo trên đài là anh em lại í a..muốn trèo rồi phải không anh "lính thông tin"...

(Chuyện bên lề:

- Đọc qua phần bác nói về mùa khô ở Lào BY thấy và hình dung nó chẳng khác gì mùa khô ở K, giống nhau từ những rừng dầu khộp đến rừng le, tre gai rậm rịt, những con suối cạn sịt nước từ bao giờ, những bình độ hay trảng rộng cỏ úa vàng như rơm. Nếu có khác hoặc do bác chưa nói đến nên BY chưa thấy thôi chứ ở K thì mỗi lúc vượt qua những trảng trống ấy là "tử thần" đang chờ đấy, nếu như cán bộ chỉ huy thiếu tỉnh táo thì cũng rất dễ đưa cả đại đội, hay tiểu đoàn của mình "lên thớt" làm bia sống cho Pốt nó "ăn sống" không cần chấm muối.

Từ lâu lính ở K hay truyền tai nhau một câu ví: Lính ở K mà chưa từng uống nước tiểu của nhau thì không phải thằng lính ở K. Grin Cũng không có gì là nói ngoa lắm đâu bác ạ. Mùa khô đầu tiên ở K lính ta thiếu kinh nghiệm chưa rõ thực tế, cứ dở bản đồ ra là có suối với hồ nước, chắc mẩm yên tâm là có nước dùng nên sự chuẩn bị mang theo cũng rất giới hạn, vừa đủ dùng chứ mang theo nhiều làm gì cho thêm nặng lúc hành quân và nhất là những đơn vị đánh luồn sâu chia cắt đội hình địch, đến khi vào sâu trong rừng rồi mới té ngửa ra rằng mùa khô nó khác rất nhiều với bản đồ. Vì vậy lính ở K "tè" cho nhau uống là chuyện bình thường bác ạ, lính tự "tè" rồi uống của mình thì uống không thể vào nổi, vì vậy phải trao đổi cho nhau để dễ nuốt thì trao đổi cho nhau, uống đi uống lại đến lúc nước tiểu nó chuyển sang màu đỏ nhìn phát ghê và nhịn khát nước vài 3 ngày là chuyện bình thường. Hình như BY từng nghe bác nói là lính ở K: Chết khát nhiều lắm, thì phải? Chẳng biết bác nghe ai nói lại như vậy, thực tế có chuyện đó đấy nhưng không nhiều, đâu đơn vị nào đó trên Pret viahia của F307, trên VMH này anh em lính ở K có kể lại chuyện đơn vị đó anh em chết vì quá khát nước, còn chuyện nhịn khát vài ngày hành quân tác chiến giữa mùa khô thì gần như ai là lính chiến ở K đều gặp cả. Cũng vì chuyện nhịn khát nước lâu ngày như vậy nên lính ở K nhiều người mắc bệnh thận là vì vậy. Còn chuyện lính sốt rét bệnh tật ở K thì không còn gì để nói nữa bác ạ, có trận 2/3 quân số của 1 trung đoàn phải nằm viện vì hết sức chiến đấu, lên viện F thấy lính sốt rét nằm la liệt là biết lính đơn vị nào rồi không cần hỏi. Khổ lắm và cũng thấy thương lắm, có người tay cầm tờ giấy đi phép mà nước mắt chảy dòng dòng vì không còn sức mà đi nữa, chết rồi tay còn cầm chặt tờ giấy nghỉ phép được sư đoàn thưởng cho khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Còn chuyện mìn thì có lẽ trong tất cả những cuộc chiến tranh mà VN chúng ta đã đi qua thì có lẽ chuyện mìn ở K nhiều nhất, cũng khoảng từ năm 1980 trở đi, những khu vực giáp biên giới Thái Lan Campuchia thì mìn nhiều hơn cả châu chấu bác ạ, nhiều mìn lắm có loại KP2 khi gài mìn địch đấu nối mấy chục quả liền tạo thành dây, có dây tới 72 quả liền và khi nó đã nổ thì đủ sức "hốt gọn" cả 1 tiểu đoàn, ác hơn nữa là trong cái kịp số 8 ấy có 1/2 kịp là thủy ngân, khi trúng mảnh dù nhỏ ở phần mềm mà dính thủy ngân thì thằng lính cũng được tải về F bộ tuyến sau đi song song với mặt đất rồi, sau này nữa thì địch chuyển sang dùng mìn Zip nhỏ hơn, to hơn lọ hồ dán chút xíu, bắn hạ thằng Pốt đếm trong cái ba lô của nó có mỗi 280 quả mìn chứ mấy đâu, loại này thì chỉ xin để lại mỗi cái bàn chân thôi bác ạ. Nhiều thủ đoạn chiến trường, nhiều cách gài mìn của địch từng gây thương vong cho QTN VN ở K thiệt hại đáng kể.

- Tôi đã từng chiến đấu ở Lào từ năm 1968-1971 bạn ạ. Tôi không ở vùng Xalavan mà ở Trung Lào, tỉnh BôLiKhamxay. Tôi cũng đã từng chiến đấu ở KPC từ 1977-1980. Vùng hoạt động của sư đoàn tôi (sư đoàn 341,QĐ4) trên nửa nước phía Nam KPC.
Mùa khô thì hai nước Lào và KPC đều giống nhau, nhất là vùng rừng núi, do đó cái khát cũng giống nhau, còn thiếu nước, thiếu khát cũng chỉ từng lúc, từng nơi, từng trận, từng hoàn cảnh cụ thể chứ không phải cứ mùa khô là thiếu và khát nước đến khô khốc, phải chết khát cả đâu. Khô, khát không có nước mà bộ đội ta phải hy sinh cũng có nhưng không nhiều. Do bị thương, ra nhiều máu không có nước, khát phải hy sinh hiện tượng này nhiều hơn. Còn khô, khát, thiếu nước phải dùng nước tiểu của nhau thì như BY nói cũng có, như phancongblog, như lêxuantuong1972 nói cũng có, đấy là những trận đánh cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể.
Còn mùa mưa ở hai nước này cũng có đặc điểm khá giống nhau. Tại Lào độ dốc vùng rừng núi lớn hơn nên mùa mưa nước tàn phá mạnh hơn. Có những viên đá nặng hàng tấn bị nước cuốn trôi ào ào từ trên cao xuống, kéo theo cây đổ, cành rơi, lũ cuốn như thác đổ. Mùa mưa ở vùng rừng núi KPC không dữ dội đến mức như vậy nhưng cũng rất đáng sợ.
Mìn ư ? Mìn ở KPC thì phức tạp, ác hiểm hơn ở Lào nhiều bạn ạ.
Mùa mưa 1980 trên vùng rừng núi phía tây và nam KPC lại là một thử thách lớn đối với cán bộ, chiến sỹ chúng ta. Bốn chữ M: Mưa-Mìn-Miên-Muỗi, làm cho anh em kiệt sức.
Mưa đất lở, đá trôi, cây đổ, cành rơi, sông tràn, suối xiết làm chết bộ đội một cách bất đắc dĩ. Mìn địch cài, ta cài giăng giăng khắp dọc biên giới, gọi là xây dựng tuyến phòng thủ biên cương như những cái bẩy, gây chết người đáng kể. Bọn Miên (lính Pôt) từ bên kia biên giới từng tốp được Ăngka xúi về cài mìn, phục kích, giết dân làm cho ta không ăn ngon ngủ yên. Bộ đội ta hy sinh vì mìn Miên cài, ta cài là khá lớn. Muỗi, Sên bám khắp mặt mũi, chân tay, trong người hút hết máu, sốt rét ngày càng nhiều, bộ đội chết vì sốt rét không ít.

- mùa mưa bên K nước ở đồng bằng ngập mênh mông , đi phục hay đi chốt đường đều ngâm mình dưới nước , thỉnh thoảng tìm được mô đất khô ráo cũng phải dò mìn cẩn thận mới dám đặt mông ngồi . Mưa ờ rừng núi thì suối chảy xiết , ở varin phải bó xác anh em treo lên cây chờ cả tuần nước rút mới đem xác ra được . Có những lần tác chiến trở về đói , mệt tay nhấc không không nổi , nhìn qua thấy phum nằm bên kia bờ suối mà ức muốn khóc vì nước chảy xiết không thể vượt qua được , phải lết thêm 4-5 km tìm chỏ nước cạn lội qua . Mùa mưa hao quần hao áo vì phải mặc cả ngày ngâm nước suốt , vải cứ bục ra gai cào nhẹ cũng rách , cỏ tranh , lúa cứa vài lần là chổ đùi và đầu gối tét ngược tét xuôi đành phải xé thành quần què chứ không nó lất pha lất phất rất khó chịu như cẳng chân trúng mìn 652a lủng lẳng vì còn dính chút gân và da .

Mùa mưa nước nhiều là thế nhưng mùa khô nước trốn biệt tăm . Không cần phải hành quân qua rừng khộp rừng le mới chết khác . Lính và dân sống trong phum cũng khốn khổ vì chuyện nước . Leo xuống đáy giếng chờ hàng giờ để hứng từng giọt nước rỉ ra từ mạch nước ngầm . Dân và lính tranh nhau hứng nước và những phiền hà trách móc cũng xảy ra bởi những con mắt mang hình viên đạn . Tuy nhiên trong máu nó cũng có hoa những lúc giành nhau hứng nước là cơ hội tốt để lính cưa cẩm em gái K . Đã có nhiều mối tình nảy sinh từ giếng nước và giếng là chứng nhân cho những câu chuyện tình , có câu chuyện tình lãng mạng đầy trắc trở như Lan và Điệp nhưng cũng có những chuyện tình mang nặng giấu ấn hiện sinh yêu cuồng sống vội ( hehe em tính dẫn chứng vài chuyện nhưng hình như lạc đề Grin)

Mùa khô khổ về nước nhưng được cái tìm địch đánh rất dễ dàng , cứ lần theo suối thế nào cũng hốt được vài ba thằng , nếu may mắn tóm được 1 lũ con trai con gái đang nô đùa dưới suối vừa đã con mắt vừa hốt ba lô súng đạn ngọt xớt . Tuy nhiên hành quân theo chiến dịch thì liệu cái thần hồn , mấy ông tham mưu tác chiến chấm điểm toàn trên bản đồ ,lính đi lè lưỡi không có nước uống mà hình như theo mấy ổng nghĩ lính chắc là trâu bò nên không cần ăn không cần uống và thậm chí không cần ngủ . Cứ địch chạy tới đâu là dí lính chạy theo tới đó (chả trách C cứ báo cáo đi lạc hoài Grin)

Mìn thời gian sau này không đa dạng về chủng loại hay bẫy như trước . Mình 652a gọn nhẹ gài rất nhanh con nít cũng gài được nên địch và dân không cần bẫy gì cho phức tạp cứ phát hiện ra mình la nó bỏ mìn xuống rồi rút êm , vài chục thằng đi qua thế nào cũng 1 thằng đạp trúng . Mìn có thể nổ mọi lúc mọi nơi chứ không cần mò vào cứ địch khiến lính rất ám ảnh lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác chổ nào dân né không đi thì mình cũng tránh vậy mà cũng bị hoài .)

Bom nhọn như cây kim

128 ngày đêm trong chiến dịch Nam Lào, Tiểu đoàn tôi hành quân liên miên để đánh địch: đánh chiếm cũng có, chi viện cho đơn vị bạn cũng có, riêng tiểu đội 2W bọn tôi liên tục phải chuyển quân theo các đại đội hoặc trung đội khi cần. Có ngày tôi phải di chuyển nhiều lần theo đại đội cũng có hoặc từ đại đội này sang đại đội khác do yêu cầu tác chiến của Tiểu đoàn. Mệt mỏi và thiếu ngủ là chuyện thường ngày của lính 2W đến mức đến đại đội mới bọn tôi không đủ sức đào hầm trú, chỉ nằm dựa gốc cây hay ụ mối nào đó để dịch mật mã và phát sóng ngay và nếu địa hình tác chiến có suối cạn là bọn tôi mừng hú rồi.

Do chuyện không đào hầm trú ẩn đã một lần mình nhìn thấy thần chết mà không động đậy được chân tay, đó là lần mình cùng Trường "đỏ" vác máy 2W xuống đại đội 2 gần Bản Nataben dưới chân phukhông, do quá mệt mỏi mình chọn một cây to chu vi khoảng hai ba người ôm đã bị đổ để trú chân ( gần hầm đại đội trưởng). Sau khi quăng dây trời phát tin báo về Tiểu đoàn mình ôm máy nằm ngủ, còn Trường đỏ đến hầm đại đội chuyển tin báo cho đại trưởng và ở đó luôn. Khi nghe tiếng gầm rú của máy bay ném bom mình thức giấc vội ôm máy chạy đến hầm đại đội lúc này anh em đã xuống hầm và khi thấy mình một ai đó nói vọng ra: hầm chật rồi, mình vội ấn chiếc máy 2W cho Trường đỏ và dặn cho máy vô hầm, còn mình vội chạy ra nằm bên cạnh cây đổ và nhìn máy bay ném bom – ba chiếc quần thảo vong tròn khu rừng mình trú quân, bom thả liên tục mình chỉ tự nhủ chắc bị lộ nên máy bay ném bom dữ dội vậy... và bất ngờ một chiếc bay đến phía mình và thả bom – Ôi chết rồi, chân tay cứng đờ không nhấc nổi khi mắt tôi nhìn thấy quả bom nhọn như mũi kim đâm thẳng xuống, mình cứng đơ nằm chờ chết; bom nổ, mình còn sống ư, bấu tay chân – đau; anh em chạy úa lên tìm mình thấy họ nói mà mình chẳng nghe thấy gì, hóa ra ù tai, điếc mất mấy ngày. Thật may hôm đó bom thả là quả bom phạt, và nằm phía bên kia thân cây nên mình thoát chết. Cả cánh rừng trước đó còn xanh um, sau trận bom này các cây to bật trơ gốc, xơ xác trống trơ cả cánh rừng, các hầm chiến đấu nổi rõ hoặc sập gần hết và nay nghĩ lại nó chỉ khác trận siêu bão ở Đà Nẵng là mầu cỏ cây bị cháy nham nhở. Từ trận đó về sau, mệt mấy mình cũng đào hầm dù có nông quèn cũng còn hơn không đào. Trận bom này, khiến đại đội 2 tổn thất nặng nề phải ke cáng nhau rút khỏi vị trí chiến đâu.

Về Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ, tôi được phân đi phối thuộc với đại đội 3 chốt ở xưởng cưa và do tai ù không nghe được rõ lên chuyển vị trí máy chính cho Trường đỏ và tôi là máy phụ. Bám theo đường dây điện thoại chúng tôi đến đại đội 3. Tại đây chúng tôi ở chung hầm với đại trưởng để tiện việc chỉ huy của Tiểu đoàn, thỉnh thoảng tôi chạy xuống các trung đội chơi với bọn thằng Minh Hàng Khoai.

(Xin phụ họa thêm với bạn.
Ngày 14 tháng 2 năm 1971 tai lèn NaĐi huyện CamCơt Lào tôi chỉ huy một đại đội giao quân 137 đồng chí, trong đó có 27 đồng chí là cán bộ trung, đại đội sang tiếp thêm quân cho các đơn vị đang chiến đấu tại tỉnh BôLiKhamxay. Buổi trưa đơn vị dừng lại nấu ăn để chiều tối vượt trọng điểm địch hay đánh phá gần đó. Do lính mới, cứ nghĩ quanh lèn cao thế này có khói một tý cũng tan ngay nên chủ quan. Lúc đó đã 13h anh em đã vào hang lèn ăn cơm, máy bay OV10, L19,AD6 cứ gầm rú, đảo lộn bên ngoài. Có 5 chiến sỹ đang dập khói trên bếp vừa nấu xong để vào hang ăn cơm nhưng lại dập khói bằng cách đổ nước vào. Một đám khói bay lên cao trùm lên một khoảng không khá rộng thế là máy bay địch phát hiện, chúng nhào xuông ném bom trong lúc tôi đang đứng kêu gào và xô, đẩy 5 chiến sỹ kia vào hang thật nhanh.
Không kịp nữa. Một quả bom phạt nổ cạnh tôi chỉ khoảng 3m, may có hòn đá to che chắn. Tôi bị bom xé toạc bộ quần áo Tô Châu mới coong. Trên mình chỉ còn nửa thân quần phía trên ôm lấy quần lót vì có thắt lưng buộc chặt. Đồng hồ RAKETTA Liên Xô đeo tay, dép cao su TQ bay mất tăm. Toàn thân thuốc bom đen nhẽm, thế mà không một vết chầy xướt nào do bom hoặc mảnh đá gây ra. 5 chiến sỹ kia tôi xô nhào vào trong hang nên cũng có đồng chí xây xẩm mặt mày nhưng không ai hy sinh, bị thương, vì bom rơi gần tôi nhất. May mắn có Tổ tiên và ông Trời phù hộ.

- Vào trung tuần 11/78 trên hướng Snuol F5 bắt đần mở chiến dịch đánh lên Kratie. Q16 tụi tôi nhận nhiệm vụ thọc sâu đón lõng địch.Sau 3-4 ngày ,đêm hàng quân liên tục tụi tôi đến vị trí phục kích.Bên tôi chỉ mấy thằng vác súng không phải mang theo cuốc,xẻng còn lại ae vác đạn phải mang theo cuốc chim,xẻng,cưa cá mập.Đất cứng trộn sỏi vẫn phải đào (xẻng Mỹ không ăn thua đâu bác ơi ) tụi tôi phải dùng cuốc chim bổ cho đất,sỏi rã ra sau đó dùng xẻng xúc từng chút một,đào xong cưa cây lát làm nắp xong lại...đi qua vị trí mới .1 đêm di chuyển vị trí 3 lần và tôi tham gia đào 3 cái hầm.Tay phồng rộp ,người mỏi như đi mượn nhưng vẫn phải đào vì tụi tôi biết là hỏa lực một khi đã khai hỏa là lộ vị trí ngay ,mà lại không thể di chuyển mau lẹ như bộ binh được mà các bác biết bên nào cũng vậy hỏa lực là phải tiêu diệt trước, nên biết là khổ vẫn phải đào.
Một lần chủ quan và chúng tôi phải trả giá ! khoảng mùng 7-8 tết 78 qua 79 (tôi không nhớ ngày dương) sau khi đi đánh Pailin về khẩu đội 12.8 ly của tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ kho đạn thu của Pốt trên con đường nhánh từ Battambang về Sisophon .Chiền hôm đó sau khi nhận vị trí anh Hà lính 74 Thanh Hóa khẩu đội trưởng chỉ vị trí đặt súng và nhắc đào hầm.Lúc này tôi xạ thủ 2 Hải nhà Q3 đi cùng đợt 17/9/78 với tôi xạ thủ 1 (hai thằng thân nhau vì cùng huấn luyện chung một A và đều là con cán bộ Miền nam tập kết). vị trí đặt 12.8ly là một roi đất nhô ra rìa phum khoảng 2m .Phía sau có một cây soài và ụ mốt sau ụ mối có 1 hầm có sẵn có nắp.Vì làm biếng, lại nghĩ địch mới bị đánh te tua đuổi tận lên biên giới Thái thì làm sao giám vào nên tôi và thằng Hải bàn nhau không đào hầm .Sau một đêm yên tĩnh ,sáng hôm sau chưa kịp ăn cơm sáng thì địch vào .Tụi Pốt đi một hàng dọc từ phía ruộng vào phía chúng tôi khoảng 30-40 thằng,Địch vào khoảng 60-70m bộ binh nổ súng trước Hải cũng điểm xạ cùng... cùng khẩu 12.8ly tôi ngồi bên trái súng quan sát địch chỉ cho Hải bắn và sẵn sàng thay thùng đạn khi bắn hết.Sau một lúc bị bất ngờ,địch lợi dụng ụ mối,bờ ruộng bắt trả .Đạn nhọn,M79 bắt đầu tập trung vào khẩu 12.8ly của tôi .Được một lúc do phải ngồi trên doi đất không có hầm hào Hải trúng đạn nhọn ngay ngực trái hi sinh tại chỗ .Sau khi đưa Hải về sau tôi lên thay Hải bắn được vài loạt nữa thì một quả M79 trúng ngay cành soài nổ trên đầu tôi ,tôi bị một mảnh cỡ gần bằng hột bắp xuyên qua nón cối găm vào gáy.(quả đạn này không trúng cành soài mà rớt thẳng thì chắc giờ này tôi cũng không còn được ngồi đâu mổ cò bàn phím).Thấy khẩu 12.8 ly quá bất lợi anh Hà khẩu đôi trưởng dùng AK bắn uy hiếp cho chúng tôi tháo súng 12.8 ly mang lùi vào trong .Từ đó đến trưa tụi tôi lợi dụng ự mối phía sau dùng AK và M79 chiến đấu .Khoảng 15h thì khẩu đội tôi được lệnh rút.Tôi cứ ân hận mãi ,nếu hôm đó tôi đừng làm biếng cố đào hầm đặt súng thì chưa chắc Hải đã hi sinh.)

Lời xin lỗi muộn màng sau 40 năm

Đời lính tham chiến thì nhiều lúc mệt mỏi quá nên đi cũng ngủ, đứng cũng ngủ, ngồi cũng ngủ trong lúc hành quân – các bạn từng ở lính cũng có bạn phân vân, còn các bạn trẻ dứt khoát khẳng định ... tôi nói phét cho vui, những đó là chuyện thực của lính chuyên đánh rừng của bọn tôi. Chiến dịch Nam Lào 128 ngày đêm ấy bọn tôi gần như không có đêm nào gọi là ngủ đúng nghĩa, ngày đánh chiếm từng điểm, đào hầm chốt giữ, tối lại hành quân tác chiến, cứ thế liên miên ngày qua ngày không biết nghỉ là gì, vì vậy thời gian nghỉ bồi dưỡng sức cấp thời chính là khoảng cách thời gian nghỉ giải lao hoặc đứng chờ vượt qua khoảng trống lúc dọc đường hành quân tác chiến; thực sự bọn tôi quá mệt mỏi nên khi đứng dựa lưng vô gốc cây là có thể ngủ rồi, khi đi hành quân cũng ngủ - chúng tôi ngủ lơ mơ, đi theo phản xạ tiếng động phía trước; ngồi cũng ngủ thì không phải bàn.

Nhưng kiểu ngủ này có lần tôi đã đưa gần tiểu đoàn suýt đi vào giữ đội hình địch nộp mạng. Đó là khi bọn tôi hành quân về đánh giành lại sân bay xalavan khi bị địch đổ bộ ra vùng giải phóng chiếm giữ, tôi đi phối thuộc cùng C1 do thủ trưởng Thính Tiểu đoàn phó dẫn đầu tiểu đoàn hành quân. Trinh sát đi trước cùng đại trưởng Ạt và một trung đội, đi giữa đội hình đại đôi một là anh Thính; các đại đội còn lại đi cùng chính trị viên trưởng tiểu đoàn. Đi trong đêm tối không trăng sao, địa hình là rừng thưa, chỉ cần nghe tiếng bước chân người đi trước đạp lạo sạo trên lá là biết đường đi, mệt thì nghỉ khoảng 10 - 20 phút gì đó lại đi tiếp; cả đêm cứ đi, lính tráng vừa đi vừa ngủ gần sáng ngồi nghỉ và đi tiếp bỗng tôi nghe tiếng anh Thính quát khẽ - thằng nào đi trước đấy, dừng lại, dừng lại...cả đội hình bừng tỉnh, lính tráng nhanh như sóc đã đã lăn sang hai phía chuẩn bị tác chiến; thủ trưởng Thính chạy lên phía trước quan sát thì trinh sát và trung đội đi trước không thấy đâu... phía xa xa là bản dân, vài tên địch vừa hút thuốc vừa đi đi lại lại canh gác, thủ trưởng kêu lùi lại...cả đoàn quân từ từ lui về phía sau theo lối mòn vừa đi. Vừa đi thủ trưởng Thính vừa hỏi thằng nào đi trước dẫn đường đấy, tất cả đều ngơ ngác nhìn không biết ai vì đều lơ tơ mơ ngủ cả, riêng tôi, tôi vội lui ra xa ngay, lẩn ra phía sau đội hình không dám ho he. Trinh sát đi trước không thấy đội hình đâu, quay lại tìm và hóa ra chúng tôi đi lạc đường bởi tôi – cái thằng tôi khi ngồi nghỉ lại quay người sang bên không theo hướng tịnh tiến ban đầu nên khi người đi trước vỗ vai bảo đi thế là tôi đứng đậy cứ theo quán tính tịnh tiến mà đi. Hú hồn, may thủ trưởng Thính giỏi địa hình tác chiến, đi một đoạn ông biết ngay – suýt chết ứ ự. Giờ sau gần 40 năm nay viết ra xin nhận khuyết điển với thủ trưởng Thính và đồng đội....cũng vì sợ ông Thính nóng tính "bóp cổ" – riêng chuyện này có lúc sẽ kể.

Tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc
--------------

Sống vui vẻ hết mình, chết thanh thản

Khi lính tân binh Hà Nội được bổ sung vào tiểu đoàn 3 tình nguyện đầu năm 1972 thì ở đây có những lớp lính đi trước được bổ sung lần lượt ở các địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Tây (cũ), Thanh hóa; các thế hệ đi trước này luôn là những đồng chí gương mẫu trong công tác và chiến đấu, là mẫu người cho bọn lính tân binh kiểng Hà Nội học tập.

Ở cứ, khi đi cải thiện theo sự kèm cặp của lính cũ như lúc đi bắn bò với Mão"đen" trinh sát ( trinh sát có 2 đồng chí tên Mão, một người Sơn Tây gọi là Mão "mèo", còn Mão Quảng Bình gọi là Mão "đen") thì khi bắn đồng chí Mão "đen" bảo tôi chỉ được ngắm vào đầu một con bò và bắn chỉ bắn phát một, không được thấy bò đàn hàng chục con đứng chụm gặm cỏ mà lia ngang AK làm bò chết và bị thương nhiều khi chạy vào rừng chết phí phạm và không tốt (bò của thị trưởng Bum Um nghe nói có hàng trăm con và cả của dân khi chiến tranh chạy vào rừng lâu ngày thành bò hoang). Khi thịt bò thì Mão "đen' làm rất nhanh, không phải mất sức nhiều vì khi con bò đang giẫy chết Mão lợi dụng sức giẫy của bò để lột xong da lấy thịt. những lúc rãnh rỗi, bọn mình đều chạy sang trinh sát nhờ Mão cắt tóc, tay thợ lính này cắt tóc thuộc diện siêu, lại vui vẻ, ai nhờ cũng cắt hết (mình cũng cắt tóc được nhưng tay nghề không bằng Mão), nhiều lúc quần áo rách cũng chạy sang nhờ, Mão cũng sẵn lòng vá giúp cứ như tay kim phụ nữ vậy. Còn tiếng Lào thì nói như gió nhưng cũng chơi mình một cú nhớ lâu đó là lần đi xin rơm về nằm vì ở Paksong đêm lạnh giá buốt nên dọc đường nhờ thầy Mão dậy truyền miệng mình tiếng Lào...khi đến bản thấy rơm nhiều mình xin "kho" rơm... mẹ Lào: bò hủ (không biết), ; mình tuôn ra văn vẻ hơn: mẹ hãy lục ..rơm...(mẹ hãy cho con rơm); mẹ vẫn "bò hủ" chưa hiểu ...; mình thể hiện sự hùng biện của mình bằng kiểu vận dụng cách thầy Mão "đen" dậy là kéo rơm ra trải xuống đất rồi nằm lên giơ tay chân ra hiệu?...bạn biết bà mẹ Lào nói gì không - Mẹ thẩu lẹo...mẹ già rồi; phù sao ...con gái trong bản xinh lắm, vào lấy chúng làm vợ đi... Mão lúc đó mới đến nói: mẹ bảo mày vào bản mà tán gái, bảo nó nằm ngủ với mày chứ mẹ già rồi...Trời đất ơi – chơi nhau đến thế thì thôi; sau này về đơn vị Mão ta tiếu lâm kể chuyện tôi đi xin rơm làm cả đơn vị cười ngất ngưởng.

Khi đánh Khôngsêđôn, mình đi phối thuộc cùng tổ trinh sát, mình với Mão "đen" ở một hầm, mỗi khi đi trinh sát về Mão hay dúi cho mình túi gạo khô của Thái ( gạo khô này rất trắng, khi ăn chỉ cần đổ nước là thành cơm), mình chỉ ở nhà cặm cụi dịch mật mã báo cáo cho tiểu đoàn khi hết báo cáo lại thu dây trời ngay để có động là chạy. Khu vực bọn mình nằm để tiện nắm địch là cạnh một con suối cạn, rừng thưa. Sáng hôm đó, khi đi trinh sát về Mão chuẩn bị báo cáo, mình mới quăng dây trời để liên lạc, đang ở dưới hầm mở máy, Mão gọi: Xuân xoan lên ăn cơm, mình bảo xuống dưới này ăn luôn; Mão bảo lên đây ăn đi, có nhiều đồ ăn đây, lính thông tin gì mà nhát thế – nghe vậy mình mò lên bờ suối cạn ( hầm khoét dưới bờ suối cạn) hai thằng ngồi ăn sáng, Mão vừa ăn vừa kể chuyện đi nắm địch, đột nhập vào lấy thức ăn của bọn lính Thái ...bỗng Bùm, một quả đạn pháo mồ côi ở đâu nổ trên đầu làm cả hai té ngửa; khi dậy nhìn thấy Mão vẫn nằm mình chạy tới thấy máu chảy từ bụng ra, tay vội xé ngay cuộng băng cá nhân ấn vào vết thương định cầm máu cho Mão những bàn tay mình vô tình nằm lút luôn trong ổ bụng Mão; nhìn xung quanh mình thấy một mảnh gan bắn ra còn mắc ở bụi le, nhìn Mão thở hắt ra mình biết không thể cứu được Mão; ôm Mão vào lòng, nhìn đồng đội trút hơi thở cuối cùng trên tay (đến giờ mình vẫn không quên được mảnh gan bắn ra nhưng không một lời rên rỉ và chỉ có hơi thở hắt ra lần cuối cùng của Mão).

Ngay sau đó mình đã điện về tiểu đoàn báo cáo và tự tay bọc Mão vào tăng và bó lại cho vào võng để chuẩn bị cho anh em đến cáng đưa Mão về tuyến sau; những mãi đến ngày hôm sau tiểu đoàn mới cử người đến đưa mình và Mão về tiểu đoàn bộ. Đường đi cũng mất hai ngày, cáng tử sĩ các đồng đội ai đã từng cáng chắc biết: cáng thương binh thì mỗi ngày một nhẹ, còn cáng tử sĩ mỗi ngày một nặng, anh em vận tải cáng mệt liên tục đổi ca, mình phải thay ca cáng với anh em.

Nhân ngày 27/7 tôi nhớ lại những ngày chinh chiến gian khổ và sự lạc quan sống vui vẻ và pha chút tinh nghịch của Mão người chiến sĩ - liệt sĩ của tiểu đoàn 3 tình nguyện. Mão "đen" ơi, mình viết bài này thay một nén hương thắp cho Mão và các đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc - nhớ mày lắm Mão"đen" ơi..

Chà, nói chuyện ăn bánh kẹo ở chiến trường cũng giống như ngày xưa được các cụ dắt đi ăn cỗ vậy. Lính ở C bọn mình gạo sấy như cách gọi của anh em lính K thì đối với bọn mình là thứ lương thực xa xỉ, vì mỗi khi có được là bỏ túi để dành dự trữ như lương khô vậy. Còn làm kẹo thì khi về cứ chủ yếu làm kẹo sữa (đường và sữa bột) hơn nữa là khi đi cải thiện trong dân nếu xin được ít đậu phọng làm kẹo kéo là nhất trời đất rồi. Tối đánh bài "túlơkhơ" cách gọi của bọn mình anh em hay tìm mọi cách phải thắng để được ăn kẹo. Mình hay ăn gian - chùi bài bằng cách cho quân bài úp ở lòng bàn tay rồi giả vờ xem bài đã úp để bỏ quân bài xấu, nên chơi bài mình hay thắng. Chuyện giờ mới kể kiểu ăn gian để được ăn kẹo - trẻ con quá phải không đồng đội, vì thèm ngọt quá mà thôi...giờ đồng đội có biết chắc anh em chẳng ai trách hỉ...

Chuyện đi gùi mật ong về bồi dưỡng cho bệnh binh, thương binh nhẹ tại đơn vị

Nhân chuyện thằng con mình cùng đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện của thành phố Đà Nẵng vừa đi khám chữa bệnh cho nhân dân tại 2 tỉnh Atôpơ và xavanakhet – Lào trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ngày ký hiệp ước hợp tác Việt - Lào mới về nhà tối nay 24/7/2012 (ảnh con mình chụp ở Nam Lào tặng mình để nhớ thời trai trẻ đã từng sống và chiến đấu) ; mình nhớ chuyện sau đình chiến khoảng tháng 3 hay tháng 4 năm 1973 được phân công cùng đoàn công tác của tiểu đoàn đi xuống Atôpơ mua mật ong về để bồi dưỡng cho anh em hay bị đau ốm như sốt rét, bị thương nhẹ không đi viện hoặc mới ở viện phẫu tiền phương về.

Dọc đường từ Paksong xuống cảnh vật thật êm đềm và xinh đẹp, hai bên đường hoa dã quỳ nở rộ mình hái một bó thật to để khi đi qua mộ nữ liệt sĩ không tên ( không biết có phải của tiểu đoàn vận tải của Bà Thao không?...) của Sư đoàn 2 thuộc quân khu V hy sinh khi tham gia đánh tăng cường với tiểu đoàn 3 tình nguyện ở Phù Nọng Kin đông giải phóng cao nguyên Bôlôven lần thứ nhất ( thời gian đánh giải phóng trước khi mình vào đơn vị ). Mộ của chị thành niên xung phong nằm gần đường xe bò nên lính bọn mình mỗi dịp được cử đi công tác xuống đồng bằng anh em thường ghé lại nhổ cây dại và để hoa dã quỳ trước mộ và thầm cầu mong chị TNXP phù hộ cho mình - Nghe anh em cũ kể lại khi một trung đoàn của Sư đoàn bộ binh 2 (hình như trung đoàn 64) đánh phối thuộc xong rút đi, lính K3 bọn mình tiếp quản tìm thấy thân thể của chị thanh niên xung phong với đầy đủ trang bị của lính chiến đấu đã chôn cất chị chu đáo theo nghi thức lính chiến. Anh em bảo tóc chị dài lắm, khi chôn cất anh em để tóc của chị trải dài trên bụng; sau này anh em lính này hay nói khi mơ ngủ thấy chị về tâm sự với mái tóc dài, thật dài – chị thiêng thật; chắc giờ mộ của chị đã được đội quy tập sư đoàn 968 quy tập về nghĩa trang Trường Sơn với anh em đồng đội.

Atôpơ thật đẹp, nhà cửa cao ráo với những mái tôn thấp thoáng sau những bụi vầu to đùng, nhân dân ở đây rất hiền hòa, coi tà hán Việt (bộ đội Việt) như con cháu trong nhà thường cho ở và ăn cơm cùng họ. Mấy ngày ở Atôpơ bọn mình đều ngủ bản với nhân dân, ăn bốc xôi trong típ, chấm mắm phà dẹt (không dễ ăn đâu nhé). Một bữa khi ghé nhà dân để hỏi mua mật ong, thấy nhà có đông người ( mặc áo lính phu mi và có súng cạc bin ) chủ nhà bảo ăn cơm trước rồi mua sau, bọn mình vào ăn cùng và cười đùa vui vẻ với tốp thanh niên mặc áo lính. Sau khi ăn xong, tốp thanh niên mặc áo lính cầm súng đi; khi bọn mình mua mật ong mới hỏi: thanh niên ở đâu đông vậy mà có cả súng nữa; bạn biết dân nói gì không: lính phu mi tới mùa thì về làm rẫy với gia đình (mình gọi là địch) nó ghé qua xin ăn rồi đi thôi – lính ta thằng nào thằng ấy tái mặt hỏi lại...tại sao không nói bộ đội mình để bắt nó...dân nói thế này: nó với bộ đội Việt Nam đều tốt cả, tao coi chúng mày như con, như nhau thôi...từ đấy lính ta rất cảnh giác nhưng không có chuyện gì xẩy ra.

Nếu ở Khôngsêđôn tôi thấy trong bản, ngoài nương rẫy nhân dân trồng xoài nhiều và ở xalavan thì ngược lại toàn me cổ thụ thì ở Atôpơ lại nhiều loại vầu hoặc gọi là bương không nhớ nữa; bụi to, cây dựa vào nhau rất cao, thẳng đứng, không gai, ống to bằng bắp đùi, dài cả thước trông rất đẹp (có lẽ không có bão như bên mình nên trông vầu ở Lào rất đẹp). Bọn tôi xin chủ nhà mấy cây vầu già hạ xuống và chặt khúc để đựng mật ong. Dân bảo để nguyên vỏ mang đi, bọn tôi sợ nặng đem bóc hết cật bên ngoài để gùi cho nhẹ ( sáng kiến quá phải không đồng đội?...hơn dân chưa...Hì... Hì..) mỗi thằng chỉ gùi được 3 ống bương mật ong là nặc nè rồi... hành quân về...ống bương đựng mật ong được nút kín cho khỏi đổ... nửa đường về ... trời nóng ...bụp... bụp...bụp...mật ong tóe ra, các ống bương nổ hoặc tự nứt; thằng nào thằng nấy tái mặt vội lấy nilon (áo mưa) đựng mật ong, bao nhiêu đồ trong gùi đều bỏ ra hết để cho túi áo mưa mật ong vào gánh về. Lúc này gùi cũng không được đành chặt cây làm khung đựng gùi nặng thấy ông nội luôn và thay phiên nhau gánh mật ong về..

Đấy dân nói thì không nghe, sáng kiến với chả sáng lui rốt cục gùi cũng không được mà phải chặt gỗ gánh ngược lên cao nguyên mới cực... hì..hì..sướng hỉ... đúng là thằng mục. Đợt này mình còn cái sui nữa là khi nổ toác bình mật ong mình ngã vấp vô đá, chân sưng; tiếc mật ong bị đổ còn vương lại ở các ống bương mình vét ăn bằng hết – thích thật, nhưng sau đó thì cái chân sưng như được mật ong tiếp sức sưng vù to hơn, lại còn nhức buốt mới chết, cả quảng đường về cà lết, cà nết với cây gậy... đúng là tham thì thâm thật.

Gặp bạn thủa thiếu thời nơi chiến trường


Đang chốt cùng đại đội 3 ở xưởng cưa, mới sáng sớm đã nhận được bản tin thật dài thì mình biết ngay ông Ngô - chính trị viên trưởng tiểu đoàn viết; ông là người lãnh đạo ở tiểu đoàn nổi tiếng viết điện dài và rất dài nhưng nội dung thì ít, bọn tôi mỗi lần dịch mật mã là mệt luôn. Thời đó bữa nào ăn cơm gạo đồ của Trung Quốc (nhạt phèo, cứng ngắc) chán lắm, cộng thêm phải dịch điện của ông Ngô là oải nên từ lính thông tin bọn tôi truyền ra toàn tiểu đoàn câu – "Cơm gạo đồ, điện ông Ngô" đã trở thành câu nói ám chỉ của riêng bọn tôi về sự việc nào đó nhạt nhẽo, dai nhắt...; nhưng ông cũng là mẫu người khắc khổ (khi tôi vào Đảng cũng khổ vì kiểu thử thách của cụ này), gương mẫu lấy mình ra để làm gương cho lính - thời đó lính mới Nam Hà bổ sung vào đơn vị buổi chiều, chập tối là đi đánh ngay nên hy sinh nhiều do không quen địa hình, tiếng nổ của bom đạn và sợ bom B52 nên có một đồng chí luôn ở dưới hầm từ ăn uống đến đi đại tiện... Biết được tin như vậy, ông cho liên lạc chọn những đồng chí nhát nhất lên tiểu đoàn bộ công tác và cho ở cạnh ông, khi bom pháo ông cứ ung dung nằm trên hầm mở đài nghe ca nhạc, còn lính mới chạy núp dưới hầm ông cũng mặc kệ... sau vài ngày lính ta tự điều chỉnh tinh thần bản thân, khi đó ông mới cho về đại đội, sau các đồng chí Nam Hà này đánh rất tốt.


Lệnh Tiểu đoàn điều Đại đội 3 là đơn vị ở gần nhất Phù Khống đi đánh giải vây cho anh em lính pháo chốt ở Phù Khống đang bị lính Thái phong tỏa mấy ngày nay, anh em pháo 12 ly 7 đã phải gim nòng pháo xuống bắn nhau với bộ binh Thái để giữ trận địa được tôi truyền đạt cho đại trưởng thông qua bản tin. Mình lại cuốn dây trời, đeo máy vận động ban ngày theo chân đại đội 3 đi giải vây ở Phù Khống. Máy bay L19 bay vè vè trên đầu thì dùng lại, đi xa lại chạy vận động cho kịp thời gian ứng cứu; lúc này thời gian là quan trọng nên đại đội 3 bất chấp nguy hiểm chạy đua với thời gian. Vì là mùa khô nên suối cạn, ruộng (na) khô, rừng thưa... bọn tôi cắt đường ngắn nhất đến vị trí chiến đấu. Đến nơi, anh em bộ binh đánh ngay, còn tôi lên máy báo về tiểu đoàn để chỉ huy trận đánh, đến chiều đại đội 3 đánh thông lên và bắt được liên lạc với đơn vị pháo.


Tối đại đội 3 được lệnh rút ra cùng đơn vị pháo phòng không 12 ly 7, dọc đường về khi nghỉ giữa bãi na thấy tiếng nói quen quen, ngửng đầu nhìn lên thấy bóng dáng một người lính cao, vạm vỡ, đang một mình vác nòng pháo khệnh khạng đi vượt qua đội hình chúng tôi - dưới bóng trăng, hình ảnh người lính thật đẹp và oai hùng; người lính này đang hể hả kể lại chuyện mình vừa bắn rơi được một chiếc máy bay ném bom với giọng nói vang trong đêm khuya tĩnh mịch, rất khỏe khoắn, trong sáng và giọng cười rất tươi, tôi buột miệng gọi: Đài đó phải không?..cậu ta hỏi lại ai đó?..mày đấy phải không xuânxoăn.. thế là cậu buông nòng pháo xuống đánh phịt xuống đất, tôi đứng dậy hai đứa ôm nhau hỏi han rối rít..hóa ra cả hai cùng là lính sư đoàn, tôi nhập ngũ 5.1970 trước cậu 3 tháng sau ra quân, cậu lại nhập ngũ sau 3 tháng nhưng đi thẳng chiến trường nên sau này tôi nhập ngũ lần hai không ai biết ai. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng nhiều ngày sau mình không ngủ được vì ký ức tuổi thơ cứ tràn về... vì không có 5 xu mua vé nên phải xé - chui rào nứa ở bãi chiếu bóng Lương yên, Hà Nội vào xem phim ké; hè về đi câu cá rô, hái ổi trộm ở các bờ ao rau muống ở Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy...rồi cảnh hai thằng lớn lên cùng đạp xe đạp đi tán gái (hai chị em ruột) ở Hàng Bún sao nhớ nhung đến thế - mình thích cô em, Đài thích cô chị nhưng cô em lại thích Đài, cô chị lại thích mình thế là chẳng thằng nào được yêu, vào chiến trường cứ tiêng tiếc, nhớ nhớ kiểu chi chẳng biết nữa. Sau này Đài ra quân năm 1974 chúng tôi tạm biệt nhau trên đường tôi về Miền Nam chiến đấu. Ra quân cậu đi Đức mấy năm, khi về nước mở tiệm vải cùng vợ ở Phùng Khắc khoan.

Lính chiến... nhưng ngố ơi là ngố

Mang tiếng là lính K3 tình nguyện, từng là tiểu đoàn bảo vệ bên này cầu Hiền Lương, vào chiến trường mang đủ mật danh mặt trận từ mặt trận A, B, C tới mặt trận X và Y thậm chí cả mặt trận Z ( oách quá phải không các chiến hữu ); thế mà khi về Miền Nam lại ngơ ngơ như "bò đi cợp" nói như anh em khu 4 hay nói đùa. Chẳng là khi ra đường dây, vui quá, binh trạm quân vào quân ra rầm rập, í ới tiếng con gái thích quá là thích; lính ta mặt thằng nào thằng nấy hớn hở, dọc đường hành quân thấy bên đường nhiều thùng phi 200 lít đựng đầy mỡ thế là lính ta hô mỡ, có mỡ ...sướng quá thế là bao nhiêu longo, ănggô...đều được lính ta tận dụng đựng đầy mỡ. Khi đóng quân ở vườn xoài Lệ Thanh – Lệ Xuân có rất nhiều sắn lính ta mới trổ tài ca cóng nào nơi này nhổ sắn luộc, nơi kia giã làm bánh rồi dùng mỡ dọc đường hành quân lấy được để rán bánh – ngon ơi là ngon, nhưng khốn nỗi sau đó đít quần thằng nào thằng nấy chẩy và dính ngập dầu mỡ, giặt mãi không hết; gặp anh chị em đường dây hỏi, họ phì cười bảo:

- ới mấy anh bộ đội giải phóng ơi, mỡ đó là mỡ cho xe tăng ăn đấy, không phải cho bộ đội ăn đâu, ăn mỡ đó vào không tiêu, tự nó chẩy ra thấm hết đít quần ...thôi thì lính anh, lính em của tiểu đoàn tôi về cho mỡ ra rừng hết...ngố thật.

Nằm chốt tiền tiêu năm đình chiến cùng đại phó Lợi C2


Trước đình chiến 1973, đơn vị có đánh giành một số điểm chốt có lợi cho chiến đấu sau này nên khi đình chiến tôi được bổ sung cho hữu tuyến đi chốt cùng đại phó Lợi C2 (người Hà Nội vào B năm 1967) để quan sát nắm tình hình phía bên kia chuyến tuyến. Nói chuyến tuyển cho to chứ chỉ cách nhau một vườn chè của dân Việt kiều, không biết ở Miền Nam đình chiến như thế nào chứ bọn tôi ở đây rất yên ắng vì phía bên kia là lính Hoàng gia Lào họ thật sự không muốn đánh đấm, nếu đoạn nào có lính đặc nhiệm Thái được Mỹ huấn luyện thì giới tuyến thật sự căng mắt 24/24.

Khu vực hai anh em nằm chốt nắm địch là khu rừng già cây cổ thụ cao, rất nhiều sóc và chim; phong lan nở tỏa hương đêm như thì thầm nhắc nhở mình nhớ về Hà Nội với mùi hương sữa thơm nồng nhưng đêm đầu tiên mắc võng ngủ lại là đêm bất an nhất vì nghe nhiều tiếng sột soạt cả 2 anh em đều phải thức canh chừng suốt đêm, sáng ngày thấy nhiều vết chân thú mà rùng mình. Anh Lợi bàn với mình đào hầm trú đêm, thế là một thằng quan, một thằng lính hì hục đào cả ngày được một hầm chữ A rộng để đồn trú. Hầm có 2 cửa để dễ bề đào tẩu nếu thú rừng tấn công, trên miệng hầm là những bó cành gai để ngăn thú rúc vào...tối yên tâm ngủ đủ giấc.

Nhưng cũng chỉ được vài ngày, quanh quẩn vẫn có thú rình rập 2 anh em làm bẫy quanh hầm – vì là lính "cày đường nhựa" không giỏi chuyện săn bắt, mình chỉ nghĩ được mỗi kiểu bẫy đơn giản là bẫy thòng lọng: lấy dây điện thoại buộc làm thòng lọng, làm một cái cần có treo theo thêm 2 vỏ hộp thịt hộp và một cái chốt hãm khi thú bước vào hoặc giật mồi thì cần bật tung, kéo cổ con thú lên. Đêm anh em hồi hộp chờ và phân công anh Lợi cầm đèn pin và khẩu súng ngắn còn mình thì chuẩn bị sẵn khẩu AK chờ... Leng keng...ầm ĩ thế là 2 anh em lao lên, anh Lợi soi thấy một con thú mắc bẫy to như con chó, mầu lông đen xì đang lồng lộn tìm đừng thoát, tôi bấm cò một phát con thú dẫy chết ngay. Sáng bắc nước sôi cạo lông, thui và mổ thịt như chó ( con này nước đái khai lắm ), sau này khi bắn được tiếp gọi về cho anh em D bộ và đại đội 1 lên chốt quan sát gánh về thịt, anh em ở nhà nói là chó sói, bọn này đi theo bầy, nhiều lắm.

Nằm chốt chỉ có 2 anh em cũng buồn, nên mình hay tập bắn bằng AK và mượn súng ngắn của anh Lợi tập bắn và sau khi thấy bắn tốt mình bắt đầu đi săn (chỉ ban ngày) và mỗi khi nghe có tiếng nổ ở nhà là anh Lợi đã bắc nước chuẩn bị khi thì bắn được chim câu, khi thì sóc, chủ yếu là thú nhỏ - cho đến giờ mình bắn chim vẫn tốt dù đã là U60 nhưng mắt chưa dùng kính: nhà có giàn phong lan, có loại chim to hơn chim sẻ một tí, mầu lông xám hay ăn nụ hoa, tức mượn khẩu súng săn về và thỉnh thoảng vặt lông vài con để dành kha khá là mời anh em hàng xóm nhậu.

Hai anh em ở với nhau thân thiện, có thời gian rảnh rỗi nói chuyện riêng tư thoải mái, anh buồn khi nói sau chiến tranh giải ngũ về già rồi chắc không lấy được vợ, mình đùa bảo về em giới thiệu chị gái và mình bảo anh thôi thì ... bộ xương già ấp ủ trái tim non... vậy là anh cười hì hì khoái trá thế là tâm sự hết cỡ và tối hôm đó anh đùa anh em mình thương nhau đến chết mới thôi nhé...mình ừ đâu biết ổng cho mình hít... Tối hôm đó hai anh em đắp chăn chung, anh bắt trùm chăn kín đầu và...bủm, bủm...thở không được mình nhoài ra thở ổng cười hì hì..nói thế mà bảo thương nhau đến chết mới bủm một cái đã ...thật hết biết kiểu đùa của lính Hà thành. Sau đợt chốt này, khoảng đầu 1974 đại phó Lợi ra quân vì lớn tuổi về làm chủ tịch UBND phường Hàng Bông, tôi có giới thiệu bà chị gái nhưng sau khi gia đình tôi chuyển về Miền Nam anh chị có duyên mà không có phận nên không thành vợ thành chồng được tuy vẫn quý nhau.

Lan rừng và nhớ về đồng đội ở Trường Sơn

Ở trường Sơn, khi hành quân qua bất chợt gặp những cánh rừng già, những thác nước đổ nhẹ nhàng (mùa khô); phong lan mọc dầy đặc trên thân cây cổ thụ với chùm hoa phong lan treo lơ lửng trên cành cây, chim hót, vượn hú phong cảnh như đẹp cảnh thần tiên vậy. Nhưng cũng có những cánh rừng bị bom B52 rải thảm thì cảnh vật sơ xác tiêu điều; cây đổ ngổn ngang, cây chưa đổ thì đứng trọc trời như "Từ Hải" bị cháy xém và trên những gạc giữa thân và cành đó còn lại vài giò phong lan bám sát thân treo lơ lửng như mình gửi tặng đồng đội chiêm ngưỡng. Sự hồi sinh của loài cây họ dương sỉ (như Behien Qyv7c) lan còn sống sót này ( giờ khi dưỡng giỏ lan rừng này mình mới biết càng nhiều năm tuổi nó càng to và càng dài, nên mình có thể khẳng định là nó sống sót sau cơn bom B52) hay nói cách khác sự sống sót của loại lan này sau bom đạn thật kỳ diệu – tươi xanh và thả mình dài khoe sắc.

Đúng như CCBTT nói có người đã gọi nó là ổ rồng hay đuôi công, đuôi phượng hoặc như bọn lính tôi thời đó gọi là tai voi - lan tai voi, đơn giản là cái mà CCBTT gọi là "ổ rồng" có lá phủ to (mọc) bọc quanh thành ổ to như bọn tôi tưởng tượng tai to nhất trong các loài thú là tai voi. Nhưng có lẽ gọi là "ổ rồng" là hay nhất vì mầu xanh và chiếc đuôi của nó tuyệt đẹp; và ở đây tôi lại nghe một tên gọi mới giật mình của beHien quân y viện 7C gọi "ổ rồng" cùng loại với họ dương sỉ ( chắc hai cô bé này có nuôi lan này, hoặc yêu lan mới hiểu tên lan này) – Tuy nhiên mình hơi buồn một xí tên gọi vì cây ổ rồng mình nâng niu nuôi dưỡng 10 mà "em bé" quân y phang ngang họ dương sỉ; nhưng điều "behien QYV7C" nói đây có thể là điều sự thật vì loại lan "ổ rồng" này không có hoa như loài dương sỉ, và hơn 10 năm qua (dạng lan cổ thụ rồi đấy), mỗi năm ổ nó to ra một xí, đuôi nó dài ra một xí, riêng xí hoa lại không có, buồn hỉ...

Ở cánh rừng bom trơ trụi này có một vài giỏ lan "ổ rồng" còn treo lơ lửng trên cây là nơi tôi và trọng C6 đã đi qua; trong nhật ký của trọng có viết tới một đại đội trong tiểu đoàn đi B của chúng tôi do cấp trên yêu cầu chi viện gấp cho chiến trường lên đã hành quân đột xuất bằng xe cơ giới vào Nam; với Trọng nói là sau này có gặp các chiến hữu này đánh ở Quảng Trị ra thì mừng cho chúng nó quá; còn tôi hồi đó đã khóc khi nghe cánh giao liên dẫn quân thuộc binh trạm giục chúng tôi đi nhanh qua khu vực này vì mấy ngày trước có một đại đội hành quân cùng đợt của chúng tôi bằng xe cơ giới bị đúng làn bom B52 và hy sinh hết, mùi tanh vất vưởng và quạ còn bay xáo xác trên đầu chúng tôi. Chiến trường là vậy, khi ở binh trạm trước khi bọn chúng được lên xe ô tô đi thì reo hò phấn khởi vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi, còn bọn tôi mặt xị như cái bị vì không được may mắn như chúng nó, mình chỉ ao ước được đi ô tô như chúng nó dù có chết cũng được - cho đỡ khổ cái thân phải hành quân bộ; đời đúng là mỗi người một số phận, không ai nói trước được.

Lá thư thứ nhất của lính tình nguyện:
Viết trong chiến dịch 128 ngày đêm ở Nam Lào 1972


Những cuốn nhật ký như của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và những lá thư bất hủ của các liệt sĩ đánh thành cổ Quảng trị - là những di sản văn hóa vô giá của những chiến binh Việt Nam bảo vệ Tổ quốc thời hiện đại; những di vật lịch sử ấy đã kể lại cho con cháu muôn đời sau biết một thế hệ đã sống và chết như thế; sẽ mãi mãi là nguồn lửa thiêng thiêu rụi mọi kẻ thù xâm lăng đất nước ta.

Và hôm nay chúng ta đang sống giữa thế giới thực của cuộc đời thực mà cha ông chúng ta mơ ước từ 80 năm về trước; trong thời đại mà Bằng cấp, Chức vụ được đặt nặng lên nội dung đời sống xã hội thì vấn đề "con dân" từ người nông dân tay lấm chân bùn, những thị dân nơi đô thị, người lính nghĩa vụ sau khi hoàn thành nghĩa vụ...đang trở nên mờ nhạt. Rất may, trong các hình thức giáo dục; trong các sân chơi có tính giáo dục lại có diễn đàn "dựng nước và giữ nước" xuất hiện đúng lúc Tổ quốc cần và đây là một nhu cầu rất tự nhiên của dân tộc Việt Nam từ ngàn năm dụng nước và giữ nước luôn luôn tự khẳng định mình trước nguy cơ bị thôn tính; nơi nhân dân tự định hướng và giáo dục con dân đặt vấn đề: Tổ quốc trên hết - "một thời máu và hoa" đã thực hiện được mong muốn truyền lửa cho nhau của những chiến binh bảo vệ Tổ quốc thời hiện đại.

Với thế hệ lính trơn, lính không số đúng nghĩa như bọn tôi, may mà còn sống thì sau 40 năm cũng cố lần hồi ức để nhớ lại, viết lại những năm tháng của tuổi thanh niên đã từng sống như thế nào?...; rằng dù đây chỉ là những nét vẽ thô thiển của những người lính trơn, không danh phận trên diễn đàn chính trị nhưng cũng muốn minh chứng rằng trong thời máu và hoa lửa ở chiến trường số lính trơn này đã vẽ nên lịch sử chiến thắng bằng máu và nước mắt của họ; viết tuy chưa đúng lắm do phải viết theo quy chế của diễn đàn, chưa phản ảnh đầy đủ lắm vì chỉ là một bộ phận nhỏ, rất nhỏ tham gia diễn dàn nhưng cũng muốn gửi gắm với đồng đội đã hy sinh rằng chúng tôi cũng đã cố gắng phản ánh trung thực nhất cuộc đời thực mà các anh, các chị và chúng tôi từng đã sống và chiến đấu.

Để tôn trọng lịch sử của thời gian, với những lá thư ít ỏi ( vì tôi là 1 trong 3 đứa con tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam trong một gia đình và tôi bị đồn thổi là hồi chánh theo địch) thư tôi gửi về nhà trước 1975 đã được cha mẹ cất kỹ, coi như bảo bối và sau ngày chiến thắng Má tôi vẫn giữ cho đến ngày bà mất năm 2004 tôi mới được đọc lại (chụp gửi nguyên bản). Đọc lại thư tôi biết là từ ngày vào chiến trường tôi không nhận được thư nhà cho tới ngày ra về phép năm 1976; trong thư tôi không biết Lang - anh đầu tôi đi chiến trường Lào 1966 và ra bắc an dưỡng năm 1970 lại đi B vào chiến trường khu V năm 1972 và cùng năm đó Liên - em trai tôi bỏ giấy gọi vào đại học Lâm nghiệp, nhận giấy gọi nhập ngũ và tham chiến tại chiến trường Bình Trị Thiên đánh mãi đến năm 1974 bị thương mới ra Bắc điều dưỡng (trong thư tôi viết hỏi thăm cứ tưởng anh và em tôi đang đi học đại học ở Miền Bắc); lá thư thứ nhất này thật sự mình không nhớ là gửi ai mang ra, nhưng tin chắc một điều dứt khoát chỉ có đồng đội bị thương của tiểu đoàn và thân với mình ra Miền Bắc điều trị vết thương.

Lá thư thứ nhất dài 4 trang có cả số hòm thư hồi đó, lá thư thứ 2 chỉ đúng vài dòng - đúng nghĩa lá thiệp báo tin; lá thư thứ 3 thể hiện không khí mùa xuân 1975. Nội dung thư viết về chiến trường tôi viết rất ngắn gọn mà chủ yếu dành hỏi thăm gia đình để thỏa lòng nỗi nhớ cha mẹ; hồi ức viết trên trang mạng của tôi đã phản ánh tương đối chân thực về chiến trường Lào mà đơn vị tôi đã sống và chiến đấu. Trong hồi ức tôi viết có thể nhần lẫn giữ các trận đánh giải phóng và những trận chốt giữ Khôngsêđôn sau giải phóng mà trong thư 1973 tôi sử dụng từ "chống càn". Cũng một người viết, không gian và thời gian viết lại đã làm sai lệch "hình thức" sự thực mình đã từng sống, nhưng về nội dung là không sai – trong thư toát lên tinh thần một thế hệ thanh niên đầy lạc quan trong chiến đấu và sức chịu đựng gian khổ vượt quá giới hạn sức sống một con người; đây là lá thư thứ nhất.

Thế đấy, một thế hệ được nuôi dưỡng bằng tinh thần nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Bản Tuyên ngôn do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 mang tính dân chủ: "tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" và thế hệ chúng tôi được học tập và rèn luyện trong một môi trường sư phạm như vậy, với những nhà lãnh đạo kiệt xuất như vậy thì điều tất yếu để bảo vệ quyền dân chủ của bản thân mình chúng tôi phải sống, chiến đấu hết mình và chết như thế đó.

Lá thư thứ 2: Thiệp báo tin

Lá thư thứ 2 của mình viết đó trong những ngày đình chiến năm 1973, thời gian này bọn lính mình được nghỉ ngơi không phải đánh nhau nữa, như bài mình viết về đi mua mật ong ở Atôpơ gặp bất ngờ giữa lính Hoàng gia Lào và bộ đội Việt Nam không cần biết địch ta, dân cho ăn hai bên cứ ngồi ăn rồi ai đi đằng nấy; Mình nhớ hồi đó hình như trên chỉ đạo theo ý của trung ương bạn là gặp lính phu mi Lào không tiêu diệt mà nếu đánh thì chỉ đánh tượng trưng thôi vì dân bạn quá ít.

Khi hiệp định đình chiến được ký kết mỗi thằng lính chiến trường chỉ được phát 01 (một) thiệp báo tin (như bản chụp kèm theo); đây là lá thư đầu tiên và duy nhất trong những năm đánh đấm ở chiến trường mình được phép gửi theo đường quân bưu và được đưa đến tận nhà. Thiệp báo tin - được dùng từ thời 2 miền Nam Bắc của đất nước chia cách tạm thời, tôi nghe nói hồi đó trong vòng 2 năm đầu nhân dân 2 miền có nhận được tin của gia đình ly tán thông qua thiệp báo tin này và tôi không ngờ đến thế hệ tôi lại sử dung thiệp báo tin này. Bác nào còn giữ thiệp báo tin hồi 1955 - 1956 gửi cho xem, xem có khác thời tôi không.

Nội dung thiệp báo tin được trên quy định chỉ viết báo tin còn sống, không để lộ địa chỉ chiến trường (mặt sau tự ghi địa chỉ gia đình).

Lá thư thư 3: Đường ra trận như trẩy hội mùa xuân
( gửi bản sao bên thư của lính)

Lá thư thứ 3 cũng là lá thư cuối cùng của đời lính chiến của tôi gửi về nhà khi trở về Việt Nam, khi ấy được lên đường dây 559 là nhất rồi. khí thế lắm, con đường mình đã đi qua và đã cùng đồng đội bảo vệ nó thế mà khi lên đường dây thấy mình như là lính mới - "đường Trường Sơn, con đường ra trận của người lính trẻ năm ấy vui như trẩy hội mùa xuân" không phải chỉ có trong công tác tuyên truyền và những truyện trong phim ảnh, trong huyền thoại mà điều đó có thật. Trong bài "lính chiến ngố ơi là ngố", tôi đã phản ánh một phần sự hoan hỉ của Sư đoàn tôi khi trở về Miền Nam chiến đấu. Ở lá thư viết năm 1974 này tôi đã tả lên nỗi súc động và niềm vui sướng tuột độ đến nỗi tôi đã reo lên lúc đó: Đất mình, nước mình đây rồi; có chết cũng sướng vì được về đất mẹ để chết.

Niềm vui sướng khi được về đất nước và được chết trong lòng đất mẹ không chỉ là lòng mong muốn của riêng tôi mà còn là ước nguyện của cả Sư đoàn tôi; bao năm ở nước bạn Lào, nỗi nhớ quê da diết trong lòng, được nhân lên gấp bội qua mỗi trận đánh, qua mỗi lầm ôm xác đồng đội. Nay đường về quê xanh mướt những cánh rừng già, những đoàn quân vào quân ra với tiếng í ới của các O lính thanh niên xung phong; thoảng đâu đó tiếng anh ơi, em ơi nghe sao ngọt lịm đến thế.

Tháng 12 năm 1974 đặt chân về đất mẹ thân yêu, tôi đã tranh thủ viết thư về thăm nhà và thật ra mình chỉ nhớ mài mại là gửi thằng Minh Hàng khoai bị thương ra Bắc điều trị; nhưng giờ xem lại bút tích Ba mình ghi địa chỉ ở phong bì người mang thư ra thì đúng là thằng Minh 17 Hàng khoai và thằng Quang 43 Hàng Đồng về bắc mình đã gửi thư về gia đinh. Cám ơn 2 đồng đội đã mang thư về và đến tới tận nhà kể chuyện mình còn sống để động viên Ba, má và chị em trong gia đình mình ( vì lúc đó mình vẫn bị mang tiếng là lính hồi chánh sang phía Việt Nam Cộng hòa).

Nằm ở đường dây 559 chờ xe chở quân, bọn mình chỉnh trang quân phục (nói thế chứ quần áo lính chiến đấu cũ rích khác hẳn lính đường dây), rỗi lúc nào là chạy vào binh trạm tán mấy O lính binh trạm và hồi đó anh em lính binh trạm thấy mặt lính chiến bọn mình là .... thấy gét luôn, vì nhiều thằng tán "gái" – tán mấy O rất điệu nghệ, khi về thế nào cũng được mấy O thưởng nào là thịt hộp, ruốc bông, lương khô cao cấp...nhiều thứ thực phẩm hết biết luôn. Thích lắm, nhưng cũng chẳng được mấy ngày; xe đến, lần này đúng là không muốn cũng phải lên xe ô tô đi, khi mình đã quen hành quân bộ, dọc đường nghỉ còn tán được mấy O binh trạm thì cấp trên lại bắt đi ô tô có tức không...Tạm biệt binh trạm các anh ra vẫy chào vui vẻ, còn chị em bùi ngùi lưu luyến nắm tay to nhỏ với một số thằng và bớt chợt một lính ta được "chút" – một nụ hôn cả xe reo hò, làm cô nàng lính binh trạm sợ chạy mất tiêu...

Tản mạn lính về đời thường

Thế là được đi ăn dưỡng; mong ước nho nhỏ hồi ở chiến trường những năm gian khổ là được nghỉ ngơi để khỏi phải đánh đấm ít ngày thôi mà không được, nay sau 34 năm ra quân mới thực hiện được – không chỉ ít ngày mà 10 ngày cơ đấy và lại là ở Đà Lạt mộng mơ chứ không phải trạm xá trung đoàn đâu nhé. Thật thú vị phải không các bạn, đời cứ mơ ước đị; trời sẽ chẳng phụ người có ước mơ và có lòng kiên trì theo đuổi.(hình ảnh trạm nghỉ dưởng 198 Đà Lạt).Đoàn an dưỡng, điều dưỡng này được tổ chức chu đáo và nề nếp, doanh trại khang trang sạch đẹp. Tác phong của cán bộ nhân viên của đoàn niểm nở như các đồng chí binh trạm đường dây năm xưa; trả lời và giải đáp thắc mắc chu đáo, ăn luôn đổi món và nấu ngon; tối có y ta đến từng phòng đo mạch, nhắc nhở các đồng chí lớn tuổi đêm tránh ra gió, dù kinh tế thị trường khắt khe, đoàn an dưỡng vẫn bố trí xe đưa anh em đi tham quan một buổi...tự nhiên mình mong các viện quân y bây giờ giữ được tác phong như đoàn an dưỡng này thì hay biết mấy, tuy chưa bằng viện quân y thời chiến tranh nhưng tình đồng chí, đồng đội được đề cao.

Nghỉ dưỡng của anh em cựu binh đã nghỉ hưu theo giấy mời của Bộ Quốc phòng thông qua Quân khu và gửi về cho các tỉnh, bộ chỉ huy tỉnh đội thông báo trực tiếp cho cựu chiến binh cơ sở theo mình được biết là như vậy đấy "lính thông tin" ạ. Tại đoàn an dưỡng này mình thấy cách tổ chức tùy các tỉnh đội địa phương như cách địa phương Miền Trung thì cá nhân tự túc đi, vé tầu xe Bộ thanh toán lại; còn khu vực phía nam mình vừa gặp anh em cựu binh tỉnh Đồng Nai do phó chủ tịch hội cựu binh làm trưởng đoàn (có ảnh mình chụp đoàn CCB tỉnh Đồng Nai) thì các huyện đội thông báo và có hỗ trợ thêm kinh phía cho anh em CCB, tỉnh đội bố trí xe đưa đón và có một (01) cán bộ tỉnh đội đưa đi. Mình đi nhờ xe anh em Đồng Nai đi dinh Bảo Đại và nhận thấy quản lý trật tự xã hội thật đa rạng, không hiểu còn có nơi nào như ở đây không; các cháu bán hàng tranh ảnh khỏa thân của thiếu nữ lại tự do đến như vậy – nhớ năm 1975 hộp quẹt của Mỹ cũ có hình cô gái nuy cứ nhìn nghiêng bên này có kiểu hình nuy một cô, nghiêng bên kia lại hình nuy khác, thằng nào có để lộ là bị kiểm điểm chết bỏ và kết tội đồi trụy cách mạng và bây giờ ở Đà Lạt những hình này không còn là hộp quẹt bé nhỏ mà là những bức tranh to để treo tường được; mấy anh lính già Miền đông mua một bức và nói khi nào về cho bọn nó nhậu 3 xị hết mồi kêu tao, tao cho chúng mồi mới này...hì..hì..thế là trên đường đi rôm rả lính Miền Đông và lính Miền Trung, lính Tây Nguyên kể cho nhau nghe chuyện xưa của mình...mình ghi lại câu chuyện này của lính Nam bộ kể cho đồng đội nghe chơi....Nằm viện quân y miền, có đồng chí thương binh bị thương mà vết thương rất khó băng bó nhất là khi có y tá nữ trẻ - khi vào thay bông băng và vệ sinh vết thương, nữ chiến sĩ y tá này rất chu đáo tận tình từ khâu gỡ gặc và rửa vết thương của thương binh này nhưng khi y tá vừa ra đến cửa thì đồng chí thương binh gọi với: y tá ơi, nó lại tuột băng rồi; cô y tá lại đến bên thương binh từ từ nhẹ nhàng băng lại vết thương cho đồng chí thương binh, nhưng cứ khi nữ y tá này bước ra cửa là đồng chí thương binh lại gọi giật y tá, yêu cầu băng lại vết thương làm anh em thương binh nặng nằm cùng lán nghĩ nữ y tá trẻ kém nghiệp vụ chuyên môn. Cả sáng, nữ y tá này không thể băng bó được vết thương của người thương binh này. Cô y tá bèn chạy xin ý kiến của y tá có kinh nghiệm hơn; một nữ y tá lớn tuổi đến cùng y tá trẻ khi nhìn vết thương của chàng lính bèn bảo cô y tá trẻ đưa ngay lọ cồn và chấm...chấm vô vết thương - chàng lính trẻ kêu đau, kêu rát quá má ơi; khi đó nữ y tá trẻ bắt đầu băng bó lại, kỳ lạ thay, kỳ này chỉ cần băng một lần là được ngay...hóa ra chàng thương binh trẻ bị thương vào "cái cần" và mỗi khi cô y tá trẻ đụng vô thay băng là nó to tướng và khi băng rồi cô y tá đi là nó xẹp lép làm bông đi đằng bông, băng đi đằng băng...tội cô y tá thật.

Gót chân Asin sau giải phóng

Người ta giờ đây hay nói đến tính chuyên nghiệp và để hiểu được khái niệm này đất nước ta sau hòa bình đã trả giá bằng sự thất thoát tài năng, tài nguyên; trật tự, kỷ cương của đất nước thiếu các Bộ Luật dẫn dắt; đến giờ chúng ta vẫn lúng túng từ cách dùng người, cách tổ chức bộ máy, nói như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là lỗi hệ thống; ai đó hợp với trên là làm được tuốt, vì con người nào đó là lại sinh ra tổ chức mới – cứ nhập vào rồi tách ra, chi phí thì cứ dùng tiền thuế của dân mà thử nghiệm chính sách. Cách đây 35 năm bọn tôi tuy là lính nhưng cũng phải hành quân kiểu đèn cù do điều hành chỉ theo ý chí của người cấp trên: lúc thì ở quân cảng Cam Ranh, tình hình yêu cầu lại lên rừng tiểu phỉ, Tây Nguyên tạm yên lại điều sư đoàn thiện chiến rừng núi về đồng bằng trồng bông ở Thuận Hải ( sau gần 40 năm thành dự án điện hạt nhân ); đổi phiên hiệu sư đoàn thành nông trường trồng bông 968 và tất nhiên lính chiến bọn tôi không có trình độ trồng bông nên đồng loạt ra quân...sau 1978, tình hình phức tạp, anh em nông trường trồng bông 968 lại bỏ cầy cuốc, tập cầm súng và tiếp tục lên rừng vượt Trường Sơn sang Lào lần II. Nói vắn tắt là vậy, chứ chuyện thủng thẳng như thế này: .

Trại Trần Nguyên Hãn tháng 6/1975. Nắng như thiêu, như đốt, cả tiểu đoàn bộ nằm gọn trong khu nhà tôn có tên Trại Trần Nguyên Hãn, anh em lính cởi trần ra nằm dưới đất tránh cái nóng buổi trưa của Cam Ranh; buổi tối bọn tôi, Tuân gián điệp, Toán trinh sát thường trèo lên nằm ở mái bằng bằng bê tông của vọng gác cho mát, ngắm trăng sao và tâm sự cuộc đời riêng tư của mỗi đứa và ước mơ sau này khi dời quân ngũ (lên cao để khỏi bị điều ra tiếng vô không hay của những người hay nghe lỏm rồi báo cáo lấy công); thỉnh thoảng bọn tôi bị ngắt quảng bởi tiếng hô: có địch, có địch của một đồng chí lính của đơn vị nào không biết bị tâm thần vừa chạy vừa hô – lần đầu bọn tôi tưởng thật đơn vị báo động chiến đấu, nhưng sau quen dần...với đồng đội bị tâm thần này. Mới giải phóng xong đã thấy phức tạp rồi, cuộc sống trong sáng của người lính chiến không còn như trước; những tháng ngày vô tư đã sống, chiến đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ không còn nữa, còn hôm nay hòa bình rồi lại phải tìm cách để sinh tồn trong thế giới vật chất thực mà lãnh đạo hồi đó hay phê phán là chủ nghĩa thực dụng. Trong cả tốp lính 4/9/1971 ở Tiểu đoàn bộ lúc này chỉ có mình tôi mới vừa được kết nạp vào Đảng ít ngày, còn các địa phương khác cũng có một số ít; số kết nạp nhiều phần đông là anh em người cùng quê cán bộ Tiểu đoàn nên nhiều chuyện to nhỏ của lính, anh em hay tâm sự với mình. Bi quan, chán nản bắt đầu xuất hiện, anh em đơn vị hay gọi tôi là anh do tôn trọng người lính gương mẫu đi đầu trong chiến đấu nên thường nói: anh tham gia trận giải phóng Thanh An, Thanh Bình bị quả 105 may còn sống, trong chiến đấu phục vụ tốt thông tin chỉ huy ở trận chốt giữ điểm cao 605 nổi tiếng của Tiểu đoàn mới được kết nạp Đảng; còn lãnh đạo Tiểu đoàn thì được cấp trên cất nhắc lên trung đoàn sau trận thắng hướng nghi binh chiến lược; còn anh em lính như tôi vẫn làm lính. Ngược lại số lính vào sau được đề bạt nhiều do thành phần cơ bản và cùng quê, còn lính Hà tiểu tư sản quá nên chỉ dùng đánh trận mà không sử dụng, nếu có sử dụng cũng không cất nhắc, có cất nhắc thì cũng cất nhắc đại khái nhưng không dùng. Cuộc đời cứ lẩn quẩn quanh mấy chữ "cục bộ địa phương".

Điển hình như thằng Lợi "trọc" Gia Lâm đại đội 1 "tút" về Bắc mới vào thời đó suýt bị tước quân tịch, (cậu ta đảo ngũ mang luôn súng, lưu đạn về chắc để tán gái cho oách) – dại thật đánh đấm không đảo ngũ, hòa bình không được về phép theo thứ tự nên "tự thưởng phép" cho mình, đúng là bản chất của dân kẻ chợ, thích tự do phóng túng và chính tôi ở lá thư gửi ngày 22/12/1974 về cho gia đình đoạn gạch tẩy xóa nay vẫn đọc được nếu các bạn chú ý tuy tôi viết hơi nặng nhưng thực sự là bức súc ( " SaiGonGuider" xem gúp chuyển lá thư đó về trang này này giúp bạn đọc dễ xem và chứng minh mình bức xúc trước hòa bình về chuyện là có thật) chính là sự thất vọng của tôi khi đó là do cán bộ lúc nào cũng nghi ngờ anh em địa phương khác - theo kiểu văn hóa sau lũy tre làng, cứ đề bạt sử dụng quê hương mình đã, còn miền quê khác cứ chờ đấy, cứ thử thách dài dài đến chết mới tin. Nhưng vào Đảng thời đó chỉ khổ thêm chứ có được gì đâu mà than với vãn, tôi vào Đảng xong, cứ chỗ nào khó, chỗ nào vất vả là ấn Đảng viên dự bị đi trước. Sau này lên Tây nguyên tiểu trừ Pulro mình cũng nhiều lần sống dở chết dở và bị phê bình thậm chí lý lịch quân nhân hồi ra quân còn bị ghi là ....(sao lý lịch quân nhân kèm theo).

Mà về phép hồi đó chỉ có quà giá trị nhất là con búp bê mắt nhắm mắt mở và hơn nữa khung xe đạp; mà cũng lạ xe đạp hồi ấy miền Bắc quản lý ngặt nghèo từ số khung và biển số; không biết lính ta mang ra làm gì nữa; đồng đội nào mang ra, nay kể chuyện mang cái khung xe đạp Miền Nam mang ra Bắc làm gì đi. Thời đó chỉ có Ngọc Thiuthiu là mang "con cá xanh" ra Bắc là thấy được, đỡ tủi phận lính chiến. còn mình về phép đơn vị cho phép mang khẩu AK báng gấp, còn khẩu côn quay thằng Toán đưa để mình phòng thân ở vùng mới giải phóng, 5 quả lựu đạn mỏ vịt, một cái ống nhòm Mỹ và một tập bản đồ đánh trận Bắc Tây nguyên (...về Đà Nẵng cho oai lính Tây nguyên ) và một chiếc ba lô lép kẹp – tài sản về phép sau chiến tranh của mình là thế đó ...khi về nghe chuyện Má kể hồi ở Miền Bắc bị ép do có con hồi chánh, tức quá định vác súng ra Bắc trị tội bọn dám nói mình hồi chánh – trong này mình đánh cũng chết đi sống lại, khen thưởng cũng đỏ ngực mà dám nói mình hồi chánh; Má, Ba mình khuyên mãi nên tạm thời mình không đề cập đến việc ra Bắc bắn bỏ kẻ thù hậu phương.

Sau ngày tôi trả phép đơn vị mình được lệnh hành quân với mệnh lệnh: mỗi đồng chí một bó củi; lính ta đồn thổi thổi tiếp tục Nam tiến rồi; Nửa đêm, xe GMC vận tải đến và anh em lên xe chạy ngược ra phía Bắc chạy tới Nha Trang rẽ trái lên cao nguyên, đường 21 đây rồi...bọn bay ơi, dậy đi, ta lại về với rừng rồi...lúc này vui buồn lẫn lộn thằng thì phân tích như ông cụ non ...ta là lính đánh rừng ở đồng bằng không đúng; thằng thì bảo chúng mày nhìn lại xem, mặt mũi thằng nào, thằng nấy xỉn đen, mắt trắng rã, môi thâm xì có mà để chúng mày ở đồng bằng làm mất mặt Quân giải phóng Miền Nam – phải để bọn tân binh, môi son, da trắng quần áo mới tinh vào quân quản mới phù hợp ; 7 thằng Việt cộng bám cộng đu đủ không gãy mà đòi về tiếp quản thành phố...thôi thì đủ lý lẽ nhưng lý lẽ này là đúng nhất: Một , hai, ba ..vất ...thế là những bó củi được vất toàn bộ dưới chân đèo phượng Hoàng.

Lên Tây nguyên đợt này bọn mình được giao nhiệm vụ truy quét tàn binh và tẩy trừ Pulro và chuyện Pulro báo chí đã nói nhiều theo tiếng nói chính thống. mình không phải chuyên gia nên chỉ viết những chu yện mình trải qua. Tiểu đoàn bộ ở Bunky, các đại đội ở các buôn xung quanh, lúc này chỉ sử dụng hữu tuyến và liên lạc tiểu đoàn chỉ khi tác chiến mới dùng 2W. Do cơ cấu bố trí lại tổ chức sau này mình được điều xuống làm quản lý tiểu đoàn bộ và sau giải phóng được dùng từ mỹ miều là Quản trị trưởng tiểu đoàn bộ - thực thà lúc này mình cũng muốn được đi học sĩ quan, nhưng có thể do thành phần gia đình bên ngoại là địa chủ (địa chủ kháng chiến), cha mình là công chức thời Pháp (nhưng theo cách mạng từ năm 1944 - là người liên lạc đưa thư từ trại giam ra ngoài cho đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ Xứ ủy Trung kỳ ) và do mình là dân từng sống một thời gian ở Hà Nội thì có lẽ cũng phải biết điều là quên chuyện này đi - dù sau này anh em biết mình là người Miền Nam theo cha mẹ tập kết ra Bắc; và dù cá nhân được suy tôn chiến sĩ thi đua cấp sư đoàn, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng thì chuyện học sĩ quan vẫn xa vời vợi với mình giống như mơ tưởng với trời xanh vậy - nói thế thôi chứ Hà Nội cũng có 1 thằng - thằng Một mới về làm chính trị viên đại đội 2 nhưng là người ở tiểu đoàn khác đi học bổ túc sĩ quan được điều về tiểu đoàn mình (sau làm viện trưởng một viện Kiểm sát quân đội).

Quản lý D bộ nơi mà mình gét nhất trong các vị trí ở quân đội như những bài trước mình viết. Khi đánh đấm thì mình làm lính chiến, thèm khát từ miếng cơm cháy, muốn được nghỉ một ngày cũng không được, nay hòa bình bọn lính chiến được tự do tung tẩy các bản làng còn mình lại phải cơm bưng, nước rót cho chúng nó – tức thật, thế là phản pháo với ông C. chính trị viên tiểu đoàn. Họp toàn đơn vị, ông C. phê phán tư tưởng dao động của mình bị ảnh hưởng bởi vật chất, cách sống thực dụng của chủ nghĩa tư bản và chụp cho mình cái mũ: tư tưởng mang hoang giao động trước diễn biến hòa bình (không phải bây giờ mới có những từ ngữ này, hồi mới giải phóng đã có rồi, và đánh nhau với địch thì không hoang mang, còn bây chừ lại hoang mang với đồng chí mình - chi lạ rứa), từ người chiến sĩ gương mẫu của tiểu đoàn trong chiến đấu, mình bước một bước lùi trở thành lính tụt tạt trước con mắt của chính trị viên tiểu đoàn – hết việc nấu ăn là suốt ngày mình ngồi cà phê, nghe nhạc vàng ở căn nhà sàn ở tiểu đội trinh sát của thằng Toán (nó có dàn máy A kai nghe sướng cả lỗ tai). Thế là tháng ngày phụ trách nuôi quan và nuôi quân D bộ bắt đầu, dưới mình chỉ có 2 hay 3 thằng lính gì đó, ngày ngày phải ra chợ Ban Mê Thuột mua thực phẩm, về có gì ngon gọi bọn lính thân xuống ăn trước khi đãi quan tiểu đoàn; thỉnh thoảng làm giấy tờ cho mấy thằng đệ của cán bộ tiểu đoàn đi học bổ túc sĩ quan mà càng thương lính Hà; giờ nghĩ lại vẫn tức: trong chiến đấu anh em đánh tốt quá, văn hóa cũng đều tốt nghiệp cấp III hoặc đang học dở lớp 10 có kinh nghiệm trong chiến đấu mà nó chẳng cho đi học hành gì hết, cứ làm lính tuồn rừng đánh đuổi Pulro, còn cứ đồng hương của nó đánh đấm cũng lằng nhằng, là lính vào chiến trường sau, văn hóa cũng chưa qua cấp III nhưng lại được cử đi học bổ túc sĩ quan tuốt; chán đời thằng mục thật.

Tuy mang tiếng tụt tạt, nhưng cuối năm mình vẫn có tên trong danh sách mời đi dự và báo cáo thành tích tại đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua của Sư đoàn tổ chức tại ngã 6 căn cứ cũ của Sư đoàn 23 của Việt Nam Cộng Hòa, tại thị xã Ban Mê Thuộc.

Pulro là tao

Được quán triệt tiểu trừ Pulro, lính tiểu đoàn 4 lại bắt đầu luồn rừng. Nhưng lần này, lính bọn tôi không đi theo đội hình đại đội hoặc trung đội gì hết một phần vì lính đều trải qua chiến trận và lính mới chưa bổ sung, anh em đã thông thuộc địa hình tây nguyên nên cứ tổ 3 người là bọn tôi có thể luồn rừng được rồi. Người của Pulro hình như luôn tránh mặt chúng tôi, trong khi lính đoàn 773 nông trường cao su binh đoàn Tây nguyên chuyên bị tấn công; linh trinh sát thì đi tìm vị trí của người mà trên chỉ đạo bắt là Phó tổng Thống tự phong của người dân tộc là Ibacơi, còn chúng tôi lính bộ binh cứ chia thành từng tốp nhỏ mang cơm nắm luồn rừng tìm địch để đánh những không gặp.

Sau một thời gian không có hiệu quả ở rừng do chỉ bắt được số ít người có mang vũ khí quân dụng của lính Việt Nam Cộng Hòa (bất cứ người dân nào mang vũ khí là bọn tôi bắt tuốt) và theo báo cáo của trên xuống thì lực lượng Pulro có xu hướng lan tỏa trong các buôn làng, trên chỉ đạo tăng cường nằm chốt tại các bản và các đơn vị lại cử người đi dân vận, có lúc tăng cường dân vận từ Buôn Mê Thuột tới tận Lâm Đồng. bọn Lợi trọc đại đội I đi làm cán bộ xã giáp giới với Lâm Đồng, còn bọn tôi vẫn nằm ở Bunky.

Hàng ngày ngồi chơi nói chuyện với bọn trai bản và chiều chiều anh em tiểu đoàn bộ tổ chức đá banh chung với người Ê-đê; thanh niên bản khỏe thật chúng ụi bọn mình ngã lia chia, về khoản đá banh chỉ lính Hà Nội hồi đó đá là thanh niên người Ê-Đê phục vì tài dắt bóng và làm bàn; trong đội bóng tôi và thằng Toán, Tuân Hàng Lược, Sơn người Sơn Tây ở đại đội 2 hay đá – trận đá bóng mừng giải phóng năm 1975 tại Đà Nẵng, đơn vị cử thằng Toán tham gia đội bóng Sư đoàn 968 quân giải phóng đá hữu nghị với các đội tại sân Chi Lăng. Chiều ra góc đa đầu bản Bunky uống nước quán cô Hà - cô gái kinh rất đẹp lấy chồng người dân tộc; tóc cô bán hàng dài tới gót, môi son tự nhiên, da trắng hồng, thằng Một người Hà Nội bên tiểu đoàn 5 đi học bổ túc sĩ quan mấy tháng về được bổ sung làm chính trị viên đại 2 ở tiểu đoàn mình chuyên ra đây ve vãn cô nàng này, bên hông nó lúc nào cũng đeo kè kè khẩu súng ngắn, miệng thì tía lia coi lính Hà Nội ở tiểu đoàn bọn tôi không ra cái gì vì chậm tiến bộ, thằng chồng của cô Hà bán quán ghen với thằng Một còn bọn tôi nó coi bình thường như anh em. Sau có lần ngồi uống rượu với nó, tôi hỏi nó về Pulro là ai nó nói: pulro là tao, bọn nó vào bản ghi tên tao vào danh sách thế là tao thành pulro rồi...Câu nói này được phản ánh lên trên và từ nguồn tình báo chính thống của quân đội nắm được mình mới biết thực chất quân đội pulro này là không có thực, chỉ có số ít người thượng trí thức không chấp nhận chế độ giải phóng đã khơi lại một tổ chức đã chết của người thượng từ thời Pháp đô hộ trước đây và nhóm người này thường đi các buôn làng ghi tên tuổi thanh niên người thượng vào danh sách và coi đó là thành viên của mặt trận Pulro...họ tuyên truyền ra nước ngoài là lực lượng được mở rộng trên tất cả bản làng Tây nguyên thực chất chỉ là trên giấy vẽ mà thôi; và sau này khi tập trung một số thanh niên bản đi học tập quả thật có tên anh chàng này..
.

Cả thời gian này ở rừng Tây nguyên gần như bọn tôi chỉ đánh lằng nhằng vì tàn quân lính VNCH thấy chúng tôi truy quét mạnh và gắt gao lên tự tan rã, vất vũ khí trong rừng, tìm đường về quê; còn lính pulro chỉ là sự manh nha, tổ chức lỏng lẻo, quân số ít trong khi cả Sư đoàn tôi là lính chuyên đánh rừng lùng sục suốt ngày đêm như "ma só" không chỗ nào trên bản đồ dự kiến có lính Pulro mà bọn tôi không đạp đến bằng luồn rừng hoặc cơ động bằng xe ôtô GMC và cả đổ bộ bằng đường không ( trực thăng ở sân bay dã chiến L19) ; lính 968 đi rừng cũng giống như người dân tộc đi rừng chỉ khác là mình mang đầy vũ khí và đi ít nhất là tổ 3 người; chỉ tội anh em mình quần áo sơ mướp hết, anh em chủ yếu mặc quần đùi là chính – tôi nhớ khi tôi được đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua của Sư đoàn mới được cấp một bộ đồ mới để dùng và sau trừ vào chỉ tiêu quân trang của năm đó; khi ngồi uống rượu cần với dân bản hai bên cũng ngà ngà say mình nói nó là dân đít mốc vì chuyên đóng khố; dân bản nói mình bọn mày là lính đít chai, quần đùi cũng rách tả tươm khác gì đóng khố – huề, vì đít bọn mình mốc thực, chai đít thật vì lội rừng suốt ngày như người dân tộc, mệt đâu là ngồi nghỉ như người dân - đất, đá, gốc cây...da mông cọ sát trực tiếp nên chai đít hết. Dân nói bọn mình là lính chai đít có lẽ một phần họ thấy lính chúng mình đen trũi, cũng lem luốc, quần áo cũ rích gần gũi như con dân họ vậy.

Đó là kết luận về pulro của bọn lính mình còn lính trinh sát và các đại đội vẫn luồn rừng tìm hang ổ của tổ chức này theo chỉ đạo của trên; khoản đầu năm 1976 lính trinh sát báo nắm được sào huyệt Pulro thế là bọn tội lên xe GMC đổ bộ cạnh thị tứ Hà Lan; lội bộ rào rừng tìm địch; mấy ngày sau vẫn không thấy, chỉ thấy chỗ mắc mấy cái tăng võng của chúng giống như người đi rừng ngủ lại. Năm phục mấy ngày cũng không thấy bóng dáng chúng đâu, hêt thuốc, thèm thuốc tôi đi bới tìm những mẫu thuốc mà mình vất trước đây để hút lại, đang tìm thì ông C. tới hỏi tìm gì, tôi bột miệng nói tìm vàng.; ông tưởng thật cũng cúi tìm giúp tôi và hỏi nó như thế nào, chết thật nói đùa mà giờ thủ trưởng hỏi thật biết làm sao đành nói rối tiếp, hồi về phép cha mẹ có cho chỉ vàng đeo, nằm mở ra xem ngủ nó rơi lúc nào không biết – thế là thủ trưởng cùng mình lục tung đám lá rừng tìm, mình thì chủ động tìm thuốc hút, còn ông C. tìm cái kia, làm sao có thế có khi mình không có và còn mình vẫn có thuốc hút dù là thuốc mót.

Tôi làm quản lý tiểu đoàn bộ


Sau này khi về đơn vị, tiếng đồn rộ lên việc tôi chơi sỏ chính trị viên, ông C. càng cay cú; cứ họp Tiểu đoàn bộ là mình bị phê bình đầu tiên; chán nản tột độ chợt nghĩ giá hồi ở cạnh sân bay Nọng Nô, khi anh em trinh sát đưa đội hình đặt nhầm Tiểu đoàn bộ ngay rìa na; sáng địch đổ bộ sát ngay Tiểu đoàn bộ mọi hoạt động đều ngừng để sãn sàng chiến đấu nếu địch phát hiện ta. Trong trận này, ông ta là chính trị viên phó tiểu đoàn mới ở đường dây xuống và toàn ở dưới hầm chỉ huy, không dám ló mặt lên miệng hầm, còn tôi lính 2W phải nằm trên miệng hầm của ông ta và sau này ông còn bắt mình bò ra sát rìa để đánh địch nếu chúng mò đến. Nằm cả ngày chỉ thấy lính địch ra ị, nhìn phát tức mà không được lệnh nổ súng, cứ để cho chúng ị trước mặt – giờ mình mới biết tức như thế nào là bị bò đá (không phải là bồ đá); nhưng chúng không dám vào sâu trong rừng nên không phát hiện ra ta... lúc đó tôi tức ông ta vì nhút nhát, không gương mẫu như các cán bộ khác, một ý nghĩ thoáng qua – nhát thế, chắc bắn ông ta trước rồi bắn địch sau, may địch không phát hiện nếu không chẳng biết chuyện gì xẩy ra nữa.

Năm ấy họp hội nghị quân chính, nghị quyết của Hội đồng quân nhân là mổ heo, nhưng kinh phí không có, đơn vị cơ động liên tục để truy quét tàn quân và phỉ Pulro nên không có chuyện tăng gia sản xuất, không có heo dự trữ như ngày ở chiến trường Lào. Mình đã báo cáo Chính trị viên tiểu đoàn nhưng ông ta bảo: Nghị quyết đã ra rồi, phải có heo liên hoan, đồng chí làm quản lý phải thực hiện, nếu không có là chết với tôi. Chết thì chết, lấy tiền đâu mà mua heo; ngày đạị hội quân chính tôi cũng cho anh em chuẩn bị chu đáo bữa cơm liên hoan, không có heo nhưng thịt cá tươi có đủ, các món rau tươi và tiêu chuẩn mỗi tiểu đội có một chai rượu được bọc một tờ giấy có hình một con heo mà tôi vẽ cả đêm.

Tan hội nghị quân chính, anh em xuống lấy cơm cứ hỏi sao thủ trưởng bảo có thịt heo liên hoan vì không thấy dồi heo ( hồi ấy liên hoan phải mổ heo mới là to) – tức mình tôi chỉ: đấy con heo to thế mà không nhìn thấy à...lính tráng nhận cơm liên hoan ra hô: heo giấy, heo giấy, thịt heo giấy, liên hoan heo giấy. Chắc mọi chuyện sau này các đồng đội biết tôi bị quy kết như thế nào rồi không cần phải kể nữa; nhưng câu phê phán về tôi, tôi nhớ mãi là ...đồng chí Xuân lưu manh chính trị, trên chưa cấp bổ sung tiền thì thôi, lại đi vẽ heo giấy để khích bác thủ trưởng tiểu đoàn...thật đúng như các cụ dậy: khôn không đến trẻ, khỏe không đến già... cứ tưởng mình ứng sử thế là hay lắm, khôn lắm ...thật ra là dở ẹt; nhưng có dở ẹt thì mới có câu chuyên hôm nay mình vừa viết vừa cười tủm tỉm..hi ..hi cười sống thêm ít giây cũng tốt và cũng hay hay khi đời lính chiến có những kỷ niệm buồn, hơi buồn tí thôi.

Chuyện phấn đấu vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày ở chiến trường


Chậm một chút mà lại hay – qua ý kiến tuy chưa nhiều nhưng tôi cho là tiêu biểu hai luồng quan điểm đóng góp về bài viết này, cám ơn các đồng đội đã tham gia. Để làm rõ hơn tôi sẽ chia thành phần để lý giải quá khứ và hiện thực của người Đảng viên ngày xưa vào Đảng và tôi tin rằng có nhưng không nhiều đồng chí trong Bộ chính trị hơn tuổi Đảng của tôi vì có đồng chí từng công tác với tôi ở một văn phòng hồi tuổi trẻ... Tôi hy vọng các đồng chí đó thỉnh thoảng ghé qua trang "Dựng nước và giữ nước" để hiểu những người lính đã từng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng năm xưa nay sống và suy nghĩ như thế nào về Đảng.


Phần I. Động cơ

Cuộc đời người lính nhập ngũ ngày 4/9/1971 của Trung đoàn Thủ đô vượt được Trường Sơn đã là một thắng lợi, một cột mốc quan trọng trong cả cuộc đời lính chiến - Hành quân trên đường Trường Sơn vô cùng vất vả, với bao gian lao nguy hiểm giống như mọi cuộc hành quân khác của thanh niên Miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào Nam chiến đấu; nhưng dù là cùng một thế hệ 5X thì tính đặc thù của thanh niên thị thành khác với các địa phương khác ở lối sống và mức hưởng thụ tinh thần vật chất ( thời đó) đã tạo nên tính tự do vô tổ chức là có thật và sức chịu đựng vất vả gian lao thì dứt khoát không bằng anh em ở vùng nông thôn ( chính vì lý do đó các đồng chí thủ trưởng ở các đơn vị chiến đấu thường không thích nhận lính là người Thủ đô).

Nhưng khi anh em vào đến chiến trường lại hòa nhập rất nhanh về sức bền cũng như sự chịu đựng bom đạn, sự vận dụng linh hoạt trong chiến đấu và tính tập thể rất cao. Dọc đường Trường Sơn, lính Hà Nội luôn tạo ra những tiếng cười vui vẻ bởi những câu chuyện tiếu lâm để quên đi nỗi mệt nhọc đường trường. Sự vô tư trong sáng đó đến độ chẳng cần gì hết, chẳng sợ tai tiếng gì hết - chỉ cần "còn cái đó" và đến được chiến trường chiến đấu hiểu theo nghĩa lính chiến như Dục "râu" tôi đã kể: vất tất, chỉ cần vào đến chiến trường là được; vui vẻ sống dù gian khó đến mấy để rồi khi phải chết lại rất thanh thản không một điều oán trách. Đó là đặc điểm của thế hệ 5X, có thể nhiều thế hệ sau này nói bọn tôi ngông cuồng cũng được, mà nói ngố cũng chẵng sao; bởi thế hệ chúng tôi ( tôi không nói cái tôi, tôi nói cái chúng ta ) là thế hệ thứ 2 con của những người nông dân được cách mạng chia ruộng đất, được quyền làm chủ trên mảnh đất được chia trong cải cách ruộng đất nên nhà Thơ Tố Hữu mới đúc kết "...Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà/vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng..." và thế hệ chúng tôi con cháu những người nông dân ấy đã biết chữ, được học hành biết rằng mình cầm súng chính là sự nối tiếp biện chứng của tinh thần cha ông trong cuộc cách mạng tháng 8/1945 không chỉ bảo vệ sự yên bình của gia đình quê hương, bảo vệ mảnh ruộng được cách mạng chia cho gia đình, mà cao hơn xa hơn là sự thống nhất hai miền Bắc Nam; là sự hòa hợp dân tộc Việt Nam.

Chính sự nung nấu ý chí quyết thắng và sự hun đúc tinh thần vì độc lập tự do ấy, những con người ưu tú nhất của thế hệ chúng tôi đã ngã xuống bảo vệ từng tất đất của Tổ quốc - tiêu biểu như những chiến sĩ là học sinh, sinh viên sẵn sàng xếp nghiên bút, rời giảng đường đại học và đã hy sinh ở thành Cổ Quảng Trị; là những đồng chí Đảng viên ở khắp mọi miền đất nước luôn gương mẫu đi đầu trong chiến đấu và hy sinh anh dũng như những chuyện hy sinh ở tiểu đoàn tôi đã kể và sẽ kể tiếp. Họ là những tấm gương tiêu biểu mà chúng tôi những người lính tham chiến luôn ngưỡng mộ - những người đảng viên với tình thần sãn sàng dâng hiến tính mạng của để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao trước sự hiện diện của những người quần chúng như chúng tôi; với chúng tôi, họ chính là những thần tượng có thực ngay trước mắt, không đâu xa; chính vì vậy, chúng tôi đã luôn cố gắng sống và chiến đấu như họ, những người Đảng viên ấy và mong ước được mau chóng đứng trong hàng ngũ của Đảng Lao Động Việt Nam ( bây giờ đổi tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Đó là động cơ tôi phấn đấu vào Đảng và dù bây giờ khi Đảng đang mất dần lòng tin trong nhân dân do một số sai lầm trong chính sách, do sự tham nhũng của một số kẻ có chức quyền dẫn đến bức súc ở số lớn Đảng viên và đã có một số Đảng viên đã trả thẻ Đảng nhưng với tôi thì chưa thể, vì hiện diện trước mắt tôi vẫn là các đồng chí đảng viên, quần chúng của Đảng khi gục ngã vì đạn kẻ thù vẫn giữ niềm tin: Đảng là hy vọng của nhân dân lao động chân chính; tôi tin rằng để tồn tại, Đảng mà trực tiếp những người cầm quyền sẽ phải tự điều chỉnh chính sách và coi bọn tham nhũng là kẻ thù duy nhất và lớn nhất và lâu dài của Đảng ở trong nước.

Phần II. Sự thủ thách

Ở chiến trường được công nhận là đối tương đảng trong chi bộ thì những đồng chí đó phải là những đồng chí mẫu mực trong công tác và dũng cảm trong chiến đấu được đồng đội tin tưởng và lúc này tôi cũng được công nhận là cảm tình Đảng. Nhưng khi viết lý lịch do thành phần địa chủ bên ngoại và thành phần gia đinh Tiển tư sản viên chức theo bên nội – họp Chi bộ xét các đồng chí đảng viên thời đó hầu hết là người khu 4 nên địa chủ, phú nông thì biết, Tư bản thì có nghe nhưng tiểu tư sản thì không biết nên chất vấn tôi: thành phần tiểu tư sản là gì?..lại còn là tiểu tư sản viên chức nữa chứ - hồi ở nhà khai lý lịch đoàn viên như thế nào thì mình khai vậy thôi, tuổi trẻ đâu có biết gì mà giải thích ...và có thể có kết luận như Trường trung đội phó là người giới thiệu thứ nhất nói với tôi: Đã thành phần địa chủ lại còn thành phần Tiểu tư sản viên chức là em của tư sản nên cần phải thử thách thêm, thế là cuộc thử thách đối tượng Đảng của tôi bắt đầu.

Đêm Pasong tỉnh mịch, lính tráng đã xuống hết hầm nằm để đề phòng B52 thì Hùng người Sơn Tây liên lạc tiểu đoàn xuống gọi tôi bảo: Xuân xoăn đâu?...Thủ trưởng N...gọi đi công tác, tôi vội lấy khẩu AK, túi gùi và máy đi cùng Hùng đến gặp Chính trị viên Tiểu đoàn và nhận chỉ thị: đi xuống các đại đội nhắc các đại trưởng bảo nuôi quân cho xoong nồi xuống dưới hầm không B52 rải thảm thủng nồi xoong, ngày mai không có nồi nấu cơm cho anh em ăn; tôi buột miệng nói: Báo cáo thủ trưởng, thủ trưởng dùng điện thoại chỉ đạo cho nhanh ạ (các cụ ngày xưa gọi nhanh nhẩu đoảng là vậy); Chính trị viên nói: tôi nói đồng chí đi, đồng chí có chấp hành không?...chết cái thằng tôi, mất một điểm rồi...Lầm lũi một mình một súng lần theo đường dây điện thoại đi đến đại đội 1 truyền đạt ý kiến của chính trị viên tiểu đoàn, đại trưởng Lũy người Thanh Hóa nói sao mày không bảo chính trị viên gọi điện thoại nhắc nhở mà lại đi truyền đạt...mình chỉ lắc đầu...dạ nhẹ...rồi lần lượt đi hết 4 đại đội thì trời sáng. Vừa rồi lên Sơn Tây chơi thăm anh em đồng đội, mình nhắc lại chuyện này với thằng Hùng nó nói: tao đâu có biết ông ấy thử thách mày, tao cũng bảo để em gọi điện thoại cho các đại đội nhắc nhở, ông bảo không được, bảo tao đi gọi mày...hồi ấy mày mà bị B52 thì toi; hết phấn đấu nhé...anh em lại cười hà ..hà.. với nhau.

Chiều xuống, mưa bắt đầu đổ lại được công vụ tiểu đoàn gọi lên chính trị viên trưởng gặp, chuyện này đã trở thành chuyện thường ngày ở tiểu đội tôi nên thằng Trường "đỏ" lắc đầu bảo tôi: lại thử thách "em tư sản" rồi. Tôi lại gùi cá nhân, súng lên hầm chỉ huy nhận nhiệm vụ: đi đón khách, và được dặn bao giờ đón được mới về. Đêm tối, một thân một mình ngồi co ro ở cạnh đoạn giữa ngã ba đường xe bò đón khách...buồn ngủ mà không giám ngủ cứ gà gà gật gật... nửa tỉnh nửa ngủ vừa sợ gặp địch vừa sợ đoàn khách đi qua mà không biết...tới sáng, mấy thằng trinh sát tiểu đoàn bộ đi cải thiện ra bảo: Thủ trưởng N ...bảo mày về...hỏi có thấy khách vào tiểu đoàn không, bọn nó bảo không biết...sợ không biết khách vào lúc nào...về đến hầm chỉ huy sợ cứ thụt thò, gặp thằng Hùng đi lấy cơm sáng về hỏi nó bảo thủ trưởng ở trong hầm đó vào báo cáo đi, mình vào báo cáo không gặp khách, ông bảo thôi đồng chí về đi, khách không đến nữa...

Thử thách đến hai năm cũng không kết nạp Đảng được, buồn quá trước khi về Miền Nam chiến đấu năm 1975 tôi có viết thư ra Bắc cho ba má than phiền - đoạn than phiền này sợ bị kiểm duyệt thư không ra được nên tôi có lấy bút xóa; nay bức thư gần 40 năm tuổi vẫn được giữ, xem lại cũng vui. Bức thư này gửi thằng Minh "con" Hàng Khoai bị thương ra Bắc, nó mang đến tận nhà ở Lương Yên cho Ba Má mình, khi này gia đình mới biết mình không hồi chánh theo địch như đài địch tuyên truyền mà đang chiến đấu ở chiến trường Miền Nam.

III. Thay lời kết

Đầu năm 1975 đánh trận nghi binh, tôi phối thuộc C3 chốt tại điểm cao 605 ở Plei - cu do có thành tích góp giữ vững thông tin và trong tình thế mất chốt do anh em hy sinh và thương vong gần hết, không còn chỉ huy; chấp nhận hy sinh nếu trúng pháo mình - tôi đã yêu cầu pháo mặt trận bắn đúng điểm chốt chính của chúng tôi; đánh đuổi một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 45 của địch ra khỏi chốt; giữ vững điểm chốt; tôi được khen thưởng và tiếp sau đó là đánh giải phóng cứ điểm Thanh Bình khi xung phong cùng Trung đội trưởng Chanh người Hà Nội, chúng tôi bị một quả pháo; Chanh hy sinh còn tôi bị thương nặng...khi đó Trường B phó, cấp ủy chi bộ lúc này mới thông báo tôi được xét duyệt kết nạp Đảng những mãi đến tháng 02/6/1975 mới được làm lễ kết nạp Đảng tại Quân cảng Cam Ranh.

Đấy - đồng đội thấy không, ngày xưa chỉ mới là đối tượng Đảng thôi, các đồng chí được công nhận là đối tượng đảng đã phải tự thể hiện mình gương mẫu trước quần chúng rồi chứ chưa nói là Đảng viên chính thức; còn bây giờ hãy để cho nhân dân nhận xét về phẩm chất người Đảng viên cơ sở là đúng nhất vì trong Chi bộ Đảng hôm hay "dĩ hòa vi quý" với nhau lắm, nhất là đối với người thủ lĩnh đơn vị thì anh là người tốt nhất, nhì cũng là anh, ba cũng là anh.

Sống và trước khi chết lính Hà vẫn Amateur

Cứ đến mùa gió heo may của Miền Bắc là mình nhớ đến ngày nhập ngũ, nhớ tới những chàng trai trẻ quê ở mọi miền đất nước nhưng nhập ngũ ở Thủ Đô như mình ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Hùng "nhẩm" quê ở Hà Tĩnh"...nhưng tất cả tự hào mình là lính ở Trung đoàn Thủ Đô. Ở những bài viết trước đây, lính nhập ngũ tháng 9/1971 ở Thủ đô nhưng sau ngày nhập ngũ được bổ sung đi các binh chủng, các đơn vị khác nhau và có lẽ chỉ riêng anh em nhập ngũ ngày 4/9/1971 được hội tụ thành một trung đoàn thủ đô. Ở trung đoàn này hội đủ các thành phần như xã viên các HTX nông nghiệp; giáo viên cấp II, cấp III; học sinh, sinh viên các trường; công chức, viên chức; công nhân các xí nghiệp nhà máy có hộ khẩu ở gia đình được gọi nhập ngũ tại địa phương...vì vậy tính cách của lính cũng rất đa dạng làm lên một trung đoàn bộ binh đầy tính cách thị dân. Dục "râu" là một chàng trai to cao, râu quai nón rất đẹp; tính phóng khoáng tự do đầy chất dân thị thành..."tút" hiên ngang giữa ban ngày từ Bãi Nai về Hà Nội. Cũng chính vì lý do chuyên "tút" về chơi Hà Nội mà sau này khi vào chiến trường chàng ta không mang nổi quân tư trang và dọc đường dây 559 cứ dải quân tư trang đánh dấu đường đi như nàng công chúa trong truyện cổ tích xưa...khi vào vườn chuối còn đúng khẩu AK để chiến đấu. Nhưng Dục "râu" tuyệt vời ở chỗ dù vất hết đồ dùng cá nhân cho nhẹ người nhưng tinh thần không hề giao động, không đảo ngũ, không vất đi nhân cách của người Hà Nội; vẫn theo anh em trung đoàn Thủ Đô mấy tháng trời hành quân, đêm nghỉ ngày đi - vào tới chiến trường, chiến đấu dũng cảm và chết đúng tính cách của người Hà Nội chân chính.

Sau khi đánh giải phóng được xưởng cưa nằm cạnh sân bay dã chiến ở Không sê đôn, lệnh tiểu đoàn giao đại đội 2 ở lại chốt giữ. Đây là đại đội chủ công của tiểu đoàn, nhưng khi đánh KhôngSêĐôn do các đại đội đã căng mình ra đánh để mở rộng vùng giải phóng; các đại đội trong tiểu đoàn đều thực hiện một mục tiêu như nhau là đánh chiếm các điểm đóng quân của địch. Đội hình đại đội được phân chốt toàn sân bay dã chiến và xưởng cưa, riêng Trung đội của thằng Ngọc "thiu thiu" cơ động nằm chốt giữ giữa sân bay và xưởng cưa cùng ban chỉ huy đại đội; Dục "râu" lính hữu tuyến bên thông tin được điều đi phối thuộc và nằm ở ban chỉ huy đại đội cùng 2W bọn tôi – Dục ở hầm đại trưởng, còn tôi nằm hầm chính trị viên đại đội.

Cả ngày bom pháo bắn bầm dập, dây đứt liên tục, thấy Dục cứ phải bò ra khỏi hầm chỉ huy chạy đi chạy lại như con thoi nối dây đảm bảo cho thông tin thông suốt của tiểu đoàn; còn tôi trận này lại thư thả cứ nằm dưới hầm của chính trị viên đại đội ôm máy dự phòng khi đứt liên lạc là lên sóng. Sau nhiều đợt bom dữ dội này, nhà cửa xung quanh xưởng cưa cháy rực, lửa khói ngút trời, địch bắt đầu tấn công vào đầu xưởng cưa, lực lượng của địch quá mạnh, lại được sự hỗ trợ của pháo, bom nên trung đội 3 ở đây không giữ được chốt, bị địch đánh bật dần về phía sân bay dã chiến; Liên lạc trung đội xin chi viện, trung đội dự bị được lệnh tấn công - Dục "râu" đeo máy điện thoại vừa chạy vừa dải dây bám theo đại đội trưởng Ạt cùng Trung đội Ngọc thiu thiu vận động đánh chi viện cho trung đội 3; Nằm giữa khu vực trung tâm, mình thò đầu lên hầm cùng chính trị viên trưởng đại đội quan sát trận đánh, anh em vừa vận động vừa nổ súng tấn công, từng ụ mối, từng cột nhà cháy được anh em tận dụng ẩn nấp để tiến lên. Tiếng súng B40 nổ danh thép và tiếng B41 vang dội, tiếng cối cá nhân nổ lóc cóc (cạch – bùm ); cối 60 và cối 82 của tiểu đoàn chi viện kịp thời làm địch bị đánh dạt ra, đạn AK liên tục được anh em bắn hỗ trợ nhau tiến lên. Thằng Dục chạy bám anh Ạt, địch bắn rát, đội hình tấn công chững lại; nằm ngay rìa xưởng cưa đại trưởng Ạt gọi điện thoại xin cối tiểu đoàn chi viện liên tục, Dục nằm sát ngay cạnh Ngọc thiu thiu, chắc cậu Ngọc thiu thiu bắn hết đạn lên nhìn thấy cậu nằm ngửa thay băng đạn AK, xong lại nằm sấp nổ súng tiếp.

Trước sự tấn công hỗ trợ của trung đội Ngọc và cối tiểu đoàn, địch rút dần quân cũng theo chiến thuật như bộ binh mình (kỹ thuật chiến đấu, phòng ngự địch – ta được đào tạo như nhau), những thằng lính phía sau bắn gìm đầu anh em mình để đồng đội phía trước của chúng rút; bắt đầu có tiếng gầm rú của máy bay ném bom, tiếng anh Ạt kêu lính nấp tranh bom, lúc này Dục "râu" nằm cạnh Ngọc thiu thiu khi nghe lệnh liền cuốn dây điện thoại và ôm máy hô: a lê té...vừa đứng dậy định cuốn dây điện thoại rút lui thì đúng lúc một quả pháo 105 nổ phía trước, Dục ngã gục ngay cạnh Ngọc. Bom pháo lần này đánh đều khắp xưởng cưa và rìa sân bay dã chiến như kiểu muốn hủy diệt bọn mình, tất cả đều phải tìm nới ẩn nấp. Hết đợt tấn công bằng bom pháo của địch, anh em mới đưa được xác của Dục xuống hầm.

Sau khi Dục "râu" hy sinh, Ngọc thiu thiu ngồi kể với mình...đánh trận mà Dục cứ tài tử tếu táo như xưa, giống như ngày huấn luyện ở Bãi Nai mỗi khi trốn ra đường 6, ăn kẹo dồi, uống nước chè mạn, hay "tút" về Hà Nội chơi, cậu hay dùng từ "té" và khi thấy bóng dáng cán khung huấn luyện đi kiểm tra thì cậu nói "a lê té" để khỏi bị thủ trưởng đơn vị bắt gặp... và lúc bom thả, khi nghe đại trưởng Ạt hô anh em tránh bom, Dục bảo mình: té thôi Ngọc và ...và khi Dục "râu" nói câu ...a lê té là trúng ngay mảnh pháo 105 và hy sinh.

Thôi nói chuyện đánh đấm trên rừng, dưới biển, xuôi dòng sông SêĐôn theo đồng bằng lúa xanh ngút ngàn cũng có, nghe đồng đội hy sinh, thương vong về bom đạn nhớ lại mà đau đớn lòng nhau rồi, giờ ta nghỉ ngơi chút giữa 2 đầu trận đánh để kể về góc cạnh khác của đời lính chiến trường – tăng gia sản xuất. Chuyện này kế tiếp đoạn kể về "thi đua làm đẹp doanh trại" sau ngày đình chiến 1973, chúng tôi bỏ cây súng sang góc nhà, dùng dao găm đi trồng bắp như đồng bào...thọc thọc gậy, bỏ hạt ngô...hạt bí nhưng chẳng giống ai...và sau này vẫn cứ tiếp diễn như năm 1975, mới hòa bình tư tưởng tiểu nông lại xuất hiện khi bọn tôi bỏ súng hoen gỉ do gió cát mặn ở Ninh Thuận; chăm chút cây cuốc trồng bông trong khi kẻ thù đồng loạt chuẩn bị tấn công ta từ biên giới phía Bắc đến Tây Nam, đánh chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa; cũng như hiện nay bọn bành trướng Bắc Kinh đang từng giây, từng phút mưu đồ thôn tính nước ta; chúng đã ngang nhiên tuyên bố 90% biển đông là của chúng, chúng tăng cường đóng tầu đổ bộ...


Phát rẫy làm nương


Sau này, khi rời quân ngũ nhớ đồng đội, nhớ rừng lại mở nhạc nghe bài tháng ba Tây nguyên cho nguôi ngoai nỗi nhớ ...tháng ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông...rồi ngẫm nghĩ người kinh dùng từ con ong hút mật, nhạc sĩ dùng từ con ong lấy mật của người dân Tây Nguyên hay thật nhưng ngẫm nghĩ mãi chưa ra là ..."mùa em đi phát rẫy làm nương...". Làm rẫy có 3 hoạt động chính là phát rẫy rồi đốt rẫy và gieo trồng thu hoạch. Trong đó phát rẫy làm nương một công việc thật nặng nhọc nhất sao lại để người con gái phát cái rẫy mà không dùng từ làm rẫy cho nhẹ nhàng, đúng nghĩa?...chắc hôm nào gặp nhạc sĩ hỏi cho phải lẽ.

Lính công binh trường Sơn chuyện mở đường là nghề của chàng – phá đá ư, chặt cây to mở đường ư: chuyện nhỏ, lính công binh làm cái rẹt. Nhưng với lính bộ binh, chuyên luồn rừng như bọn tôi lại là chuyện lớn đấy các bạn, tôi nhớ năm 1973 đình chiến cái ngày mà bọn tôi chuyên dọn dẹp, làm đẹp doanh trại cũng là cái ngày bọn tôi phải phát rẫy làm nương trồng rau mầu để tăng gia cải thiện, nuôi heo, gà.... Ở Bản Nọng Chùa, nương rẫy của dân nhiều nên việc phát rẫy của bọn tôi cũng bình thường như hoạt động của người dân địa phương, máy bay địch không quan tâm. Làm rẫy cái khó nhất của bọn tôi là dao chặt cây, dao của lính bộ binh chủ yếu là dao găm, lên khi làm rẫy bọn tôi thường hay vào bản mượn nhân dân dụng cụ làm rẫy, tuy ít nhưng cũng có để thay phiên nhau chặt cây to. Lúc đầu thì hăng hái lắm, sau một ngày, tay thằng nào thằng nấy sưng tấy, phồng rộp, tối về dùng kim băng trích nước cho đỡ tức. Từ ngày thứ 2 thấy cây to là lính ta lắc đầu, chuyện chặt cây to thành to chuyện - thằng nào cũng lảng tránh sau phải lấy tinh thần Đảng viên nhất là các đồng chí đối tượng Đảng, cảm tình Đảng phải xung phong đi trước, làm trước thế là mình tay phỏng hết cũng phải cắn răng mà cầm dao chặt...phập, phập...đau chết cha mà không dám ho he, sợ quần chúng phê bình đối tượng Đảng mà không gương mẫu là chết...Do lần đầu chặt cây làm rẫy bọn tôi đâu biết gì cứ chặt đại, cây đầu tiên đổ, tôi chỉ kịp hô: cây đổ, chạy đi - lính ta chạy té đái vì không biết hướng cây đổ; sau về rút kinh nghiệm, trong tiểu đội có đồng chí Tên tân binh người dân tộc Nùng của Vĩnh Phúc vừa được bổ sung vào thông tin đã hướng dẫn anh em cách chặt là chặt về một phía, một bên thấp, một bên cao để cho đổ theo ý định.

Những ngày sau cây to lần lượt đổ, anh em phấn khởi lắm vì nhìn mảnh rẫy bắt đầu to dần và diện tích đã đủ theo kế hoạch của tiểu đoàn bộ. Lúc này bắt đầu đi chặt những cây nhỏ còn sót, chặt cành để chuẩn bị dốt rẫy. Chuyên gia phát rẫy Tên ( sau khi hướng dẫn bọn tôi cách chặt cây ngày đầu, bọn tôi gọi Tên là chuyên gia làm rẫy, chuyện gì cũng hỏi nó) hướng dẫn bọn tôi để vài ngày cho cây khô để đốt. Những ngày nghỉ này bọn tôi tranh thủ ra Bản đổi trác thực phẩm với dân như quần áo nhất là thằng nào có giầy Thái, quần áo lính Thái đổi là có giá về ca cóng tiểu đội bồi dưỡng sức quân.

Sau cũng đến ngày đốt rẫy, chuyên gia Tên đốt rẫy đứng chọn hướng gió để đốt; cả hàng quân đốt rẫy bọn tôi đứng im phăng phắc chuẩn bị mồi lửa để đốt - sau một hồi lẩm bẩm những câu gì có vẻ thần bí, Tên chạy ra phía đầu rẫy gọi bọn tôi đến và bắt dàn hàng ngang đốt rẫy. Châm mồi lửa đầu tiên trong đời để đốt rẫy nghe tiếng lửa cháy, lửa reo sao thích thế. Lính ta reo hò khi lửa bốc cao...bỗng ngọn lửa quật ngược lại...chạy, chạy đây mới chính là chạy thối chết...chạy bỏ cả dép, chạy bỏ cả chóp (mũ), mạnh thằng nào thằng nấy chạy, chạy không ai nhìn ai, cứ phía trước mà chạy...thoát rồi, anh em ngồi lại nhìn nhau xem có mất thằng nào không; đủ cả nhưng chẳng thằng nào còn lông mày, tóc thì cháy khét lẹt, áo quần nham nhở cháy đen nhẻm, vài thằng bị bỏng nhẹ. Tối về kiểm điểm rút kinh nghiệm thì Tên nói cộc lốc kiểu người dân tộc: tao đã chọn hướng gió rồi, đã đọc câu thần chú của dân tộc tao mỗi khi đốt rẫy ở quê tao rồi, nhưng ở đây nó không thiêng...chịu, cười trừ chứ biết nói gì ( không biết anh chàng Tên này đọc câu thần chú gì mà lửa bừng bừng cháy ngược, sau này ra quân mình chưa kịp hỏi, tiếc thật ). Mấy hôn sau ra đốt lại rẫy, thấy rẫy cháy nham nhở chẳng đâu vào đâu, lại phải chặt cành cây để đốt lại. Sau này hỏi dân hóa ra vì lính ta khi chặt cây để cây đổ lung tung, không chọn được hướng gió, để ngọn lửa cháy quá cao, lan ra quá nhanh, gió ở đây nhiều khi luẩn quẩn lên bọn mình bị đốt ngược – hú chết.

Thực tế phát rẫy, đốt rẫy và làm nương của bọn tôi là vậy; không hay, không thơ mộng như bài hát tháng ba Tây Nguyên phải không các bạn.

Nhớ về Hà Nội một thời đạn bom


Cứ đến mùa thu hàng năm, cảm xúc của mình luôn trào dâng nhất là từ tháng 8 đến tháng 9 vào mùa gió heo may; không khí se se lạnh, vờn mát làn da thật thích thú; hồi đó tuổi thanh niên cứ chiều thứ 7 và chủ nhật hàng tuần mình hay rủ bạn gái thả bộ đường Lò Đúc để thỉnh thoảng có cứt cò rớt lên người mà lấy cớ nịnh đầm (che dấu sự vụng về không biết tán gái của mình) và rồi cùng nhau đạp xe đến Bờ Hồ chen chân đứng ở vườn hoa chí Linh có cái nhà kèn ngày xưa của Pháp để nghe các ca sĩ nổi tiếng hồi đó như Thanh Huyên, Tân nhân, Quốc Hương, Quý Dương, Kiều Hưng, ...hát mà tinh thần yêu tổ quốc Việt Nam của thế hệ thanh niên chúng tôi nói chung và thanh niên Hà Nội nói riêng được nuôi dưỡng và chín dần bằng những lời ca da diết, nồng thắm, trong sáng với khí thế xung trận hào hùng của các ca sĩ này; chính họ đã góp phần động viên chúng tôi vào trận chiến một cách tự nhiên bằng lời ca tiếng hát.

Mùa thu Hà Nội - khí trời thật mát mẻ tháng, đặc biệt là tháng 9 ở Hà Nội không khí chuẩn bị ngày Quốc khánh thật tưng bừng náo nhiệt ngay từ giữa tháng 8 và bắt đầu sôi nổi từ ngày 19/8 cho đến hết ngày 2/9; nét mặt của mọi công dân hồi đó từ già đến trẻ đều tưng bừng phấn khởi, nhà nhà đều nhộn nhịp dọn dẹp nhà cửa để ăn mừng ngày Tết Độc Lập; Lũ thanh niên chúng tôi tha hồ rủ nhau tụm năm, túm ba dong duổi trên 36 phố phường mà không biết chán vì nhìn bọn con gái thấy đứa nào cũng đẹp, quần áo tha thướt, dịu dàng như dáng liểu ven hồ vậy.

Tháng 9/1971 cũng là tháng ghi nhớ trong cuộc đời lứa thanh niên sinh năm 50 – 52 của chúng tôi ở Thủ đô Hà Nội, một lứa tuổi cũng giống như những lứa tuổi khác – lên đương tòng quân, nối bước thế hệ cha anh và năm đó có điều đặc biệt hơn và tôi cho rằng đây là đợt tổng động viên cục bộ riêng ở Hà Nội ( không biết lịch sử quân đội ghi thế nào về năm này); Trên năm cửa ô, không khí động viên quân nhập ngũ rầm rộ mà không năm nào có được, đêm đêm vườn hoa nhà kèn luôn có các cuộc buổi diễn ca nhạc ngoài trời, các rạp chiếu phim là những phim của Hồng quân Liên Xô đánh phát xít Đức với những tình tiết rất thơ mộng như bộ phim 4 chiến sĩ xe tăng và một con chó...làm háo hức những người có giấy báo nhập ngũ như bọn tôi; thành phần nhập ngũ năm 1971 cũng không loại trừ ngành nghề cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp nào; đặc biệt lớp sinh viên các trường đại học, trung cấp các năm trước ít gọi thì đợt này gọi với số lượng đạt kỷ lục cao nhất và có thể không còn gì hơn nữa và Hà Nội lúc này cũng giống như các địa phương khác ra đường thấy các bà các chị , các em gái nhiều hơn.

Tối 3/9/1971 tôi mua hoa dơn về cắm đầy nhà và mời anh em bạn bè đến liên hoan tiễn đưa bằng nước chè mạn và hạt bí rang; sáng 4/9/1971 anh em nhập ngũ thuộc công dân Khu Hai Bà Trưng tập trung tại trường Đại Học Bách khoa Hà Nội, hôm đó Ba tôi nguyên một là Trưởng phòng của Bộ Tài Chính lọc cọc đèo tôi đi nhập ngũ trên chiếc xe đạp Thống Nhất; đường vào sân trường đại học bách khoa cả một rừng người tiễn đưa, lúc này chẳng biết bạn bè là đứa nào, đông quá, người tiễn không chen được, chỉ dành lối cho người nhập ngũ; tạm biệt ba, tôi chỉ nói được một câu: con hứa là đứa con ngoan, xứng đáng với truyền thống gia đình...và nhảy lên xe khi được gọi đến tên...xe chạy...cả một rừng tay vẫy đưa...

Tháng 9 những cảm xúc cứ tự nhiên ùa về, giờ Hà Nội, thiên nhiên có còn đẹp như mơ không hả bạn?...tháng 9 này Bờ Hồ còn có ca nhạc ngoài trời cho dân chúng bình dân xem không nhỉ?...các thiếu nữ Hà Nội giờ có còn tha thướt áo dài ven hồ để làm liễu hờn ghen không em gái nhỏ ?...mình nhớ về Hà Nội ngày xưa đi thôi.

Lính chiến ra quân thời nào cũng thế thôi

Mình định nghỉ ít ngày, nhưng đọc một số bài thấy tâm sự lấn cấn ít nhiều của anh em lính chiến K đánh thời lính khơ me đỏ có sự chỉ huy của cố vấn Trung Quốc, mình lại nhớ về những đồng đội thời của mình may mắn còn sống được về với gia đình nhưng lại không có được may mắn trong cuộc sống như anh L. người Thanh Hóa nguyên tiểu đoàn phó về phục viên gia đình khó khăn, vợ chết hai cha con dắt nhau đi kinh tế mới đói quá bắt cóc ăn không ngờ bị độc mà chết cả hai cha con; như T. y tá tiểu đoàn người Thanh Hóa về bị dính chất độc da cam sống khốn khó với những đứa con tật nguyền; còn anh em cùng nhập ngũ ngoài Hà Nội khi ra quân đợt đơn vị đi trồng bông ở Thuận Hải cùng với mình như B. "thổ" người Sơn Tây, nguyên là trung đội phó của C1 cùng L. "trọc" đánh cầm cự giữ địch ở Không Sê Đôn rất hay khi về gia đình nhiều chuyện quá mà mình không tiện kể ở đây chỉ vì ở nhà làm chính sách hậu phương không tốt, cậu về không nhà không nhà cửa cầm đầu một nhóm đi ăn mày ăn xin, trước còn quanh ở Chợ Đồng Xuân anh em gọi lại khuyên bảo hỗ trợ nhưng không được, giờ cậu mất tích ở đâu không biết; hay như K. ở chiến trường to cao chuyên vác B41, nhận những công việc nặng nhọc giúp anh em yếu, khi ra quân không công ăn việc làm, không có tiền mua xe xích lô, hàng ngày phải thuê xe xích lô đi đạp đưa khách kiếm đồng lẻ của tứ xứ lấy tiền sống qua ngày và rồi một ngày khi hết việc trước khi về, K đi uống rượu với bạn bè khi bơi về nhà ở bãi giữa đã bị nước Sông Hồng cuốn trôi; Như L. Trọc ra quân không biết làm gì, hàng ngày mắc võng dù tím nằm đung đưa ở đường thanh niên để câu cá kiểu bậc tiền bối Phùng Quán nhưng không thành đành theo bạn bè đi miền Tây bắc buôn bạc trắng, thất bát về bán lẻ ở chợ Đồng Xuân cùng T. "gián điệp" ở Hàng Lược; Hoặc như S. Sơn Tây, xoay đủ nghề từ buôn chuyến đến làm xe đạp bán cũng không đủ sống, sau theo vợ bảo lãnh định cư ở nước ngoài...

Nếu ta viết hết ra đây cũng đau sót lắm, thời bọn mình ra quân là thời bao cấp, chế độ cấp cho mấy tháng gạo thì đã bán liên hoan cùng tiểu đội rồi, hai bàn tay trắng về thôi; mà hồi đó ra quân đồng loạt, xã hội lấy đâu việc làm cho cả nhiều trăm ngàn lính chiến cơ chứ, họa anh em nào về đi học tiếp như mình hay anh em bên 6/9/1971 hoặc tiếp tục ở quân đội thì tạm đủ sống lấy đâu khá giả chứ, ngày làm việc ở cơ quan, tối về mình đi bốc vác thêm ở cảng để có đồng ra, đồng vào nuôi con nhưng cũng chẳng giầu có gì đâu; chức quyền không có lấy gì mà bổng với lộc; đã là lính chiến làm việc, giải quyết công việc nhanh như bắn súng - tạch đùng, thẳng băng chứ biết gì mà lươn với lẹo để được thăng tiến nhanh cơ chứ - không phải hậu duệ, tiền tệ không có, cũng chẳng có quan hệ mà trí tuệ thì đâu bằng cùng người cùng quê của thủ lĩnh chứ; bực với lãnh đạo là bỏ về ngay lấy đâu mà tồn tại. Viết thế để anh em lính chiến 2 thời kỳ ta cùng tự an ủi với nhau thôi, cố gắng sống khỏe và nuôi dậy con cái lên người là mục đích lớn nhất của người lính chiến chúng ta; ta sống được đến hôm nay là may lắm rồi, ta không dính vô chất độc da cam là cả đống vàng cho con cháu rồi; giờ ta lên máy ngồi để kể về đồng đội, kể cho nhau nghe chuyện mình đã trải qua đời lính chiến, còn xã hội hiện giờ vẫn định hướng mà...cố lên đồng đội

Phong trào học sinh sinh viên ở hai miền thời kỳ trước 1975


Cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì bất kỳ ai - từ già, trẻ, trai, gái kể cả các cháu thiếu niên đều tham gia bảo bệ Tổ quốc ở những góc độ khác nhau. Đối với lớp thanh niên nơi đầu gió ngọn sóng thì phải đi đầu và trước đây ở Miền Nam thì phong trào học sinh sinh viên ở các đô thị lớn; tiêu biểu đô thành Sài Gòn là niềm tự hào của học sinh và sinh viên của cả nước như Lê Quang Vịnh, Phạm Chánh Trực, Huỳnh Tấn Mẫn, Lê Văn Nuôi, Tôn Thất Lập...là những con người tiêu biểu của thế hệ thanh niên Miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hồi đó, ở Miền Bắc những đợt biểu tình đấu tranh của các anh chị ở Sài Gon – Huế - Đà Nẵng luôn được thế hệ chúng tôi quan tâm và học tập.

Ở Miền Bắc phong trào học sinh sinh viên có, nhưng do quan điểm chính trị hồi đó cào bằng hết nên nét đặc thù của phong trào học sinh sinh viên nằm luôn trong phong trào chung của thanh niên tình nguyện, phong trào 3 sãn sàng... không được đề cao trong cái riêng của sinh viên, trí thức. Các thế hệ thanh niên Miền Bắc vào Miền Nam chiến đấu hồi đó có biết bao thanh niên là học sinh, sinh viên nhất là giai đoạn sau này số học sinh cấp III thường hay viết quyết tâm thư bằng máu để được đi bộ đội và mặt bằng văn hóa lính Miền Bắc thời kỳ này ít nhất là hết cấp II còn thường thường là cấp III và đang học đại học ( giờ lính nghĩa vụ không biết tiêu chuẩn văn hóa lấy từ mấy? ). Như Nhật ký Đặng Thùy Trâm; nhà thơ Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là minh chứng... một thế hệ trí thức Miền Bắc luôn đặt vấn đề Tổ quốc lên trên cái danh cá nhân. Trước đây, tôi có viết một số bài khi công tác tuyên truyền chỉ ca ngợi một phía; ở một miền về phong trào học sinh, sinh viên nhưng rất tiếc họ đã cắt bỏ hoặc không đăng. Nay được mở mồn ra một tý - là do sự bức xúc của một thế hệ không được công nhận cái riêng của mình đã chủ động bằng nhiều hình thức để được công nhận là thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc cả hai miền Nam Bắc đều có phong trào học sinh sinh viên tham gia bảo vệ tổ quốc.

Đúng quá, nếu không có đợt tập trung cao độ sinh viên học sinh tháng 9/1971 và đặc biệt lứa sinh viên các trường đại học nhập ngũ 6/9/1971 lại dồn vào một trận chiến ác liệt trong chiến thuật ở Quảng Trị thì không thể có ai ca ngợi phong trào học sinh sinh viên Miền Bắc như phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Miền Nam và lứa học sinh sinh viên này chiến đấu quật cường bằng sức trẻ, bằng vốn kiến thức có được để giữ vững trận địa – thành cổ Quảng Trị và số còn may mắn trong lớp thanh niên này còn sống không thể và không được quyền quên đi những bạn học một thời tung tăng trên giảng đường và một thời máu, nước mắt thắm đượm trên vắt cơm đồng đội hy sinh nhường lại cho mình. Hôm nay họ đã làm được một điều cho cả một thế hệ học sinh sinh viên đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc mà Quảng Trị là sự tiêu biểu của phong trào học sinh sinh viên Miền Bắc tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta.

Chống càn ở KhôngSêĐôn

(Đợt chống càn này, như lá thư thứ nhất tôi gửi về gia đình ngày 19/8/1972 là bức ảnh thời gian quá khứ của bản thân tôi phản ánh tình hình địch ta; địch tấn công ồ ạt bằng tổng lực bộ binh, pháo binh, không quân để giành lại vùng đất ta đã giải phóng, ta và lính đặc nhiệm Thái Lan giành nhau từng nóc nhà, mảnh sân – địch quyết lấn chiếm, ta quyết giữ; trận chiến càng khốc liệt hơn khi càng đến gần ngày đình chiến 1973 chiến thắng giữa ta và địch là 50 - 50. Chỉ khi địch chuyển hướng chiến lược: đổ quân ra chiếm vùng giải phóng Xalavan và cao nguyên Bôlôven, áp sát đường dây 559 chúng tôi mới chính thức được lệnh rút quân khỏi Khôngsêđôn quay về vùng giải phóng cũ đánh địch lấn chiếm, giải phóng lần 2 ở Xalavan và cao nguyên Bôlôven bảo vệ đường dây 559 )

-------------------------------

Nhận được lệnh đi phối thuộc chống càn ở bản NaBông (hoặc tên Napong) cùng đại đội 1 do một mình một máy, không đào được hầm chiến đấu tôi bê máy ở ké hầm với anh em bộ binh; nơi hầm tôi chọn ở chỗ gần đại trưởng Lũy người Thanh hóa để tiện nhận điện báo cáo đi, truyền đạt chỉ thị của tiểu đoàn xuống đại đội. Bản NaBông rất rộng và sạch sẽ và rất nhiều gia cầm và chó; cây ăn trái xum xuê nhất là me ngọt và soài, tối tối quan sát thấy không có địch anh em thay phiên nhau bò ra lần hái mò mang về hầm ăn vì khi sốt rét lính mình thèm của chua như con gái nghén thèm của chua vậy ( viết đến đây nước miếng ra rồi – thèm thật) mà me ở Lào thì ngọt, xoài khác hẳn quả quéo, và xoài miền Bắc hồi đó; xoài ở KhôngSêĐôn to bằng bàn tay mở, ăn sựt sựt chấm muối ớt ăn với cơm nắm là hết vắt luôn.

Đi theo các đại đội phối thuộc hồi đó mình thích lân la ở hầm anh em lính để nói chuyện quê nhà cho đỡ nhớ; lần này mình ở hầm Thọ người Hà Tĩnh và một đồng chí nữa người Hà Tây và Lợi "trọc" đồng đội cùng nhập ngũ ở Hà Nội ( thời gian đó mình mới vào được mấy tháng, đi phối thuộc các đại đội đánh liên tục lên không nhớ hết tên anh em). Tuy là lính chiến như nhau nhưng dân bộ binh ở các đại đội thường phong phú về chiến lợi phẩm mà hồi đó bọn chúng thường đãi lính thông tin tiểu đoàn bọn tôi là thuốc chữ A, gạo sấy và lần này Thọ cho mình một lọ nhỏ ( lọ nhỏ hơn ngón tay út) đường hóa học và dậy tôi cách dùng là khi nào thèm ngọt cho một hai hạt vào nước uống là được – thấy lạ quá, mình có một lọ liền cất để dành nếu có dịp gửi ra Bắc làm quà cho mẹ, nhưng sau địch đánh vào cứ lấy mất; về chiến lợi phẩm của địch thì lính thông tin bọn tôi chủ yếu xin của anh em bộ binh còn nói là lấy được của địch thì thật là khó, ngay cả tiền kíp Lào đến giờ tôi cũng không biết mặt mũi thế nào – năm 2011 mình đi theo xe hàng cứu trợ do Ngọc thiu thiu và Dung (vợ ngọc) tự bỏ tiền mua một xe tải gạo và quần áo, đồ chơi trẻ em cũ của gia đình anh em bộ đội của khu K80 Bộ tổng tham mưu quyên góp đi ủng hộ đồng bào vùng khó khăn của đồng đội cũ ở Khu 4. Trên đường từ Hà Nội vào Ba Đồn – Quảng Bình theo địa chỉ của anh Dũng nguyên tiểu đoàn trưởng, ở Quảng Trị theo địa chỉ đồng đội cần giúp của anh Lừa nguyên tiểu đoàn trưởng sau về làm tỉnh đội trưởng Quảng Trị giới thiệu; lúc này trên xe có Mão "mèo" người Sơn Tây nguyên trinh sát tiểu đoàn, mình nói mà nó không tin là mình "ngố" đến như vậy, vì bọn chúng nói hồi đó trên không cho mua đồ nếu cho mua chúng mua vô tư - thú thật lính thông tin bọn mình chưa bao giờ được đi tự do vì luôn phải bám theo đại trưởng còn lính bộ binh đánh xong là tỏa ra lùng xục, kiểm tra trận địa chiếm được nên mỗi lần đi phối thuộc là mình hay la cà xuống các tiểu đội để kà khịa chúng cho thuốc hút; còn không mình thường dùng thuốc lá vặt ở rẫy đồng bào, tự phơi, tự cắt mà hút.

Nằm chốt bản NaBông được mấy ngày không thấy địch, chỉ có máy bay ném bom vào Bản và pháo 105 trên Phù Khống dội xuống cầm canh, làm bản cháy nham nhở; ăn uống nuôi quân chỉ cung cấp 4 ngày 1 lần; cơm nắm một cục to tổ bố để ăn 4 ngày, muối mè và ruốc bông. Nằm chốt cứ tán đủ chuyện, thấy chó nhiều mình hỏi có thằng nào biết thịt chó không, bắn một con nấu ăn chơi, anh em nghe có lý thế là ... phằng – một phát hạ ngay một chú cẩu; Không biết ở các chiến trường khác nấu thịt chó như thế nào chứ bọn mình nấu rất đơn giản không cần gia vị mà ngon như ăn kẹo vậy – bọn tôi nấu như thế này này, đồng đội nào cần học thì chú ý: mang con chó vất vô đống than nhà đang cháy cho cháy hết lông mang ra cạo bằng dao găm và mổ bỏ hết lòng, chỉ lấy thịt cho vào "mọ" lấy trong nhà dân bỏ hoang ra, đổ nước và cho một lọ đường hóa học vào bỏ lên đống củi than đang cháy...mùi thịt chó thơm ngào ngạt, nứt mũi thế là lính cả tiểu đội chia nhau ăn... nồi thịt chó ngọt lự như kẹo vậy, cả đời mình chưa bao giờ được ăn thịt chó ngọt đến thế.

Saukhi ăn thịt chó được ngày thì địch nống ra lấn chiếm, bom pháo địch dọn đườngtrước, đợt này dồn dập hơn để bọn bộ binh địch tấn công vào sau - kinh nghiệmlà vậy khi có bom, pháo là anh em xuống hầm ẩn nấp, hết bom là lính ta nhoàilên sẵn sàng nghênh tiếp lính địch, ta với địch nổ súng từ sáng đến chiều cứgiành nhau từng nóc nhà, mảnh sân. Đánh giải phóng Không Sê Đôn và đánh chốngcàn ở đồng bằng này, bọn tôi không có chuyện đào giao thông hào, chỉ đào hầmtrú ẩn hoặc đắp ụ chiến đấu; khi đánh cứ như bọn trẻ thanh thiếu niên bây giờchơi trò chơi bắn súng sơn anh em bọc lót cho nhau ( đã đồng đội nào tham giatrò chơi này chưa, bắn trúng cũng đau lắm); khi đánh nhau với địch anh em vậnđộng hỗ trợ nhau theo sự chỉ huy của trung đội trưởng và tiểu đội trưởng –Trung đội trưởng bao giờ cũng đi đầu mũi tấn công và tiểu đội trưởng đầu mũitiểu đội ( cấp phó luôn ở phía sau bọc lót); tổ 3 người hỗ trợ nhau cứ ngườinày bắn gìm thì đồng đội phía sau tiến lên chạy hoặc lăn đến vị trí có chechắn, nhà cháy lan khắp bản. Không biết ở các đơn vị khác sao chứ ở tiểu đoànbọn tôi cán bộ quân sự từ chức danh Tiểu đoàn trưởng đến chức danh nhỏ nhất làTiểu đội trưởng và thậm chí cả chức danh không quân hàm là Tổ trưởng tổ 3người, họ bao giờ cũng là người tiêu biểu - vì trong chíến trận bao giờ cácđồng chí này cũng là người đi trước; cứ người trưởng hy sinh thì ngay lập tứcngười cấp phó lên thay không cần chỉ đạo của ai hết.

Khi địch rút ra,anh em lập tức về lại hầm để tránh bom pháo bắn cản đường bảo vệ lính địch;điểm cầm cự của chốt cuối cùng chính là hầm trú ẩn tránh bom pháo của chúngtôi. Đánh trận có thắng có thua là chuyện thường tình, nhưng nếu song phẳngđánh với số quân hay vũ khi như nhau thì bọn tôi không bao giờ thua, bọn tôithua chỉ vì đối phương quá mạnh về bom và đạn pháo. Đánh trận này, anh em C1đánh rất hay nhất là khi bắn, AK nổ chắc cú; chưa thấy loạt đạt nào kéo kiểuliên thanh cả, B40, B41 rất hạn chế bắn vì cơ số đạn có hạn. Thằng lợi Trọcmang hai dây đạn M79 cũng chỉ bắn hết một dây, khi anh em tiểu đội tiến lên cậuta cứ từ từ quan sát thấy lính địch lổm nhổm phía trước là tắc đoàng...cứ thế cậutừ từ tiến. Phải thừa nhận M79 rất hiệu quả ở những khoảng trống và các ụ mối,gốc cây có đối phương ẩn nấp; đạn rơi theo cầu vồng, địch nhốn nháo chạy là anhem AK cứ thế nã bắn đuổi theo.

Với mình là lính 2Wthông tin nên khi đánh nhau thường lên máy liên lạc với tiểu đoàn để nhận chỉthị, việc đánh ác liệt của anh em bộ binh mình giống như người quan sát lúcthụt vào khi đạn nổ quá chát chúa, lúc nhô ra khi thấy quá im ắng để đề phòngđịch tấn công hoặc anh em rút hết rồi mà mình không biết (nhiều khi rút anh emcũng quên trớt mình, nên cẩn tắc vô áy náy vẫn hơn), súng lúc nào cũng lên đạnnhưng chưa bao giờ bóp cò súng...nhiều khi cũng muốn xung trận với anh em nhữngnhiệm vụ không cho phép cứ phải luôn miệng một hai ba bốn năm....nghe rõ trảlời...; tai nghe luôn để choàng qua cổ cứ như bác sĩ, tuy vậy anh em bộ binh lạirất quý mình vì khi bom đạn hay địch tấn công mình xử lý tình huống cũng giốngnhư anh em luôn sãn sàng chiến đấu, tinh thần không bao giờ bộc lộ sự hoảnghốt. Lúc anh em bị thương đưa về mình có thể làm thay y tá băng bó cho anh emnên tình cảm giữa lính thông tin tiểu đoàn và anh em bộ binh rất gắn bó. Khicần mình nhờ vả là anh em giúp ngay không câu nệ thắc mắc.

Sau khi đánh lui đợtlấn chiếm, lính địch lui ra là bom pháo địch lại bắn phá vào bản. Nằmdưới hầm Thọ đưa bàn tay cho tôi xem và nói xuanxoan ơi tự nhiên có một nốt đỏở giữa lòng bàn tay nè; mình cầm tay nó nhìn và nói – một sao, chắc sau mày màylên tướng đấy thế là cậu cười ha hả. Lúc này, ngớt tiếng bom địch Thọ đứng lênquan sát... anh em trong hầm nghe thấy tiếng nổ chưa kịp kêu Thọ ngồi xuống nấpthì đã thấy người Thọ ngã thụp xuống hầm không thấy đầu đâu...; để Thọ nằm đấy,cả tổ ba người kể cả tôi lên hầm chiến đấu, địch lố nhố phía xa cả đại đội đồngloạt nổ súng chống trả đợt tấn công của địch...anh em xung phong, còn tôi ở lạiôm máy 2W báo cáo về tiểu đoàn tình hình bảo vệ điểm chốt; sau khi Thọ hy sinh,tôi về hầm đại trưởng Lũy để tiện việc truyền tin liên tục phục vụ chống càncủa đại đội. 

Sang ngày thứ 3, địch tấn công càng dữ dội thể hiện quyết tâm bằng mọi giá lấy cho được bản; chúng tăng cường pháo bắn và máy bay ném bom vào vị trí đơn vị, lực lượng bộ binh địch đánh cả các phía; cả đại đội giống như đang nằm trong chảo rang, cả bản như cùng bị đốt. Pháo địch căn tọa độ quá chính xác khi bộ binh địch đánh áp sát dần vào các hầm chiến đấu của ta, anh em đơn vị vừa đánh vừa lùi dần về phía hầm đại đội; pháo địch cứ giã thình thịch đánh đúng vị trí quân của ta; đơn vị bị tổn thương nặng nề, trước tình hình mất chốt, đại trưởng báo cáo xin ý kiến - lệnh tiểu đoàn cho rút; đơn vị phải cố cầm cự đến tối, đánh phá vòng vây rút ra phía rừng thưa. Chúng tôi ke cáng đồng đội hy sinh và bị thương nặng rút khỏi bản, trận đánh này chúng tôi hy sinh 3 đồng chí, một không lấy được xác là đồng chí Trần người Hà Tĩnh và không giữ được bản vừa được giải phóng - trận này chúng tôi thua.

Chiến dịch nghi binh mùa xuân 1975

Phần I. Sư đoàn tiếp nhận vị trí chiến đấu và dàn binh cấp mặt trận chiến dịch Tây Nguyên để nghênh chiến với địch

Sư đoàn 968 sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đường dây 559 và giúp bạn giữ vững và mở rộng vùng giải phóng đã trở về miền Nam ( lá thư thứ 3 viết ngày 22/12/1974), chúng tôi tập kết quân dọc đường 19 kéo dài tây Pleicu; trong khoảng thời gian này các cơ quan tình báo của chính quyền Sài Gòn và tình báo Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình chuyển quân ở Tây nguyên, khi thấy sư đoàn 968 từ Lào về được tăng cường ở khu vực này càng làm tăng thêm nghi ngờ ở các cơ quan tình báo quân sự của đối phương; trước động thái các sư đoàn quân chủ lực của mặt trận B3 tổ chức cho anh em lính ăn tết trước đã làm cho tình báo Mỹ và bộ tư lệnh quân đội Sài Gòn càng khẳng định Việt Cộng sẽ đánh Pleicu – Công Tum.

Về bố trí địa bàn tác chiến: Mang tiếng là một sư đoàn chiến đấu mạnh nhưng lại là sư đoàn thiếu - hướng Pleicu ở đây chỉ có một trung đoàn bộ binh 19 và có thêm pháo sư đoàn – trung đoàn 19 chúng tôi trực tiếp nhận bàn giao địa bàn chiến đấu của sư 320 ( tôi còn nhớ như in khi đi thực địa cùng các thủ trưởng Trung đoàn, Tiểu đoàn nhìn đường dây trần của anh em lính thông tin đơn vị bạn để lại - cột dây thông tin mắc cao, chạy thẳng tuốt thấy hiện đại mà tràn trề niềm tin); còn trung đoàn 9 của sư đoàn 968 được Bộ điều tăng cường cho Quân đoàn 2 sau giải phóng mấy năm mới quay về đội hình sư đoàn; Trung đoàn 29 nằm ém quân dọc đường 14, ép sát Kông Tum vào thay vị trí tác chiến của sư đoàn 10.

Do yêu cầu đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu của 3 sư đoàn (một sư thành ba sư); Sư đoàn 968 phải bố trí đội hình rất mỏng nhưng trải dài để chứng tỏ cho địch thấy Bộ chỉ huy mặt trận B3 đang tăng cường lực lượng quân chủ lực để tấn công Bắc Tây nguyên; Mặt khác đồng chí Vũ Lăng Tư lệnh trưởng mặt trận B3 đầu năm 1975 đã yêu cầu các tỉnh Bắc Tây nguyên gấp rút mở đường giao thông, bắc cầu tạo thành vòng cung vận lương thực, đạn pháo cho các sư đoàn chiến đấu ( thực tế cho sư 968) đang tập trung về về Pleicu. Chính động tác này mặt trận B3 và của sư đoàn 968 đã làm địch nhầm lẫn là ngoài sư đoàn 10 và sư đoàn 320 ta đã tăng cường thêm 2 sư đoàn ở hướng này; Cùng thời gian đó sư đoàn 10 chuyển về hướng Nam và sư đoàn 320 chuyển về ém quân ở tây Thuần Mẫn. Khi nhận xong toàn bộ địa bàn thì Bộ chỉ huy sư đoàn 968 lập tức bầy "trò chơi điện tử" bằng hệ thống thông tin 15W – các báo vụ của các sư đoàn 10; sư 320 để lại cùng báo vụ sư đoàn 968 đã lập tức tung lên trời dồn dập những bản tin khẩn và rất khẩn – đến nỗi lính của Quân khu 2 của phía Việt Nam Cộng hòa đã phải báo động chiến đấu và chuẩn bị tác chiến với bọn tôi; kế hoạch giam chân địch ở Kông Tum và Plei-cu đã thành công bước đầu về ý đồ chiến lược.

Ở đây cũng phải nói thêm yêu cầu phải giữ các tổ điện đài 15W của các sư đoàn và mặt trận B3 ở lại là vì bất kỳ một đồng chí báo vụ nào thay đổi vị trí là tình báo mạng điện tử của Mỹ biết ngay; các báo vụ giỏi sẽ biết ngay người đang truyền tin cho mình là người quen hay không quen, thậm chí đồng chí đó có khỏe hay đang đau ốm chỉ cần qua cách gõ ma nip - thông qua nhịp tích te.... "Có thể nói chúng ta đã thực hiện cả một chiến dịch nghi binh từ tung tin thất thiệt, tạo những cơ sở giả đến việc tiến hành công tác thiết bị chiến trường – trích dẫn từ...Thượng tướng Hoàng Minh Thảo" và như nhận xét của Frank Snepp – Trần Văn Trà: "người Cộng sản đã tổ chức một chiến dịch đánh lạc hướng tinh vi nhằm đánh vào điểm mạnh nhất trong bộ máy tình báo của kẻ địch: các trang bị trinh sát điện tử và thám sát trên không của Việt Nam Cộng hoà và đồng minh Mỹ".

Nhưng tình thế vẫn có thể thay đổi nếu như phía Bộ Tổng tham mưu quân đội phía Việt Nam Cộng Hòa thực hiện đúng chỉ thị ban đầu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó:

Tư liệu I:

Một nữ chiến sĩ trung đoàn 25 Quân quân khu V hồi chánh và sau này thêm... (( Trích hồi ký của Trung ta Ngô Văn Xuân nguyên Trung đoàn trưởng 44 Sư 23 quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1975:

...Tên Sính thượng sĩ thông tin của sư 320 hồi chánh bị Trung đoàn 45 của địch bắt và khai thác thông tin - là lính thông tin sư đoàn nên người lính này này nắm rất nhiều thông tin mật của chiến dịch và đã khai báo kế hoạch hành quân của sư 320 và một số đơn vị phối hợp, Điều đặc biệt nguy hiểm là người hàng binh này khai rõ với địch là mặt trận B3 chuẩn bị đánh Ban mê Thuột với 4 sư đoàn bộ binh là sư 320; sư 10; sư đoàn 968 đã chính thống về mặt trận B3 và một sư từ Lào về nữa, sau này địch biết là sư 316. Hợp đồng tác chiến còn có thêm 1 trung đoàn tăng; 2 trung đoàn pháo và 1 trung đoàn đặc công và người hàng binh này còn nói rõ các mũi tấn công vào Ban Mê Thuột.

Cùng thời gian này Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang thị sát ở Tây nguyên và ăn bữa cơm đầu năm - ngày mồng 1 tết tại trung đoàn 44 của sư 23; sau khi nghe báo cáo đã chỉ thị cho tướng Phú:

Anh Phú cho toàn bộ sư đoàn 23 Về Ban Mê Thuột, tăng cường thêm một chi đoàn M48. Dù sao địa thế pleicu cũng là khu vực trống trải, bao gồm đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, lại bây giờ là mùa khô anh có thể sử dụng tối đa phi pháo và chiến xa để đánh chiến xa và bộ binh địch, nếu chúng dám đưa quân ra đương đầu với anh trên khoảng trống! Ngoài ra tôi sẽ tăng cường cho anh thêm 1 liên đoàn biệt động quân để làm lực lượng dự bị.

Tướng Phú trả lời: Vâng, tôi sẽ thi hành theo kế hoạch của Tổng Thống chỉ thị.

Sau đó TT Thiệu quay qua tướng Tường và nói:

Khi anh trở về Ban Mê Thuột phải tổ chức ngay lại hệ thống phòng thủ vòng đai thị xã và lập kế hoạch chống xe tăng địch. Ngoài ra anh cũng tổ chức các cuộc hành quân vùng sát biên giới thuộc Quận Đức Lập. Để tránh các rắc rối về ngoại giao với Cam – bốt, chỉ nên tung các toán hoạt động viễn thám qua vùng biên giới thôi. Nếu phát hiện địch thì dùng phi pháo mà tiêu diệt – viết theo tư liệu của trung đoàn trưởng trung đoàn 44 thuộc sư đoàn 23 quân lực Việt Nam Cộng Hòa) và tướng Phú cũng xác nhận TT Thiệu giao nhiệm vụ trên. – hết trích dẫn)

Như vậy, thực lực trên cao nguyên Tây Nguyên lúc này địch có sư đoàn 23 chủ lực cùng các liền đoàn biệt động quân số 6, số 21, số 22, số 23, số 24 và số 25, cộng thêm lữ đoàn 2 kỵ binh; thiết đoàn 21 chiến xa; pháo binh với 2 sư đoàn không quân – sư đoàn không quân số 2 và sư đoàn không quân số 6 hỗ trợ với thế trận địch cho rằng cứng như thép đó ta không thể nào quân chủ lực Bắc Việt chọc thủng Ban Mê Thuột và Tây nguyên được.

Phần II. Sư đoàn 968 tác chiến thật, đánh dứt điểm các căn cứ địch, quyết tử giữ điểm cao - chính là "động tác giả" nghi binh có hiệu quả nhất thu hút địch về Bắc Tây Nguyên.


Trên thực tế chiến dịch nghi binh này, Sư đoàn 968 tổ chức tác chiến điện tử hư hư, thực thực; tung tin giả, đan lưới trên không trung bắt địch... thì ngược lại tác chiến quân sự lại là thật, rất thật - Sư đoàn chỉ thị cho Trung đoàn 19 ngay sau khi trinh sát địa hình, ổn định cơ sở hậu cần và xác định các vị trí chiến đấu thì tiến hành tổ chức tấn công ngay theo lệnh của Bộ chỉ huy sư đoàn – đánh những căn cứ nhỏ nhưng ở những vị trí quan trọng; đột phá lần lượt các cứ điểm đơn lẻ, đánh chiếm dẫy điểm cao nằm trong tuyến phòng ngự tây nam Pleicu nhằm uy hiếp mạnh các căn cứ quân sự và thị xã Pleicu. Hướng Công Tum, Sư đoàn 968 chỉ thị trung đoàn 29 thuộc sư đoàn đánh vây - uy hiếp thị xã và cắt đường 14 ở Tân Phú.

Bị đánh mạnh ở hướng Bắc Tây Nguyên, địch buộc phải đưa thêm liên đoàn biệt động quân số 4 từ quân khu IV lên; dùng trung đoàn 45 thiện chiến đang nổi danh hồi đó của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đang lùng sục quanh Buôn Ma Thuộc về ứng cứu cho cứ điểm Thanh Bình, Quận lỵ Thanh An để bảo vệ Pleicu.

Sự đột phá chiến thuật của sư 968 trong chiến dịch này chính là đánh các cứ điểm nhỏ nhưng bằng hỏa lực mạnh và rất mạnh để dứt điểm đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong chiến lược nghi binh trước khi sư đoàn 968 tấn công mục tiêu chính và chính cách đánh như thế đã làm cho Bộ chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng Hòa hiểu nhầm là đang có rất nhiều Sư đoàn chủ lực Bắc Việt nỗ lực dùng hỏa lực tập trung đánh chiếm nhanh Pleicu; địch hoang mang thật sự... kể cả đến khi sư đoàn 10 đã đánh Đức lập, Sư 320 đánh chiếm Thuần Mẫn mà viên tướng Tư lệnh Quân khu 2 của Việt Nam Cộng Hòa vẫn khẳng định Việt cộng không đánh Buôn Ma Thuộc vẫn tập trung quân toàn lực đối phó ở Bắc Tây Nguyên như tôi đã dẫn chứng - chúng điều các trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 23 cùng các liên đoàn biệt động, các lữ đoàn thiết giáp, pháo binh, các sư đoàn không quân đối phó với Sư đoàn 968 (thiếu) của bọn tôi. Lúc này ở Buôn Ma Thuộc chỉ còn lại vỏn vẹn có tiểu đoàn 2 của trung đoàn 53 bộ binh, một tiểu đoàn của trung đoàn 45 bộ binh thuộc sư đoàn 23 bộ binh với trách nhiệm bảo vệ Bộ tư lệnh tiền phương của sư đoàn địch. Nằm chệch về hướng tây thành phố Buôn Ma Thuột là phi trường Phụng Dực do tiểu đoàn 3, trung đoàn 53 địch chốt giữ; tiểu đoàn 1 của trung đoàn 53 đang giao chiến với ta ở Daksong của Quảng Đức; Tỉnh trưởng Đăklac đại tá Nguyễn Trọng Luật của địch lúc đó có 6 tiểu đoàn địa phương quân nhưng nằm rải rác khắp địa bàn của tỉnh. Khi ta đánh Buôn Ma Thuộc quân số lực lượng phòng thủ của địch tương đương 4 tiểu đoàn.

Trong khi đó, Mặt trận phía Bắc Tây Nguyên dầy đặc lính Việt Nam Cộng Hòa và lượng bom đạn do sư đoàn 2 không quân và sư đoàn 6 không quân của địch oanh tạc - bom ném xuống, đất đá bắn lên trời, đổ xuống đầu bọn tôi ào ào khủng khiếp và không ngừng giống như các bà đổ thóc rê; thế trận giữa ta và địch nếu đem cân đong đo đếm thì một sư đoàn (thiếu) mà thực tế đánh trực diện hướng nghi binh Pleicu này chỉ có một trung đoàn 19 bộ binh chúng tôi giống như một con "tốt" dúi sang sông để thí trên một bàn cờ đầy tướng sĩ tượng xe của địch. Bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn giờ đây bắt đầu thật sự bị thôi miên cách đánh của bọn tôi, một cuộc đương đầu trí tuệ của những vị tướng cầm quân hai phía đạt tới mức "thượng thừa" lúc này chỉ cần ta có một chút sơ hở hay địch có một nước cờ điều chỉnh phù hợp với thực tế chiến trường thì chẳng ai thắng ai trong năm 1975 này. Nếu chúng tôi đánh nghi binh không tốt, đánh thua chỉ cần một trận thôi hoặc bị bắt làm tù binh thì địch biết ngay, rút về phòng thủ Ban Mê Thuộc thì tổn hao xương máu của đồng chí đồng đội không thể lường được.

Khi Bộ tổng tham mưu của chính quyền Sài Gòn bị Sư đoàn 968 chúng tôi đưa vào trò chơi ảo thuật nghi binh chiến lược thành công: hút các trung đoàn chủ lực và các lữ biệt động quân thiện chiến địch về Pleicu; các sư đoàn không quân, pháo binh địch tập trung bom pháo dội vào trận địa chúng tôi suốt ngày nhưng lại vào đúng thời điểm tinh thần quyết chiến của lính trung đoàn 19 chúng tôi lúc này hơn bao giờ hết rất thông suốt, chấp nhận hy sinh với quyết tâm rất cao sẵn sàng đánh địch đến người cuối cùng.

Tinh thần quyết tử này có lẽ do việc thay đổi từ chiến trường Lào về Miền Nam mà anh em chiến sĩ hằng mong đợi - về quê hương chiến đấu, được toại nguyện mơ ước từ ngày nhập ngũ chưa trọn những lời hứa với người thân, với quê hương khi vượt Trường Sơn sang Lào; nay về chiến trường Việt Nam đã tác động rất lớn tinh thần chiến đấu của anh em, nó được biểu hiện trên nét mặt của cả đoàn quân phấn khởi vui vẻ lắm. Tôi cho đây là lựa chọn đúng đắn nhất của Bộ chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên khi dùng Sư 968 (thiếu) đánh nghi binh và có thể chỉ có sư đoàn 968 mới đảm nhận một cách tốt nhất vai trò nghi binh này. Tuy đánh nghi binh nhưng là nghi binh chiến lược, nên không những chúng tôi đánh thật mà còn đánh hơn sức mình do sự trợ giúp của pháo binh; dù chúng tôi đánh theo cấp đại đội nhưng quyền yêu cầu chi viện pháo được hưởng cấp tiểu đoàn, cấp trung đoàn; vì vậy khi vào trận, riêng tôi, tôi đánh trận dùng hỏa lực theo cấp sư đoàn – ăn miếng trả miếng với địch; đáp trả những đòn pháo của địch cũng bằng sự đáp trả dồn dập pháo của mặt trận bắn chi viện cho bọn tôi, bộ binh chúng tôi ép sát 2 thị xã, sân bay Cù hanh - buộc những tướng lĩnh tiền phương của quân lực Việt Nam Cộng Hòa không chấp hành mệnh lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tăng cường trấn giữ Buôn Mê Thuộc (như đã trích dẫn ở trên) mà phải điều gấp quân từ Buôn Mê Thuột về tăng cường giữ Pleicu.

Từ ngày 24 tháng 2 năm 1975 Trung đoàn 19 bọn tôi bắt đầu nổ súng - đánh Đồn Tầm, chốt Mỹ và điểm cao 535 đến ngày 2 tháng 3 năm 1975 thì Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên chỉ huy trực tiếp sư đoàn chúng tôi đã chỉ thị chúng tôi đánh nhanh, đánh mạnh hơn nữa và sẵn sàng chi viện pháo không hạn chế khi đơn vị có yêu cầu và chỉ thị cho Trung đoàn 19 Sư 968 tổ chức ngay việc vây hãm và tiêu diệt điểm cao 605 ở Chư Goi, đánh chiếm cứ điểm Thanh Bình, uy hiếp Thanh An; dùng pháo sư đoàn đánh Chưkara, Chưgôi và dùng bộ binh các tiểu đoàn vây chặt buộc địch phải tăng viện binh đưa trung đoàn 45 và các liên đoàn biệt động quân ứng cứu các cứ điểm này; đồng thời giam chân Trung đoàn 44 tại các đường 5a, 5b; tiến hành đánh các liên đoàn biệt động số 4, số 25 ...không cho chúng rút khỏi Chư sang.

Phần III.

Chúng tôi những người lính – chiến sĩ sư đoàn 968 tuân thủ nghiêm đấu pháp của Đại Tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về nghi binh; thực hiện triệt để mệnh lệnh của Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo - diệt 605, chốt giữ dãy Chư gôi, giam chân chủ lực địch trên hướng Pleicu .


Trích dẫn nội dung bức điện Bộ Tư Lênh Mặt trận Tây Nguyên điện cho Sư 968 tấn công điểm cao 605 vào ngày 2/3/1975:

((Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh trưởng Mặt trận Tây Nguyên đã điện mật (hiện lưu giữ tại Sư đoàn) gửi cho sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 Thanh Sơn ngày 2 tháng 3, sau khi Trung đoàn 19 chúng tôi đã tiêu diệt các vị trí Đồn Tầm, Chốt Mỹ, điểm cao 535. Nội dung điện như sau:

1- Tổ chức ngay việc vây, diệt 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An.
2- Dùng hỏa lực đánh vào Chư Kara kết hợp bộ binh bao vây buộc địch đối phó.
3- Đưa lực lượng ta chiếm giữ ngay dãy Chư Gôi, tổ chức thành trận địa mới trên đông sông Ia Puk.

Trên tuyến đường 5A, 5B:

1- Tích cực bám đánh liên đoàn 4, không cho chúng rút khỏi Chư Sang.
2 -Tiếp tục hoạt động nhỏ trên đường 5B, giam chân Trung đoàn 44 tại đó. Tóm lại: Sư đoàn phải giam chân chủ lực địch trên hướng Plei-cu – Kon Tum và cố gắng thu hút thêm để tạo thuận lợi cho hướng chính...."-hết trích dẫn)).

Chấp hành lệnh của Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, chúng tôi đã tiến hành đánh chiếm 605 và các cứ điểm dọc dẫy Chư Kara,Chư gôi. Chốt, tiến hành chốt giữ các vị trí này và bao vây cứ điểm Thanh Bình, uy hiếp Quận lỵ Thanh An.

Ngày 4/3/1975 Trung đoàn 44 bộ binh thuộc sư 23 và liên đoàn 25 biệt động quân tại vòng đai bảo vệ thị xa Pleicu bị chúng tôi tấn công, Tướng Phú đã báo cho chuẩn tướng Phan Đình Niệm - Tư lệnh sư đoàn 22 bộ binh địch điều trung đoàn 42 từ vùng duyên hải lên pleicu đối phó với các đơn vị đánh nghi binh. Thế trận đối đầu một mất một còn của Trung đoàn 19 bọn tôi ngày càng khốc liệt hơn và đã lên đến đỉnh điểm, mắt xích của cuộc chơi – hoặc thất bại, bị bắt làm tù binh sẽ làm lộ ý đồ chiến dịch Tây Nguyên; hoặc dù hy sinh cả Trung đoàn nhưng phải giữ vững được trận địa để đảm bảo được bí mật chiến dịch; có lẽ vậy, trong trận chiến này ở Tiểu đoàn tôi người trực tiếp chỉ đạo là một đồng chí Trung đoàn phó nằm tại Tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy - điều này có nghĩa là chúng tôi chỉ có tiến mà không có lùi.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây nguyên phải chốt giữ bằng được 605 khi địch tấn công, Phía Bắc 605 do một đại đội của tiểu đoàn 5 chốt giữ; Tiểu đoàn 4 giao nhiệm vụ đại đội 3 chốt giữ phía Nam điểm cao 605; đại đội 3 cử 2 trung đội lên chốt, một trung đội cơ động dự phòng phía sau và do đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy và tôi được lệnh dải dây nối thông tin từ tiểu đoàn bộ lên điểm chốt 605 và nằm lại điểm chốt cùng anh em Cùng đi với tôi có đồng chí lính mới người Hà Bắc mới bổ sung vào tiểu đội thông tin (sau đồng chí hy sinh khi tiến đánh giải phóng Pleicu) chúng tôi dải hết cơ số dây mang theo, tôi phải gọi về xin chi viện dây điện thoại. (cũng xin nói lại như QuangCan đã viết lúc này phiên hiệu của chúng tôi lại đổi là Tiểu đoàn 1;Tiểu đoàn 5 thành tiểu đoàn 2; Tiểu đoàn 6 là tiểu đoàn 3 - Tiểu đoàn 3 sau này đánh chiếm đảo hòn tre của nha Trang).

Sáng ngày hôm sau điểm chốt của chúng tôi bắt đầu rung chuyển bởi bom và đạn pháo, dây điện thoại đứt ( lúc này toàn bộ vô tuyến vẫn chưa được sử dụng, chỉ sau 10/3 khi đánh Ban Mê Thuột mới dùng 2W) không liên lạc được, đại trưởng giục tôi đi nối dây dù bom pháo chưa dừng – tôi vừa bò, vừa chạy, vừa lăn theo đường dây để kiểm tra; thật sự chưa bao giờ tôi lại nối dây trong tình huống bom pháo trực diện như vậy; bom rơi mặc bom, pháo nổ mặc pháo tôi như người mộng du nối dây đi, nối dây lại cả mấy giờ đồng hồ mà liên lạc khi được khi mất. Khi gọi được tiểu đoàn thì mất liên lạc đại đội; khi gọi được đại đội lại mất liên lạc tiểu đoàn cứ thế tôi đi đi lại lại trong tầm pháo bắn...đoạn nhiều mối đứt nhất chính là con suối cạn còn nước, thời gian tôi đầm mình ở đây là nhiều nhất khi nghe tiếng pháo là tôi dìm người nằm xuống nước hoặc hục hõm ven bờ tránh đạn...

Bom, đạn pháo thì sợ về tinh thần; còn thể xác thì lại sợ nhất là đang nối dây ở nhà quay gọi là tôi bị điện giật bắn người...có đoạn thiếu dây, điện tiểu đoàn yêu cầu được liên lạc với điểm chốt đại đội 3; tôi lúc thì cầm 2 đầu dây - ở nhà, ở chốt 2 đầu đều liên tục quay... quay, quay...điện giật tung tay ra, lại dùng miệng ngậm một đầu cho chắc như truyền miệng của các lính cũ, một tay cầm để tiểu đoàn làm việc không biết được hay không nhà cứ quay mình cứ bị giật bật tung dây mấy lần, thấy không ổn mình bỏ đó, chạy đến đầu guồng dây có dự phòng dây dự trữ cắt một đoạn đem nối lại, cứ thế liên lạc thông rồi lại bị pháo bắn đứt cứ nối, cứ đứt và chỉ khi pháo hết bắn thì đường dây liên lạc cũng được nối lại thông suốt; về tới hầm mệt nhoài, bộ binh địch lại tấn công, tôi cầm điện thoại trực tiếp báo cáo tình hình trước mặt cho thủ trưởng tiểu đoàn...địch rút pháo lại bắn, tôi lại ra khỏi hầm lùi lũi lăn lê, bò toài nối dây một mình ( có 2 lính thông tin nhưng do đồng chí tân binh mới quá, chưa quen chiến trận... nên tôi không phân công đi nối dây được, chỉ ở nhà trực điện thoại cho tôi); khi về hầm thật sự tôi chỉ thích địch tấn công cho tôi đỡ phải đi nối dây, một mình đối diện với pháo 105 của địch giờ nghĩ mà ớn...

Những lúc tạm dừng trận đánh, khi trung đội trưởng thông tin đồng chí Nghiệm người Hà Tĩnh điện lên động viên chúng tôi cố gắng đảm bảo an toàn trong liên lạc đã trao đổi với tôi cách xử lý tình huống đứt dây mà không có đủ dây nối ( tôi mới từ 2W chuyển qua chưa có nhiều kinh nghiệm nối dây) tôi cũng đã báo cáo đã xử lý theo kiểu đó nhưng không biết có được không chỉ bị điện giật liên tục khi nhà quay điện; tôi đã trao đổi và đề nghị nhà khi đứt dây tăng cường người nối dây phía tiểu đoàn kéo dài về phía tôi, vượt qua vài guồng dây để tôi tập trung ở điểm trọng yếu bình độ 605; nhưng đồng chí trung đội trưởng thông báo không còn quân vì đi phối thuộc các đại đội khác đã hết quân, hiện các đồng chí cán bộ trung đội đang đảm nhận thay lính nối dây cùng tôi đảm bảo trực tiếp thông tin trận này nên chỉ nối đến điểm đã quy ước trong phân công; đành chịu, không kêu ca gì được nữa.

Mấy ngày chốt ở đây đối với tôi thật sự quá dài trong cuộc đời lính chiến; điểm cao 605 bị bom pháo đào bới nham nhỏ, chẳng còn bụi cây nhỏ nào; tuy là điểm cao nhưng bình độ thoai thoải dài cả cây số, tầm nhìn rất rộng, ngồi hầm quan sát thấy địch đông, dày đặc thể hiện ý chí quyết tâm đánh chiếm lại điểm cao 605 này; đã 2 lần đại đội xin Tiểu đoàn cho rút lui khỏi chốt do địch quá đông; bom địch ném xuống và pháo giã tới tấp vào làm đơn vị tổn thương quá nhiều nhưng Tiểu đoàn không cho rút và yêu cầu bằng mọi giá phải giữ được chốt. Nếu như ở Nam Lào thì chỉ cần điện một lần yêu cầu xin rút là Tiểu đoàn đồng ý ngay, nhưng ở đây, lúc này mình nghĩ đây là trận chốt giữ đầu chiến dịch nên Tiểu đoàn không chấp nhận...

Đây là trận đánh trực diện đầu tiên tôi về Miền Nam chiến đấu, bom rơi không tính, pháo bắn chẳng quan tâm, chỉ khi nghe tiếng hô đứt dây là vùng dậy chạy đi nối. Tối về càng cảm phục anh anh em đánh ở chiến trường Miền Nam, thấy đánh trận mà bom pháo nhiều như xinê ngày xưa mình xem phim Liên Xô đánh nhau với phát xít Đức vậy...vì lúc đó đâu biết là mình đang được vinh dự tham gia chiến dịch đánh nghi binh chiến lược hết sức quan trọng có một không hai trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam mà mình chỉ được một quyền duy nhất là phải giữ được chốt và quyền thứ 2 cũng phải giữ được chốt – nghĩa là nếu có hy sinh cũng không được mất chốt, phải chấp nhận sự hủy diệt không cho chúng thắng; nhưng phía địch cũng quyết tâm chiếm được điểm cao 605 này để xác định nghi ngờ đâu là mặt trận chính - Pleicu hay Ban Mê Thuộc. Chính vì vậy chúng tôi được ưu đãi cả bom pháo của địch lẫn pháo của ta, chỉ mới có mấy ngày thôi mà thấy đồng đội vãn dần. Giờ vẫn nghĩ không biết anh em mình hồi đánh Quảng Trị có được ưu đãi pháo của ta không chứ, ở đây tôi xin pháo bắn là được ngay, bắn bao nhiêu cũng được; nếu kéo dài thêm một ngày nữa chắc chúng tôi cũng chẳng còn người để chốt giữ 605.

Sang ngày thứ 3 địch tăng cường máy bay ném bom và sau đó là pháo bắn cấp tập vào điểm cao 605, dù hàng đêm chúng tôi đều được bổ sung quân chốt và số liệt sĩ, thương binh hàng ngày chúng tôi đã cho chuyển về tuyến sau, trung đội cơ động cũng đã hết quân bổ sung cho chúng tôi; nhưng hôn nay, chỉ mới buổi sáng, quân số chốt của chúng tôi hao hụt vì bom pháo của địch, chỉ còn gần trung đội. Đại trưởng luôn động viên anh em cố gắng giữ chốt, chờ chi viện của tiểu đoàn và theo dự tính của Tiểu đoàn tối nay đơn vị khác lên thay chốt nhưng lính thông tin bọn tôi vẫn ở lại. Cả ngày anh em bộ binh vừa tránh bom đạn, vừa chiến đấu chống lại bộ binh; trưa cũng không có thời gian để ăn hết miếng cơm và anh em chỉ dùng nước để dưỡng sức, còn tôi cứ phải đi nối dây mỗi khi pháo địch bắn – tối hôm trước mình cho đồng chí lính thông tin mới bổ sung đi theo cáng thương binh về tiểu đoàn xin thêm dây điện thoại chưa lên chốt...khoảng 14 giờ, pháo địch liên tục giã vào trận địa chốt của bọn tôi và lần này chúng bắn rất hiệu quả; liên tục anh em bị trúng hầm, bị thương và hy sinh nhiều...sau khi đi nối dây về; ngớt pháo tôi cùng số anh em không bị thương tiếp tục nổ súng cản địch tấn công vào điểm chốt...

Địch lúc này đông nghẹt ở phía trước điểm chốt, chúng không thận trọng như trước mà ồ át tấn công; anh em nổ súng cản đợt tấn công của địch nhưng trước lực lượng áp đảo quá đông của địch tiếng súng của anh em thua thớt dần; đạn lúc này tôi cũng chỉ còn một băng trên súng đang bắn dở, lựu đạn thì đã ném hết...nhìn lại xung quanh chỉ còn mấy tay súng bộ binh, hỏa lực không còn, không có chỉ huy tại hầm chỉ huy; tôi bảo anh em đưa tử sĩ thương binh xuống hầm chiến đấu và điện liên tục xin pháo bắn...ở đầu máy tiểu đoàn bộ lúc này đồng chí trung đoàn phó trực tiếp cầm điện thoại nghe tôi báo cáo và đồng chí trực tiếp gọi điện xin pháo mặt trận bắn theo yêu cầu của tôi, cứ tôi nói là tôi nghe đồng chí lại gọi ngay máy pháo bắn chi viện, có lẽ 2 tay đồng chí cầm 2 tổ hợp nghe và nói ngay, đạn nổ liên tục phía trước nhưng lúc này địch đang áp sát chúng tôi; tôi xin pháo bắn ngắn lại ...

Cứ thế đạn pháo của ta rơi sát tới địch, càng dồn chúng tiến nhanh hơn vào điểm chốt của chúng tôi và sát tới chúng tôi luôn, hình như ý đồ của chúng định bắt sống chúng tôi nên hạn chế hỏa lực tiêu diệt chúng tôi...địch phía trước tưởng chừng như chuẩn bị đánh giáp lá cà; đạn nổ càng sát, chúng càng liều lĩnh, càng tiến dần sát điểm chốt còn lại của chúng tôi...không còn cách nào khác tôi xin pháo bắn đúng vị trí chốt... đồng chí trung đoàn phó hỏi: nếu bắn như vậy đúng tọa độ điểm chốt anh em hy sinh sao?...tôi trả lời...Chúng tôi còn mấy đồng chí, chi viện tiểu đoàn chưa lên; thương binh tử sĩ chúng tôi đã đưa hết xuống hầm; nếu pháo không bắn vào chúng tôi thì chúng tôi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng hoặc bị bắt hoặc đầu hàng địch hoặc chúng tôi tự sát, đề nghị thủ trưởng cho chúng tôi được chết như một người lính; xin thủ trưởng cho pháo bắn ngay kẻo không kịp; địch đang ở trước mặt tôi... sau giây phú ngần ngừ thủ trưởng trung đoàn yêu cầu tôi bảo anh em còn sống xuống hầm để pháo bắn...vài quả pháo mặt trận bắn thăm dò trước...tôi đứng dưới hầm chiến đấu nhìn những phát pháo đầu tiên chưa đúng điểm tôi chốt, tôi xin rút lại...tới khi bắn trung đội hình địch cũng là lúc địch ở trước mặt rồi, địch tóe ra bỏ chạy ngay trước khi chúng túm được chúng tôi, tôi hô: pháo bắn trúng đội hình địch, xin thủ trưởng cho bắn cấp tập .. thế là pháo mặt trận bắn cấp tập xung quanh tôi, trúng vị trí chúng tôi...thấy địch chạy toán loạn tôi hô: Xung phong...mấy đồng chí còn sống đang ở hầm bên cạnh cũng đồng loạt hô xung phong...lúc này tôi quên mất mình là lính thông tin; cứ thế lao lên khỏi hầm bỏ máy điện thoại lại cùng mấy đồng chí bộ binh vừa hô xung phong vừa bóp cò... nhưng súng không nổ; ở nhà chắc thủ trưởng trung đoàn nghe tiếng hô xung phong, biết chúng tôi đang xung phong ông cho pháo bắn chuyển làn xa dần điểm chốt...xác địch nằm la liệt trên điểm chốt; tôi với lấy một ba lô địch vất chổng trơ trên đường về chốt ( chính chiếc ba lô của địch mà tôi đã viết ở bài trước có quyển nhật ký và câu đối tết của chàng sĩ quan có một bông mai của Trung đoàn 45 sư 23 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa); về kiểm tra lại súng hóa ra chẳng có viên đạn nào cả.

Tối hôm đó tôi được lệnh bàn giao chốt thông tin cho đồng chí khác, quay về tiểu đoàn nhận nhiệm vụ đi phối thuộc với đại đội 1 chuẩn bị đánh cứ điểm chính Thanh Bình và Thanh An theo lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận. Khi về tới tiểu đoàn, anh em tiểu đoàn bộ và thủ trưởng trung đoàn, thủ trưởng tiểu đoàn tươi cười phấn khởi chạy ra ôm lấy tôi và kể khi pháo bắn vào điểm chốt, cả ban chỉ huy, anh em tiểu đoàn bộ im lặng như mặc niệm chúng mày...nhưng khi nghe mày hô xung phong qua điện thoại bọn tao sướng quá, biết bọn mày còn sống lập tức hô pháo chuyển làn...và thông báo cho tôi biết Trung đoàn đã thống nhất với Tiểu đoàn đề nghị cấp trên tặng thưởng cho tôi Huân chương chiến công giải phóng về thành tích đảm bảo thông tin liên lạc và phục vụ chiến đấu tốt và để động viên phong trào thi đua lập công của toàn đơn vị.

Nếu như đánh trận ở Nam Lào "chốt" đồng nghĩa với "chết" vì thế chúng tôi có thắng trận, mà cũng có thua trận ke cáng nhau rời chỏi chốt; nhưng từ khi về chiến trường B3 và tham gia chiến dịch Tây Nguyên và sau này là chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi chưa hề thua trận nào. Tiểu đoàn tôi có 3 trận ác liệt nhất và cũng suýt thua ở ba trận này; đó là giữ chốt 605 phía Bắc Tây Nguyên; hai là đánh vô cứ điểm Thanh Bình; ba là đánh vô sân bay Gò Quánh ở Bình Định - ở Trận này anh em đánh hết đạn, xin chi viện, Trung đoàn điện yêu cầu anh em nằm chốt giữ tại chỗ, bắn điểm xạ tiết kiệm đạn, chờ trung đoàn vận chuyển đạn đến; nằm giữa sân bay, đường băng của sân bay Gò Quánh trống trải là vậy, anh em đơn vị thay phiên nhau điểm xạ từng phát một tử thủ, chờ trung đoàn vận chuyển đạn đến mới đánh giải phóng được. Trận này cả thủ trưởng Trung đoàn và cán bộ trung đoàn bộ cũng phải đi gùi đạn mang đến cho bọn tôi...tội thủ trưởng thế đấy - bảo làm sao thời đó lính bọn tôi không vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng chứ..

Trong cuộc đời chinh chiến cái may mắn lớn nhất với tôi là không bị phơi nhiễm chất độc da cam và cho tôi được chứng kiến một kỷ niệm thật đẹp trên đường hành quân ra trận và một trận đánh nhớ đời:

Kỷ niệm đẹp nhất trên đường ra trận - nếu như các bạn trẻ và những đồng đội chưa được hành quân vào mùa xuân 1974-1975 trên đường Trường Sơn thì sẽ không hiểu hết được ý nghĩa câu...đường ra trận như trẩy hội mùa xuân; xe ra, xe vào đông đúc, chen lấn nhau; tíu ta tíu tít anh anh, em em...nét mặt người lính nào cũng tươi cười rạng rỡ, không hề có chút vẩn đục trong ánh mắt, trong suy tư; đặc biệt là lính sư đoàn tôi phấn khởi lắm, vì được về quê mà...có lẽ lịch sử không bao giờ lặp lại lần thứ 2 nữa đường ra trận như trẩy hội mùa xuân nữa.

Sự kiện thứ hai là được tham gia chiến dịch nghi binh Bắc Tây Nguyên mùa xuân 1975 có một không hai của lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam; được nằm trong đội hình chính của sư đoàn 968 đánh nghi binh và được đánh một trận đối đầu đã đời với một đơn vị mà phía Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời đó có tên gọi sư đoàn 23 rất kiếm hiệp là sư đoàn - NAM BÌNH, BẮC PHẠT, TÂY NGUYÊN TRẤN đối đầu với sư đoàn 968 được gọi tên rất dân dã là - BẠN TIN, DÂN MẾN, ĐÃ ĐÁNH LÀ THẮNG (như phù điêu ở bản tin sư đoàn năm 1975 tôi đã đưa ảnh ở những bài viết đầu).

Còn gì tự hào hơn, vui hơn khi tuổi trẻ của mình đã được đi qua đường Trường Sơn đầy mưa bom bão đạn thời chiến tranh; được đánh những trận đầu mở màn chiến dịch Tây nguyên và giải phóng Miền Nam; nay ngồi hồi tưởng lại cảnh những người lính - chiến sĩ chúng mình chỉ là binh nhất, binh nhì dù chưa một lần yêu, nghe chuyện yêu mà hồi hộp hơn đánh trận, khi vào trận tâm hồn lại vô tư trong sáng hơn...và bùi ngùi rơi nước mắt nhớ lại đồng đội trước khi chết vẫn còn kiểu đùa bông lơn tuổi trẻ ...a lê té...

Đánh chiếm căn cứ Thanh Bình

Sau khi rời chốt C3, mình về nhận nhiệm vụ mới là đi phối thuộc với đại đội 1 đánh chiếm cứ điểm Thanh Bình. Lính thông tin đợt này ngoài tổ hữu tuyến của mình còn tăng cường thêm máy 2 W do Trường "đỏ" làm máy trưởng; lính 2W được nghỉ dài ngày từ ngày sang Miền Nam đến giờ có vẻ phấn khích tợn khi được phân công đi phối thuộc với đơn vị chiến đấu; các cậu cứ mang máy ra, rồi mang máy vô lau chùi có vẻ như tâm sự nhưng vẫn chưa được lên máy thử sóng...đi ngang qua mình đùa...súng là vợ, chứ ôm cái cục nợ đó mà mân mê...một hai ba bốn...được cái chi...các cậu nổi đóa cự lại mình...vừa phải thôi đi ông (thằng Trường "đỏ" hay gọi mình bằng ông) ông mới chuyển sang hữu tuyến mấy tháng mà coi thường nó rồi...cậu vỗ cái máy 2W dạng trách cứ mình; mình cười hì hì nói lại – đùa đấy mà, xa nó cũng nhớ lắm chứ, đánh xong về để tao xem có quên mày không nhé.

Tối tổ máy mình cùng tổ máy của Trường "đỏ" đi xuống đại đội 1 để chuẩn bị hành quân; Mình được phân công theo mũi của trung đội chủ công đại đội do đại trưởng dẫn đầu, tổ máy 2W đi theo chính trị viên đại đội; Lệnh tiểu đoàn hành quân tiến đánh cứ điểm Thanh Bình I gồm 2 đại đội – Đại đội 1 và đại đội 2.

Hành quân vượt qua các khu rừng thưa, sáng đến bãi trống rất rộng, xa xa trên sườn đồi thoai thoải là khu nhà sàn giống như ở bên Lào – nhà cửa cao ráo, sạch sẽ không như buôn làng của bà con dân tộc ở trong vùng giải phóng mà mình từng đi qua; lệnh Tiểu đoàn anh em hành quân qua nhanh nhưng từng người một tiếp cận nhanh đến buôn và tạm thời ẩn nấp ở đó. Ở chiến trường Miền Nam hay thật, ở Lào thì bọn mình chuyên đi đêm, ngày đào hố chiến đấu và nằm nghỉ, tối lại hành quân đi đánh, còn ở đây ngày cũng hành quân, mình cũng lo ngay ngáy địch phục, nhưng thấy anh em trinh sát bọn thằng Toán, Mão dẫn đi đầy vẻ tự tin nên mình cũng yên tâm chắc mấy ngày trước các cậu đã đi địa hình kỹ rồi... đến vị trí chiến đấu bọn mình tới phiên rải dây sau khi bộ phận trực ở tiểu đoàn đã dải hết dây, mình bắt đầu dải theo đại đội 1.

Căn cứ Thanh Bình nằm trên bình độ thoải thoải không hẳn là đồi, bọn mình vận động áp sát dần căn cứ; gặp địch hai bên cùng nổ sùng, các tay súng bộ binh chững lại, tản rộng nổ súng bắn trả; còn mình, cứ lấy Chanh Gia Lâm B trưởng làm mục tiêu - cậu ta đi đâu là mình lại bám theo đó, đến giờ mình vẫn không hiểu là hồi đó tại sao không đi theo đại trưởng mà mình lại dải dây theo trung đội trưởng...tuy mình nhớ là được phân theo đại trưởng, nhưng thực tế trận đánh mình lại theo B trưởng...giờ nghĩ không ra...và nữa, trận này cũng kỳ cục là hai bên chẳng có hầm hố gì hết giống như "tao ngộ chiến" gặp nhau giữa đường là nện nhau vậy - ((nay tưởng tượng như hồi chưa nhập ngũ, thanh niên (nhóm) mình kéo bè kết cánh phân bang này bang nọ như mình thì trùm "Bang Cò ỉa" dẫn đầu một tốp Ô Đống Mác phục đánh Bang ô Quan Chưởng trên bờ đê ngày xưa vậy, hai bên gặp nhau giáp lá cà đánh tay bo (không gậy gộc, không vũ khí đâu) kiểu anh hùng hảo hán)); pháo của địch cũng kỳ lạ là toàn đánh chung quanh bọn tôi và bọn địch; bọn mình đánh từ đầu giờ chiều đến khi trời chập choạng; địch lùi dần thì bọn tôi tiến đến sát bãi đá; nhìn từ xa mình biết là khó gặm rồi vì bãi đá trải dài và rộng như những tấm áo giáp che chở cho những người lính phía bên kia vậy; địch cứ núp phía sau các tảng đá mà phệt bọn tôi; cả đại đội lúc này không tiến được và pháo bắt đầu tấn vào sát đội hình bọn tôi...Trận này, chúng tôi phải tự thân vận động thôi, không có sự chi viện pháo phiết trung đoàn gì cả, cứ dùng hỏa lực tiểu đoàn và lực lượng bộ binh để đánh, cứ đánh lấn dần, tiến tới bằng sự nhanh nhẹn già dặn trong trận mạc của từng người lính bộ binh. Anh em chiến sĩ các tiểu đội thuộc trung đội của Chanh quá quen kiểu đánh đối đầu này nên chủ động vận động che chở cho nhau trong tiến công. Trận chiến này đại đội một đánh đúng theo sở trường của mình là đánh vận động tiến công ( đại đội 3 sở trường là chốt giữ).

Lệnh tiểu đoàn áp sát vào bãi đá, bám sát lính bộ binh địch để tránh pháo địch, đứt dây tôi bảo đồng chí Phương máy phụ quay lại nối dây còn tôi vừa rải dây theo mũi tiến; khi thông suốt liên lạc báo cáo tình hình về tiểu đoàn ngay...gần chiều thì bãi đá đã ở trước mặt bọn tôi, lúc này pháo không còn là nguy hiểm đối với bọn tôi nữa...nằm sau tảng đá mồ côi, tôi đưa máy cho Chanh và nói tiểu đoàn cần gặp mày...nghe máy xong Chanh bảo lệnh tiểu đoàn yêu cầu dứt điểm ngay trận đánh trước khi trời tối. Chanh cho lính truyền đạt các tiểu đội thuộc trung đội chuẩn bị tấn công cùng toàn đại đội.., theo tiếng hô của Chanh - Tôi lúc này cũng chuẩn bị dây để rải theo lệnh xung phong khi Tiểu đoàn chỉ đạo đại đội qua 2W, còn trung đội bọn tôi qua hữu tuyến. Nhận được lệnh, Chanh hô xung phong, tôi ôm máy chạy vận động theo Chanh tới sát bãi đá, địch thoắt ẩn thoắt hiện sau những tảng đá cứ nện thẳng vào bọn tôi, đồng đội đã nhiều người trúng đạn – lính mặc rằn ri thấy trước mặt đấy, thấy nó nhằm vào mình đấy, súng đeo sau lưng mình đấy - nhưng mình lại không được quyền bắn để tự vệ...cứ ôm máy nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác theo Chanh...và khi dừng, gọi điện báo cáo tiểu đoàn...dưới sức ép tấn công liều lĩnh của bọn tội, địch phải rút. Trận này, bọn tôi quyết liệt tấn công theo kiểu chi tôi cũng chẳng hiểu nữa, giờ nghĩ cũng chẳng ra; hay mình là lính thông tin không quen kiểu đánh trống trải như vậy?.. nhưng cuối ngày, bọn tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ - đánh chiếm thành công được bãi đá và đại đội đã chiếm được căn cứ Thanh bình; địch bỏ điểm trấn giữ hoàn toàn tại bãi đá, bọn tôi vui mừng chưa kịp ôm nhau thì pháo địch bắn ào ào vào bãi đá, Chanh hô anh em rút, bọn tôi nhảy vội ra khỏi bãi đá nhưng chưa kịp thì...chớp lửa lóe kèm theo một tiếng nổ đanh trước mặt tôi và Chanh, tôi đổ gục xuống và chỉ kịp kêu ...Má ơi...và ngất lịm đi...( tiếng miền Bắc là Mẹ, tôi người Miền Nam theo ba má ra Bắc tập kết ).

Tỉnh dậy, thấy xung quan toàn là mầu áo trắng, tiếng dao kéo loảng xoảng và những tiếng thì thầm rất nhỏ...đây rồi, một mảnh đạn, gói lại cho cậu ta làm kỷ niệm..có một ít xương vụn...cứ thế... mở mắt nhìn và biết mình đang trên bàn mổ dưới ánh đèn điện mầu vàng...chắc đây là một căn hầm dã chiến...tự mình nghĩ...đây là trạm phẩu tiền phương chắc...Lên bàn mổ và mổ - nhưng mình lúc này lại tỉnh rụi, bình thản nằm nghe các y, bác sĩ trao đổi và có lẽ mình mổ nhưng không gây mê như anh em bị thương thường bảo, chắc là chỉ tiêm thuốc gây tê thôi, nhìn và cảm giác biết được đường dao mổ, tiếng kéo cắt, mũi khâu của vị bác sĩ đi trên mặt mình... xong rồi, tiếng vị bác sĩ vang lên; mình chỉ nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán của vị bác sĩ mổ cho mình đang lăn dài trên gò má ông, dù đã được bàn tay của ai đó lấy khăn lau. Mình biết mình còn sống muốn mở miệng cám ơn ông và đồng đội trong trạm phẫu mà không được, vì mồn mình đã bị bịt kín rồi...mình được cáng ra...và tiếp theo một cáng thương binh khác được đưa vào...

Sáng một đoàn dân công hỏa tuyến (mình tạm gọi là vậy) toàn bà con mặc các sắc phục đồng bào dân tộc Tây Nguyên, từ nước da, dáng vóc không trộn vào đâu được cáng mình và một số thương binh nặng khác đi. Lúc này toàn bộ đầu và các vết thương ở hai cánh tay, xương sườn được băng chặt nên không thể động đậy được...nằm cáng nhìn những cây rừng chuyển động mình biết đang đi qua các khu rừng già, rồi qua rừng thưa...bà con nghỉ giữa đường...một mẹ người dân tộc thấy mình mở mắt liền quơ tay lấy nải chuối chín ý hỏi mình ăn không...mình lắc đầu; sau tự nghĩ băng kín đầu chỉ hở mắt mũi lấy đâu mà ăn được...nay nghĩ lại thấy mẹ người dân tộc chân thật quá đi thôi...cáng tiếp qua bãi na trống...bỗng tiếng máy bay vọng đến...bà con dân công bỏ cáng thương cái phịch, cáng rớt xuống, mình đau ê ẩm...bà con chạy túa vô lại rừng...anh em thương binh như mình lúc này chỉ biết nằm nhìn trời...chỉ thấy mây bay...bay...và chiếc máy bay lượn mấy vòng tô điểm bầu trời xanh... chắc nó thấy mấy cáng thương binh trắng xóa, người nằm bất động tưởng là cáng tử sĩ không đáng phọt tên lửa nên nó bỏ qua và bay đi.

Hết máy bay, bà con lại chạy ra cáng, lúc này thì cáng đi như bay vậy...chiều đến Viện 2 Tây Nguyên...giờ mình mới chính thức nằm viện. Hàng ngày các nữ y tá dến chăm sóc và đút cho ăn (sướng như tiên nhé xuanxoan) – mút sữa ...sữa bò thật đấy chứ không phải sữa bột đâu nhé đồng đội ạ....; làm lũng được ít ngày, thấy chướng và ngại quá, tự mình điều chỉnh, tự làm hết những việc có thể làm được.

Ngày ở Viện 2 về đơn vị, nghe anh em nói đánh căn cứ Thanh Bình, sau khi đánh chiếm được bãi đá thì pháo địch cấp tập bắn vô, mình rút lui không kịp, cả đội hình tiến công bị trúng đạn pháo 105 - hy sinh mất năm đồng chí trong đó 3 đồng chí người Hà Nội (trong đó có Chanh Gia Lâm cùng nhập ngũ với mình và 2 đồng chí người Hà Tây cũ); số anh em bị thương nhẹ rút ra được hết, còn mình bị thương nằm bất tỉnh tại bãi đá đó cùng các đồng chi hy sinh; tối bọn thằng Toán, Mão trinh sát dẫn bộ binh lên đưa xác các đồng đội về và thấy mình còn sống băng tạm đưa về tiểu đoàn và đưa ngay về phẫu tiền phương...

Ngày đầu lính chiến chuyển qua trồng bông ở Thuận Hải

Sau khi chuyện Pulro tạm lắng, Sư đoàn 968 được lệnh đi trông bông, thực tế bọn tôi cũng chẳng quan tâm di đâu nữa – Cứ lên xe và về lại Thuận Hải, không khí đơn vị hồi này sao sao đấy, tư tưởng hết muốn ở lại quân đội đã trở thành phong trào của lính nhất là lính Hà Nội và Hà Tây; sự phá bĩnh biểu hiện ra mặt ở những người lính cam trường ngày xưa khi sống trong hòa bình, lãnh đạo hôm nay vừa mang tính áp đặt trong chiến đấu vừa mang tính cục bộ địa phương đã làm sốc nặng tâm lý anh em lính chiến. ở lính bắt đầu hình thành, mâu thuẫn không phải lính mới cũ, mà nổi lên tính địa phương tuy chưa đến nỗi phải đánh nhau. Chán lắm đồng đội ạ; có phải anh em lính muốn chia rẽ nhau đâu, đánh nhau vào sinh ra tử, chia nhau từng hớp nước, tìm nhau khi lạc đường, nhường đồng đội rút trước mình rút sau để bắn cản đường cho nhau đâu phân biệt tỉnh này, tỉnh nọ, nay Hòa bình chỉ vì tính ích kỷ, địa phương của người lãnh đạo nổi lên nên anh em phía dưới phải gánh đại họa bài sích lẫn nhau– chán lắm, đến khi mình về Nam cũng vậy, mới hòa bình thì Đà Nẵng có câu: Nhất khu, nhì tù, tam trụ, tứ kết nghĩa là khi sử dụng cán bộ và đề bạt cán bộ thì việc xem xét đầu tiên là đề bạt mấy anh ở chiến khu về, sau đến là mấy anh ở tù về và sau nữa là mấy anh bám trụ và loại tâp kết như xuanxoan là loại thứ 4 sát với dân thường và phía Việt Nam Công hòa và bây giời còn nặng hơn là người cùng huyện...thôi không bàn nữa kẻo vi phạm Luật chơi trên trang mạng.

Ga Sông Lũy là điểm tọa độ bọn tôi thường chấm khi "tút" đi chơi Sài Gòn hoặc Nha Trang bằng đường sắt; đường bộ sau này có anh em quân cảnh thường kiểm tra nên bọn tôi hay đi bằng tầu hỏa và cái tài nhảy tầu điện của dân Hà Nội lúc này được phát huy. Kiểu nhảy của bọn tôi làm anh em công nhân đường sắt Miền Nam phục sát đất: mấy chú giải phóng Miền Bắc nhảy tầu hay quá, nhảy như trong phim cao bồi vậy.

Lúc đầu đóng quân ở Sông Mao, ngoài đường I gần mấy đồi cát. Từ đây bọn tôi đi bộ ra Phan rí để mua cá cho đơn vị, ăn cơm ở đây bọn tôi thường chan lẫn cát vì mỗi lần có cơn gió là cát bay mất mặt nên chuyện ăn cơm với cát đối với bọn tôi là bình thường. Ngoài người dân tộc Nùng, ở đây bọn tôi thường gặp ít người dân tộc địa phương gầy guộc, đen thui thường từ trong rừng ra đổi đồ và có lẽ là người dân tộc cực khổ nhất mà tôi từng gặp.Tiểu đoàn bộ bọn tôi đóng quân ở khu vực toàn người dân tộc Nùng của Miền Bắc di cư 1954 nên cũng phức tạp; đời sống nhân dân khổ chẳng kém gì lính, vùng đất khô cằn toàn cát trằng và không có nước, dân ở những căn nhà nhỏ, lụp sụp như đồng bào Bắc Trung bộ hồi đó, trái cây chỉ lác đác vài vườn na (mẵng cầu ta). Ở được ít ngày bọn tôi lại tiến vào rừng thưa để ở và công việc như hồi huấn luyện lại bắt đầu: Ngày vào rừng sâu chặt lá cọ, chặt nứa, gỗ để làm nhà...được khoảng vài tháng thì tôi ra quân do chính trị viên không chịu nổi cách chia cơm của tôi – lính thì được ưu tiên chia trước và khẩu phần nhiều hơn, còn thủ trưởng ít hơn do không phải vào rừng vất vả như anh em.Thế đấy, khi trong đầu người ta có ý nghĩ tiêu cực mà không được giải thích, giải thoát nó cứ tích tụ sẽ làm bùng thêm mâu thuẫn mới và hành động cũng bất chấp hậu quả thế nào.

Hy vọng có những đồng đội ở tiểu đoàn tôi độc trang thông tin này để bổ sung, sửa đổi để dựng lại hình ảnh chân thật của người lính của tiểu đoàn bộ binh 4 Trung đoàn 19 Sư đoàn 968.

Dãy Trường Sơn huyền thoại

Trường Sơn đông em đi.....

... thương bên tây anh mùa đông/nước khe cạn bướm bay lèn đá/biết lòng anh say miền đất lạ...

Những bài ca, lời ca đi cùng năm tháng nay nghe vẫn da diết, tình người đến thế - nhớ thời gian hành quân trên đường Trường Sơn, cứ mỗi lần khoác ba lô, vác cây súng nhịp bước theo anh em đồng đội; trong đầu lại văng vẳng lời ca ấy và điều kỳ lạ là thời gian đó Đài tiếng nói Việt Nam hình như 24 /24 giờ không bao giờ tắt những ca khúc quân hành như vậy. Cứ hành quân, anh em đi qua binh trạm nào cũng vậy, hoặc gặp bất kỳ đồng chí cán bộ nào mở đài cũng nghe những lời ca tiếng hát làm nức lòng quân đi...

Ôi năm tháng hào hùng mới đó, nay đã đi vào huyền thoại - ngay hồi đó anh em bọn tôi truyền tai nhau: tiếng hát 24/24 giờ đó là lời hát ru cho linh hồn những người lính trẻ đã hy sinh, đã ngã xuống mà thân xác còn nằm dải rác ở biên cương, trên rừng, dọc đường đường Trường Sơn ...cứ thế lần lượt, những đoàn quân - lính trẻ bọn tôi đi vào huyền thoại Trường Sơn..

Cứ thế đi miên man trên đường Trường Sơn dòng rã mấy tháng trời không nghỉ, áo quần sờn rách, quai dép thay mấy lần, những kinh nghiệm đi đường Trường Sơn từ từ nhập tâm vào chúng tôi, đã biến thành một tố chất riêng có của người lính chiến: thích nghi nhanh các điều kiện khắc nghiệt, biết chọn các vấn đề cơ bản để tồn tại trong các hoàn cảnh đơn độc khi bị lạc trong rừng, trong chiến đấu. "nó" trở thành bản lĩnh của người lính chiến sau này khi xung trận... cuối cùng chúng tôi cũng đến đơn vị chiến đấu – K3 Tình nguyện.

Chiến trường đây ư - sao thanh bình đến thế, ngút ngàn mầu xanh của cây cỏ, từng đàn bò gặm cỏ xanh non; vài con ngựa đang vờn hý trên sườn đồi sao đáng yêu thế...hành quân qua buôn Kapơ và một số buôn làng...nhìn những cô gái Lào mặc những chiếc váy thêu thùa sặc sỡ như người dân tộc Tày ở Miền Bắc nước ta; cảnh người vợ địu con đi trước, sau nàng là người chồng gùi nặng đồ lùi lũi theo sau (một thời là hình ảnh mong ước của mình đấy) ... những chiếc xe bò lóc cóc, tiếng mõ về buôn vào buổi chiều; những làn khói vương vấn trên những mái tôn sau cơn mưa sao nhớ nhà, nhớ mẹ đến lạ...

Cao nguyên BôLôVen nằm trải dài, bình độ thoai thoải, chúng tôi đi gần như không biết đang lên dốc, dọc đường hành quân gặp những người dân Lào với những ánh mắt đầy thân thiện, sự cởi mở toát lên ở hành động, nhiều khi tôi buột miệng hỏi bằng tiếng Việt, họ vẫn trả lời bằng ý họ hiểu được và trả lời cả bằng cả tiếng Việt họ có được cộng tiếng Lào và cả những động tác tay...vui thật – cũng hiểu tí tí vì có tiếng Việt chêm vào tiếng Lào và động tác tay chân của họ.

Đến đơn vị chiến đấu rồi, nhìn quanh không thấy hố bom và không ngửi thấy mùi thuốc nổ như ở dọc đường Trường Sơn; lạ quá, vào đến chiến trường lại yên ắng, bình yên hơn trên đường dây...nhìn thấy một căn hầm đẹp, sạch sẽ mình chạy ào vô định hỏi thăm – roạch, cạch; tiếng đạn lên nòng vang lên, mình chột dạ đứng im và nói: em tân binh mới bổ sung...lúc này anh Thính người nhận quân ở đường dây chạy vào nói: đây là đồng chí tân binh mới bổ sung, không biết gì, mong đồng chí thông cảm...và quát tôi ra...hóa ra tôi chạy đúng vô phòng cơ yếu máy 15 W của Tiểu đoàn, khi đồng chí cơ yếu đang dịch mật mã...hú hồn, từ đó về sau tôi cạch không bao giờ vô hầm cơ yếu, dù sau này quen đồng chí gọi vô chơi tôi cũng lắc đầu luôn.

Tiểu đoàn 3 Tình nguyện nguyên là tiểu đoàn bộ đội Biên Phòng bảo vệ bên này Cầu Hiền Lương được Bộ điều tăng cường cho lực lượng chuyên gia quân sự của ta ở Lào nên quân chủ yếu là người Quảng Bình và Hà Tĩnh, năm 1970 có tăng cường quân Hà Tây cũ (nay Hà Nội) và Thanh Hóa. Đây là một tiểu đoàn được xây dựng tương đối chính quy, có nề nếp và tác phong của quân chủ lực. khi bọn tôi bỏ sung được ít ngày thì đơn vị được hợp nhất với 2 tiểu đoàn Tình nguyện khác của mặt trận thành Trung đoàn 19 thuộc sư đoàn 968.

Nói đến huyền thoại Trường Sơn ngoài những con đường huyền thoại như trên, còn có những con người đầu tiên mở đường 559; những huyền thoại của Lực lượng Thanh niên xung phong, công binh mở đường, bắc cầu, làm ngầm... giữ đường dù bom rơi đạn nổ, dù hy sinh cả đơn vị đứng điểm, chốt đường nhưng các anh, các chị vẫn phải đảm bảo thông suốt cho đoàn xe ra trận; là huyền thoại của sư đoàn vận tải bằng ôtô nhận lệnh là lên đường thần tốc vận chuyển ngay, xe đầu cháy - chấp nhận hy sinh tăng tốc lực chạy mở tuyến khác cho máy bay, bay theo bắn đuổi để đoàn xe qua trọng điểm an toàn; là lực lượng bộ đội đường ống đảm bảo xăng cho các đoàn xe đi qua; là các anh lính pháo cao xa hiên ngang mang pháo tới điểm cao nhất của đỉnh núi để bắn hạ máy bay, bảo vệ đường và chia lửa với các chốt điểm của thanh niên xung phong; các binh trạm, đặc biệt những câu chuyện của các anh chị ở các kho binh trạm, lực lượng gùi hàng của nhân dân các dân tộc sống trên dãy Trườn Sơn và bộ đội bằng đôi chân trần đã gùi thồ, giữ gìn an toàn hàng hóa lương thực vũ khí cho bộ đội trong điều kiện đơn độc trong núi rừng..

Ngoài ra, sống chiến đấu trên dãy Trường Sơn huyền thoại, của đường dây 559 còn một lực lượng nữa tuy chỉ phụ trợ nhiệm vụ chính của đường dây 559, ít được đề cập là các đơn vị bảo vệ đường dây vòng ngoài; lực lượng này là một nét thôi, chỉ một nét bút vẽ trong huyền thoại đường dây 559 của đường Trường Sơn mà sư đoàn chúng tôi nằm trong nét bút vẽ huyền thoại này...vì không chỉ là lực lượng bảo vệ đường dây, không chỉ làm nhiệm vụ quốc tế bảo vệ vùng giải phóng Lào và hơn thế trong đợt Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 còn được chọn làm một cánh quân chủ lực trong mặt trận Tây Nguyên - đánh nghi binh đã tô điểm thêm trong huyền thoại đường Trường Sơn...

Tiểu đoàn 3 Tình nguyện lúc này vẫn là đơn vị độc lập nên biên chế rất mạnh - Tiểu đoàn lúc này do anh Miến làm Tiểu đoàn trưởng, Anh Ngô người Hà Tĩnh làm Chính trị viên tiểu đoàn, anh Lừa người Quảng Bình làm tiểu đoàn phó, anh Dũng người Ba Đồn tiểu đoàn phó; tiểu đoàn bộ lúc này có một trung đội trinh sát, một trung đội thông tin, một máy 15W và tiểu đoàn có một đội phẫu do một bác sĩ phụ trách hay một bệnh xá gì đó ( một thời gian sau chuyển máy 15W và bệnh xá này về sư đoàn).

Lính chiến trường nhưng cũng có người phù hợp với khí hậu ở Paksong như Phong trung đội trưởng trinh sát người Hà Tĩnh ( sau 1979 được bổ nhiệm làm tiểu đoàn trưởng, hy sinh khi sang Lào lần 2), Tân người Thạch Hà, Hà Tĩnh lính 2W da cứ trắng hồng như con gái, còn đa số anh em bị ảnh hưởng sốt rét nên cứ xạm đen, tai tái nếu bây giờ bọn trẻ thị thành gặp bọn tôi như hồi đó dứt khoát bảo bọn tôi giống bọn nghiện hút ... anh em lính cũ gặp lính mới phấn khởi lắm, thôi thì hỏi han chuyện gia đình, tình hình Miền Bắc và khi hành quân ngang qua quê hương Hà Tĩnh, Hà Tây, Quảng Bình có gì đổi thay không...và hướng dẫn bọn tôi cách sống, sinh hoạt của người Lào; cách phán đoán bom rơi và tiếng réo của đạn pháo... Lính Hà Nội đợt này bổ sung vào tiểu đoàn bộ đông nhất là bổ sung vào trung đội thông tin 6 người (3 lính 2W, 2 lính hữu tuyến, 1 liên lạc) và một mình thằng Toán nhà ở dốc Vĩnh Tuy giờ là chân cầu Vĩnh Tuy được bổ sung vào trinh sát, về sau có tiếp nhận một lính Hà Nội về nuôi quân tiểu đoàn; số còn lại bổ sung về các đại đội chiến đấu.

Tinh thần và không khí của lính ở tiểu đoàn 3 tình nguyện lúc này rất hay, tình cảm đồng đội thật sự như trong thơ Chính Hữu :...Áo anh rách vai / Quần tôi có vài mảnh vá / Miệng cười buốt giá / Chân không giày / Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...anh em cũ đi kiếm vải bày chúng tôi may tất chống vắt, may gùi đựng đồ trong chiến đấu, bày cách tháo màn cắt ra làm bọc võng và kiếm lựu đạn Mỹ cho chúng tôi thay lựu đạn chày dài vướng víu, kiến thắt lưng, xẻng hai tác dụng của địch để bọn tôi sử dụng cho tiện dụng...cứ thế tinh thần, hành vi hàng ngày và trang bị trên người của bọn lính tân binh chúng tôi dần dần thay đổi và trở thành lính chiến lúc nào không hay.

Từ đây lính tân binh chúng tôi đi theo chân lính cũ dọc ngang cao nguyên để làm quen địa bàn bảo vệ cũng như tập cách quan sát nắm bắt địa hình...cứ thế cao nguyên Bôlôven đặc biệt là địa hình Paksong chúng tôi thuộc chỗ nào có mìn, chỗ nào vào được ...giống như thời trẻ bọn tôi khoanh vùng tác chiến để câu cá, bứt ổi ở khu vực từ Ô đống Mác chạy từ sông Kim ngưu – đê La thành chạy bọc chợ Mơ về dệt 8/3 vòng về Vĩnh Tuy ...nơi rất nhiều ao hồ, ruộng rau muống và ổi...Ở Paksong tối bọn tôi có thể ra bứt chè về nấu uống, sáng đi bứt đọt su su, rau cần để nấu canh...và xuống các hố bom, đạn để bắt cá... Tối tối chạy sang bọn trinh sát ngóng chuyện chúng nó kể những lần đi trinh sát gặp địch, bọn thằnh Mão đen người Quảng Bình; Mão mèo, Tăng gầy, Phụng tròn người Hà Tây vào trước một năm vừa kể thật để bọn tôi học kinh nghiệm vừa bịa để hù dọa bọn tôi cho vui...sau này vào đánh thật thấy cũng thường thôi.

Chuyện kể của các đồng đội:

Chuyện loanh quanh của lính mới ở chiến trường

Những ngày đầu về tiểu đội vô tuyến, mình được phân theo Tân người Hà Tĩnh học việc và là máy phụ, thôi thì đủ thứ bà giằng như bê máy ra lau chùi bên ngoài, bê máy vô cất, tháo ăng ten, tập quăng dây trời...thôi thì làn sóng 2W bay vi vu trên trời giống như Tôn hành giả du ngoạn năm châu bốn biển, đến khi gặp ngọn ăng ten đúng tọa độ sóng như con khỉ ( giờ nhớ lại cái anh chàng Tân này cứ mở miệng là ...con khỉ) gặp hoa quả sơn thế là hội tụ, ta nghe được tiếng chim kêu vượn hót và tiếng gọi bạn của đồng đội và cuộc sống thường nhật của người lính thông tin là bảng mật mã nếu địch bắt được thì phải thủ tiêu ngay cuốn mật mã trước khi hy sinh... mình đau cả cái đầu vì cái gì cũng quan trọng, cái gì cũng phải sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nó...thôi thì đối với người lính 2W cái gì cũng là nhiệm vụ quan trọng cả là được rồi. Mỗi lần đi dã ngoại, trên vai mình mang đủ thứ từ vũ khí, pin dự trữ, xẻng .... đến lương thực 2 xuất, theo máy trưởng đi quanh Paksong thật nhiều lần nhưng chưa một lần lên máy. Cứ mỗi lần xin ngồi máy nhận điện là máy trưởng Tân lại quát: không được vào máy, đây là khí tài quan trọng hỏng là chết cả nút, lính mới ngơ ngơ như " bò đi cợp"...thế là mình lại thụt vòi – chỉ loanh quanh quan sát cách Tân vào máy, sử dụng máy và học thuộc mật mã để dịch điện khi Tân giao nhiệm vụ.

Trong thời gian này mình dần dần được tiếp cận với máy 2W thường xuyên, thực hiện việc làm máy phụ một cách chính xác, Tân máy chính không chê vào đâu được. cậu ta ít dần những lời la hét ban đầu về mình và thỉnh thoảng cho phép mình được lên máy làm việc;

Những lúc xuống các đại đội, mình tranh thủ chào hỏi làm quen với thủ trướng các đại đội; những khi không phải phiên lên máy, mình là cà xuống các tiểu đội học hỏi cách sống của các cựu binh và ăn ghé các món mà lính bộ binh ca cóng được. Vì là tân binh nên việc đào hầm hố và đi lấy cơm hàng ngày là bổn phận của mình khi đi phối thuộc ở các đại đội - nhưng thực tế qua lấy cơm ở bếp đại đội mình lại được quen biết anh em rất nhiều và tinh thần của mình qua giao tiếp với đồng đội đã giải tỏa được nỗi nhớ nhà cũng như có chất súc tác giúp mình hòa nhập nhanh với môi trường sống mới lạ,.cần phải thích nghi.

Rồi một hôm, Tân bị lên cơn sốt rét cao, rên hử hử vì đã qua nhiều ngày cơn sốt không hạ được báo cáo về tiểu đoàn, tiểu đoàn cho phép Tân về tiểu đoàn để điều trị và lúc này mình được Tân bàn giao máy...và lần đầu tiên được đeo chiếc đồng hồ Ỏrieng mạ vàng tuyệt đẹp mà ở Hà Nội thời đó bọn mình chỉ ngắm nó ở tay người khác mà mê mẩn – vì ở tiểu đội mình chỉ máy trưởng mới được đeo những chiếc đồng hồ chiến lợi phẩm này khi nhận máy; mình như trẻ thơ được manh áo mới ngày tết thủa đó, hồi hộp, chăm chú nhìn đồng hồ để đến giờ lên máy, cứ tung tăng tung tẩy dịch thuật, lên máy, báo cáo và tối lại xuống các tiểu đội lính chiến đàn đúm cà phê, chè mạn làm kẹo kéo và đánh tú lơ khơ ăn kẹo...sao lúc đó thèm ngọt đến thế, mình chuyên tìm cách đi hết tiểu đội này, sang tiểu đội khác rủ đánh bài ăn kẹo...chơi cũng chẳng khá gì đâu, nhưng toàn dùng thủ đoạn chùi bài đen nên hay thắng và được ăn kẹo của anh em bộ binh...giờ chúng mà biết chắc bị trùm chăn đánh hội đồng quá...hì hì chuyện xưa rồi này mới kể mà...tha thứ đi, đồng đội.

Nhớ lại những trận đánh mùa khô 1971 của Nguyễn Chí Mão
trong Nam Lào một thời để nhớ

Nếu cao nguyên Bô lô ven là địa bàn chiến lược của Nam Lào thì Paksong, đông bắc của tỉnh Chămpasac là địa bàn cực kỳ quan trọng của cao nguyên Bôlôven. Từ paksong theo đường 23 về là pakse, thành phố thứ hai của Lào khoảng 50 Km; cũng từ paksong theo đường 23 đi Tha teng 38 Km; đi Lào Ngam, xalavan cũng mấy chục Km thôi. Cũng từ Paksong đi hướng đông độ 30 Km là đến Phù Langkeo; từ đây, nhìn đường quốc lộ 16 từ Tha Teng qua tỉnh Tavenooc (nay là tỉnh Seekoong) đến thị xã mường mày, tỉnh Attoopo rồi về biên giới tỉnh Công Tum của Việt Nam. Từ đỉnh phù Lăng Kẹo ra phía đông không xa là tới đường chiến lược Hồ Chí Minh nhánh phía tây. Xung quanh Paksong có 7 điểm cao địch đóng quân , đó là Phù nọng kin đông, Phù Nọng kin Tây, Phù Thêvađa Nam và Phù Thêvađa bắc, Phù Chăm Pi, Phù Nọnglé, Phù Nọngpa. Có cả nhà máy thủy điện ở Bắc thị trấn trên con đường đi bản Kapo. Với địa bàn chiến lược quan trọng như vậy nên ta và địch giành nhau quyết liệt. Từ mùa khô ta tấn công giải phóng thì đến mùa mưa, ta gặp khó khăn về tiếp tế thì địch lại hành quân tái chiếm.

Tháng 12 năm 1971, để phối hợp nhịp nhàng với E9 đánh ở hướng Keng Nhao, Tha Teng, Lào Ngam. Mặt trận Y giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 3 tình nguyện đánh vây ép Phù Nọng kin đông và Bản Sết (bản này địch đuổi hết dân từ mùa mưa để xây đồn), nhằm chia lửa và giam chân địch không cho chúng đi ứng cứu nhau. Phù Nọng Kin đông cách paksong 6Km về hướng đông, là núi yên ngựa mỏn cao A cao 1.326m so với mực nước biển. Địch đóngchốt hai mỏn và bản sết dưới chân phù, sát đường 23, có một tiểu đoàn lính đánh thuê Thái Lan.

Mặt trận Y tăng cương cho tiểu đoàn 3, một khẩu cối 120mm, 1 khẩu ĐKZ 75 ly và 2 khẩu súng phòng khoong12,7 ly, một tổ trinh sát gồm các đồng chí Thế, Phẩm, Minh, Đạt, Hộ, Dân.

Đến ngày 6 -12- 1971 Hậu cứ của tiểu đoàn 3 ở khu vực Km 12 đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, những thứ cần thiết cho trận đánh. Bộ phận gánh lót đạn cối cũng đã hoàn thành nhiệm vụ vào nơi quy định.

5h chiều, toàn tiểu đoàn đến nới tập kết. Tổ trinh sát của đồng chí Thế dẫn bộ phận cối 120 ly, tổ đồng chí Đạt dẫn đơn vị 12,7 ly, tổ đồng chí Mão (đen) dẫn đại đội 4 cối 82ly do đồng chí Lê Duy Thăng là đại đội trưởng vào các vị trí đào hầm hào trận địa. 8h tối, tổ đồng chí Phong, Hạnh, Soát dẫn đại đội 3 do đại trưởng Đỗ Trọng Hoàn chỉ huy vào vị trí vây ép ở bản Sết. Tổ đồng chí Hải Chính, Mão dẫn đại đội 1 do đại đội trưởng Bùi Minh Lũy chỉ huy mỏn A phù Nongkin là nơi đặt bộc phá mở cửa vây ép.Đồng chí Sử, Hòa dẫn đại đội 2 do đại đội trưởng Trần Sĩ Lừa chỉ huy và vị trí dự bị đánh cơ động. Tiểu đoàn bộ đứng chân cách đại đội 2 chừng 400m anh em bộ đội mang vác rất nặng, ngoài súng đạn, cuốc xẻng, tăng võng, hai ngày cơm vắt, mỗi người còn phải vác 1 bó gỗ từ cứ lên để làm hầm. Bộ phận thông tin hữu tuyến dải dây điện từ chỉ huy tiểu đoàn theo bộ binh về các đại đội. Ngoài máy hữu tuyến, mỗi đại đội còn được tăng cường 1 máy 2W. thời gian cứ lặng lẽ trôi nhưng cực kỳ căng thẳng, cứ hơn chục phút trong đồn lại bắn ra vài quả cối sáng. Gần 12h đêm các mũi đều tiếp cận vào vị trí an toàn và khẩn trương đào hầm. Rất may, đất bazan mềm nên không phát ra tiếng động. Từ chỗ dự kiến mở cửa đến chỗ địch ở khoảng hơn 40 m.

2h kém 15' sáng các mũi báo cáo về chỉ huy sở đã chuẩn bị xong xuôi mọi việc. 2h rạng sáng 7 – 12 – 1971 tiểu đoàn trưởng Lê Tất Miến hạ lệnh điểm hỏa. Gần như một lúc những tiếng nổ vang trời, các khói lửa nhóa mắt cao đến gần chục mét, quét sạch 4 hàng rào bùng nhùng, chông, mìn. Một cửa mở rông chừng chục mét kéo dài vào tận giao thông hào của địch. Sau khi mở cửa, hỏa lực của ta bắn dữ dội vào hướng quân địch. Đạn bắn thẳng gồm DDKZ57, B40, B41, xa hơn thì cối 60, 82, 120 ly cũng đồng loạt gầm rít.

Đạn cối 120 ly khoan sâu nổ ùng ục, tiếng đề ba cối 82 cứ bạch, bạch đều đều. Hơn 30 phút sau vẫn không thấy địch trong đồn bắn trả. Có lẽ bị hỏa lực của ta đề bẹp không ngóc đầu được; khoảng 3h sáng pháo 105 ly từ Pakcut dồn dập bắn trả. Chúng bắn lung tung không nhằm vào đâu cả. Mờ sáng ngày 7 – 12, khi pháo địch vừa ngớt thì từ trong đồn địch tới tấp tung lựu đạn ra khu vực cửa mở. Không may một quả lọt vào vào hầm đồng chí H. B trưởng và 2 đồng chí nữa hy sinh. Như vậy 3 đồng chí của đại đội là những người đầu tiên hy sinh của tiểu đoàn 3 tình nguyện trong đợt vây ép này.

Sương vừa tan, hai chiếc máy bay trinh sát L19 đã chao đảo dòm ngó khu vực, chúng lượn xoáy quanh phù và bản sết. Từ trong đồn địch, ném ra một quả pháo hiệu khói mầu đỏ ngay sát hàng rào ngoài cùng.L19 phóng tiếp một quả pháo hiệu khói màu trắng gần nơi quả pháo hiệu mầu đỏ. Ngay lúc đó 3 chiếc T28 xuất hiện lượn một vòng rồi bổ nhào trút bom. Hai khẩu 12,7 ly cùng đồng loạt nhả đạn. Bom nổ chát chúa, những căn hầm nhỏ cứ lắc lư chao đảo như đưa võng. Khói bom bụi đất mù xộ vào hầm, đắng sạn đến ngẹt thở. T28 hết bom bay đi thì F4 lại đến ném bom, phóng rốc két. Cứ nghe thấy tiếng bom nổ là biết mình còn sống.

Anh em làm nhiệm vụ vây ép ở trên phù có sáng kiến căng dây dù từ hầm nọ đến hầm kia, buộc ống bơ thông báo cho nhau biết khi địch xông ra phản kích, bịt cửa mở. Giai đoạn này ban ngày trời nắng như thiêu, như đốt. Bi đông nước uống phải hết sức tiếp kiệm. Đêm về thời tiết lại trở lên rét buốt như cắt da thịt, máy bay C130 lại tới, chúng lượn vòng vài lượt rồi thả pháo sáng bắn đại liên và pháo 20 ly. Bon này dai lắm, có thể thay nhau hoạt động cả đêm.

Sáng ngày 8 – 12 pháo địch từ Paksong, Pakcut bắn ra dữ dội vào mọi nơi chúng nghi, ngồi dưới hầm nghe tiếng rú ù ù thì có nghĩa là đạn vượt tầm xa, khi nghe tiếng loẹt xoẹt thì là rất gần, im lặng tiếng pháo thì máy bay lại xuất hiện, chúng xăm xoi cố tìm trận địa súng cối, súng 12,7 ly của ta. Nhưng do anh em ngụy trang tốt và có cả những trận địa giả nghi binh của ta nên địch không phát hiện được.

Chiều 8 – 12 địch ở Bản Sết nống ra phản kích hòng khai thông đường 23 và bịt cửa mở, bị đại đội 3 của đại trưởng Đỗ Trọng Hoàng đánh cho tan tác, phải rút vào đồn. Đại đội 3 bắt sống được 17 tên địch, anh em dùng dây dù trói chúng vứt xuống 3 chiếc hầm cũ của dân. Đến 8h tối, tổ trinh sát của anh Hòa, Thế, Mão và anh Quá trợ lý tác chiến vào đại đội 3 hỏi cung tù binh. Trận bom khi chiều ném trúng hầm đã giết 7 tên nưa, đồng chí Hưng cũng bị thương nhẹ, đồng chí Hòa, Quá, Thế trực tiếp hỏi cung khai thác ( đồng chí Thế Việt kiều Thái về nước nên rất giỏi tiếng). Sau 2 ngày bị vây lấn, ép bọn địch thiệt hại nặng, tinh thần rất hoang mang xin chỉ huy cho rút nhưng không được đồng ý. Lời khai của tù binh trùng khớp với nội dung đài kỹ thuật của ta dịch được từ điện đài của địch.

Sáng sớm ngày 9 – 12, khi pháo địch vừa ngừng bắn thì chiếc máy bay vận tải C47 ì ạch bay tới, nó vừa lượn nữa vòng thì 12,7 ly của ta đồng loạt nhả đạn, hoảng hốt nó vọt lên cao và đùn ra 16 cái dù, phần lớn số dù đó cơ man nào là đạn cối, đạn ĐKZ, nước uống, hoa quả thực phẩm đông lạnh, lương khô...Trong hầm, anh em dùng mìn clay mo đun nước luộc thít, luộc gà, pha café . Như vậy 3 ngày cực kỳ ác liệt, căng thẳng trôi qua, 2h chiều ngày 10 -12 địch từ Thêvađa Nam đi ứng cứu giải tỏa. Chúng bí mật luồn qua vạt rừng khộp thưa, đến bãi tráng hôm trước chúng đã ném bom cháy thì ta phát hiện được. Tiểu đoàn trưởng Lê Tất Miến điều đại đội 2 do đại trưởng Trần Sĩ lừa trực tiếp đánh viện cùng đi có 2 khẩu cối 82 ly của đại đội 4 do đại đội trưởng Lê Duy Thăng chỉ huy. Ta tiếp cận gần địch đến nỗi cối 82 phải bắn ứng dụng. Trên trời máy bay địch quần thảo, gầm rít nhưng không dám ném bom. Hơn 20 phút đánh nhau dữ dội, địch thiết hại nặng phải tháo chạy, ta cũng khẩn trương dời khỏi nơi chiến sự. Khi máy bay địch đến ném bom thì quân ta đã về nới tập kết an toàn.

Cùng lúc này trên Phù Noong Kin lính địch cũng xông ra hòng đánh bật lực lượng vây ép của ta và bịt cửa mở. Súng của ta, súng của địch nổ đinh tai nhức óc. Bụi đất, khói thuốc súng mù mịt, gần nửa tiếng địch không thực hiện được ý đồ phải rút vào đồn, bỏ lại hơn 10 xác chết và một số súng đạn. Phía ta, đồng chí H. chính trị viên đại đội 1 và một đồng chí nữa hy sinh, hai đồng chí bị thương.

Sơ phẩu của tiểu đoàn 3 tình nguyện đặt ở rìa suối Mặc chăn gần bản Xê piên. Mấy ngày chiến sự xẩy ra, Y sĩ Thiêm, y tá Đồng và các y tá khác làm việc cật lực suốt ngày đêm, không mấy khi được nghỉ. Những thương binh ở phía trước chuyển về được kiểm tra, xử lý băng bó những ca nặng phải chuyển ra Phu lang Kẹo, dưới chân dốc là Mường Mày tỉnh Attopo.

Tối 10 – 12, Tiểu đoàn trưởng Lê Tất Miến giao nhiệm vụ cho đại đội 1 mở tiếp một cửa mở ở mỏn B. Tổ 5 người này được tăng cường 1 khẩu B40, 1 khẩu M79 gọi là tổ giương công để chia lửa với mỏn A. 3 (ba) giàn bộc phá 54 kg thuốc, khi điểm hỏa một đụm lửa như hai gian nhà chói lòa. Trên phù Noong Kin địch hết sức hoang mang, quân đi cứu viện không tới được, đường bộ bị cắt, không tiếp tế được. Tiếp tế đường không bị súng 12.7 ly bắn rát phải vọt lên cao thả dù hầu hết chệt ra ngoài. Vì vậy súng trong đồn bắn ra rất ít.

Sáng 12 – 12, súng cối của ta lại dồn dập bắn cấp tập vào quân địch ở 3 điểm, tuyệt đối không không có quả đạn nào của địch trong đồn bắn trả. Lát sau máy bay địch bu đến ném bom vào trận địa cối của ta, không may một quả bom nổ ngay cạnh khẩu cối 82 ly, cả khẩu đội bị thương và hy sinh, cối bị hỏng nặng. cuổi chiều cùng ngày, đồng chí Long chính trị viên tiểu đoàn thông báo bằng điện thoại cho các đại đội biết E9 đã giải phóng Keng nhao, Tha Teng.

4h30' sáng 13 -12 – 1972 sau 7 ngày 7 đêm liên tục vây, lấn, ép, tấn toàn bộ quân địch đóng ở Phù Noong kin và Bản Sết đã tháo chạy. Tiểu đoàn trưởng Lê tất Miến điện gấp cho đại đội 2 và trung đội 2 và 2 trung đội của đại đội 1 truy kích địch. Tổ trinh sát Phong, hải, Mão "đen" kiểm tra tảo trừ bản Sết.Tổ Sửu, Thính, Mão, Soát, kiểm tra tảo trừ Phù Noong Kin, toàn tổ đi theo cửa mở mỏn A vào đồn. Trước khi vào kiểm tra thường phải ném một quả lựu đạn hoặc bắn găm một loạt đạn ngắn. Chúng tôi thấy hầm địch nào cũng lập một bàn thờ ở góc. Trên cổ những xác địch tên nào cũng đeo bùa hộ mệnh. Đạn cối 82, 120 ly của ta bắn trúng hầm và giao thông hào nhiều lắm. Có hầm xếp bao cát dày đến hơn 1m mà cối 120 vẫn bắn khoan đổ sập. Các hầm dọc giao thông hào hàng ngoài bị ĐKZ và B40, B41 phá hủy tan hoang. Ở trận địa cối 60 ly, 81 ly, ĐKZ 57 dịch bỏ lại nằm trơ, không còn lấy một viên đạn. Có 2 hầm chưa đầy xác giặc, chúng lấp vội đang bốc mùi hôi thối. Địch bỏ lại rất nhiều sùng ống và quân tư trang. Chúng tôi vào một hầm bỗng giật mình nhìn thấy 2 giây lưng đeo bi đông, băng đạn ASK và một khẩu AK gãy bán của đồng chí H.B trưởng, thì ra lúc xông ra bịt cửa mở, địch chui xuống hầm các đồng chí bị lựu đạn hy sinh nhặt mang về đồn. Lúc này trời sáng rõ, pháo từ Paksong, Pakcut lại bắn ra dữ dội vào nơi đồng bọn vừa rút. Hơn nữa tiếng sau im tiếng pháo thì máy bay T28 lại đến trút bom. Lúc này quân ta đã giãn ra ngoài, họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho trận đánh mới.

Máy thông tin 15W quay rè rè chuyển báo cáo của tiểu đoàn 3 tình nguyện về mặt trận Y Bộ tư lện mặt trận biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng giam chân địch một thời gian, không cho chúng đi ứng cứu nơi khác, tạo điều kiện cho đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ và sau đó buộc chúng phải tháo chạy khỏi Phù Noong kin và Bản Sết. Sườn phía dông thị trấn Paksong đã hở mở ra một khoảng trống. Tiếp đó Bộ tư lệnh mặt trận Y giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 3 tình nguyện tiếp tục tấn công phù Thêvađa Nam và Thêvađa Bắc ngay những ngày cuối tháng 12 năm 1971.

Đi ngược về lối xưa

Sau hai ngày ở Chăm Phăc săc, sáng chúng tôi tiếp hành quân về Xalavan; đường đi dốc thoai thoải xuống dần, dọc đường nhiều cây dã quỳ nhưng không có hoa (hình như hoa đã nở trước đó), tự nhiên thấy buồn buồn ...phong cảnh vẫn như xưa, dù đã 40 mươi năm, cũng cách canh tác ấy, mùa này lúa đã chuyển mầu, dân bản tập trung ra đồng gặt đổi công (mình nghĩ vậy, vì có mảnh ruộng rất nhiều người tham gia gặt như kiểu đổi công ở Việt Nam) cũng vườn ruộng xen lẫn rừng thưa nhìn mát mắt, với tôi hình ảnh này đã ăn vào tâm trí tôi, giống như tôi đã từng sinh ra và lớn lên ở đây vậy, đây vùng đất quê nhà, thật gần gũi, thân quen. Hồi mới giải phóng nếu mình ở đây có lẽ phù hợp với tính cách mình hơn là về sống giữa đô thành xa hoa, lộng nẫy – ý nghĩ hoang tưởng, điên rồ quá phải không đồng đội.

Dọc đường đi theo đường 23 rẽ sang đường nhựa có tên rất mới, mình nhìn thấy hình như đường 1H nhưng các địa danh bọn mình đi qua lại rất quen như huội chămpi, bản 42; bản 48...lần lượt lướt qua. Đây rồi, Bản Nacasao với nhiều kỷ niệm bi hùng của quân tình nguyện 968; nơi đây, gần như rất nhiều đơn vị tham chiến và hy sinh rất nhiều; tại đây anh em các đơn vị tranh cãi nhau rất nhiều về trận đánh ở bản. Miệng to nhất là hai anh chàng lính cùng nhập ngũ ở tiểu đoàn 6 trung đoàn 19 cho rằng chỉ có đơn vị hắn đánh ở đây, bọn hắn có đào giao thông hào để đánh chiếm...và là nơi bị bom Napan...nhưng lính tiểu đoàn 3 tình nguyện bọn tôi lại khẳng định, nơi này lính trung đoàn 9 và 19 đánh quần nhau với địch ở đây rất nhiều lần và không có chuyện đào giao thông hào tác chiến, bản không bị bom napan đốt cháy; lính tiểu đoàn 6 cho rằng đây là khu kho của địch, bọn nó đánh vào còn lấy màn của địch phát cho dân...ôi mới đấy mà lịch sử đã nhiễu loạn ngay từ miệng lính từng tham chiến vì anh nào cũng cho mình là người đánh chứ đâu biết địch – ta giành giật càn qua quét lại, một điểm nên mới có chuyện mìn đợt sau chôn đè lên mìn đợt trước, mìn ta chôn lẫn cạnh mìn của địch. Thôi đấy là chuyện hồi ức có khi thực và thực lại không thực đều do con người tưởng tượng quá khứ, lấy râu này cắm cằm bà kia...

Tham gia đánh Xalavan chiến dịch này có Trung đoàn 9 và Trung đoàn 19 thiếu ( một só đơn vị E 19 ở lại giữ KhongSêĐôn và Paksong cùng Trung đoàn 39), Tiểu đoàn 3 Tình nguyện bọn tôi lúc này được đổi tên thành Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 19, được điều từ Không Sê Đôn ra đánh chặn địch ở Xalavan. Chúng tôi cùng Trung đoàn 9 bao vây đánh địch ở Thị xã Xalavan. Địch bố trí GM41 và GM42 cùng một số đơn vị hỏa lực tại chỗ của quân đội Hoàng gia và hỏa lực của không quân, pháo binh được tăng cường trải dài từ đoạn từ Thateng đi Hin Sìu.

Theo chỉ đạo của Sư đoàn 968 giao Trung đoàn 9 được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn đặc công thiếu của tỉnh Tavenooc (bộ đội Phathet Lào) đánh từ phía Bắc và Đông Bắc vào thị xã, Trung đoàn 19 (thiếu) đánh từ Nam và Tây Nam vào thị xã Xalavan; bộ đội Phathet Lào đánh địch ở Nakhonphen. Trong trận chiến này, Bộ chỉ huy sư đoàn 968 và Bộ chỉ huy tỉnh đội Xalavan kết hợp chặt chẽ, cùng ngồi với nhau, cùng trực tiếp chỉ huy chung đánh trận...

Tháng 10, bắt đầu mùa khô, mùa của chiến dịch của lính chiến (riêng Tiểu đoàn 3 tình nguyện bọn tôi đã đánh địch từ mùa mưa ở KhôngSêĐôn, nay sang mùa khô lại đánh tiếp Xalavan); chiến dịch này cả Trung đoàn 9 và 19 đều được tăng cường hỏa lực và xe tăng tham chiến...Trung đoàn 9 có pháo binh và tăng hỗ trợ đã đánh dứt điểm Tiểu đoàn 621 Thái Lan ở ngã 3 Lào Ngam nằm trên trục đường 23; Đại đội 2 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 19 có 5 xe tăng phối thuộc trên đường hành quân bị mìn tăng, một xe tăng bị hỏng phải bỏ dở việc dùng tăng đánh chiếm Xalavan...chúng tôi lại tiếp tục dùng súng bộ binh và lòng quả cảm của người lính bộ binh đánh chiếm sân bay Xavavan. Cuộc chiến kéo dài, gay go, quyết liệt cho đến tháng 1 năm 1973 chúng tôi mới giải phóng được thị xã Xalavan.

Sự tổn thất quân trong chiến dịch giải phóng Xalavan này, Lính trung đoàn 9 và tiểu đoàn 3 tình nguyện bọn tôi có thể là tương đồng, vừa gặp đấy, chào nhau – mày khỏe không, mai không thấy, hỏi đồng đội khác – nó mất rồi...cứ thế câu hỏi này, câu trả lời này lặp đi lặp lại như một điệp khúc bi ai triền miên trong 128 ngày đêm...

Nhật ký của đồng đội Nguyễn Doãn Thiết lính đại đội 6 tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 9 Sư 968 viết về đồng đội hy sinh trận đánh Lào Ngam với lính Thái đầu năm 1973. Anh Thiết là người cùng đại đội với Trọng C6 đã viết trên diễn đàn này: 34 năm về trước...cuốn nhật ký bằng thơ của anh Thiết đã bổ sung và minh chứng thêm những trận đánh ác liệt của Trọng C6 E9 đã tham gia.

-----------

C5 có ở đâu xa
Mỗi năm hai đứa gặp nhau vài lần
Nhớ nhau, nhớ quá người thân
Có được điếu thuốc cũng phần cho nhau

Cái hôm đi đánh cuốn sâu
Bước anh vội vã bên cầu qua khe
Nhường nhau qua chiếc cầu tre
Trao nhau bao nỗi bộ bề nhớ thương

Vội vàng câu được câu không
Kể từ cái buổi chia tay
Chúng tôi 2 đứa mấy ngày vắng nhau

Sáng nay
Trời sập trên đầu
Đồn thù tan nát
Chín đâu?
Mất rồi

Nghe tin chết nửa con người
Anh thành Liệt sĩ...còn tôi không hồn.

Không sê đôn - 3 tháng đánh liên tục...

Lính 4971 Hà Nội tiểu đoàn 3 bọn tôi, những thằng còn sống đã trở thành cựu binh rồi, trong khi đó anh em ở các đơn vị khác cùng nhập ngũ cùng vào chiến trường vẫn là tân binh, chưa biết được đau khổ khi ôm xác đồng đội, nghe tiếng thở nấc cuối cùng...số phận là sự may rủi thôi mà. Đánh nhiều, có nhiều kinh nghiệm nhưng chắc gì trận sau còn sống – cũng may rủi thôi mà, mới đánh, ngơ ngơ như bò đi cợp đã chắc gì chết, cũng may rủi thôi mà...đời lính chiến chỉ toàn chuyện may rủi, chứ chẳng ai khôn mà sống và cũng chẳng ai dại mà chết cả đâu - cũng may rủi thôi mà, trời cho sống thì cố gắng sống vui với nhau, trong tình yêu thương đồng đội; trời bắt chết thì chết thôi, chỉ mong chết thật nhanh để khỏi làm chạnh lòng đồng đội; ra đi thật thanh thản, như cày xong thửa ruộng thôi mà.

Hai tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 6 cũng là các đơn vị quân tình nguyện độc lập, sau hợp nhất vào Trung đoàn 19 như tiểu đoàn 3 bọn tôi, nhưng sau hợp nhất, các đơn vị này không chuyển hướng đánh; vẫn chốt chặn, tác chiến ở địa bàn đóng quân cũ, nên khi vào trận mùa khô 1972 anh em cựu chiến binh tiểu đoàn 5 và 6 trung đoàn 19 trên xe nói - Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh Xalavan, chúng tôi ra quân khí thế hừng hực, phấn khởi lắm...

Nhưng trái ngược với tinh thần hồ hởi của lính 2 tiểu đoàn bạn, Tiểu đoàn 3 quân tình nguyện của bọn tôi lại âm thầm lội ngược ra Xalavan với số quân ít ỏi; với những khuôn mặt hốc hác, đói ăn, thiếu ngủ, kiệt quệ về thể xác và tinh thần...khác hẳn 3 tháng trước đây, khi được mặt trận 968 điều xuống đồng bằng Không sê đôn đánh từ đầu mùa mưa dù không có pháo binh hỗ trợ - tôi chưa bao giờ thấy pháo chi viện nên nghĩ là vậy, không biết có đúng không; lính K3 tình nguyện chúng tôi vẫn kiên cường đánh địch chủ yếu bằng cây súng AK, hỏa lực của tiểu đoàn và lòng quả cảm của người lính bộ binh thôi ( có hỗ trợ pháo 12ly7 phòng không mặt trận 968), việc đánh giải phóng đối với chúng tôi có thể nhanh, nhưng khi chốt giữ sức người làm sao trụ được với bom, pháo của địch; đánh giải phóng tổn thất của chúng tôi ít nhưng sau chốt giữ, chống càn chúng tôi hao hụt quân số tăng lên hàng ngày; chuyện cử lính đi khiêng xác tử sĩ và thương binh nặng về tuyến sau cứ đều đều ...hàng đêm chúng tôi liên tục thay phiên nhau. Quân số Tiểu đoàn khi đi đánh Khôngsêđôn là tiểu đoàn đủ, khoảng hơn 500 quân, nhưng khi bàn giao khôngsêđôn cho đơn vị bạn, ra đánh Xalavan, đơn vị chỉ còn gần 200 lính - lính tiểu đoàn bộ và đại đội 4 chết ít, quân số còn nhiều; 3 đại đội bộ binh của Tiểu đoàn, nếu đại đội nào trên 20 lính chiến là tương đối nhiều rồi.

...Riêng Ngọc "thiu thiu" Đại đội 2 tiểu đoàn 3 tình nguyện thì chỉ ngồi thủng thẳng kể lại chuyện khi ở Không sê đôn về đây...Bản Nacasao này đây là một trong những trận đánh của chiến dịch 128 ngày đêm giải phóng Xalavan này, ...đại đội chúng tôi đã đánh liên tục 3 tháng mùa mưa trước đó, đã hy sinh nhiều lắm rồi; đại đội 2 chỉ còn 20 lính kể cả quản lý và nuôi quân. Mỗi lúc hành quân, ngồi nghỉ nhìn nhau mà buồn rười rượi, chắc trong đầu anh em ai cũng có suy nghĩ - mai, ngày mai, đến phiên thằng nào đi đây, mình hay đồng đội nào không biết nữa...ngày mai, người ta sau này chỉ nghĩ tới công danh lợi lộc có được bao nhiêu; còn hôm nay, chúng tôi, những người lính chiến chỉ có một suy nghĩ ngày mai tới phiên mình hay đồng đội nào hy sinh đây.?.Chỉ đơn giảm vậy thôi, ngày mai - đồng đội nào ke cáng mình đây?.Ngày mai - chỉ sau giây phút suy nghĩ này thôi...

Khi lực lượng đặc nhiệm Thái và lính Hoàng gia Lào nống ra chiến Xalavan nói chung và Bản Nacasao nói riêng, nhân dân các bản Lào đã bỏ đi hết - bản trống; Lệnh tiểu đoàn chỉ thị đại đội 2 đánh ngay trong đêm địch ở Bản Nacasao, không cho chúng có thời gian củng cố công sự; Đại trưởng tập hợp đơn vị phổ biến tình hình và phân mũi tiến công - điểm danh từng người, chỉ còn 17 tay súng, chia làm 2 mũi để đánh Bản nọi và Bản nhầy - thường bên Lào khi Bản đông quá thì bản tách ra thành Bản nhầy (bản lớn) và bản nọi, (bản nhỏ) nhưng vẫn mang tên bản chính; đại trưởng quy ước mật khẩu: lệnh rút lui khi hô "12".

Mũi 1 đo đại đội trưởng Đinh Nam Sến người Thanh Hóa làm mũi trưởng – Ngọc đi mũi này; mũi 2 do chính trị viên Tuynh người Hà Nam mũi chính, Sơn "nhuần" Sơn Tây đi mũi này. Các đồng chí còn lại là Biên "mường" người dân tộc mường ở Thạch thành Thanh Hóa; Dự lính Nam Hà, Chiêm, Du lính Hà Tĩnh, Nạy lính Hà Nội 4971, Ca lính Hà Tay, Vũ đức Quất người Hà Tây, Phường người Ninh Bình, Lạc y tá người Hà Tĩnh, Đinh khắc Cường người Nam Hà; Nguyên Doanh Lưu, người Vân Đình là lính đường dây mới bổ sung vào và đánh trận đầu tiên (3 lính nuôi quân ở cứ) đánh theo hai hướng Bản nhầy và Bản nọi - mũi của đại đội trưởng có Ngọc đi giữa 2 bản đánh vô trung tâm bản nhầy...

Trên đường đi C130 xăm dọc đường, đạn đỏ đổ xuống đội hình tấn công của đại đội hai ...tới vị trí chiến đấu khoảng 2 giờ sáng, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng tấn công...cứ tưởng ta giành thế chủ động, không ngờ địch đã giăng sẵn lưới ở các điểm chốt chống chặn ta - địch bắn ra cản đường tiến của ta...anh em lợi dụng đêm tối, địa hình bố trí nhà của bản Lào quá quen thuộc như khi đánh bản ở KhongSêĐôn - anh em vẫn tiến đánh chiến được đầu bản. Khi đánh vào sâu bên trong bản, địch phản công dữ dội, không lùi...các mũi tấn công của các tiểu đội khựng lại...nằm gần giữa bản, mũi Phường "sún" lính mới vừa bổ sung vào đơn vị đánh trận đầu tiên của đời lính nên không biết đâu là địch, không biết chỗ nào cần bắn bèn hỏi Lựu - lính cũ binh trạm, nhưng cũng lần đầu đánh trận:

- anh Lựu ơi,em không thấy địch, bắn vào đâu?.
- Lựu trả lời: bắn vào chỗ có ánh lửa,

Phường bấm cò làm một loạt điểm xạ dài ...ngay lập tức một quả M79 của địch bắn trả tức thì...

- Phường kêu ối giời ơi, em bị thương rồi;
- Lựu bảo: tao cũng thế,

Lựu ôm mặt đầy máu, Phường "sún" ôm vai bịt vết thương, 2 anh em chạy ngược ra, khi chạy được 2 ,3 căn nhà sàn, thấy có người bị thương; Lựu dừng lại vác lên vai chạy về tuyến sau...chạy được mươi bước sờ thắt lưng thấy lưu đạn mỏ vịt của Mỹ và tiếng người bị thương nói tiếng là lạ... Lựu sợ quá biết vác nhần lính địch, cuống cuồng vứt bỏ...ù té ngay.

Đại đội 2 không ngờ trận đánh này, địch lại chủ động đánh trả quyết liệt ta, toàn bộ đội hình giống như bị bao vây; không thể tiến, đánh chiếm được Bản; đại trưởng Đinh Nam Sến quyết định cho đơn vị rút để bảo toàn lực lượng - anh hô "12", Ngọc được lệnh của đại trưởng chạy sang hướng của đồng chí Tuynh hô "12" và gặp được mấy đồng chí đưa về hướng xuất kích.

Truyền đạt xong nhiệm vụ, Ngọc quay về báo cáo đại trưởng; lúc lày đại trưởng đang dẫn đội hình rút ra...khi rút về điểm tập kết khoảng 5 giờ sáng thấy thiếu 8 đồng chí...chờ đến chiều có 3 đồng chí về là Cường, Quất và Lạc. Còn 5 đồng chí mất tích là Dự, Chiêm, Du, Nạy, Ca và vĩnh viễn số anh em này đã không trở về -. Dọc đường từ bản rút về cứ, đơn vị luôn bị C130 xăm bằng ĐK và 40 ly (anh em chiến trường gọi là xin thùng) có lẽ số anh em này bị trúng đạn của C130, hy sinh trên đường rút quân; đến nay, đơn vị cũng không tìm được xác của anh em.

Sau này về được đài kỹ thuật cho biết trong trận này đơn vị diệt được 15 tên, nhưng phía ta tổn thất quá lớn, cả đơn vị ai cũng dính mảnh đạn, tự băng bó cho nhau để tiếp tục chiến đấu, cả đại đội lúc này chỉ còn hơn nười tay súng.

Chuyện cực ngắn

2 tháng sau, được sự tăng cường 2 trung đoàn (thuộc Sư đoàn 308 và Sư đoàn 338 Huh) - Trung đoàn 102 vào chốt giữ vùng đã giải phóng; trung đoàn 52 đánh vào trung tâm Xalavan thay Trung đoàn 9; Trung đoàn 9 sư 968 chuyển hướng quay về đánh Lào Ngam, Paksong; đại đội 2 của Ngọc "thiu thiu" được lệnh quay về đánh chiếm lại Nakasao lần 2; hiệp 2 này. do anh Thính Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy.

Trận đánh này ta tấn công giữa ban ngày - đường vận động ven rìa rừng khộp dọc theo "na" áp sát bản mới nổ súng, theo hướng nhà sư để phát triển...nhưng ngay từ đầu xuất kích, địch trong bản phát hiện, gọi máy bay ném bom chi viện; đơn vị bị T28 quần thảo rượt đuổi ném bom sát phạt rừng khộp theo chỉ điểm của L19 liên tục, không thể tấn công vào bản được; đại đội đành tản rộng để tránh thương vong, phân tán đội hình thành từng tốp nhỏ ẩn nấp ngoài rừng khộp chờ lệnh tấn công – nhưng càng trưa, T28 càng quần thảo, xà xuống ném bom riết, rồi bom thả cũng trúng đội hình... anh Thính bị thương cùng một số đồng đội... Lạc y tá đại đội chạy đến băng bó vết thương cho tiểu đoàn phó Thính, rồi lần lượt băng bó cho các đồng đội khác, khi T28 quay lại ném bom tiếp tục, anh Thính hô rút...

......Lính đã rút chạy, quay lại nhìn vẫn thấy anh Thính cứ vùng vằng, lẩn quẩn không chạy ra, cũng chẳng chạy xuống suối cạn được; liên lạc tiểu đoàn cùng lính đại đội quay lại... hóa ra anh chàng Lạc, y tá khi băng bó vết thương đã mất bình tĩnh, luống cuống băng luôn đầu anh Thính vào cành cây cụt; bom thả - muốn đứng cũng không được, chạy cũng không xong, anh em phải chạy lại chặt cành cây để anh mang theo trên đầu mà chạy; có thể do đầu anh Thính băng trắng toát nổi bật ở rừng khộp lên L19 phát hiện được cứ anh đi đâu là pháo khói chỉ điểm theo đến đó; anh em phải kiếm cho anh chiếc mũ tai bèo của lính che lại cho L19 không nhìn thấy. Khi rút ra an toàn, không thấy Hậu "bạc"lính 4971 đâu, đơn vị cử ba đồng chi quay lại tìm cũng không thấy. Sau này qua thông tin biết Hậu "bạc" cối đại đội, lính Hà Nội bị thương nặng và bị địch bắt làm tù binh.

Đánh đợt 2 này cũng không thành, lại ke cáng nhau đi nằm viện. Ở phẫu lúc này thương binh tử sĩ nhiều, thuốc men hạn chế, bông băng cũng phải tiết kiệm... anh em đơn vị bị thương nhẹ nằm cùng anh Thính ở viện phẩu tiền phương ở bản Kabun khi ra viện về trước, bọn chúng kể chuyện mà cười ra nước mắt chuyện của tiểu đoàn phó Thính ở bẩn... do thiếu băng, vết thương trên đầu anh Thính ít được thay; khi được thay băng, trên đầu anh Thính toàn chấy, bò lổm ngổm đông đặc, mốc đen cả đầu... khi y tá bôi cồn rớt ra từng mảnh chấy làm y tá và mọi người chung quanh rợn da gà.

Đấy là cảnh bị thương, nằm viện của tiểu đoàn phó Nguyễn Hữu Thính bọn tôi đấy, anh là người Ninh Bình, sau là giáo viên khoa chiến trường học viện quân sự Hà Nội.

Chiều đoàn cựu chiến binh 968 đến tỉnh lỵ Xalavan, đây Nam sân bay người dân đang treo bảng bán đất...khu vực này hiện nay chỉ có ít nhà sàn nhỏ ở rải rác; cảnh vật thay đổi nhiều, địa điểm có con suối cạn ở đâu đó...

Nhìn cánh rừng thưa giống như thời đó, khoảng tháng 11 hay 12/1972, khi đi phối thuộc cùng đại đội 3, đang lên máy liên lạc với tiểu đoàn thì dây trời máy 2w của tôi bị một loạt pháo bắn phăng đứt...nhiễu loạn, không liên lạc được; pháo địch dồn dập không thể nối được dây trời, đành chấp nhận mất liên lạc trong khoảng thời gian pháo bắn..

Đợi hết đợt pháo, tôi bò ra từ hầm được lợi dụng đào hầm ếch bên bờ suối cạn...nhìn lên, phía trên cao còn đoạn dây trời lơ lửng ..dây trời dự trữ hết, bắt buộc tôi phải leo lên cây kéo đoạn dây trời xuống nối và đang giữa ban ngày, nên cái gì đến là nó đến thôi...có lẽ địch nhìn thấy hoặc vô tình lại bị loạt pháo bắn cắt xẹt cây tôi đang trèo kéo dây trời, cây đổ gục và tôi ngã nhào xuống cùng ngọn cây; rồi tiếp đến L19 bắn pháo khói chỉ điểm và sau nó là thần chết - máy bay T28 lừng lững, ung dung ném bom xuống vị trí chúng tôi đang trú quân...cứ tưởng mình sẽ là liệt sĩ rồi...nhưng may quá, sau cú ngã, bị ngất, anh em đã đưa kịp vào hầm...nằm bật động một lúc, cứ tưởng gẫy đốt sống lưng, đi đứt đường tình duyên, suýt không được yêu thật...được y tá chăm sóc hơn ngày gì đó, bôi, quết và băng bó lại một vài vết thương nhỏ, lại hành quân tiếp. Giờ sờ phía sau lưng, vẫn thấy một cục ngăn giữa cột sống mà chờn chợm.

Trong khu vục sân bay, diện tích đất đã thu nhỏ hơn trước, nay sân bay vẫn dùng cho mục đích quân sự, thỉnh thoảng vài chiếc trực thăng đến rồi đi bình lặng. Nơi đây trung đoàn 9 và 19 chúng tôi thay phiên nhau đánh. Trung đoàn 19 đánh phía Nam - Tây Nam thị xã Xalavan, Trung đoàn 9 đánh Bắc - đông Bắc thị xã Xalavan, giờ mảnh đất này thật thât bình, cỏ xanh mát rượi...

Chuyện cực ngắn
Theo xe tăng đánh trận đầu đánh Xalavan (đánh trước Nacasao đợt 1)

Trên đường từ Không sê đôn quay về Xalavan Bộ chỉ huy mặt trận tăng cường hỏa lực pháo và xe tăng cho trung đoàn 9 và trung đoàn 19 đánh giải phóng thị xã Xalavan; Trung đoàn 19 chỉ thị cho Tiểu đoàn 1 (lúc này tiểu đoàn tôi đã đổi phiên hiệu từ tiểu đoàn 3 tình nguyện sang tiểu đoàn 1 rồi sang miền Nam lại đổi sang phiên hiệu tiểu đoàn 4 ) bố trí một đại đội bộ binh đánh theo xe tăng. Đại đội 2 tiểu đoàn 1 vinh dự được đánh theo xe tăng theo kiểu binh chủng hợp thành như phim hành động - đánh hiện đại có pháo, tăng hỗ trợ...lính đại đội 2 bọn tôi được chỉ thị trèo lên xe tăng từ Bản păckut, theo tăng để tấn công theo hướng Bản Tên. Trận này, do chính tiểu đoàn phó Thính chỉ huy, bộ binh hộ tống 5 xe tăng...lính đại đội 2 mừng rơn, mơ mãi từ ngày vào chiến trường đến giờ mới thấy có xe tăng đánh phối hợp...mấy thằng lính 4971 Hà Nội ngày nhập ngũ thằng nào, thằng nấy mắt cứ sáng lên, cứ tưởng tượng mình lớn nhanh hơn, to cao vững chắc hơn; oai hùng như chàng lính Nga trẻ trong phim – Bốn chàng lính và con chó trên một chiếc xe tăng...giờ có xe tăng bên cạnh, chắc thằng Ngọc "thiu thiu" thế nào cũng lại mơ một nụ hôn cháy bỏng của em gái lính Trường Sơn trước khi nhẩy lên chiếc xe tăng đi đánh trận quá...giờ cứ tưởng tượng hồi đó, nó ngồi trên chiếc xe tăng đó cười ngạo nghễ, trông nó oách thật.

Xe đầu có Ngọc, Oang Thanh Hóa, Hải Hà Tĩnh, Sơn "nhuần" Sơn Tây nằm trên tăng tập kết về vị trí chiến đấu. Đã mấy ngày thiếu ăn, nay nằm trên xe tăng, nhìn thấy trong đống xoong nồi của lính xe tăng buộc cuối xe có nồi cơm nửa sống nửa chín ( gạo còn sống) của lính tăng chưa kịp ăn phải nổ máy hành quân; mấy chàng lính bộ binh sướng quá bốc vội ăn tranh thủ trên đường đi...Xe tăng số 1 đi đầu, có trung đội của Ngọc nằm trên khi đến cách Bản Tên 100m, bỗng một tiếng nổ to, giống như bị nén lại, chặn lại, vỡ òa ra; xe tăng rùng mình như ngựa lồng bị gìm cương - trúng mìn tăng, lính bộ binh văng xuống đường, xe đứt xích nằm tại chỗ, nhưng may mắn không ai hy sinh. Lính bộ binh lập tức tản ra xung quanh tổ chức phòng ngự, đào hố chiến đấu ngay dưới gầm xe tăng bảo vệ xe tăng và anh em lính tăng nối xích, xích xe hỏng quá nặng, anh em không có phụ tùng thay thể, chờ xin chi viện...

Điện trên yêu cầu bộ binh ở lại giữ tăng chờ sửa xong tăng tiếp tục hành quân. Đại đội tăng cường thêm quân để bảo vệ xe tăng là anh Tần, đại phó người Hà Tĩnh, Hải Hà tĩnh, Biên, Quất, Yên, Thanh Vĩnh phú, Long "mân sốt" người Nghệ an...Cả đêm đó, C130 xăm quanh vị trí xe tăng đến sáng C130 bàn giao cho L19 và T28 và F4 đánh hủy diệt anh em bảo vệ tăng... lính bộ binh nằm tơ hơ với chiếc tăng, nhìn máy bay ném bom, chỉ cầu mong được nghe tiếng nổ của bom... sau nhiều giờ chốt giữ tăng, hứng chịu bom địch,anh em bị thương vong nhiều ...Điện báo cáo về Tiểu đoàn, được lệnh rút, bỏ xe tăng lại, số thương binh nhẹ phải ke cáng liệt sĩ và thương binh nặng - Hải trung phó hy sinh và Tần đại phó bị thương nặng rút về Tà Kịt; trận này không đi đánh được, 4 chiếc tăng còn lại phải rút về cứ.

Chuyện cực ngắn


Nhiều khi hành quân chiến đấu chúng tôi cũng đi loanh quanh, đánh nhầm lẫn nhau như ở bản Cac bun, lính đại đội 1 đã đánh chiếm được bản, địch bỏ chạy; anh em tiến hành chốt giữ, đang đào hầm chiến đấu....bất ngờ lính đại đội 3 vận động đến đến tưởng địch ở trong bản đã tổ chức tấn công ngay, cối 60 của đại đội 3 giã dồn dập, đạn AK nổ căng, cũng hô xung phong...đánh đại đội 1 một trận te tua, nhưng ngay sau đó nhận ra nhau, may quá không ai chết cả; cùng lúc này, ở đại đội 2, chàng Toán lính 4971 trinh sát Tiểu đoàn dẫn C2 đi, loanh quanh thế nào tới rìa na, thêm đại đội 2 lại áp sát ngay bản Cacbum, nhìn từ xa thấy 2 đại đội thuộc tiểu đoàn mình dùng cối thúc đít nhau – quân ta thắng quân mình là cái chắc... biết tọa độ thông báo sai, Toán đưa đại đội vòng quay lại...chờ xin ý kiến tọa độ mới.

Tao ngộ 3 đại đội trong một vị trí thật là một điều hiếm có; một vị trí dồn đống 3 đại đội lại...Khi đi sai điểm đánh hay tập kết, thường trinh sát không sai vì cứ căn tọa độ trên bản đồ mà đi, còn sai chỉ có thể do người viết điện chỉ đạo sai hoặc lính 2 W dịch sai khi phát điện hay hoặc khi nhận điện dịch sai... Chuyện này giờ không thể biết được ai sai và sai từ đâu...nhưng có lẽ lính 2W bọn mình quá mệt mỏi nên dự cảm dịch không chính xác "tai thối" thật rồi; hoặc ở nhà khi nhận lệnh của Tiểu đoàn, Máy 2W trung đội khi phát điện cùng lúc cho 3 máy 2W đi tăng cường ở các đại đội đều nhận bức điện cùng nội dung. ví dụ...yêu cầu đưa đại đội đến đến tọa dộ X..Y đánh ngay...nên đã có những sơ hở chết người này – bức điện có thể chỉ nói đại đội chung chung mà không nói đại đội nào nên dẫn đến tình trạng dồn cục là vậy, đây là ý nghĩ của cá nhân suy đoán sau chiến tranh thôi.

Thật sự là may mắn không có đồng đội nào bị chết, không anh em ân hận suốt đời vì bắn nhầm nhau...may quá, phước 3 đời cho lính 2W không mang tội phản thùng.

Chuyện cực ngắn


Cuối tháng 12 /1972, càng gần tới thời điểm ký kết hiệp đinh đình chiến, đơn vị chúng tôi càng gia tăng tác chiến giành giật với địch từng bản làng , những tọa độ, điểm cao quan trọng; cả Tiểu đoàn hành quân liên miên đánh, chốt, giữ không kể ngày đêm, tổn thất càng lớn khi anh em đói ăn, đói ngủ, suy kiệt cơ thể. Nhiều đêm hành quân đi băng qua, vào cả vị trí tạm dừng của địch; rồi tin đồng đội mất tích hay lạc đơn vị khi hành quân vì quá mệt mỏi, lính mình vừa đi vừa ngủ, cứ thẳng tiến mà đi; nhiều đồng đội vài ngày sau mới tìm về đơn vị đã trở thành cơm bữa và là chuyện hàng ngày của chúng tôi.


Trường hợp như đại đội 2 - có lần đơn vị hành quân chập tối, khu vực gần sân bay Xalavan, anh em hành quân như mộng du, không biết rằng mình đang đi qua một đội hình lính Thái Lan - họ cũng quá mệt mỏi vì phải ứng chiến liên tục với bọn tôi; khi không tác chiển là họ ngủ bù lấy lại sức; vì vậy, khi được nghỉ giải lao, họ ngủ ngay, ngủ gà ngủ gật, ngủ năn lóc ở bìa rừng... khi nghe tiếng bước chân và thấy đội hình ta hành quân qua... trời lúc đó cũng chập choạng tối, lính địch cũng mắt nhắm mắt mở, thấy bước chân hành quân cứ tưởng đơn vị chúng hành quân, lính tráng cũng vội ngồi dậy, đeo ba lô vội vã hành quân bám theo đuôi ta cho kịp...

Đội hình hành quân của ta lúc này...như tuổi thơ ta đùa chơi..."cùng rồng rắn lên mây, có con xúc sắc..." cả ta và địch đều bám đuôi nhau mà đi theo mộng du.... bỗng. có tên lính sử dụng máy ARC25 (máy vô tuyến của địch) vừa đi vừa truyền tin – đi cuối đội hình đơn vị lúc này của đại đội 2 là Ngọc "thiu thiu" rồi đến Cường "mấu cầu" răng vẩu và Thắng người Diễn Châu là người đi cuối cùng..., bỗng nghe tiếng Thắng kêu á..á...Ngọc quay lại thấy tốp cuối cùng của lính Thái Lan đang lố nhố đứng dậy hành quân theo đội hình đơn vị mình; vì hai đồng đội đang đi sau, súng lại quàng vai không thể bắn trực diện được địch, Ngọc phải nhảy sang một bên lia đại một băng AK để trấn áp tinh thần, nhằm xua đuổi địch; lính địch nhào xuống suối cạn tản ra chạy mất; không biết có diệt được thằng nào không, phía trước đơn vị được báo có địch hành quân bám đuôi đơn vị; lệnh rút - chạy vận động đề phòng bị tấn công, vẫn theo hướng hành quân, không tiến hành truy kính địch.

Giờ mới nghĩ ra, hồi đó lính Tiểu đoàn 3 Tình nguyện của xuanxoan đã tiên đoán trước, thực hiện trước, tình hữu nghị của các nước ASEAN – Lính tình nguyện Việt Nam hành quân đi trước, theo sau lính đặc nhiệm Thái Lan cũng hành quân cùng....nay 40 năm sau mới có cảnh cùng hành quân chung...vui thật.

Chuyện cực ngắn

Việc mệt mỏi vì cuộc chiến dài ngày đã nẩy sinh tư tưởng không muốn đánh nhau cả 2 phía - Phía chúng tôi do tổn thất nặng từ Không Sê Đôn, nhìn đội hình cả đại đội hành quân, số lính còn ít hơn cả một trung đôi; đói ăn, thiếu ngủ nhìn thằng nào cũng gầy rạc, trơ xương, quần áo rách nát, da mặt bị cày xước, rách, vêu, có thằng thì băng trắng đầu, thằng băng tay, chân... căng thẳng đạn bom, đồng đội hy sinh, bị thương, mất tích liên tục đã làm yếu tinh thần chiến đấu của bọn tôi; còn phía địch mình có dự cảm lính bộ binh họ cũng chẳng hơn gì ta; họ tránh đụng độ với ta trực diện, thấy ta họ lùi, chỉ gọi phi pháo tấn công ta là chủ yếu...

Phía địch, tình thần chẳng thiết tha chiến đấu càng về cuối chiến dịch càng bộc lộ rõ... như có lần thằng Toán lính 4971 trinh sát Tiểu đoàn đưa tốp lính đại đội 2 - có Ngọc "thiu thiu" đi lấy nước, xa vị trí chốt vài cây số, chỉ dựa vào bản đồ để đi tìm khe suối cạn, may rủi có nước; đi mãi cũng thấy có khả năng đoạn suối cạn này có nước..khi đến gần vũng nước, bỗng có tiếng ho, và vài tiếng ho liên tiếp....nhìn vào thấy một người lính mặc quân phục lính đặc nhiệm Thái Lan – đứng phía bên kia vũng nước của con suối cạn... đang nhìn tốp lính Việt Nam bọn mình đi lấy nước; người lính này gật đầu như ra hiệu...các ông đi đi... cả đoàn đi tìm nước vội lui ra xa, thật xa thì người lính kia mới nổ súng bắn chỉ thiên đuổi ta...giờ nghĩ lại có thể người lính này không muốn đợn vị cậu ta chạm trán đấu súng với ta lên báo hiệu rằng ...bọn tôi đang nằm phục ở đây đấy...và bọn thằng Toán, thằng Ngọc "thiu thiu" cũng không muốn đánh nên rút, nhường hố nước đó cho lính đối phương sử dụng, anh em lại đi tìm nước chỗ khác ( giống như các cầu thủ bóng đá bây giờ khi cầu thủ bị thương đá bóng ra ngoài biên, đối thủ được quyền đá, đá trả bóng về lại cho đối phương - fair play ).

Còn tôi khi đọc lại chuyện của Trọng C6 D2 E 9 khi đánh ở Xalavan cùng thời điểm với bọn tôi thì lại có chuyện ngược với chúng tôi nhưng kết cục lại giống nhau ở đoạn kết ...hôm nay nghĩ lại thì nó có hậu:

Trích trong ngày này 34 năm trước của Trọng C6:

....Trong mấy ngày chốt chúng tôi gặp địch 2 lần. Lần thứ nhất là sau khi vào bản 4 ngày. Chiều hôm đó địch không vào bản mà chỉ hành quân đi chéo qua bản, nhưng lướt qua ngay chỗ phía hầm của thằng Loòng (người Tày) cách chỉ có mươi mét. Chúng tôi nín lặng chờ thằng Loòng nổ súng trước rồi mới đánh tiếp theo chiến thuật vận động vì địch cũng chỉ có hơn chục thằng. Mãi không thấy thằng Loòng nổ súng, chúng tôi cũng ngồi im chờ đợi. Đến khi hàng quân địch đi khuất dần vào rừng khôộc phía bên kia nương, chúng tôi mới mò sang thì thấy thằng Loòng vẫn thản nhiên ôm súng ngồi im trong hầm.

- Mày không nhìn thấy địch à? - Anh Trịnh hỏi

- Có chứ, chúng nó đi ngay trước mặt em mà - Thằng Loòng trả lời.

- Thế sao mày không bắn?

- Nó có bắn em đâu mà em bắn nó.

Ối giời ơi! Anh Trịnh ngẩn người ra rồi chợt hiểu. Đụng phải bố dân tộc thật thà quá đây mà. Hóa ra cái cách tuyên truyền trong đơn vị của mấy ông CTV đối với lính dân tộc khi đó không phải là giáo dục lý tưởng hay trách nhiệm quân nhân gì cả, mà đơn giản là "mình phải bắn địch, nếu không nó sẽ bắn mình". Thằng Loòng hiểu quá thật thà và đơn giản, thấy địch chỉ đi qua nên nó không nổ súng. "Mẹ kiếp, nếu để địch nó nổ súng trước thì mày chết cha nó rồi còn gì", anh Trịnh làu bàu nhưng cũng không biết nói gì hơn, cũng không thể cáu hơn được. ...

Thế đấy, theo mình nhiều khi mệt mỏi quá rồi, suy nhược cả cơ thể và tinh thần chẳng muốn đánh đám gì nữa, lính mình vì ý thức kỷ luật phải gắng chấp hành thôi, nhiều khi bấm cò chỉ là theo phản xạ tự nhiên của người lính...còn con người trong chiến tranh vẫn có thể chơi đẹp với nhau trong từng tình huống.

Chuyện cực ngắn

Sau khi rời Xalavan chúng tôi đi Tỉnh Sê Kông – nơi năm 1973 sau đình chiến có thời gian chúng tôi làm đường ở đây; không gian thật yên bình, cảnh vật đất trời vẫn như xưa, rừng cây cao vút, rừng khộp, rừng xăng lẻ ven đường chạy dài mút tầm mắt. Thời gian chúng tôi ở đây khoảng một năm, nhưng không có ấn tượng nhiều về đời lính để nhớ.

Đoàn cán bộ tỉnh Sê Koong đưa chúng tôi đến thăm quan một điểm du lịch sinh thái nằm trên đường Trường Sơn cũ có một thác nước rất đẹp, nước đổ tung bọt trắng xóa, hơi nước bay lên như sương sớm Sapa, lành lạnh...mình chợt nhớ tới binh trạm ngày xưa khi hành quân trên đường dây 559 - hình ảnh cả chuyến đi, có lẽ chỉ ở đây mới có hình ảnh binh trạm đường dây, những túp lều tre nứa cho lính ngủ, những cây bằng lăng cho lính ngồi nghỉ khi hành quân hay tạm nghỉ qua đêm hiện diện trước mắt, thật đến bất ngờ...; khong kìm hãm được nỗi nhớ trường Sơn, nhiều người trong bọn tôi đã nhẩy ào xuống tắm ở con thác tuyệt đẹp này.

Đón chúng tôi có đại diện tỉnh Sê Kông, Trường ban đối ngoại và Hội cựu chiến binh bạn. Chúng tôi được bố trí nghỉ tại khách sạn Sê Kông...Cơm trưa được bố trí ngay tại khách sạn và bạn bố trí 2 nữ cán bộ ban đối ngoại theo dõi giúp đoàn trong thời gian ở Sê Kông .

Chiều Tối, đoàn chúng tôi được Bí thư,kiêm tỉnh trưởng tiếp chiêu đãi đoàn và sau là múa lăm vông ngay cạnh dòng sông sêkoong

Sê Koong, địa bàn đơn vị chúng tôi ở trước khi trở về Miền Nam đánh trận cuối cùng. Nơi đây, chúng tôi nhậm nhiệm vụ làm đường, rãnh rỗi ra sông đánh cá bằng bộc phá...có lần, sau khi bộc phá nổ, tôi bắt được con cá to; vẩy cá cứ như nắp bia bọn tôi thời trẻ đập dẹp để chơi ăn tiền; nó quá to, sức sống còn mạnh, khi tôi ôm dìu nó vào bờ mấy lần suýt tuột dù tay tôi đã bấu được mang của nó...khi vào tới bờ tôi phải nằm đề lện nó, gọi anh em tới giúp một tay mới mang lên bờ được. Ở Sê Koong, không có chuyện đánh đấm chi hết – ngày chặt cây, đào đất, tối mệt thì đi ngủ, nhiều khi bỏ gác luôn vì mệt quá, thằng gác trước quên gọi thằng gác sau, ngủ tới sáng luôn, chẳng có kiểm điểm chi cả vì ai cũng thế - mệt thì ngủ thôi.

Sê Kông - có lẽ ở đây có mỗi chuyện rượu ...

Hồi chưa nhập ngũ, tôi chỉ biết vài vại bia là ngât ngất rồi...vào chiến trường Lào cái tết duy nhất đời lính chiến được uống rượu lại do chính mình đi mua là tết 1973 – 1974 có lẽ ở đây hay ở Atopo tôi không nhớ rõ địa điểm, nhưng việc đi mua rượu mình không thể quên được.

Năm ấy đình chiến rồi, Tiểu đoàn bọn mình được lệnh nhận nhiệm vụ mới: làm đường giúp bạn ở đoạn Xalavan – Sê kông – Atopho, ngày đêm lao động cực nhọc chỉ có câu chuyện tiếu lâm, trêu trọc nhau đùa vui cho qua ngày. Dụng cụ làm đường ngoài dao găm là vật bất ly thân của lính cộng với, ít cuốc, xẻng và cuốc chim, dao dựa được bổ sung...và sức lính bộ binh đi mở đường thôi, làm đường mệt nhưng vui vì năm ấy đơn vị không có thằng nào chết cả; gần đến tết, thủ trưởng tiểu đoàn khao quân ( tiểu đoàn trưởng là lính đường dây xuống mà) tiểu đoàn bộ cử mình phụ trách nhóm đi mua rượu cùng lính các đại đội của tiểu đoàn, ra bản Lào sát ngay chân đường dây 559.

Thủ trưởng Tiểu đoàn bộ cử mình đi mua rượu vì thủ trưởng cứ nghĩ rằng dân Hà Nội uống rượu bia dữ lắm, biết rượu ngon và không ngon. Còn mình đi thì cứ tưởng mấy thằng lính đại đội, dáng vóc lực lưỡng, râu ria lởm chởm dân các tỉnh khác, làm nông nghiệp chắc uống rượu dữ lắm, dứt khoát chúng biết mua rượu nên yên tâm vững bước, đeo hơn chục cái bi đông của lính tiểu đoàn theo anh em dấn bước vào bản... tay cầm bầu rượu nắm nem, mải vui quền hết lời em dặn dò...cứ tưởng khi mình về đã trở thành bậc tiên tửu như câu thơ của các cụ ngày xưa...vui lắm, vì được tin tưởng đi làm công tác hậu cần (đây là lần đầu tiên mình được đơn vị cử đi mua rượu); khi cùng mấy anh em của các đại đội khi đến bản, dân mang rượu ra mình thử, thấy anh em khác thử lắc đầu, mình bảo bò đậy ( không được) , cứ thế thử và lắc đầu...đến mấy nhà đang nấu rượu, chủ nhà đưa bát rượu cho thử - bát nóng hổi đi vòng quanh mấy anh lính thấy anh nào anh nấy lắc đầu mình cũng lắc đầu..' đến cuối bản, vài thằng chân nam đã đá chân xiêu, bước lên cầu thang ngang bước lên tiên cảnh..chủ nhà mang cả rượu cũ và mới nấu cho thử...thấy thằng nào thằng nấy gật gù mình bảo đậy, đậy; được được; âu mứt, lấy hết...chủ nhà vui quá thế là dồn bà hầm các loại rượu và nước mót lần cuối rồi chia đều đề cho tốp lính lấy rượu bình đẳng như nhau (nhân dân ưng cái gì cũng chia cho bằng nhau mà)...lúc này bọn mình... tay cầm bình tong rượu, phong lương khô; non xanh, núi biếc...ngật ngưỡng anh về...doanh trại.

Tốp lính chiến tiểu đoàn 4 trung đoàn 19 được cử đi mua rượu là những người lính dầy dạn trong chiến trận, nhưng chưa một lần uống rượu; luôn đặt việc hoàn thành nhiệm vụ được giao là số 1, vui lắm - nay trong khung cảnh thanh bình, đường đất rộng thênh thang, miệng nói líu lo như chim hót trên đường; quân trang gọn nhẹ, hơi men bốc lên, mặt mày tưng bừng .. .ta cảm thấy oai phong, vì thời bình mình vẫn hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao... đi mua rượu, mua được rượu ngon nhất bản về cho đơn vị đón tết; tự mình nhận xét – mình đi trinh sát cả bản, đi từ đầu bản đến cuối bản mới chọn được điểm rượu ngon thật....có thằng vừa đi vừa tự thưởng cho mình thêm vài hớp - rượu dân cho thêm mà; miệng hát ngêu ngao, lính đi như người mộng du, mấy lần té ngửa, lồm cồm dạy đi tiếp; khí thế tưng bừng, anh em hạ quyết tâm - đi một mạch về đơn vị không nghỉ; đúng là trời thương, tất cả anh em về đơn vị đủ.

Về nộp rượu cho quản lý và thanh toán tiền thừa ...ngày hôm sau, anh em ăn tết có chai rượu...bỗng thằng lính công vụ tiểu đoàn chạy đến...anh xuanxoan ơi, thủ trưởng bảo anh mua rượu gì mà nhạt như nước ốc vậy Huh ...hóa ra mình đã không biết uống rượu, mấy anh lính đại đội ở các tỉnh khác cũng như mình...17- 18 tuổi đã vào chiến trường biết quái gì rượu với gái gú mà bảo đi mua rượu; thấy chúng lắc đầu thì mình cũng lắc đậu, chúng say khập khiễng mình hỏi thấy chúng cười vui, cười vui gật, gật; mình tưởng chúng gập đầu mình ừ, được mua hết...thế thôi – đâu biết đó là rượu nước cuối nhạt thếch, chua loét...

Mãi sau này thời bao cấp khốn khó, vợchồng mình cất rượu nuôi heo mới biết...thế nào là rượu nhạt như nước ốc.   


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật