Tô Hoài: CHUYỆN CŨ HÀ NỘI (Tập 1)

10. Chết đói



Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy. Hình như bỗng một hôm ai vét đi hết sạch gạo. Người ta chạy quanh, nháo nhác rồi chết đói cả một vùng. Những làng giấy, làng lĩnh lụa, cả đời nước sông gạo chợ, hàng họ bán ra sao cho lại với hạt gạo. Rồi cả đến gạo giá cắt cổ cũng không thấy mặt hạt nào đâu nữa. Không còn là thóc cao gạo kém, mà không có gạo, chợ không có gạo, hết gạo.

Chỉ tháng trước, tháng sau, những lớp học truyền bá quốc ngữ buổi tối đã vãn hẳn. Học trò "truyền bá" toàn thợ seo, thợ cửi đói gầy rạc đã bỏ đi đâu hay chết đâu.

Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ.

Đêm đêm, các làng quanh chợ, các anh Liêm, anh Đại ở Yên Thái, bác Bảy Nền ở làng Tân, nhiều người phải đi rà rà ngăn không cho người đói vào chết địa phận làng mình. Thấy xác người chết, lập tức khiêng quẳng ra nơi khác. Nói bao nhiêu về cảnh đói 1944-1945 cũng vẫn chưa thấm. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá.

Tôi chỉ ghi lại về những anh em bà con quanh tôi chết đói năm ấy. Như thắp nén hương tưởng nhớ các oan hồn.

Thằng Tây vẽ vời ra những cảnh đau lòng thật oái ăm. Bên này đường Thành, ven hồ Tây, các làng thuộc phủ Hoài Đức ngày trước – bây giờ là huyện Từ Liêm, rộng ra cả tỉnh Hà Đông, và khắp các vùng đồng bằng, người chết đói như rạ. Nhưng mấy làng ven nội bấy giờ thuộc đại lý Hoàn Long (hiện nay phần nhiều ở quận Đống Đa) và trong thành phố chỉ bị khiếp đảm xanh mắt về nạn đói, chưa đến nỗi phải chết. Người Pháp che đậy, giữ tươi tỉnh bộ mặt phố xá, nên trong Hà Nội được đong gạo bông[1]. Tuy được mua gạo có ngữ, nhưng chẳng biết cái đói còn triền miên đến bao giờ, cũng không ai dám ăn no. Bữa cơm, bữa cháo, rồi chỉ ăn cháo. Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào. Đội xếp chỉ còn có việc đánh đuổi người đói ra khỏi thành phố. Sau đảo chính mùng chín tháng ba, lính Nhật đi đẩy người đói không xuể. Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày suốt đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua.

[1]  Bông (tiếng Pháp: bon) là cái phiếu.

Vùng tôi bị xẻ làm đôi, bên này đường Thành, ba làng Yên Thái với những làng Hồ, làng Thụy được đong gạo bông cầm hơi. Còn từ làng tôi vào vùng Noi, Cáo, Canh, Thìa... chỉ còn biết bới đất lật cỏ.

Nhà bác khán Lợi càng khó. Thằng Tiếp đã ốm chết từ năm trước. Vợ kế bác Khán đem hai đứa con lên làng Cả đi seo kiếm bữa. Bác Khán cũng lên đấy, cứ trần lực đủ mọi việc. Đạp bìa, đạp lề, vớt dó, dậm bìa, quảy nước, kéo tàu... Nhưng thời buổi khó khăn cũng chỉ có việc buổi đực, buổi cái. Người cứ vêu vao phờ ra.

Cái Lợi đã lấy chồng. Gặp cơn tao đói, vợ chồng còn son rỗi mà không ai cưu mang nổi ai, đành mỗi người kiếm ăn mỗi nơi. Lợi lại trở về nhà bác Khán. Lúc mới về còn có khi lên đứng đón seo đầu làng Đông, làng Thọ. Nhưng rồi đợi cả buổi cũng không ma nào đến giam cho đồng xu hẹn vào tàu hôm ấy. Không có cái ăn, người nhợt nhạt, bủng beo ra. Đôi khi bác Khán tạt về nhà. Bố con trông thấy nhau, rơi nước mắt, ngoảnh đi.

Rồi Lợi chết ở đâu, không biết. Những người đói đến lúc cảm thấy mình sắp chết thường lủi đi, nằm xuống chốn bơ vơ, chẳng muốn ai nhìn thấy.

Anh hai Bủng thợ mũ hoạt động ái hữu hồi bình dân cũng bị đói rồi chết đường. Anh Bủng con ông đôi Ngôn ở xóm Trẽ. Làm thợ mũ ở ngoài phố, sớm đi tối về. Vợ anh ngày ngày quảy gánh trầu vỏ lên chợ. Cứ trông cơ ngơi nhà anh, khi Tết đến mà trên người anh và thằng con chỉ được cái mũ lộn vải lợp lại, đủ biết nhà anh thế nào. Trong khi, ở bờ rào râm bụt trước cửa, bảy ngày Tết ồn ào đám quay thò lò ông Thiện. Lúc nào thua đậm, hai vành tai ông Thiện đỏ ửng như cái mặt tráp úp con thò lò. Nhà ngay đấy mà ông cháu đôi Ngôn không có tiền, chẳng biết mặt lục, mặt tam con thò lò bao giờ.

Anh Bủng tham gia phong trào ái hữu ngoài phố. Anh đã giác ngộ được nhiều anh em trong xóm. Năm trước, anh Tĩnh còn sống, chúng tôi định viết lại truyện phong trào cách mạng vùng tôi, một vùng nghề thủ công ngoại thành, đã hoạt động mạnh thời kỳ thành phố chuẩn bị Tổng Khởi Nghĩa.

Anh Tĩnh đã ghi lại về anh Bủng, làm tài liệu cho tôi: "Ở trong xóm, nhà tôi gần nhà chú ba Nhậm, cách một cái ao và một nhà nữa thì đến nhà chú Bủng. Chú Bủng là chú họ tôi. Chú Bủng được chị gái lấy chồng ở Hà Nội có cửa hiệu làm mũ. Chú Bủng được ra nhà chị gái học làm nghề mũ. Mấy năm sau chú lấy vợ và thường về làng. Chủ nhật nào chú cũng về nhà chú ba Nhậm đánh cờ và nói chuyện Hà Nội, nói chuyện thợ thuyền, nói chuyện ái hữu, nói chuyện nghiệp đoàn đấu tranh đòi quyền lợi. Tôi đọc sách báo chú đưa và chú bảo tôi tuyên truyền người khác nữa. Thế là tôi tuyên truyền Thường Đen, Cận, Năm Nghi, Tình, Tuất, Trương Sồ... Chú Bủng lại bảo tôi: thằng Điều, thằng Sen cũng hoạt động lắm, liên lạc với chúng nó nữa. Từ đấy, phong trào phát triển mạnh".

Ngoài thành phố hết việc. Anh Bủng đi làm ngoài ấy, nhưng anh vẫn lấy thẻ thân ở làng, cho nên chẳng may không là người Kẻ Chợ, không được đong gạo bông. Vì làng tôi thuộc tỉnh Hà Đông. Mới hôm nào, anh Bủng khỏe mạnh hẳn hoi mà bây giờ xanh rớt. Người vốn gầy, cao lêu đêu, cứ rạc đi như cái que. Vào nhà tôi, hai bàn chân anh đã nề to ra, không bước lên nổi thềm đá bậc cửa. Anh em đã cố góp nhau giúp anh, có lần tiền, có lần gạo, nhưng cũng chỉ được đôi ba lần. Đói dài cả năm, cả tháng, làm sao cứu được nhau.

Rồi cả nhà anh Bủng bỏ đi lang thang. Tôi vẫn nhớ cái cổ cò lộ hầu, đôi mắt tinh nhanh khi anh nói, khác hai con mắt anh lờ đờ những ngày đói. Giữa năm phong trào cứu quốc sôi sục, quyết liệt trong nạn đói, rồi cách mạng thành công, cũng không ai gặp anh. Chắc anh Bủng chết đã lâu rồi.

Thằng Hiền bằng tuổi tôi. Nó là con đầu, nhưng là con nuôi. Một nhà trên làng Cả, đông con, đi xem bói. Thầy bói nói phải cho đận con ấy đi làm đầu con nuôi người ta, nó mới sống được. Hiền được cho làm con nuôi nhà bác kép Niêm hiếm hoi. Nhà bác kép Niêm mới có một gái đầu lòng. Chưa có con trai, Hiền vẫn là anh "chống gậy". Nhưng rồi hai bác ấy sinh được con trai, cu Hiếu. Nhà bác kép Niêm vốn có nếp nhà quý hiếm con, vẫn coi Hiền như con trưởng. Hiền đã biết nghề giấy, đi làm có tiền. Một năm, bố mẹ nuôi lấy vợ cho Hiền.

Xảy nạn đói đến, ác liệt quá. Hiền phải lê la kiếm miếng trên chợ, trông đã tã lắm, ngụp đến nơi rồi. Hiền ngồi một chỗ, đầu rũ xuống, thở khừ khừ như con mèo ốm. Khó lòng nhận ra đấy là thằng Hiền mọi khi quảy nước tàu seo chạy huỳnh huỵch. Có người kể: từ hôm Hiền vào chỗ chợ hàng chuối cửa đình Yên Thái cướp nải chuối, người ta phang đòn ống gãy chân, Hiền không đi được, mới nên nỗi thế.

Vinh là con nhà dì Tài tôi. Năm ấy, khoảng mười ba, mười bốn tuổi. Hai mẹ con ở nhà ông bà ngoại, nhưng ăn riêng. Có gì mà ăn lúc này! Chân tay nó khẳng khiu, xám ngắt, tôi có thể đoán cái đói bằng con mắt Vinh. Mắt Vinh cứ xanh dần lên. Có hôm mắt nó xanh lét như mắt mèo. Đói xanh mắt – có thế thật. Các cụ ngày trước đã ví chẳng sai.

Nhưng may sao, Vinh vẫn thoi thóp. (Rồi khi cách mạng thành công, tôi đem Vinh ra Hà Nội xin làm thợ chữ nhà in báo Cứu Quốc).

Mọi người trong nhà cũng đã đói rã ra. Năm ấy, Nam Cao lên ở với tôi. Viết truyện kiếm thêm, năm thoảng ba thì mới được cầm đồng tiền. Nam Cao dạy mấy đứa cháu anh Khôi tôi ở làng trên. Anh Khôi đã ý tứ trả công thầy bằng gạo. Phỏng thử chẳng có những xó gạo ấy, không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh hay giống dì Tư không, hay còn thế nào nữa.

Dì Tư tôi đã luống tuổi. Dì thật hiền, dì hay cười. Người thạo xem tướng ắt bảo ai lúc nào cũng tươi tỉnh thế, được nhàn và sung sướng. Chẳng thấy dì tôi được nhàn, được sướng ở đâu. Cả dạo đói, dì Tư ăn khô dầu. Khô dầu nuốt vào trương bụng lên, đã vài hôm, bụng vẫn ành ạch. Phân bón khô dầu xưa nay vẫn bán ở các hàng dầu hỏa, hàng thuốc lào. Khô dầu, từng bánh xám xịt, rắn như đá. Khô dầu để bón vườn ruộng nhưng thấy nói là bánh, bánh khô dầu, bánh thì chắc ăn được, bây giờ nhiều người ăn.

Nhưng dì Tư cũng sống ốm o được tới ngày lại trông thấy mặt hạt gạo. Rồi dì Tư tản cư lên huyện Cẩm Khê trên Phú Thọ, khi Tây trở lại chiếm Hà Nội. Cả chú dì Tư tôi đều bị sốt rét, mất ở Cẩm Khê. Tôi vẫn nghe cái đói và những bánh khô dầu bón ruộng có thể còn để lại trong người dì Tư đủ thứ bệnh ác, rồi không chống lại được mới sốt rét mà mất thôi.

Bây giờ, mỗi khi đi qua chợ Bưởi, cả những ngày phiên đương đông, bỗng chớp chớp mắt tôi lại như thấy trong các cầu chợ xuống tận hai bên bờ sông Tô Lịch, lò dò đi ra những bộ xương người lảo đảo, kheo khư, nhấp nhô.

*

*     *

(Nhật ký tháng ba 1945)

Nhiều người con gái năm ngoái trông còn được mắt, từ Tết đến giờ, ăn cháo mãi, mặt trắng bệch ra. Trước cửa đình nhan nhản hàng quà, nhưng không có thứ gì bằng bột hay gạo cả, đầy những cái chậu sành da lươn toàn củ chuối thái mỏng, trộn vừng, trên rắc rau húng. Một hào một đĩa. Cô Lĩnh con gái ông khán Là quần áo rách tổ đỉa, mắt lồi, lượn quanh, nhặt được cái vỏ đậu nành, nhá sồn sột.

Người ta ngắm rồi chép miệng...

– Cô này chỉ nửa tháng nữa là chết.

Mấy ngày sau đảo chính, gạo xuống hơn 400, giờ lại lên 650.

Nhà bác Quỹ, bác tên là Chắt, nhưng trước làm thủ quỹ hội đồng kỳ mục, có bảy người, trước thổi hai ca, rồi ca rưỡi, rồi một ca. Nhà này cố níu cái vỏ phong lưu, không bán đồ nhưng cũng vác ngầm đi cái lọ độc bình rồi. Chính bác Quỹ cuối năm ngoái còn cho tiền mấy người thiếu đói họ gần, bảo đừng ra cửa đền lấy cháo cứu tế, "rồi về sau, khi yên hàn rồi, ra chốn đình trung thì ăn nói thế nào với làng nước, bảo là dạo ấy đi ăn mày xin cháo thí về à?".

Bác Khán Lợi dỡ nhà bán dần, đêm ra nằm hiên trường học.

Đêm qua, thằng Quyền đánh người đói trên chợ Bưởi. Mỗi tối, Quyền phải đi tua nhiều vòng quanh chợ, để xem có ai lẫn vào rồi chết trong chợ không. Nếu gặp xác chết, Quyền lẳng lặng khiêng vứt lên đầu đường Thành sang địa phận làng khác để khỏi phải thuê chôn. Phó lý làng Yên Thái buôn cót sẵn để bó người chết. Mua ba đồng một chiếc, bán năm đồng. Chẳng phải chỉ có ở chợ, mà đêm đêm làng nào cũng đi xua người đói không cho đến, sợ phải chôn.

Cũng lại sinh ra một nghề mới. Một buổi sáng, chánh hội Nên thấy có mấy người làng, những người đói dở, đến báo rằng ở đường Thành địa phận làng ta có người chết, xin ông cho tiền chôn. Thật ra đấy là người chết đói ở nơi khác, chính những người này đã khiêng về đấy rồi đi báo làng để lấy tiền chôn – có khi lấy tiền rồi không chôn mà lại vứt cái xác sang làng khác.

Ngoài cửa chợ, một thằng bé gầy, đen nhẻm, đầu gối to hơn ống chân, bị một nhát búa bổ toác ra, trắng hếu mà không thấy máu chảy. Thằng bé này phải trói giật cánh khuỷu với một thằng bé khác. Quyền bảo tôi: Nhật trói nó đấy. Thằng bé này bị Nhật trong đồn ra bổ búa vỡ đầu gối, lại xén cụt cả tóc thế kia. Chắc Nhật ngỡ đã bắt được nó ăn cắp cái gì. Nhưng quanh đứa bé, tang vật chỉ thấy một mẩu thừng và một mảnh chai vỡ.

Những con số khủng khiếp trong hàng triệu con số người chết đói tôi ghi lại. Nạn đói thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Sau đảo chính Nhật, chính quyền Nhật đã dựng nên tổ chức cứu tế, tổ chức này đi vào điều tra ở một số vùng, cũng đã phơi bày một vài sự việc và con số nạn đói cực kỳ thê thảm.

Trên báo hàng ngày Tin Mới ở Hà Nội suốt tuần lễ đầu tháng 5-1945 đã đăng bản "Điều tra từ 13-4 tới 16-4 của ủy ban liên lạc Tổng hội cứu tế về tình hình các vùng Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên" do đại biểu các thân hào thân sĩ ở Hà Nội đi điều tra, các ông Ngô Tử Hạ, Nguyễn Như Kim, Nguyễn Xuân Nha, Đỗ Ngọc Châu công bố.

Những đoạn in dưới đây đã bị phòng kiểm duyệt báo chí của Nhật bắt đục bỏ. Tổ chức công nhân cứu quốc ở nhà in báo Tin Mới đã lén dập in lại những chỗ bị kiểm duyệt, rồi anh Thiệp, thợ chữ, nhà ở phố Quan Thánh, đêm giao tôi chuyển đi cho báo Cứu Quốc (bí mật) của Tổng bộ Việt Minh.

Nguyên văn những đoạn con số và tình hình như sau:

"Khô dầu 3 hào 2 xu một bánh, người ta ăn khô dầu. Trẻ con bị vứt đầy dọc đường vì bố mẹ không nỡ trông thấy chúng nó chết trên tay. Người ta nấu rêu, rang rêu lên để ăn. Người ta ăn cỏ, ăn khô dầu, thậm chí ăn cả thịt người. Việc này chúng tôi đã thấy tận mắt, và có chứng cớ hẳn hoi.

"Người chết nhiều đến nỗi không thể chôn kịp, vì người đi chôn cũng đã ốm đói rồi. Khi đi nhặt xác, gặp ai ngắc ngoải, bọn này cũng lôi đi chôn, vì nếu có để lại thì rồi cũng đến chết nốt. Lúc bị vùi xuống hố, những người ấy con chắp tay van lạy, nhưng bọn người đi chôn cũng cứ lấp đất đi vì không chôn được người thì không được trả công, bởi cũng đương đói lả đi cả, còn lo hôm sau chẳng còn sức mà đi chôn người kiếm cái ăn.

"Tại Hải Hậu (Nam Định) có làng 1.000 đinh đã chết đói tới 700. Tại đây đã xảy ra 2 vụ ăn thịt người. Một vụ do một bọn đàn bà thủ xướng. Chúng giết những đứa trẻ còn mập mạp, đem bán thịt. Các thủ phạm vụ này đã bị bắt.

"Dân phố phủ Nam Trực (Nam Định) có 16 vạn, mỗi ngày khoảng 400 người chết đói, trong số có cả lý trưởng, phó lý, các chức dịch trong làng.

... "Tình hình mấy tỉnh trên đây đã đến lúc hết sức nguy ngập. Khắp nơi, số dân chết đói rất nhiều. Đau đớn nhất là bọn trai trẻ cường tráng, những phần tử cần thiết cho công việc đồng áng chết đói hầu hết, số còn lại cũng đương ngoắc ngoải.

"Người ta lạy van nhà nước bán thóc cho và xin tha cho đừng thu thóc vụ hàng năm sắp tới. Đấy cũng là phương kế duy nhất có thể cứu sống được người đói. Bằng như nếu không được thì ở đâu cũng kêu xin nhà nước gia ơn tìm cách giúp cho được chết chóng vánh, để khỏi phải kéo dài chuỗi ngày đau khổ, nhục nhằn thế này.

... "Tỉnh Hà Nam có 400 làng. Một nửa dân bị đói do sự thu thóc của Pháp từ trước kia. Có nhiều người Pháp có đồn điền ở tỉnh này, thế mà không những người Pháp không phải nộp thóc cho nhà nước, mà còn được nhà nước lấy thóc của dân ra trợ cấp cho các đồn điền.

"Các chỗ đói nhất trong tỉnh Ninh Bình là các huyện Yên Khánh, Yên Mô, phủ Kim Sơn. Số người chết đói tới 50 phần trăm, hoặc có nơi nhiều hơn.

"Dân số tỉnh Ninh Bình là 96.000, trong số có 24.000 đinh. Số người chết đói hai tháng khai là 3.325 người. Nhưng thật ra gấp ba, nghĩa là độ 1 vạn. Ruộng mùa có 22.000 mẫu gặt được 6.362 mẫu. Mỗi mẫu độ 3 tạ. Số thóc đã thu nộp là 2.664 tấn. Ruộng chiêm 22.283 mẫu. Chỉ cấy có 10.093 mẫu. Nhân công không có, vì chết nhiều và số tiêu tán đi là 3.724 người.

"Dân số phủ Kim Sơn (Ninh Bình) ngót 11 vạn, một vạn đã bỏ đi. Mỗi ngày có 400 người chết. Nếu không được cứu, đến tháng năm, số chết sẽ tới 5 vạn. Ruộng cày được 24.000 mẫu, mỗi người hơn 2 sào. Vụ tháng 10, sẽ thu mỗi năm nhiều nhất là 2 tạ thóc, cộng là 4.800 tấn. "Công toa" nhà nước thu thóc đã thu 1.586 tấn, chỉ còn 3.214 tấn chia ra thì mỗi đầu người được có 32 cân, ăn trong 6 tháng.

"Có làng 400 dân, ruộng không có người làm, bán không ai mua, mỗi mẫu đáng 1.000đ bán không nổi 30đ. Phủ này người ta đương mong được chóng chết. Trẻ con từ 7, 8 tháng đến 1,2 tuổi bị cha mẹ bỏ hoặc cha mẹ đã chết, ngồi nheo nhóc khắp nơi, đi đường nào cũng thấy.

"Dân số phủ Nghĩa Hưng (Nam Định) có 15 vạn người, số chết mỗi ngày khoảng 500. Thóc phải nộp nhà nước là 1.250 tấn, nhưng chức dịch chỉ thu được 986 tấn. Dân đói phải ăn củ chuối và ăn cả thịt người. Bắt trẻ con 5,6 tuổi rồi đào lỗ chôn xuống, lấp đất, hun lửa trên, xong đem bán lẫn với thịt chó, bán giả thịt chó. Việc này có biên bản rõ của ông phủ sở tại kèm theo".

 ...


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật