Văn 11 12

Vội vàng (Xuân Diệu)



VỘI VÀNG

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Theo Thơ thơ, NXB Đời nay, Hà Nội, 1938)

"Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nquyền Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên.... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu." - Thi nhân Việt Nam. Khi đọc những câu văn này ta sẽ không hiểu tại sao Xuân Diệu lại được ưu ái như vậy. Giờ thì đã rõ! Đơn giản chỉ vì ông là nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới''. Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ nhất ý thức cá nhân của cái tôi mới và cũng mang đậm bản sắc riêng. Trong số những bài thơ của ông, chúng ta không thể không nhắc đến Vội Vàng. Bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi Xuân Diệu, in dấu khá đậm cho hồn thơ yêu đời, ham sống, "thiết tha, rạo rực, băn khoăn". Và quan trọng hơn thế nữa, qua Vội vàng chúng ta nhận ra một quan niệm sống rất mới mẻ - bức thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc.

BÀI LÀM

Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Diệu. Góp phần xây dựng nên cái tôi cá nhân tươi trẻ của Xuân Diệu. Bài thơ chứa đựng một triết lí sống, một tâm thế sống của nhà thơ: sống nhanh chóng, khẩn trương, mở rộng lòng mình để ôm ghì, thâu tóm tất cả.

Thời gian, mùa xuân, tình yêu, tuổi trẻ luôn thường trực, trở đi trở lại trong nhiều trang thơ của Xuân Diệu. Ở Vội vàng ông đã nhận ra một thiên đường ngay trên mặt đất, nhà thơ yêu cuộc sống trần thế xung quanh và tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao điều hấp dẫn, đáng sống và biết tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Đây là một quan niệm sống rất mới, mang ý nghĩa tích cực và có giá trị nhân văn sâu sắc. Nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài. Hãy sống gấp gáp để tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, luôn giữ cho mình mùa xuân tình yêu của thanh xuân, của tuổi trẻ.

Bức thông điệp mà Xuân Diệu gửi đến cho người đọc được triển khai qua từng phần của bài thơ, theo mạch cảm xúc trong tâm hồn thi sĩ. Ngay từ đầu chúng ta đã bắt gặp một thái độ sống rất ngông, rất lạ:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."

Ý tưởng "tắt nắng", "buộc gió" là ý nghĩ táo bạo, độc đáo thậm chí có phần điên rồ mà chỉ Xuân Diệu mới nghĩ ra. Xuất phát từ khát khao được sống, được tận hưởng từng phút từng giây của nhà thơ. Hai cụm động từ "tắt nắng", "buộc gió" mang âm điệu rắn rỏi, quyết liệt giống như thái độ của tác giả với cái đẹp. Ngôn ngữ thơ cho ta thấy sự ngoan cường của nhà thơ trẻ, cố chấp giữ lại cái đẹp, cái tươi thắm của sự vật, ham muốn chiếm hữu "màu" và "hương". Xuân Diệu muốn thời gian là tĩnh tại mặc dù ông không nhìn đời với con mắt tĩnh. Sự mâu thuẫn tạo nên khác biệt ở Xuân Diệu không còn nằm trong phạm vi cái tôi cá nhân mà vượt ra hẳn một cái gì đó cá biệt: thèm khát níu giữ thời gian và dành lấy cuộc sống cho riêng mình.

Mọi chuyện đều có nguyên do của nó, Xuân Diệu thiết tha với cuộc sống như thế bởi ông đã tìm ra một thiên đường trên mặt đất, bởi ông có khả năng nhìn ra được sắc đẹp từ cuộc sống trần thế. Cuộc sống xung quanh ta đẹp nhất, vậy thì dại gì mà không hưởng. Thế giới quan sinh động của nhà thơ cũng theo đó mà chuyển biến rực rỡ:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây là cửa cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"

Tất cả như đang phơi bày ra trước mắt nhà thơ bức tranh thiên nhiên đang độ viên mãn, tràn đầy, chứa chan xuân tình, vừa gần gũi thân quen lại vừa mượt mà đầy sức sống. Điệp từ "này đây" nhẹ nhàng mà gấp gáp. Xuân Diệu như vồ vập, ngấu nghiến, thâu tóm tất cả, như con ong hút mật lạc vào vườn hoa đầy hương sắc. Với ông cái gì cũng hấp dẫn mới lạ. Và bằng cặp mắt xanh non của cái tôi cá nhân Xuân Diệu còn phát hiện ra thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất vẫn là vì có con người. Con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Nhà thơ lấy con người làm thước đo của cái đẹp. Cuộc sống trần thế đẹp nhất vào lúc xuân. Và con người chỉ tận hưởng được lúc đang còn trẻ. Song tuổi trẻ thì tàn phai theo thời gian, vì thế mà ông phải sống vội vàng, gấp gáp.

"Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."

Nhà thơ tận hưởng cuộc sống một cách "sung sướng" nhưng lại "vội vàng một nửa" bởi một phút giây ra đi vĩnh viễn không trở lại. Mất mát sẽ đến nếu ta không chớp lấy thời cơ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu không chờ mùa hạ đến mới nhớ xuân mà ông chọn cách ôm riết mùa xuân lúc tràn đầy, tươi non.

"Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất."

Ham sống, khát sống, Xuân Diệu càng băn khoăn hơn trước cuộc đời, thời gian. Ông đã nhận ra quy luật khắc nghiệt của thời gian. Mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần. Nhà thơ mở lòng ra để yêu đời, yêu cuộc sống nhưng không được đời bù đắp, vì thế mà ông băn khoăn buồn chán cho thân phận của mình. Cảnh vật thiên nhiên giờ đây cũng mang đầy tâm trạng buồn bã, băn khoăn, lo sợ...

"Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa..."

Tiếc nối vì tuổi trẻ qua đi không bao giờ gặp lại, bâng khuân vì xuân vẫn trở đi trở lại tuần hoàn nhưng con người thì không. Nhận thức ra quy luật khắc nghiệt của thời gian làm bùng lên khát khao sống mãnh liệt. Xuân Diệu quyết ôm ghì lấy cuộc sống, tận hưởng cuộc sống để không phí hoài đi thời gian, tuổi trẻ. Trong phút chốc, tình yêu cuộc sống trở nên cuồng nhiệt hối hả.

"Mau đi thôi! Mùa mưa ngả chiều hôm,
Ta muốm ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;"

Lòng yêu đời tràn lên như cao trào của dung nham nóng bỏng, dự dội và hoang sơ. Điệp từ "ta muốn" nhấn mạnh khao khát trong tác giả. Hình ảnh thơ tươi mới, sức sống căng tràn từ cái "ôm", "riết" lang rộng vào lòng người đọc. Và "muốn say" - sự ngây ngất đến bất tỉnh vẫn chưa thỏa lòng - còn "muốn thâu" nghĩa là muốn thu hết tất cả để có sự hòa nhập một. Cuối cùng, bài thơ được kết thúc bởi tiếng kêu của sự cuồng nhiệt khẳng định chưa bao giờ có trong thi ca:

"- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!"

"Cắn" thật siết và chặt. "Xuân hồng" làm tác giả quay cuồng choáng váng. Tiếng kêu hoang dã gợi lên ước muốn từ sâu thẳm của con người. Ẩn sâu trong đó là lời kêu gọi mọi người hãy tận hưởng cuộc sống. Sống như không có ngày mai...

Hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu của đoạn thơ đã bộc lộ rõ lòng yêu đời cuồng nhiệt khiến nhà thơ phải hối hả, vội vàng đến với cuộc sống. Bài thơ là một quan niệm sống mới mẻ và táo bạo mà trước đó chưa từng có. Lối sống biết hưởng thụ một cách chính đáng, biết khẩn trương sống cho ra sống. Tuy nhiên ở Vội vàng, tác giả chỉ đề cập đến lối sống thiên về hưởng thụ chạy theo thời gian. Ông kêu gọi mọi người hãy biết yêu và tận hưởng những thứ cuộc sống ban tặng, hãy tranh thủ thời gian, tuổi trẻ để sống đủ đầy nhất. Ông lãng quên đi nghĩa vụ kêu mọi người phải cống hiến cho cuộc đời mặc dù trong cuộc đời ông vội vàng cống hiến chứ không phải vội vàng hưởng thụ, nhìn vào thành tựu to lớn của ông trong văn học là biết.

Đọc thơ Xuân Diệu, đặc biệt là qua bài thơ Vội vàng, ta càng thêm yêu cuộc sống hôm nay và càng góp phần làm cho cuộc sống đó thêm tươi đẹp, không chỉ vì cuộc sống hôm nay đã đổi mới, đã đẹp hơn nhiều lần so với cuộc sống ngày xưa của Xuân Diệu mà chủ yếu là không còn những bi kịch để thành những băn khoăn trước cuộc đời. Bức thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc vẫn còn nguyên giá trị, được bồi đắp thêm qua thời gian và trường tồn vĩnh cửu.

Hãy sống hết mình, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc nhân dân, đừng phí hoài thời gian, hãy mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời. Đó là những gì mà Xuân Diệu còn giữ lại, nhắn gửi đến với người đọc của mình bức thông điệp xuyên qua thời gian, không gian, ngự trị muôn đời trong tâm hồn con người Việt Nam.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật