[BẮC PHONG HÀNH] - Huấn Văn

Chiêu Tuyên chi trị, Nguyên Thành trung suy, Hán Tuyên Đế và Hán Nguyên Đế



Đánh giá như thế nào về Hán Tuyên Đế Lưu Tuân (Lưu Bệnh Dĩ)?

Câu chuyện mà chúng ta ấn tượng nhất về Hán Tuyên Đế có lẽ là con đường lên ngôi thăng trầm và những thành tựu đưa Đại Hán phát triển đến cực thịnh, cùng với 'cố kiếm tình thâm'. Trước hết đánh giá về Hán Tuyên Đế Lưu Tuân như thế nào? Hắn là một vị Hoàng đế vô cùng đặc biệt. Thân thế và con đường nắm quyền cũng khác xa so với bất cứ vị Hoàng đế nào khác. Chúng ta đều biết rằng Văn Cảnh chi trị đặt nền móng phát triển, Hán Vũ chi trị mở rộng lãnh thổ cực đại, tạo nên thời kì hùng mạnh về quân sự. Và Chiêu Tuyên chi trị đã nắm bắt những nền tảng này, để đưa Hán triều phát triển đến thời đại vàng son, cực thịnh về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hoá.

Tháng 7, năm 74 TCN, Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng bạo băng khi mới 20 tuổi và không có con trai nối dõi. Hoắc Quang lập Xương Ấp vương Lưu Hạ, nhưng chỉ trong vòng 27 ngày, vị Hoàng đế này bị phế truất với tội danh "vô đạo, bất kính, làm loạn Hán triều". Nước không thể một ngày không vua. Cháu nội của Thái tử Lưu Cứ, Lưu Bệnh Dĩ là người được chọn để kế vị. Khi đó, chắc hẳn trong mắt Hoắc Quang và triều đình, đây là một đứa trẻ quê mùa, nhút nhát và không có kinh nghiệm. Đương nhiên, khi trở thành Hoàng đế, hắn đang là một anh chàng mặt non choẹt, chỉ biết ở nhà ẵm con và đọc sách. Hoắc Quang, một đại thần quyền lực, thận trọng, có thể đã xem thường xuất thân và khả năng cai trị của hắn, thật không may, lần này ông ta đã nhầm.

Ngay sau khi lên ngôi, Lưu Tuân đã thay đổi một cách chóng mặt. Đúng vậy, chính là 'cố kiếm tình thâm'.

Lúc trước hoàn cảnh của hắn rất trớ trêu, cả nhà đã bị giết, tuy là hậu duệ hoàng thất nhưng hắn thấp kém và bị xem thường. Không có tư cách hỏi cưới con gái nhà người khác, thậm chí Trương An Thế, em trai của Trương Hạ, cũng không thèm gả con gái cho hắn. Lúc này Trương Hạ chỉ còn cách đến hỏi con gái của một hoạn quan dưới quyền, một cô bé từng có hôn ước, tuy nhiên hôn phu chết - Hứa Bình Quân. Dù cô bé này đang trong tình trạng khó gả chồng, người mẹ vẫn chê bai và không lạc quan lắm về Lưu Tuân. Thật may là Trương Hạ đã thành công thuyết phục, nói rằng dù sao hắn cũng là hoàng tằng tôn, tương lai ít cũng được chức Quan nội hầu, nhất định đủ ăn mặc. Vậy là Hứa Bình Quân trở thành thê tử của hắn, hai người họ rất yêu thương nhau, một năm sau thì có một bé trai, đó chính là Hán Nguyên Đế Lưu Thích sau này.

Khi đổi đời, hắn muốn lập thê tử thuở hàn vi làm Hoàng hậu. Nhưng lại có vấn đề xảy ra. Đối diện với hàng loạt những đề nghị lập hậu, ứng cử viên sáng giá là Hoắc Thành Quân, con gái của Hoắc Quang, hắn không thể nào trực tiếp khước từ. Hoắc Quang có quyền lực rất lớn, và triều thần đứng về phía ông ta. Hắn đã có một hành động cực kì thông minh, ban một đạo chiếu thư kể về thanh kiếm thuở cơ hàn, muốn tìm lại nó.

Lúc này, các đại thần đã biết người ở trước mặt là một Hoàng đế thực thụ, quyết đoán, có bản lĩnh và có trí tuệ. Họ sẽ không muốn đối nghịch vào lúc này. Cơ hàn kề vai sát cánh, vinh hoa phú quý không quên nghĩa Tào khang, đây không phải là đức tính đánh trọng sao? Hoắc Quang cũng không thể bất bình. Các đại thần ngay lập tức dâng sớ xin lập Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu. Thiếu niên 17 tuổi đã đạt được mục đích của mình, vừa thành công đưa người mình yêu lên ngôi vị Hoàng hậu, vừa khiến triều thần phải khuất phục.

Chỉ dụ 'Cầu vi thời cố kiếm' của Hán Tuyên Đế được coi là bức thư tình lãng mạn và ôn hoà, lưu danh hơn hai ngàn năm sau. Vương Xương Linh đời Đường từng cảm thán:

"Nhất văn Hán chủ tư cố kiếm,
Sử thiếp trường ta vạn cổ hồn."

(Vừa nghe Hán chủ nghĩ về thanh kiếm cũ,
Thiếp đã thở dài một tiếng bất diệt.)

Cuối cùng thì sao? Đằng sau bức thư tình ngọt ngào này, lại là máu và nước mắt. Hoắc Quang là một người chỉ biết đâm đầu vào chính sự, ông ta không nổi sát tâm, nhưng người vợ của ông ta không nghĩ như vậy. Oán hận vì Hứa Bình Quân cướp đi ngôi vị Hoàng hậu của con gái, Hoắc Hiển đã tiến hành một kế hoạch động trời, giết Hoàng hậu. Hứa Bình Quân bị hạ độc và chết thê thảm trong khi sinh, cùng đứa con trong bụng, năm đó nàng chưa được hai mươi tuổi. (Kế thất của Hoắc Quang được ghi chép tên Hiển, nhưng không ghi rõ họ, nên thường được gọi là Hoắc Hiển.)

Lưu Tuân đột ngột mất vợ và con, hắn đã ra lệnh điều tra gắt gao. Hoắc Hiển quá sợ hãi nên thú nhận mọi chuyện với Hoắc Quang. Lúc này Hoắc Quang mới nhận ra mình đã kết hôn với thứ gì, nhưng ông ta hiểu rõ về sức nặng của Hứa Bình Quân trong lòng hoàng đế.

Nếu tự thú thì có được khoan hồng không?

Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, cũng vì mình đang chiếm thế thượng phong, ông ta lựa chọn bao che cho vợ của mình. Diệt khẩu Thuần Vu Diễn, muốn một tay che trời, Lưu Tuân đương nhiên nhìn ra được chuyện này. Tuy nhiên, hắn không hành động hấp tấp mà nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục chịu đựng, giả bộ như không biết gì hết, nghe theo lời Hoắc Quang kết thúc vụ án. Hứa Bình Quân chính là tia sáng đầu tiên cho hắn hiểu thế nào là một gia đình đúng nghĩa. Bây giờ hắn ngồi ở đây, nhìn thê tử chết oan ức, ân hận vì đã vô tình đẩy nàng vào cửa tử, phẫn nộ trước những kẻ ung dung ngoài kia, và nhìn đứa con chưa đi vững của mình. Không thể tượng tượng nổi, hắn đã phải chịu đựng nỗi đau và sự thù hận khủng khiếp thế nào.

Sau khi biết cách xử lý chính sự, Hoắc Quang tỏ ý muốn trả lại tất cả quyền lực, nhưng vị Hoàng đế trẻ tuổi biết rằng chỗ đứng của mình chưa vững chắc, không thể hành động quá vội vàng.

Trên thực tế, Lưu Tuân được coi là một người có tình nghĩa, không chỉ truy phong và tế bái tằng tổ mẫu Vệ Tử Phu, tổ phụ Lưu Cứ, tổ mẫu Sử Lương đệ, cha Lưu Tiến và mẹ Vương Ông Tu, hắn còn đối xử rất tử tế với những người bạn, những người từng giúp đỡ mình.

Hắn truy phong tước Hầu cho Trương Hạ, ban cho Trương An Thế vạn hộ, cho con trai của Trương An Thế (cũng là bạn học của hắn) kế tập tước hầu, trọng dụng Hứa thị và Sử thị. Thậm chí một vài đề nghị khó tưởng tượng, hắn cũng đáp ứng.

Vương Phụng Quang, một người bạn cũ, lúc trước trong dân gian, hai người thích chơi đá gà nên quen nhau. Khi thấy người bạn cũ một bước lên trời, Vương Phụng Quang lấy hết can đảm đến gặp Lưu Tuân để nhờ vả, vì thực sự gặp phải một vấn đề lớn không giải quyết được.

Con gái của hắn từ khi còn nhỏ, liên tiếp đính ước nhiều lần, nhưng cả 5 hôn phu đều chết. Rốt cuộc chẳng ai dám cầu thân. Thấy quý nữ trở thành đồ bỏ đi, Vương Phụng Quang không còn tâm trí chọi gà nữa, lo lắng đi dạm hỏi khắp nơi. Cùng lúc đó, Lưu Tuân mới đăng cơ, Vương Phụng Quang nhớ tới người bạn cũ này, cắn răng đem con gái nhỏ đến nhờ vả.

Trước tình hình này, Lưu Tuân dở khóc dở cười: "Trước kia ta gọi ngươi là huynh, bây giờ ngươi lại lợi dụng ta, để ta gọi ngươi là cha! Chưa kể, con gái của ngươi đã khắc chết năm người, ta không muốn trở thành người thứ sáu."

Nhưng vì tình bạn, hắn đồng ý thỏa hiệp với Vương Phụng Quang: "Ta đồng ý nhận nữ nhi của ngươi làm thiếp, cũng nhận ngươi là cha vợ, nhưng hôn ước không thể sửa, trực tiếp nhập cung đi."

Con gái họ Vương nhập cung, ngay lập tức được phong Tiệp dư, nhưng có vẻ thừa hưởng sự mê tín của ông cố, Lưu Tuân nhất quyết không động vào nữ nhân này. Đây chính là vị Hoàng hậu thứ ba của Hán Tuyên Đế sau này - Hiếu Tuyên Vương Hoàng hậu.

Chờ đợi thêm 3 năm, cuối cùng Lưu Tuân đã đợi được Hoắc Quang chết. Tuy nhiên, hắn vẫn không có động thái gì. Sau khi Hoắc Quang chết, Lưu Tuân, 23 tuổi, nắm toàn quyền kiểm soát triều đình, bắt đầu một kế hoạch trả thù. Đương nhiên, hắn vẫn không có hành động liều lĩnh, mà là từng bước vững vàng.

Bước đầu, phong con trai của Hoắc Quang là Hoắc Vũ làm Đại Tướng quân, phong cháu của Hoắc Quang là Hoắc Vân làm Quan Dương Hầu, và Hoắc Sơn làm Lạc Bình Hầu. Gia tộc Hoắc thị vui mừng, trở nên kiêu ngạo và ngông cuồng.

Ở bước thứ hai, con trai của Hứa Bình Quân là Lưu Thích được phong làm Hoàng thái tử, Hứa Quảng Hán, ông ngoại của Thái tử, được phong làm Bình Ân hầu.

Sắc lệnh này đã trực tiếp khiến vợ của Hoắc Quang tức hộc máu, bà ta coi thường Lưu Thích, một "đứa trẻ dân gian", và càng lo lắng về đứa trẻ do con gái mình là Hoắc Thành Quân sinh ra trong tương lai.

Kỳ thực Hoắc Hiển thật sự lo lắng, con gái lấy chồng đã mấy năm rồi, bụng vẫn chưa động đậy chút nào? Có lẽ Lưu Tuân không có dộng chạm vào nàng, nhưng theo ghi chép thì Hoắc Thành Quân đắc sủng, như vậy cũng có thể là hắn có biện pháp...

Hoắc Hiển muốn lặp lại thủ đoạn cũ, xúi giục Hoắc Thành Quân chờ cơ hội hạ độc chết Lưu Thích. Nhưng lệ thuộc vào lối mòn, làm sao thành công, đầu độc mẹ và muốn tiếp tục đầu độc con? Lần này đối mặt với bọn họ là một vị Hoàng đế đã học được bài học về những mưu đồ chốn hoàng quyền, là một người cha có sự chuẩn bị và đề phòng cẩn thận. Hoắc gia thất bại sau nhiều lần mưu sát Thái tử. Đây là lúc Hán Tuyên Đế thực hiện bước trả thù thứ ba.

Tung ra một loạt thay đổi nhân sự chóng mặt: Bổ nhiệm Nguỵ Tương, người có mâu thuẫn với nhà họ Hoắc làm Thừa tướng, bổ nhiệm Trương An Thế làm Đại tướng quân, tự mình chỉ huy mười hai vệ binh Trường An, giao binh quyền cho những người thân cận là Hứa thị và Sử thị. Thực ra, thực quyền đều nằm trong tay hắn.

Với sự độc đoán và thói quen lâu ngày hưởng thụ quyền lực, quá sợ hãi trước việc vụ án của Hứa Hoàng hậu bị lật lên, Hoắc gia âm mưu lặp lại cách Hoắc Quang từng phế truất Lưu Hạ để hạ bệ Lưu Tuân. Bọn họ hoàn toàn rơi vào cái bẫy đã mở sẵn mà không hề hay biết. Thời khắc cuối cùng đã đến, sự chuẩn bị và ẩn nhẫn nhiều năm, hắn đã đạp đổ kế hoạch mưu phản, lật bài ngửa với Hoắc Hoàng hậu, ra tay diệt tộc Hoắc thị. Và dù cho hành động này tai tiếng và có thể bị hậu thế chê trách, hắn không quan tâm, một cuộc tàn sát đẫm máu đã diễn ra. Đây là minh chứng của 'quân tử báo thù, mười năm chưa muộn.' Hán Tuyên Đế chính thức thu lại tất cả quyền lực tối cao về tay, năm đó hắn hai mươi sáu tuổi.

Đương nhiên, Lưu Tuân không phải kẻ tiểu nhân, hắn không hạ bệ Hoắc Quang, cũng không phủ nhận những đóng góp, thậm chí xếp ông đứng đầu mười một đại công thần ở Kỳ Lân các. Khi cho vẽ tranh các công thần, hắn thể hiện sự tôn trọng với Hoắc Quang bằng cách chỉ đề họ, không đề tên huý, 'Tư Mã Đại Tướng quân, Bác Lục hầu, Hoắc thị.' Có thể nói, sai lầm duy nhất của Hoắc Quang đó là cả đời sáng suốt, nhưng lại không biết quản lý gia đình.

Theo quy chế nhà Hán, chỉ có duy nhất một Hoàng hậu được chung thuỵ hiệu và chung lăng với Hoàng đế. Hứa Bình Quân mất sớm, vị trí này được định sẵn sẽ thuộc về Hoắc Thành Quân. Hắn đã đau khổ bù đắp cho người vợ yêu bằng thuỵ hiệu 'Cung Ai Hoàng hậu', lần đầu tiên trong lịch sử, một Hoàng hậu có thuỵ hiệu 2 chữ tách biệt hoàn toàn với đế thuỵ. Sau khi phế truất Hoắc Thành Quân, hắn từng muốn lập sủng phi của mình, Trương Tiệp dư làm Hoàng hậu. Nhưng vị Tiệp dư này không chỉ đắc sủng mà còn có một đứa con trai được Hoàng đế yêu thương, Hoài Dương vương Lưu Khâm. Ai dám chắc nếu trở thành Hoàng hậu, nàng sẽ không tìm cách để con trai làm Hoàng đế? Để bảo vệ và bù đắp cho Thái tử Lưu Thích, hắn bất ngờ lập Vương Tiệp dư làm Hoàng hậu, mệnh Hoàng hậu làm dưỡng mẫu của Thái tử. Vương Hoàng hậu vẫn thất sủng như cũ, nhưng hắn cũng không để nàng thiệt thòi, liên tục ban chức tước, gia tộc họ Vương thừa huy ân sủng.

Thượng Quan Thái hậu là cháu ngoại Hoắc Quang, một mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch mưu phản. Nhưng sau khi diệt họ Hoắc, hắn không hề tính toán với nàng. Vị Thái hậu trẻ tuổi này đã sống qua bốn đời Hán hoàng, trong khi họ nội và họ ngoại bị diệt, nàng bình an an dưỡng cả đời trong Trường Lạc cung, nhận sự hiếu thuận của Hán Nguyên Đế Lưu Thích.

Qua tất cả những chuyện đó, có thể kết luận đối với vị Hoàng đế này, hắn không phải là Hán Vũ Đế, chỉ cần bạn không làm hắn chướng mắt, không động đến vợ và con trai bé bỏng của hắn, đương nhiên bao gồm không mưu phản, hắn sẽ không tệ với bạn.

Sau khi nắm lấy quyền lực, hắn tiếp tục thể hiện tài năng đế vương tuyệt vời của mình, dựa vào Trương An Thế, Bỉnh Cơ, Nguỵ Tương và các đại thần có năng lực khác, đưa nhà Tây Hán phát triển mạnh mẽ.

Lưu Tuân 29 tuổi, phái Thái trung đại phu và các quan chức đi khắp thiên hạ, quan sát phong tục tập quán, quan sát sự được mất của các quan lại, phát hiện và tiến cử những người có tư cách và học thức. Mùa vụ liên tiếp bội thu.

Lưu Tuân 30 tuổi, kinh tế Tây Hán vượt bậc, khắp nơi ấm no. Tháng 3, phong tước cho quan lại, ban cho nhân dân khắp thiên hạ gia súc, rượu, tơ lụa, miễn thuế vật. Tây Khương phản loạn, Tuyên Đế chấn chỉnh, chiêu mộ binh mã, tháng sáu sai tướng Triệu Sùng Quốc và tướng Hứa Diên Thọ đánh Tây Khương, dẹp phản loạn.

Lưu Tuân 31 tuổi, quân Hán chinh phục Tương Tây, buộc Hung Nô khuất phục, chấp nhận triều cống và thần phục nhà Hán. Chính quyền bảo hộ khu vực phía Tây được thiết lập.

Những thành tựu của Hán Tuyên Đế thường ít người biết đến, do cái bóng của Hán Vũ Đế. Hơn nữa thời đại của hắn tập trung phát triển về kinh tế, văn hoá, không có nhiều thành tựu quân sự, điểm này đã khiến cho sự hưng thịnh này bị lãng quên.

Một người cha trẻ tuổi chịu nhiều đau thương, mang theo đứa con trai mất mẹ khi còn nhỏ ở bên cạnh, chỉ tập trung vào trị quốc, rất dễ dạy ra thế hệ thứ hai yếu đuối và lép vế hơn. Chúng ta thử bàn luận về người thừa kế thời đại Chiêu Tuyên - Hán Nguyên Đế Lưu Thích.

Đánh giá như thế nào về Hán Nguyên Đế Lưu Thích? Nguyên Thành trung suy có hoàn toàn là lỗi của vị Hoàng đế này hay không?

Lưu Thích ngay từ khi còn nhỏ đã tạo cho người ta cảm giác bất thường, mong manh. Mọi người đều nói cuộc sống của hắn rất tốt, sinh ra chưa bao lâu, phụ thân bất ngờ trở thành Hoàng đế, hắn cũng trở thành hoàng tử. Sau đó, vì tình cảm sâu nặng của phụ thân đối với mẫu thân, hắn được ưu ái hơn, cuộc đời luôn có phụ thân ở phía sau nâng đỡ, và che chở trước nguy hiểm. Nhưng sao có thể quên rằng, khi hắn đang ở tuổi ăn tuổi lớn, mẫu thân bị hạ độc chết, một người phụ nữ kiêu ngạo và thiếu thiện chí như Hoắc Thành Quân trở thành Hoàng hậu. Khi hắn được phong làm Thái tử, thân phận này đã khơi dậy lòng thù hận của mẹ con Hoắc Thành Quân, và họ nhiều lần âm mưu giết một đứa trẻ còn chưa mấy hiểu chuyện như hắn.

Dù Hán Tuyên Đế luôn để mắt, bảo vệ hắn, dưới tầm nhìn của một đứa bé, thế giới của hắn chỉ là sự đơn độc, đối diện với sự thờ ơ của cha, thiếu vắng tình cảm của mẹ, chỉ biết lủi thủi đọc sách một mình. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng Lưu Thích từ khi còn nhỏ đã dao động trong trạng thái cuộc sống cực đoan, ảnh hưởng đến tính cách và vận mệnh tương lai của hắn.

Chúng ta thường nói, làm cha mẹ, nhiệm vụ đầu tiên là tạo cho con cái một môi trường sống ổn định và yên bình. Người như Lưu Thích, từ nhỏ sống trong thăng trầm, sự nghiêm khắc của Hán Tuyên Đế đối với hắn đều là do bộc phát tức giận, không hề chú tâm đến việc giáo dục.

Không thể trách Hán Tuyên Đế, hắn còn quá trẻ, và đối diện với quá nhiều vấn đề của một Hoàng đế. Chúng ta phải nhớ rằng khi lên ngôi, hắn mới 17 tuổi, là một Hoàng đế không có thực quyền. Sự bận rộn của triều chính, các vấn đề dân sinh, quân sự đã khiến hắn bỏ rơi đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến tính cách thiếu quyết đoán và quá phụ thuộc vào người khác của Lưu Thích.

Sau khi Hán Tuyên Đế lật đổ quyền lực của Hoắc thị và tiếp quản quyền lực, cuộc đời của Lưu Thích được coi là đi đúng hướng. Trên thực tế, chúng ta chỉ nghe về những yếu điểm và một vài lời đồn thổi rằng Lưu Thích là một người chỉ lo ăn chơi, lười nhác nên đã trở thành Hoàng đế vô dụng? Thật vô lý, nói đúng ra hắn là mẫu 'con nhà người ta' lý tưởng. Ban Cố đã từng nhận xét về Lưu Thích trong "Hán Thư":

"Nguyên Đế là người đa tài và thông thạo sử sách. Cổ cầm sắt, trống, thổi tiêu, biết sáng tác nhạc, phân tiết, chia nhịp, giỏi âm luật."

"Cung kiệm, đoan chính, ôn nhã."

Tức là Hán Nguyên Đế từ nhỏ đã tài năng, xuất sắc về nghệ thuật, giỏi thư pháp, sáng tác và đàn những nhạc khúc mà Nhạc phủ cung đình bấy giờ không thể đàn được. Đam mê mãnh liệt với Nho học, đối với những người xung quanh cũng có thái độ hòa nhã, rất trọng lễ nghĩa, cần kiệm. mỗi khi trò chuyện cũng rất nhẹ nhàng. Bất kể như thế nào, đó là hình tượng nho nhã thường thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, người kế tục một đế chế đắm chìm văn học nghệ thuật, đó không phải là điều tốt. Một thanh niên thuần túy văn học như Lưu Thích thực sự không thích hợp với đế vương chi mệnh.

Khi còn làm Thái tử, thấy phụ hoàng trị nước thường dùng những cực hình tàn nhẫn, có phần quá đáng, hắn đã can ngăn: "Bệ hạ sử dụng hình phạt quá hà khắc. Nên trọng dụng Nho gia."

Lúc này Hán Tuyên Đế đã lên ngôi nhiều năm, đủ tư duy, tầm nhìn và cả nhẫn tâm, lập tức cảm thấy đứa con trai non nớt này quá đơn giản, vì vậy đã nổi giận và giáo dục Thái tử: "Hán triều từ khi lập quốc có hệ thống riêng, vốn là sự kết hợp giữa "vương đạo" và "bá quyền", làm sao có thể đơn giản sử dụng cái gọi là "đức hạnh" như nhà Chu? Huống chi, Nho giáo thô tục căn bản không nhìn thấy biến đổi của thời thế, thích nhấn mạnh quá khứ, khinh thường hiện tại, thậm chí 'danh' và 'thực' cũng không phân biệt được, bổ nhiệm có ích gì?"

Lưu Tuân cũng biết những lời nghiêm túc này có lẽ sẽ không thay đổi nhận thức của con trai, vì vậy sau đó hắn tức giận, thở dài: "Kẻ phá hoại nhà chúng ta chính là Thái tử."

Hán Tuyên Đế cũng từng gay gắt trách mắng Thái tử trước đó: "Ngu ngốc, Nho giáo giáo huấn lễ nghi là để cho bình dân, không phải để ngươi tin tưởng. Là kẻ thống trị, chúng ta không thể coi trọng quá mức. Pháp gia là chân lý của trị quốc."

Con trai không giống cha, đó là một điều rất nguy hiểm trong việc thừa kế quyền lực, bởi vì người cha thường có xu hướng tự nhiên là truyền lại quyền thừa kế cho đứa con phù hợp hơn với yêu cầu của mình. Không có gì lạ khi từ đầu thời Hán, luôn xảy ra sự việc Hoàng đế bất đồng với Thái tử. Hán Cao Tổ muốn phế Lưu Doanh, Hán Văn Đế muốn phế Lưu Khải, Hán Cảnh Đế phế Lưu Vinh, còn Hán Vũ Đế... thôi được rồi không nói cái này nữa.

Tiếp tục nói đến Hán Tuyên Đế, hắn cũng bất đồng sâu sắc với Thái tử Lưu Thích. Điểm chung của nhiều Hoàng đế nhà Tây Hán, máu lạnh và tàn nhẫn. Bạn đã thấy kết cục của các anh hùng thời Hán, Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, Chu Á Phu, đều rất tồi tệ. Ngay cả Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh, tuy không rơi vào hoàn cảnh của Hàn Tín, nhưng hậu duệ và Vệ thị, Hoắc thị của họ cũng không tránh được kết cục xấu. Tuy nhiên, điểm yếu mềm nằm sâu trong lớp vỏ bọc cứng cáp. Một người lạnh lùng và có thể tàn nhẫn như hắn, lại không thể hạ quyết tâm phế truất Thái tử, khác hoàn toàn với Lưu Bang, Lưu Khải và Lưu Triệt. Hơn nữa Lưu Thích không vừa ý hắn, nhưng lại là một đứa trẻ nhân hậu, ngoan ngoãn và hiếu thuận đến đáng thương, cuối cùng hắn đã quyết định trao giang sơn vào tay đứa con này.

Một người tốt bụng, nhân từ, không có khuyết điểm về tư tưởng hay đạo đức, nếu lên làm hoàng đế liệu có tốt không? Lưu Thích được xem là một người tốt hiếm có trong lịch sử. Một 'quân tử đạo đức' thực sự. Nhưng quân tử và quân vương chưa bao giờ cùng một con đường.

Lòng nhân ái của hắn không chỉ thể hiện ở việc khuyên can Tuyên Đế giảm bớt hà khắc, còn thể hiện trong tình cảm của hắn. Năm 51 TCN, một biến cố lớn khác ảnh hưởng đến cuộc đời Lưu Thích, đó là người vợ mà hắn yêu thương, Tư Mã Lương đệ, qua đời vì bạo bệnh. Trước khi chết đã ai oán nói rằng, nàng chết do bị hãm hại.

Một người có tình cảm sâu sắc luôn tin lời nói của người mình yêu, đặc biệt là những lời cuối cùng. Lưu Thích từ nhỏ đã không có cảm giác an toàn, vì vậy hắn hoàn toàn tin lời Lương đệ. Dù cho lời nói đó thực chất chỉ là sự uất ức, đau khổ, bất lực của một người không chấp nhận được rằng mình sắp chết. Lưu Thích chết tâm, xa lánh các tỳ thiếp.

Hán Tuyên Đế về sau biết được chuyện này, bắt đầu lo lắng, đứa nhỏ này làm sao vậy? Với tư cách là người thừa kế đế quốc, chưa có con mà đã ghê tởm phụ nữ? Tuyên Đế vội vàng mệnh Hoàng hậu chọn ra vài cô gái trẻ tuổi để an ủi hắn. Đối mặt với tấm lòng của bậc cha mẹ, có phần ép buộc, Lưu Thích đành chọn bừa một người để lâm hạnh, người đó chính là Thái hậu Vương Chính Quân sau này. Vương Chính Quân sau lần lâm hạnh đó sinh ra con trai là Lưu Ngao, tức Hán Thành Đế.

Lưu Ngao lúc nhỏ thông minh lanh lợi, nhưng lớn lên ham mê tửu sắc và ngang bướng. Hán Nguyên Đế đã nhiều lần muốn phế truất nhưng không làm. Đỉnh điểm khi hắn đổ bệnh, Hoàng hậu và Thái tử ít khi đến, Phó Chiêu nghi và Định Đào vương luôn túc trực bên cạnh, hi vọng hắn phế Thái tử lập Định Đào vương. Lúc này Sử Đan chạy vào khóc lóc cầu xin, nói rằng Hoàng hậu và Thái tử đang bất an hoảng sợ. Với tấm lòng nhân ái, và nỗi lòng của một người cha, hắn đã giống như cha của mình, không nhẫn tâm phế Thái tử, chỉ rơi nước mắt và nói: "Thái tử được tiên đế yêu thương, trẫm nào dám trái ý. Mong các khanh về sau dốc lòng giúp đỡ Thái tử." Đây chắc chắn là lựa chọn sai lầm nhất của hắn. Bởi vì Lưu Ngao sau này đâm đầu vào tửu sắc, để mặc cho ngoại thích họ Vương tiếp quản chính sự, đến khi chết cũng không có thành tựu nào, cũng không có con nối dõi do sắc dục quá độ. Dần dần, ngoại thích chuyên quyền, cuối cùng là Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán.

Cũng vì lý do này, nhiều người thường lầm tưởng Tây Hán đã suy tàn dưới thời Lưu Thích, tạo nên 'Nguyên Thành trung suy'. Thực tế thì Nguyên Thành vẫn đang là thời kì Hán thịnh. Đặc biệt thời Nguyên Đế, quốc lực nhà Hán vẫn ở đỉnh cao, do những thành tựu tích luỹ của Tuyên Đế trước đó. Quân sự vẫn tiếp tục phát triển và thể hiện vị thế đế quốc của Tây Hán.

Do đường lối Nho học thuần tuý và sự mềm mỏng của Hán Nguyên Đế, đã dẫn đến sự nhiễu loạn trong triều đình. Việc tin dùng hoạn quan đã gây nên nhiều mâu thuẫn, đấu đá đảng phái, nhiều trung thần bị hại, ví dụ như Tiêu Vọng Chi. Khi nhìn ra được vấn đề này sau sự kiện Tiêu Vọng Chi tự sát, Lưu Thích chỉ có thể đau khổ, nhưng không nỡ trị tội những kẻ hãm hại. Tuy nhiên, hắn cũng đã trọng dụng Cống Vũ, phong làm Tể tướng, người này không theo bất cứ đảng phái nào, công chính liêm minh, đã hỗ trợ đắc lực trong việc trị quốc của Nguyên Đế. Do đó trong triều phát sinh những vấn đề nhưng không tác động đến quốc gia.

Có một câu hỏi, 'Vì sao Hán Tuyên Đế biết Thái tử sẽ làm loạn nhưng không dứt khoát phế truất?'
Nhà Tây Hán "kính trọng Nho giáo" kể từ thời Văn Cảnh, nhưng nguyên tắc trị quốc vẫn là "Nho giáo bên ngoài, Pháp trị bên trong". Xã hội đã tồn tại những vấn đề mục nát, tiềm ẩn từ thời Hán Vũ Đế, nhưng với sự tài năng của Hán Tuyên Đế, việc cải cách đã áp chế các vấn đề xã hội này. Nhưng một mình Hán Tuyên Đế thì không đủ để thay đổi toàn diện bộ mặt xã hội, hay nói cách khác là thời gian của hắn không đủ để đảo ngược mọi thứ. Các thế tộc và Nho giáo đã bén rễ khắp nơi. Dù hắn không thích Nho giáo nhưng nhìn xem, trong triều đình quá nhiều Nho giả. Bản thân hắn cũng nhìn ra được, nếu mình sống thêm 1 thế kỉ thì may ra mới có thể cải cách toàn diện triều đại này.

Một triều đại tiềm ẩn nhiều vấn đề bất đồng mà bén rễ Nho học mục ruỗng, tạm thời kìm hãm lại được một thời gian rồi tiếp tục xuống dốc. Tại sao có thể đổ hết trách nhiệm cho Hán Nguyên Đế? Chỉ bởi vì hắn không quá xuất sắc như cha mình để có thể làm nên một thời đại thịnh thế. Mặc dù có những nhược điểm, nhưng Lưu Thích cũng đạt được những thành tựu nhất định, đó là vẫn duy trì được Hán thịnh. Đặc biệt là sự kiện tuyển mộ và gả Vương Chiêu Quân cho Thiền vu Hô Hàn Tà, tạo nên một thời kỳ hoà bình của Đại Hán và Hung Nô. Khi đó Tây Hán đang nắm giữ quân đội hùng mạnh và vị thế bề trên, nhưng với sự coi trọng quan hệ và nhân ái, Nguyên Đế đã có một hành động thể hiện tinh thần hoà hảo. Chỉ cần nhìn sang thời kỳ Vương Mãng và Hung Nô thì sẽ thấy sự trái ngược.

Như vậy, Hán Nguyên Đế tuy bị đánh giá thấp, nhưng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trước một thời đại đang trượt xuống. Nếu đem Hán triều trong tương lai đặt trước mặt Hán Tuyên Đế, càng dám chắc Hán Tuyên Đế sẽ không phế truất Thái tử. Ai dám chắc Hoàng tử khác có thể làm tốt hơn Lưu Thích? Không phải đứa con nào cũng tài giỏi như cha. Ít nhất hắn sinh ra Lưu Thích chứ không giống Hán Cao Tổ sinh ra Lưu Doanh.

Thứ hai, nếu phế truất thì lập ai đây? Ngoài hai Hoàng tử còn nhỏ, thì chỉ còn ba người Lưu Khâm, Lưu Hưng và Lưu Vũ. Lưu Hưng ngoài nhân từ hiếu thuận thì không có gì, thậm chí điểm này Lưu Thích cũng có. Lưu Vũ ngang bướng bất tài và thích chơi bời. Ứng cử viên sáng giá Hoài Dương vương Lưu Khâm ư? Nếu hắn biết Lưu Khâm tư duy ngắn, dễ tin người, hành xử ngốc nghếch, suýt chút nữa đi đời, chỉ sợ muốn bóp một phát chết luôn. Như vậy, Hán Tuyên Đế cũng không muốn thử vận may lắm đâu, vì Lưu Thích đã là người thích hợp nhất. Nếu phế Thái tử nói không chừng 'kẻ phá hoại nhà Hán' không phải Lưu Thích mà biến thành Hán Tuyên Đế rồi.

Thứ ba, Lưu Thích có 'kim bài miễn tử' là Hứa Hoàng hậu. Với ba lý do này, đã hiểu vì sao Hán Tuyên Đế lại không phế Thái tử dù đoán trước được vận mệnh nhà Hán.

Tóm lại Hán Nguyên Đế không phải một Hoàng đế xuất sắc, nhưng cũng không phải một Hoàng đế tệ hại. Thành tựu lớn nhất của hắn là đặt nền móng vững chắc cho Nho giáo xuyên suốt lịch sử phong kiến, cũng là yếu điểm lớn nhất của hắn.

———

Kể thêm câu chuyện nhỏ.

[Sau khi Hán Nguyên Đế đăng cơ, Trương Tiệp dư qua đời, Hoài Dương vương theo quy tắc chi phiên đến đất phong, đưa theo ngoại tổ mẫu về đất phong phụng dưỡng. Nhà cữu cữu của Lưu Khâm là Trương Bác lấy cớ đến thăm mẫu thân, đều được hậu đãi và cho nhiều tiền bạc. Sau này ban thưởng giảm bớt, Trương Bác phàn nàn nhưng không được đáp ứng, liền bảo em là Trương Quang uy hiếp Lưu Khâm, nói Lưu Khâm lạnh nhạt với tổ mẫu, muốn đón Trương phu nhân về quê. Lưu Khâm đành phái người đưa năm mươi cân vàng cho Trương Bác.

Trương Bác gợi ý Lưu Khâm thỉnh cầu về triều phụ chính Hoàng đế, nhiều lần đưa kế sách này, nhưng Lưu Khâm không nghe. Sau này khi thuyết phục được Lưu Khâm, làm cho Lưu Khâm có lòng tin về việc hưởng lợi khi làm phụ chính đại thần, Trương Bác lại ra điều kiện hai trăm cân hoàng kim, sau đó cùng con rể là học giả Kính Phòng thuyết phục. Sau khi Lưu Khâm hoàn toàn tin tưởng, lại lừa 500 cân hoàng kim. Lưu Khâm vọng tưởng nắm quyền, công đức có thể so với bậc thánh nhân nên đồng ý.

Hoạn quan Thạch Hiển phát hiện chuyện này, tố cáo lên Nguyên Đế rằng huynh đệ Trương Bác làm hỏng Hoài Dương vương, nhận hối lộ, phỉ báng triều chính, giảo hoạt mưu đồ kéo bè kết phái. Các quan viên dâng sớ xin xử Lưu Khâm tội mưu nghịch, Nguyên Đế không nghe, lập tức giết Trương Bác và Kính Phòng, sai Gián nghị đại phu Vương Tuấn đem chiếu chỉ đến trách mắng: "Quan các bộ dâng sớ luận tội ngươi, cữu cữu Trương Bác của ngươi nhiều lần gửi thư phỉ báng triều chính, huỷ báng thiên tử, ca ngợi chư hầu, đại nghịch bất đạo. Ngươi không kiểm lại thượng tấu, còn đưa cho hắn nhiều vàng bạc, trả lời hắn bằng những lời tốt. Tội của ngươi không thể tha, trẫm thương xót ngươi, không đành lòng tra xét, đã chiếu lệnh quan viên sẽ không trị tội ngươi. Để Gián nghị đại phu truyền ý của trẫm, nhắc nhở ngươi cẩn thận chức vị, kết giao với người chính trực, nhất định phải tự mình cố gắng!"

Vương Tuấn cũng truyền mệnh Hoài Dương vương tự đóng cửa hối lỗi, nhắc nhở: "Theo pháp chế, Vương chư hầu bị luận tội ở kinh sư, bất luận tội nặng hay nhẹ, dù không bị tru sát, cũng bị biếm truất, lưu đày, không dễ dàng bỏ qua. Nay thánh chủ xá tội che chở cho người, cho rằng người nhất thời lầm lỡ, bị Trương Bác lừa gạt. Ân này há có thể đo lường!" Hoài Dương vương hoảng sợ mà bật khóc, quỳ xuống dập đầu nhận lỗi với Nguyên Đế.]

(Gõ phím muốn xỉu á cả nhà. Đây không phải một bài hoàn chỉnh mà tổng hợp nhiều bài và tư liệu khác nhau.)

[Vu cổ chi loạn]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]


[Hán Tuyên Đế - Cung Ai Hoàng hậu]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]


[Hán Tuyên Đế - Hoắc Thành Quân]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]

[Hán Tuyên Đế - Lưu Thích]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]


[Hán Nguyên Đế - Phùng Tiệp dư]

[Tại đây có đăng tải GIF hoặc video. Hãy cập nhật ứng dụng ngay bây giờ để hiển thị.]


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật