[Jujutsu Kaisen Fanfiction] Second Life

Chương 22 (2)



*Công việc của Maki:

Maki sau khi đưa Chii đến chỗ làm, bản thân cũng nhanh chóng di chuyển đến cửa hàng thức ăn nhanh mà bản thân được nhận vào làm.

Cô được nhận vào làm việc tại của hàng thức ăn nhanh McDonald, nhưng thay vì làm đứng quầy thì Maki được nhận vào làm chủ yếu ở khâu làm món. Tiền lương tuy chẳng chênh lệch là mấy, nhưng đổi lại cô có thể học "lỏm" công thức món ăn mà mình yêu thích, xem ra bản thân cũng khá là hời.

Những ngày đầu làm việc, Maki sẽ được quản lí đưa cho một cuốn sổ ghi chi tiết tên các món ăn và cách làm việc cùng công thức theo tỉ lệ thế nào. Cô sẽ có ba ngày để học thuộc chúng, sau đó là sẽ làm món ăn cùng một người đã làm lâu để học các bước làm việc tại cửa hàng, như là các ngăn để nguyên liệu ở đâu, các giấy wrap thức ăn xếp thế nào,...

Vì là một người học việc nhanh nhạy, lại còn rất chăm chỉ làm việc nên Maki nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc đòi hỏi sự tập trung cao độ này. Cuối cùng cô cũng đã có thể tự mình làm tốt công việc mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kì ai.

Đất nước Nhật Bản là một đất nước đông dân và luôn trong trạng thái chạy đua với thời gian, vì vậy phần lớn họ đều không có thời gian để tự mình chuẩn bị thức ăn sáng hay có một bữa ăn sáng truyền thống như cách mà người nước ngoài biết về họ. Các cửa hàng thức ăn nhanh ở các nước trên thế giới thông thường sẽ mở cửa lúc mười giờ, nhưng để đáp ứng nhu cầu ăn bữa sáng nhanh chóng mà cửa hàng thức ăn nhanh McDonald đã mở cửa từ lúc 7h sáng.

Maki vừa đến nơi đã ngay lập tức thay vào cho mình đồng phục làm việc, mang găng tay rồi nhanh chóng đến khu vực của mình và bắt đầu ngày làm việc.

Hôm nay khu vực đứng chính của Maki là chuẩn bị hamburger theo đơn hàng. Liên tiếp các đơn hàng được chuyển xuống bếp với vô số các yêu cầu khác nhau. Lúc thì là hamburger double cheese, lúc thì big mac cheese hamburger, lúc thì McMuffin burger, thậm chí có khách còn muốn một chiếc hamburger thịt gà với trứng đánh bông,...

Maki gần như phải làm liên tục, hai tay chẳng hề ngơi nghỉ, mắt cứ nhìn láo liên từ các ngăn nguyên liệu còn đầu thì chạy không ngừng về việc nên làm từng chiếc bánh như thế nào. Cứ hai chiếc bánh này vừa xong, cô đã đưa tay lấy hai tờ giấy wrap trải lên bàn bếp, tay phải kéo ngăn giữ nóng mà lôi ra hai đế bánh, tay trái với lấy ngăn cheese. Để hai miếng cheese rồi lại lôi ngăn hâm nóng lấy hai phần thịt để lót lên, sau đó cô cúi người lôi hộp đựng hành ngâm và để lên mỗi bên vài khoanh hành. Ngay khi để phần bánh lên cũng là lúc hai tay Maki thuần thục gói hai phần bánh lại theo kiểu xếp rất quy chuẩn, rồi tiện tay trượt chúng ra quầy sẵn sàng để các bạn phục vụ xếp lên khay cho khách.

Giờ sáng là giờ bận nhất, nhưng không có nghĩa giờ trưa sẽ thảnh thơi. Làm việc ở cửa hàng thức ăn nhanh với mức lương tương đối đồng nghĩa áp lực theo sau đó cũng lớn hơn nhiều. Giờ trưa là giờ mà rất nhiều người đến ăn và mua về. Trong thời gian ăn trưa ngắn ngủi đó đòi hỏi lượng thức ăn sẵn có là rất lớn, vậy nên lúc bấy giờ Maki sẽ không chỉ đứng ở khâu hamburger đó nữa. Khi không có ai order hamburger trong một khoảng thời gian nhất định, Maki phải nhảy sang quầy chiên để chuẩn bị khoai tây chiên và bánh khoai nghiền chiên. Chỉ khi giờ ăn trưa kết thúc thì cô mới có thể kết thúc ca làm việc. Vì Maki chỉ làm dạng part-time nên không được lo phần ăn trưa, đồng nghĩa là cô phải tự bỏ tiền túi của mình ra để kiếm cái gì đó cho vào bụng trước khi về nhà.

Ca làm việc của Maki cũng không thật sự cố định mỗi ca sáng, nếu vào các ngày lễ hội thì chắc chắn cô sẽ phải làm việc như một full-time rồi, hiển nhiên vẫn được trả tiền theo dạng là làm hai ca, nhưng nếu so với những người làm 8 tiếng thì quả thật vẫn rất bèo bọt, hiển nhiên, vẫn không được lo phần ăn.

Cực là vậy, nhưng ít nhất Maki vẫn khỏe hơn so với Yuuta ở khoản không bị bắt nạt vì là chú thuật sư. Ngoài việc do ở trong nhà bếp ai cũng bận bịu, chẳng có thời gian đâu mà để ý ra, cũng một phần do Maki có vẻ ngoài khá là đáng sợ, chí ít ai nhìn đến cũng đều ái ngại không muốn rước họa vào thân.

Vậy thì có vẻ như công việc của Maki cũng rất là suôn sẻ, chẳng có gì đáng nói? Không hẳn.

Nhân viên không ai dám gây chuyện với cô, nhưng quản lý thì có. Cách gây chuyện cũng không phải kiểu cố tình gây sự hay chế nhạo, ngược lại chính là ăn chặn quyền lợi của cô, có khi còn là gây hấn rất vô lí.

Thật ra thì chuyện này cũng chẳng phải một mình Maki bị, nhưng người bị nặng nhất thì chắc chắn là cô rồi. Chưa kể các đồng nghiệp đúng là không dám gây sự với cô, nhưng họ dám mách lẻo và bịa đặt cô với quản lý. Dù sao thì quản lý cũng là người đứng ra kiếm chuyện với cô, cũng chẳng nói rõ là ai nói nên bọn nhân viên càng là được nước mà làm tới, bịa đặt thỏa sức mà không lo bị trả thù, vì họ nghĩ rằng Maki không có bằng chứng nên cũng chẳng làm gì được bọn họ.

Đầu tiên là chuyện làm việc nhưng chỉ trả lương 50%, 50% còn lại sẽ trả sau khi Maki hoàn tất thời gian làm part-time. Chuyện này xảy ra ngay sau khi cô vào làm mới biết được, người quản lí thông báo cho Maki ngay sau gần một tháng làm việc của cô, với lí do là quên mất không báo cho cô biết vào hôm tuyển dụng. Maki mặc dù là một người thẳng tính và rất dễ nóng, nhưng trong chuyện này cô cũng chẳng thể phản bác gì được trước cái bản mặt cười khinh khỉnh kia.

Lỗi là do Maki đã không chủ động hỏi về vụ lương bổng, đinh ninh rằng chỗ này cũng giống như mấy chỗ trước mà cô làm nhưng quên mất, rằng không phải cửa hàng nào cũng đi theo đúng hệ thống của chuỗi. Bây giờ có tức giận hay cảm thấy bất công cũng chẳng làm gì được, vì hiện tại muốn tìm một công việc part-time khác không phải dễ, tính mỗi thời gian chờ đợi và tìm chỗ làm cũng khó khăn, huống hồ đã qua mùa part-time rồi. Vậy nên Maki chỉ đành ngậm cục tức mà tiếp tục làm việc.

Việc tiếp theo khiến cô khó chịu chính là cái máy chấm công đầy vô lí kia. Rõ ràng Maki đến đúng giờ, nhưng lúc nhập vân tay nó cứ báo lỗi suốt, đến lúc nhập được thì lại thành trễ một phút, và thế là ca làm hôm đó lương bổng đã ít còn bị trừ đến 10% vì "đi trễ". Rõ ràng có người nhìn thấy cô đến sớm, nhưng chẳng ai đứng ra nói giúp với quản lí. Bản thân quản lí cũng biết cái máy chấm công có trục trặc, nhưng người bị là Maki nên chẳng hề có ý nghĩ sẽ bỏ qua cơ hội này mà hãm hại cô.

Việc thứ ba là xin nghỉ phép. Sẽ có một vài nhân viên vì có việc riêng mà xin nghỉ từ mấy ngày trước, Maki cũng không ngoại lệ vì hôm đó cô có nhiệm vụ thanh tẩy nguyền hồn. Cô xin nghỉ ca sáng và đồng ý đổi xuống ca chiều làm việc, vị quản lý cũng đã đồng ý rồi. Thế nhưng ngày hôm đó làm nhiệm vụ mà điện thoại của cô cứ bị quản lý gọi liên hồi, kết quả đã bị bọn nguyền hồn chú ý mà kéo bầy tới, làm cho Toge cũng bị vạ lây.

Chật vật lắm mới xử lí xong, Toge mặc dù không có thái độ bất mãn gì, nhưng Maki đã rất tức giận. Ngay khi thấy hiện số gọi nhỡ là từ quản lý, cô đã đến thẳng chỗ làm trước cả giờ giao ca và chất vấn quản lí. Vị quản lí nọ thì chẳng hề cảm thấy có lỗi, ngược lại còn bảo rằng hôm ấy người đáng lí làm thay cô có việc nên xin nghỉ, nên đã gọi cô về làm.

Thậm chí vị quản lí nọ còn chẳng buồn đồng cảm cho sự khó khăn của Maki, bảo rằng bây giờ không có đông khách như buổi sáng nên giờ cô có làm thì tiền lương cũng phải bớt. Khi Maki tức giận muốn nghỉ ngang thì vị quản lý cũng rất thoải mái thách thức cô, vì nếu cô nghỉ, tiền tháng này cùng với 50% kia cô sẽ không được trả. Vậy nên dù rất uất ức nhưng Maki vẫn phải tiếp tục làm, bấm bụng nhịn cho đến hết thời gian làm việc theo hợp đồng.

Thời gian biểu làm việc của Maki cũng thuộc dạng linh động nên sẽ thay đổi liên tục tùy thuộc theo các sự kiện diễn ra trong ngày. Bản thân tuy không còn vướng bận gì mấy với chuyện học hành, nhưng Maki vẫn cảm thấy rất ngán ngẩm nếu phải làm ca chiều, vậy nên cô đăng kí vào ca sáng để có thể thuận tiện hơn cho thời khóa biểu cá nhân. Vị quản lí rõ ràng cũng đã phê chuẩn rồi, nhưng đến gần sát tuần làm việc thì lại gửi mail thời khóa biểu sắp xếp vào các ngày mà Maki không hề hề đăng ký. Mỗi lần cự cãi thì vị quản lý nọ một nói lịch đã xếp không thể đổi, hai hứa hẹn lần tới sẽ đổi lại, và ba chính là thách Maki nghỉ việc nếu cô không đồng ý đi làm.

Nếu chỉ bị quản lý gây khó dễ thôi thì mọi việc đã không quá mức tồi tệ, cho đến phiên các "thượng đế" cũng muốn sinh sự với cô. Phần lớn họ sinh sự là vì họ thấy cô là chú thuật sư, và phần còn lại là muốn trục tư lợi cho riêng mình.

Nếu hỏi đến Maki chắc chắn sẽ nhớ ngay đến một cặp mẹ con đến quầy order, và bản thân cô là người bị đẩy ra quầy chỉ vì đó là giờ ăn trưa cao điểm. Người xếp hàng order thì dài đến đứng cả ngoài đường, mà cặp mẹ con này thì vẫn cứ đắn đo order. Người mẹ thì bảo sẽ để con minfnh tư quyết muốn gọi món gì, nhưng cứ món nào cũng không cho thằng bé gọi với đủ các lí do mà chính Maki cũng cảm thấy mất kiên nhẫn.

Đến lúc thằng bé ấm ức đứng đó quấy khóc thì người mẹ tuyệt vời này lại bắt đầu "nuôi dạy con thông minh" bằng cách đứng đó nhẹ nhàng đôi co với nó thay vì kéo nó sang một bên nhường cho vị khách khác order. May mắn chính là sau đó người phụ nữ đã order phần bắp trộn đậu nành lông và bảo rằng thằng bé muốn gọi món đó (Thật ra đến cả Maki cũng chẳng biết có nên gọi là may mắn không).

Hoặc là một lần khác một vị dân công sỡ gọi một set bữa sáng gồm xúc xích, bánh nướng xốp, khoai tây băm và trứng. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói cho đến khi một người làm ca chiều vào đổi ca với Maki. Cô ấy vẫn như thường lệ đi thẳng vào quầy order với trang phục hàng ngày chuẩn bị thay sang đồng phục làm việc để thay Maki tiếp vị khách tiếp theo. Vậy mà bằng một cách thần kì nào đó đã khiến cho dân công sở trước mặt nổi giận đùng đùng đòi refund lại tiền.

Hỏi mãi mới biết vị khách nọ cảm thấy quần áo thường ngày của cô nhân viên nọ thật tầm thường đến mức xấu xí, đã làm ảnh hưởng đến khẩu vị ăn uống của anh ta, vậy nên anh ta không muốn ăn nữa. Maki đã phải mất một lúc rất lâu mới thuyết phục được vị thượng đế nọ thay vì ăn tại chỗ có thể mang đi, vì tại cửa hàng thức ăn nhành đã xuất bill thì không thể refund lại tiền. Điều buồn cười chính là Maki chẳng làm gì sai cả mà vẫn phải xin lỗi khách, nghe khách thóa mạ, trong khi kẻ đầu xỏ thì vẫn cứ dửng dưng mặc kệ mà đi thẳng vào trong thay đồ, như thể chuyện không phải của mình.

Vẫn còn rất nhiều chuyện khác xảy ra trong khoảng thời gian làm việc bán thời gian dù cô có làm ở bất kì vị trí nào, thậm chí Maki còn từng kém chút muốn đánh quản lý lẫn khách hàng. Nhưng dù thế nào thì cô cũng cần tiền để bươn chải cuộc sống cá nhân, chỉ cần nghĩ đến việc bản thân là người ăn không ngồi rồi xài tiền sinh hoạt của các thành viên khác, Maki lại phải nuốt xuống cục tức mà tiếp tục nhẫn nhịn, chịu đựng.

Có lẽ nhờ vào công việc làm thêm này mà tính khí của Maki cũng được cải thiện đáng kể, chí ít cô không dễ dàng nổi giận với các bạn vì những chuyện nhỏ nhặt như trước kia nữa...

*Công việc của Panda:

Trong số các bạn thì Panda có lẽ là người có công việc làm thêm nhàn rỗi và ít thị phi nhất, đó là làm Mascot.

Dù làm công việc Mascot nhưng không hẳn lúc nào Panda cũng có thể phô bày bộ dáng gấu trúc của mình như một cách làm công việc Mascot, bởi vì đôi khi có một số nơi đòi hỏi Mascot kiểu khác nên cậu bắt buộc vẫn phải mặc trang phục Mascot vào.

Gần các mùa lễ hội, Panda sẽ rất đắt show khi cứ phải chạy khắp các nơi để làm Mascot đáng yêu chơi cùng lũ trẻ. Những mùa như vậy tiền lương tính theo ngày của cậu sẽ có giá rất cao, nhưng bắt buộc Panda sẽ phải làm từ sáng sớm đến tối muộn thay vì làm theo ca như mọi ngày. Thậm chí vào các mùa thể thao như bóng chày Panda cũng phải đi từ rất sớm và làm đến tận khuya mới về đến kí túc xá. Tuy làm Mascot bận là vậy, nhưng Panda có thể tham dự các mùa lễ hay xem các trận đấu mà không cần phải trả phí vào như những người khác.

Nơi Panda làm việc thường xuyên nhất là ở vườn thú Ueno, một sở thú lâu đời nhất tại Nhật Bản khi nó được khai trương từ năm 1882. Bản thân sở thú Ueno rất nổi tiếng và giống loài gấu trúc khổng lồ chính là một trong số các điểm tạo nên sự nổi tiếng ấy.

Giá vé vào cửa tham quan sở thú có giá tầm 600 yên, tuy có giá không rẻ, nhưng thật sự rất xứng đáng. Vì ở sở thú Ueno có rất nhiều các loài động vật để có thể nhìn ngắm, chụp hình.

Bản thân Panda ngoài việc giả làm gấu trúc ra, cậu còn đóng luôn thành Mascot tại sở thú chụp hình với các du khách. Mọi người ban đầu đã rất bất ngờ vì họ không ngờ rằng lại có Mascot giống gấu trúc thật đến vậy, sau đó là ồ ạt chạy đến chụp hình check-in, ôm ấp cưng nựng đầy thích thú. Hình ảnh Panda làm việc tại sở thú Ueno nhanh chóng lan truyền trên mạng và đã thu hút thêm rất nhiều khách đến tham quan và chụp hình. Nhờ vậy mà tiền làm thêm theo giờ của Panda cũng được cải thiện đáng kể.

Tuy rằng thời gian làm việc linh động, tiền thưởng cộng với tiền làm thêm cũng cao, nhưng Panda lại là người khó có thể xin nghỉ nhất. Vậy nên thông thường các nhiệm thanh tẩy nguyền hồn Panda rất hiếm khi nào được điều đi thi hành. Có lẽ vì như vậy nên Panda luôn cảm thấy có lỗi với nhóm, cho nên các vấn đề như sinh hoạt phí hay các công việc nội trợ Panda đều chủ động đảm nhận hết thảy.

Cậu không bị làm khó dễ vì chẳng ai biết cậu là gấu trúc thật, chứ đừng nói đến chú thuật sư. Công việc chú thuật sư cậu cũng ít động vào, khách hàng cậu thường xuyên tiếp xúc chủ yếu là trẻ em và các fan hâm mộ. Vậy công việc của Panda rất là nhàn đúng không? Đúng, nhưng cũng không hẳn.

Điểm khó khăn duy nhất gây cản trở Panda không phải đến từ các mối quan hệ hay môi trường làm việc, mà nó đến từ cha cậu. Hiệu trưởng rất ư là không thích Panda đi làm thêm, nói đúng hơn là ông ấy rất lo lắng cho Panda khi để cậu lần đầu đi làm thêm như thế.

Ông ấy rất hay than thở, lải nhải về việc bản thân không thể hiểu nổi vì sao Panda lại cứ nằng nặc đòi đi làm thêm để làm gì. Vì ông có thể chu cấp tiền sinh hoạt cho Panda, bản thân Panda cũng chẳng phải thiếu tiền gì, vậy nên chẳng có lí do gì để Panda phải cực khổ bươn chải bên ngoài như bao người khác.

Hiển nhiên điều ông ấy lo lắng cũng chẳng phải oan uổng gì. Panda không phải là người, việc cậu đi long nhong ngoài đường trước bàn dân thiên hạ đã là một việc gì đó rất là mạo hiểm rồi. Huống hồ chi Panda từ nhỏ đến lướn đã quen sống tại trường chú thuật, mấy chuyện đi chợ thường ngày cậu chàng còn khó có thể đi được, thì tại sao lại có thể liều lĩnh xuất đầu lộ diện, thậm chí là bị chụp hình đưa lên mạng đầy rẫy như thế kia. Nói đến cùng hiệu trưởng cũng là "Không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất".

Thế nhưng bất chấp hiệu trưởng can ngăn, khuyên giải thế nào, Panda vẫn đi làm như bình thường mà không thèm giải thích hay đưa ra một lí do nào cho người cha già tội nghiệp.

Để giải thích cho quyết định này của Panda thì thật sự chúng chẳng phải điều gì quá sức to tắt hay hệ trọng. Chỉ đơn giản là cậu muốn làm như vậy vì bản thân mình.

Panda cậu ấy không phải người nên rất khó để dung hòa được trong xã hội loài người. Nhưng bản thân Panda cũng không thật sự là gấu trúc. Cậu bị mắc kẹt trong thế khó, không thể trở thành một con người, nhưng lại quá thông minh để trở thành một con gấu trúc. Chưa kể từ lúc còn nhỏ Panda được nuôi dạy trong một môi trường kín, bạn bè của cậu từ trước đến nay cũng chỉ có mỗi nhóm bạn hiện tại. Cậu muốn được giống như các bạn của mình, trải qua những điểm cột mốc trong cuộc đời mà không phải bị bỏ lại chỉ vì mình quá khác biệt. Vậy nên việc đi làm thêm chính là một điểm mốc rất quan trọng mà Panda muốn được trải qua trong đời...

Cậu không trách cha khi muốn cố gắng bảo vệ cậu khỏi xã hội bên ngoài. Panda hoàn toàn hiểu rõ và thông cảm cho sự lo lắng của ông ấy. Nhưng cậu muốn cho cha nhìn thấy cách mà cậu nhìn nhận mọi thứ xung quanh mình, rằng chẳng có gì phải quá lo lắng cả.

Panda tuy là một người có chiều sâu về mặt cảm xúc, nhưng chưa bao giờ cậu cảm thấy sự khác biệt của mình là một điều gì bất hạnh cả. Vậy nên Panda mong rằng cha của cậu đừng vì chuyện này mà cứ lo lắng không thôi...

*Công việc của Chii:

Công việc của Chii là làm tại cửa hàng tiện lợi, vậy nhưng ca làm của cô luôn bị thay đổi liên tục và phần lớn bị rơi vào ca đêm. Bản thân công việc vốn cũng chẳng nhàn như các bạn, ấy vậy lương bổng lại còn là thấp nhất nhóm. Hầu như trong nhóm ai nấy cũng đều đã làm qua công việc này nên khi nghe Chii nói muốn làm họ đều có vẻ rất ngần ngại. Nhưng ki nghĩ đây là công việc mà Chii muốn làm, cũng là công việc làm thêm đầu tiên trong đời nên chẳng ai muốn làm cô nhục chí, chỉ đành đồng ý để Chii vào làm lấy kinh nghiệm.

Những ngày đầu Chii làm ca sáng, để bắt đầu một ngày làm việc của mình, Chii sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm kê lại hàng hóa trong kho. Sau đó là bày hàng lên kệ sẵn sàng mở cửa đón tiếp các vị khách bước vào.

Thông thường công việc buổi sáng ngoài việc đứng quầy ra, Chii cũng phải chú ý dọn dẹp bàn ăn nơi các vị khách đã rời đi sau khi dùng. Ngoài ra cô cũng phải thường xuyên quét dọn xung quanh cửa tiệm và gom rác bỏ ra thùng rác công cộng ở phía sau cửa hàng. Nếu bình thường không có khách, Chii ngoài việc kiểm tra các đơn hàng dã thanh toán ra, cô cũng phải ngồi học các thuật ngữ hoặc từ gọi tắt các món hàng mà khách sẽ muốn mua.

Khi bị chuyển xuống ca đêm, Chii sẽ bắt đầu ngày làm việc của mình khác đi rất nhiều so với ban ngày. Ca đêm chỉ có một mình cô làm việc thay vì làm chung một người khác như ban ngày vì ca đêm thường ít khách hơn. Chỉ có một mình làm việc xuyên đêm là một loại trải nghiệm rất khác biệt, theo nhiều chiều hướng khác nhau. Chẳng hạn như sẽ cô đơn hơn, lạnh lẽo hơn, thậm chí là có phần... đáng sợ hơn.

Cả một cửa tiệm sẽ chỉ có một mình, Chii phải tự mình đứng nhận hàng và đối chiếu biên lai với người giao, sau đó là một mình chuyển hàng vào kho. Vì ca đêm chỉ có một mình nên Chii phải làm nhanh phần kiểm kê hàng hóa để còn ra đứng quầy phòng hờ có khách đến, nếu có tiếng chuông cửa báo có khách, Chii phải bỏ công việc còn dang dở để chạy ra quầy.

Những lúc vắng khách như thế này, Chii phải tranh thủ chất hàng lên kệ để chắc chắn các kệ hàng luôn có đầy đủ sản phẩm. Cô cũng phải kiểm tra liệu có sản phẩm nào cận date hay không để gom lại thành các túi rác mà vứt ra hẻm sau. Mà con hẻm nhỏ sau cửa tiệm lúc nào cũng trông rất u ám nên cho dù là một chú thuật sư đi nữa thì Chii cũng rất sợ.

Khi làm ca sáng, tỉ lệ tiếp khách sẽ nhiều hơn, gặp những người khách gây sự cũng sẽ nhiều hơn ca đêm. Quản lí thì chẳng mấy khi ở cửa tiệm, vậy nên mỗi khi có chuyện gì cô cũng đều chỉ có thể đứng đó mà chịu trận, vì người bạn làm cùng không hẳn là một nhân viên tích cực làm việc...

Khách mà cô gặp có rất nhiều loại người ở đủ mọi tầng lớp, sẽ có những người rất lịch sự, cũng sẽ có những người ngược lại. Thế nhưng phần lớn Chii đều gặp những vị khách rất... không tốt.

Có những vị khách thấy ghim cài chú thuật sư thì tỏ ra rất dè dặt và không muốn để cô đụng đến hay giúp mình thanh toán hàng. Cũng có những vị khách sẵn sàng thể hiện điều đó bằng thái độ hung tợn và làm náo loạn cả cửa hàng.

Thậm chí còn có rất nhiều người là người có ăn học đàng hoàng, công việc văn phòng,... nhưng lại sẵn sàng hành xử như những kẻ côn đồ với Chii. Từ hăm dọa, cho đến tác động vật lí bằng việc ném đồ vào người của cô, hay có khi còn có thái độ rất trịch thượng ra lệnh, sai bảo Chii như một người làm.

Ca đêm còn nguy hiểm hơn nhiều, tỉ lệ gặp những vị khách là dân anh chị, những đứa trẻ đàn đúm tại các quán bar, còn có cả các hikikomori và các ông chú say khướt,... cũng không hề ít. Và mỗi lần gặp chính là mỗi lần bị ngược đãi về mặt tinh thần. Bia, rượu, thuốc lá, mì gói và các cuốn tạp chí người lớn luôn được mua nhiều nhất nên lúc nào cũng phải chú ý mà bổ sung vào.

Với các đối tượng là trẻ vị thành niên, việc kiểm tra căn cước và từ chối bán các chất kích thích cho họ không khác gì cực hình cả. Bởi vì bọn họ sẽ la hét và gạt đổ đồ trên kệ, khiến cả cửa hàng tiện lợi trở nên rất bừa bộn. Trường hợp xấu nhất chính là họ làm bể, vỡ đồ, và tất cả số đó sẽ bị trừ thẳng vào tiền lương ít ỏi của Chii.

Những lúc như vậy Chii thật sự đã bị dọa cho mếu máo tại chỗ, cũng chẳng thể kêu oan hay làm gì khác hơn ngoài việc chịu đựng và lẳng lặng dọn dẹp, trong khi bọn quấy rối không những tiếp tục phá hoại mà còn ngang nhiên lấy đi món này món kia.

Tình trạng ăn trộm trên diễn ra rất thường xuyên, bất kể đó có phải ca của cô hay là không. Những lúc như vậy tất cả mọi động thái trên đều đã bị quay lại bởi CCTV, nhưng quản lý cửa hàng thì không muốn báo cảnh sát, vậy nên cũng chỉ có thể ém nhẹm và bỏ tiền túi vào thay. Nếu bị hụt tiền nhiều quá thì phải trừ cả vào tiền nhân viên.

Nguyên nhân cho việc không dám báo cảnh sát là vì sợ sẽ ảnh hưởng đến làm ăn. Những tên ăn trộm, ăn cướp phần lớn đều là dân băng đảng, nếu chúng bị bắt và phạt đền tiền thì bữa sau sẽ đến phá rối cửa hàng không cho buôn bán, tệ nhất chính là ăn cướp nhiều hơn nữa.

May mắn là không phải lúc nào bọn họ cũng đến quấy phá chuyện làm ăn, vậy nên trường hợp trên cũng chưa đến mức đáng lo ngại. Nhưng tinh thần và suy nghĩ của Chii thì bị hiện thực đả kích rất nặng nề. Có lẽ bước chân vào xã hội rồi mưới thấy, rằng không phải chuyện gì mình nhìn thấy cũng đều đẹp đẽ như mình vẫn luôn nghĩ...


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật