Dấu chân người lính (Tiểu thuyết - Nguyễn Minh Châu)

Chương 16, 17



CHƯƠNG 16

Có lẽ hôm ấy là một ngày nắng gắt gao nhất của mùa hè năm nay. Đứng trong công sự nhìn ra ngoài chỉ thấy nắng chói lọi, nắng như một thứ bụi đồng nung đỏ đang di chuyển thành nhiều vòng tròn. Nóng không thể nào tả được! Qua ống nhòm, các chiến sĩ cảnh giới trông thấy bọn lính Kỵ binh bay trên các điểm cao như một bầy khỉ mới lột: Chúng cởi trần trùng trục chỉ mặc cái xi líp, da đỏ ửng, mỗi thằng ôm một khẩu súng nằm khom lưng trong các hố cá nhân chiến đấu nông choèn choèn. 

Buổi trưa, Kinh đi thăm các chiến sĩ tại trận địa bố trí phục kích trực thăng. Ông đang trở về sở chỉ huy. 

Trong một đoạn giao thông hào khu vực trú quân tạm thời của đại đội trinh sát, mới "khai trương" một hiệu cắt tóc không mất tiền, lại có xức nước hoa rất thơm hẳn hoi. Bác Đảo chủ hiệu cắt tóc lúc đó đứng trong đoạn hào trước "cửa hiệu" của mình, đang đưa một bàn tay lên che nắng nhìn những chùm đạn 12 ly 7 bắn đón đầu một chiếc máy bay. 

- Bác Đảo, bác cắt hộ tôi cái tóc nào! - Kinh vui vẻ đến trước mặt người cấp dưỡng già, chiếc mũ sắt xách trên tay. 

- Ồ! thủ trưởng Kinh! - Bác Đảo kêu lên, nắm tay Kinh dẫn vào trong căn hầm nấu ăn kiêm cửa hiệu cắt tóc. Đó là một cái hầm cũ, anh em thông tin trung đoàn một hồi đã đặt ở đây một cái trạm trung chuyển trong góc tối bên cạnh chỗ bác Đảo đặt bếp còn vứt lại một đống dây điện thoại hỏng và chiếc "sừng bò" cháy. Kinh ngắm bác Đảo, cái thân hình bé loắt choắt xúng xính trong chiếc áo lót cổ vuông quá rộng đen nhẻm như nhọ nồi, cái đầu mới húi trọc để lộ ra bên thái dương một mảnh da sáng ánh lên. Không biết bác ta kiếm được ở đâu một cái gương tròn mặt dày đã nứt mẻ đem gắn trên vách đất. Giữa mặt trận mà có một chỗ mà ngồi cắt tóc như thế này thật quý hóa! 

Bác Đảo quàng chéo dù hoa quanh ngực Kinh, đoạn ngắm nghía cái đầu của đồng chí chính ủy từ phía sau: 

- Đồng chí phải đội mũ cỡ 60 là ít? 

Kinh ngồi trên một cái thùng dầu xà lách, ngửa cổ về phía sau cười rất to. Kinh ngắm mình trong chiếc gương dặn: 

- Bác cắt nhanh hộ tôi, cứ cắt trọc quách cho mát! 

- Không nên - Bác Đảo đáp - đồng chí có thể giản dị sao cũng được. Nhưng còn có lúc đi họp với trên, lúc nói chuyện với bộ đội, không thể như anh em chiến sĩ được đâu! 

Kinh nhìn những dẻ tóc điểm nhiều sợi bạc của mình rơi xuống cái chéo dù hoa. Bằng một giọng chậm rãi, ông phân tích cho bác Đảo hiểu ý nghĩa mấy trận chiến thắng vừa qua của trung đoàn khiến bác Đảo nghe hết sức phấn khởi. 

Và Kinh không thể nào ngờ trong buổi trưa đó, khi ông đang ngồi cắt tóc ở đây thì tại sở chỉ huy dã chiến của trung đoàn chỉ cách đấy dăm trăm thước, cái tin đau buồn của ông đang được Khuê báo cáo lại với Nhẫn. Lúc bấy giờ đồng chí chủ nhiệm chính trị Mặt trận và phó chính ủy sư đoàn vừa mới xuống trước đấy mươi phút cũng đang có mặt. Hai đồng chí cán bộ cao cấp đang ngồi bên cạnh Nhẫn và Khuê trong chiếc hầm hai ngăn của ban chỉ huy trung đoàn. 

Đồng chí chủ nhiệm chính trị Mặt trận rút mùi xoa lau mồ hôi, chăm chú nghe Khuê thuật lại hành động dũng cảm của Lữ. Đồng chí ấy hói: "Đồng chí chiến sĩ điện thanh ấy chính là con trai anh Kinh?". 

Nhẫn gật đầu: 

- Đây là cậu con trai thứ hai của anh ấy. Bốn giờ rưỡi sáng hôm qua, từ đây anh Kinh còn gọi điện thoại cho cậu ta nhưng sau đó lại phải đi xuống đơn vị, anh ấy định hỏi thăm và động viên cậu ta. 

Tin buồn của Kinh lan trên nét mặt từng người. Cậu cần vụ của Kinh từ ban nãy ngồi im lặng trong góc hầm cạnh máy điện thoại. Cái tin Khuê vừa đưa về cậu ta được nghe hết và cũng đang lấy làm buồn rầu. Đồng chí chủ nhiệm chính trị Mặt trận chợt hỏi Nhẫn: 

- Hiện anh Kinh ở đâu? 

- Báo cáo, anh ấy đang ở trận địa. 

Đồng chí phó chính ủy sư đoàn chỉ thị cho Nhẫn đi triệu tập Kinh về ngay. Hai đồng chí cán bộ cao cấp vừa mới tới đang có một việc quan trọng cần gặp Nhẫn, Kinh và các đồng chí thường vụ trung đoàn ủy. 

Bác Đảo cắt tóc cho Kinh quá cẩn thận. Thường thường những lần không quá bận công việc, hai người có thể ngồi với nhau rất lâu. 

- Thủ trưởng Kinh ạ! - Lúc bấy giờ bác Đảo đang cầm chiếc tông đơ đi vòng chung quanh, kể một cách hào hứng - Tôi đã từng đặt bàn chân gần khắp các xứ Đông Dương này. Ở đất nước người, tôi làm hái ra đồng tiền ấy chứ thủ trưởng! Nhưng mình vẫn cứ không thích. Đời tôi năm nay gần năm mươi tuổi, cái lúc sướng nhất là lúc được leo qua dãy Trường Sơn để tập kết về nước. Ôi chao, sao mà chỉ muốn khóc, ấy là lúc tôi cắp khẩu súng đứng trên đỉnh núi Mành Mành trông thấy những cồn cát trắng ngoài cửa Nhật Lệ ! . . . Tôi phục viên về làng được một năm thì lấy vợ. Năm sau thì làm nhà rồi vợ đẻ đứa con đầu lòng. Thằng cháu đầu năm nay mới lên tám tuổi, hôm trước tôi nhận được cái thư của nó. Hôm tôi lên đường trở lại bộ đội, thằng bé còn nằm dài trên giường bặm môi tập vẽ những cái vòng tròn tròn, vậy mà đến hôm nay cu cậu đã biết viết thư cho tôi, cái câu mở đầu rằng " Bố kính mến!" và câu kết thúc y như người lớn: "Chúc bố giết thật nhiều giặc Mỹ". Thủ trưởng tính cái thằng bé nhà tôi có khá không? 

Kinh đang mải nghe chuyện tâm sự của bác Đảo chợt trông thấy cậu cần vụ của mình đi qua liền gọi vào. 

- Ông. . . đi đâu? - Kinh hỏi. 

- Báo cáo, có chủ nhiệm chính trị Mặt trận xuống, anh Nhẫn cho tôi đi tìm thủ trưởng về họp. 

Cậu cần vụ này, như đã giới thiệu, vốn trước đây là chiến sĩ dưới trung đội cảnh vệ thuộc cơ quan trung đoàn bộ. Anh chàng làm việc cần mẫn và tính nết thật thà quá, đến nỗi, anh em dưới đơn vị cảnh vệ đã từng gọi đùa là một anh chàng dở hơi. Anh ta bước vào trong hầm, nói với Kinh bằng cái giọng đau đớn: 

- Đồng chí Khuê vừa ở trên 475 về báo tin cậu Lữ con trai thủ trưởng đã hy sinh trên đó! 

Bác Đảo ngừng tay vít tông đơ, hỏi thảng thốt: 

- Cậu vừa nói ai hy sinh? 

- Cậu Lữ, con thủ trưởng Kinh! 

Qua tấm kính tròn, bác Đảo trông thấy đồng chí chính ủy vẫn không thay đổi sắc mặt. Ông chỉ cất tiếng hỏi bằng cái giọng hơi khàn đi: 

- Cậu Khuê vẫn còn ở dưới chỉ huy phải không? 

- Báo cáo, đồng chí Khuê vẫn còn ở lại đấy chờ thủ trưởng về. 

Những ngón tay khéo léo của người cấp dưỡng già trở nên lúng túng vụng về chưa từng thấy. Chiếc tông đơ nhay một mảnh tóc phía sau ót Kinh khiến bác Đảo hoảng hốt: 

- Thủ trưởng có đau không ? 

- Không - Kinh an ủi - Bác cứ bình tĩnh mà cắt . . . 

Kinh ngồi không động đậy, chỉ có đôi vành mi mắt hơi đỏ rựng lên, con mắt bị thương vàng đục như ẩn sau một làn sương mù. Từ khi đó, bác Đảo không dám chạm mạnh những ngón tay lên mái tóc đồng chí chính ủy, bác chỉ sợ mình làm cho chính ủy đau đớn thêm! 

Nắng bên ngoài càng chói chang. Từ phía trận địa 12 ly 7 lại giội sang từng loạt tiếng nổ giòn đanh. Kinh chờ cho bác Đảo cắt xong vội vàng theo cậu cần vụ trở về sở chỉ huy. Ông chào và bắt tay hai đồng chí cấp trên nồng nhiệt và niềm nở. Nhẫn, Vượng - bí thư tiểu đoàn 3, chủ nhiệm chính trị và các đồng chí thường vụ trung đoàn ủy đã có mặt đủ cả. Kinh vẫn bình thản. Ông mời mọi người ngồi vào bắt đầu cuộc họp. Tất cả các đồng chí hiện có mặt đã thống nhất với nhau sau khi họp xong mới báo cho Kinh biết tin buồn. 

Kinh thay mặt thường vụ báo cáo với các đồng chí Đảng ủy cấp trên nhận định về tinh thần, tư tưởng của bộ đội, và quyết tâm của Đảng ủy trung đoàn. Đồng chí chủ nhiệm Mặt trận chống tay suy nghĩ. Ông nheo nheo cặp mắt có những vết chân chim kéo dài sang tới bên thái dương nhìn tấm bản đồ phụ cận Tây Nam Tà Cơn trải rộng trước mặt. 

Đồng chí thủ trưởng cấp trên nghe Kinh báo cáo xong, ngồi suy nghĩ và hỏi thêm một vài điểm rồi mới bắt đầu phổ biến nhiệm vụ mới cho trung đoàn 5 : 

- Vừa qua, Đảng ủy Mặt trận đã nhận định về chiến dịch bao vây Tà Cơn do trung đoàn của các đồng chí đảm nhiệm. Đảng ủy trung đoàn đã có quyết tâm cao, lãnh đạo bộ đội hoàn thành nhiệm vụ trong một hoàn cảnh đặc biệt gay go ác liệt. Trung đoàn ta tuy trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận nhưng vẫn là một đơn vị của sư đoàn, cho nên trước khi xuống đây, tôi đã trao đổi ý kiến với sư đoàn - Chủ nhiệm chính trị đặt bàn tay gầy gò của mình lên bàn tay Kinh - Tôi đồng ý với báo cáo của đồng chí bí thư, hiện nay toàn trung đoàn các đồng chí đang có khí thế giết giặc lập công. Lúc này là thời cơ "làm ăn" cho tất cả các đơn vị được vinh dự tham chiến. Dù sao đến lúc này đánh ngoài công sự cũng tương đối dễ dàng hơn. Thực tế là những ngày vừa qua các đồng chí đã tiêu diệt được rất nhiều sinh lực của bọn Kỵ binh bay. Nhưng đồng chí Kinh và các đồng chí thường vụ phải nghĩ tới một điều: Bộ đội của các đồng chí đã đến lúc cần phải củng cố, cần phải bổ sung quân số và rút kinh nghiệm. 

Kinh đứng dậy đi vòng ra phía sau lưng chủ nhiệm chính trị Mặt trận: 

- Thế ra Đảng ủy Bộ Tư lệnh đang lãnh đạo tư tưởng của bọn chúng tôi hay sao? 

- Chứ sao hả anh Kinh? - Chủ nhiệm chính trị cười rất tự nhiên thoải mái - Chúng tôi xuống đây để đưa một trung đoàn khác vào thay thế trung đoàn 5. Bộ Tư lệnh Mặt trận biết rằng giữa lúc này các đồng chí chưa muốn rút ra, cho nên đối với các đồng chí, chúng tôi cũng phải làm công tác tư tưởng. Tôi nhớ một lần tôi báo cáo việc vây ép của các đồng chí với chính ủy Mặt trận, đồng chí chính ủy nghe xong đã nói đùa: Cái "ông lão Kinh chột" đã bám lấy thắt lưng địch là không bao giờ chịu thả ra nữa! Trên Đảng ủy Mặt trận đã đánh giá rất cao tinh thần tấn công và nỗ lực của các đồng chí suốt trong những tháng vừa qua. 

Kinh chợt nhớ đơn vị mình đã nằm bám hàng rào của địch từ mùa xuân đầy sương mù, và bây giờ đã sang hè! Trung đoàn nào sẽ vào đây thế chân đơn vị mình? Bao nhiêu ngày đêm các chiến sĩ của Kinh đã đổ mồ hôi và máu trên mảnh đất này? Dù sao Kinh cũng thấy trách nhiệm nặng nề trên vai được san sẻ. 

Theo yêu cầu của mọi người đồng chí chủ nhiệm chính trị Mặt trận nói thêm cho các cán bộ trung đoàn nghe một số tình hình thế giới và trong nước. Ông đặc biệt nêu bật vai trò và tầm quan trọng của chiến trường Khe Sanh đối với cuộc Tổng tấn công vừa qua: "Nói chung chúng ta chưa phải sử dụng lực lượng bộ đội lớn - đồng chí nói - chúng ta mới sử dụng một số đơn vị đánh điểm, và để quần nhau với cả một tập đoàn cứ điểm nổi tiếng kiên cố có phương tiện phòng ngự hiện đại, từ đầu mùa xuân đến giờ, Bộ Tư lệnh Mặt trận mới sử dụng một số trung đoàn đơn vị của các đồng chí và một số đơn vị pháo binh. Vậy mà từ chính khách đến tướng tá Mỹ đều la ó và nơm nớp mất ăn mất ngủ! Bao nhiêu máy bay B.52 và các loại bom đạn, bao nhiêu lực lượng ứng chiến cơ động tinh nhuệ đang bị thu hút và giam chân trên mảnh đất rừng núi này ? - ông quay sang nói với Kinh và Nhẫn - Các đồng chí phải làm cho bộ đội thấy được điều đó, thấy được vai trò và tác dụng của từng người, thấy được sự nỗ lực và chiến công của tùng người". 

Đồng chí chủ nhiệm chính trị nói xong, Kinh tuyên bố kết thúc cuộc họp. Từ phía cửa hầm, Khuê bước vào rất nhẹ nhàng. Anh đi đến bên chiếc điện thoại của ban chỉ huy trung đoàn đặt sâu tận ngăn hầm bên trong. 

Kinh quay về phía sau, hỏi vọng vào: 

- Khuê, ông làm việc với ai đấy? 

- Báo cáo thủ trưởng, tôi xin phép nói chuyện với một tiểu đội cảnh giới mới đặt trên Đồi không tên, máy dưới chỗ chúng tôi không nói được. 

Chờ cho Khuê làm việc xong quay ra, Kinh tới chiếc bàn giơ tay vẫy Khuê lại. 

Ông hỏi vẫn bằng giọng bình tĩnh: 

- Khuê, ông hãy kể đi . . . . Thằng Lữ đã hy sinh như thế nào? 

Tất cả các đồng chí đang ngồi nói chuyện chung quanh chiếc bàn họp đều nín lặng và quay về phía ông. Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau khi nhớ lại vẻ mặt vẫn bình thản của ông trong suốt cuộc họp thường vụ. Thái độ của ông khiến mọi người cảm thấy cảm động và kính phục. 

Chủ nhiệm chính trị Mặt trận đang mải nói chuyện với Nhẫn. Ông đang đi đi lại lại bằng những bước ngắn trong căn hầm chật hẹp bỗng đứng sững lại. Chính ông, người cán bộ cao tuổi nhất đã tỏ ra hết sức xúc động trước tinh thần vững chãi của một người cha, một đồng chí chính ủy cấp dưới của mình. Ông đi về phía Kinh, nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai người bạn chiến đấu: 

- Anh Kinh, tôi cứ tưởng anh chưa biết tin... 

Trong khi Khuê tường thuật lúc anh và các đồng chí của hai tiểu đội trinh sát tìm thấy Lữ trong cái hầm máy trên đồi 475 , các đồng chí thường vụ Đảng ủy trung đoàn 5 đều cùng ngồi nghe bên cạnh Kinh. Nhẫn đứng một mình trước chiếc bàn họp, hai tay khoanh trước ngực. Nhẫn đang hình dung diễn biến những trận đánh trong ngày hôm qua cùng sự hiệp đồng giữa các đơn vị ở các hướng. Hành động hy sinh của Lữ - Nhẫn nhận định - đã khiến cho cuộc tấn công cuối cùng của địch lên điểm cao 475 bị đập tan, và do đó khiến cho trung đoàn 5 vẫn có thể đứng vững trên các chốt cho đến ngày hôm nay.

° ° °

Kinh theo một cán bộ ban chính trị dạo bước về phía trước, nơi đằng xa có tiếng cười nói vui vẻ vang lên từ một quả đồi bên kia dòng suối nước đã cạn. 

Mấy tháng nay đoàn văn công Mặt trận lần lượt đi phục vụ từng trung đoàn. Đoàn tới trung đoàn 5 từ lâu nhưng bộ đội tác chiến khẩn trương, anh chị em chỉ có thể bố trí từng tốp đi theo bộ đội. Cuối tháng tư, cuộc hành quân "Ngựa bay" của địch hoàn toàn thất bại. Các tiểu đoàn của Kinh đã rút ra ngoài theo kế hoạch thay phiên của trên, văn công cũng tập trung về bên cạnh ban chính trị, và cũng là lần đầu tiên từ ngày anh chị em đoàn văn công về công tác ở đơn vị chính ủy Kinh tới thăm và động viên đoàn. 

Một tiểu đội cảnh vệ trung đoàn bộ đang xoay trần dùng xẻng bạt phẳng một quãng bờ suối làm sân khấu. Khúc suối này cuối mùa đông năm ngoái Kinh đã từng đi qua nhiều lần, lần nào cũng phải lội, nước ngập tới ngực. Đã có bận, Kinh và Khuê, hai người phải ngoi ngóp giữa dòng nước chảy xiết, hàng tiếng đồng hồ mới sang bên kia bờ sông được, dòng suối chảy bao giờ cũng đục và đỏ như nước sông Hồng. Ấy thế mà bây giờ tất cả đều khô khốc, không còn một vũng nước nhỏ. Lòng suối hình lòng chảo, nhiều quãng trắng xóa bãi đá sỏi, từng quãng lại gặp một cái hốc đá từ bên trong hốc đá thò ra đám rễ cây khô. Xác một vài con cá mắc vào đây, cũng khô cong, mình lấm tấm đầy bùn, phía trên một quãng, chiều rộng giữa hai bờ thắt lại. Một chiếc cầu treo bằng mây lâu ngày không dùng tới đã gần đứt, hàng thanh củi ghép thân cầu đổ hết xuống lòng suối. 

Hiền, nữ diễn viên đơn ca cùng một cô bạn thân ở đội múa nắm tay nhau dưới lòng suối cạn. Họ đi nhặt cá khô. Những con cá nhỏ nằm phơi trên mặt các phiến đá suốt mùa hè, nom lấp lánh dưới trời nắng như những đồng hào bạc. Hai cô văn công, mỗi người xách một cái túi lưới và cầm một cành cây, quần quân phục xắn lên, áo sơ mi nhuộm màu cỏ úa cụt ống tay, hai cô đi nhởn nha trước mặt các chiến sĩ cảnh vệ đang đắp sân khấu. Hiền cười bảo cô bạn: "Không phải nướng đâu, ăn ngay được!" rồi cô cầm lấy một con cá khô, dùng ngón tay tróc hết vẩy, ăn một cách ngon lành. 

Chỉ thoắt mấy phút sau những người lính đã trông thấy hai cô đang lần sợi dây song leo ra giữa cầu treo, y như hai diễn viên xiếc, trông cả hai vừa có vẻ sợ hãi vừa thích thú. 

- Này các cô ơi, cầu mây đứt đấy - Một anh cảnh vệ gọi. 

- Đứt thế nào được, đồng chí! - Từ trên lưng chừng trời cô bạn của Hiền đáp xuống. 

- Nhưng lỡ máy bay của chúng tới ném bom ở đây thì chạy sao kịp? 

- Máy bay thì không đáng sợ. Bom thì chúng tôi đã "nếm" nhiều lần rồi ! 

Một anh chàng ác khẩu: 

- Lại không quýnh cả lên "các anh cõng em xuống với" bây giờ ! 

- Thôi đi đồng chí! 

- Thôi được ! Đề nghị đồng chí Hiền cứ đứng trên đó đơn ca một bài nào ! 

Chiếc cầu đung đưa. Ngồi ở đây có thể trông rất xa. Về phía bắc, đồi 475 hiện ra như một nét son vờn vào màu xanh da trời, nom cứ mờ ảo. 

- Tao khát nước quá Dung ạ! - Hiền đứng dậy xoay người về phía cô bạn kêu lên. 

- Ai bảo tham ăn, mày ăn bao nhiêu là cá khô ở dưới suối. 

- Khát đến cháy cổ mất! 

Dung nheo một con mắt rất sắc trên hàng lông mày đen: 

- Tao có cái này giải khát được, nhưng với điều kiện. . . 

- Sao? 

- Với ai chứ với mày phải khai thật thà, hồi đoàn chúng mình còn phục vụ bên Sông Cầu, có một cậu rất trẻ và đẹp trai . . . 

Đôi gò má Hiền chợt đỏ rựng nhưng cô không hề lúng túng: 

- Mày nhầm to rồi ! Tao coi như một đứa em trai của tao ở nhà thôi mà. Mày không biết gì hết cả, đó là một đồng chí "dân tộc" quê địa bàn này, gia đình đã bị bọn Mỹ tàn sát hết, chính cậu ta đã được ra ngoài miền Bắc và gặp Bác Hồ. Tao coi như một đứa em trai thôi! 

Dung thò tay vào trong chiếc túi lôi ra một quả vả chín đỏ mới hái còn cả cuống và một chiếc lá xanh vẫn còn tươi nguyên.

- Ôi, quả hạnh phúc đây rồi! - Hiền dành ngay lấy và nuốt nước khiến Dung cũng nghe thấy. 

Những ngón tay búp măng bẻ đôi một trái cây rừng. Cái trái "hạnh phúc" vừa tách ra Hiền đã nhắm mắt sợ hãi. Có không biết bao nhiêu những con muỗi đen sì nhỏ li ti bay túa lên mặt lên cổ, đồng thời một dòng nước mật đặc sánh chảy tràn ra từ trong lòng cái trái cây đỏ hồng. Hiền thè lưỡi nếm thử, kêu sung sướng: 

- Ngọt mà mát như kem vậy! 

Hai người ngồi giữa chiếc cầu treo chênh vênh giữa lưng chừng trời và ăn vả chín. 

Dung nhớ lại: 

- Ngày ở nhà, mùa hè như thế này mỗi lần đi lao động chủ nhật, tao có thể ngồi gốc cây mút kem thay cơm được, hết kem chanh lại đến kem sô cô la, rồi kem chuối . . . 

- Tao chỉ thích ăn kem chuối nhưng chuối tao lại không thích - Hiền cũng góp chuyện - Giá ở đây có một máy quay kem, người ta sẽ làm kem vả đấy nhỉ? 

Hiền chợt nhớ những ngày còn nhỏ ở nhà cắp sách đi học, những vụ nghỉ hè đi cắm trại, cô nhớ tiếng chuông xe đạp và tiếng rao "ai kem đi" cất lên giữa bao tiếng động ồn ào và vui tươi của mùa hạ. Hiền còn nhớ bao kỷ niệm và bao câu chuyện cũ khác, nhưng ở trên đời có cô gái nào lẩn thẩn có thể nhớ mình đã ăn bao nhiêu que kem? 

Giữa buổi trưa, trong chiếc lán bên kia suối, Kinh và đồng chí trợ lý chính trị đang nói chuyện thân mật với các đồng chí diễn viên văn công. 

Kinh đến bất chợt khiến đồng chí đoàn trưởng không kịp báo cáo cho anh chị em tập trung trước. Lán trú quân mới tới ở nên còn lộn xộn, một đống cuốc xẻng vừa dùng đào hầm dựng giữa lán, đàn sáo cùng quần áo biểu diễn chất trên sạp ngủ. Các nam nữ diễn viên đi tắm hoặc đi kiếm cá, đi đào sâm đất từ các ngả nghe tiếng còi tập hợp đang kéo nhau về, một vài người mới ngủ dậy vội vàng đi dọn dẹp đồ đạc. Ngoài khu rừng sau lán, tiếng ve kêu ra rả. 

Đồng chí trợ lý chính trị tranh thủ trao đổi với đồng chí đoàn trưởng kế hoạch tổ chức buổi biểu diễn tối nay. Kinh đang hỏi thăm một đồng chí bị sốt rét chợt nghe thấy tiếng reo lanh lảnh: 

- Thủ trưởng Kinh ! 

Chị đội trưởng đội múa mặc áo đen từ bên ngoài bước vào. Kinh quay ra: 

- Cô Huệ hả? 

Huệ chắp hai bàn tay trước ngực: 

- Thật sung sướng, chúng tôi lại được phục vụ đơn vị thủ trưởng như ngày xưa. 

- Cô bây giờ vẫn còn theo đuổi nghề này được kia ư? Chồng con thế nào? - Kinh hỏi thăm Huệ. 

- Nhà em đang ở một đơn vị chiến đấu, cũng ở chiến trường miền Nam. Chúng em đã có hai con rồi! 

Kinh ngắm chị, pha trò: 

- Tôi còn nhớ mới ngày nào cô còn bắt bộ đội cõng, thế mà đã làm mẹ hai cháu bé. Chóng thật! 

Huệ tỏ vẻ ngượng nghịu và vui sướng: 

- Từ ngày đó tới nay đã mười bốn hay mười lăm năm rồi chứ, thời gian có ít đâu? 

Ngày chiến dịch Điện Biên, khi Huệ theo mấy cô mấy chú trong đoàn văn công sư đoàn xuống cánh bao vây phía Đông thâm nhập tiểu đoàn của Kinh, cô mới mười lăm tuổi, vừa gầy vừa đen. Trong điệu múa "Nông tác vụ", Huệ cầm hai dải lụa đi giữa đội hình các chị lớn tuổi bằng những bước nhảy nhót, dải lụa quét trên mặt đất lệt xệt. Kinh còn nhớ một lần một chiến sĩ liên lạc đã nhặt được cô bé văn công ấy bị lạc đường đứng khóc trước một cái suối, cậu liên lạc phải cõng qua và đem về trả cho ban chính trị sư đoàn. Huệ cảm động nhắc lại ngày đó, khi đội văn công sư đoàn xuống đơn vị Kinh, bộ đội từ hướng đông rút ra, cũng như bây giờ, người nào quần áo súng đạn cũng lấm láp bùn đất, người nào cũng thiếu ngủ. Từng hai tiểu đội một lần lượt đến ngồi xem văn công trong một cái hầm hình chữ nhật. Căn hầm biểu diễn cũng chỉ nằm sau chỗ đánh nhau khoáng chừng năm trăm thước. Các điệu múa ngày đó rất đơn giản. Mấy chị em vẫn ăn mặc quân phục hoặc hóa trang sơ sài nắm tay nhau bước ra giữa những tiếng vỗ tay rất nồng nhiệt. Nhưng đến nửa chừng điệu múa, các diễn viên trông xuống đã thấy bộ đội gối đầu lên báng súng ngủ hết một lượt. Những người lính cũng chỉ xem qua loa, tranh thủ chớp mắt một lát rồi nhường cho đơn vị khác, lại trở ra tiền duyên tiếp tục đánh phản kích, cảnh giới hoặc chờ đến tối lên đào chiến hào. 

Sau chiến dịch Điện Biên, sư đoàn Kinh tiến quân về trung du. Hòa bình lập lại rất lâu ông mới có dịp về thăm nhà, hồi đó thằng bé Lữ đã lên sáu, thằng bé không thể nhận ra ngay bố bởi ông mặc chiếc áo trấn thủ dài tay, chiếc áo ngắn cộc mà xù to với những ô quả trám, nom lạ hẳn đi. Về phía ông, chuyến ấy, chính ông cũng không ngờ thằng con trai đã bắt đầu võ vẽ học chữ. Những kỷ niệm về đứa con lần lượt hiện ra, mỗi kỷ niệm mang một vết máu rỉ ra từ trong lòng Kinh. Mười bốn, mười lăm năm qua, ông chỉ biết đứa con của mình mỗi ngày một lớn, nhưng ông không biết gì về nó? Nay mai mình sẽ tìm cách báo cho vợ ở nhà thế nào? Làm cha mẹ ai chẳng thương con hơn mình, hiểu biết con cái hơn mình, và nỗi đau đớn thương tiếc của vợ sẽ không có gì bù đắp được. Vẫn biết đứa con trai đã ngã xuống một cách anh dũng khiến vợ mình sẽ mãi mãi lấy làm tự hào về nó ! 

Nỗi đau của Kinh ngấm ngầm và dai dẳng, ngày này sang ngày khác. Tất cả những gì phía sau cái vẻ thản nhiên hơi trầm mặc trên nét mặt chính ủy, bộ đội trong trung đoàn không một ai có thể nhìn thấy. Ông đang nói chuyện với Huệ, chị đội trưởng đội múa thì có tiếng cười khúc khích phía sau lán, Hiền và Dung chạy xô vào như một cơn lốc. Trông thấy anh chị em có mặt đông đủ, hai cô vội len lén đến ngồi phía sau, mặt mũi người nào người nấy vẫn còn đẫm mồ hôi và đỏ bừng. Như một người chị bao giờ cũng tháo vát và biết ứng phó, Huệ cầm hay tay đồng chí nữ diễn viên, giới thiệu tên và công việc từng người với Kinh, Huệ giới thiệu thêm về Hiền: 

- Đồng chí Hiền là nữ đơn ca của chúng tôi. Cô ấy hát, bộ đội thích nghe lắm! 

Hiền xách chiếc túi lưới màu xanh đựng những con cá khô, ngượng nghịu và lễ phép đứng nép bên cạnh Huệ. Kinh nói với Hiền : 

- Tôi cũng nghe anh em bộ đội thường khen như vậy. Đồng chí năm nay bao nhiêu tuổi? 

- Thưa thủ trưởng, cháu mười tám. 

- Gì Hiền? 

- Cháu là Hiền thôi ạ? 

Kinh hỏi đùa: 

- Nhưng cháu có hiền thật không? 

- Thưa bác, cháu hiền thật ạ. 

- Cháu đã có người yêu chưa? 

- Thưa bác, chưa ạ! 

- Cô nói thật với tôi đấy chứ? 

- Cháu thưa thật với bác như thế đấy ạ! 

Kinh nói chuyện thân mật một hồi lâu rồi bắt tay từng nam nữ diễn viên.Ông cùng đồng chí trợ lý chính trị ra về giữa không khí vui vẻ của mọi người.

° ° °

Đêm hôm ấy, những bộ phận cuối cùng từ trên chốt Tà Cơn rút ra được ưu tiên xem văn công trước. 

Ánh sáng trong rừng thu dần trên các chỏm cây rồi mất hút giữa nền trời hoàng hôn màu nước gio. Đến lúc trời tối hẳn thì bộ đội đã tới ngồi đầy dưới lòng suối cạn, trước chiếc sân khấu bằng đất mới đắp bên kia bờ suối. Vài ngọn đèn bão đặt trong những chiếc hộp làm bằng bẹ chuối hắt ánh sáng lên khoảng bờ đất đã được san phẳng, chung quanh che kín bằng vải dù và cắm cành cây ngụy trang. Kinh và ông cụ Phang đi bách bộ dọc con đường mòn ven suối. Ông cụ Phang hiện nay là chủ tịch ủy ban xã nên hôm nay cũng được mời tới xem văn công. Ông lão vẫn khoác chiếc túi vải cũ kỹ, bộ quân phục tuy có vẻ chỉnh tề hơn nhưng so với thân hình cao lớn vẫn ngắn cũn cỡn. Ông lão ngậm bên miệng chiếc tẩu bằng đất, đang trình bày với Kinh các công việc hiện cần phải làm trong xã. Từ ngày thằng con trai trở về, ông lão tỏ ra yên tâm và biết ơn bộ đội nhiều lắm. Tuy vậy hai cha con mỗi khi gặp nhau còn rất khó nói chuyện. Không phải một lúc ông già nghiêm khắc này có thể tha thứ cho thằng con trai đã có tội. Nhưng ông lão rất thương nó. Trong hơn một chục bản trong xã, còn có rất nhiều tên bị bắt ép hoặc tự nguyện đi lính ngụy vừa được bộ đội thả cho về. Không riêng đối với thằng Kiếm, ông lão còn phải lo giúp đỡ cho nhiều tên khác biết chăm chỉ làm ăn và tự cải tạo thành người tốt. Ông lão kể tỉ mỉ từng công việc, cả việc công và việc riêng. Kinh lắng nghe rất kỹ và chia sẻ niềm vui với ông lão, một người cha vừa có đứa con trở về nhà. 

Ánh đèn bão chỉ vừa đủ soi một khoảng ánh sáng lên cái bờ đất đắp cao. Bây giờ tất cả mọi cặp mắt đang đổ dồn tới đó. Buổi biểu diễn bắt đầu sau mấy câu giới thiệu vắn tắt của đồng chí đoàn trưởng. Giữa điệu vũ "múa kiếm" đông người và ồn ào trên sân khấu, Hiền đứng bên cạnh bức màn hậu màu cỏ úa trông thấy Dung đang múa rất hăng hái, cô vung thanh kiếm sáng lóe, vừa đưa cặp mắt sắc liếc về phía Hiền. Hai người cùng mỉm cười. Suốt cả buổi chiều, Hiền và Dung, một lần nữa, hai người lại rủ nhau đi dọc lòng con suối cạn đi chơi rất xa. Cho đến bây giờ đây Hiền sắp phải lên hát mà vẫn còn thấy mệt, hai chân cứ mỏi dừ như vừa qua một chặng hành quân dài. Suốt buổi chiều hai người đã đi tha thẩn ngắm nghía tùng viên đá sỏi tròn nhẵn, tùng búi cỏ rong đã khô xác và trong suốt, họ tò mò ngó xem từng cái hang sâu dưới đáy suối, tưởng tượng một cách thích thú mình đang ở một chỗ trước đây là đáy nước, là thế giới đầy bí ẩn và cách biệt. Hiền đã phát hiện ra trong một cái hốc đá có một tổ chim xây bằng những đám rong khô, mấy chú chim non vừa mới nở đang há những chiếc mỏ vàng kêu chiêm chiếp. Hai người đi qua nhiều đoạn hai bên bờ đất cứ nhẵn lỳ và dốc, ngày xưa có lẽ đó là những cái bến lội. Có quãng khúc suối chảy dưới chân vách núi đá, có lẽ vì trong đá có nước mạch nên lòng suối trở nên ẩm thấp, một bãi cỏ ống mọc xanh um. Cuối cùng, hai người tìm thấy một cây vả mọc trong khóm rừng gai góc dầy những con muỗi mắt, trái vả đậu kín chung quanh các cành cây thấp chỉ trong tầm tay với, tiếc rằng trái nào cũng hãy còn xanh. Hai người theo con suối cạn đi mãi mà vẫn không chán, lại còn hẹn hôm nào rảnh rỗi sẽ tiếp tục cuộc thám hiểm. 

Hiền đã bước ra trước khán giả. Tiếng vỗ tay kéo dài. Hiền nâng hai bàn tay trước ngực bằng một cử chỉ thoải mái và trân trọng hết sức. Những mái tóc, những chiếc vành mũ sắt và mũ tai bèo che nửa khuôn mặt các chiến sĩ ngồi chật khúc suối. Hiền lần lượt ngắm từng khuôn mặt, từng vầng trán trẻ trung và phong trần đang ẩn trong bóng tối. Cái đám đông người trẻ tuổi ngồi im lặng kia, từng người súng tựa vào bên vai, bây giờ đây Hiền đang hát cái tiếng hát của họ, đang nói lên tâm sự và tất cả niềm mong mỏi của họ. Tiếng hát của Hiền cất lên, sẽ sàng tự nhiên như thốt lên từ đáy lòng cô. 

Anh vẫn hành quân, 

Trên đường ra chiến dịch. 

Mé đồi quê anh bước, 

Trăng non ló đỉnh rừng. 

Anh vẫn hành quân, 

Lưng đèo qua bãi suối 

Súng ngang đầu anh gối, 

Anh qua khắp tuyến đường. 

Trời Điện Biên mây trắng, 

Gió lưng đèo Chiến thắng 

Tưng bừng trong ánh nắng. . . 

( Bài hát Anh vẫn hành quân của Huy Du, phỏng thơ Trần Hữu Thung). 

Hiền trông thấy ở gần ngay phía trước mặt, đồng chí chính ủy trung đoàn đang cúi đầu bỗng ngước đầu lên nhìn cô. Ôi sao một con mắt bị thương, một khuôn mặt tuổi tác cương nghị giống như khuôn mặt một người cha ấy lại dễ có thể làm cho Hiền xúc động một cách thảng thốt như vậy? Có cái gì phía sau cái ngước mắt ấy? Và Hiền chợt nhận ra một giọt nước mắt long lanh trên cặp mắt đồng chí chính ủy. Giọt nước mắt đọng rất lâu rồi rơi xuống tay áo quân phục đầy nếp gấp đặt ngang trước bụng ông. Đó là giọt nước mắt đầu tiên kể từ ngày Kinh nhận được tin con trai mất. Cho đến hôm nay, trong khi ngồi nghe cô văn công hát, tiếng hát khiến ông chợt nhớ đến con trai mình và ông đã lỡ để rơi một giọt nước mắt. 

Hiền ngạc nhiên và bàng hoàng. Đoạn tiếp sau tiếng hát của Hiền hơi run. Trước mặt cô, những mái đầu bộ đội nhấp nhô, rừng cây hai bên trầm mặc. Ánh lân tinh trên thân cây bên kia bờ suối nhấp nháy như những cặp mắt tươi trẻ và tinh nghịch. Trước mắt Hiền hiện ra một cánh rừng đại ngàn. Con đại bàng vỗ cánh trên khoảng rừng đầy những chiếc võng bạt mắc ngang dọc. Tiếng con chim thủ thỉ. Tiếng con chim "khó khăn khắc phục". Tiếng con tắc kè đếm thời khắc. Tiếng lá khô xào xạc. Một cơn gió từ giữa lòng suối cạn thổi hắt lên, bốc tung lên cao một đám lá khô, những chiếc lá bay múa trước mặt mọi người như những lá thư huyền bí của cuộc đời. 

Những tiếng động ban đêm giữa khu rừng khô ráo hấp dẫn lạ thường. Nhưng những tiếng rừng ấy, tất cả bấy giờ đang nín lặng, chưa cất lên.

CHƯƠNG 17

Trung đoàn 5 sau một thời gian củng cố và được bổ sung thêm quân số lại tiếp tục bước vào chiến đấu. 

Sau cuộc đổ quân của lữ đoàn Kỵ binh bay nhằm mục đích giải vây đã thất bại, vòng vây càng khép chặt. Quân Mỹ đã lâm vào thế bí và đang đứng trước nguy cơ có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Cuối cùng bao nhiêu lời cam kết "bọc bằng thép" của bọn cầm đầu nước Mỹ đã phải tính đến bước đường tháo chạy khỏi thung lũng Khe Sanh. Cuối tháng sáu trung đoàn lính thủy đánh bộ số 4 từ Đà Nẵng được chúng điều ra để làm nhiệm vụ đánh tháo cho "chiếc tàu chiến đang thả neo ở vùng rừng núi phía Bắc". 

Một lần nữa, suốt cuối tháng sáu sang đầu tháng bảy, trung đoàn của Kinh cùng các đơn vị mới tham chiến lại tổ chức những trận đánh tập kích liên tiếp. Bây giờ địch muốn "cõng" nhau tháo chạy cũng khó khăn chẳng kém gì nằm lại ở đây. Lại thêm hàng ngàn tên khác phơi xác trên các điểm cao trước khi những thằng còn sống rút được bàn chân ra khỏi cái "vùng rùng núi độc địa". Cuộc rút chạy đã được các tờ báo hàng ngày và các đài phát thanh phương Tây mô tả rất tỉ mỉ. Suốt hàng tháng trời, lính thủy đánh bộ giữ căn cứ chen chúc trong các đường hầm ẩm ướt và tối tăm chung quanh sân bay. Trong khi chờ trực thăng tới "hốt" đi, chúng ngồi vuốt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, có đứa nhặt đá ném những con chuột đang sục mõm vào các đống rác rưởi và xác chết. Mỗi khi đạn pháo binh từ bên ngoài bắn vào tụi phi công trực thăng liền vội vã hốt hoảng lái máy bay bay lên, để lại dưới đất những lời nguyền rủa. Trong khi đó những xác máy bay bị bắn cháy nằm ngổn ngang cuối đường băng, những xe cộ, công sự, máy móc, trận địa pháo, trung tâm thông tin, sở chỉ huy, tất cả đang được xe ủi đất ngày đêm san phẳng hoặc xúc đổ xuống các hầm hố. Một hãng Pháp bình luận: Tất cả mọi thứ ở cái căn cứ chiếm đóng nổi tiếng này đã được xe ủi đất và các đội phá hoại san bằng địa. Nhưng không có xe ủi đất nào có thể xóa nhòa được trong ký ức những người lính Mỹ mặc áo cổ da hình ảnh sinh động của một cuộc phòng thủ bi thảm. 

Sang tháng bảy, một hành lang vận chuyển tiếp tế quan trọng đã được mở ra. Chỉ mấy ngày sau khi quân Mỹ trong căn cứ Tà Cơn và ngoài các điểm cao phía Tây Bắc bị quét sạch, những trung đoàn bộ binh, những tiểu đoàn bộ đội vận tải, những đơn vị dân công mang hàng từ ngoài vào đã có thể đi theo một con đường gần nhất để chọc thẳng xuống phía nam đường 9. Đó là con đường từ các cánh rừng già phía bắc, băng qua giữa đỉnh Đồi không tên rồi đi men dưới chân điểm cao 475. Con đường mới được đánh thông nằm giữa một vùng đồi núi đỏ loét như sắc máu. Một khu vực kho hàng tiếp tế cũng vừa được thiết lập trên đường 9, đoạn giữa thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo. 

Không khí chiến thắng tràn ngập khắp thung lũng. 

Lượng mới ở trạm điều trị ra. Anh đang trở về đơn vị. 

Sau mấy tháng nằm quân y được bồi dưỡng nhưng anh vẫn chẳng béo tốt lên được bao nhiêu, dáng vẫn chậm chạp, nước da hơi mai mái. Chỉ có con mắt lầm lỳ có vẻ đầm ấm hơn. Anh nhìn quanh cảnh chung quanh vừa quen thuộc vừa xa lạ. 

Lượng đang đi lẫn giữa đoàn người như ngày hội. 

Anh đi giữa một đơn vị dân công vận tải toàn người dân tộc Vân Kiều và Tà Ôi, đa số là nữ. Các cô gái mặc váy xanh áo đen, đi chân đất, bàn chân người nào cũng nứt nẻ. Các cô gái mang hàng rất nặng trên lưng nhưng trông họ đi đứng chẳng chút nào nặng nhọc, chân bước nhẹ nhàng, những cánh tay trần rám đen chống ngang sườn hơi ngoặt về phía sau. Đi bên cạnh Lượng là một cô nước da đen giòn, môi ướt, bên mép hơi phơn phớt một ánh xanh như có râu, lông mày lưỡi mác đặt thẳng trên cặp mắt hình quả trám, cái nhìn ngang sắc và dữ dội. 

Cô gái đeo trước ngực một chiếc đàn đẽo bằng gỗ phím rất ngắn. 

- Các o đi vận tải phục vụ bộ đội có vui không? - Lượng hỏi cô gái khi cô ta hỏi mượn anh chiếc bật lửa châm thuốc. 

- Vui hung, ta chiến thắng to, vui hung! - Cô gái hỏi: - Anh giải phóng có biết hút thuốc lá "đồng bào" mình quấn cho một điếu? 

Lượng lắc đầu; 

- Tôi không biết hút. . . 

- Chê à? 

- Thuốc nặng hút vào thì sặc, không quen thôi - Lượng đề nghị - O gảy đàn đi nghe cho vui? 

- Mình gảy đàn cho anh Giải phóng nghe hỉ? 

Cô gái vừa so dây đàn. Hai sợi dây xe bằng chỉ gai chuốt nhựa thông rung lên. Tiếng dây đàn trầm đục dội xuống mặt gỗ, nghe ấm áp và mộc mạc. Khuôn mặt người con gái ngước nhìn ra xa mỗi lúc một sinh động lên, như đang ngóng đợi một điều gì đó. Những ngón tay nhảy nhót trên hàng phím, tiếng đàn bỗng trở nên vội vã, náo nức, xoắn xít... 

Đàn xong một bài, cô gái quay sang hỏi thăm Lượng: 

- Anh có biết anh bộ đội nào tên là Nghim không? 

- Ở đơn vị nào? 

- Ở trung đoàn pháo binh mà! 

- Anh o hả? 

- Chồng mình... 

- Tôi không biết. Nhưng o cứ hỏi thăm nhất định sẽ gặp người của trung đoàn pháo binh. Lúc ấy sẽ hỏi thăm anh Nghim. 

Đến một cái ngã ba, Lượng chia tay với đoàn dân công địa phương. Cô gái gùi hàng có cặp lông mày lưỡi mác vẫn ôm chiếc đàn trước ngực. Đi một quãng ngắn Lượng lại nghe cô gái đang dừng lại hỏi thăm anh bộ đội khác: "Anh có biết anh bộ đội nào tên là Nghim không?" 

Lượng đã về đến trung đoàn 5 . 

Anh lại nhận quyết định trở về sở chỉ huy đại đội trinh sát. Khuê chuẩn bị đi học. Khuê được lệnh bàn giao công việc đại đội lại cho Lượng để trở về ban tham mưu trung đoàn. Trong thời gian đợi đi học, Khuê vẫn công tác ở ban tham mưu với cương vị phái viên tác chiến như cũ. Sau một thời gian xa nhau, Lượng và Khuê gặp lại và ôm lấy nhau. Hai người nói chuyện rất vui vẻ, Khuê nhận được lá thư của Nết, do Lượng cầm về hộ. Hai người bàn giao công tác tỉ mỉ và rất lâu nhưng những việc thuộc về đời riêng cũng chỉ có thì giờ nói với nhau chút đỉnh, và cũng chưa phải đã đến lúc Lượng có thể nói hết mọi chuyện với Khuê được. 

Một buổi sáng sớm, Khuê cùng chính ủy Kinh, hai "thầy trò" từ sở chỉ huy trung đoàn men theo bờ con đường hào trục ngày xưa để đi thăm một số phân đội bộ binh làm nhiệm vụ cảnh giới địch và thu dọn chiến rường. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Máy bay trinh sát lượn đi lượn lại đến sốt ruột rồi thả từng chùm pháo sáng giăng chênh chếch trên các cửa rừng. Một tốp phản lực đang bắn đạn 20 ly sau khi bỏ mấy loạt bom xuống một khu vực cửa rừng phía Tây Bắc. Sau một đêm, cả bốn phía chân trời chung quanh thung lũng Khe Sanh đầy những vệt khói đèn dù. Trên vòm trời rất cao giữa thung lũng, ánh sáng ban ngày dần hiện ra, nhưng chỉ có một khoảng mây trên cao đang thay đổi màu sắc, mặt đất vẫn còn đắm trong giấc ngủ. Tiếng quạ và vẹt kêu trên những thân cây cà phê đã chết khô. Một cánh chim bay qua đỉnh 475, cái yên ngựa giữa hai mỏm đồi cao in bật trên nền trời một đường viền đen sẫm. Kinh nghe tiếng đế giày vải của mình và đế đôi giày da của Khuê chạm trên từng hòn đất cứng như gang. Phía trên trung tâm căn cứ Tà Cơn cũ nơi làn ánh sáng xanh biếc đang trùm lên một bãi đất mấp mô ngổn ngang nằm im phăng phắc, trông giống như một cánh đồng nông trường ở hậu phương sau vụ cày ải bằng máy cày. 

"Mới đấy mà sáng nay đã yên tĩnh thế này ư?". Không biết Khuê vừa hỏi, hay Kinh đang tự lắng nghe một cảm giác quen thuộc mỗi lần đứng trước một vài cái vị trí địch vừa giải quyết xong. Kinh tự hỏi: Vừa qua có phải là giai đoạn "động" nhất trong cuộc đời mình? Có phải trung đoàn ông và bản thân ông vừa trải qua một cuộc thử thách gay gắt nhất, và bây giờ tất cả đã trở lại yên tĩnh? Lúc này đứng ở đây Kinh nhớ từng chiến sĩ và cán bộ trong trung đoàn, những người ông đã đem hết lòng yêu mến, và họ đã đem cả cuộc đời để làm nên chiến thắng ngày hôm nay. Chỉ có mấy tháng trong một chiến dịch, Kinh đã hiểu biết thêm về những người chiến sĩ trẻ tuổi như bằng cả một đời người, nhưng ông không khỏi nhận thấy không thể hiện và đánh giá hết lòng hy sinh quả cảm, sức lực và tài trí của từng người đã cùng ông lăn lộn trên mảnh đất này. Và cả đứa con trai của ông đã hy sinh, cho đến hôm nay những điều gì ông đã biết về nó và những điều gì chưa biết? Ông đã biết những gì xảy ra trong cuộc đời mới hai mươi tuổi của nó? 

Kinh nheo cặp mắt đầy những vết dăn deo chung quanh vành mi, cặp mắt của một người già. Ông ngắm cái dáng nhỏ bé và lanh lợi của Khuê đang đi bên cạnh. Cái nhìn của Kinh không thể giấu một vẻ thích thú và sung sướng. 

Trong lòng ông tràn ngập niềm yêu thương và hy vọng của một người cha. 

Những tia nắng sớm đầu tiên đã ửng trên mỏm đá "Đầu gà". Con đường hành lang vận chuyển chiến lược vừa mở ra dưới chân điểm 475 nhìn xa như một nét chì đỏ. Mặt trời đã mọc. Lúc bấy giờ toàn bộ khung cảnh chiến trường Khe Sanh trở nên rực rỡ dưới ánh mặt trời buổi sáng. Trên lưng một quả đồi phía đông trơ trụi không một ngọn cỏ, hàng hàng những mũ sắt và nòng súng trường nhấp nhô của một sư đoàn bộ binh đang trẩy về phía nam, lại nghe tiếng nói, tiếng cười đùa ồn ào của những chiến sĩ mới vào chiến trường, lại nghe tiếng nói lanh lảnh của một anh chàng nào đó đang cao hứng: "Làng tớ ấy à?...". 

Bên phía Đồi không tên, một tiểu đội dân công vận chuyển hỏa tuyến vừa dừng lại bắc bếp thổi nấu, khói bếp bay chờn vờn trên nóc mấy chiếc hầm chữ Y đã bị bom đánh sập.

Hết.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật