(đang sửa) ngày thống nhất ; yj

7. Mùa hè trở lại



Ơn trời ơn đất, có lẽ chết đi Hiểu Phương cũng không thể quên được buổi nói chuyện kinh dị như hôm nay. Lần đầu tiên trong đời, Hiểu Phương được ăn một bữa cơm trong bầu không khí căng như dây đàn, căng tới cỡ không thể căng hơn được nữa.

Bố của cô chẳng bao giờ hay biểu lộ cảm xúc cả, mặt ông lạnh như tiền vậy. Không ai đoán được ông đang vui, đang cáu hay đang buồn qua nét mặt ấy. Thế nên từ nhỏ đến giờ, Hiểu Phương nhận biết cảm xúc của người cha qua đôi mắt ông, dù khó khăn nhưng ít ra còn biết được gì đó. Với ánh mắt của ngày hôm nay, Hiểu Phương chắc chắn sẽ không dám cho rằng ông thật sự ưa gia đình thông gia.

Nói thẳng ra, trong ánh mắt ông Kỳ, Hiểu Phương nhìn thấy sự khinh bỉ đối với gia đình Nghĩa.

Tất nhiên là vì gia đình họ nghèo.

Nhà Nghĩa có mỗi một chiếc xe đạp cũ, bố mẹ lại để cho con trai đi học, chị gái đã đi lấy chồng từ lâu coi không có nhà. Nhà cửa thì sống trong căn nhà cấp một lụp xụp, khác xa với căn nhà của gia đình Hiểu Phương. Mà nói là căn nhà cũng không đúng, nó là một khuôn viên nhỏ. Gồm gian nhà phía trước và một căn nhà hai tầng phía sau, nhà sơn màu vàng, mái lát gạch đỏ, có cửa sổ chớp xanh lá cây. Hai gian nhà được ngăn cách bởi cái sân cỡ nhỡ trưng cây cảnh và cũng gọi là cái xưởng gỗ quy mô nhỏ của ông Kỳ.

Tính ra thu nhập của cái việc tay trái làm thợ mộc của ông đủ để nuôi gia đình họ luôn. Làm sao ông có thể vui lòng khi đưa con cho nhà như vậy?

Hiểu Phương có lẽ biết ông đang nghĩ gì, nhưng dù vậy cô càng chắc nịch một điều đám cưới vẫn sẽ tổ chức. Vì bố cô là một người có thể chết vì sỹ diện chứ không để bản thân bẽ mặt. Đây cũng là lý do Hiểu Phương không dám đề xuất hủy hôn ước.

Cả buổi đó đầu óc Hiểu Phương như bị ù ù cạc cạc, nghe chữ mất chữ được. Cuối buổi, cô chỉ nghe thấy mấy lời cuối mà bác gái nhà bên nói:

"....vâng, vậy cứ để vậy đi ạ, thế thì sang tầm giữa tháng Bảy ta làm đám hỏi..."

Tháng Bảy đám hỏi, tháng Tám đám cưới. Cuộc sống tự do của Hiểu Phương còn hai tháng nữa là hết hạn sử dụng. Một buổi gặp mặt nhanh chóng, vội vã, cẩu thả. Ấy thế tính là Lễ dạm ngõ giữa Hiểu Phương và Nghĩa đã hoàn thành.

Sau khi dọn dẹp xong xuôi, người đi lên phòng nghỉ trưa, người về nhà. Chỉ còn Văn Khuê, Hiểu Phương và cậu Tuấn ngồi lại phòng khách. Văn Khuê lâu lắm mới về nhà nên cứ đi qua đi lại trong nhà, xem hết cái này đến cái kia, từ cái cốc sứ đến cái đồng hồ. Hiểu Phương đang pha trà, còn cậu Tuấn nhìn Hiểu Phương không rời mắt dù cô làm cái gì đi chăng nữa, ánh mắt hiện lên vẻ lo lắng, bồn chồn vô cùng.

"Gì vậy, anh nhìn ra chỗ khác được không, anh làm tôi mất tự nhiên quá đấy!"

Hiểu Phương khẽ nói khi phát hiện ra ánh mắt của ai kia, cô không hề quay qua nhìn nhưng dường như con người là sinh vật khá nhạy cảm, bằng cách thần kỳ nào đó Hiểu Phương tự dưng biết cậu Tuấn đang nhìn mình.

"Cô ổn không thế?"

Nghe anh hỏi, Hiểu Phương chợt khựng lại trong giây lát. Cô hít một hơi sâu lấy bình tĩnh, sau đó dịu dàng đáp:

"Nếu tôi nói có, anh sẽ tin hay không tin?"

"Tôi không biết, nhưng tôi đoán là cô nói dối."

"Đoán cứ như thần thế!"

Cậu Tuấn nhún vai, anh không trả lời. Có lẽ là do anh đã quan sát cô quá nhiều đến nỗi một cái nhíu mày cũng đủ hiểu.

"Ổn với chả không cái gì nói anh nghe nào."

Sau khi Văn Khuê nghe lỏm được cuộc nói chuyện thì lập tức ngồi xuống hỏi thăm, giả bộ rót trà uống tám chuyện.

"Cậu bé ban nãy, hôn phu của Hiểu Phương ấy, nó có bạn gái khác rồi."

Cậu Tuấn lập tức mách anh "đại ca", ghét ai chứ ghét thằng Nghĩa thì cậu Tuấn đứng đầu bảng. Hiểu Phương thấy thế vội kéo áo cậu Tuấn, bặm môi trợn mắt dọa dẫm đủ điều. Anh vừa nói ra một điều có thể làm tan nhà nát cửa.

Trái lại, tự nhiên Văn Khuê bình tĩnh lạ thường, anh bình tĩnh uống trà rồi bình tĩnh đặt cốc xuống. Sau đó quay sang tra hỏi Hiểu Phương

"Có thật không?"

Trong phút chốc, Hiểu Phương cũng không biết vì sao cô lại gật đầu, đáng ra cô phải bênh Nghĩa như mọi lần chứ...

Văn Khuê nắm chặt cái cốc trong tay, nghiến răng:

"Mẹ nó... Mày định xử lý như nào, anh luôn rất sẵn sàng giúp đỡ."

"Thôi thôi, em xin anh, anh đánh người ta thì em khổ chứ ai khổ? Chắc là em cứ kệ để thế thôi, em cũng lười chẳng muốn nói nhiều nữa. Dù gì cũng sắp cưới rồi, giờ hủy khác nào bôi tro vào nhà mình."

Nãy nghe Anh Tuấn nói vậy, Văn Khuê cũng nóng máu mặt lắm nhưng nghe Hiểu Phương nói vậy lại ỉu xìu. Đứa em gái yêu của anh hiền quá rồi, việc khó chịu như thế mà cũng im lặng. Mấy năm trước trong Sài Gòn, Văn Khuê còn nghe có vụ đánh ghen tạt axit bỏng cả mặt. Có khi anh sống trong đó lâu quá nên bị nóng tính hay sao rồi!.

Văn Khuê thở dài, 'chẹp' một tiếng rồi uống nốt cốc trà, sau đó đứng dậy:

"Được rồi, lần này anh cũng sẽ không làm gì, đúng như ý mày nhé! Anh về nhà nghỉ đây, tối rảnh không, anh qua dẫn đi chơi?"

"Tối nay em sang chơi với Lan Phương rồi, mai anh sang chơi sau đi."

Văn Khuê bật cười, anh gãi đầu:

"Ừ, mai anh sang. Anh quên mất, bây giờ mày lớn rồi không cần có người đi theo, trông nom khi ra ngoài nữa nhỉ?"

"..."

Ừ, công nhận thời gian trôi nhanh đến tàn nhẫn. Lần cuối trước đây Hiểu Phương gặp anh Văn Khuê là mùa hè năm lên lớp 10, thế mà bây giờ cô đã tốt nghiệp khóa học. Trong cái chớp mắt ba năm trôi đi như gió thoảng.

"Anh về đây, hai đứa làm gì thì làm nhé!"

Văn Khuê thở hắt ra một hơi, khẽ lắc đầu nhẹ, cầm chìa khóa xe và rời đi. Gian nhà vắng lại chỉ còn Hiểu Phương và cậu Tuấn.

Hiểu Phương nhướn người, nhìn theo Văn Khuê đến khi bóng lưng anh khuất sau cánh cổng mới thôi. Cô thở dài, đứng dậy:

"Cậu Tuấn, anh soạn đồ đạc gì của anh ra thì làm đi. Tôi dọn bàn với đi rửa mấy cái cốc chén dùng mời khách."

Nói rồi, cô bê phắt cái khay đựng cùng rất nhiều cốc sứ ở trên và rảo bước đi sang phòng làm bếp. Cậu Tuấn cũng để cô đi, không gọi lại hỏi làm gì. Có lẽ lòng cô cũng đang nặng trĩu rối bời lắm rồi, anh không nên làm cô khó xử hơn, đôi lúc sự quan tâm chỉ cần thể hiện bằng cách im lặng.

Gần hai mươi phút sau, Hiểu Phương quay lại phòng khách, cô còn chưa kịp lau khô tay đã bị cậu Tuấn chặn đường. Anh cứ cười cười bí hiểm như che giấu gì đó. Anh đứng chắn trước mặt cô, đưa ra một cái hộp nhỏ.

"Quà của cô đây!"

"Gì vậy? Sao tự nhiên tặng tôi quà?"

Cậu Tuấn nhún nhường:

"Nãy tôi đã bảo là tôi đi xa về có quà cho cô rồi mà..."

Như chợt nhớ ra, Hiểu Phương tặc lưỡi "à" một tiếng, xong cười:

"Làm tôi tưởng gì ghê gớm! Sau anh không phải làm vậy đâu nha, anh cho tôi bao nhiêu thứ thế tôi biết lấy gì mà trả?"

"Cô chỉ cần sống tốt, thật hạnh phúc thôi là được rồi."

Nghe anh nói vậy, Hiểu Phương lại phụt cười. Cô nhẹ nhàng mở chiếc hộp nhỏ ra, trong đó có một ghim cài áo hình như làm từ bạc, trang trí khá cầu kỳ và được đính những viên ngọc trai cỡ nhỏ lên trên bề mặt.

"Cái này chắc đắt lắm nhỉ, ôi sao anh phung phí làm gì thế không biết! Chỉ là quà đi xa về thôi mà, anh làm tôi ngại quá. Cái này tôi không nhận được đâu!"

Hiểu Phương đặt chiếc ghim lại vào hộp và trả về cho cậu Tuấn, nhưng anh giơ tay từ chối, nhẹ nhàng đẩy lại về phía cô:

"Nhận rồi miễn trả hàng. Đây chỉ là món quà nhỏ tôi thôi, cô cứ nhận đi cho tôi vui. Mà tôi cũng không biết sinh nhật cô vào hôm nào, cô cứ coi như đây là tôi tặng quà sinh nhật đi vì chẳng biết hôm đó tôi có tặng quà cho cô được không nữa..."

"Tại sao lại không chứ?"

Câu hỏi nghe tưởng chừng như rất bình thường của Hiểu Phương ấy, lại khiến cả gian phòng lại rơi vào im lặng. Cậu Tuấn có vẻ trầm xuống, nhất khi anh thấy đôi mắt long lanh của cô ấy. Căn phòng lặng đi, hiu hắt.

Đôi mắt em tròn xoe, trong vắt tựa dòng suối mát của mùa hạ. Nhìn ánh mắt ấy, cậu Tuấn không thể nào nói dối, nhưng than ôi, cái sự thật đau lòng, trần trụi kia anh không muốn nói ra chút nào. Thế là lời nói cứ ậm ừ đầu môi và rồi mắc lại nơi cổ họng khiến anh ứ nghẹn. Không hiểu sao, chỉ là một câu nói đơn giản thôi mà anh không thể cất lên lời nổi, còn sống mũi đã bắt đầu cay cay.

"Sao vậy? Anh không nói thì thôi, ý anh là không muốn tặng quà sinh nhật cho tôi nên lấy cớ cái này là quà sinh nhật luôn chứ gì!"

Hiểu Phương thấy cậu Tuấn im lặng hồi lâu quá nên pha trò một câu cho bầu không khí đỡ ngượng ngùng. Thật tốt khi anh cũng chịu nhếch mép cười theo, thấy vậy cô mới yên tâm hơn hẳn.

"Thôi, tôi lên phòng cất quà 'sinh nhật' mà cậu Tuấn tặng đây, cái ghim đắt như này phải cất kỹ mới được! Cậu ngồi uống nước, đọc báo hay đi đâu thì cứ đi đi nhé, nhớ khóa cửa."

Nói rồi, cô cười một cái thật tươi, quay người chạy biến lên tầng trên. Cậu Tuấn cố gắng giữ nụ cười trên khóe miệng cho đến khi nghe tiếng bước chân leo cầu thang của Hiểu Phương hết hẳn. Xong, anh bần thần ngồi phịch xuống, đưa một tay lên day day sống mũi, anh nhớ lại những lời bố nói.

"Nào, một... hai... ba... bốn... năm..., nín đi nào Daniel. Con trai mà khóc nhè xấu lắm!"

Con trai khóc nhè xấu lắm nhỉ? Huống hồ gì, bây giờ anh là một thằng đàn ông cao ráo, khỏe mạnh như này rồi.

Bố anh đã từng dạy rằng là một thằng con trai thì không nên khóc, hay còn nói thẳng ra là không được khóc. Còn khi biết mình sắp rơi nước mắt, ngay lập tức cần phải tìm cách xoa dịu cảm xúc ngay.

Như lúc này chẳng hạn, cuối cùng sau một hồi, cậu Tuấn cũng thấy mi mắt nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhưng cảm xúc trong lòng anh rối như mớ bòng bong...

Chưa gì cậu Tuấn đã ở đây hơn hai tháng rồi, anh chỉ ở Hà Nội ba tháng thôi. Cuối tháng Sáu, anh phải trở lại Sài Gòn và chuẩn bị cho tháng Bảy sẽ về Mỹ. Nhưng Hiểu Phương không nhớ anh từng nói với cô điều đó, chắc cô vẫn cứ tưởng anh sẽ sống ở đây mãi với cô, hoặc ít nhất đến lúc cô tổ chức đám cưới, rồi cùng người chồng đi Paris.

Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một tháng nữa thôi, cậu Tuấn phải nói lời từ biệt với Hiểu Phương rồi.

Anh cực thích mùa hè, đặc biệt là tháng Sáu và tháng Bảy. Mỗi lần mùa hè đến, anh sẽ trở về San Jose nghỉ hè. Lái xe đi chu du hết cả góc miền Tây Nam nước Mỹ, đến những bãi biển cát trắng muốt rồi lướt sóng, tối thì đi sàn nhảy, gặp gỡ và hẹn hò chóng vánh với những cô nàng nóng bỏng tại đó.

Nhưng năm nay thật kỳ lạ, cậu Tuấn không muốn tháng Sáu và tháng Bảy đến nhanh như vậy. Bây giờ anh chỉ ước có thể ở lại Hà Nội, bên cạnh Hiểu Phương lâu hơn chút nào hay chút ấy. Vì những ngày sau anh rời đi rồi, hai người sẽ gần như chẳng có cơ hội nào gặp nhau nữa. Cứ nghĩ đến việc phải chia xa là lòng anh đau như cắt, không biết rồi sau khi đối diện trước sự thật, anh sẽ phải sống ra sao.

Thế nên, cậu Tuấn mong khoảng thời gian đẹp đẽ này sẽ trôi chậm lại, bởi vì rằng ngày mai sẽ rất dài, nhưng những ngày dài ấy nó lại là những ngày cậu sẽ không có em ở bên...

***

Hà Nội chuyển mình vào hè, những cơn nắng gay gắt và bầu không khí oi bức đã đến. Tháng Sáu, cái tháng của sự rảnh rỗi hết nấc, Hiểu Phương bắt đầu những ngày suy nghĩ xem sắp tới phải làm gì rồi.

Và vì chưa có kế hoạch, lại còn vô công rồi nghề. Việc Hiểu Phương chọn làm trong mùa hè đầu tiên là làm phiền cậu Tuấn. Nhà của Lan Hương dạo này cực kỳ bận rộn nên cô cũng chẳng thể sang được, vậy nên lựa chọn thứ hai là bám cậu Tuấn. Hiểu Phương ghét ra đường nghịch lắm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại khó chịu chết đi được, nhưng hè này cô ghét ở nhà kinh khủng. Mẹ cô - bà Liên cứ liên tục tìm cách để tạo dựng mối quan hệ tốt hơn với nhà thông gia tương lai giúp con và ông chồng của bà. Khi thấy cô con gái lớn quá nhàn rỗi ngồi trên ghế đọc sách, bà sẽ có một số kiểu cách như:

"Con sang bên nhà kia xin giúp mẹ một nhúm muối, nhanh lên!"

"Phương ơi nhà hết chanh rồi, sáng nay mẹ đi chợ quên mua. Con chịu khó sang nhà bên xin một quả nhé, chứ giờ này ra chợ thì hết rồi, không thì bố mày lại loạn cả nhà lên."

"Sao cứ nằm ườn ra thế này? Mày dậy đi con, mày sang bên kia nói chuyện với thằng Nghĩa đi, gặp bác gái thì giúp đỡ việc cho bác. Ăn nói cho lễ phép vào nghe không?"

Nghỉ hè mới ở nhà với mẹ được bốn ngày thôi mà Hiểu Phương muốn rồ cả đầu. Đầu tiên sang xin đồ lặt vặt này nọ kia, xin một lần chả nói, đằng tận hai ba lần trong một ngày. Có khi người ta tưởng nhà mình đóng cửa đi ăn mày không bằng. Bây giờ mẹ cô còn nói thẳng ra là mày sang bên đấy đi, mãi rồi Hiểu Phương cứ tưởng cô là con gái nhà bên đó luôn quá.

Nhưng có điều, mỗi khi Hiểu Phương ghé mặt sang đó, Nghĩa dường như cũng biết điều mà cúi mặt xuống vâng dạ. Cậu bé có vẻ khá sợ cô sẽ nói ra cái bí mật kia và khiến bố mẹ nó phải xấu hổ trước nhà người ta. Thật ra, Hiểu Phương chỉ giả vờ làm vẻ mặt hung dữ như hăm dọa vậy thôi chứ cô chẳng có ý định mách. Cô biết chuyện, cô cũng muốn hủy hôn. Nhưng nếu hủy hôn sẽ phải giải thích, sẽ phải chịu lời đàm tiếu trong nhà ngoài ngõ của cả khu phố xung quanh... Bao nhiêu là thứu chuyện phiền phức như vậy, thôi thì ta cứ ngậm bồ hòn làm ngọt cho lành còn hơn.

Và để trốn tránh mẹ bắt sang gặp anh chồng tương lai nhiều thêm, Hiểu Phương không sang nhà Lan Hương được thì nghĩ trò bám theo cậu Tuấn. Ban đầu, cậu Tuấn nghi ngờ, khó hiểu, anh tưởng cô định giở trò gì còn định xua đuổi cô đi về nhà. Trước đây, Hiểu Phương đi học buổi sáng nên anh hay tự lang thang một mình, chiều cô ở nhà hai người mới gặp nhau. Bây giờ cô bám theo anh cả ngày trời, cậu Tuấn thấy hơi lạ nhưng rồi cũng kệ, được ở bên em càng nhiều thì càng vui chứ sao. Vậy là cả hai bắt đầu cùng nhau lang thang khắp những ngõ ngách, những con phố khắp Hà Nội nhỏ bé này trong tiết trời mùa hạ.

Cậu bạn người Liên Xô - Trịnh Khải hiện giờ đã chuyển vào ở căn nhà kia. Căn nhà thuê mà cậu Tuấn tìm cho đã cam kết, ký hợp đồng xong xuôi. Mấy ngày trước, Hiểu Phương thường xuyên cùng phụ giúp cậu Tuấn và anh Khải dọn dẹp lại căn nhà đó để chuẩn bị vào ở. Đó là một căn nhà hai tầng, to và đẹp, được sơn màu vàng và cửa sổ chớp màu xanh khá giống nhà của Hiểu Phương. Nhìn chung quy, đây là một căn nhà thuộc dạng cao cấp, vì dù sao gia đình nhà chị Hiền cho thuê kia trước đây cũng từng là một gia đình tư sản khá giả.

Anh Khải là một người cao lớn đến mức có thể khiến người ta thấy sờ sợ, nhưng thật sự anh là một người mà theo Hiểu Phương đánh giá thì khá dịu dàng, ấm áp. Khi Hiểu Phương và cậu Tuấn đến chơi sẽ bắt gặp anh đang tỉa lại lá cây, hay đang vẽ vời thiết kế gì đó, hoặc có thể là đang cắt hoa để cắm vào bình. Nhưng dù đang làm việc gì, anh Khải vẫn sẽ dừng tay khi thấy khách quý đến để đi pha cà phê, pha trà hoặc đơn giản chỉ là đi tìm mấy cái bánh bích quy mời Hiểu Phương ăn.

Trịnh Khải mới đến nơi đây, anh chưa quen với đồ ăn và con người lắm. Ngoài Hiểu Phương, cậu Tuấn và bác giúp việc hay đến giúp lau dọn nhà cửa, anh Khải chẳng nói chuyện với ai khác. Và dường như anh cũng không cố để kết nối với thế giới bên ngoài. Anh trầm mặc, tính tình hiền lành, thích ăn bánh bích quy khi uống cà phê và rất khéo tay, vẽ rất đẹp. Nhưng anh có vẻ rất cô đơn, sống trong một thế giới nhỏ của riêng mình và cách biệt với thế giới ngoài kia.

Hiểu Phương không rõ vì sao cô có cảm nhận như vậy, nhưng anh từ một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện thành phố lớn mà thôi việc, cắt đứt và bỏ lại tất cả ở phía sau để đến một đất nước xa lạ sống một mình. Chắc hẳn, ở cái thành phố gọi là "Xanh Pê-téc-bua" kia, Trịnh Khải đã phải trải qua một điều gì đó ghê gớm lắm.

Anh nói anh muốn nuôi một chú mèo, bác Thoa giúp việc bảo có mấy con mèo con, chừng nào chúng biết ăn cơm sẽ bắt một con tặng cho anh Khải nuôi. Hiểu Phương nghĩ như vậy cũng tốt, Trịnh Khải sẽ có một người bạn lông lá nhỏ sống cùng trong nhà thay vì cứ sống cô đơn ngày qua ngày.

Còn Văn Khuê, ban đầu, Hiểu Phương nghĩ anh về Hà Nội để thăm nhà tầm vài ba ngày rồi đi ngay nhưng Văn Khuê nói rằng anh sẽ ở lại Hà Nội tận cả tháng, Ngoài những lúc sang nhà chú thím thăm Hiểu Phương và cậu Tuấn, Văn Khuê sẽ dành nguyên cả ngày ở nơi phủ Chủ Tịch. Cô có hỏi thế nào cũng không nói rõ sự việc chuẩn bị xảy ra, anh chỉ ừ à cho qua rồi lảng qua chủ đề khác. Điều này cho thấy chắc sắp có một trận đánh lớn, hoặc một điều gì ghê gớm hơn, ví dụ như đánh bom.

Hiểu Phương càng tin vào suy đoán của cô hơn khi một buổi chiều mưa, ông Kỳ trở về nhà, lát sau Văn Khuê và bác Lương cũng đến. Mấy người ngồi phòng khách nói chuyện gì đó nghe căng thẳng lắm, thậm chí còn không cho ai đi ra đi vào lúc đó. Mãi đến khi ăn bữa tối cùng nhau, ông Kỳ mới nói:

"Hiểu Phương với Bích Khuê mai về quê ở với bà nội vài tuần nhé. Lâu lắm rồi hai đứa không về thăm bà, mà Hiểu Phương cũng sắp đi rồi thì về với bà tí. Sau này tao còn khó gặp mày, nói gì là bà nội!"

Nghe xong, Hiểu Phương đang ăn lập tức buông đũa xuống, liếc mắt qua cậu Tuấn, anh Khuê và cả cô em gái. Ai cũng giả bộ đang cắm cúi ăn, không để ý mọi người nói chuyện xung quanh mặc dù nhìn cái thái độ là đủ biết ai cũng đang hóng tai lên nghe.

Cái không khí lành lạnh của cơn mưa, tiếng bát đũa gõ lạch cạch vào nhau. Và hình như ai cũng đang chờ câu trả lời của cô là gì. Hiểu Phương thở hắt ra một hơi, cô gác đũa đặt trên miệng bát.

"Con về thăm bà được thôi! Nhưng chắc con về hai, ba ngày rồi về Hà Nội chứ không ở lại lâu như bố bảo được. Còn chuyện đám cưới, đám hỏi dưới này nữa..."

Ông Kỳ lập tức xua đi:

"Cái đó mày không cần quan tâm, việc lo cỗ cưới xin của người lớn làm, con nít quan tâm làm gì! Mẹ mày sẽ sắp xếp ổn thỏa với bên đó được hết. Mày chỉ cần về chơi với bà, khi nào xuống tổ chức đám hỏi, đám cưới rồi đi luôn!"

Con nít, đứa con nít mà ông Kỳ nói lại chính là cô con gái lớn chuẩn bị lấy chồng của ông đấy. Hiểu Phương cố phản bác nốt:

"Nhưng mà con là..."

Bà Liên lo sợ sẽ xảy ra tranh cãi trong gia đình, ngay lập tức bà ngắt lời con:

"Thôi không nhưng nhị, bố mày quyết như vậy rồi thì mày cứ nghe đi con! Cậu Khuê, mai cậu giúp thím đưa hai đứa nhỏ về nhé. Chú thím cũng có hơi nhiều việc ở đây nên không đi cùng được!"

Giờ mới đến lượt Văn Khuê bị nhắc, anh lớn đầu nhất chỗ mấy đứa thanh niên ngồi đây mà cứ hấp ta hấp tấp. Bị nhắc tên cái thì suýt sặc cả cơm, vội vã đặt đũa xuống, nuốt nốt miếng cơm trong miệng và gật đầu lia lịa.

"Dạ dạ, thế cũng được ạ, lâu rồi cháu cũng chưa về thăm bà."

Bà Liên gật đầu, mỉm cười:

"Được, cảm ơn cậu nhiều nhé!"

Sau đó, mọi người tiếp tục bữa cơm như chưa có gì khác lạ cả. Hiểu Phương thở dài chán nản về cái số phận của mình, cô quay sang trái định nhìn ra ngoài sân thì bắt gặp cậu Tuấn đang nhìn cô. Cô đang ấm ức trong lòng nên đột nhiên khó chịu, quay sang đổ cơn tức lên đầu cậu Tuấn. Nhưng chỉ dám rin rít nói nhỏ một cách lén lút, vụng trộm.

"Anh nhìn cái gì mà nhìn!"

Cậu Tuấn liếc cái nữa rồi không thèm nhìn. Anh quay mặt vào mâm, bê bát cơm lên và vào miệng, coi như đang mải ăn, không hề để người khác. Đối với Hiểu Phương mà nói, hành động này đang là tỏ ý khinh thường cô đây. Thế là cô đang tức lại càng tức hơn nữa.

Nhưng giây tiếp theo, cậu Tuấn ăn hết bát cơm của mình, anh đặt đũa trên miệng bát. Phát biểu một câu nghe rất rõ ràng, mạch lạc, không có phải lén lút hay vụng trộm như ai hết:

"Cháu đi cùng hai em được không ạ? Không có hai đứa, cháu cũng không biết đi với ai. Anh Khuê thì hay bận lo công chuyện, cũng không tiện làm phiền mấy!"

Ông Kỳ nhếch miệng cười, một nụ cười mà đến thằng bé Quang nhìn còn trông ra là rất méo mó và rất "giả". Ông đáp lời cậu Tuấn:

"Được, nếu cậu thích, chú cũng mời cả cậu về thăm quê nhà chú chơi. Nhưng chú nói trước, ở quê không bằng như trên Hà Nội đâu! Nếu cậu đồng ý thì tối chuẩn bị đồ, sáng mai anh Khuê lái xe đưa cậu đi cùng."

"Dạ vâng, cháu cảm ơn. Cháu thích đi đây đó mới lạ hơn, coi như là trải nghiệm để biết ạ!"

Cậu Tuấn cười cảm ơn một cách lịch sự, xong anh mới quay sang Hiểu Phương định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Bởi vì có lẽ là do lúc này, Hiểu Phương đang nhìn anh bằng ánh mắt khiếp đảm, kinh hoàng và có phần gì đó rất khó hiểu.

Kết thúc bữa tối, sau khi dọn dẹp xong xuôi, bác Lương và Văn Khuê đã ra về. Căn nhà lại trở về lối sinh hoạt một buổi tối bình thường. Ông Kỳ đọc phần báo buổi sáng chưa đọc xong. Bích Khuê thì trốn lủi trên phòng đọc truyện, hoặc có thể nó lại ngồi nghịch ngợm, cắt dán mấy cái giấy làm thủ công gì đó. Bà Liên sẽ ngồi đối diện chồng và khâu vá mấy cái áo cũ. Bà bảo tội nghiệp mấy đứa nhỏ con của cô Chi hay cô My gì đó ở xưởng may, nhà chúng nghèo mà bố đi chiến trường mấy năm rồi chưa thấy về. Bà tranh thủ mùa hè vá lại mấy thứ đồ cũ của hai chị em để mùa đông còn mang cho. Chà, nghe mà ấm lòng người, Hiểu Phương ước bố cô có được phần rưỡi tính cách ấm áp, yêu thương của mẹ cô thì hay phải biết!

Còn Hiểu Phương và cậu Tuấn, cũng như bao buổi tối khác, một là hai người lượn đi chơi, hai là ngồi cùng nhau trước ngõ cửa nhà. Thường thì sẽ là cậu Tuấn ra khỏi nhà trước, sau rồi đến Hiểu Phương. Hai người thống nhất làm vậy để tránh phụ huynh biết hai người hay đi với nhau. Thật ra Hiểu Phương cũng muốn hạn chế đi với cậu Tuấn lắm, vì gây hiểu nhầm thì sẽ không hay. Nhưng mà ông cậu trẻ này cứ kể lể ở nơi xứ người một mình cô đơn, quen mỗi cô để nói chuyện mà cứ cô đòi bỏ đi mãi làm người ta tủi thân này kia. Riết nhiều rồi Hiểu Phương bèn chấp nhận vậy, chứ công nhận để cậu Tuấn một mình cũng... hơi tội.

Hôm nay hai người lại lười, chả muốn đi đâu chơi. Thế là cùng nhau vạ vật trước ngõ cửa nhà, bẻ đôi chia nhau cái bánh bích quy rồi nói chuyện phiếm.

"Sao nãy anh lại xin bố tôi như vậy?"

Cậu Tuấn nhún vai:

"Tôi biết đâu, tôi tưởng cô lườm tôi là ý muốn bảo tôi là: khôn hồn thì mau đi cùng đi?"

"Anh bị hâm hay sao, tôi chỉ định nạt anh do anh nhìn tôi thôi!"

Cậu Tuấn bĩu môi:

"Gớm! Chị cũng muốn nạt tôi luôn!"

"Chứ sao? Anh nhìn cái mặt anh xem, có giống cái thằng lưu manh, giang hồ không?"

Trong giây lát, cậu Tuấn hơi ngỡ ngàng chút. Dù cô nói khá đúng nhưng người ta cũng biết đau lòng đấy. Ở quê nhà tốt nghiệp học viện quân sự bậc nhất, thành thạo tiếng nước ngoài, gia đình gốc gác quý tộc. Thế mà giờ qua đây bị so sánh với lưu manh, nói có tức không chứ?

Hiểu Phương thở dài, cô kệ cậu Tuấn, tiếp tục câu chuyện.

"Thôi bỏ đi, nhưng làm sao mà thế này được? Anh đi với bọn tôi, thế còn anh Khải thì sao?"

"Thì Trịnh Khải vẫn ở nhà của nó thôi. Sáng dậy uống cà phê và ăn bánh bích quy, tối đi ngủ. Ơ chứ cô muốn thế nào?"

Nhắc đến bánh bích quy, cậu Tuấn lại đưa miếng bánh trên tay lên cắn một miếng.

Còn Hiểu Phương, chưa bao giờ cô thấy cậu Tuấn đáng ghét như hôm nay.

"Anh ngốc thật hay giả vờ vậy?"

"Cả hai."

Hiểu Phương cười hừ một tiếng. Cô từ bỏ ý nghĩ cãi nhau với cậu Tuấn, dạo này anh cứ ngang như cua vậy.

"Tôi nói đùa. Trịnh Khải sẽ không sao đâu, nó hai mươi mấy tuổi đầu rồi tự biết chăm sóc cho bản thân mình chứ, còn có cả bác Thoa hay đến giúp việc nữa mà. Nếu như bây giờ không biết tự lo thì đến khi tôi đi rồi, Trịnh Khải sao sống nổi?"

Vừa dứt câu nói là cậu Tuấn nín bặt ngay, anh vừa lỡ hớ miệng nói một điều anh luôn cố lờ đi bấy lâu nay.

Nhưng may mắn là Hiểu Phương hình như không để ý, hoặc là có nhưng cố không quan tâm việc anh đi hay ở. Anh nín thở chờ đợi xem phản ứng của cô.

"Anh nói cũng phải, chắc anh Khải sẽ không sao đâu nhỉ? Anh nói vậy, tôi thấy yên tâm hơn rồi."

Cậu Tuấn thở phào, nhưng anh vẫn chưa chắc chắn rằng Hiểu Phương sẽ không để ý đến nửa câu sau nên anh vội nghĩ ra trò để đùa:

"Mà nhé, dạo này tôi thấy cô để ý anh Trịnh Khải của cô hơi nhiều đấy! Hết cười đùa nói chuyện rồi lại quan tâm sống chết."

"Thì sao? Đó là mức độ quan tâm bạn bè với nhau bình thường mà, anh Khải còn là người nước ngoài nên tôi lo anh ấy không thích ứng được thôi! Nhưng phải công nhận, anh ấy cũng rất ấm áp, tốt tính với khéo tay nữa. Thế nên anh Khải hoàn toàn xứng đáng để tôi quan tâm mà!"

Nói rồi, Hiểu Phương bỏ tọt nốt miếng bánh trên tay vào miệng, xong quay người đi vào nhà. Cậu Tuấn thấy thế cũng đi theo luôn, vừa đi vừa lải nhải:

"Tôi cũng là người nước ngoài mà? Tôi cũng tốt tính, ấm áp, khéo tay. Cô xem, tôi vặn vẹo, sửa sang, giúp đỡ cô bao nhiêu mà sao cô chẳng quan tâm tôi như thế?"

***

Sáng hôm sau, Văn Khuê lái con xe Volga màh đen oách xà lách đến trước ngõ làm cả phố lại một phen trầm trồ. Anh vào ăn bữa cơm trưa rồi mới đưa mấy đứa đi. Sau một buổi chiều đi đường mệt mỏi, cuối cùng cũng về đến nơi vào lúc chiều chập tối. Xe đi qua cánh đồng lúa là họ có thể nhìn thấy ngọn núi có ba chỏm nhô lên từ xa xa, thế là đã về đến nơi rồi. Còn một đoạn ngắn nữa từ ngoài làng để về nhà, một bên thì toàn ruộng với nhà cửa, một bên thì lại chỉ có sông nước. Bây giờ mới sáu giờ chiều mà bắt đầu mất điện hết rồi, nhưng nếu nhà nào có điện ở dãy này thì nhà đó là nhà của họ Phạm. Rất dễ hiểu thôi, nhà này có con cái làm cán bộ cao cấp trong Chính phủ, ưu tiên một tí cũng đáng nên người ta cho cái máy phát điện nhỏ xinh của Liên Xô để kéo ít điện về.

Cuối cùng cũng đã về đến căn nhà có điện duy nhất trong làng ấy, Văn Khuê đỗ xe ngay ngoài đầu ngõ và kêu mấy đứa em tự lấy đồ mang vào.

Cậu Tuấn dỡ hết đồ đạc sau cốp cho cả hai cô và của anh. Bích Khuê thấy thế hoảng cả hồn, đòi anh đưa cho cô đỡ giúp nhưng anh bảo kệ đi, bê được dăm ba cái túi đồ như này có là gì so với cái tạ hồi cậu Tuấn còn trong học viện.

Bà nội nghe tiếng í éo chuyện trò mới chạy lật đật ra sân đón mấy cục vàng của bà đi xa bao lâu, nay mới chịu về. Bà mừng lắm, bà kéo chúng xuống, thơm cho mỗi đứa vào má một phát vào má. Hiểu Phương đang tính giới thiệu Anh Tuấn nhưng nội lại giơ tay ra hiệu nó dừng. Bà nói bà biết cả rồi, có cái gì mà bố chúng mày không kể cho tao đâu mà còn bày đặt giới với chả thiệu. Cậu Tuấn thấy thế thì cười, khẽ cúi đầu chào bà, bà cũng chào lại. Vậy là hoàn tất thủ tục làm quen, người Việt như vậy đấy. Ai cũng thân thiên và rất dễ làm quen làm thân, trừ cô cả Hiểu Phương ra thì cậu Tuấn thấy ai cũng vậy, bảo sao anh không thích nơi đây cho được cơ chứ?

"Phương với Văn Khuê lâu nay không về mà chúng bây thay đổi quá, bà chả nhận ra mất đấy! Hai đứa rắn rỏi, khôn ngoan, giỏi giang vầy bà vui rồi. Thằng Khuê đừng đi vội làm gì con, mới sáu giờ thôi. Vào làm bát cơm, thắp cho ông nội mày nén hương đã rồi hãy đi!"

Văn Khuê liếc cô em gái tỏ ý hỏi xem nên làm như nào, Hiểu Phương gật nhẹ ba cái như vậy thì có nghĩa là anh nên vào nhà ăn cơm thật.

Văn Khuê bèn miễn cưỡng nghe theo:

"Vâng vậy cũng được bà ạ, nhưng con không ở lại tối nay được đâu! Mai người ta gọi lên phủ Chủ tịch tiếp nhận công việc nên trong đêm nay con phải về Hà Nội luôn. Con mà cúp việc, bố đánh chết mất bà ạ!"

Bà nội nghe xong mặt nhăn nhó, các nếp nhăn đổ xô lên nhau nhưng bà cười một cách lém lình, bà phát yêu một cái vào tay Văn Khuê:

"Tao đẻ ra bố mày, nó mà đánh mày tao đuổi khỏi nhà! Thôi vào ăn đi con, cả cậu gì đây nữa, cơm nước bà chuẩn bị hết rồi khỏi lo gì hết. Trước khi vào đóng cho bà cái cổng nhé, nghe chửa thằng Khuê?"

Văn Khuê gật đầu, cười nói vâng dạ với bà cho đến khi bóng già lom khom đã đi sâu vào trong nhà. Sau khi bà đi vào, Văn Khuê mới thở phào, anh đi đóng cổng, xong sau đó vào nhà.

Bữa cơm hôm nay đầy đủ hơn bình thường nhiều. Trứng rán, thịt băm sốt cà chua, tép rang, canh bí nấu nước luộc thịt. Hiểu Phương, Bích Khuê và Văn Khuê nhìn nhau, chúng nó hỏi khéo:

"Bà ơi, bà nấu nhiều thịt vậy làm sao đủ ăn trong tháng. Sáu cân thì sáu cân nhưng chỗ thịt này cũng phải hai cân thịt rồi... hay là nội..."

Bà dừng đũa, trả lời chúng nó:

"À biết hôm nay chúng mày về nên bà đãi một bữa thôi mà, chúng mày ăn đi nghĩ ngợi làm gì! Mày cứ làm như cái nhà này thiếu ăn thiếu mặc không bằng."

Văn Khuê quay sang thì thầm với Hiểu Phương:

"Chỗ thịt này phải đổi bằng vài ba phiếu gạo với phiếu rau mất mày ạ!"

"Em biết chứ, thôi anh kệ nội đi. Bà nói thật đấy, bà có bị thiếu phiếu ăn bao giờ đâu, anh cứ lo quá!"

À ờ, cũng phải. Văn Khuê quên mất, nhà có cái ô tô mà còn bày trò lo lắng chuyện ăn uống, đúng là rảnh quá mà.

Hết bữa ăn, bà lại tranh rửa bát một mình không cho đứa nào rớ tay vào. Thế là Bích Khuê với cậu Tuấn lại đành đi sửa soạn, dọn đống đồ nãy mang về. Còn Hiểu Phương và Văn Khuê ra trước bàn thờ, thắp cho ông nội với tổ tiên nén nhang. Hai người cầm nén nhang, lạy ba lạy rồi nhắm mắt và lầm bầm điều gì đó. Xong xuôi, hai đứa ra sân ngồi trên thềm nhà, Văn Khuê ngồi đó mà tung hứng chùm chìa khóa xe, Hiểu Phương thì xem ông anh mình ngồi làm trò.

"Nãy anh cầu cái gì với ông nội vậy?"

"À, anh ước công việc thuận lợi, miền Nam sớm được giải phóng, hoặc bọn Mỹ sẽ thôi tấn công miền Bắc, nhất là Hà Nội nữa. Lính thủy chiến của Mỹ vào Việt Nam rồi, bọn này ác lắm..."

Hiểu Phương nhíu mày:

"Vậy hả...Toàn công việc không đó?"

Văn Khuê chụp lấy chùm chìa khóa và cất vào trong túi quần.

"Không, tao còn ước một điều nữa."

"Gì thế? Ước sớm cưới được vợ à?"

Nghe xong, Văn Khuê bật cười ha hả, anh nhẹ nhàng vỗ đầu Hiểu Phương:

"Không, tao chả có cầu nhu dựng vợ gả chồng nếu như đất nước chưa thống nhất. Cái anh mày ước là cho mày cơ, anh ước mày sẽ có cuộc sống hạnh phúc về sau!"

Hiểu Phương im lặng, cô nhìn Văn Khuê. Không phải anh em ruột thịt gì chỉ là anh em họ thôi mà sao Văn Khuê thương cô quá vậy, hay lời anh nói có ẩn ý gì chứ...

Hai người Văn Khuê và Hiểu Phương sống với nhau từ bé, anh thừa biết cô đang nghĩ gì nên trả lời luôn:

"Anh cũng không biết sao anh lại ước vậy cho mày, anh thấy thương mày quá! Đến khi lễ ăn hỏi của bọn mày diễn ra thì anh lại phải về Sài Gòn rồi nên anh chả can thiệp được gì. Nhưng anh nói thật, anh không thấy tình yêu của thằng đó dành cho mày trong ánh mắt, anh chỉ thấy mày trong mắt nó là một cơ hội để có quyền lực, danh vọng, để nó được đổi đời lên tiên. Đã thế lại còn đi tòm tem bên ngoài. Anh nghĩ mày nên xem xét lại cuộc hôn nhân này, đừng bỏ lỡ cả đời mình và người phù hợp hơn chỉ vì một quyết định sai lầm của tuổi trẻ."

Hiểu Phương im lặng, cô không dám nhìn thẳng vào Văn Khuê. Ban nãy, Hiểu Phương cũng đã ước rằng, nó và Nghĩa sẽ không cưới nhau nữa. Thì ra không phải chỉ mỗi Bích Khuê, Lan Hương và cậu Tuấn thấy được Nghĩa chả thương yêu gì Hiểu Phương. Văn Khuê cũng thấy điều đó, dù anh mới chỉ gặp Nghĩa vào lễ dạm ngõ bữa hôm trước.

Nhưng vấn đề là ông Kỳ sẽ không bao giờ đồng ý một việc mất mặt như vậy. Hiểu Phương chỉ đang hy vọng cho có, chứ cô nào làm được gì để thay đổi số mệnh.

"Theo anh, tốt nhất mày nên hủy hôn. Trước khi thằng bé đó phá nát cuộc đời mày."


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật