Tập làm văn

Sang thu



Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trên đất nước ta, mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng và sự quyến rũ kì diệu riêng. Trong đó mùa xuân và mùa thu hấp dẫn các thi nhân hơn cả. Nếu mùa xuân đem đến cho con người sự hăm hở, náo nức thì mùa thu mang đến sự mát mẻ và nguồn thi hứng sáng tác. Nhiều thi sĩ đã thành công khi viết về đề tài này như: Nguyễn Khuyến, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu...Nhưng ấn tượng nhất là bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh. Bài thơ được viết vào gần cuối năm 1977, in trong tập "Từ chiến hào đến thành phố". Tác phẩm thể hiện sự chuyển biến nhẹ nhàng như rõ rệt của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu để từ đó tác giả kín đáo bộc lộ tâm trạng và những suy niệm của mình về cuộc đời của con người.

Trong các bài thơ cổ điển của cá thi sĩ đặc trưng của mùa thu là lá vàng rơi, là bầu trời xanh thẳm nhưng đối với Hữu Thỉnh, ông có những cảm nhận rất riêng và độc đáo về tín hiệu đặc trưng của một vùng nông thôn miền Bắc:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se"

Mở đầu bài thơ từ "bỗng" thể hiện sự bất ngờ, đột ngột một sự cảm nhận bất ngờ từ khứu giác, "hương ổi" làm đánh thức tâm hồn. Hương vị đặc trưng của quê nhà mộc mạc, dân dã chợt làm tác già xao lòng, gợi nhớ gợi thương trong tác giả. Mùi hương ấm nồng, đậm đặc ấy được gió đưa trong không gian cứ lan tỏa, "phả vào trong gió se". Mùa thu đất Bắc đã chớm lạnh, gió "se" lại, lạnh và khô, "phả" vào lòng người được tác giả cảm nhận qua xúc giác. Cảm nhận tiếp theo của tác giả là thị giác qua hình ảnh sương được nhân hóa, chứa đầy tâm trạng:

"Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

Nhịp điệu của thời, niềm lưu luyến tiếc nuối bâng khuâng của mùa hạ như đọng lại trong hai chữ "chùng chình". Sương qua ngõ chùng chình như cố ý chậm hơn để kéo dài thới gian. Cái "ngõ" mà sương theo gió đang ngập ngừng đi vừa là cái ngõ xóm thực, vừa là ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Cảm nhận tinh tế của nhà thơ đã phát hiện được vẻ đẹp rất riêng, rất duyên của mùa thu để rồi xao xuyến: "Hình như thu đã về". Hai chữ "hình như" vừa như một lời thầm hỏi vừa mang ý nghĩa khẳng định. Một chút ngỡ ngàng, một chút bâng khuâng man mác, không thật rõ ràng chưa dám tin, chưa dám đối diện với mùa thu. Âm điệu của đoạn thơ nhẹ nhàng, thể hiện tâm trạng của thời điểm giao mùa của tác giả.

Không gian mùa thu ở khổ một dừng lại ở "ngõ" hẹp thì sang khổ 2 bức tranh mùa thu được mở ra ở chiều cao, độ rộng của bầu trởi và dòng sông. Bức tranh thu từ không gian vô hình đã nhường chỗ cho những gì cụ thể với những sắc thái thay đổi của sự vật:

"Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vả

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu"

Dòng sông sau những ngày mệt mỏi vì phải chảy cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp trong những ngày mưa lũ mùa hạ đã thong thả, ung dung trôi thật chậm gợi vẻ êm đềm, dịu dàng. Khác với sông, những đàn chim vội vã bay về phương Nam và làm tổ để tránh những ngày đông rét mướt. Từ láy "vội vã" rất đẹp với từ "bắt đầu", tất cả chỉ mới bắt đầu chứ chưa gấp rút. Cho nên không khí vẫn thư thái, lắng đọng và chậm rãi. Đó cũng là những dấu hiệu rất thực về mùa thu. Hình ảnh "đám mây mùa hạ" là một phát hiện khá thú vị của tác giả. Nếu như "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến đã viết:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,..."

Thì Hữu Thỉnh điểm vào bức tranh thu hình ảnh nhân hóa "đám mây mùa hạ" "vắt nửa mình sang thu" . Qua cách tu từ nhân hóa với nhiều liên tưởng, đám mây mùa hạ như tấm lụa mền mại, thảnh thơi và duyên dáng vắt lưng chừng giữa cuối hạ và đầu thu. Mà ta cũng có thể nghĩ là cuối hạ và đầu thu là hai đầu bờ bến và đám mây là nhịp cầu bắc ngang. Nhịp cầu thật duyên dáng nối hai đầu bờ bến thời gian bằng vẻ đẹp mền mại, trữ tình của mình mà đến một lúc nào đó ta thấy ngỡ ngàng. Nếu như ở khổ 1, thu chỉ là một sự mơ hồ, hư hư thực thực thì ở khổ này, thu đã về rất dịu dàng, rất nhẹ. Cả đất trời như đang chuyển mình thay áo mới, đám mây đã "vắt nửa mình sang thu", đó là sự vận động nhẹ nhàng, tinh tế và không làm mất đi thần thái rất trong và rất tĩnh của mùa thu. Mùa thu đến thật rồi! Âm điệu cùa đoạn thơ nhẹ nhàng, trầm lắngh tạo nên bức tranh thu thư thái, lắng đọng và lâng lâng.

Hai khổ thơ thật đẹp về mặt tạo hình và thật tinh tế trong cảm nhận. Qua đó nhà thơ đã dựng lại bức tranh thu nồng đượm hơi ấm của cuộc sống, của quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà thật ươi tắn, sống động. Với những từ láy " chùng chình", "vội vã" ... rất riêng, và giọng thơ vừa ngỡ ngàng lại vừa vui sướng, Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.

Vẻ đẹp của mùa thu ở khổ thơ cuối được tác giả khẳng định bằng suy ngẫm và kinh nghiệm chứ không phải do cảm nhận trực tiếp:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi."

Vẫn là mưa, nắng, sấm, chớp như mùa hạ, vẫn còn sức sống của mùa hạ nhưng đã ở cuối mùa, chúng đã đổi khác. Nắng đã nhạt dần, không còn chói chang và gay gắt. Mưa đã vơi dần, nhất là những trận mưa dông mưa rào ồ ạt. Những từ ngữ "vẫn còn", "vơi dần", "cũng bớt" thể hiện sự đón nhận bằng kinh nghiệm, gợi ra các hiện tượng đang dần đi vào thế ổn định của mùa thu, thể hiện mùa thu đang dần lắng đọng vào trong suy tư.

Bài thơ khép lại với hình ảnh "sấm" và "hàng cây đứng tuổi" vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, gợi ra những suy nghĩ thăng trầm. Cuối hạ- đầu thu, khi đã không còn những cơn mưa xối xả thì tiếng sấm cũng bớt dữ dội và hàng cây già cũng không còn bị bất ngờ, giật mình bởi tiếng sấm nữa. "Nắng", "mưa", "sấm" là những hiện tượng, những biến động của thiên nhiên còn có ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Hình ảnh "cây đứng tuổi" gợi ra một thế giới khác, thế giới "sang thu" của hồn con người. Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét, bão giông phải chăng biểu trưng rằng khi con người ta đã từng trải, chín chắn và điểm tĩnh thì cũng vững vàng, điềm tĩnh hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh? Bài thơ là sự biến đổi của đất trời ở khúc giao mùa hay là sự ngập ngừng, dùng dằng của một tâm hồn, một cuộc đời trong buổi giao thời khi bắt đầu "sang thu"? Hai câu thơ với bút pháp ẩn dụ được vận dụng tài tình và khéo léo chất chứa những suy nghiệm về con người và cuộc sống.

Cấu trúc thơ theo một trình tự hợp lí, cũng là diễn biến mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong buổi giao thời "sang thu". Từ chỗ ngỡ ngàng, chưa thật dứt khoát đến chấp nhận "sang thu" cũng đủ cho ta thấy sự dùng dằng của tâm tư trước sự dùng dằng của tâm tư trước sự biến thiên của thời gian.

Bài thơ như đưa ta về với khung cảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam, gieo vào tâm hồn ta những cảm xúc nhẹ nhàng, cho ta một chốn bình yên giữa phồn hoa đô hội. Khoảnh khắc thu được Hữu Thỉnh miêu tả thật bình dị với nguồn cảm hứng không bao giờ với trước thiên nhiên, cuộc sống của tác giả. Bài thơ chính là sự cưỡng lại, níu kéo thời gian, một sự dùng dằng khó tả.

Với thể thơ 5 chữ mộc mạc, âm điệu trầm lắng, lời thơ bình dị mà tinh tế, hình ảnh thiên nhiên đẹp giản dị, giàu sức liên tưởng, đặc biệt cách cảm nhận mới mẻ, tinh tế, "sang thu"có một cốt cách riêng: vừa cổ điển, vừa hiện đại. Tác giả không sa vào cách miêu tả ước lệ, khuôn sáo mà bằng những cảm nhận tinh tế hình ảnh mùa thu đã được khắc họa rõ. Nhờ đó ta cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên độc đáo giàu sức biểu cảm về thời điểm giao mùa và một tâm hồn giàu cảm xúc, giàu tình yêu thiên nhiên của Hữu Thỉnh.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật