Hồi ký chiến tranh - Một thời máu và hoa (Phần 2)

Kỳ 8 - Hồi ký bác Trongc6




... Ngày này nhiều năm trước...

Cả Trung đoàn hành quân bằng xe ô tô suốt từ Đức lập, qua Sông Bé vào Bình Dương. Khí thế hừng hực. Chỉ có quân vào mà không có quân ra.

Xe GMC lấy được của địch tại Cheo-reo ê chề. Ban hậu cần Trung đoàn hỏi xuống các đại đội bộ binh: có đồng chí nào biết lái xe?

Tất nhiên là biết lái chứ không phải là lái xe, vì lái xe đâu có ở bộ binh. Tất cả những thằng biết lái xe đều được điều lên trung đoàn. Thằng Nhàn (Nam Hà) ở C tôi cũng lên. Không biết nó tập tọng học ở đâu mà cũng biết các động tác nổ máy, cài số, đạp ga, vặn Vo-lăng. Có lẽ nó chưa được lái xe tới nghìn mét. Không hề gì. Lên Trung đoàn tập huấn cấp tốc 1 ngày, nó cũng được giao 1 cái xe tải GMC để chở quân. Mỗi B bộ binh lên một xe. Mấy năm hành quân bộ rạc cẳng, nay được leo lên xe hành quân cơ giới sướng quá còn gì. Trung đoàn sắp xếp xen kẽ các tay lái, chạy trong đội hình, tốc độ chậm, lại chạy thẳng ban ngày, trong chúng tôi chỉ thấy sướng chứ không thấy sợ. Thế mà suốt mấy chặng đường dài, cả mấy chục xe chở cả Trung đoàn chẳng gặp sự cố gì.

Qua nhiều vùng thấy bạt ngàn đồn điền caosu. Nhìn những hàng cây thẳng tắp rất sướng mắt. Các trạm nghỉ cũng trong rừng caosu. Nhưng thú thật là mắc võng trong rừng caosu không khoái bằng ở rừng. Cây mọc cách nhau xa quá, lại thấy cứ thông thống thế nào ấy. Nhìn phía nào cũng thấy lính, chỉ sợ mỗi chuyện địch nó phát hiện dội bom cho một trận thì khiêng nhau mệt. Nhưng có vẻ tình hình chiến trường bây giờ đang đổi khác. Suốt mấy ngày hành quân truy kích địch trên đường 7b từ Cheo-reo về đồng bằng Phú yên non tháng trước có thấy cái máy bay nào của địch đâu.

Ngày 18/4 đã vào đến Bình Dương. Rừng lưa thưa. Chỗ này chắc cách xa địch. Đơn vị được bổ xung thêm tân binh. Lính mới nghe chuyện lính cũ vừa qua vài trận trong chiến dịch Tây Nguyên, thấy háo hức lắm, hăm hở chờ ra trận. Nhưng còn phải học chiến thuật đã. Lính cũ cũng phải học, vì chúng tôi đánh trong thành phố còn lớ ngớ lắm. Trận đánh Thị xã Tuy Hòa là trận đầu tiên trung đoàn đánh trong thành phố. Xung lực AK và M79 bắn không có vấn đề gì. Chúng tôi cứ nép dọc tường, hoặc tụt vào cửa nhà dân rồi lại thò ra bắn. Chỉ có B40 và B41 là có vấn đề. Lúc Đại đội vượt qua Nhạn Tháp đánh vòng sang đường Trần Hưng Đạo hướng ra biển thì vấp phải địch trụ lại chống cự. Đánh nhau trên mặt phố thì địch bị đẩy lùi dần. Khi vào đến gần bệnh viện (Tôi không nhớ Bệnh viện gì, nhưng chắc bệnh viện quân đội của VNCH, vì lúc làm chủ vào trong chỉ thấy toàn thương binh địch). Bọn địch trụ cả trên những căn nhà tầng 2, thò cả Rocket66 ra bắn vào đội hình đơn vị. Lính ta cũng điên tiết chổng B40, B41 lên bắn trả. Mấy thằng đứng xa chỉ bị tạt lửa nhẹ. Thằng Dung B tôi đứng gần quá, góc bắn cao nên khi quả B40 của nó nổ trúng một cửa sổ thì cu cậu cũng ngã lăn ra vì hơi lửa tạt làm xém cả quần và bắp chận. Nó nằm lăn ra giãy giụa. Thế là nó trở thành thương binh và đây cũng là trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến tranh của nó.

Chính vì thế, lính cũ và mới đều phải tập hết. Ai cũng phải tập bắn B40 để lúc chiến đấu còn có thể thay thế. Chúng tôi làm những cái chòi cao giả làm nhà gác hai tầng, rồi tập ngắm bắn. Quan sát góc nâng của súng khi bắn để tập thói quen nhìn khoảng cách. Có nghĩa là chỉ được bắn xa ở cự ly nào đó thôi, tập nhìn cho quen.

Được cái ăn uống lúc này quá no đủ. Tụi lính mới bổ xung được ăn sướng vậy nên không tin rằng các anh lính cũ ngày trước nhiều tháng đói vàng mắt, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn (Cái đói nó làm suy nghĩ con người nhiều lúc thấp kém thế đấy. Hạnh phúc mong ước nhiều khi chỉ là cả tiểu đội được một khúc dồi voi và nồi cơm đầy). Khoái cái nữa là ngay cạnh thao trường tạm ấy có một con suối nhỏ, rộng chỉ hơn 2 mét nhưng nước trong veo, mát vô cùng.

Đêm 25/4,cả Tiểu đoàn chuyển quân. Du kích Củ chi dẫn chúng tôi về địa bàn của họ... 


... Cái địa đạo Củ Chi chủ yếu dùng trong thời còn Mỹ. Tụi Mỹ càn phá ghê quá, muốn bám trụ nên phải đào địa đạo. Rồi cũng lại phải sống luôn trong địa đạo vì tụi Mỹ thường càn bất thình lình. Sau 1973 thì không còn phải sống trong địa đạo nữa. Tụi lính VNCH cũng kiềng mặt khu vùng ven này.

Cả Tiểu đoàn chúng tôi được vào thẳng một thôn. Bây giờ cũng chẳng còn nhớ cụ thể là thôn gì, chỉ biết nơi đó thuộc Củ Chi. Mỗi C về một xóm. Một B trú tại hai nhà dân liền nhau. Chỉ có BCH đại đội được vào nhà, còn lính tráng ở tất ngoài sân vườn. Trải nilon mà nằm chứ không mắc được võng. Vùng này an toàn nên du kích đi lại trên đường thôn đàng hoàng. Chúng tôi nghỉ là chính chứ không phải tập tành gì. Tất cả các cơ số đạn được bổ sung tại chỗ. Các B tổ chức lau súng đạn, gói thủ pháo và bộc phá, chủ yếu là bộc phá ống để phá hàng rào. Lúc này chúng tôi cũng chỉ đoán là sẽ đánh cứ điểm chứ cũng chưa biết sẽ đánh nơi nào.

Ngày hôm sau, chúng tôi được phép đi lại trong xóm, thuộc phạm vi của đại đội. Cuối xóm có một cái quán bán dưa hấu. Tôi dẫn cả B hơn chục người đến đó. Lần đầu tiên sau mấy năm, chúng tôi tiếp xúc và giao dịch với dân bằng tiền. Chả là tôi có tờ 1000 đồng miền Nam.

Nguyên do là ngay chiều 1/4 hôm đánh Tuy Hòa, lúc một tổ 3 người chúng tôi đang làm nhiệm vụ tảo thanh thì có 2 ông nhóc địa phương xán đến. Chúng chỉ độ 13,14 tuổi, Chúng nó líu ríu kéo chúng tôi đi theo. Một lúc sau mới biết không phải chúng nó chỉ chỗ nấp của tàn quân, mà là chúng dẫn chúng tôi đến một nơi gần như một chi nhánh ngân hàng gì đó. Đã có nhiều người dân tụ tập ở đó. Chả hiểu mô tê gì, một thằng bọn tôi cũng chiều ý họ, ra oai và nổ mấy phát AK phá tung cửa. Đám dân ùa vào. Rồi họ lại ùa ra cho một thằng nhóc tiến vào trong. Nó nhanh nhẹn lôi ở đâu đó một quả US cài vào cái tủ và rút chốt rồi lăn ra nấp. chúng tôi cũng chúi vào một góc khuất. Lựu đạn nổ xong mới thấy bay tung tóe ra cơ man nào là tiền. Đám dân xô vào cướp. Chúng tôi cũng ngẩn người ra như bò đội nón. Mãi đến lúc dân chạy hết, rồi một thằng bé dúi vào tay tôi một tờ tiền trước khi lủi mất, thì ba chúng tôi mới chợt nhận ra là mình vừa tham gia thụ động vào một vụ cướp nhà băng. Lại giật mình nhớ lại động tác cài lựu đạn của thằng bé lúc nãy. Sao nó thành thạo thế và không hiểu nó lấy đâu ra quả lựu đạn. Mất cảnh giác quá, may mà không ai bị sao.

Tôi đã cất cái tờ tiền mệnh giá 1000 đồng có in hình ông Trần Hưng Đạo ấy vào túi định giữ làm kỷ niệm. Bây giờ lính tráng muốn ăn dưa hấu, dân lại không cho như trên vùng đồng bào dân tộc thì mới chợt nhớ đến cái tờ 1000 đ ấy. Tôi đưa tờ tiền ra, mới biết là giá trị nó quá to vì cô bán hàng nói là cả bọn chúng tôi cũng không thể ăn hết được dưa ứng với tờ tiền ấy. Đúng thế thật. Chúng tôi ăn chán chê, cuối cùng chỉ hết có 300đ, còn được trả lại 700đ.

Suốt cả ngày hôm 27/4 tôi đã quan sát ngôi nhà nhỏ nằm kế bên nhà B tôi trú nhờ. Nhà có 4 mẹ con. Đứa con gái lớn 14 tuổi, còn hai đứa em còn bé, một trai một gái. Đôi lần trong ngày, đứa con gái đi qua sân của ngôi nhà tôi trú. Tôi chú ý đến khuôn mặt trái xoan với vẻ đẹp buồn của nó. Phải thú thật rằng tôi đã hành quân qua nhiều làng quê đất Bắc, nhiều đợt phải đi tiền trạm liên hệ nơi nghỉ đêm cho đơn vị. Chúng tôi xin nhờ dân từ nếp nhà trú đêm, nước tắm giặt, thậm chí cả củi rạ nấu cơm. Đa phần các làng không còn thanh niên. Họ cũng ra chiến trường như chúng tôi. Trong làng chỉ có phụ nữ, người già và trẻ em. Giúp đỡ bộ đội lúc đầu chủ yếu là dân quân nữ. Nhưng tôi đặc biệt thích các em gái 14 tuổi. Các bạn CCB hãy nhớ lại xem, thuở ấy của các bạn ra sao. Ngẫm một chút đi sẽ hiểu tại sao lại thế. Nhờ quen các cô bé 14 tuổi, tôi luôn nắm nhanh được tình hình trong thôn và hỏi được các nhà đồng ý cho bộ đội nghỉ nhờ chỉ trong một vòng lượn.

Bây giờ tôi không còn nhớ tên cô bé 14 tuổi đất Củ chi ấy, nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt to, đẹp và đượm buồn của em. Một chút gì xao xuyến. Nhưng tình cảm đó là trong sáng, đừng ai hiểu lầm gì. Rồi tôi biết tại sao mắt cô bé đượm buồn. Ba cô là một người lính cộng hòa chết trận. Mẹ cô đang ốm. Thật lạ lùng là giữa cái mảnh đất "Củ Chi đất thép" ấy tưởng chỉ toàn có quân ta, thế mà vẫn có người đi lính cộng hòa. Có thể đó là lý do khiến du kích địa phương không cho chúng tôi vào ở nhờ nhà đó. Rồi tôi biết nhà cô bé đang hết gạo ăn, chỉ toàn ăn cháo. Tôi là người đa cảm, hay chạnh lòng trước cảnh khó của người khác, nên cứ thấy day dứt.

9 giờ tối 27/4, đơn vị báo động hành quân ra trận. Tranh thủ lúc í ới tập hợp, tôi kéo nhanh thằng Sai (dân Hà Bắc) cùng B chạy sang nhà cô bé 14 tuổi. Mấy đứa trẻ vẫn thức bên ngọn đèn dầu cạnh người mẹ ốm. Tôi dúi vào tay cô bé 700đ tiền ăn dưa còn hôm trước và bảo thằng Sai cùng tụt nhanh hai ruột tượng gạo (mỗi cái 7 ký) của 2 đứa xuống. Tôi nói nhanh: "Các chú cho gia đình cháu, thôi đừng nói gì cả", rồi hai thằng tôi chạy nhanh ra chỗ tập hợp. Thấy thằng Sai hơi thắc mắc, tôi bảo: "Nhà đó toàn con nít, má nó ốm. Đừng lo chuyện gạo. Nếu thành tử sĩ thì tao với mày có còn ăn được đâu. Còn nếu thắng, lấy gạo của địch, lo gì". Tôi thường hay có quyết định đột xuất, quyết đoán và liều lĩnh như thế đấy. Chuyện được giấu kín. Sau trận đánh mấy hôm sau, đồ lấy của địch thừa mứa, còn ai hơi đâu lo chuyện gạo ta hay gạo địch.

Nhưng đêm đóvẫn chỉ là báo động giả. Hành quân đi ra ngoài thôn độ ngàn mét, dừng lại nghỉmột tiếng cho nó có khí thế rồi lại quay về. Hôm sau (28/4) mới là một ngày bậnrộn thật sự chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của Trung đoàn... 


... Suốt ngày 28/4, chúng tôi tập trung chuẩn bị lần cuối cùng. Mỗi người lính viết tên, đơn vị và quê quán của mình vào một tờ giấy rồi cho vào túi nilon cất nơi túi áo ngực. Ai hy sinh hay bị thương cứ nằm lại, sẽ có du kích địa phương giải quyết, còn đơn vị cứ tiến. Chúng tôi được phổ biến là toàn sư sẽ đánh căn cứ Đồng Dù của sư 5 VNVH. Đây là trận đánh quan trọng cho một hướng tấn công vào Sài Gòn của chiến dịch HCM. Cán bộ từ Trung đội trở lên được tập trung để nghe Tiểu đoàn phổ biến nhiệm vụ. Toàn Trung đoàn sẽ tập trung một mũi cửa mở, nhưng thực chất chỉ có một D chúng tôi với sự chi viện tối đa hỏa lực của E sẽ mở cửa đột phá. Một D khác nằm phía sau dự bị và đánh chặn viện binh. Một D làm công tác đảm bảo. Sẽ có 4 xe tăng T54 phối thuộc cho cửa mở của D tôi. Trong đội hình tiểu đoàn, C5 đi đầu làm nhiệm vụ chính là phá các lớp rào để mở cửa, C tôi sẽ phụ đánh cửa mở và chiếm lô-cốt đầu cầu. Vì thế ở C tôi, mỗi A chỉ mang theo 1 bộc phá ống. Tiểu đoàn trưởng phổ biến nhiệm vụ thông qua cái sơ đồ căn cứ vạch nguệch ngoạc trên nền bãi đất đầu thôn. Thú thực chúng tôi cũng chưa hình dung ra nổi cái căn cứ địch lớn thế nào. Ngay cả chuyện chúng có bao nhiêu quân trong đó, vũ khí ra sao cũng không được phổ biến rõ. Chỉ biết rằng cả sư cùng đánh căn cứ này trong cái thế của ta đang đà chiến thắng như chuyện đánh dọc miền Trung vừa qua, mỗi ngày ta giải phóng một tỉnh.

Đánh trong cái khí thế ấy thì không phải lo lắng bàn cãi gì cả. Sống chết đã có số. Nhưng cái thông tin căn cứ địch có tới 8 lớp hàng rào với chiều sâu hơn 200 mét, có cả hàng rào cũi lợn thì chúng tôi cũng đã hình dung ra mở cửa sẽ vất vả thế nào. Đơn vị chúng tôi đã nhiều lần đánh cứ điểm kiên cố, nhiều trận đánh cùng xe tăng, nhưng chưa khi nào gặp hàng rào cũi lợn, kinh nghiệm phá loại rào này chưa có. Chúng tôi ngầm hiểu và lường trước đánh căn cứ này sẽ khó thế nào. Thực tế xảy ra còn hơn sức chúng tôi tưởng tượng nữa cơ. Còn sống sót sau trận đánh thật quả là "may hơn khôn".

Cơm chiều xong, mỗi chúng tôi nhận một túi cơm kèm một ít thịt rang và chuẩn bị tiềm nhập. Trận này chúng tôi không có cả bao cát lẫn tre gỗ để vào trận làm công sự có nắp như hồi đánh địch trên Tây Nguyên. Ba-lô, súng đạn cá nhân mang theo hết. Có phải là điềm gở không, khi chỉ huy đơn vị yêu cầu tất cả chúng tôi đều phải mặc bộ quân phục mới vừa được phát bổ xung trước đó có mươi ngày?

Tầm chín giờ tối thì đơn vị xuất phát. Du kích Củ Chi và trinh sát dẫn đường. Ra khỏi thôn một đoạn thì bắt đầu toàn là trảng trống. Đêm không trăng nhưng không gian như sáng ửng lên nhờ những vùng sáng đô thị và khu cư dân phía xa. Đường bằng, người sau bám người trước đi rất dễ. Cuối cùng chúng tôi cũng đến một cánh rừng cao su. Lại rồng rắn đi qua rừng. Chợt bừng lên một vùng không gian rộng mênh mông khi vừa qua rừng cao su. Căn cứ Đồng Dù hiện ra choáng ngợp ngay trước mắt cách chúng tôi chỉ chừng bảy tám trăm mét. Nhìn rõ ánh điện sáng dọc rào căn cứ như những cột đèn đường trong cái sân bay Bạch Mai ở Hà Nội ngày tôi còn ở nhà. Ngay thẳng hướng chúng tôi có một cái chòi gác cao đến 15 mét có mắc đèn pha rọi sáng cả một vùng không gian trước căn cứ. Nhìn rõ cả những lớp hàng rào bao quanh căn cứ. Cảm giác rất lạ trào dâng. Cứ như đi đánh trận giả ấy. Tưởng thằng địch ngồi trên chòi gác cũng thấy rõ chúng tôi, hóa ra không phải. Từ vùng sáng nhìn ra rừng cao su chắc cũng chỉ thấy lờ mờ. Chính vì thế toàn bộ C5 và các đơn vị hỏa lực của D, của E lọt vào sát trong cả hai lớp hàng rào để đào công sự mà địch vẫn không biết.

Đại đội tôitriển khai phía sau ngoài hàng rào, cách các lô-cốt địch cũng phải gần 300 mét.Đất thịt pha cát, đã qua vài cơn mưa đầu mùa nên rất mềm. Chỉ chừng nửa tiếng,mỗi chúng tôi đã đào xong công sự cho mình. Thực chất chỉ là những cái hố cánhân. Vì là bãi đất trống nên phía trước không được vun cao đất, chỉ đắp mộtquầng đất lùm lùm lên một chút làm vật che đỡ. Lạ cái là cả mấy trăm con ngườiđào công sự rào rào như vậy mà địch vẫn không hay biết gì. Đào xong hầm vẫn cònrất sớm. Không thể ngủ, nhưng cái cảm giác bình yên lớn đến nỗi chúng tôi thoảimái nằm dài ra trên đất ngửa mặt nhìn trời đêm. Không gian mát mẻ, cảm giác nhưđêm hè nghịch ngợm kéo nhau ra bãi tha ma dọa nhau chán rồi ngủ quên ngoài đó 


... Trời sáng dần. Cái ánh sáng của ngọn đèn pha trở nên vàng nhạt yếu ớt, nhòa dần trong không gian. Chúng tôi đã nhìn rõ bóng một tên lính đứng trong cái chòi trên cao, nhưng chắc nó cũng chưa phát hiện ra cái gì ở bãi đất trước mặt trong cảnh còn tranh tối tranh sáng thế này. Trời sáng hơn chút nữa thì có một tên lính khác lên thay gác. Thằng kia đã tụt xuống quá nửa chòi.

5 giờ sáng.

Đúng cái giờ nổ súng truyền thống quen thuộc của đơn vị rồi. Một vài tiếng đề-pa phía xa rồi nghe tiếng gió vút xoẹt qua đầu và tiếng pháo nổ sập vào trong căn cứ. Phía trong khu hàng rào trước mặt bừng lên chớp sáng nhòa mắt, cùng tiếng nổ rầm trời của loạt mìn định hướng C5 đánh hàng rào. Rồi chớp lửa liên tiếp và tiếng nổ rộ lên cả vùng không gian trong khu hàng rào. Hỏa lực các loại tại chỗ của E đã khai hỏa. Tôi nhìn rõ một trái đạn DK nổ trúng cái ống đèn pha khiến nó tắt ngóm. Phát DK thứ hai nện đúng cái chòi cao có tên lính gác, cả cái chòi vỡ tung ra. Lại nhìn rõ tên lính đổi gác đang tụt phía dưới buông tay nhào luôn xuống đất. Rồi cối pháo mù trời, cả pháo to và H12 của Sư đoàn và mặt trận xoèn xoẹt bay vào nổ tung trong căn cứ, lẫn các loại cối pháo của E cấp tập nện vào khu đầu cầu. Từ phía sau nghe tiếng nổ nhằng vào nhau nhưng rất rành mạch, phân biệt rõ từng loại đạn. Tôi nhoài người nhô cao hẳn khỏi mặt đất quan sát, lúc ấy thật hệt như xem phim vậy. Đây là lần thứ hai tôi thấy tiếc là bên cạnh mình không có tay phóng viên hay quay phim quân đội nào để ghi hình lại. Sẽ là những thước phim thật và vô giá. Các hỏa lực cá nhân như B40, B41 hay cối M79 của C5 chưa thể bắn được vì tầm còn quá xa, và còn để dùng lúc xung phong. C chúng tôi cũng chỉ quan sát và chờ đợi.

Sau chừng vài phút thì tiếng 12ly7 phía trước bắt đầu "pành pành" rộ lên. Trời chưa sáng hẳn nên còn nhìn rõ các đường đạn vạch lên nhằng nhịt trong không gian. Tôi biết là các khẩu đội này bắt đầu bắn chế áp yểm hộ cho bộ binh đem bộc phá lên phá nốt hàng rào. Theo kế hoạch, hai lớp rào ngoài cùng sẽ do công binh E cắt phá trong đêm. Sau đó họ đặt mìn định hướng trong 4 lớp rào tiếp theo, có liên kết bằng dây nổ để nổ đồng thời khi có lệnh điểm hỏa. Hai lớp rào trong cùng sẽ do C5 đem bộc phá lên đánh. Bây giờ chính là lúc anh em C5 đang lên đánh nốt hai lớp hàng rào.

Lúc này súng địch đủ các loại cũng bắt đầu bắn mạnh ra. Tôi vẫn nhô cao được đầu quan sát, vì các loại hỏa lực của địch đang còn tập trung bắn vào khu vực cửa mở.

Vài chục phút trôi qua. Như các trận đánh cứ điểm thông thường thì bây giờ cửa mở đã mở thông, pháo cấp trên bắt đầu bắn chuyển làn vào trong, còn hỏa lực bộ binh tại chỗ thì cấp tập đợt hai để bộ đội xung phong. Thê đội hai cũng nhổm đít là vừa để bám theo vượt qua đầu cầu đánh thọc vào tung thâm.

Vậy mà vẫn chưa thấy gì. Pháo cấp trên bắn vào sâu bên trong đã thấy thưa dần. Cái cứ điểm này quá lớn khiến mấy chục phút bắn pháo không đủ sức áp đảo. Ngay cả tiếng súng trên hướng cửa mở phía Đông của E48, chúng tôi cũng chẳng nghe thấy gì, chắc xa quá. Hỏa lực tại chỗ của E cũng đã nhạt dần. Chỉ còn tiếng 12ly7 thỉnh thoảng mới rộ lên một hồi, thưa thớt kèm theo tiếng bộc phá nổ loãng toẹt trong không gian mênh mông. Âm thanh thống soái bây giờ chủ yếu là tiếng cối và M72 của địch đều đặn nã ra khu cửa mở, thi thoảng xen một tràng đại liên nhưng cũng chẳng có gì là cuống quít. Chúng đang rất bình tĩnh và chắc đã từng gặp cảnh này.

Thời gian cứ trôi. Cả C tôi (C6) đều hiểu rằng C5 chưa mở xong hàng rào và chỗ tắc nhất định là tại hàng rào cũi lợn. Nơi đó trống trải, gần địch hơn ta nên khó khăn tất không tránh khỏi. Nếu C5 không mở thông rào thì sẽ tới lượt C tôi. Điều đó cũng có nghĩa C5 đã tổn thất nặng, hết bộc phá. Hỏa lực chi viện cạn, không đủ sức áo đảo thì với hơn chục ống bộc phá trong tay, chắc chúng tôi cũng sẽ lâm cảnh như C bạn. Bộ binh đem bộc phá ống lên đánh hàng rào mà không có chi viện hỏa lực thật mạnh thì không khác gì những bia di động chậm. Mà lúc này sao vẫn chưa thấy xe tăng của ta đâu. Vẫn biết xe tăng không thể vượt qua hàng rào cũi lợn, không thể tấn công vào khi cửa mở chưa thông, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng mơ hồ vào điều gì đó ở những chiếc lô cốt di động lúc này.

Chừng 8 giờ sáng thì cũng có tiếng xe tăng nổ phành phạch ở hướng khu rừng cao su sau lưng chúng tôi. Một chiếc, hai chiếc... rồi bốn chiếc xuất hiện. Vượt qua phía trước mặt chúng tôi, cả 4 chiếc tăng T54 đã sắp hàng dọc thẳng hướng của mở. Nếu mọi sự tốt đẹp thì đúng như hiệp đồng, những chiếc tăng sẽ rồ máy, tăng tốc, vừa chạy vừa nã pháo và 12ly7 vào cửa mở, còn chúng tôi cũng bật dậy bám sát, vượt qua mấy trăm mét cửa mở rồi bung ra đánh cận chiến với bộ binh địch. Thế mà chúng tôi vẫn không thấy có lệnh gì. Tiến được thêm vài chục mét, nã được vài phát pháo thì cả 4 chiếc tăng bỗng lùi lại rồi xoay ngang chắn ngay trước mặt chúng tôi. Đang khi lúng túng ấy, chiếc tăng đi đầu bị pháo địch bắn cháy. Một chiếc tăng khác vừa xoay ngang chếch trước hầm tôi vài chục mét cũng ăn trọn một phát pháo địch, đứt xích. Từ một chỗ nào đó dưới gầm xe tăng, 4 người lính tăng lóp ngóp chui ra rồi lom khom chạy thẳng về hầm chúng tôi. Họ chia nhau rúc chung vào mấy cái hầm của lính B tôi, không quản chật chội. Tôi hỏi một người lính tăng: "Sao chưa vào mà các ông đã quay lui". Anh ta bảo: "Tử sĩ các ông nằm ngổn ngang chật cửa mở thì vào sao được? Chẹt nát các ông à?".

Rồi mấyngười lính tăng vừa khom người vừa chạy trở lại rừng cao su. Hai chiếc tăng kiacũng đã lùi chạy sâu vào khuất trong rừng cao su. Từ đó trở đi không còn thấybóng dáng xe tăng phối thuộc nữa. 


... Thời gian lại trôi. Chẳng ai phổ biến tình hình, chẳng ai ra lệnh gì và chúng tôi vẫn ngồi trong hầm chờ đợi.

Chợt thấy súng nổ rộ lên phía bên kia rừng cao su sau lưng. Toàn tiếng súng bộ binh. Nghe rõ tiếng B40, B41, M79 và xung lực AK. Uỳnh oàng chực hai chục phút thì thấy lính ta ào ào xông ra từ rừng cao su, tiến về phía chúng tôi. Viện binh kiểu gì thế này. Bọn mới tới té ra là lính K15 cùng E. Chúng nó là D dự bị cho D tôi (K18). Đang dự bị phía trước thì ở phía sau, chúng nó phát hiện thấy xe địch chạy rầm rầm. Hóa ra có một đơn vị địch bị ta đánh mạnh phải rút chạy từ Trảng Bàng về, định hội quân với bọn trong căn cứ Đồng dù. Bất ngờ gặp địch, K15 quay ngược lại thành đội hình phục kích, đánh luôn. Đang hoảng loạn tháo chạy, bị đánh vỗ mặt bất ngờ, cả đám quân địch tan ngay. Đánh xong, lính K15 thừa khí thế chủ động vượt luôn qua rừng cao su chi viện cho chúng tôi. Chúng nó tưởng Đồng Dù sắp giải quyết xong rồi.

Lính K15 nằm rạp ngay trên mặt đất xen kẽ với C tôi rồi đì đùng nã súng vào căn cứ. Đúng là vô duyên. Từ đây vào đến lô-cốt (đất) của địch cũng gần ba trăm mét. Hỏa lực bộ binh thì hết tầm không tới, còn AK thì bắn chim à. Phí cả đạn.

Tình hình trở nên bất lợi cho ta. Địch điều được cả một chiếc tăng M48 ra bít hướng cửa mở. Quan sát mãi chúng tôi cũng đã hiểu ra rằng cái căn cứ này xây dựng ác chiến thật. Bao quanh toàn bộ căn cứ (phía trong hàng rào) là một con đê đất cao chừng mét rưỡi. Trong con đê đó đó chúng mới xây lô-cốt và các công sự. Bên trong bờ đất có một con đường quai chạy sát cạnh. Ngoài các loại DK và cối từ công sự bắn ra, cái xe tăng M48 cũng như một lô-cốt di động với hỏa lực pháo bắn thẳng rất mạnh. Tất cả các cụm hỏa lực chi viện tại chỗ của E chúng tôi trên cửa mở phải thu súng tụt xuống hầm. Chỗ nào còn nhô lên hoặc lộ ra là bị pháo địch dầm nát. Lính hỏa lực E cũng hy sinh nhiều.

Lúc này phía giữa cửa mở đã yên ắng. Địch bắt đầu rảnh tay quay sang xử lý bọn lính K15 lúc này đã lộ trơ trên mặt đất. Ngoài đạn cối (cái món này nguy hiểm vô cùng cho hầm không có nắp), chúng còn bắn quét đại liên. Chỉ một chặp sau, lính K15 phải rút vào rừng caosu, lại hy sinh và bị thương một số. Lúc này khu vực C tôi cũng nằm trong tầm đạn của địch. B tôi đã có 2 chiến sĩ bị đạn trúng đầu khi nhô lên hơi cao. Tôi lấy cái thông nòng chọc vào cái mũ tai bèo dâng cao lên một chút để thử, cũng bị ăn luôn phát đạn. Bực cả mình.

Chưa có trận đánh nào chúng tôi lâm vào cảnh bí rì như bây giờ. Đánh trên Cao nguyên, tầm quan sát hẹp, nhiều vật che khuất che đỡ nên rất yên tâm, không có cái kiểu bị địch không chế thế này.

Gần trưa, trời bỗng đổ mưa. Mưa rất to, nước tràn vào hầm rất nhanh, người ướt lẹp nhẹp. Rồi mưa lại đột ngột dừng, trời quang trong veo. Đất thịt pha cát nên thấm rất nhanh. Lại phải sửa lại hầm vì mưa đã làm đất cát trôi vào hầm rất nhiều.

Thế là đã qua nửa ngày trời chúng tôi bị giam chân chết dí. Đánh đấm kiểu này chán thật. Rồi Tiểu đoàn lệnh cho C tôi cử người bò lên cửa mở giúp cho thương binh C5. Tử sĩ đã đành, nhưng thương binh cũng phải nằm bẹp từ sáng, có đưa được về phía sau đâu. Một B được cử lên. Chỉ có bò thoài loài trên mặt đất như những con thạch sùng. Địch vẫn quan sát và chúng lại nổ súng mãnh liệt. Chưa lên tới chỗ C5 mà trung đội đã bị hy sinh quá nửa. Một bên lộ diện không nổ được súng, còn một bên cứ bình tĩnh từ trong công sự ngắm bắn thì làm gì mà quân ta chả tổn thất. Tiểu đoàn đành chấp nhận thu lệnh, để bộ đội nằm tại chỗ, chờ thời cơ. Lúc này chỉ trừ C tôi còn chút hỏa lực cá nhân, còn các đơn vị khác trên cửa mở cũng hết cả đạn rồi mà không thể nào tiếp tế. C7 thì nằm tít sau chúng tôi, nhưng chúng tôi còn nằm đây thì chúng nó cũng chưa thể lên được.

Mệt mỏi, về tinh thần là chính. Chưa lần nào chúng tôi đánh trận bị dai dẳng thế này. Trừ các trận vây ép đã xác định là dài ngày, còn các trận công phá cứ điểm khác thường chỉ gọn trong buổi sáng. Cũng có trận đánh không nổi, bị thương vong nhiều thì rút lui. Lúc này người cứ nôn nao, bồn chồn. Không thấy no, cũng không thấy đói. Nhưng vẫn phải lấy cơm ra ăn cho nó qua bữa. Trệu trạo nhai, cố nuốt. Chưa chính thức nổ súng mà tinh thần anh em trong B đã có phần giảm rồi. Chỉ huy đại đội cũng lo. Chính trị viên cũng nằm dí một chỗ, chẳng thể bò qua lại mà động viên chiến sĩ.

Đầu giờchiều, ta tiêu diệt được chiếc xe tăng M48 của địch. Một khấu đội DK còn sótlại trên cửa mở của Trung đoàn đã dũng cảm bất ngờ dùng DK82 bắn cháy chiếc xetăng đó.�


            Khoảng 2 giờ rưỡi chiều, phía con đường (từ Trảng bàng kéo về đi ngang qua cổng chính căn cứ Đồng Dù) bỗng rộ lên tiếng xe tăng ầm ầm. Hóa ra theo kế hoạch của trên, trong lúc Sư tôi đánh Đồng Dù chưa dứt điểm, Sư 10 đã được lệnh cùng xe tăng thẳng đường cái tiến vào Sài gòn, bỏ qua các vị trí của địch bên đường. Tất nhiên gặp chốt chặn của lính VNCH thì đánh mà tiến. Cả đoàn xe pháo của ta ầm ầm kéo qua ngay trước cổng căn cứ Đồng Dù đã đánh đòn tâm lý mạnh vào tụi lính trong căn cứ, khiến chúng hoang mang, hoảng loạn.

Thấy có dấu hiệu địch trong căn cứ nhốn nháo, Tiểu đoàn chớp thời cơ lệnh cho bộ đội xung phong. Tôi lập tức dẫn trung đội vọt lên. Phía cứ điểm địch chỉ có một vài loạt đạn bắn thẳng ra nổ yếu ớt rồi im bặt. Chúng tôi vẫn nhằm thẳng hướng cửa mở chạy vào. Đoạn chạy qua nửa phía trong cửa mở (dài hơn trăm mét) là một cảnh tưởng gây xúc động mạnh. Xác bộ đội ta hy sinh nằm la liệt suốt dọc hai bên cửa mở. Nhiều tử sĩ nằm vắt miệng hố, nửa người dưới chìm trong đất cát vì cơn mưa, chỉ còn một phần người nhô lên, súng văng bên cạnh. Thảo nào xe tăng sợ chẹt lên tử sĩ, không dám chạy vào, cũng phải.

Tại khu vực bố trí hỏa lực của E, cảnh tượng cũng gần như vậy. Tại khu hàng rào cũi lợn sát gần bờ đất của căn cứ, tử sĩ nhiều hơn. Tôi nhận ra cả anh Khung, một B trưởng cứng trong C tôi vừa mới được điều qua C5 làm C phó tháng trước nằm ngửa người cạnh một hố pháo.

Cả một hàng rào cũi lợn cao 40 phân có độ rộng tới 5 mét hầu như còn nguyên. Trong lòng hàng rào này thấy lô nhô dăm ba chiếc đầu 3 râu của quả mìn râu tôm (mìn nhảy). Tôi phải nhắc anh em đi theo đúng bước chân mình, rồi bước thấp bước cao như kiểu đi tiềm nhập vượt qua khu ràng rào. Bọn địch trong công sự không bắn ra phát nào nữa, chứ nếu không làm sao chúng tôi vào nổi. Lác đác trên mặt các công sự phía trong thấy có vài tên địch phất dù trắng. Khi chúng tôi vào sát gần thì dù trắng phất nhiều hơn. Chỉ còn toàn lính, chắc tụi sĩ quan đã chạy hết.

Bỏ qua bọn chúng, chúng tôi vượt qua con đường vành đai tiến thẳng vào trong cứ. Ngay trong căn cứ, địch cũng phân khu và ngăn cách nhau bằng một hàng rào kẽm gai đơn. Chúng tôi cứ theo hướng trung tâm tiến thẳng. Gặp rào phân khu, tôi cho bộ đội dùng bộc phá ống đánh thông rồi vượt qua. Chỗ chúng tôi tiến vào hình như là khu huấn luyện tân binh. Có đến dăm chục tên ngồi trật tự trên một bãi trống, khuơ dù trắng. Chỗ khác thì gặp rất nhiều tên bị thương xếp thành hàng, hai tay giơ cao qua đầu. Hầu như chúng tôi không phải chiến đấu. Các hỏa lực B40, B41 và M79 không bắn được phát nào. Chỉ có AK thỉnh thoảng bắn thị uy vài loạt. Một đôi chỗ thấy cửa hầm sâu, gọi hàng vài tiếng không thấy gì, chúng tôi quăng thủ pháo vào rồi vượt qua nơi khác.

Vượt qua vài phân khu (cỡ dăm trăm mét), chúng tôi hội quân được với lính E48 cũng từ phía Đông kéo lại. Điều đó chứng tỏ tình hình E bạn cũng không hơn gì chúng tôi, và giờ này chúng nó cũng mới vào được trong cứ điểm.

(Sau này tôi có được họp quân chính, được nghe lại chiến lệ của trận đánh Đồng Dù, nhưng nó khác xa những gì tôi đã gặp. Ngay cả những tài liệu hay sử sách sau này viết về F320, về trận Đồng Dù cũng không giống như những điều tôi đã kể trên. Có lẽ phải thế thôi, vì sự thật diễn ra trần trụi quá. Rồi sau này nữa, khi về lại Củ Chi gặp và nói chuyện với du kích hay dân Củ Chi, họ đều nói rằng năm xưa bộ đội giải phóng cũng từng đánh vào Đồng Dù của Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" Mỹ, nhưng thất bại. Họ còn khẳng định là nếu như còn trong năm 1974 thôi, thì cả sư tôi cũng chẳng thể động vào được sư 25 VNCH khi đánh vào căn cứ Đồng Dù. Tôi tin điều đó là thật, vì nếu không có sư 10 hành quân xe pháo qua gây áp lực tâm lý, chắc gì bọn địch đã buông súng đầu hàng. Đáng buồn thay).

Chúng tôi cùng lính E48 tổ chức tảo thanh. Nơi chúng tôi bắt tay nhau là một khu gia binh. Trong nhà nào cũng thấy đồ đạc vứt bừa bãi, lộn xộn, quang cảnh của sự tháo chạy vội vã. Rồi chúng tôi vào một khu nhà Quân tiếp vụ to lớn (giống như cửa hàng bách hóa ngoài Bắc). Hàng hóa nhiều vô kể, đủ loại, nhìn hoa cả mắt. Có rất nhiều thứ chúng tôi không biết nó là cái gì. Lính tráng xả Ak bắn tan tành (Bây giờ nghĩ lại mới thấy lãng phí, thấy vô tổ chức). Còn những món quen thuộc, thiết thân như thuốc lá (Rất nhiều thuốc Rubi Queen), đường, sữa hộp và đồ hộp thì lính thi nhau khuân ra cửa. Khuân ra rồi cũng lại vất đấy thôi vì mỗi thằng có tham cũng chỉ đem theo được một ít. Nhiều lính còn khui những chai bia 33 cổ rụt ra uống. May không ai say. Rồi chúng tôi cũng phải thu quân theo lệnh tiểu đoàn.

Nghe trên phổ biến nhanh: Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư 25 VNCH bị du kích địa phương bắt sống hồi chiều khi đang cùng một số sĩ quan thân cận trốn ra ruộng khoai bên ngoài căn cứ Đồng Dù.

Tối đó C tôinghỉ quây lại cạnh một khu gia binh. Anh nuôi lấy gạo địch nấu cơm (gạo Tháihạt dài ngon tới mức nấu lên chỉ cầnrưới mắm cũng chén được không biết no). Thức ăn không cần nấu vì đã có đồ hộpnhiều (thịt gà, cá, thịt lợn, loại hộp 200 gam) lấy của địch, ai muốn ăn baonhiêu tùy thích. Buổi tối không họp, không rút kinh nghiệm gì hết, tất cả ngồinghỉ ngơi, uống cà phê hút thuốc thơm, muốn nghĩ gì thì nghĩ. Khác những trậntrước vì chúng tôi không phải giải quyết thương binh tử sĩ mà được nghỉ thảnhthơi ngay sau trận đánh. Mà cũng chẳng dám nghĩ gì nhiều, vì mai chúng tôi lạihành quân tiếp, lại đánh nhau và ai biết được mình sẽ ngã xuống khi nào. Đêm đóchúng tôi trải nilon nghỉ bên ngoài, không dám vào trong nhà ngủ, đề phòng bấttrắc.��


Đúng là không ngủ được.

Đơn vị nào trong trung đoàn trông coi tù binh, ở chỗ nào thì không biết. Nhưng chỗ C tôi trú quân thì mọi sự yên ắng. Trong cả căn cứ đêm đó không hề xảy ra chuyện tàn binh phản kích. Phía địch, ai chạy đã chạy thoát, còn lại đều đã qui hàng. Có lẽ tất cả hai bên đều hiểu tình thế lúc này. Cuộc chiến đấu lần này nhất định sẽ đánh đến tận cùng, ngã ngũ bằng được mới thôi. Mà phần thắng nhất định sẽ thuộc quân giải phóng. Quân lực VNCH càng ngày càng hao quân, suy yếu trông thấy, chắc chắn không thể gượng lại được. Nhưng sự hy sinh của bộ đội ta chưa phải đã hết. Chúng tôi là người lính đang trên khí thế chiến thắng, không ai lo nghĩ gì cho riêng mình. Chẳng ai lo rằng mình có thể hy sinh hay không. Nếu chuyện phải đến thì sẽ đến, vậy thôi.

Nhưng quả thực là đêm đó không ngủ được. Lính tráng thức đêm quen rồi, nhiều đêm còn chịu được thì đêm nay mới là đêm thứ hai chẳng có vấn đề gì. Nhưng cái thao thức này khác lúc thao thức trước giờ ra trận. Cảnh vật thì như trong đô thị, dù chỉ thắp giấy dầu. Không gian rộng thênh thang, mình như người chủ nhưng cũng chỉ được đi lại loanh quanh trong khu vực nhỏ.

Không rút kinh nghiệm, không bàn tán, lo lắng, nhưng chúng tôi cứ nghĩ là không hiểu địch còn nhiều căn cứ thế này không. Chứ cái kiểu đánh trận như hôm nay thì không phải sở trường của chúng tôi. Chúng tôi vốn chỉ quen tác chiến rừng núi thôi. Hôm nay chúng tôi đã chiếm được căn cứ, nhưng chiến thắng không tự tin, không hồ hởi. Tổn thất nhiều quá. Nói thật là lúc đó chúng tôi chưa biết được khi nào chiến tranh sẽ kết thúc, nên chưa có cái ngậm ngùi nghĩ nhiều về đồng đội ngã xuống trước giờ chiến thắng. Suy nghĩ tình cảm cũng vẫn giống như sự tiếc thương anh em bình thường như những trận đánh khác thôi.

Chỉ có cáikhác là mọi khi đánh trận xong thì rút về hậu cứ. Bây giờ sẽ là hành quân tiếp.Mà không hiểu sao đêm đó chúng tôi không tổ chức lau chùi súng đạn. Đạn AK vẫncó một viên lên nòng như thông lệ. Cà phê thuốc lá đấy, nhưng không túm tụmđông. Không ồn ào. Mỗi người ngồi một góc rồi tự ngủ lúc nào không biết. Đêm đóvẫn phải tổ chức gác như mọi đêm...


         Sáng ngày 30/4/1975.

Cả đơn vị dậy từ mờ sáng. Anh nuôi nấu cơm. Tất cả ăn vội vã, đùm cơm rồi tập trung. Chúng tôi hành quân ra thẳng theo hướng cổng chính. Xe hậu cần của đơn vị đỗ sẵn ngoài cổng để các B tranh thủ bổ sung cơ số đạn. Rồi tất cả lên đường, nhằm thẳng hướng Sài gòn mà tiến. Cả đơn vị cứ rồng rắn thẳng đường cái to mà đi.

Chừng quá nửa buổi sáng, loáng thoáng nghe chính quyền Dương Văn Minh kêu gọi binh lính VNCH buông súng. Đang ngơ ngác thì lại nghe phổ biến không được chủ quan. địch chỉ đang đánh đòn tâm lý. Lại hành quân vội vã hơn. Gần trưa nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng thật. Thế là hết đánh nhau, hết chiến tranh rồi ư. Tiểu đoàn truyền lệnh tạt vào một vườn cây ăn quả của dân bên đường để nghỉ trưa. Lệnh trên cấm không bắn súng, không hò reo. Lính tráng rì rầm bàn tán. Thuốc lá thơm bỏ ra hút thả phanh.

Sẩm tối, đại đội được lệnh tạt vào một thôn cạnh đó để nghỉ. Chẳng biết gọi vùng này là vùng ta hay địch. Không có du kích địa phương. Nhưng người dân chấp nhận chúng tôi một cách bình thản, không tỏ ra vui mừng, không sợ sệt. Họ cho nghỉ nhờ ngoài vườn, cho củi nấu cơm. Đêm đó chúng tôi vẫn tổ chức mỗi B một trạm gác. Trong đêm, vẫn nghe thấy tiếng súng đì đạch nơi xa.

Lại một đêm nữa không ngủ. Bây giờ mới nghĩ nhiều hơn về những thằng vừa ra đi trong trận đánh hôm qua. Bởi vì chiến thanh hình như đã kết thúc. Lúc đó chưa ai nói dến từ Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 30 tháng tư chỉ mới hiểu là ngày địch đầu hàng. Nhưng rất có thể không còn đánh trận nữa.

Hôm sau chúng tôi được nghỉ tại chỗ. Vẫn nghỉ trong vườn nhà dân, chưa được đi tắm giặt. Buổi trưa đại đội phổ biến tình hình: Đêm qua tại Sài Gòn, do say sưa chiến thắng, nhiều đơn vị không quản lý chặt để bộ đội đem súng ra bắn chơi, đã có nhiều người đi chơi lẻ đã bị bọn tàn quân thừa cơ bắn lén mà ta không phát hiện được vì lẫn tiếng súng. Tiếc thay.

Rồi có lệnh hiện nay bộ đội trong thành phố sài Gòn quá đông nên các đơn vị còn ở ngoài không được vào nữa mà phải rút nhanh ra ngoài tạo chỗ đứng chân, đề phòng các đơn vị địch vẫn còn chưa tan rã.

Chúng tôi rút về Củ Chi. Ngày sau nữa thì cả Sư cùng vào chia nhau đóng quân trong căn cứ Đồng Dù. Dọn dẹp nơi ở còn phát hiện nhiều thứ của địch bỏ lại. Có đơn vị còn lục ra nguyên cả một kho hậu cần của địch. Tuy có lệnh trên đem nộp tập trung để chia cho Trạm xá, Sư bộ ... nhưng hầu như ai tìm thấy gì là được hưởng thứ đó. D tôi quản nguyên một kho pháo sáng, một kho đồ hộp và một bãi hơn trăm chiếc xe máy Honda địch bỏ lại.

Đồ hộp thì đem giao lưu cùng các D khác đổi lấy đường, sữa. Pháo sáng thì đêm đêm khi gác đem ra rìa căn cứ bắn ra cánh đồng. Mỗi ống pháo sáng to như ống liều phóng B40, rút ống nắp ra lắp ngược ra ngoài rồi vỗ mạnh hoặc dập xuống nền gạch là quả pháo sáng bay vút ra, lơ lửng treo trên một cái dù nhỏ. Có đến mấy mầu sáng khác nhau.

Riêng món xe máy thì khá đặc biệt. Cấp trên không thu (mà thu lại để làm gì vì lúc này các loại xe GMC, xe DOT, xe Jep còn để đầy trong căn cứ). Hầu như không ai biết đi, lại chẳng có xăng. Thanh niên quanh vùng rất nhạy. Nhiều gã thanh niên áo bó chẽn, quần loe ống, tóc dài đi theo đường cánh đồng lối phụ mà vào căn cứ. Họ làm quen với chúng tôi, gạ gẫm đổi chác. Lúc đầu vui vẻ, chúng tôi cho họ thích cái xe máy nào cứ lấy, tự dắt ra. Về sau chính họ đề nghị đổi hai tút thuốc lá lấy một xe. Cứ thế mà bãi xe vơi dần. Quái hơn nữa là thằng Th. "mốc", lính C5 (Lính C5 hy sinh nhiều nhưng được bổ sung san sẻ lại cho khỏi bị xóa sổ) vừa đem cho dân xe, vừa dắt dấu ra gửi nhờ nhà dân tới 3 chiếc xe Honda. (Sau này năm 1976 ra quân, nó quay lại nhà dân tìm xin lại hai chiếc, bán một chiếc lấy lộ phí và đem một chiếc ra Bắc. Nó là thằng duy nhất trong đơn vị có xe máy Honda đem về nhà khiến cả xã lác mắt).

Chúng tôi ở căn cứ Đồng dù ít ngày thì được chọn một số tham gia tập đội ngũ để duyệt binh 15/5 ở Sài Gòn. Rồi thời gian sau đó lại tập tành đội ngũ, lại tập xạ kích nhưng chủ yếu vẫn là học chính trị. Đến tháng 6/1975 thì có chế độ phát phụ cấp tháng bằng tiền (tiền miền Nam). Cứ chủ nhật có chế độ nghỉ ngơi, 1/5 quân số được xe GMC của tiểu đoàn chở vào Sài Gòn chơi. Chơi theo hướng dẫn, 4 giờ chiều xe lại chở về. Phải làm thế không có mang tiếng lính tham gia chiến dịch HCM mà không biết mặt mũi Sài Gòn. Thế mà khối thằng cũng chưa biết mùi vị bát hủ tiếu như thế nào. Sài Gòn rộng quá, chỉ chơi Sài gòn một lần thì thật đúng là chỉ biết đến Sài Gòn như thày bói xem voi.

Chúng tôi được nghe đài thường xuyên. Rồi vài bữa lại được xem truyền hình. Cái này thật mới lạ. Ở ngoài Bắc, giữa năm 1971, Hà Nội đã phát thử nghiệm chương trình truyền hình. Thế nhưng đã mấy ai được nhìn thấy cái Vô tuyến truyền hình mà trong Nam này gọi là Ti vi nó như thế nào.

Tự nhiênthấy nhớ nhà... 

(Chuyện bên lề:


Tôi có mặt tại sài gòn từ ngày 28/4 , nghe ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ở ngòai đường phố Sài gòn từ Q10 qua Q5, sáng 30 coi như đã ngã ngũ trên đường phố dân vẫn đi lại gần như bình thường, vẫn mua bán! . Bác Trongc6 có nhận xét về dân tình người sài gòn rất đúng là bình thản không vui mừng cũng không sợ sệt!, những nhận xét này mới chỉ từ năm rồi trên một số bài viết đăng báo của các cựu chiến binh có mặt giải phóng Sài gòn 30/4. Người Sài gòn nói riêng và người miền nam ở các đô thị cũng đã quen với chiến tranh trong thành phố từ hồi Mậu thân và tâm trạng cũng biết rõ kết cuộc của cuộc chiến vào những ngày cuối tháng 4/75 với suy nghĩ cũng mong chiến tranh chấm dứt! Tâm lý và suy nghĩ về những ngày giải phóng Sài gòn, chấm dứt chiến tranh của các bác tham gia ngày ấy thì tôi cũng được nghe nhiều bác cựu nói như bác Trọng!

Đêm 30 giờ này 34 năm trước, sau những năm dài " đại bác đêm đêm vọng về thành phố " và tiếng súng giao tranh những ngày trước ngay cửa ngõ SG! thì lần đầu tiên có một đêm hoàn toàn không tiếng súng, một sự vắng lặng kỳ lạ với một thành phố lớn như SG! đêm ấy tôi ngủ trên nóc xe tải nhà đậu trên lề đường Nguyễn Hoàng Q5 với nhiều ký ức cười ra nước mắt! buổi chiều súng ống vứt đầy đường phố người lớn tránh xa thì ngược lại đám trẻ con lại nhặt súng huơ huơ rồi chỉa lên trời xiết cả băng! cảnh tượng này chắc chỉ có ở VN! rồi chuyện hôi của... mặt mày rạng rỡ cũng có, ôm đầu máu vì bị cướp lại cũng có...!

sáng mùng 1 các cửa ngõ SG kẹt cứng vì tòan bộ hệ thống đèn tín hiệu không họat động! đến tối tôi mới trở về đến được BH, nhờ đó mà cũng được tiếp xúc với các anh bộ đội Bắc Việt, cảm nhận đầu tiên là các anh cũng hiền và vui vẻ nếu không muốn nói là hơi... ngố!

Vài dòng ký ức xin được góp lại của một người dântrong những ngày lịch sử!)


           Thế là chiến tranh đã kết thúc. Dân tộc ta đã chiến thắng Đế quốc Mỹ sau một cuộc chiến dài hơn 20 năm. Nói như vậy được lòng người hơn, dù rằng thời khắc này thật ra là sự sụp đổ của chính quyền VNCH theo Mỹ. Với những người dân Việt, chúng ta đều là người chiến thắng, dù rằng có không ít người còn mặc cảm.

Còn chúng tôi, những người lính cũng có thể tự hào mình là người chiến thắng. Dù nhỏ bé gì thì mình cũng vinh dự có mặt trong đội hình của những đơn vị đã trực tiếp làm nên chiến thắng hôm nay. Chúng tôi đón chiến thắng giải phóng miền Nam với niềm vui rạng rỡ, hành động bột phát và cách thể hiện muôn hình muôn vẻ. Có điều trong đơn vị tôi tuyệt đối không bắn súng chào mừng.

Người ta đã tổng kết rút kinh nghiệm trận đánh cuối cùng. Chúng tôi chỉ được nghe cấp trên nói lại những điều đúc kết ở mức chung chung, oanh liệt và hoành tráng. Tranh công đổ lỗi vốn là một thuộc tính xấu của con người. Ở đâu, và khi nào thì cũng vẫn không bao giờ hết được chuyện tranh công đổ lỗi. Nhưng đó là việc làm của những người ở cấp nào cơ, chứ không phải của những thằng lính quèn chúng tôi. Chúng tôi chỉ thấy lờ mờ bóng dáng mình trong cái tổng kết chung ấy, đôi lúc còn không chính xác. Nhưng có hề gì đâu. Dù sao chiến tranh cũng kết thúc rồi, và chúng tôi cũng được gọi là người chiến thắng.

Hết chiến tranh rồi, không phải cầm súng chiến đấu, không phải hy sinh nữa. "Rồi có một ngày... chinh chiến tàn...". Vâng, đó chính là điều chúng tôi mong đợi. "Nước còn giặc, còn đi đánh giặc", đó là cái lẽ thường tính của trai thời loạn. Nay hết giặc rồi, chúng tôi sẽ trả lại Tổ quốc cây súng để trở về với ruộng đồng, với nhà máy hay đi học tiếp cho trọn ước mơ tuổi trẻ năm xưa. Cũng giống như sau ngày 9/5/1945 kết thúc chiến tranh TG thứ II của mấy chục năm về trước, những đoàn tàu đã chở những người lính Xô-viết từ Berlin vượt qua Ba-Lan, qua những vùng ruộng đồng của Belarut, của Uykren để về nước Nga..., chúng tôi cũng hình dung có những chuyến xe, chuyến tàu như thế sẽ chở chúng tôi về quê, ra Bắc. Và ở mọi bến xe, bến tàu sẽ có những nét mặt hồ hởi, hân hoan của người thân ra đón, những vòng tay đen sạm của những người lính áo bạc phong sương, sẽ có những cuộc đoàn tụ rơi nước mắt ...

Thời gian ở trong căn cứ Đồng dù, chúng tôi học chính trị, xây dựng doanh trại và tập tành. Tất cả các đơn vị đều ở trong các khu nhà tôn hình vòm cuốn (như dạng cái hầm của tướng Đờ-cát ở ĐBP năm xưa), vốn là các doanh trại lính VNCH. Chúng tôi vừa làm các việc theo trên yêu cầu, vừa hy vọng và chờ đợi vào ngày trở về.

Nhưng suốt mấy tháng trời, không ai nói đến chuyện chúng tôi sẽ được giải ngũ. Cấp trên bảo chúng tôi còn phải chắc tay súng để bảo vệ chính quyền cách mạng. Chúng tôi sẽ là những đơn vị sẵn sàng làm nhiệm vụ cơ động để tiêu diệt bọn phản động vẫn còn đang muốn chống phá chính quyền cách mạng, vì bản chất kẻ địch là ngoan cố.

Chúng tôi được phổ biến là trong cuộc di tản hỗn loạn ngày 30/4, có rất nhiều tàu hải quân và máy bay của lực lượng quân VNCH đã di tản sang nhờ ở các nước láng giềng. Những thứ đó là tài sản của đất nước Việt Nam và những nước láng giềng sẽ phải trao trả lại ta. Với thế mạnh vừa đi qua cuộc chiến tranh thắng Mỹ, quân đội ta được xếp vào hàng vô địch trên thế giới. Các nước làng giềng như Thái Lan... đang run sợ ta đánh tràn sang nên phải lên tiếng sẽ thu gom máy bay tàu chiến di tản của VNCH để trả gấp cho ta. Không trả mà được à? Chúng tôi hào hứng lắm. Máu đánh nhau trong người vẫn còn nóng lắm, tưởng sẽ lên đường Tây phạt ngay.

Đóng quân ở lỳ trong căn cứ Đồng Dù, chúng tôi chỉ hiểu biết thế sự giống như "ếch ngồi đáy giếng". Trên bảo sao nghe vậy. Những chuyện như chính phủ ngoài Bắc vào thăm miền Nam, rồi có vị tuyên bố sẽ đưa nước ta phát triển giàu mạnh theo tiêu chuấn nhà nào cũng có một cái tủ lạnh... thì chúng tôi chẳng hề biết gì. Một đôi lần được ra ngoài căn cứ hay vào chơi Sài Gòn, chúng tôi thấy người dân nơi đây có vẻ khá giả hơn ngoài Bắc. Họ có nhiều thứ vật dụng có vẻ tối tân và lạ lẫm với chúng tôi. Thế nhưng cấp trên bảo đó là cuộc sống phồn vinh giả tạo, là sản phẩm và tàn dư của chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết. Nói tóm lại chúng tôi phải có thái độ thờ ơ với những thứ vật chất tầm thường ấy. Chúng tôi chấp hành, nhưng nhiều thằng trong đơn vị vẫn không giấu nổi sự thầm mong có một cái đồng hồ hay một cái đài bán dẫn mang về nhà lúc giải ngũ. Mà nói đâu xa, những thứ trong các khu gia binh, trong kho Quân tiếp vụ ngay tại căn cứ Đồng dù này thôi cũng rất lạ lẫm và nhiều khi có phần hấp dẫn lính tráng.

Trong những cái ngô nghê gặp phải, tôi nhớ nhất chuyện kem đánh răng. Vớ được những hộp kem Hynos to tướng có hình thằng da đen cười thì tha hồ chia nhau, mỗi hộp đủ dùng vài tháng. Nhưng cái ý nghĩ đơn giản tuýp kem có nghĩa là hộp thuốc đánh răng đã làm hại khối đứa. Tuýp nhỏ thôi, màu thuốc hơi xanh, rất thơm nhưng khi đánh răng thì mồm miệng co rúm lại, nắn bóp xoa xít kiểu gì cũng phải vài chục phút sau mới hết. Chữ nghĩa nước ngoài viết trên hộp, có thằng quái nào biết đâu. Về sau trên phổ biến mới biết đó là kem bôi của các cô gái "chuyên ngành" dùng vào cái chỗ mà lính tráng chúng tôi cũng chưa từng được nhìn thấy. Thật nhớ đời.

(Chuyện bên lề: 


Đọc chuyện của bạn Trọng c6 vừa cười vừa khóc .Đúng là như vậy đó,lính ta nghèo đất nước lo đánh giặc cũng nghèo đâu có biết những đồ khỉ gió của xã hội tiên tiến.Thương lắm ,mỗi anh bộ đội đều sung sướng khi có một vài mét vải đen mang về cho mẹ,cho chị ,cho vợ cho em may quần .Có một con búp bê mà trẻ con hồi đó ao ước cũng chả có mà chơi.Một khung xe đạp để về mua linh phụ kiện lắp lấy cái xe đạp là ghê lắm rồi.Bây giờ nghe thì thấy buồn cười nhưng ai sống vào những thời khắc đó mới biết nhu cầu của lính ta đơn giản lắm,hi sinh cả tuổi thanh xuân,cả cuộc đời nhưng chỉ có nhu cầu nhỏ nhoi vậy là hạnh phúc lắm rồi.Mình nhớ hồi đó dân Sài gòn không thích bộ đội miền bắc cứ cười anh lính cụ Hồ nào cũng to òng teng quanh cái ba lô con cóc một con búp bê nhựa,một cái khung xe đạp ,vải đen thì để trong ba lô.Mình thì thương lắm,tội nghiệp có người không biết mua phải loại vải đen pha ni lông thì phải may quần đen không mặc được vì nó cứ hút vào người dính lung tung.

Một thời kể ranhiều chuyện khó tưởng tượng nhưng thật là khó quên, mà không thể quên được ấychứ. 

- em ở trong từ 79 đến cuối 82.Mỗi lần đi ra chợTân Định trên đường Hai Bà,là các cô thiếu nữ trường Lê...gần đó,trên đường đihọc trong cái áo dài thướt tha,ngồi trên xe đạp mini đạp theo chọc hoài.Nào làrau muống,ê hê hê...thế rồi cũng muốnghoài,muống hoài thành nghiện hổng có muống các cô ấy nhớ...hơn cố nội. Lúc trước em nằm ở 332 Đồng khởi "HảiÂu,Caravel" trước Nhà Hát Lớn TP "Hạ Viện",một bên là đường TựDo có rạp chiếu bóng đó,và em ở 42 Trần Cao Vân,cái nhà mà dành cho cơ quan CIAcủa Mỹ ngày xưa ở Sè Gènh trước tháp con rùa đó.Em lúc trước ở đó thìxướng....sau này thì xuống Ch...... chỉưa phụng sự hết mình,,nhưng chẳng có chí làm quan.Trong họ nhà em cũng có nhữngngười đã từng đối diện nhau trong cuộc chiến và cũng có người ba là lính VNCHnhưng con vào năm 2001 đã là thượng tá của QDNDVN,chỉ có một số ít những ngườilính cũ của chế độ cũ vì một lý do gì đó làm họ chưa vừa lòng thôi,dù sao cũnglà người Việt chiến tranh đã đi rất xa,cái gì quên được là nên quên nó ngay vàlàm cho tốt hơn.... 

- Chuyện thứ nhất : Sau SGGP độ 1 vài tháng gì đó , có 1 anh bộ đội về phép về tới HN thì tối rồi nên vào đền Ngọc Sơn ngủ để sáng hôm sau về quê . Cũng chính vì con búp bê nhắm mắt mở mắt và cái khung xe đạp mà anh đã bị giết đêm hôm đó . Sau này CA bắt được cái thủ phạm và nó khai là nhìn thấy những đồ vật anh ấy mang theo nên nổi lòng tham .


Chuyện thứ 2 : Cũng không lâu sau SGGP , mấy đứa trẻ con ở phố Tuệ Tĩnh ra bơi ở hồ Thuyền Quang vớt được 1 quả mìn !!!??? Mấy thằng mang ra ghế đá ghè và quả mìn phát nổ . 3 đưa trẻ con chết không toàn thây (trong đó có 2 anh em ruột , thằng anh học cùng lớp với em) . Tiếng nổ phát to đến nỗi nhà em ở ngã tư Tô Hiến Thành + Bà Triệu (khoảng hơn 1 km) mà cũng nghe thấy . Sau đó thì dân kéo ra xem đông lắm , em là 1 trong những thằng trẻ con có mặt đầu tiên ở đấy . CA phải mang cả xe cứu hỏa ra phun nước lên cây để những mảnh thịt dính trên ấy rơi xuống . Vậy mà chỉ cách đấy độ chục mét , có 1 anh bộ đội cùng với con búp bê và cái khung xe (đã được buộc vào tay) vẫn cái mũ úp trên mặt , nằm trên ghế đá ngủ say sưa ... Phải đến khi CA ra gọi dậy thì mới biết là anh BĐ đã chết , trên đỉnh đầu có 1 lỗ nhỏ xíu bằng hạt đỗ hơi rỉ máu .

Đúng là baonăm vào sinh ra tử không sao , vậy mà ! đến ngày chiến thắng trở về đoàn tụ vớigia đình thì chết , 1 cái chết không được công nhận LS . 2 câu chuyện này làmem bị ám ảnh mãi

- Mình kể chuyện mình vào Sài gòn lần đầu tiên ,ngày đầu tiên thế thôi, mà mình còn lớ ngớ thế này nữa cơ ,không có quà gì cho cháu cả vì đi vội vả lại hồi đó cũng nghèo,hai vợ chồng bộ đội lại có hai con rồi , thực chất là văn hóa mua quà còn kém lắm, thấy chị hàng rong bán xoài chọn ngay một quả to nhất mua có nhõn một quả,chắc mẩm cháu mình thích lắm đây. Vào đến nhà bà chị cháu chạy ra đón dì ngoài Bắc vô hét ầm ĩ,Dì thở vì leo gác xong lấy ngay quả xoài đưa cho cháu.Nó mới có 5 tuổi nhưng đã kêu :má ơi dì cho con xoài tượng xanh.Mình còn chưa hiểu ra sao thì bà chị chạy ra giải thích :em ơi xoài này là xoài tượng chua,chỉ để nhậu hoăc dầm nước mắm thôi . Bà dì được mẻ ngượng với cháu,hôm đi K về phải mua quà cho cháu bù.Sau này thì thân với dân Sai gòn và nhậu với dân Nam bộ các kiểu.Quí dân trỏng vì sảng khoái thật thà,bụng để ngoài da.)


...

Nhớ lại cha anh ta hơn hai mươi năm trước. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của cả dân tộc, làm nên trận Điện Biên "lừng lẫy địa cầu", ngày 10/10/1954, quân ta kéo về tiếp quản Thủ đô. Hà Nội rực rỡ cờ sao, năm cửa ô ngập nắng đón những anh "bộ đội cụ Hồ". Phút xao xuyến qua đi, khi trở lại đời thường thì ngoài cái hiền lành bản chất, những người lính trở nên lơ ngơ trước cuộc sống thị thành. Chỉ trừ những người lính trong trung đoàn Thủ đô vốn là những học sinh, sinh viên, người thợ... đã từng quen với cuộc sống thị thành, còn lại ít nhiều đều lớ ngớ. Nỡ nào trách họ, khi những người lính ấy vốn là những người nông dân chân đất áo vải, nghe theo lời kêu gọi của cụ Hồ mà lên đường cầm súng đánh Tây. Lớ ngớ hôm nay, nhưng họ sẽ lại là những người xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước ngày mai.

Có lẽ cũng không khác nhiều khi so với những người lính giải phóng chúng tôi khi vào giải phóng Sài gòn. Đơn giản, vì chúng tôi cũng là những "người lính cụ Hồ" như cha anh chúng tôi, cũng hy sinh tuổi trẻ của mình cho độc lập tự do của đất nước. Là những người thợ, người nông dân áo vải từ mọi miền quê tụ lại trong đoàn quân giải phóng, khi ở trên rừng thì chúng tôi là những người làm chủ cuộc sống. Chiến đấu đã đành, nhưng chúng tôi cùng nhau làm được mọi thứ. Từ dựng nhà (lợp tranh, lợp nứa, lợp lá trung quân...) đến phát nương rẫy trồng lúa, trồng sắn để tự túc một phần lương thực chúng tôi đều làm được hết. Chúng tôi biết rèn dao, rèn cuốc xẻng, tự tạo mìn định hướng, biết đánh bắt cá, biết cả cách làm bún, làm bánh cuốn giữa rừng già. Giữa lúc dừng chân trong cảnh trời mưa như trút của những cơn mưa rừng giữa mùa, chúng tôi biết tìm củi, gơi bếp để bộ đội có cơm nóng, canh ngọt chỉ sau một tiếng dừng chân... Còn nhiều lắm, và chúng tôi tự hào là biết cùng nhau tạo dựng tốt cuộc sống trong rừng giữa hai mùa chiến dịch. Những "người lính cụ Hồ" là như thế đó. Vì vậy sẽ chẳng đáng ngạc nhiên khi về đồng bằng, vào Sài gòn mà những người lính chúng tôi trở nên lớ ngớ. Nói cho công bằng, không phải chỉ những người lính chúng tôi rơi vào cảnh "nhà quê ra tỉnh", mà nếu so sánh thì miền Bắc khi đó so với miền Nam cũng chỉ như nhà quê so với thành phố mà thôi. Nhưng vượt lên tất cả, chúng tôi là những người lính cụ Hồ và chúng tôi tự hào về điều đó.

Ai đi xa mà lúc về chẳng mong có chút quà cho người thân? Vậy thì những người lính xa nhà mấy năm trời không nghĩ đến sống chết có lỗi gì khi mua một con búp bê làm quà cho cô em gái út, một cái khung xe đạp cũ đem về để dựng nên cái xe làm chút tài sản nhỏ khi rời quân ngũ. Mà chúng tôi mua bằng chút tiền phụ cấp ít ỏi mới có của mình, từ những đồng tiền "cửa rừng", tiền "phụ cấp xương máu" của mình đấy chứ. Khi đó tôi nhớ là mình được 30đ tiền "cửa rừng" và 30đ tiền "phụ cấp xương máu" với 5% thương tật, cũng chỉ đủ mua hai cái áo nỉ cho đứa em, mua cho chị và mẹ mỗi người một cái khăn len là hết tiền. Đến bố tôi cũng chẳng có chút quà gì. Nhưng mẹ tôi bảo, "chỉ cần con trở về được thế này là đã đủ, mẹ mãn nguyện rồi".

Chẳng ai muốn chiến tranh để ngoài cái đau chung của cả dân tộc, còn có những góc khuất nhỏ đau lòng của những người lính.

    Thời nào và ở đâu thì cũng không bao giờ thiếu những thằng láu cá trong một tập thể, dù đó là đơn vị bộ đội nghiêm khắc "quân lệnh như sơn" với tư tưởng chỉ đạo "kỷ luật là sức mạnh của quân đội". Những thằng láu cá ấy xuất sứ từ mọi vùng quê. Nhiều thằng lính Hà Nội hay Hải Phòng rất "chân chỉ hạt bột", thậm chí đến mức lơ ngơ, thộn ra mặt, trong khi mấy thằng tai quái và láu cá lại là dân Hà Tây, Thái Bình, thậm chí có cả thằng là người dân tộc Tày quê tít tận Cao Bằng "đá nhiều hơn đất".


Điển hình là lão Nghị quản lý đại đội dân Sơn Tây. Trong khi chúng tôi chỉ còn toàn mũ tai bèo đã cũ thì hắn vẫn giữ được chiếc mũ cối tàu có gắn ngôi sao Quân hiệu mới chóe. Đêm hôm 2/4 ở Thị xã Tuy Hòa, hắn đã suýt toi mạng vì đi đánh lẻ. Chả là đêm đó chúng tôi đóng tại Trường Kỹ nghệ và tiếp quản trông coi một vùng dân cư khá lớn. Có rất nhiều nhà vô chủ vì đã bỏ chạy. Lão Nghị một mình mò ra khu dân cư chui vào lục lọi mấy cái nhà vô chủ. Vô phúc cho lão vẫn nghênh ngang đội cái mũ cối, người lại đầy đặn hơn lính tráng chúng tôi nên bị mấy thằng tàn quân đoán là cán bộ cỡ to. Chúng nó núp từ căn nhà nào đó chĩa súng ra bắn tỉa. Vận lão Nghị còn dài nên viên đạn bắn trượt, tóe lửa trên mặt đường. Viên đạn thứ hai cũng vậy. Lão Nghị hoảng quá ù té chạy về (lão là quản lý, không có súng, quả là gan trời mới dám mò đi đánh lẻ như thế). B tôi hay tin kéo lại khu nhà trên, xông vào các nhà, leo cả lên gác sục xạo mà cũng không thấy gì. Tức quá chỉ biết quạt vài loạt AK vào mấy xó tối để thị uy. Đã thế mà lão Nghị vẫn chưa chừa, còn bắt chúng tôi chờ đến hơn nửa tiếng nữa cho lão lục lọi cái khỉ gì đó, rồi mới chịu về. Nói thực lúc ấy chúng tôi không thiếu thuốc lá thơm vì hôm qua lấy được chiến lợi phẩm cũng kha khá rồi. Cũng chẳng biết lão Nghị có lấy cái gì không, nhưng chúng tôi không màng. Trừ thuốc lá và đồ ăn, còn mọi thứ khác, lính tráng vốn kiêng, báu gì cái kiểu tham lam "Lý Thông" ấy.

Về đến căn cứ Đồng Dù cũng vậy. Có cáimũ cối đội đầu, lão Nghị trông oai hơn hẳn lũ lính chúng tôi. Lão thường mò rangoài căn cứ (đi tắt lối cổng phụ qua cánh đồng thôi) đến khu dân cư. Nhiều nhàdân, có lẽ vốn không có người nhà theo "đằng mình", sợ bị chính quyềnmới o ép (chính quyền mới ở địa phương cũng chỉ là mấy ông du kích nằm vùngthôi) nên nghĩ ra mẹo mới. Họ mời lão Nghị đội nguyên cả mũ cối, đeo xà-cộtđứng xen giữa chụp ảnh chung với gia đình, miệng nở nụ cười chiến thắng. Chúngtôi biết được vì về sau ra một vài nhà dân, hay quán ăn (hủ tiếu) thấy nhữngbức ảnh đó phóng to treo trang trọng giữa nhà. Ngón võ này cũng hù đọa được mấyông du kích quen nhũng nhẽo. Còn lão Nghị được "trả công" cái gì thìlão không nói, chỉ thấy thỉnh thoảng lão có thuốc lá thơm mời anh em.


       Đóng quân trong căn cứ Đồng Dù được hơn một tháng, một đêm chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị sắp xếp lại toàn bộ quân tư trang cá nhân để hôm sau chuyển căn cứ. Có nghĩa là mang được cái gì thì mang, còn lại tức là vứt bỏ. Có quái gì mà phải chuẩn bị cơ chứ. Lính tráng báo động chiến đấu có nửa phút, báo động di chuyển có 5 phút còn kịp thì một đêm là quá dài đối với chúng tôi. Nhưng việc gì cũng có lý do của nó.

Đêm hôm đó, những thứ ăn được chúng tôi mang ra liên hoan hết (thực ra cũng chỉ còn thịt hộp của dân, chúng tôi đổi được từ những chiếc xe máy cũ địch bỏ lại căn cứ). Đã hành quân bộ thì không thằng nào muốn mang nặng. Nếu có tiếc thì chỉ là gạo của địch phải bỏ lại, không mang được theo thì lại phải ăn theo tiêu chuẩn lính như trước thôi.

Sáng sau, chúng tôi ăn một bữa no cật lực, đùm cơm nắm rồi lục tục lên đường. Đơn vị nhằm hướng Tây Ninh thẳng tiến. Đi được chừng 15 cây số, cả đại đội dừng lại bên một cánh rừng cao su. Mệnh lệnh tháo dỡ đồ đoàn để kiểm tra quân tư trang được phát ra. Mỗi lính cách nhau 3 mét, rải nilon xuống đất và dỡ bỏ mọi thứ trong ba-lô xếp lên đó. Những thứ trong túi áo quần cũng phải lộn bỏ ra hết. Bây giờ thì chúng tôi đã hiểu rằng chẳng có chuyện chuyển căn cứ gì hết, mà chẳng qua chỉ là kiểm tra quân tư trang. Trong đời lính, tôi đã phải bị tham gia kiểm tra quân tư trang không biết bao nhiêu lần. Những cái mốc đó thường rơi vào lúc sau những trận đánh lớn hay sau những đợt chiến đấu dài ngày. Trong đơn vị tôi chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, tức là chưa có ai vi phạm kỷ luật về chiến lợi phẩm. Các thứ nhét được vào mồm thì không tính, mà giả sử có tính thì lính tráng cũng chẳng từ. Thiếu ăn và đói quá thì con người ta chỉ còn nghĩ đến chữ "con" trong con người thôi. Danh dự đôi khi chẳng là cái gì khi đó. Còn những thứ bị cấm như đài, đồng hồ, vàng bạc thì chúng tôi không màng, nhiều khi còn kiêng, thành truyền thống trong nếp nghĩ của lính rồi. Mà cũng cần nói thêm rằng những thứ đó có phải lúc nào cũng có sẵn đâu. Chỉ có đánh các căn cứ lớn, mà chúng tôi vốn không được đánh lớn bao nhiêu.

Đoàn kiểm tra của tiểu đoàn hì hục lật xem rồi ghi ghi chép chép chừng hai tiếng thì cũng xong. Mọi chuyện có vẻ vẫn như trước thôi. Nhưng rồi ban kiểm tra cũng tìm ra được một trường hợp. Thằng Sớn (người Nam Hà) có một cái đồng hồ Seiko 2 cửa sổ. Lý do, nó mua được giá 20 đồng bằng tiền phụ cấp của mấy anh em góp lại, nhưng chưa đủ thuyết phục, chiếc đồng hồ bị tịch thu.

Sau này khi trở lại căn cứ Đồng Dù, một số anh em trong trung đội phải lập danh sách góp đủ số tiền 20 đồng cho Sớn, đề đạt lên tiểu đoàn mãi mới xin lại được. Tiểu đoàn trả đồng hồ, kèm theo lời phê bình là không chịu báo cáo trước khi mua. (Thực ra anh em thương mà nhận giúp nó thôi chứ nó mua lúc nào cũng đâu có ai biết).

Điều đáng nói thêm là hơn một tháng sau nữa, khi trung đoàn chúng tôi được lệnh trở lại Tây Nguyên làm nhiệm vụ truy quét Fulro thì các thủ trưởng các cấp trên E thi nhau cho công vụ đi các lán (doanh trại) thu vét các dụng cụ sinh hoạt, dù, bạt, thậm chí bóc cả các tấm Phooc-mi-ca mặt bàn cuộn từng bó chở lên cao nguyên để xây dựng doanh trại cho các thủ trưởng. Các thủ trưởng D cũng muốn lắm, nhưng ở sát lính quá nên cũng không dám làm ẩu.

Trên Cao nguyên, thời truy quét Fulro còn nhiều chuyện nực cười nữa củacác thủ trưởng, nhưng có lẽ chuyện kể cũng đã đến điểm dừng.


Còn hơn một tháng nữa chúng tôi mới trở lại với Tây Nguyên, với mưa rừng và những cơn lũ, với những con đường đất đỏ Bazan mà mỗi bước chân đi là đất dính bết dép cao su nặng chịch. Giờ đây chúng tôi vẫn đang ở giữa đồng bằng. Tuy vẫn là trong căn cứ Đồng Dù, giữa trại lính mà sàn bê tông và mái tôn lợp tạo nên những cái lò nung hầm hập trưa hè và vang dội tiếng mưa đập dội ầm ầm đêm mưa, nhưng vẫn là cuộc sống đô thị. Không phải tìm chặt củi rừng, không phải đào bếp Hoàng Cầm, đào hầm chữ A và nhất là những ca gác chỉ mang tính nếp sống quân đội, lỡ có lơ là đôi chút cũng không lo bị tập kích cả đơn vị. Và những đêm mưa dù ầm ĩ mái tôn, nhưng vẫn ngủ ngon, không phải thấp thỏm chờ nghe tiếng pháo bắn để tụt vội xuống căn hầm ẩm ướt, mà sợ nhất là cái loại pháo "điếm" của các anh lính cộng hòa chiều "bạn gái" trong một đêm đồn trú.

Vẫn chỉ là tập tành thường nhật. Ăn uống đầy đủ, thịt cá rau đủ chất. Đặc biệt là không phải hành quân dã ngoại mà vẫn phải xơi đồ hộp liên tục (bây giờ mới biết đến khái niệm quá Date, chứ ngày đó cứ nghĩ đồ hộp là mặt hàng chiến lược để bao lâu chẳng được). Ngày trở về nhà thì chẳng ai dám nói đến rồi vì hầu hết lính tráng trong đơn vị đều có tuổi quân chưa đủ 5 năm. Chỉ có mấy cán bộ C là đi lính đã 7, 8 năm, nhưng các anh ấy bây giờ lại không muốn về nhà làm dân cày bám đít mấy con bò. Có anh còn tiếc là chiến tranh kết thúc bất ngờ quá, không kịp để các anh ấy đi xa hơn trên con đường binh nghiệp. Văn hóa lớp 5, lớp 7 mà còn chiến tranh thì khi leo lên đến cán bộ trung đoàn tiểu đoàn, quân đội khắc phải có chế độ bổ túc cho sĩ quan. Nay hòa bình rồi, tất phải giải trừ quân bị thì các anh ấy chỉ còn nước về quê. Cái tâm sự ấy tưởng như chuyện tiếu lâm vì nó ngược lại với ước mơ ngàn đời của dân lành là an cư lạc nghiệp trong thanh bình, thế mà lại là có thật.

Còn lính tráng chúng tôi, chắc cũng chưa thể về được vì quân đội phải là lực lượng chính để giải quyết hậu quả chiến tranh. Những mảnh đất chiến trường mà không rà phá bom mìn thì mãi mãi chỉ là đất hoang. Bom đạn địch dội xuống đã đành, ngay cả những bãi mìn chúng tôi lập trước khu vực chốt trên Gia-lai ngày trước, chúng tôi cũng chưa kịp gỡ bỏ vì tốc độ chiến thắng, tốc độ truy kích địch năm 1975 nhanh quá. Liệu chúng tôi có quay lại đó gỡ bỏ không, hay nó lại tồn tại giống như những bãi mìn không hồ sơ của địch.

Nhưng chúng tôi lại chờ mong vào những ngày phép. Mấy năm xa nhà rồi còngì. Thế mà trong tất cả các đơn vị của trung đoàn không hề có rục rịch gì vềchuyện về phép. Thế là vào những ca gác đêm, hay những đêm mưa to thức giấc khóngủ lại, tôi lại mơ mộng nhớ về gia đình, nhớ về chặng đường quân ngũ của mình,rành mạch lắm, như những thước phim trôi chầm chậm, kể từ một chiều cuối xuânnăm 1971 ấy...�

---------


... Cuối tháng 3/1971, đài báo rầm rộ đăng tin thắng lớn của quân ta trên mặt trận đường 9 Nam Lào. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 mở đầu cho chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ-ngụy bị bẻ gấy trước cửa ngõ Sepon, Trung Lào. Một lữ dù VNCH co cụm bị đánh tan, đại tá Tư lệnh Nguyễn Văn Thọ bị bắt sống tại trận. Chiến thắng này được khuếch trương, rầm rộ chỉ sau Mậu Thân 1968. Một thời gian dài người dân quê đã nghe quá nhiều về chảo lửa Khe-Sanh, làng xóm đón nhận nhiều thương binh, và những người lính ra đi từ 1965, 1967 thì hầu như bặt tin. Gái quê cô nào lấy được một anh thương binh làm chồng thì coi như yên phận, hạnh phúc đã nắm chắc trong tầm tay. Vì thế chiến thắng này được ca ngợi hết lời, hậu phương nức lòng.

Đoàn trường của các trường phổ thông ở Hà Nội lập tức phát động phong trào viết thư hỏi thăm chiến sĩ đường 9-Nam Lào. Không khí nóng đến mức học sinh lớp 10 cuối cấp chúng tôi đã nhìn thấy con đường tòng quân trước mắt. Chắc chỉ vài tháng nữa thôi. Trong thư gửi chiến sĩ lần đó, tôi đã ước hẹn sớm ngày trở thành đồng đội của các anh.

Chúng tôi mới trở về Hà Nội được năm đầu, sau 5 năm đi học sơ tán. Chỉ mới năm học 1969-1970 thôi, tôi còn học ở trường cấp III Yên Hòa B. Đây là trường Chu Văn An (trường Bưởi) sơ tán về học chung trên đất ở Cầu Giấy của trường Yên Hòa. Tôi học lớp 9C, cùng lớp với Phạm Như Anh, con gái của luật sư Phạm Thành Vinh. (Bác luật sư này cùng với bác Đỗ Xuân Sảng là 2 luật sư bào chữa cho vụ máy bay biệt kích C47 của Mỹ-ngụy bị bắn rơi ở Ninh Bình năm 1963 đó). Tôi cũng biết anh Nguyễn Văn Thạc, học sinh giỏi văn toàn quốc học trên một lớp, đã mang vinh quang về cho trường năm đó. (Hơn 30 năm sau, khi có tập nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của anh Thạc, tôi mới biết rằng Như Anh lớp tôi yêu anh ấy, và anh ấy đã hy sinh. Lúc đó con gái lớp 9 mà đã yêu cũng hiếm lắm. Như Anh bây giờ chắc còn nhớ chút ít con đường rẽ từ Cầu Giấy vào trường phải đi qua một cái xưởng của HTX làm mắm, lúc nào cũng nồng nặc mùi, và con đường làng nhỏ chạy men quanh mấy cái ao, không ít đứa học sinh nghịch trêu nhau đã lăn tòm cả người và xe đạp xuống đó).

Một tháng sau có đoàn dũng sĩ miền Nam đến thăm trường. Toàn khối 10 tập trung ngồi trên sân nghe kể chuyện. Có một dũng sĩ người miền Nam tuổi độ 16, 17 kể chuyện chiến đấu rất hay. Say sưa quá, đến lúc chúng tôi hỏi súng B40 như thế nào mà bắn chảy xe tăng, anh ấy khoa tay giải thích một hồi rồi nhìn vào ngôi trường 3 tầng của chúng tôi bảo: "Cái nhà 3 tầng kia tôi chỉ bắn cho 3 phát B40 là đổ sập". Hãi quá, và buồn nữa vì anh ấy lại lấy ngôi trường thân yêu của chúng tôi làm ví dụ mục tiêu. Nhưng cũng buồn ít thôi, vì chúng tôi nghĩ anh ấy đi đánh giặc từ rất sớm, chắc không kịp học hành gì.

Tháng 4, chưa kịp thi tốt nghiệp, đã có 5 thằng trong trường tôi lên đường nhập ngũ, được đặc cách công nhận tốt nghiệp. Lớp tôi có thằng Tuyên, cán sự môn thể dục, dáng người cứng cáp, mới 18 mà trông đã như gã 20, cũng lên đường. Cả trường tiễn chúng nó đi như những người anh hùng. Thằng Tuyên chưa hy sinh, chưa thành anh hùng mà chỗ ngồi cũ trong lớp của nó đã được khoanh thành chỗ ngồi danh dự. Nhìn cái chỗ trống trong lớp ấy mà nhớ đến người anh hùng trong tương lai, thế thì đám con trai chúng tôi bị phân tán tư tưởng, học hành thòi thọp cũng phải thôi. Một tháng sau, đúng lúc chúng tôi chuẩn bị làm lễ bế giảng thì thằng Tuyên về phép thăm trường (Về sau khi đã vào lính thì đoán ra là nó "tút" về chơi chứ mới đi có một tháng, thành tích gì mà được về phép?). Nó mặc bộ quân phục còn mới (hình như có đôi chỗ hơi bạc màu phong sương!!), mặt cứ vênh lên giữa đám bạn bè và thày cô. Học sinh lớp chúng tôi hãnh diện ra mặt. Lũ con gái lớp tôi mặt mày rạng rỡ, xúm xít vây quanh, mặc cho bọn con gái lớp khác thòm thèm nhìn ngó, chỉ trỏ từ xa. Bọn con trai kể cũng hơi tự ái, thầm nghĩ ngày mai cũng vào lính luôn cho bè bạn biết tay.

Tới tháng 7 thì chúng tôi thi xong cả tốt nghiệp PT lẫn thi đại học. Nghỉ hè mà đường phố Hà Nội lúc này chỗ nào cũng nhan nhản áp phích hình anh Lê Mã Lương mặc quân phục giải phóng, đội mũ tai bèo, tay giơ khẩu Ak với hàng chữ bên dưới:

Lê Mã Lương. "Cuộc đời đẹp nhất,

Là ở trêntrận tuyến đánh quân thù!" 


Những ngày hè 1971. Sinh hoạt và cuộc sống của người dân Thủ đô trôi qua bình lặng, im ả. Tất cả chỉ mới giống như cuộc hồi cư trở lại quê hương sau chiến tranh của một dân tộc nghèo. Chưa có cái gì gọi là tái thiết. Hà Nội vẫn giữ lại được mấy cái bãi di tích của ba quả bom máy bay Mỹ ném xuống các phố Huế, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương trong một ngày hồi năm 1966 bằng cách quét dọn sạch sẽ đám gạch vỡ. Vẫn ăn độn bột mỳ, vẫn xếp hàng từ tờ mờ đất để mua gạo (nhiều khi chỉ được mua từng 5 cân, 10 cân một) và vẫn phải í ới gọi nhau rồi cắm đầu cắm cổ chạy ra chợ xếp hàng tranh nhau mua mớ rau muống ngọn dài tới nửa mét khi phát hiện có xe rau về...

Có hai sự kiện đặc biệt. Một là bắt đầu phát thử nghiệm vô tuyến truyền hình. Chưa ai có máy thu, nhưng chúng tôi biết được nhờ những tối kéo nhau ra bờ hồ Hoàn Kiếm. Người ta đặt một cái máy thu hình to tướng chỗ cột đồng hồ trước cửa hiệu kem Hồng Vân, Long Vân. Cuộc phát thử nghiệm chỉ kéo dài chừng một tiếng. Hình đen trắng, ruồi muỗi (nhiễu) lấn át cả hình ảnh. Nhưng đôi lúc cũng nhận ra hình ảnh rõ nét. Người dân dừng xe đạp đứng cả dãy choán một phần đường. Xem vì nó lạ chứ lượng thông tin chả có gì.

Sự kiện thứ hai là dịch sốt xuất huyết lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, mà điểm nóng là Hà Nội, Hải Phòng. Hàng trăm người nhập Viện, dăm ca tử vong. Thế là đủ gây nên nỗi kinh hoàng. Xuất huyết ngoại, những chấm đỏ li ti mọc đầy lưng, tay chân thì còn cứu chữa được, ai mà lỡ uống thuốc hạ sốt, gây xuất huyết nội là nhiều khả năng đi tong.

Nhưng cái không khí chiến trường thì lại ập rất rõ nét vào đám thanh niên, học sinh lứa tuổi 17, 18 chúng tôi. Các Tiểu khu đồng loạt gọi thanh niên khám sức khỏe NVQS. Chúng tôi bình thản vì đoán được con đường trước mắt chắc chắn là quân ngũ. Tiêu chuẩn không cao lắm và người ta còn xuê xoa nhiều thứ để đáp ứng sự háo hức vào lính của lớp thanh niên được giáo dục tử tế qua 10 năm ngồi trên ghế nhà trường XHCN, mang danh thanh niên thời đại HCM.

Lúc đi khám sức khỏe nhập ngũ, mọi tiêu chuẩn của tôi đều đạt, chỉ mỗi trọng lượng là thiếu một chút. Chuẩn mực là 44 kg trở lên, trong khi tôi mới được có 43,5 kg. Nhưng không hề gì. Ông bác sĩ bậc tuổi cha chú có vẻ mặt nhân hậu tươi cười vỗ vai tôi:

- Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xin "biếu" đồng chí nửa cân thịt.

Rồi ông ghi vào phiếu sức khỏe của tôi con số 44 kg.

Đến tháng 8 thì có kết quả. Tôi nhận được giấy gọi đại học cùng lúc với giấy gọi nhập ngũ. Ngày nhập trường đại học là 15/9, nhưng giấy gọi vào lính là 24/8. Cái giấy sau được ưu tiên thực hiện trước. Lớp 10 thân yêu của tôi có 22 thằng con trai thì có 17 đứa có giấy gọi nhập ngũ. Những đứa còn lại thì hoặc là con một, hoặc là con liệt sĩ, nên không phải đi. Một thằng đeo kính cận 1 diop cũng bị loại. Lúc đó người ta còn coi trọng chất lượng, cần những thằng biết "nhìn xa trông rộng". Đi lính khi đó tất nhiên là niềm vinh dự, đừng tưởng ai muốn đi cũng được đâu. Lớp tôi còn có thằng Trường (thằng này là anh ruột ca sĩ-nghệ sĩ Hồng Kỳ của nhà hát Tuổi trẻ sau này đấy) học giỏi nhất lớp, sức khỏe dư thừa song do tiền bối "dẫm nhầm giày quốc tế" nên không được vào đại học, mà tức khí xin đi lính (viết đơn bằng máu thật hẳn hoi) cũng không được chấp nhận.

"Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực". Đó là ý chí của bọn thanh niên chúng tôi khi đón chờ ngày vào lính. Tất nhiên bao giờ cũng có ngoại lệ. (... Tôi xóa đoạn này cho phù hợp với nguồn tin của bác PhongQuang. Xin tạ lỗi và nghiêng mình trước vong linh Hồng Quang, người đồng chí đồng ngũ đã hy sinh nơi chiến trường Trị Thiên.)

Trước ngày chúng tôi nhập ngũ một tuần, miền Bắc mưa trắng đất mấy ngày liền, tưởng như có cơn hồng thủy trong chuyện cổ tích. Đê sông Đuống vỡ. Cả một vùng thôn quê miền kinh Bắc ngập chìm trong nước. Sông Đáy (khi đó còn sâu, lúc thường chảy trong xanh hiền hòa đem cảm hứng cho các nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác...) cũng dâng nước ngập lút đầu người suốt vùng Quốc Oai, Hoài Đức... Con đê quai kéo từ Cầu giấy về qua Ô chợ Dừa, Kim Liên, Ô Đông Mác được đắp cao, chuẩn bị xả nước ngập các vùng Vọng, Ngã Tư Sở ... để cứu nội thành Hà Nội. Nhiều vùng dân cư trở thành ốc đảo. Nhà nước phải cho máy bay chở bánh mỳ đựng trong các túi ni-lon đem thả cứu dân. Thế mới có chuyện "chó đội nón" là xuất phát từ vụ lụt thế kỷ đó đấy.

Vậy là ngày nhập ngũ của chúng tôi lùi lại. Đã có đợt tòng quân nào màthanh niên nhận tới hai giấy gọi nhập ngũ liên tục như chúng tôi đâu. 


... Lũ rút, nước cạn, đường khô là chúng tôi nhận tiếp luôn giấy gọi nhập ngũ (4/9/1971). Lần này chỉ trước có 3 ngày. Thế cũng đủ vì chỉ phải chuẩn bị tại nhà. Nhà trường và tổ dân phố thì đã tổ chức tiễn chúng tôi từ tháng trước với đủ lời dặn dò rồi. Lúc làm lễ chia tay tại trường cấp III mới lộ ra mấy cặp hẹn hò. Những thằng đơn độc như tôi được chi đoàn tặng một cuốn sổ tay, có ảnh bác Hồ. Còn mấy thằng có bạn gái thì chắc là thêm lắm thứ linh tinh khác. Tôi cũng say cái máu "sa trường" nên dứt khoát không hẹn hò ai, để cho lòng thanh thản. (Thật ra có đứa quái nào nó yêu mình đâu? Hoặc giả là nó yêu thầm mà mình không biết, song tôi không bận tâm, lòng dửng dưng).

Tranh thủ còn thời gian, tôi đến thăm bà ngoại. Bà ngoại tôi cứ dặn đi dặn lại một câu:

- Nếu ở bộ đội, người ta có yêu cầu lên lấp lỗ châu mai, thì đừng có mà xung phong, cháu nhé.

Chả là bà ngoại tôi có một người con trai lớn, mà tôi gọi là cậu ruột, đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đó cậu tôi là Đại đội trưởng pháo phòng không của Đại đoàn 308, hy sinh lúc 26 tuổi. Nếu tôi cũng hy sinh, thì tình cảnh của mẹ tôi sẽ y hệt như bà ngoại tôi, vì tôi cũng có một chị gái.

(Còn chuyện tại sao bà ngoại tôi lại biết đến cái chuyện lấp lỗ châu mai. Đó là do năm 1965, kỷ niệm 10 năm giải phóng Điện Biên, trong một tập hồi ký nào đó có kể câu chuyện đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm một đơn vị bộ đội trước ngày chiến dịch ĐBP. Trong chuyện có tình tiết khi hạ quyết tâm ra trận, CTV hỏi: "Ai xung phong ôm bộc phá lên đánh hàng rào?". Cả đơn vị đồng thanh giơ tay hô: "Tôi!". Sau đó CTV lại hỏi: "Ai xung phong lên lấp lỗ châu mai?". Cả đơn vị lại giơ tay đồng thanh hô: "Tôi!".

Chính câu chuyện đó đã ăn vào tâm trí bà ngoại tôi, vì dù là phụ nữ, bà cũng biết rằng lên lấp lỗ châu mai thì chắc chắn sẽ là liệt sĩ).

Một ông chú, em rể của mẹ tôi, vốn là một chính trị viên Tiểu đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nay đã chuyển ngành, thì dặn tôi một câu, đầy chất chính trị:

- Cháu đi bộ đội, dù có gian khổ, hy sinh đến mấy cũng nhất quyết không được đảo ngũ, làm mất danh dự gia đình.

Vậy thì con đường đi vào quân ngũ của tôi đã xác định rõ hướng, đúng như sau này CTV đại đội huấn luyện của tôi nói: " bộ đội chỉ có tiến, không có lùi".

Đợt chúng tôi đi có đủ cả thanh niên 4 khu nội thành và 4 huyện ngoại thành (Khi đó không gọi quận, mà gọi là khu phố). Đi theo diện địa phương quản lý. Hai ngày sau (6/9/1971) cũng có đợt tòng quân tại Hà Nội, nhưng là sinh viên năm đầu của các trường Đại học. Cũng đến hơn nghìn người, bổ sung thẳng cho các sư chủ lực. Anh Thạc "Mãi mãi tuổi 20" đi trong số này.

Dân khu phố chúng tôi đi có đến gần hai nghìn đứa, vào thẳng trung đoàn 1867 (D59) thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (tư lệnh: trung tướng Chu Duy Kính) quản lý. Mỗi khu phố một điểm giao nhận quân. Tôi thuộc khu Đống Đa, tập trung tại rạp chiếu phim Đống Đa ở phố Thái Thịnh bây giờ. Đọc tên xong ra xe, ô-tô chở thẳng chúng tôi vào Đại Mỗ (Hà Đông).

Trưa 4/9/1971 bắt đầu ăn bữa cơm lính đầu tiên. Tất cả nghỉ nhờ nhà dân. Chúng tôi nhận mặt A trưởng, rồi sau đó cứ bám vào đấy như lũ gà con theo mẹ cho khỏi lạc. Rồi hỏi han tên nhau trong A, cặp từng hai ba thằng cho có bạn. Cứ thấy ông nào mặc quân phục là gọi thủ trưởng tất.

Bangày đầu liên tục học chính trị. Tối sinh hoạt, thời gian khép kín. Ở nhờ nhàdân, chưa quen rõ hết nhau, lại mặc đồ dân sự nên quản lý cũng không chặt lắm.Thế cho nên sau 9 giờ tối, nhiều thằng vẫn chuồn về được nhà (bạn chúng nó mangxe đạp đến đón) rồi sáng sớm hôm sau trước giờ báo thức lại có mặt ở nhà dân. 


... Chiều ngày thứ ba, chúng tôi được phát quân trang. Có 3 cỡ số, nhưng lính tráng toàn thuộc loại nhỏ con nên chỉ số 2 và 3 là phù hợp. Thằng nào vớ phải số 1 thì như mặc áo phường tuồng. Nhưng không có đăng ký lựa chọn gì, ai vớ phải ba lô có cái nào dùng cái đó. Ba lô là của Việt Nam, còn quần áo là màu cứt ngựa, vải dày nhưng nhẽo nhèo nhèo, nghe nói của Triều Tiên viện trợ. Chiều đấy mặc quân phục vào nhìn nhau lạ lắm. Nhìn sau lưng ai cũng giống ai, chưa quen phân biệt dáng dấp riêng. Một hai hôm sau mới thấy bình thường.

Thêm được một ngày nữa làm công tác chuẩn bị. Buổi tối, đơn vị phổ biến lệnh hành quân. Chưa phát súng nhưng mỗi thằng được phát ruộng tượng và 5 cân gạo. Khi đó phát cả chiếu cói cá nhân.

Sáng ngày thứ năm, cả đơn vị lên đường hành quân, nhằm hướng Thị xã Hòa Bình thẳng tiến. Đội hình là đại đội, nhưng mọi thứ nhất nhất theo lời A trưởng. Chưa quen đi nên ai cũng mỏi mệt. Mỗi tiếng giải lao 10 phút, cứ thế mà làm. Dọc đường đi lên Quốc Oai còn thấy ngấn bùn đọng cao trên hàng cây to ven đường, dấu tích của trận lụt vừa qua.

Vị trí tập kết mới là Bãi Nai thuộc Kỳ Sơn, Hòa Bình. Từ Đại Mỗ lên đó cỡ bảy chục cây số, chia làm 3 ngày đi đường. Tôi được cử vào đoàn tiền trạm của một chặng, lếch thếch theo một anh B phó hành quân, đi trước đội hình đơn vị một ngày. Tới trước nơi mà đơn vị sẽ định trú quân, tập làm mọi thứ để giao dịch với dân.

Tôi rất có ấn tượng với một xã thuộc huyện Quốc Oai, Hà Tây ấy. Trong xã hầu như không có thanh niên. Trung niên cũng lác đác, còn đa phần là phụ nữ. Xã đội trưởng cũng là phụ nữ. Về lý thì họ tiếp nhận, giúp chúng tôi phân chia địa bàn vào các xóm, còn hỏi nghỉ nhờ một đêm ở nhà ai thì chúng tôi phải tự đi hỏi. Mang tiếng là bộ đội, nhưng chúng tôi bỡ ngỡ và ngờ nghệch lắm. Toàn chào người nhiều tuổi là mẹ, xưng con, còn với các nữ dân quân thì gọi là đồng chí. Ban đầu cứ nhấm nha nhấm nhẳn với các nữ dân quân, lúc thì đồng chí, khi anh em, mãi gần tiếng đồng hồ mà chưa hỏi được mấy nhà có chỗ cho nghỉ. Cái khó không phải là mái hiên, mảnh vườn, mà khi đó chúng tôi yêu cầu có chỗ nằm trong nhà, lại còn xin dân củi nước nấu cơm nhờ nữa kia. Lính Hà Nội không quen nấu cơm bằng rạ, muốn xin củi cơ, mà đồng bằng khó kiếm (dân Hà Nội khi đó còn phải mua than hay củi định lượng theo phiếu hàng tháng. Tôi nhớ mỗi kỳ bão là bọn thanh niên rủ nhau ban đêm vác dao đi lượm cành khô hoặc chặt cành cây đổ do bão về làm củi. Khi đó có cây đổ, chả đợi đến Công ty Công viên-cây xanh như bây giờ, dân tự dọn hết, sáng ra là đã đường thông hè thoáng rồi. Mà gỗ xà cừ, chặt tươi còn dễ, đem về để khô mới chặt, chẻ thì vất lắm).

Đi lại loanh quanh mãi mà kết quả không bao nhiêu, tôi tách ra ngồi bệt xuống cạnh một cái rào duối để nghỉ, bụng nghĩ thây kệ, muốn ra sao thì ra. Dùng rạ nấu cơm mà không xong thì tất cả nhịn. Nhưng may quá, lần đầu tiên tôi biết thế nào là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Hai vị thánh của tôi xuất hiện. Đó là hai cô bé chỉ độ 13, 14 tuổi. Chúng nhìn thấy tôi là ngồi luôn xuống bên cạnh hỏi chuyện, cực kỳ mộc mạc và chân thật. Tôi được phong lên hàng "chú" bộ đội, mặc dù về tuổi xét ra chúng là em, kém tôi chỉ 4, 5 tuổi. Nghe tôi kể khổ, chúng nghe và không ngần ngại kể cho tôi biết trong xóm nhà nào dễ, nhà nào khó, nhà nào có thể cho bộ đội củi nấu cơm. Rồi chúng hăm hở dẫn tôi đi. Hơn nửa tiếng sau thì tôi đã hỏi nhờ được đủ số nhà dân cho trung đội nghỉ nhờ. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong lính như vậy đó.

Ôi, các cô bé gái tuổi niên thiếu. Đủ độ để hiểu việc mà lại rất thực, không dấm dẳn à ơi như các "chị" mười tám đôi mươi, tán gẫu thì vui mà đụng vào việc nào là hỏng việc ấy. Các em là những người thày thực tế đầu tiên đã làm cho anh hiểu thêm tâm lý con người. Cái này nhà trường đâu có dạy. Từ đó về sau, khi đóng quân nhà dân, bao giờ tôi cũng tìm cách làm thân với những em gái 13, 14 tuổi, và bao giờ cũng được việc khi muốn tìm hiểu tình hình xóm làng.

(Sau này tôi có đúc rút kinh nghiệm vả kể lại rất nhiều trường hợp, rất tỉ mỉ cho một thằng bạn làm bên ngành giáo dục, đến nỗi thằng này chọn đó làm đề tài nghiên cứu tâm lý và thu về được một cái bằng Tiến sĩ, cũng hỉ hả như ai).


... Chiều ngày hành quân thứ ba thì chúng tôi đến Bãi Nai. Chỗ này còn cách thị xã Hòa Bình 10 cây số nữa. Rẽ phải vào một đoạn thì gặp một con suối. Lòng suối rộng, nước nông và trong, gập ghềnh toàn đá sỏi. Suối này xe ô tô qua lại vô tư, không phải bắc cầu hay làm đường.

Qua suối phải đi thêm 7 cây số, qua 2 cái bản rồi mới đến địa danh gọi là dốc Bụt. Lại qua một con suối nhỏ nhưng khá sâu nữa thì lên đến doanh trại. Lán trại đã có sẵn từ đợt huấn luyện tân binh trước. Địa hình rất dốc, các lán phải làm kiểu nửa nhà sàn. Chỗ bằng phẳng do lính san ra không rộng hơn cái chiếu là mấy. Sạp nằm bằng nứa dài đủ sáu bảy người nằm. Mỗi A vào một gian lán. Cuộc sống bộ đội bắt đầu.

Liên tục mấy ngày đầu phải đi gùi lương thực thực phẩm, súng ống ... từ mãi ngoài BCH Trung đoàn ở khu suối cạn. Rồi cả D được thịt một con trâu khao lính. Sau đó thì học chính trị, học 10 lời thề, kỷ luật quân đội ...

Hưởng trận mưa rừng đầu tiên, cả đơn bị ngồi bó giò trong lán. Chỉ khổ thằng đi lấy cơm. Nhưng mưa này là mưa rừng miền Bắc, chả thấm vào đâu so với mưa rừng Trường Sơn sau này. Tối nào cũng sinh hoạt, học hát các bài quy định và tự hát "sinh hoạt văn nghệ" cho có không khí.

Sau tuần đầu tiên thì đơn vị bắt đầu có lính "tút". Lần đầu tiên nghe từ "đảo ngũ". Cho đến bây giờ nói quen miệng thôi chứ thật tình tôi vẫn chưa hiểu "bác" nào trên cục Quân huấn hay Cục chính trị sáng tác ra cái từ này. Xem truyện của Liên xô thời Chiến tranh vệ quốc, thì những ai bỏ đơn vị không tham gia chiến đấu gọi là "đào ngũ", còn chạy sang đầu hàng địch gọi là phản bội. Cái từ "đảo" này chả biết Hán ngữ hay Nôm ngữ, nhưng từ quan to đến lính đều gọi quen mồm thế chứ chưa ai giải thích được rõ ràng. Tóm lại vẫn là theo qui tắc số đông.

Đợt tôi nhập ngũ, tuy là lính khu phố, nhưng vẫn phân ra hai loại. Số ít là những thằng vừa học xong lớp 10 phổ thông (đã có giấy gọi đại học hoặc không), còn đa phần là dân tự do, công nhân hoặc chưa có việc gì làm. Tuy là lính mới mà vẫn có trò bắt nạt nhau. Những thằng vô công rồi nghề lúc ở nhà tỏ ra gấu nhất. Thằng Th."mốc" (bây giờ là thương binh, cầm đầu một số anh em thương binh nặng-mất từ 2 chi trở lên- lập nhóm chuyên đòi nợ thuê trong dân sự) có cái mũi đỏ to còn hơn của nghệ sĩ Quang Thắng bây giờ, hay trợn mắt dọa bọn tôi: "Chúng mày có đi lính, chẳng qua đi nghĩa vụ, gọi mới đi, chứ tao đây còn tự nguyện viết đơn xin ra tù để đi lính cơ". Chả là thằng này lúc ở nhà chuyên "giạt vòm", trộm cắp. Trước ngày nhập ngũ nó bị bắt vì tội đánh nhau hay móc túi gì đó, gia đình phải bảo lãnh cho ra để kịp ngày đi bộ đội. Nhưng cái vẻ hung hăng của nó làm khối người sợ. Vào dốc Bụt được một tuần, nó rủ năm sáu thằng đảo ngũ. Chúng nó không trở ra lối suối cạn, mà hỏi đường dân rồi đi sâu vào trong dốc Bụt rồi tìm lối tắt ra quốc lộ 6. Một tuần sau chúng nó lên đơn vị, bị bắt gác đêm và học thuộc 10 lời thề QĐ. Nghe chúng nó kể, lần đầu tiên tôi biết đến đơn vị đo chiều dài của người dân tộc là "một quãng dao". Cả bọn suy diễn, đứa bảo là "một con dao quăng", đứa bảo là "một tay dao". Xem ra thì "một tay xách dao" đúng hơn, vì xách mỏi tay thì nó đổi tay xách, quãng đường tương ứng rất dài chứ "một quăng dao" thì may lắm chỉ vài chục mét là cùng.


... Đợt nhập ngũ của chúng tôi quân đông quá. Cả đợt tới gần 1800 lính, mỗi A tới 17, 18 thằng nên ở rất chật chội, sinh hoạt có gì đó không ổn. Vì vậy gần một tháng sau, từ 2 tiểu đoàn 48, 50 được tách ra một tiểu đoàn nữa (D52). Tôi được sang D52, hành quân ra đóng quân ở cạnh một bản dân tộc Mường gần khu suối cạn. Chỗ này địa hình bằng phẳng, cả 4 B quây mặt vào một cái sân rộng đủ chỗ tập trung cho cả C. Chỉ khi đi sâu vào rừng mới phải leo dốc. Thao trường cũng là bãi đất bằng cách xa doanh trại nửa cây số. Chỗ tập đội ngũ theo từng B thì thoải mái, rộng rãi, chả bù cho trong dốc Bụt.

Thế là những ngày huấn luyện bắt đầu, Chúng tôi chỉ học 3 loại súng là AK, RPK và K63.

Chuyện học đội ngũ, học bắn súng, ném lựu đạn, đánh bộc phá, hay đào công sự thì có lẽ nơi nào cũng như nhau trong toàn quân. Lúc đầu chưa quen, mệt và vất vả thì ai cũng như ai, rồi sẽ quen tất thôi. Có mấy điều gây ấn tượng với chúng tôi. Thứ nhất là được ăn nhiều hơn (tiêu chuẩn 1 tháng: 21kg gạo so với 13,5kg ở nhà và 2,4kg thịt so với 0,3kg ở nhà). Thứ hai là phải tập đi bộ và đeo nặng 20-25kg. C trưởng thông báo chúng tôi phải hành quân đủ 500 cây số thì mới được vào chiến trường chiến đấu.

Đời tân binh có đủ mọi chuyện lạ, nhất là đối với lính học sinh chúng tôi.

Đầu tiên là chuyện thằng Lương "vỗ vai". Thằng này vóc dáng bình thường thôi, nhưng rắn chắc. Nó chơi ghi-ta rất khá, lúc học sinh từng theo thày Văn Vượng ở khu Cửa Nam để học đàn. Nghe ngón vê đàn của nó thì thật mê li. (Cái trò âm nhạc thu hút lòng người ghê lắm. Bắc lính nào có ngón chơi đàn giắt lưng thì khi đóng quân nhà dân giao lưu, khối em chết). Khi đó thấy trong C có một số thằng hay gây gổ, thằng Lương khó chịu lắm. Cứ gặp thằng nào gây sự với mấy đứa thư sinh, nó lại gần thằng đó "vỗ vai" ghé tai nói nhỏ gì đó. Thế là sau giờ sinh hoạt tối, Lương lặng lẽ cùng thằng đó trốn ra thao trường (cách doanh trại chỉ độ 500 mét). Sau hơn nửa tiếng thấy hai thằng trở về, rồi từ hôm sau thấy thằng kia "dịu" hẳn đi. Mấy vụ như thế, chúng tôi tò mò rồi bí mật theo chân chúng nó trốn ra thao trường ban tối để xem. Thấy thằng Lương và đối phương chẳng nói chẳng rằng, xông vào nhau đấm túi bụi. Kết quả bao giờ cũng là thằng Lương thắng. Sau đó hai thằng đó lặng lẽ ra về. Cứ như vậy, thằng Lương "so găng" đến hơn chục vụ. Rồi anh em trong C cũng biết hết chuyện và nể nó ra mặt. Từ đó Lương có tên là Lương "vỗ vai", nhiều khi chúng tôi còn phong nó là "Lê Mã Lương". (bác này bây giờ làm nghề tự do, sửa TV có tiếng trong khu Đống Đa. Gần sáu chục tuổi rồi mà chiều nào bác ấy cũng chạy 2 vòng hồ công viên thống nhất, sau đó về giã gạo xà kép 2 chục chiếc vô tư, mặt không hề đỏ. Thanh niên khối đứa chạy dài không kịp).

Rồi đến chuyện của mấy thằng bất trị. Một tối họp đại đội, CTV đứng trên bục thông báo: "Có đồng chí nào lấy trộm cái mũ cối tàu của C trưởng thì trả ngay. Đây là hành động trộm cắp lưu manh, không thể chấp nhận có trong bộ đội được...". Cả C im lặng. Nhiều thằng biết cái mũ cối ấy đã bị chuyển hóa thành kẹo dồi (kẹo lạc) ở quán nước ngoài suối cạn lúc sẩm tối, và đã chui vào bụng lính hết rồi, nhưng không đứa nào dám nói. Lên lớp về phẩm chất cần có của anh bộ đội cụ Hồ chán chê mà không có kết quả, CTV cho cuộc họp giải tán.

Tối sau, chúng tôi lại họp C (Hơi bất thường). CTV lại đăng đàn. Lần này giọng nói của ông chùng xuống, nghe hơi run run. Ông bảo: "Hôm qua tôi vừa nhắc nhở chuyện cái mũ cối của C trưởng, tìm chưa ra, thế mà đêm qua đ/c nào đã lấy mất của tôi cái ca uống nước. Cái ca ấy không giá trị nhiều, nhưng là kỷ niệm tự tay tôi làm từ ống pháo sáng hồi chiến đấu bên Lào. Thôi, đ/c nào lỡ lấy thì cho tôi xin".

CTV chỉ nói thế thôi, nhưng lần này lính tráng chúng tôi tỏ thái độ không đồng tình với kẻ bất thiện. Hai hôm sau, một buổi sáng sớm, CTV ra đánh răng đã nhìn thấy cái ca "pháo sáng" ngoắc trên cái ba chạc gác chậu đầu hè.

Từđó về sau, không ai còn chính thức nhắc đến cái mũ cối và cái ca trong các cuộchọp nữa. 


Ngay từ tuần thứ hai ra khu doanh trại mới, chúng tôi đã phải tập hành quân mang vác. Phải tập đi những 500 cây số rèn luyện cơ mà. Mỗi thằng tự nặn 4 cục đất (sét), mỗi cục 5 ký lô. Mỗi tuần có hai buổi tối tập hành quân. Vất quân tư trang ra sạp trong lán rồi lấy nilon gói 4 cục đất cho vào ba lô. Buổi đó không phải sinh hoạt tối, đi ngay từ lúc 7 giờ. Mỗi tối đi chừng 10 cây số, sau tăng dần nhưng chỉ thêm độ một hai cây số. Đi và về một hướng nên nhiều thằng láu cá ra khỏi doanh trại một đoạn là giấu bớt một cục đất vào bụi, lúc trở về lại lấy ra cho vào ba lô, nên về đến doanh trại kiểm tra vẫn đủ. Về sau cán bộ B, C đổi chiến thuật, mỗi lần đi một hướng, sau đó là đi theo đường vòng tròn, xuất phát hướng Tây, nhưng về doanh trại lại vào theo hướng Đông nên nhiều thằng bị vạch mặt. Về sau, chúng tôi xác định nếu không tự rèn thì vào đến Trường Sơn mình tự chết trước, nên cái trò láu cá mất dần. Sau nữa, đơn vị lại thỉnh thoảng tổ chức đi dã ngọai xa vài chục cây nên có láu cá cũng không được.

Chủ nhật, chúng tôi không được nghỉ mà phải vào rừng lấy củi. Ba thằng chung một con dao dựa, khoán mỗi thằng 20 ký. Thực chất mỗi chúng tôi chỉ chặt được một khúc to, chủ yếu là tươi, vác thấy nằng nặng là được. Cái điệp khúc này, lính Bắc chắc ai cũng gặp và cũng ngán. Chẳng qua đều là chặt cây rừng, trộm của dân. Có điều khi đó rừng chưa giao cho dân, lại mang tiếng bộ đội thời chiến nên đồng bào Mường không ai kiện cáo gì. Càng đợt lính sau càng phải đi xa, vào sâu hơn.

Đến tháng thứ hai, chúng tôi được phép đón người nhà lên thăm. Có lán "nhà khách" dựng ngoài cổng doanh trại hẳn hoi. Vì hầu như chưa lính nào có vợ nên người nhà chỉ lên thăm một ngày. Cuối chiều về sớm để còn kịp ra Bãi Nai đón xe khách. Được chút bánh kẹo đem về lán chia nhau, chủ yếu trong tổ tam tam. Tiểu đội có 12 người nên không đủ chia cho tất cả. Tôi còn nhớ vụ mẹ thằng K. "con" lên thăm nó. Hôm ấy C phó Hảo trực nhà khách nên có ra tiếp mẹ nó. Ông Hảo (người Hà Tĩnh) 35 tuổi mà vẫn lẹt đẹt C phó, là người cao tuổi nhất đại đội, gọi thằng K. là em mà gọi mẹ nó cũng là em. Lính tráng phì cười, mãi sau mới rõ là ông ấy có lý. Mẹ thằng K năm ấy mới có 32 tuổi, sinh nó lúc chưa tròn 15 (!), mà thằng K năm đó cũng chưa đủ 18 tuổi. Nó bị trêu ghê quá tới mức viết thư về dặn mẹ nó đừng lên thăm nữa. Nó bé nhất A nên về sau ai có chút quà gì cũng chia cho nó, cho nó khỏi tủi thân. (Thằng này bây giờ chuyên bán gà làm sẵn ở chợ Vọng, người vẫn nhỏ con và tính vẫn tếu táo như ngày nào. Không ai dám bảo thằng này đã quá 50 tuổi).

Trung đội tôi ở một khu đất quay sát vào một núi đất. sau lán có mấy rặng bương, vầu của dân. Trong đơn vị có anh Thanh, vốn là công nhân lâm nghiệp, 27 tuổi rồi, nhưng vì sao đó nên phải nhập ngũ cùng đợt chúng tôi. Anh ấy đã có vợ và con. Tính cởi mở nhưng không tếu. Chiều nào trước giờ cơm chiều anh ấy cũng ra sau lán bẻ bẹ vầu đun nước pha chè bồm trong cái ống bơ to. Bát nước chè chuyền tay nhau cho mấy thằng trong tiểu đội. Đôi khi anh ấy kể chuyện rừng, chuyện khai thác lâm nghiệp của xí nghiệp anh ấy. Tôi có cái hứng uống nước chè từ khi đó. (Sau này đến khi chúng tôi vào chiến trường thì anh ấy được giữ lại về làm thủ kho gì đó ở Bộ Tư lệnh thủ đô).

Rồi lại chuyện thằng Khiêm (thằng này vào chiến trường có nhiều chuyệnlắm, kể dần sau). Nó kiếm đâu được cái đài khuyếch đại thẳng tự lắp bằng babóng Tranzistor nghe được đài tiếng nói Việt Nam. Pin là tầng pin Vô tuyến cũxin đâu đó, một cực cứ phải cắm bằng cái kim băng để lấy đúng điện áp nguồn.Tối nào nó cũng đem ra nghe từ 9 giờ tối cho đến 9 giờ 30 thì phải tắt để đingủ. Tôi nằm cạnh nó, được nghe ké nên cũng thấy đỡ nhớ nhà. 


Bây giờ đến chuyện làm giúp anh nuôi.

Bốn anh nuôi trong C tôi vốn là lính thu dung của đợt D34, D36. Chúng nó nhập ngũ đợt hè 1970, trước chúng tôi hơn một năm. Khi đó, chúng nó được nhiều ưu đãi lắm, vì chưa phải cảnh tổng động viên. Đóng quân bên Đông Anh, cách nhà chỉ trên hai chục cây số, thằng nào mà chả tranh thủ "tút" về nhà vài lượt. Có khi chúng nó "tút" cả đám hơn chục thằng, về Hà Nội chơi vài ngày rồi lại nhập lên đơn vị vô tư. Kỷ luật khá lỏng lẻo. Đợt chúng nó chỉ gặp cảnh ăn bí ngô triền miên thay rau là xót ruột thôi, còn thì không có gì đáng phàn nàn. Lúc ấy, mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật, thấy bọn lính mặc quân phục bạc màu, tay áo thả dài không cài khuy, quần chít ống mà giày cao cổ lại không thắt dây, thả bước vào quán Gió, quán Bốn mùa gọi cà phê, hút thuốc lá thả khói hình vòng tròn điệu nghệ thì thanh niên Hà Nội mê lắm.

Cũng vì chiều quá nên lính tráng sinh hư. Sau tết năm 1971, chúng nó chuẩn bị vào Nam. Lính trung đoàn 1867 Bộ Tư lệnh thủ đô thường không bổ xung cho các sư chủ lực ở Bắc, mà hành quân theo đội hình đông vào bổ xung thẳng cho chiến trường. Cả tiểu đoàn sáu trăm con người lên cả một chuyến tàu hỏa ở ga Yên viên. Đợt đó chúng nó được phát ngay quân tư trang mới ở Đông Anh. Súng đạn cũng phát luôn, toàn Ak và lựu đạn chày. Toa hậu cần phía đầu tầu chất sẵn bánh kẹo, thuốc lá và nước ngọt. (Chủ yếu là si-rô thôi chứ chưa có bia). Lính mà được phát thuốc lá Tam đảo, Điện biên, có cả bao bạc hẳn hoi. Lúc đó ngay cả thời gian huấn luyện cũng chưa có lệ phát thuốc lá cho lính, vậy mà lúc đi B, chúng nó đầy đủ vậy. Nghe nói toàn đồ úy lạo của thành phố. (cái này nghe giống như chuyện úy lạo của nhân dân TQ cho các chiến sĩ Quân giải phóng ND TQ trong chiến dịch Thượng Cam Lĩnh bên Bắc Triều tiên hồi 1953 quá).

Lên tàu là thuốc lá và bánh kẹo đã được phát tới tận tay lính. Tàu chạy chậm, lính tráng ngả ngiêng hát hò, trò chuyện. Sẩm tối thì qua cầu Long Biên. Cầu Long Biên khi đó đã bị máy bay Mỹ đánh sập mấy nhịp trong chiến tranh phá hoại, được sửa lại, nhưng chỉ được phần cầu, còn những dầm khung giằng thép mang dáng dấp đặc trưng của cây cầu thì không có (đến bây giờ cũng vẫn thế) nên tàu chạy chậm. Một thằng nào đó phởn chí chợt thò AK ra cửa sổ toa tàu nhả lên trời một loạt đạn. Thằng khác thấy thế cũng hưởng ứng góp một loạt. Thế là như phản ứng dây chuyền, lính ở các toa cùng thi nhau xả đạn lên trời. Chỉ huy đi cùng toa quát được thằng này, thì thằng ở góc kia bắn, cứ loạn cả lên. Trong cảnh láo nháo mà thằng lính nào cũng có súng đạn, tâm trạng đầy phấn khích thì chỉ có bó tay. Quá đáng hơn, một thằng rút lựu đạn giật nụ xòe rồi quăng xuống lòng sông. Tiếng nổ to và cột nước dựng lên gây ấn tượng hơn. Một thằng làm được thì thằng khác cũng làm được. Thế là mặt sông dọc cầu dậy lên tiếng nổ và cột nước. Chắc khi đó dưới sông không có tàu bè và thuyền đánh cá qua lại, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Bọn cá chết oan nổi lên mặt sông, chắc phải trôi cả cây số xuống dưới hạ lưu mới có người vớt.

Tàu vào đến ga Long Biên thì tình hình mới tạm ổn. Lính tráng không dám bắn vào khu vực có dân. Chúng nó chỉ thò cổ ra ngoài toa hò hét om sòm. Tối rồi, đường Phùng Hưng cũng vắng vẻ nên không khí lịm dần.

Vào Ga Hàng cỏ thì tàu dừng lại. Chắc các thủ trưởng cấp trên ở Bộ TLTĐ muốn dừng tàu để vào ga trấn chỉnh lính. Nhưng hình như quyết định này là sai lầm. Tàu dừng là lính tỏa xuống sân ga. Rồi lếch thếch cả ba-lô và súng đạn, từng tốp lính kéo nhau ra hai đầu đường sắt phía Khâm Thiên và phố Nguyễn Khuyến. Tốp thằng Luân phố Huế vừa ra đến gần cầu vượt phố Khâm thiên thì bị một đại uý đứng chặn giữa đường tàu giang tay ngăn lại. Chẳng sợ chút nào, thằng Luân chỉ vào mặt người sĩ quan, hỏi anh em lính: "Lão này có phải thủ trưởng chúng ta không hả chúng mày?". Một thằng kêu to: "Cóc phải". Thế là chúng nó gạt ông sĩ quan ra rồi ào ào đi. Sức ngăn không lại, cũng không thể rút súng ra bắn (bọn thằng Luân khi đó cũng súng ống đầy mình), ông đại úy đành bất lực nhìn đám thằng Luân, rồi nhiều tốp lính khác tràn qua trước mặt.

Đêm đó, cả tiểu đoàn lính, lớp ngủ lại sân ga, lớp ra công viên Thống Nhất chơi cả đêm, một số thằng về nhà ở gần. Đến sáng, chúng nó cũng lục đục trở lại tàu. Gần như đủ cả mới lạ chứ. Trời sáng rõ, đoàn tàu mới chuyển bánh rời ga.

Nhưng như thế chưa phải là đã hết.


Vượt khỏi ga Văn Điển là đã thấy rõ cảnh nông thôn vắng vẻ. Con đường quốc lộ 1 bé chỉ vừa hai xe tải tránh nhau chạy dọc theo đường sắt, chốc chốc mới có người. Trời se lạnh, chỉ thấy bóng nông dân xa xa trên ruộng. Đến gần Thường Tín thì gặp mấy em gái đèo nhau trên xe đạp đi cùng chiều. Thế là lính tráng thò cổ ra trêu, huýt sáo ầm ĩ. Các em e thẹn nghiêng nón che. Thế là một thằng nào đó túm ngay gói kẹo quăng xuống. Chưa kịp hiểu sao thì kẹo trên tàu ném xuống rào rào làm các em liêu xiêu suýt bẹp nón, ngã xe phải dừng lại. Hoảng hồn, nhưng số kẹo ném xuống chắc đủ cho trẻ con cả xóm liên hoan. Cứ như thế mà tiếp diễn kéo dài suốt dọc đường tiếp theo, không ai ngăn được. Có nhẽ đến gần Phủ lý mới không còn kẹo để ném xuống đường. Số lượng lính ăn chẳng bao nhiêu.

Hết khôn dồn đến dại. Đoạn đường từ Phủ Lý đến Nam Định, lính tráng còn bắn bậy AK xuống ruộng. Có thằng bắn cả trâu của dân trên ruộng. Thật quá đội quân ô hợp.

Có lẽ cái thông tin trên đã truyền về Bộ TLTĐ. Đến ga Núi Gôi thì tàu dừng. Cả mấy trăm lính có lệnh xuống tàu, hành quân mấy cây số vào một khu doanh trại ở đó. Có lệnh nộp súng vào kho. Đến hôm sau thì có một đoàn xe tải quân sự chạy vào. Lính tráng tập hợp xong, còn đang ngơ ngác thì thấy từng đám vệ binh vây quanh. Rồi có một thủ trưởng đọc lệnh bắt gần trăm thằng. Đọc tên thằng nào tống lên xe tải thằng đó, rồi trở về Hà Nội. Hơn dăm trăm thằng khác ở lại Ninh Bình học chính trị 3 ngày cho thấm nhuần tư tưởng rồi tiếp tục lên tàu đi B.

Thằng Luân nằm trong đám bị dẫn về Hà Nội, gộp vào đơn vị thu dung. Vài đứa đầu têu bị đưa về giam ở 33 Phạm Ngũ Lão. Số đông còn lại vừa cải tạo lao động, vừa học chính trị. Rồi sau đó chúng nó được chia nhỏ từng tốp về làm anh nuôi cho các đợt tân binh sau.

Đấy là tiểu sử bốn thằng anh nuôi trong C huấn luyện bọn tôi. Chúng nó là lính cũ, chiến tích như thế nên khi nghe chúng nó kể lại, bọn tôi cũng hơi ngài ngại.

Vào lính mới biết cái kiểu họp hành thường xuyên, rồi phát biểu dân chủ này nọ. Một lần khi họp góp ý anh nuôi, có một thằng phê bình anh nuôi nhặt rau không sạch, còn lẫn cả sợi cỏ.

Hôm sau tôi được cử xuống giúp anh nuôi nấu cơm. Chỉ là bổ củi, nhặt rửa rau và bị sai vặt thôi. Vừa rửa xong mấy rổ rau to tướng, chưa kịp ngồi nghỉ thì thằng Th. "pi-tơ" anh nuôi quát tôi đi kiếm nắm rơm. Đem nắm rơm về, còn đang phân vân không biết làm gì thì thằng Th. giằng nắm rơm cho vào thớt chặt nhỏ ra rồi trộn luôn vào rổ rau tôi vừa rửa. Vừa trộn nó vừa lẩm bẩm: "Này thì lẫn cỏ này, rửa rau không sạch này...", rồi nó thản nhiên cho tất vào nồi luộc rau. Tôi sợ quá không dám nói gì. Bữa cơm ấy tôi được ăn cùng mấy thằng anh nuôi nên không dính rơm. Còn lính tráng trong C nhiều thằng dính rơm nhưng cũng sợ không dám kêu vì cũng đoán là bọn anh nuôi cố tình. Dây vào chúng nó chỉ dại. Bài học đầu tiên về dân chủ và cảnh ma cũ bắt nạt ma mới như thế đấy.

Chúng tôi là đoàn tân binh thứ hai mà nhóm anh nuôi "thu dung"phục vụ. Sau này đến khi chúng tôi đi chiến trường thì cả 4 thằng anh nuôi cũngđược biên chế vào cùng C để đi B như chúng tôi. Mấy năm chiến trường, chúng tôilại sống chan hòa với nhau, không có chuyện gì xảy ra. Cả 4 thằng đều sống đếnhết chiến tranh. Có một thằng là thương binh, về làm ở quận đội Đống đa mãi mớinghỉ. (Bây giờ nó mở một quán bán cơm phở ở gần cái quán 88 "Đồngđội" đường Tô Vĩnh Diện mà bác TS1 và các bác QKTĐ hay off đó).


Trong đời chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. May mắn đa phần là nhờ số phận.

Sau lần đi bắn đạn thật bài 1, thằng Bắc "con" trong B tôi loay hoay xin được 3 viên đạn AK. Nó khoái chí lắm, cứ đến phiên gác là lại lắp 3 viên đạn đó vào băng. Nó bảo cầm súng có đạn khi gác đêm yên tâm lắm. Thực tình khi đó chúng tôi gác để tập thói quen rèn luyện là chính, chứ đào đâu ra địch. Kẻ gian thì cũng chẳng có ma nào mò lên cái xứ huấn luyện hẻo lánh này. (Từ doanh trại chúng tôi ra khu suối cạn rồi đến mấy cái quán nước bên đường số 6 cũng phải 2 cây số. Chỉ có khi đi lấy gạo, chúng tôi mới được ra đó, tranh thủ mà tạt vào quán. Tất cả tiền gia đình tiếp tế chỉ đổ vào mấy cái quán đó, mà chỉ có kẹo lạc dồi, thuốc lá quấn hay thuốc Lào. Một lần ghé vào bưu điện cạnh đó, tôi mua được cuốn truyện "Vi-chi-a Ma-lê-ép ở nhà và ở trường" của Liên-xô đem về doanh trại đọc cho nhớ lại thời còn học sinh mới chỉ cách đó nửa năm trời. Tưởng đỡ buồn nhưng càng đọc càng nhớ nhà, càng buồn thêm).

Một đêm thằng Bắc "con" gác, tầm 10 giờ thì đại phó Hảo đi kiểm tra. Nó chờ ông ấy đến gần mới thỏ thẻ chào: "Thủ trưởng đi kiểm tra gác đấy ạ". Tưởng được khen, được động viên mấy câu, ai dè đại phó Hảo lên lớp cho một bài. Ông ấy cầm lấy súng của nó bảo: "Đồng chí phải đứng nép vào một góc khuất, thấy người đến bất kỳ ai phải chờ đến gần quát to, "ai! đứng lại, giơ tay lên", đồng thời lên quy lát chỉa thẳng súng vào đối phương như thế này này". Nghe ông ấy lên quy lát "roạt" một cái và chĩa súng vào mình, thằng Bắc "con" run như cầy sấy. Nó biết một viên đạn đã thực sự được lên nòng. Bây giờ mà ông ấy bóp cò "tạch" một cái là xong đời. Nhưng nó không dám kêu vì sợ ông ấy thu mất 3 viên đạn. May làm sao ông ấy đóng chốt an toàn rồi trả súng lại cho nó, qua kiểm tra vọng gác khác. Ông ấy đi xa rồi, thằng Bắc mới hoàn hồn. Không đến mức đái ra quần, nhưng mồ hôi ướt đầm, dù khi đó trời đã bắt đầu se lạnh. Sau lần đó, Bắc "con" chỉ bỏ đạn trong túi quần, không dám lắp đạn vào băng khi gác.

Lính tráng mỗi thằng mỗi nghề, có ngón gì cũng đem theo vào lính. C tôi có thằng Thịnh người Lệ Mật, Gia Lâm. Lúc đó không phải ai cũng biết Lệ Mật là làng rắn. Một lần cả C đang ngồi học chính trị trong hội trường, một thằng ngồi phía ngoài nhìn ra sân bỗng kêu to lên vì phát hiện thấy một con rắn rất to vừa trườn khỏi một bụi tre vào sân. Nhanh như cắt, chẳng cần xin phép, thằng Thịnh lao ra sân chạy đến chỗ con rắn. Nó chộp nhanh đuôi con rắn giật mạnh rồi quay tít. Được một lát, nó dùng tay kia vuốt mạnh con rắn từ đuôi lên đầu, nghe roạt một tiếng rồi vứt ra đất. Con rắn bị tuốt rạn xương sống không bò được phải nằm im. Nói thì chậm vậy chứ làm thì nhanh, mọi chuyện diễn ra chắc chưa tới một phút. Cả hội trường lính ồ lên khen ngợi. Hôm đó thằng Thịnh đem con rắn biếu Ban chỉ huy làm bữa cải thiện. Từ đó tiếng tăm Thịnh "rắn" bay khắp tiểu đoàn. Trong thời gian huấn luyện ngắn ngủi sau đó, hễ ở đâu phát hiện rắn là gọi Thịnh "rắn" tới giúp sức và bao giờ cũng thành công. Các thủ trưởng quý nó lắm.

Lại đến chuyện bên C38 có thằng Hùng con cháu nhà nghệ sĩ xiếc Tạ Hiển.Sau khi phát hiện khả năng của nó, Tiểu đoàn cho nó về phép 3 ngày, rồi manglên đơn vị một cái xe đạp một bánh. Nó diễn xiếc mấy lần cho cả D xem. Rồi lạidiễn cả cho đồng bào xem. Thỉnh thoảng buổi chiều trước giờ ăn cơm, nó còn đixe 1 bánh ra con đường đất ngoài bản. Phụ nữ và trẻ con bản Mường xem khá đông.Thằng này từ khi có món "xiếc xe đạp 1 bánh" không còn bao giờ phảiđi lấy củi hay lấy gạo ngoài kho đường số 6 nữa. Sợ hỏng nhân tài. Tuy thế hếtđợt huấn luyện nó vẫn phải đi B. D tôi khi vào Trường Sơn có C38 bị xé ra bổxung cho chiến trường Quảng Nam nên không biết tin gì của nó nữa.�


Dịp 22/12 năm đó, chúng tôi tổ chức hội thao, có cả các thủ trưởng ở Bộ TLTĐ lên thăm. Được ăn tươi, mỗi C được mổ một con lợn. Từ đây tôi bắt đầu quen nếp và luôn mong đợi được ăn tươi vào những ngày kỷ niệm của quân đội. Ngay cả khi vào chiến trường cũng thế. Khó khăn quá, trên không cấp được thì chúng tôi tìm cách cải thiện tại chỗ. Tóm lại cũng là một cái cớ để ăn.

Rồi một lần tiểu đoàn có lệnh báo động lúc 4 giờ sáng. Tập trung hết cả ra sân đại đội, ngồi vêu mặt ngắm những ngôi sao muộn mằn. Ngáp và gật trong khi đại đội phổ biến sẽ hành quân xa. 5 giờ sáng có cơm ăn. Trời đông chưa sáng rõ lắm nên không vào nhà ăn mà đem hết ra sân. Cơm sáng đơn giản nên cũng chẳng có gì phức tạp. Ăn xong lại ngồi nghỉ theo đội hình, lại rì rầm cho đến 6 giờ. Rồi tất cả được lệnh hành quân ra thao trường, giống như một buổi tập sớm. Nhưng hình như không phải thế, chúng tôi lại được lệnh đi tiếp, vòng vèo qua những quả đồi lạ mà chúng tôi chưa từng qua. Sau đó tập trung và có lệnh "giá súng" theo từng B. Mỗi B cử 2 người ở lại trông những cái giá súng đó (tất nhiên có đại phó quản lý chung), còn tất cả hành quân sang một quả đồi khác. Đến đây thì mới biết tất cả các C khác cũng đang lục đục tay không từ các hướng khác đi đến. Cả tiểu đoàn tập trung thành hàng lối rồi lại ngồi nghỉ. Mới có 7 giờ sáng.

Chẳng biết có chuyện gì, nhưng chúng tôi cứ ngồi gà gật như thế mãi. Đến 10 giờ, khi tất cả đã bã người ra rồi (may hôm đó nắng không gắt lắm) thì chúng tôi được lệnh đứng dậy, hàng lối chỉnh tề. D trưởng tuyên bố hôm nay tiểu đoàn vinh dự được đón Đại tướng Tổng tư lệnh đến thăm. Thế là ồn ào cả lên. Rồi chúng tôi được lệnh tập vỗ tay. Phải vỗ to và đều. Của đáng tội, cái món này cũng làm cho lính tỉnh táo hẳn ra.

Nhưng cũng phải nửa tiếng sau mới nghe tiếng ô-tô, rồi đoàn xe com-măng-ca xuất hiện. Quả tình lúc đó chúng tôi cũng bị mất phương hướng, không biết là đoàn xe đi từ đâu tới. Rồi Đại tướng cùng các thủ trưởng E và Bộ TL xuống xe đi vào bãi. Chả biết là bàn và micro chuẩn bị từ khi nào. Khi đó, các Thủ trưởng đều ăn mặc bình thường như lính, đội mũ mềm chứ không có lễ phục gì, thậm chí không đeo quân hàm (chúng tôi cũng vậy. Từ lúc nhập ngũ đến lúc ra quân, tôi chưa hề được đeo quân hàm lần nào, thật chẳng biết cảm giác nó ra sao). Chúng tôi được nghe Đại tướng huấn thị chừng 20 phút, đại loại là động viên lớp thanh niên chúng tôi chiến đấu lập công, giữ vững truyền thống quân đội và truyền thống Hà Nội...

Đoàn xe của Đại tướng lăn bánh về rồi, nửa tiếng sau chúng tôi mới được quay lại quả đồi kia lấy súng và hành quân trở về doanh trại. Buổi chiều tất cả được nghỉ tắm giặt.

Sự kiện ấy được cấp trên phổ biến là niềm vinh dự đặc biệt của tiểu đoàn tân binh chúng tôi, vì không phải đợt luyện quân nào cũng được đón Đại tướng đến thăm. Nhưng thật tình mà nói, khi đó chúng tôi cũng không thấy hết được niềm vinh dự đó. Vả lại khi đó trong lính đang truyền tụng một câu nói của bác Hồ: "Tướng phải như tướng Thanh, tá phải như tá Kiện".

Nghe phổ biến sau 22/12 chúng tôi sẽ hành quân xuống Tân Lạc (giáp Ninh Bình), đoán rằng chúng tôi sắp vào chiến trường, có thể không được về phép thăm nhà, lính tráng rủ nhau "tút' hàng loạt. Cả 4 đại đội đều diến ra cảnh như nhau. Trên đường số 6 có đêm từng tốp lính "tút" của các C gặp nhau cứ như đi tiền trạm. Khi đó có B hụt đến 1/3 quân số.

Đơn vị trống vắng hẳn, mà chúng nó "tút" đến cả tuần, ngày hành quân đã ngoại đi Tân Lạc sắp đến, nên các cán bộ C của các đại đội phải cử nhau về tận từng khu của Hà Nội gọi lính lên đơn vị. Mục thức đêm học 10 lời thề quân đội diễn ra từng đêm.

Thế mà rồi cuối cùng, ngày tận cùng của năm 1971 ấy, đoàn tiền trạm vẫn kịp lên đường nhằm hướng thị xã Hòa Bình. Một cái duyên nào đó lại dẫn tôi vào đoàn tiền trạm. B phó Thụy (người Đông Anh) của B tôi dẫn đầu hớn hở kéo chúng tôi vượt suối cạn Bãi Nai ra đường 6. Lội qua dòng suối mát lạnh, tôi không hề nghĩ rằng cho đến 38 năm sau tôi cũng không có dịp nào trở lại nơi đó, cứ như dòng nước trôi để người đời phải thốt lên rằng "con người ta không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông"...


Thị xã Hòa Bình quá nghèo nàn. Con đường 6 xuyên qua Thị xã để lên hướng Tây Bắc đi Sơn La cũng chính là trục chính của Thị xã. Nhà cửa thưa thớt. Đây đó gặp mấy ngôi nhà cấp 4 là trụ sở của các cơ quan Dân Chính Đảng. Rồi căn nhà gạch mà lợp mái nứa của một HTX mua bán. Quá sơ sài. Đúng là cảnh miền núi. Đoàn tiền trạm lầm lũi đi qua. Đến chân dốc Cun thì dừng lại làm điểm dừng chân thứ nhất. Làng nông thôn miền núi nhỏ bé nhưng còn có vẻ ấm áp hơn mấy ngôi nhà ven đường Thị xã.

Hỏi nhờ nhà dân, tôi lại giở cái bài tìm các em 14 tuổi. Nhưng điều đó không ấn tượng như ở Quốc Oai. Các thôn nữ vùng sơn cước mang đậm nét chất phác thật thà vùng người dân tộc, dù làng là của người kinh. Các em giúp lính thật nhiệt tình. Chuyện củi nước ở đây cũng khá đơn giản. Nhà nào cũng nhiệt tình đón bộ đội nghỉ nhờ. Chúng tôi còn thời gian thảnh thơi tắm giặt trước khi trời tối. Có ít người nên nấu cơm cũng đơn giản. Tiếc là thức ăn quá xoàng. Chẳng có gì ngoài nồi canh rau láo nháo vặt vội ngoài ruộng. Rau dền cơm, càng cua, tập tàng ấy mà. Dân cũng ăn vậy thôi. Lấy đâu mà tiếp tế cho hơn chục thằng lính. Được cái sau bữa ăn vẫn có nước chè do B phó Thụy mang theo một gói (chè Ba Đình loại 30gram một gói). Cả tối ngồi tán chuyện, giao lưu với các em dân quân, không phải sinh hoạt, thế là sướng rồi.

Sáng sau một nửa ở lại đón đơn vị, còn 7 chiến sĩ lại lên đường. Bữa cơm sáng ăn với đường cát nâu, lạ mồm nhưng cũng dễ nuốt.

Hành quân tiếp theo đường số 6. Con đường vắng vẻ, cứ như chỉ dành cho lính. Thảng hoặc mới có một chiếc xe tải chạy qua, hoặc mấy ngườii dân đẩy xe đạp lên lấy củi. Hì hục nửa buổi mới bò lên đến đỉnh dốc Cun. Thật may là ngay đỉnh dốc có một cái cửa hàng ăn uống mậu dịch. Có độc món mì (sợi) nấu với nước canh đậu phụ, có pha chút gừng chống lạnh. Chẳng có chút xương xẩu nào, và tất nhiên là không có mì chính. Giá cũng bình dân, một hào rưỡi một bát.

Buổi chiều hành quân xuống đến chân dốc. Trên con đường nhựa vắng tanh bỗng xuất hiện một đồng chí tiếp phẩm cưỡi cái xe đạp Vĩnh cửu chở rau đi ngược chiều. Tôi đánh bạo lên tiếng: "Đồng chí ơi, cho chúng tôi mấy mớ rau". Người lính ấy không nói gì, cũng không ngoái cổ lại, nhưng vòng tay ra sau kéo 4 mớ rau cải thả xuống đất. Chúng tôi mừng quá nhặt vội, còn kịp nói với theo thật to: "Xin cảm ơn đồng chí và lời thề thứ bảy". Chỉ thế thôi mà sao trong cái buổi chiều hoàng hôn mùa đông se lạnh ấy, tôi chợt thấy vô cùng ấm áp tình cảm thật là lính của những người mặc quân phục xanh mà mình cũng đang vinh dự khoác trên mình.

Qua khỏi chân dốc Cun chừng vài cây số, chúng tôi tách khỏi con đường số 6 đi Sơn la mà rẽ sang hướng đi Tân Lạc, xuống Ninh Bình. Đi thêm dăm cây số thì chúng tôi đến một nông trường trồng cam. Anh Thụy cho cả nhóm dừng lại, tuyên bố đây là nơi dừng chân. Toàn là các gia đình công nhân nông trường, nhưng cũng chẳng khác gì bản làng. Có chăng chỉ là cái kiểu bố trí nhà nằm theo cụm và chạy dọc theo quốc lộ. Cũng muộn nên tối đó chúng tôi tạt nghỉ nhờ một nhà ngay ven đường chỉ có hai vợ chồng trẻ, chưa có con. Cơm nước xong nắm tình hình qua nhà chủ rồi nghỉ ngơi. Anh Thụy bảo chúng tôi sáng mai hẵng đi tìm nhà nghỉ nhờ cho đơn vị. Một lệnh nữa cũng được đưa ra là đêm nay nghỉ tập trung ngoài hè, cấm thằng nào được lảng vảng vào nông trường lấy trộm cam. Ở đây bảo vệ họ có đi tuần đêm bằng ngựa, có súng và sẵn sàng bắn hạ kẻ gian.

Làng quê vốn mến khách. Nơi đây vắng vẻ lại càng mến khách hơn. Tối đó có rất nhiều công nhân đến chơi, uống nước và hỏi thăm chuyện Thủ đô khi biết chúng tôi là lính Hà Nội. Rất nhiều người tròn xoe mắt khi nghe chúng tôi kể chuyện về những chiếc tàu điện "leng keng" chạy trên nhiều tuyến phố. (Thời đó tàu điện còn hoành tráng lắm, không bị ví "lừ lừ như tàu điện" thời cuối những năm 70 đâu). Rồi đủ các thứ chuyện khác nữa. Đám lính chúng tôi cứ như những người mở mang đầu óc cho dân xứ núi không bằng. Và tất nhiên là không cần phải đi ăn trộm cam mà vẫn có cam ăn. Cam của Ban Giám đốc mời hẳn hoi nhé.

Nông trường còn giúp chúng tôi việc sắp xếp bộ đội của đơn vị chính vàonghỉ những nhà nào trong công nhân. Thế là không phải đi hỏi nhờ từng nhà, quásướng. Tình quân dân thời chiến ấy đầm ấm quá. (Chắc bây giờ chẳng bao giờ còntrở lại cảnh "Bao giờ cho đến tháng mười" như thế nữa). 

(Chuyện bên lề:


Bác Trong c6 đã gợi nhớ về những món ăn sang trọng của một thời.

Còn nhớ, tại cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ở Nhổn-Hà Tây, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn. Tại của hàng này cũng có phục vụ 2 món trứ danh, đó là: phở trứng và miến đậu phụ.

Phở trứng bao gồm 1 tô phở không người lái, có 1 chút hành, và tâm điểm là 1 miếng trứng vịt rán. Miếng trứng được chế biến theo kiểu: trứng đánh tơi, nhanh tay đổ vào chiếc chảo to đang nóng vì mỡ sôi già, khéo léo lắc chiếc chảo cho trứng dàn mỏng được ra khắp lòng chảo, tạo thành 1 lớp trứng mỏng tang. Sau đó, cuộn lớp trứng mỏng ấy lại như cuôn bánh cuốn. Thành phẩm là được 1 chiếc chả trứng cuộn tròn và dài. Khi dùng dao sắc như dao cạo râu cắt ra, ta được từng miếng trứng tráng có đủ độ đậm nhạt của sắc mầu và có những lớp lang như miếng bánh ga tô. Mỗi bát phở trứng được 1 miếng trứng thái cuộn như trên, tầm 1 phần 3 quả trứng vịt.

Còn miến đậu phụ thì được đựng trong cái bát chiết yêu. Bao gồm một chút miến dong, một chút hành, nước dùng là nước sôi có chêm muối-không mì chính. Và đỉnh của đỉnh là có 2 miếng đậu phụ rán. To bằng 2 nửa miếng đậu phụ loại 1 nghìn/bìa bây giờ.

Gía của bát phở trứng là 3 hào/bát. Còn giá của tô miến đậu phụ là 2 hào/bát.

Cách phục của cửa hàng ăn thời đó cũng rất độc đáo.

Đó là phải xếp hàng để mua tích kê. Phở trứng là cái mảnh sắt tây hình gần vuông hoặc gần chữ nhật. Miến đậu phụ thì tích kê là mảnh sắt tây hình gần giống tam giác.

Còn xi-rô lựu (chẳng hiểu tại sao lại gọi là xi-rô lựu, chỉ biết đó là 1 thứ nước hơi ngòn ngọt và có mầu hơi hồng hoặc hơi đỏ-tùy theo tay nghề của nghệ nhân chế biến), thì tíc kê là miếng sắt tây hình gần tròn.

Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh chỉ phục vụ 3 món đó, không có món thứ tư. Vua đến ăn cũng mặc kệ, thực đơn chỉ có vậy.

Tất cả 3 loại tích kê trên, đều có 1 cái lỗ thủng ở gần giữa miếng sắt tây.

Và sau khi xếp hàng mua tích kê xong, đến lượt phải xếp hàng để lĩnh món sơn hào-hải vị kể trên.

Cái dây xếp hàng này có hướng ngược với dây xếp hàng tích kê, đầu hàng hướng về cái ô vuông phát ngọc thực.

Để chống bọn lưu manh-phản động làm giả giấy tờ có giá, cơ quan chuyên môn đã có cách thức sau: nối giữa quầy bán tích kê và ô lĩnh hàng, có ba sợi dây thép song song. Một cái dây để lồng và dẫn hướng tích kê hình chữ nhật (hoặc vuông), một cái dây để lồng và dẫn hướng cái tích kê hình tam giác, cái dây thứ 3 còn lại thì để lồng và dẫn hướng cái tích kê tròn.

Đó là lý do tại sao, các tíc kê đều có lỗ thủng ở giữa.

Khi đã nộp tiền xong, thủ quỹ căn cứ vào vật phẩm được bán ra, sẽ lồng cái tíc kê tương ứng vào sợi dây thép phù hợp, rồi đẩy cái tíc kê ấy ra ngoài. Khách hàng tự dẫn cái tíc kê của mình đến cái ô vuông thần tiên kia.

Nếu như có 1 ông hỗn ăn, mua cả 3 thứ, thì ông ta phải khéo léo đi vào giữa 3 hàng dây và phải nhanh tay đẩy 3 cái tíc kê của mình cùng lúc, không thì con ma đói phía sau nó chửi.

Baoleo còn nhớ đó là năm 1970, kết thúc đợt sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất.

Để liên hoan chia tay nơi sơ tán là thôn Kim Hoàng, baoleo quyết định lắc cái ống tre tiết kiệm (làm gì có tiền mua lợn đất-mà chỉ lấy cái đoạn ống tre, cưa vát 1 tý ở thân ống để làm chỗ đút tiền) ra 6 đồng 5 xu-tức là 3 hào, cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao.

Sau khi đứng trước cửa hàng tầm gần 1 tiếng, nghiến răng cỡ mòn mất đề xi dem răng cho đỡ tiếc, baoleo hùng dũng tiến vào quầy mua tíc kê. Lúc trao tiền, cô thủ quỹ kêu thét lên vì bỏng tay. Hóa ra, do baoleo nghiến răng, nắm chặt 6 đồng 5 xu mạnh và lâu quá, đến mức cả 6 đồng xu đều nóng đỏ cả lên.

Đến tận hôm nay, khi gõ những dòng này, baoleo vẫn ânhận là đã dám xa xỉ tiêu tiền để ăn một cách hoang toàng, phá phách nhưthế.)


.... Hôm sau chúng tôi được cả một ngày nghỉ ngơi. Tôi và thằng Xuyên được cử vào Bản Mường gần đó kiếm rau. Tinh thần chỉ đạo là có thể mua, nhưng xin được là tốt nhất.

Hai chúng tôi hỏi đường rồi cứ theo con đường đất to mà đi vào phía chân núi. Chưa được cây số thì thấy cả một không gian rộng mở ra trước mắt. Một con suối nước to, nông, toàn đá và trong veo chảy hiền hòa na ná như suối cạn Bãi Nai. Bờ bên kia là cả một khu vườn trồng rau rộng lớn ríu rít tiếng của hơn chục cô cậu học sinh. Phụ trách chúng là một cô giáo ăn mặc kiểu dân tộc Mường, người nhỏ nhắn và... xinh quá đi mất. Hai thằng tôi đứng ngây ra nhìn. Chỉ một nhoáng là đám học sinh đã phát hiện ra có hai chú bộ đội đứng bên kia suối. Chúng líu ríu vẫy tay gọi. Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cùng xắn quần lội sang.

Đám học sinh quây lấy chúng tôi như người nhà, còn cô giáo thì e thẹn đứng lùi sau một chút, nhưng không giấu được nụ cười tươi. Vốn đã có một vài bài tập nho nhỏ về công tác dân vận, tôi và Xuyên hòa nhập ngay với cô giáo và học sinh. Tôi đề nghị được cùng tham gia tưới rau và nhổ cỏ. Việc này cũng dễ thôi, thằng Xuyên vốn là dân Thanh Trì, nông dân chính hiệu trước khi vào lính, còn tôi cũng đã nhiều năm sơ tán về quê.

Vừa làm vừa tán chuyện, chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của đám học sinh và cả... cô giáo. Chừng một tiếng sau, chúng tôi ra về sau khi được cô giáo và học sinh tặng cho một ôm rau cải to tướng, được biết tên cô giáo là Hoa, và còn được cô hẹn buổi tối sẽ ra chỗ chúng tôi chơi. Giá không còn phải về lo cơm nước chung cho cả nhóm, chắc tôi và Xuyên còn muốn nhổ cỏ, bắt sâu lâu hơn nữa.

Hôm đó là một ngày thảnh thơi hiếm có từ ngày nhập ngũ. Từ đấy, tôi bắt đầu hiểu được cái sướng của đi công tác lẻ. Không chỉ ngoài Bắc mà sau này vào chiến trường cũng thế. Không gò bó, ăn uống bao giờ cũng tốt hơn và nếu khéo sắp xếp thì kể cả không phải gác, dù ở gần ngay sát địch.

Tối đó chúng tôi tập trung tại nhà một công nhân nông trường có vợ cũng là cô giáo của cái trường cấp I mà lúc sáng chúng tôi đã tới. Anh chị ấy mới có một đứa con gái chừng 3 tuổi. Buổi tối trời lạnh ngồi trong nhà uống nước, tôi ngồi khoanh tròn trên giường và cho cháu bé ngồi trong lòng. Đứa bé ngồi im, thỉnh thoảng ngoái cổ ngước nhìn mặt chú bộ đội. Anh chị em công nhân cũng kéo nhau đến chơi khá đông. Anh Thụy (vốn trước đây là lính trong Đội Danh dự của Quân đội, cao to, đẹp trai) trổ tài tán chuyện. Đôi lúc tôi chợt quên đi mình đang là lính, và nghĩ rằng nếu cuộc đời cứ như thế này thì đẹp biết bao nhiêu.

Hơn tám giờ tối, cô giáo chủ nhà nháy tôi ra ngoài. Cô giáo Hoa (dân tộc Mường) đang chờ tôi ngoài sân và rất mạnh bạo rủ tôi dạo chơi. Bây giờ trông Hoa bình dị như một cô gái kinh, áo trắng (có khoác thêm một chiếc áo len hay sợi gì đó), quần lụa, cái hình ảnh thiếu nữ đơn giản một thời đã làm xao xuyến lòng trai của cả một thế hệ. Chúng tôi chậm rãi đi dạo ra phía suối. Trời mùa đông, mọi khi thì chiếc áo vệ sinh (một loại áo khoác nỉ dài tay cài khuy màu cỏ úa phát cho lính khi đó) chưa phải đủ ấm, nhưng hôm đó tôi lại không thấy lạnh. Tôi mới 18 tuổi, và Hoa thì cũng chắc tuổi đó, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn. Nhưng cô ấy bé nhỏ và xinh xắn trước cái thằng trai mới lớn là tôi. Vụng về và ngượng nghịu, nhưng cũng khoái vì chính tôi được rủ đi dạo chứ không phải mấy thằng khác trong tốp tiền trạm. Chúng tôi cứ chậm rãi đi trên con đường đất nhỏ và nói đủ thứ chuyện linh tinh. Hoa kể về mình ít thôi, nhưng gợi ý để tôi kể chuyện. Kể chuyện Hà Nội, chuyện lính tráng tập tành chứ không phải là tán. Thú thực là nếu cô giáo Hoa không bạo dạn, thì tôi không biết nói chuyện gì cho phải. Nhưng tôi nhớ nhất cái cảm giác lúc đó là tuy nói chuyện rất vui vẻ, nhưng trong lòng tôi thoáng có chút buồn. Chiến tranh không biết trước thế nào. Số phận con người càng mong manh, khó đoán. Đón nhận một tình cảm trên đường hành quân, liệu mình có đem lại điều tốt lành cho người ta? Tính tôi cầu toàn nên không muốn làm điều gì trái lương tâm mình khi đó.

Chúng tôi chỉ lang thang và nói chuyện đâu đâu thế thôi, cho đến khi trở lại nhà cô giáo người kinh thì đã khuya khuya. Chia tay nhau cũng chỉ là cái bắt tay chứ không phải cầm tay. Rồi anh Thụy thò đầu ra gọi tôi đi ngủ.

Lại chơi gần một ngày nữa, chiều hôm sau thì đơn vị hành quân đến. Rồi sau một đêm nghỉ, cả đơn vị hành quân tiếp xuống phía Ninh Bình.

Chuyện thoáng qua của tôi và Hoa, nhiều đứa trong C biết. Chúng nó bàn tán đủ kiểu, nhưng nói chung là bậy bạ. Tôi không chấp nhận cái kiểu sống gấp của kẻ sắp chết. Tôi tự hào mình vừa là trai Hà Nội, có học và lại là anh bộ đội cụ Hồ, nên sẽ phải sống cho xứng với niềm tự hào đó.

Đến nơi mới hơn một tuần thì nhận được thư Hoa. Chả hiểu cô ấy hỏi aiđược số Hòm thư của C tôi. Không ngờ cô ấy mến tôi thật sự và muốn kết bạn. Tôicũng có thư hồi âm cho cô ấy. Chỉ một lần thôi. Tôi đánh bạo nói là sẽ hẹn gặpcô ấy khi đơn vị hành quân trở lại Thị xã Hòa Bình sau đợt dã ngoại, khi đingang qua nông trường cam.


....

Cái bản mà chúng tôi đến đóng quân trong đợt dã ngọai cuối cùng này nằm ngay bên đường quốc lộ, địa hình bằng phẳng. Tôi không còn nhớ tên bản, nhưng từ đó mà đi xuống Ninh Bình thì cũng không còn mấy xa. Bản ở gần một cái hồ nước lớn, không có suối, cách khá xa rừng. Cả đại đội chia nhau ở nhờ trong các nhà dân. Nhà sàn khá to, vững chãi. Các C khác trong tiểu đoàn cũng đóng ở các bản xung quanh. Vùng dân cư này khá tập trung, đông đúc.

Thời gian ở đây chúng tôi tập trung tập tành chiến thuật. Đất đồi toàn sim, mua ở đây rất rộng, chạy mỏi chân. Chúng tôi tập nốt bài 3 bắn ban đêm. Hầu như phải đi tập đêm nhiều nên nhiều khi không phải sinh hoạt. Có thể nói là thời gian này khá thoải mái, vì dù sao cũng đang ở trong dân. Đơn vị lại mua củi của dân bản tại chỗ nên chúng tôi không phải vào rừng lấy củi. Mà có đi lấy, chắc cả ngày cũng không được một bó vì xa quá.

Chúng tôi bắn bài 3 vào một đêm trăng mờ. Mỗi người được phát 10 viên đạn. Bắn găm, bắn gần hết 2 loạt, còn 3 loạt nằm bắn bia đèn dầu (lỗ châu mai giả định). Hai bia bắn găm, bắn gần tôi đều bắn trúng. Bia đèn tôi nã loạt đầu trúng ngọn lửa tắt ngấm. Đèn châm lên, tôi lại bắn trúng, tắt đèn. Châm tiếp lần nữa thì tôi bắn gẫy cả bấc đèn. Tôi bắn đạt loại xuất sắc (vì loạt bắn nào cũng trúng), nhưng không được thưởng phép vì chúng tôi sắp về nghỉ phép cả lượt để đi B rồi. Tôi chỉ được biểu dương.

Thời gian đó có một lần chúng tôi được tập trung nghe kể chuyện chiến đấu ở chiến trường. Người kể chuyện là anh hùng Trịnh Tố Tâm. Khi đó anh là C trưởng công binh, chuyên phục kích đánh địch ở khu đèo Hải Vân. Chuyện anh kể về phục kích, diệt địch với đầy mưu mẹo về lập tình huống này nọ để đưa địch vào bẫy mà nghe ngon lành cứ như tập đánh trận giả. Tôi vẫn nhớ rõ con số tên địch mà cá nhân anh tiêu diệt là 153. Buổi nói chuyện của anh đã thổi thêm luồng khí nóng vào nhiệt huyết chúng tôi, khiến chúng tôi cũng náo nức muốn ra trận ngay lập tức.

Gần cuối tháng 1/1972, chúng tôi còn phải tham gia một đợt dã ngoại nhỏ 3 ngày nữa lên một vùng núi cao cách nơi ở chừng ba chục cây số. Các chỉ huy nói là vùng núi đá này có nhiều chỗ giống với Trường Sơn. Khi ấy leo cũng thấy mệt mỏi, rã rời lắm, nhưng sau này vào Trường Sơn nhớ lại thì cái núi ấy chẳng thấm tháp vào đâu. Trên đỉnh núi cao ấy thế mà cũng có một bản dân tộc có độ hơn chục nóc nhà. Đặc biệt ấn tượng là có hoa đào và hoa mai đã lác đác nở. Lại còn hoa Lan nữa chứ. Tôi không tường nhiều về loài hoa này nhưng trông những nhành hoa Lan trắng muốt trên các cành cây cổ thụ trên núi cao này thì cũng thấy xao xuyến lòng. Nghe nhiều đứa nói ở Hà Nội hoa lan đắt và quý, các cụ rất thích chơi. Chiều và đêm đóng quân ở đó, mấy thằng lính nhà ở khu phố cổ hì hục đi xin và nhờ dân lấy giúp. Lúc xuống núi cũng có bảy tám đứa mang theo được nhành lan về làm quà tết cho gia đình.

Tập tành xong rồi, bắn đạn thật và đi dã ngoại núi cao rồi, nên tuần cuối cùng với chúng tôi khá thảnh thơi. Chủ nhật chúng tôi còn được nghỉ để đi chợ. Cách chỗ chúng tôi chừng 2 cây số có một cái chợ to họp theo phiên, giống như chợ vùng trung du mà tôi đã gặp. Lính tráng rủ nhau đi chợ khá đông. Có 2 thứ được lính mua nhiều là cau khô và măng khô. Tôi chọn mua nửa cân măng khô, nhớ tới nồi canh măng tết có chút ít sườn và móng giò cùng ít hành củ trắng bóng mẹ tôi thường nấu. Lính năm đồng, cũng chẳng thể muốn gì hơn.

Một buổi, tôi được cử xuống giúp anh nuôi. Tiêu chuẩn ăn của lính vốn đã cao hơn ở nhà, nay chuẩn bị tết nên càng tươi hơn. Bếp ăn làm tạm bên rặng tre, cạnh một nhà sàn nơi BCH đại đội trú quân. Cửa ngách nhà sàn mở ra, trông thẳng xuống bếp nấu. Cơm canh nấu xong thì chia cho các A đem về nhà ăn chứ không ăn tập trung. Tôi được trông nồi thịt lợn luộc. Lúc nồi thịt vừa chín, tôi đang mở vung hít hà mùi thơm và lấy cái đũa chọc vào xem chín hết chưa, thì C phó Hảo từ trên nhà sàn thò đầu xuống gọi to:

- Cắt cho tớ một miếng nếm xem nào.

Tôixiên một miếng thịt to chừng nửa cân ra khỏi nồi, cắt đôi. Một phần độ một lạngcòn phần kia to hơn. Tôi đưa miếng nhỏ lên cho thủ trưởng Hảo. Thế mà thủtrưởng không chịu, bắt tôi đổi miếng to. Rồi cứ thế, thủ trưởng điềm nhiên dùngdao găm tỉa miếng thịt ấy ra nếm bằng hết, rồi khen chín rồi đấy, mặc kệ chothằng tôi đứng dưới đất nuốt hết cả nướcbọt của mình vì thèm. Hình ảnh đó in đậm trong tôi đến mức nhiều lúc tôi chỉnghĩ mục tiêu phấn đấu của mình trong quân đội chỉ đơn giản là làm sao lên đượcđến đại phó để có lúc được nếm gần nửa cân thịt lợn luộc cho nó thỏa mãn cáiđời.


Những ngày đầu tháng 2/1972, tiểu đoàn huy động các C cử người ra khu ruộng cạn của dân cạnh đường cái để đắp sân khấu. Không hiểu cái đợt nhập ngũ của chúng tôi có tầm quan trọng gì mà được ưu tiên nhiều thế. Độ trước thì được Đại tướng đến thăm. Bây giờ nghe nói là sẽ được đón đoàn văn công TCCT về biểu diễn. Với lính tráng thì đơn giản nhất là đắp sân khấu đất. Chả phải tốn vật liệu gì, còn công lính thì yên tâm đi, nhiều như... nước sông mà.

Ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 2 đó, đoàn văn công về thật. Chúng tôi được ăn cơm chiều sớm rồi hành quân tập kết đến khu sân khấu. Cả tiểu đoàn ngồi thành hàng lối, súng ai nấy cầm, để tựa vai và tất nhiên là không có đạn. Đoàn văn công về biểu diễn chủ yếu là hát, nhạc và độc tấu nhạc, không có múa. Tôi chỉ còn nhớ nhất diễn viên Kim Quy hát bài "Người ở đừng về". Tất nhiên là còn nhiều tiết mục hay khác nữa.

Sáng hôm sau, cả tiểu đoàn báo động sớm, sắp xếp ba-lô rồi nhận lệnh hành quân về Hà Nội. Đợt dã ngoại xa này đã kết thúc đợt huấn luyện quân và chúng tôi chuẩn bị vào chiến trường. Tiểu đoàn trưởng đọc lệnh hành quân, tuyên bố chúng tôi đã hành quân dã ngoại mang vác nặng đủ 400 cây số. Còn thiếu 100 cây nữa mới đủ tiêu chuẩn đi B, thì từ đây về Hà Nội hơn 100 cây sô, cộng vào là đủ tiêu chuẩn. Thế là cả đoàn quân hăm hở lên đường. Không hiểu sao buổi sáng hôm ấy phấn khích lắm, không thấy mệt bao nhiêu. Thằng Thái Pi-tơ (và cả nhóm 4 thằng anh nuôi) được biên chế vào các B để đợt này vào Nam luôn, không phải ở lại làm anh nuôi nữa. Cái ba lô của nó lép xẹp, lại không phải mang súng (còn soong nồi thì ô-tô tiểu đoàn đã chở đi rồi, kỳ này chúng tôi tập nấu ăn theo từng A), nên nó phởn chí vừa đi vừa hát. Thằng này có biệt tài âm nhạc. Nó hát lại đúng theo các bài mà các anh chị văn công đã hát tối qua. Nó uốn giọng theo diễn viên, kể cả giọng nữ nghe cũng lả lướt mềm mại lắm. Nó làm chúng tôi không thấy mệt vì như được nghe lại buổi biểu diễn. Đoan đường rút ngắn lại dần.

Tôi còn có một niềm vui khác ở nông trường cam. Lần này tôi không được đi tiền trạm, nhưng nếu đêm nay dừng chân ở khu nông trường cam bữa trước thì tôi cũng sẽ gặp được Hoa. Sẽ có người giúp tôi tìm Hoa, đó là vợ chồng cô giáo người Kinh, chủ nhà bữa đó tôi ở.

Nhưng số phận con người ta quả là do ông trời sắp đặt. Khi còn cách nông trường cam rất xa thì đơn vị tôi lại rẽ theo một con đường khác để về Hà Nội theo hướng Kim Bôi. (con đường này là đường 128 hay gì đó, nghe nói do TNXP làm từ thời mới hòa bình 1954). Tôi hẫng cả người, rồi từ đó cứ lầm lũi đi, không còn nghe cả tiếng thằng Thái "pi-tơ" hát hay thôi lúc nào nữa. Tôi còn phải nghĩ vơ vẩn về cô giáo Hoa cho đến hết ngày hành quân đó. Thôi, số trời là vậy. Nhưng chắc Hoa cũng chẳng giận tôi hay phải buồn nhiều, vì tình cảm của chúng tôi chưa có bao nhiêu. Rồi cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng có lẽ cô ấy cũng trách cái thằng trai Hà Nội không có được cái thật mộc mạc của những người dân tộc như cô. Tự nhiên tôi lại nghĩ quẩn là nếu vào trong kia, tôi ngã xuống trong một trận đánh nào đó, rồi tin tôi hy sinh được báo tới cô, thì khi đó cô sẽ ra bên bờ suối cạnh trường, nơi có những vườn cải xanh mướt, ngồi khóc một mình rồi tha thứ hết cho tôi. Hoa ơi, thôi anh đi đây. Bao giờ anh cũng là người có lỗi mà chẳng biết làm thế nào được. Đành đổ lỗi tất cả cho chiến tranh vậy, em nhé.

Cũng từ đó, tôi không còn tin gì của Hoa và cũng không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

...

Tối hôm đó chúng tôi dừng chân ở một bản Mường thuộc huyện Kim Bôi. Không phải sinh hoạt nhiều, nhưng có một việc phải làm là mỗi lính chuẩn bị một bó củi độ 5 kg. Củi sẵn đầy sân, dân cho, chỉ việc sắp lại và bó cho gọn. kế hoạch là ngày mai chúng tôi sẽ dừng chân ở Quốc Oai, đem sẵn củi ở rừng về để không làm phiền dân.

Ngày hôm sau, cả đơn vị hành quân cẳt qua Lương Sơn, đường số 6 về Quốc Oai. Chúng tôi nghỉ nhờ ở một xã khác chứ không phải cái xã hôm chúng tôi lên Hòa Bình 6 tháng trước. Về đến đồng bằng, lại đúng ngày 23 ông Công ông Táo, nên không khí tết đã rõ rệt lắm, dù khi ấy thành thị nông thôn đều nghèo như nhau. Phú quý mới sinh lễ nghĩa. Ngày đó cả nước nghèo nên ngày 23 cũng chỉ là ngày nhắc nhở sắp tết thôi, không có cúng lễ lằng nhằng như sau này. Nhưng dù sao cũng có chút không khí tết. Ở phố thì nhộn nhịp tem phiếu mua chút hàng tết, còn nông thôn thì đã chuẩn bị lá dong, đụng lợn, tát ao bắt cá... nên cũng náo nức.

Cuối chiều ngày thứ ba của cuộc hành quân huấn luyện cuối cùng, chúng tôi về đến Đại Mỗ, Hà Đông. Hôm đó là ngày 24 tết rồi. Thế mà chúng tôi còn phải nằm lại Đại mỗ, học chính trị, lau chùi súng ống nộp kho thêm 3 ngày. Lạ cái là không khí Tết sát đít, hồ Hoàn Kiếm chỉ cách xa nơi này có 14 cây số, thế mà không ai chuồn. Đến chiều ngày 11/2 (27 tết) chúng tôi tập trung nghe BCH từng C phổ biến kế hoạch nghỉ phép, ngày tập trung trở lại. Chúng tôi nhận tiêu chuẩn tết (tôi không còn nhớ có những gì, chỉ nhớ 1 điểm đặc biệt là mỗi lính được một bao thuốc lá Thủ Đô bao bạc, hàng cao cấp lúc bấy giờ) rồi giải tán, tự túc về nhà. Vậy là đợt chúng tôi lại có thêm một cái may mắn nữa là nghỉ phép chuẩn bị đi B đúng dịp tết.

Từng toán lính áo quần bụi bặm, ba-lô kềnh càng (lúc đó chúng tôi mang cả chiếu cói cá nhân, thằng nào có cành Lan rừng lấy ở núi Tân Lạc về mang theo còn lỉch kỉch hơn) bổ ra thị xã Hà Đông, ra bến tàu điện. Lính tráng lên ngồi chật cả 3 toa tầu điện. Lại một cái may nữa là không ai phải mất tiền vé, dù từ đó về bến Bờ Hồ dài nhất tiền vé cũng chỉ có 1 hào. Có lẽ cả mấy chuyến tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông tối đó cũng thế, các bác tài và bán vé tàu điện đã úy lạo cho cả một tiểu đoàn lính Thủ Đô, con em của họ chuẩn bị ra chiến trường.

Bảy giờ tối hôm đó, ngày 11/2/1972, tức là ngày 27 tết Tân Hợi, tôi vềđến ngôi nhà sau hơn nửa năm trời xa vắng.


Mươi ngày phép thật bận rộn. Thằng nào có chút bạn gái học cùng lớp hẹn hò thì tha hồ mà bận. Tán quanh tán quẩn, nhớ thương nhau kiểu gì thì cũng không thoát khỏi câu nói kinh điển thời chiến khi đó là "hẹn ngày chiến thắng", hoặc "hết chiến tranh anh sẽ về". Lãng mạn và thơ mộng thế đó, dù rằng sau đó có nhiều thằng về trước cả ngày chiến thắng. Đó là khi các cậu bị thương đủ tiêu chuẩn để ra Bắc, nhưng lúc đó chẳng ai nghĩ đến tình huống này. Thằng Tuấn "đen" ở Khâm Thiên có cô người yêu xinh như mộng (Xinh tới mức không muốn cho những thằng lính khác trong đơn vị gặp mặt vì... ghen). Cô nàng nũng nịu chia tay lúc lên đường bằng câu: "Hẹn anh nửa năm sau. Em chỉ cho anh đi sáu tháng thôi đấy". Không ngờ câu nói đó ám ảnh nó suốt. Sáu tháng sau, thấy chẳng có vẻ gì là hết chiến tranh cả, thằng Tuấn "đen" nghĩ quẩn chọn đường về bằng cách tự thương vào tay. Quân y phát hiện ra ngay. Nó bị hành thêm 18 tháng gian lao nữa mới được tước quân tich đuổi ra Bắc.

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn tết đó chúng tôi đi chơi thả phanh. Ngoài chuyện thăm hỏi chia tay họ hàng, bạn bè, ăn tết cùng gia đình ra, chúng tôi lại í ới tụ tập nhau. Ngày ấy chưa có điện thoại gia đình. Sang thì bon xe đạp tìm nhau, không thì cuốc bộ hay nhảy tàu điện. Ra Bờ Hồ, ra công viên Thống Nhất chụp ảnh kỷ niệm, quân phục bèo nhèo, xộc xệch. Có tối thì rủ nhau ra Quán Gió hay hiệu Bốn Mùa, ăn kem và uống cà-phê. Bỏ bao thuốc lá Thủ Đô ra hút khoe với thiên hạ. Hôm giáp tết còn tập trung ở Cột Đồng hồ xem đài "Tàng hình" phát thử chương trình truyền hình thời sự. Đêm giao thừa rồi đêm mồng một, mồng hai Tết, toàn là lính cứ quấn lây nhau mà đi chơi. Cùng một sắc áo bạc màu, nhận ra nhau ngay, gặp nhau chan chát trên phố. Cụm lại tán chuyện ầm ĩ, cứ như Hà Nội chỉ có mình, rồi lại xé lẻ từng nhóm tiếp tục "bát" phố. Rồi lại giăng nhau từng đàn đến hai chục đứa chật một góc phố, nghiêng ngó lần cuối khung cảnh Thủ Đô. Có đêm đi chơi tới mấy giờ sáng mới về.

Bố mẹ cũng không kêu ca như thời còn đi học. Hầu như cái gì ngon cũng được tập trung cho ăn. Chẳng phải là bồi dưỡng sức quân gì đâu, mà là các cụ thương con, không biết sau này có còn được trở về nữa hay không. Nhưng thật tình lúc đó chẳng ai nghĩ đến tình huống xấu. Còn chính cái sự chơi bời nghịch ngợm vô tư của chúng tôi khi đó cũng làm cho các bậc phụ huynh bớt đi phần nào lo lắng.

Ngày 24/2, hết đợt phép ba thằng bạn cùng lớp 10 (chúng nó là diện con một hoặc đã có anh trai đang ở chiến trường nên không phải đi lính) đèo xe đưa tiễn tôi vào tận Đại Mỗ. Tôi bị chậm một ngày phép. Sáng sớm nay cả tiểu đoàn đã hành quân về hướng Vân Đình xuống Hà Nam rồi. Anh Thụy (B phó) đang chờ đón mấy thằng lính muộn chúng tôi, chừng hơn chục thằng. Tối đó chúng tôi ăn cơm và nghỉ lại nhà dân. Ba đứa bạn học cũng cùng ăn cơm và ở chơi với chúng tôi tới khuya mới về.

Thế là kết thúc huấn luyện, kết thúc những ngày ở Bắc. Từ ngày mai,chúng tôi sẽ chính thức bước chân lên đường vào chiến trường.


              Sớm hôm sau anh Thụy dẫn chúng tôi ra bến xe ô-tô Hà Đông. Lính tráng góp tiền mua vé xe đến Vân Đình. Anh Thụy bảo phải đi ô tô cho kịp. Tới Vân đình cả bọn xuống xe đi bộ sang tỉnh Hà Nam.

Đoạn đường cũng chỉ độ non chục cây gì đó thôi, vì chúng tôi tìm đên đơn vị thì cũng còn kịp ăn cơm trưa. Nơi ấy là xã Đại Kim, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Tất cả đều ở trong nhà dân, nhưng hình như nơi đây có một cái trạm nào đó thì phải, vì có nhà bếp, có anh nuôi nghiêm chỉnh, nấu cơm bằng cái chảo gang to tường. Đến bữa ăn là đi ăn tập trung.

Hôm sau chúng tôi học chính trị. Cấp trên không phổ biến cụ thể, chúng tôi chỉ cần biết là đi B, thế là đủ. Chính trị viên Trần Tính người Thanh Hóa có một bài chính trị vô cùng ấn tượng, nó theo suốt tôi những ngày quân ngũ và cho đến nay tôi vẫn còn nhớ, cứ như mới được nghe vừa hôm nào đấy thôi. Cái giọng xứ Thanh nằng nặng quyện chất thuốc lào khi đã nghe quen thì mê li lắm. Ông bảo:

" Các đồng chí là lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Các đồng chí đang được hưởng một niềm vinh dự lớn lao mà không một thế hệ nào có được. Đó là được đánh Mỹ và sẽ đánh thắng Mỹ. Niềm vinh dự và tự hào này sẽ không bao giờ còn có nữa. Đến đời con, đời cháu các đồng chí, dù có muốn cũng không còn Mỹ nữa mà đánh. Các đồng chí hãy vững bước lên đường. Quê hương luôn chờ tin chiến thắng của các đồng chí. Chúc các đồng chí lên đường mạnh khỏe, lập công và chiến thắng trở về".

Những bài học chính trị không bao giờ thừa. Còn khoác áo lính là còn học chính trị thường xuyên. Nhưng ấn tượng với tôi chính là điều CTV Trần Tính khẳng định rằng chính thế hệ chúng tôi sẽ đánh thắng xong Mỹ. Sau này tôi cứ ngẫm mãi điều này. Ông nói suông theo kiểu chính trị, hay là một niềm tin mãnh liệt mang tính dự đoán thiên tài? Tôi nhớ lại Di chúc của Bác Hồ, trong đó Bác chả nói rằng cuộc KCCM của chúng ta nhất định thắng lợi, nhưng có thể phải kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa đấy là gì? Vậy thì cái gì là quyết tâm, cái gì là niềm tin thực tiễn?

Chính trị gì thì chính trị, nhưng thực tình lúc đó nghe bài chính trị ấy, chúng tôi háo hức lắm. Đúng là náo nức ra trận thật chứ không phải là miễn cưỡng hay bắt buộc gì.

Rồi sau này suốt trong những ngày tháng hành quân trên Trường Sơn, mỗi khi nghe tin chiến thắng trong chiến trường là chúng tôi sốt ruột ghê lắm. Kèm tin chiến thắng, CTV phó (Vì lúc đó cấp trưởng B,C và A ở lại, chỉ có cán bộ B,C cấp phó là theo vào chiến trường cùng chúng tôi thôi) bao giờ cũng thêm một câu:"Nhanh chân lên, khẩn trương lên các đồng chí, không có vào trong đó muộn các đơn vị bạn họ đánh hết Mỹ rồi thì còn gì mà đánh nữa".

Ừ nhỉ. "Các đồng chí ơi, đánh nhè nhẹ thôi, còn dành Mỹ cho chúng tôi với. Đừng lấy mất niềm tự hào được đánh Mỹ của chúng tôi". Thật mà cứ như đùa. Đúng là lúc đó suốt dọc đường chúng tôi cứ luôn có ý nghĩ luẩn quẩn như vậy.

*

Trở lại câu chuyện ở xã Đại Kim, Hà Nam. Sau hai ngày học chính trị, chúng tôi chuẩn bị tinh thần để ngày mai nhận quân trang mới. Hai bộ quần áo lính qua sáu tháng huấn luyện tuy đã cũ, nhưng còn tốt lắm. Cứ so với cái tiêu chuẩn một năm được 5 mét vải của người dân khi đó, thấy cứ tiếc bộ quần áo lính thế nào ấy. Đã vậy, bác chủ nhà còn lôi ra ở đâu mấy bộ quần áo lính còn cũ hơn, sờn rách cả vai và đầu gối bảo đổi cho chúng tôi để mai đem nộp. Bác ấy bảo, đằng nào số quần áo thu lại của các chú cũng chỉ đem cho lính pháo làm giẻ lau thôi. Nể quá, chúng tôi cũng lấy quần áo cũ của mình ra đổi, nhưng chỉ đổi bộ trong ba-lô, còn bộ mặc trên người dù sao anh em cũng đã quen nhìn lành lặn, mặc bộ rách quá thấy nó bôi bác thế nào ấy.

Hôm sau chúng tôi tập trung thành từng C ra sân kho đổi quân trang. Chuyện nộp quân trang cũ xảy ra êm thấm. Đến lúc được phát quan trang mới, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng và sung sướng. Toàn quần áo Tô-Châu xanh mượt. Dép đúc, giày cao cổ, mũ cối, mũ tai bèo, thắt lưng, xanh-tuya-rông, rồi chăn, màn... đủ cả. Rồi cả ruốc, đường, Hăng-gô, bi-đông, thuốc chống vắt... nói chung là đầy đủ tới mức không thể ngờ. Mối tổ 3 người được phát một khẩu súng AK có 20 viên đạn, 1 dao găm, 1 bật lửa Trung Quốc. Đồ đoàn cá nhân thế mà cũng gần 20kg.

Chúng tôi mặc quần áo mới thay ngay tại chỗ, trông thằng nào cũng xúngxính. Nhưng phải nói thật là đa số quần áo đều rộng so với số đông lính chúngtôi. Quần toàn phải xắn gấu. Áo lót cũng là một cái sơ mi cộc tay vải phin. Cònquần đùi thì đúng là quần chính ủy. Thắt cái dải rút xong mà nó rộng thùng thình,chim chóc thoáng mát cứ như không mặc gì. Mặc cái quần đùi ấy mà đi quây bắtlợn, đảm bảo con lợn 20kg phi lọt từ ống quần này chui qua ống quần đùi kia củamình. 


Sáng hôm sau, Cả tiểu đoàn lại được tập trung ra sân kho xem văn công biểu diễn. Lần này là văn công Hà Nội, không phải văn công Trung ương. Các tiết mục thập cẩm, có cả hát chèo lẫn chầu văn. Tôi đang ngồi giữa hàng quân nghe hát, thì thấy anh Thụy lách vào ra hiệu cho tôi ra ngoài:"Mẹ cậu tới thăm đấy". Tôi xin phép anh rồi chui ra ngoài. Mẹ tôi và một thằng bạn học phổ thông đang đứng chờ. (Là một trong ba thằng tiễn tôi vào Hà Đông hôm trước. Nó không phải đi lính vì hiện đang có anh trai là bộ đội đặc công chiến đấu trong Quảng Nam).

Mẹ tôi nói đã xin phép cấp chỉ huy, rồi dẫn tôi ra ngoài thôn. Từ đây ra ga Đồng Văn ngoài đường 1 có 5 cây số. Thằng bạn hỏi thăm biết đơn vị chúng tôi còn ở đây mấy ngày nên đưa mẹ tôi xuống thăm. Mẹ tôi cũng biết đây là lần cuối cùng có thể gặp được tôi nên không quản đường xa. Cả ba ra một cái quán nước bên đường ngồi nói chuyện. Mẹ tôi mua đủ thứ cho tôi ăn, mà tôi lại không ăn được mấy (mà hàng quà lúc đó cũng chỉ lèo tèo ít hoa quả, bánh quê và vài thứ kẹo vờ vẩn rắn như đanh thôi). Tôi biết mẹ thương tôi lắm, vì tôi là đứa có hiếu nhất nhà. Hoàn cảnh của tôi lúc ấy, nếu tôi không đi bộ đội, mà đi học nước ngoài thì vẫn được vì khi đó bố tôi là một cán bộ cao cấp trong ngành ngoại giao. Nhưng tôi không muốn bố tôi mang tiếng, ảnh hưởng đến thanh danh. Mặt khác gia đình tôi có hai anh em trai, đứa em tuổi cũng gần kề tôi.

Trước ngày tôi nhập ngũ ít tháng, mẹ tôi đã suy nghĩ rồi bảo tôi:

- Đằng nào thì nhà mình cũng phải góp một người cho cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước này. Con dù sao cũng có phần nhanh nhẹn hơn em con, đi bộ đội may ra cũng có thể còn sống mà trở về. Nếu con đi học nước ngoài thì chắc chắn đến năm sau nữa, em con phải vào bộ đội. Nó vốn chậm chạp, chắc không thoát khỏi cái chết.

Tôi vui lòng nghe lời mẹ, không lấn cấn điều gì. Song, qua tâm sự của mẹ tôi, tôi cũng biết mẹ rất đau lòng. Giàu con út, khó con út. Mẹ thương em tôi cũng phải thôi. Mà ngay cả tôi, tôi cũng rất thương em. Nếu phải hy sinh một người trong nhà, thì đó sẽ là tôi.

Tôi vào lính và ra đi thanh thản lắm. Tôi cũng có một chút cá tính. Đợt 22/12 năm ngoái, quân lực trung đoàn chấm tôi cho về làm văn thư ở Bộ tư lệnh thủ đô, vì tôi là thằng văn hay chữ tốt. (Học phổ thông, tôi nhiều năm là học sinh tiên tiến A1, A2. Năm lớp 10, tôi còn suýt đi thi học sinh giỏi văn. Điểm văn trung bình của tôi năm đó là 8,2. Tôi từng có những bài văn cô giáo cho điểm 10, được đọc trước toàn lớp). Thế nhưng tôi đã từ chối, đơn giản vì ý nghĩ rât kiêu hùng của lớp lính thời đó: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực". Đã đi lính mà không được làm thằng lính cầm súng ra trận giết giặc, lại ngồi ru rú góc văn phòng thì đời trai còn có nghĩa lý gì nữa.

Mẹ tôi cũng biết chuyện này, nhưng không phàn nàn gì. Mẹ không muốn làm chùn bước tôi. Còn bố tôi thì nghĩ theo kiểu riêng. Năm đó đang công tác nước ngoài không về được, ông bảo mẹ tôi gửi ảnh tôi sang rồi cặm cụi thuê làm một cái ảnh to như quyển sách giáo khoa trên một tấm gỗ bọc phim. Cái ảnh là hình tôi màu sáng ở giữa với đôi mắt măng tơ mở to nhưng kiên nghị, mà xung quanh là cả một vùng tối, trông như ảnh thờ. (May mà bức ảnh không phải làm cái chức năng ấy). Sau này tôi trở về, nhận lại tấm ảnh đó từ bố tôi. Nó vẫn sáng như ngày năm đó, nước phim không hề mờ ố, đến nay vẫn vậy. Thằng con tôi học đại học rồi mà vẫn treo cái ảnh ấy của bố nó trước bàn học. Đấy là 2 thằng thanh niên của hai thế hệ đang nhìn nhau.

Buổi trưa mẹ tôi cho tôi đi ăn phở. Gọi là phở cho oai thôi, thực ra là món bánh đa thái nhỏ, còn nước dùng là nồi nước ninh với dăm củ su hào cho ngọt. Mẹ tôi cho thêm một tí mì chính vào, thế là ngon tuyệt. Tôi chén ngon lành tới hai bát. Rồi mẹ tôi cho tiền, nhưng lần này tôi dứt khoát không nhận. Ngày cuối cùng rồi, từ mai đã trên đường hành quân, còn ở đất Bắc mấy ngày nữa mà mua với bán. Thằng bạn tôi hầu như không bắt chuyện, nó ngồi im để cho mẹ con tôi rì rầm nói chuyện.

Đến đêm đơn vị mới lên tàu, nhưng buổi chiều tôi đã nói mẹ tôi nên ra ô-tô về Hà Nội kẻo trễ. Tôi không muốn mẹ tôi tiễn tôi vào lúc tàu chạy, sợ mẹ buồn. Mẹ tôi không khóc, nhưng lúc lên ô-tô, mẹ tôi đã kín đáo lấy khăn tay lau mắt. Tôi biết mẹ tôi buồn lắm.

Đếnđêm, tôi cùng đơn vị ra ga, lên tàu vào chiến trường. Thế là tôi đã ra đi, tôiđã đem theo cả cuộc đời của mẹ tôi mà ra trận. 


   Đoàn tàu xuất phát tại ga Đồng Văn vào quãng 10 giờ đêm. Nơi này cách ga Hàng Cỏ đúng 45 cây số. Anh Thụy giải thích là từ sau đợt bọn lính tiểu đoàn 34, 36 phá phách ghê quá, nên các đợt lính sau bị vạ lây. Chúng tôi không được huấn luyện gần Hà Nội đã đành, mà ngay cả lúc vào chiến trường cũng phải hành quân mấy chục cây số để thu quân rồi mới được lên tàu.

Cả tiểu đoàn xuất quân im ắng. Làng quê chắc đã quen với cảnh này. Tất cả tập hợp một cách có trật tự, im lặng trên sân ga chờ tàu từ Hà Nội vào. Chúng tôi lần lượt lên tàu một cách lặng lẽ. Cả chuyến tàu đó chỉ có lính của tiểu đoàn tôi.

Chiếc đầu máy hơi nước kéo chừng chục toa xình xịch lăn bánh. Mặc dù thời gian này Mỹ đã tạm ngừng ném bom miền Bắc, nhưng những cuộc chuyển quân vẫn phải đi lặng lẽ trong đêm. Lính Hà Nội đa phần đã biết đến tàu hỏa, nhưng cũng có nhiều thằng mới được đi lần đầu, háo hức ra mặt. Vài ga đầu từ Phủ Lý đến Ninh Bình, chúng tôi còn thức, rì rầm trò chuyện, cố ngắm cảnh trời đêm bên ngoài. Khung cảnh làng quê Việt Nam nghèo nàn lướt qua khung cửa sổ. Gió thổi mát rượi. Rồi những cảnh đổ nát do bom Mỹ bắn phá các ga liên tục xuất hiện: Nam Định, Núi Gôi... Trời đêm se lạnh dần, lại mệt mỏi nên lính tráng dần dần lăn ra ngủ. Trải ngay nilon ra trên sàn tàu, nằm ngủ ngổn ngang.

Đến cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa, nghe tiếng kêu to của cán bộ chỉ huy, chúng tôi láo nháo thức dậy nhòm ra ngoài. Dòng sông Mã anh hùng và cây cầu huyền thoại đây rồi. Nhưng sao bé nhỏ và trơ trọi quá, chỉ thấy loang loáng những nhịp thép đen sì. Vài nhịp xình xịch là cây cầu đã lướt hết qua khung cửa. Không nhìn thấy lòng sông vì trời tối. Chả thể nào hình dung ra những chiếc ca nô phá thủy lôi từ trường chạy trên mặt sông ra sao. Cũng chẳng biết trận địa pháo của người anh hùng Đinh Tích Nhưỡng bảo vệ cầu nằm ở nơi nào. Thế là lại lăn ra ngủ.

Sáng bảnh mắt thì vào đến ga Vinh. Chúng tôi bị đánh thức dậy. Chả hiểu tàu dừng bánh từ lúc nào. Tất cả xuống tàu tập trung gọn ghẽ theo hàng lối. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Đây mà gọi là ga Vinh ư? Chẳng có nhà ga. Chẳng có những vệt hè lát gạch nằm bên đường tàu, dù chỉ là cái vệt bé rộng chưa tới ba mét như ở ga Đồng Đăng. Xung quanh như một bãi đất trống rộng không ranh giới. Thậm chí hình hài của những căn nhà đổ nát cũng không thấy rõ.

Cả tiểu đoàn lục tục hành quân. Anh Thụy bảo đây là thành phố Vinh. "Anh chỉ lòe bọn em. Có thấy phố xá nhà cửa gì đâu". Nhưng đúng là thành phố Vinh thật. Một thành phố (hay thị xã to thì đúng hơn) đã bị bom Mỹ san bằng. Tôi liên tưởng cứ như mình đang ở một đơn vị Hồng quân Liên-xô hành quân qua một thị trấn châu Âu đổ nát nào đó hồi thế chiến thứ hai. (Bây giờ khi trở lại Vinh, tôi không thể nào tìm lại hay hình dung nổi ra vệt đường hành quân ngày đó). Đi mãi thì cũng tới một cái làng. Bây giờ chỉ còn nhớ cái làng đó là nhà tranh nứa dựng trên nền đất pha cát. Chúng tôi nghỉ ngoài vườn.

Tất cả các điểm chúng tôi dừng chân nghỉ ngày từ đây vào đến trạm 5 Trường Sơn đều là binh trạm, bố trí lẫn trong dân. Không được lò mò đi đâu xa (mà cũng có biết nơi nào mà đi?). Đến bữa có người báo đi lấy cơm. Lấy cơm về ăn theo từng tiểu đội. Chúng tôi đã có đầy đủ ca, thìa cá nhân. Còn mỗi A được phát một soong 6, có cái nắp vung hình 3 khía để chia riêng thức ăn.

Sẩm tối chúng tôi hành quân ra Bến Thủy, lên ca-nô đi tiếp sang Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên tôi đi ca-nô. Ban đêm nhìn ra mặt sông chỉ thấy mênh mông nước. Mỗi ca -nô chở một trung đội gần bốn chục người. Chắc đoàn ca-nô phải nhiều lắm mới chở hết cả tiểu đoàn chúng tôi. Không biết cái ca-nô hay con tàu thủy mà bác Năm Sài Gòn khi xưa vẫy vùng kiếm ăn trên sông nước Thái Bình thời Pháp thuộc có to như ca-nô chúng tôi không?

Đêm hành quân đường sông vô cùng êm ái. Chỉ chạy độ ba hay bốn tiếng gì đó thì tàu đã cập bờ. Chúng tôi lên một cái làng gần đó để nghỉ. Được ngủ no mắt thì trời mới sáng.

Những căn nhà dân ở đây cũng tựa như ngoài Nghệ An, nhưng có vẻ chắcchắn hơn. Vẫn là nghỉ ngoài vườn thôi. Ban ngày, chúng tôi được nghỉ ngơi.Không phải họp, cũng không phải làm gì giúp dân, chỉ cần trật tự là được. Nơiđây tuy nghèo nàn, nhưng bác chủ nhà bắt đầu hướng dẫn chúng tôi một việc cầnlàm trước khi vào Nam. Mặc dù giọng nói của bác nặng và rất khó nghe (nhưngchưa đến nỗi ngôn ngữ bất đồng), chúng tôi hiểu là cần phải tiêu hết tiền đi vìsắp vào đến nơi không dùng được tiền nữa rồi. Thế là chúng tôi dốc tiền ra gópđể bác chủ nhà mua giúp gà và chuối. Bác còn giúp chúng tôi làm gà (mỗi mónluộc). Nếu như ở ngoài Hà Nội, 5 đồng là có một con gà to ngon lành thì trongnày là 20 đồng. Của mua là của được, vì thế hầu như tiểu đội nào cũng mua gà.Nhưng cũng chỉ có món đó thôi, chẳng còn gì khác. Ăn đi, rồi đi ngủ để đến đêmcòn phải hành quân. 


Đêm nay chúng tôi chuyển sang hành quân bằng ô-tô Giải phóng của Trung Quốc. Sẽ vượt đèo Ngang để sang Quảng Bình.

Quãng nửa đêm, cả đoàn xe dừng lại chừng một tiếng ven Thị xã Hà Tĩnh để chuẩn bị vượt đèo Ngang. Đây là quê hương của đại đội phó Hảo của chúng tôi. (Tôi vẫn ấn tượng với cái màn nếm gần nửa cân thịt lợn hồi còn ở Tân Lạc của thủ trưởng). Chẳng biết hiệp đồng tác chiến từ khi nào, mà đã có người nhà của thủ trưởng ra tận đoàn xe đón. Họ nhanh chóng gặp nhau và thủ trưởng bàn giao cho người nhà hai ba lô chật căng. Thảo nào mà suốt từ những ngày ở Đại Kim, Hà Nam, thủ trưởng chịu khó xin những thứ của lính, từ quần áo đến mũ cối. Có lẽ đây cũng là một hình thức tiếp tế trợ giúp cho gia đình, nhưng không phải ai cũng có điều kiện làm được. Vui vì được gặp người nhà, nhưng thủ trưởng Hảo cũng tâm sự buồn rằng, lần này phải vào chiến trường, không được làm công tác huấn luyện nữa. Thủ trưởng vốn là cán bộ khung của BTL Thủ đô, chuyên luyện quân tới mấy năm nay rồi, từ ngày thành lập trung đoàn 1867 (trung đoàn 59) cơ. Thủ trưởng đã 35 tuổi, là cán bộ nhiều tuổi nhất trong BCH C huấn luyện của tôi khi đó.

Lại nói về mũ cối. Thú thật là mới chỉ qua mấy ngày hành quân và trò chuyện, chúng tôi đã thấy quân đội phát cả mũ tai bèo lẫn mũ cối cho chúng tôi là thừa. Mũ tai bèo gọn bao nhiêu thì mũ cối cồng kềnh bấy nhiêu. Nhiều thằng đã cho đi giao lưu ngay từ Hà Nam. Hôm qua ở cái làng bên sông Lam, nhiều tiểu đội cũng mua gà không phải bằng tiền mà bằng mũ cối. Vì thế cái chuyện chúng tôi cho thủ trưởng Hảo dăm cái mũ cối cũng là chuyện bình thường. Rồi sau này cũng thế. Chúng tôi giải tán mũ cối dọc đường hành quân hết. Vào đến đơn vị chiến đấu thì chúng tôi đã thực thụ là người chiến sĩ giải phóng, quân của chị Ba Định với chiếc mũ tai bèo đặc trưng rồi.

Xe chúng tôi đến lượt vượt đèo Ngang. Các thủ trưởng bảo bây giờ thuận lợi thế này mới có thể đi cả đoàn xe vượt đèo ngang, chứ ba năm trước không thể. Khi đó phải đi bộ là chính, theo đường 12A qua ngã ba Đồng Lộc, hay đường 20 Quyết thắng. Trên đỉnh đèo Ngang trong đêm nhìn ra biển chỉ thấy mờ mờ. Thời gian vượt đèo Ngang cũng rất ngắn ngủi. Có lẽ cái sự nổi tiếng của đèo chính vì nó chặn ngang con đường độc đạo vào Nam và vươn dài sát biển, chứ sự hùng vĩ của nó không phải là nhất nước. Ngày xưa Bà Huyện Thanh Quan qua đây vào buổi xế chiều, chắc sau một hồi leo đèo chùn chân mỏi gối, ngồi trên đỉnh đèo hưởng gió mát, nhìn quanh thấy buồn cho cảnh heo hút đường xa mà tức cảnh làm nên bài thơ hay. Nếu có đi thực tế mà học thơ của Bà, chắc cũng nên đi bộ lên đèo Ngang vào lúc xế chiều mà ngắm cảnh, chứ ngồi xe tải ban đêm như chúng tôi thì chỉ thấy vùng biển đen mịt mù xa xăm và đám sao trời li ti trong màn đêm lành lạnh thôi.

Lại dừng chân nghỉ ban ngày sau một đêm hành quân xe. Đến đêm lại đi ca-nô, hình như vượt qua sông Lệ Thủy thì phải. Thời gian đi ca-nô cũng chỉ vài giờ. Nơi này vẫn thuộc trên đất Quảng Bình. Chúng tôi được phổ biến đây là điểm dừng cuối cùng trước khi vào Binh trạm Trường Sơn. Thế là ngày hôm đó, lính tráng có bao nhiêu tiền đều đốc hết vào ăn uống. Thực phẩm ở đây nghèo nàn và đắt hơn rất nhiều so với bên Hà Tĩnh, nhưng giữ tiền cũng chẳng để làm gì. Mũ cối ở đây cũng rất có giá trị, tất nhiên cũng chuyển thành gà. Mà cũng lạ là khi đó chỉ có món gà mà thôi, chẳng còn thứ gì khác. Một vài thằng cố giữ lại tờ 10 đồng màu đỏ có in hình Bác Hồ mà lính khi đó gọi là tờ "cụ mượt" để làm kỷ niệm.

Buổi chiều, chúng tôi được lĩnh gạo. Cái ruột tượng bây giờ mới phải dùng đến. Mỗi lính nhận 7kg gạo, tiêu chuẩn cho 10 ngày. Chỉ còn bữa ăn chiều nay là tập trung thôi, còn từ mai, chúng tôi sẽ phải nấu ăn theo từng tiểu đội suốt chặng đường hành quân.

Buổi tối tập trung lên xe. Đường xe chạy nhỏ dần, gập ghềnh và hai bên là rừng cây rậm rạp. Xóc kinh khủng. Cứ lầm lũi đi như thế trong màn đêm đen giữa rừng già, xe ô-tô chỉ bật đèn gầm. Chắc vào quãng mấy giờ sáng gì đó thì tới nơi. Cạnh bãi đổ quân là một bãi đất rộng mờ mờ nằm dưới những cây cổ thụ. Chúng tôi xuống xe, được phân chia vào từng khu vực, ở đó đã có chi chít những hầm thùng đào sẵn sâu chừng 40 phân. Mỗi thằng chiếm lấy một chiếc, trải ni-lon, xếp ba-lô, kê ruột tượng gạo rồi lăn ra ngủ.

Đây là Trạm 5 Trường Sơn, một trạm đầu mối của tuyến đường 559.


Chúng tôi được nghỉ ở đây một ngày.

Cả đại đội huấn luyện chỉ còn có 5 cán bộ khung gồm C phó Hảo và 4 B phó khác dẫn chúng tôi vào Nam. Còn lại từng A chúng tôi phải tự bảo nhau. Trừ thủ trưởng Hảo, các B phó huấn luyện đều lần đầu vào Trường Sơn nên cũng chẳng ai có kinh nghiệm gì hơn chúng tôi. Nhất nhất đều phải nhận lệnh qua giao ban tại từng Trạm, hành quân có giao liên dẫn đường.

Giờ này chắc các thủ trưởng đi họp giao ban nên chẳng có ai đánh thức chúng tôi dậy sớm. Chúng tôi ngủ ngon đến bảnh mắt.

Đêm qua dù tối om nhưng không hiểu sao tôi vẫn mắc được tấm tăng che cao trên cái hầm thùng mấy chục phân để tránh sương. Bây giờ thức giấc rồi, tôi nằm im nhìn lên màn sáng đục sau tấm tăng. Nằm mà nghĩ vơ vẩn thôi. Thế là cái thân trai này đã nằm ngủ một đêm trên dãy Trường Sơn, cách nhà tới vài trăm cây số. Khoảng cách địa lý thì đo được, nhưng cuộc đời từ đây chỉ có một hướng: phía trước là mặt trận và cứ phải theo đó mà đi, không hẹn ngày trở lại. Không biết mấy tháng, mấy ngày nữa sẽ vào đến đơn vị mới, sẽ được xung trận, được nổ súng như các anh trong tiểu đội Bùi Ngọc Đủ trên đồi không tên đã đi vào bài hát "Dòng suối La La" bất diệt.

Bỗng nhiên nghe tiếng loạt xoạt rất khẽ nơi bao gạo gối đầu. Rồi có tiếng nhai gạo lách cách. Tôi hơi nghiêng người, thấy có con gì đó be bé như con chuột chạy vụt ra. Quyết định nằm im tư thế đó mà theo rõi. Lại nghe tiếng loạt xoạt. Hé mắt khe khẽ ra thì thấy một con chuột đã chui vào cắn gạo. Nhưng không phải chuột. Nó to bằng nửa cổ tay, lông màu tro vằn vèo, đuôi dài và rậm. Cái đầu giống con chuột nhưng đôi mắt lanh lợi, không đen sì và gian giảo như mắt chuột. Con vật khá bạo, tiếp tục moi những hạt gạo ra ăn. Phải nghĩ mãi tôi mới đoán ra là con sóc. Nhưng sao con sóc này bé quá, đuôi không to như con sóc ăn hạt dẻ trong chuyện cổ tích. Tôi vùng dậy và con sóc chạy mất.

Cởi bỏ tấm tăng, tôi nhìn quanh, thấy choáng ngợp trước quang cảnh của bãi khách. Bắt đầu từ đây, tôi biết đến từ "bãi khách", là nơi được trạm giao liên chuẩn bị sẵn, có hầm, có cây mắc võng, nằm dưới những tán rừng già, dùng để cho các đoàn "khách" vào, ra dừng chân. Một trạm có nhiều bãi khách. Thường các đoàn quân vào, ra đều chỉ biết bãi khách chứ hầu như không biết vị trí Binh tram hay Trạm, nơi có BCH, có thông tin, có trạm xá... nằm chỗ nào.

Bãi khách này rộng thật. Hầm thùng đủ cho cả đại đội tôi hơn trăm rưởi người nằm mà vẫn còn thừa. Khi đó lính tráng đã dậy cả. Nhiều đứa đã ra tắm ở con suối chảy ven bãi khách. Suối không sâu nhưng rộng cỡ 2 mét, nước trong và mát. Nhiều tốp lính đã bẻ củi bắc hăng-gô nấu cháo ăn sáng. Củi khô ở đây nhiều vô biên, đúng là củi rừng. Mỗi lính chúng tôi được phát 2kg ruốc (một cân loại trằng ít muối, còn một cân loại đen thì nhiều muối mặn chát xít dùng để nấu ăn). Mỗi lính cũng được phát một gói cỡ 2 lạng mì chính cánh của Trung Quốc. Thế là tự nấu ăn được rồi, nhưng buổi sáng lười nên chỉ toàn nấu cháo. Đến trưa mới tổ chức nấu cơm theo tiểu đội. Đại đội phát nốt từ hôm trước ở Quảng Bình cho các A một ít rau cải chở theo được bằng ô-tô. Từ ngày mai thì chỉ còn ruốc và rau rừng.

Ngày hôm đó, chúng tôi được phổ biến tất cả mọi quy định chung cần thiết khi hành quân trên Trường Sơn. Từ chuyện đội hình, giữ bí mật, vệ sinh theo kiểu "hố mèo"... đến các quy định về ánh sáng, lửa khói... Rồi học cách mắc tăng, mắc võng thế nào cho nhanh để khi tháo cũng chỉ rút dây một cái là xong, rồi cách buộc ni-lon khi đi trời mưa... Tóm lại là một đống kiến thức cần thiết trên đường hành quân. Không thể nhớ hết một lúc, nhưng dần dà qua những ngày hành quân dọc các binh trạm thì rồi tất cả ngấm vào người như một bản năng. Nó ngấm mạnh tới mức bây giờ vẫn không quên điều đó. (Tôi vẫn còn giữ được chiếc võng vải dù chiến lợi phẩm và tấm tăng TQ zin làm kỷ niệm. Chẳng có điều kiện mà dùng lại. Đôi lúc cũng muốn đem ra vườn mắc lên nằm chơi một buổi để gặm nhấm quá khứ, nhưng lại sợ thiên hạ nhìn thấy, chê bố này lẩn thẩn rồi, nên đành vẫn để đấy).

Chúngtôi còn được nghỉ thêm một ngày nữa ở trạm 5. Tôi cứ ngồi ngửa cổ nhìn lênnhững cây già cao vút, cỡ hơn người ôm. Rồi nhận ra ở đây có rất nhiều lũ sócchuột bé tẹo ấy. Hầu như ruột tượng của thằng nào cũng bị sóc cắn, chúng tôiphải khâu ríu lại. Về sau vào sâu trong Nam và sống lâu trong rừng, tôi biếtrừng già nào cũng có sóc chuột. Có thể ví chúng với chuột ở đồng bằng. Và tôinhận ra rằng chỗ có người ở thì có chuột đủ loại, còn rừng già thì có sóc,nhưng không có chuột. Ở đó chỉ có những con chuột núi (con dũi) to tướng hayđào gốc măng nhai kèn kẹt thôi. Nhiều vùng rừng già lại có cả sóc bay nữa.Chúng cũng bé tì tẹo. Lúc yên tĩnh, nhìn thấy chúng nó thả người từ một thâncây cao, vèo một cái đã thấy bám vào một cây khác cách đó một đoạn xa thì biếtnó là sóc bay. Có điều nó chỉ bay từ trên cao xuống thấp thôi chứ không thấybay từ thấp lên cao bao giờ. 


              Sau ngày nghỉ tại trạm 5, chúng tôi hành quân sang trạm T6. Đường đi độ non ba chục cây số. Phần lớn đi trong rừng già. Đường thoai thoải lên cao xuống thấp tí chút như miền trung du ngoài Bắc. Có lẽ đây là vệt núi cùng bình độ với trạm 5. Hành quân trong Trường Sơn mà khung cảnh yên tĩnh hòa bình, nhiều lúc cảm thấy như vẫn đang đi dã ngoại vậy. Ngoài quân tư trang cá nhân giống nhau, chỉ có khẩu súng AK và cái soong là phải chia nhau mang. Vẫn 3 người một khẩu phát từ ngoài Kim Bảng, chưa có thêm vũ khí gì.

Trạm T6 có bãi khách nhỏ hơn T5. Con suối cũng nhỏ hơn. Chúng tôi chỉ dừng chân một đêm, hôm sau sẽ đi tiếp. Sáng hôm sau, C38 với hơn trăm rưởi lính trong tiểu đoàn chúng tôi chia tay hành quân theo hướng khác. Họ đi theo trục Đông Trường Sơn. Sau này hết chiến tranh gặp lại mấy thằng,chúng nó kể là được bổ xung vào tỉnh Quảng Ngãi, làm bộ đội địa phương. Cũng xuống đồng bằng, vào làng, nằm hầm bí mật và chống càn. Đến năm 1975, Quảng Ngãi giải phóng thì chúng nó làm công tác tiếp quản địa phương. Không được theo đại quân vào chiến dịch Hồ chí Minh. Đến 1976 thì những đứa sống sót cũng lần lượt được ra quân và về nhà hết.

Còn lại 3 đại đội chúng tôi hành quân theo ngả Tây Trường Sơn. Con đường chúng tôi đi đúng là đường mòn, chỉ có thể đi bộ. Chỗ rộng cũng chỉ đủ hai người đi ngược chiều tránh nhau. Cứ hành quân non tiếng lại nghỉ giải lao mươi phút. Đặt phịch ba-lô và ngồi ngay bên vệ đường. Chúng tôi được dặn là nghỉ đâu thì ngồi ngay đó. Đi giải thì cứ đứng mà chĩa ngang vệ đường. Còn đại tiện thì chỉ cần đi vài mét rồi đào hố mèo là xong. Nói thế nhưng chẳng thằng nào có xẻng mà đào hố, nên cứ thiên nhiên. Một thằng đi là thể nào cũng có vài đứa chửi rầm rầm lên vì thối. Giao liên còn dặn chúng tôi nên tập đi nhấc cao chân. Đừng tạo thói quen đá vào các vật bên đường. Chỉ qua ít trạm sau, chúng tôi còn được nghe phổ biến về cây nhiệt đới và mìn lá (loại này dẫm vào chỉ cụt nửa bàn chân, nhưng như thế cũng coi như bị loại ngũ rồi). Hai của này bọn Mỹ thả rất nhiều trong các cánh rừng miền Trung.

Quá nửa chiều thì chúng tôi đến trạm T7. Như vậy là mỗi trạm cũng chỉ cách nhau chừng năm sáu tiếng đi đường. Chưa phải leo dốc nhiều. Đại đội tôi ở vào một bãi khách nhỏ nhưng rất bẩn. Mùi xú uế khắp nơi, cứ như có một bọn nào vừa rời khỏi đây. Mà cũng vì bãi nhỏ, không đi rộng ra được (vướng các khe núi) nên mật độ ở dày. Chúng tôi mắc võng san sát nhau. Cạnh bãi khách chỉ có một con suối nhỏ. Gọi là lạch thì đúng hơn, vì dòng chảy lờ đờ mà lại chỉ bé như cái cổ tay, vướng đầy lá. Phải bới một vệt lõm, gạt lá ra, chờ cho nước tụ lại trong trong rồi lấy ca gạn cho vào bi-đông. Hơn trăm rưởi thằng lính rải ra và chờ nhau mãi mới lấy đủ nước. Chỉ có cơm canh là đun nước sôi (mà canh cũng chỉ là nồi nước đun sôi cho vào ít ruốc, đánh tơi ra, cho đũa vào ngoáy trông nó như nồi canh sợi bao tải rách. vò vào đó ít lá chua người ta chỉ cho quanh đó, chẳng biết lá cây gì). Còn nước tất cả đều là nước lã, Mỗi bi-đông chúng tôi cho vào một viên thuốc lọc nước của Trung Quốc (Mỗi lính được phát một lọ nhựa có 50 viên). Uống thấy mùi nó hơi ngai ngái.

Cấp trên thông báo chúng tôi đang ở đất Lào, thuộc tỉnh Khăm Muộn. Cũng chẳng biết là đã vượt biên từ lúc nào. À, thế ra là mình đã được "đi ngoài ra nước" (à không, "đi ra nước ngoài") rồi đấy. Đúng là đi Tây, chứ không phải là đi Tây Bắc như những thằng đi học ở Đông Âu đâu nhé.

Hôm sau lại cuốn gói đi tiếp. Bắt đầu quen với nhịp điệu hành quân. Ngày đi đêm nghỉ. Sáng dậy nấu cơm vào lúc trời sáng hẳn để không còn nhìn rõ ánh lửa. Ăn sáng xong rồi mỗi thằng đùm một túm để ăn trưa. Không hơi sức đâu mà nắm cơm chung, của ai nấy lo. Ai muốn nắm thì nắm, ai ngại thì cứ gói vào khăn mặt hay ni-lon cũng được. Buổi trưa giữa đường thì giở ra ăn, chan ít nước lã, cho tý ruốc vào là xong. Mà cũng lạ là chẳng ai đau bụng. Sau này chúng tôi được biết là nếu đang hành quân, ra mồ hôi và căng cơ bắp thì uống nước lã cũng như nước sôi. Chỉ một lúc sau là nó bài tiết ra hết, kể cả vi trùng. Khoảng 3 giờ chiều thì tới trạm T8. Như vậy chặng đường này ngắn. Được phổ biến nghỉ lại đây một ngày lấy sức.

Thếlà đua nhau tắm giặt. May là ở đây có con suối nhỏ, nhưng là suối đá nên nướctrong, và chảy khá mạnh. Giặt quần áo trên các mô đá rất khoái. Chúng tôi đượcphát mỗi người một bánh xà phòng giặt của Liên-xô có in chìm số 72%. Đây là mộtđiểm đặc biệt, vì lúc đó mọi thứ khác trang bị cho chúng tôi đều là của TQ, kểcả cái bật lửa. Vậy mà lại lẫn vào trong đó con dao găm và bánh xà phòngLiên-xô. Được cái bánh xà phòng này rất bền. Mỗi lần giặt quần áo chỉ xát mộtít vào cổ áo và đũng quần, rồi giặt. Chỉ có một ít xà phòng nhờ nhờ đục, thế màcũng sạch. Cái bánh xà phòng hầu như không mòn. Dùng mãi đến 3 năm sau, khi chỉcòn bé bằng cái lưỡi mèo thì nó mới trôi tuột đi lúc nào không biết.


Một ngày nghỉ không phải họp hành. Chỉ được đi chơi loanh quanh trong bãi khách. Tụ tập nhau tán chuyện và đun nước pha chè uống. Cũng chỉ vài thằng còn lại tí chút chè Ba-Đình sót lại sau tết mang từ nhà đi. Vài bữa nữa thôi là sẽ hết sạch. Thuốc lá không mấy ai hút. Cũng chỉ dăm ba thằng còn đem theo mấy bao thuốc Trường Sơn, chẳng ai xin làm gì. Rồi nấu cháo xì xụp ăn.

Chiều đó mấy thằng liều lĩnh đột phá đi xa ngoài bãi khách và gặp dân. Chắc họ từ bản nào đó gần đây. Họ có chuối chín đem đổi. Lính tráng moi nốt tiền Bắc ra gạ mua (thôi, còn giữ để kỷ niệm làm gì nữa), nhưng không được, vì dân họ không dùng tiền. Đành nuốt nước bọt trở về. Độ nửa tiếng sau, đang buồn vì tiếc thì mấy thằng ở C khác hiên ngang xách 3 nải chuối chín đó đi qua. Xông ra hỏi chúng mày mua bằng gì mà tài thế. Mua gì đâu, bọn tao đổi 2 cái kim băng lấy một nải đấy. Thế là sùng sục bảo nhau tìm kim băng quay ra tìm dân, nhưng hết mất rồi. Kinh nghiệm này được phổ biến, và nó có tác dụng ở những trạm sau, thậm chí ngang đường hành quân cũng gặp dân đổi chuối, đổi sắn. Không chỉ đổi bằng kim băng đâu. Khi hết loại này rồi thì ảnh màu con gái là loại hàng có giá. Vô tình mà phát hiện ra điều này.

Lính mới chúng tôi chưa hiểu được rằng đem được một cân gạo từ miền Bắc vào đây là ít nhiều cũng có máu xương của các đồng đội lái xe. Theo từng quãng nhất định, có những kho gạo binh trạm để phát cho các đoàn quân ra, quân vào. Tiêu chuẩn vẫn là 7 lạng một ngày. Hành quân đường dài thì như thế cũng chỉ là đủ, ăn vừa hết và không đói. Thế mà có thằng trong A tôi ngại nặng đã trút bớt phần gạo của nó xuống khe núi cho nhẹ. Lúc đến mỗi trạm, thấy nó nhường cho người khác bỏ gạo ra nấu trước, tưởng nó có tinh thần đồng đội cao cả. Đến hôm cuối cùng tới lượt nó bỏ gạo ra nấu thấy còn có nửa, cả A chửi rầm lên. Nó cãi là cái ruột tượng rách, nhưng anh em biết thừa. Sau cái bữa đói đó, chúng tôi rút kinh nghiệm là đến bữa mỗi đứa góp một ít gạo đều nhau để nấu cho công bằng. Thằng nào đổ gạo đi thì tự nhịn. Về sau vào sâu hơn một chút thì chỉ lĩnh ăn 6 lạng gạo một ngày thôi. Mà đừng tưởng cứ vào Trường Sơn là ăn lương khô thoải mái đâu nhé. Của đó chỉ có lính lái xe, lính tăng pháo, lính binh trạm hay Bộ tư lệnh thôi. Vào chiến trường hơn nửa năm sau, tôi mới được biết mùi vị bánh lương khô nó như thế nào.

Cũng vì còn đói nên chúng tôi hay nghĩ đến ăn. Cứ mơ mộng là trong rừng sẽ có nhiều củ quả gì đó, hay là một rừng cây ăn quả nào chẳng hạn. Nhưng cái đó (chắc chắn có) lại không nằm sẵn ven đường hành quân. Có lần qua một khúc rừng thấy ngào ngạt mùi bánh mỳ. Tưởng đến gần lò bánh của binh trạm nào đó, nhưng không phải. Đó chỉ là mùi của một loại lá cây. Cũng như có lần gặp lá cơm nếp. Nó thơm mùi của bát cơm nếp mới sới. Loại lá này đáng sợ lắm. Kẹp khô trong cuốn sổ, nó giữ mùi thơm đến cả năm. Ngửi nó đã không no mà còn làm mình thèm và thấy đói hơn.

Trong cảnh thèm ăn như thế, một lần chúng tôi gặp dân ven đường hành quân. Họ có sắn, nhưng chúng tôi chẳng còn gì mà đổi cả. Thằng Dũng "ú ớ" moi trong ví ra cái huy hiệu đoàn, đổi được một củ sắn dài độ gang tay. Quá ít cho mấy cái vẻ mặt háo hức chờ ăn. Loay hoay thế nào, nó đánh rơi cuốn lịch túi (loại lịch một hào, bằng lòng bàn tay, thịnh hành lúc ấy). Trang bìa là ảnh của Ái Vân trong vai "chị Nhung" của bộ phim Việt nam cùng tên, kể về chiến công của nữ biệt động Sài Gòn, chiếu năm 1971. Năm đóng phim, Ái Vân (cô ca sĩ sau này) mới 17 tuổi, kém lứa lính chúng tôi đúng một tuổi. Ảnh nhân vật chị Nhung của cô được lên trang bìa của lịch túi năm 1972. Phải nói là cô rất xinh, ảnh in màu nên hầu như lính nào cũng có một cuốn. Nhìn thấy cái hình cô gái, người dân đòi xem rồi gạ đổi 2 củ sắn. Thằng Dũng đồng ý luôn. Thế là chúng tôi rào rào lấy lịch ra đổi. Chỉ một loáng, mấy người dân đổi hết sắn và hể hả cầm mấy cuốn lịch ấy đi về. Không chỉ mấy người đàn ông, mà xem ra phụ nữ và cả trẻ con cũng thích ảnh con gái đẹp. Cũng phải thôi, vì phụ nữ dân tộc vùng đó xấu lắm, không ai vượt nổi qua nước cản.

Vậy là sau đó, thằng nào còn lịch túi "chị Nhung" là bỏ sẵn hết ra túi áo để khi cần đổi cho nhanh. Rồi đổi mãi cũng hết lịch. Hết khôn dồn đến dại, nhiều thằng lấy cả ảnh người yêu ra đổi. Nhưng bà con dân tộc cũng khôn. Họ chỉ đổi ảnh màu thôi chứ không đổi ảnh đen trắng. Lúc ấy chưa có ảnh chụp màu. Sở dĩ có những tấm ảnh màu là do các bác thợ ảnh của mấy hiệu ảnh quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm dùng bút màu tô thêm cho ảnh ở những phần môi, mắt hay áo quần. Lúc mới đầu đổi ảnh người yêu lấy sắn cũng thấy hơi áy náy, nhưng cái dạ dày đã chiến thắng. Thôi, các bạn gái hãy vui lòng cho lính tráng có thêm sức mà chân cứng đá mềm. Gửi các em ở lại trong dân cũng như là nhờ hậu phương che chở. Theo bọn anh ra nơi hòn tên mũi đạn, nhỡ lọt vào tay quân thù thì lại đau lòng người lính hơn.

Nếu bây giờ có nhà khảo cổ hay nhà dân tộc học nào lặn lội vào dãyTrường Sơn mà gặp những tấm ảnh "chị Nhung" hay ảnh các thiếu nữ HàNội tô màu đã phai mờ theo năm tháng ở trong các bản dân tộc ít người, xin hãybình tĩnh, chớ vội reo mừng tưởng mình đã "tìm ra châu Mỹ". 


Sau một ngày nghỉ ngơi ở T8, hôm sau chúng tôi hành quân đến T9. Dọc đường, chúng tôi đi qua một cánh rừng toàn cây song. Đó là loại cây dây họ cây mây, nhưng thân to hơn nhiều, vỏ màu sẫm. Cả đoàn quân được dừng chân giải lao. Hầu như ai cũng tìm chặt một đoạn song theo ý mình. Rừng song này lớn lắm. Có lẽ các đoàn quân ra, quân vào đều dừng lại nơi đây chặt song làm gậy chống. Rừng song quá rộng, lại mọc liên tục nên lính có chặt cũng chẳng hao mòn bao nhiêu. Chịu khó mang theo đến chiều tới trạm khách hơ lửa uốn thì sẽ có cây gậy ba-toong tuyệt đẹp. Bây giờ và sau này cũng vậy. Rất nhiều lần chúng tôi được gặp những thứ có thể gọi là sản vật của rừng. Ở rừng Trường Sơn đây thì đơn giản, nhưng đó lại là thứ mơ ước rất lớn của người dân Hà Thành mà không phải ai cũng dễ có.

Sau một ít ngày hành quân thì chúng tôi nắm sơ bộ được về cách bố trí các binh trạm Trường Sơn. Mỗi Binh trạm là 1 D, quản lý chừng 4 đến 5 trạm. Khoảng cách giữa các trạm là khoảng một ngày đường. Do địa hình nên khoảng cách không thể đều nhau. Có những trạm cách nhau trên hai chục cây số nếu nhiều đường bằng, người ta không đặt xa quá vì còn phải có thời gian cho bộ đội nghỉ ngơi. Không chỉ là đoàn quân mang vác bộ, mà ngay cả thương binh chuyển ra vào mùa mưa, cũng phải đảm bảo giao liên tải thương đi trong một ngày. Còn có những cung đường như từ trạm 40 đến trạm 43A thì dốc kinh khủng. Trên bản đồ, hai trạm chỉ cách nhau mươi cây số, nhưng một trạm là bên này núi, còn trạm kia là bên kia núi. Khi leo lên thì ba-lô thằng đi trước đặt sát mặt thằng đi sau. Chưa lên đến đỉnh mà mây mù đã phủ kín, cứ như đi thày trò Đường Tam tạng cưỡi mây. Đi trong mây mù như thế, chỉ một lúc sau là mồ hôi thấm ra và hơi nước ngấm vào đã bắt được tay nhau trên lớp vải quân phục của lính rồi. Mùa khô trên Trường Sơn không có vắt, nhưng những đoạn đường đỉnh núi cao ẩm ướt thì vắt bò như tằm trên noong dâu. Lúc xuống dốc toàn phải đi lùi. Người ta thường nói "gối mỏi, chân chùn", chắc là để chỉ với những lúc như thế này. Thanh niên cả mà đi run lẩy bẩy như những người ốm do ham mê tửu sắc, loại "chân ống giang, đầu gối củ lạc". Lúc giải lao, tử tế thì còn xoay người hạ ba-lô xuống đất, còn không thì cứ thế mà phệt cả người xuống, lúc đứng dậy hành quân tiếp lại phải nhờ người khác kéo tay.

Các trạm đánh số thứ tự, nhưng cứ đến ngã ba của nhánh đường rẽ hướng, là lại đánh số khác. Từ trạm T5, chúng tôi cứ lần lượt đi đến trạm T13A. Những trạm nào đường bằng thì đa phần bãi khách rộng, suối nước trong lành, dù to hay nhỏ. Các trạm ở những vùng đường bình độ sít nhau, mặt bằng hẹp thì đa phần chật và bẩn. Nhiều trạm có bãi khách mà không có hầm, hoặc hầm chỉ là những hôc đá chiếu lệ. Chẳng may bị đánh bom thì đành chịu cảnh "nhà ngói cũng như nhà tranh". Ở những chỗ như thế thì chỉ có cây nhỏ, mắc võng rất tiện. Nhưng cũng thật bẩn nếu có các đoàn quân vào nối tiếp nhau, vì chẳng đủ diện tích dất để đào hố mèo. Các đoàn quân vào thưa thì không sao, vì để lâu thì nó cũng "...hóa bùn" rồi.

Đến trạm T10 thì chúng tôi bắt đầu vào địa phận tỉnh Sa-va-na-khet của Lào. Đêm đó gặp mưa. Chiến trường Lào mùa mưa đến sớm hơn chiến trường miền Nam một tháng, nhưng cơn mưa đầu mùa này cũng là cơn mưa đến sớm, vì lúc này mới là nửa đầu tháng 3. Mưa không to, nhưng dày hạt, kéo dài chừng hơn một giờ. Lần đầu tiên được hưởng mưa rừng Trường Sơn, được thấy tác dụng thứ nhất của tấm tăng bộ đội (cái từ tăng mà xuất phát gốc của nó là TANK, thì rồi mãi về sau chúng tôi mới hiểu hết). Lúc đó chưa khuya, nằm trên võng mà cảm nhận rõ cái tiếng rơi lộp bộp của những hạt mưa xuyên qua lớp lá rừng thưa đập vào mái tăng, ngay sát mặt mình chỉ chừng mấy chục phân. Cảm giác hơi lạnh... và nhớ nhà.

Nhớ những ngày mưa ở nhà, trẻ con rủ nhau chui ra chui vào những hốc cây rơm, cây rạ để trú, để chơi trò, coi đó như là cái nhà riêng của mình. Nhớ những lúc mưa ngồi núp kín dưới mấy tàu lá chuối tranh thủ vung cần xuống ao câu mấy con cá giếc đi ăn mưa, không hiểu sao lúc ấy cá cắn câu mạnh lắm. Nhớ những cơn mưa rào đầu mùa rủ nhau ra đồng bắt cá rô rạch. Nhớ những đêm mưa bão rủ nhau ra công viên chặt cành cây đổ về làm củi giúp mẹ. Rồi cuối cùng lại quay về nhớ cái cảnh trời mưa ngồi bậu cửa chờ mẹ đi chợ về có gói quà là một ít bỏng ngô, hay mấy miếng bánh chè lam lọc bột không kỹ còn lạo xạo trấu mẹ mua ở chợ đầu làng...

Nước mắt không thành dòng, nhưng cũng đủ ướt hai khóe mắt... rồi chìm dầnvào trong giấc ngủ. Hậu phương đã lùi xa, mà đường đến chiến trường thì vẫn còndài, còn xa xăm lắm... 


Sau một ngày nghỉ lại trạm T10 để nhận gạo, chúng tôi hành quân sang T11. Như vậy là cứ đi vài ngày lại nghỉ một ngày lấy sức. Đôi khi được nghỉ lặp nhiều hơn, vì trạm chưa có giao liên dẫn đường, hoặc có tình hình đột xuất nào đó, nhưng cỡ lính tráng lèm nhèm thì không thể biết rõ. Chúng tôi như đàn ngựa, con đầu đi đâu thì cả đàn theo đấy. Dừng thì cùng dừng. Vẫn là cái đội hình lính huấn luyện ngoài Bắc cùng nhau, dựa dẫm vào nhau nên chẳng phải lo lắng gì.

Ở trạm T11 rừng rất thấp. Rặt một thứ cây gì đó lá mềm, to và mỏng. Thân cây nào to chỉ cỡ bắp chân, còn thì bé tẹo. Mắc võng nằm phải cột giằng mấy gốc mới đủ lực giữ. Không dám căng tăng, và cứ thấy nó trống huếch trống hoác thế nào ấy, nhất là khi trời còn sáng. Nhưng chịu khó rải lá khô ra, rồi trải ni-lon nằm thì thấy kín đáo hơn. Lúc mới vào chiến trường cứ thấy rừng già cây to cổ thụ cao vút che hết cả nắng thì yên tâm vì kín đáo. Nhưng thật ra những khu rừng thưa, rừng thấp, thậm chí rừng toàn lau lách, nếu giấu quân tốt thì đó mới thật là nơi an toàn. Rừng già mà chẳng may gần tuyến đường chiến lược thì bị ăn B52 lúc nào không biết. Nhưng đấy là kinh nghiệm về sau, còn lúc đó thì chỉ thấy sợ thôi. Nấu cơm mà vừa nấu vừa lo khói. Nhiều bãi khách có những bếp đào sẵn cho lính nấu cơm, hết đoàn này đến đoàn khác. Chúng tôi nghe biết nó là bếp Hoàng Cầm, nhưng cấu tạo ra sao chưa biết. Chỉ biết là đun ở các bếp đó không thấy có khói.

Trạm T12 và T13 nằm dọc bên một con sông, hình như là sông Se Băng Hiêng. Sông ở đây dốc rất cao. Vì thế ở bãi khách mà ra sông lấy nước nấu cơm như đồng bào vùng cao đi gùi nước. Thằng nào đến phiên đó phải nấu cơm thì đúng là số ruồi. Những thằng không phải nấu cơm thì thậm chí nhiều thằng không đi rửa mặt mũi, chân tay vì ngại. Phải nhờ thằng khác lấy hộ bình tông nước dùng tạm qua đêm.

Hôm vượt sông phải dậy từ 2 giờ sáng. Công binh mắc cho sợi dây soong chăng ngang mặt sông. Chỗ vượt là một cái ghềnh, đi qua các mỏm đá cho nông, nhưng nước chảy rất siết. Cái dây chăng cứ oặt ẹo, giằng qua giằng lại qua tay thằng này thằng khác, nên nhiều thằng mất đà ngã ướt hết. Cuối cùng thì cũng qua hết được sông. Không biết từ lúc nào, chúng tôi đã vứt hết giày. Vừa nặng, vừa khó dùng. Dép cao su đúc là ưu việt nhất. Càng về sau, chúng tôi càng thấy tác dụng to lớn không gì sánh được của đôi dép đúc. Vừa nhẹ, vừa bền, vừa chắc chắn. Nhưng dứt khoát phải có tất. Tốt nhất là tất len của bọn ngụy. Đi khô, đi ướt, đi bùn kiểu gì đôi tất cũng làm cho chân bám chặt vào dép, không bị trơn hay xoay vòng. Thế là sau chiếc mũ cối, đôi giày cao cổ phát cho lính vượt Trường Sơn đã cho thấy tác dụng kém của nó.

Qua sông, chúng tôi tới một ngã ba rẽ sang nhánh khác và thay giao liên. Bây giờ là trạm T31. Do vượt sông ngã rơi gạo... chúng tôi phải ăn cháo một ngày và phải nhịn ăn một ngày trong điều kiện vẫn phải hành quân đủ một cung đường hơn hai chục cây số. Lính tráng làu bàu, nhưng chỉ có cây rừng nghe. Cả đội hình tụt tạt, lõng thõng. Thằng đi đầu tới trạm khách lăn ra ngủ đến hơn tiếng sau thằng cuối cùng mới tới. Nhe răng ra mà nhìn nhau, đói cả lũ một lượt. Hộp sữa bột 1 kg và cân đường cá nhân cũng chẳng mấy thằng còn. Đành lấy ra nhúm ruốc mặn khuấy vào ca nước suối mà ăn uống tạm.

Hôm sau chúng tôi được lấy gạo bổ sung, ăn no, nghỉ một ngày chờ đêm hành quân vượt đường 9.

Con đường 9 đã trải qua 1 năm kể từ chiến dịch đường 9 Nam Lào. Mùa khômà lau lách hai bên đường vẫn cao vút, bò lấn ra con đường lâu ngày không ngườiqua lại. Chúng tôi vượt đường 9 không phải theo hướng cắt vuông góc, mà phải đidọc theo nó tới cả trăm mét. Không thể tin là mình đang đi qua con đường đãlừng danh sử sách. Đường đất, hẹp như một con đường miền trung du. Có lẽ conđường 4 qua Đông Khê, Thất khê đầy bông lau hai bên đường, nơi bộ đội ta mở chiếndịch Biên giới 1950 cũng giống thế này. Chẳng còn dấu tích nào của những trậnđánh năm ngoái, hay nơi đây chỉ đơn thuần là con đường hành quân của những lữđoàn dù ngụy? Thế mà chúng tôi vẫn phải ngậm tăm, lom khom chạy để vượt qua conđường thật nhanh. Mà có lẽ nơi này cũng gần với tuyến đường xe vận tải TrườngSơn rồi thì phải.


Đúng như vậy. Sau khi vượt qua đường 9 thì tình hình có nhiều điều khác hẳn. Chúng tôi chỉ đi được một chặng đến gần sông SeKong thì phải nghỉ. Từ đây vào, phòng không của ta yếu hơn nên máy bay địch hoạt động rất nhiều. Đường vượt sông của tuyến đi bộ sát ngay gần đường xe. Trong này không thể có cầu, xe ô-tô phải đi qua sông bằng đường ngầm. Nằm ở một cái trạm không ra trạm ngay gần bờ sông. Có lẽ cũng không phải bãi khách vì ở đây chỉ thấy vô số hầm nằm dọc hai bên đường. Rồi vào sâu hơn cũng thấy cảnh hầm dọc đường. Đa phần là hầm nắp bằng, nhưng cũng nhiều hầm chữ A. Có lẽ những hầm này dùng cho giao liên hoặc các đơn vị hành quân qua đường. Thật đúng là "...Trên đường ta ra tiền phương, có những căn hầm ven Trường Sơn. Hầm chở che ta trước giờ xuất kích, hầm cùng ta đi đánh giặc đêm ngày..." như lời một bài hát.

Chúng tôi chưa thể vượt sông vì địch đang đánh phá rất mạnh. Phía ngầm địch thả pháo sáng suốt đêm. Tiếng máy bay nghe cứ ì ì. Vệt sáng của pháo sáng cứ nhập nhòe, chập chờn, chao đảo. Rồi tiếng súng nghe lùng tùng lúc xa lúc gần. Cảm giác rất lạ, vừa nôn nao, vừa là lạ như đang xem phim ngoài trời.

Chúng tôi lấy nước nấu cơm, không phải dưới sông mà phải đi lùi lại một con suối xa đến cả tiếng đồng hồ. Cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa đi qua một bãi bom nào. Các cánh rừng đều có vẻ yên bình. Đến đêm thứ ba thì chúng tôi dược lệnh vượt sông. Nhận lệnh từ tối. Cả đơn vị đeo sẵn ba-lô ngồi ngủ vạ vật theo đội hình hàng dọc, đến tầm 3 giờ sáng thì được lệnh lên đường. Hành quân đêm không phải là lần đầu với chúng tôi, nhưng ở nơi chưa quen biết địa hình, đêm tối đen, tốc độ hành quân lại do giao liên quyết định, lúc nhanh lúc chậm nên chỗ nào cũng xảy ra cảnh thấy thằng trước đi vèo vèo thì mình vội vàng chạy bám theo kẻo lạc. Bất thình lình hàng quân dừng lại đột ngột, thế là thằng sau đâm sầm vào thằng trước ngã dúi dụi. Nhất là đoạn xuống dốc ra bờ sông thì ngã xoành xoạch.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng ra được đến bờ sông và lội qua sông dưới khung trời bàng bạc. Nước sâu đến ngang lưng. Có muốn đội ba-lô lên đầu cũng không được vì không quen, lại mỏi, thế là lại bị ướt mất nửa ba-lô. Tẳng sáng thì thằng lính cuối cùng cũng leo lên được bờ sông bên kia. Không được nghỉ mà phải cắm cúi hành quân hơn một tiếng nữa mới được lệnh dừng lại. Tất cả được phép nghỉ một tiếng rưới để nấu cơm. Chỗ này có khoảng bằng rất rộng, gần một con suối nhỏ nên chuyện cơm nước cũng dễ dàng. Hành quân tiếp đến chiều thì chúng tôi tới được bãi khách. Bãi khách rộng, hầm rất nhiều và tốt.

Cạnh bãi khách có mấy căn nhà khá vững chắc. Chắc nơi đây từng là nhà chỉ huy hay trạm phẫu gì đó. Cột nhà to hơn bắp đùi, đều nhau chằn chặn, chẳng hiểu là thứ cây gì. Trong này làm nhà, cột nhà chỉ là thân cây lóc vỏ, thế mà loại cây này như là thứ cây không vỏ, nhẵn như kiểu thân cây chuối.

Hôm sau hành quân qua một cánh rừng lớn, chúng tôi ngạc nhiên nhận ra loại cây có thứ gỗ làm cột nhà ở bãi khách đêm qua. Hóa ra đó là cây xương rồng. Nếu không tận mắt nhìn, chắc chẳng bao giờ tôi tin có thứ cây xương rồng to mà thân gỗ của nó làm được cột nhà. Cả một cánh rừng chỉ toàn cây xương rồng. Thân chúng mọc thẳng, cao vút và tự tróc hết vỏ. Có ngửa cổ nhìn lên cao tới 3, 4 mét mới thấy đám ngọn xương rồng xanh cằn cỗi. Tuổi thọ của chúng chắc không dưới vài chục năm.

Sang đến chiều thì phải qua một khu rừng trông như những ruông dâu. Tất cả được lệnh bẻ mỗi thằng một cành cây to che đầu làm ngụy trang. Con đường qua cánh rừng này dài tới mấy trăm mét, lối mòn nhỏ như không có mấy người qua. Chắc là đường nhánh tránh con đường giao liên chính bị hỏng. Hàng quân cũng dài nên không phải qua ngay được cùng một lúc. Chợt có lệnh ngồi xuống tại chỗ và lấy cành cây che đầu vì có máy bay. Một lúc cũng nghe thấy tiếng máy bay thật, nhưng nó cứ o o... như ở mãi đâu. Rồi ngẩng đầu ngó lên trời thì cũng thấy một cái máy bay hai thân màu trắng bạc bay tít trên cao. Nhìn nó bé tẹo, không biết nó có nhìn thấy mình không. Đợi mãi đến khi nó vè vè đi đâu mất thì lại được lệnh lên đường.

Từ hôm đó trở đi, nhiều lần chúng tôi phải đi qua các khu rừng thưa, hầu như đều gặp loại máy bay trinh sát này. Rồi được biết nó là OV10, chuyên thám thính cho B52 đánh bom. Sau này ở chiến trường, cuối năm 1972 ra Sa-ra-van đánh nhau, chúng tôi gặp loại này thường xuyên. Đi nhóm vài thằng thì cứ đậy lá nằm ngủ rồi ngắm nó bay vè vè cả ngày. Cũng có lần bị nó nghi ngờ gọi B52 đến. Chỉ nghe tiếng F105 bay thấp sạt cánh rừng trinh sát lần cuối rồi chưa đầy 10 phút sau thì bom đã rơi ngập đất. May mà ở rìa bãi bom, căn hầm chữ A bị lật trơ lên một bên vách, trơ khấc ra mấy thằng lính, nhưng người chỉ bị chút sức ép mà không chết ai.

Dọc đường Trường Sơn, tiểu đoàn chúng tôi không bị dính bom trận nào.Thế những cũng phải đến dăm lần phải đi qua bãi bom B52 mới thả. Có một lầnnghe tiếng bom ở xa mà rồi lại đi qua chính chỗ đó. Cây cối đổ ngổn ngang, cànhlà còn tươi nguyên. Mùi thuốc bom hòa mùi thân cây gãy còn ngai ngái, khen khétvà có lúc ngửi như mùi đường cháy. Đi qua đó, dù chỉ là cắt ngang mà cũng vướngvíu vô cùng. Nhưng giao liên bảo, đó mới là con đường an toàn nhất. 


"...Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay,

Đất Thánh hiên ngang "tút" ban ngày..."

Chả hiểu cái câu đó do ai sáng tác, và bắt đầu có từ bao giờ. Khi chúng tôi vào bộ đội, thì được nghe câu đó từ các cán bộ khung. Nhắc nhở, giáo dục và răn đe, nhưng lính "tút" vẫn cứ "tút". Chúng tôi không coi đó là tội lỗi, chỉ xem như là tranh thủ, vì trước sau chúng tôi vẫn vào Nam và sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ và cuộc đời cho Tổ Quốc trong những trận chiến đấu đang chờ chúng tôi trong chiến trường.

Đó là ngoài Bắc, còn đã vào đến Trường Sơn rồi thì không ai còn nghĩ đến chuyện quay lại. Tât cả chỉ có một hướng phía trước là con đường vào chiến trường. Mới chỉ vất vả thôi và trong lòng còn có niềm háo hức ra trận của tuổi trẻ. Mùa khô quả là mùa ra trận, và "... đường ra trận mùa này đẹp lắm...", đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, quả là không ai muốn hoặc có gan quay lại. Thế mà cái câu ".. Hà chuồn..." lại ứng đúng vào một buổi chiều, khi chúng tôi đang trên một cung đường thuộc đất bạn Lào ở tỉnh Sà-Vằn-Nà-Khẹt.

Cung đường này không có dốc cao; rừng già, đường rộng và có lắm khe suối nhỏ. Hôm ấy đến phiên tôi mang khẩu AK. Mỗi tổ tam tam có một khẩu AK được phát từ ngày nhận quân trang ở Hà Nam với 20 viên đạn nên cứ quay vòng ba ngày là tới lượt mình. Chỉ có súng không, còn đạn do A trưởng cầm. Thằng này không phải mang súng. Thật đúng là chuyện quản lý dở hơi, vì nếu có gặp thám báo thì có súng mà không đạn thì còn vướng hơn, chạy đâu cho thoát. Nhưng hôm trước qua một trạm lấy gạo bổ sung, tôi lân la xin được một anh lính giữ kho của binh trạm hơn chục viên đạn. Thế là khoái lắm, tôi dấu kín trong ba-lô, coi như của riêng. Hôm nay đến lượt mang súng, tôi lắp luôn 3 viên vào băng, thế là dù sao mình cũng có vũ khí ra vũ khí. Tiểu đội tôi có thằng Nghị bị ốm (chưa phải là sốt rét), nên tôi mang đỡ ít đồ và đi cùng nó. Chúng tôi đi sau cùng đội hình, có thêm đại đội phó Hảo khóa đuôi. Lúc ăn cơm trưa, chúng tôi cũng ăn sau cùng, rồi lại lẽo đẽo đi sau đơn vị. Giao liên đã chỉ sẵn đường nên thủ trưởng Hảo rất yên tâm. Cả tốp đi chậm và phải nghỉ giải lao nhiều hơn so với cả đơn vị.

Khoảng gần giữa chiều, chúng tôi ngồi nghỉ lại bên một con suối. Tôi đang duỗi chân tay khoan khoái trên một phiến đá, ngửa cổ nhìn lên tán cây cao vút của rừng già và ngó ngoáy nhìn quanh thì chợt thấy có làn khói mỏng ở khe suối phía xa. "Thám báo"! Tôi kêu lên rồi tụt ngay xuống khỏi mỏm đá, giương khẩu Ak (chưa kịp lên đạn) lên và vấy tay cho thủ trưởng Hảo. Tât cả cùng nằm bẹp xuống. Thủ trưởng Hảo rút cây K54 ra lăm lăm, nhưng cũng chưa ra lệnh gì. Có đến mấy phút trôi qua, không thấy gì, thủ trưởng mới bảo tôi đi xuống khe suối rồi tiến lại xem khói ấy là gì. Lính mới tò te, kinh nghiệm là số không, nhưng có khẩu AK trong tay nên tôi cũng vững dạ dò dẫm tiến lên. Trượt chân mấy lần thì tôi cũng mò tới nơi. Chỉ thấy có một cái hăng-gô treo trên hai chạc cây đang đỏ lửa, cạnh đó có một cái ba-lô như của lính chúng tôi mà không thấy có người. Thủ trưởng Hảo cũng tới nơi, nhanh chóng nhận ra đây là quân tư trang của một thằng lính Bắc đang nấu cháo, thấy động thì bỏ trốn. Đoán thằng này đang đảo ngũ, chúng tôi lần ra xung quanh tìm. Nó chắc cũng vừa mới chạy, lại bỏ quên ba-lô nên cũng không thể chuồn thẳng. Chúng tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Độ chục phút sau, tôi phát hiện có bụi cây gần đó lay động, mò lại thì phát hiện một thằng lính mình. Nó thấy tôi có súng nên tất nhiên là sợ và phải chui ra ngay. Thằng này cao và dáng khỏe hơn tôi rất nhiều. Thủ trưởng Hảo bình tĩnh bảo nó ra ăn cháo cho khỏi đói rồi hỏi chuyện tỉ tê. Tất nhiên là cu cậu phải khai vì đã lâm vào thế bí. Hóa ra nó là lính đoàn Hà Tây, hành quân trước chúng tôi một ngày. Sớm nay nó trốn lại, và lần theo đường cũ quay ra, đến đây nấu cháo ăn thì bị chúng tôi phát hiện. Thế là nó phải cùng chúng tôi quay lại trạm khách, nơi đoàn của nó nghỉ đêm trước. Thằng này cũng tử tế, mang vác luôn đồ cho thằng Nghị để tất cả cùng đi cho nhanh.

Chiều đó nhập vào được với đơn vị, tôi lại phải cùng thủ trưởng Hảo đưa nó vào giao cho Ban chỉ huy trạm. Lúc này tôi đã biết tên nó là Mạnh. Tuy không ủng hộ chuyện nó "B quay", nhưng trong lòng tôi cũng thấy nể nó một phần. Có mỗi cái ruột tượng gạo, vũ khí không mà dám một mình lặn lội theo kiểu chui lủi để tìm đường về nhà thì ghê thật. Thằng Mạnh được BCH Trạm tiếp nhận, còn chúng tôi ra về bãi khách.

Hôm sau, chúng tôi lại hành quân tiếp. Đi chừng nửa tiếng, chúng tôi gặp một tốp giao liên binh trạm đi ngược chiều. Chợt trong đoàn có một thằng nhảy ra ôm chầm lấy tôi rồi túm hai tay lắc lắc. Tôi nhìn, nhận ra nó là thằng Mạnh đoàn Hà Tây gặp hôm qua. Nó bảo nó đã được nhận vào bổ sung làm lính binh trạm. làm nhiệm vụ cùi hàng, tải thương. Nó có vẻ mãn nguyện lắm, vì không phải vào Nam đánh nhau. Nó nói rối rít rồi vội chạy cho kịp toán giao liên. Tôi cũng nói vội câu chúc mừng nó. Thế là nó vừa toại nguyện không phải đánh nhau, vừa vẫn được phục vụ Tổ quốc, không phải mang tiếng đào ngũ, sống lao động cải tạo trong mấy cái trại thu dung ngoài Bắc.

Cảnh đào ngũ trên con đường TrườngSơn, tôi cũng chỉ gặp một lần đó thôi. Sau này vào chiến trường, trải qua gianlao, vất vả và ác liệt, lính trong trung đoàn và cả nhứng đồng đội Hà Thành củatôi đảo ngũ rất nhiều. Nhưng đó lại là chuyện khác, chuyện của nhiều năm sau... 


Không chỉ những đường mòn chuyển quân, mà cả những con đường vận chuyển hàng bằng xe ô-tô trên Trường Sơn, phần lớn nằm vắt qua đất Lào. Ai cũng bảo có tuyến Đông và tuyến Tây Trường Sơn, nhưng những câu chuyện về các chiến sĩ công binh làm đường, làm ngầm và chuyện của cánh lính lái xe thì phần lớn đều mang dáng dấp rừng và địa danh Lào.

Tuyến đường ống của bộ đội xăng dầu trên Trường Sơn cũng vậy. Nó tránh xa các con đường vận tải luôn bị bom Mỹ đánh phá vì nơi đó mất an toàn. Nó bám theo các tuyến đường mòn của đoàn quân đi bộ. Tôi biết điều đó vì không chỉ một lần, chúng tôi phát hiện thấy đường ống dẫn dầu. Nhiều đoạn qua khe hay sườn núi, nó nằm lộ thiên ngay trên mặt đất. Kẻ địch không thể đủ thám báo để tung ra mà lần mò khắp Trường Sơn, chứ đường ống dẫn dầu không phải là khó tìm. Có những lần nó nằm sát đường đi, ngồi nghỉ giải lao ven đường chỉ cách nó độ một mét.

Lính tráng cũng là con người, nên có lúc, có thằng bộc lộ cái ngu hết sức ngớ ngẩn và dở hơi. Thằng Bình bên Đông Dư (Gia Lâm), một lần dừng chân giải lao thấy cái ống dẫn dầu đã dùng dao găm cậy cái nắp ở một chỗ nối. Đầu tiên là nó, rồi tất cả đám lính tại đó đều tranh nhau lấy xăng đổ bật lửa từ cái dòng xăng phọt ra không lấy gì làm mạnh đó. Hết khôn dồn đến dại. Lấy đủ hết xăng rồi thì không sao bịt lại được nữa. Cái dòng xăng ấy dù bé nhưng cũng chảy dần ra thấm đẫm cả một khoảng đất. Xăng cũng hòa vào không khí, bốc mùi ra một vùng rộng lớn xung quanh. Cán bộ và giao liên không ai biết. Đến lúc đứng dậy hành quân, một thằng ngu nào đó còn lấy bật lửa ra lách tách bật thử. Thế là cả đám cỏ xung quanh bừng cháy rất nhanh. Đám lửa lan nhanh ra cả khoảng đất thấm dầu, khói bốc cao. Thế là tất cả bỏ chạy. Bọn nghịch dại này nằm ở tốp sau cùng. Thấy bọn đằng sau rầm rầm chạy lên kèm theo khói lửa bốc cao, chúng tôi ngồi nghỉ phía trên cũng bật dậy chạy. Cứ thế, cả hành quân rùng rùng chạy. Chạy cho mau vì lúc đấy cũng chưa ai hiểu ra tình hình là thế nào. Lại sợ, lúc này mà có máy bay trinh sát OV-10 trên đầu thì chạy đằng trời. Tất cả xanh mặt. Cán bộ cũng phải chạy tới chạy lui, một lúc lâu sau mới hiểu ra tình thế. Mấy thằng hiểu biết một chút còn đoán là một lúc nữa thôi cả đoạn ống sẽ nổ như bom. Lính tráng sợ đã đành, mà cán bộ khung dẫn quân cũng sợ.

May thay đám cháy lùi lại ở phía sau chắc tắt dần, vì không thấy khói bôc lên nữa. Không có nổ đường ống. Đám cây rừng quanh đó cũng không bị cháy để có thể gây ra cháy rừng. Sau này chúng tôi biết là đường ống dẫn dầu chỉ bơm từng trạm. Trong lòng đoạn ống khi đó chỉ còn lượng xăng dính ống nên khi bị thủng chỉ chảy ra ít và không đủ để gây cháy nổ đường ống. Thật hú vía.

Rồi chúng tôi cũng an toàn đến được trạm khách sau. Đơn vị họp ngay để kiểm điểm, nhưng không đứa nào bị sao cả, vì thực ra cũng có tìm ra đứa nào bật lửa đâu. Tất cả lại lên đường tiếp tục hành quân. Về sau chúng tôi rút kinh nghiệm, xin luôn xăng của cánh lái xe khi gặp họ ở những trạm phải lấy gạo bổ sung.

*

Không hiểu bắt nguồn từ đâu mà tít trên dãy núi Trường Sơn, có chỗ tưởng như là đỉnh cao nhất rôi, mà vẫn có nhiều suối. Mùa khô, nhiều con suối nhỏ và cạn đã đành, nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều con suối to. Chiều rộng dòng nước của nó cũng tới hai, ba mét. Có nhiều chỗ dòng chảy quẩn lại, nước rất sâu. Có lần dừng chân ở một bãi khách, lính tráng nhìn thấy cá, đem AK ra bắn mà cũng được cá. Một điều rất may là trước đó, chúng tôi đã được phổ biến kiểu truyền miệng là không được thò nòng AK xuống nước rồi bắn. Bắn kiểu đó nòng AK sẽ vỡ toắc ngay vì gây ra một thứ áp suất nào đó. Không đứa nào dám thử, nhưng chắc là như vậy. Vài con cá suối ranh, thế mà đem nấu cháo cũng thấy ngon tuyệt. Dọc Trường Sơn, chúng tôi đứa nào cũng thạo cái món tự nấu cháo bằng hăng-gô rồi thả tí ruốc vào. Lúc ấy là ruốc thịt, chưa biết tới ruốc cá. Cháo ruốc ngon tuyệt vời, nhất là trong cảnh lúc bấy giờ.

Lúc ở nhà đọc chuyện cổ tích, tôi cứ nghĩ rừng có nhiều thứ ăn được lắm, và những cuộc đi chơi rừng sẽ vô cùng thơ mộng. Nào là hái nấm, nhặt hạt dẻ... Thực ra trong rừng cũng có rất nhiều thứ đó, sau này chúng tôi cũng có nhiều dịp hái nấm và nhặt hạt dẻ về rang ăn, nhưng lúc ấy dọc đường không thấy những của đó. Chẳng có rừng vải, rừng chuối, rừng mơ gì cả. Hành quân mùa khô nên hầu như không có rau ăn. Gặp Tre, gặp Vầu, gặp Bương, gặp Luồng... vô khối ra đấy, nhưng không phải mùa măng. Chỉ có đôi lần qua những đoạn có khe suối cạn, chúng tôi được giao liên chỉ cho cây rau tàu bay. Ngày ở nhà nghe cha chú kể nhiều về loại rau này trong kháng chiến ở Việt bắc, nhưng bây giờ mới biết. Rau mọc tốt, xanh um. Chúng tôi hái cả ôm mang theo, để đến khi tới trạm thì nấu ăn. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, hái dài ngoẵng, mang nặng. Lúc nhặt vẫn phải bấm ngọn non như nhặt rau muống, bỏ cọng già rất nhiều. Rau tàu bay lúc mới ăn thấy hơi hăng hắc, nhưng vì thiếu rau xanh lâu ngày nên chẳng để thừa tẹo nào. Nhiều người còn bảo ăn thứ rau ấy hay bị ngã nước, nhưng chắc không phải. Sau này có một thời gian mấy tháng trời, chúng tôi chỉ có thứ rau đó ăn. Hết luộc lại sào, nhưng theo tôi ngon nhất là rau tàu bay muối dưa. Dòn và đậm lắm.

Không phải ở rừng chỗ nào cũng có rau tàu bay mà ăn đâu. Trong rừng mà ăn được nhiều nhất có lẽ là các thứ lá chua. Không chỉ cây bứa, mà còn nhiều loại cây lá chua khác, chả biết tên nó là gì. Cây chỉ nhỏ như cây mọc tái sinh, lá màu như lá sấu non. Vò ăn thấy chua chua, đem ngắt thả bừa vào nồi nấu canh, lùa cơm cũng dễ.

Hết mơ rau lại đến mơ quả. Đi mãi ngày này qua ngày khác mà không gặprừng cây ăn quả. Nhiều lúc cũng thấy thứ cây có quả, nhưng không ăn được. Đặcbiệt có những thứ quả quái quỷ gì đó màu sắc cực đẹp, rực rỡ. Loại này chỉ cóđem bày cho đẹp. Hỏi mấy anh giao liên, bọ bảo trong rừng quả gì càng đẹp, càngđộc. Chớ có hái cắn thử mà có ngày chết. Thậm chí họ còn bảo có thứ quả chim ănđược, nhưng người không thể ăn được. Tốt nhất là nên hỏi lính cũ trong rừng chứđừng có mà cắn bừa. Đấy cũng là những bài học vỡ lòng về rừng với lính mới chúngtôi...


Những lần được nghỉ thêm một ngày ở một trạm nào đó, nhiều đứa trong chúng tôi viết thư gửi về nhà. Gửi về đơn phương thôi vì chúng tôi không có hòm thư. Viết xong lá thư gửi đi đấy, chắc chắn thư mới đi được vài ngày chưa thể về đến nhà thì chúng tôi đã đi tiếp tới tận đâu rồi. Chẳng có khái niệm gì về trạm quân bưu giữa rừng Trường Sơn này đâu. Chẳng cán bộ nào phổ biến cho chúng tôi viết thư, vì chẳng có hòm thư để bỏ vào. Cũng chẳng có binh trạm nào đứng ra nhận thư của lính. Nhưng chúng tôi vẫn viết. Dọc đường vào Nam, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn ra. Khi thì là đoàn cán bộ miền Nam, toàn người nhiều tuổi, mặc áo bà ba, đeo bòng, thắt khăn rằn, túi dết. Có ông mặc toàn dân sự mà lại đeo súng ngắn. Đa phần họ nói giọng miền nam. Có khi thì gặp cả một đoàn thiếu nhi miền Nam. Trai gái đủ cả, chừng 12, 13 tuổi, mỗi đứa đeo một túi nhỏ và có một cây gậy chống dài ngoãng. Lúc lại gặp cả đoàn thương binh đến mấy chục người. Dù là mùa khô, mùa xe chạy, nhưng chắc cũng không đủ xe, nên vẫn phải có nhiều người đi bộ ra. Cảnh gặp nhau giữa rừng thì chào nhau ríu rít, vui như đi hội.

Thường là gặp những đoàn ra như thế, chúng tôi lấy ra những lá thư đã viết sẵn, đưa nhờ họ mang ra. Mỗi đứa một lá, có đứa hai ba lá, nên mỗi người phải nhận cả tập thư. Thời gian ấy chúng tôi còn có tem thư, mỗi lính lại được phát cả chục chiếc tem nên thư nào chúng tôi cũng dán tem. Dặn nhờ người mang là cứ khi nào gặp hòm thư thì bỏ hộ vào đó cho tiện. Chả biết bao giờ thư về tới nhà, nhưng vẫn cứ viết cứ gửi như thế, với suy nghĩ đơn giản là khi nhận được thư, bố mẹ biết là đến lúc đó con mình vẫn còn sống.

Tôi cũng nhiều lần viết thư như thế. Chỉ toàn viết thư về nhà thôi. Mỗi lần gửi được thư là lại đánh số và ghi vào cuốn sổ tay bé tí. Dọc đường hành quân thì vừa đi vừa ngó nghiêng nhìn cảnh vật, nhất là ở những đoạn đường bằng đều đều chân bước. Lớp trẻ chúng tôi khi đó được giáo dục lòng tự hào đất nước ta "rừng vàng biển bạc", nên tôi cố gắng tận hưởng tất cả cảnh đẹp mà mình nhìn thấy dọc đường. Mà quả là cũng luôn tin như thế. Cái mà tôi thích nhất là củi rừng. Chỗ nào cũng có củi. Dừng chân bất cứ đâu, dù bãi khách xấu đẹp hay rộng hẹp thì việc vơ lấy mấy cành cây để nấu hăng-gô cháo cá nhân quá dễ dàng. Chẳng bù cho ở nhà, mỗi tháng cả nhà chỉ được mua 10 hay 15 kg củi theo phiếu phân phối và độ 30 kg than ướt. Chính vì thế mà trong nhà tôi có một thứ vật dụng rất quý là con dao dựa mài sắc. Những ngày tháng bảy mưa bão là những ngày hết sức háo hức. Tôi chờ từng đêm có bão gió to để quần đùi áo may-ô cùng bọn thanh niên choai trong phố đi chặt cành cây đổ. Cành xà cừ lúc tươi chặt rất dễ, để khô nó quánh lại đẽo ra đun đượm lửa vô cùng. Mùa bão qua đi là nhà tôi cũng có đủ số củi bằng tiêu chuẩn phiếu hơn nửa năm trời và tôi luôn tự hào với thành tích đó. Sau này vào bộ đội, lên Bãi Nai huấn luyện đi chặt củi rừng vào các chủ nhật, tuy có khá hơn ở nhà, nhưng những ngày đi lấy củi vẫn là vất vả đối với chúng tôi và càng ngày càng phải vào rừng sâu hơn. Đi lấy củi vẫn là một công tác khó nhọc mà chúng tôi rất ngại.

Bây giờ vào giữa rừng Trường Sơn thì thấy quả là rừng vàng. Mà lạ cái là đi trên tuyến Tây Trường Sơn thuộc đất bạn Lào, nhưng tôi không hề thấy có cái cảm giác của người được đi ra nước ngoài. Vẫn như là đất của nước mình vậy. Rừng "vàng" không phải chỉ là củi đâu thôi, tuy đó là thứ tôi cảm nhận thích nhất. Thú rừng, một nguồn thực phẩm quý và nhiều mà sau này chúng tôi săn bắn được để cải thiện thì lũ bạn ở nhà đi học (bọn con gái và những thằng con một ấy mà) có mà nằm mơ cũng không thể nào hình dung ra được. Còn cảnh đẹp thì miễn chê. Tôi đã tận hưởng và sau này nghiệm lại thì mọi thứ phong cảnh hữu tình, ở núi rừng Trường Sơn đủ cả (không khí trong lành và tôi chưa hề có trong đầu khi đó khái niệm gọi là "ô nhiễm môi trường"). Chỉ riêng chuyện nơi đây có thứ cây xương rồng mà thân gỗ của nó dùng được để làm cột nhà thì đã không gì có thể so sánh được rồi.

Hồi hành quân dã ngoại ở ngoài Tân Lạc, tôi đã kể về chuyện có những giò phong lan rừng đã làm ngây ngất những thằng nhà chơi cây cảnh tới mức cố lấy và cất công mang hơn trăm cây số đi bộ về làm quà dịp nghỉ phép. Những thằng mù tịt về cây cảnh như tôi chỉ có cảm nhận chung là đẹp thôi.

Từ Binh trạm 41 trở vào có nhiều rừng già, dốc cao. Gặp mưa nhiều hơn. Nói chung hành quân trong rừng mà gặp mưa thì kiểu gì cũng ướt. Đừng mong che khô người bằng tấm ni-lon. Đi ở chỗ quang thì còn được, chứ rừng rậm mà quàng ni-lon vướng cành cây thì chỉ có rách. Mà rách thì sau này lấy cái gì dùng? Ngay lính giao liên cũng chỉ thấy họ quàng cái tấm ni-lon bằng vải đựng gạo đồ cắt ra, chỉ quàng che mỗi chỗ vai và cái gùi nhỏ. Phải nói là chúng tôi khi ấy được phổ biến kỹ càng và có ý thức giữ gìn ghê lắm. Biết là lúc đi B được trang bị đầy đủ mọi thứ đấy, nhưng chắc chỉ có một lần, không lấy đâu ra mà cấp lại. Ngay cả hai thứ căn bản là Tăng và võng, nó che chở mưa nắng cho mình lúc còn sống, và nó cũng sẽ là thứ cuối cùng theo mình sang thế giới bên kia, nếu số phận mình chỉ có vậy.

Một lần chúng tôi gặp một cánh rừng vô cùng nhiều hoa Lan. Tôi khôngbiết hoa Lan có bao nhiêu loài, tên riêng là gì, nên gọi chung chúng là hoa Lanrừng. Cành dài đầy hoa trắng muốt như mọc ra từ một cành cây rừng trên cao. Nếuchỉ dăm bảy cành thì chẳng gây ấn tượng bao nhiêu. Đằng này nhiều đếm khôngxuể. Không biết cây rừng ở đây là loại gì mà hoa Lan ký sinh trên đó nhiều vậy.Trắng cả một khoảng rừng. Không thể không reo lên thích thú và đòi nghỉ giảilao để ngắm. Rất nhiều thằng chặc lưỡi hít hà tiếc rẻ. Anh giao liên chỉ cười,bảo vùng rừng này nhiều lắm. Lán giao liên nào ở binh trạm cũng lấy về treo dămcành. Thật đúng là rừng vàng. Nhưng thôi, đường ra chiến trường còn ở phíatrước. Hẹn ngày chiến thắng trở lại đây kiếm nhành hoa Lan rừng thật đẹp tặngcho người con gái của đời mình thay bó hoa Lay-ơn ngày cưới. 


Ngày hành quân thì ngắm cảnh rừng. Đêm về nằm võng thì bắt đầu nghĩ về nhà và mơ những chuyện cổ tích. Mơ cả chuyện Việt nam và mơ cả ở những phương trời xa xôi. Lớp phổ thông của tôi có nhiều bạn gái sang Nga học. Không biết có ai đến thành phố Leningrat để được thưởng thức đêm trắng như câu chuyện tình lãng mạn trong phim "Belưie Notri" không? Nằm giữa rừng Trường Sơn mà mơ mình là chàng hoàng tử phóng ngựa đấu kiếm để cứu nàng công chúa bị nhốt trong lâu đài thì cũng thấy khoái lắm, quên cả gian nan vất vả ban ngày. Rồi lại lẩm nhẩm đếm xem mình đã gửi về nhà bao nhiêu lá thư, và chúng đã đi tới đâu.

Hôm hành quân từ trạm 43A sang trạm 43B, tôi cũng đi ở một tốp sau cùng với đại đội phó Hảo. Đoạn đường này có nhiều dốc dài thoai thoải, nhiều cây rừng già và khe suối đá rộng. Cũng là sau bữa cơm trưa, được nghỉ lâu một chút. Chỗ này quang đãng rộng rãi nên khi tôi muốn đi giải quyết nỗi buồn âm ỉ, thủ trưởng Hảo bắt tôi đi dọc theo suối vào sâu trong rừng một quãng xa. Đi độ ba chục mét tới một khe đá, tôi bỗng hoa mắt lên khi nhìn thấy trong khe đá trắng xóa một đống thư. Phải là hàng vài trăm, không, có lẽ tới cả ngàn bì thư được bỏ xuống đấy như được trút ra từ cái bao tải khổng lồ. Tôi kêu lên gọi thủ trưởng Hảo. Cả tốp lính chạy tới. Chúng tôi nhặt lên xem, thấy địa chỉ nhận là nhiều vùng quê miền Bắc. Tại sao những lá thư này lại ở đây. Phải nói lúc ấy cái cảm giác thật khó tả. Ngạc nhiên và không thể lý giải. Người lính quân bưu nào hy sinh nơi đây ư?

Thủ trưởng Hảo đúng là người lính già đầy kinh nghiệm. Chỉ vài phút, ông đã luận ra được đây là thư của những người lính đang trên đường vào chiến trường như chúng tôi. Họ đã gửi những lá thư viết vội dọc đường, nhờ những tốp cán bộ hay thương binh đi ngược đường đem ra Bắc. Những lá thư ấy nhiều quá đến mức là món hành lý nặng cho người mang. Để nhẹ gánh, họ đã vứt lại nơi này. Có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ. Sao họ không đem gửi vào binh trạm rồi lúc nào đó thuận tiện thì binh trạm gửi ra?

- Có lẽ không dễ làm như vậy, vì từng này thư mà mang đến trạm cũng rất xa, mà chưa chắc đã có ai nhận gửi. Khi con người ta leo núi quá mỏi mệt thì "Con ruồi đậu nặng đồng cân". Cũng không nên trách họ quá, các cậu ạ.

Đại phó Hảo trầm ngâm nói vậy. Và ông bảo chúng tôi châm lửa đốt hết số thư ấy trong khe núi, vì để đó cũng không ổn. Chờ đám cháy gần hết, chúng tôi múc nước suối dập tắt hết tro nóng, rồi lên đường đuổi theo đơn vị. Tôi còn nghĩ mãi về chuyện này, cảm thấy nó ngậm ngùi thế nào ấy. Và cũng từ hôm đó, suốt dọc đường hành quân vào chiến trường, tôi không còn hứng để viết thư gửi về nhà nữa.

*

Trong thời gian đi trên Trường Sơn, chúng tôi chỉ họp theo trung đội. Phần vì không mấy khi có bãi đất rộng, phần vì lý do an toàn nên không tập trung cả C. Tin tức thời sự rồi cũng thưa dần. Chúng tôi chỉ cặm cụi đi hết ngày này sang ngày khác, mặc kệ cho bao giờ tới nơi thì tới, chứ không còn háo hức muốn vào nhanh đơn vị chiến đấu để đánh trận như lúc mới hành quân nữa. Sự khắc nghiệt của rừng núi bắt đầu xuất hiện. Trong các đại đội bắt đầu có sốt rét. Chúng tôi phải chia nhau mang đồ đoàn và dìu người ốm hành quân. Cái món sốt rét này rất lạ, nhiều lúc cứ như giả vờ ấy. Trời bình thường mà thấy có thằng kêu rét, sờ đầu thấy nóng. Chỉ có ở binh trạm mới có y tá, còn trong đội hình hành quân không có. Chúng tôi tự lấy thuốc Nivaquin được phát theo cá nhân để uống. Ngày 4 viên, chia 2 lần. Thằng ốm chẳng ăn được mấy, dù là cháo, nhưng vẫn bắt uống thuốc. Viện Nivaquin rất đắng. Ấy vậy mà hôm sau, thằng sốt lại có lúc vùng lên đi băng băng như thi việt dã, thằng khỏe theo không kịp. Nhưng đó mới là dạng sốt bình thường. Trong tiểu đoàn đã có thằng sốt ác tính, khiêng vào trạm xá binh trạm, sau này không gặp lại. Nghe nói đã nằm lại Trường Sơn, trở thành liệt sĩ mà chưa được ra trận lần nào. Trong C tôi cũng có 2 thằng sốt rét nặng phải gửi lại binh trạm, sau này được nhập vào trạm làm lính giao liên, hết chiến tranh cũng trở về nhà. (Một thằng trong số đó năm 1974 còn được ra Viện Quân y 103 học Bác sĩ. Đến đợt những năm 1980 nó đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức rồi định cư luôn bên đó).

Thếmới biết đường ra trận cũng gian nan, đâu phải chỉ có bom đạn kẻ thù. Sau nàylính tráng chúng tôi cũng lần lượt nếm mùi sốt rét hết. Người ta bảo, không bịsốt rét thì không phải là lính Trường Sơn. Có thể không chết ngay, nhưng nó làmtổn hại sức khỏe lính tráng rất nhiều. Anh nào bị sốt nhiều còn bị ảnh lưởngtới gan và lá lách. Khi chúng tôi vào tới mặt trận mà mình được bổ sung, còngặp một trường hợp thương tâm và ít nhiều ảnh hưởng tâm lý. Có một anh ở chiếntrường 7 năm, bị sốt rét nhiều đã sa lá lách đến gần độ 4, mạng sườn to như đànbà có chửa. Đơn vị cáng anh ấy ra, nghe nói anh ấy sẽ được ra Bắc. Đi ngượcchiều đoàn quân vào của chúng tôi, những người cáng anh ấy trượt chân ngã, tấtcả cùng lăn xuống dốc. Anh ấy bị vỡ lá lách, chết ngay trước mặt đám lính trẻchúng tôi. Thần chết quả là phũ phàng trước số phận con người. 


Tôi là thằng thích học văn (dù học toán xuất sắc hơn), thích những câu chuyện lịch sử của cả Ta và Tây, của cả Việt và Tàu. Những thằng trong cùng A huấn luyện ngoài Bắc với tôi còn sống, đến bây giờ gặp nhau vẫn còn nhắc lại chuyện khi hành quân vào Nam đã có may mắn ở cùng A với tôi. Tôi đã giúp cho những ngày hành quân trên Trường Sơn của chúng nó bớt buồn tẻ và đơn điệu. Chả là sau khi hành quân từ Trạm 5 vào được dăm hôm, một tối chúng tôi đem chuyện Thủy Hử ra tranh luận xem cuộc sống của các hảo hán Lương Sơn Bạc có gần giống như Trường Sơn không. Tôi đã đọc ra vanh vách cho chúng nó nghe rằng trước khi về Lương Sơn thì các Hảo hán còn ở những núi nào. Từ núi Thiếu Hoa của bọn Chu Vũ, Trần Đạt, Dương Xuân đến núi Đào Hoa của Lý Trung và Chu Thông rồi núi Nhị Long của Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, hay núi Thanh phong của Yến Thuận, Vương Nụy Hổ... Có nhiều đoạn văn tả cảnh chiến trận, hay lời nói của các hảo hán, tôi đọc vanh vách.

Chúng nó tròn xoe mắt. Thế là từ hôm đó, cứ tối đến sau lúc cơm nước và nghe phổ biến về lịch hành quân hôm sau, dăm bảy đứa trong A lại mắc võng túm tụm một chỗ, hoặc trải ngay ni-lon trên lớp lá rừng nếu trời khô ráo, quây quần nghe tôi "đọc" truyện. Hết Thủy Hử lại đến Tam Quốc. Hết chuyện sử xa xưa, lại đến chuyện cận đại, như "Hầm bí mật bên sông En-bơ" hay "Nam tước Phon-gon-rinh". Đặc biệt có truyện "Nữ tài tử" chưa in thành sách mà chỉ là truyện đăng nhiều kỳ trên báo QĐND thì hầu như là của độc của riêng tôi. Câu chuyện kể về nữ gián điệp Li-di-a, con gái của một sĩ quan Bạch vệ cũ được tung vào Liên-xô sau Thế chiến thứ hai. Cả một lực lượng phản gián đông đảo của an ninh Liên-xô trong một thời gian dài chỉ tìm được dấu tích của cô gái còn lại, sau khi sự việc đã xảy ra. Việc thu phục cô gái chỉ nhờ tình người chứ không phải biện pháp nghiệp vụ...

Những tối kể chuyện dọc đường hành quân đó quả là niềm vui thú vị trong A tôi. Người "đọc" truyện cũng hào hứng, mà người nghe cũng say sưa. Chúng nó rất thích giọng đọc truyện đầy truyền cảm của tôi. Có thằng còn phong cho tôi là "Kim Cúc đọc truyện đêm khuya". Mỗi tối như thế, tôi rì rầm độ 30 phút rồi kết thúc để còn đi ngủ, dành sức cho ngày hôm sau hành quân. Tất nhiên hôm nào mệt quá hoặc gặp trời mưa thì buổi "tự đọc chuyện đêm khuya" phải hoãn.

Những cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc để có thể kể cho chúng nó thì rất nhiều, nhưng đường hành quân liên miên nên kể mãi rồi cũng có lúc oải. Chúng tôi quay sang kể cho nhau nghe chuyện gia đình của mình. Trong A tôi có thằng đã cùng học phổ thông với tôi, nhưng thực tình chúng tôi cũng chỉ biết về nhau rất sơ sơ, đại loại nhà ở đâu, có mấy anh chị em, ai học hay làm gì. Nhiều hơn nữa thì biết thêm tên bố mẹ. Ngày đó người ta ít gọi tên bố mẹ ra như bây giờ mà còn kiêng kỵ, giống như ở nông thôn gọi theo tên con cả. Bây giờ trên đường hành quân mới có dịp kể ra cho nhau nghe. Kể về gia đình mình cho bạn nghe, cũng chính là tự trầm ngâm nhắc về người thân để vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhất là thằng nào xác định có bạn gái thì kể ra, chẳng còn giấu diếm gì nữa. Có thằng kể chuyện bạn gái mình là cô bạn cùng lớp, con một ông thứ trưởng, nhà giàu. Chuyện có xe đạp mà lại thích rủ nhau đi tàu điện để được đi bộ với nhau một đoạn dài, tha hồ ngắm trời đất mà trò chuyện cùng nhau ra sao... Ngày đó rủ được đèo nhau bằng xe đạp cũng khó lắm. Có ý đấy, nhưng đứa nào cũng sợ chuyện gán ghép. (Trong đám lính bạn học với tôi có tới 3 cặp yêu người cùng lớp. Sau này cả 3 thằng đều trở về và có hai cặp thành công. Còn thằng có câu chuyện tình thơ mộng nhất thì bạn gái đã đi lấy chồng trước ngày 30 tháng tư lịch sử).

*

Cao tít trên Trường Sơn vẫn có những bản người dân tộc. Không hiểu họ sinh sống bằng gì. Chỉ đôi ba lần gặp, thấy họ đứng bên đường đem sắn, chuối đổi cho bộ đội lấy bất cứ thứ gì họ cần. Từ cái kim băng, kim khâu, sợi chỉ, đến cả viên đá lửa cùng những lọ xăng bé tẹo. Chúng tôi không gặp nương rẫy nào. Chỉ có một lần gặp một bản nhỏ chưa tới chục nóc nhà. Con đường đi vòng qua cạnh bản, nhưng không hiểu sao đến giữa đội hình thì cứ thế cắt đường đi tắt qua bản. Chỉ có vài đứa trẻ, vài phụ nữ già ngồi trên sàn nhà chỉ cao độ hơn mét im lặng nhìn chúng tôi lũ lượt đi qua. Nhưng cuối bản thì chúng tôi thấy có một cô gái tuổi như chúng tôi đứng ngay trên sàn nhà. Trang phục đơn sơ, nhưng ấn tượng vì ai cũng nhận ra vẻ đẹp cùng nước da trắng của cô gái. Im lặng đi qua, không dám chào hỏi, chòng ghẹo, nhưng từ quan đến lính ai cũng ngước mắt nhìn vì ngỡ ngàng. Đi qua rồi còn khối thằng ngoái lại nhìn. Chuyện này ghi nhớ bởi đa phần những người dân tộc mà chúng tôi gặp sau này đều có nét chung là đen, gầy và khắc khổ.


Sau khoảng hơn một tháng hành quân tính từ trạm 5, chúng tôi tới Trạm 44. Tất cả được nghỉ một ngày tắm giặt và bổ sung lương thực cùng một chút thực phẩm, chủ yếu là muối. Đây là lần cuối cùng đường dây 559 cung cấp gạo và thực phẩm cho đơn vị. Từ ngày mai, chúng tôi sẽ rời trục đường chính của Trường Sơn, rẽ nhánh đi sang hướng Tây Nam. Bây giờ thì chúng tôi biết mình sẽ được bổ sung cho chiến trường Nam Lào. Giao liên của đường dây 559 giao chúng tôi cho bộ phận nhận quân của mặt trận Nam Lào. Từ đây trở đi sẽ không còn binh trạm, không còn bãi khách nữa. Điểm dừng chân sau mỗi ngày hành quân sẽ do cán bộ nhận quân của mặt trận quyết định.

Đường sẽ nhánh sang phía Tây chưa phải đã hết dốc ngay. Rừng núi vẫn chập trùng trước mặt. Đường đi của chúng tôi cắt ngang liên tiếp các con đường trục của xe cơ giới. Nói thật là thấy đường có vết xe chạy cắt với đường hành quân bộ thì biết là đường xe thôi, chứ tất cả những con đường ấy đều là đường đất trong rừng. Bạt núi mở rừng mà tạo đường, san lấp cũng chỉ là đất đá tại chỗ. Những con đường đó có thể biến mất chỉ qua một hai mùa mưa mà không có xe chạy. Cảnh vật lúc này vẫn chưa khác cũ là mấy vì nó vẫn thuộc dãy Trường Sơn. Sau ngày thứ nhất, chúng tôi được nghỉ giữa một cánh rừng già. Tự chọn chỗ nấu cơm, phạt bớt cây rừng và mắc võng. Nói chung là dừng chân chỗ nào thì cũng phải có suối, dù to hay bé để có nước mà nấu cơm. Từ hôm vào Trường sơn không gặp cái ao hồ nào.

Hết ngày thứ hai thì đã thấy bớt núi rừng hơn. Đường đi có vẻ xuống dốc. Dọc đường qua nhiều chỗ có dấu vết của bom đạn, nhưng chỉ là dấu tích của quá khứ. Có rất nhiều khu rừng non lẫn trong rừng già. Bây giờ mới biết thực tế đến cái gọi là rừng tái sinh. Cả một khu rừng rộng chỉ toàn những cây nhỏ đều nhau. Cây nào to lắm cũng chỉ bằng bắp chân. Xen trong đám rừng còn sót lại nhiều thân cây đổ nằm ngang cháy chưa hết, hoặc những thân cây chết đứng to cỡ người ôm. Chúng tôi còn gặp một số đồi cỏ tranh. Buổi chiều đi trên đó thấy gió thổi mát rượi.

Có hai loại rừng đặc trưng của vùng này khiến tôi nhớ mãi. Một là rừng Bằng Lăng. Chưa phải mùa hoa nên chỉ toàn rừng cây xanh lá. Tôi nhận ra loại cây này vì nơi nhà tôi ở ngoài Hà Nội cũng có vài cây. Hoa Bằng Lăng màu tím, nở sau hoa Phượng mùa hè, nhưng lại tàn nhanh trước. Quả của nó to tròn và cứng, chỉ dùng để ném nhau thì tốt. Thân cây Bằng Lăng không thẳng mà mọc cong queo, lắm cành. Trong này cũng thế. Tuy rừng cây Bằng Lăng bạt ngàn và nhiều cây rất to, thân cây có đường kính tới ba chục phân, nhưng cũng không thẳng để có thể làm cột nhà. Sau này đóng quân gặp loại rừng này, kiếm gỗ làm hầm chữ A còn khó.

Cuối ngày thứ hai chúng tôi dừng chân cạnh một rừng cây Săng- lẻ. Loại cây này thoáng trông giống cây bạch đàn, vỏ trơn, thân trắng. Có lẽ nó cũng cùng họ với cây Bạch Dương mà tôi nhìn thấy trong các phim của Liên-xô. Ở đây toàn cây Săng-lẻ to từ cỡ một người ôm trở lên, cao đến trên hai chục mét. Nắng chiếu xuống tới đất chỉ nhạt và lốm đốm như những tấm vải hoa. Loại cây này nghe nói rừng miền Trung của mình cũng nhiều. Gỗ của loại cây này là thứ tốt số 1 dùng cho đóng thuyền đi biển. Trong rừng ở đây còn có bãi rộng, dấu vết của một đơn vị xe ô-tô, nhưng không thấy chiếc xe nào. Chúng tôi dừng lại đó vì có một con suối to nước rất trong. Chỉ tội kiếm chỗ mắc võng khó, nên hầu như chúng tôi vun lá rồi trải ni-lon, ngủ đêm quanh gốc cây. Rừng Săng-lẻ rất sạch sẽ, ít muỗi.

Đã sang hẳn đất Nam Lào rồi vì đây thuộc tỉnh Sa-ra-van. Vùng này là bình nguyên. Chúng tôi đã gặp một số bản người Lào, nhà cửa lèo tèo. Có điều là dù bé thế nào thì cũng vẫn là dạng nhà sàn. Thi thoảng cũng gặp một cái nương nho nhỏ. Nhưng dân vùng này rất nghèo, nhìn họ ăn mặc xơ xác lắm, thua xa bộ đội.

Ba ngày sau, chúng tôi được tập trung ngay tại một cánh rừng thưa gần một bản nhỏ. Đến đây, 3 đại đội của tiểu đoàn 52 (ngoài Bắc) chúng tôi được bổ sung cho sư đoàn 968, nhưng lại bị xé lẻ luôn (lần trước một C đã tách ra ngay trên Trường Sơn để bổ sung cho chiến trường miền Nam nên tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn 3 đại đội). Một C rưỡi bổ sung cho Trung đoàn 19, còn C tôi và nửa C nữa thì về Trung đoàn 9b.

Một điều bất ngờ là các cán bộ cấp phó B, C của đơn vị ngoài Bắc chúngtôi được Sư đoàn trả về Bắc cho BTL Thủ đô. Mỗi C có 5 người gồm 4 B phó và 1 Cphó. Đại phó Hảo thân yêu của chúng tôi cũng nằm trong số được quay ra Bắc. Cácanh ấy mừng như cha... chưa chết và ríu rít chia tay chúng tôi. Các anh ấy vui,còn chúng tôi, nói thật là cũng chưa biết gì để mà buồn. Chỉ có một buổi chiềuđể chia tay. Bây giờ chẳng còn gì để làm quà cho các anh ấy cả. Vỏ chăn và cảmàn xô chúng tôi vẫn đang cần. Mũ cối và giầy vải gần như đã vứt hết dọc đường.Chỉ còn một số thằng còn giữ mấy tờ tiền Bắc, thôi bây giờ đem cho các anh nốt,kỷ niệm cũng chẳng để làm gì. Đại phó Hảo được quan tâm nhất vì quê hương HàTĩnh cũng là nơi tuyến lửa. Có điều khi các thủ trưởng bảo chúng tôi viết thưđể mang ra, hầu như không mấy ai viết. Cái vụ đống thư bên khe suối ngày nàovẫn còn ám ảnh chúng tôi. Thôi, để cho các thủ trưởng nhẹ gánh, chân cứng đámềm để quay trở về hậu phương miền Bắc. 


Chia quân, nhưng hầu như chúng tôi chưa có cảm giác khác lạ gì ngoài cái chuyện thủ trưởng dẫn quân của chúng tôi là người mới. Chúng tôi thấy yên tâm vì đó là chỉ huy ở trong chiến trường, chắc chắn dày dạn kinh nghiệm hơn cán bộ khung huấn luyện. Mọi lời nói các anh phát ra, chúng tôi đều chăm chú nghe và tuân lệnh răm rắp. Hơn nữa đội hình của đám chúng tôi cũng còn đông tới trên hai trăm thằng, nên vẫn còn nguyên cái nếp cũ.

Chia quân xong, chia tay các thủ trưởng khung xong, chúng tôi được nghỉ lại một đêm yên ổn. Cũng cần nói thêm là từ hôm bắt đầu hành quân từ Hà Nam đất Bắc đến nay, chúng tôi chưa phải tổ chức gác đêm lần nào. Màn đêm buông xuống thì cứ yên tâm mà ngủ. Mặt trận còn xa thì tuyến đường này vẫn còn là hậu phương. Với lại có muốn gác cũng không ổn, vì đoàn quân chúng tôi không đủ vũ khí, lại không tổ chức chặt chẽ như ở ngoài Bắc thì cũng không biết phải gác thế nào.

Sáng hôm sau, chúng tôi nhận gạo bổ sung. Mạng lưới hậu cần của ta vươn khắp mọi nơi, nhưng nơi đây thật quá đơn sơ. Kho gạo chỉ là một cái nhà be bé nằm cạnh một bản nhỏ, không to và chắc chắn như các kho của binh trạm trên Trường Sơn. Chúng tôi lĩnh gạo nếp. Lính tráng khoái quá vì gạo nếp vốn hiếm và quý hơn gạo tẻ mà. Tha hồ mà nấu cháo hay cơm nếp nhé. Cơm nếp nấu khéo còn ngon như xôi đồ ấy chứ. Lúc này chúng tôi vẫn ăn tiêu chuẩn 7 lạng/ngày, và vì cứ được lĩnh gạo bổ sung luôn nên chúng tôi chưa nhận ra được nguy cơ tiềm tàng của cái đói trong chiến trường. Cũng vì bây giờ là mùa khô nên đường vận chuyển vẫn thông suốt. (Nhưng cũng chẳng lâu nữa đâu. Khó khăn đằng trước mà chúng tôi đâu có biết thì cũng chỉ vài tháng sau là xảy ra. Gạo ăn tiêu chuẩn 3 lạng rồi 2 lạng/ngày thật quá ít ỏi với sức ăn và làm của lính tráng tuổi trai trẻ. Gạo tẻ còn đỡ, vì nấu cháo nó cũng nở ra ít nhiều. Khổ nhất là gạo đồ của TQ đựng trong bao nhựa xanh 50 kg. Hạt gạo đem nấu cứ trơ ra. Cứ cho gạo vào nồi, cho bao nhiêu nước cũng được, cứ đun cạn nước để một lúc là cơm chín. Còn định nấu cháo bằng thứ gạo đồ này thì đúng là bất khả thi. Nếu có cho ca gạo vào nồi, đổ cả một huyện nước vào đun thì rồi mãi tới khi cạn nước, nó cũng chỉ thành cơm, vì hạt gạo không nở. Còn gạo nếp, thú thực cũng không hơn, vì nó không nở. Nấu cháo ăn mãi cũng chán (mà đói), còn nấu cơm thì mỗi bữa được nắm to chưa bằng quả trứng vịt. Lại còn gặp lúc thiếu không có muối nữa thì "ôi thôi...").

Lĩnh gạo buổi sáng thì buổi chiều hành quân luôn. Cung đường này sao xa thế. Đi suốt buổi chiều tới một dòng sông rộng. Tất cả được lệnh nấu cơm ăn khẩn trương để tối vượt sông. Nghe bảo đây cũng là sông Sê-kông. Sao lắm Sê-kong thế. Hóa ra con sông này chảy từ Việt Nam sang, qua đất Lào thì nó chảy ngoằn ngoèo như con rắn trước khi trở lại Việt nam, nên vượt sông mấy lần mà vẫn là nó. Chúng tôi vượt sông theo một cái ghềnh đá. Đoạn này lội được, nhưng nước chảy rất xiết, lại rất trơn. Chặt sẵn gậy chống rồi mà không biết có bao nhiêu là thằng bị ngã. Ngã rồi lại túm gậy, túm tay nhau kéo cho khỏi bị trôi theo dòng nước. Lội sông trong đêm tối mênh mông nước thấy rợn lắm. Thằng biết bơi còn tự nhủ nếu có gì bất trắc thì cứ cởi bỏ mẹ nó ba-lô, vứt hết mọi thứ mà bơi cho thoát, thằng không biết bơi thì run như cầy sấy, chỉ lo bỏ xác nơi đây làm mồi cho cá, hết cả mộng làm anh giải phóng hưởng cuộc đời đẹp nhất nơi trận tuyến đánh quân thù. Thế mà rồi cũng qua được hết, dù hầu như thằng nào cũng ướt (Ông thủ trưởng dẫn quân biết thế nào chúng tôi cũng ngã ướt hết rồi, nên trước lúc hành quân đã bắt tất cả quấn gạo bọc kín trong ni lon rồi cất vào trong ba-lô).

Vượt sông xong rồi thì đi tiếp, ngay đêm đó chúng tôi vượt đường 23 để đi sang phía Tây. Con đường 23 kéo dài từ đường 9 chỗ ngã ba Mường Phìn, chạy thẳng xuống Nam rồi đâm vào ngay thị xã Sa-ra-van. Đến đây nó lại đi tiếp vào cao nguyên Bô-lô-ven, đến thị trấn Pắc-soòng. Lại chạy tiếp 50 cây số nữa theo hướng Tây Nam, đường 23 sẽ giao nhau với đường 13 từ Viên Chăn men sông Me-kông xuống tại Pắc-xế, thủ phủ của Chăm-Pa-Xắc, tỉnh cực Nam của đất bạn Lào. Không biết ngày xưa con đường 23 được xây dựng thế nào chứ lúc chúng tôi qua, nó cũng chỉ là con đường đất giống như con đường 9 mà chúng tôi qua độ trước. Có điều nơi đây quang đãng, chẳng có cây cỏ gì mọc xung quanh. Đi dọc qua nó một quãng dài mới biết là đường. Nơi này mà có xe chạy thì chẳng bao giờ sợ bị phục kích vì tầm nhìn quá rộng. Chúng tôi đi qua một khoảng đất nhỏ có thứ cây gì đó không cao, ít lá mà lá rất to, tưởng như có thể đếm được lá trên cây. Về sau có dịp trở lại tác chiến nơi này, gặp thứ cây đó giữa ban ngày nhiều hơn, chúng tôi mới biết đó là cây Khộp (hay khọoc), một thứ cây điển hình của vùng bình nguyên đất đá khô cằn.

Lại phải qua một ngày hành quân đường xa và nắng nóng nữa. Bây giờ phải phơi đầu ra đi giữa trời nắng chang chang mới biết giá trị của tuyến đường trên Trường Sơn hầu như lúc nào cũng rợp bóng cây. Lúc ngồi nghỉ cũng ngồi luôn giữa trời nắng vì chẳng có bóng cây nào. Được cái không có bụi vì dưới chân toàn một thứ cỏ lưa thưa đã chết khô, loại cỏ như kiểu cỏ may mà trâu bò cũng không ăn được. Đến chiều thì tới một vạt rừng nhỏ có con suối to. Mệt nhưng cũng nhiều thằng tắm cho mát. Kiểu tắm xong lại mặc luôn quần áo cũ vào ấy mà, vì vẫn còn phải hành quân tiếp.

Hôm sau chúng tôi lại lên đường từ sớm. Đơn vị lại vượt qua một con sông không lớn lắm, bây giờ không còn nhớ rõ chính xác tên sông là gì. Hình như là Xê-băng-phai thì phải. Chỗ vượt sát ngay một một cây cầu sắt bị sập. Cây cầu chắc chỉ dài hơn cái cầu Đuống lên ga Yên Viên (ngoài Bắc) một chút thôi. Qua sông là địa phận thị xã Sa-ra-van. Cái thị xã này không giống với sự tưởng tượng của tôi, vì tôi nghĩ nếu là thị xã thì nó cũng phải na ná như Phủ Lý, hay kém ra thì cũng phải như thị xã Hòa Bình, nhà cửa dọc đường chứ. Ở đây gọi là thị xã mà chẳng thấy nhà cửa gì. Đôi chỗ thấy có những nhà sàn đổ nát, nhưng có vẻ đó như cái bản nhỏ bên đường chứ không phải dãy nhà.

Chúng tôi rẽ vào một con đường đất rộng và cứ đi dọc theo nó mãi. Từ đâybắt đầu làm quen với một loại đường gọi là đường xe bò. Các bản Lào nối vớinhau bằng những con đường này để đi lại và vận chuyển. Phương tiện của nó lànhững cái xe na ná như xe bò ngoài nông thôn miền Bắc. Hai bên đường xe bò mọcnhiều loại lau lách. Hôm đó đi rất xa. Cuối chiều chúng tôi được dừng chân tạimột cánh rừng rộng, cây thưa nhưng toàn là những cây rất to. Chỗ này gần mộtbản Lào, nhưng chúng tôi không được gặp dân. Nơi đây bắt đầu là địa bàn đóngquân của Trung đoàn 9B


(Tạm ngắt để nói về một việc ngày hôm nay)

...

Cuộc hành quân bây giờ mới là đầu tháng tư năm 1972. Nhưng xin tạm dừng lại để nói về một trận chiến đấu tấn công địch ở khu Xưởng cưa, sân bay Sa-ra-van sau thời điểm này hơn 8 tháng. Trận đó đại đội tôi bị tổn thất nặng. Lính Hà Nội bị "dính" khá nhiều. Trong đêm tối hôm đó, có 2 người lính trong C tôi là Nguyễn Khả Nhật và Hoàn (cùng người huyện Từ Liêm) mải tấn công địch mà không thấy trở về đơn vị. Trung đội trưởng Lê Đức Chèo (người Đình Bảng, Từ Sơn, Hà Bắc) chỉ còn nhớ được bóng 2 người lính của mình vào phút cuối đã nhập nhoạng lẫn vào bóng đêm mờ dần chạy về hướng Tây Nam. Anh đã ghi vào cuốn nhật ký của mình một dòng chữ mang nội dung như thế.

Đêm hôm sau, chúng tôi cử một nhóm lần theo hướng đó đi tìm. Kết quả cuối cùng chỉ là thấy nhiều nấm mộ mới. Chúng tôi đoán các anh đã hy sinh và bị địch chôn cùng với lính chết trận của chúng. Lúc ấy, các anh chỉ được coi là mất tích.

Sau đấy chúng tôi chuyển địa bàn như đèn cù rồi xa dần vùng đất ấy. Cuối mùa mưa năm sau, chúng tôi có quay trở lại vùng Sa-ra-van để quy tập hài cốt các liệt sĩ, trước khi chuyển chiến trường khác, nhưng trong số đó không có các anh Nhật và Hoàn, bởi không ai xác định đâu là nấm mộ của các anh. Báo cáo cuối cùng của đơn vị là đề nghị lên trên ghi tên các anh là Liệt sĩ.

Sau năm 1975, anh Hoàn trở về trong diện trao trả tù binh. Khi ấy chúng tôi mới biết chắc Nguyễn Khả Nhật đã hy sinh. Hoàn về nhà buồn chán (cảnh tù binh trao trả thì các bác có thể hình dung phần nào số phận), rượu chè rồi ốm chết mấy năm trước.

Còn gia đình của Nhật (Nhà có 4 anh em trai và 1 em gái, Nhật là con cả) vấn tiếp tục sang Hạ Lào để tìm kiếm hài cốt của anh. Các đội quy tập của Nghệ An và Thừa Thiên Huế trong những năm sau chiến tranh có sang Lào quy tập hài cốt bộ đội tình nguyện, nhưng không có Nhật trong danh sách đó. Điều này dễ hiểu vì Nhật hy sinh và được chôn cất trong trường hợp như tôi kể trên thì không ai dám xác nhận chính xác. Sau mấy lần sang Nam Lào, gia đình cũng chỉ tìm được khu vực Nhật hy sinh thôi chứ không xác định được mộ. Nhưng có một may mắn là nhờ chính quyền tỉnh Sa-ra-van giúp đỡ nên đã tìm được 2 người lính đối phương trong cái đơn vị ZM41 đã chiến đấu với chúng tôi ngày trước. Một trong hai người lính đó đã ném quả lựu đạn khiến Nhật hy sinh, còn người lính kia thì đã chôn cất Nhật. Nhưng thời gian trôi qua đã quá lâu, cảnh vật thay đổi, đô thị xây dựng nhiều, nấm mồ đã bị san bằng nên không thể xác định chính xác. Tháng trước, nhờ một nhà ngoại cảm trên Hòa Bình giúp, cử hẳn người em trai đi cùng sang đó. Nhà ngoại cảm đã tìm được chính xác vị trí, chính quyền địa phương của Bạn đã không ngần ngại phá cả một bức tường ở cái vị trí nghi ngờ ấy để đào bới. Cuối cùng đã tìm thấy hài cốt của Nhật, để gia đình đưa anh trở về.

13h30 hôm nay (05/02/2010), chính quyền địa phương phường Mai Dịch đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Nguyễn Khả Nhật. Đồng đội cũ chúng tôi đã đến dự lễ truy điệu và cùng đưa anh về nơi vĩnh hằng ở nghĩa trang Nhổn. Nhiều người nguyên là Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn 9B đã tới dự. Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Trung doàn 9B Lê Khả Phiêu cũng đã gửi vòng hoa đến viếng.

Tôi không chụp được ảnh vì không có phương tiện. Xin viết mấy dòng này để chia sẻ cùng đồng đội, cùng các CCB và nghiêng mình tưởng nhớ đến anh, người lính Hà Nội Nguyễn Khả Nhật trong cùng đại đội 6 quân tình nguyện thân yêu của tôi, đã ngã xuống trên chiến trường đất bạn, vì một sự nghiệp cao cả như lời Bác Hồ dạy quân tình nguyện chúng tôi: "Giúp bạn chính là giúp mình".


Sáng dậy, chúng tôi được tập trung toàn đơn vị. Đây là lần đầu tiên hơn hai trăm thằng chúng tôi được tập trung gặp nhau. Thời gian gian qua chỉ toàn đi là đi theo đội hình đơn vị, nên biết là đi cùng nhau đấy, nhưng không dễ gặp nhau. Bây giờ gặp nhau, cùng trong đoàn quân mà cứ như từ những nơi nào về ấy, hỏi thăm nhau ầm ĩ. Tất cả được tập trung một chỗ học chính trị trong buổi sáng. Nội dung là học truyền thống Trung đoàn 9B.

Chúng tôi háo hức nghe để biết mình được vào một đơn vị có tiếng tăm thế nào. Đại khái sơ sơ một vài ý chính mà chúng tôi còn nhớ đến tận bây giờ.

Trung đoàn 9B được thành lập ngày 23/9/1947 tại Nông Cống, Thanh Hóa. Đó là một trung đoàn độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp nó đã từng nhập về Đại đoàn 304, lập nên chiến công trên Đường số 6 (Xuân Mai) tháng 12 năm 1951 với thành tích một mình diệt xe tăng của anh hùng Cù chính Lan. Sau hòa bình 1954, Trung Đoàn 9 được nhân đôi. Bản gốc tách ra và lấy tên 9B lại trở về Quân khu 4. Những năm sáu mươi, Trung đoàn 9B trở thành quân tình nguyện Việt Lào, cứ mùa khô sang Trung Lào chiến đấu, mùa mưa lại về Việt Nam củng cố. Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn tham gia đánh Huế, giữ cờ trên cố đô 26 ngày đêm, với người chỉ huy là Tư lệnh kiêm chính ủy Lê Khả Phiêu. Hết đợt thì rút lên rừng. Sau năm 1969, khi tổng kho 61 trên rừng Trường Sơn thuộc địa phận Trị Thiên bị Mỹ Ngụy đánh chiếm và phá tan tành, Trung đoàn rút ra Bắc, an dưỡng và huấn luyện ở Quảng Bình. Cuối 1970, Trung đoàn làm dự bị cho Sư 2 Quảng Đà của tướng Nguyễn Chơn đánh Nam Lào, rồi tiếp quản Sa-ra-van. Mặt trận 968 thành lập tháng 9/1968 vốn chỉ có một trung đoàn 39 (chuyên làm công tác dân vận), khi đó đã tiếp thu Trung đoàn 9B, thành lập thêm trung đoàn 19 để nâng cấp thành sư đoàn 968. Đây là sư đoàn bộ binh duy nhất trực thuộc bộ đội Trường Sơn (559) có nhiệm vụ bảo vệ hành lang Tây Nam của tuyến đường. (Đoàn 559 còn có một đơn vị cấp sư đoàn nữa là sư đoàn vận tải 471. Còn lại là các đơn vị như binh trạm, công binh, pháo cao xạ, đoàn xe... chỉ ở cấp Tiểu đoàn là chính). Hiện tại, Trung đoàn 39 vẫn làm công tác dân vận, Trung đoàn 19 đảm nhận vùng A-tô-pơ, còn Trung đoàn 9B đảm nhận cao nguyên Bô-lô-ven.

Cái thông tin trên lúc đầu mới nghe chỉ ù ù cạc cạc nhớ được một ít. Về sau được học, được nhắc lại nhiều nên nó mới ngấm như thế.

Buổi chiều chúng tôi được phát xẻng và đào hầm. Đây là căn hầm đầu tiên tôi phải đào trong chiến trường. Thực ra đó là cái hố thì đúng hơn vì nó không có nắp. Chẳng biết mục đích là để chúng tôi làm quen hay để đề phòng địch tập kích hoặc tránh máy bay. Thế mà chúng tôi chấp hành nghiêm ra phết. Không phải là sợ chết (chẳng đứa nào tin nơi đây đã có địch) mà đơn giản là lính thì phải phục tùng. Sau này, chuyển quân, ở hậu cứ chỗ nào chúng tôi cũng phải đào hầm nghiêm chỉnh. Tối thiểu phải có hầm chữ A. Ở lâu một chút phải làm thêm hầm thùng. Còn đi đánh nhau thì trận nào cũng phải đào ít nhất một cái hầm cá nhân, dù là đánh phục kích, đánh điểm hay đánh chốt. Có trận phục kích đón đuổi địch, trong có 2 ngày đêm mà mỗi thằng phải đào tới 3 hầm cá nhân. Các hầm chốt thì phải làm loại hầm chữ A thật chắc chắn. Nếu ở kiềng hay chốt công trình thì hầm chữ A phải to và đủ sâu để có thể chống được cả đạn pháo 105ly.

Chiều hôm đó có mấy thằng đào xong hầm còn rủ nhau mò ra phía bản gần đấy. Đúng là dân Hà Nội chỉ biết đến đường nhựa mà dám học đòi dân vùng cao. Chúng nó thấy một cái cây có tổ ong to tướng trên đó, tưởng bở có mật, lại nghĩ ong nó hiền như ong nuôi nên chặt gậy ném. Cả bọn bị ong đuổi đốt chạy bằng chết. Một đứa số không may bị ong đốt mặt sưng như cái lệnh vỡ, mắt díp lại không còn nhìn thấy gì. Chỉ biết mỗi cái bài bôi vôi chống ong đốt, nhưng giữa chốn này lấy đâu ra vôi. May được thủ trưởng nhận quân có cái bình-tông mật ong (không hiểu sao ông ấy lại có mà mang bên người), lấy mật ong ra bôi lên khắp mặt cho nó. Tưởng bôi đùa làm phép, thế mà hôm sau mặt nó tẹt hẳn, lại hành quân được cùng anh em như thường. Đấy là bài học đầu tiên về sản vật rừng.

Hôm sau chúng tôi hành quân tiếp. Từ đây thấy toàn đi theo đường xe bò. Đầu giờ chiều thì gặp mưa rất to, kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đường đi đã vào vùng cao nguyên Bô-lô-ven rồi và mùa mưa đã tới. Đi theo đường xe bò nên khá trơn, nhiều thằng vồ ếch. Mãi đến xẩm tối chúng tôi đến một hậu cứ, có các lán lợp cỏ tranh, có hầm thùng, trong đó có các sạp nằm bằng nứa ghép. Nghe nói đây là hậu cứ của C công binh. Đã có người nấu sẵn cơm, chúng tôi chỉ việc đi lấy cơm về ăn. Chẳng có đèn đóm gì, nên ăn xong là chúng tôi dọn chỗ ngủ. Ban đêm trời vẫn mưa rả rích.

Buổi sáng trời tạnh. Chúng tôi được báo đi nhận cơm sáng, khẩn trương ăn rồi thu dọn mang ba-lô ra một bãi đất tập trung. Có thêm nhiều cán bộ cũ nữa đến. Chúng tôi bị tịch thu toàn bộ súng Ak (3 thằng có một khẩu), dao găm và hăng-gô. Hai món trên thì được, nhưng hăng-gô là vật dụng cá nhân cơ mà. Chúng tôi thắc mắc, nhưng vẫn bị thu, không í ó gì hết. (Sau này nghĩ lại, chắc các thủ trưởng khi đó muốn triệt nọc từ gốc "bài ca ống cóng" của lính, và cũng để có cái mà trang bị cho các ban bệ, trạm xá...của Trung đoàn. Sau này khi đã thành ma cũ rồi thì chúng tôi cũng tự kiếm cho mình một cái hăng-gô riêng từ các đợt tân binh vào sau. Của lính cũ rồi thì chẳng bố nào dám thu. Cái hăng-gô tôi mang về nhà sau chiến tranh làm kỷ niệm, bây giờ chuyên dùng để đựng mỡ là của một chú tân binh nào đó vào sau tôi cả năm, chứ không phải là cái tôi mang từ Bắc vào đâu).

Sauđấy một thủ trưởng đọc tên lính chúng tôi để chia quân. Chúng tôi cũng chưahình dung được các đơn vị trong trung đoàn khác nhau như thế nào, nhưng cứ đọctên ai thì lại đứng ra thành tốp, có người nhận. Một đám 30 thằng trong đó cótôi được chia về K18, là tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn. Chia quân xong làchúng tôi lên đường về đơn vị ngay. Tiểu đoàn tôi đang đứng chân ở tuyến trước,xa nhất nên không thể chậm trễ. Chúng tôi phải qua 2 bản nhỏ rồi rẽ vào đi theocon đường xuyên rừng. Đường nhỏ, cây rừng quệt cả vào ba-lô. Có đoạn còn đingang qua vườn cà-phê của đồng bào. Buổi trưa dừng lại ăn cơm nếp nhận từ sáng.Sau bảy giờ hành quân, chúng tôi đến một cánh rừng già, hậu cứ của D bộ K18.Đơn vị đang ở tuyến trước nên hậu cứ chỉ còn ít người. Cả bọn được chia vào 3lán. Cơm tối đã nấu sẵn. Hậu cứ ở đây có vẻ chắc chắn, sạch sẽ, nhưng đườngxuống suối (và bếp ăn cũng ở dưới đó) xa quá, ngót 200 bậc nên lên xuống cũngngại. Tối đó không phải là sinh hoạt chính thức, chỉ phổ biến qua loa nhiệm vụrồi ngồi nói chuyện phiếm hỏi han nhau. Chúng tôi giới thiệu mình, rồi hỏi tìnhhình đơn vị với mấy anh lính cũ. Buổi nói chuyện diến ra rất thân mật, có nướcchè và thuốc lá thơm có đầu lọc, chiến lợi phẩm tuyến trước gửi về. Sang thật.


            Lúc này cả tiểu đoàn K18 có tăng cường đang đánh một căn cứ địch gọi là Bãi đá nằm trên đường 23, nên cả bọn chúng tôi tạm thời ở lại tiểu đoàn bộ, do anh Choát, trợ lý tác chiến D phụ trách. Anh cho chúng tôi nghỉ một ngày tắm giặt, sau đó sẽ tham gia cùi đạn và gạo ra tuyến trước, đồng thời cáng thương binh về. Tối hôm trước trong bữa ăn các anh lính cũ có đãi chúng tôi món nấm xào. Nấm trắng, mềm và rất ngọt. Lúc ở nhà tôi cũng có thưởng thức mấy món nấm hương (của này hiếm, chỉ tết mới có một ít) hay nấm rơm, nhưng không so được với cái nấm ở đây. Đặt miếng nấm lên miệng thấy vừa mát vừa mịn. Vì chỉ được ăn nên chúng tôi không biết rõ hình thù cây nấm ra sao. Cứ nghĩ đơn giản như chuyện vào rừng hái nấm trong chuyện cổ tích. Hôm sau chúng tôi lang thang trong khu hậu cứ. Có đi xa cũng chỉ cách độ vài trăm mét. Rừng già, cây to lá đan kín, nhìn không thấy trời. D bộ làm nhiều lán thành các khu vực của từng đơn vị nhỏ, nối với nhau bằng các đường mòn tự tạo. Trong rừng rất nhiều sóc, ngoài ra không thấy con gì khác. Vẫn là cái đám sóc chuột bé tẹo tôi đã thấy ở trạm 5. Nhưng ở đây có cả sóc bay. Bọn sóc này cũng không to hơn bọn sóc chuột bao nhiêu. Ngồi im một chỗ đừng làm náo động thì chỉ một lúc là thấy sóc. Lần đầu tiên ngắm sóc bay thấy thú vị lắm. Giáo cụ trực quan sống về sinh vật rừng là đây chứ đâu. Tự nhiên thấy cuộc đời lính có vẻ thơ mộng quá. Thảo nào mà anh bộ đội trong bài "Nhạc rừng" hứng chí vừa đi vừa hát một mình trong rừng mà thấy đời lên hương.

Đi dịch ra phía suối thì nấm nhiều vô kể. Chúng tôi thi nhau hái, đem về định đến tối tự nấu ăn với nhau (nấu vụng thôi, vì chúng tôi vẫn còn có ruốc mặn để làm gia vị. Có nó mà nấu với nấm chắc ngon hơn đứt món nấm tối qua chỉ sào với muối). Loanh quanh thế mà mãi gần tối vẫn chưa nấu được. Phần vì suối xa, phần vì không mượn được soong nên chúng tôi xếp gọn đám nấm vào góc nhà. Bữa cơm tối diễn ra với thức ăn mới là món kiệu sào. Ở ngoài Bắc chỉ nghe nói củ kiệu muối đem ăn với thịt lợn quay rất hợp, chứ lúc đó lấy đâu ra thịt lợn quay mà ăn với kiệu. Rất nhiều thằng còn chưa biết củ kiệu là gì. Mới nhìn thì nó na ná giống củ hành, nhưng củ của nó lại không to tròn như hành củ. Tất nhiên là vị khác rất nhiều. Chẳng ai đem xào hành không để ăn cơm bao giờ. Thế mà ở đây có món kiệu xào ăn lạ miệng mà ngon ra phết. (Sau này sống lâu ở Lào chúng tôi mới biết là cả cái vùng Nam Lào người ta không trồng và ăn hành bao giờ. Thâm chí chả bao giờ nhìn thấy cây hành. Nhưng người Lào trồng kiệu thành nương, có khi là cả một vùng đồi bát ngát. Bụi kiệu cũng gần giống bụi hành. Mùa mưa kiệu mọc tốt, đẻ nhánh rất nhanh. Có những bụi kiệu to bằng cả một vòng tay ôm. Kiệu đem xào, muối, luộc hay nấu canh đều được. Ngon nhất là kiệu muối, nhưng nhiều khi muối còn chả có thì đừng mơ kiệu muối). Chúng tôi tạm quên đi món nấm. Đến tối khi chúng tôi trở lại lán thì thấy cái đống nấm ban chiều của chúng tôi đang phát sáng rực lên ở góc nhà như ma trơi. Màu lân tinh sáng xanh rõ hình từng chiếc nấm. Chúng tôi gọi và kể chuyện cho các anh lính cũ. Họ cười bò ra rồi giải thích. Đó là một loại nấm độc. May mà chúng tôi chưa nấu ăn, chứ nếu đã nấu ăn vụng với nhau rồi thì ngộ độc không biết sẽ thế nào. Hú vía. Chúng tôi vội dẹp hết vứt xa phía sau nhà. Rồi các anh giảng giải cho chúng tôi. Lính mới vào thằng nào cũng lớ ngớ, cần phải chịu khó mà nghe và học hỏi lính cũ. Cứ tự ý làm mọi thứ có ngày đi ngủ với giun lúc nào không hay.

Hôm sau một anh dẫn chúng tôi đi lấy nấm để chúng tôi tạm làm quen. Ngoài các nương rẫy của dân có những cây đổ nhưng không cháy hết khi đốt rẫy từ nhiều năm trước. Bây giờ trên đó thường có loại nấm trắng xòe như cái dẻ quạt, to lắm cũng chỉ cỡ bàn tay. Đó là nấm dai. Loại nấm này không mềm thịt, nhưng nấu nước rất ngọt. Loại thứ hai ngon hơn, đó là nấm mối mọc dưới đất, nhất là vùng đất ẩm có lá đã mục. Lúc sáng sớm nó đẩy đất nhô cái mũ lên như chiếc ô cụp. Sau đó nó nở rất nhanh. Chỉ trong một hai tiếng, cái mũ nấm đã xòe to ra như chiếc ô. Chính giữa mặt cái nấm có một vùng sậm như núm vú đàn bà. Những chiếc to, mũ rộng có đường kính tới 20, 25 phân, cao chừng hơn gang tay thì chỉ 3 chiếc là đủ bữa cho một tiểu đội bốn năm thằng. Hái lúc 9, 10 giờ là đẹp nhất. Để chậm, những con muỗi, con dĩn nó bâu vào ăn lỗ chỗ mặt nấm. Cây nấm mối già rất nhanh, đến chiều tối thì nó rũ ra, có khi thối ủng không còn ăn được nữa. Đấy là hai loại nấm dễ nhớ nhất. Nói chung cây nấm nào có con muỗi con dĩn (hay con sâu) ăn được là người cũng ăn được. Còn loại nấm hôm trước chúng tôi được ăn thì hiếm hơn phải tinh mới biết. Nghe vậy thôi nhưng tốt nhất là cứ đi theo các anh lính cũ cho nó chắc. Tất nhiên là đến một lúc nào đó thì chúng tôi cũng phải thành thạo.

Liềnsuốt 10 ngày sau đó, anh Choát và một anh nữa chia chúng tôi làm hai nhóm thaynhau cùi đạn ra phía trước. Chúng tôi phải bỏ toàn bộ quân tư trang ra gói vàocái tăng cất trong lán, còn ba-lô đem đựng đạn hay gạo. Đạn cối 60 hay B40, B41thì mỗi lính cùi 8 quả. Đạn cối 82 thì 5 quả. Nếu là gạo thì mỗi người 20 kg.Không phải là nhiều lắm, nhưng bước đầu như thế cũng đủ nặng. Đường ra trận địaBãi Đá xa 4 giờ đồng hồ. Tất nhiên là đướng rừng và lội suối quanh co. Mỗi chuyếnlà hết một ngày. Trận đánh này hình như là vây ép nên đánh mấy ngày. Chỗ chúngtôi đem đạn và gạo ra cách trận địa một quả đồi to. Đó là khu bàn đạp. D bộtiền phương đóng ở đó, hầm hố đàng hoàng. Khung cảnh khẩn trương nhưng vẫn antoàn, chúng tôi chỉ nghe tiếng súng nổ ùng oàng xa xa. Các anh lính cũ bảo chỗnày chỉ sợ máy bay hay pháo nó câu tới thôi. Giao đạn gạo xong rồi thì chúngtôi được ăn cơm (cơm nếp mang đi từ hậu cứ) rồi ngồi uống nước chè với lính cũ.Trong này chè có mà thiếu giống, có làm có uống, lính cũ bảo thế. Có lần chúngtôi còn được mời hút thuốc lá thơm có đầu lọc. Đó là thuốc chữ A của Lào. Có 2loại đầu lọc: đỏ và trắng. Loại trắng có bạc hà hút thấy man mát trong lưỡi.Bao thuốc mềm trông rất đẹp, chữ loằng ngoằng như giun chỉ đọc được mỗi chữ A.Tôi bắt đầu tập tọng hút thuốc từ lúc này, toàn được lính cũ cho. Về sau tôicũng nghiện thuốc từ lúc nào không biết. Ngày nào không có thuốc không thể chịuđược. Rồi lúc đi đánh nhau luôn có ý thức trong đầu là sau trận đánh phải lục ba-lôvà túi của lính địch chết để tìm thuốc lá. Thời gian ở Lào cũng chỉ có một loạithuốc lá chữ A thôi, không hề có loại thuốc nào khác. Hết thuốc thẳng (thuốcđiếu trong bao) thì tự lấy lá thuốc của dân (dân Lào trồng ngoài nương nhiềulắm) về phơi hoặc sao lên, rồi quấn sâu kèn để hút.


Được mấy ngày đầu cùi đạn gạo như thế cũng chưa có gì là vất vả lắm, mệt nhưng quen ngay. Đến ngày thứ 5 thì bắt đầu có thương binh. Cứ ba thằng một thương binh, cáng võng buộc đòn tre thay nhau khiêng. Bây giờ mới biết mặt nhé. Đeo quai ba-lô dù sao cũng êm ái, bây giờ cáng võng bằng cái đòn tre cứng nó tì vào vai đau lắm. Lính Hà Nội, thằng nào vốn dân ngoại thành đã quen gồng gánh còn đỡ, mấy thằng nội thành có gánh bao giờ, bây giờ mặt nhăn như bị. Đảo vai liên tục rồi lại đỡ bằng cả hai tay cho khỏi đau vai. Đoạn đường 4 tiếng đồng hồ cùi cõng trở nên vô tận. Đau nhất là những đoạn lên xuống dốc, cáng nó cứ chuội sượt trên vai thằng đi phía đầu thấp. Không hiểu sao cái trạm phẫu lại đặt xa trận địa thế không biết. Đi hết 4 giờ đồng hồ về gần đến khu hậu cứ D bộ K18 rồi, lại bàn giao cho đơn vị khác khiêng tiếp về tuyến sau hơn. Về đến nhà xuống suối ngồi nghỉ mãi vẫn không hết mệt. Cởi áo ra mà thương xót cho cái vai mình quá. Đỏ bầm tụ máu và đau ê ẩm. Hôm cáng thương binh đầu tiên về đến hậu cứ mà bã hết cả người, không muốn ăn cơm nữa dù vẫn đói. Hôm sau lại có lệnh đi cáng thương binh tiếp. Ôi cha mẹ ơi. Hôm đầu đau một thì hôm sau đau mười. Lót cả cái khăn mặt vào vai rồi mà đặt cái cáng lên nó đè như muốn lột da. Bây giờ mới biết thương cái kiếp con trâu con bò. Nó kéo cày, cái vai nổi u lên một cục chai to tướng. Thân trai này sắp thành con bò mất rồi. Còn đâu trong tim hình ảnh anh Lê Mã Lương đội mũ tai bèo, khoác tấm khăn dù đứng nghiêng người quạt Ak giữa trận tiền nữa.

Hôm thứ ba nhóm bọn tôi phải cáng một thương binh bị thương vào chân. Trong nhóm có thằng Sưởng người to cao nhưng lại vốn dân công tử bột, con nhà giàu. Thằng này chẳng nể mặt ai đâu. Huấn luyện ngoài Bắc đứa nào va chạm với nó là nó chửi thẳng thừng, chẳng nể nang gì. Lần này tôi phải khiêng cùng nó mới khổ chứ. Nó vốn cao hơn tôi đến cả chục phân, nên phần nặng tất nhiên lúc nào cũng nghiêng về phía tôi. Đường không bằng phẳng nên cứ phải bước thấp bước cao mà tránh rễ cây rừng. Cáng thương binh đi trước hay sau đều khổ. Đi trước thì phải giữ cho cân mà chỉnh theo đường. Nhiều lúc nặng quá đi không vững, chân nam đá chân chiêu loạng choạng như thằng say rượu. Còn đi sau thì không nhìn rõ đường, thằng trước kéo thì cứ phải lao theo nó cho khỏi ngã. Lần này anh thương binh có lẽ cũng to con nên nặng lắm. Đã thế anh ấy còn rên la ghê lắm, nó đánh vào tinh thần làm cho người khiêng mệt thêm nhiều phần. Nghe kêu rên ghê quá, thằng Sưởng cáu tiết bảo:

- Thôi ông ơi, ông làm ơn im cho chúng tôi nhờ. Đã nặng bỏ mẹ...

Người thương binh không những không im mà vẫn kêu, có khi còn to hơn. Thằng Sưởng lại bảo:

- Im đi không các bố mày vứt mẹ nó xuống đất bây giờ.

Thế là lập tức ông thương binh nhỏm ngay dậy giữa võng, chỉ mặt thằng Sưởng bảo:

- Này đồng chí tên là gì, ở đơn vị nào hả? Có biết tôi là ai không?

Nghe thế bọn tôi cũng sợ. Lúc này nhìn kỹ vào võng thấy bố này vẫn đeo nguyên cả cái Xanh-tuya-rông có khẩu súng ngắn. Thảo nào mà cáng nặng thế. Chúng tôi không dám nói thêm gì, lặng lẽ cáng tiếp. Đến một đoạn đường dốc hơi trơn, thằng Sưởng trượt chân ngã. Tôi cũng ngã theo, hất ông thường binh lăn mấy vòng trên đất. Ông ấy gầm lên nhổm người dậy chửi ầm lên rồi rút súng ra dọa bắn. Bọn tôi sợ quá ù té chạy núp vào mấy bụi cây, bỏ mặc ông ấy đứng ngoài bãi dốc với cái chân băng trắng toát. Mãi sau anh Choát đi tới xin lỗi rồi dàn xếp lại người để khiêng tiếp. Thằng Sưởng lủi sang nhóm khác, dứt khoát không khiêng cùng tôi nữa. Thế là tôi đành chịu trận. Nhưng tôi dứt khoát không nói tên thằng Sưởng, dù ông thương binh gặng hỏi. Nhưng rồi cuối cùng ông ấy cũng biết chúng tôi là đám tân binh Hà Nội mới vào. Sau này chúng tôi biết ông thương binh hôm ấy là CTV của K16 (vẫn còn may vì không phải K18 chúng tôi). (Sau này ông ấy lên chính ủy Trung đoàn. Năm 2000, ông ấy là chính ủy QĐ1, hàm thiếu tướng rồi mới nghỉ hưu).

Cáng thương binh mấy ngày mệt quá, chúng tôi chỉ mong được về các C để tham gia đánh nhau. Cứ phải khiêng vác thương binh thế này mãi, nếu không gục ngã thì khéo cũng đến đảo ngũ mất thôi.

Sau đợt ấy, chúng tôi gùi đạn cho C5. Hướng tác chiến quay sang phía khác vì trận đánh Bãi Đá đã xong rồi. Đêm hôm ấy chúng tôi được nghỉ lại ngoài tuyến trước cùng C5, đơn vị cũng vừa tham gia đánh Bãi Đá. Chúng tôi háo hức hỏi chuyện, còn các anh ấy trả lời và chuyện trò bình thản lắm, chẳng có gì là gay go ác liệt hay hào hùng gì. Mọi việc xảy ra chỉ như chuyện thường ngày ở huyện vậy. Thế nên bọn tôi càng phục và càng náo nức. Đêm nằm hầm, hút thuốc thơm chiến lợi phẩm và thò cổ ngắm sao trên trời. Nói chung lính cũ già trước tuổi, khó đoán chính xác. Khi hỏi các anh vào chiến trường bao lâu, có anh bảo, bọn tớ vào cũng chỉ mới độ 3, 4 năm thôi. Ôi chao ôi. Từng ấy năm mà mới. Còn chúng tôi mới vào chưa được 2 tuần, chỉ mới cùi cõng thôi mà đã thấy lâu lâu rồi. Biết đến khi nào chúng tôi mới có được khoảng thời gian 3, 4 năm như các anh bây giờ. Đêm đó tôi xin được của một anh lính cũ một quả lựu đạn mỏ vịt của Mỹ. Cài nó vào Xanh-tuya-rông rồi lấy cái dây chun cột lại trông cũng ra dáng lắm.

Hôm sau về hậu cứ được nghỉ một ngày, tôi rủ hai thằng nữa mò ra một cái suối gần đó để thử quả lựu đạn và cũng để kiếm ít cá. Tôi đã nghe nói nhiều về cái chuyện bộ đội đánh cá bằng lựu đạn. Chúng tôi lần mò ra cách nơi ở đến hơn một cây số, tìm một khúc suối sâu nước lặng. Nhìn xuống thấy có cá bơi. Mấy thằng tôi nấp sau tảng đá, làm đúng thao tác yếu lĩnh rồi ném quả lựu đạn xuống suối. Tiếng nổ không to lắm, chắc suối sâu. Chúng tôi mò ra vớt được một ít cá bé tí tẹo, chắc khoảng 3, 4 lạng. Đem về bếp, anh nuôi D bộ chỉ cười, nhưng cũng chiều lòng nấu cho chúng tôi nồi cháo cá gạo nếp. Không có gạo tẻ nên nồi cháo quánh lắm. Đứa nào ăn cũng khen ngon, nhưng thực chất lúc đó chắc đói và tự hào là kiếm được nên thấy thế thôi.

Chúng tôi ở D bộ đã được chục ngày. Lúc đầu chúng tôi được phổ biến chờcác đơn vị ở tuyến trước rút về thì tiểu đoàn sẽ phân chia chúng tôi về các đạiđội. Sau vì Tiểu đoàn vẫn còn ở phía trước dài ngày, nên chúng tôi được chiaquân luôn. Các anh lính cũ của các C có việc về hậu cứ khi trở ra tuyến trướcđã kết hợp đón và dẫn chúng tôi về đại đội. Chúng tôi được chia đều về 4 đạiđội và tiểu đoàn bộ. Tôi được về C6, cùng với thằng Sưởng và thằng Thái"Pi-tơ" anh nuôi ngoài Bắc, lính thu dung của D36 mà khi trước tôi đãnhắc tới. Lúc này chúng tôi mới được phát súng đạn. Mỗi người nhận một khẩu AKcũ cùng hai trăm viên đạn. Bao xe không có nên ngoài băng lắp ở súng, chúng tôiphải cho băng còn lại vào ba-lô. 


Lúc này C6 đang đứng chân phía trước. Từ D bộ, chúng tôi cũng phải đi hơn 6 giờ mới tới vị trí tập kết của đại đội. Có hai B đóng trên đỉnh một giông đồi. Cái giông đồi này chỉ rộng chừng dăm chục mét, nhưng dài tới hơn cây số. Toàn cây to kiểu rừng già. 4 thằng trong bọn tôi được chia về 2 B đó, còn lại tôi với thằng Đức (người huyện Từ Liêm) đi tiếp hơn nửa tiếng nữa. Lội qua một con suối to có tên là Huội Chăm-pi, lòng cạn mà cũng phải rộng tới hai chục mét, đi thêm hơn trăm mét nữa thì tới B5. Khu vực trú quân là vạt rừng thưa có nhiều cây lúp xúp. Địa hình không phẳng, các hầm phân tán. Hầm bếp anh nuôi gần suối, còn hầm của các A nằm rải rác men theo sườn dốc. Ở đây chỉ có đại trưởng và một B bộ binh. Trong các hầm đều có người. Chẳng thấy ai làm gì cả ngoài việc ôm cây súng ngồi ngay cửa hầm. Ở đây toàn hầm chữ A. Tôi được chỉ cho một căn hầm để cất ba-lô vào đó. Có một anh nói đơn vị đang ở chốt, tối mới về.

Sẩm tối, từ một hướng trên dốc có mấy anh lính cũ chạy ào ào xuống. Đó là các anh từ trên chốt về. Một anh dừng lại chỗ hầm tôi ngồi, hạ cây B40 và cái ba-lô đạn xuống, rồi hỏi tôi: "Mày mới vào hả, tên gì?". Tôi xưng tên. Anh ấy cũng xưng tên là Trịnh, rồi nhoẻn miệng cười rất hiền và đưa cho tôi một túm dâu da to tướng, vỏ màu trắng hồng, ăn rất ngọt. Cũng là anh chạy xuống bếp đem lên một bọc cơm nếp, ít muối vừng bảo tôi cùng ăn. Chúng tôi ngồi ăn ngay trên miệng hầm, trời sập tối lúc nào không biết. Tôi nhanh chóng được biết sẽ ở cùng tiểu đội và cùng nằm chung hầm với anh. Đây là lần đầu tiên tôi được nằm hầm chữ A. Hầm dài hơn 2 mét và cũng phải rộng cỡ mét rưỡi. Tôi đưa tay sờ thấy hàng gỗ to cỡ cổ chân ken dày vách hầm. Đáy hầm trải cỏ tranh, rải ni-lon nên nằm trong cũng thấy ấm cúng ra phết. Mặc dù có nến bằng giấy dầu, nhưng ở đây không được đốt vì sợ ánh sáng. Các lính cũ hầu như ai cũng có đèn pin chiến lợi phẩm, che miếng giấy chỉ để một lỗ sáng nhỏ với ánh sáng mờ. Đêm đầu tiên tôi chưa phải gác. Các anh còn đi hội ý gì đó rồi anh Trịnh nói sáng sớm mai tôi sẽ ra chốt cùng anh.

Đại đội trưởng C6 là anh Đỗ Kim Băng, người Nam Hà. Bổ sung vào đơn vị rồi phải đi chốt hay ra trận ngay, thực ra là điều rất bình thường đối với tất cả những người lính. Nhưng có một lý do khiến tôi được ra trận trước tất cả 6 thằng lính Hà Nội khác trong C, sau này tôi mới biết. Số là nghe tin có lính Hà Nội vào, các thủ trưởng nghĩ ngay bọn tôi là công tử bột, không phải dân lao động. Thủ trưởng Băng hỏi anh Thiết quản lý xem trong đoàn Hà Nội có thằng nào là đoàn viên không. Trong 6 thằng chúng tôi có 3 đứa đã học hết lớp 10, nhưng cũng chỉ có tôi với thằng Đức là đoàn viên thanh niên thôi. (Cũng cần nói thêm là ngày đó, tuy đã vào lính, đã ra chiến trường nhưng không phải ai cũng được vào Đoàn. Tất cả bọn đoàn viên chúng tôi đều đã được kết nạp từ thời học phổ thông, chứ suốt cả 6 tháng huấn luyện cả chi đoàn đại đội huấn luyện của tôi tuy có thành lập và họp hành chiếu lệ dăm lần nhưng cũng không hề kết nạp ai cả). Vì thế mà tôi và thằng Đức được đưa ngay ra B5 là B đang chốt giữ tuyến trước. Thêm việc nữa là khi vừa bổ sung vào B thì thằng Đức lại đau bụng, nên tôi trở thành ứng cử viên duy nhất cho đoàn Hà Nội được ra trận để "xem chúng nó đánh đấm thế nào". Vậy là tôi trở thành thằng lính Hà Nội trong cái đoàn tân binh hơn hai trăm lính ấy ra trận đầu tiên và có cơ hội được nổ súng trước chúng nó.

Đêm ấy nằm cùng hầm, anh Trịnh đem thuốc đầu lọc ra mời hút và trò chuyện cùng tôi một lúc. Thuốc lá là chiến lợi phẩm trận đánh tuần trước ở Bãi Đá. Nghe chuyện đánh nhau cứ ngon ơ như định sẵn. Anh Trịnh bảo ngày mai chúng ta sẽ ra chốt bản Xoan, ngoài đó đã đào sẵn hầm chữ A rồi. Mỗi người một hầm, vị trí theo sự phân công. Địch vào thì đánh. Có gì chưa rõ thì cứ hỏi và nhìn lính cũ mà làm. Còn bây giờ đi ngủ để mai lấy sức đi sớm. Nếu muốn tè thì chui ra ngoài hầm mà tương vào rệ cỏ. Còn đi đồng thì nhớ cầm cái xẻng đào hố mèo xa xa một chút. Chấm hết.

Vốn quen với mấy tháng hành quân Trường Sơn, nên tôi cũng nhanh chóng ngủ ngon lành, chẳng lạ lẫm cái gì cả. Sớm tờ mờ đất hôm sau, anh Trịnh thúc tôi dậy. Chưa quen địa hình nên vẫn anh Trịnh xuống suối lấy cho mỗi người một bi-đông nước và qua bếp lấy cơm. (Lại vẫn là cơm nếp, chuỗi thời gian ăn cơm nếp liên tục còn kéo dài đến hơn hai tháng nữa). Tôi tranh thủ đánh răng bằng ngón tay, còn rửa mặt thì từ nay chỉ có lúc nào qua suối mới biết đến rửa mặt. Ăn vội phần cơm sáng , túm nắm cơm còn lại vào tấm khăn dù (vải dù lính cũ có rất nhiều và tôi đã được anh Trịnh cho một miếng to bằng 4 chiếc khăn mùi-xoa. Gói cơm nếp bằng vải dù tuyệt lắm. Nó không bị hấp hơi, không dính bết và nhất là giặt rất nhanh khô). Tôi để ba-lô lại hầm, chỉ mang theo khẩu AK, hai băng đạn lắp sẵn cùng một bọc đạn AK gần 200 viên, được phát thêm một quả lựu đạn mỏ vịt nữa. Nhóm 4 người chúng tôi ra chốt bản Xoan, gồm anh Lạc A trưởng người Tuyên Quang, anh Hoài - Nam Hà, anh Trịnh - Hà Tây và tôi. Anh Lạc mang súng cối cá nhân M79, còn tôi và anh Hoài mang AK. Men theo các sườn dốc và chui qua các hàng cây lúp xúp, chúng tôi đi chừng hơn 300 mét thì lọt vào một cái bản Lào bỏ không. Lối chúng tôi vào không phải là đường mà chỉ là do chúng tôi đạp rừng mà vào. Hướng đối diện mới có một con đường xe bò đi vào bản.

Cảbản có chừng hơn chục nóc nhà, toàn nhà sàn khá to và đẹp. Cây ăn quả trồngnhiều trong bản, nhưng lúc này nổi bật là mấy cây dâu da to và rất sai quả. Dâncũng mới bỏ chạy nên vẫn còn bóng dáng gia súc. Các hầm chốt của chúng tôi nằmphía rìa bên này bản, nên nếu có địch vào thì chúng cũng phải vào hết trong bảnthì mới gặp chúng tôi. Trận địa chính là trong lòng bản. Theo hướng nhìn vàobản thì tôi được bố trí hầm bên trái, anh Hoài hầm bên phải, còn anh Trịnh B40và anh Lạc M79 ở giữa và hơi lùi lại phía sau. Tôi chẳng biết kế hoạch tácchiến là gì, chỉ biết nếu địch vào thì theo các anh lính cũ mà nổ súng. Tôi chỉlàm ngay được mỗi việc mà sau này trở thành thói quen trong suốt cả quãng đờicầm súng là cây AK của tôi luôn có sẵn một viên đạn lên nòng, bất cứ là đang ởtuyến trước hay về hậu cứ tuyến sau. 


Trời sáng dần và tôi nhìn rõ hơn cảnh vật. Cây cối trong bản rất xanh tốt. Nằm sát mặt đất quan sát cũng chỉ nhìn xa được độ dăm chục mét. Tất cả im ắng. Tôi tranh thủ cắp AK lò dò lên phía trước vài chục mét tìm hiểu địa hình cũng không thấy có gì khác lạ. Tôi nhìn quanh để xem xét rồi quay trở lại hầm, không dám đi xa hơn về phía bên kia bản. Mò xuống cái hầm của mình, thấy hầm cũng là loại mới đào, vách hầm là ván gỗ chứ không phải thân cây, khá chắc chắn và rộng rãi. Ngửa cổ nhìn quanh thì mới thấy ngay cạnh cửa hầm là một cây dâu da to, trĩu quả. Tôi với tay lên bẻ một chùm to rồi ngồi ngay trên miệng hầm bóc ăn. Nhìn sang các hầm bên thấy các anh Trịnh, Lạc xòe tay vẫy thân thiện. Các anh ấy cũng bẻ dâu da ngồi ăn cho đỡ sốt ruột. Phía hầm của anh Hoài xa hơn nên chẳng nhìn thấy gì. Nơi ấy, ở sát ngay hầm là một căn nhà sàn.

Tầm chín giờ, trời đã sáng rõ lắm rồi. Tôi vứt đầy vỏ dâu da trên miệng hầm và đã hái thêm chùm dâu da khác. Bỗng có tiếng lao xao phía xa, tôi tụt người xuống hầm, thò đầu nhìn. Nhìn mãi một lúc cũng thấy bóng người, địch rồi, tôi thầm nghĩ. Không nhìn rõ hết người, nhưng từ ngang lưng trở xuống thì thấy khá rõ. Đến vài chục tên, chúng đã lọt vào hết trong bản và đang sục ra xung quanh một cách chậm rãi. Chúng không bắn vì chưa phát hiện thấy gì đáng ngờ. Gần chục thằng đi về hướng tôi, quần áo và mũ đều màu rằn ri loang lổ. Chúng cứ phải vạch bớt cành cây để đi nên đến gần hầm tôi tới chục mét mà chưa phát hiện ra tôi. Tôi đã mở chốt an toàn, chĩa AK và chờ anh Hoài hay anh Trịnh nổ súng trước. Lúc ấy tôi chưa có kinh nghiệm, cứ nghĩ là lính cũ phải nổ súng trước rồi mình mới được bắn. Một thằng địch vạch lá cây và tiến lại hầm tôi. Nó tới gần quá khiến tôi phải tụt hẳn xuống hầm để nó khỏi nhìn thấy. Tôi gần như nín thở và nghe rõ tiếng bước chân của nó.

Lúc này anh Trịnh cũng đã giương B40 và chờ cho mấy tên địch cụm lại, nhưng vẫn chưa có thằng nào lại gần anh hơn. Khổ thân cho tôi là anh Hoài, người lính cũ mà tôi mong chờ nổ súng làm lệnh ở cánh phải lại là sâu rượu. Hầm anh ấy dựa ngay vào cái nhà sàn to tướng. Thế là trong lúc chúng tôi ăn dâu da thì anh ấy leo lên sàn tìm rượu. Trong nhà sàn có mấy cái hũ ngâm gạo nếp làm rượu sắp đem chưng cất. Nó gần giống như món rượu nếp, nước cái của nó thì thơm ngọt và rất dễ say. Đang mải loáy hoáy mò rượu xơi như thế thì anh Hoài chợt nghe tiếng động ngoài vườn. Nhìn qua khe cửa xuống dưới đã thấy lố nhố mấy thằng địch dưới đất. Có hai thằng đứng sát cầu thang, hình như chúng muốn leo lên. Anh Hoài nép vào vách gỗ và bật nhẹ chốt an toàn (nếu biết cách bật thì không hề phát ra tiếng động), nhưng cha mẹ ơi, súng lại chưa lên đạn. Bây giờ mà kéo quy-lát thì chắc chắn ăn đạn từ dưới đất bắn lên ngay. Đúng lúc anh đang căng đầu ra như thế thì tiếng AK ở cánh trái nổ giòn và tiếng B40 "ùng...oàng" nổ ngay giữa bản. Bọn địch dưới sàn nhà dạt ra, quay sang hướng súng nổ. Anh Hoài thừa thế kéo quy-lat cái "roạt" và đạp cửa sổ nhảy đại xuống đất, quất AK hạ gục ngay hai thằng ở chân cầu thang rồi vọt xuống hầm, chĩa AK bắn tiếp vào bọn phía sau.

Vâng, đúng là trận đánh đó tôi nổ súng đầu tiên. Loạt AK mở màn của tôi vừa cứu nguy cho tôi, vừa giải nguy cho anh Hoài. Trước đó, khi tên địch cắp AR15 mò lại cái hầm của tôi thì tôi đã tụt đầu xuống hầm và thò AK lên chờ đợi. Căng thẳng vì tôi cứ phải chờ hiệu lệnh nổ súng, ngốc thế chứ. Nhưng sự cẩu thả của tôi khi ăn dâu da vứt bừa vỏ trên cửa hầm đã vô tình cứu sống tôi. Tên địch bước sát hầm tôi nhìn thấy đống vỏ dâu da còn mới, lại không thấy có người nên nó chủ quan nghĩ không có ai và cứ thế nó chậm rãi bước tiếp. Rất may là nó không hứng chí ném đại một quả US vào cửa hầm, vì nếu như thế thì bia tưởng niệm liệt sĩ ở phường tôi đã phải khắc thêm một dòng rồi. Đúng lúc nó nghiêng người nhìn vào cửa hầm của tôi thì tôi nhô lên. Bốn mắt ngây ra nhìn nhau trong một chớp và tất nhiên tôi là người chủ động. Tôi kéo mạnh một loạt AK khiến nó bật ngửa người lùi lại, nhưng là để ngã ngửa ra đất vì hứng trọn loạt đạn 7 ly 62 của tôi chứ không phải để chạy. Tôi nhô hẳn người lên quạt tiếp AK vào đám địch đang chạy ràn rạt phía trước. Bọn địch chỉ lùi một đoạn rồi nằm rạp quạt AR15 bắn trả. Tiếng đạn địch nghe rèn rẹt không giòn bằng tiếng AK, chíu chít phía trên đầu. Cùng lúc đấy tôi nghe tiếng nổ của B40, lần đầu tiên mới biết nó kêu "ùng" rồi mới "oàng" kèm theo chớp lửa và quầng khói đen. Anh Trịnh đã nổ súng rồi. Tôi vẫn bắn về phía bọn địch cho đến hết băng AK, chẳng còn nhớ điểm xạ hay kéo cò tùy hứng. Xen trong lúc ngưng bắn, tôi nghe thấy tiếng "cốc... oành" của anh Lạc bắn M79 và tiếng AK ở cánh phải của anh Hoài. Lúc đó tâm trạng tôi rất phấn khích. Thằng địch bị tôi bắn còn được hưởng thêm vài viên AK bắn cho chắc ăn của tôi. Lúc đó, khi cơn hồi hộp đã qua, tôi lại không thấy sợ gì cả. Về sau này cũng thế, trước trận đánh khi chưa nổ súng, tôi đều thấy hồi hộp (nhất là những trận phục kích đếm từng bước chân địch để chọn thời điểm nổ súng), nhưng khi tiếng súng đã nổ thì mọi việc trở nên bình thường, chẳng phải nghĩ gì cả.

Bọn địch lùi ra xa rất nhanh. Chỉ còn M79 của chúng từ xa câu lại. Chúng bắn khá chụm và chính xác. May có những tán cây dày chặn lại nên nhiều quả nổ trên cây, chỉ có mảnh văng xuống rào rào. Cây cối tả tơi nhanh chóng. Tôi tụt sâu xuống hầm tránh mảnh. Không lâu sau đó, pháo địch từ đâu ào ào bắn tới. Bọn địch đã rút ra ngoài bản và gọi pháo bắn. Tiếng pháo nổ vang chủ yếu trong khu vực bản. Không có quả nào rơi trúng hầm chúng tôi. Chúng bắn chừng độ vài chục quả thì dừng, không gian lại đột ngột yên tĩnh. Ngồi trong hầm, tôi đã tranh thủ thay băng đạn và lắp thêm những viên đạn rời vào băng AK vừa bắn hết. Một lúc sau, tôi thò đầu lên. Cảnh tượng trong bản khác hẳn. Cây cối đổ gãy và không gian mờ mờ khói đạn, tràn ngập mùi hăng hăng ngai ngái. Có cái nhà sàn đã trúng đạn đổ sập. Cái cây dâu da chỗ hầm tôi cũng gãy cành, quả rụng vung vãi. Tôi nhìn sang các hầm khác nhưng chẳng thấy gì vì vướng cành cây đổ. Chẳng ai gọi tôi mà tôi cũng chẳng dám mò sang hầm các anh.

Một lúc lâu nữa thì có một tổ 3 người từ phía sau lên chi viện cho chốt. Các anh ấy lần lên phía trước, đếm được tất cả 4 xác địch. Bọn này đều phải chết 2 lần vì ăn thêm mảnh đạn pháo của chúng. Phía ta, anh Lạc A trưởng bị trúng mảnh pháo nhỏ vào đầu, phòi ra một tí óc. Anh Cát (Bắc Thái) ở lại chỉ huy thay, còn hai anh khác khiêng anh Lạc về tuyến sau. (Sau này anh Lạc vẫn sống, được giải ngũ về nhà nhưng mất trí nhớ. Các bác sĩ quân y nói vết thương như thế thì về nhà anh ấy cũng chỉ sống thêm được nhiều lắm là hai năm nữa thôi. Tội nghiệp cho anh quá).

Gần trưa, bọn địch quay trở lại bản. Tới đầu bên kia bản, chúng đã bắn tơi bời rồi cứ vừa bắn vừa mò vào. Khi chúng vào giữa bản, anh Cát cho lệnh nổ súng. Tôi không quan sát được nhiều nhưng cứ nhằm tầm cao cách đất nửa mét mà điểm xạ. Được ít phút thì bọn địch rút ra. Chúng lại gọi pháo bắn một thôi nữa. Sau này thì tôi quen dần với cái kiểu địch nống ra mà gặp ta thì lùi lại gọi bom, pháo. Chúng lợi thế hơn ta ở món hỏa lực đó.

Sau đợt ấy thì địch bỏ cuộc. Suốt buổi chiều không có gì xảy ra. Chờ đếnlúc tối mịt thì tất cả chúng tôi cũng rút về mấy cái hầm trú quân cạnh HuộiChăm-pi hôm trước. 


Đêm về nằm trong hầm tôi hỏi chuyện anh Trịnh. Anh bảo, mày cũng khá đấy. Đại trưởng Kim Băng cũng khoái, anh bảo lính Hà Nội cũng chơi được đấy nhỉ. Nhưng tôi thì lại chẳng cảm thấy gì cả, chẳng biết tại sao. Nhưng tôi ghi sâu trong lòng cái lỗi của anh Hoài về việc ra trận mà quên không lên đạn trước. Kiểu như thế có ngày chết oan. Đấy là bài học và một kinh nghiệm phải luôn luôn ghi nhớ. Tôi lại hỏi anh Trịnh sao lúc mình đánh nhau, đại đội không chi viện thêm cho mấy quả cối 60. Anh bảo hỏa lực riêng mình cũng đủ rồi. Súng M79 bắn tại chỗ nhiều khi có tác dụng hơn là cối 60 từ phía sau câu lại. Hơn nữa đạn cối chỉ để đánh những trận quan trọng thôi vì số lượng có ít. Chi viện được dăm quả chẳng bõ bèn gì, lại lộ thêm nơi trú quân, địch nó gọi máy bay táng cho mươi quả bom thì quá tội. Lúc đánh nhau chỉ nên trông cậy ở trang bị bản thân thôi. Sau này rồi tôi cũng hiểu, cảnh con nhà nghèo đi đánh nhau với con nhà giàu thì đương nhiên chiến tranh còn phải kéo dài 5 năm, 10 năm... là tất nhiên thôi.

Sau này các đơn vị trong E chúng tôi cũng gặp phải nhiều cảnh trớ trêu, kể ra thì như chuyện hài. Đánh trận mà xin trên được 2 quả cối 82 đòi bắn cấp tập thì thật như gãi ghẻ. Bắn trúng địch thì không sao, bắn trượt (mà trượt là chính) thì chỉ tổ địch nó cười. Đấy là chưa kể chi viện mà lại đấm đít bộ binh thì cha con tha hồ chửi nhau. Thằng chỉ huy phía trước chỉ muốn rút súng quay lại bắn bỏ hỏa lực phía sau trước khi hô quân xông lên đánh địch. Cánh bộ binh chúng tôi có một nguyên tắc phải thuộc, nhất là khi đi lùng sục hay đánh tao ngộ chiến. Đó là phải nhằm diệt thằng thông tin của địch trước. Mất thông tin thì mày cũng cô lập như chúng ông, chẳng còn nhờ thằng bố gửi bom pháo hỗ trợ nữa, đánh tay bo xem thằng nào hơn. Thứ nữa là diệt thằng chỉ huy của địch. Mày cậy có sĩ quan học trường lớp, đào tạo tử tế, chê chúng ông là lính quèn qua chiến trận tự kéo nhau lên thì bây giờ mất đầu rồi, cùng lính chơi nhau xem sao.

Đêm hôm ấy tôi cũng phải tham gia gác đêm. Đây là ca gác đầu tiên trong đơn vị. Rồi từ đó về sau, gác đêm đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên mỗi đêm của tôi. Nó dần ăn sâu vào người, đến nỗi sau này khi ra quân phải mất một thời gian dài tôi mới quen được cảnh đêm không phải thức dậy một tiếng. Cũng phải thôi, bởi vì bây giờ nếu phải đếm xem trong thời gian quân ngũ có bao nhiêu đêm không phải gác thì có lẽ còn dễ hơn là đếm xem có bao nhiêu đêm phải gác. Khi ấy không có đồng hồ, cũng chẳng quen nhìn sao trời vì có phải lúc nào gác cũng nhìn thấy bầu trời đâu mà học nhau cách này. Cách tốt nhất truyền nhau là đếm. Cứ "một trăm linh một" là đủ một giây. Đếm đủ 3600 cụm từ như thế thì đủ một giờ gác. Nhưng đấy là ở doanh trại cơ, chứ gác tuyến trước còn phải quan sát và nghe ngóng động tĩnh, sẵn sàng xử lý tình huống thì không thể chỉ nhăm nhăm vào đếm. Tốt nhất là luyện cho mình cảm nhận thời gian. Mới nghe thì có vẻ phi lý, nhưng thật sự là như vậy. Rèn mãi cũng thành bản năng. Bây giờ giữa đêm, tôi có thể ra ngoài hiên, chỉ ngồi nghĩ vơ vẩn thôi cũng có thể canh được một giờ trôi qua với sai số chỉ chừng 5 phút.

Đêm đó trôi qua thật yên tĩnh. Không có pháo địch bắn. Chỉ có tiếng côn trùng thôi, vì chỗ nào mà chả có giun dế.

Mờ sáng hôm sau, chúng tôi lại ra bản Xoan. Chỉ có ba người là anh Trịnh, anh Hoài và tôi. Lần này chúng tôi không vào trong mấy cái hầm hôm qua trong bản, mà lùi hẳn ra ngoài đám cây lúp xúp phía ngoài bản đào hầm mới theo kế hoạch của đại trưởng Băng. Đất mềm nên chỉ độ hơn tiếng là mỗi người đã đào xong cho mình một cái hầm cá nhân be bé có đủ cả nắp hầm chống được cối cá nhân và ngụy trang tử tế. Ngồi chỗ này chốt thì chẳng có gì nhấm nháp ngoài hút thuốc lá và phải canh chừng máy bay. Cấp trên dự kiến địch có thể không vào bản mà dùng pháo bắn phá. Đào thêm hầm dịch hẳn ra ngoài này an toàn hơn. Quả nhiên chừng độ 9 giờ, khi mặt trời đã lên cao thì nghe vè vè tiếng máy bay. Hai chiếc máy bay cánh quạt xuất hiện, sau này tôi biết nó là máy bay ném bom T28 và quen thuộc với nó suốt thời gian ở Lào. Chúng nó đã có chủ định sẵn nên chẳng cần trinh sát trước làm gì. Bay đến trên đầu chúng tôi là chúng nó bổ nhào cắt bom luôn. Làm mấy vòng như thế, tất cả các đợt bom đều ném vào trong bản Xoan. Chỉ cách chúng tôi chừng trăm mét nên tiếng nổ rất to, đất rung và khói bụi mù mịt. Hết một đợt như thế lại thấy hai chiếc T28 khác vè vè bay đến và lại bổ nhào ném bom. Ba đợt máy bay như thế, có quả cũng ném gần ra rìa bản, tưởng như nó thả trúng đầu mình. Chúng tôi chúi xuống hầm tránh mảnh thôi chứ nếu nó thả trúng thì đi tong tất cả. Sau đợt bom cuối chừng hai chục phút, biết chúng đã kết thúc, chúng tôi mò vào bản. Cả cái bản sáng hôm trước còn an bình thì nay tan hoang tất cả. Nhà cửa, cây cối chả còn gì. Đám gia cầm gia súc có lẽ cũng chạy bạt hết đi từ hôm trước. Có lẽ người dân cũng chẳng quay trở lại đây nữa, vì làm bản ở nơi mới có lẽ còn thuận lợi hơn. Các lính cũ bảo địch ném bom như thế này thì chúng nó cũng chẳng trở lại nữa đâu. Thế là chiều hôm ấy chúng tôi rút lui sớm về chỗ trú quân.

Nửa đêm, theo chân trinh sát tiểu đoàn, hai tiểu đội trong đó có A của tôi luồn rừng vòng lên phía trước bên kia bản Xoan chừng 300 mét. Chỗ đó có một ngã tư đường xe bò. Sáu người chúng tôi đào hầm phục kích (hầm không nắp) lùi sâu vào một bên vệ đường. Tiểu đoàn cho rằng địch ném bom hôm trước xong có thể trở lại bản Xoan kiểm tra nên đưa chúng tôi ra đây phục kích nhằm tiêu diệt địch bất ngờ trước khi chúng chuẩn bị tổ chức vào bản. Tại khu vực này vẫn chỉ có một cái đại đội địch hôm trước đã vào bản Xoan thôi.

Hôm ấy là một ngày dài. Chúng tôi ăn sángngay sau lúc đào xong hầm, trời còn tối. Sau đó là ngồi đếm thời gian trôi qua.Cái vệ đường xe bò này toàn cỏ tranh mọc hai bên, đã tươi tốt lại sau mấy trậnmưa đầu mùa. Bọn địch đi ngoài đường không dễ nhìn thấy chúng tôi, tuy hầm phụckích chỉ cách vệ đường chừng dăm mét. Nhưng công tác ngụy trang lại rất cầnthiết. Hôm đó máy bay trinh sát cánh bằng L19 của địch bay lượn rất nhiều. Nóđảo qua đảo lại khu vực Bản Xoan nhiều lần. Tôi che cỏ tranh kín đầu mà vẫn cócảm giác như thằng phi công địch nhìn thấy mình, vì những lúc nó chao cánh, tôithấy cái đầu phi công rõ mồn một. Lực lượng phòng không của ta trong chiếntrường rất yếu, nếu không muốn nói là không có, nên không quân địch gần như làmchủ bầu trời. Tiểu đoàn có một khẩu 12 ly 7, nhưng là để chi viện bộ binh đánhđịch mặt đất khi cần chứ không phải để bắn máy bay. Tuy rằng máy bay nó baythấp thế thì 12 ly 7 bắn quá tốt, nhưng nếu đem ra bắn máy bay thì lại sợ T28nó đến làm cỏ mình. Tóm lại, chúng tôi cứ bí mật ngồi im là tốt nhất. Cả ngàyhôm đó chỉ thấy L19 trên bầu trời, còn đưới đất tụi địch không đến. Trời tắtnắng, chúng tôi lại rút về bên bờ Huội Chăm-pi vì muộn thế này rồi thì cũngchẳng còn thằng địch nào hành quân ra nữa.


Đêm ấy, cả 2 B còn lại của C tôi và một vài đơn vị của tiểu đoàn cũng ra tuyến trước. Khu vực bản Xoan tơi bời được bàn giao cho C hỏa lực. Đại đội chúng tôi đi xuôi theo huội Chăm-pi xuống hơn một cây số nữa đến một cái bản có tên là bản Phiệt. Con Huội (suối-tiếng Lào) Chăm-Pi là con suối chính và lớn nhất trên cao nguyên Bô-lô-ven. Nó bắt nguồn từ bên A-tô-pơ sát dãy Trường Sơn chảy vòng qua thị trấn Pắc-Soòng trên cao nguyên Bô-lô-ven rồi men theo bờ phía Bắc con đường 23 chảy xuôi về Tây Nam. Đến ngã Ba Lào-ngam, nó bẻ ngoặt lên phía Bắc theo hướng Keng-Nhao để hòa nước vào một con sông từ Sa-ra-van chảy xuống. Con sông này chảy xuyên qua lộ 13 phía bắc thị xã Pắc-xế rồi đổ nước vào dòng Mê-Kông hùng vĩ. Song song với huội Chăm-pi luôn luôn có một con đường lớn là quốc lộ hay tỉnh lộ. Các bản Lào nằm ven đường thường có mật độ dày hơn so với các vùng khác, có khi cách nhau chỉ hơn cây số. Vào sâu phía trong cao nguyên thì có khi bản lại cách bản tới mấy giờ đi đường. Giữa chúng là các nương rẫy, các cánh rừng rộng lớn và nối với nhau bằng các con đường xe bò.

Chiến sự chỉ mới lan rộ lên ở khu vực này từ sau trận Bãi Đá, nên dân bắt đầu rời bản bỏ chạy. Họ mang theo đủ các vật dụng cần thiết, nhưng phải bỏ lại nhiều nhất hai thứ là gia cầm gia súc thả rông và các hũ rượu nếp chưa chưng cất trên nhà sàn. Bản Xoan và bản Phiệt cũng vậy, nhưng vì bản Phiệt ở xa địch hơn nên sau khi đào hầm bố trí quân ngoài bản, chúng tôi đã có thể túc tắc mò vào bản một cách thận trọng. Nếu ở nhà biết câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" thì bây giờ ở đây phải nói là "nhất lính, nhì ma, thứ ba tới quỷ" mới đúng. Chỉ mới tới bản một ngày, bố trí xong đội hình, đào xong hầm và tổ chức lùng sục là chúng tôi đã như những người chủ của bản Phiệt rồi. Nói thêm một chút là các đại đội bộ binh chúng tôi sau khi đến một địa bàn mới, bất kể ở ít hay nhiều ngày, thì song song với việc tổ chức đào hầm, bao giờ cũng phải tổ chức ít nhất 2 tổ đi lùng sục ra các hướng để nắm địa bàn và tình hình. Trinh sát tiểu đoàn có cách nắm địa bàn theo kiểu của họ (kết hợp nắm địch và thuộc địa hình), thì bộ binh chúng tôi cũng có kiểu lùng sục địa bàn của mình, càng ở nơi mới càng phải tổ chức lùng sục sớm, bán kính thường rộng ra tới cả cây số. Lần ấy địa bàn phải nắm chắc nhất là bản Phiệt và các con đường dẫn vào nó. Tất nhiên các nhà sàn, khu vực gà đậu ban đêm được tìm hiểu luôn. Bộ đội đi đến đâu cũng phải chấp hành chính sách dân vận, một trong nhiều chính sách bắt buộc phải thực hiện (như chính sách tù hàng binh, chính sách thương binh tử sĩ...). Nhưng đấy là khi ở cùng dân, tiếp xúc với dân cơ, chứ đằng này dân bỏ chạy hết rồi thì cũng nên coi như chỗ bỏ hoang. Ta không ăn thì địch nó cũng ăn, hoặc nếu không ai ăn thì lũ gia súc gia cầm cũng chạy hết vào rừng, lâu ngày rồi cũng thành thú hoang cả. Đấy, lính tráng thì chỉ nghĩ đơn giản như thế thôi (mà rồi sau này có nghiệm lại thì đúng là như thế thật). Thế mà các cấp chỉ huy (mà thực chất chỉ là dân chính trị) lúc nào cũng hô hào rất nghiêm khắc. Không may cho các chính trị viên là cứ phải đem thân mình ra mà làm gương cho lính. Nói cho cùng thì cán bộ chính trị nơi chiến trường là thiệt thòi nhất. Họ chính là sợi dây tư tưởng, sợi dây tinh thần xuyên suốt của Đảng từ trên xuống để tạo nên sức mạnh kỷ luật trong quân đội mà. Nhớ ngày xưa xem phim hay đọc truyện về chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên-xô, khi Hồng quân bị bắt, bọn Phát-xít chẳng mấy quan tâm đến các sĩ quan chỉ huy mà chúng chỉ nhăm nhăm truy hỏi ai là Chính ủy rồi đem bắn ngay không í ó gì hết. Chúng sợ truyền kiếp cáí đội ngũ Chính ủy Bôn-sê-vích trong Hồng quân.

Mệnh lệnh là mệnh lệnh và trong đơn vị tôi ai cũng tỏ ra chấp hành nghiêm chính sách dân vận. Nhưng về thực chất, các lính cũ đã láu cá vượt quá cả ma và quỷ rồi. Khi đào hầm chữ A để phục vụ chiến đấu thì hầm bao giờ cũng phải có hai cửa đối chéo nhau. Cái cửa phụ đáng lẽ bé và đơn giản hơn thì lại được làm to và tăng thêm ngách. Đấy chính là sào huyệt để tạo nên "bài ca ống cóng". Tất nhiên nếu chiến sự đang diễn ra ác liệt thì không nói làm gì, nhưng lúc này lại đang bình yên và cái bản Phiệt này đang do chúng tôi làm chủ. Thế là khi đêm đến, các đệ tử của "Thời Thiên" trong Thủy Hử liền ra tay. Các anh ấy có mẹo bắt gà và giết gà mà chúng không hề ọ ẹ lấy một tiếng. Đứng cách chục mét cũng chẳng nghe thấy gì. Thế là ngay từ đêm đầu tiên, từ những cái bếp trong ngách hầm phụ mà khi đun ban đêm cũng không lộ ra ánh sáng ấy, tiểu đội nào cũng có gà ăn. Chỉ toàn luộc thôi, vì món này ít bốc mùi thơm đi xa. Từ B trưởng trở xuống thì thông đồng với lính rồi. Các liên lạc cũng được giao đi truyền lệnh để xuống các B hưởng lộc. Đại trưởng chúng tôi cũng chả kém ai. Ông ấy cũng đi kiểm tra các B một cách thầm lặng. Cuối cùng chỉ còn mỗi CTV đóng chốt tại hầm chỉ huy và tất nhiên không hay biết gì. Tất cả ăn xong đều chùi mồm sạch sẽ. Còn những thứ bỏ đi thì cứ đào hố mèo thật sâu mà chôn.

Trong 4 ngày chúng tôi chốt giữ và lùng sục tại khu vực bản Phiệt, đám gia cầm vợi dần. Nhưng có sổ sách nào bàn giao gì đâu nên cũng chẳng ai phải lo lắng. Thú thực là chỉ thương cho thủ trưởng chính trị. Trong khi tất cả đều được bồi dưỡng hàng đêm thì anh ấy vẫn chỉ ngày ba bữa cơm nếp với muối rang. Thương mà cũng chẳng biết làm thế nào, vì chính sách dân vận nó thế, lộ ra với CTV thì chết cả nút. Sau này nếu anh ấy có biết cũng chỉ là do cảm nhận thôi chứ chẳng ai kể lại chuyện cũ bao giờ. Còn tôi, thú thực là khi ấy tôi thấy đời lính sao mà lắm chuyện lạ thế. Ở nhà sống chế độ tem phiếu, đâu có thể có thịt mà ăn thả phanh. Vào lính ngày huấn luyện thấy thủ trưởng nếm gần nửa cân thịt luộc đã thấy quá thèm. Bây giờ đi đánh nhau lại được ngồi ngắm trăng sao mà chén vã một mình tới nửa con gà to, thì không khỏi chạnh lòng nhớ thương cha mẹ và các em ở hậu phương đang còn nhiều khốn khó.

Sau bốn ngày cắm tại bản Phiệt, vì tình hình quá an toàn, hơn nữa địchcũng không đủ quân để bung ra khắp nơi, nên đại đội chúng tôi lại được lệnhquay trở lại khu vực bản Xoan để chuyển qua hướng khác. Chúng tôi rút đi,để lại bản Phiệt nguyên vẹn và còn nhiềusản vật. Vậy là kết thúc bốn ngày đóng chốt bồi dưỡng sức quân. Từ ngày mai sẽtrở lại với cơm nếp muối rang. Tiếc cũng chẳ làm gì bởi đời lính khi no lúc đóilà thường. 


K18 là tiểu đoàn chủ công của E9B. Trong các trung đoàn của ta thì bao giờ cũng vậy. Mỗi D mạnh về một mặt nào đó và ở D chủ công thì bao giờ cũng có cán bộ chỉ huy chiến đấu vững hơn. Vững ở đây không chỉ là lòng dũng cảm, mà còn là ý chí, mưu mẹo, quyết tâm và xử lý tình huống nhanh nhậy. Trong K18 chúng tôi thì C7 là chủ công (C7 đã từng được phong anh hùng), còn C6 chúng tôi lại mạnh về chốt giữ. Tất nhiên trong một C lại có B chủ công, nhưng tính cách biệt giữa các B không rõ rệt như các C trong tiểu đoàn. Chính vì thế mà trong khi C7 vẫn còn nằm lùi xa phía sau thì C6 và C5 cùng một B của C8 hỏa lực phải loay hoay ở phía trước để đánh địch nhỏ lẻ.

Trở lại khu vực bản Xoan, C6 chúng tôi lại làm dự bị cho C5 theo hướng ngược huội Chăm-pi để lần lên gần ngã Ba Lào-ngam (nằm trên đường 23). Chỗ ngã ba này có một bản gọi là bản Phin. Để lại một B ở bờ nam Huội Chăm-pi, còn hai B quay trở lại bờ bắc Huội. Chúng tôi phải tổ chức đào nhiều căn hầm chữ A suốt dọc con đường mòn đi từ tuyến sau lên theo hướng này. Con đường này là do trinh sát đạp đường mà thành, chứ không có trên bản đồ. Chiều dài của đoạn cần đào hầm cũng tới gần hai cây số. Con đường này sẽ là trục đường chính để chúng tôi ra ngã Ba Lào-ngam nên trước sau gì cũng sẽ bị địch phát hiện và ném bom hay bắn pháo. Không có hầm dự bị để ẩn nấp tránh pháo trên suốt cả một giông đồi dài thì thật nguy hiểm khi phải cùi đạn và gạo qua đây. Không những thế, chúng tôi còn phải đào hầm xây dựng thêm một khu trú quân tạm ngay gần suối, trong một vườn chuối rừng rộng lớn. Đào hầm trong rừng già có cảm giác rất an toàn, nhưng đào hầm trong vườn chuối thì thấy nó trống trải lạnh lẽo thế nào ấy. Có lẽ vì nơi đây ẩm ướt, lắm muỗi và làm lối đi cũng rất bất tiện.

Sau mấy hôm đào hầm, B tôi được làm nhiệm vụ cùi gạo và đạn ra tuyến trước. Vì đơn vị đã lót sẵn gạo và đạn ở vị trí trung gian, nên chúng tôi chỉ phải vận chuyển trên đoạn đường độ hơn một tiếng kể cả qua suối. Sau khi vượt huội Chăm-pi thì phải qua một cánh rừng nhỏ ven suối rồi, rồi ra một bãi trống chỉ toàn cây lúp xúp cao ngang đầu người, rộng tới sáu bảy trăm mét để tới khu rừng trú quân của C5. Ngay chỗ cửa rừng có một cái cây to cỡ gần hai vòng người ôm bị đổ, nằm xòa sát đất và chắn ngang đường. Các lính đi trước đã phạt bớt cành để tạo một lối đi trèo qua nó. Cái thân cây vướng cành nên nó không nằm hẳn sát đất mà còn kênh lên cách độ hơn hai chục phân. Chui qua dưới nó thì không được nên toàn phải trèo qua. Thân cây to quá nên ai muốn vượt qua nó cũng phải ôm rồi trườn qua, trông cứ như con nhái ôm cây tre ấy. Đí không còn đỡ, chứ vừa đeo súng vừa cùi gạo hay đạn thì rất khó khăn. Đi thêm nữa, đến lúc chuẩn bị vượt qua khu vực cây lúp xúp có nhiều bãi đất trống thì phải bẻ mỗi người một cành lá to rồi vừa đi qua đó vừa ngó nghé máy bay. Nghe thấy tiếng L19 là phải ngồi im, che cành lá lên đầu. Khi nó vòng xa thì lại nhổm người chạy nhanh một đoạn. Cứ như thế nên có khi phải mất đến mấy chục phút mới vượt qua được bãi trống. Hai ngày đầu không sao, đến ngày thứ ba khi vừa giao gạo xong cho C5, quay lại bãi trống thì chúng tôi gặp L19. Vì vội nên chúng tôi di chuyển hơi nhanh qua đó và bị L19 phát hiện. Khi thấy nó vừa chao cánh bắn xịt ra một quả pháo khói, anh Trịnh biết đã lộ nên hô chúng tôi vùng dậy vứt cây ù té chạy. Thế mà chỉ một tẹo sau thôi, hai chiếc T28 từ đâu đã vè vè bay đến, cứ như là nó phục kích sẵn ở đâu đó vậy. Khi chúng tôi vừa thoát vào đến cửa rừng thì cũng là lúc chiếc T28 đầu tiên chúi xuống thả bom. Chỉ còn mỗi cách ẩn nhanh vào rừng mới mong thoát. Cả 4 người chúng tôi cứ cắm đầu chạy, kệ cho bom nổ rầm rầm sau lưng. Chạy thoát đến suối rồi mới nằm vật ra thở. Một lúc sau, chợt nhớ ra chúng tôi hỏi nhau lúc chạy về có qua cái cây đổ không nhỉ, vì chúng tôi không ai còn nhớ đã vượt qua cái cây đổ đó như thế nào. Nhảy hay bay qua không biết nữa. Có lẽ giữa cái sống và cái chết, con người ta chợt có thêm sức mạnh phi thường thì phải.

Mấy ngày sau đó, đám tân binh chúng tôi được học súng M79 và B40. Lúc này trong đơn vị chưa có B41. Người dạy là lính cũ thôi. Phần lý thuyết như tác dụng sát thương, liều phóng, nguyên lý đạn lõm... chỉ học sơ qua để biết. Chủ yếu là thao tác bắn súng. Phải lắp đạn như thế nào, bắn ra sao, địa hình nào thích hợp, tư thế bắn... là phải nghe kỹ mà nhớ. Tiếp theo là tập suông chứ không được bắn đạn thật. Rồi lại được học bắn rocket66 (M72) của địch. Ở chiến trường này, tụi bộ binh địch cũng chỉ có trang bị bản thân gọn nhẹ như lính ta. Súng bắn thẳng thì có AR15, cạc-bin. Hỏa lực tại chỗ có M79, trung liên Bar, cối 61 và mỗi thằng thường có thêm khẩu M72 bắn một lần. Cấp tiểu đoàn của chúng cũng có cối 81. Cả ta và địch đều không có đại liên. Như vậy có 3 loại vũ khí của địch mà chúng tôi có thể lấy để dùng lẫn gồm lựu đạn, cối cá nhân M79 và rocket M72. Còn những vũ khí khác thì phân biệt của địch của ta rõ ràng, không dùng lẫn.

Một hôm tôi được cùng các anh lính cũ đi cải thiện. Chúng tôi ra trận địa bãi Đá lấy giấy dầu (vải tẩm dầu bọc đạn pháo của địch) về làm nến và sang vườn dứa cạnh đó bẻ dứa về làm thức ăn. Nơi đây khi trước lúc quân ta chưa đánh đến thì vẫn có bản và những nương rẫy của dân nằm sát ngay căn cứ địch. Vườn dứa rất to này cũng chỉ nằm cách hàng rào căn cứ độ trăm mét. Dân họ sống với địch cũng thân thiện. Tôi bắt đầu biết thế nào là nhiệm vụ đi "cải thiện" trong chiến trường. Đó là việc đi tìm những thứ ăn được đem về đơn vị làm thức ăn hay bổ sung cho nguồn quân lương còn ít ỏi của lính. Ở trận địa Bãi Đá, các anh còn dẫn tôi đi xem lại cửa mở khi trước, xem bố trí hầm của địch và ta đã đánh như thế nào để hình dung ra, sau này về còn học chiến thuật.

Ngày 7 tháng 5 năm đó, cả tiểu đoàn được làm thịt một con bò, Chắc khôngphải kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức, mà đơn giản vì lâu quá rồi đơn vịchưa được ăn thịt. Thêm một điều quan trọng nữa là ngày mai chúng tôi lại phảira khu vực bản Phin đánh địch, thay cho C5 về hậu cứ.ong suốt cả quãng đờicầm súng là cây AK của tôi luôn có sẵn một viên đạn lên nòng, bất cứ là đang ởtuyến trước hay về hậu cứ tuyến sau. 

Chưa đến nửa đêm, khi suất cơm chiều có thịt bò còn chưa tiêu hết thì chúng tôi được lệnh hành quân. Lần này chúng tôi ra bản Phin, nằm cách ngã Ba Lào Ngam chừng độ cây số. Dân cũng chạy hết từ lâu. Trinh sát tiểu đoàn bám địch cho biết hiện trong bản không có địch. Ngoài căn cứ chính tại ngã Ba, bọn địch cũng nống ra đóng dã ngoại ven đường 231 nhưng còn cách bản khá xa.


Một giờ sáng, trung đội tôi đã vào bản bố trí vị trí và tổ chức đào hầm. Hai trung đội còn lại nằm ngoài bản, lui xa đến mấy trăm mét. Bản Phin khá rộng, nhà sàn nhiều hơn, to hơn nhưng ít cây cối hơn bản Xoan. (Mấy năm qua ở Hà Nội có nhiều đại gia mới phất đua nhau lên vùng dân tộc mua nhà sàn và tháo ra chở về lắp ở Hà Nội hay ở các trang trại đồng bằng cho có vẻ hoang dã. Tôi cũng đã ngó nghé qua vài nơi, nhưng những căn nhà sàn ấy thua xa các nhà sàn của dân Lào ở các bản to trên cao nguyên Bô-lô-ven, kể cả ở cái bản Phin này). Phần lớn các căn hầm của chúng tôi đều bố trí sát các căn nhà sàn để còn lợi dụng chúng mà tránh mảnh pháo. Cũng chỉ đào hầm bằng thôi. Đào gần nhà sàn còn dễ vì đất mềm chứ nếu đào hẳn dưới gầm nhà sàn thì đất cứng lắm vì đó là đất nện. Người Lào cũng thả rông gia súc nhưng đặc biệt không có cái kiểu buộc trâu bò dưới gầm sàn nên cũng khá vệ sinh và đỡ muỗi.

Trời sáng, chúng tôi chia nhau ngồi chốt. Địch không vào bản, nhưng chúng nó cũng bố trí trận địa và đào công sự không cách xa bản bao nhiêu, vì sáng hôm đó chúng tôi nghe tiếng chúng nó chặt gỗ lạch cạch ở cánh rừng ngoài bản. Buổi chiều, anh Trịnh kéo tôi ra phía đầu bản và leo lên một cái nhà sàn ở phía đó. Nói thật là cũng hơi liều nếu như địch nó phục kích lại mình sát ngay bản thì coi như tiêu. Nghé qua một khe cửa sổ, chúng tôi nhìn ra được một bãi trống khá rộng. Chắc công sự của địch ở đám rừng phía bên kia bãi. Nhòm ngó được độ hơn chục phút, định mò về thì thấy có ba thằng địch xuất hiện và đi ra ở phía bên kia bãi trống. Chúng nó không phải định đi lùng sục vì chỉ có 3 thằng thì quá ít. Ba thằng đó bước rất thong thả ra bãi trống rồi hành động như các diễn viên phường tuồng. Một thằng vung tay chỉ về một hướng, thế là thằng cầm M79 "cốc" ngay một quả về hướng đó, nổ "oành". Tiếp theo thằng thứ ba lại trỏ tay về một hướng khác và một quả cối cá nhân lại "cốc...oành" về hướng ấy. Cứ như chúng nó chơi trò nghịch ngợm gì vậy. Đến lúc chúng nó "cốc...oành" hướng vào bản thì tôi và anh Trịnh giật mình. Chuồn thôi chứ không có khi chẳng phải đầu lại trúng tai thì phiền. Chúng tôi rút về hầm rồi mà vẫn cứ thấy tiếng nổ "cốc...oành" quả Đông quả Tây mãi như thế. Đúng là cái bọn thừa đạn. Anh Trịnh bảo có đạn bắn chơi thả sức như thế cho nên chúng nó mới đa phần bắn giỏi hơn ta, vì luyện tập thường xuyên thế mà lại. Nghĩ cũng phải. Quân ta không có đạn hỏa lực để bắn tập thật đã đành, ngay cả đạn AK khi về hậu cứ tít mãi đằng sau cũng đâu có được bắn chơi (hay thậm chí bắn chim chóc) để tập. Chỉ còn cách nâng cao trình độ qua các trận đánh thôi.

Đêm đến, đại đội tăng cường thêm một B nữa vào Bản Phin. Chúng tôi bố trí lại hầm theo một hình cánh cung quây vào lòng bản. Hôm sau, vừa mới bảnh mắt, địch đã nã pháo và cối vào bản ầm ầm. Lại cảnh cây đổ nhà sập. Tụt người xuống cái hầm bằng được chắn trên nắp bằng hơn nửa mét đất mà cứ nghe tiếng đất dội nảy lên thình thình, mong trời khấn phật đừng có quả pháo nào rơi trúng vào hầm mình. Dập pháo được nửa tiếng thì bọn địch ngưng bắn và xua bộ binh vào. Chúng tôi khi đó chưa có ai bị thương vong, đã đón đánh chặn địch ngay từ đầu bản. Trong cảnh chiến trận ấy, tôi vẫn nhận rõ tiếng súng ta giòn hơn tiếng súng địch. Chúng tôi đứng trong công sự bắn ra, nhưng địch dựa vào địa hình là các cây hay các cột nhà bắn vào nên chúng cũng chẳng hề lép vế. Chúng nhiều đạn hơn nên bắn liên tục như vãi đạn. Phía ta, công bằng mà nói chỉ có AK là được hơn 200 viên đạn, còn B40 mỗi khẩu chỉ có 5, 6 quả đạn, M79 mỗi khẩu 40 viên nên cũng phải bắn dè sẻn. Trong ngày thì chẳng có ai tiếp tế đạn cho đâu, nên có nhìn thấy địch mới được bắn. Hai bên đã lộ diện thì khi địch muốn vào chỗ nào, chúng nó tập trung bắn dữ dội chỗ đó. Ta và địch đều không biết quân số của nhau, chỉ đoán áng chừng theo tiếng súng. Được chừng hai đợt xông vào bản bắn dữ dội như thế không ăn thua gì nên bọn địch rút ra. Cả hai bên đều không có tử sĩ.

Đầu giờ chiều, đại trưởng Băng cho một tổ ra đầu bản thăm dò rồi quyết định kéo chúng tôi vượt hẳn ra ngoài bản phục sẵn để đánh địch bất ngờ nếu chúng vào tiếp trong bản. Chẳng còn thì giờ đào công sự, chúng tôi nằm phục một bên mé đường xe bò. Cứ nằm tơ hơ trên mặt đất như thế thấy lạnh lưng lắm. Giá có cái hầm dù bé cũng yên tâm hơn.

Rồi địch lại bắn pháo vào bản. Cái bài nã pháo rồi dấn bộ binh là cách đánh muôn thuở của địch. Chúng tôi nằm ngoài bản nghe tiếng pháo nó ù ù xoèn xoẹt bay vượt qua đầu mình rồi nổ rầm trong bản mà cũng thấy hơi lạnh người. Tiếng đạn pháo lúc nó lao xuống đất mà gần chỗ mình thì thấy tiếng nó nặng lắm, cứ như đè mình xuống. Hết đợt pháo, chúng tôi ngỏng cổ lên nghe ngóng. Chẳng phải chờ lâu đã phát hiện thấy tốp địch đi đầu trên đường xe bò, chừng độ dăm tên. Chúng đi thưa và thận trọng, nhưng chắc không nghĩ chúng tôi mò hẳn ra đây phục sẵn nên cứ thong thả mà lọt vào đội hình quân ta. Không thể chờ tốp thứ hai vì chúng đi cách quá xa, đại đội ra lệnh nổ súng. B40 và AK tập trung quất ra đồng loạt rầm rầm nên chẳng thằng nào còn sống mà kịp bắn trả. Bọn địch ở tốp sau liền nằm ngay trên mặt đường mà bắn trả lại dữ dội nên chúng tôi cũng không thể xung phong ra mà thu súng. Nằm đấy cũng không ổn vì địa hình trống trải, chúng tôi phải rút ngay về bản, cứ lom khom ven đường đạp qua bãi tranh mà chạy. Pháo binh địch quả là lợi hại vì chúng tôi vừa về đến mấy cái nhà sàn là đạn pháo đã rót đến rồi. Chúng bắn rải từ đầu bản rồi chuyển làn sâu dần vào trong, đạn như đuổi theo sát nút chúng tôi vậy. Lại chúi xuống dưới mấy cái gầm nhà sàn. Lần này chúng dùng pháo lớn hơn hay sao ấy, nên nhà sàn trúng đạn là sập luôn. Hai B chúng tôi tản ra hai phía rìa bản. Mấy cái hầm đào hồi đêm trước không làm chúng tôi yên tâm vì nó mong manh quá nên chẳng ai chui xuống. Thế là cả bọn cứ chúi vào cái gầm nhà sàn nào to mà còn nguyên vẹn. Tôi cũng cảm thấy sợ, cứ bám theo anh Trịnh, rồi cả hai lao vào chỗ B trưởng Quân đang nấp. Anh ấy chửi rầm lên, bảo chúng mày tản ra ngay, muốn chết cả nút à. Nhưng giữa cái lúc đạn nổ rầm rầm như thế thì chạy đi đâu? Thôi, thà chết một đống còn hơn sống một người, chửi thì chửi, chúng tôi cũng cứ chúi vào. Cái cảm giác lúc đó hoang mang ghê sợ lắm, tưởng chết hết cả lũ đến nơi. Sau này chúng tôi có bị pháo bắn nhiều lần nhưng không hề giống cảm giác hôm ấy, vì đa phần là ở chốt có công sự chắc chắn, chết chỉ còn do số mà thôi.

Hết đợt pháo, đại đội kiểm điểm quân số.Chỉ có một anh lính cũ ở B khác bị mảnh pháo vào bắp chân, còn B tôi không sao.Xem lại vũ khí thấy đạn hỏa lực bắn gần hết. Chiều tối, tất cả rút ra khỏi bản,về vị trí của 1 B bên ngoài cách xa bản tới năm trăm mét. Sau một ngày mệt rãrời, thế mà vẫn phải đào hầm hì hục cả đêm. Không còn cách nào khác. Căn hầmluôn là chiếc vỏ bọc như áo giáp và ấm áp che chở cho người lính nơi chiếntrường.   

 Hôm sau, phía bản Phin yên ắng. Có lẽ những chỗ đã bắn nát rồi thì địch cũng bỏ, coi như đã xác định được khu vực có quân ta. Ta và địch đều có công tác trinh sát thăm dò nhau. Phía ta là những tốp trinh sát, còn bên địch là những toán thám báo. Bọn địch đóng quân thành các căn cứ công khai vì chúng lập tuyến và có máy bay và pháo binh yểm trợ sẵn sàng. Quân ta chủ yếu ở rừng bí mật, thay đổi vị trí đóng quân thường xuyên. Ngay cả ở tuyến trước, việc lập chốt tức là tạo trận địa công khai, nhưng cũng chỉ qua một hai trận, lộ là lại chuyển chốt ngay. Vì thế thám báo địch khó nắm tình hình đối phương hơn trinh sát ta. Nhưng nếu vị trí trú quân của ta, dù là vị trí tạm mà bị lộ thì ăn đủ bom pháo ngay.


Sáng hôm ấy, chúng tôi tiếp tục củng cố hầm và làm công tác ngụy trang. Trinh sát tiểu đoàn bám địch báo về, địch tiếp tục đưa thêm quân từ trong Phù Chiêng ra khu Lào Ngam. Tại Phù Chiêng là căn cứ chính của GM41 của địch. Vùng Hạ Lào này còn có một trung đoàn cơ động chủ lực của địch nữa là GM42 và một số tiểu đoàn bảo vệ quanh Pắc-xế. Bọn Thái Lan cũng có một trung đoàn, trong đó tiểu đoàn 621 Thái lập căn cứ có công sự vững chắc ngay tại Lào Ngam, nằm về phía Nam đường 23. Mấy ngày qua chúng tôi chủ yếu đánh nhau với một tiểu đoàn Lào của cái GM41. Chúng nó đóng sâu trong Lào Ngam nhưng liên tục nống ra lập trận địa dã ngoại đánh chặn quân ta.

Buổi chiều, B tôi được lệnh lùng sục trinh sát ra đường 231. Tiểu đội thằng Đức (Cầu Giấy) được cử đi, gồm 4 người, 3AK và 1B40. Trong đơn vị tôi, tất cả các loại hỏa lực như B40, M79 đều giao cho lính cũ nhiều kinh nghiệm sử dụng, chứ bọn tân binh chúng tôi mới vào thì chỉ có AK thôi. Thằng Đức được cử đi đầu. Thằng này trắng trẻo, to con và cao tới 1m67. Thế là cao lắm rồi vì lính tráng chúng tôi thời đó đa phần chỉ cao từ 1m58 tới 1m62 thôi, cho nên trong hàng quân thì bao giờ cái đầu của nó cũng nhô cao hơn hẳn lên. Cắp AK đi đầu mà thằng này cứ đứng thẳng người, bước thẳng tưng như đi chơi ở chỗ không người. Anh Pha A trưởng của nó quát bảo phải khom người cúi thấp xuống mà đi, chậm chậm và thăm dò chứ phưỡn người ra như thế khác nào khiêu khích địch. Lộ ra nó nện cho một phát chết ngoéo bây giờ. Quát bảo thế, thậm chí nắm đầu mà dúi xuống, nhưng chỉ được ba bước là nó lại đứng thẳng lưng lên mà đi. Vài lần như thế, cứ như là trêu ngươi lính cũ vậy. Cáu tiết quá nhưng không làm gì được, vì nó cứ giơ cái mạng sống của nó ra mà đi như thế chứ có phải nó chạy lùi đâu, mà nó cũng chẳng tỏ ra sợ sệt gì cả. Cuối cùng anh Pha đành phải đi đầu và tống nó xuống cuối đội hình. Có lẽ cái xương sống của thằng Đức không cong được chứ không phải nó muốn trêu ngươi ai. Sau này đánh nhau cũng thế, nó cứ thẳng lưng mà chạy, mà xung phong. Nửa năm sau khi ngoài Sa-ra-van, trong một trận đánh vận động, nó bị trúng một mảnh đạn cối, xuyên vào phổi và vẫn mắc ở trong đó tới giờ. (Bây giờ nó là thương binh, là doanh nghiệp tư nhân buôn bán thuốc tây ở Quận Cầu Giấy).

Chiều hôm ấy tiểu đội anh Pha không phát hiện thấy địch. Cái trận địa dã ngoại ngoài bản Phin của bọn địch hôm trước cũng đã bỏ không. Chúng tôi lại trải qua một ngày không tác chiến.

Hôm sau, tiểu đoàn tập trung C5 và C6 tổ chức lùng sục vũ trang sang hẳn khu Lào Ngam. Bây giờ đến lượt tôi đi đầu tiểu đội. Anh Trịnh bám sát ngay sau tôi để chỉ dẫn. Các A khác cũng bám ngay sau A tôi. ra đến gần đường 231, chúng tôi thận trọng thăm dò tình hình. Chỗ này rất nhiều cây lúp xúp, xen kẽ nhiều cây nhỏ chỉ độ bắp chân mọc thưa, tầm nhìn không xa lắm. Đi một đoạn, chúng tôi lại ngồi xuống quan sát qua các khe thân cây rồi mới đi tiếp. Càng đến gần vùng đường 231, nơi mà trinh sát bám địch đã cảnh báo, chúng tôi càng thận trọng. Đến nửa buổi sáng hôm ấy thì chúng tôi phát hiện thấy địch. Chúng nó cũng đào công sự dã ngoại, hầm không nắp và không có hàng rào. Chúng tôi bò sát vào đến cách độ vài chục mét. Đại đội ra lệnh giá hai khẩu cối 60, nện vào đó hơn chục trái rồi chúng tôi bắt đầu đánh. B40 tập trung bắn mạnh, rồi chúng tôi xung phong, vừa chạy vừa bắn AK. Địa hình thưa nên M79 bắn thẳng rất tốt. Bị đánh vỗ mặt, bọn địch vừa bắn trả, vừa rút. Chúng tôi chiếm được mấy cái công sự bên ngoài. Vì dã ngoại nên địch không đào giao thông hào. Theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ vừa lợi dụng địa hình địa vật, vừa đánh lấn từ hầm này sang hầm khác của địch. Nhưng mới chỉ được một đoạn, vượt qua được mấy cái xác địch ở khu công sự ngoài thì chúng tôi bị chặn lại. Địch đã kịp tổ chức lại và điều quân từ phía sau lên. Hai khẩu trung liên Bar của địch quạt chéo cánh sẻ vào đội hình chúng tôi. A trưởng Soán của B4 bị một viên vào mặt văng mất hàm dưới làm một mũi tấn công khựng lại. Cùng lúc địch dùng M72 bắn lại dữ dội. Rồi cối 61, cối 81 của địch rót vào khu vực trận địa mù mịt. Súng đạn bản thân của chúng tôi có hạn, chưa tiến được bao nhiêu thì B40 đã gần hết đạn, chỉ còn trông chờ M79 và AK. Chúng tôi phải nằm bẹp lại và tản thưa ra tránh đạn cối. B40 đạn ít mà địch không tập trung thì tác dụng thấp, lại bị địch chú ý tập trung tiêu diệt vì chúng rất sợ B40. Có lẽ cả đại đội mấy chục tay súng chúng tôi cũng không thể tiêu diệt được cái đại đội này của địch. Đại đội ra lệnh bắn cối 60 chi viện và gọi cối 82 của tiểu đoàn. Cả trận địa cứ mù mịt cả lên.

Một khẩu cối 60 của C tôi bắn được mấy trái thì gặp nạn. Có lẽ do liều ẩm, trái trước chưa ra khỏi nòng thì anh Đối đã thả trái sau. Hai trái cối đội đít nhau nổ ngay đầu nòng làm anh Đối và một anh nữa hy sinh. Khẩu cối vỡ toác nòng. Còn một khẩu cối 60 nữa bắn cầm canh cùng cối 82 của tiểu đoàn chi viện cho được độ hai chục trái. Chúng tôi không đủ sức đánh tiếp nữa nên rút lui. Bây giờ mới gay go. Cả một vùng cây thưa, rừng thấp rộng lớn mà chúng tôi phải băng qua không che nổi đạn pháo của địch rót tới. Kẻ địch mạnh và dư thừa về bom pháo. Động một tí là chúng gọi pháo. Bom pháo luôn là mối đe dọa kinh hoàng đối với chúng tôi sau mỗi trận đánh. Không rút nhanh, thoát ra được nhanh, kể cả khi ta đã làm chủ trận địa thì khả năng thương vong rất cao. Trên đường chúng tôi rút chạy về đến khu tạm trú ở Huội Chăm-Pi (chỗ đó có hầm chữ A vững chắc và chưa bị lộ). thêm 4 người nữa hy sinh về đạn pháo, 3 người bị thương. Thế là chỉ trong một trận đánh không lớn vào buổi sáng đại đội tôi đã hy sinh mất 6, bị thương 4 và chúng tôi cũng chỉ còn đủ sức khiêng vác tất cả về đến huội Chăm-pi. May là địch chỉ gọi pháo bắn chứ không tổ chức truy kích chúng tôi.

Phía C5 cũng không hơn gì chúng tôi. Họ bị địch phát hiện và tấn công trước. Bên đó lại còn không được cối 82 của tiểu đoàn hỗ trợ. Thực chất tiểu đoàn có lẽ cũng định tổ chức lùng sục vũ trang, gặp đơn vị nhỏ của địch, đánh phủ đầu tiêu hao sinh lực của chúng thôi, không ngờ cả 2 C đều gặp lực lượng lớn của địch. Không kể bị thương, C5 cũng có 5 tử sĩ.

Cả hai đại đội chúng tôi khiêng thương binh, tử sĩ kéo nhau vượt về bờBắc huội Chăm-pi, đến tập kết tạm tại khu vườn chuối. Bây giờ cũng đã giữachiều rồi còn gì. 


Cả hai đại đội dồn cục lại khu vườn chuối, bây giờ mới giở cơm ra ăn vội. Cổ khô, chán chả muốn ăn.

Thương binh được tập trung, vừa khiêng vừa dìu về ngay tuyến sau. Từ đây về đến trạm xá trung đoàn cũng phải bảy tám tiếng. Tiểu đoàn chỉ có một y sĩ và một y tá nên cũng chỉ sơ cứu được thôi. Mỗi C có 3 y tá đấy, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì hơn. Tất cả tử sĩ được liệm trong vải dù trắng. Cũng phải có người khiêng về tuyến sau chứ, vì nghĩa trang của tiểu đoàn cũng phải đi xa tới dăm tiếng.

Không thể để mất vị trí bờ huội Chăm-pi, trước khi trời tối, cả hai C5 và C6 lại phải sang giữ Nam huội Chăm-pi chặn địch. Tất cả 11 tử sĩ được xếp nằm trong vườn chuối, giao cho tôi ở lại canh ban đêm. Sáng mai sẽ có lực lượng của C7 ra khiêng về.

(Trong trung đoàn tôi cũng có C25 gọi là C vận tải. Không biết quân số của họ là bao nhiêu, nhưng nhiệm vụ của họ chủ yếu là cùi gạo đạn và vận chuyển đồ đoàn của sở chỉ huy trung đoàn. Suốt thời gian chiến đấu ở E9b, tôi chưa bao giờ gặp họ đi cáng thương binh hay tử sĩ từ trận địa về bao giờ. Vì thế khi xem chuyện về Biên giới Tây Nam, tôi rất ngạc nhiên khi biết ở đó lính vận tải phải mang đạn ra tận trận địa cho bộ binh và nhận luôn nhiệm vụ cáng thương binh tử sĩ về).

Lúc mới nhận nhiệm vụ một mình ở lại bãi chuối ban đêm trông tử sĩ, tôi chưa nhận thức được điều gì và chưa thấy sợ. Nhưng khi mọi người đi hết rồi, chỉ còn lại một mình với khẩu AK, một nắm cơm nếp và trời cứ tối dần thì tôi bắt đầu thấy sờ sợ. Cả cái vườn chuối rừng rộng lớn cây mọc đều nhau, trong đêm đen trông lờ mờ như những người đang đứng. Gió xào xạc, lá chuối phất phơ. Ở trong rừng chuối lạnh lẽo lắm chứ không ấm cúng như trong rừng già. Có mấy cái hầm chữ A đấy, nhưng cái nào cũng xâm xấp nước vì ở gần suối, nên không thể chui vào đó được. Trong đêm tối nhờ nhờ, dãy tử sĩ nằm nổi lên trắng toát, vẫn còn tanh mùi máu. Tôi cũng không phải là thằng sợ ma lắm vì ở nhà cũng rất hay nghịch ngợm, thường hay rủ bọn trẻ con ra bãi tha ma chơi đánh trận giả. Chơi chán thì dọa nhau rồi chạy. Trơ ra thì có khi còn ngủ quên cả ngoài đó vì trời mát, người nhà phải ra gọi về. Thế mà ở đây, đồng chí đồng đội mình nằm chứ ai, lại có khẩu AK lên đạn sẵn, thế mà vẫn thấy gai gai lành lạnh. Tôi không sợ địch vì biết chắc ở chỗ này cũng chẳng có ma nào mò tới. Bọn thám báo nó sục ở mé rừng già cơ, chứ chỗ này ngách cụt, chẳng ra thế trận gì cả thì chúng cũng chẳng màng. Có lẽ đơn vị phải cử tôi trông vì sợ có con thú nào nó mò vào đây chăng. Tôi mới vào chiến trường, chuyện trò với các anh lính cũ không được bao nhiêu, nên chẳng biết ở đây có hổ không. Nói dại chứ hổ nó mò vào thì tôi làm sao mà đánh lại được nó như ông Võ Tòng đánh hổ ở đồi Cảnh Dương trong Thủy hử. Tôi lại lan man nghĩ đến những con kỳ đà bới mộ ăn xác chết trong chuyện "Đất rừng phương Nam" của Đoàn Giỏi. Đêm tối thế này nhìn không rõ mà có độ mấy con to như con cá sấu già sồn sột bò đến thì biết xử lý ra sao. Cứ nghĩ thế mà màn đêm xuống muộn lắm rồi tôi vẫn chưa lôi được gói cơm ra ăn.

Chừng nửa đêm thì trời mưa. Nhẩm lại từ hôm tôi vào đại đội đến nay đã hơn hai tuần, đúng là mùa mưa rồi đấy mà tận hôm nay mới gặp mưa. Mưa khá to và dai dẳng suốt đêm. Tôi lấy tấm ni-lon ra quấn quanh người, bấm bụng lấy can đảm rồi rà một lượt đi quanh các tử sĩ. Mưa làm ướt hết tấm vải dù liệm xác, ướt hết cả tử sĩ, nhưng cũng chẳng có gì để che. Tôi đành quay về tìm một khóm chuối rậm rồi cứ để nguyên ni-lon quấn quanh người mà chui vào đó, ngồi co ro cho đỡ nước mưa và đỡ lạnh. Rồi cũng phải chén hết nắm cơm. Giá đây là căn hầm có rải cỏ tranh khô ráo thì tôi cũng đánh liều mà làm một giấc cho đỡ mệt. Nhưng cái bụi chuối này chỉ che được mưa tạt trực tiếp thôi, chứ không có hơi ấm. Lúc ấy tôi chưa nghiện thuốc lá, chưa có cái bọc thuốc rê như của lính cũ nên cũng chẳng có gì giúp làm mình ấm hơn. Không ngủ được và cứ ngồi co ro như thế nhìn ra ngoài chỗ để tử sĩ.

Trong số các anh nằm kia, tôi cũng chỉ mới biết một hai người. Cũng chưa hiểu rõ tính tình các anh, quê quán nơi nào. Các anh vào lâu chưa, đánh bao nhiêu trận rồi. Bây giờ các anh ấy đã sớm trở về lòng đất. Cuộc đời đã khép lại, món nợ trần gian đã hết. Đã ai có vợ con gì chưa. Bao giờ thì gia đình các anh ấy nhận giấy báo tử. Tôi cứ nghĩ lan man rất dở hơi như thế mãi. Cái điệp khúc này dễ làm nao núng lòng người, dễ dẫn người ta đến con đường đảo ngũ lắm. Trong bộ đội, người ta yêu cầu sinh hoạt thường xuyên, dù ở tuyến trước hay tuyến sau, chính là để lính ta hướng vào hoạt động tập thể, giảm bớt cái khoảng thời gian suy nghĩ vẫn vơ dễ làm cho người ta sinh ra tư tưởng. Thế mà bây giờ tôi ngồi đây cả đêm mà nghĩ lung tung như thế thì thật không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi thoáng nghĩ đến con đường hành quân trên Trường Sơn. Đường vào gian nan một thì đường ra chắc phải khó gấp đôi. Nhưng tôi đã quyết ra đi không quay gót rồi mà. Nếu không đỏ ngực thì phải xanh cỏ thôi. Con đường chinh chiến phía trước còn dài và mịt mù lắm. Đã ai dám hẹn được ngày quay trở lại. Trong khó khăn, đói rét và cơ cực thì còn quyết tâm là mình phải sống, phải vượt qua chứ đời lính chiến thì đố ai dám quả quyết là mình phải sống. Chẳng ai đoán trước được số phận con người. Cứ xác định là rồi đến lúc nào cũng tới lượt mình ngã xuống thì còn thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Điều an ủi có thể làm yên lòng là mình đã thay cho gia đình để góp vào sự hy sinh chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến này mà gia đình nào cũng có nghĩa vụ đóng góp.

Cuối cùng trong cái mưa lạnh ấy, về gần sáng tôi cũng chợp mắt được một lúc trong cái thư thế co ro trong bụi chuối. Ngủ đấy nhưng cũng tỉnh rất nhanh khi có tiếng động trên đầu dốc. Trời đã tảng sáng nhưng vẫn nhòa trong cơn mưa. Một đoàn lính của C7 theo sau một người của C tôi đi tới. Tất cả nhanh chóng xếp các tử sĩ vào cáng rồi khiêng đi. Mưa to, đường trơn thế này thì chắc cũng phải đến chiều mới tới nghĩa trang. Tôi trở về bên kia huội Chăm-pi với đại đội ngay sáng hôm ấy.

Buổi chiều, tôi lăn ra sốt. Cơn sốt rét rừng đầu tiên. Thoạt đầu là thấymệt mỏi, đau đầu. Rồi lạnh, cái lạnh như từ trong người chui ra. Tôi chúi xuốngcái hầm chữa A xếp đầy cỏ tranh nằm sóng xoài. Đến khi hết rét thì người và đầunóng bừng bừng, rồi thiếp đi, miên man không biết đến thời gian. Dọc đường hànhquân trên Trường Sơn, chúng tôi được phát mỗi người một cái lọ nhựa có 50 viênNi-va-quin. Mỗi tuần làm một viên để phòng chống. Có mấy thằng bị sốt dọc đườngđã phải dùng theo chế độ 4 viên một ngày. Bây giờ đến lượt tôi. Lấy ngay lọthuốc của mình chứ y tá chưa có cho thuốc men gì. Đến tối anh Trịnh đưa cho nắmcơm nếp, thấy khô và đắng lắm. Giả dụ có muốn ăn cháo thì ở đây cũng chẳng ainấu cho mà ăn. Chỉ muốn nằm thôi vì nhỏm dậy là thấy chóng mặt vô cùng. Tôi cứốm vạ vật như thế mấy hôm, mặc cho đơn vị cứ thay nhau lên chốt. Nhưng hình nhưcũng chẳng có đánh nhau. Sau lưng nước huội Chăm-pi dâng cao do nước lũ đổ về,ngăn cách hẳn đơn vị với tuyến sau. 


Hôm sau, phía bản Phin yên ắng. Có lẽ những chỗ đã bắn nát rồi thì địch cũng bỏ, coi như đã xác định được khu vực có quân ta. Ta và địch đều có công tác trinh sát thăm dò nhau. Phía ta là những tốp trinh sát, còn bên địch là những toán thám báo. Bọn địch đóng quân thành các căn cứ công khai vì chúng lập tuyến và có máy bay và pháo binh yểm trợ sẵn sàng. Quân ta chủ yếu ở rừng bí mật, thay đổi vị trí đóng quân thường xuyên. Ngay cả ở tuyến trước, việc lập chốt tức là tạo trận địa công khai, nhưng cũng chỉ qua một hai trận, lộ là lại chuyển chốt ngay. Vì thế thám báo địch khó nắm tình hình đối phương hơn trinh sát ta. Nhưng nếu vị trí trú quân của ta, dù là vị trí tạm mà bị lộ thì ăn đủ bom pháo ngay.

Sáng hôm ấy, chúng tôi tiếp tục củng cố hầm và làm công tác ngụy trang. Trinh sát tiểu đoàn bám địch báo về, địch tiếp tục đưa thêm quân từ trong Phù Chiêng ra khu Lào Ngam. Tại Phù Chiêng là căn cứ chính của GM41 của địch. Vùng Hạ Lào này còn có một trung đoàn cơ động chủ lực của địch nữa là GM42 và một số tiểu đoàn bảo vệ quanh Pắc-xế. Bọn Thái Lan cũng có một trung đoàn, trong đó tiểu đoàn 621 Thái lập căn cứ có công sự vững chắc ngay tại Lào Ngam, nằm về phía Nam đường 23. Mấy ngày qua chúng tôi chủ yếu đánh nhau với một tiểu đoàn Lào của cái GM41. Chúng nó đóng sâu trong Lào Ngam nhưng liên tục nống ra lập trận địa dã ngoại đánh chặn quân ta.

Buổi chiều, B tôi được lệnh lùng sục trinh sát ra đường 231. Tiểu đội thằng Đức (Cầu Giấy) được cử đi, gồm 4 người, 3AK và 1B40. Trong đơn vị tôi, tất cả các loại hỏa lực như B40, M79 đều giao cho lính cũ nhiều kinh nghiệm sử dụng, chứ bọn tân binh chúng tôi mới vào thì chỉ có AK thôi. Thằng Đức được cử đi đầu. Thằng này trắng trẻo, to con và cao tới 1m67. Thế là cao lắm rồi vì lính tráng chúng tôi thời đó đa phần chỉ cao từ 1m58 tới 1m62 thôi, cho nên trong hàng quân thì bao giờ cái đầu của nó cũng nhô cao hơn hẳn lên. Cắp AK đi đầu mà thằng này cứ đứng thẳng người, bước thẳng tưng như đi chơi ở chỗ không người. Anh Pha A trưởng của nó quát bảo phải khom người cúi thấp xuống mà đi, chậm chậm và thăm dò chứ phưỡn người ra như thế khác nào khiêu khích địch. Lộ ra nó nện cho một phát chết ngoéo bây giờ. Quát bảo thế, thậm chí nắm đầu mà dúi xuống, nhưng chỉ được ba bước là nó lại đứng thẳng lưng lên mà đi. Vài lần như thế, cứ như là trêu ngươi lính cũ vậy. Cáu tiết quá nhưng không làm gì được, vì nó cứ giơ cái mạng sống của nó ra mà đi như thế chứ có phải nó chạy lùi đâu, mà nó cũng chẳng tỏ ra sợ sệt gì cả. Cuối cùng anh Pha đành phải đi đầu và tống nó xuống cuối đội hình. Có lẽ cái xương sống của thằng Đức không cong được chứ không phải nó muốn trêu ngươi ai. Sau này đánh nhau cũng thế, nó cứ thẳng lưng mà chạy, mà xung phong. Nửa năm sau khi ngoài Sa-ra-van, trong một trận đánh vận động, nó bị trúng một mảnh đạn cối, xuyên vào phổi và vẫn mắc ở trong đó tới giờ. (Bây giờ nó là thương binh, là doanh nghiệp tư nhân buôn bán thuốc tây ở Quận Cầu Giấy).

Chiều hôm ấy tiểu đội anh Pha không phát hiện thấy địch. Cái trận địa dã ngoại ngoài bản Phin của bọn địch hôm trước cũng đã bỏ không. Chúng tôi lại trải qua một ngày không tác chiến.

Hôm sau, tiểu đoàn tập trung C5 và C6 tổ chức lùng sục vũ trang sang hẳn khu Lào Ngam. Bây giờ đến lượt tôi đi đầu tiểu đội. Anh Trịnh bám sát ngay sau tôi để chỉ dẫn. Các A khác cũng bám ngay sau A tôi. ra đến gần đường 231, chúng tôi thận trọng thăm dò tình hình. Chỗ này rất nhiều cây lúp xúp, xen kẽ nhiều cây nhỏ chỉ độ bắp chân mọc thưa, tầm nhìn không xa lắm. Đi một đoạn, chúng tôi lại ngồi xuống quan sát qua các khe thân cây rồi mới đi tiếp. Càng đến gần vùng đường 231, nơi mà trinh sát bám địch đã cảnh báo, chúng tôi càng thận trọng. Đến nửa buổi sáng hôm ấy thì chúng tôi phát hiện thấy địch. Chúng nó cũng đào công sự dã ngoại, hầm không nắp và không có hàng rào. Chúng tôi bò sát vào đến cách độ vài chục mét. Đại đội ra lệnh giá hai khẩu cối 60, nện vào đó hơn chục trái rồi chúng tôi bắt đầu đánh. B40 tập trung bắn mạnh, rồi chúng tôi xung phong, vừa chạy vừa bắn AK. Địa hình thưa nên M79 bắn thẳng rất tốt. Bị đánh vỗ mặt, bọn địch vừa bắn trả, vừa rút. Chúng tôi chiếm được mấy cái công sự bên ngoài. Vì dã ngoại nên địch không đào giao thông hào. Theo kế hoạch thì chúng tôi sẽ vừa lợi dụng địa hình địa vật, vừa đánh lấn từ hầm này sang hầm khác của địch. Nhưng mới chỉ được một đoạn, vượt qua được mấy cái xác địch ở khu công sự ngoài thì chúng tôi bị chặn lại. Địch đã kịp tổ chức lại và điều quân từ phía sau lên. Hai khẩu trung liên Bar của địch quạt chéo cánh sẻ vào đội hình chúng tôi. A trưởng Soán của B4 bị một viên vào mặt văng mất hàm dưới làm một mũi tấn công khựng lại. Cùng lúc địch dùng M72 bắn lại dữ dội. Rồi cối 61, cối 81 của địch rót vào khu vực trận địa mù mịt. Súng đạn bản thân của chúng tôi có hạn, chưa tiến được bao nhiêu thì B40 đã gần hết đạn, chỉ còn trông chờ M79 và AK. Chúng tôi phải nằm bẹp lại và tản thưa ra tránh đạn cối. B40 đạn ít mà địch không tập trung thì tác dụng thấp, lại bị địch chú ý tập trung tiêu diệt vì chúng rất sợ B40. Có lẽ cả đại đội mấy chục tay súng chúng tôi cũng không thể tiêu diệt được cái đại đội này của địch. Đại đội ra lệnh bắn cối 60 chi viện và gọi cối 82 của tiểu đoàn. Cả trận địa cứ mù mịt cả lên.

Một khẩu cối 60 của C tôi bắn được mấy trái thì gặp nạn. Có lẽ do liều ẩm, trái trước chưa ra khỏi nòng thì anh Đối đã thả trái sau. Hai trái cối đội đít nhau nổ ngay đầu nòng làm anh Đối và một anh nữa hy sinh. Khẩu cối vỡ toác nòng. Còn một khẩu cối 60 nữa bắn cầm canh cùng cối 82 của tiểu đoàn chi viện cho được độ hai chục trái. Chúng tôi không đủ sức đánh tiếp nữa nên rút lui. Bây giờ mới gay go. Cả một vùng cây thưa, rừng thấp rộng lớn mà chúng tôi phải băng qua không che nổi đạn pháo của địch rót tới. Kẻ địch mạnh và dư thừa về bom pháo. Động một tí là chúng gọi pháo. Bom pháo luôn là mối đe dọa kinh hoàng đối với chúng tôi sau mỗi trận đánh. Không rút nhanh, thoát ra được nhanh, kể cả khi ta đã làm chủ trận địa thì khả năng thương vong rất cao. Trên đường chúng tôi rút chạy về đến khu tạm trú ở Huội Chăm-Pi (chỗ đó có hầm chữ A vững chắc và chưa bị lộ). thêm 4 người nữa hy sinh về đạn pháo, 3 người bị thương. Thế là chỉ trong một trận đánh không lớn vào buổi sáng đại đội tôi đã hy sinh mất 6, bị thương 4 và chúng tôi cũng chỉ còn đủ sức khiêng vác tất cả về đến huội Chăm-pi. May là địch chỉ gọi pháo bắn chứ không tổ chức truy kích chúng tôi.

Phía C5 cũng không hơn gì chúng tôi. Họ bị địch phát hiện và tấn công trước. Bên đó lại còn không được cối 82 của tiểu đoàn hỗ trợ. Thực chất tiểu đoàn có lẽ cũng định tổ chức lùng sục vũ trang, gặp đơn vị nhỏ của địch, đánh phủ đầu tiêu hao sinh lực của chúng thôi, không ngờ cả 2 C đều gặp lực lượng lớn của địch. Không kể bị thương, C5 cũng có 5 tử sĩ.

Cả hai đại đội chúng tôi khiêng thương binh, tử sĩ kéo nhau vượt về bờBắc huội Chăm-pi, đến tập kết tạm tại khu vườn chuối. Bây giờ cũng đã giữachiều rồi còn gì. 


Sốt rét là một loại bệnh đặc biệt trong các loại bệnh. Lúc ở nhà, Hà Nội đã có dịch sốt xuất huyết cũng rất đáng sợ. Vô tình uống thuốc hạ sốt để cơ thể bị hạ áp hay xuất huyết nội là rất dễ đi tong. Bây giờ vào chiến trường thì biết được sốt rét thế nào. Người ta bảo sốt rét là thứ bệnh đặc thù của lính Trường Sơn. Ai chưa từng sốt rét, chưa được công nhận là lính Trường Sơn. Trừ các anh bị sốt rét ác tính đa phần nằm lại rừng già không nói làm gì, còn ai cũng bị sốt rét và không phải chỉ một lần. Sốt rét có thể nóng lên đến 42 độ C mà không chết. Lúc sốt thì các khớp xương rã rời, ăn gì cũng đắng miệng. Có thuốc uống thì tốt, mà không có thuốc uống thì cứ vật vã độ dăm ba ngày cũng tự nhiên khỏi (có điều khi đó cái lá lách lại bị yếu đi một tí). Khỏi rồi thì thèm ăn, không có mà ăn thôi chứ có đủ thì khi đó lính dám ăn thi với Trạng ăn lắm.

Tôi cũng không phải ngoại lệ. Vật vã ba ngày rồi thì tôi cũng có thể vác súng ra ngồi chốt đánh nhau được.

Mùa mưa đã đến thật rồi. Bây giờ thì không còn có ngày nắng to nữa. Ngày nào gọi là không mưa thì bầu trời cũng u ám, còn đa phần là mưa. Mưa ở đây không giống mưa rào, cũng chẳng phải mưa bão như ngoài Bắc. Chẳng cần có gió thổi giật ầm ầm đổ cây cối, nhưng trời cứ mưa liên miên, lúc to lúc bé, rất dai dẳng. Lúc này mới thấy tác dụng to lớn của tấm ni-lon, không có nó thì gay. Mặc dù quần áo lúc nào cũng ẩm, gấu quần và tay áo luôn ướt, nhưng về đêm co ro một lúc thì nó cũng khô khô do hơi ấm của mỉnh nhả ra. Nếu lúc nào cũng ướt sũng chắc cảm lạnh mà chết, dù rằng khi đó đang là sức trai mười tám đôi mươi. Các căn hầm chữ A làm trên triền dốc đều được chúng tôi làm mái che cỏ tranh trên nắp nên về đêm vẫn có thể ngủ ngon trong hầm.

Mùa khô ủng hộ quân ta, còn mùa mưa lợi thế thuộc về kẻ địch. Nói thế vì về căn bản do các đường giao thông của ta toàn ở trong rừng, lại là đường đất, sông suối ngăn cách nên mùa mưa khó vận chuyển, cả vũ khí và lương thực. Cùi cõng bằng sức lính thì mùa mưa cũng kém hơn. Thiếu cơ sở vật chất hơn địch, nên nói rằng chúng nó làm chủ cũng đúng thôi. Nhưng công bằng mà nói, vào mùa mưa địch nó cũng đóng căn cứ là chính, kết hợp lùng sục phát hiện quân ta để gọi bom pháo thôi chứ chúng cũng chẳng sức đâu mà lấn với dũi. Còn chúng tôi cũng chốt giữ là chính. Nhưng chẳng lẽ lại không đánh đấm gì, thế nên mùa mưa chúng tôi cũng rải quân ra khá rộng, luồn sâu tập kích các vị trí nhỏ của địch. Bọn cối 160 và DKB của trung đoàn thì làm trận địa, bắt bộ binh chúng tôi cùi đạn đến rồi thỉnh thoảng bắn ì ùm một hai phát vào tít mãi trong Phù Chiêng cách Pắc-xế hơn 10 cây số để dọa địch là chính. Thằng Khiêm (cái thằng cùng tiểu đội có cái đài 3 bóng khuếch đại thẳng mà tôi kể khi còn huấn luyện ở Bãi Nai ấy) được vào C16 là đại đội hỏa lực của trung đoàn. Thơm hơn nữa là nó lại được vào trinh sát pháo. Cái bọn trinh sát pháo thì chỉ khi đánh lớn chúng nó mới ra trận. Nằm ở cửa mở cùng bộ binh, lúc mở màn trận đánh thì quan sát điểm nổ để chỉnh độ ba bốn phát cho nó rơi vào trong trận địa, xong là hô cấp tập, thế là hết nhiệm vụ, rút lui luôn. Mà gọi là pháo cho oai, chứ thực chất chỉ là khẩu cối 160 ly. Chỉnh cho nó rơi vào chỗ nào trong cái căn cứ to tướng của địch là được, quan trọng nhất là đừng có đấm đít bộ binh.

Cái thời chúng tôi mấy khi có đánh lớn, thế cho nên bọn hỏa lực E tôi chỉ làm nhiệm vụ tập kích và bắn trộm là chính. Thằng Khiêm lại là trinh sát pháo DKB nên chỗ quan sát của nó còn lâu mới ra đến tuyến trước. Tôi nghe nói DKB chính là một cái nòng của dàn hỏa tiễn Ca-chiu-sa 16 nòng tháo ra. Cả E có 2 nòng trang bị cho C16. Đạn của nó nặng hơn năm chục cân, phải chia đôi đầu và liều phóng cho hai thằng vác một quả. Bọn DKB thường làm trận địa cách xa bộ binh (vì chẳng đời nào chúng tôi cho chúng nó làm gần cả, để tránh bị phản pháo oan). Chúng nó thường làm trận địa ở khe núi để ngụy trang tiếng vọng nổ đầu nòng. Phần thóat khói phụt ra khi bắn phải đào cả một cái hầm to theo kiểu bếp Hoàng Cầm để giấu khói. Thế mà lần nào cũng chỉ vừa bắn đi một quả là có L19 lượn đến chỉ điểm cho pháo địch bắn tới, hoặc T28 đánh bom. Ngày nào may lắm, nhìn trước nhìn sau cẩn thận mới bắn được 2 quả. Có ngày chẳng bắn gì. Tiếng nổ và bay của DKB to lắm, nên cứ khi nào bọn C16 bắn là chúng tôi biết ngay. Nhưng phải thừa nhận là bọn DKB giấu trận địa rất khéo. Suốt thời gian ở trong đó, bắn không phải là ít, bị bom và phản pháo cũng nhiều, thế mà không lần nào trúng vào trận địa chính. Bọn linh DKB số thọ lâu thật.

Thằng Khiêm là trinh sát pháo đấy, nhưng chưa một lần nào nó phải vào gần Phù Chiêng quan sát. Vào đấy thì làm gì có điện đài, hữu tuyến thì lại càng không thể có. Nó kể là phải leo lên cây cao dùng ống nhòm quan sát để hiệu chỉnh nhưng tôi chả tin. Chả có cái cây nào đủ cao và cái ống nhòm nào có đủ tầm xa để nó nhòm vào Phù Chiêng từ cách xa hơn chục cây số.

Sau cái đợt đánh nhau ở đường 231 rồi tôi bị sốt ít ngày ấy, B tôi được rút về cái giông đồi cao ở phía Bắc cách xa Huội Chăm-pi tới hơn cây số làm nhiệm vụ cùi cõng. Mưa suốt ngày nên nước suối lúc nào cũng dâng cao như có lũ. Bọn công binh E kiếm dây rừng bện thành một sợi rất to căng ngang suối sát mặt nước. Lính tráng khi qua thì bám dây bơi sang, người vuông góc với dây, từ trên cao nhìn xuống trông cứ như cái giẻ vắt trên cây sào. Còn gạo và đạn thì cho vào bao ni-lon chằng dây hai đầu kéo sang. Có chục bao vừa gạo và đạn đưa qua suối cũng hết cả buổi. B nằm chốt bên bờ Nam với B làm vận chuyển bên bờ Bắc, chả biết thằng nào cực hơn thằng nào. Đấy là chưa kể một B còn phải chuyển gạo đạn từ hậu cứ xa hàng mấy tiếng đồng hồ ra đây nữa.

Suốt thời gian đó chúng tôi chỉ có ăn cơm nếp với muối, vì cũng hết vừng. Muối cho lẫn vào gạo lúc vo. Bây giờ tuy là mùa mưa, nhưng cái hướng ra tuyến trước này của chúng tôi là các núi cao, rất xa các bản. Trong rừng này không có cái giống tre nứa nên cũng không có măng. Chỉ có khu bãi chuối nơi tôi canh tử sĩ độ trước là có chuối rừng, Tranh thủ lúc chuyển gạo đạn ra tuyến trước, khi về chúng tôi tạt qua chặt lấy gốc của nó đem về ăn cho đỡ xót ruột. Nhưng cũng không thể ăn mãi được. Ngày ở nhà ăn bún hay bánh đúc cua mong có tí rau chuối ăn vào cho ngon miệng là vì ăn ít và có canh cua quá ngon nó đỡ cho thôi, chứ bây giờ ngày nào cũng ăn cơm nếp xong rồi lôi một khúc thân chuối ra nhai thì nó cũng vô vị và khó nuốt lắm.


Cùi cõng được vài ngày thì địch bắt đầu dò ra con đường mòn đạp trong rừng từ giông đồi chỗ B tôi đóng quân ra bờ huội Chăm-pi. Thế là không kể giờ giấc, cứ thích lúc nào là chúng nó lại nện pháo vào dọc con đường đó. Mỗi ngày độ dăm bảy đợt, mỗi đợt chỉ 15, 20 quả mà gây cho lính vận chuyển tâm lý nặng nề. Đại đội cho tăng cường đào thêm hầm chữ A dọc con đường đó. Đào kiểu lấn dũi, dựa vào hầm cũ trú ẩn khi pháo bắn để đào thêm hầm mới. Những đoạn toàn vách đá không đào được hầm thì đành chịu, trước khi qua đó dừng lại nghe ngóng một hồi phán đoán tình hình rồi khẩn trương ù té qua.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, các cụ dạy cấm có sai. Sau nhiều lần cùi cõng qua đó, vừa đi vừa chạy tránh pháo thì một buổi chiều đầu tháng sáu, năm người chúng tôi vừa đến đúng cái đoạn đường đá không có hầm thì bị pháo dập. Cả bọn nép mình vào một bên bờ đá, lấy cùi gạo che người. Bị pháo bắn mà nằm trơ ra trên mặt đất thì chỉ còn mỗi cách cầu mong ông bà ông vải phù hộ thôi. Bỗng tôi thấy cánh tay trái tê dại, nhìn vào máu chảy toe toét. Không phải một mà có đến 3 mảnh găm vào tay. Tôi kêu to "Em bị thương rồi". Thêm vài quả nữa thì pháo địch ngừng bắn. Một anh lính cũ đến bên xé băng cá nhân ra băng cho tôi. Cái cùi gạo tôi ôm bên người cũng bị vỡ bục. Thế mà bốn anh kia lại không ai hề hấn gì. Các anh ấy xan gạo của tôi sang cho các anh ấy, dìu tôi đến đoạn có hầm cho chui vào đó rồi đi tiếp. Tôi phải nằm chờ đến hơn một tiếng, các anh ấy quay lại mới đưa tôi về chỗ trú quân trên đỉnh đốc.

Buổi tối nằm trong hầm với cái tay băng chặt thấy nhức lắm. Lúc tối anh y tá xem cho tôi bảo là chỉ vào phần mềm thôi, chưa chạm xương. "Chú mày chưa đủ tiêu chuẩn ra Bắc đâu. Mai cho về hậu cứ, lên trạm xá Trung đoàn nghỉ ít ngày rồi lại về với anh em. Nếu cái mảnh nó bé thì cứ để im trong đó, không phải mổ gì hết". Tôi sợ không dám nói gì, nhưng vẫn nghĩ là về trạm xá nhất định phải xin mổ chứ mảnh nó nằm ngay bắp tay thế này vướng lắm. Lại nhớ chuyện thằng Phúc "chó" cùng A với tôi ngoài Bắc. Nhà nó ở phố Bạch Mai gần Trại Găng. Ngày còn học sinh đi sơ tán về quê Ninh Bình có lần bị máy bay Mỹ thả bom bi. Nó bị 3 viên vào mông, nhưng vì viên bi nó tròn, mông lại lắm mỡ nên bác sĩ không mổ vì bi nó chạy, không nằm yên một chỗ. Ông ấy bảo mỡ nó sẽ bọc viên bi lại, không có vấn đề gì hết. Thế nhưng thằng Phúc kể là nhiều khi ngồi mà nó vẫn có cái cảm giác cộm trong mông. Ngày đi dã ngoại ở Tân Lạc, một lần ra bờ đập tắm cùng tôi, nó kêu ngứa rồi chổng mông cho tôi xem. Tôi thấy có một vết đen rất rõ, sờ tay vào cảm nhận được cả viên bi. Rồi nó nghiến răng gãi và cào thế nào đó mà bật được ra cả một viên bi giống như viên bi xe đạp. Cái chỗ đó hở ra một lỗ, rỉ nước vàng mà không chảy máu. Chỉ mấy hôm sau là chỗ đó thành sẹo. Rồi nó cứ cầu mong cho 2 viên bi còn lại chạy tiếp ra phía ngoài da như thế để cậy, nhưng chuyện đó không xảy ra nữa.

Hôm sau, có 2 A về hậu cứ lấy đạn và tôi được về cùng. Bây giờ tôi mới được biết hậu cứ của đại đội mình. Cứ C6 nằm trên hai khoảnh rừng cách nhau một con suối nhỏ. Lòng suối chỉ rộng hơn mét, rất sâu. Lối đi qua suối được bắc bằng mấy cây gỗ ghép lại. Sát hai bên bờ suối toàn chuối rừng. Chỗ này chỉ cách tiểu đoàn bộ, nơi chúng tôi đã ở mười ngày khi mới được bổ sung về tiểu đoàn dạo nọ chừng sáu bảy trăm mét. Rừng già, cây to nhưng chỉ đi độ trăm mét là ra đến nương của dân. Nương của dân thuộc một Bản gần đó có tên là Xăm-xi-núc May. Chữ "may" trong tiếng Lào là "mới". Bản Xăm-xi-núc Cầu ("cũ") cách đó chừng hai cây số. Có lý do gì đó nên dân bản chuyển chỗ để lập bản mới. Trên cao nguyên Bô-lô-ven có mấy cặp bản có đuôi tên là "cầu" và "may" như thế, nhưng trên bản đồ thì chỉ có bản "cầu" thôi. Bản cũng chỉ hơn chục nóc nhà. Tất cả những điều đó là về sau mới biết chứ lúc đó tôi chưa được ra bản.

Về đến hậu cứ lại phải nằm thêm một đêm nữa với cái tay nhức. Bây giờ mà ai có nhọt hoặc là sứt sẹo chỗ nào đó là được chỉ định kiêng của nếp. Nhưng lúc đó chỉ toàn ăn gạo nếp nên cũng chẳng ai nói kiêng dè gì, có lẽ vì thế mà mấy cái vết thương bé tẹo của tôi gây nhức chăng. Nói bé tẹo, vì hôm sau lên D bộ, Y sĩ tiểu đoàn là anh Soạn xem rồi bảo: để đấy tao giải quyết. Anh ấy cho một người giữ tay tôi, tiêm mấy mũi No-vo-ca-in vào cạnh vết thương rồi dùng panh ngoáy vào gắp ra được mấy mẩu đá bằng cái hạt bưởi. Hóa ra là tôi bị mảnh đá bắn vào chứ không phải mảnh pháo, nên nó mới chỉ vào phần mềm thôi. Anh Soạn bảo nếu là mảnh pháo thì nó phải cắm vào đến xương rồi. Thế là tôi không phải về Trạm xá của E nữa. Tuy là vết thương mảnh đá, nhưng anh Soạn vẫn giữ tôi lại cho nghỉ cùng D bộ 3 ngày rồi mới trả về C. Vết thương chỉ bôi thuốc đỏ, để hở nhưng rất nhanh khô và lành. Về đến C tôi lại được nghỉ thêm 3 ngày, chỉ xuống anh nuôi giúp việc lặt vặt là coi như khỏi hẳn.

Trong tuần đó, cả đại đội tôi cũng lục tục trở về hết khu hậu cứ. Đánh đấm nhẹ nhàng hơn nên chỉ còn có một C5 ở lại chỗ huội Chăm-Pi khu vực bản Soan. Nghe nói chúng tôi sẽ mở hướng sang phía Nam đường 23, mạn đông khu Lào Ngam. Cái vùng này vẫn rất nhiều núi cao, rừng rậm, bản làng thưa thớt. Tôi vẫn ở tiểu đội anh Trịnh. Bây giờ anh ấy là A trưởng, nhưng vẫn giữ B40. Trung đội tôi là B5, trung trưởng là anh Quân, người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Anh này không to con, nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn, cặp mắt sáng rất khôn và nói năng mạnh bạo đâu ra đấy, chẳng có vẻ dân tộc tẹo nào. Trung đội tôi nằm ở cái dẻo rừng cách biệt với đại đội một con suối nhỏ tí ấy. Bếp ăn của C và của B tôi nằm hai bên suối. Ở đây là hậu cứ nên chúng tôi đào hầm rất cẩn thận. Hầm trú ẩn là chữ A vững chắc, cạnh đó là hầm thùng để sinh hoạt và ngủ. Bên trên chúng tôi làm lán, đơn sơ nhưng vững chắc, mái lợp cỏ tranh mưa to mấy cũng không dột. Mỗi A một lán. Trong hầm làm sạp nằm ghép bằng nứa. Chỉ có mỗi đường đi là trơn vì bùn đất thôi. Chúng tôi làm công trình phụ hẳn hoi chứ không được dùng hố mèo. Trung đội tôi nằm ở đây chặn con đường đi từ phía nương dân vào. Chỉ trừ thám báo luồn lách thôi chứ địch muốn vào tất phải đi qua con đường này.

Cần nói thêm là bọn lính Lào đi rừng rất giỏi. Lính mình dù trong lýlịch quân nhân khi xuất ngũ về có ghi là "Sở trường hoạt động rừngnúi" đấy, nhưng trình độ luồn rừng thì không bao giờ bằng lính bản địađược. Tuy tuyến trước có thể cách hậu cứ chúng tôi dăm tiếng đi đường, nhưngchuyện cả một trung đội địch hơn chục thằng có thể luồn rừng xuất hiện tại cáckhu hậu cứ của chúng tôi rồi tổ chức phục kích, đánh ù một trận bất ngờ rồibiến mất nhanh chóng không phải là chuyện hiếm. Năm ngoái ngay gần tại khu hậucứ của trung đoàn, an toàn đến mức pháo địch không bắn tới, lúc họp đơn vị cóthể cùng nhau hát vang bài "Giải phóng miền Nam", thế mà địch cũng bímật mò tới được. Chúng phục kích tại một ngã ba vườn cà phê bắn chết E phó Mịchvà cậu liên lạc đang trên đường đến một D gần đó. Từ đó về sau ngã ba ấy được mangtên "Ngã ba ông Mịch". 


Về trung đội được một hôm thì hôm sau cả B tôi phải sang Nam đường 23. Ở trong lính có lẽ từ cấp đại đội trở lên không có cái kiểu đi hoạt động lẻ và ăn mảnh, vì đội hình của cả C thì hơi đông. Thế nhưng từ cấp B trở xuống A, hay một tổ khi đi hoạt động lẻ thì tức là đã được tự do. Cả trung đội hơn chục người bảo nhau cũng dễ, biết giữ bí mật và lúc cần huy động sức người thì cũng có đủ. Thông thường đi lẻ một B là sẽ có 1 cán bộ C đi theo. Đại phó Hùng thường đi với B5, nhưng tính ông này cũng bạt mạng lắm, hợp với lính nên cũng coi như anh em một nhà. Lần này B tôi đi độc lập không có C phó, sang hướng Nam đường nhưng không phải là lập chốt đánh nhau mà chỉ là đi thăm dò địa hình. Có lẽ cũng đã biết hướng này đang an toàn vì đã từng đi nên anh Quân B trưởng tự tin lắm. Đi khỏi hậu cứ chừng 3 tiếng, anh ấy bảo tất cả đi chậm lại phía sau, để anh ấy đi lên trước cách xa anh em tới năm chục mét. Vùng này thường hay có hoẵng, khỉ và anh ấy có ý định săn bắn cải thiện. Cứ đi như thế rất lâu thì chúng tôi nghe "đoàng" một tiếng, rồi nghe tiếng anh ấy gọi. Chạy lên đã thấy anh ấy đứng đó, dưới chân là một con khỉ vàng rất to. Nó bị bắn trúng đầu nên rơi thẳng từ trên cây xuống đất. Chúng tôi chặt gậy, lấy dây buộc rồi khiêng đi. Đến một khu rừng khá rậm, có một con suối thì anh Quân cho tất cả dừng lại nghỉ chân. Anh ấy cắt cử người sục sạo cảnh giới và cho làm thịt con khỉ. Mấy anh thạo việc xắn một tay giúp anh nuôi. (C tôi có 3 anh nuôi, nếu có một B đi lẻ thì có 1 anh nuôi đi cùng). Cách làm thì cũng na ná như làm thịt chó, cũng thui vàng. Con khỉ này thuộc giống nào không biết, nhưng rất to, phải đến hơn chục cân. Các anh ấy bỏ đầu đi cho nó đỡ ghê, còn lại luộc tất. Mà cũng chỉ làm được thế thôi chứ không thể làm gì hơn. Rau ăn kèm có ít kiệu tươi lấy từ nương dân ở hậu cứ. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn thịt thú rừng. Thịt khỉ ăn lúc đầu thì thấy nó hơi gây gây, nhưng đói nên cứ chén tràn. Chiều và đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ luôn tại đấy.

Hôm sau chúng tôi lần mò sang Nam đường. Đoạn đường này còn cách xa địch nên vượt qua rất dễ dàng. Ở đây, quân ta chỉ chốt chặn địch theo khu vực chứ không chốt theo tuyến đường. Bây giờ mà cứ thẳng đường 23 này đi về phía Tây thì sẽ tới thẳng căn cứ của địch. B chúng tôi đi lần này không có trinh sát tiểu đoàn, không có thông tin vô tuyến đi cùng. Anh Quân chỉ nhận nhiệm vụ miệng và cầm bản đồ địa bàn rồi dẫn chúng tôi đi thôi. Không biết có phải vì anh ấy là người dân tộc, cũng đã thạo đi rừng hay vì anh ấy đã thạo khu vực này mà dẫn chúng tôi đi rất tự tin. Đi lẻ kiểu này cũng gần như trinh sát. Chả có đào hầm hố gì cả. Đến đêm thì bố trí quân, mắc võng ngủ và chia nhau canh gác. Chủ trương là không tác chiến, nếu không phải là đường cùng. Sang đến Nam đường thì chúng tôi cẩn thận hơn, không có săn bắn gì nữa. Sục xạo trong mấy cánh rừng suốt hai ngày đến cách cái khu Lào Ngam một con suối mà không thấy có gì thì chúng tôi quay lại, rồi trở về đơn vị. Sau này khu Nam đường được giao cho D tôi chốt giữ suốt mấy tháng mùa mưa.

Gần cuối tháng sáu, trung đoàn tôi nhận một đợt tân binh Nam Hà. Đại đội tôi được nhận mười lính, A tôi được một người. Lính Hà Nội chúng tôi chỉ vào trước chúng nó có hai tháng nhưng đương nhiên được coi là lính cũ hơn rồi. Chả gì thì cũng đã đánh vài trận, bắn đì đòm vài băng đạn và chạy bom chạy pháo chí chết chục lần. Đảm bảo hơn hẳn về cái đoạn nghe tiếng pháo rít biết đạn nó rơi thế nào. Nhưng nói vậy thôi chứ các anh cũ đã đối xử với chúng tôi ân tình thế nào thì chúng tôi cũng đối xử với chúng nó như thế.

Hướng Lào Ngam phía Bản Soan được bàn giao cho K15. Toàn bộ D tôi rút về để chuẩn bị sang hướng Nam đường 23. Mùa mưa chốt chặn là chính. Mỗi hướng thường chỉ có 1 C đứng chân phía trước, còn các C khác cùi cõng để tiếp tế. Sau một tháng lại đổi nhau trong cùng tiểu đoàn. Chúng tôi xác định công việc trong vài tháng tới sẽ chủ yếu làm công tác vận tải. Xe ô-tô của mặt trận chỉ chở hàng cho chúng tôi vào đến khu hậu cứ trung đoàn, sau đó chúng tôi phải tự cùi cõng về đơn vị. Hậu cứ đơn vị nào xa nhất thì cũng chỉ cách kho trung đoàn độ năm sáu tiếng. Nhưng từ đó ra đến phía trước lại vài tiếng đi đường nữa. Vì thế các D phía sau ngoài việc cùi cõng cho mình còn phải làm vận tải trung chuyển cho D ở tuyến trước. Một lần hứng lên, trung đoàn cho một cái xe "Giải phóng" chở đạn đến tận vùng hậu cứ D tôi để lính tráng đỡ cùi cõng một ngày đường. Xe ô-tô cứ dựa vào đường xe bò mà đi qua các bản. Không may cái bản Xăm-xi-nuc "may" gần hậu cứ D tôi là con đường cụt, đường do dân mở chưa hẳn thành đường xe bò nên đến cách D tôi chừng cây số thì cái ô-tô bị sa xuống suối đất. Càng rú ga càng lún, bánh xe quay tròn phá rộng cả một bên bờ suối. Đến lúc bị lầy gần kín bánh thì cái xe chịu thua. Ba đại đội trong K18 chúng tôi được huy động quân ra kéo xe. Hơn một trăm con người do D phó Khanh chỉ huy bắt đầu cứu xe từ sau bữa cơm trưa. Chúng tôi phải bốc chuyển đạn lên xa bờ, sau đó kiếm dây rừng bện lại thành thừng buộc vào xe để kéo. Không khí chả kém gì quân ta kéo pháo vào Điện Biện năm xưa, có khi còn khí thế hơn vì chúng tôi phải hò dô ta vang cả một vùng rừng. Có điều là kinh nghiệm kém nên có vẻ như càng kéo cái xe càng bị lầy hơn, đến giữa chiều mà nó vẫn nằm im. Không biết ai dân vận ở đâu mà sau đó mượn được một con voi của dân bản. Lúc đầu lính tráng ngồi trên bờ xem người dân chỉ huy con voi kéo xe. Nhưng thật tội nghiệp cho chú voi vì cái xe bị lầy chắc chắn nặng gấp mấy lần nó. Nó rướn người kéo cong cả vòi, rống lên ồ ồ như gọi thêm bầy đàn giúp sức mà cái xe chỉ hơi rung rinh. Tin chắc một mình con voi không thể thay thế hơn trăm thằng lính "sốt rừng" chúng tôi nên cuối cùng D phó Khanh quyết định hợp lực. Thế là lại phải cho người về hậu cứ lấy xẻng ra bạt lại đường cho đỡ dốc, rồi vừa voi vừa người cùng bâu vào kéo. Lại phải cử chục thằng vác các khúc gỗ chèn dần vào bánh xe. Cuối cùng thì ta nhất định thắng, cách mạng bao giờ cũng thành công. Trời vừa tối không nhìn rõ mặt người thì cái ô tô đã nằm ngon lành trên đường. Tay lái xe nổ máy cho xe ô-tô cút thẳng về trung đoàn. Chẳng biết con voi được dắt đi lúc nào và có được bồi dưỡng cái gì cho lại sức không. Còn chúng tôi thì lại phải chia nhau số đạn bốc ra từ ô-tô để mang đến nhập vào kho trung chuyển, làm nốt nhiệm vụ mà cái xe ô-tô bỏ lại. Chúng tôi về đến nhà vào lúc gần nửa đêm. Thằng nào cũng bẩn bê bết bùn đất. Ăn suất cơm tối xong là về lán lăn ra ngủ, bẩn cũng chưa chết ngay đâu mà phải sợ.

Hôm sau tất cả được nghỉ một buổi sáng. Nghĩ lại chuyện hôm qua mà rùngmình. Nếu như bọn thám báo nó mò ra chúng tôi lúc ấy, gọi B52 hoặc T28 đến némbom, chắc D tôi xóa sổ. Thầm mong cái chuyện vận tải cùi cõng ra tuyến trước,thôi từ nay cứ để đấy cho sức lính chúng tôi. Chúng tôi như những con kiến thalâu cũng đầy tổ, bày đặt cái chuyện vận tải ô-tô mà không tổ chức tốt, thì"hiện đại" đúng là "hại điện". Cầu được, ước thấy, từ đó vềsau không còn có chuyện ô-tô chở hàng vào đến vùng hậu cứ chúng tôi nữa. 


Ở hậu cứ ít ngày, bên cạnh việc cùi cõng đạn gạo, ngày nào đại đội cũng phải cử người đi "cải thiện". Thường là một tốp 3 người do 1 lính cũ đã khá thông thạo địa hình vùng này dẫn đi. Mỗi người chỉ mang theo 1 khẩu AK có 1 băng đạn và 1 quả lựu đạn cho nhẹ. Để giữ gìn ba-lô, lính tráng chúng tôi ai cũng sắm cho mình một cái "gùi" chuyên dùng cho việc đi cải thiện hay cùi gạo, đạn. "Gùi" là một cái bao to như kiểu bao tải gạo, làm bằng vải Pông-xô lấy của địch (loại vải này không thấm nước, rất bền, dai). Lính tự khâu theo ý của mình cho vừa chiều ngang khổ người, nhưng phải đủ đựng được khoảng 35-40 kg gạo. Quai "gùi" được cắt ra từ quai ba-lô của địch. Lính mới vào thì mượn của lính cũ, sau đó nhờ lính cũ kiếm cho. Thứ này ở các căn cứ cũ của địch bị ta chiếm có nhiều. Chịu khó bới trong hầm, đem về giặt là xong. Nhiều khi chỉ cần xin lính cũ vì mỗi khi có dịp đi cải thiện gần căn cứ cũ của địch là nhiều anh lấy về làm mái che mưa cho lán.

Thích nhất là đi cải thiện ở mạn đường 23. Nơi đó có rất nhiều bản cũ của dân, vườn tược cây cối bỏ hoang vì dân đã chạy từ lâu. Pắc-Soòng là thị trấn thì không nói làm gì, nhưng suốt dọc đường từ đó vào đến Bãi Đá dài 25 cây số thì có không biết bao nhiêu là bản cùng các căn cứ cũ của địch. Khi đó các căn nhà sàn của dân hầu như đều bị làm thịt. Dân Lào thì ra gỡ về để dựng nhà ở các bản "may", còn lính trung đoàn thì lấy về làm nhà thùng cho E bộ cho nó hoành tráng. Nhà sàn ở đây rất to, gỗ tốt nhưng mái lợp thì lại chủ yếu là tôn múi. Ngoài E bộ ra thì ở các D bộ cũng gỡ về một ít phục vụ nhà hầm chỉ huy. Chỉ có các C thì không dùng vì cũng chẳng cần đến thế. Hơn nữa lính đi cải thiện lấy đồ ăn là chính, còn sức đâu mà vác thêm tấm tôn về cho C bộ. Chỉ có ở tiểu đoàn bộ, bọn trinh sát hay thông tin đi địa hình lúc về tay không kết hợp vác tôn mà thôi.

Bản nào ở đường 23 cũng có vườn. Bị bỏ hoang thì cây còi đi một chút, nhưng mùa mưa đến thì nó lại được dịp phát triển. Những thứ lấy về cải thiện chủ yếu là mít, chuối, đu đủ, măng và dứa dùng để nấu lên làm thức ăn. Còn các loại hoa quả khác như bưởi, chanh, lê, đào, xoài, táo... thì chỉ lấy ăn chơi và mang kết hợp về cho anh em trong A nhấm nháp buổi tối thôi. Dạo đó chúng tôi ăn gạo nếp, tiêu chuẩn 4 lạng, rồi 3 lạng một ngày nên đói lắm. Được đi cải thiện ra mạn đường 23 là chén thật lực các loại hoa quả vớ được. Kể ra đây thì nhiều loại như thế, nhưng vì đại đội nào cũng cử quân đi, mà lính thì thằng nào cũng giỏi sục sạo, ăn mãi đến rừng cũng phải cạn nên dần dần muốn có cái gì đó cũng phải chịu khó tìm kiếm. Đôi khi phát hiện được vườn hoang nào đó mà ẩn khuất thì phải đánh dấu, giữ kín và xin đi cải thiện liên tục để khai thác. Vùng cao nguyên này có 3 thứ quả gây ấn tượng mạnh trong tôi. Thứ nhất là đu đủ. Có một vườn cây mà các anh C tôi phát hiện được ở tít mãi bên Nam đường ngang với bản 40 (Dọc đường 23 không thể phân biệt rõ từng bản, chúng tôi gọi các cụm nhà dân theo cột cây số). Cây đu đủ ở đó to và sai quả vô cùng. Một lần 3 anh trong C tôi đi lấy mà không thể xếp vào cùi cho gọn được, đành chặt gậy làm đòn để gánh. Vai khoác AK, mỗi anh chỉ đủ sức gánh nổi 6 quả vì nó to quá. Số đu đủ ấy đại đội sào ăn đủ 3 ngày.

Loại quả thứ hai là chuối. Cả vùng cao nguyên Bô-lô-ven chỉ có mỗi một giống chuối tây, không hề có chuối tiêu. Dân họ trồng nhiều như rừng, suốt hai bên đường xe bò hoặc lan từ vùng nương này đến vùng nương khác. Muốn lấy chuối không phải xin. Có thể lấy chuối xanh để xào hoặc lấy bắp-bi, thậm chí mới chỉ là bắp-bi của cây chuối có chửa mới nhô ở ngọn cũng được, không hề gì vì nó rất nhiều. Còn chuối chín cây hay chuối già lấy về dấm ăn dần, xin cứ tự nhiên. Có điều nên thực hiện một quy ước nhỏ thế này: Thấy cây chuối ra buồng mà quả đã già thì chặt đổ hộ cây chuối đó xuống. Không muốn lấy quả mà cứ để đó cho quả tự chín cũng được, để cho nó tự thối hoặc lợn rừng hay thú rừng khác vào ăn. Mục đích chặt đổ cây chuối chỉ đơn giản là để thân cây đó chóng thối, mau lấy chỗ cho chồi cây đẻ mới có chỗ mọc. Chuối tây nhiều chỗ quả rất to, nhất là ở rìa nương. Có một lần chúng tôi khiêng một buồng già về hậu cứ, tới khi chuối chín đố nhau ăn mà kẻ đạt danh hiệu vô địch cũng chỉ cố nuốt được 4 quả.

Loại quả thứ ba là dưa chuột. Đúng là giống dưa chuột chứ không thể nhầm là loại dưa nào khác như dưa bở, dưa gang hay dưa hấu, vì nhìn vỏ và ruột nó biết ngay. Nhưng tính từ "chuột" gắn với tên dưa không còn đúng, vì những con chuột cống trong các cống ngầm ở thành phố cũng phải gọi kích thước các quả dưa chuột ở đây là cụ. Dưa chuột gì mà quả nào quả nấy đều dài và to như bắp chân. Chúng nằm trên nương nần nẫn và lăn lóc như đám lợn con.

Dọc đường 23 còn có nhiều vườn mía và chè. Ở đây người dân trồng nhiều loại mía tím gióng ngắn, thân to và giòn như mía Tuy Hòa, ăn rất ngọt. Loại này khi bị bỏ hoang thì thoái hóa nhanh chóng. Còn một loại thứ hai là mía trắng vàng gióng dài thân nhỏ chỉ bằng nửa cổ tay, trồng thành bãi rộng hàng hec-ta. Những bãi mía này tuy không chăm sóc mấy nhưng mọc rất khỏe, chuyên dùng cho voi ăn. Người ta cứ chặt từng vác đem ra cho voi chén. Chúng tôi rất thích những bãi mía này, chui vào tít trong chén đến chảy máu lưỡi mới chui ra. Công bằng mà nói, khi đói ăn mía dễ hơn ăn chuối. Có thể không có cơm mà vẫn tồn tại được trong bãi mía cả tuần, nhưng nếu lạc vào vườn chuối chắc không trụ nổi ba ngày.

Tất cả cái nguồn sản vật của dân dọc đường 23 để lại hấp dẫn như thế, nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng đến được vì đường xa quá. Những chỗ gần cách ba bốn giờ đi đường thì cạn dần thứ lấy được. Chỗ xa hơn thì không kịp về trong ngày vì còn phải sục xạo nữa. Mà cái việc lọ mọ tìm của ăn được mất nhiều thời gian lắm, đâu phải cứ tới nơi là lấy được ngay. Vì thế nhiều khi chúng tôi phải tìm đến các nương gần đó của dân để xin các thứ họ trồng. Mùa mưa, thứ sẵn và nhiều nhất là dưa chuột. Từ hậu cứ chỉ đi độ dưới một tiếng là đến nương có dưa. Dân Lào trồng dưa không phải chỉ để ăn. Họ vãi hạt trồng dưa đầy trong nương lúa mục đích để dưa mọc kín không có chỗ cho cỏ mọc. Đặc biệt lắm mới có một vài nơi người ta vãi hạt cải xanh hay hạt cây bí ngô. Những thứ đó chỉ cần xin dân một lần rồi tự nhiên lấy mãi. Cải xanh và bí ngô mà lính càn lần nào là tan hoang lần đó. Chỉ dưa chuột là gần như vô biên. Nhưng dưa chuột đem về thái ra xào ăn không hấp dẫn lắm, chẳng qua ăn cho có chất rau. Mà ngay cả mọi thứ thức ăn khác cũng vậy vì thực ra cơm nếp (nấu cơm chứ không ai hơi đâu mà đồ xôi) đâu có cần ăn cùng thức ăn.

Ngoài dưachuột ra thì củ kiệu cũng có sẵn. Dân Lào trồng kiệu để ăn, nhưng họ trồngnhiều lắm. Có khi cả một quả đồi bát ngát trồng toàn kiệu. Cây kiệu đẻ nhánhnhư hành, nhưng phát triển nhanh hơn. Búi kiệu lúc mới trồng chỉ to bằng miệngbát, thế mà về sau nó to thành đám đường kính đến gần hai gang tay. Dân họ bảo,bộ đội Việt nên lấy từng nửa búi một thôi để cho kiệu nó còn mọc tiếp, nhưnglính mình nhiều khi ẩu lắm. Đáng lẽ lấy dao găm xén ra một nửa thì lại bậy cảbúi lên cho nhanh vì chỉ dăm sáu búi là đầy chặt gùi. Nhưng phải cám ơn và thừanhận là dân Lào họ hiền và cần cù nhẫn nại lắm. Nhờ có các bản dân mà cuộc sốngcủa chúng tôi đỡ cực rất nhiều so với các chiến trường khác. Sau này khi về miềnNam, quen cái kiểu tàn phá như bên Lào, không ít lính trong E tôi bị người dântộc bắn chết hoặc gài lựu đạn gây thương vong khi mò vào các nương của dân địnhkiếm chác. Nhưng đó là chuyện về sau... 


Ma cũ bắt nạt ma mới. Chuyện đó ở đâu cũng có, chẳng bao giờ thoát được. Những ngày đi cải thiện cùng lính cũ, vì phải tiếp xúc dân nên hai đợt lính Hà Nội và Nam Hà vừa vào được lính cũ dạy tiếng Lào. Mục đích học ban đầu chỉ đơn giản là để chào rồi xin các thứ rau cỏ. Các nhu cầu khác xét sau. Mấy bố lính cũ mà điển hình là quản lý và y tá người Hà Bắc trong C tôi bắt đầu nghĩ chuyện tai quái. Họ giả vờ ân cần rồi dạy từ bậy bạ cho bọn tôi. Ghi chép ra giấy để luyện học hẳn hoi nhé. Nhưng bọn lính Hà Nội cũng không phải gà mờ. Học được câu nào với người này, chúng tôi áp dụng ngay với người khác trong C, sau đó là hỏi nhiều người một cách độc lập. Những câu bậy bạ không được thống nhất, mỗi người giải đáp một cách nên chúng tôi phát hiện ra ngay. Thằng Thái "Pi tơ" còn láu cá hơn. Một lần đi cải thiện, nó lủi ra nương làm một giấc ngon lành. Chiều về tay không, nó trả lời đại đội là theo như các anh dạy nó đã nói như thế, như thế... nhưng dân họ đuổi đi không cho. Đại đội nghe biết đúng là bậy bạ thật nên chẳng làm gì được nó. Cuối cùng CTV phó C tôi là người Tày phải họp tuyên bố chấm dứt bậy bạ và cử người dạy có trách nhiệm cho chúng tôi tiếng Lào. Sau này các đợt tân binh khác vào cũng chỉ có một vài lính cũ nói chuyện bậy bạ được vài câu lẻ tẻ rồi dần dần tịt hẳn.

Cùng cái đợt tân binh Nam Hà bổ sung, một lần toàn C tôi báo động hành quân chiến đấu rồi kéo nhau ra rìa một cái nương của dân. Tất cả lính tráng cũ mới đều được lệnh trải ni-lon rồi xếp toàn bộ quân tư trang ra đấy. Có cả một cán bộ D xuống kiểm tra. Họ ghi chép vào sổ tay cẩn thận, xác định mỗi lính chúng tôi có gì để sau này quản lý việc thực hiện chính sách chiến lợi phẩm cho tiện. Chỉ ghi quân tư trang cá nhân thôi. Nói chung là chúng tôi đều không có gì. Chỉ còn vài người có sổ tay để ghi chép nhật ký hay ghi linh tinh việc cá nhân. Thế mà họ cũng mở ra xem chúng tôi ghi cái gì. Nhưng có một trường hợp là thằng Thái "Pi tơ" có một cái nhẫn vàng hai chỉ. Vì chúng tôi cũng đã qua đôi ba trận đánh rồi nên các thủ trưởng nghi vấn, định tạm thu. Mấy thằng lính Hà Nội chúng tôi phản đối và xác nhận cho nó, đây là cái nhẫn mẹ nó cho lúc đi chiến trường. Nhà nó chỉ còn có mẹ và em gái, nhà làm nghề thủ công, chả dư dật gì, thế mà không hiểu sao nó vẫn cầm của mẹ nó mang đi. Các thủ trưởng cũng chưa tin đâu, nhưng may quá nó lôi ra được một mảnh giấy của C phó Hảo (cán bộ huấn luyện dẫn quân vào chiến trường) có ghi xác nhận cho nó khi đi chiến trường có mang theo một cái nhẫn hai chỉ. Chả có dấu má gì, nhưng dù sao cũng có sức thuyết phục ít nhiều. Thế là tài sản đó được ghi nhận. Về sau mỗi khi có đợt tân binh vào, trước khi chia quân các thủ trưởng đều bắt khai tài sản quý, nhưng chả ma nào có. Trường hợp của thằng Thái "Pi tơ" cũng chỉ có một và tôi biết chắc rằng cái nhẫn đó chính là nó mang đi từ miền Bắc.

Trong chiến trường chúng tôi không bao giờ được biết đến tiền phụ cấp. Nhưng hậu cần E và D vẫn được mặt trận phát cho tiền Kip của Lào để mua thực phẩm bổ sung cho lính. Ngoài gạo muối là thứ bắt buộc phải cấp ra, thứ khác phải lo tại chỗ. Rau cỏ cải thiện thì tự kiếm loanh quanh. Còn thịt thì từ cấp tiểu đoàn có tổ chức các nhóm công tác đi về các vùng dân phía sau để mua lợn. Bọn đi mua lợn này gần như là chuyên nghiệp quanh năm. Một nhóm 4 hay 5 người đi mấy ngày đường về vùng dân, có khi xuống tận gần đường 13. Lùng mua được hơn chục con lợn thì dong về như các mục đồng chăn ngựa sống trên thảo nguyên. Về đến đơn vị nghỉ vài ngày rồi lại đi mua đợt khác. Chẳng hiểu duyên cớ gì mà hai thằng lính Hà Nội trong C tôi là thằng Sưởng và thằng Thái "Pi tơ" đều được gọi lên tiểu đoàn để xung vào đội quân đi mua lợn do anh Choát chỉ huy. Chúng nó xa rời cảnh đánh nhau và cùi cõng của đơn vị. Đi mua lợn thì tác phong lúc nào cũng chỉ túc tắc và lững thững như lợn đi vậy thôi. Chúng nó luôn gần dân và thuộc loại đi công tác lẻ, tự do nên sinh hoạt rất đầy đủ, không gặp cảnh lúc nào cũng thèm ăn như anh em trong đơn vị. Cũng có cái hay là đôi khi chúng tôi cũng nhờ vả được tí chút. Trong đơn vị chúng tôi có quy định cấm lấy quân trang của địch. Thế nhưng dân Lào ở các vùng tự do rất thích quần áo và mũ của địch, vì nó đẹp và bền. Vậy là khi đánh trận, chúng tôi lén lấy những thứ đó nếu thấy nó còn mới và đem giấu đi. Sau đó gửi bọn đi mua lợn đem ra vùng dân đổi hàng. Cũng chả được bao nhiêu đâu. Một cái mũ vải dù hoa đổi được một cái bật lửa gần giống như bật lửa Trung Quốc và 5 viên đá lửa. Một cái quần hoặc áo trông còn mới thì đổi được 3 bao thuốc lá đầu lọc nhãn "Tô A". Vậy thôi, nhưng vẫn khoái lắm.

Cuối tháng sáu năm 1972, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh chuyển sang hướng Nam đường 23. Như vậy là K15 ở hướng đường 231 khu bản Soan, còn K16 vẫn ở tuyến sau. Các C trực thuộc thì đi phối hợp xen vào các D bộ binh, chủ yếu là C hỏa lực và C công binh. Mùa mưa này nước huội Chăm pi lúc nào cũng đầy. Vì sang Nam đường bắt buộc phải qua Huội, địa bàn rộng nên công binh đi dọc suối tìm chỗ có cây to. Họ hạ cây to đổ ngang suối rồi đẽo bớt cành để làm cầu. Có hai ba lối đi sang như thế. Cây gỗ tuy to nhưng vì thân tròn nên đi qua cũng khá trơn và chênh vênh vì chẳng có tay vịn. Về sau công binh phải dùng dao băm vào thân cây thành khía cho thêm ma sát.

Cả C tôi sang hẳn bên Nam đường và luồn vào khá sâu. Có lẽ nơi nào gần đường thì mới có nhiều bản dân hoặc nhiều căn cứ địch. Những chỗ thuộc vùng sâu núi non hiểm trở, rừng già nhiều cây cổ thụ thì chỉ có ý nghĩa làm nơi trú quân cho quân ta là chính. Mạn Nam đường cũng có những con suối to. Lần này B4 phải đi sâu hơn qua một con suối, còn hai B chúng tôi nằm bên ngoài hướng ra phía đường 23. B4 làm chốt trên đồi bên kia, có cả anh nuôi ở chung hàng ngày lo cơm nước. Mấy ngày đầu có vẻ ngon lành, nhưng sau đó thì mưa tầm tã, nước suối dâng cao như lũ, B4 bị cách li. Thấy nước suối có vẻ cứ đầy lên không chịu rút, mà đường sang ở đoạn này thì khó hơn cả bên huội Chăm pi phía bản Soan, lại không có công binh hỗ trợ nên đại đội rất lo. Nếu địch phía bên đó sục vào đánh nhau với B4 thì không biết chi viện thế nào. Mà hết gạo ăn cũng gay chứ không phải chuyện chơi. Đến một ngày trời tạnh, thấy bên đó nổ súng đì đùng. Rồi bẵng đi rất lâu lại có tiếng B40. Cuối cùng thì tất cả câm tịt, mà lạ là cũng chẳng có bom pháo. Đại đội đoán B4 đụng thám báo, chắc tiêu diệt gọn cả lũ ấy rồi. Hai bên vẫn không liên lạc được với nhau, mà trời lại tiếp tục đổ mưa. Hơn một tuần như thế, không hiểu B4 ăn bằng cái gì, liệu có củ gì mà đào không. Có người đoán già đoán non là B4 đi sâu tiếp vào rất xa, gặp một cái bản nào đó và nương tựa vào dân.

Chúng tôi liên lạc về tiểu đoàn nhờ chi viện, cuối cùng thì cũng sangđược với B4. Hóa ra các anh ấy chẳng hề đi đâu cả, vẫn trụ lại trên ngọn đồivới hầm hố đầy đủ, chả ai sứt sẹo gì. B trưởng Tuyền nhe răng cười bảo, chúngmày liên lạc chậm quá, sao không mò sang sớm. Hóa ra cái hôm có tiếng súng là ởbên ấy không hiểu sao có một chiếc trực thăng của địch mò tới. Nó bị trục trặclàm sao mà sa vào cả ngọn cây rồi rơi xuống đất. Anh nuôi Đức người Nam Hà ởgần đó vác AK mò tới, bắn chết được cả 3 thằng trong máy bay. B trưởng Tuyềncho quân ra chi viện, mò vào máy bay thấy mấy thùng hàng mở ra toàn đồ hộp. Anhấy cho lính khuân về sạch rồi cho B40 bắn cháy máy bay, đề phòng trong đó cómáy phát gọi được máy bay khác chi viện thì gay cả lũ. Hết gạo, không liên lạcđược với đại đội, anh ấy cho lính ăn đồ hộp trừ cơm. Toàn là hộp cá tròn 2lạng, chế biến giống như cá sốt cà chua. Bữa đầu ăn rất ngon, thả phanh mỗilính 3 hộp ăn vã. Sau đó là lên kế hoạch để còn dùng lâu dài. Không ngờ đồ ăndù ngon đến mấy mà ăn mãi thì cũng chán, nhất là không có cơm nên rất xót ruột.Về sau chả còn ai háo hức, anh Tuyền cho ăn tự do, tùy thích. Cuối cùng thì đếnđoạn cứ nhìn hộp cá mà ngán, dù là đói. Lúc chúng tôi sang thì chỉ còn độ hơnhai chục hộp. Đại đội đem chia đều cho 2 B còn lại ăn tươi một bữa. Hôm ấy đốivới 2 B chúng tôi thì gần như ngày hội. Đun cá hộp nóng rồi ăn với cơm nếp chảra cái kiểu gì cả nhưng sao ngon thế. Mọi thứ sạch như chùi. B4 không ai độngvào cá, chỉ ăn cơm nếp thôi. Vậy mà sau vụ đó nhiều anh trong B4 bị dị ứng vớicá hộp, thậm chí là với cá. Có người chỉ nghe "cá" đã lợm hết cả cổ.Thậm chí đến năm 1975 đánh Đồng Dù lấy được đồ hộp ê chề, nhưng chỉ có thịt hộphấp dẫn, còn cá hộp thì thờ ơ. Thật là no dồn đói góp. 


Thời gian chúng tôi ở Nam đường 23 cũng khá dài. Các B cứ thay nhau lên chốt. Không đánh nhau nên cái chốt không bị lộ, vì thế nó cứ tồn tại mãi. Nhưng như thế hóa ra phí cả một đại đội ở phía trước nằm chơi và hai đại đội phía sau phải cùi cõng tiếp tế. Tiểu đoàn cho chúng tôi tổ chức luồn sâu, vòng hẳn vào phía sau lưng địch. Tất nhiên không phải là vòng để bao vây, vì lực lượng địch hơn chúng tôi nhiều lắm. Nếu lộ, có khi chính chúng nó bao vây làm thịt chúng tôi ấy chứ. Chúng tôi luồn sâu nhưng phải bí mật. Sau đó cùng trinh sát tiểu đoàn (C tôi được tăng cường một tổ) bám địch, xem có bọn nào đóng lẻ chừng độ một B thì lên phương án tập kích chúng nó. Theo thiển nghĩ của tôi thì thực chất là quấy nhiễu. Nơi tập kích phải cách chỗ chúng tôi ém quân chừng 3 cây số để tạo thế an toàn. Đầu tiên là trinh sát D đi tìm và bám địch, sau đó cùng cán bộ B, C trinh sát lại và bàn giao vị trí địch. Phần cuối cùng là đại đội tôi tự tổ chức một nhóm, thường là gồm 2 M79, 3 B40 và 3 AK mò đến đó từ lúc nhập nhoạng tối và chiếm lĩnh vị trí. Chừng độ 9, 10 giờ đêm thì khai hỏa. B40 cấp tập vào đó mỗi khẩu hai quả, còn M79 thì mỗi khẩu câu vào chừng 5, 6 trái. Bọn địch bị bất ngờ còn đang lộn xộn chưa kịp phản ứng thì chúng tôi rút lẹ. Thời gian mỗi lần như thế có khi chỉ độ hơn một phút. Nếu chúng có bắn ra thì cũng chỉ là hú họa, thậm chí có lần chẳng bắn trả được phát nào. Các tay súng AK không bắn vì tác dụng không bao nhiêu, mà mục đích đi cùng chỉ là để bảo vệ. Tập kích xong chúng tôi cũng phải rút thật nhanh vì sợ pháo. Trung bình mỗi tuần tập kích độ 2 lần ở các nơi khác nhau. Kết quả địch có bị thương vong thế nào chủ yếu nhờ cấp trên nghe đài kỹ thuật báo lại. Tập kích kiểu này không bao giờ chúng tôi được tính thành tích vì không thu được súng. Cấp trên quy định báo công theo số súng thu được. Không hiểu sao cái trò này lại làm tôi háo hức. Tôi xin được đi cùng để bắn thử B40 và M79. Có một cái vẻ gì đó giống như chơi đánh trận giả ở nhà.

Mùa mưa hiếm có ngày nắng, nhưng không phải là không có. Thi thoảng vẫn có đêm nằm bìa rừng nhìn thấy bầu trời có sao. Những ngôi sao lờ mờ không nhiều lắm và có vẻ xa tít tắp chứ không rạng rỡ như đêm mùa khô, khi đó sao sáng và nhiều tới mức tưởng có thể vươn tay được lên bầu trời mà nắm lấy. Thường người ta hay có cảm giác nhớ nhà nếu như được nhìn thấy một khung cảnh nào đó giống như lúc còn ở nhà. Giữa núi rừng sâu thẳm này thì khung cảnh duy nhất có thể gợi nhớ nhà chính là bầu trời đêm. Rất có thể lúc này đây, bản thân mình và cha mẹ, anh chị em ở nhà đang cùng ngắm một ngôi sao. Cái cảm giác ấy làm cho lòng ấm lên, thấy gần hậu phương hơn. Trải tấm nilon ra nằm cho đỡ ướt, ngắt một ngọn cỏ nhấm nháp và ngắm trời đêm trong khung cảnh thật bình yên. Tôi đã bắt đầu biết hút thuốc lá. Độ trước đi qua gần bản Xăm-xi-nuc "may" thấy có nương thuốc lá của dân trồng rất nhiều, cây cao to và xanh um. Có rất nhiều cái sự khác lạ ở đây để so sánh với ở nhà. Ví dụ như ở đây không hề có hành mà chỉ có kiệu. Còn thuốc hút thì cũng chỉ có thuốc lá (rất nhiều) mà không hề có thuốc lào. Các anh lính cũ hướng dẫn cho cách ngắt lá thuốc. Nhằm lá già gần gốc mà vặt, mỗi người làm một ôm to, cứ như của nhà mình chẳng xin xỏ gì vì thực ra cũng không mấy khi gặp dân ngoài nương. Đem về hậu cứ lấy dao thái nhỏ ra rồi bắc một tấm tôn lên bếp mà sao cho khô. Khi thuốc đã khô và nguội thì cho vào một cái túi khâu bằng vải dù, cất ba-lô. Lại có một cái túi con khác để bốc bỏ vào đấy một nắm đem theo bên người để hút. Tùy từng nơi mà thuốc lá có thể nặng nhẹ khác nhau chút ít. Nếu muốn thơm và nhẹ thì pha tí nước đường rồi vẩy vào sợi thuốc. Thuốc lá loại này không có mùi thơm bay xa nên không ngại. Vì thế ngồi chốt hay luồn sâu đều có thể hút. Toàn quấn thuốc kiểu sâu kèn thôi.

Một vài lần nằm chơi ngắm trời sao và hút thuốc, có cả cán bộ B, C cùng tán chuyện. Cách xa địch hàng vài cây số, lại ở bí mật nên cũng hơi tự do. Chuyện lính thì đủ các thứ trên trời dưới biển. Chuyện thường của người này nhiều khi là điều lạ và thích thú với người kia. Đã là lính thì ai cũng biết rằng đối với lính chuyện nhiều nhất và lặp đi lặp lại không chán là chuyện ăn và chuyện tán bậy. Nhưng nhiều khi những chuyện khác cũng thu hút người nghe không kém. Trong C tôi lúc đó có khoảng 4 người đã học hết lớp 10 phổ thông nên đôi khi cũng đem những chuyện khoa học ra nói. Nhìn trời đêm, tôi thường hay kể về vũ trụ và các vì sao. Những chuyện ở nhà tôi đọc về Ga-li-lê, về Nicolai Copecnich...được đem ra kể. Nào là quan niệm vũ trụ và trái đất, về những dải Ngân hà, những Hệ Mặt trời, những ngôi sao và hành tinh... Khi từ những cái bao la như thế trở về thực tại thì thấy trái đất và con người bé nhỏ quá. Câu chuyện qua đi, đến lúc vào ca gác, ôm khẩu AK trong tay thì lại thấy mình không còn bé nhỏ nữa.

Nhiều lần nói chuyện chơi như thế, tôi đã lọt vào tầm ngắm của Đạitrưởng Kim Băng, một người nông dân ở tỉnh Nam Định khoác áo lính, mới học chưaxong lớp bảy. Anh ấy thích thú với cái tri thức mà thời tuổi trẻ anh ấy khôngcó điều kiện tiếp cận. Thêm nữa là cũng có chút cảm tình với tôi qua cái trậnchốt bản Soan (trận đầu tiên trong đời lính của tôi), tôi đã không phụ lòngmong đợi cho cái ý định "thử mấy thằng đoàn viên Hà Nội xem đánh đấm thếnào" của anh ấy. Thế là giữa tháng bảy, tôi chia tay anh Trịnh để lên C bộlàm liên lạc cho anh Băng. Ai cũng hiểu liên lạc là phải làm nhiệm vụ truyềnđạt mệnh lệnh liên tục từ BCH đại đội đến các B và các A độc lập trong chiếnđấu, trong hành quân cũng như khi đóng quân tại chỗ. Cần phải nhớ đường, tậpquan sát các vị trí và luôn bám theo thủ trưởng. Việc đầu tiên đại trưởng Băngdạy cho tôi là cách xem và sử dụng bản đồ, địa bàn. Học kiểu truyền tay thôi,nhớ theo quy ước là chính chứ không có giải thích. Địa bàn thì đơn giản hơn, vìthời học phổ thông chúng tôi cũng đã được dạy để biết cách xem hướng. Chỉ có chuyện dùng nó kết hợp với bảnđồ để đạp đường thì cần phải có nhiều thời gian, qua thực tế để đúc rút kinhnghiệm. Đại trưởng Băng cũng dạy tôi cách xem bản đồ. Những điều cơ bản khôngkhó lắm. Xem tỉ lệ bản đồ, quy ra cách đo khoảng cách chim bay. Xem màu sắc,biết địa hình núi đá đất hay cây cối, rừng non, rừng già. Xem các đường bình độvà độ xít của nó, biết độ dốc các vùng hay biết chỗ không ghi suối mà mùa mưacó thể là suối... Đặc biệt cách xác định điểm đứng là cơ bản và khó nhất khi dùngbản đồ. Rồi những thủ thuật và kinh nghiệm đi từ một nơi đến một nơi khác trênbản đồ thì phải xác định thế nào. Tóm lại không khác gì kiển thức cho một trinhsát. Tôi rất háo hức nên tiếp thu cũng nhanh, làm đại trưởng Băng rất hài lòng.Tôi còn rất khoái khi anh ấy hỏi tôi lan man sang những kiến thức khác và nhữnglý giải của tôi cũng nghe được, không đến nỗi nào. 


               Từ khi làm liên lạc cho đại trưởng Băng, tôi ít phải tham gia cùi cõng và gác đêm hơn. Thay vào đó là đi lại sùng sục suốt ngày theo đại trưởng. Anh Băng khỏe lắm, đi trong rừng mà cứ phăm phăm như đi giữa bãi trống không người. Thời gian đầu chỉ riêng cái khoản theo cho kịp anh ấy đã đủ tướt mồ hôi rồi, nói gì đến chuyện ngó ngiêng nhìn đường cho thuộc lối. Tôi hầu như là chạy chứ không phải đi. Anh Băng rất chịu khó đi trinh sát địa hình. Đơn vị chúng tôi, trong 4 cán bộ C thì chỉ có C phó có AK báng gấp, còn lại đều là K54. Anh Liêu người Thái Nguyên làm liên lạc cùng tôi cũng có AK báng gấp. Nhưng nói thật thì AK báng gấp tuy gọn, nhưng nặng lắm. Khẩu AK Tiệp nòng vát của tôi tuy dài nhưng nhẹ hơn nhiều.

Tuy lúc đi đường cứ băng băng, nhưng gần đến khu vực trinh sát thì đại trưởng Băng lại đi rất thận trọng. Đặc biệt là lúc đó anh ấy không bao giờ cầm bản đồ hay súng ngắn trên tay. Lúc nào cũng chỉ có mỗi cái địa bàn pháo binh nhỏ gọn. Khi ấy tôi cũng có địa bàn riêng của anh Trịnh cho (mỗi lần đánh cứ điểm là lính mình tự trang bị dần những món đồ kiểu như thế), nhưng hầu như không dám lấy ra. Chỉ khi ngồi nghỉ giải lao hay lúc ngồi chờ anh Băng trèo cây quan sát, tôi mới lấy ra xăm xoi xem hướng, học mót nghề trinh sát.

Lính cũ cũng hay có những ngón võ riêng của họ. Khi đi trinh sát, bao giờ đại trưởng Băng cũng đeo xà-cột xong rồi mới mặc áo ngoài và luôn bỏ áo ngoài quần. Từ xa mà kẻ địch có dùng ống nhòm nhìn thì cũng không thể thấy cái xà-cột và khẩu súng ngắn của anh ấy. Quan và lĩnh lẫn lộn. Lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên với cái vẻ ăn mặc luộm thuộm ấy của đại trưởng, khác hẳn lúc ở hậu cứ tắm xong chuẩn bị ăn cơm chiều áo bỏ trong quần, gọn gàng trông rất oách. Hay là lúc anh ấy đi họp giao ban trên tiểu đoàn về, xà-cột và súng ngắn đeo bên hông đập tanh tách theo nhịp đi (nhất là anh ấy mông lại to nữa) thì trông mê li lắm. Về sau tôi hỏi anh Trịnh thì được biết dạo trước bên K15 một lần có anh C trưởng đi trinh sát quân phục chỉnh tề, lúc đang leo cây vác ống nhòm quan sát địch thì bị bắn tỉa. Chắc thằng bắn tỉa của địch nhìn rõ cái xà-cột và bao súng ngắn của anh ấy nên biết anh ấy là sĩ quan. Đại trưởng Băng sợ lặp lại cảnh ấy nên phòng thân trước.

Một lần khác anh Băng dẫn một trung đội ra gần đường 23 lùng sục. Đến tối, chúng tôi tạm nghỉ lại cạnh đường, hạ trại nấu cơm ngay dưới ngôi nhà sàn còn sót lại duy nhất của một cái bản bỏ. Cơm nước xong xuôi thì trời tối, trung đội ấy bố trí người gác và ngủ luôn ở ngay cái nhà sàn ấy. Tôi cũng định trải ni-lon ra một góc nhà để hai thầy trò ngả lưng, nhưng anh Băng đã xua tay rồi kéo tôi đi. Chúng tôi vượt hẳn sang bên kia đường, luồn vào một bãi dứa và tìm thấy một cái hầm chữ A của bộ đội ta đào khi trước. Tôi cầm đèn pin chui vào dọn dẹp một lúc, trải cái ni-lon ra, thế là xong chỗ ngủ đêm. Hai thầy trò chui vào duỗi chân duỗi tay, quấn thuốc lá hút, rì rầm nhỏ to một lúc rồi đi vào giấc ngủ, chả có gác sách gì cả. Sáng sớm hôm sau tất cả lại tập trung, cơm nước xong là lên đường làm nhiệm vụ tiếp. Tôi cứ phân vân là sao đại trưởng Băng lại không cho ngủ ở nhà sàn cho nó thoáng. Mưa gió không sợ ướt, thám báo cũng không lo vì đã có người gác. Với lại ở đông người vẫn đỡ lạnh lưng hơn chứ. Về sau anh Băng cũng giải thích cho tôi là đêm đó không phải sợ thám báo đâu, vì bọn thám báo Lào cũng rát lắm, ít khi dám đi đêm. Anh ấy phòng xa là địch nó ngẫu nhiên quan sát được rồi đêm câu pháo thì đỡ phải chạy. Anh ấy bảo là khi đi trinh sát có ít người thì ban đêm cứ chọn tìm nơi nào kín đáo và bất ngờ chui vào ngủ là đảm bảo nhất, không cần gác làm gì. Anh còn nói thêm chỗ an toàn nhất khi ngủ đêm chính là trong hàng rào địch. Tuy nhiên phải lo chuồn đi khỏi đó trước khi trời sáng. Tôi nghe và cố nhập tâm nhưng vẫn thắc mắc mãi một điều không dám nói là đêm hôm ấy nếu đã lo địch bắn pháo ban đêm, sao đại trưởng không cho cả đơn vị rời khỏi nhà sàn mà sang bãi dứa ngủ tất cả có hay hơn không?

Nói thêm về võ riêng của lính cũ. Trong C tôi, nhiều người bảo anh Quân B trưởng B5 cũ của tôi có giác quan thứ sáu. Nhiều khi anh ấy phát hiện được địch, nhưng lại không giải thích được cụ thể là thế nào. Những chuyện cũ thì tôi chỉ nghe nói, nhưng có một lần tôi được chứng kiến. Đó là lần đơn vị đang ở khu luồn sâu, tôi được anh Băng cho đi cùng B5 về hậu cứ lấy thêm đạn gạo. Đường về và đi mất trọn hai ngày. Hôm về hậu cứ thì không có việc gì. Ở lại hậu cứ một ngày chuẩn bị các thứ xong, ngày thứ ba chúng tôi lên đường quay trở lại đường 23. Vượt qua đường 23, theo một con đường mòn nhỏ chúng tôi đi hàng một, có dãn cách theo quy định và không nói chuyện, điều này vẫn chỉ là làm theo quy định từ trước thôi. Anh Quân là người đi đầu chứ không phải lính tráng chúng tôi. Đang đi khẩn trương, bỗng anh Quân dừng bước và phẩy tay về phía sau. Chúng tôi ngồi nép luôn xuống hai bên đưởng, tay lăm lăm súng. Còn anh Quân, anh ấy cứ vươn cổ ra, nghiêng nghé hai bên, nhăn mũi cứ như đánh hơi vậy. Trong lúc đó, chúng tôi im lặng, hơi căng thẳng nhưng cũng chẳng phát hiện thấy gì. Một lúc, anh Quân rón rén lùi lại rồi đưa chúng tôi đi quay ngược lại, lùi xa tới hai trăm mét. Ở trong rừng, khoảng cách ấy là lớn lắm rồi. Chúng tôi tụm lại hội ý. Anh ấy bảo phía trước nhất định có địch phục kích. Chúng tôi có thể đạp đường vòng đi tránh đoạn phía trước thì vẫn có thể về được chỗ đơn vị đang trú quân. Thế nhưng anh Quân nheo mắt cười hóm hỉnh: "Mẹ cái bọn này chứ. Mình sẽ tìm chỗ phục lại, choảng cho nó một trận cho chúng nó hết nho nhoe". Thế là Anh Quân nhắm đường đạp vòng hẳn một vòng to vượt qua cái chỗ nghi có địch ấy. Chúng tôi theo anh vượt qua một con suối nhỏ, hai bên khá dốc và bố trí phục kích ở bờ bên kia. Cần nói thêm là khi đi hoạt động luồn sâu, chúng tôi đạp đường mới là chính, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải lợi dụng một vài đoạn đường mòn cũ của dân. Chỗ phục kích này cũng là một đoạn đường mòn cũ, nhưng không phải con đường chúng tôi vẫn đi.

Chờ đợi chán chê, đến cuối chiều mới phát hiện thấy địch. Đúng là cáibọn định phục kích chúng tôi. Chúng nó chờ chán quá, lại đã chiều rồi nên rútquân về căn cứ. Cái bọn tưởng chủ động bây giờ lại hóa ra một lũ chủ quan.Chúng tôi nhìn rõ 7 thằng lội qua suối và tụm lại khá gọn. Đúng lúc những thằngđi đầu đang gò lưng leo dốc thì anh Quân phảy tay. Thằng Lễ (Nam Hà) phọt luônmột trái B40. Chúng tôi cũng bắn như đổ đạn vào đó. Xét về lực lượng thì chúngtôi còn nhiều người hơn chúng nó. Cả bảy thằng địch chết dụi tại chỗ, chả bắnnổi phát nào. Anh Quân hô chúng tôi lấy súng và lột luôn những thứ có thể lấyđược rồi chuồn gấp. Vốn là về hậu cứ lấy đạn gạo nên chúng tôi đã cùi nặng, bâygiờ lại nặng thêm, nhưng chả ai dám chần chừ. Tất cả rút vội theo anh Quân. Nhậpnhoạng tối thì chúng tôi cũng về tới nơi trú quân của đại đội. Sau vụ đó, anhQuân càng nổi danh hơn với giác quan thứ sáu. Còn tôi, thú thật là mãi về sau,tôi cũng không hiểu là anh ấy ngửi thấy cái gì mà đoán chắc có địch phục hômđó. Dù sao, cũng thật là hạnh phúc khi có những người chỉ huy như anh Quân. 


              Thời gian ở Nam đường 23 xảy ra thật lắm chuyện. Vui cũng có mà buồn cũng có. Mùa mưa đang vào độ đỉnh điểm giữa mùa. Mưa nhiều hơn, kéo dài và liên tục hơn. Người lúc nào cũng ẩm ẩm. Đi rừng lúc mưa khó chịu lắm. Quàng áo mưa thế nào cũng ướt. Gấp đôi lại mà quàng phía trên thắt lưng thôi, không dám mở to vì sợ đi rừng cây nó cào vào rách hết nilon rồi sau lại không có cái mà dùng. (Tấm nilon của lính mình là tốt nhất. Bọn địch nó cũng có nilon là tấm vải dù quét nhựa. Loại này nhẹ mềm nhưng không chống được mưa to. Còn loại Pông-xô che mưa rất tốt nhưng nặng chình chịch, chả ai muốn dùng). Phía dưới ướt đã đành, mà đầu và cổ trước sau rồi cũng ướt. Lính tráng khi đó thằng nào cũng có một cái ví vỏ nilon để đủ các thứ linh tinh. Cần giữ khô nhất là cái bật lửa và cái túi con đựng thuốc lá. Chỗ tạm trú quân có đào hầm trên dốc cao, không bị ngập nước, nhưng hầu như chả ai chịu vào nếu không có pháo bắn. Ban đêm chúng tôi cứ mắc võng sát đó mà nằm. Chỉ có về đêm mới là thời gian riêng của mình. Duỗi thẳng chân tay trên võng cho nó đỡ mỏi, hay khoanh tay trước ngực để tự ủ ấm mình mà ngủ. Mơ gì tùy thích, nhưng nhiều khi đặt lưng lên võng là ngủ như chết. Sẽ quên đi tất cả nếu nửa đêm không bị thằng khác gọi dậy gác.

Lính Hà Nội chúng tôi vào đây mấy tháng rồi, nhưng hầu như chỉ có trong cùng C gặp được nhau, còn khác C và nhất là khác K thì chịu. Chẳng biết những thằng ở các C trên Trung đoàn thế nào. Một lần theo đại trưởng Băng về tuyến sau, tôi gặp bọn hỏa lực trung đoàn. Trong E tôi có 2 C hỏa lực. Một C có DKB và cối 120 ly. C khác có DKZ và 12ly7. Lần đó tôi gặp thằng Lân "xế lô" ở cối 120 ly. Chúng nó đi hướng Lào Ngam đường 231 về đến đó thì nhập chung với đường về của chúng tôi. Đó là một giông đồi rất cao gần huội Chăm Pi. Thằng Lân cũng chẳng cao to gì hơn tôi, vào C16 hỏa lực được ưu tiên vác cái núm "qui tỳ" của khẩu cối vì nó nhỏ con nhất tiểu đội cối. Lúc gặp nhau thấy nó lấm lem bùn đất đầy người, chào hỏi mà như mếu. Hóa ra nó đang đánh vật với cái núm qui tỳ. Đó chính là cái cục sắt có kim hỏa nằm ở cuối nòng khẩu cối, chỗ gắn với bàn đế. Cái cục đó tròn như cái cối đá nhỏ, nặng tới ba chục cân chứ không ít. Vì nó tròn nên rất khó vác. Dốc huội Chăm pi rất dốc và cao, đường từ huội lên đỉnh dốc phải tạo ngoắt ngoéo chữ chi cho dễ đi. Vì trời mưa, dốc cao, đường trơn nên thằng Lân bị trượt chân ngã liên tục. Mỗi lần như thế, cái cục qui tỳ lại lăn vào bụi rậm. Thế là lại phải hạ ba lô rồi chui vào vần ra. Cũng phải lên gân lên cốt mới kéo ra được chứ. Rồi lại đeo ba lô, lại dé chân chèo để bốc nó lên vai. Có lần thằng Lân "tối kiến" lấy dây dù buộc vào cái mấu (phần cắm vào đế cối) rồi quấn vào người với hy vọng khi ngã cái núm qui tỳ không lăn xa. Không ngờ ở chỗ dốc quá, khi ngã cái núm qui tỳ vẫn lăn lông lốc, còn sợi dây thì giằng vào cổ thằng Lân thít lại, suýt nữa thành treo cổ nằm ngang. Mấy thằng khác trong A cối cũng nặng nhọc không kém vì phải khiêng đế và nòng cối còn cồng kềnh và nặng hơn, nên chẳng giúp được gì cho thằng Lân. Gặp nó trong cảnh đấy, tôi cũng xáp vào cùng nó hì hục vần cái núm qui tỳ cho đến khi lên được tận đỉnh dốc. Người tôi cũng bê bết đất, mệt rã rời. Dạo trước lúc mới chia quân đôi khi thắc mắc là tại sao, tiêu chuẩn nào mà bọn thằng Lân, thằng Khiêm được bổ sung vào hỏa lực (luôn ở phía sau, sướng thế), còn mình lại vào bộ binh ở tuyến trước, gần hơn với cái chết. Sau vụ gặp và giúp thằng Lân vần cái núm qui tỳ lên dốc huội Chăm pi, tôi dẹp ngay cái suy nghĩ ấy. Sống chết có số. Nếu phải chết thì chết ở tuyến đầu sướng hơn, ít nhất là không phải hành quân chiến đấu quá vất vả như thế.

Chia tay thằng Lân, tôi phải gần như chạy mãi mới đuổi kịp đại trưởng Băng. Anh ấy xạc luôn sau khi tôi nói lý do bị rớt lại. Anh ấy bảo, "ai có nhiệm vụ người ấy, nhiệm vụ của cậu là bám sát tôi nghe lệnh chứ không phải gặp đồng hương là dừng lại giúp như thế. Nếu không phải đang về hậu cứ mà đi sang hướng khác, làm sao cậu tìm được tôi". Tất nhiên là tôi sai rồi. Sau này tôi còn nhận ra là mình không đủ khả năng để làm một thằng liên lạc nữa cơ, vì sức khỏe của tôi chỉ có hạn. Hôm đó, dọc đường đi, Anh Băng lúc thì dừng lại lấy dao găm đào một búp măng mai, lúc lại rẽ ngang nương dân đào mấy củ dong riềng già hay vặt ít lá thuốc lá. Tất cả đều giao cho tôi mang. Anh ấy đang dạy tôi thêm nhiệm vụ khi đi đường luôn phải để ý tìm và kiếm đồ cải thiện thêm cho BCH. Tối về khu hậu cứ rừng già mà vắng tanh không có người, anh Băng bày tôi cách nấu các thứ. Thế là tôi biết thêm nhiệm vụ phải nấu ăn cho chỉ huy khi không đi cùng đơn vị có anh nuôi. Tôi tiếp thu rất nhanh và dần dà nấu nướng cũng khá thạo. Chỉ mỗi tội tôi không làm được nhanh và không lanh lợi bằng anh Liêu (cũng là liên lạc) người Bắc Thái vào chiến trường trước tôi hai năm. Anh ấy rất khỏe, có thể vác thay cả ba lô cho thủ trưởng. Hai ba lô mà đi băng băng, dọc đường dừng lại đào vội một củ măng mai bên đường mà vẫn theo kịp đội hình hành quân đơn vị. Ngay cả khi ở hậu cứ có anh nuôi nấu cơm chung, ngoài cơm và thức ăn chia giống như lính, bao giờ anh Liêu cũng nấu thêm một món thức ăn khác bổ sung cho bữa ăn của các thủ trưởng (và của cả liên lạc nữa).

Được dịp đi theo chuyến công tác về hậu cứ hội họp của thủ trưởng, tôi cũng có thêm điều kiện gặp lính Hà Nội ở các đơn vị khác để hỏi thăm tin tức của nhau. Có một chuyện của thằng Tuấn "đen" làm lính Hà Nội bọn tôi không được vui. Tôi đã kể về thằng này ít nhiều trong những trang hồi ức trước. Nó ở cùng B với tôi từ ngày mới vào lính (C36 D50) ở trong dốc Bụt (Hòa Bình), rồi lại cùng nhau chuyển ra ngoài C40 D52 ở khu suối cạn ngoài Bãi Nai. Thằng này chỉ tội đen thôi, chứ khuôn mặt nó rất đàn ông và đẹp trai, dáng dấp khỏe mạnh. Đặc biệt nó có giọng hát rất trầm ấm. Nó không hát nhạc vàng, nhưng lúc sinh hoạt đại đội, nó hát mấy bài thời tiền chiến như bài "Đêm đông"... thì nghe tuyệt vời lắm. Lẽ ra nó phải vào Văn công thì hợp hơn, nhưng lúc đó người ta cần thêm tay súng chứ không cần thêm giọng ca, nên nó vẫn đi B cùng chúng tôi. Nó còn hơn những thằng như tôi là đã có người yêu (lại rất xinh nữa chứ). Người yêu tiễn nó vào bộ đội và tiễn nó cả lúc đi B với những lời thề non hẹn biển. Người yêu của nó nói "chỉ cho anh đi B 6 tháng thôi" và nó đã đinh ninh lời dặn ấy. Thời gian phía trước trôi đi thật chậm lúc người ta mong ngóng, nhưng lại trôi quá nhanh khi ta ngoái đầu nhìn lại. Kể từ lúc chúng tôi rời Đại Mỗ (Hà Đông), hành quân qua Trường Sơn rồi vào đơn vị, hưởng mùa mưa đầu tiên trong chiến trường thì sáu tháng trời đã trôi qua lúc nào không biết. Những người lính theo đoàn quân hành quân rầm rập vào Nam thì chúng tôi ai cũng biết, nhưng con đường trở ra Bắc sẽ như thế nào thì lại không ai hay. Có một điều chắc chắn rằng không ai dám mong đó là đường về trong đoàn quân ngày chiến thắng, vì ai biết bao giờ mới kết thúc chiến tranh. Thằng Tuấn "đen" hiểu lờ mờ con đường về trước mắt chỉ có thể là con đường lẻ loi đối với cá nhân từng người lính mà thôi. Thế là nó đã tự chọn cho mình con đường đau thương nhất: tự thương. Nó lấy đủ loại khăn vải quấn quanh cổ tay rồi dùng súng AK tự bắn vào tay mình trong một lần K15 của nó ra tuyến trước.

Các bác sĩ (và cả y sĩ, y tá) trong chiến trường là những chuyên gia bậc thầy về giám định vết thương. Kết hợp với tình huống chiến đấu và vết đạn, mùi khói súng trên vết thương, họ dễ dàng bắt được thằng Tuấn nói ra sự thật. Nó được đưa về trạm xá trung đoàn. Nó cũng được chữa chạy, nhưng không được đối xử tử tế như những thương binh khác, nếu không muốn nói là bị phân biệt. Người ta khinh rẻ nó ra mặt và luôn bỏ rơi nó. Những thương binh khác bị vết thương như thế chỉ cần hai tuần là khô vết thương, sau một tháng có thể được giám định sơ bộ để chuyển ra Bắc hay đưa trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Vết thương của thằng Tuấn "đen" tới sáu tháng sau vẫn chưa lành. Tới tận sau hiệp định Viên chăn (Hiệp định đình chiến tại Lào này ký sau Hiệp định Pari - Việt Nam một tháng và cũng có ý nghĩa giống như Hiệp định Pari vậy), thằng Tuấn vẫn còn ở trên Trạm xá Trung đoàn. Chúng tôi đi công tác lên đó gặp nó không được tự do mà phải hạn chế trong một phạm vi nhất định. Những thằng đào ngũ đã quay lại đơn vị cũng không bị đối xử đến mức như nó. Sáu tháng rồi mà vết thương của nó vẫn không lành, có lúc còn đầy ròi, tưởng như phải cắt bỏ cả cái tay. Vết tiêm trên bắp tay của nó cũng bị áp-xe, nhiễm trùng. Nó không được cấp đủ thuốc mà cũng không dám kêu, vì mở mồm ra là bị mắng chửi. Có lúc muốn ép mủ từ vết thương ra mà không có người giúp, nó phải nhét gấu áo vào mồm cắn chặt rồi ra nắm chặt tay vào một cành cấy, nén đau lên gân vặn cho cơ tay nó ép mủ trào ra. Một lần thằng Kim "con" cùng C lên gặp nó đúng lúc như thế đã xông vào giúp rồi chửi ầm lên mắng y tá, nhưng đã nhanh chóng bị tống cổ ra khỏi khu quân y. Sau thằng Kim "con" gặp kể lại chuyện cho tôi, tôi cũng thấy rơm rớm nước mắt vì thương thằng Tuấn. Dù sao nó cũng là đồng đội, là đồng hương Hà Nội với tôi.

Chúng tôi không nghĩ là người ta lại có thể xử ác như thế với thằngTuấn, tuy nó có lỗi lầm. Nhưng hèn nhát chưa chắc đã phải là một cái tội. ThằngTuấn phải tự lau rửa vết thương cho nó bằng nước muối pha. Khổ thêm một nỗi làmùa mưa năm đó, trung đoàn chúng tôi cũng thiếu muối. (Nhiều khi trong đơn vịchúng tôi không nấu thức ăn có muối, mà muối nhận về được đếm hạt chia theo đầungười để tự bảo quản và sử dụng. Chuyện này tôi sẽ kể riêng sau). Lính Hà Nộichúng tôi thương nó tìm cách góp muối gửi cho nó để nó tự rửa vết thương.Chuyện này cũng phải làm giấu chứ không dám công khai. Có lẽ tình đồng đội cũnggiúp được nó ít nhiều để cuối cùng cái tay của nó cũng trở nên lành lặn. Mãitới cuối mùa khô năm 1973, Tuấn "đen" mới được ra Bắc, tất nhiênkhông phải với tư cách là một chiến sĩ quân giải phóng. Lính Hà Nội chúng tôichẳng ai biết mà tiễn nó. (Sau năm 1985 tôi có gặp lại, nhưng nó không muốn nóichuyện nhiều. Chúng tôi có mời nó đến gặp mặt vào ngày nhập ngũ 4/9 tổ chứchàng năm, nhưng không lần nào nó đến. Có lẽ nó còn tự mặc cảm thôi, chứ chúngtôi cũng không nghĩ xấu về nó).


Bọn lính Nam Hà vào sau chúng tôi hai tháng đánh nhau rất gấu. Đoàn Tân binh đó chỉ đông hơn đoàn chúng tôi một chút. Trong khi đoàn Hà Nội chưa có lính nào hy sinh, thì lính Nam Hà đã bị hy sinh và bị thương khá nhiều. Không riêng các K15 và K16 ở hướng đường 231, ngay trong K18 chúng tôi khi thay chốt đánh nhau cũng như vậy. Có trường hợp bị thương rất đau lòng. C6 chúng tôi đã phải chi viện để đi khiêng thương binh tử sĩ. Có lần tôi khiêng một thương binh Nam Hà ở C5. Thằng này mang AK, lúc đánh đường 231 vận động lên cùng đội hình lại chạy ngay sau thằng B40. Thằng mang B40 khi bắn không quan sát phía sau, cứ thản nhiên làm "rầm" một phát. Quầng lửa phụt lại trúng luôn vào mặt thằng tân binh. Thằng này bị bỏng nặng, khiêng về cứu sống được nhưng bị mù hai mắt. Súng AK của nó chưa bắn viên nào. Trận đánh đầu tiên cũng là trận cuối cùng trong đời của người thương binh nặng (chắc là hạng cao nhất) mới 18 tuổi đó. Chúng tôi vừa khiêng vừa thương nó, nhưng cũng trách thầm sao tập tành không đến nơi đến chốn.

Trong C tôi có thằng Lễ (Nam Hà) cũng hăng máu lắm. Lính mới vào chỉ có AK, thế mà nó chỉ sau một đợt ra tuyến trước đã được giao B40 và cứ khư khư như bảo bối không nhường ai. Thằng Lễ ít nói, tính tình lạnh lùng. Ngày còn ở nhà, máy bay Mỹ đến ném bom vào làng trúng ngay ngôi nhà nó. Mẹ nó cùng hai đứa em gái bị chết. Nó cùng bố ra đồng cày đất nên thoát chết. Nó đã phải tự tay chôn mẹ và em. Vì thế mới hơn 17 tuổi một tý, nó đã nằng nằng đòi đi bộ đội. Văn hóa thấp, trình độ có hạn, học chính trị được phát biểu thì chỉ độ 3 câu là nó chửi Mỹ. Có lúc CTV phải ngăn nó mới dừng để người khác còn phát biểu. Thằng Thái "pi-tơ" có một lần chỉ lỡ phát biểu rằng "Trai thời loạn phải đi đánh nhau chứ thích thú chó gì", thế là nó xông vào đấm đá thằng Thái, nói là không biết căm thù giặc, là đồ hèn. Thấy nó thái quá như thế nên từ đó về sau chúng tôi tránh không nói đến chuyện chính trị với nó nữa. Đấy chỉ là ở hậu cứ, còn ra tuyến trước thì nó hăng lắm, lúc nào cũng đòi đánh nhau. Vừa mới nổ súng đã đòi hô xung phong, khiến có lúc tôi nghĩ, ở cùng thằng này có ngày chết oan. Nhưng cũng chính vì thế mà có lần nó bắt được tù binh, mặc dù thời gian ở Lào chúng tôi rất ít bắt được tù binh. Bọn lính Lào chạy nhanh lắm. Kể cả bị thương nhẹ, nếu trong tình huống rút lui là nó biến mất rất nhanh. Còn nếu nó bị thương nặng là chúng tôi "bòm" luôn. Khiêng thương binh của mình vượt suối leo dốc cao đã mệt bỏ mẹ, giờ ôm thêm chúng nó vào thành tích chả thấy đâu, chỉ tổ ốm xác. Mà khai thác gì cái bọn tù binh này, chúng cũng chỉ là lính trơn. Mùa mưa nống ra thì phải đánh nhau nhì nhằng chứ kế với hoạch quái gì. Thế mà lần phục kích ấy, vừa nện xong quả B40, xung lực AK còn đang quạt "tằng tằng..." thì thằng Lễ đã lao ra đường tống cả cái nòng B40 không đạn vào ngực tên địch làm thằng này hoảng quá ngã lăn ra, giơ vội hai tay, chưa cần phải nghe lính ta hô "Ọc ma nhom bò tải" (hàng thì không chết). Chỉ khổ là sau đó đơn vị lại phải trích ra hai người để giải thằng này về tuyến sau. Mà lúc giải nó đi cũng khổ. Phải trói nó hai tay, lại buộc luôn một khúc gỗ to và dài vào người nó cho yên tâm, chứ nếu không lúc qua suối sâu, dù đi đất hay đi giày, nó cũng đi phăm phăm lôi lính mình trượt ngã lên ngã xuống dưới lòng suối.

Chỉ mới vào đơn vị được 3 tháng, đánh vài trận, khi A trưởng hy sinh là thằng Lễ lên làm A trưởng luôn. Tiểu đội nó có cả thảy 5 người. Bốn thằng lính trong A nó rất vất vả vì nó quá hăng hái. Lúc ở hậu cứ, chỉ mới nghe cán bộ đại đội nhắc anh em củng cố lán trại cho tươm tất một chút, thế là ngay trưa hôm đó nó kéo cả A bỏ giờ nghỉ sang tít tận cái rừng bên cạnh chặt nứa. Nói là bên cạnh thôi nhưng cái rừng đó cách chỗ chúng tôi hai cái dốc, đi không cũng phải bở hơi tai mất 30 phút. Lại phải mất thêm buổi trưa không nghỉ nữa để thưng lại mấy cái bức liếp quanh hầm thùng. Nếu là A khác thì lính kêu bằng chết, nhưng lính của A nó thì không dám kêu to vì sợ nó chửi. Thằng này chửi cũng đơn giản lắm, không văn hoa gì đâu mà chửi bậy rất tục, gọn và cục cằn. Đôi lúc thấy nó chửi lính A nó, tôi thầm mừng là may mà mình không bị ở cùng nó. Tôi lại còn cười thầm là thằng này chửi văng ra mấy thứ bậy bạ như thế, nhưng chắc đếch gì nó đã một lần được nhìn thấy cái của mà nó văng ra. Mà của đáng tội là thằng này cũng không phải là loại khéo tay hay thạo việc nhà, nên cái vách hầm thùng bên A nó tuy được thưng lại mới nhưng chỉ kín chứ không đẹp. Nói vụng chứ nó không hơn cái nhà cầu của A khác bao nhiêu.

Dạo chúng tôi ở hậu cứ gần bản Xăm-xi-nuc "may", nhiều đêm có máy bay địch đến gọi loa kêu chiêu hồi. Mới đầu chúng tôi không để ý, chỉ thấy lạ là lúc bắt đầu tổ chức canh gác (khoảng 9 giờ tối) thì nghe trên đầu có tiếng máy bay ì ì rất nặng rồi nghe như có tiếng loa, tiếng được tiếng mất. Sau chú ý thì thấy vào đêm trời quang có máy bay vận tải của địch bay chậm trên các cánh rừng. Rừng già rất dày nên nó không thể nhìn thấy chỗ chúng tôi đóng quân, nhưng chắc nó cũng khoanh được vùng tọa độ. Không biết nó bắc loa trên máy bay kiểu gì mà nghe cũng khá rõ. Nó nói tiếng Việt, kêu gọi chúng tôi trở về miền Bắc hoặc ra Pắc-xế đầu hàng. Nó cũng đọc tên của lính mình mà nó bắt được. Thời gian chúng tôi ở Lào, số lính mình bị bắt làm tù binh rất ít, song cứ có vụ nào là nó lại bay và gọi loa rỉ rả suốt đêm. Điều đặc biệt là nghi ngờ vùng đóng quân của chúng tôi, nhưng chúng lại không dội bom tọa độ. Có thể chúng cho rằng cái máy bay ấy bay gọi loa sẽ phủ được trên cả một vùng rộng mà B52 nếu có ném bom cũng không xuể chăng. Một điều khác nữa là nó chỉ gọi loa chứ không thả truyền đơn chiêu hồi như trên chiến trường B3. Một lần trời quang có máy bay bay như thế, thằng Lễ nổi khùng vác AK xả hết gần một băng lên trời ở cái bìa rừng nơi A nó đóng quân. Tất nhiên là không thể bắn tới cái máy bay ấy được, nhưng nó tức quá mà bắn. Cái máy bay chắc cũng không phát hiện ra nên chẳng đếm xỉa gì đến chuyện đó. Chỉ có chúng tôi được phen hoảng hồn lo lắng. Thằng Lễ bị gọi lên BCH đại đội, nhưng vì cái lý căm thù giặc kèm theo cái nhận thức thấp của nó, cộng với việc hậu cứ vẫn chưa bị lộ nên nó chỉ bị khiển trách và rút kinh nghiệm.

Mới tuổi thanh niên nhưng thằng Lễ đã hói đến 1 phần 3 đỉnh đầu. Mặt mũi nó lúc nào cũng sứt sẹo vì khi đi đường có mấy khi nó chọn đường quang đâu. Khi lùng sục thì cứ thẳng hướng mà đạp đường, bụi gai thường chứ tre gai hay mây song nó cũng không ngại. Thế nên vết cào cũ chưa liền da thì đã vết mới đã xuất hiện. Quần thì hầu như lúc nào cũng ống thấp ống cao, xộc xệch. Ở hậu cứ thì thế đấy, nhưng lúc hành quân hay chiến đấu thì thằng Lễ chững chạc hơn nhiều. Nó chẳng ngại khó và nguy hiểm nên chúng tôi rất nể và quý nó. Vì cái chuyện chết hụt khi ở nhà nên nó bảo số nó không chết được. Có lẽ thế thật. Vào chiến trường được hơn một năm thằng Lễ đã được kết nạp Đảng. Sau này khi về miền Nam, đi đánh chốt được vài trận, nó được rút lên học quân chính trên sư đoàn. Về sau nó được bổ nhiệm về làm B trưởng bên E64 (theo chính sách đảo quân của B3) và không về đại đội nữa nên chúng tôi cũng mất tin tức về nó luôn.

Ngoài thằng Lễ nổi bật ra, bọn lính Nam Hà khác cũng sàn sàn như bọntôi. Ngoài chuyện đánh nhau và cùi cõng ra, những kinh nghiệm sống của chúng nócũng không hơn gì chúng tôi. Có lẽ quê chúng nó là vùng đồng chiêm trũng, nghềphụ không có gì nên vào lính cũng không có gì đặc biệt để thi triển. May chăngcó món bơi lội và bắt cá, nhưng ở rừng thì những món này ít gặp. Trong đơn vịtôi rất ấn tượng với các anh lính quê rừng núi và các anh Hà Tây. Đặc biệt làcó anh đã đi làm chán chê rồi mới vào lính. Anh Liêu liên lạc với tôi cũng vậy.Đợt ở đường 23 dài ngày, chính anh ấy đã tìm và chỉ cho chúng rôi những cànhGắm trong rừng già. Khi đói thì ăn quả gắm cũng tốt lắm. Khai thác nó cũng phảicẩn thận. Phải cho vào bao cát rồi đem ra suối chà cứ nếu để lông gắm dính vàotay chân thì ngứa bằng chết. (Vào chiến trường tôi mới biết đến từ "baocát". Thực ra nó là của địch. Có hai loại bao cát, một loại bằng vải dứa,một loại là sợi tròn như vải. Tất cả đều là dạng sợi tổng hợp pha nilon. Kíchcỡ của nó chứ được từ 15 đến 20 kg đất. Cho đất vào đó rồi buộc túm lại để đemđắp lên làm công sự. Hầu như trận đánh nào, trừ những trận phục kích, chúng tôicũng phải đem theo bao cát làm công sự cho nhanh). Hạt gắm đem rang ăn rất bùi.Anh Liêu bảo quê anh ở Bắc Kạn có rất nhiều cây gắm trong rừng, nhưng quả nhỏhơn trong này. Về sau anh ấy còn giúp chúng tôi đào cả củ mài nữa. Trong thờigian làm liên lạc cùng anh Liêu, anh ấy còn dạy tôi cách sao chè. Tranh thủ lúcđi cải thiện hay đi công tác qua các bản bỏ ở đường 23, anh ấy dẫn tôi tạt vàovườn chè để hái. Ngắt ngọn 3 lá là vừa và ngon nhất, anh ấy hái rất nhanh, chỉđi lướt lướt qua mà hái được rất nhiều. Khi về hậu cứ anh ấy lấy mảnh tôn rabắc bếp và bỏ chè vào sao. Chè hái ở vườn không báo giờ rửa, có thể mới nguyênchất. Đảo một lúc trên bếp lại phải bỏ ra miếng tôn khác để vò cho nó mềm đều.Cứ như thế vài lượt, tay thì đen nhẻm vì nhựa chè, còn sản phẩm là một ít chèmóc câu đàng hoàng. Không có hương bưởi hương sen, nhưng như thế là quá tuyệt.Ngoài ra anh Liêu còn dạy tôi cách tìm dây lông beo trong rừng. Loại dây nàysau khi bứt đem xoắn lại cho mềm hoặc tết nhiều sợi lại thì được sợi dây cònbền hơn dây thừng. Càng ngâm nước càng chắc nên dùng trong mùa mưa thì không gìbằng. Anh ấy còn dạy tôi cách buộc các nút thắt, thật không khác gì trong sổtay của các hướng đạo sinh thưở trước. Phải chăng chính những điều như thế đãgiúp tôi trở thành một người chăm làm và tháo vát khi ra quân trở về với cuộcsống đời thường?


              Mùa mưa đầu tiên trong chiến trường tôi đã hưởng cái đói. Mà kể cũng lạ, khi ở nhà tiêu chuẩn gạo cán bộ của bố mẹ tôi chỉ có 13,5 kg một tháng (tôi khi đang là học sinh lớp 10 được hưởng cao nhất là 15 kg một tháng) thế mà sao vẫn đủ ăn, không thấy đói. Mà tiêu chuẩn đó là quanh năm, niềm mơ ước được đong gạo bông không bao giờ sợ đói so với dân làng ở quê đấy nhé. Vào trong chiến trường tiêu chuẩn là 21 kg một tháng, nhưng đó là trên giấy thôi, còn thực tế là có đến đâu phát đến đấy, thường là ít hơn. Bắt đầu từ lúc ăn 5 lạng một ngày là thấy đói, thấy thèm ăn rồi. Mà ở đất Nam Lào này mùa mưa chỉ có gạo nếp. Mùa khô thì có gạo đồ của Trung Quốc, thứ gạo không nở và không thể nấu thành cháo. Thành ra gạo nào thì cũng đói. Trên chiến trường Lào, lúc gay go nhất là ăn 3 lạng một ngày. Mỗi bữa một lạng cơm nếp nắm lại chỉ to hơn quả trứng vịt. Nhưng cơm nếp có ưu điểm là để được lâu hơn. Đi chốt cả ngày hay thậm chí 2 ngày chỉ cần tiếp tế cơm một lần. Khi nấu cơm nếp cho tí muối vào là đủ độ đậm, không cần thức ăn. Cũng vì trong đầu lúc nào cũng nghĩ đến ăn nên lính tráng đi đến đâu cũng ngó nghé tìm ăn. Của rừng cũng được mà của dân cũng xong. Bản bỏ ven đường 23 nhiều đấy, nhưng không phải lúc nào cũng được đi qua, hay cây cối cũng phải có thời gian cho nó mọc chứ. Thế là cái từ "bài ca ống cóng" ra đời. Lính mà kém cái phần "ca cóng" là coi như kém hẳn một khả năng để tồn tại.

Đợt cuối tháng 8 năm 1972 các đơn vị phải đi cùi cõng gạo đạn chéo cho nhau nhiều lắm. Thông thường cùi từ kho trung đoàn về kho dã chiến tiểu đoàn. Khi các C đi nhận gạo từ kho tiểu đoàn về, chúng tôi không được lĩnh gạo theo cân có đóng bao, mà nhận gạo theo đong soong. Một gạt bằng của soong 6 tương đương 5 kg gạo. Tức một nỗi nữa là cái soong dùng để phát gạo cho lính gao giờ cái đít cũng bị lõm vào trong một ít, nên một soong chắc không đủ 5 cân. Đi lĩnh gạo từ kho tiểu đoàn về C thì chúng tôi rất nghiêm chỉnh. Chỉ khi cùi gạo trung chuyển chúng tôi mới giở trò. Thoạt đầu chúng tôi cũng hiền lắm, nhưng hiền cũng không xong. Lúc nhận gạo ở kho trung đoàn, thường bọn ở kho đong cho chúng tôi bắng cái soong lõm đít. Khi trả gạo ở kho tiểu đoàn thì bọn ở đây lại nhận bằng cái soong lồi đít. Thế nên bao giờ chúng tôi cũng bị thiếu gạo. Tình ngay lý gian, lính tráng bị chửi mắng, nhưng chúng tôi cùi cõng theo cả đội hình, có cán bộ C đi kèm thì làm sao ăn cắp gạo. Có tụt hết tất cả ra mà khám thì cũng chẳng tìm được gì, cuối cùng là hòa cả làng. Vậy là 2 thằng thủ kho 2 đầu ăn gian đã dạy cho chúng tôi cũng chẳng cần thật thà làm gì cho mệt. Thế là dù không bảo nhau, nhưng thỉnh thoảng (chỉ thỉnh thoảng thôi) khi cùi gạo, lúc qua suối, thằng nào không phải mang súng là xoay cái cùi gạo nặng hơn hai chục cân của mình lại, ôm chặt trong lòng rồi vừa lội suối vừa cởi nút bốc ra một nắm gạo cho vào cái bình tông đeo bên mình, rồi buộc lại xong nút gùi thì cũng vừa vặn đi qua bên bờ kia suối. Làm thế không dễ đâu nhé, nhưng rồi cũng làm được. Mà ở cái bình tông cũng phải có độ non nửa là nước trong đó, vừa để ngụy trang, vừa không làm cho gạo bị nát mủn. Buổi chiều về đến nhà gom lại chui vào góc hầm nấu cháo là tối đến mỗi thằng cũng được lưng bát cháo hoa. Làm ít và kín đáo nên mùa mưa đó chúng tôi chưa bao giờ bị lộ. Âu cũng là cảnh đói ăn vụng, túng làm liều như các cụ đã dạy.

Đấy là đánh lẻ khi ở hậu cứ. Ra tuyến trước thường không có gì. Trong rừng chim thú cũng nhiều, nhưng phải tùy vùng. Lại phải giữ bí mật nơi trú quân, nên thường chỉ có đi lùng sục lẻ mới có thịt thú rừng ăn. Đợt cuối tháng 8 năm đó, chúng tôi còn được đi cải thiện thịt ngựa theo chủ trương của tiểu đoàn. Số là khi ta giải phóng thị trấn Pắc-Soong, địch rút chạy đã đành, cả dân ở trong toàn thị trấn và ven đường 23 cũng chạy tứ tán. Các loại gia cầm gia súc được tháo cũi sổ lồng chạy hết vào rừng. Bên Lào thì chỉ cần đi ra khỏi bản độ vài trăm mét thì đã là rừng rồi. Ngày đầu chính sách dân vận được thực hiện nghiêm lắm, nhưng trò đời cái gì để lâu chẳng hóa bùn. Đuổi địch mãi thì cũng phải có lúc dừng lại làm hậu cứ trú quân. Lúc bận quá không sao, nhưng lúc có tí rỗi rãi, tất "nhàn cư vi bất thiện", mà cái bất thiện đầu tiên tất phải hướng đến cái dạ dày. Lính tráng trong các C tìm dịp lần mò quay lại các bản cũ tìm ăn, dù đường xa có khi tới trên hai chục cây số. Cái gì ngon xơi thì làm trước, hết nạc là vạc tiếp xương. Lũ gà vịt vốn là loài thuần hóa, không thể bỏ đi xa, chạy loạn chỉ ít hôm là phải quay về kiếm ăn quanh bản nên được hóa kiếp đầu tiên. Tiếp theo là đám lợn lười nhác và ngốc nghếch lần lượt chui vào bếp lính. Giải phóng Pắc-Soong nửa năm thì các bản trở thành bản hoang hết lượt. Tuy thế có hai loài nhanh chóng thích nghi với đời sống hoang dã của tổ tiên chúng bởi dễ kiếm cái ăn trên những bãi cỏ mênh mông ven các cánh rừng, đó là bò và ngựa. Chúng sống luôn trong rừng và xa lánh con người, nên đã tồn tại được trước sự tham ăn và thèm khát của những anh lính Bắc Việt. Nhưng chết nỗi là loài vật cũng nhiều khi có tình có nghĩa. Chúng chưa hoang dã hoàn toàn nên đôi khi cũng nhớ chủ, nhớ chuồng. Thỉnh thoảng chúng cũng về kiếm ăn ở các bãi cỏ cạnh bản.

Đầu tiên không ai để ý điều này, nhưng bọn lính trinh sát trên trung đoàn phát hiện ra trước. Bọn trinh sat E vốn được đi loăng quăng nhiều nơi trên địa bàn rộng và chỉ thật bân bịu khi đánh cỡ Tiểu đoàn trở lên (mà những trận đánh như thế thì cả năm có khi đếm chưa hết 5 đầu ngón tay). Đầu tiên chúng nó ngỡ là của dân đang chăn thả, vì một số bản phía trong Cao nguyên vẫn có dân, mãi sau mới đoán ra là những con thú đi hoang. Lúc đầu là trung đoàn cho các C trực thuộc bắn để cải thiện chất tươi. Về sau dưới các tiểu đoàn cũng tham gia cải thiện. Các đại đội cử lính, thường là tốp 3 người về vùng quanh thị trấn Pắc-soong tìm kiếm. Những con bò chậm chạp hơn nên bị săn bắn trước tiên. Ba thằng lính cũng không khiêng nổi con bò, nên sau khi cắt sẻ mang được bao nhiêu thì mang, còn lại vứt đó về báo tọa độ cho các C khác trong tiểu đoàn đến lấy nốt. Cũng có khi gặp lính C trực thuộc thì chia sẻ luôn, ngược lại cũng vậy. Ở vùng này hiếm thú dữ nên khá an toàn. Bắn được bò thì bao giờ nhóm cải thiện cũng phải chén trước. Thường chúng tôi đi săn phải mất hai ngày, lại xa địch nên thể nào cũng nổi lửa thưởng thức trước đã. Sau đó thì tùy tình hình mà trở về. Hôm nào bắn được bò vào lúc chiều tối thì nghỉ luôn tại chỗ, hôm đó là khỏe nhất. Mà cả con bò chúng tôi cũng chỉ lọc lấy phần thịt, còn xương, da và đầu, chân vứt lại. Đấy là lúc đầu thôi. "Miệng ăn núi lở" nên dần dà về sau mang được đến đâu là mang tất về, anh nuôi khắc lo chế biến.

Rồi bò cũng tuyệt chủng luôn. Lúc ấy chúng tôi phải quay sang bắn ngựa. Những con ngựa nhanh lắm, nên gặp bất thình lình thường không bắn được mà phải phục kích. Mỗi lần đi săn phải dài ngày hơn. Bây giờ thì các anh người dân tộc phát huy thế mạnh vì khi ở nhà họ cũng đã quen săn bắn. C nào cũng có lính dân tộc nên thế mạnh ngang nhau. Đại đội tôi có anh Quân (Mường) cũng thiện nghệ lắm, nhưng anh ấy là B trưởng nên không thể cử đi bắn ngựa. Thường là C tôi cử anh Sơn (Tày) làm tổ trưởng đi săn, còn lại là lính như bọn tôi. Mỗi lần đi thì chỉ có khác nhau là dài hay ngắn ngày thôi, chứ thể nào đại đội cũng có thịt ngựa ăn. Thịt ngựa đem về chỉ làm độc mỗi món luộc chấm muối, ăn cứu đói rất tốt nhưng nói thật là tôi thấy nó không ngon, cũng gây gây như kiểu thịt khỉ. (Chắc là do khi đó chẳng có rau cỏ gia vị gì để chế biến chứ bây giờ người ta bảo thịt ngựa Sóc Sơn đem về Hà Nội bán được chế biến ngon còn đắt hơn cả thịt trâu, thịt bò).

Vào cái giai đoạn mà cả bò và ngựa hoang đã vãn ấy, một lần cả trung đoàn được thông báo C hỏa lực bắn được một con voi rừng rất to bên đường xe bò gần bản Pắc-Kụt, các đơn vị cử người đến mà xẻ thịt. Chả có chia bôi gì, anh nào đến trước lấy được bao nhiêu cứ lấy. C tôi cũng vội cử 3 người mang theo gùi và dao sắc đi. Đến tới nơi đã có nhiều lính của các C khác. Bọn bắn được voi và tụi đến trước đã cắt hết cả vòi, tai và đế chân rồi, nghe bảo đó là những thứ có thể coi là ngon của con voi. Các C đến sau hè nhau lột da, cắt thịt đã hết nửa con voi. Nhìn cái bộ khung xương to dính máu trông phát ghê, chúng tôi phải hè nhau dùng gậy bẩy và lật phía bên kia của con voi để cắt thịt. Chắc cuối cùng con voi chỉ còn lại xương với da. Đem về nhà luộc thịt voi lên chấm nước muối ăn, mới hiểu câu nói của các cụ: "trăm voi không được bát nước xáo". Nhạt thếch.

Hai hôm sau, tưởng không còn nói gì đến chuyện con voi nữa thì trung đoàn thông báo: C hỏa lực bắn nhầm voi của dân. Chỗ bản Pắc-Kụt tuy cũng là bản bỏ, nhưng vẫn là đất rừng của dân Lào thì đương nhiên họ có quyền chăn thả voi. Thằng lính hỏa lực người Hà Tây hôm đó mắt to hơn người, cà là tóe mới nhìn đã vội tưởng voi rừng nên tương cho một loạt AK rồi về báo công. Cũng phúc tổ bảy mươi đời nhà nó là voi nhà đã thuần dưỡng thì mới bắn được như thế chứ nếu voi rừng thì có khi ra bã rồi. Thịt voi ăn đã chẳng ra gì lại còn bị dân bắt đền. Trung đoàn phải cử cán bộ đến xin lỗi và đền mất một tạ muối. Nhưng khi đó chúng tôi cũng thiếu muối nên phải quy ra tiền (kíp Lào) trả cho dân, lính tráng đương nhiên phải nhịn ăn bớt phần đi về vùng dân mua lợn mất hơn tháng. Trung đoàn có lệnh từ nay cấm bắn voi, nhưng chuyện đó giống như "mất bò mới lo làm chuồng" vì về sau cũng chẳng khi nào chúng tôi gặp voi mà không có dân đi kèm.


Đúng là thời gian ấy chúng tôi thiếu muối. Không hiểu tại sao việc vận chuyển muối vào chiến trường khó khăn vậy. Các đơn vị cử người xuống vùng dân mua muối cũng không được là bao. Đơn vị quản lý muối còn chặt chẽ hơn quản lý súng đạn. Mỗi lần đi lĩnh muối trên trung đoàn là phải có cán bộ B đi cùng. Không lĩnh qua tiểu đoàn mà phát thẳng từ kho trung đoàn để tránh khâu ăn bớt. Cả đại đội lâu lâu mới được lĩnh một lần, mỗi lần chỉ được một cân muối. Đến bữa anh nuôi cho tẹo muối vào canh hay món xào, nhưng chỉ riêng cái đoạn dính soong nồi cũng đã lãng phí. Sau vì chúng tôi ăn cơm nếp là chính nên đại đội quyết định đem chia muối theo đầu người, ai muốn ăn thế nào thì ăn. Chúng tôi cho dúm muối vào cái túi nilon nhỏ xíu, buộc chặt và luôn đem theo người. Khi nào đến bữa hay thèm thì lôi ra liếm một cái. Được cái là khí hậu vùng cao nguyên không ẩm như miền Bắc nên những hạt muối giữ được khá khô. Về sau có đợt được phát muối mỏ, viên muối rắn như đá, rất khó chảy nước. Tôi dùng rất dè xén món muối mỏ đó và bảo quản cũng khá tốt. Cho đến tận khi đánh Đồng Dù 29/4/1975, tôi vẫn còn giữ được hai viên muối mỏ to như hạt ngô nếp, sau này bình thường rồi thì mới đánh rơi mất.

Năm 1972 trong C tôi có thằng Tuyến người Thái Bình được bình bầu chiến sĩ thi đua không phải do thành tích chiến đấu mà là do ăn cắp vỏ bao đựng muối cho đại đội. Chuyện như hề nhưng thực tế lại đúng như vậy và chúng tôi ai cũng ghi công cho nó. Lần ấy lên kho trung đoàn lĩnh muối, trong lúc mọi người đang xúm xít chia muối thì thẳng Tuyến lỉnh đi đâu mất. Có lẽ trong tất cả các món nhu yếu phẩm của lính thì chia muối là nhiêu khê nhất. Không thể tính cân vì muối nó vốn ẩm ướt, dính nước mưa vào thì còn nặng thêm biết bao nhiêu. Chỉ có cách đong bằng bát đều cho các đơn vị. Muối khi đó được đóng vào bao tải cói chứ không phải bao nilon nên phần muỗi dính và ngấm vào bao tải rất nhiều. Lính kho chỉ vét hết muối ra đong, chia rồi thu lại bao đựng cất đi, tất nhiên trong đó còn dính khá nhiều muối. Thằng Tuyến láu cá đã lần ra cái chỗ bọn coi kho cất vỏ bao và bò vào khuơ trộm một chiếc rồi chui tắt ra rừng cất giấu. Khi chúng tôi ra về thì trong người nó đã có cái vỏ bao ấy rồi, nhưng chỉ khi về nhà nó báo cáo chúng tôi mới biết. Anh quản lý đại đội thu nhận báo cáo C và tất cả nhất trí đó là công, cần giữ kín chuyện. Cào trong đó ra còn được đến gần nửa cân muối hạt. Cái bao tải được bỏ vào soong 20 đem ninh lên cho muối nó thôi ra hết, cũng dùng ăn được mấy ngày. Vì thế mà cuối năm thằng Tuyến được bầu chiến sĩ thi đua, nhận cái bằng khen trên trung đoàn, nhưng tất nhiên báo cáo thành tích là chiến đấu chứ không phải vì ăn cắp cho đại đội cái vỏ bao đựng muối.

Vùng phía Nam đường 23 nếu đi sâu là hướng xuống biên giới với Căm pu chia. Đi dịch sang phía Đông thì qua cao nguyên A-tô-pơ hướng về biên giới Việt Nam. Trường Sơn bao giờ cũng chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Có rất nhiều vùng còn hẻo lánh, rừng nguyên sinh chưa hề có dấu chân người. Tôi biết điều đó khi một lần được cùng tiểu đội anh Trịnh của B5 vượt qua Pắc-soong sang cao nguyên A-tô-pơ tìm kho súng. Bên đó gần với tuyến đường Trường Sơn hơn so với trục đường 23 từ Mường Phìn vào Pắc-xế nên địch không đóng quân tới đó, kể cả khi Pắc-soong còn chưa được giải phóng. Nhưng nó cũng còn cách khá xa tuyến đường Trường Sơn vì địa hình toàn núi cao và rừng rậm. Khi đánh Pắc-soong, trên Bộ tư lệnh 559 có lập một số kho ở đó, chủ yếu chứa súng đạn, nhưng không dùng đến, bỏ quên lâu ngày thành ra vô chủ. Nó ở xa nên trung đoàn chúng tôi cũng không quản lý, mà thật ra cũng không biết hết các kho đó. Lần ấy chúng tôi sang A-tô-pơ với ý định kiếm súng đạn tự bổ sung cho số bị hỏng và làm mất trong mấy lần vượt suối bị lũ nó cuốn mất. Sáu thằng đùm theo gạo lên đường. Phải công nhận bên đó rừng rậm và núi cao thật. Cây thân gỗ to rất nhiều mà chưa ai khai thác, dù dân Lào làm nhà sàn thì mọi vật liệu đều là từ gỗ (trừ mái tôn). Chúng tôi được đi công tác lẻ một tuần. Anh Trịnh dự định khi ở đó sẽ tìm cách đánh cá cải thiện hoặc tìm bắn một con chồn hay con khỉ gì đó, thế mới bõ cái công và thời cơ được đi công tác lẻ chứ. Thế nhưng bên A-tô-pơ suối còn sâu và chảy siết hơn huội Chăm pi nên chúng tôi bỏ ngay ý định đánh cá. Anh Trịnh dò bản đồ phân định khu vực chúng tôi sẽ tìm kho. Nơi này không có đường xe bò của dân, nhưng đôi chỗ có dấu vết đường xe ô-tô đã từng chạy. Chúng tôi cứ bám theo đó rồi lần ra xung quanh tìm. Thực ra tọa độ kho cũng đã được chấm từ nhà rồi chứ nếu chỉ tìm vu vơ thế này chẳng khác gì tìm kim đáy bể. Sang A-tô-pơ đến ngày thứ hai, đang lò dò tìm theo một vệt đường ô-tô thì thằng Tuân (Nam Hà) đi đầu phát hiện một con hoẵng từ đâu nhảy ngay ra đường. Thật đúng là "con nai vàng ngơ ngác". Tôi không biết nhiều về thú rừng, nhưng cái bọn hươu, nai hay hoẵng chắc cùng một loài. Con hoẵng còn chưa hiểu chuyện gì thì thằng Tuân đã nhanh tay nổ súng. Thằng Tuân cũng là một loại thiện xạ trong C tôi, nhưng chưa có kinh nghiệm nên nó không tương đúng vào chỗ hiểm để con hoẵng phải gục tại chỗ. Con hoẵng nhảy lên rồi phi vào bụi rậm. Chúng tôi thoạt đầu nghĩ cũng hỏng ăn, nhưng vì thằng Tuân khăng khăng là nó đã bắn trúng, lại thấy có vết máu nên anh Trịnh quyết định lần theo để tìm. Chúng tôi rất vất vả lần theo đến hơn trăm mét mới thấy con hoẵng nằm gục bên một gốc cây. Hóa ra viên đạn trúng vào thân nên nó vẫn còn chạy được. Cái giống hoẵng nhỏ lắm, con này chỉ hơn hai chục cân mà anh Trịnh bảo thế cũng là khá rồi. Thế là sáng hôm đó chúng tôi tìm ra suối làm thịt con hoẵng đã. Thịt nó ngon tuyệt, nướng hay luộc đều ngon không chê vào đâu được. Bàn cãi một hồi anh Trịnh quyết định chúng tôi sẽ không tìm cách săn bắn nữa, mà tập trung đi tìm súng đạn. Từng này thịt là đủ ăn thoải mái cho sáu thằng trong mấy ngày tới rồi.

Tới chiều ngày thứ ba thì chúng tôi tìm thấy kho súng đạn. Qua hai mùa mưa, cái nhà kho đã đổ ụp xuống rồi, chỉ còn cái hầm đất đào sâu đến bụng. Chúng tôi lôi ra được các thùng gỗ, tuy bẩn đầy đất, nhưng phá ra bên trong thì các bao nilon chứa súng còn nguyên cả mỡ bảo quản trong đó. Chúng tôi lấy một khẩu trung liên RPD và 5 khẩu AK, toàn súng của TQ. Thấy đạn rất nhiều chúng tôi nảy ra ý định thử súng. Anh Trịnh đồng ý, thế là hôm sau chúng tôi kéo nhau ra một bên dốc núi. Nhìn xuống suối sâu như cả một bờ vực. Thằng Tuân lắp cả một hộp đạn vào khẩu RPD rồi nằm chĩa xuống vực nghiến răng kéo cò. Khẩu súng rung lên bần bật. Nó kéo mấy loạt hết cả băng đạn 100 viên mới thôi. Mấy chúng tôi cũng chĩa AK phệt mỗi thằng một băng xuống vực. Có thử thế này mới thấy, có muốn kéo cò một lần cả băng AK cũng không được vì nó giật lắm. (Khác hẳn với khẩu AR15 của Mỹ mà sau này chúng tôi cũng lấy bắn chơi. Băng đạn 20 viên chỉ níu mạnh cò làm rẹt một cái đã hết. Đó là chưa kể nếu bấm vào cái nút Turbo của khẩu súng thì nó còn "rẹt" nhanh hơn). Tiếng nổ vang vọng thung lũng, nhưng ở cái chỗ này thì chỉ có chúng tôi nghe, chúng tôi biết mà thôi. Ngày hôm đó chúng tôi nghỉ lại, lau những khẩu súng mới cho hết sạch dầu mỡ và tranh thủ tắm giặt. Đêm đó mắc võng ngủ lại trong rừng mà cứ như ở nhà, chẳng gác sách gì. Hôm sau chúng tôi lên đường, mang theo 6 khẩu súng và một ít đạn. Về đến nơi tập kết của đại đội thì vừa hết một tuần.

Một điều bất ngờ khác đang chờ chúng tôi. Chúng tôi vừa về kịp để ăn món thịt hổ. Thật là bất ngờ khi chúng tôi luôn nghĩ rằng vùng này không có thú dữ. Cách đây một hôm, B4 lên chốt. Vì chiến sự thưa thớt nên việc lên chốt thật nhàn hạ. Buổi sáng sớm đơn vị cử 5 lính lên chốt, mang theo đủ nước và cơm nắm. Ngồi bí mật và mọc rễ trên đó chờ địch. Chiều tắt nắng thì lại kéo nhau về chỗ trú quân. Chốt chưa phải đánh nhau lần nào, chưa lộ nên ban đêm không cần ở lại chốt. Sáng sớm hôm đó thằng Nhâm (Hà Tây) đi đầu, còn cách chốt độ hai trăm mét thì nó thấy loáng một cái gì đó vọt ngang trước lối đi. Trong đầu nó chỉ kịp nghĩ "thám báo", thế là nó quạt ngay một loạt AK trong khi 4 lính đi sau chưa kịp hiểu chuyện gì. Sau loạt AK đó, cả bọn ngồi sụp xuống, lăm lăm súng. Chờ lúc lâu mới yểm hộ nhau lò mò chui vào hướng đó. Chẳng thấy gì cả, nhưng anh Sơn (người Tày) hít hít mũi rồi phán: Hổ. Cả bọn xanh mắt rồi vội kéo nhau lên chốt. Ổn định vị trí rồi mà vẫn còn run, nghĩ về địch thì ít mà nghĩ về con hổ chưa nhìn rõ thì nhiều. Anh Sơn còn bảo là nếu như đã bắn trúng phải con hổ khiến nó bị thương thì thể nào nó cũng phục kích trả thù, nên đến chiều về phải cảnh giác. Một ngày ngồi chốt dài dằng dặc qua đi vì chỉ lo chiều về tránh hổ. Chưa tắt nắng thì anh Sơn đã giục mọi người thu xếp về để nếu có gì còn dễ xử lý. Nghe kể chuyện về hổ trả thù nhiều rồi nên thằng Nhâm dứt khoát không đi đầu và cũng không đi cuối. Nó bám sau anh Sơn đi đầu, tiếp theo là hai thằng B40 và M79, còn thằng Tiêu (Hà Tĩnh) AK đi cuối. Đoạn đường đi từ chốt xuống cái chỗ ban sáng gặp hổ vừa đi vừa run, thằng nào cũng lăm lăm súng đã mở chốt an toàn. Qua chỗ đó rồi thì tốc độ đi nhanh và hấp tấp hơn. Rồi sự việc xảy ra sau đó rất nhanh. Anh Sơn phát hiện thấy con hổ ngồi ở mé đường phía trước (may anh ấy là người dân tộc có nhiều kinh nghiệm chứ nếu là người khác thì không biết thế nào) liền quát to một tiếng "hổ" rồi quạt AK luôn. Cả 3 khẩu AK cùng quạt túi bụi, thằng Trung B40 cũng nện luôn một trái. Con hổ có lẽ đang trong tư thế thu mình ngồi rình bên lối đi, chưa kịp chồm ra đã bị trúng nhiều viên đạn nên chết ngay tại chỗ. Mọi người còn thăm dò chán rồi mới dám tiếp cận. May là con hổ chết vì đạn AK, trái B40 không trúng nó nên còn sử dụng được. Anh Sơn làm ngay một việc mà theo anh nói đó là quy ước bắt buộc của những người thợ săn. Anh ấy bật máy lửa đốt hết tất cả những cái râu mép của con hổ, dùng dao chặt hết những cái vuốt hổ gom lại rồi vun củi châm lửa đốt hết. Anh ấy bảo làm thế để những người xấu không thể dùng những thứ đó mà ám hại người khác. (Anh ấy kể, đơn giản nếu giấu đi một cái râu hổ, đem cắm vào một mụn măng vầu đang mọc tốt thì chỉ 3 hôm sau là cái măng đó tự nhiên bị chết thối rữa ra. Còn nếu đem cái râu ấy nhúng trộm vào cốc nước của người khác thì cũng gần giống như bỏ thuốc độc vào đó vậy).

Cả bọn còn đang loay hoay với con hổ thì lại nghe sột soạt ở phía hướng về hậu cứ. Thằng Nhâm sợ són đái, bám ngay vào anh Sơn, còn mấy thằng khác thì lại ngồi thụp xuống lăm lăm súng. Nhưng thật may vì không phải là có con hổ khác đến trả thù mà là một tốp lính từ phía sau đến tiếp ứng. Đại đội nghe tiếng súng nổ loạn lên phía chốt, nghĩ anh em gặp địch nên điều một tổ lên bắt liên lạc và chi viện. Cả hai tốp cùng thở pháo nhẹ nhõm. Mọi người cùng chặt cây làm đòn khiêng con hổ về. Con hổ rất to, hai người khiêng lặc lè. Tối đó anh nuôi đại đội cùng anh Sơn tập trung xả thịt hổ. Tấm da hổ không dùng được vì bị trúng quá nhiều vết đạn. Còn thịt lọc ra được khá nhiều.

Nhóm anhTrịnh và chúng tôi đi lấy súng bên A-tô-pơ về kịp chiều hôm sau nên được thưởngthức món thịt hổ sào. Tức nỗi trong rừng không có gia vị gì, kể cả gừng nên mónthịt hổ ăn cũng thấy gây gây. Thế nhưng vẫn khoái vì mấy khi mà được ăn thịtchúa sơn lâm. Trong đơn vị, thằng lính nào không được tham dự ăn thịt hổ lần đóthì về sau cũng không còn dịp vì đại đội tôi không lần nào bắn thêm được hổnữa. 


Có lẽ ở chiến trường nào và ở đơn vị nào cũng từng xảy ra chuyện nhìn gà hóa cáo, đôi lúc thần hồn nát thần tính mà chung quy lại cũng chỉ là chuyện kỷ luật chiến trường không thật nghiêm. Những quy định đề ra đôi khi bị coi nhẹ hay vì mệt mỏi quá mà tặc lưỡi bỏ qua nên chấp hành lỏng lẻo. Chỉ đến khi xảy ra chuyện, tất cả mới giật mình xem xét lại, nhưng rồi chỉ đơn vị đó rút ra nhiều kinh nghiệm, còn đơn vị khác lại thì lâu lâu không thấy gì, xem nhẹ để rồi lại rơi vào vết xe đổ của đơn vị bạn trong một tình huống khác.

Ký ức chiến trường không hoàn toàn chỉ là những điều chính mình gặp, mà nó còn là chuyện của đồng đội khác trong đơn vị, thậm chí khác tiểu đoàn, nhưng buộc mình phải nghe, phải biết và phải nhớ.

Khi chiến sự vừa mới qua đi ở Pắc-soong, địch rút về chốt ở cây số 40, còn K18 chúng tôi thì chốt ở bản vườn lê 42, phía dưới bản Păc-kụt một chút. Ở ngoài Bắc thời bao cấp, mọi thứ của ngon vật lạ đều dành cho đâu đâu ấy chứ nên dân thường thì thèm đủ thứ. Đã có mấy ai có được diễm phúc ngồi trong vườn mà thả phanh ăn quả, nhất là những thứ quả cao cấp như Cam, như Đào, như Lê... Thế nên các đơn vị lập chốt giữ quanh các bản có vườn cây ăn quả thì lính tráng giống như Tôn Ngộ Không lọt vào vườn Đào của Vương Mẫu. Cái kiểu ăn của lính khi ở cương vị chủ nhân của trời đất thì không hề giống ai. Ăn mít mật thì rung cây cho quả chín tụt nõ rơi xuống, chỉ việc bốc ăn, khỏi phải bổ. Ăn đu đủ thì chọn quả chín bổ đôi rồi dùng thìa xúc ăn chứ không gọt vỏ. Đào với lê thì chọn quả to ngon mà trẩy, chùi vào vạt áo rồi chén luôn. Thường lúc đầu thì ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm, sau rồi thì chén đến cả những quả có sâu, bé tẹo. Suốt dọc đường 23, thậm chí trong Cao nguyên chỉ có duy nhất một bản 42 có vườn lê bạt ngàn. Quả lê vỏ xanh, mềm chứ không phải quả Mắc-cọp vỏ nâu cứng ăn hơi có vị chát của vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Bọn C5K18 chốt giữ gần đó, sống như vua nên quên mất rằng dân Lào trên Cao nguyên, những người chủ nhân thật sự của những khu vườn cây trái đó cũng có quyền được hưởng thụ. Dân họ rất dát, nhưng thỉnh thoảng cũng có người liều mạng mò ra các vườn cây. Hôm ấy bọn lính C5 đang chốt quay ra phía Pắc-kụt. Hướng đó quay ra dân hơn là quay ra phía địch nên khá an toàn, thế mà không hiểu sao chúng nó lại tương nhầm dân. Một phần cũng do phía trước chốt cây lá lòe xòe che phủ, mấy người dân đi ra lại lầm lũi không nói chuyện. Họ cứ vạch cây lá đạp đường mà đi vào chốt. Lính ta thấy loạt xoạt là bắn, quên mất quy tắc phải quan sát cho rõ. Lia xong vài loạt AK mà chả thấy đối phương bắn lại. Nghi nghi hoặc hoặc mãi rồi mới mò ra thì đã thấy hai người phụ nữ nằm gục bên vũng máu. Chắc cũng có người chạy thoát. Biết là bắn nhầm dân rồi thì cha con đều sợ, từ thằng lính cho đến cán bộ C, D. Thế là cái chốt ấy phải bỏ, lính chuồn thật xa, để mặc cho dân ra lấy xác rồi sau này coi như là địch bắn, lính ta không biết. Chuyện này khi đó là tuyệt mật với dân, còn tất nhiên lính ta xì xào thì rồi ai cũng biết. Cũng chẳng có ai bị kỷ luật, chắc là chỉ rút kinh nghiệm thôi. Thật đúng là chiến tranh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Rơi vào ai thì người đó phải chịu. Đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác thằng lính nào đã bóp cò AK hôm đó, nhưng nếu sau này không hy sinh, chắc nó cũng có lúc dằn vặt. Còn chúng tôi thì rút kinh nghiệm đại trà là khi ngồi chốt phải chịu khó quan sát, mở to mắt ra mà nhìn, đừng có mà mắt to hơn người.

Chuyện qua đi, nhưng rồi đến lượt tôi bị vấp trong một tình huống khác. Ấy là khi đang luồn sâu ở đường 23, tại khu trú quân phải canh gác đàng hoàng. Tôi lúc ấy là liên lạc cũng phải tham gia gác. Ca ấy của tôi chỉ tầm mười giờ đêm. Trời mưa nhỏ nên tôi chỉ khoác tấm nilon gập đôi và đi lại nhẹ nhàng quanh cái hầm đại đội. Nếu nằm dưới hầm thì có thể hút thuốc chứ khi gác thì không được. Phải quan sát và dỏng tai lên mà nghe ngóng. Đầu ca gác, mấy cán bộ và lính B6 đi trinh sát tối trở về còn ráp mật khẩu với tôi trước khi về hầm. Tôi cũng hỏi mấy câu chiếu lệ rồi quay ra vị trí gác. Chuyện xảy ra chỉ sau đó chừng mười phút thôi. Khi tôi vừa ôm súng vòng ra mé hầm ngoài rìa khu trú quân thì chợt phát hiện ra một bóng đen lờ mờ trên nền ánh sáng bàng bạc của bầu trời đêm mưa. Chắc bọn thám báo đã bám theo chân mấy bố trinh sát nhà ta mà mò vào đơn vị rồi. Nghĩ vậy, tôi liền ngồi thụp xuống hô to mật khẩu "Sông!" vừa bật chốt an toàn, nhưng tôi vẫn mong chờ tiếng trả lời "Hương!" quen thuộc. Bóng đen không trả lời mà bỗng ngồi sụp ngay xuống. Tôi liền kéo cò súng nhả ngay một loạt vào đó rồi nhảy tạt sang bên cạnh. Không có tiếng súng đáp trả, nhưng loạt AK "tặc.tặc." chìm trong đêm mưa của tôi đã đánh thức đơn vị. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lính B6 đã có mặt sát bên tôi chi viện. Tôi đoán tên địch đã trúng đạn không kêu được tiếng nào rồi, nhưng vẫn phải mò lên thận trọng vì sợ còn tên thám báo khác. Tại chỗ có bóng đen không có cái xác nào, chỉ có một tấm nilon dúm dó. Mọi người tản ra xục xạo, còn anh Ngữ B trưởng B6 soi đèn vào thì hóa ra là tấm nilon của ta. Mọi người nhanh chóng hiểu ra tình huống: Thằng Bình lính B6 đi trinh sát về vô tình ngoắc tấm nilon lên một cành cây ngoài hầm đã làm cho tôi tưởng lầm cái bóng đen trong đêm nhờ nhờ ấy là người, khi mà trước đó ở chỗ ấy không có gì. Đúng cái lúc tôi hô mật khẩu thì cái tấm nilon ấy lại ngẫu nhiên tụt rơi xuống đất nên đã phải hứng loạt AK của tôi. Tất cả cười khoái trá trong cái ngượng nghịu của tôi, may mà đêm tối không ai thấy rõ. Sáng hôm sau tôi mới bị phê bình. Không phải cán bộ C mà là anh Liêu liên lạc mắng tôi. Anh ấy bảo mày đúng là mắt to hơn người (lại cái câu ấy rồi, mà không hiểu sao trong đơn vị khi ấy hễ thằng nào có làm cái gì do hoảng hốt thì đều bị mắng phủ đầu là "mắt to hơn người"). Lẽ ra mày không cần hô mật khẩu vội mà phải quan sát thêm đã, vì mình đang ở thế chủ động cơ mà. Tôi cũng chỉ biết nhận lỗi chứ chẳng thể phân bua được, tuy trong bụng cũng thấy tức thằng Bình đã vắt tấm nilon đêm đó. Nhưng nghĩ lại cũng thấy đáng đời cho nó vì tấm nilon của nó đã nát toét rồi. Từ nay ráng mà chịu ướt chờ kiếm tấm khác nhé.

Chuyện của tôi tuy có xấu hổ chút ít, nhưng chưa chết ai. Chuyện anh Định B4 (người Nam Hà) sau đó một tuần mới thật là nghiêm trọng. Hôm ấy B4 tổ chức chốt, trời quang không mưa mà còn hơi hửng nắng. Thấy trời đẹp, một nhóm cán bộ B, C mò lên phía trước nắm địch, cũng định kiếm cơ hội làm một trận tập kích lấy khí thế. Bình thường thì khi ở chốt hay luồn sâu mà đi trinh sát thì sẽ theo nguyên tắc đi lối nào, trở về lối đó cho dễ hiệp đồng và bắt liên lạc. Chiều đó, các anh đi trinh sát vẫn theo lối cũ trở về bình thường, chỉ trừ B phó Đương. Có lẽ cũng là số phận hay sao ấy. Tôi đã có lần kể là trong trung đoàn tôi có lệnh cấm lấy quân trang của địch, nhưng nếu có cơ hội thì lính ta vẫn lấy vụng để đem về tuyến sau đổi thuốc. Lần ấy anh Đương cũng đang giấu trộm một cái mũ thám báo vải dù rằn ri. Trong rừng trời mưa, đôi khi anh ấy cũng lấy ra đội. Lần ấy đi trinh sát, anh Đương lại giắt cái mũ trong người rồi vô tình đội lên đầu mà không để ý. Lúc về chốt, anh ấy lại rẽ ngang một mình xuống suối làm gì đó rồi cứ ngược theo sườn dốc ấy mà đi lên chốt. Quanh chốt toàn cây cứt lợn cao ngang đầu người. Anh Định (A trưởng) đang ngồi chốt thấy đám cây phía trước lay động rồi có tiếng người vạch cây loạt xoạt mà đi. Chắc lúc ấy anh ấy cũng hơi buồn ngủ rồi chợt tỉnh, nên khi thấy trên phía lùm cây có cái mũ thám báo nhấp nhô là bắn luôn. Không may là anh Định cũng không phải là tay bắn xoàng. Một loạt AK nổ chói tai kèm cái ngã uỵch và tiếng rống lên ồ ồ không thành tiếng. Anh Định lại bồi thêm một loạt AK nữa cho chắc ăn. Cả chốt nghe tiếng súng cũng vội vào tư thế chiến đấu. Một lúc lâu chẳng thấy thêm động tĩnh gì, mọi người yểm hộ nhau lên kiểm tra thì hỡi ôi, chẳng thấy địch đâu, chỉ thấy anh Đương đã tắt thở trên vũng máu, người lỗ chỗ vết đạn. Anh Định mặt cắt không còn hột máu, quỳ xuống ôm xác anh Đương mà khóc không thành tiếng. Chúng tôi ai cũng sợ.

Liền trong chiều ấy, đại đội cử người khiêng anh Đương về hậu cứ chôn cất. Anh Định cũng bị gọi về cùng để lên tiểu đoàn chịu kỷ luật. Lúc ấy trong trung đoàn tôi chưa thấy có cái gọi là tòa án binh hay gì đó tương tự. Xử lý những trường hợp như tự thương của thằng Tuấn "đen" hay bắn nhầm đồng đội của anh Định, chỉ là lệnh kỷ luật dội từ trên D hoặc trên E xuống. Sau vụ đó anh Định bị khai trừ đảng, cách chức xuống làm lính thường. Vì bản chất con người là mãi mãi còn hiện tượng chỉ là nhất thời (đúng như quan điểm của đảng), nên sau vụ đó anh Định vẫn tiếp tục chiến đấu và công tác tốt, giống như bản chất của người nông dân cần mẫn trên đồng, dù mùa màng có lúc bội thu hay thất bát.

Quân số của đơn vị vơi dần theo thời gian và các trận đánh nếu không kịp bổ sung quân số, nên vài tháng sau, anh Định vẫn phải nhận trách nhiệm tiểu đội trưởng. Hơn năm tháng sau, anh ấy và cả tiểu đội đã hy sinh trong một trận giữ chốt bên bờ sông Se-kong, mặt trận Sa-ra-van. Chỉ có cái nguyện vọng được là liệt sĩ-đảng viên mà anh ấy nhiều lần nói khi còn sống thì không thể thực hiện được vì quỹ thời gian quá ngắn, không thể đủ để anh ấy làm lại từ đầu.

Thế hệ chúng tôi phải công bằng mà nói, sống rất có lý tưởng. Những điều mà bây giờ có rất nhiều người coi là chuyện không đáng quan tâm thì đối với chúng tôi khi đó lại là điều trăn trở. Để khỏi quên do đứt mạch câu chuyện, tôi muốn kể thêm về một người anh khác trong C6 của tôi. B4 cũng có một A trưởng khác là anh Khung người Nam Hà (lại cũng là Nam Hà) là đảng viên. Sau vụ anh Đương bị bắn nhầm, anh Khung lên thay làm B phó B4. Lên được một tháng anh ấy bị khai trừ ra khỏi đảng nhưng vẫn được làm B phó. Lý do, nhà anh ấy ở quê là thành phần trung nông lớp trên (có bát ăn bát để đây), thế mà khi khai lý lịch vào đảng anh ấy chỉ ghi thành phần là trung nông (chỉ đủ ăn no, nếu nhà có nuôi chó nuôi mèo thì phải san bớt chút ít để cho chúng ăn). Vào đảng rồi, sau này tổ chức mới phát hiện ra nên phải khai trừ anh vì đã "không trung thực". Nhưng anh ấy chiến đấu giỏi nên vẫn được làm cán bộ B và vẫn có cơ hội phấn đấu tiếp để lại vào đảng. Anh ấy cũng là nông dân chất phác, sống có lý tưởng nên không nản chí. Hai năm sau, anh ấy lại được kết nạp đảng và được điều sang C5 làm B trưởng. Trong trận đánh Đồng Dù 29/4/1975, anh ấy và hầu hết anh em trong trung đội đã hy sinh trên cửa mở, trước ngày toàn thắng của dân tộc chỉ có một ngày. Nhưng chắc dưới suối vàng, anh ấy cũng ngậm cười vì mình đã là đảng viên, dù chưa kịp trở thành đảng viên chính thức.

Các anh Địnhanh Khung ơi, hãy tha thứ cho em là đã đem chuyện của các anh ra kể. Dẫu biếtrằng các anh chẳng cần gì, nhưng xin cứ để cho em nói ra một lần, âu cũng làthêm một lần tưởng nhớ tới các anh, để thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn các anhđã hy sinh để cho những thằng như em được sống.mấy khi mà được ăn thịtchúa sơn lâm. Trong đơn vị, thằng lính nào không được tham dự ăn thịt hổ lần đóthì về sau cũng không còn dịp vì đại đội tôi không lần nào bắn thêm được hổnữa.


Có lẽ ở chiến trường nào và ở đơn vị nào cũng từng xảy ra chuyện nhìn gà hóa cáo, đôi lúc thần hồn nát thần tính mà chung quy lại cũng chỉ là chuyện kỷ luật chiến trường không thật nghiêm. Những quy định đề ra đôi khi bị coi nhẹ hay vì mệt mỏi quá mà tặc lưỡi bỏ qua nên chấp hành lỏng lẻo. Chỉ đến khi xảy ra chuyện, tất cả mới giật mình xem xét lại, nhưng rồi chỉ đơn vị đó rút ra nhiều kinh nghiệm, còn đơn vị khác lại thì lâu lâu không thấy gì, xem nhẹ để rồi lại rơi vào vết xe đổ của đơn vị bạn trong một tình huống khác.

Ký ức chiến trường không hoàn toàn chỉ là những điều chính mình gặp, mà nó còn là chuyện của đồng đội khác trong đơn vị, thậm chí khác tiểu đoàn, nhưng buộc mình phải nghe, phải biết và phải nhớ.

Khi chiến sự vừa mới qua đi ở Pắc-soong, địch rút về chốt ở cây số 40, còn K18 chúng tôi thì chốt ở bản vườn lê 42, phía dưới bản Păc-kụt một chút. Ở ngoài Bắc thời bao cấp, mọi thứ của ngon vật lạ đều dành cho đâu đâu ấy chứ nên dân thường thì thèm đủ thứ. Đã có mấy ai có được diễm phúc ngồi trong vườn mà thả phanh ăn quả, nhất là những thứ quả cao cấp như Cam, như Đào, như Lê... Thế nên các đơn vị lập chốt giữ quanh các bản có vườn cây ăn quả thì lính tráng giống như Tôn Ngộ Không lọt vào vườn Đào của Vương Mẫu. Cái kiểu ăn của lính khi ở cương vị chủ nhân của trời đất thì không hề giống ai. Ăn mít mật thì rung cây cho quả chín tụt nõ rơi xuống, chỉ việc bốc ăn, khỏi phải bổ. Ăn đu đủ thì chọn quả chín bổ đôi rồi dùng thìa xúc ăn chứ không gọt vỏ. Đào với lê thì chọn quả to ngon mà trẩy, chùi vào vạt áo rồi chén luôn. Thường lúc đầu thì ăn như Trư Bát Giới ăn nhân sâm, sau rồi thì chén đến cả những quả có sâu, bé tẹo. Suốt dọc đường 23, thậm chí trong Cao nguyên chỉ có duy nhất một bản 42 có vườn lê bạt ngàn. Quả lê vỏ xanh, mềm chứ không phải quả Mắc-cọp vỏ nâu cứng ăn hơi có vị chát của vùng Lạng Sơn, Cao Bằng. Bọn C5K18 chốt giữ gần đó, sống như vua nên quên mất rằng dân Lào trên Cao nguyên, những người chủ nhân thật sự của những khu vườn cây trái đó cũng có quyền được hưởng thụ. Dân họ rất dát, nhưng thỉnh thoảng cũng có người liều mạng mò ra các vườn cây. Hôm ấy bọn lính C5 đang chốt quay ra phía Pắc-kụt. Hướng đó quay ra dân hơn là quay ra phía địch nên khá an toàn, thế mà không hiểu sao chúng nó lại tương nhầm dân. Một phần cũng do phía trước chốt cây lá lòe xòe che phủ, mấy người dân đi ra lại lầm lũi không nói chuyện. Họ cứ vạch cây lá đạp đường mà đi vào chốt. Lính ta thấy loạt xoạt là bắn, quên mất quy tắc phải quan sát cho rõ. Lia xong vài loạt AK mà chả thấy đối phương bắn lại. Nghi nghi hoặc hoặc mãi rồi mới mò ra thì đã thấy hai người phụ nữ nằm gục bên vũng máu. Chắc cũng có người chạy thoát. Biết là bắn nhầm dân rồi thì cha con đều sợ, từ thằng lính cho đến cán bộ C, D. Thế là cái chốt ấy phải bỏ, lính chuồn thật xa, để mặc cho dân ra lấy xác rồi sau này coi như là địch bắn, lính ta không biết. Chuyện này khi đó là tuyệt mật với dân, còn tất nhiên lính ta xì xào thì rồi ai cũng biết. Cũng chẳng có ai bị kỷ luật, chắc là chỉ rút kinh nghiệm thôi. Thật đúng là chiến tranh, lạnh lùng và tàn nhẫn. Rơi vào ai thì người đó phải chịu. Đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác thằng lính nào đã bóp cò AK hôm đó, nhưng nếu sau này không hy sinh, chắc nó cũng có lúc dằn vặt. Còn chúng tôi thì rút kinh nghiệm đại trà là khi ngồi chốt phải chịu khó quan sát, mở to mắt ra mà nhìn, đừng có mà mắt to hơn người.

Chuyện qua đi, nhưng rồi đến lượt tôi bị vấp trong một tình huống khác. Ấy là khi đang luồn sâu ở đường 23, tại khu trú quân phải canh gác đàng hoàng. Tôi lúc ấy là liên lạc cũng phải tham gia gác. Ca ấy của tôi chỉ tầm mười giờ đêm. Trời mưa nhỏ nên tôi chỉ khoác tấm nilon gập đôi và đi lại nhẹ nhàng quanh cái hầm đại đội. Nếu nằm dưới hầm thì có thể hút thuốc chứ khi gác thì không được. Phải quan sát và dỏng tai lên mà nghe ngóng. Đầu ca gác, mấy cán bộ và lính B6 đi trinh sát tối trở về còn ráp mật khẩu với tôi trước khi về hầm. Tôi cũng hỏi mấy câu chiếu lệ rồi quay ra vị trí gác. Chuyện xảy ra chỉ sau đó chừng mười phút thôi. Khi tôi vừa ôm súng vòng ra mé hầm ngoài rìa khu trú quân thì chợt phát hiện ra một bóng đen lờ mờ trên nền ánh sáng bàng bạc của bầu trời đêm mưa. Chắc bọn thám báo đã bám theo chân mấy bố trinh sát nhà ta mà mò vào đơn vị rồi. Nghĩ vậy, tôi liền ngồi thụp xuống hô to mật khẩu "Sông!" vừa bật chốt an toàn, nhưng tôi vẫn mong chờ tiếng trả lời "Hương!" quen thuộc. Bóng đen không trả lời mà bỗng ngồi sụp ngay xuống. Tôi liền kéo cò súng nhả ngay một loạt vào đó rồi nhảy tạt sang bên cạnh. Không có tiếng súng đáp trả, nhưng loạt AK "tặc.tặc." chìm trong đêm mưa của tôi đã đánh thức đơn vị. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, lính B6 đã có mặt sát bên tôi chi viện. Tôi đoán tên địch đã trúng đạn không kêu được tiếng nào rồi, nhưng vẫn phải mò lên thận trọng vì sợ còn tên thám báo khác. Tại chỗ có bóng đen không có cái xác nào, chỉ có một tấm nilon dúm dó. Mọi người tản ra xục xạo, còn anh Ngữ B trưởng B6 soi đèn vào thì hóa ra là tấm nilon của ta. Mọi người nhanh chóng hiểu ra tình huống: Thằng Bình lính B6 đi trinh sát về vô tình ngoắc tấm nilon lên một cành cây ngoài hầm đã làm cho tôi tưởng lầm cái bóng đen trong đêm nhờ nhờ ấy là người, khi mà trước đó ở chỗ ấy không có gì. Đúng cái lúc tôi hô mật khẩu thì cái tấm nilon ấy lại ngẫu nhiên tụt rơi xuống đất nên đã phải hứng loạt AK của tôi. Tất cả cười khoái trá trong cái ngượng nghịu của tôi, may mà đêm tối không ai thấy rõ. Sáng hôm sau tôi mới bị phê bình. Không phải cán bộ C mà là anh Liêu liên lạc mắng tôi. Anh ấy bảo mày đúng là mắt to hơn người (lại cái câu ấy rồi, mà không hiểu sao trong đơn vị khi ấy hễ thằng nào có làm cái gì do hoảng hốt thì đều bị mắng phủ đầu là "mắt to hơn người"). Lẽ ra mày không cần hô mật khẩu vội mà phải quan sát thêm đã, vì mình đang ở thế chủ động cơ mà. Tôi cũng chỉ biết nhận lỗi chứ chẳng thể phân bua được, tuy trong bụng cũng thấy tức thằng Bình đã vắt tấm nilon đêm đó. Nhưng nghĩ lại cũng thấy đáng đời cho nó vì tấm nilon của nó đã nát toét rồi. Từ nay ráng mà chịu ướt chờ kiếm tấm khác nhé.

Chuyện của tôi tuy có xấu hổ chút ít, nhưng chưa chết ai. Chuyện anh Định B4 (người Nam Hà) sau đó một tuần mới thật là nghiêm trọng. Hôm ấy B4 tổ chức chốt, trời quang không mưa mà còn hơi hửng nắng. Thấy trời đẹp, một nhóm cán bộ B, C mò lên phía trước nắm địch, cũng định kiếm cơ hội làm một trận tập kích lấy khí thế. Bình thường thì khi ở chốt hay luồn sâu mà đi trinh sát thì sẽ theo nguyên tắc đi lối nào, trở về lối đó cho dễ hiệp đồng và bắt liên lạc. Chiều đó, các anh đi trinh sát vẫn theo lối cũ trở về bình thường, chỉ trừ B phó Đương. Có lẽ cũng là số phận hay sao ấy. Tôi đã có lần kể là trong trung đoàn tôi có lệnh cấm lấy quân trang của địch, nhưng nếu có cơ hội thì lính ta vẫn lấy vụng để đem về tuyến sau đổi thuốc. Lần ấy anh Đương cũng đang giấu trộm một cái mũ thám báo vải dù rằn ri. Trong rừng trời mưa, đôi khi anh ấy cũng lấy ra đội. Lần ấy đi trinh sát, anh Đương lại giắt cái mũ trong người rồi vô tình đội lên đầu mà không để ý. Lúc về chốt, anh ấy lại rẽ ngang một mình xuống suối làm gì đó rồi cứ ngược theo sườn dốc ấy mà đi lên chốt. Quanh chốt toàn cây cứt lợn cao ngang đầu người. Anh Định (A trưởng) đang ngồi chốt thấy đám cây phía trước lay động rồi có tiếng người vạch cây loạt xoạt mà đi. Chắc lúc ấy anh ấy cũng hơi buồn ngủ rồi chợt tỉnh, nên khi thấy trên phía lùm cây có cái mũ thám báo nhấp nhô là bắn luôn. Không may là anh Định cũng không phải là tay bắn xoàng. Một loạt AK nổ chói tai kèm cái ngã uỵch và tiếng rống lên ồ ồ không thành tiếng. Anh Định lại bồi thêm một loạt AK nữa cho chắc ăn. Cả chốt nghe tiếng súng cũng vội vào tư thế chiến đấu. Một lúc lâu chẳng thấy thêm động tĩnh gì, mọi người yểm hộ nhau lên kiểm tra thì hỡi ôi, chẳng thấy địch đâu, chỉ thấy anh Đương đã tắt thở trên vũng máu, người lỗ chỗ vết đạn. Anh Định mặt cắt không còn hột máu, quỳ xuống ôm xác anh Đương mà khóc không thành tiếng. Chúng tôi ai cũng sợ.

Liền trong chiều ấy, đại đội cử người khiêng anh Đương về hậu cứ chôn cất. Anh Định cũng bị gọi về cùng để lên tiểu đoàn chịu kỷ luật. Lúc ấy trong trung đoàn tôi chưa thấy có cái gọi là tòa án binh hay gì đó tương tự. Xử lý những trường hợp như tự thương của thằng Tuấn "đen" hay bắn nhầm đồng đội của anh Định, chỉ là lệnh kỷ luật dội từ trên D hoặc trên E xuống. Sau vụ đó anh Định bị khai trừ đảng, cách chức xuống làm lính thường. Vì bản chất con người là mãi mãi còn hiện tượng chỉ là nhất thời (đúng như quan điểm của đảng), nên sau vụ đó anh Định vẫn tiếp tục chiến đấu và công tác tốt, giống như bản chất của người nông dân cần mẫn trên đồng, dù mùa màng có lúc bội thu hay thất bát.

Quân số của đơn vị vơi dần theo thời gian và các trận đánh nếu không kịp bổ sung quân số, nên vài tháng sau, anh Định vẫn phải nhận trách nhiệm tiểu đội trưởng. Hơn năm tháng sau, anh ấy và cả tiểu đội đã hy sinh trong một trận giữ chốt bên bờ sông Se-kong, mặt trận Sa-ra-van. Chỉ có cái nguyện vọng được là liệt sĩ-đảng viên mà anh ấy nhiều lần nói khi còn sống thì không thể thực hiện được vì quỹ thời gian quá ngắn, không thể đủ để anh ấy làm lại từ đầu.

Thế hệ chúng tôi phải công bằng mà nói, sống rất có lý tưởng. Những điều mà bây giờ có rất nhiều người coi là chuyện không đáng quan tâm thì đối với chúng tôi khi đó lại là điều trăn trở. Để khỏi quên do đứt mạch câu chuyện, tôi muốn kể thêm về một người anh khác trong C6 của tôi. B4 cũng có một A trưởng khác là anh Khung người Nam Hà (lại cũng là Nam Hà) là đảng viên. Sau vụ anh Đương bị bắn nhầm, anh Khung lên thay làm B phó B4. Lên được một tháng anh ấy bị khai trừ ra khỏi đảng nhưng vẫn được làm B phó. Lý do, nhà anh ấy ở quê là thành phần trung nông lớp trên (có bát ăn bát để đây), thế mà khi khai lý lịch vào đảng anh ấy chỉ ghi thành phần là trung nông (chỉ đủ ăn no, nếu nhà có nuôi chó nuôi mèo thì phải san bớt chút ít để cho chúng ăn). Vào đảng rồi, sau này tổ chức mới phát hiện ra nên phải khai trừ anh vì đã "không trung thực". Nhưng anh ấy chiến đấu giỏi nên vẫn được làm cán bộ B và vẫn có cơ hội phấn đấu tiếp để lại vào đảng. Anh ấy cũng là nông dân chất phác, sống có lý tưởng nên không nản chí. Hai năm sau, anh ấy lại được kết nạp đảng và được điều sang C5 làm B trưởng. Trong trận đánh Đồng Dù 29/4/1975, anh ấy và hầu hết anh em trong trung đội đã hy sinh trên cửa mở, trước ngày toàn thắng của dân tộc chỉ có một ngày. Nhưng chắc dưới suối vàng, anh ấy cũng ngậm cười vì mình đã là đảng viên, dù chưa kịp trở thành đảng viên chính thức.

Các anh Địnhanh Khung ơi, hãy tha thứ cho em là đã đem chuyện của các anh ra kể. Dẫu biếtrằng các anh chẳng cần gì, nhưng xin cứ để cho em nói ra một lần, âu cũng làthêm một lần tưởng nhớ tới các anh, để thêm một lần bày tỏ lòng biết ơn các anhđã hy sinh để cho những thằng như em được sống. 


Những thằng lính trong chiến trường đã từng làm liên lạc đại đội thì sau này khi trở về đời thường đều có phần tháo vát, chăm làm và chịu khó, cung cúc phục vụ vợ con. Cũng phải thôi vì suy cho cùng, vợ cũng là một dạng thủ trưởng mà.

Cái thằng tôi thật không có khiếu làm liên lạc vì cái khoản ca cóng của mình quá kém. Đi đâu, lúc nào cũng phải nhăm nhăm nhìn trước ngó sau tìm cái ăn để cải thiện thêm cho thủ trưởng (tất nhiên có cả phần mình), cứ như những con chim mẹ trong mùa sinh sản vậy, quá con mọn. Lại cả cái khoản mang vác hộ phần gạo hay gì đó cho thủ trưởng khi hành quân thì thật là quá sức với một gã thư sinh thành phố như tôi. Thú thực là tôi chỉ học được cái nết chịu khó và nhẫn nại qua những việc đó thôi chứ không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế nên tôi rất thích ra tuyến trước, rất thích đi trinh sát cùng anh Băng vì lúc đó mình học được kinh nghiệm chứ không phải lo những chuyện khác. Cũng một phần biết thằng tôi nó là như thế nên anh Băng cũng hay "thả" cho tôi đi làm nhiệm vụ với các B khác, cho tôi được dịp bay nhảy.

Đầu tháng 9 năm 1972, tất cả đại đội được lệnh rút về hậu cứ. Được một ngày chuẩn bị lán trại trước khi tham gia cùi cõng. Nghe nói cả tiểu đoàn tham gia cùi đạn, chắc là công tác lót đạn.

Vô tình mà ngày cả đại đội được làm những việc loanh quanh trong hậu cứ lại đúng là ngày 4/9, kỷ niệm một năm ngày nhập ngũ của tôi. Một tuổi quân với 365 ngày đã trôi qua. Có từng ấy ngày thôi mà có biết bao nhiêu chuyện xảy ra với tôi. Kết thúc quãng đời học sinh, bạn bè chia tay, gần hết số con trai trong lớp vào bộ đội, còn đám con gái thì vào đại học hết lượt, trong đó có không ít đứa được ra học nước ngoài. Sinh viên năm đầu thì chắc là cũng còn non nớt lắm, chẳng khác bao nhiêu so với lứa tuổi học trò. Bọn con gái năm đầu học tiếng Tây chắc nhiều vất vả, có khi còn khóc nhè vì nhớ mẹ. Mấy thằng con trai dạng con một, con liệt sĩ hoặc bị cận thị quá không thể nhìn xa trông rộng được là sót lại để vào đại học thì chắc cũng còn tồ lắm. Cuộc sống chắc vẫn cảnh mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Thế mà mình, cũng chỉ một năm ấy thôi mà đã có vẻ già đi trông thấy, sắp thành lính cũ rồi. Va chạm sống chết mấy lần và kinh nghiệm chiến trường đã thu thập được một mớ trong đầu. Bom đạn nó dạy cho con người ta tuy rất khắc nghiệt, nhưng trưởng thành lên nhanh lắm. Đêm ấy lằm co trong lán nghe tiếng mưa rơi mà tôi cứ nghĩ mãi về một tuổi quân của mình, không ngủ được. Nghe được cả tiếng bước chân của người lính gác, cả tiếng ngáy nhè nhẹ của thủ trưởng Băng. Có một cái gì đó làm mình mềm lòng. Mà sao nhớ về nhà lại không phải nhớ cha mẹ, lại đi nhớ cái lớp 10A với gần năm chục đứa bạn ấy của mình. Mười bảy thằng bạn học cùng nhập ngũ, mà sao lại chẳng có đứa nào vào cùng cái tiểu đoàn hay đại đội này với mình. Chúng nó vào đâu, ở chiến trường nào. Có đứa nào nhớ đến cái ngày hôm nay như mình không. Cũng có thể có đứa nhớ. Còn bọn ở nhà thì chắc chẳng đứa nào nhớ đến cái ngày này năm ngoái đi tiễn bọn chúng tôi ở rạp Đống Đa trên đường Thái Thịnh với những chiếc xe ca Ba Đình chở lính xọc xạch, qua ổ gà cứ như muốn vỡ tung ra. Nhớ và có phần so sánh số phận, có một chút tủi thân. Rồi nước mắt chảy ra lúc nào không biết, lạnh cả cổ áo. Lại thấy mình sao yếu đuối quá. Rùng mình mở to mắt nhìn bóng đêm xung quanh. Đây là hậu cứ, nhưng là hậu cứ chiến trường. Đồng đội xung quanh đang ngủ ngon, nhưng ngày mai vào trận có thể lại có người không thể trở về. Thôi ngủ đi, yếu đuối một chút chấp nhận được, vì dù sao mình cũng thuộc loại thư sinh, nhưng đừng có hèn nhát là được. Rồi những ý nghĩ mờ dần, chìm vào trong đêm...

Hôm sau anh Băng đi họp trên tiểu đoàn về, nét mặt quan trọng. Tôi đoán sắp có chiến dịch chăng, tham mưu con mà, nhưng cũng không dám hỏi vì sợ mắng. Tôi âm thầm chuẩn bị đồ đoàn gọn nhẹ để mai lên đường. Hướng đi lại vẫn là Nam đường 23. Điều khác là lần này tại khu tập kết ngoài các cán bộ D, C, trinh sát của K18, lại còn thêm trinh sát trung đoàn và các thủ trưởng, các cán bộ tác chiến trên E nữa, đến mấy chục người. Tất nhiên bàn cái gì là việc của các thủ trưởng, liên lạc bọn tôi chỉ biết bám theo thủ trưởng của mình. Có buổi anh Băng đi họp một mình. Lại có đêm chỉ có anh ấy đi với các C trưởng khác và trinh sát tiểu đoàn. Sau rốt rồi cũng đến lúc tôi được đi trinh sát cùng anh Băng, khi đó chỉ có các cán bộ C cùng lính trinh sát D, E. Đây là lúc các C đi thực địa khu vực của đơn vị mình đảm trách. Chắc chắn phải có đánh to thì mới phải đi trinh sát và lên phương án kỹ càng như thế này. Tôi đã quen với các kiểu đánh chốt, phục kích và lùng sục. Bây giờ thêm kiếu đánh địch trong căn cứ có công sự vững chắc. Mấy cái loại đánh đấm như trên thì công tác trinh sát cũng bình thường, thậm chí là chẳng trinh sát gì. Đợt này thấy tổ chức trinh sát bài bản và kỹ càng lắm. Tôi ngó trộm trên bản đồ thì thấy khu vực lần này chính là cái ngã ba Lào Ngam. Khu vực này là một điểm chốt chặn quan trọng của địch trên đường từ Pắc-soong vào Pắc-xế mà. Lại nghe phong thanh bọn lính Thái Lan đóng căn cứ vùng này.

Bọn lính Thái ở đây được mệnh danh là lính con nhà giàu, được trang bị đầy đủ, yểm trợ tốt và khả năng tác chiến hơn hẳn lính Fumi. Lính Thái chỉ tham chiến ở Nam Lào, vùng Thượng và Trung Lào không có. Cuối mùa mưa năm 1971, trung đoàn tôi mới đụng độ trận đầu với lính Thái trong một trận phục kích của chính C6 chúng tôi. Cả một đại đội lính Thái hành quân từ Pắc-xế lên qua khu vực bãi Dứa, rồi túc tắc vạch cây mâm xôi và cành xấu hổ bò lan ra đường cái sau mùa mưa mò lên đến bản Vườn lê 42, chủ quan và nghênh ngang đã bị C tôi choảng cho một trận phải bỏ mạng gần bốn chục xác. Chúng chạy một mạch về Pắc-xế, bỏ lại cả một tuyến đường 23 dài dằng dặc cho bọn lính Lào chốt giữ. Những thằng nhanh chân và khiếp đảm có lẽ còn vượt qua cả sông Mekong về đất Thái. Sau này các đơn vị khác trong E cũng có đụng độ với lính Thái, nhưng trong đó K18 là nhiều nhất. C tôi cũng gặp lại chúng trong một số trận chốt và phục kích mé đường 231. Các anh lính cũ kể lại chúng nó đánh trận bài bản như trường lớp. Thằng chỉ huy thổi còi toe toe cho lính xung phong. Lính Thái không thạo rừng và láu cá nhanh nhẹn như lính Lào. Mình chặn nó đấy, nhưng nếu là vướng đường nó thì nó trèo cả qua đầu mính mà chạy, khiến trận đầu lính ta tưởng là nó xung phong dũng mãnh quá. Nói tóm lại, trung đoàn chuẩn bị chu đáo thế này thì đúng là đánh bọn Thái rồi.

Tôi theo anh Băng và trinh sát mò mẫm vào vùng ngã ba Lào Ngam theo một vòng cung từ Tây xuống Nam. Có một con suối rất to và sâu như bờ vực ôm lấy khu ngã ba. Sát hai bên bờ suối thì rừng cây rất to, nhưng lên đến bên trên thì rừng cây lại như kiểu rừng tái sinh mọc rất dày. Không có cây to để leo lên quan sát nên phải theo bản đồ mà mò vào tận nơi. Căn cứ địch nằm cách suối khoảng 500 mét. Toàn bộ khu vực quanh căn cứ được phát quang, có tới 5 lớp rào, toàn là rào lưới đơn và rào bùng nhùng. Trinh sát cắt rào đơn mở lối bò vào. Vì đây vốn là rừng phát quang, gốc rễ cây còn lổn nhổn nên địch không cài mìn nhảy và mìn vướng. Chỗ khó nhất là cái rào bùng nhùng, mầm non cây đã mọc lên quấn vào đó nên tự nhiên tạo thành sự liên kết vững chắc. Địch chỉ làm những con đường nhất định từ đường 23 đi vào căn cứ, chứ những chỗ xung quanh chúng nó cũng không dễ mà mò từ trong ra được. Độ rộng vùng phát quang cũng chỉ chừng năm chục mét. Có lẽ ở Nam Lào thì căn cứ này thuộc loại rào kiên cố nhất. Anh Băng và trinh sát cứ bò vào rồi lại bò ra quanh khu vực hàng rào. Ở phía ngoài nếu nép vào các tán cây thì vẫn có thể đứng mà nhìn vào căn cứ. Tối om vì địch cũng không có đèn đóm, hoặc có thắp dưới hầm thì cũng chẳng nhìn thấy gì. Nghe trinh sát nói đây là căn cứ kiểu trấn giữ nên không có nhà nổi mà chỉ có các loại hầm thôi. Trong căn cứ địch cũng không phát quang hết toàn bộ mà cũng chỉ phát từng phần vì chỗ này vốn là một vườn cà phê rộng lớn. Tấn công vào đó chắc phải chú ý việc ném thủ pháo và lựu đạn.

Liền mấy đêm tôi theo anh Băng và trinh sát đi nắm địch như thế. Mỗi đêm chọc vào một hướng, cắt rào để chui vào rồi khi ra lại uốn trả lại, địch không thể ra kiểm tra nên cũng không sợ lộ. Quân ta cũng chỉ nằm tại hàng rào quan sát thầm lặng và nghe ngóng chứ không bò vào hẳn căn cứ. Ban đêm bọn lính Thái không bắn bậy bạ và chúng cũng cho là an toàn nên không bắn pháo sáng. Chỉ có pháo lớn từ trong Phù Chiêng bắn ra, nhưng chúng bắn mãi tận đâu đâu trong vùng rừng già chứ không bắn đến vùng căn cứ này. Vì thế mấy đêm đi trinh sát chẳng có gì là căng thẳng. Lúc chui vào trong hàng rào rồi thì lại còn thấy an toàn hơn khi còn ở ngoài. Liên lạc như tôi chẳng biết gì nhiều, chỉ có các thủ trưởng chắc phải bàn tính hướng mở cửa và phương án đánh địch nên phải quay ra quay vào tính toán và giục trinh sát dẫn đường.

Đã sang đến tuần thứ hai của tháng chín, độ ngoài mùng mười gì đó thì chúng tôi rút về hậu cứ. Một điều bất ngờ đang chờ tôi. Một tối anh Băng bảo tôi, cậu không phải làm liên lạc nữa. Đại đội cho cậu đi học công binh phục vụ cho chiến đấu sắp tới. Té ra anh Băng thấy rõ tôi không có khiếu làm liên lạc nên đã âm thầm chuẩn bị vị trí công tác mới cho tôi. Tôi hơi cụt hứng một chút, nhưng nghĩ lại thấy mình về B chiến đáu cũng phải. Thủ trưởng sắp xếp cho hợp lý chứ không phải ghét bỏ mình. Biểu hiện rõ ràng là anh ấy đã cho tôi đi trinh sát cùng anh lần cuối cùng để chuẩn bị một trận đánh lớn quan trọng, rồi mới trả tôi về B.

Hôm sau tôicùng thằng Thành (Hà Tây) B5 vác ba-lô về C công binh cách đấy một ngày đường.Đại đội công binh trú quân trong một cánh rừng ẩm thấp cạnh một con suối đá khárộng, nước rất trong và chảy xiết. Lán cũng làm nửa chìm; hầm hố cẩn thận,nhưng lâu chẳng ai chui vào nên trong hầm mốc meo, toàn những con gì chân gàiloằng ngoằng như con gọng vó. Ẩm thấp vì quanh lán toàn chuối rừng và những câyvả quả còn rất xanh. Cây sung có quả non còn ăn được chứ quả vả nếu chưa chínthì không thể ăn được. Chỉ có khu công binh xưởng là đặt trên mấy vạt đất cao.Nơi này an toàn nhưng xa dân. Khi chúng tôi ở hậu cứ bản Xăn-xi-nuc"may" gần các nương dân thì lúc đói quá cũng có thể trang thủ lúc đicùi cõng tạt qua hay là chập tối trước giờ sinh hoạt có thể chạy ù ra vừa làm"em ông quận công'" vừa trang thủ hái được mấy trái dưa chuột để bổsung vào dạ dày. Ở đây xa xôi nên chỉ đến bữa có gì ăn nấy nên đói, lại là vìđi tập huấn công binh nên bị quản về thời gian rất chặt. Lính về tập huấn chừngnon hai chục người từ các C bộ binh của các K họp lại. C công binh nhường chochúng tôi một dãy lán ở sát một con suối làm nơi trú chân trong thời gian tậphuấn. Tôi đã đi loanh quanh, thấy nơi này chán ngắt, vừa tối vừa bẩn. Ban đêmtuy có thể đốt lửa trong lán nhưng chẳng kiếm đâu ra củi, thật mang tiếng ởrừng. Chả lẽ đốt bằng thân chuối rừng hay cành vả tươi. May mà chúng tôi mangtheo nhiều giấy dầu nên có cái mà thắp sáng ban tối. Chỗ này chỉ được mỗi consuối đá, tuy không rộng nhưng nước chảy xiết và rất trong. Một điều hết sức dởhơi là ở chỗ này mọi người không làm nhà cầu. Tất cả đều cho xuống suối. Vìsuối chảy rất mạnh nên tôi đoán là chỉ sau độ một ngày, nếu không bị tan ra chocá nó rỉa thì tất cả chất thải chắc cũng trôi ra đến sông Me-kong. Mà chẳnghiểu bọn lính nhà bếp lấy nước ở chỗ nào để nấu cơm cho đơn vị. Chẳng lẽ chỉkhoắng qua một cái, khuất mắt trông coi như cầu tõm Nam Hà? Mà ngay cả chúngtôi cũng thế, vừa xử lý nỗi buồn xong, ngoảnh đi ngoảnh lại đã có thể bình thảnthò chân thò tay xuống lấy nước rửa dáy, thậm chí là tắm giặt hay rửa mặt đượcrồi. Lúc đó lính là vua trong rừng nên chẳng xá gì chuyện vệ sinh môi trường.May mà không có thằng nào chết vì bẩn. Nhưng tôi nghĩ các cán bộ C công binhcũng cho xử lý như thế thì thật ẩu và liều.    


Ổn định chỗ ăn ở ngay trong chiều tối hôm đó, sáng sau chúng tôi đã bắt đầu tập trung học về công binh. Đại đội công binh có một cái hội trường rộng làm trên sườn dốc. Mái lợp bằng thứ lá gì đó như lá mía rừng, nhưng ken dầy nên chống được nước mưa. Ghế ngồi là các thân gỗ gác trên các cọc bắt chéo. Phần lý thuyết được giảng bằng giáo cụ trực quan và vẽ trên giấy. Chúng tôi ai có giấy bút gì thì cứ ghi, còn không thì cố mà nhớ. Phần thực hành thì ra một bãi đất rộng ở cách đó khá xa. Chúng tôi được học về thủ pháo trước tiên. Học cách bấm kíp, gắn nụ xòe, tập gói thủ pháo từ 2 miếng TNT 2 lạng, cách bọc nilon chống ẩm. Rồi lại học cách buộc thủ pháo ống dài 1,2 mét ép bằng nẹp tre, dùng để phá hàng rào đơn. Loại bộc phá khối để phá lô-cốt như thời Điện Biên thì không phải học. Tuy thế vẫn được giới thiệu cách tính toán lượng thuốc TNT để gắn thêm kíp phụ kích nổ đồng thời. Được giới thiệu cả hợp chất nổ C4 và dây nổ để kích nổ đồng thời mìn cài ở nhiều vị trí xa nhau. Những của này tôi cũng có biết qua. Lính Fumi đem rất nhiều mìn Cleimo khi hành quân dã ngoại. Mỗi cái túi vải đựng 2 quả và một hộp công tắc bấm (công tắc điện-từ). Hầu như trận nào đánh kha khá một chút là có chiến lợi phẩm loại này. Thường chúng tôi lấy cái túi vải đựng mìn, gỡ bỏ chỉ máy ở vách ngăn đi để làm cái túi dết công tác rất tiện. Còn mìn thì tháo bỏ kíp điện rồi dùng dao găm cậy vỏ. Mỗi quả mìn được 4 lạng thuốc trắng phau, dẻo, cất đâu cũng tiện. Lúc đói có thể vê một tí bằng hòn bi ve, ăn ngòn ngọt, tạm chống đói. Còn chủ yếu để đun nước sôi pha chè hay cà phê. Tặng của này cho y tá đại đội thì thật hết chê. Còn dây nổ thì theo tôi là một loại vũ khí quá tuyệt vời. Chỉ cần kích nổ 1 chỗ là nổ cả dây, không phải gài kíp phụ. Tốc độ truyền nổ của nó là 3000 m/s. Các lính công binh trong trung đoàn tôi thường quấn quanh gốc cây to rồi cho nổ để hạ cây đổ qua suối làm cầu. Vết nổ cắt thân cây ngọt lịm, gọn gẽ chứ không phá nát thân cây.

Tiếp theo là học các loại mìn cài. Chúng tôi học 2 loại mìn ống: POMZ2 của Liên xô và mìn chân voi (mìn nhảy-mìn râu tôm) M1 của Mỹ. Học cả mìn chống tăng nữa. Biết cách cài và cách gỡ nó như thế nào; học cả các thủ đoạn cài bẫy phụ chống tháo gỡ. Các bài giảng và thực hành học rất kỹ. Ngoài các loại mìn cài thụ động ấy, chúng tôi còn học khá kỹ về dùng mìn cleimo có kíp điện. Ngoài việc điểm hỏa chủ động còn có thể cài bằng pin điện theo nguyên lý vướng nổ và "căng-chùng" nổ. Toàn là của giết người ghê răng cả. Thời gian chúng tôi học các nội dung như trên cũng chỉ chiếm một tuần thôi. Suốt hai tuần còn lại chúng tôi học về mìn định hướng ĐH và cách đánh hàng rào để mở cửa. Chúng tôi học cách tiềm nhập có dò gỡ mìn bằng que thuốn, học cách bò kiểu sâu đo có đeo mìn định hướng mà quả nặng nhất là ĐH30 (30kg). Không hiểu sao lúc đó đói ăn, gầy gò mà lại tập được những động tác dùng đến nhiều cơ tay, cơ bàn chân và bụng như vậy (bây giờ thấy bọn sinh viên ở các trường đại học khi học thể dục tập hít đất có mươi cái mà trầy trật, vặn vẹo cứ như người không có xương, mới biết ngày xưa lính ta giỏi thật).

Chúng tôi được đến tham quan xưởng sản xuất mìn định hướng ĐH của C công binh. Xưởng làm cách xa nơi ở tại một góc rừng riêng. Có hẳn một lò rèn ngày nào cũng đỏ lửa. Trung đoàn chúng tôi tự đốt than, xây bễ. Mọi loại dao rừng và cuốc xẻng phát cho các đơn vị trong E đều do C công binh này tự rèn. Thép lấy từ các trận địa cũ về, nhiều lắm (nhưng nói thật là đối với bộ binh ở tuyến trước, cái xẻng pháo binh của Liên-xô là tuyệt nhất. Nó mỏng, cứng và rất sắc, xắn rễ cây ngọt lịm. Còn cái loại xẻng-cuốc gập đa dụng của công binh Mỹ thì chỉ lấy đem về hậu cứ chơi hay tặng cho nhà bếp thôi chứ mang ra trận thì nó vừa cồng kềnh, vừa lọc xọc rất khó chịu). Các lính công binh gò tôn (của này ngoài đường 23 có mà thiếu giống) làm khuôn trông như cái phễu tòe to, tùy loại mà dày 3 đến 5 phân. Mặt lõm xếp đầy mẩu sắt, mảnh đạn nhỏ đã ngâm nước đái cho rỉ, sau đó đun thuốc TNT đổ vào. Gò kín, có chừa lỗ ở giữa để nhét kíp nổ là xong. Mìn DH7, DH10 hay DH30 là tên gọi theo trọng lượng của nó. Cách xếp mảnh ở mìn DH ngược với hướng cách xếp các viên bi của mìn Cleimo. Mìn DH do công binh E làm chủ yếu dùng để phá hàng rào, mở cửa nhưng nếu cần cũng có thể dùng khi đi phục kích đánh bộ binh rất tốt. Các mảnh sắt rỉ do ngâm nước đái chỉ cần sượt da đối phương làm bị thương cũng có nhiều khả năng gây nhiễm trùng uốn ván mà chết. Dã man quá. Song nghĩ lại, đạn bi, bom bi hay những mũi tên sắt có đuôi xếp đầy trong đầu đạn pháo của địch thì cũng nguy hiểm như thế chứ kém gì.

Chúng tôi được mượn những quả mìn DH10 (loại này sẽ dùng chủ yếu) ra bãi tập làm giá. Mỗi giá gá 3 quả theo chiều dọc sát nhau, chân cao cỡ 20 cm. Học cách dựng giá mìn trước hàng rào. C công binh còn có cả một thao trường nhỏ dựng sẵn một số loại rào thép gai. Qua đó chúng tôi học biết cách phá các loại rào bằng mìn DH sao cho có hiệu quả. Nếu căn cứ địch có nhiều hàng rào thì phải cắt bớt các hàng rào phía ngoài bằng kìm cộng lực (loại có tay gấp của công binh chứ không phải cái loại to kềnh càng như của dân xây dựng bây giờ đâu), sau đó dựng mìn để phá các lớp rào trong cùng. Kể ra thì rất dài dòng như thế, nhưng tóm lại là trong thời gian 3 tuần đó chúng tôi học rất bài bản và kỹ càng. Mấy ngày cuối còn thực tập ban đêm, kể cả khi trời mưa cho quen với thực tế. Sau đợt học ấy nếu trong chúng tôi có thằng nào được bổ sung ở lại C công binh thì cũng có thể coi là lính công binh được rồi.

Thời gian tập huấn ở C công binh khá vất vả nhưng chúng tôi rất hào hứng vì mình thu được rất nhiều kiến thức hay. Cái mệt của tập tành dù sao vẫn sướng hơn đi cùi cõng đạn, gạo. Hôm nào học trên hội trường thì quần áo khô sạch sẽ dù bên ngoài mưa rơi. Lúc giải lao quấn điếu thuốc sâu kèn rít rồi nhả khói ra ngoài trời, nhìn hàng nước mưa trên giọt gianh rơi xuống đất lỗ chỗ rồi nổi bong bóng trôi đi thì cũng cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc lắm. Cuộc sống chiến khu của các bậc cha chú năm xưa chờ ngày toàn thắng chắc cũng giống thế này. Buổi tối cúng tôi thường thắp giấy dầu đánh bài. Vì chỉ có mấy người nên không phải sinh hoạt nhiều như ở đơn vị. Lại không phải gác đêm nữa chứ, quá nhàn. Vào trong chiến trường tôi mới biết đến kiểu đánh bài "tiến lên" bằng bộ tú-lơ-khơ. Mà cũng chỉ đánh kiếu đó thôi chứ không ai chơi kiểu "tấn-đỡ" như ở nhà. Chơi kiểu "tiến lên" rôm rả lắm, từ 3 người trở lên là đã chơi được rồi. Có đông người ngồi cổ vũ càng vui, không phải dè chừng như đánh cờ tướng. Bộ bài thì đơn vị nào cũng có, A nào cũng có một bộ. Đây cũng là một loại chiến lợi phẩm chúng tôi thích thu thập, được lấy dùng tự do mà không phải nộp cấp trên theo chính sách chiến lợi phẩm. Trong lính mà không có chơi bài kiểu này, chắc cũng đến buồn mà chết.

Ngày cuối cùng đợt học, chúng tôi họp tổng kết vào buổi sáng. Tham mưu trưởng trung đoàn cũng đến dự. Ông ấy khen ngợi tinh thần học tập miệt mài và nghiêm túc, đạt kết quả tốt của chúng tôi. Ông còn vui mừng tuyên bố là sẽ từ chúng tôi mà nhân rộng ra dưới đơn vị, từ nay trong các trận đánh của bộ binh, phần dựng mìn mở cửa sẽ do bộ binh đảm nhiệm toàn bộ. Trung đoàn động viên luôn chúng tôi bằng một bữa ăn tươi cùng C công binh: mổ thịt một con lợn. Rau cỏ không có gì, nhưng thịt thì cũng đủ ngập chân răng. Buổi chiều chúng tôi được nghỉ tắm giặt. Lại ra cái suối mà 3 tuần qua mình thải chất rắn ra đó để tắm. Chuyện thường thôi mà.

Hôm sau tất cả chia tay, ai về đơn vị nấy. Mỗi thằng được phát một nắm cơm nếp ăn trưa vì hầu như các đơn vị đều ở xa. Bọn K18 chúng tôi về xa nhất, phải bảy tám tiếng đi đường. Cả tốp đi cùng được hơn nửa đường lại chia tay nhau lần nữa, ai cũng muốn đi lối đi riêng để còn lo cải thiện. Thằng Thành dẫn tôi vòng ra phía bản Phù-đin. Tuy có xa hơn, nhưng qua được một số nương dân. Mỗi thằng chúng tôi hái được một túi vải đầy thuốc lá. Quá nửa chiều rồi, thằng Thành dẫn tôi vào một nương ngô. Ngô nếp của dân rất nhiều. May quá gặp dân, chúng tôi liền hỏi xin. Một người dân Lào tuổi cỡ cha chú chúng tôi vui vẻ bảo chúng tôi cứ lấy tùy thích, lại còn chỉ cho chúng tôi cái nồi nhôm to tướng để ở dưới lều phía góc nương. Thế là thằng kiếm củi nhóm bếp, thằng bẻ vội ngô. Có một lạch nước nhỏ cạnh lều nên chẳng phải đi đâu xa. Ngô luộc chín còn nóng đã đổ vội ra chén. Không hiểu sao lúc ấy chúng tôi lại như ma đói, ăn ngon đến thế. Hết nồi ngô này lại bẻ tiếp ngô chất củi luộc tiếp nồi khác. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò tào lao, quên cả thời gian trôi qua trên đầu. Tắt hết nắng thì người dân Lào quay lại. Ông ta tròn mắt nhìn đống lõi ngô và hai thằng bọn tôi đang ngồi thở. Ông ấy bảo có nhiều bộ đội à. Chúng tôi đưa mắt đếm lược vội đống lõi ngô, phải đến sáu chục chiếc chứ không kém. Chết cha, hai thằng xin mấy bắp mà ăn như thuồng luồng thế này thì còn gì là nương ngô của dân nữa. Xấu hổ quá, thằng Thành đứng lên khom người lắp bắp "men lẹo" (dạ đúng) rồi kéo tôi đứng dậy. Hai thằng vừa "khớp chay" (cảm ơn) vừa lùi dần ra nương rồi chuốn thẳng. Thoát khỏi người dân Lào là vừa đi vừa chạy, đau quặn cả bụng mà không dám dừng.

Trời tối rất nhanh. Nghỉ tạm bên suối lấy vội bi-đông nước. Bây giờ mới tiếc là không kịp lấy nước ngô đổ vào bi-đông lúc trước, khi đó chỉ mải ăn thôi. Nếu không có chuyện xin ngô luộc ăn thì chúng tôi cũng đã về đến đơn vị rồi và có thể mò xuống anh nuôi xin bữa cơm tối. Nhưng lúc này chúng tôi cũng không đói, cũng không cần đến bữa ăn tối ở đơn vị nữa. Thằng Thành nhẩm tính đường về đến đại đội chắc chừng non hai tiếng nữa nhưng đấy là đi ban ngày. Bây giờ đi đêm mò mẫm chắc mất nhiều thời gian hơn. Chúng tôi ai cũng có đèn pin (chiến lợi phẩm) nhưng pin thì đã hết từ lâu rồi. Thằng Thành là lính Hà Tây vào trước tôi đã đánh nhau với lính Thái còn lấy được một chiếc đèn pin cổ ngoéo của Mỹ chính hiệu tuyệt vời lắm. Cổ đèn có thể vặn thẳng hay gập thước thợ. Vỏ đèn bằng nhựa (màu xanh ghi) rất kín nên có thể soi chìm được trong nước và đặc biệt cái đèn có một mắt kính mờ có thể dùng để soi xem bản đồ ngay trong hàng rào mà thằng lính gác đứng cách đó hơn chục mét cũng không phát hiện ra vệt sáng. Đèn xịn nhưng hết pin thì cũng bằng nhau với đồng bào. Mò mẫm về đơn vị trong đêm vừa vất vả mà lỡ ra không bắt liên lạc được, bị thằng gác nó bắn nhầm thì cũng toi nên thằng Thành bàn với tôi rồi quyết định ngủ đêm lại trong rừng, sáng mai sẽ về đơn vị. Lính tráng hành quân, tăng võng đầy đủ, ngả đâu đấy là nhà nên chẳng có gì phải lo lắng. Chúng tôi mắc võng cạnh nhau, ôm súng trong võng mà ngủ. Chỗ này là vùng hậu cứ cũng ít khi có thám báo nên chúng tôi còn hút thuốc và rì rầm nói chuyện chán rồi mới ngủ.

Sáng hôm sauchúng tôi dậy sớm rồi mò về đơn vị, thế mà cả đơn vị cũng đã đi cùi đạn rồi.Chúng tôi mất bữa sáng, nhưng được nghỉ lại hậu cứ để làm việc vặt. Thằng Thànhkhông chịu đói, mò sang nương của bảnXăm-xi-nuc "may" đào được một mớ dong (loại dân Bắc dùng làm miến) vềluộc, còn chất lượng hơn cả bữa ăn sáng của đơn vị. Buổi trưa hôm đó lại gặpmay. Kể cả hai chúng tôi và anh nuôi, cán bộ... trong hậu cứ còn lại chưa đếnchục người, trong đó có C phó Hùng. Anh Hùng người Hà Tây, không phải dân tộcnhưng rất máu đi săn. Anh ấy lấy được một khẩu Cacbin chiến lợi phẩm nhưng đểlại ở hậu cứ C, không nộp lên trên (Trên D bộ K18, các anh tác chiến, quản lýcũng giữ mấy khẩu Cacbin chuyên cho việc đi săn. Không nộp lên trên, nhưng lúchành quân chuyển hậu cứ thì phải tự mang). Ngay trong rừng hậu cứ C tôi cũng cónhiều chồn, sóc vì là rừng già có nhiều cây to. Mọi ngày nếu ở nhà có đông ngườithì không ai cho bắn, nhưng hôm đó anh Hùng là chỉ huy cao nhất nên tự quyết vàrình bắn được một con chồn hơn 3 cân. Anh Hùng cũng thuộc loại "cacóng" có đẳng cấp trong C tôi. Thế là bữa trưa anh em hậu cứ có một bữatươi, rôm rả. Tôi và thằng Thành được một ngày thoải mái sau đợt tập huấn côngbinh, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ mới đang chờ. 


Tôi lại về B5 với anh Trịnh. Trả đạn ở khu trung chuyển sau chuyến cùi cõng xong, các B lục tục kéo về hậu cứ hưởng bữa cơm chiều. Rửa chân tay từ suối lên, ngúc ngắc cái đầu húi cua, nhe cái răng vàng to tướng ra cười khi thấy tôi đứng trước lán của tiểu đội, anh Trịnh vỗ vai tôi:

- Mày lại về với tiểu đội hả. Thôi được rồi, lại như xưa cũng tốt. Thế này có khi hay, mày ở lính đánh nhau hợp hơn làm "tít tò" (liên lạc - tiếng Lào) cho mấy ông ấy. Lăng xăng mãi cũng chán. Vào nhà đi, tối sinh hoạt, giao việc.

Rồi anh ấy lấy trong túi ra hai quả ổi ương trảy được ở đâu đó lúc đi cùi đạn, đưa cho tôi một quả. Quả ổi ương quá rắn, cắn mãi mới được một miếng bé, nhưng nhai kỹ thấy trong cái chát cũng có tí vị ngọt.

Cơm chiều xong, đại trưởng Băng gọi tôi và thằng Thành lên C bộ. Chúng tôi báo cáo lại tình hình đợt đi tập huấn về công binh. Hai thằng bổ sung báo cáo cho nhau và trả lời các câu hỏi của BCH đại đội mất gần một tiếng đồng hồ. Đại trưởng Băng bảo: "Chúng mày thế là biết quá nhiều rồi đấy, có khi hơn cả bọn anh. Chuẩn bị tập huấn lại cho trung đội rồi tập chiến thuật nhé. Sắp đánh to đấy". Chúng tôi vâng dạ rồi trở về B5.

Buổi tối sinh hoạt A, nhưng nội dung không có gì đặc biệt. Ngày mai chỉ là đi cùi gạo, nhưng lót sang tận mép đường 23. Tuy thế cũng có một điểm mới trong lúc tôi đi tập huấn công binh là đơn vị vừa được trang bị thêm một loạt súng chống tăng B41. Toàn là súng của Trung Quốc. Hỏa lực này mạnh hơn B40 ở tầm bắn xa (375m theo thước ngắm, trong khi B40 chỉ có 150m) và có cơ chế tự nổ theo thời gian nếu trước đó không gặp mục tiêu. Khẩu súng cũng có điểm hay là có buồng giảm áp giữa nòng súng và ống che lửa phía đuôi nên xạ thủ khi bắn an toàn hơn, có thể cấp tập được nhiều đạn hơn mà chưa tức ngực. Trung đội tôi cũng được 2 khẩu và tôi cũng rất muốn có dịp bắn thử. Dạo nọ ở nam đường 23 mà đã có khẩu này đi tập kích ban đêm thì quá tốt. Anh Trịnh thấy tôi cứ loay hoay sờ mó mãi khẩu súng B41 và quả đạn thì cười bảo: "Thể nào chả có lúc được bắn. Mong hòa bình để được buông tay súng mới khó chứ chiến tranh thế này thì dù không muốn cũng có lúc phải dùng đến. Thôi ngủ đi mai còn cùi cõng".

Hôm sau cả C lên đường từ sớm. Nhận ngay từ hậu cứ tiểu đoàn, mỗi thằng một bao gạo đồ 25 cân. Dạo này tuy đang mùa mưa, không hiểu sao xe tải lại vào được hậu cứ trung đoàn một cách ngon lành. Chúng tôi bắt đầu được ăn cơm gạo đồ thay cho cơm nếp. Nói thật là vì ăn cơm nếp mãi nên chán (dù vẫn bị đói) nên chúng tôi hào hứng đón nhận món gạo mới này thôi, chứ thật ra cơm gạo đồ nó cứ chuồi chuội thế nào ấy. Chẳng hạt nào dính hạt nào. Không thể dùng loại cơm này để dán giấy như cơm gạo tẻ thường của mình. Ấy thế mà dân Lào lại thích gạo này chứ không thích gạo tẻ của mình. Tìm hiểu mãi hóa ra họ quen ăn bốc bằng tay nên thứ gạo này hợp với tập tục của họ.

Một bao gạo, thêm súng ống và cơm nước vào là đủ 30 cân đè lên vai rồi. Sau mấy tuần ở C công binh không rèn luyện cùi cõng, trọng lượng đó đè nặng trên vai tôi hơi quá mức bình thường nên chỉ sau chừng hai tiếng, vượt qua vài dốc suối là tôi đã bị tụt lại cuối đội hình. Vẫn phải vươn dài cổ ra mà đi chứ chẳng dám kêu ai. Tới chỗ nghỉ, người ta nghỉ giải lao được mười phút thì tôi chỉ được nghỉ dăm phút thôi là đi ngay vì phải cố bám đội hình. Sau chặng thứ hai ngồi nghỉ sát một cái nương dân, tôi bỗng thấy một con chó khá to đứng cạnh lùm cây bên đường nhìn tôi thân thiện. Lông con chó màu vàng, giống như đại đa số những con chó ở làng quê ngoài Bắc. Thấy nó không gầm gừ mà vẫy đuôi, tôi tặc lưỡi "tục, tục" mấy cái. Thế là nó tiến lại sà vào chân tôi, vẫy đuôi rối rít cứ như là lâu ngày gặp lại chủ. Con chó còn để nguyên cho tôi vuốt tay lên đầu. Lúc tôi xốc bao gạo đứng dậy đi tiếp, nó liền đi theo. Tôi chỉ ngoái lại nhìn nó một lúc rồi cắm đầu cắm cổ đi theo đơn vị. Lại qua suối và dừng nghỉ chân giải lao ở chặng thứ ba, tôi bất ngờ thấy con chó xuất hiện và chạy rúc vào chân mình. Hóa ra nó đã đi theo tôi cả một chặng đường dài, lại dám lội qua cả suối. Bây giờ thì tôi bạo dạn hơn, ôm nó vào lòng, vuốt tay lên đầu mà cảm thấy như cái mệt của mình vơi đi rất nhiều. Một thứ tình cảm nào đó chợt xuất hiện trong tôi. Tôi là chú bé Rê-mi còn nó là con Ca-pi trong "Không gia đình" của Hecto Malo chăng?

Không thể giải thích nổi vì sao mà con chó lại đi theo tôi, cứ như tôi là chủ nó vậy. Tôi đi thì nó đi theo, tôi ngồi nghỉ thì nó cũng nằm nghỉ bên cạnh chân. Cứ như thế cho đến khi chúng tôi trả gạo vào buổi trưa. Suất cơm trưa ít ỏi, nhưng tôi cũng chia cho nó một phần. Chỉ dám cấu từng viên cơm to như hòn bi ve chậm rãi cho nó ăn và cho mình ăn. Không thể đủ no cho cả hai nhưng tôi và chắc là cả nó cũng đều hài lòng. Có khác nào cảnh ông già Vi-ta-lít và anh bạn Rê-mi chia từng mẩu bánh mì nhỏ cho cả chú khỉ Giô-li-cơ lẫn mấy con chó Ca-pi, Đôn-xơ và Giec-bi-nô ở cánh rừng hoang lạnh giá trong cái đêm bị chó sói tấn công. Tất cả đều đói, nhưng nhẫn nại và cam chịu trước hoàn cảnh. Tôi vuốt con chó này, thấy nó không đến nỗi gầy như chó hoang, chắc chủ nó cũng cho ăn đủ, vậy thì nó đi theo tôi làm gì.

Buổi chiều quay trở về đơn vị, con chó vẫn chạy theo tôi. Bây giờ thì lính trong trung đội mới chú ý đến nó. Ba lô lúc về không còn gạo, chân bước nhẹ tênh nên có lúc tôi bế con chó, có lúc lại bỏ nó vào ba lô khi lội qua mấy cái suối rộng cho nó đỡ mệt. Cũng chẳng biết con chó của ai mà đem trả. Lúc đi ngang qua mấy cái nương cũng không gặp người dân nào. Lính tráng tranh thủ tạt ngang tạt ngửa vặt cái gì đó cho vào mồm hay hái vài lá thuốc lá của dân nhưng con chó của tôi thì chả ăn được thứ gì. Tôi bảo anh Trịnh là thôi, em cứ đem con chó về hậu cứ để nuôi nhé. Chẳng hề nghĩ đến sẽ nuôi nó như thế nào, nhưng cứ đem về cái đã. Do lúc về trời đã sang chiều, lại tạt ngang nương của dân nhiều quá nên trời sập tối mà chúng tôi vẫn chưa về đến hậu cứ. Tự nhiên lúc đó tôi lại đau bụng mới chết chứ. Đau quặn cả người, mồ hôi vã ra, chân tay rã rời, mặt nhợt nhạt. Tôi cứ cố vùng dậy đi một đoạn ngắn lại phải ngồi xuống ôm bụng nhăn nhó. Không thể chờ nhau mãi được, anh Trịnh quyết định chuyển con chó cho người khác đem về trước, còn anh ở lại dìu tôi đi sau. Mãi đến hơn 9 giờ tối tôi mới cùng anh Trịnh về đến hậu cứ của trung đội. Lúc này cơn đau bụng của tôi cũng đã dứt. Cả trung đội đã ăn cơm tối, chỉ còn phần lại cho hai người. Tôi giật mình thấy trong một góc xoong sáu có ít thịt, kêu lên hỏi thì B trưởng Quân bảo: "Ăn đi, thịt chó đấy". Thế là thế nào, mọi người đã thịt mất con chó gắn bó cả một ngày với tôi rồi sao. Mà sao chẳng ai nói trước gì cả với tôi. Tôi cáu lắm mà chẳng biết làm thế nào, bắt đền được ai, trách được ai bây giờ. Đói mà tôi thấy đắng ngắt, không ăn được, có một cái gì đó vừa nghẹn ngào, vừa chua xót. Cũng chẳng cần phải phân bua hay dỗ dành gì như với con trẻ, anh Quân bảo thẳng tưng như ra lệnh. Nào là con chó chẳng phải của ai, nào là không thể nuôi được nó, nào là cần để cải thiện cho anh em có sức... vân vân và vân vân. Tất nhiên anh ấy có lý nhiều hơn để đè bẹp đi cái tình cảm ủy mị của tôi. Tôi không thể trách mãi các anh ấy, nhưng vẫn mặc cảm như mình có lỗi. Dù đó chỉ là một con chó, nhưng tôi đã lạm dụng vào lòng tin, vào bản tính trung thành cố hữu của một con chó khi nó bám theo tôi. Hồi ở bản Phiệt bên huội Chăm pi, khi mới chỉ là lính mới mà tôi đã là thằng trộm gà rồi, bây giờ lại trở thành thằng bắt chó, thật là tồi tệ. Nếu biết tôi cũng chỉ là hạng trộm gà bắt chó thì chắc con chó đã tránh xa tôi rồi. Khổ thân cho nó.

Cả trung độitôi đã thịt trộm và xơi hết cả một con chó trong đêm ấy. Thế nhưng vẫn có haingười không đụng vào một chút nào. Người thứ nhất là tôi. Vì không chủ định vớicái chuyện bắt chó ấy nên tôi mặc cảm và không thể ăn nổi miếng nào, dù các anhtrong đơn vị có tán kiểu nào đi nữa. Người thứ hai là anh Thanh làm anh nuôi,người dân tộc Tày. Anh ấy bảo dân tộc anh ấy không ăn thịt chó, cũng như ngườiLào vậy. Chẳng bù cho B trưởng Quân là người dân tộc Mường, nổi danh gan góckhi đánh trận đấy nhưng cũng nổi danh là vua "khợp" trong đại đội,chả có con gì mà anh ấy không dám ăn. Kể cả món bọ hung vặt cánh giã cùng muốiớt chấm xôi, đặc sản của người Lào, anh ấy cũng chẳng từ. Việc trung đội làmthịt con chó cũng khá vất vả. Thoạt đầu anh Thanh không cho mượn xoong nồi. Mãisau nằn nì quá anh ấy đành cho mượn nhưng bắt đem xuống dọc suối một đoạn xamới cho nấu nướng. Những thứ bỏ đi như xương xẩu phải đem chôn kỹ. Sau đó cònphải đem xoong nồi đi xa, lấy đất và lá rừng cọ cho đến khi không còn mùi anhấy mới nhận lại. Chuyện như thế mà rồi cũng giấu được đại đội, không ai biếtcũng nhờ đặc điểm B5 đóng riêng lẻ trên một góc đồi cách đại đội cả một consuối và đoạn đường dốc lớn.


Ngày hôm sau, mọi việc lại trở lại bình thường. Bây giờ đã sang đầu tháng 10 năm 1972 rồi. Chỉ trong hơn chục ngày tiếp theo thôi mà chúng tôi làm đủ mọi thứ việc. Việc đầu tiên là cả đại đội ra khu bãi Đá, trận địa cũ của địch để tập chiến thuật cho sát thực tế. Các C khác có lẽ cũng vậy, nhưng mỗi C một khu vực riêng. Lần đầu tiên chúng tôi được giới thiệu và tập chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc. Cách đánh này có lẽ là bài bản từ thời Điện Biên, có khác chăng chỉ là hiệp đồng và phối hợp giữa các bộ phận. Các anh đã qua trường SQ Lục quân chắc thuộc lòng từng bước chiến thuật này. Trinh sát đi thực địa nắm địch, báo cáo tiểu đoàn rồi lên phương án tác chiến. Đầy đủ nhất thì đắp sa bàn, còn thường chỉ là bày quân cờ trên mặt đất rộng để dễ hình dung trận địa. Đánh mỗi căn cứ thường có 3 mũi, mở cửa 3 hướng, lệch nhau chừng 120 độ. Có khi chỉ có 2 cửa mở, còn một hướng phục đón lõng đánh bọn rút chạy hoặc đánh quân tiếp viện. Tùy theo đánh căn cứ cỡ đại đội hay tiểu đoàn địch mà ta điều quân trên đó một cấp. (Cái này theo lý thuyết từ thời Điện Biên thì lực lượng bên ngoài phải gấp từ 3 đến 5 lần lực lượng chốt giữ thì mới mong thắng được). Trên vùng Nam Lào địch thường đóng căn cứ cỡ đại đội trở lên, còn cỡ trung đội thì chỉ là đóng dã ngoại hay lập chốt như quân ta.

Về chiến thuật trên một hướng thì sau khi chọn hướng cửa mở, ban đêm bộ đội sẽ phải tiềm nhập vào đó. Bộ phận mở cửa cắt bớt các lớp rào ngoài rồi chui vào dựng các giá mìn sao cho khi điểm hỏa thì đủ sức phá thông nốt số hàng rào còn lại. Các trận đánh của chúng tôi thường bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, khi trời còn nhờ nhờ nhìn chưa rõ mặt người. Cùng với hiệu lệnh bấm mìn phá hàng rào, các tay súng hỏa lực bắn thẳng tại chỗ (B40, B41, DK, 12ly7) của đại đội và tiểu đoàn (đã chui vào đào hầm trong đêm theo hàng ngang, ngay sát lớp hàng rào ngang bằng với chỗ đặt giá mìn) sẽ bắn cấp tập vào khu lô cốt đầu cầu nhằm đập nát các hỏa điểm và công sự tại đó. Cùng lúc các loại cối pháo cấp trên sẽ cấp tập vào cùng khu cửa mở đó để chế áp và tiêu diệt các hỏa điểm của địch. Tùy theo thời gian của từng trận (15 đến 20 phút hoặc hơn), pháo cấp trên sẽ chuyển làn sâu vào trong căn cứ địch. Lúc này hỏa lực B40, B41 tạm ngừng, còn 12ly7 sẽ bắt đầu phát hỏa, bắn chéo vào cửa mở tạo lưới lửa che phía trước cho bộ binh. Cối 60 của đại đội cũng bắn sâu vào trong, nhưng độ linh hoạt của nó cao hơn các loại cối pháo của cấp trên. Lệnh được phát ra và bộ binh (bố trí phía sau theo hình cánh gà) sẽ đồng loạt xung phong vào cửa mở. Bộ binh chạy đến đâu thì 12ly7 sẽ rê dọc theo sao cho đường đạn phải bay trước bộ binh chừng 15 mét. Bộ binh chạy qua khu hỏa lực ở cửa mở thì bốc luôn theo hỏa lực B40, B41 của tiểu đội mình nhập vào đội hình. Lúc bộ binh chạy vào sát đến khu lô cốt đầu cầu thì 12ly7 phải ngẩng nòng bắn sâu vào căn cứ địch, cao hơn trên đầu bộ binh chừng 1,5 mét trở lên, mục đích lúc này chỉ là uy hiếp địch trong căn cứ bằng tiểng nổ. Khi bộ binh vào đến khu đầu cầu thì tự dùng thủ pháo và AK đánh chiếm các công sự, còn hỏa lực B40, B41 chỉ hỗ trợ khi nhìn rõ mục tiêu. Trong đánh căn cứ, bộ binh chỉ dùng thủ pháo, không dùng lựu đạn để tránh mảnh văng lung tung. Đơn vị đầu tiên (thường là cả trung đội) vào cửa mở chủ yếu chỉ cần chiếm cửa mở để tạo đầu cầu làm bàn đạp. Đây cũng là lúc cối pháo cấp trên dừng chi viện. Đơn vị thứ hai sẽ lao thẳng vào cửa mở, vượt qua đầu cầu tạo mũi nhọn đánh thọc sâu vào tung thâm, kết hợp với đơn vị phía sau nữa đánh tỏa ra căn cứ. Sau đó thì cứ thế mà đánh lan ra cho đến khi bắt tay được với đơn vị bạn ở hướng khác thì thực hiện tảo thanh. Làm chủ trận địa xong lại phải khẩn trương thu vũ khí, chiến lợi phẩm đồng thời làm ngay công tác thương binh tử sĩ để nhanh chóng rút khỏi trận địa vì khi chắc chắn biết đã mất căn cứ, địch thường tập trung pháo và máy bay ném bom đánh thẳng vào trận địa. Một trận đánh cỡ căn cứ có đại đội địch thường chỉ hơn một tiếng là đã gọn gẽ. Trong trường hợp cần giữ đất thì lại phải tổ chức chốt ở xa chỗ khác để chặn địch chứ không được chốt trong căn cứ. Có căn cứ chỉ sau một tuần khi ta bỏ đi, địch đã lại đưa quân lên lập lại căn cứ mới. Còn nếu chiến sự vào sâu hơn thì sau này cái trận địa bỏ hoang đó cũng được các tốp lẻ quân ta trở lại thu dọn sạch sẽ các thứ có thể dùng được.

Đấy là nói về lý thuyết một trận đánh căn cứ phòng ngự vững chắc của địch, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Hàng rào mở không hết ngay từ đầu thì lại phải dùng bộ binh đánh bộc phá bằng tay mở cho xong. Hàng rào càng nhiều lớp càng khó, phức tạp nhất là hàng rào cũi lợn (hay hàng rào vướng chân). Hàng rào bùng nhùng chỉ cần đặt bộc phá đúng kỹ thuật là đánh ngon lành. Trên cao nguyên có một đặc điểm là nếu căn cứ đó địch không phát quang từ đầu bằng bom mìn mà chỉ dùng dao phát cây rồi đặt hàng rào thì chỉ sau một mùa mưa, lớp chồi non tái sinh mọc lên chui vào khe các vòng thép gai sẽ tạo nên sự gắn kết rất chắc chắn. Mở thông cửa mở là cả một nhiệm vụ nặng nề, nhiều khi quyết định đến số phận cả một trận đánh.

Rồi chuyệncối pháo cấp trên khi chi viện không bắn trúng ngay cửa mở mà đấm đít luôn bộ binh vài trái. Chỉ cần vậy thôi làcác thủ trưởng hai tuyến đã chửi nhau loạn xạ trong máy điện thoại rồi, đặc sảnvăng ra thoải mái đủ loại mà nếu như có thật thì cả đơn vị được ăn tươi cảtháng không hết. Hoặc là 12ly7 khi bắn chế áp cho bộ binh xung phong mà hạ nònghơi thấp là bộ binh xanh mắt mèo, tưởng như đạn nó quạt thẳng vào lưng mìnhrồi, không dám xung phong... Đấy, cứ theo giả định tình huống do cấp trên tự đặtra, và chúng tôi phải tập theo như thế. Còn một sự thật nữa là khi tập chỉ bắnđạn mồm nên khác xa nhiều lắm lúc xung trận. Nếu không có dàn lính cũ làm nòngcột thì các trận đánh chắc không thể thắng như khi lên phương án được. 


   Cả đại đội hành quân ra một cánh rừng gần bãi Đá làm hậu cứ tạm để trú chân. Buổi chiều tập trung làm công tác chuẩn bị để tập chiến thuật. Nhóm mở cửa chúng tôi làm sẵn các giá đỡ mìn và các que thuốn, còn anh em khác chặt gỗ và chuẩn bị bao cát cho cá nhân. Mỗi người phải chuẩn bị một vác gỗ dài 1,6m to cỡ trên cổ tay một chút. Kèm theo đó là hơn chục vỏ bao cát. Chúng tôi tập chiến thuật ngay từ đêm, bắt đầu từ khâu hành quân tiếp cận trận địa. Những trận đánh căn cứ địch đều diễn ra vào các đêm không có trăng. Ở đây chúng tôi không có điều kiện kiếm đom đóm hay miếng củi mục có lân tinh cài làm dấu ở người trước để đi. Tất cả đều phải tập theo cảm nhận.

Chỉ riêng khâu hành quân tiềm nhập cũng đủ thứ rắc rối rồi. Vì phải vác theo vác gỗ nên không thể đi sát nhau. Tốc độ lúc nhanh lúc chậm tùy theo thằng trinh sát dẫn đầu đã dò đường đến đâu. Vì thế có lúc thì dò từng bước, rậm rịch như trâu ăn đêm trong chuồng. Lúc lại cắm đầu cắm cổ đi vèo vèo. Ở ngoài chỗ trống còn đỡ chứ trong rừng rậm vướng dây rừng thì thật mệt. Chúng tôi đã được truyền thụ kinh nghiệm lồng vào 2 đầu vác gỗ mỗi đầu một chiếc vỏ bao cát để tạo thành một khối liền, nhưng nhiều thằng buộc không chắc, một chiếc bao cát tụt rơi lúc nào không biết. Thế là đang đi phăm phăm húc và bụi dây rừng bị dây nó giắt vào giữa các thanh gỗ làm vướng lại, căng ra như cánh cung rồi bật lại làm ngã bổ chửng. Có khi các dây rừng nó níu lại mạnh quá, thế là bị giật lùi va vào thằng đi sau, có khi đến hai ba thằng cùng ngã. Những lúc như thế lại phải hạ bó gỗ xuống để tháo dây rừng hoặc rút dao găm ra chặt. Xử lý xong thì hàng quân phía trước đã đi đến đâu ấy rồi, thế là cả bọn lại cắm cổ lao theo cho khỏi lạc. Vì đi trong rừng phải im lặng (dù là buổi tập) không biết phía trước đã đi đến đâu thành ra có lúc thằng đi trước nó đang đứng ngay phía trước cách mình chỉ có một đoạn mà lao luôn vào nó. Lao vác gỗ của mình vào vác gỗ của nó thì chỉ có 2 thằng ngã là cùng, chẳng may đúng lúc đó mình đang nghiêng vác gỗ để xoay đầu đổi vai, thế là cái mặt mình bị hứng trọn vác gỗ của nó đâm vào mặt. Đau ê ẩm mà không dám kêu. Những buổi tập đêm như thế (và sau này cả trong đánh trận nữa) chúng tôi không bao giờ thoát khỏi cái đoạn mặt mày xây sát. Chỉ có là bị ít hay nhiều mà thôi.

Hành quân đến trận địa thì được cấp trên phân công vị trí. Cánh làm nhiệm vụ mở hàng rào chúng tôi thì bò vào hàng rào và tập dựng giá mìn. Lúc ấy mỗi trung đội có chừng 13,14 người. Cả B5 tập trung học dựng mìn mở cửa dưới sự hướng dẫn của tôi và Thành. Lúc đầu chúng tôi tập toàn ban ngày để dễ hình dung, sau đó mới tập đêm theo đại đội. Tập cả B nhưng sau này khi vào trận sẽ sử dụng 5 người thôi. Những người còn lại phải mang hỗ trợ thêm mìn DH và phải nhận khâu đào hầm chung cho cả bọn trú ẩn khi điểm hỏa mìn. Chúng tôi chia nhóm và dựng nhiều giá mìn hơn đánh thật để còn tập. Vẫn phải bài bản cả khâu dò mìn, cắt rào, tuy trên thực tế thì ở cao nguyên Boloven này, địch rất ít khi gài mìn xen lẫn giữa các hàng rào. Còn cái chuyện mắc ống bơ cho kêu loảng xoảng như thời Pháp thì không hề có. Địch chỉ đặc biệt thích dùng pháo sáng loại dập bằng tay hoặc bắn bằng M79 và nện cối cá nhân khi nghi ngờ gì thôi.

Các trung đội khác thì phải tập đào hầm trong đêm, đảm bảo bí mật và đúng thời gian. Hầm đào hình chữ L nằm ngang, quay cái phần chân chữ L lại hướng mình. Yêu cầu thân chính của hầm là 1,2m rộng 80 phân và sâu tối thiểu cũng 80 phân, đủ để nằm lọt cả người và vũ khí. Phần thân hầm phải rải các thanh gỗ lên, xúc đất cho vào các bao cát buộc lại rồi xếp lên trên làm nắp. Cán bộ đại đội đi kiểm tra, chỗ nào phát ra tiếng động nhiều quá thì đến véo tai cho một cái. Cứ thế mà hì hục làm trong đêm. Sáng bảnh ra rồi thì các cán bộ đại đội và tiểu đoàn đi kiểm tra để rút kinh nghiệm. Các giá mìn của chúng tôi được xem xét xem có đúng yêu cầu kỹ thuật không, còn bọn khác thì chủ yếu là kiểm tra kích cỡ hầm. Chưa đạt yêu cầu thì ăn cơm sáng xong phải làm tiếp. Cứ như thế trong ba đêm liền rã hết cả người. Chúng tôi cũng phải đào hầm nhưng chỉ là hố chiến đấu. Khi nào đánh thật sẽ được ở chung hầm với người khác.

Tiếp theo đólà tập chiến thuật. Vẫn phải tổ chức vọng gác để canh chừng thằng L19 nhòm ngó.Mới chỉ tập mà bị nó phát hiệt đánh bom rồi thì còn đâu người mà đánh thật nữa.Cũng may chỗ bãi Đá này là trận địa cũ bỏ hoang, trống huếch trống hoác nênđịch nó cũng chủ quan coi thường ít nhòm ngó đến. Phần chiến thuật thì cứ theocái bài bản như trên tôi đã nói để tập. Tất nhiên chỉ là hô mồm không có đạnthật, không có quân xanh và tình huống diễn ra chỉ là giả định của cấp trên.Đến cái đoạn tập đánh phối thuộc cùng xe tăng mới thấy thương cho cái điều kiệnnghèo nàn của quân ta. Không thể tập cùng xe tăng thật nên chúng tôi đành tậpcùng xe tăng giả. Tình huống giả định là bộ binh bám theo xe tăng tại khu cửamở rồi xông vào cứ điểm. Bộ binh ở khu cửa mở chờ xe tăng đến thì chỉ hướng chonó xông vào rồi chạy theo. Như thế chắc chắn sẽ chiếm được đầu cầu nhờ sức mạnhcủa tăng. Khi tăng lao vào trong căn cứ rồi thì mũi thọc sâu sẽ theo tăng rồiđánh tỏa ra trong căn cứ. Như vậy về bản chất tăng sẽ thay cho hỏa lực bản thâncủa các mũi thọc sâu khi đánh căn cứ và có thêm yếu tố tâm lý nữa để đè épđịch. Tham mưu trên E chỉ phổ biến như vậy rồi bắt đầu tập. Hai thằng lính cầmngang một cây gậy rồi chạy song song với nhau phía trước, mồm kêu "pànhpành..." giả làm xe tăng định hướng cho bộ binh chạy sau. Chúng tôi còn đượcphổ biến kinh nghiệm thêm là phải chạy theo đúng vệt xích xe tăng vì cây con ởchỗ đó đã bị bẹp nát. Nếu chạy ở giữa mà gần xe tăng quá, cây non ở đó chỉ bịuốn xuống rồi bật lại mà đập vào d... là bỏ mẹ có ngày. Chỉ như thế thôi mà cũngtập hăng ra phết. Hơn một tuần vất vảtrên khu bãi Đá nhưng tất cả đều an toàn. Ba đại đội bộ binh và C hỏa lực càynát các hướng quanh cái trận địa cũ ấy để tập. Cuối cùng thì những ngày tậpchiến thuật cũng kết thúc vào độ ngày 10 tháng 10 năm đó. Hôm sau chúng tôiđược trở về hậu cứ. 


Lại một chuyện bất ngờ xảy ra trong tiểu đoàn chúng tôi. Thằng Hải lính đoàn Hà Nội ở C7 đảo ngũ. Nếu nó tìm đường chuồn ra đường dây 559 rồi ra Bắc hay nhập vào binh trạm nào đó thì không nói làm gì. Đằng này nó chuồn vào Lào Ngam, vào Pắc xế theo địch. Đại đội hành quân về hậu cứ thì trời đã tối. Đơn vị không thấy nó đâu chỉ đoán là nó bị rớt lại, quay ra hỏi loạn nhau lên rồi cử người đi tìm. Mất một đêm chẳng có kết quả gì. Thế là đoán già đoán non, nghi nghi hoặc hoặc.

Đáng lẽ chẳng ai biết sự thật thế nào nếu như hai hôm sau không có cái máy bay vận tải bay đêm vè vè đễn các khu rừng hậu cứ gọi chiêu hồi. Đúng là giọng thằng Hải, dù tiếng được tiếng mất và nghe nó cứ ù ù. Thằng này chỉ là lính, chẳng biết gì nhiều nên địch nó khai thác luôn theo khoản kêu gọi chiêu hồi này. Cái máy bay ấy cứ bay và oăng oẳng trong độ 3 đêm thì hết. Cũng có thể nó còn bay tiếp nhưng chúng tôi đã ra vùng khác rồi. Cả tiểu đoàn chuyển ngay hậu cứ đề phòng, nhưng không có hậu cứ của C nào bị bom. Có lẽ thằng Hải cũng gà mờ về bản đồ, hoặc giả địch nó cũng đoán ta đã đề phòng rồi nên không gọi máy bay đánh bom. Vào thời điểm đó ở Boloven chỉ có các phi vụ ném bom đơn lẻ bằng máy bay cánh quạt T28 là chủ yếu. B52 thì rải tít mãi tận dãy Trường Sơn xa xăm, xa hơn cả vùng A-tô-pơ thì còn lâu mới đến chỗ chúng tôi. Các cấp chỉ huy phán đủ kiểu nào không rõ chứ cánh lính Hà Nội chúng tôi thì cũng lờ mờ biết chuyện thằng Hải từ lâu rồi, chỉ có điều là không biết nó có làm thật hay không và vào lúc nào mà thôi. Thằng Hải vốn là dân Việt kiều Thái Lan về nước quãng năm 1960, lúc nó chưa đầy chục tuổi. Nó về Việt Nam theo ông bà và các bác, còn bố mẹ nó vẫn ở lại Thái Lan. Nó sống ở Hà Nội với ông bà và cũng chẳng hiểu nó phải đi lính theo diện nào. Về mặt lý tưởng và ràng buộc gia đình thì chắc chắn là nó lỏng lẻo hơn chúng tôi. Khi nghe nói Boloven (Chăm-pa-xắc) là tỉnh cực nam của Lào, thủ phủ Pắc-xế chỉ cách Thái Lan có một con sông Mê-kông thôi thì nhiều lần nó đã nói là chỉ cần đi quá một tí là được về với bố mẹ. Với nó thì bọn lính Thái chưa chắc đã là địch. Cũng cứ tưởng nói chơi vô thưởng vô phạt vậy thôi, thế mà nó đi thật. Ra ngoài Bãi Đá tập chiến thuật xong, thế là nó cứ dọc đường 23 mà xuôi thẳng vào Lào Ngam, chẳng ai phát hiện nó đi lúc nào.

Chỉ khổ lính Hà Nội là sau vụ đó trung đoàn về từng C hỏi vặn vẹo đủ điều xem trong đơn vị còn thằng nào gốc Việt kiều nữa không. Còn chúng tôi tất nhiên cũng chỉ xì xào với nhau thôi chứ cũng chẳng đứa nào dại mà nói là đã đoán thằng Hải có thể vù sang Thái. Vụ đào ngũ của thằng Hải rốt cuộc cũng chẳng gây thiệt hại gì cho đơn vị ngoài danh tiếng và quân số một người lính. Sau này cũng chẳng còn ai biết tin gì của nó nữa, kể cả đến bây giờ.

Ở hậu cứ đượcđúng một ngày, chúng tôi lại được lệnh ra đường 23, nhưng cách Bãi Đá đến cảchục cây về phía ta. Đến đây thì nhiệm vụ sắp tới không thể giữ kín được rồi.Chúng tôi sẽ đánh một trận có xe tăng phối hợp. Nhiệm vụ của cánh bộ binh bâygiờ trước hết là đi làm đường cho xe tăng. Sao lại phải làm đường thế nhỉ. Xem phim thấy xe tăng nó chạy vù vù, gặp gìđè nát thứ đó. Những ngôi nhà gạch một tầng nó húc băng băng, còn cây cỏ thì cógì mà phải cản nó được. Hóa ra không phải chỉ có vậy. Xe tăng đi ngoài bìnhnguyên, rừng khôộc hay đồng cỏ thì vô tư, nhưng vào rừng, leo núi và lội suốithì chưa chắc bằng bộ binh. Để tránh máy bay T28 săn lùng thả bom, bọn xe tăngcần đi vào chỗ đất càng cứng càng tốt cho không thành vệt. Nó không dám đi vàocác khu rừng cây lúp xúp và rừng tái sinh vì sợ đè nát cây thành vệt sẽ bị lộ.Bọn tăng cứ dọc đường nhựa 23 mà tiến. Bộ binh mang xẻng ra vén các cây xấu hổ,mâm xôi bò lòa xòa ra mặt đường cho tăng đi qua, xong lại phải kéo cây trả lạiđể ngụy trang. Chỉ chỗ nào rừng cây to nằm sát đường, ngụy trang tốt mới dámlàm đường rẽ cho xe tăng vào trú ẩn. Đến đoạn đi trong đường rừng, chỗ nào dốcquá tăng nó cũng không leo được. Bàn tay lính lại phải bạt dốc cho nó thoaithoải để tăng đi. Chỗ nào đất hay đá cứng gồ lên lại phải đập vỡ hoặc san phẳng.Một anh lính bên đơn vị tăng đi chỉ đạo làm đường giải thích là nếu tăng nóđang chạy mà bị cái gờ đá nào nó đội vào bụng thì dù xích có quay tròn, tăngcũng bị mắc cạn. Nghĩ đến cái lúc tăng nó lao vào cửa mở, đầu cầu không đánhcũng chiếm được thì khoái mà cố gắng thôi chứ mấy ngày làm đường tăng cũng mệtnhọc lắm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng biết là sẽ có 4 chiếc xe tăng phối hợptrong trận đánh sắp tới. 


Tụi lính Lào ở Cao nguyên Boloven là quân của 2 trung đoàn GM41 và GM42 thay đổi nhau. Tôi không biết chính xác có bao nhiêu lính Fumi ở Chămpaxac, nhưng khi chúng mở cuộc tấn công lớn tập trung cả 2 GM thì biết đó là 2 trung đoàn cơ động của địch. Chắc còn thêm bọn lính địa phương nữa. Không thấy nói đến cấp sư đoàn của địch. Còn bọn lính Thái Lan từ bên kia sông Mê Kông sang thì chỉ thấy biên chế tới cấp tiểu đoàn. Tại ngã ba Lào Ngam hiện có một tiểu đoàn Thái đóng căn cứ mang phiên hiệu 621. Chúng làm chỗ dựa chính thôi chứ không đi lùng sục mấy. Phần này vẫn dành cho lính Fumi.

Liên tục trong mùa mưa vừa qua, hướng đường 231 do K15 đảm nhiệm và các đợt luồn sâu sang Nam đường 23 của K18 vẫn chỉ đánh nhau với lính Lào. Trận đánh cuối mùa mưa này, sư đoàn 968 quyết định tập trung cho E9 một trận đánh lớn, tiêu diệt dứt điểm tiểu đoàn Thái 621 này và nhổ bỏ cái chốt Ba Lào Ngam, chuẩn bị cho mùa khô tiến sâu hơn vào Phù Chiêng, Pắc xế. Từ đây vào Pắc xế chỉ còn non hai chục cây số thôi. Lính Thái dù sao vẫn là lính chiến có sức chiến đấu cao hơn lính Fumi, lại ở căn cứ vững chắc nên cấp trên chi viện cả xe tăng phối thuộc giúp trung đoàn chúng tôi.

Cái căn cứ của bọn 621 này, vào giữa mùa mưa vừa qua, khi còn đang làm liên lạc cho đại trưởng Băng, tôi đã từng được theo anh vào trinh sát, từng có cả đêm nằm ngủ phía ngoài hàng rào địch như trước đây tôi đã kể. Cái căn cứ này nếu có bay trên máy bay nhìn chắc cũng không rõ. Địch không thả bom phát quang thành bãi mà lập căn cứ dựa ngay trên một khu vườn cà phê rộng lớn. Chỗ nào đào hầm hào thì chúng chặt bỏ cây, còn lại vẫn để nguyên những cây cà phê có tuổi đời hàng hai chục năm, cao vút và xanh um. Xung quanh căn cứ, địch phát cây thành một hình vành khăn rộng vài chục mét, dựng 3 lớp hàng rào, trong đó có một hàng rào bùng nhùng đơn nằm xen giữa. Cây phát quang nhưng để gốc lởm chởm. Qua mùa mưa nhiều chỗ nảy lộc, nhánh cây non đâm xuyên qua cả hàng rào. Phía ngoài xa độ 10 mét vẫn là rừng cây tái sinh, mọc lúp xúp. Vào đến khu trống, bò cũng dở mà đi cũng dở, người cứ như dạng đi ngồi lổm nhổm. Tầm nhìn không xa. Ngay cả ban ngày ở bên ngoài nhìn vào căn cứ cũng phải căng mắt nhìn mới phát hiện thấy địch bên trong. Trinh sát không vào được tận trong căn cứ để vẽ sơ đồ hầm hào, tất cả chỉ là tập hợp góc nhìn các hướng rồi về mô phỏng lại kết hợp với cách bố trí của địch ở các trận địa cũ để lập giả định. Nhưng cứ mở xong cửa mở đi, khắc đánh khắc biết. Đánh tới đâu nhìn tới đó mà đánh tiếp.

Ngày 14/10, C5 vượt đường 23 sang phía Nam và lập một cái chốt ở phía đông cách căn cứ 621 chừng một ngàn mét để chặn địch phục vụ cho công tác chuẩn bị lót quân của các đơn vị khác. Dự kiến sẽ có hai mũi của K18 đánh hướng Bắc và K16 đánh hướng Đông Nam. K15 sẽ chia lửa đánh vào các đơn vị Fumi ở phía Tây.

Ngày 15/10 máy bay L19 của địch phát hiện vệt xe trên đường 23 tít tận ngoài bãi đá và gọi T28 đến đánh bom. Một chiếc xe tăng đang cất giấu bị trúng bom, may người không việc gì. Địch cũng đánh bom thăm dò lung tung nhiều chỗ khác nhưng vì mỗi xe tăng giấu một nơi nên cuối cùng vẫn còn được 3 chiếc để vào trận. Cũng chiều hôm đó một đại đội Fumi đánh lên chốt của C5. Trung đội chốt trên đó đã đánh chặn vài đợt, diệt được một số địch. Sau đó do trận địa chốt nằm gọn trên một quả đồi, khá lộ liễu nên địch gọi luôn T28 đến đánh bom. Chưa cần dùng đến pháo từ Phù Chiêng mà cả quả đồi đã nát nhừ. C5 bị tổn thất nhẹ, nhưng trong đó có một lính đoàn Hà Nội chúng tôi là thằng Toàn ở Đông Anh. Nó là thằng lính Hà Nội đầu tiên trong K18 hy sinh. Nghe nói sau hai đợt bom, hầm của nó bị bung, nó tưởng địch hết ném bom nên chạy ra ngoài lẩn xuống khe suối để nấp. Đợt bom thứ ba của địch có một mảnh văng trúng nó.

Ngay tối hôm ấy, B5 chúng tôi được lệnh lên lập chốt mới thay cho C5. Chỗ chốt mới của chúng tôi sẽ đi qua chốt C5, vượt sang hẳn vùng đồi thuộc Lào Ngam, chung với căn cứ 621 của địch và chỉ cách căn cứ đó chừng 600 mét. Từ khu tập kết phía Bắc đường 23, anh Quân dẫn chúng tôi sang thẳng qua chốt C5. Lúc này chúng tôi đã chuẩn bị xong đủ cả mìn DH, giá gỗ và cả gỗ cùng vỏ bao cát làm hầm chiến đấu. Nhẽ ra đến ngày xuất kích, chúng tôi sẽ vào thẳng hưởng cửa mở để làm nhiệm vụ mở cửa vì khi đã có lệnh chặt gỗ rồi thì ngày N chắc cũng đến sát rồi. Song có lẽ vì B5 vốn nổi tiếng về chốt giữ trong C6 nên đại đội cử chúng tôi. Bỏ lại toàn bộ mìn DH và những thứ chuấn bị cho mớ cửa, chúng tôi hành quân sang đường 23 ngay sau khi ăn cơm tối, có mang theo đầy đủ gỗ và bao cát để làm hầm cá nhân. Hành quân mang vác cồng kềnh nên đi khá chậm, nhất là trong đêm tối. Trinh sát tiểu đoàn phải dẫn đường. Chừng 9 giờ tối mới đến được đồi chốt của C5. Đơn vị bạn tuy không phải bàn giao vị trí chốt cho ai, nhưng đến bấy giờ cũng mới làm xong mọi việc và khiêng tử sĩ ra. Có 3 cái cáng tất cả. Tôi thì thào hỏi thăm được biết cái cáng cuối cùng là Toàn, Trong đêm tối cũng chẳng nhìn rõ gì và cáng vẫn khiêng. Tôi chỉ lần sờ tay vào lưng võng để cảm nhận thân hình đồng đội và hít thở trong mùi máu còn tanh nồng từ thi thể bạn. Đội ngũ những thằng lính đồng ngũ 4971 của D tôi bắt đầu có đứa ra đi. Tiếp theo sẽ là ai? Chưa biết. Vĩnh biệt bạn Toàn nhé.

Trung đội tiếp tục đi theo trinh sát. Quả đồi chốt của C5 tan tành với những hố bom sâu và cây đổ ngổn ngang. Mùi khói đạn khen khét và ngai ngái. Đường vượt qua chẳng thành lối, cứ theo trinh sát nhắm hướng bước thấp bước cao mà đi. Thỉnh thoảng có đứa ngã dúi dụi, vác gỗ tuột ra lăn xuống hố bom. Lại vừa ngồi vừa quỳ lần mò tìm vác gỗ, xốc lên vai và bám theo đồng đội. Lúc chiều tối có một trận mưa nên đất đồi bị bom đánh tơi lên trộn nước đã trở nên những đám bùn nhoe nhoét, bước chân đi trượt trơn không vững. Thỉnh thoảng vấp phải những thân cây nhỏ trụi lá nhô lên đâm vào háng, vào bụng dưới làm đau lịm cả người, chỉ biết há to mồm ra mà suýt xoa chịu đau chứ không thể kêu ai được. Cứ thế mà đi. Lần mò mãi rồi cũng vượt được qua, thằng nào cũng bê bết bùn đất kể cả hai thằng trinh sát tiểu đoàn dù chỉ có mang AK báng gấp.

Trời đã tối đen lại càng tối đen hơn và trở nên lạnh lẽo hơn khi trời lại đổ mưa xuống sụt sùi. Bàn chân nếu không có những đôi tất sợi giúp bám chắc vào dép cao su thì có lẽ đôi dép sẽ trượt ra mà tuột lên tận bắp chân. Cả trung đội đi hết mé đồi thì tụt xuống và lội dọc theo một khe suối nhỏ chỉ rộng chừng hơn mét nhưng sâu quá đầu gối, nước lạnh ngắt. Vừa đi vừa tranh thủ ngồi thấp xuống dìm người để tẩy bớt đi đám bùn đất trên người. Đằng nào cũng ướt rồi. Bây giờ chỉ cần giữ khô vắt cơm đã được bọc nilon và túi thuốc rê cùng chiếc bật lửa để ở túi ngực thôi, còn tất cả phó mặc hết cho trời. Có thằng còn lùa cả vác gỗ xuống nước rồi kéo đi cho đỡ nặng. Được chừng ba chục mét thì rẽ leo lên dốc. Cũng chỉ là đạp đường mà đi nên gặp trúng cái dốc đứng quá. Thằng Sơn B41 người Nam Hà to xác mà không hiểu sao cứ trầy trật mãi với vác gỗ và khẩu súng cùng cùi đạn, kéo được thứ nọ thì thứ kia lại tụt xuống suối, lại quay lại mò mẫm lôi lên. Chúng tôi cùng giúp sức nhau đun đẩy, thế mà không hiểu sao vác gỗ của thằng Sơn lại một lần nữa tuột trôi trở lại, đâm vào cả mặt B trưởng Quân. Hầy à, bố này nóng tính nghiến răng chửi, nhưng chỉ dám chửi nhỏ nên tiếng cứ rít lên nghe càng sợ. Dân tộc mà sao chửi tiếng kinh giỏi thế, đặc sản văng ra loại nào ra loại đó. Cả thằng Sơn lẫn chúng tôi không dám phàn nàn câu nào, chỉ cuống quít giúp nhau lôi súng và gỗ vượt dốc. Phải kết hợp vừa kéo vừa đẩy nhau khá lâu mới rời được khỏi suối. Trời mưa lạnh thế mà mồ hôi vẫn rịn ra trộn với nước mưa trở nên chua loét.

(Sau này khi đã đánh trận xong ngồi họp rút kinh nghiệm, thằng Sơn phê bình anh Quân nhưng nói mát cực khéo. Nó bảo:

- Cảm ơn Trung trưởng. Xa xôi thế mà đêm đó bu em ở nhà được đ... một bữa sướng.

Anh Quân đần mặt ra nghe. Nhưng chuyện qua rồi, thằng Sơn nói ra cho hả lòng tí chút thôi chứ chẳng để bụng thêm làm gì).

Lại đi tiếp, vòng và vòng vèo đến giữa đêm thì tất cả đến nơi tập kết. Thở phào nhẹ nhõm, hạ tất cả những thứ trên vai và ngồi bệt xuống nghỉ. Theo trinh sát, chỗ này cách hàng rào căn cứ D621 Thái chừng sáu trăm mét. Nơi đây cũng là rừng tái sinh toàn cây nhỏ chỉ cao chừng 3 mét là cùng xen kẽ nhiều vạt cây lúp xúp. Cũng chỉ là nhắm hướng thôi chứ trong đêm đen có nhìn thấy gì đâu. Hai thằng trinh sát quay lại tiểu đoàn, còn trung đội tôi chia thành 3 cụm tổ chức đào hầm chốt.

Tất cả đềumệt, nhưng chúng tôi cũng chỉ ngồi nghỉ ít phút, vặn vẹo chân tay, xoa nắn bảvai cho giãn bớt gân cốt rồi bắt tay vào đào hầm. Đào được cái hầm cho tử tếcũng phải mất hơn 3 tiếng chứ không ít. Đất cao nguyên mùa mưa dễ đào, nhưng nócứ bết vào xẻng khi muốn hất ra. Trời lại tối như hũ nút, làm cái gì cũng phảisờ soạng như thằng mù nên tốc độ đào bị chậm lắm. Lúc đào xong cái hố to hình chữL, xếp gỗ lên rồi xúc đất cho vào bao cát để chất lên làm nắp cũng là cả mộtgian nan vì đất ướt. Bẩn quá muốn chùi tay cho khô để chuyển động tác cũng chỉcó cách tự chùi vào quần áo mình. Thỉnh thoảng mệt quá lại ngồi bệt thừ ngườira một lúc cho lại sức. Thật khổ cho cái vóc lính thành phố thư sinh của tôi.Lúc gian nan mệt mỏi quá mà lặng đi được một chút lại tủi thân nhớ mẹ. Ước mongnhỏ bé nhất lúc này chỉ là được chui vào cái hốc rút rơm của cây rơm ngoài sânmà ngủ. Thêm củ khoai lang luộc còn nóng nữa thì ngoài trời có mưa to mấy cũngchẳng bận lòng. Ước thì ước thế thôi chứ thật lòng lại không dám mong thế. Chuivào đống rơm ngủ tránh mưa ở nhà thì ai đi bộ đội thay mình. Chắc ở nhà khôngai hình dung ra cảnh mình thế này. Nhưng có cho kể chắc cũng dấu những chuyệnnhư thế này. Nước mắt mình chảy một mà mẹ biết thì thương mình nước mắt chảymười. 

Cứ hì hà hì hục như thế. Mệt quá ngồi nghỉ. Nghỉ xong lại phăm phăm đào. Có lúc thấy không gian yên ắng, hình như chỉ còn mình tôi đào hầm. Chả biết mọi người đào xong hầm lúc nào, nhưng đến nhờ nhờ sáng thì tôi cũng hoàn thành xong chiếc hầm. Nói cho cùng loại hầm như thế này chỉ chống được đạn thẳng và cối M79 thôi. Gặp pháo hay bom thì tất cả nhờ giời. Mệt quá nên xong cái hầm là tôi quấn tấm nilon quanh người, ôm cả khẩu súng AK trong đó rồi lăn ra ngủ ngay tại nóc hầm, mặc cho mưa vẫn rơi rả rích.


Tôi tỉnh dậy khi anh Trịnh lay vào vai. Trời đã sáng hẳn nhưng không gian vẫn còn nhờ nhờ trong mưa bay. Nhìn quanh mới thấy mấy cái hầm của anh em trong tiểu đội đào đêm qua lam nham làm sao. Nhưng dù sao cũng đã có hầm. Chúng tôi cắp súng lò dò ra xung quanh, xác định lại hướng địch, sau đó uốn nắn lại đám cây xung quanh ngụy trang để thằng địch có đến thật sát mới có thể phát hiện ra dầu chúng tôi. Tất nhiên khi đó thì chúng tôi đã phải nổ súng rồi. Kiếm tra xong mọi thứ, biết được vị trí của mọi người trong toàn trung đội và hiệp đồng chiến đấu xong, chúng tôi mới ai mò về hầm người ấy lấy cơm ra ăn. Bọc cơm đã nguội ngắt nhưng vì là cơm nếp nên cũng dẻo và dễ ăn. Tiêu chuẩn ăn dù ra trận thì bây giờ cũng chỉ có 3 lạng một ngày, bọc cơm dự định dùng cho 2 ngày nên cũng phải liệu phân chia cho đủ đến bữa cuối cùng. Dù nhai chậm và kỹ đến đâu thì mấy thìa cơm nếp rồi cũng trôi hết qua miệng. Tôi tợp một ngụm nước to để làm tăng thêm cái khối lượng dinh dưỡng trong dạ dày. Nước thì khỏi lo thiếu, mùa mưa mà. Cùng lắm hết bi đông thì đến tối cử nhau quay lại suối lấy cũng ổn.

Yên vị xong trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chân bỏ thõng xuống miệng hầm sẵn sàng tụt xuống khi có động, bây giờ tôi mới thong thả lôi gói thuốc rê ra quấn một điếu sâu kèn. Lính tráng thằng nào cũng có kinh nghiệm về khoản này rồi nên thuốc, giấy quấn và bật lửa không bao giờ bị uớt. Rít một hơi dài, thả làn khói vào không gian thấy khoan khoái quá. Lúc này chắc ở các hầm thằng nào cũng đang hút thuốc. Trong làn mưa mỏng, khói thuốc quện vào và tan nhanh, không sợ lộ. Ngày ở nhà không biết thuốc lá là gì, nhưng giờ đây hầu như lúc nào tôi cũng có gói thuốc rê trong người. Ngồi chốt khi chưa nổ súng mà không có thuốc hút thì buồn lắm, vừa dễ buồn ngủ vừa không biết giết thời gian bằng gì. Hút xong điếu thuốc, chừng 20 phút sau đã phải quấn điều khác rồi. Cũng chẳng đếm xem một ngày hút bao nhiêu lần nữa.

Không có địch, không được qua hầm nhau thì chỉ có ngồi nghĩ vơ vẩn. Nghĩ được nhiều thứ lắm. Mưa tạnh, bầu trời trong thêm ra. Tôi chợt nhìn thấy một đàn kiến đang bò ngang vắt qua nóc hầm. Có lẽ ban đêm tôi đã đào hầm trúng phải một tuyến đường hành quân của đàn kiến và bây giờ chúng nó đang lần mò chắp nối lại mạch giao thông. Tha hồ mà nghiên cứu xem chúng làm gì nhé, đỡ sốt ruột vì thời gian đang chầm chậm trôi qua. Những con kiến vống đỏ to tướng nhưng hiền lành. Chúng nó tìm ăn gì đó chứ suất cơm của tôi không rơi vãi đến một hạt thì chúng cũng chẳng trông mong được gì. Cái giống kiến này làm tổ thành bộng to trên cây cao. Trứng của nó ăn rất tốt, còn bản thân những con kiến giã ra thì có thể thay dấm, tuy vị chua hơi gắt. Gặp kiến là điềm lành, chứ gặp tổ mối rừng thì mệt lắm. Những con mối rừng thân to như que kim đan len, còn đầu của nó thì như hạt đỗ xanh cứng với hai cái càng như hai lưỡi hái. Nó mà bâu vào đâu, khuơ càng lên là chỗ đó chảy máu. Bị mối rừng tấn công thì chả khác nào bị một ai đó dùng lưỡi dao lam trích nhẹ lên khắp da thịt, máu cứ tứa ra nhẹ nhàng đợi khi có mồ hôi hay nhúng nước thì mới bắt đầu ngấm cái đau ngứa và xót.

Trời đã bắt đầu hửng nắng, có lẽ là đến nửa buổi sáng rồi. Lại nghe cả tiếng chim loét choét rồi bắt đầu xuất hiện đôi vợ chồng chim sâu. Thanh bình quá. Tôi cứ ngồi im mà ngắm chúng nhảy nhót chuyền cảnh. Chưa khi nào có dịp ngắm chim trong không gian tự do gần đến thế.

Nhưng thanh bình cũng chẳng kéo dài được mãi, khi trời đã tạnh và hửng nẳng. Chắc độ giữa buổi sáng rồi. Bắt đầu nghe thấy tiếng ì ì của máy bay L19. Tôi phải bứt lá làm vòng ngụy trang đội lên đầu để tiện nghển cổ nhìn ra khoảng trời xanh từ vạt rừng non thưa trên đầu. Chiếc máy bay đang trinh sát khu đồi chốt hôm qua của C5. Thực ra khu đồi mà chúng tôi đang ngồi chốt cũng chỉ cách đó một con suối sâu và một vạt rừng nhỏ, nên tầm quan sát rất rộng và nhìn thấy rất rõ. Sau nhiều vòng lượn, chiếc L19 quyết định bắn xuống đó một quả pháo khói. Tiếng L19 còn chưa dứt thì đã thấy từ phía Pắc xế tiếng vè vè vọng to dần rồi hai chiếc T28 xuất hiện. Chúng lượn một vòng định hướng rồi lao xuống cắt bom. Từ bên này vạch lá nhìn ra, trung đội chúng tôi như những kẻ đang xem phim. Quan sát thật rõ từng chiếc máy bay, lúc chúng bổ nhào cắt bom, rồi nhìn rõ quả bom rơi xuống đất. Liền sau đó, một đám đất tung lên kèm theo tiếng nổ "thịch" một cái và đất dưới chân mình rung lên giống như có cái gì truyền lan sâu trong lòng đất. Nhìn kỹ lên máy bay lúc nó bổ nhào còn thấy cả cái đầu thằng phi công như quả bưởi tròn trong buồng lái. Giật mình ngồi im không dám cựa quậy, không biết nó có nhìn thấy mình không nữa. Bốn lượt nối đuôi nhau lao xuống cắt bom là hết cơ số. Chúng không phát hiện thêm gì khác nên không bắn kèm đạn thẳng. Chắc địch cũng phỏng đoán được cái gì đó về sự chuẩn bị của quân ta nên chúng điều thêm một tốp T28 nữa đến ném bom cho ăn chắc. Lần này chúng ném bom theo hướng ngược lại và chúng tôi lại có dịp quan sát bom rời khỏi máy bay từ ngay trên đầu mình rồi bay sang rơi xuống quả đồi bên cạnh. Đất ướt nên tiếng bom rơi nghe nằng nặng và tiếng nổ cứ như chìm trong lòng đất, không có những cột khói bốc cao. Chúng tôi thản nhiên xem đoạn phim thời sự đó mà không phải lo lắng gì vì biết chắc bên đó giờ chỉ là quả đồi trống không.

Sự ồn ào đến nhanh mà sự tĩnh lặng trở lại cũng rất nhanh. Chỉ có chút mùi khói bom lan nhẹ trong không gian rồi tất cả đâu trở lại đó. Tôi nhìn quanh, không thấy đôi vợ chồng chim sâu đâu cả. Chỉ có đàn kiến vẫn còn mải mê hành quân, hình như chúng chẳng quan tâm gì đến chiến cuộc. Lại quấn thuốc rê hút và nhẩn nha uống từng ngụm nước nhỏ chờ thời gian trôi qua. Nếu giờ này địch đã không lên chốt thì phải đợi sang chiều.

Không gian yên ắng cho đến bữa cơm trưa, và bữa trưa cũng trôi qua thật nhanh. Cỏ cây xung quanh khô dần và quần áo chúng tôi cũng đã khô tại những chỗ nhiệt phát ra nhiều nhất. Lại có cảm giác buồn ngủ và sẽ dễ ngủ quên nếu không có những điếu thuốc rê cầm canh. Anh Trịnh cũng sợ anh em ngủ nên đã lấy dây rừng bện lại và buộc vào những nhành cây cạnh các hầm để liên kết nhau thành một mạng lưới. Thỉnh thoảng ai đó lại kéo giây nhắc nhau và người kia lại quay sang nhe răng cười. Cái cảm giác khi ngồi chốt sốt ruột lắm. Không đơn giản như người đi câu chờ cá cắn câu hay người đi săn rình thú ban đêm. Nó nửa như phục kích rất cần yếu tố bất ngờ nhưng lại mòn mỏi khi phải bám trụ lại. Vừa mong địch lên, lại vừa mong chúng không lên. Cảm giác nhiều khi thấy bồn chồn thế nào ấy.

Tầm giữa chiều thì nghe tiếng nổ liên hồi phía góc phải nhưng cũng phải cách xa chúng tôi cả trăm mét. Ai gặp địch hướng đó nhỉ vì chúng tôi cắm chốt là gần địch nhất rồi. Không lẽ trinh sát bị phục kích chăng. Nhưng tiếng nổ cứ liên tục và đều đặn, toàn tiếng cối cá nhân mà không có tiếng đạn thẳng. Chúng tôi căng tai ra nghe và sẵn sàng chờ địch. Nhưng cũng rất nhanh, B trưởng Quân phán đoán là địch mò ra ngoài căn cứ, nhưng chúng không định đi lùng sục xa mà chỉ bắn M79 thăm dò. Cái kiểu của thằng lắm đạn rỗi hơi lại lười nhác nó như thế. Đây cũng chẳng phải lần đầu chúng tôi gặp phải. Thế thì chẳng có gì đáng quan tâm cả. Địch bắn lung tung chừng vài chục quả cối rồi thôi. Không gian lại yên tĩnh và chúng tôi yên tâm nghỉ ngơi vì biết chắc hôm nay địch sẽ không nống ra nữa.

Đêm xuống và lại một đêm yên tĩnh trôi qua. Trời tạnh nên đêm ngủ rất ngon, thật hạnh phúc biết bao. Cả trung đội chỉ tổ chức một vọng gác lấy lệ.

Buổi sáng, chúng tôi nhanh chóng cơm nước và sẵn sàng vào vị trí chốt. Thế là qua được một ngày ngồi chốt nghỉ ngơi, sức lực đã hồi phục. Duy có cái bẩn thì không khắc phục được. Không hiểu sao khi đó cả tuần không tắm, không đánh răng rửa mặt mà cũng chẳng thấy tác hại gì. Quần áo chỉ trong 2 trạng thái: dẻo hoặc cứng. Khi đất bết vào quần áo rồi gặp mưa thì quần áo dẻo, còn khi nắng to hong khô hết tất cả thì quần áo lại cứng. Nhưng chính lúc ấy ngồi chốt chịu khó vò khô từng chỗ thì đám đất bột vỡ tung ra khiến quần áo lại mềm. Không gần suối thì tắm khô, mồ hôi ra chỗ nào thấy bứt rứt thì thò tay vào chỗ đó mà vê ghét vứt ra, kiểu tắm khô như người Mèo. Còn nếu hành quân qua suối thì phải tranh thủ trầm mình khuơ khoắng gột rửa thật nhanh như đồng bào dân tộc, sạch ra phết.

Vơ vẩn được một lúc đầu buổi sáng thì thấy trinh sát tiểu đoàn đến gọi chúng tôi về đội hình đơn vị. Chuẩn bị đánh nhau to rồi. Lúc ra lệnh rút, B trưởng Quân phân vân, định cho chúng tôi rỡ hầm thu bao cát lại để còn dùng cho trận đánh tới vì chắc gấp lắm rồi. Nhưng lúc ấy trong các bao cát làm hầm toàn đất ướt, rũ ra không hết phải ôm mỗi thằng cả bó bao cát lẫn đất thì chắc nặng lắm. Nếu qua suối rộng mà rũ đất chắc cũng mất cả tiếng. Nhưng không rỡ bao cát ra thì lấy gì làm hầm trong trận đánh tới. Cứ phân vân mãi, sau may anh Bớt cũng là A trưởng trong B nhớ ra là trên khu hậu cần tiếu đoàn ở vị trí tập kết còn một ít bao cát cũ. Từ vị trí xuất quân về đó chỉ chừng 2 tiếng đi đường. Cử độ 2 thằng khỏe mạnh về lấy, còn những người khác tập trung chặt gỗ và làm công tác chuẩn bị khác cũng kịp. Bây giờ mới chỉ giữa buổi sáng mà nếu đêm nay xuất quân thì cũng phải bảy giờ tối mới lên đường. Thế là anh Quân đồng ý và chúng tôi rút luôn theo trinh sát. Lúc đi lên chốt vào ban đêm, mang nặng và trời mưa lại đi đường vòng nên lâu. Bây giờ chúng tôi trở về mọi thứ đã nhẹ, theo trinh sát đạp đường thẳng mới nên chỉ hơn tiếng sau đã về đến chỗ đại đội tập kết.

Đại đội cũng hỗ trợ cho B5 chúng tôi khoản chặt gỗ cá nhân, chỉ còn khoản bao cát là bắt buộc anh Bớt phải cùng một thằng lính nữa về tiểu đoàn lấy.

(Nói thêm rằng anh Bớt là lính 1967 người Nam Hà, nhưng vốn làm anh nuôi trên D bộ. Trên D bộ có mấy anh làm hậu cần có cái tên rất lạ. Anh Chớt và anh Choát làm hậu cần và quản lý. Anh Choát ngày trước đã phụ trách chúng tôi đi khiêng cáng thương binh ở trận bãi Đá khi chúng tôi mới được bổ sung vào K18. Trong số anh nuôi có hai anh là anh Bớt và anh Xén, người to khỏe nhưng hiền khô như đất. Ai nói gì, dù là phê bình cũng chỉ nhe răng ra cười. Đợt vừa rồi chắc đã chán công việc nấu cơm nên xin xuống C tôi làm A trưởng. Anh ấy tuy là anh nuôi nhưng cũng đã từng đánh nhau hồi Mậu Thân 1968 nên khi nhận làm A trưởng, anh ấy cứ thản nhiên như không, anh em trong cùng A quý lắm).

Tôi và thằngThành trong B là lực lượng chính tổ chức chuẩn bị mìn và thủ pháo cho mở cửa. Ởđại đội đã chuẩn bị sẵn mìn DH10, các giá gỗ và gói một lô thủ pháo ống. Chúngtôi chỉ còn việc tra kíp hoàn thiện và kiểm tra mọi thứ khác. Tầm trước bữa cơmchiều hôm ấy thì mọi thứ đã xong xuôi. Nói thêm một chút là chuẩn bị trận đánhmới nên B5 chúng tôi "ù xọe" được một xuất cơm chiều trong cái bọccơm mang đi chốt từ hai đêm trước. Chúng tôi vẫn được ăn cơm chiều mới nấu, lạichuẩn bị tiếp bọc cơm cho 2 ngày tiếp theo. Sẩm tối thì cả đại đội đã nai nịtgọn gàng, nằm xoài ra nghỉ ngơi theo đội hình hành quân hàng dọc mà đốt điếuthuốc rê chờ lệnh xuất kích. \


Đây là khoảng thời gian hoàn toàn tĩnh lặng. Cơm nước xong xuôi rồi. Súng đạn và đồ đoàn cũng đã chuẩn bị xong. Chỗ này là vị trí tập kết tạm, cũng còn cách địch tới trên 2 cây số nên là vùng an toàn của ta, nhất là vào giờ này. Trong đội hình xuất kích rải ra trên đường vào những lúc như thế này thì ở trận nào cũng thế, nhất là khi tập trung quân đông. Chúng tôi cứ vừa nửa nằm nửa ngồi thảnh thơi, vừa nhìn người và cảnh vật. Cán bộ các cấp rồi trinh sát đi lại ngược xuôi dọc theo đội hình hành quân. Các thủ trưởng còn đang điều phối lại thứ tự xuất kích của các đơn vị. Nếu nhìn từ trên cao, chắc chúng tôi cũng như hàng kiến hành quân vậy.

Bỗng nghe tiếng rậm rịch chân rất to rồi thấy lính C8 hỏa lực chen lên vượt qua đội hình chúng tôi. Cối 82 và thượng liên 12ly7 bao giờ hành quân cũng rình rịch, nặng nề. Chắc họ phải chiếm lĩnh vị trí trước vì làm hầm hố phức tạp tốn thời gian hơn xung kích. Hỏa lực của tiểu đoàn thường bám sát các C bộ binh (không như bọn cối 120 ly của trung đoàn thì hầu như khi ra trận chẳng bao giờ thấy mặt vì chúng nó ở tít mãi đâu đâu phía sau ấy). Có rất nhiều gương mặt quen vì trong những tháng cùi cõng ở hậu cứ, chúng tôi thường xuyên giáp mặt nhau.

Chợt có tiếng chào rộ lên xôn xao hàng quân. Tôi nghển cổ nhìn. Không phải thủ trưởng to nào đâu mà là anh Gội, lính Hà Nội nhà ở phố Trần Hưng Đạo. Anh là lớp lính vào trung đoàn từ năm 1967, đã từng tham gia đánh Huế hồi Mậu Thân. Đám lính Hà nội đợt chúng tôi trong cùng tiểu đoàn ai cũng biết rõ vì nghe danh anh vang khắp cả trung đoàn chứ không chỉ trong tiểu đoàn. Chả là anh có tầm vóc phi thường. Cao một mét tám, nặng gần chín chục ký lô, vạm vỡ nhất trung đoàn. Loại như tôi trọng lượng bằng nửa anh ấy nên đứng gần thấy anh lừng lững lắm. Tôi cũng không hiểu sao giữa chiến trường thiếu thốn vậy mà anh ấy vẫn sống bình thường được, vì lính tráng có suất có phần, nhất là suất và phần ấy lại có định lượng rất khiêm tốn. Sức vóc ấy thì mang vác vô tư nếu ăn đủ no. Có một truyền thuyết trong toàn trung đoàn về anh Gội. Dạo mới vào trung đoàn không hiểu sao quân lực lại xếp anh vào bộ binh. Đứng giữa hàng quân, anh ấy nổi lên như người khổng lồ. Trèo đèo lội suối thì vô tư, nhưng khoản đào hầm hơi khốn khổ vì kích thước. Một trận anh ấy bị thương vào đùi ngay giữa hàng rào, tuy là vào phần mềm, nhưng vẫn không đi được. Phải mất bốn lính chui vào vừa buộc vừa kéo vừa đẩy mất hơn tiếng đồng hồ mới lôi được anh ấy ra ngoài. Lôi ra ngoài xong thì bốn thằng ấy mất sức chiến đấu không thể tiếp tục làm gì được nữa. Đoạn đường 6 tiếng đồng hồ về trạm xá trung đoàn phải cử 6 lính khác thay nhau khiêng anh ấy và cả đồ đoàn cùng súng đạn của 7 người. Không phải sau 6 tiếng mà mất đứt cả ngày trời mới đưa được anh ấy về đến đích. Sau vụ đó, trong số những thằng khiêng anh ấy có 2 thằng lăn ra ốm phải nằm luôn lại trạm xá, bốn thằng còn lại về nhà mệt mỏi và suy nhược phải sau một tuần mới trở lại công tác được bình thường. Vụ đó gây tiếng vang toàn trung đoàn và mười thằng lính bộ binh còm cõi trong đại đội tham gia vụ giải cứu anh Gội lần ấy sau này cứ nhắc đến tên anh là tim đập chân run. Còn anh Gội sau khi lành vết thương được chuyển ngay về C8 hỏa lực. To xác vậy nhưng anh Gội hiền khô và rất tốt tính. Anh ấy coi bọn lính Hà Nội đợt chúng tôi là những đứa em mầm non và rất thương nên chúng tôi cũng quý anh ấy lắm. Cứ gặp là lại xôn xao chào hỏi.

Bảy giờ tối chúng tôi lên đường. Giữa cánh rừng già trời tối đen nhưng may là không mưa. Bây giờ cũng là cuối mùa mưa rồi còn gì. Mũi chúng tôi là K18, nhưng C6 chúng tôi đi trước vì làm nhiệm vụ mở cửa. C7 sẽ là thê đội 2 đánh tung thâm. Còn C5 là lực lượng dự bị. Cả đoàn quân xuất kích theo trinh sát dẫn đường, lúc nhanh như đi ăn cướp, lúc rậm rịch nhích từng bước như trâu ăn đêm trong chuồng. Tất cả là do trinh sát tiểu đoàn định đoạt hết. Sướng nhất là có một đoạn đi qua cái bãi đồi rộng toàn có thứ cây gì mọc thấp như cây sim cây mua, nhìn rất rõ nhau, đội hình bám nhau rất sát. Khó chịu là lúc đi qua những cánh rừng rậm non chẳng ra non, già chẳng ra già, không hiểu vì sao mà lắm bụi với dây leo thế không biết. Đã thế đường đi lại không thẳng, có lúc phải chui qua cả lùm cây được phát ra như cái hang bằng toàn cành lá. Hầu như trận nào cũng gặp phải cái cảnh thế này. Lắm lúc tức trinh sát ghê lắm. Chúng nó được chuẩn bị, được tìm đường tiềm nhập từ trước mà sao không chọn hay phát đường đi cho tử tế. Không phải mang nặng và vác gỗ bao giờ nên chẳng biết thương bộ binh. Chỉ biết đạp đường nhắm hướng cho đúng chỗ là được. Vì thế lắm lúc trong bụng mình cũng tức lắm. Lúc ở nhà được dạy dỗ tử tế, không dám nói tục một câu, thế mà vào lính rồi cũng nhiễm nhau tất cả, từ quan đến lính. Không chỉ nói tục mà còn chửi bậy nữa, văng lung tung ra cả những thứ mà chính mình cũng chưa nhìn thấy bao giờ. Tất nhiên lũ trinh sát nghe chửi quen rồi thì cũng như miễn dịch vậy, chỉ hơ hơ cuời rồi đâu lại vào đấy.

Trước khi vào đến cái giông đồi cùng trận địa của bọn D621 Thái, chúng tôi phải đi qua một bãi rộng như đầm lầy, bùn sụt đến quá đầu gối. Có lúc tưởng như bị chôn chân không nhấc lên được. Dép cao su trơn tuột ra phải tháo rồi lồng vào Xanh-tuya-rông cho khỏi mất. Lại nguyền rủa bọn trinh sát. Bộ binh vất vả đã đành, bọn hỏa lực khiêng nặng chắc còn mệt hơn nhiều. Qua khỏi cái bãi lầy thì đã gần địch hơn nên đi chậm hơn và phải giữ trật tự. Thế mà thỉch thoảng vẫn có thằng va gỗ vào nhau kêu rất to, thậm chí có thằng không bám được đội hình sợ lạc đành phải lên tiếng gọi nho nhỏ. Ví như anh Tiêu lính A cối 60 C tôi. Anh này dân Hà Tĩnh, người chắc và khỏe nhưng lại quá lùn. Dù có chất lên vai anh ấy 40 cân hay chỉ 20 cân thì tốc độ đi của anh ấy vẫn như nhau, lầm lũi như một chú lừa chậm chạp. Chúng tôi đã biết tính anh ấy qua những lần đi cùi cõng. Được cái quá hiền lành, ai cũng bắt nạt được. Hai mấy tuổi mà khoe đã có vợ rồi, thật thà đến nỗi chỉ là cái đích cho mấy bố tếu táo trong đại đội châm chọc và moi chuyện bậy bạ. Lúc qua bãi lầy anh ấy bị ướt cả đến quần đùi, nhiều lúc đi mà như bò trườn trên bùn nước. Lúc qua rồi thì lạc, lại kêu gọi anh em. Tiếng Hà Tĩnh đã nặng, nghe lúc thường có khi đã không rõ, lúc hoảng lên lại càng khó nghe hơn. Đang đi phía trước hàng quân, C phó Hùng bực tức quay lại ghé sát tai anh Tiêu chửi nhỏ "Câm cái mồm". Đáng lẽ nghe không ra thì im đi cho xong, đằng này anh Tiêu lại cứ "chi mô, chi mô". Anh Hùng tức quá véo tai cho một cái và lại ghé sát mồm chửi "tiên sư mày". Không nghe rõ, lại hỏi lại "chi mô". Thế là lại bị thì thào "tiên sư mày", chửi mà phải nói thầm nghe nó buồn cười lắm. Tôi đi gần đó suýt phì cười, may mà nghiến răng bụm miệng lại được, chứ không cũng chết với anh Hùng. Tếu nhất là khi anh Tiêu nghe ra được tiếng chửi, không những không bực mình, lại còn nhe răng ra mà cười rồi gật đầu "dạ, dạ" lia lịa, tiếng còn to hơn cả lúc gọi anh em ban nẫy. Anh Hùng đành dúi cho một cái nữa rồi lật đật chạy lên phía trước hàng quân.

Lần mò mãi thì trước nửa đêm chúng tôi cũng vào được đến vị trí. Đại đội phân công các B chiếm lĩnh vị trí theo đội hình chữ T lệch. Đầu chữ T là tuyến phá rào mở cửa và hỏa lực, còn đơn vị rải như cánh gà chéo phía sau. Hỏa lực phía trên chỉ là B40, B41 thôi. Bọn 12 ly7 nằm lùi hẳn lại phía sau. Cối 60 cũng nằm cuối đội hình, còn bọn cối 82 của C8 hỏa lực thì lại lùi xa hơn nữa. Tiểu đội tôi và thằng Thành nữa là 5 người tiếp nhận vị trí mở cửa. Trời đêm nhờ nhờ, tầm nhìn hạn chế, nhưng trong khu hàng rào vẫn phải bò thấp. Anh Trịnh dùng kìm cộng lực cắt lớp rào đơn ngoài cùng thành một lối bò vào. Bây giờ chỉ là lấy lối vào, còn thủ pháo đặt phá rào làm sau. Bò qua một đoạn thì đến hàng rào bùng nhùng. Loại này có ngạnh rất sắc, chỉ rải thô trên mặt đất, cách một quãng địch lại cắm một cọc sắt để định vị. Loại rào này không dễ cắt như rào đơn. Chúng tôi lấy các móc thép ghim néo các vòng hàng rào lại để tạo một lối bò qua. Việc đặt mìn sẽ làm từ trong ra. Lớp rào trong cùng chỉ cách lớp hào tiền duyên của địch độ hơn chục mét nên phải rất thận trọng. Được cái thuận lợi là địch không chôn mìn giữa các hàng rào. Hướng cửa mở do cấp trên đã chọn và định sẵn rồi nên phải mở chính xác. Tại chân lớp rào trong cùng là rào đơn, chúng tôi đặt vuông góc 2 ống bộc phá 1,2m cách nhau 8 mét để xác định khẩu độ cửa mở. Dưới chân rào ở khu giữa chúng tôi xếp dọc thêm 4 ống bộc phá nữa. Lớp rào này khi mìn DH10 nổ sẽ thổi mảnh vào nên không cấn đặt dầy bộc phá. Phía trước hàng rào bùng nhùng chúng tôi đặt vuông góc 2 giá mìn DH10, mỗi giá 3 quả xếp theo hàng dọc, giá nọ cách giá kia 4 mét phân đều theo khẩu độ 8 mét. Tại hai đầu cũng xếp 2 ống bộc phá dài để có thể cắt đứt lớp rào này và thổi bay nó đi. Đã có trường hợp không đặt bộc phá cắt rào, sau khi mìn DH10 nổ không cắt đứt hết rào, cái vòng bùng nhùng văng lên cao như lò xo rồi lại rơi xuống bịt luôn cửa mở, thế là công toi. Ở hàng rào đơn ngoài cùng cũng đặt bộc phá ống như hàng rào trong cùng nhưng dày hơn vì nó nằm phía sau giá mìn DH10. Sau khi đặt mìn và bộc phá xong, tôi gắn kết tất cả mìn và bộc phá bằng dây nổ. Kíp điện gắn vào mìn DH10 làm cuối cùng vì còn phải nối dây ra ngoài đến hộp điểm hỏa. Tôi là người chịu trách nhiệm kiểm tra cuối cùng cho toàn bộ mìn và thủ pháo rồi bò ra. Khi mọi thứ đã xong xuôi thì cũng đến mấy giờ sáng rồi. Bây giờ chỉ còn lạy trời đừng có thằng địch nào ban đêm ngứa tay "cốc" ra ngoài hàng rào một hai quả cối M79 để giải sầu.

Tuyến hỏa lực của đại đội để chế áp cửa mở nằm sát ngay ngoài hàng rào ngoài cùng, cách địch khoảng năm chục mét. Trung đội cũng đã đào sắp xong các hầm chiến đấu cá nhân rồi. Nhóm mở cửa được trung đội hỗ trợ đào giúp cho 2 người chung một hầm. Chúng tôi nhận hầm, đào nốt và chỉnh sửa cho hòan chỉnh. Công tác chuẩn bị coi như thế là xong. Bây giờ chỉ còn chờ đợi. Đội hình phía sau có thể định giờ chợp mắt tí chút chứ trung đội trên cửa mở thì phải thức trắng vì sát ngay địch rồi. Thật ra mà nói bây giờ đang là ban đêm ánh sáng nhập nhoạng nên địch chưa biết gì thôi, chứ trời sáng ra thì những nắp hầm lô nhô bên ngoài hàng rào sẽ lộ hết. Chúng tôi ngồi nghỉ trong hầm và chờ đợi. Không ai được hút thuốc, kể cả đội hình cánh gà phía sau.

Gần sáng đại trưởng Băng bò lên cùng kiểm tra lại tình hình chuẩn bị của trung đội mở cửa. Ngoài cái công tác bấm từ để điểm hỏa của mìn Cleimo, B trưởng Quân còn dự trữ sẵn một thỏi pin xếp dài ngoằng xin của thông tin tiểu đoàn.

5 giờ sáng. Trời vẫn còn nhờ nhờ tối trong màn sương đêm mờ trắng. Gần như đây là giờ chuẩn của các trận đánh căn cứ trong trung đoàn chúng tôi. Đại trưởng Băng xem đồng hồ rồi phảy tay ra lệnh. Tôi nghiến răng bóp mạnh công tắc điện. Một ánh chớp bừng lên trên vùng cửa mở kèm theo tiếng nổ gần như tức thời. Cảm nhận rõ một áp lực nào đó truyền qua không khí hắt ra từ khu hàng rào. Chưa kịp nhìn rõ thứ gì thì trên tuyến hỏa lực tiền duyên, chớp B40, B41 của đại đội nổ liên hồi nã vào khu đầu cầu. Cũng liền lúc đó đã nghe tiếng ù ù xoẹt xoẹt rồi tiếng nổ của pháo cấp trên dồn dập dập vào khu hầm hào của địch sát ngay cửa mở. Tôi được anh Trịnh truyền cho khẩu B41 đã lắp đạn sắn và giương lên nhả một phát vào hướng địch. Có lẽ nó bay vào sâu bên trong chứ không tương trúng khu đầu cầu. Tôi trả lại súng cho anh Trịnh rồi căng mắt nhìn vào hàng rào. Vẫn chưa thấy rõ vì khói súng nhiều quá, dù màn sương đêm đã bị cái nóng đạn lửa làm tan ra rồi. Pháo cấp trên bắn vào chừng vài chục quả, còn B40, B41 của các tay súng hỏa lực trong đại đội chỉ được phép bắn mỗi khẩu 3 trái. Cối 82 của tiểu đoàn cũng chi viện một ít. Khẩu cối 60 của C tôi chưa phát hỏa. (C tôi chỉ còn lại một khẩu vì một khẩu đã bị hỏng do đạn cối nổ trong nòng từ dạo đầu mùa mưa đánh địch ở đường 231 hướng Lào Ngam rồi).

Địch bị bất ngờ chưa kịp phản kháng vì bọn ở khu đầu cầu chắc đã bị đè bẹp rồi. Lũ địch ở phía trong chắc đang chấn chỉnh đội hình. Vào giờ chúng tôi bấm mìn và nổ súng, cấp trên chi viện chúng tôi nhanh như thế nào thì bây giờ cũng kết thúc nhanh như thế sau vài chục phát pháo chi viện, thời gian có lẽ cũng chỉ chừng hai chục phút. Như các trận đánh căn cứ khác thì pháo cấp trên chuyển làn và chúng tôi khẩn trương xung phong vào đánh chiếm đầu cầu. Trận này do có xe tăng phối thuộc nên đánh theo kiểu khác. Pháo cấp trên im là chúng tôi cũng nằm im luôn. Địch có lẽ còn đang chờ ta xung phong nên cũng không bắn trả gì. Tôi nhìn lên khu cửa mở. Khói và sương đã tan hết, để lộ rõ cả một vùng không gian trống hoác không còn hàng rào. Thế là cửa mở đã thông. Tôi sung sướng nắm tay anh Trịnh, thở phào nhẹ nhõm.

Bây giờ nhiệmvụ của C6 mà trực tiếp là B5 phải nằm giữ cửa mở không cho địch ra bít lại.Phải chờ cả một ngày trời đằng đẵng để đến tối xe tăng mới xuất kích vào tớinơi thì trận đánh lại tiếp tục. Thật quá giữ chốt, nhưng không phải chỉ nhõn cómấy thằng lính mà có cả một đội hình cả C, cả D tiếp ứng. Bọn địch có lẽ cũngngơ ngác không hiểu đối phương định làm gì. Chúng bắt đầu đưa quân từ bên trongra củng cố lại hầm hào khu đầu cầu. Ta và địch bây giờ cách nhau một khu đấttrống rộng hơn năm chục mét. Chúng cũng chẳng thèm ra bít lại hàng rào vì nếu làmthế khác nào tạo ra những chiếc bia di động cho ta bắn tỉa. Củng cố chán chêrồi, địch bắt đầu trả đũa bằng thế mạnh của chúng, đó là cối pháo. Pháo lớn củađịch từ phù Chiêng bắn ra cả 2 hướng cửa mở của K18 và K16. Chúng không dậpchính xác vào khu cửa mở mà bắn rộng ra xa. các cánh quân bên ngoài chắc gaygo. Chúng tôi nằm sát cửa mở nghe tiếng pháo rú bay xoèn xoẹt qua đầu rồi nổbung phía sau. Nhưng cũng chỉ yên tâm một lúc thôi, vì bọn địch trong căn cứcũng lên tiếng. Cối 81 từ trong lòng căn cứ dã vào khu vực đại đội 6. Chúng tôinằm phía trên thì hứng chịu đạn M79 của bọn nằm sat ngay khu đầu cầu. Chúng nóthảnh thơi nhả đạn như bắn tập, trong khi cả C tôi nằm chịu trận, không bắn trảđược phát nào. Nhiệm vụ chính chỉ là đánh bọn ra lấp hàng rào.


Một thằng bắn tập còn một thằng phơi lưng ra chịu trận thì thế nào cũng có lúc thiệt. Chúng tôi cũng lo lắng lắm, chả hiểu cái chiến thuật này bố nào ở cấp trên nghĩ ra. Kiểu đánh của quân ta chỉ có khi ở chốt là phải căng thẳng, chịu trận bom pháo để giữ chốt mà không được lui khi chưa có lệnh, còn các trận đánh phục kích, lùng sục hay đánh cứ điểm thì bao giờ cũng phải đánh nhanh rồi rút sớm để tránh thế mạnh bom pháo của địch. Bây giờ bấm mìn phá rào và nổ súng ùng oàng thì lộ rồi, địch nó thừa biết mình đang muốn thôn tính nó. Cả đội hình lớn phơi mình ra, địch nó mà gọi thêm máy bay nữa quần thảo cho một ngày thì chắc trung đoàn hết cả quân mà đánh nó. Trên cửa mở trung đội chúng tôi cứ phải chúi mũi trong hầm tránh cối M79. Lúc địch ngừng bắn thì thập thò nhô lên quan sát. Cũng may cái khu vực này vốn là rừng phát quang bằng tay có nhiều chồi non tái sinh mọc cao tới vài chục phân nên thằng địch nằm trong căn cứ cũng không dễ dàng mà quan sát hết được quân ta.

Thời gian nặng nề trôi qua. Bây giờ thì chúng tôi có thể thoải mái hút thuốc, nhưng tất cả vẫn ai ở nguyên hầm đó. Cơm nước cũng theo từng cá nhân mà tự giải quyết. Dù chỉ là lính mới đánh nhau chưa nhiều, nhưng ngồi trong hầm nói chuyện với anh Trịnh, tôi hiểu thành quả sáng nay của B5 chúng tôi chỉ là phá toang được mấy lớp hàng rào, còn khu đầu cầu thì chắc địch đã củng cố lại cả quân số và hầm hào rồi. Như thế cũng có nghĩa là tối nay đánh tiếp thì phải bắn phá lại khu đầu cầu trong điều kiện ý đồ đã lộ. Nhưng chúng tôi chẳng lo vì đây là nhiệm vụ của xe tăng mà theo quán triệt từ trước thì chúng tôi tin vào sức mạnh của xe tăng. Suốt buổi sáng B5 nằm trên cửa mở vẫn an toàn và chưa phải nổ phát súng nào. Đạn dược vẫn dành đủ cho trận đánh tối nay. Nhưng đội hình phía sau bị dã cối 81 của địch thì không được may mắn như trên cửa mở. Tổn thất đầu tiên trong đại đội là anh Ánh của A cối 60 bị hy sinh. Một quả cối 81 của địch nổ sát hầm và văng mảnh trúng đầu anh ấy. Trong lính có nhiều điều mê tín như kiểu nấu cơm khê trước lúc đánh trận, giữ vàng trong người sẽ không may..., nhưng bây giờ trường hợp anh Ánh hy sinh lại thêm một kiểu mê tín khác không kém rờn rợn. Ngay từ trước đây cả tháng nhiều người trong đại đội đã cho rằng sẽ có điềm không may đến với anh Ánh.

Số là hồi đầu mùa mưa trong một trận đánh vận động ở vùng đường 231 C6 có vụ nổ đạn cối trong nòng và anh Đối A trưởng hy sinh cùng một anh nữa. Đến khi chúng tôi về dừng chân ở khu hậu cứ gần bản Xăm xi núc thì mỗi A ở một nhà làm kiểu hầm thùng, A cối cũng vậy. Khi chúng tôi rục rịc chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới thì bỗng dưng hàng đêm ở trong lán A cối 60 xuất hiện một con đom đóm rất to. Nó to và có độ sáng khá khác thường. Nó cứ bay trong lán vào ban đêm, tạo một đốm sáng rất to trong không gian tối om của màn đêm. Nó cứ bay lên hạ xuống quanh phía trên đầu các lính A cối. Lúc đầu thì chưa mấy ai để ý, sau thấy lặp lại nhiều thì có một lần anh Thắng là A trưởng cối mới bỗng kêu lên:

"Có khi đây là anh Đối về, chúng mày ạ".

Thế là anh ấy nhổm dậy rồi quỳ vái lia vái lịa về phía con đom đóm. Con đom đóm bay sang chỗ khác như có phép màu. Thế là đến lượt người khác. Cứ con đom đóm bay đến đâu, vái lạy thì nó lại bay đi, cuối cùng nó bay ra ngoài rừng cây, dù trời lúc đó đang mưa. Hôm sau con đom đóm lại bay vào lán. Tất cả lại sợ xanh mắt và vái lia lịa vì tất cả đều tin rằng đó là linh hồn anh Đối. Liền mấy hôm như thế, nhưng trong A cối có anh Ánh đi công tác biệt phái mấy ngày nên không biết. Hôm anh Ánh trở về, con đom đóm vẫn bay vào lán như mọi khi. Anh Ánh tròn mắt nhìn mọi người thành kính vái lạy con đóm đóm. Khi nó bay đến đậu phía đầu anh Ánh, mọi người giục nhưng anh Ánh không tin đó là hồn ma anh Đối nên không lạy. Anh ấy còn rút que cời than vụt chết con đom đóm. Ai cũng cho đó là điềm gở nhưng anh Ánh chỉ cười nhạt.

Bây giờ vừa vào trận anh Ánh đã hy sinh (mà cũng chỉ có một mình anh ấy thôi, còn lại cả A cối vẫn an toàn) thì sau này không chỉ riêng A cối mà cả đại đội tôi đều tin rằng câu chuyện về con đom đóm ở khu hậu cứ đúng là linh hồn thật. Thế là lính tráng đã mê tín thì lại càng mê tín hơn.

Lúc bấy giờ và sau này cũng không ai giải thích được là tại sao cái tiểu đoàn 621 Thái ấy khi đã biết chắc hàng rào căn cứ của mình bị lính Bắc Việt phá thủng 2 cửa to tướng như thế và có thể đang bao vây chờ đánh tiếp mà chúng cũng chỉ phản ứng như tập trận với một ít pháo chi viện từ hậu cứ và dùng hỏa lực nhẹ của bản thân để bắn phân tán ra ngoài. Phải chăng chúng nghĩ đối phương sẽ bỏ cuộc hoặc giả cũng coi thường đối phương nên cứ chờ xem sao. Chỉ có một điều chắc chắn mà sau này chúng tôi được biết là địch không hề nghĩ quân ta có xe tăng, dù ít ngày trước máy bay T28 của chúng đã ném bom phá hỏng được một chiếc xe tăng của ta. Chúng cũng chỉ nghi ngờ chứ không dám chắc quân ta có xe tăng, chính điều này là may mắn cho phân đội xe tăng vì địch không chuẩn bị hỏa lực chống tăng tập trung chờ sẵn tại cửa mở. Thực lòng về sau đám tham mưu con chúng tôi bàn dại là nếu lúc ấy địch tập trung thật nhiều bom pháo đánh rộng khắp ra xung quanh căn cứ với mật độ dày đặc trong suốt cả ngày thì chắc cả tiểu đoàn chúng tôi bị xóa sổ rồi. May mà địch chỉ bắn cối ra và gọi ít pháo bắn đến chi viện cứ như chúng diễn tập cho có vậy thôi. Điều đặc biệt là suốt cả ngày hôm đó không thấy bóng dáng một chiếc T28 nào. Chiến trường thật đúng là may hơn khôn. May cho chúng tôi và may cho cả bọn lính tăng.

Khoảng thời gian từ gần trưa cho đến chiều tối là một khoảng thời gian tĩnh lặng. Bắn mãi chẳng thấy đối phương phản ứng gì, chắc chúng nó cũng chán. Nhưng chúng không biết chắc quân ta đã rút hay chưa nên cũng không cho quân ra củng cố lại hàng rào hoặc thăm dò. Chúng cũng chẳng buồn bắn ra bên ngoài nữa, lý do gì không biết nhưng chắc chắn không phải là chúng thiếu đạn. Bay giờ địch làm gì trong căn cứ, chúng tôi không biết. Cũng chẳng nghe tiếng chúng nói gì, dù những hầm tiền tiêu của chúng tôi chỉ cách chúng hơn năm chục mét. Địch cũng không cho quân từ phía sau ngã ba Lào Ngam lên tiếp ứng nên K15 đón lõng cũng không có việc để làm. Chỉ có xa xa trên đường 23 hướng K18 và K16 chúng tôi là có việc. Công binh trung đoàn vẫn phải phối hợp để dẫn xe tăng (dù chỉ còn 3 chiếc) tiến dần vào khu căn cứ địch. Nhưng đó cũng chỉ là suy đoán thôi, chứ trên vùng cửa mở, lính B5 vẫn nằm co ro trong hầm chờ lệnh. Nhiệm vụ tưởng nặng nề là giữ cửa mở không cho địch ra bít lại trở nên nhẹ nhàng vì địch nó cũng chẳng buồn ngó ngàng tới, chẳng có tốp lính nào mò ra hàng rào. Trong khu căn cứ vẫn kín đáo và im ắng dưới những tán cây cà phê rậm rì. Vườn cà phê xanh um đã che dấu mọi sinh hoạt của địch.

Suốt cả ngày trời không mưa nhưng cũng không có nắng to. Chỉ gần trưa mới thấy hưng hửng một chút. Trung đội tôi chỉ còn mỗi việc làm đều đặn nhất là quấn thuốc hút, nhẩn nha uống nước và lo bữa cơm trưa. Cơm là cho hai ngày nhưng anh Quân bảo chúng mày cứ chia ăn khoảng 4 bữa thôi. Đánh địch xong thể nào cũng có gạo của địch mà ăn. Vì thế chúng tôi cũng phấn chấn và tự tin lắm.

Tôi nhẩm lại lịch. Hôm nay là ngày 18/10/1972.

Mọi thứ cứ yên ắng như thế cho đến chiều tối. Lúc trời nhập nhoạng thì không khí bên ngoài bắt đầu sôi động dần lên. Liên lạc đại đội bò lên truyền lệnh. Các thủ trưởng C, D tiến dần lên khu của mở. Bọn thông tin bò qua bò lại rải thêm dây. Hai khẩu đội 12 ly7 nằm im suốt cả ngày bây giờ bắt đầu giá cao súng lên ngay sát bên phải cửa mở. Trung đội tôi hết nhiệm vụ giữ cửa mở, được lệnh kiểm tra súng đạn chuẩn bị đón và theo xe tăng vào chiếm cửa mở. Các A trưởng được lệnh lấy ra những viên đạn lửa lắp xen vào băng đạn. Những viên AK loại đạn lửa có thêm một vạch đỏ trên đầu đạn. Khi bắn ngoài tác dụng như đạn AK thông thường, nó còn tạo một vệt lửa đỏ đánh dấu đường đạn giúp cho người bắn định vị trong đêm. Lúc này xung lực AK còn nguyên cơ số, kèm đầy đủ thủ pháo. Hỏa lực B40, B41 mỗi khấu còn 4 trái, đủ để chiếm đầu cầu. Riêng cối cá nhân bắn ra lúc sáng không được bao nhiêu. Trong đánh căn cứ, hầu như cối M79 ít tác dụng. Những thằng lính giữ M79 đều tích trữ cho mình mấy quả cối bi để bắn trực tiếp, nhưng cũng chủ yếu là tự vệ.

Trời tối nhọ mặt người. Phía sau đã nghe đất rung lên nhè nhẹ càng ngày càng rõ dần, tiếng của xe tăng đi. Chếch từ phía phải đường vào cửa mở xuất hiện một chiếc T54 to lừng lững như căn nhà rình rịch chạy đến sát hầm tôi. Nó mà nghiến lên thì mấy cái hầm đất bộ binh bẹp rúm. Nhưng bây giờ chúng tôi cũng không cần đến hầm nữa rồi. Mấy chúng tôi súng ống đã gọn gàng, đứng hẳn người lên tiến đến sát xe tăng. Một người lính tăng mở nắp nhô lên gào to hỏi hướng cửa mở. Súng 12ly7 của C8 bắt đầu nổ "panh panh" xả vào hướng cửa mở chỉ đường. Người lính tăng tụt xuống, đóng nắp xe tăng. Rất nhanh, chiếc xe tăng bắn luôn một phát pháo vào cửa mở, cả khối thép như rùng mình rồi xê đít chỉnh hướng tiến vào cửa mở. Hỏa lực B40 và B41 của đại đội cũng phối hợp nện vào khu đầu cầu. Bây giờ thì tiếng nổ máy của xe tăng đã gầm lên rất to. Không gian rộ lên tiếng đạn bắn của ta và của cả địch xả ra từ trong căn cứ. Mấy khẩu trung lên Bar của địch cuống quít xả đạn ra cửa mở bắn vào thành chiếc xe tăng chan chát và tóe lửa. Chúng tôi lùi tránh phía sau xe tăng, lợi dụng nó làm vật che đỡ. Vào trận rồi thì cứ theo bản năng mà đánh, chẳng còn để ý địch nó có bắn cái gì vào mình không. Một quả rốc két 66 bắn ra, vệt lửa vụt ngang qua tháp xe tăng vút về phía sau, không biết có trúng thằng bộ binh nào không. Rồi từ lúc nào đó cối pháo cấp trên cũng nổ ùng oàng vào căn cứ địch. Chiếc xe tăng của ta vừa lao vào cửa mở vừa bắn xả đạn đại liên. Chúng tôi giạt ra chờ giây lát cho chiếc tăng thứ hai tiến vào. (Cửa mở K18 có 2 tăng phối hợp, còn cửa mở K16 thì chỉ còn một chiếc xe tăng thôi). Chúng tôi được lệnh bám luôn theo chiếc tăng thứ hai. Thế là anh Quân xốc cả trung đội xung phong. Do có xe tăng dẫn đầu nên bọn 12 ly7 phải bắn đạn dịch ngang và vổng tít trên cao vào căn cứ, chắc chỉ có tác dụng tâm lý. Lần đầu tiên chúng tôi đánh đêm, thấy vạch đỏ đường đạn bay nhằng nhịt, cảm giác rất khác lạ. Dưới đủ các loại tầm đạn, chúng tôi vừa cố chạy nhanh theo xe tăng để lợi dụng nó làm vật che đỡ, vừa cố giữ một khoảng cách nào đó. Tinh thần lính tráng lúc này phấn chấn lắm. Địch không bắn thêm được một phát đạn chống tăng nào, chỉ toàn đạn thẳng bắn ra nên có trúng xe tăng cũng chẳng có tác dụng gì. Có lẽ đây là lần đầu tiên địch gặp xe tăng của ta trên chiến trường này nên chúng cũng hoang mang và lúng túng. Theo chúng tôi biết, địch không có hỏa lực chống tăng như B40, B41 của ta, nhưng lúc hành quân chiến đấu, ngoài khẩu M16, thằng nào cũng đeo lủng lẳng thêm một ống M72. Vì thế lúc tác chiến chúng nó tập trung dập lại bằng rốc két đó thì cũng ghê lắm. Thế mà bây giờ nằm căn cứ lại không thấy nó bắn loại đó. Hay là M72 không diệt được tăng T54?

Hai cái xetăng vừa lọt hẳn vào căn cứ thì lính B5 chúng tôi cũng đã ném một chập thủ pháovào cửa mở sát ngay sau xe tăng rồi cứ thế quạt bừa AK mà xông vào. Chỉ theohướng là chính thôi chứ chúng tôi không quen đánh đêm nên cũng chẳng nhìn rõ gìnhiều. Trong ánh chớp lửa đạn chỉ thấy nhập nhà nhập nhoàng, nhưng cứ đánh theocảm tính. Mấy cái hầm khu đầu cầu bị xe tăng đè bẹp, chúng tôi đánh bám sanghai bên, vừa bắn vừa nhảy đại xuống hầm hào ngang khu đầu cầu, đạp bừa cả vàonhững xác địch trong đó. Chỉ còn sự chống cự yếu ớt tại đây nên chỉ trong khoảngthời gian ngắn chúng tôi đã chiếm được khu đầu cầu. Cả trung đội 5 không cóthương vong. Các B khác trong C, rồi C7 chủ công cũng bám theo rất nhanh đánhthốc vào trong căn cứ. Bây giờ tạm dừng lại thở mới có điều kiện để quan sát vànghe ngóng. Chẳng biết hai chiếc xe tăng đã vào đến đâu. Trong căn cứ liên tụcrộ lên tiếng súng và chớp lửa. Có lẽ nhờ xe tăng quần đến đâu, quân ta áp theođánh chiếm đến đó nên nghe tiếng AK là chính, thỉnh thoảng nghe xen tiếng B40và B41. Mà Trung liên Bar của địch cũngđạn 7ly62 nên tiếng nổ của nó nghe rất giống tiếng AK, có khác chăng là nó bắnloạt dài chứ không như AK điểm xạ. Lúc này thì các loại hỏa lực của cấp trên vàcủa tiểu đoàn như 12 ly7 hay cối 82 đã hết việc rồi. Toàn bộ khu đầu cầu vàtuyến ngang do C6 đánh chiếm đã xong. C7 vào sâu bên trong, chắc cũng thuận lợinên không thấy tiểu đoàn điều C5 vào đánh. Chỉ chừng non nửa tiếng sau thìtiếng súng thưa dần rồi ngừng. Đôi lúc chỉ còn vài tiếng nổ lẻ tẻ. Có tin C7 đãbắt được liên lạc với hướng của K16. Quân ta đã làm chủ trận địa. Lúc này thôngtin nhận được không có gì nhiều. Nghe loáng thoáng trong đại đội 6 bị thương 2,bên C7 hy sinh và bị thương vài lính. Trong đêm tối đen chỉ có lệnh các đơn vịtổ chức trụ lại tại vị trí đã chiếm giữ chờ sáng. Một bộ phận của tiểu đoànchạy qua chạy lại khu cửa mở í ới gọi nhau làm công tác thương binh tử sĩ. 


Tình thế hiện nay cũng lại là một điều đặc biệt đối với chúng tôi. Mọi khi đánh xong phải nhanh chóng thu chiến lợi phẩm (cũng chỉ thu được ít thôi và cố gắng mỗi thằng thu một khẩu súng của địch, lục lọi nhanh mỗi thằng độ hai ba cái ba-lô của địch) rồi nhanh chóng rút ra ngoài trận địa, có khi xa tới cả cây số mới được lệnh dừng. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ tảo thanh rồi cũng phải mau chóng rút. Đánh nhanh thì rút cũng phải cực nhanh.

Vậy mà lần này...

Nhưng không chốt lại thì trong đêm tối đen thế này thì biết rút đi đâu. Bộ phận chính sách tất nhiên phải làm ngay trong đêm rồi. Các C bộ binh có quay ra cũng không biết về tập kết chỗ nào. Mà tình hình trận địa còn ngổn ngang, quân ta đánh xong nhưng đã kiểm soát xong hết mọi thứ đâu.

Toàn trận địa im tiếng súng. Thoạt đầu chúng tôi bám sát vào các hầm to của địch, loại hầm thùng có nắp đất dầy để nhỡ ra địch nó câu pháo vào thì cũng đỡ tổn thất. Nhưng cũng lạ là mãi vẫn không thấy địch bắn pháo, thế là bắt đầu chủ quan. Lính tráng ở khu vực nào tranh thủ lục lọi các hầm ở quanh khu vực đó. Thứ được tận dụng đầu tiên là đèn pin. Trang bị và cơ sở vật chất của bọn Thái có thể nói là giàu có và phong phú. Chẳng mấy chốc mà trong căn cứ không còn im ắng nữa mà bắt đầu nhộn nhịp. Ánh đèn pin soi loang loáng trong các hầm hào, dù cẩn thận thì thỉnh thoảng cũng vẫn có ánh đèn chiếu hắt ra ngoài, soi lên hàng cà phê rậm rạp. Lính tráng tự động tìm chiến lợi phẩm, chẳng ai ngăn cấm được. Gặp xác chết thì gạt ra chẳng thấy ghê gì cả, khu hầm nào cũng có lính chui vào lui cui lục lọi, tìm kiếm rồi chia nhau. Không biết bây giờ là mấy giờ, nhưng cả bọn giờ chợt nhận ra là chưa có lệnh ăn cơm chiều. Gói cơm nếp vẫn còn, thằng nào thấy đói thì tự ăn. Nhưng nhiều chỗ kiếm được sữa hộp đem chia nhau húp cũng thấy no, còn khoái hơn chén cơm nếp. Tiếp theo là thịt hộp và thuốc lá. Tự kiếm tự thưởng. Trong trung đoàn tôi có lệnh khi đánh căn cứ nếu thu được đồ hộp nhiều hoặc thuốc lá nguyên tút phải gom lại nộp về trung đoàn để cấp trên chia cho trạm xá và phía sau. Nhưng lính các C trực thuộc trung đoàn thường được đồng hương bộ binh cho trực tiếp khi gặp nhau chứ những thứ nộp về cũng không nhiều đến mức đủ chia khắp cho lính các C trực thuộc. Với lại quy định là thế thôi chứ chỉ có cán bộ đại đội là phải chú ý, thỉnh thoảng thu lại một chút nộp lên tiểu đoàn rồi từ đó lại nộp lên trên, còn lính tráng thì không mấy thằng muốn tự giác. Lo thân mấy thằng cùng cảnh trước đã nên đồ ăn và đồ hút là tự xử lý luôn. Trung đoàn phải dùng biện pháp là sau những trận đánh cứ điểm, thường chỉ chậm nhất 2 ngày là chúng tôi bị báo động kiểm tra quân tư trang bất thình lình để đơn vị thu bớt các thứ lấy được.

Không hiểu sao đêm ấy trôi qua yên lành trong căn cứ. Chúng tôi được ăn no, hút thuốc thơm (bên Lào khi đó chủ yếu là thuốc lá đầu lọc nhãn hiệu chữ A, gọi là "Gia tô A đeng" hoặc "Gia tô A khao") nhưng đồ uống lại không có. Đến mờ sáng mới chính thức có lệnh kiểm tra toàn bộ trận địa, thu vũ khí và chiến lợi phẩm rồi các đơn vị rút ra tập kết về một số địa điểm gần căn cứ, là những cánh rừng già. Có một điều chúng tôi rất nhớ là trong căn cứ có một kho gạo Thái cực ngon, đóng trong các bao dứa có trọng lượng 45 cân. Các đơn vị được lấy thoải mái. Tiểu đoàn còn cử cả một đội cùi gạo về hậu cứ cho trung đoàn. Mỗi tiểu đội chúng tôi hè nhau khiêng một bao. Gạo vẫn còn rất nhiều. Có cả một kho nước mắm nữa, đóng trong các chai độ một phần ba lít. Thế ra khẩu vị ăn của lính Thái cũng không khác ta bao nhiêu. Chúng tôi rời căn cứ, ai mang được bao nhiêu thì mang. Ba chiếc xe tăng bây giờ cũng mới rút lui ra theo đường cũ của K18. Bây giờ mới biết xe tăng lợi hại thật. Không lo mang nặng nên ngoài những thứ gì không biết, riêng khoản gạo mỗi chiếc xe tăng lấy tới 3 bao . Trong cảnh trước trận đánh khẩu phần ăn mỗi người một ngày có 3 lạng thì bây giờ với gạo nhiều như thế, tất cả thành tiên rồi còn gì. Đại đội chúng tôi rút về một khe suối có rừng già nằm cách căn cứ địch khoảng dăm trăm mét về phía Đông. Mệt mấy thì mệt nhưng lệnh trong ngày là phải đào xong mỗi tiểu đội một hầm chữ A. Trong căn cứ bây giờ chỉ còn một trung đội của C7. Chắc trung đoàn vẫn muốn chốt giữ căn cứ này.

Yên vị rồi, bây giờ mới nghe thêm thông tin về trận đánh. Cấp trên đánh giá trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phối hợp tốt cùng xe tăng đánh chiếm nhanh gọn cứ điểm địch, xóa sổ một tiểu đoàn địch, bộ đội ta thương vong ít. Chẳng thấy nói gì về chuyện chiến thuật đánh trận này là hay hoặc dở, hay là theo bài bản nào. Trên chiến trường Nam Lào, cũng chỉ có duy nhất một trận đó trung đoàn tôi được đánh cùng tăng, sau đó cũng không có lần thứ hai để mà trải nghiệm, so sánh. Cũng không phải tất cả mọi sự đều mĩ mãn. Xe tăng có một chiếc khi rút ra chạy thế nào lại bị tụt xuống vệ con suối đất. Suối sâu, đất mềm nên nó cứ bị tụt dần xuống do quá nặng. Không thể kéo lên được. Thế là công binh phải đánh mìn phá hỏng cho nó yên nghỉ tại đó. Còn trong căn cứ tuy diệt hết địch nhưng không hiểu sao vào lúc nào và theo lối nào đó, vẫn có một bộ phận địch chạy thoát. Ngay cả một số tù binh ta bắt được nhưng do trong đêm chưa giải đi ngay, chúng nó cũng tìm cách cứu giúp nhau chuồn hết lúc nào không biết. Lạ một điều là K15 đón lõng sâu trong hướng ngã ba Lào Ngam không những không gặp địch ra ứng cứu đã đành, mà cũng chẳng chặn được thằng địch nào rút lui qua đó. Cứ như có ma vậy.

Ngày đầu tiên rút ra khu tập kết, việc làm đầu tiên của chúng tôi là yêu cầu anh nuôi (đi theo B5) nấu gạo Thái cho trung đội ăn thật nhiều. Mà chẳng cứ gì B5 chúng tôi, chắc B nào cũng vậy, kể cả tiểu đoàn bộ. Thức ăn chỉ có nước mắm rưới. Thế mà ngon tuyệt, nhất là sau một thời gian dài ăn cơm nếp mà lại bị đói. Không còn nhớ mỗi thằng ăn bao nhiêu bát: năm, bảy hay có khi mười bát cũng nên. No lòi kèn. Ăn xong còn phải nghỉ mãi mới đi chặt gỗ làm hầm được. Thế mà đến tối vẫn xong hầm. Lại nấu cơm tuy không ăn được nhiều như lúc trưa, nhưng vẫn ngon.

Hôm sau nghỉ ngơi tắm giặt và vẫn phải chờ lệnh mới. Địch nó cũng bỏ hẳn cái cứ điểm bị mất đi hay sao nên chúng cũng không tổ chức chiếm lại, cũng không bom pháo vào đó. Thật lạ, chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhưng lạ thì lạ, chỉ khoảng cách chưa đến cây số nên các B lại tổ chức từng nhóm quay lại vào khu căn cứ lùng sục tiếp. Căn cứ rộng lớn, một B của C7 trụ trong đó đã "càn quét" các kiểu cả một ngày trời nhưng vẫn không xuể. Lính ta mò vào ngoài chuyện lấy thêm gạo còn lục lọi được ối thứ linh tinh. Giấy trắng và bút bi thì thoải mái, đủ quấn thuốc hút và viết thư cả năm (Thực ra lúc này chúng tôi chưa có mấy ai gửi được thư về nhà). Tôi lấy được một lô tất chân sợi pha nilon loại hảo hạng và thay luôn cái Xanh-tuya-rông loại thớ ngang. Cái Xanh-tuya phát từ ngoài Bắc của TQ thớ dọc nên khi đeo nặng nó cứ văn vẹo quăn như vỏ đỗ rất chán. Thế mới biết đồ của Mỹ tốt thật. Tôi cũng lấy một ít túi băng cá nhân có vỏ bọc không thấm nước và thay cái vỏ bi-đông vải bạt bằng một vỏ bi-đông bằng vải dù có lớp sợi mềm lót trong giữ ấm nước rất tốt. Thật ra thích thì lấy thôi chứ lính ta có bao giờ đun nước sôi đâu mà giữ nước ấm.

Chúng tôi còn ở vị trí tập kết thêm 5 ngày nữa. Bây giờ chỉ ăn với nghỉ. Đã sốt ruột chuyện trở về căn cứ ở bản Xăm xi núc. Ngày 24/10/1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ đột xuất mới. Trong tuần vừa qua, trong khi cả trung đoàn chúng tôi còn đang say sưa với chiến thắng Ba Lào Ngam thì địch đã kịp đổ xong 2 trung đoàn GM41 và GM42 từ trong Pắc xế nhảy cóc ra thị xã Saravan là vùng giải phóng của ta từ giữa năm 1970. Trung đoàn 39 của sư đoàn 968 vốn toàn lính thạo tiếng Lào gom từ các binh trạm Trường Sơn về làm công tác dân vận phía sau các E9B và E19 bị địch đánh cho chạy tan tác. Họ vốn chỉ gồm các đội công tác lẻ cỡ trung đội, trang bị gọn nhẹ ở lẫn trong dân và hướng dẫn quân sự cho các đơn vị Pathet như kiểu huấn luyện bộ đội địa phương nên không phải là đối thủ của lính Fumi cơ động. Nhưng tổn thất không bao nhiêu vì họ đã có trình độ luồn rừng ngang với thổ dân rồi nên đã tìm cách thoát thân. Thế là cả E9B từ Boloven và E19 từ Atopơ được lệnh hành quân gấp ra đánh địch. Saravan nằm sát liền nhánh Tây Trường Sơn của Đoàn 559 nên tuyến vận tải ở đây bị uy hiếp. Sư 968 chúng tôi vốn là sư bộ binh nằm trong biên chế của 559 có nhiệm vụ giữ sườn Tây Trường Sơn, vì thế phải quay ra đây đánh địch. Lệnh phải xuất quân càng nhanh càng tốt. Cả tiểu đoàn lo chuẩn bị, bỏ lại cái căn cứ Ba Lào Ngam vô chủ để lên đường. Chúng tôi đã bổ sung xong đạn dược. Gạo vẫn còn rất nhiều, lệnh trên phải mang mỗi người 7 cân, còn lại ai có sức mang thêm thì mang, không tính vào cơ số. Chúng tôi cố lèn nhau mỗi người mang mười cân với phương châm ăn thật no thêm mấy ngày đầu nữa, sau này có đói lại cũng hài lòng.

Chiều tốingày 25/10, cả đại đội 6 hành quân về bản Chăn Tua theo hướng Pắc soong cách đóba chục cây số. Gạo thừa còn bỏ lại ở khu tập kết rất nhiều, chắc sau này nhữngcon sóc và mối rừng cũng ăn hết. Chúng tôi không tiện đường để ghé về qua khuhậu cứ Xăm-xi-núc và cũng rời xa nơi đã gắn bó chúng tôi suốt những tháng mùamưa cùi cõng gạo đạn từ đó. Chiến trận đã cuốn chúng tôi đi. Những khu lán, nhữngcăn hầm không có người ở đó, rồi đây sẽ ẩm ướt, mốc thếch và hoang tàn dần theothời gian. Con đường người lính đi qua nhiều khi một đi không trở lại. Nhữngkhu rừng đã sống, những hậu cứ đã ở rồi sẽ mờ dần trong trí nhớ theo thời gianvà lùi xa dần qua năm tháng, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người lính, đểrồi một lúc nào đó lại lóe lên vào những khoảnh khắc hoài niệm mà thôi. Nó nhưmột nỗi buồn, nỗi nhớ day dứt tâm can người lính nếu như còn có lúc phải gặmnhấm lại quá khứ của một thời trai trẻ. 


   "Hành quân, ta lại hành quân, núi sông nâng bước đôi chân ta lên đường".

Cuộc đời lính tất nhiên phải như vậy, băn khoăn gì nữa. Chỉ trong non một ngày dừng chân tại bản Chăn Tua, chúng tôi phải chuẩn bị thêm tất cả những thứ có thể chuẩn bị để tiếp tục lên đường. Thằng Thái "Pitơ" và thằng Sưởng của C tôi trong thời gian mùa mưa được anh Choát trên tiểu đoàn bộ điều lên chuyên đi mua lợn cho tiểu đoàn, nay cũng được trở về đội hình đơn vị để cùng hành quân ra Saravan. Có còn ở hậu cứ nữa đâu mà đi mua lợn.

Người dân bản Lào thản nhiên nhìn những đoàn quân lũ lượt đi qua. Dân Lào hầu như thờ ơ với chiến cuộc. Trừ những chuyện tai bay vạ gió, quân lính cả hai bên không ai động đến họ. Có thể nói không có nguồn thông tin về đối phương nào khai thác được từ người dân Lào. Bên nào không cần biết, muốn đánh nhau thì tự đi tìm nhau mà đánh. Mà tốt nhất là đánh nhau nhưng chỉ bắt sống nhau thôi chứ đừng có người chết. Người dân Lào rất không vui khi bộ đội ta nói là đánh nhau ở chỗ này, chỗ kia và có nhiều người chết. Người Lào ít lắm (khi đó dân số Lào là 3 triệu) nên họ sợ chết nhiều thì dân tộc họ bị tuyệt chủng mất.

Đi thêm một ngày nữa, bắt đầu sang địa phận Saravan thì chuyển sang hành quân đêm. Đi tiếp hai ngày nữa, đại đội tôi đến một vùng gọi là bản Bạc. Đây là khu vực nằm ở phía Nam thị xã Saravan. Địa hình bằng phẳng. Các nương lúa đã gặt của dân nằm xen kẽ những cánh rừng, phổ biến là rừng Khôộc. Có một số là rừng cây thưa tầm thấp xen lẫn cây cổ thụ và có rất nhiều ụ mối. Những ụ mối to đường kính hàng ba bốn mét trên đó có cây con mọc. Cây không dày nên nếu chú ý thì tầm quan sát được khá xa. Nếu cứ lơ đễnh mà đi thì có khi vòng qua một ụ mối bất chợt mới phát hiện thấy có người ngồi sau đó, rất có thể là một họng súng của địch đang chờ ta. Dạo ở Boloven theo làm liên lạc cho đại trưởng Băng, tôi được xem bản đồ nhiều, cộng thêm những lần đi trinh sát nên hiểu địa bàn khá rõ. Bây giờ đến nơi mới không có bản đồ, cũng không được ngồi chầu rìa xem ké nên nhiều thứ mù tịt. Trinh sát họ bảo thế nào thì biết thế. Với lại đi theo đội hình đại đội thì cứ bám các thủ trưởng là đủ rồi. Còn chúng tôi, có khi trinh sát tiểu đoàn họ dẫn đi rồi mấy hôm sau lại dẫn vòng ngược về theo lối khác, có khi đi vòng vèo hình đít thúng mà cũng không tường, nhất là ở địa hình bình nguyên như Saravan này.

Trinh sát tiểu đoàn đã phát hiện và bắt đầu bám địch. Chúng tôi dừng lại.

Ba ngày sau, ngày 31/10/1972, cả tiểu đoàn đã triển khai thành một hình cánh cung bao lấy khu vực có địch. Lấy vị trí các bản làm mốc thôi chứ địch không ở trong bản. Chúng đào hầm trong các cánh rừng gần bản, đóng quân theo từng đại đội. Chúng tôi cũng vậy. Lúc này C5 lập chốt ở khu bản Đông-noọng, còn C6 ở khu bản Tông-la-vi, cách nhau độ hơn cây số. C7 chủ công và C8 hỏa lực đứng chân phía sau. Lúc này súng đạn của chúng tôi hoàn toàn là lượng bổ sung từ sau trận Ba Lào Ngam, mang từ cao nguyên Boloven ra. C8 đi đường xa chắc cũng chỉ mang được theo ít đạn. Sau này trong các trận đánh ở Saravan, hậu cần D và E tiếp tế dần cho chúng tôi mọi thứ, nhưng hầu như sự chi viện hỏa lực của D rất ít. Hỏa lực trung đoàn lại càng không có, nhất là cối 120. Bọn DKB thì vô tác dụng rồi. Suốt chiến dịch Saravan kéo dài 3 tháng rưỡi, không thấy DKB bắn một phát nào. Cũng đúng thôi vì thời gian này tuy địch có 2 trung đoàn nhưng chúng xé lẻ và cơ động liên tục. Ta với địch tìm đánh nhau cứ như mèo vờn chuột.

Thời gian đầu ở Saravan, thế trận hai bên gần như hình da báo. Các đơn vị cỡ đại đội của ta và của địch hành quân và đóng giữ xen kẽ nhau. Địa hình bằng phẳng nên cứ nhắm hướng đi là thành đường. Hầu như không bám theo đường xe bò như trên cao nguyên. Mà đơn vị có trụ lại một chỗ cũng không ở lâu. Chỉ vài ba ngày, sau đó phải di chuyển. Công tác bám địch của trinh sát rất khó. Nhiều khi đánh địch là do bản thân các C phát hiện rồi tổ chức đánh luôn. Có khi chúng tôi đến một nơi thì địch cũng chỉ vừa bỏ đi từ hôm trước. Có lúc quay lại nơi mình vừa đóng quân tuần trước thì cũng lại phát hiện địch nó cũng vừa trú tạm ở đó xong. Nhiều khi không có khái niệm phía trước, vì mình đang chốt đánh thằng trước mặt thì lại có đơn vị địch khác đi vòng ra phía sau mình hạ trại. Cứ như tiễu phỉ vậy. Thời gian ở Saravan, lắm lúc có cảm giác lạnh lưng hở sườn.

Khi C5 ở khu bản Đông-noọng mấy ngày không có gì, đến khi chúng tôi vừa qua thế chân thì hôm sau đã có địch. Ngày 3/11/1972, một đám địch khá đông từ phía bản lùng sục lại phía B4 và B6 của C tôi đang chốt giữ. Chúng nó đi phăm phăm như ở nhà chúng nó. Thằng Lễ nghe tiếng động thò ra khỏi ụ mối nhìn thấy địch liền dã luôn một phát B40 tung xác 3 thằng. Địch nằm rạp xuống và bắn trả. Súng đã nổ rồi thì cả hai bên cùng say máu. Các hầm cá nhân ở Saravan đều là hầm không nắp vì không có cây gỗ để làm nên thực chất cũng chỉ là hố chiến đấu. Lính ta phải lợi dụng ụ mối nhiều. Thằng địch trơ ra trên mặt đất không công sự, song nó cũng lợi dụng rất tốt địa hình có nhiều ụ mối đế đánh lại chúng tôi. Đạn bắn thẳng ít có tác dụng so với hỏa lực B40, B41. Cối cá nhân lợi hại nhưng bắn không khéo toàn nổ trên tán cây. Di chuyển vị trí liên tục, chốt mà không giống chốt. Bắn nhau một hồi, bên địch không có thêm thằng chết. Bên ta có anh Nhị người Hà Tây bị thương vào trán không phải do địch mà là do thằng Số (Nam Hà) nằm ở ụ mối bên cạnh tương B40 sang. May mà B40 chỉ có vỏ mỏng, mảnh hắt lại chỉ là mảnh nhỏ nên chỉ cào rách trán, không nguy hiểm. Do máu chảy nhiều nên vẫn phải băng kín và đưa về phía sau, gọi là phẫu tiểu đoàn. Phẫu nhưng không có mổ xẻ gì, chỉ như là nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Mà vớ vấn địch nó hành quân tạt qua thì cũng phải đánh nhau chí tử. Chỗ vững dạ nhất bây giờ là nằm trong đội hình đơn vị, súng ống đầy đủ, có anh có em.

Hôm sau, địch lại lên, hai bên bắn nhau mà không có ai làm sao, chỉ tốn đạn. Hôm sau nữa tiểu đoàn chi viện cho ít cối 82 và điều C7 vòng ra phía sau địch thì chỉ mới lẹt đẹt vài loạt súng, bọn địch đã biến mất.

Ngày 8/11, đại đội tổ chức lùng sục với sự hậu thuẫn của C7 lần mò được khắp quanh bản Đông-nọng, vào cả trong bản thì chẳng còn thấy địch đâu nữa. Trên một cánh rừng rộng chỉ còn dấu vết những hố chiến đấu, đếm qua thì cũng biết chừng địch có một đại đội. Sát ngay đó còn có một kho gạo nếp ước đến cả tấn. Bọn địch không mang theo được, nhưng chúng cũng tai quái đổ nước ướt sũng thành món gạo ngâm. Sau khi kiểm tra (tôi cũng chẳng biết kiểm tra bằng cách nào), tiểu đoàn lệnh cho các đại đội cử người khẩn trương đến lấy về để kịp nấu trước khi gạo hỏng. Lúc này gạo Thái mang ra từ căn cứ Ba Lào Ngam cũng đã hết nên chúng tôi nhiệt tình lắm. Anh nuôi đem đồ bằng hết. Ăn được đến đâu cố mà ăn, không có cũng hỏng. Thế là lại thêm một ngày ăn thả cửa nữa.

Đợt đi lấy gạo ướt ấy tôi bị một trận lạc đường đầu tiên ở Saravan. Anh Thành dẫn tôi và một lính nữa trong B5 mang gùi đi lấy gạo cho trung đội và đại đội. Lúc đi đã là chiều rồi. Lấy gạo xong thì trời sẩm tối. Tất cả hăm hở ra về, chắc mẩm đêm nay có bữa xôi no. Anh Thành cầm đầu, nhưng chúng tôi đi chẳng được bao lâu thì trời tối không nhìn thấy gì nữa. Đường đi chỉ là vệt đạp mờ trong rừng nên trong đêm đen chẳng thấy gì. Rừng lại thưa nên đi theo hướng nào chả được. Chẳng mấy chốc đã mất phương hướng. Mà cũng có biết hướng Đông Tây Nam Bắc nào đâu mà dò đường, nhất là không còn địa bàn (Cái địa bàn của tôi đã kỷ niệm cho thằng Lộc đồng hương trên C16 của trung đoàn từ lâu rồi). Thế là cứ đi mãi mà chẳng thấy đường. Người ta nói đi trong rừng mà không có địa bàn và xác định vật chuẩn thì thế nào rồi cũng đi thành hình vòng tròn. Quả là thế thật vì chúng tôi đi mãi, có lẽ phải bằng hai lần về đến nhà rồi ấy chứ, thế mà trước mặt vẫn mịt mùng. Càng ngày càng mệt và thấm đói. Gạo ướt không lấy nhai được nên đành ôm bụng. Sau cùng mệt quá và vô vọng nên anh Thành tìm một gốc cây to cho cả bọn ngồi nghỉ. Chúng tôi quyết định ngồi ngủ qua đêm bên mấy cái gùi gạo ướt. Chỉ còn bình tông nước uống dần, õng cả dạ dầy để chống đói.

Mờ sáng hôm sau, khi vừa nhìn rõ đường là anh Thành bốc cả bọn dậy. Lần mò tìm đường thì ối giời ơi, cái lối mòn về đơn vị chỉ nằm cách chỗ chúng tôi ngồi nghỉ đêm qua có dăm mét. Não hết cả người. Về đến đơn vị bị mắng luôn. Từ B trưởng Quân cho đến anh nuôi cũng lên tiếng mắng. "Chúng mày chết dẫm ở đâu để cả đơn vị cùng chịu đói chờ gạo chúng mày suốt cả đêm". Nhưng rồi cũng hòa cả làng vì chính chúng tôi cũng bị đói cơ mà. Hơn nửa tiếng sau có cơm, tất cả lại lao vào ăn như những thằng chết đói. Gạo ướt để không được lâu nên sau đó anh nuôi đem thổi tất. Chia cho mỗi thằng một đùm còn ăn được trong hai ngày. Sau đó thì gạo của hậu cần cũng cấp xuống. Vẫn chỉ là gạo nếp đem từ trong cao nguyên ra, nhưng được ăn tăng lên tiêu chuẩn 4 lạng một ngày.

Ngày 13/11 C6 chúng tôi hành quân sang vùng khác đến phía Nam bản Na Thon cách đó vài cây số và chếch sang phía Tây thị xã Saravan. Vẫn đánh nhau đèn cù mà. Khu vực này rừng thấp và thưa hơn vùng bản Đông nọng. Có nhiều khe suối cạn vòng vèo có rất nhiều tre gai mọc. Từ hôm ra Saravan, chúng tôi không làm được hầm chữ A vì không có gỗ. Khu vực này có tre nên đại đội bắt làm hầm chữ A. Đất ở đây rất cứng, không đào sâu được nên cuối cùng hầm chữ A cũng chỉ chìm được hơn nửa xuống đất, còn lại lộ thiên. Ở đây không có bao cát nên đất đắp cũng chả được bao nhiêu. Đào hầm cho có là chính. Các cán bộ từ A trở lên được tổ chức đi kiểm tra thực địa một vòng rộng quanh nơi trú quân. Đây cũng là một thủ thuật khi trú quân trên địa hình bình nguyên xa lạ, vì nó sẽ giúp mình nhận ra địa hình quen thuộc khi đi từ nơi khác về mà không thể đạp đường trúng ngay được vị trí trú quân nhỏ hẹp.

Các trung đội cũng cử các tiểu đội lùng sục ra các hướng thăm dò tình hình. Ban đêm ở đây phải tố chức mỗi B một vọng gác nghiêm chỉnh. Địa hình thế này thì khi phát hiện ra nhau, ban đêm ta tổ chức tập kích địch dễ thì địch cũng có thể tập kích lại quân ta ngon lành.


Liền mấy ngày, chúng tôi được cắt cử đi lùng sục địch ra các hướng. Cũng chỉ làm một vòng tròn đường kính độ hai cây số là quay về đơn vị. Thế cũng là xa lắm rồi. Vớ vẩn gặp địch có khi không kịp chạy về. Không phải đi lùng sục theo từng A mà cứ ghép nhau lại lẫn lộn các A trong B. Lúc này tôi đã chuyển sang A khác cùng trung đội, không ở với anh Trịnh nữa. Anh Quán A trưởng mới của tôi cũng dân Hà Tây, hồi ở nhà là giáo viên cấp I, đã có vợ và 1 con. Anh ấy có cái động tác hút thuốc, dù là thuốc rê cũng ngậm vểnh cao điếu thuốc lên, trông điệu đà lắm. Trước khi tôi vào đơn vị, anh Quán cũng có thâm niên làm liên lạc cho đại đội được nửa năm. Anh ấy xuống bộ binh là do tuổi anh ấy ngang bằng các cán bộ đại đội nên khó xưng hô và sai bảo vặt. Đánh nhau cũng lỳ, nhưng theo tôi không dày dạn bằng anh Trịnh.

Một hôm tôi được đi lùng sục với A thằng Lễ (Nam Hà). Thằng này xông xáo và hùng hục có tiếng trong đại đội. Đi với nó cứ hùng hục như trâu húc mả, ngại ghê lắm nhưng bị phân công thế thì phải đi, chối làm sao được. Đi ra khỏi cái suối có mấy bụi tre gai dầy, thằng Lễ dẫn chúng tôi đâm thẳng ra một cái trảng trống. Đi trong rừng khôộc cây cối đã thưa thớt, phải nép vào và men theo từng thân cây mà đi, căng mắt quan sát vì cái tán cây nó thưa lắm, không đủ để ngụy trang, nhất là với máy bay. Ra ngoài bãi trống lại thấy mình càng tơ hơ luôn. Bãi đất dưới chân ngoài các mô đá nhỏ là các cây cỏ cứng như rễ tre mọc lòa xòa trên lớp cát mỏng. Lá cỏ mà tròn như các cọng phi lao, không biết trâu bò có ăn được không. Để những cọng cỏ này đâm vào chân thấy ngưa ngứa. Đôi khi lớp da chỗ đó còn bị nổ bong ra như những nốt rộp trên cái bánh đa nướng. Thằng Lễ dẫn chúng tôi đi hướng này cũng có ý của nó. Đêm trước ở khu vực này có máy bay AC130 đến bắn pháo sáng. Loại pháo sáng to dài như thân chuối, lúc bật sáng nghe nổ "ục" một cái rồi mới phát sáng chói lòa. Mỗi ống pháo sáng cháy đến vài phút. Chúng nó cứ thả gối nhau 3 ống theo một hình tam giác trên một vùng rộng, soi sáng rực mặt đất. Cái dù treo pháo sáng bay lơ lửng, ống pháo sáng lắc lư nên ánh sáng rọi xuống đất cứ chao đảo, chập chờn. Khi cháy hết thì cái vỏ ống pháo sáng tụt ra rơi tự do xuống đất, còn cái dù bay quẩn thêm rồi rơi hay mắc vào đâu đó. Ống pháo sáng nếu ở hậu cứ dùng được vào khối việc, kể cả làm các đồ dùng như chậu, ca, bát ... Dù pháo sáng loại này khá to nhưng mỏng, dễ bị bai nhưng dùng vào những việc vớ vẩn như bọc gói gì đó thì cũng tốt. Vải dù tốt nhất phải là dù lụa thả người. Nó mỏng, bền và trơn như tấm vải lụa vậy, nhưng có pha nilon nên rất dai. Trong căn cứ Lào Ngam chúng tôi tìm thấy rất nhiều dù lụa. Không hiểu sao bọn lính Thái hành quân ra đó bằng đường bộ, có nhảy dù gì đâu mà cũng lắm dù thế. Mỗi mảnh dù tháo ra vuông vức vừa khổ một chiếc võng. Bây giờ hầu như trong tiểu đoàn ai cũng có một vài mảnh, vo lại mảnh vải dù chỉ gọn trong bàn tay. Mảnh thì đem khâu thành võng, nằm tốt lắm, còn vài mảnh khác chỉ cần nhét gọn trong túi cóc là vừa, sau này dùng gì thì dùng. Tuy vậy đại đội không cho vứt võng vải. "Chúng mày chết thì lấy gì mà quấn". Đại trưởng Băng mắng lính thế, nghe ghê hết cả người. Thực tế sau này có phải võng ai quấn người ấy đâu vì rất nhiều lính không còn võng. Người đi trước thì cứ lấy võng của ai đó mà dùng trước, còn lại xét sau. Đã thành qui ước thế trong đơn vị rồi mà.

Chả biết thằng Lễ còn say sưa gì mấy cái dù pháo sáng, nhưng nó bảo "ra chỗ địch thả pháo sáng khi đêm xem như thế nào" rồi cứ phăm phăm dẫn anh em theo hướng đó thì phải lao theo mà đi thôi. Tôi là lính "cũ" hơn nó hai tháng, nhưng là "tốt đen" nên phải tuân lệnh. Nhưng tôi cũng cảnh báo nó phải thận trọng vì vùng địch nó đã bắn pháo sáng cầm canh ban đêm tức là vùng đó có địch đóng quân. Bọn trên trời bắn pháo sáng là để cảnh giới canh chừng giúp bọn dưới đất chứ đâu phải bắn bừa cho vui. Rất may là chúng tôi lần qua mấy cái bãi trống, lấy được 2 cái dù pháo sáng mà không gặp địch. Thằng Lễ thân mật cho tôi một cái bảo mang về lót hầm nằm rất tốt, nhưng tôi không lấy. Hành quân di chuyển liên tục, nhẹ chừng nào hay chừng đó, ôm thêm cái dù làm quái gì. Sang mùa khô rồi tôi cũng không thích nằm võng. Cứ chọn chỗ đất không gồ ghề, vơ tẹo lá lại, rải tấm nilon lên là nằm co lại mà ngủ ngon lành, giống như hồi nằm ở mấy cái hầm thùng trên các binh trạm Trường Sơn. Hơn nữa nằm võng trên cao khả năng ăn đạn lạc hay trúng đạn khi bị tập kích cũng cao hơn.

Chủ quan nên tất phải chịu hậu quả. Lúc đi an toàn nên lúc quay về cả bọn nghênh ngang đi thành hàng trên bãi trống. Bất ngờ khi về đến gần chỗ trú quân chừng dăm trăm mét thì bị trực thăng nó đuổi. Chả biết nó từ đâu bay ra nữa. Đây là lần đầu tiên ở Saravan chúng tôi gặp trực thăng. Loại máy bay có 2 càng, nhỏ chỉ chở vài người, cửa trống hoác nhưng ác là có một thằng bắn súng máy thò ra qua cái cửa đó. Theo như ảnh chiến trường miền Nam chúng tôi đã xem thì nó là HU-1A. Thằng này cơ động nhanh thế không biết, nó xà đến mình gây cảm giác hệt như lũ gà con xa mẹ trên bãi cỏ bị diều hâu bổ nhào. "Tản ra, nấp vào các gốc cây". Thằng Lễ quát to rồi cắm đầu chạy bổ về phía trước. Tản ra thì đúng rồi nhưng nấp cái con khỉ gì vào đâu bây giờ. Khi còn ở trong Boloven đôi khi chúng tôi đi đêm ra tuyến trước cũng bị AC130 nó bắn đạn 20 ly ngẫu nhiên xuống rừng. Vệt đạn đỏ lừ, mỗi thằng phải ôm một gốc cây to như cây Săng lẻ rồi nhìn hướng máy bay mà xoay quanh đó tránh đạn. Bây giờ giữa nơi như đồng không mông quạnh thế này, bám vào mấy các gốc cây khôộc chỉ to như bắp đùi thì nước non gì. Thế là cả bọn chạy tóe ra các hướng, may hơn khôn. Đạn đại liên trên máy bay nổ chói tai, bắn xuống cầy tung thành vệt trên mặt đất. May là cái máy bay bắn trượt thì nó lao lên quá đà, cần phải quay lại nên cũng mất chút thời gian. Tiếng súng và tiếng máy bay càng kích thích chúng tôi chạy nhanh hơn, thằng nào thằng nấy phi như ngựa nhưng đều nhằm hướng bờ suối cạn lao tới. Bên bờ suối cạn chỗ này có mấy bụi tre gai rất to và dầy. Nấp được sau đó rồi thì đạn đại liên cũng chưa chắc lọt qua. Năm thằng ngồi lăn ra đất, mồm mũi tranh nhau thở. Sau đó chúng tôi lợi dụng bụi tre xoay tròn quanh đó tránh đạn. Để an toàn, chúng tôi phân tán chia ra xoay quanh mấy bụi tre. Chỉ có mỗi chiếc trực thăng thì cóc làm gì được chúng tôi, bắn hết đạn thì chắc nó sẽ phải quay về. Thằng Lễ còn lấy lại khí thế bằng cách khi cái máy bay không bắn vào cái bụi tre nó trốn thì nó nghiêng người thò AK ra xổ mấy loạt về phía cái máy bay. Chiếc trực thăng mà trúng đạn thì chắc thằng Lễ lập công to, đoạt danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay đầu tiên trong chiến dịch.

Chiếc trực thăng không trúng đạn nhưng chắc cũng cay cú nên nó gọi thêm đồng bọn. Tiếng cánh quạt phành phạch bổ sung cho tiếng động trên bầu trời khi xuất hiện thêm một chiếc trực thăng nữa, cũng chẳng biết đến từ hướng nào. Bây giờ lại đến lượt chúng tôi gặp nguy tiếp khi hai chiếc trực thăng bay đối diện nhau quanh chỗ mấy thằng chúng tôi và bắn xối xả đạn xuống. Chúng nó xả từng loạt dài, cứ như nguồn đạn vô tận vậy. Phen này chắc toi rồi. Tôi rời bụi tre phi thẳng xuống lòng suối cạn, bờ cao tới ngực, mặc cho cành tre gai cào vào người. Thực ra sau này xem lại mới thấy xót xa với những vết gai cào trên ngực, cánh tay và đùi chứ lúc đó không cảm thấy gì hết. Những thằng khác cũng theo tôi lao xuống suối. Thằng Lễ luống cuống thế nào đó lại chui sâu vào một bụi tre gai. Chắc nó mắc trong đó làm mồi ngon rồi, khi hai chiếc trực thăng cùng nhìn rõ nó. Đạn bắn tung các cành tre gai, nhưng không trúng nó, số thằng Lễ vẫn cao thật. Bất ngờ tôi nhìn thấy thắng Lễ rướn người rồi "soạt" một tiếng chui thẳng qua bụi tre gai lao xuống suối, hệt như người chui qua tường trong phim thần thoại. Không thể tưởng tượng nổi. Lập tức sau đó cả bọn chúng tôi lom khom chạy dọc theo suối, cứ chạy bừa thôi. May mà chạy được chừng vài chục mét thì gặp được một cái hàm ếch khá và sâu rộng ngay cạnh lòng suối, chắc váo mùa nước đây là chỗ dòng chảy đổi hướng của con suối. Tất cả chui tọt vào đó nằm im. Bây giờ chỉ còn có cầu trời khấn phật. Chắc trời đất còn thương nên hai chiếc trực thăng không kịp nhìn rõ chỗ chúng tôi nấp. Bất chợt bị mất mục tiêu, chúng nó cứ bay dọc theo suối bắn bừa vào lòng suối và bắn nát các bụi tre gai hai bên bờ. Chúng tôi cứ nằm im vì bây giờ chẳng có nơi nào tốt hơn nơi này. Chừng hai chục phút sau, chắc hết đạn hoặc giả không thấy động tĩnh gì, hai chiếc trực thăng bỏ đi.

Đợi cho không gian yên ắng thêm một lúc rất lâu nữa, chúng tôi chui ra khỏi hàm ếch. Không ai bị thương vì đạn nhưng sau phen kinh hoàng, thằng nào người ngợm cũng xây xước, áo quần tơi tả. Mệt bã người. Thằng Lễ bị nặng nhất với vệt gai to cào giữa mặt, vẫn còn rỉ máu. Chúng tôi phải lần theo suối tìm những cây nhỏ còn sót lá, bứt ra nhai và rịt đỡ cho nó. Thế mà chỉ một lúc sau nó lại hơ hơ cười. Gai cào đối với nó thường xuyên hơn so với chúng tôi, cũng may da nó lành. Cả bọn lên đường lò dò về nơi đơn vị tập kết. Cả đơn vị đều lo lắng khi thấy trực thăng đến quần cách vị trí trú quân có dăm trăm mét, đạn nổ ầm ầm gần nửa giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi trở về an toàn, ai cũng mừng. Tuy thế khi báo cáo lại đầy đủ tình hình, thằng Lễ cũng bị xạc cho một trận về tội chủ quan. Khi nghe tôi kể về đoạn thằng Lễ suýt bắn rơi máy bay trực thăng, anh Thắng hỏa lực cối 60 bảo, "mày trông cái máy bay trực thăng to thế thôi chứ nó còn cách xa lắm, AK bắn tới thế quái nào được". Có nhẽ thế thật. Còn anh Bớt A trưởng thì bảo chúng tôi phúc còn to bằng cái đình làng. Nếu như ở miền Nam bị trực thăng nó quây thì xong rồi. Nhẹ thì nó bắn rockét nếu như phát hiện mình ở chỗ suối sát bìa rừng, còn quân mình mà đang chấp chới trên đồi cỏ tranh trống trải thì khả năng bị bắt sống là chủ yếu. Nó sẽ bay sà xuống gọi hàng, không chịu hàng thì cái thằng đứng ở cửa máy bay sẽ thò ra một quả cối 61 thả xuống, có nằm trong hầm cũng như bị thả đáo lỗ, xơi trọn quả cối là cái chắc. Nghĩ mà hú vía.

Đêm đó, đạiđội tôi phải di chuyển đến nơi mới cách xa hơn cây số hạ trại. Phần cho nó antoàn, phần phải chuẩn bị cho nhiệm vụ mới ở một cái bản cách đó dăm cây số.


Lúc này tất cả các đại đội trong K18 đều đang phân chia theo khu vực và tác chiến độc lập. Các tiểu đoàn khác cũng thế thôi. Thằng địch có 2 trung đoàn nhưng không hiểu mấy cái sở chỉ huy nằm ở đâu. Cũng phải có một bọn nào co cụm chứ. Thế nhưng thực tế cho thấy là chúng tôi và địch cứ quần nhau theo từng đơn vị nhỏ chứ không phải chúng đóng thành căn cứ lớn. Hơn nữa bọn địch ra đây chạy loăng quăng mới làm cho các thủ trưởng trên 559 lo đường dây bị càn phá chứ chúng nằm một chỗ thì chắc cũng chẳng nghĩ nhiều làm gì.

Nhảy cóc ra Saravan, địch thiếu hẳn thế mạnh về pháo. Tuy có hành quân đường bộ là chủ yếu, chúng nó vẫn không đem theo được pháo lớn, mạnh nhất vẫn chỉ có cối 81 vác vai giống như hỏa lực tiểu đoàn của chúng tôi thôi, mà sức người thì lại có hạn. Bù lại, địch có máy bay ném bom T28 và trực thăng ra trợ giúp. Hiện tại quân ta vẫn chưa có súng phòng không nên bầu trời vẫn là của địch. Sau khi E9B và E19 ra Saravan thì thằng địch mất tiếp tế đường bộ. Nhiều đêm chúng tổ chức thả dù hàng tiếp tế, nhưng nhận hàng xong thì di chuyển luôn, giống như các đội du kích vùng địch hậu trong thế chiến thứ hai ở Liên xô vậy. Nhiều khi trinh sát, thậm chí là các đơn vị bộ binh chúng tôi mò đến thì chỉ còn thấy những chiếc dù hàng vải ca-rô xám vứt bừa trên mặt đất mà thôi. Mỗi cái dù căng ra to như một nóc nhà, khá nặng nên lính ta chẳng màng.

Ngay sau hôm bị trực thăng bắn đuổi, chúng tôi đến nơi mới và B4 ra chốt ở khu rừng của bản Phôn Phai cách đó 2 cây số. Ổn định xong chỗ ở một ngày, hôm sau B5 chúng tôi kết hợp lùng sục và tiếp tế một số thứ, đem cơm cho B4. Đường không xa nhưng ngoằn nghoèo, vẫn toàn rừng khôộc và có cả một con suối đất có ít nước tù. Tôi thấy rất ngán loại rừng này vì rất dễ lẫn phương hướng. Trên đường đi, chúng tôi chỉ có cách nhìn các ụ mối làm chuẩn, nhưng các ụ mối cũng rất giống nhau. Tất nhiên nếu có bản đồ và địa bàn thì ngon lành rồi.

Buổi chiều B5 chúng tôi từ chốt trở về nơi tập kết của đại đội. Trên đường về, anh Quân phát hiện thấy địch. Độ khoảng hai chục thằng đang hành quân vắt chéo qua. Chúng đi thấp thoáng phía trước cách chúng tôi chừng hai trăm mét. Chúng nó không nhìn thấy chúng tôi. Bây giờ đuổi theo thì không kịp vì chúng đi khá nhanh, mà chắc gì khi đuổi kịp đã có thế bất ngờ để đánh chúng nó trước. Vì chỗ này nằm sau lưng chốt B4 nên anh Quân quyết định báo cho B4 biết để không bị bất ngờ. Thế là A trưởng Quán, tôi và anh Thành phải quay lại B4 báo tin, còn mọi người về nhà trước. Chúng tôi quay lại báo tin, còn chờ B trưởng B4 là anh Chèo hỏi lại căn kẽ, tổ chức lại đội hình chán chê rồi mới cho chúng tôi về. Lúc này thì trời đã sập tối. Trời tối ngoài bình nguyên không đen kịt mà cứ trắng nhờ nhờ. Thú thực lúc này tôi chỉ mong anh Chèo cho ở lại cùng B anh ấy cho tăng thêm người, dù có phải đánh nhau cũng hơn đi đêm về cùng anh Thành. Tôi đã ngán cái vụ lạc đêm hôm đi lấy gạo ướt chỉ mới cách đây độ hơn tuần cùng anh ấy. Dân Sơn tây "ba vi co con bo vang" nói líu ríu toàn chữ không dấu, lúc nào cũng tỏ ra thành thạo mà thực chất cũng mít đặc rất nhiều thứ. A trưởng Quán thì quá hiền, lại chưa từng chứng tỏ khả năng lần nào nên cũng chẳng làm tôi tín nhiệm được bao nhiêu. Mình non nhất, tay không nên cũng chẳng thể làm gì, đành im lặng đi theo.

Cả bọn rời khỏi chốt B4 hối hả lên đường. Đoạn đường hai cây số nếu đi thông thì chỉ độ nửa tiếng là chúng tôi về đến chỗ trú quân, có thể chén cơm rồi ai về hầm nấy được rồi. Tôi chỉ mong có thế nhưng thật là ghét của nào trời trao của đấy. Về được đến chỗ lúc chiều gặp địch thì anh Quán cho đi chậm lại và cẩn thận quan sát. Ban đêm nhỡ lao vào chỗ địch đóng quân thì hết đường chạy. Cứ một đoạn cả bọn lại nằm xuống sát đất rồi ngẩng cổ lên để quan sát. Nơi trống trải thì đúng là thằng ở thấp quan sát thằng đứng cao rất rõ nhất là nếu nó di chuyển. Nhưng lúc này chắc địch nó cũng ngồi im nên chúng tôi phải nằm quan sát khá lâu cho chắc chắn an toàn mới đi tiếp. Đứng lên ngồi xuống, quay phải quay trái độ mươi lần như thế thì mất phương hướng. Chẳng còn chắc chắn cái gì nữa, nhưng chúng tôi cứ đi theo cái hướng mà anh Thành khăng khăng là đúng. Chúng tôi gặp một con suối đất. May quá rồi vì lúc đi cũng có cái suối đất. Nhưng vì cái suối uốn cong nhiều chỗ nên chúng tôi không thế cứ đi theo nó, với lại biết nó dẫn đến đâu, mình còn phải nhằm hướng của mình chứ. Thế là lúc bám suối, lúc rời ra đi theo hướng mà mình cho là đúng. Hai cây số mà chúng tôi đi rã cả người mà vẫn chưa về đến nhà. Thế rồi tôi phát hiện thấy một cái cây đổ trông quen quen mà cả bọn hình như đã đi qua thì phải. "Thôi chết, đi vòng tròn rồi các anh ơi". "Tròn là tròn thế nào, cấy khô đổ thì cây đếch nào mà chả giống cây nào". Anh Thành quát thế nên tôi đành im. Phăm phăm đi tiếp mãi, tôi lại nhận ra cái cây quen quen ấy và lại phải kêu lên. Lần này anh Quán ngờ ngợ nhưng anh Thành vẫn bảo thủ. Tôi đành tìm quanh kiếm một hòn đất to và một cái cành khô gác lên một đầu cây khô để làm dấu rồi tất cả lại hùng hục đi tiếp. Đi mãi rồi lại gặp cái cây khô ấy. Bây giờ thì không thể cãi nhau là nhầm hay không vì cái vết đánh dấu còn sờ sờ ra. Anh Thành cứng họng đành im. Thế là chúng tôi đã bốn lần vòng tròn đi qua cùng một chỗ ấy. Bây giờ thì mệt và nản quá rồi, anh Quán đành cho cả bọn kiếm một cái ụ mối to rồi nép vào đó vừa nghỉ vừa ngủ qua đêm. Sáng hôm sau nghe có tiếng chân và tiếng lao xao. Nhìn ra thấy 3 thằng trinh sát tiểu đoàn đi cách đó chừng chục mét. Cuống cả lên gọi ý ới rồi xin nhập bọn để về cùng. Cái chỗ chúng tôi nghỉ đêm cũng chỉ cách đơn vị dăm sáu trăm mét thôi chứ nhiều nhặn gì đâu, thế mới cú. Vậy là từ khi ra Saravan đến nay chưa đầy một tháng mà tôi đã bị lạc hai lần, mỗi lần mất toi một đêm rồi. Không biết còn mấy lần lạc nữa đây. Thế là lòng nhủ lòng từ nay đi lẻ phải tránh xa anh Thành và cố gắng tốt nhất là không bị cử đi lẻ nữa.

Ăn vội được suất cơm để từ tối hôm trước và thêm suất cơm sáng nữa, anh Quân cho mấy thằng chúng tôi tranh thủ nghỉ. Có tin chiều nay cả đại đội sẽ tập kết ra chốt B4 đánh địch dã ngoại. Trinh sát tiểu đoàn đã bám địch, phát hiện chúng có một đại đội và C6 được lệnh đánh cho chúng một trận. Thế là sau mấy tiếng nghỉ ngơi, chúng tôi lại chuẩn bị súng đạn cá nhân. Tất cả sẽ ăn cơm trưa, nhận cơm đùm một ngày rồi lên đường. Anh nuôi sẽ mang cơm cho B4.

Mọi chuyện chuẩn bị súng đạn cá nhân không có vấn đề gì. Tôi vẫn giữ AK với cơ số đạn 250 viên. Ra Saravan không mang thủ pháo mà mỗi lính phải đeo hai quả lựu đạn. Trận tới sẽ đánh vận động nên tôi buộc chéo hai băng đạn ngược chiều nhau để thao tác cho nhanh. Lúc này chúng tôi vẫn có thói quen đeo bao đạn (loại 1 băng) ở Xanh-tuya-rông, không có bao-xe. Lúc ấy tôi chưa biết, nhưng về sau thấy nếu có bao-xe thì sẽ có rất nhiều trường hợp lính ta tránh được thương vong không đáng có. Anh Quán A trưởng cũng mang AK, còn anh Thành mang M79. Trong trung đội chỉ có anh Trịnh là A trưởng mà thích cầm B40 thôi. Lúc trưa xuống bếp lấy cơm cho tiểu đội, tôi thấy nhiều người cãi cọ ầm ĩ về cơm nước. Hóa ra anh nuôi nấu cơm bị khê. Đổ ra cả một soong 20 cơm mà bị khê nên không ai muốn nhận. Lính tráng thì bảo anh nuôi vô trách nhiệm, làm thế này bằng giết anh em, ai còn dám đi đánh nhau. Anh nuôi thì bảo nó khê là nó khê chứ chúng tao nấu có phải chỉ có một nồi đâu, không ăn thì thôi. Tất nhiên gạo có hạn, không thể nấu nồi khác, giờ nếu sợ chỉ có cách chia nhau mấy nồi cơm chín, ăn ít đi vậy. Đấy là CTV nói thế chứ anh nuôi họ cũng không chịu trách nhiệm. Chuyện này về sau nói về số phận con người còn nặng nề nữa chứ chưa phải đã hết. Thế nhưng ở đâu thì cũng có những con người quả cảm. Anh Bớt là đảng viên phải gương mẫu nên bảo "sống chết có số, sợ đếch gì", còn anh Quán là đối tượng Đảng sắp kết nạp nên cũng cần phải gương mẫu. Thế là hai A trưởng ấy bê cả cục cơm to không thằng nào dám lấy ấy về cho tiểu đội mình. Tôi cũng phải nhận một cục to bọc vào miếng vải dù. Riêng phần cơm trưa hôm ấy thì tôi chưa dám ăn. Anh Trịnh thương tôi cho tôi ăn ké suất cơm trưa không bị khê của anh ấy. Còn một bọc cơm khê, tôi mang đi nhưng tự nhủ chưa ăn nên cũng chỉ thấy sợ ít thôi.

Hơn hai giờ chiều cả đại đội lên đường, nhằm hướng rừng bản Phôn Phai nơi B4 đang chốt. Hôm nay là ngày 18/11/1972, đúng một tháng sau ngày trung đoàn đánh căn cứ Ba Lào Ngam.

Đi cả đội hình, đúng đường nên chẳng mấy chốc đã tới nơi. Các cán bộ đại đội và trung đội trao đổi kế hoạch tác chiến. Theo trinh sát D thì cả một đại đội địch chỉ nằm cách B4 có hơn ba trăm mét thôi. Rừng thưa nhưng lắm ụ mối nên có nhìn cũng chẳng thấy gì phía xa. Chúng tôi sẽ chia thành hai cánh vận động theo hai gọng kìm bao lấy bọn địch. Chúng nó cũng chỉ có hố chiến đấu tơ hơ trên mặt đất thôi. Chúng tôi sẽ lợi dụng ụ mối bám sát, dập B40, B41 vào chỗ có địch rồi vận động lợi dụng ụ mối tiếp cận và tiêu diệt dần bọn địch. Nghe ngon lành thật đấy.

Chừng 4 giờ chiều chúng tôi bắt đầu xuất kích. B5 và B6 chia làm 2 cánh phía trước còn B4 vận động phía sau. Đoạn trăm mét đầu tiên không có vấn đề gì. Chúng tôi vận động kiểu vọt tiến bám nhau lần từ ụ mối này sang ụ mối khác tiến về hướng địch. Trăm mét thứ hai thận trọng và chậm hơn nhưng cũng rút dần được khoảng cách với địch. Trăm mét thứ ba áp sát địch thì có vấn đề. Thằng địch cũng có cảnh giới cẩn thận nên đã phát hiện thấy quân ta và ra tay trước. Thoạt đầu là mấy quả M72 của địch bắn tới nổ chói tai trên ụ mối. Liền sau đó là M79 "cốc, oành" liên tục. Chưa có tiếng đạn AR15. Tất cả chúng tôi bây giờ chia thành từng tốp bám vào các ụ mối để tránh đạn. Những cây khôộc nơi đây chỉ to cỡ bắp đùi không đủ để che chắn thân người. Thằng lính nào lỡ nằm nấp sau gốc cây chỉ một lát sau là phải nhắm ụ mối chạy tới. Chúng tôi nhìn ra nhưng quả tình cũng không trông rõ địch vì chúng cũng có ụ mối che chắn. Quân ta đành bắn bừa B40, B41 vào cạnh các ụ mối phía trước rồi lại dùng động tác vọt tiến xông lên, thay đổi vị trí liên tục. Cối M79 cũng bắn đại lên phía trước. Vượt thêm được vài ụ mối thì đạn thẳng của địch bắt đầu nổ ran. Toàn tiếng AR15 "rèn rẹt" và có cả tiếng cacbin "cắc bụp". Thằng địch không có trung liên bar. Phía ta xung kích cũng chỉ có AK, không có RPD hay đại liên. Vũ khí hai bên thế là tương ứng, hòa. Bây giờ chúng tôi cũng đã phải bắn AK nhưng chỉ lúc vọt tiến vượt ra chỗ trống mới phải vừa vận động vừa bắn để chế áp địch, chứ lúc tọt vào sau ụ mối thì cũng không nhìn rõ địch. Nghe tiếng súng bắn ra từ đâu thì địch ở nơi đó thôi.

Không hiểu sao lại có tiếng máy bay ù ù trên đầu. Rồi chẳng phải chờ lâu, từng chiếc T28 từ đâu bay đến và bổ nhào ném bom ngay vào giữa khoảng trống của ta và địch. Toàn là bom phát quang nên tiếng nổ to, đanh và hơi tạt rất mạnh dù chúng tôi nấp sau ụ mối. Chỉ có hai chiếc T28 thôi nhưng chúng thả bom từng quả một nên vòng vèo ù ù khá lâu. Thế là vừa vận động vừa phải ngó lên trời quan sát máy bay dè chừng. Nhiều thằng còn nằm ngửa chĩa AK lên bắn lại máy bay nhưng chẳng ăn thua gì. Giá có 12ly7 của C8 giá súng đàng hoàng mà nện máy bay, chắc cũng làm nên chuyện. Không biết T28 có trang bị đại liên không mà không thấy chúng bắn xuống ngoài việc thả bom. Thế cũng là một điều may. Rồi có lệnh đại đội cho đơn vị vận động thật nhanh áp sát địch chừng nào hay chừng ấy. Đúng là địch thả bom phát quang nên chúng tôi vượt qua khu trống mà không gặp hố bom. Cỏ nơi đây vốn đã xơ xác nên mặt đất trông vẫn thế, chỉ cảm nhận được mùi khói bom.

Trời tốinhanh lúc nào không biết. Chúng tôi đã tản ra rất rộng để đánh vào các ụ mối cóđịch. Có vẻ địch lùi dần. Đã nhìn thấy một vài xác địch khi vòng qua mấy ụ mối,chắc do ăn B40, B41 thôi chứ AK chắc chưa làm nên trò trống gì. Cảm giác lạigần giống như đánh đêm ở Ba Lào Ngam, khác chăng là địa hình nơi đây rộng, chảbiết đâu là điểm cuối. Đánh vận động bắn AK rất tốn đạn, dù chưa chắc đã trúngtên địch nào. Hai băng AK buộc chéo hết veo, bắn đến viên cuối của băng hẫngmột cái tưởng như hóc súng. Tôi vội tạtvào sau một ụ mối móc túi đạn rời ra lập cập lắp vào vỏ băng AK. Mấy thằng kháccũng lần lượt như vậy. Có đạn rồi lại tiếp tục xung phong và bắn tơi bời. Đạnbay chớp nhóa nhì nhằng trong màn đêm.


   Đêm tối càng xuống sâu, tiếng súng thưa dần. Bây giờ có tìm cũng chẳng biết địch nơi đâu, chưa kể bị chúng phục lại. Đại đội ra lệnh rút quân về chỗ chốt của B4. Từng tốp truyền khẩu lệnh í ới cho nhau rồi bám theo nhau rút về. Đội hình bây giờ lộn xộn không còn theo từng A, từng B như lúc xuất phát nữa. Chúng tôi về đến chốt B4 khá nhanh. Bây giờ thì các trung đội kiểm tra lại quân số và chia nhau trụ lại sau từng ụ mối. Tơ hơ trên đất thế thôi, chẳng có công sự gì. Lính B4 trợ lực phía sau còn sức nên đã vượt lên làm công tác thương binh tử sĩ. Đơn vị đã có tổn thất. A trưởng Bớt hy sinh, mắt vẫn mở to nét vẻ như còn ngạc nhiên không hiểu sao mình lại hy sinh. Anh Quân phải soi đèn pin và vuốt mắt cho anh ấy. Thằng Đức, thằng lính Hà nội cùng B5 mà cái dạo trong cao nguyên lúc nào đi lùng sục cũng đứng thẳng phưỡn người ra ấy, bị một phát đạn vào ngực bên phải thủng cả phổi, hơi ra phì phì, phải băng đến mấy cuộn quanh ngực trắng toát. Thằng Nhật, người cùng khu Cầu Giấy (Hà Nội) với nó, cõng nó chạy suốt từ trong khu giao chiến về chốt B4. A trưởng Quán của tôi thì mãi không thấy về. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh ấy là lúc tối anh ấy băng qua một bãi trống để sang ụ mối khác, liền sau đó một trái bom đã rơi ngay trước mặt tôi, ngăn cách tôi với anh ấy. Hết khói bom xung phong tiếp (gọi là xung phong nhưng thực chất là tiến dần lên chứ không phải chạy ào ào đâu) thì chẳng thấy anh ấy đâu, loay hoay một lúc thì sa vào tốp của B6 và chạy quấn theo họ. Anh Thành cũng mất tăm lúc đó nhưng lúc rút lui vẫn thấy lò dò về. Đại đội kiểm tra lại. Chẳng ai nhớ là đã nhìn thấy anh Quán gục ngã hay chạy hướng nào vì quả thực trời tối nhìn nhau trong khói đạn cứ nhập nhà nhập nhoạng. Tạm coi là mất tích. Đêm đó tất cả nằm chốt lại quanh các ụ mối ở khu vực chốt B4. Kiểm tra súng đạn thì chỉ có AK còn nhiều đạn (tới cả trăm viên), cối M79 còn hơn chục quả, riêng đạn B thì gần như hết sạch, chỉ còn của B4 thôi. Đêm đó đơn vị cáng thương binh tử sĩ về khu tập kết và lấy thêm đạn trên tiểu đoàn. Tôi không biết rõ tiểu đoàn bộ đóng chỗ nào nhưng về lý thì nó phải nằm gần một C nào đó, chếch về phía sau và kiểu gì cũng nằm ở thế có các C bộ binh bao bọc.

Sáng hôm sau, cơm nước xong độ khoảng chín mười giờ sáng thì B5 được lệnh lùng sục trở lại khu chiến sự tối hôm qua kiểm tra tình hình và tìm kiếm xác anh Quán nếu anh ấy hy sinh. Tôi được phân công đi đầu. Lúc này trời sáng, có nắng to nên mọi thứ nhìn rõ lắm. Kể cả cán bộ B thì tất cả chỉ có 6 lính. Chúng tôi mang 1 M79, 1 B40, còn lại AK. Anh Quân dự đoán địch rút rồi nhưng dặn tôi vẫn nên thận trọng. Chuyện ấy thực ra chả cần dặn vì tôi là thằng đi đầu, vốn không có cái tác phong đi "phưỡn" như thằng Đức nên tất phải lom khom và căng mắt ra quan sát. Khoảng chục cái ụ mối đầu thì vượt qua yên lành. Nhằm phía trước đi nhưng vẫn phải lò dò hướng sau từng ụ mối để có sự che chắn. Vào đến sâu trong khu chiến sự hôm qua, khi tôi vừa định men vòng sau một ụ mối để tiến lên phía trước thì nghe "Cốc" rồi "bùm" một phát ngay trên cành cây trên ụ mối phía trên đầu nhưng không trực diện. Tôi vội lùi nhanh một bước nằm sát vào sau ụ mối tránh đạn. Bọn địch chưa rút, chúng còn trụ lại và ngồi im trong các hố chiến đấu. Thằng địch cầm M79 ngồi thẳng hướng tôi tiến chợt thấy tôi chắc giật mình bắn vội nên không nhằm trúng mặt tôi mà lại tương cao vổng lên cành cây trên ụ mối, cối nổ mà mảnh không hắt thẳng vào tôi. Quá may. Ngay lập tức đạn AR 15 rộ lên. Tôi cũng chĩa AK quạt về phía địch, tất nhiên chẳng trúng tên nào. Đội hình 5 chiến sĩ ta đằng sau cũng vội nép theo hình hàng dọc lấy cái ụ mối duy nhất làm vật che khuất. Địch vẫn bắn nhưng không xung phong. Anh Quân nhoài lên nắm chân tôi lắc mạnh ra hiệu rút. Chúng tôi bò lùi rất nhanh, loằng ngoằng như những con thằn lằn rời xa dần sau ụ mối. Khi khoảng cách đủ xa thì lom khom lùi rồi cứ thế vừa quan sát địch vừa lùi theo hướng đã đến. Địch bắn chán một hồi không thấy ta bắn lại nữa thì cũng thôi. Thây kệ chúng nó, chúng tôi rút một mạch về chốt B4.

Như vậy là địch vẫn còn trụ lại. Phải tìm cách khác chứ không thể đánh trực diện như chiều tối qua được. Nghĩ lại vừa rồi cũng may. Tôi lao vào chỗ thằng cầm M79 chứ nếu lao vào thằng AR15 thì nó đã tương cho tôi một loạt vào giữa mặt rồi, vì AR linh hoạt hơn. Cũng vì chúng tôi chỉ bắn trả vài loạt rồi rút nhanh, địch chưa kịp phán đoán tình thế nên chúng cũng chỉ ngồi im. Thằng chỉ huy bên địch mà nắm nhanh được tình hình cho quân tản ra bao lấy chúng tôi thì chắc 6 người chúng tôi không thể rút về được an toàn. Bây giờ tại khu chốt này chỉ còn B5 và B4. B6 đã rút về cùng đại đội tại khu tập kết và làm công tác thương binh tử sĩ. Sau này tôi nghe nói lại khi khiêng anh Bớt về, mọi người ở nhà không mấy tỏ ra ngạc nhiên. Anh Thiết quản lý đại đội còn coi như đó là một điềm đã được báo trước sau vụ cơm khê. Anh ấy còn phán đoán anh Quán cũng đã hy sinh chứ không thể bị địch bắt được. Lúc này B5 chỉ còn 2 A trưởng, quân số ít nên tôi và anh Thành được ghép sang các A khác. Tôi lại về A anh Trịnh, anh Thành về A thằng Lễ. Đó cũng là một niềm vui may mắn và có phần cảm thấy hạnh phúc, dù nhỏ nhoi.

Hơn nửa ngày trời nằm phơi nắng trong rừng khôộc. Vài ụ mối cây cối lưa thưa không đủ tán che nắng. Những cây khôộc cũng vậy. Gọi là rừng vì bạt ngàn nơi đây chỉ có loại cây này làm chủ và nó cũng chẳng phải do người trồng chứ thực ra chúng mọc thưa lắm. Lá khôộc to nhưng ít và khi nắng lên chúng xoăn lại, chẳng còn che được nắng. Lúc này mũ mãng mất hết cả rồi, chúng tôi phải lấy lá khôộc sâu lại thành cái mũ giống như ngày bé hay lấy lá bàng kết mũ cánh chuồn giả làm quan để che nắng. Cũng tạm ổn. Thời gian trôi qua trong tĩnh lặng vì nơi đây cũng chẳng có tiếng chim chóc hay côn trùng. Chỉ có tiếng gì o o đều đều trong nắng, nhưng hình như phát ra từ chính cái đầu của mình thì phải. Ta với địch không nhìn thấy nhau, chắc cũng đều cảnh giới nhưng cũng chẳng làm gì nhau. Tôi vơ vẫn nghĩ đánh nhau kiểu này cũng quấy thật. Tất cả đều tơ hơ trên đất, một vài hố chiến đấu chẳng bõ bèn gì, nếu như bên nào có nhiều đạn cối mà tổ chức tập kích đối phương ngay giữa ban ngày thì bên kia chắc phải chạy như vịt chứ còn chốt giữ gì được nữa.

Trời tối, anh Quân phổ biến B5 chúng tôi phải quay lại khu vực đánh nhau hôm trước một lần nữa để nắm tình hình. Nếu địch rút thì kiểm tra lại khu vực đó, nếu địch còn trụ lại thì trinh sát nắm địch luôn rồi xin đại đội tập trung đánh tiếp cho chúng một trận nữa. Tôi nghe nhưng vẫn nghĩ rằng cái chính là vì chưa biết tin về anh Quán nên phải trở lại nơi đó thôi chứ nắm địch cái gì. Trinh sát tiểu đoàn đâu mà giao phó cả cho chúng tôi. Hơn nữa nếu đánh chắc tiểu đoàn phải bổ sung lực lượng chứ hôm trước chúng tôi đã đánh rồi đấy mà có ăn thua gì đâu. Tôi nói điều đấy với anh Trịnh và anh cũng đồng tình, chắc nhiệm vụ tìm tử sĩ là chính thôi. Phải muộn muộn thì chúng tôi mới lên đường. Lần này anh Quân không đi mà giao cho anh Trịnh phụ trách nên tôi càng tin điều phán đoán của mình là đúng. Tôi cũng yên tâm phần nào với anh Trịnh, chứ nếu thằng Lễ phụ trách nhóm thì chắc hết hơi. Vẫn 6 lính và tôi vẫn phải đi đầu, chẳng cãi được.

Chẳng biết hôm nay bao nhiêu âm, không có trăng nhưng trời cứ sáng bàng bạc. Tầm quan sát tới vài chục mét. Chúng tôi vượt rất nhanh qua khoảng cách ban đầu từ vị trí chốt B4 đến cái ụ mối gần sát chỗ ban sáng gặp địch. Tới đây chúng tôi giãn thưa hơn, nhưng anh Trịnh vẫn bám sát ngay sau tôi nên tôi thấy rất yên tâm. Tôi nằm rạp xuống đất khá lâu, lợi dụng cái ánh sáng bàng bạc mà nhìn vào khoảng rừng trống trước mặt. Không phát hiện được gì, kể cả việc cố căng tai ra nghe và hít ngửi trong gió để tìm một điều gì đó đặc biệt. Vẫn tĩnh lặng. Tôi tiến về phía cái ụ mối bị địch bắn M79 hồi sáng, nhưng không tiến thẳng vào đó mà vòng rộng ra bên ngoài để quan sát được cả phía sau ụ mối. Đoạn cuối cùng là bò, nhè nhẹ như khi bò trong hàng rào đặt mìn định hướng. Tốc độ bò chậm và thời gian có lúc tưởng như ngừng trôi. Thằng Lễ chừng sốt ruột nên bò nhanh lên sát trên để giục anh Trịnh. Thằng này nói tiếng gió rất kém, cổ họng phát ra tiếng khàn khàn rất khó chịu vì cố nói nhỏ mà không phải tiếng gió. Tôi xoay người lại ra hiệu cho anh Trịnh là phải thận trọng, không thể vội được. Thế là anh Trịnh phải bò lùi lại xoay cái bàn chân như xoa vào mặt thằng Lễ, nó mới im. Chúng tôi vẫn tiếp tục bò. Rồi trước mặt tôi là cả một khoảng trống rộng của cái vùng địch đóng quân lúc sáng. Nếu có địch phục, chắc hai bên phải nổ súng đánh nhau to rồi. Tôi đã sờ được vào một cái công sự mà không thấy địch, hố trống trơn. Rồi một lúc sau chúng tôi đã bám được vào một dãy công sự, toàn hố không. Anh Trịnh phân công nhóm thằng Lễ nằm bám trụ lại một số công sự sẵn sàng chi viện, còn lại 3 người trong đó có anh và tôi tiếp tục tiến lên. Bây giờ thì chúng tôi không phải bò mà lom khom chuyển từ công sự này sang công sự khác. Ở đây chỉ có hố chiến đấu, không có giao thông hào. Vượt qua khu vực công sự, anh Trịnh còn cho đi rộng ra thêm, đề phòng địch lùi xa một đoạn, dùng khu công sự này làm bẫy. Sau cùng thì xác định chắc chắn địch đã rút. Chúng tôi kiểm tra toàn bộ, có chừng hơn bốn chục cái hố và phát hiện có 12 cái hố lấp đất có vẻ như chôn người chết. Nống ra vùng giải phóng Saravan này của ta, lại phân tán và di chuyển liên tục nên địch cũng không thể mang xác những tên chết đi đâu được mà phải chôn tại chỗ sau mỗi trận đánh. Chúng tôi kiểm tra kỹ nhưng không thấy gì thêm. Rất có khả năng địch đã chôn cả xác anh Quán vào một trong những cái hố này nếu anh ấy hy sinh. Trường hợp bị bắt làm tù binh thì phải đợi nghe đài kỹ thuật của địch sau này mới biết được. Chúng tôi hội ý nhanh, thấy rằng không thể bới tất cả 12 cái hố này để kiểm tra lại xác trong đêm nên quyết định sẽ quay về báo cáo để cấp trên xử lý tiếp.

Chúng tôi về đến chốt B4 thì cũng phải đến mấy giờ sáng rồi, vì sau đó thời gian được ngủ rất ít. Đến sáng, anh Quân cho người về đại đội báo cáo xin chỉ thị, còn lại một B rưỡi chưa đến hai chục người vẫn nằm lại chốt. Chắc cứ nằm tạm ở đây chờ lệnh thôi chứ địch ở khu rừng bản Phôn Phai rút rồi thì chặn cái gì. Có lẽ phải chờ trinh sát D nắm lại tình hình địch để tiểu đoàn sắp xếp lại vị trí tác chiến của các C.

Sáng hôm ấy trong khi chờ tin của đại đội thì anh Chèo B trưởng B4 lại phát hiện thấy địch, cũng phải đến bốn chục thằng, hành quân xéo qua về phía Bản Na Thon là bản mà đại đội tôi đang ở gần đó. Anh Chèo cũng là loại máu đánh nhau, hơn nữa hôm kia đánh trận vận động Phôn Phai thì B4 lại ở phía sau làm công tác thương binh tử sĩ, chưa được nổ súng. Thế là anh ấy kéo tất cả quân hỗn hợp 2 B vận động chặn đường. Địch đi đường thẳng còn chúng tôi chạy đường vòng, lại phải vòng rộng để vừa giữ bí mật vừa có thể đón đầu nên chạy bở hết cả hơi tai. Dẫu đoạn đường chạy chỉ chừng cây số, nhưng không đơn giản vì rừng khôộc thưa quá. Vì thế chưa kịp đón đầu thì địch đã phát hiện ra chúng tôi. Chúng bắn loạn xạ ngay lập tức bằng đủ các thứ súng có trong tay. Chúng tôi cũng bắn lại, nhưng chỉ có AK, M79 và B41, còn B40 thì đuối tầm nên chịu. Cũng không thể vận động mà đuổi theo chúng vì chúng đông hơn. Tôi cũng thấy lo vì thế này thì lại lâm vào tình thế giống như trận vận động bữa trước, đánh giặc mà cứ như ép phải đánh nhau vậy. Nhưng sau đó tiếng súng cứ nhỏ và thưa dần. Hóa ra thằng địch cũng né tránh giao tranh và rẽ sang hướng khác đi dần rồi mất hút. Chúng tôi nằm lại ngay tại chỗ để thở, vừa mệt vừa chán chẳng muốn làm gì nữa. Đến trưa thì có liên lạc từ đại đội đến báo tất cả phải rút về điểm tập kết cùng đại đội để chuyển hướng khác. Thế là chuyện tìm xác anh Quán phải để lại.

Không ngờchiến sự đã kéo chúng tôi đi mãi khỏi khu rừng bản Phôn Phai từ đó và khôngquay trở lại. Sau này tiểu đoàn đã xác nhận và đưa anh Quán vào danh sách hysinh. Việc quy tập liệt sĩ ở Saravan sau chiến tranh làm rất lôm côm và khôngchu đáo nhất là như trường hợp của anh Quán. Rất có thể cho đến bây giờ Atrưởng Quán của chúng tôi vẫn yên nghỉ tại cánh rừng Phôn Phai đó cùng 11 ngườilính Fumi xấu số. Chiến tranh đã lùi xa, thù hận không còn nữa, cầu cho linhhồn của những người lính đã ngã xuống của cả hai bên trong trận đánh vận độngngày 18 tháng 11 năm 1972 ở cánh rừng bản Phôn Phai ấy được siêu thoát. 


Tập kết về khu rừng bản Na Thon được nửa ngày thì chúng tôi nhận lệnh hành quân về hướng Đông. Cả tiểu đoàn tiến sát về khu vực Nam thị xã Saravan. Không biết cái thị xã này hình thù và rộng lớn ra sao, hay cũng chỉ nhỏ bé và lèo tèo vài dãy phố như những thị xã ngoài Bắc mà chúng tôi đã đi qua. Tuy thế tôi cũng nhận ra một vài đoạn đường đất ô-tô có thể chạy. Nơi đây là bình nguyên nên có thể nói là không tốn công làm đường vì nền của nó đã có sẵn, rất cứng. Chỉ cần tạo đường sao cho đừng vấp phải khe suối hay húc vào ụ mối là được. Nhiều đoạn khá hơn cũng chỉ như đường đá dăm, không thấy đường nhựa. Có điều nơi đây các nhà sàn tập trung đông hơn tuy đều đã xập xệ, cái bị mất một góc, cái bị cháy dở và đa phần không còn mái tôn che. Trong các bản chúng tôi đã qua có dân ở, nhưng ở khu vực gọi là vùng thị xã này thì bị bỏ hoang, không có dân. Nơi đây cây khôộc mọc thưa thớt và quanh đó cũng như quanh các khu nhà cỏ dại qua một mùa mưa mọc xanh um cao đến ngang đầu dù đã hết mùa mưa. Giữa các khu nhà không có lối đi, toàn phải đạp thành đường. Ngồi dưới nhà sàn này thì không nhìn thấy người ngồi dưới nhà sàn bên cạnh. Cảm giác lạnh lưng hở sườn không còn nhưng tầm bao quát thì gần như bằng không.

Đại đội chúng tôi tập trung tại một khu vực có nhiều nhà sàn gần một con đường nhỏ. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã thu dọn xong chỗ nghỉ, đạp cỏ bẹp xuống thành lối đi lại qua các trung đội. Các tiểu đội đều ở dưới nhà sàn, có sàn gỗ phía trên nên dù không đào hầm cũng cảm thấy kín đáo. Lính tráng tổ chức nhận bổ sung đạn còn các cán bộ từ B trở lên đi họp bàn phương án tác chiến. Chẳng biết tiểu đoàn chở đạn dược đến bằng cách nào nhưng chỗ lấy đạn cũng nằm cạnh đường chỉ cách chúng tôi vài trăm mét. Có lệnh lau súng và kiểm tra cặn kẽ. Đúng là cả tuần vừa rồi chúng tôi không lau súng, rất may không ai bị tắc súng lần nào. Buổi chiều tối tất cả tập trung nghe lệnh. Lần này chúng tôi tác chiến theo một kiểu mới gọi là đánh theo mệnh lệnh. Điều này gần giống với đánh vận động, không có trinh sát chuẩn bị và sau đó lên phương án tác chiến trước. Trung đoàn chỉ xem bản đồ, yêu cầu đến ngày đó tiểu đoàn này phải đứng chân được ở chỗ này. Tiểu đoàn lại giao cho từng C hành quân đến vị trí được phân công. Có trinh sát đi trước, gặp địch đâu là đánh đó và phải chiếm vị trí bằng được, bất kể tổn thất ra sao. Đúng là làm tướng điều quân như đánh cờ. Nhưng thật tình lúc đó chúng tôi chẳng nghĩ gì nhiều, lệnh trên sao thì nghe vậy. Với lại cả làng lúc ấy như thế chứ có phải riêng gì C tôi.

Dù trong gian khổ thế nào thì cuộc sống của người lính nhiều khi cũng có hương vị riêng mang bản tính của từng người xen vào, nghịch ngợm hoặc tếu táo nhiều khi đến bất mờ mà mang đậm bản sắc lính. Chính trị Viên C tôi vốn cũng hiền lành, nhưng khá nguyên tắc. Chỉ có cùng cấp mới trêu được anh ấy thôi. Một lần đại đội hành quân chui vào một đám rừng non và trú quân qua đêm. Hành quân dã ngoại thì đương nhiên là vệ sinh kiểu hố mèo, nhưng lần ấy không có C trưởng, CTV lại cẩn thận phổ biến nguyên tắc ấy cho đại đội, còn dặn thêm là phải đi xa chỗ võng của mình cho khỏi mất vệ sinh. Gần đến giờ gác, CTV khoan khoái leo lên võng ngủ thì phát hiện ngay cách võng mình chỉ độ 2 mét có một bóng đen lúi cúi, rồi nghe tiếng động phát ra và có mùi khó chịu.

- Thằng nào làm gì đấy, CTV quát.

- Hùng đây - C phó Hùng trả lời - ỉa chứ còn làm gì nữa.

- Ơ kìa, sao ông lại đến đầu võng của tôi mà ỉa hả.

- Thì hồi chiều ông bảo phải đi xa võng của mình còn gì. Chỗ này cách võng tôi hơn chục mét rồi ấy chứ.

CTV định vặc tiếp nhưng chợt nhận ra C phó Hùng cố tình tai quái, đành làu bàu ngồi dậy quấn võng tìm đến chỗ khác.

Những chuyện kiểu như thế sẽ còn truyền tai trong đơn vị mãi về sau, mỗi khi nhắc đến tên các anh ấy.

Trở lại chuyện trú quân ở thị xã Saravan. Chiều hôm sau, trước khi xuất kích, anh Quân ra lệnh kiểm tra súng, lên đạn sẵn. Của đáng tội, từ sau trận bản Soan, lúc nào súng tôi chả lên đạn sẵn, bao giờ băng và súng chả đủ 31 viên. Nhưng lệnh kiểm tra thì cứ kiểm tra. Tôi có kiểu kiểm tra riêng, vẫn để nguyên chốt an toàn, chỉ cần kéo mạnh quy lát là nhìn thấy rõ thân viên đạn đồng nếu như nó đã lên nòng. Không như người khác phải chổng nòng súng lên trời hay chĩa xuống đất, tôi cứ tự nhiên quay súng ra chỗ sáng nhất là được, dù nòng súng quay ngang. Không ngờ đang quay như thế thì anh Chèo B4 đi tới đứng ngay trước nòng súng. Chẳng phải cướp cò gì, nhưng anh ấy hoảng quá kêu toáng lên, dìm cái nòng súng của tôi xuống và giáng cho tôi một cái tát. Tôi tức lắm nhưng chẳng dám phản ứng, phân trần thì anh ấy không nghe, sau anh Trịnh phải xin và mắng vờ tôi mấy câu thì mới yên. Chuyện này về sau tôi cũng không để bụng được vì anh Chèo đánh địch rất giỏi và chỉ hơn nửa năm sau thôi anh ấy đã là đại đội trưởng của chúng tôi rồi.

Đêm ấy chúng tôi theo trinh sát đi theo hướng đã phân công. Trinh sát cũng chẳng đi trước chúng tôi được bao nhiêu. Họ tới đâu chúng tôi bám tới đó. Có điều đặc biệt là trong cái khu thị xã Saravan này, không biết ngày trước địch phân khu hay bố phòng kiểu gì mà lắm hàng rào thép gai thế. Thuần một loại rào đơn thôi nhưng chúng căng ngang dọc như bàn cờ. Cắm đầu cắm cổ đi vấp phải, thế là tắc, lại phải tìm quanh lối khác. Cứ lò dò theo trinh sát như vậy, chẳng thấy địch đâu mà có lẽ cũng chẳng đi được bao nhiêu đường đất. Các C khác chắc cũng như C tôi vì chẳng thấy hướng nào có tiếng súng. Nhưng xa lắm thỉnh thoảng vẫn nghe có tiếng súng và ánh sáng nhập nhoạng chập chờn của pháo sáng hắt lại nhưng ở tít trên cao.

Bây giờ trong cái âm u mịt mùng của cỏ cây và đêm tối mà thi thoảng xen lẫn chút ánh sáng hắt từ xa tít trên trời cao ấy, cộng với chân chùn vì phải đi ít đứng nhiều chờ trinh sát dò đường, vai mỏi như tê đi vì đeo nặng, thỉnh thoảng phải nghiêng người xoay bả vai cho quai ba lô dỡ tỳ nặng từng bên vai một, tôi lại lờ mờ nhớ về những chuyện ở Saravan khi trước mà các anh lính cựu trong C tôi đã kể.

Đầu mùa mưa năm 1970, trung đoàn 9B hành quân từ Quảng Bình vào làm thê đội 2 cho Sư 2 của ông Nguyễn Chơn từ Quảng Ngãi sang đánh Saravan (Nam Lào) để mở rộng vùng giải phóng và đẩy địch ra xa khỏi tuyến đường Tây Trường Sơn của Đoàn 559. Sư 2 đã có tiếng thiện chiến và dũng mãnh, nghe nói hầu như không có lính Bắc và trong các đơn vị chiến đấu lại có cả nữ nữa, dù họ chỉ làm nhiệm vụ thông tin hay quân y. Sư 2 vào Saravan đánh đâu thắng đó, trung đoàn 9B chủ yếu làm nhiệm vụ tảo thanh và đánh các đơn vị nhỏ của địch chạy bung ra ngoài rìa. Chiến sự đến đâu, dân Lào trong thị xã di tản tới đó, họ bỏ tất cả để vào Pắc xế. Chỉ có dân các bản vùng xung quanh là chạy ít ngày tránh tên bay đạn lạc rồi lại trở về. Kiểu này làm lính ta liên tưởng đến những thành phần dân cư thành thị và nông thôn bên Việt Nam thời chống Pháp. Lính E9 đi sau hưởng lợi về hậu cần từ các vùng dân rất nhiều. Có vẻ như lính sư 2 chấp hành chính sách dân vận tốt hơn. Tuy nhiên về chính sách thương binh tử sĩ thì họ làm lại hơi kém. Họ không lập các khu nghĩa trang tạm thời rồi quy tập lại một cách bài bản sau đó như trung đoàn 9B. Chính vì thế trên con đường 23 vào Saravan rồi từ đó chạy vào cao nguyên Boloven có nhiều nấm đất chôn tử sĩ của sư 2 sát ngay bên đường, có vẻ như hy sinh tại đâu thì chôn ngay quanh đó. Khi mùa mưa đi qua mới một nữa, dưới những trận mưa rừng như trút nước và dai dẳng, đất trên các nấm mộ đắp vội trôi đi để lộ ra cả hình hài của liệt sĩ. Có xác những chiến sĩ nữ không được bọc tăng võng, mái tóc dài theo nước xoải dài ra bên lề đường. Trung đoàn 9B phải làm lại công tác tử sỹ để những người đã hy sinh được nằm yên dưới lòng đất. Thật thương những người con gái ấy, nhất là khi thông tin kèm theo xác họ chẳng có gì. Danh mộ những liệt sĩ vô danh lại tăng lên.

Về kinh nghiệm tác chiến thì trong E9B lại truyền tụng một câu chuyện nữa. Trong Sư 2 khi ấy có một vị tiểu đoàn trưởng mới 22 tuổi (sau này anh ấy đã trở thành sư trưởng sư 2 thay tướng Chơn, hình như là sư trưởng trẻ nhất trong quân đội ta thời chống Mỹ, tên là Hồng Anh thì phải), nhưng trong E9B cũng có một tiểu đoàn trưởng trẻ không kém. Đó là D trưởng K18 Lê Quang Huân, cựu dũng sĩ Mậu thân 68 ở thành Huế, lên năm quyền lúc 23 tuổi. Anh là D trưởng nổi tiếng trong trung đoàn (tới thời kỳ 1974 thì anh Huân là E trưởng E19 của sư 968). Đầu mùa khô 1970, cả tiểu đoàn của anh Hồng Anh và K18 của anh Huân cùng vào Cao nguyên Boloven để chuẩn bị đánh địch ở Păc soong. Khi đó địch cũng hay rải thảm B52 ở Nam Lào. Lúc chọn chỗ đóng quân, K18 được chọn trước. Anh Huân cho K18 đóng ven rìa một cánh rừng già, có suối to chảy qua. Hầm thùng và hầm chữ A (nhất là D bộ) làm kiên cố, đường đi lối lại giữa các đơn vị thênh thang rợp bóng mát. Tiểu đoàn của anh Hồng Anh chỉ đóng cách đó chừng dăm trăm mét, nhưng lại chọn chỗ trú quân giữa đồi lau lách bạt ngàn. Hầm chữ A làm bình thường, đường đi lối lại phải vít các ngọn cây lau để ngụy trang, đi lại phải lom khom. Chân đồi lau cũng có nước, nhưng chỉ là lạch nhỏ, muốn lấy nước phải tạo hố cho nước chảy vào rồi múc. Tất nhiên trong rừng lau thì chuyện nấu nướng phải cẩn thận hơn và sinh hoạt tất có phần kém thoải mái. Khi đó K18 có ý nghĩ là lính sư 2 quen khổ nên tự đày ải nhau nhiều quá mà thôi.

Kết qủa cuối cùng lại phải nhờ kẻ địch phán xét. Trú quân chưa được một tuần, một chiều thấy 3 chiếc F105 bay sạt nóc rừng qua khu trú quân, tiếng động ầm ầm. Chừng hơn chục phút sau, chỉ nghe tiếng gió hút của bom rơi rồi cả khu rừng mịt mù trong khói bom. Ba vệt bom B52 đã làm trụi khu rừng già. K18 bị tổn thất nhưng không nhiều do đóng quân chủ yếu ra rìa rừng già nên chỉ dính tí vệt B52. Nếu cả D nằm sâu trong rừng già, chắc đoàn Hà Nội chúng tôi không bao giờ biết đến K18 anh hùng của E9B anh hùng nữa. Sau đấy ban chỉ huy của cả 2 tiểu đoàn hội ngộ. Lính K18 ngả mũ chào cảm phục những người lính của sư 2 anh hùng. Quá thiện chiến và quá dày dạn, kinh nghiệm đầy mình. Sau đó ít lâu, sư 2 rút hẳn về nước, bàn giao lại toàn bộ địa bàn Saravan và cao nguyên cho E9B và sư 968.

Thị xã Saravan dân không về ở nên giờ đây hoang tàn. Địch nống ra chắc cũng phải sửa sang lại nhiều mới có chỗ đóng quân.

Đêm hôm đóchúng tôi đi mãi mà không gặp địch, nhưng quãng đường đi được không xa. Tới sáng,chúng tôi phải dừng lại, còn trinh sát tiểu đoàn tiếp tục lên đường bám địch. 


Nằm nghỉ được một ngày, gần tối lên đường đi tiếp vì trinh sát đã phát hiện chỗ có địch. Hóa ra nơi đây vẫn chưa phải là khu sở chỉ huy của địch. Chỉ có một đại đội của địch, hình như nằm vòng tiền tiêu canh chừng. Chúng nó cũng đóng trong một khu nhà bỏ nhưng quang đãng hơn chỗ chúng tôi trú hơn trước nhiều. Tiểu đoàn cho cả C6 và C7 chủ công cùng đánh, có điều vẫn phải đánh đêm dù không phải là sở trường của chúng tôi. Lần này có cối 82 của tiểu đoàn chi viện cho mấy chục quả, còn chủ yếu là 2 khẩu cối 60 của 2 C bộ binh. Địch đóng dã ngoại, không có hàng rào nhưng chúng giá mìn Cleimo xung quanh để tạo lớp vỏ bảo vệ. Cả 2 đại đội được cấp mìn DH10 để quét mìn Cleimo. Cũng chả xác định rõ lắm vị trí địch vì không có hàng rào, nhưng cũng không dám bò vào sâu quá, sợ khi vô tình nằm ngay sát trước quả mìn Cleimo mà bị lộ, địch nó bấm mìn nổ thì đi cả lũ. Chúng tôi chỉ giá ước chừng 4 quả DH10 thẳng hướng sẽ xung phong, lần này bố trí theo hàng nằm ngang. Do không có nhiều thời gian, chỉ lấy tiếng cối 82 làm hiệu lệnh nên phải làm khẩn trương. Chừng 7 giờ tối thì nghe tiếng cối 82 bắn vào khu vực địch, chúng tôi bấm mìn. Hướng C7 cũng nghe mìn định hướng nổ "rầm" rất to rồi cối 60 bắt đầu bắn. Tiếng "Tốc" đầu nòng nghe khá đanh. Bọn địch nằm im chịu trận vì chúng nghĩ bị ta tập kích. Chừng 5 phút sau khi mấy chục quả cối các loại đã bắn hết, đến lượt bộ binh lên. Chúng tôi dập một loạt đạn B vào khu trước mặt rồi tiến lên. Chỗ này không như căn cứ có khu đầu cầu mà phải tiến nhanh, chúng tôi đánh như kiểu vận động. Vừa bắn vừa tiến lên và bám vào các mốc làm vật chướng ngại. Chỗ này chủ yếu là các cột nhà và gốc cây nhỏ. Địch nổ súng bắn lại ngay nên cũng dễ xác định những vị trí có địch. Hỏa lực B40 cứ nhằm các nhà sàn mà bắn, trúng nhà nào nhà ấy cháy liền. Chỗ này cối cá nhân cũng có nhiều tác dụng vì khá quang, có thể bắn cầu vồng. Tôi bám sát ngay bên trái anh Trịnh. Hễ anh Trịnh tương B40 vào đâu là tôi choang ngay một quả US vào cạnh đấy rồi vừa quét AK vừa vọt lên. Mỗi người chỉ mang 2 quả lựu đạn, anh Trịnh phải đưa cho tôi cả lựu đạn của anh ấy. Mỗi nhà sàn phải ăn đến mấy quả đạn B. Không gian nóng hẳn lên với những ngôi nhà cháy, lửa sáng bập bùng. Nhờ ánh lửa nên quan sát khá tốt. Quân ta đông hơn nên đánh vòng ngoài khá gọn. Địch bị cối dập cho một loạt lúc đầu, lại bị quân ta đánh cả hai phía trong điều kiện chúng không có hỏa lực mạnh nên thiệt hại và nhanh chóng co cụm lùi lại. Ngoài mấy trái M72 lúc đầu, địch chỉ còn cối cá nhân M79 và súng bắn thẳng. Hướng C tôi có chừng 3 cái nhà sàn bị cháy sập, chừng hơn chục xác địch gục bên những công sự đào ngay dưới gầm nhà sàn. Lúc tôi vừa nép vào một cột nhà để tráo lại băng đạn vừa hết thì một mảng sàn nhà cháy sập xuống, may anh Trịnh kịp kéo tôi ngã ngửa trở lại. Trận này địch cụm lại, quân ta đông nên chúng tôi bắn như đổ đạn vào những chỗ có tiếng súng địch. Cả đại đội có 6 khẩu hỏa lực B mà bắn gần hết đạn vào các khu nhà sàn, chưa kể M79. Tôi chưa bắn hết băng đạn thứ hai thì C6 đã hội quân được với C7. Địch chỉ bị tiêu diệt một phần, số còn lại đã chuồn theo hướng khác. Chúng nó là thổ dân, lại chủ động nên rút lui rất nhanh. Vì đánh theo mệnh lệnh, mục tiêu chính là chiếm được khu vực đã định trước nên tiểu đoàn đã không bố trí lực lượng đón lõng ở hướng thứ ba. Chúng tôi tạm thời nằm trụ lại, tảo thanh tại chỗ và xem lại súng đạn. Tôi vừa lắp thêm đạn AK, vừa nhìn quanh. Nhà sàn cháy rất nhiều, lửa đỏ bập bùng cả một khu vực rộng lớn. Nghe tin C7 bị hy sinh 1 còn C6 chúng tôi có 2 người bị thương phải cáng về phía sau. Thế là mỗi trận đánh lại hao hụt một ít, quân số vơi dần.

Hôm sau trinh sát tiểu đoàn bám địch luôn từ sớm, tìm xem bọn địch hôm qua rút đi đâu. Nắm được địch chỉ rút đi xa chừng cây số rồi trụ lại, tiểu đoàn cho đánh tiếp. Lần này C5 và C7 đánh, còn C6 chúng tôi vòng ra ngoài đường đất theo hướng Đông để chặn địch nếu chúng rút tiếp về khu sân bay cũ của thị xã. Đấy là nghe nói thế chứ tôi đã nhìn thấy sân bay nào đâu. Chúng tôi chia làm 3 cụm, mỗi cụm một trung đội tạo thành một cánh cung vòng kiềng nằm cách khu vực có địch tới dăm sáu trăm mét, men theo một con đường đất nhưng cách xa ra tới vài chục mét. Chỗ này lại là rừng khôộc thưa rồi, tầm quan sát rất rộng. Đấy là áng chừng vậy thôi chứ lúc này trời đêm nên mọi thứ vẫn cứ nhờ nhờ. Đại đội bắt chúng tôi đất cứng đến đâu cũng phải đào được một cái hố nằm kín người. Chúng tôi quen đào hầm đêm rồi, chỗ này lại tự do đào không phải giữ bí mật nên cũng khá thuận lợi. Còn đang đào hầm dở thì đã nghe tiếng súng của C5 và C7 nổ ầm ầm. Một khoảng trời phía xa nhập nhoàng ánh đỏ nhưng không sáng bằng khi địch thả pháo sáng. Cũng chỉ chừng hai chục phút thôi là tiếng súng lịm dần rồi im hẳn. Chắc quân ta làm chủ trận địa ngon ơ rồi vì cái đại đội địch ấy cũng đã bị đánh xơ xác từ đêm trước. Chúng tôi căng mắt ra chờ những thằng tháo chạy qua đây. Song chờ mãi cũng chẳng thấy gì, có lẽ địch bị tiêu diệt hết rồi chăng.

Sáng rõ mặt người, đang nhai cục cơm nếp nguội khô thì chúng tôi phát hiện thấy hai tên địch từ xa đi lại. Chắc đêm qua chúng lẩn trốn ở đâu bây giờ mới mò ra tìm đường chuồn. Chúng đeo súng AR 15 trên vai chứ không phải cầm trên tay trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Chúng cứ lõng thõng chậm rãi theo con đường đất mà đi, xem ra thì chỉ có B5 chúng tôi gần chúng nhất. Chúng tôi nằm im và giương súng chờ đợi. Anh Quân chưa cho lệnh bắn vì nghĩ có thể địch còn có nhiều hơn. Lúc hai thằng đi ngang tới gần vị trí chúng tôi nhất thì tự nhiên anh Thành lại làm rơi khẩu M79 đánh "cộc" một cái xuống đất. Một thằng địch nghe thấy chợt đứng lại nghe ngóng nhưng súng vẫn khoác vai, còn thằng kia vẫn lững thững đi như không có chuyện gì xảy ra. Thằng nhứ nhất tiến đến cách chúng tôi chừng hai chục mét, vẫn nghiêng người nghe ngóng trong khi thằng kia đi xa dần khỏi chỗ chúng tôi. Sốt ruột, anh Quân cho thằng thứ nhất một điểm xạ. Anh Quân B trưởng chuyên bắn được thú rừng đấy nhé, thế mà không hiểu sao lần này lại bắn trượt dù chỉ cách có hơn hai chục mét, tên địch hoảng quá vội nằm rạp xuống. Nhưng hình như nó ù tai hay sao nên vẫn chưa xác định đạn bắn từ đâu tới. Nó tụt súng khỏi vai, nhưng lại ngồi dậy ngơ ngác nhìn xung quanh. "Tằng tằng", anh Quân cho nó một điểm xạ nữa. Vẫn trượt. Thằng địch lại nằm rạp xuống rồi một lát sau lại ngồi dậy ngơ ngác như thằng mất hồn. Nó vẫn chưa hiểu súng bắn đến từ đâu. Lại một điểm xạ nữa và lại trượt. Thế là ba điểm xạ đi toi. Lúc này tên địch mới biết hướng súng nổ và nằm im, nhưng cái đầu nó vẫn nhô lên rõ mồn một. Chúng tôi xem anh Quân bắn như xem bắn tập. Chúng tôi còn có B40, có M79 và cả mấy cây AK nữa đấy, nhưng chả lẽ chỉ có một tên địch mà lại nã cả một đống đạn vào nó. Điểm xạ thứ tư của anh Quân mới trúng đầu tên địch. Lúc này chúng tôi mới nhìn kỹ ra phía đường. Thằng địch thứ hai vẫn lững thững đi trên đường như không hề có chuyện gì xảy ra, nhưng nó đã cách xa chúng tôi tới cả trăm mét rồi, thế là thoát. Chúng tôi mò ra chỗ thằng bị chết thu súng, anh Quân cứ vừa nhảy lò cò trên đất vừa kêu "có ma, có ma". Sau đó chúng tôi quay về chỗ phục kích nhưng chờ suốt từ đó đến tận chiều cũng chẳng có ma nào đi qua nữa. Gần một ngày chỉ có nắng và gió, khô cả miệng. Cũng chẳng nghe thấy tiếng súng nổ ở đâu nữa, không gian vắng lặng.

Thế là đã qua đi đúng một tuần từ sau trận vận động Phôn Phai. Hôm sau cả tiểu đoàn lại hành quân về các vị trí cũ, C6 chúng tôi lại về khu vực bản Na Thon. Có vẻ như đánh theo mệnh lệnh chẳng giải quyết được gì, địch vẫn bung quân ra đèn cù. Cả đại đội lại về khu tập kết ở cái chỗ chúng tôi bị trực thăng bắn đuổi ấy, còn B5 chúng tôi đi ra xa hơn một cây số lập chốt, lần này hướng về phía bản Na Thon. Chỗ này vẫn là rừng khôộc nhưng cây khá dày, kèm theo đó có rất nhiều đụn cát nhỏ và những cây khôộc non chỉ cao chừng một mét mọc trên đó. Ở đây đất pha cát nên đào công sự rất dễ, mỗi người một cái hố sâu đến thắt lưng. Đất đắp lên bị nắng đốt khô rất nhanh, hòa lẫn vào những đụn cát nhỏ quanh thân các cây khôộc non nên trông không còn có vẻ gì là có hầm hố. Chỗ này nếu có nằm im thì địch tới gần sát mới có thể nhìn thấy chúng tôi, mà ngay cả ngồi im cũng rất khó phát hiện. Buổi sáng trôi qua chậm chạp. Lúc này chúng tôi đã hết cả thuốc rê mang từ trong cao nguyên ra rồi, đánh địch mấy trận cũng không thu được thuốc lá nên mồm miệng đành vêu ra. Ngồi chốt vì thế càng sốt ruột. Cỏ non không có, mầm khôộc thì đắng nên cũng chẳng có cái gì cho vào miệng nhai cho nó đỡ buồn. Lúc này đã vào hẳn mùa khô rồi, hơn tháng trời không có rau xanh, toàn ăn cơm nếp với muối hạt nóng cả bụng.

Tầm gần giữa chiều thì anh Trịnh lấy một hòn đất ném tôi ra hiệu. Tôi dỏng tai lên nghe, quả có thấy tiếng loạt xoạt nhẹ. Chúng tôi ngồi thấp nhưng vướng cây lá nên cũng chưa nhìn thấy gì. Mãi rồi cũng nghe tiếng bước chân chậm rãi chạm vào những cành khôộc non. Chỗ này bốn phía như nhau nên địch có thể đến từ bất cứ hướng nào. Rồi tôi nhìn thấy bóng ba tên địch lăm lăm AR15 lặng lẽ đi tới, gần ngay hướng hầm tôi. Tôi ngoái lại ra hiệu cho anh Trịnh bắn trước. Khi đí chốt hay phục kích, bao giờ tôi cũng mong anh Trịnh nổ B40 trước cho nó uy lực và bất ngờ rồi mới quạt AK phụ họa. Lần này cũng vậy. Khi mấy cái đầu địch đã hiện rõ cách tôi chừng chục mét, anh Trịnh mới nổ B40. Tiếng "ùng, oàng" sát nhau và tôi cũng kịp nổ mấy loạt AK. Phía bên cạnh anh em trong B cũng nổ súng phối hợp. Có tiếng chân chạy loạt soạt, bọn địch chạy ngược trở lại một đoạn rồi mới bắn trả. Chúng bắn bừa chứ có nhìn rõ gì đâu, tương cả M79 vọt ra phía sau. Anh Thành cũng tương mấy quả M79 về hướng địch, cũng chỉ là bắn áng chừng. Chắc địch chỉ có ít quân đi lùng sục thăm dò nên chúng chỉ bắn trả được một ít rồi rút luôn. Chúng tôi cũng chẳng truy kích vì ở cái chỗ như thế này có quan sát được gì nhiều đâu, đuổi theo có khi lạc. Mãi sau tôi và anh Trịnh lên kiểm tra. Chỉ có một cái xác và ít vết máu, chắc do B40 của anh Trịnh chứ chúng tôi bắn về sau chắc cũng không diệt thêm được tên nào.

Ngồi nốt từlúc ấy đến tối không có thêm chuyện gì. Nghĩ cũng lạ. Địch nó mà xác định chỗmình rồi, biết mình vẫn ở đó rồi gọi máy bay thì mấy cái hố lộ thiên chẳng giúpđược gì. Trong chiến trận luôn luôn xảy ra những điều bất ngờ, may mắn và khôngthể lý giải. 


   Hôm sau, B5 chúng tôi có lệnh rời chốt từ sáng sớm để về tập trung cùng đại đội. Tất cả chuẩn bị để đêm nay đánh địch trong bản Na Thon. Địch có một đại đội vài chục tay súng, cũng tương đương như chúng tôi. Cả C6 tính ra khi đó cũng chừng non ba chục tay súng. Một đại đội đánh một đại đội. Nhưng sao lại toàn đánh đêm thế này. Lúc đầu chúng tôi nghĩ là cần yếu tố bất ngờ, về sau mới rõ thêm là cấp trên chọn đánh đêm để loại trừ khả năng yểm trợ bằng máy bay của địch. Địch không có pháo nên coi như không có hỏa lực chi viện.

Đêm chúng tôi đánh bản Na Thon là vào ngày 28/11/1972. Cái kiểu đánh nhau gần giống như thời Tam Quốc đi cướp trại của nhau, có khác chăng là số lượng quân và vũ khí. Bản Na Thon chỉ có chừng chục nhà sàn. Lần này địch không đào hầm bên ngoài mà ở luôn trong bản vì dân cũng đã chạy hết rồi. Chúng đào hầm ở dưới nhà sàn và sống luôn cả trên nhà sàn. Trinh sát D bám địch và đại đội lên phương án cho bộ đội mật tập dùng hỏa lực bắn cháy các nhà sàn rồi dùng bộ binh tiếp cận đánh những tên địch nhảy từ trên nhà sàn xuống. Bốn bề quanh bản trống hoác nên cũng chẳng cần đón lõng hay phục kích làm gì. Cả C chỉ làm một mũi tiền nhập sát bản dồi dũi luôn vào, chẳng cần chọn giờ hiệp đồng với ai cả vì chỉ có một mình C6.

Chúng tôi cơm nước đàng hoàng, chờ tối mịt mới lên đường. Hơn hai cây số trong rừng khôộc địa hình bằng phẳng, vượt qua không có vấn đề gì. Mò sát đến nơi, nép vào mấy cái ụ mối nhìn vào trong thấy cả bản im ắng. Ở một góc xa có một đống lửa đốt, nhưng có vẻ củi đã gần tàn, chỉ còn cháy lom nhom soi lúc mờ lúc tỏ. Quan sát lúc lâu vẫn không nhìn thấy thằng gác. Bọn địch chủ quan thật, chắc chúng mệt quá đã ngủ hết trên các nhà sàn. Càng tốt. A cối 60 của anh Thắng giá cối chọn mục tiêu giữa bản, cốt diệt những thằng chạy trên mặt đất. Áp sát rồi, sáu nòng B40 và B41 của C tôi tập trung chia nhau nhắm vào các nhà sàn gần nhất đồng loạt nhả đạn. Mấy căn nhà sàn nổ tung, bốc cháy. B40, B41 lại nạp tiếp đạn và dã loạt thứ hai rồi xung lực bắt đầu xông vào bản, đi đầu là B6, đến B4 rồi cuối cùng là B5 chúng tôi. Cối 60 cũng câu vào chi viện, tất cả chỉ có chục trái, nhưng như thế là cũng đủ rồi vì việc còn lại là của bộ binh chúng tôi. Không có chống cự nên chúng tôi lọt vào trong bản rất nhanh. Nhưng lạ cái là bọn địch chết cháy hết rồi hay sao mà không thấy nhảy thoát ra khỏi nhà sàn hay nổ súng chống lại. AK không có mục tiêu cụ thể chỉ bắn được vài loạt lẻ tẻ.

Đột nhiên từ phía rìa bản đạn M72 bắn vào tới tấp. Rồi kèm theo đó là M79 và AR15 bắn vào, mãnh liệt không kém. Cái này giống như đi cướp trại thời xưa mà bị phản kế. Chúng tôi đang ở thế chủ động tập kích bỗng thành bị động, rơi vào trận địa phục kích của địch. Sau này mới biết trinh sát D bám địch nhưng bị lộ, địch nó vờ không biết. Thằng chỉ huy của địch cũng thuộc loại chiến trận có kinh nghiệm đầy mình đã đoán ra ý đồ của ta. Chúng giả như chủ quan nhưng thực tế đã bỏ lại cái bản không với đống lửa to đốt từ chập tối nghi binh rồi kéo ra phục sẵn bên ngoài. Cao tay hơn chúng còn kiên trì chờ cho quân ta bắn vợi bớt đạn rồi mới ra tay. Thế là chúng tôi đã tập kích vào chỗ không người. Bây giờ thì những cột nhà sàn lại là nơi ẩn nấp để quân ta tổ chức chống lại địch. Còn một chút may mắn là B5 mới vào đến rìa bản nên lập tức quay sang hai bên nổ súng chống trả, yểm hộ cho hai B kia rút lui. Địch cũng không có nhiều M72 (về lý thuyết thì cao nhất cũng chỉ mỗi tên có một quả), bắn hết rồi thì cũng chỉ có súng bắn thẳng choảng nhau, mà đạn B41, B41 của chúng tôi uy lực hơn. Đại trưởng Băng ra lệnh tập trung hết hỏa lực B bắn mạnh để uy hiếp địch và tổ chức cho bộ đội vừa kéo tử sĩ, vừa dìu thương binh rút ra. B6 và B4 lùi dần ra, theo thẳng lối đã đến mà rút. B5 chúng tôi tiếp tục bám các ụ mối bắn lại ghìm chân địch. Chiến trận tiếp tục diễn ra ngoài rìa bản trong ánh lửa bập bùng của những ngôi nhà sàn đang cháy. Hai bên bắn nhau nhưng cũng chỉ như dọa nhau là chính. Ít phút sau B5 chúng tôi cũng rút sau khi bắn thêm mấy trái B40. Anh Quân cho anh em chúng tôi vừa rút vừa cảnh giới phía sau đề phòng địch truy kích. Quá nửa đêm thì cả đại đội rút về hết được khu tập kết. Cảm giác của kẻ bại trận tràn ngập trong lòng.

Không diệt được tên địch nào, nhưng đại đội tôi bị hy sinh 2, bị thương 3, hao mất bằng một nửa trung đội. Trong số hy sinh có anh Cát, A trưởng của B6 người Bắc Thái. Anh ấy là một A trưởng còn dày dạn chiến trận hơn cả A trưởng Trịnh của tôi. Người to khỏe, có nụ cười hiền lành nhưng khá hóm hỉnh. Anh ấy cũng bảo ban tôi nhiều thứ trong những tháng ngày tôi còn làm liên lạc. Tôi đã tham gia chôn cất anh ấy và tự tay liệm cho anh ấy bằng chiếc võng vải xanh tôi mang từ Trường Sơn vào. Chúng tôi lấy một cái lọ nhựa đựng thuốc của TQ để bỏ vào đó một mẩu giấy ghi những thông tin về anh, sau này còn biết mà tìm. Lúc xúc những xẻng đất khô ở cánh rừng Khôộc trơ trụi và cằn cỗi này để lấp lên nấm mộ anh ấy mà sao tôi thấy lòng chơi vơi quá. Một cảm giác buồn, mệt mỏi và hụt hẫng. Thế là mới chỉ ra Sara van được có bốn chục ngày, đại đội tôi đã mất 3 A trưởng. Các vị trí thiếu hụt này, tạm thời do ít quân số nên đại đội cho ghép các A trong cùng B lại, không cử thêm A trưởng mới.

Đại trưởng Băng của chúng tôi cũng có chút máu mê binh pháp. Nghĩ rằng vừa qua một trận thắng, địch chủ quan nên ta sẽ bồi lại cho chúng một trận, giống như kiếu ngày xưa địch dùng tiền quân làm hậu quân khi rút lui, vừa đánh thắng một trận đối phương truy kích thì lại đổi hậu quân làm tiền quân nên bị đánh tơi bời nếu đối phương truy kích tiếp lần nữa. Ngay hôm sau trong lúc đơn vị còn đang giải quyết hậu quả trận đánh trước thì anh Băng đã cho người đi bám tiếp địch và biết chúng vẫn còn ở bản Na Thon. Đại trưởng Băng quyết định xốc lại quân, bổ sung gấp đạn dược rồi ngay đêm đó quay lại choảng cho chúng một trận. Thế là hai trận đánh tại cùng một vị trí được tổ chức trong hai đêm liên tiếp, một việc cũng rất hiếm xảy ra. Lần này hơn hai chục tay súng còn lại của C6 do đại trưởng Băng đích thân cầm đầu mò vào áp sát bản Na Thon. Anh Băng cũng khoác AK chứ không mang K54, quyết tâm ghê lắm. Tuy vậy có một điểm anh Băng đoán sai là bọn địch chắc đã hết đạn, nhưng thực ra không phải vậy. Chẳng biết chúng nó bổ sung đạn bằng cách nào khi mà chúng cũng hoạt động lẻ từng đại đội. Chúng tôi chỉ áp được vào sát bản, lợi dụng những ụ mối rồi tập trung hỏa lực bắn vào, hy vọng địch tê liệt rồi xung phong. Không ngờ chúng tôi vừa nổ B40, B41 thì địch cũng bắn rốc két M72 ra ào ào. Chúng nó không chủ quan mà vẫn canh gác phòng bị tử tế nên không hề bị bất ngờ. Thế là hai bên lại lập thành chiến tuyến, trong bắn ra ngoài bắn vào. Chúng tôi không đủ lực lượng áp đảo để đồn ép địch mà tổ chức đánh chiếm. Đại trưởng Băng không dám cho xung phong vào vì như thế bằng nướng quân và đại đội tôi đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Địch cũng cố thủ chứ cũng không đủ lực lượng để cho quân vòng ra tập hậu chúng tôi. Thế là giằng co nhau, ý đồ ban đầu của anh Băng tiêu tan. Hai bên cùng chẳng có tổn thất gì ngoài đạn dược. Thú thực là trận này lính tráng chúng tôi cũng chẳng hào hứng lắm vì cái dư âm bại trận của đêm trước vẫn còn đọng lại trong đầu. Hơn hai chục tay súng của đại đội nếu đánh chốt hay phục kích thì còn có thể mong thắng chứ choảng nhau dàn trận thì quá là mong manh, lạnh lưng hở sườn. Lúc đấy chỉ có ý thức là người lính phải chấp hành mệnh lệnh dẫn dắt chúng tôi hành động mà thôi.

Thu quân xong về lại vị trí tập kết thì bây giờ đến lượt chúng tôi lo phòng thủ, vì nếu địch nó cũng máu liều như đại trưởng Băng thì xá gì mà nó không tổ chức tập kích lại? Thế là hỗn hợp một nửa đại đội lại phải tổ chức chốt chặn từ xa hướng về phía bản Na Thon.

Trong cả tuần qua khi K18 chúng tôi đang quay ra mặt Tây Thị xã Saravan thì trong khu Thị xã và vùng đất hướng ra sông Xê Đôn địch hoạt động rất mạnh. Có những đơn vị lớn của địch đã co cụm. Máy bay AC130 hoạt động liên tục. Dù sân bay Saravan chưa sử dụng được nhưng bằng cách nào đó chúng đã thả dù xuống được rất nhiều đạn dược và thiết bị quân sự, vũ khí trong đó đặc biệt là có cả pháo 105ly, súng cối 106,7 ly và cả DKZ để tiếp tế cho bọn dưới đất. Lúc đó các đơn vị ở gần chỉ phát hiện một điều là máy bay AC130 thả pháo sáng suốt đêm thôi. Nhờ có vũ khí lớn bổ sung, chúng nống ra hoạt động rất mạnh, vượt sông Xê Đôn tiến rộng về khu vực có tuyến vận tải của 559. Con sông Xê Đôn bắt nguồn từ phía Nam Tha Teng bên Atôpơ chảy vòng vèo cong queo theo gần một hình vòng thúng lên hướng Đông Bắc, ngoặt lại vòng sang Tây rồi lại cong về hướng Tây Nam ôm trọn lấy tỉnh Saravan. Cuối cùng nó chảy vòng về đổ nước vào sông Mê Kông ở đoạn phía Bắc thủ phủ Pắc Xế của tỉnh Chăm Pa Xắc. Con sông này mùa khô nhiều đoạn lội qua dễ dàng. Chiếm được toàn bộ vùng Đông Bắc Saravan rồi, địch tung tiếp quân tràn qua sông Xê Đôn tiến thẳng về hướng Đông vào sát tuyến đường 559. Vùng đất này bằng phẳng nên các tuyến đường ô-tô rất nhiều, kho tàng cũng lắm. Gần hai năm giải phóng nên tuyến đường khá an toàn. Gần khu vực này có cả một trận địa pháo phòng không 37ly có tới 5 khẩu. Tuy thế khu vực này chỉ như nơi an dưỡng của lính coi kho và lính phòng không. Trong chiến tranh mà rơi vào chốn như thế này thì tuy có buồn tẻ đôi chút (vì vẫn có bạn để mà chơi) nhưng cuộc sống thì có thể nói là thiên đường mơ ước của rất nhiều lính, nhất là những ai có ý muốn B quay. Nhưng chơi nhiều nên tất nhiên chủ quan và khả năng chiến trận kém dần.

Tụi lính củaGM42 nống ra nhanh quá, chỗ này bộ binh yểm trợ thiếu nên khi bị địch uy hiếp,lính phòng không 37ly phải hạ nòng bắn thẳng. Có lẽ nhờ uy lực của pháo bắnthẳng làm cho địch có phần khiếp đảm nên chúng mới chần chừ để cho bộ binhchúng tôi có hơn một ngày hành quân tới chi viện. Cấp trên điện gấp và K18 phảiđiều ngay quân ứng cứu, C5 lên đường trước, sau đến C7 rồi C6 chúng tôi. Trậnnày C6 không tham dự nhưng nghe nói lại C5 đã hành quân thần tốc cả đêm đi nhưchạy để kịp vượt sông và đến giải cứu. Cũng may là thằng địch chỉ nống rộng ranhằm phá hoại và thăm dò chứ không có mục tiêu cụ thể, nếu không thì đơn vịpháo PK 37 ly đã bị thôn tính rồi. Mấy ông coi cái khu kho gần đó của 559 thìchỉ lo giữ được thân đã đủ tốt. Rất may C5 kịp đến đánh thẳng vào phía sau lưngđịch khiến chúng phải tản ra và rút dần về sông Xê Đôn. Khi cả K18 cùng hộiquân thì lực lượng ta ở đây lại quá mạnh, anh em đường dây 559 sung sướng ramặt, kể cả lính phòng không lẫn mấy ông coi kho đường dây. Bằng chứng là saukhi tay bắt mặt mừng hoan hỷ và bố trí đóng quân lại, chúng tôi được các línhcoi kho chi viện ngay một lô lương khô 701, chẳng cần lệnh của ai. Bọn 37ly cũngcho chúng tôi một ít đường, loại miếng vuông đóng trong hộp giấy cứng làm bằngcủ cải của Liên xô, chia ra mỗi người được 2, 3 viên. Ái chà, của này mà cả nămchỉ được ăn một lần thì không khác gì bánh ngọt để liên hoan. Chả còn chèthuốc, nhưng nhẩn nha bóc từng thanh lương khô ra gặm thì cũng khoái lắm. Mỗichúng tôi được phát 3 phong lương khô, phen này thành phú ông cả rồi, nghĩ cũngsướng. 


Bây giờ quân ta dàn thành thế trận mới. E9 đảm nhiệm vùng Bắc và Đông Bắc Saravan còn E19 đảm nhiệm phía Nam. Riêng E39 là lính dân vận nên không tham chiến. Lúc này địch vẫn có số quân ở Saravan là 2GM, tương đương 2 trung đoàn.

Ngày 5/12/1972, anh Trịnh nhận lệnh quay về khu vực gần bản Na Thon đón E bộ E39. Họ bị mắc kẹt giữa vùng giáp gianh Chăm Pa Xắc và Saravan từ hơn tháng qua. Cứ loanh quanh sau lưng chúng tôi, nhưng vì chiến trận vùng Saravan là kiểu da báo và đèn cù nên chính họ cũng phải nhiều phen chạy giặc khi mà bỗng nhiên có một cái đại đội khỉ gió nào đó của bọn Fumi đột nhiên húc phải. Để đảm bảo an toàn, mặt trận quyết định chuyểnTrung đoàn bộ của E39 ra hẳn đường dây 559 lánh tạm.

Anh Trịnh, tôi và một lính nữa lên đường. Chúng tôi qua sông ở chỗ bản Na Bạc, gần về phía đường 23. Cái bản này không có nhiều nhà dân nhưng rất rộng và sạch sẽ. Bản nằm ngay gần sát sông và có nhiều khoảng sân đất phẳng phiu. Dân bản không bỏ đi mà vẫn trụ lại vì nơi này địch chưa đến. Cấp trên đặt luôn một điểm trung chuyển tại đây để đón các đơn vị phía Nam vượt sông sang bờ Bắc và đi ra đường dây 559. Lúc này có một đặc điểm là địch không ném bom vào các bản dân nên quân ta tranh thủ lợi dụng. Lần này đi lẻ nhưng tôi không lo lắm vì đi với anh Trịnh, tuy thế tôi vẫn cẩn thận nhắc anh hướng đường và tìm cách đánh dấu. Gần quanh bản có rất nhiều nương lúa nhưng đã gặt hết từ lúc nào, nay sang mùa khô chỉ còn trơ những gốc rạ. Dân Lào họ không đun nấu bằng rạ nên chắc để đến đầu mùa mưa mới đốt. Nhưng nếu chiến trận xảy ra thì những nương rạ này cũng sẽ cháy hết.

Lúc hành quân sang chi viện bảo vệ tuyến đường 559 mấy hôm trước, chúng tôi cũng đã đi theo lối này nên cũng còn nhớ được kha khá đường. Bây giờ quay lại vùng bản Na Thon dẫn cả một E bộ E39, mối lo là nếu để bị lạc đường thì thật trơ mặt, mất hết uy tín lính E9. Vì vậy trên đường quay về Na Thon cứ chỗ nào đánh dấu được như vạc vào vỏ cây hay bẻ gãy một cây non trên đường đi là tôi làm luôn. Cũng vì sợ húc phải địch nên cứ trước khi vượt qua một trảng trống nào là chúng tôi nằm lại quan sát khá lâu rồi mới đi tiếp và đi thật thưa. Đoạn nào kín đáo mới đi nhanh. Cuối cùng cũng về được đến nơi và bắt liên lạc được với E bộ E39 lúc trời tối.

Ngày hôm sau chúng tôi làm công tác chuẩn bị, phổ biến quy định hành quân cho E bộ 39. Tôi hơi ngạc nhiên là không hiểu biên chế kiểu gì mà cả một trung đoàn bộ chỉ có chưa đầy ba chục người. Họ đâu phải là lực lượng bị tổn thất từ vùng chiến trận rút ra. Quần áo và trang bị nói chung là tươm tất hơn chúng tôi rất nhiều. Phần lớn họ đeo súng ngắn chứ AK chỉ có vài khẩu. Vì thế chúng tôi xác định dẫn họ đi là phải không chạm địch chứ nếu không thì hỏng to. Tiểu đoàn khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi cũng yêu cầu phải đi đêm. Không biết hôm ấy ngày mấy âm, nhưng trời khá sáng, nhất là đi trong rừng khôộc cây thưa. Tôi và anh Trịnh dẫn đầu, thằng còn lại đi sau cùng khóa đuôi. Chúng tôi vừa đi vừa tìm lại dấu vết hôm trước để dò đường. Có vất vả chút ít và đôi lúc hơi căng thẳng. Cứ mỗi lần tìm ra được một dấu hiệu đánh dấu đường hôm trước là chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đoàn cán bộ E39 nhẫn nại theo sau, lúc đi lúc dừng nhất nhất theo yêu cầu của chúng tôi. Thật may là chuyến đi an toàn, trời mờ sáng chúng tôi đã đến bản Na Bạc và bàn giao cho tiểu đoàn. Chuyến đi này chẳng nhớ mặt nhớ tên được ai, nhưng các thủ trưởng E39 chia tay chúng tôi nồng nhiệt lắm, bắt tay, cảm ơn và cả khen ngợi. Chúng tôi không kịp ăn sáng mà phải về đại đội ngay trong sáng hôm ấy.

Mấy ngày liền sau đó chúng đóng quân lại ở bờ Bắc sông Xê Đôn. Chỉ cách nhau có một con sông rộng hơn trăm mét thế mà cảnh vật hai bên lại khác hẳn nhau đến kỳ lạ. Bờ Nam toàn rừng khôộc thưa thớt, nhưng bên bờ Bắc thì lại là rừng già toàn những cây cổ thụ to cành lá nguềnh ngoàng cao vút, đóng quân bên dưới kín như bưng, L19 có ngó nghé cả ngày cũng chẳng thấy được gì. Sát ra mé bờ sông mới có một vài vạt rừng cây lúp xúp hay bãi trống. Thấy L19 hoạt động nhiều, mặt trận điều động phối thuộc cho chúng tôi một đại đội pháo cao xạ 23 ly. Một hôm thấy có cán bộ pháo binh đến yêu cầu chúng tôi theo bảo vệ để đi tìm nơi đặt trận địa. Sau khi họ chọn được một bãi trống gần sông cách chỗ trú quân của chúng tôi dăm trăm mét để làm trận địa, B5 chúng tôi lại được cử đi đón pháo và dẫn đường. Chúng tôi đến vị trí hiệp đồng và đón đơn vị pháo. Pháo cao xạ 23 ly có 2 nòng và cũng là loại pháo cỡ thấp nhất có xe ô-tô kéo. Đại đội có 3 khẩu, kéo bằng xe Molotova. Sau khi giấu xe một chỗ xong, họ ở nhờ luôn cạnh C6 chúng tôi để làm bếp hậu cần lo cơm nước. Bây giờ tôi còn nhớ trong C pháo đó có một lính đã từng đi học ở Liên xô, nói tiếng Nga lem lém và một thằng tên là Thắng nhà ở cạnh chùa Hưng Ký phố Minh Khai. Bọn lính pháo đều to khỏe hơn lính bộ binh chúng tôi. Chúng nó sinh hoạt rất vui nhộn, có cả đàn ghi-ta mang theo. Tuy thế ở chố này không được ca hát, chỉ tán chuyện và đánh bài tiến lên thôi. Tiêu chuẩn ăn của chúng nó cũng cao hơn chúng tôi, có nhiều đồ hộp và cả rau khô (món rau này mãi gần năm sau chúng tôi mới được phát ăn). Nhưng lúc này chúng tôi cũng bắt đầu được ăn 6 lạng gạo/ngày rồi nên cũng không thèm thuồng. Chỉ có món trà là thằng Thắng mời chúng tôi sang uống. Chè Ba Đình hẳn hoi, tuy toàn cẵng vụn là nhiều. Sang hơn là chúng nó lại có cả đường củ cải của Liên xô, giống như bọn pháo 37ly bữa trước. Sang chơi vài lần nhận đồng hương, tôi cho thằng Thắng mấy múi dù lụa trắng lấy ở trận Ba Lào Ngam. Lại cho cả mấy đứa trong B của nó nữa. Bọn nó thích lắm và cho lại chúng tôi một gói chè Ba Đình 30 gam và một hộp đường củ cải nửa cân. Đường củ cải ăn lộp xộp, không ngọt bằng đường mía của ta, nhưng như thế là quá quý rồi. Mà lính ta thì mồm cũng không kém cá ngão là mấy. Chỉ 3 lần hội họp là cả B5 chưa đến chục thằng chúng tôi đã giải quyết gọn tất cả những quà tặng của tình hữu nghị đó.

Có một sự thay đổi nhỏ về sắp xếp quân số. B trưởng Quân của B5 chuyển sang C5, còn anh Pha A trưởng bên B4 chuyển sang chỉ huy B5 chúng tôi. Anh Pha hiền, ít nói và không xông xáo bằng anh Quân. Thực ra đối với chúng tôi cũng không quan trọng lắm vì quân số bây giờ ít, các A trong cùng B sinh hoạt xen kẽ và lẫn lộn tùy theo nhiêm vụ cụ thể được giao.

Bọn 23 ly chưa kịp nổ súng trận nào, dù L19 ngày nào cũng vè vè bay qua, thì ngày 13/12 cả đại đội 6 chúng tôi đã lại phải hành quân trở lại bờ Nam sông Xê Đôn để tập trung cùng tiểu đoàn đánh địch. Lần này thì đúng là đánh vào khu sân bay cũ của Thị xã rồi. Công tác chuẩn bị ở đây khác với đánh điểm trên Cao nguyên là không nặng về phần hầm hố. Mà muốn cũng chẳng thể làm vì chúng tôi toàn đánh vận động, cây cũng chẳng có mà lấy gỗ. Chủ yếu là chuẩn bị súng đạn và bàn hiệp đồng tác chiến. Trận đầu tiên của C6 chúng tôi là đánh một cái xưởng cưa. Cũng là gọi thế thôi vì ngày trước mới đúng là xưởng cưa chuyên xẻ gỗ to trên cao nguyên để làm nhà sàn, vì dân Lào ở những vùng bản ven đường hay Thị xã họ làm nhà to lắm, to hơn nhiều so với những nhà sàn của đồng bào Mường ngoài Hòa Bình. Bây giờ xưởng chỉ còn là những cái nhà nát trên nền đất cộng với cỏ dại um tùm xung quanh.

Cả đại đội đánh một trung đội địch trong đó. Chúng tôi tiềm nhập vào được sát xưởng cưa. Chắc bọn địch cũng chỉ định đóng dã ngoại nên không gài mìn Cleimo. Cũng là một cái may. Lúc này đang giữa buổi chiều, nhưng tiểu đoàn vẫn cho lệnh đánh ngay. Có khi thế lại hay vì giờ giấc không theo quy luật. Trận đánh diễn ra xuôn sẻ. Hỏa lực B40 và B41 dập vào thì cái trung đội địch gần như tan tác. Lúc chúng tôi tiếp cận đánh gần thì sức chống cự của chúng chỉ còn lẻ tẻ. Hầu như chúng không bắn lại được phát hỏa lực nào. Chỉ có AR15 cuống quít nổ vài loạt rồi cũng tắt ngấm. Trung đội địch chỉ độ hơn chục thằng, nằm chết gục xen những tấm tôn rách dùng làm vật che tạm cho công sự. Ngoài vũ khí, ba-lô của chúng hầu như không có gì. Đánh nhanh thắng nhanh, bên chúng tôi không ai thương vong nên khí thế lại lên ầm ầm.

Thế nhưng trong cái may lại có cái không may tiềm ẩn và tôi không thể nào ngờ dù chỉ một mảy may. Thoạt đầu là sau khi dọn dẹp trận địa, B4 phát hiện có dấu hiệu địch cách đó không xa về hướng Tây Nam. Không nắm chắc địch nên trước tiên chúng tôi lập chốt. Trinh sát cũng không bám được địch ngay vì đang là ban ngày, địch nó ngay phía trước, lộ hết cả rồi thì còn bám gì được. Chí ít cũng phải chờ đến đêm tối. Thế nhưng trời chưa tối thì địch nống trước. B4 phát hiện địch mò vào gần là nổ súng luôn. Bọn địch cũng chỉ bắn lại lẻ tẻ rồi rút. B trưởng Chèo quyết định truy kích vì khí thế lúc này đang hăng, định đánh một thể. Tuy vậy lính ta đuổi chưa được bao nhiêu thì địch mất hút vì dù sao chúng cũng là thổ dân thông thạo địa hình. Anh Chèo ra lệnh rút nhưng lệnh không đến được tất cả lính tráng. Hai thằng Nhật và Hoàn (đoàn Hà Nội, nhà ở Cầu Giấy) cứ thế là đuổi theo địch. Trời tối dần, khi anh Chèo kiểm quân phát hiện ra thì không thấy chúng nó đâu nữa. Đâu đó vẫn có tiếng súng nổ đì đùng. Không ai dám ra lệnh đi tìm đi gọi vì phía đó có địch, đâu phải muốn đi thế nào thì đi. Thế là đại đội tôi mất thêm 2 chiến sĩ (sau này mãi đến khi miền Nam giải phóng, về nhà gặp nhau chúng tôi mới biết tin về số phận chúng nó. Thằng Nhật bị địch bắn chết, còn thằng Hoàn bị bắt làm tù binh, sau được trả về nhưng tất cả ý nghĩa của quãng đời lính đối với nó chấm dứt. Nó không một lần hội họp với anh em nhân ngày nhập ngũ và đã ra đi cách đây chừng chục năm vì bạo bệnh).

Thiếu 2 người, nhưng đại đội chúng tôi vẫn thu quân lại chờ lệnh mới. Cũng chẳng phải chờ lâu vì ngay đêm đó C6 chúng tôi được lệnh làm một mũi phối hợp cùng C5 và C7 đánh vào khu sân bay, nơi đó xác định có tới 2 đại đội địch. Cũng lại là trinh sát D dẫn đường cho chúng tôi vào lót. Vận đen đến với chúng tôi từ chiều và vẫn đeo bám chúng tôi đêm hôm đó, đêm 17/12 định mệnh, dù trước đó chẳng hề có cơm sống cơm khê. Và cái mốc thì vẫn là chu kỳ 1 tháng, bởi vì tính đến hôm đó thì vừa 2 tháng sau trận đánh thắng tiểu đoàn Thái 621 trên cao nguyên, sau 1 tháng của trận đánh vận động Phôn Phai nhiều trắc trở.

Chừng 9, 10giờ đêm chúng tôi đã bước thấp bước cao lọt vào địa phận sân bay. Cả một vùngtrống rộng cỏ mọc um tùm xung quanh. Rào thép gai chắc đã được dân đến gỡ hếttừ lâu nên trống trơn. Có thể chúng tôi bị lộ và địch đã chuẩn bị sẵn. Hàngloạt pháo cối từ đâu đó không xa bất ngờ ầm ầm đổ xuống đầu chúng tôi, nhữngthẳng lính đầu trần trên một bãi đất trơ trọi. Thế yếu của kẻ địch nống ra vùnggiải phóng không có pháo chi viện đã chấm dứt. Đây là một điều hoàn toàn bấtngờ đối với chúng tôi, khi mà địch đã dùng máy bay thả được những dàn pháo lớncho bọn dưới đất lập trận địa. B5 chúng tôi bị trúng ngay loạt pháo đầu tiên.Những thằng lính sống sót nằm rạp xuống và lăn vội vào những rãnh đất vớ đượccầu may. Pháo địch dập xuống nhanh rồi chuyển làn cũng nhanh. Có một điều may(lính thì trong hoàn cảnh nào mà chẳng có cái may!?) là địch cũng không thểnhiều đạn như trong Cao nguyên nên trận pháo kích cũng kết thúc sau đó khônglâu. Cả đại đội kiểm tra lại quân số. Đại trưởng Băng bị thương vào bụng nằmngất lịm. B5 chúng tôi bị thương 2 và hy sinh 4, trong số hy sinh có anh Phavừa mới về chỉ huy trung đội. Cả trung đội còn sót lại anh Trịnh, thằng Lễ vàtôi. Cộng số quân của cả đại đội còn lại vừa đủ để làm công tác thương binh tửsĩ. C6 được lệnh rút. Sau này chúng tôi biết đêm đó C5 và C7 có đánh nhau nhưngcũng không đủ lực và cũng bị pháo nó nện. Quân ta không làm chủ được trận địa,phải bỏ giữa chừng. Thằng Dũng "trắng" lính B41 bên C7 (nhà ở làngKim Liên, Hà Nội) chơi thân với tôi từ ngoài Bắc cũng bị một mảnh pháo cắt đứtmột dẻ xương sườn và cắm vào phổi. Điểm lại C nào cũng tổn thất, nhưng C6 lànặng nhất. Cả tiểu đoàn phải rút về sông Xê Đôn nhưng đóng quân lại ở bờ Nam.


Bờ Nam toàn rừng khôộc thưa, lá cành xơ xác và nhiều bãi trống nên bắt buộc chúng tôi phải đóng quân cạnh bản dân. Đại đội chúng tôi nằm cạnh bản Khăm Trôm, bản này cũng gần sông như bản Na Bạc, nhưng chỗ này bờ sông rất dốc đứng. Dân bản phải xả đường chéo thoai thoải để xuống sông lấy nước. Chúng tôi đào hầm sát ngay rìa mội cái nương, lợi dụng ít cây khôộc để vơ lá ngụy trang. Đêm nằm rải rạ và ni lon ngay trên mặt đất.

Trong mấy đêm ở đây, có một điều lạ là cứ sáng sớm nhìn lên bầu trời trong đang hửng sáng, chúng tôi thấy có nhiều vệt trắng của B52. Có khi đủ 3 vệt, nhưng cũng có khi chỉ có 2 vệt, dấu hiệu của 1 chiếc trong tốp đã bị bắn rơi ở đâu đó (B52 luôn bay theo tốp 3 chiếc, vì thế mà 3 vệt bom rải thảm của chúng tàn phá một vùng rộng lớn lắm). Về sau chúng tôi mới biết đây là chiến dịch ném bom miền Bắc nhằm "Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá" bằng máy bay B52 của không quân Mỹ. Thông tin lúc đó chẳng nghe biết được tí gì nên cảm xúc của chúng tôi trước hiện tượng đó cũng thật vu vơ. Bọn lính Hà Nội chúng tôi không hề biết máy bay B52 đang đánh bom rải thảm Hà Nội. Nhưng như thế có khi lại hay vì có biết mình cũng chẳng làm được gì, mà lo lắng quá có khi ảnh hưởng đến tư tưởng và sức chiến đấu. Trong chiến trường chúng tôi đã quá quen với cái kiểu học chính trị và tuyên truyền để ổn định tư tưởng lính tráng. Chủ đề học về xu thế của cách mạng bao giờ cũng là "Ta thắng lớn, địch thua to, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn", nghe mãi nên quen và thuộc lòng đến nỗi nhiều khi tôi nghĩ thằng nào có cái khoa ăn nói trước đám đông một tí và chịu khó học thuộc lòng thì đều có thể làm cán bộ chính trị được. Về sau nữa, tôi còn nghiệm ra rằng cái vận rủi do sự thiếu tập trung dẫn đến nguy hiểm rất hay gặp ở những thằng có vợ hay vừa đi phép vào, thậm chí là nhận được thư gia đình mà cha mẹ kể thật chuyện nhà quá mà sinh ra lấn cấn. Chính vì thế buổi sáng sớm nằm nhìn vệt khói B52 trên bầu trời dạo đó với chúng tôi cũng chỉ như một sự giải lao ngắm cảnh thường tình.

Trong mấy ngày nằm bản Khăm Trôm, đại đội tôi vẫn phải hàng ngày tổ chức một tổ lùng sục lên phía trước nắm tình hình. Hướng mà chúng tôi hay đến nhất chính là bản Khăm Tha Lạt cách đó chừng hơn 3 cây số. Bản ấy khá trù phú, tuy cũng chỉ có chừng chục nóc nhà, nhưng là nhà to. Chúng tôi cũng chỉ lượn một vòng quanh bản rồi về, không ảnh hưởng gì tới dân. Tuy thế nhưng người dân họ cũng căng thẳng lắm khi mà chiến sự cứ lan đến chỗ họ. Rồi cũng chẳng phải chờ lâu. Một hôm B4 tổ chức một tổ đi lùng sục và lại đến bản ấy. Chắc mấy lính ta đã có lần vào bản xin dân cái gì đó nên lần này quen mui cứ thế hàng một túc tắc đi vào. Không ngờ được hôm trước địch đã vào đóng quân trong bản. Chắc bọn địch cũng ngạc nhiên khi thấy 3 ông bộ đội Việt thản nhiên đi vào bản. Tổ chốt của địch có lẽ cũng bị bất ngờ nên vội vã nổ súng. Một lính ngã gục và anh Nhị (cái anh mà bị thằng Số tương cho quả B40 văng mảnh vào trán ở trận Đông Noọng ấy) không xử lý kịp vì đi sát nhau quá nên cũng bị vướng và ngã theo, ngoắc cả chân vào thằng chết, còn một thằng nữa đi sau cùng nhờ có góc ngoặt ở đường nên quay lại ù té chạy thoát rồi chạy một mạch về thẳng vị trí đại đội ở bản Khăm Trôm báo cáo tình hình. Ở nhà ai cũng tưởng hy sinh cả 2 người rồi và thật tình có địch ở đó thì với số quân còn lại của đại đội cũng không thể đến đó đánh địch hay lấy tử sỹ về ngay được. Một cái chốt tiền tiêu được lập vội ngay cách đơn vị chừng 300 mét hướng về phía bản Khăm Tha Lạt đề phòng địch nống tiếp ra và không phải ai khác mà chính là 3 lính còn lại của B5 chúng tôi do anh Trịnh phụ trách phải ra ngồi chốt đó. Chốt mà chẳng kịp đào hầm hố gì cả, chỉ dựa vào mấy gốc cây khôộc trơ trụi lá. Ngồi được chừng nửa tiếng thì phát hiện thấy một bóng người từ xa. Ít phút sau nhận ra anh Nhị đang thất thểu chạy lại. Anh ấy ôm chầm lấy chúng tôi, dáng vẻ còn đang xúc động. Hóa ra anh Nhị không chết nhưng phải giả chết vì không có cách nào khác. Địch nó cũng thận trọng nên mãi sau mới có mấy thằng mò ra kiểm tra xác lính ta. Anh Nhị phải rất khéo léo vừa nằm giả chết nhưng vừa cố gắng rút được cái chân ra khỏi cái chân của xác đồng đội đè lên, hơi xoay người và bật được chốt khẩu AK. Thừa lúc 3 thằng địch còn đang nghiêng nghé (may mà chúng nó không bồi tạm cho mấy loạt đạn) và nói "Mần tải lẹo" (chúng chết rồi), anh Nhị bật dậy quạt AK vào 3 tên địch rồi co chân quay người chạy thẳng. Ba thằng địch ngã gục, còn anh Nhị chạy thoát, bất kể bọn địch trong bản bắn bừa ra mấy loạt vuốt đuôi, may mà không bị chuột rút. Thế là vừa thoát chết, vừa diệt được địch. Vậy là công tội đủ bù cho nhau. Công nhận anh Nhị là loại lỳ và quá tỉnh táo, kèm thêm chút may mắn nữa mới thoát nạn được trong vụ ấy, chứ người khác nói chung là cầm chắc cái chết. Kế cả thằng địch nữa. Nếu chúng nắm vững tình hình và bình tĩnh thì rất có thể đã có 3 tù binh rồi. Thật là may hơn khôn, cái số anh Nhị còn cao lắm.

Tối hôm ấy, anh Hùng (C phó lên thay đại trưởng Băng bị thương) định cho chúng tôi đến bản Khăm Tha Lạt tập kích địch, nhưng sau vì không xác định dân đã bỏ chạy hay vẫn còn trong bản nên lại thôi vì không thể bắn chết dân. Thế là xác tử sỹ vẫn phải bỏ lại. Anh Hùng báo cáo lên tiểu đoàn nhưng vì còn có kế hoạch khác nên tiểu đoàn chưa bám được địch để tổ chức đánh.

Tối hôm sau chúng tôi vượt sông trở ra bờ Bắc sông Xê Đôn và đóng quân lại một cánh rừng già ngay sát gần sông. Các đại đội khác trong tiểu đoàn cũng ở gần đó. Đến sáng chúng tôi có lệnh nhận thêm tân binh. Đoàn tân binh là lính Nghệ An, chủ yếu là người thuộc 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Quân số đại đội tăng lên thành hơn hai chục người. Lại còn thêm cả thằng Loòng, lính trên C vận tải được bổ sung về bộ binh chúng tôi nữa. Trung đội tôi bây giờ là 8 người, anh Dũng trên C hỏa lực của trung đoàn về làm B trưởng, A trưởng vẫn chỉ có anh Trịnh và thằng Lễ. Tuy đã hơn một tuổi quân, vào chiến trường hơn 8 tháng rồi nhưng có lẽ lính Hà Nội vẫn bị quan niệm là dân tiểu tư sản, nên tôi vẫn chưa leo lên được chức A trưởng để có thể được chỉ huy một lính mới Nghệ An. Tôi vẫn cắp AK bám theo anh Trịnh như hình với bóng. Có khi vì thế mà lại hay. Thực tế lúc này khi giao nhiệm vụ đại đội vẫn phải cử một số người vừa đủ lẫn lộn chứ không nhất thiết phải đi theo A hay B.

Nhận quân tân binh hôm trước thì hôm sau, nhày 25/12/1972 đại đội tôi được lệnh đánh vào bản Khăm Tha Lạt. Trinh sát tiểu đoàn bám địch biết trong đó chỉ còn địch, dân đã bỏ chạy nên tiểu đoàn giao cho C6 tập kích và đánh chiếm. Lần này thì chúng tôi gặp may. Lúc chiều tối mò được vào bản dã cối 60 và nện xong mấy quả B40. B41 thì thấy trong bản im re. Chúng tôi lò dò vào vẫn thấy im ắng. Chẳng bao lâu thì tràn được cả vào bản và tổ chức sục ra xung quanh, mới biết địch nó đã rút từ chiều. Không biết có phải chúng muốn chuyển hướng hay muốn trả lại cái bản trù phú ấy cho dân. Nếu chúng muốn trả lại bản cho dân thì ý định ấy công toi rồi vì trận tập kích của chúng tôi đã đủ làm dấu hiệu để dân bản phải chạy càng xa càng tốt. Làm chủ bản xong, chúng tôi tìm và chôn cất ngay tử sĩ. Khẩu AK đã bị địch lấy mất.

Dân và địch cùng chạy hết nên chúng tôi là người hưởng lợi, vì ngay trong đêm ấy các anh nuôi đã phải hết sức bận rộn tay dao tay thớt làm thịt mấy chú lợn bị trúng đạn pháo chết ngay trong bản. Trong một đêm dài dằng dặc khi hơn hai chục thằng lính bộ binh căng người ra đào hầm để chốt vòng ngoài bản thì ở giữa bản, đám quản lý, anh nuôi và lính A cối 60 thỏa sức sục sạo các nhà sàn. Chỉ chừng chục nhà nhưng toàn nhà to. Hai thứ chiến lợi phẩm (không biết gọi thế có đúng không, vì những thứ đó là của dân để lại chứ không phải của địch) lính ta thu hồi ngay là gạo nếp và rượu nếp còn đang ủ chưa cất. Thứ đó có thể coi như rượu nếp, nhưng mấy ông lính Hà Bắc (dân làng Vân hay Đình Bảng đấy nhé) thì lại thưởng thức tinh túy hơn. Các anh ấy bốc rượu nếp cho vào vải dù và vắt ra được một thứ nước trắng đục gọi là nước cái. Uống vào vừa ngọt vừa có chất men, êm ru. Một hơi hết một bát B52 không khó khăn gì, lại còn sướng vì được nhắm với thịt lợn luộc anh nuôi cung cấp.

Sáng sớm hôm sau khi các B chúng tôi cử người vào trong bản để nhận phần cơm chốt thì thấy cả một lũ lính say nằm quay đơ như lợn chờ thịt. Chỉ còn mỗi đại phó Hùng, C phó Mỵ và anh Liêu liên lạc là tỉnh táo. May mà anh nuôi còn kịp nấu sẵn mấy nồi cơm nếp. Chúng tôi lấy cơm, chia nhau mấy tảng thịt lợn luộc gói kèm rồi lại ra chốt. Cả ngày hôm đó không gặp địch. Buổi chiều, các B cử người vào gặp C bộ giao ban. Mấy ông lính say bây giờ mới tỉnh, nhưng còn rất lờ đờ. Đại đội cũng sợ tiểu đoàn biết chúng tôi đang rơi vào cái chĩnh gạo và đang mất cảnh giác nên hôm sau vội lên kế hoạch cho một nửa đơn vị rút ra ngoài rừng thưa gần đó đóng quân, chỉ để lại một nửa, có cả 1 anh nuôi chốt lại trong bản. Nằm trong một nửa đại đội này có B5 chúng tôi.

Mấy ngày chốt lại trong bản đó là mấy ngày được nghỉ ngơi dưỡng sức. Sau một hai ngày chạy tứ tán vì súng nổ, từ ngày thứ ba những con lợn của dân lại quay trở về bản. Không có người cho ăn, chúng cứ sục vào đủ mọi ngóc ngách trong bản. C phó Hùng không phải dân chính trị, lại cũng thuộc loại ca cóng tài ba nên tổ chức cho anh em làm thịt dần những con lợn mất chủ. Ban ngày chúng tôi ra chốt phía rìa bản, ban đêm lại co về giữa bản vì chúng tôi đã đào đủ hai tuyến hầm. Toàn hầm nằm dưới nhà sàn nên an toàn và ấm cúng. Cứ sẩm tối là chúng tôi săn lợn. Một thằng núp sẵn trên đường đi, chuẩn bị sẵn một thanh gỗ to. Hai ba thằng khác lùa nhẹ mấy con lợn. Khi lợn đi ngang vừa tầm, thằng núp sẵn vung gậy choảng ngay một nhát vào trên sống mũi con lợn làm nó choáng váng lăn quay ra. Lập tức các lính xông lại trói ghì con lợn, thế là xong và bàn giao cho anh nuôi. Chỉ khổ cái ở đây xa nước, mỗi ngày đội tiếp tế chỉ cung cấp cho mỗi lính một bi-đông nên không thế làm lông lợn như truyền thống mà toàn lột da lấy thịt rồi hấp. Mọi thứ lòng và da phải đào hố chôn sâu, lãng phí nhưng chỉ còn mỗi cách làm như thế. Nửa đại đội ở ngoài bản cũng được chia phần. Mỗi hôm chúng tôi chỉ thịt một con, đều đều và kể cũng lạ, lính ăn như thụi, sạch bay và chẳng ngán ngấy gì. Anh Nhị còn lò dò lên nhà sàn của dân sục lại và vắt ra được kha khá rượu dạng nếp cái. Có như vậy thì mới đến lượt tôi được thưởng thức. Phải nói là ngon, sau này không bao giờ tôi còn được uống lại nữa. Nhưng phải công nhận là rất say vì tôi chỉ uống có khoảng một phần ba bát B52 mà nằm say lử đến tận sáng bảnh hôm sau. Vào trận đầu tiên thấy đánh địch như đi chơi, lại được ăn uống bồi dưỡng thả phanh nên bọn lính Nghệ An luôn mồm ca ngợi đời lính chiến trường. Chúng nó bảo thế này sướng hơn ở nhà nhiều lắm, chẳng bao giờ dám mơ. Cười chúng nó nhưng rồi nghĩ mình cũng thế, ở nhà có bao giờ ăn nhiều thịt như thế này đâu, tem phiếu cả tháng có mấy lạng, không bằng một cục thịt được chia bây giờ.

Anh Nhị khi vào lính đã hai mấy tuổi, vốn là dân lâm trường nên lắm mưu mẹo vặt. Trong khi chúng tôi chẳng thấy gì thì anh ấy phát hiện trong bản này còn có gà. Đám gà thả rông của dân khá nhiều, ban ngày chúng nó mò ra các nương lúa cũ mót thóc ăn, ban đêm về đậu trên bờ rào ở rìa bản. Mấy ngày đầu chúng nó cũng sợ mà chạy đi đâu mất, sau vài hôm hoàn hồn mới quay lại giống như đám lợn kia thôi. Anh Nhị lên kế hoạch cho chúng tôi cuối ngày sẽ rút vào trong bản muộn hơn để chờ tối hẳn. Thực ra lúc sẩm tối mắt bọn gà đã quáng có thể bắt ngay được, nhưng nhỡ có địch chốt bên kia nương nhìn thấy mà gọi pháo hay nã cho mấy quả DK thì còn gà với qué được gì nữa. Thế là khi tầm nhìn chỉ còn xa vài mét, anh Nhị mới kéo chúng tôi đến rặng cây gà đậu để ra tay. Anh ấy bắt gà nghệ thuật lắm. Kiễng chân với tay lên luồn bàn tay vào bụng gà nhấc nhẹ từng chú rồi đem ra đưa cho chúng tôi. Anh ấy để tay thế nào dưới bụng gà, chúng tôi cũng phải để tay như thế. Bắt độ chục con là rút lui. Thiếu nước nhưng làm gà đơn giản hơn làm thịt lợn. Tuy cũng bỏ đầu chân cánh và lòng mề, nhưng chỉ cần ốp bẹ chuối quanh con gà cho vào nồi đun một lúc là đủ để vặt lông. Tối ấy ăn cơm nếp với thịt gà thoải mái, hôm sau khi ra ngồi chốt ngoài rìa bản, mỗi lính chúng tôi còn được phát nguyên một con gà hấp và một nắm xôi. Thế là hôm ấy vừa ngồi chốt quan sát ra ngoài nương, tôi vừa nhẩn nha đánh chén con gà cho mãi đến gần trưa mới hết.

Đây là lầnđầu tiên tôi được ăn một mình một con gà. Ngày mới vào đơn vị ở bản Phiệt trongCao nguyên tuy có được ăn nhiều gà nhưng hoặc là nấu cháo, hoặc là ăn chungthôi. Thật là mình cũng thấy sướng, trách gì bọn tân binh Nghệ An. Mà quả thậtlúc như thế này lại thấy nhớ nhà, thương cha mẹ và các em. Đời lính nhiều khixuống chó, nhưng lắm lúc lên voi mà chẳng thể chia sẻ một phần cho người thân. 


"Voi uống nước, nước sông phải cạn".

Mấy chục cái mồm lính trong hơn một tuần ở bản Khăm Thà Lạt đã xơi hết cả đám gia cầm gia súc của một bản dân. Có băn khoan thì anh Nhị và anh Trịnh an ủi là dân biết bao giờ mới trở về, mà họ cũng phải hiểu là chiến tranh tên bay đạn lạc thì đám gà lợn ấy không chết thì cũng bỏ đi hết. Mình không chịu khó bồi dưỡng thì thằng địch nó cũng bồi dưỡng hết, đối với dân thì đằng nào cũng thế cả thôi.

Trong mấy ngày chốt chúng tôi gặp địch 2 lần. Lần thứ nhất là sau khi vào bản 4 ngày. Chiều hôm đó địch không vào bản mà chỉ hành quân đi chéo qua bản, nhưng lướt qua ngay chỗ phía hầm của thằng Loòng (người Tày) cách chỉ có mươi mét. Chúng tôi nín lặng chờ thằng Loòng nổ súng trước rồi mới đánh tiếp theo chiến thuật vận động vì địch cũng chỉ có hơn chục thằng. Mãi không thấy thằng Loòng nổ súng, chúng tôi cũng ngồi im chờ đợi. Đến khi hàng quân địch đi khuất dần vào rừng khôộc phía bên kia nương, chúng tôi mới mò sang thì thấy thằng Loòng vẫn thản nhiên ôm súng ngồi im trong hầm.

- Mày không nhìn thấy địch à? - Anh Trịnh hỏi

- Có chứ, chúng nó đi ngay trước mặt em mà - Thằng Loòng trả lời.

- Thế sao mày không bắn?

- Nó có bắn em đâu mà em bắn nó.

Ối giời ơi! Anh Trịnh ngẩn người ra rồi chợt hiểu. Đụng phải bố dân tộc thật thà quá đây mà. Hóa ra cái cách tuyên truyền trong đơn vị của mấy ông CTV đối với lính dân tộc khi đó không phải là giáo dục lý tưởng hay trách nhiệm quân nhân gì cả, mà đơn giản là "mình phải bắn địch, nếu không nó sẽ bắn mình". Thằng Loòng hiểu quá thật thà và đơn giản, thấy địch chỉ đi qua nên nó không nổ súng. "Mẹ kiếp, nếu để địch nó nổ súng trước thì mày chết cha nó rồi còn gì", anh Trịnh làu bàu nhưng cũng không biết nói gì hơn, cũng không thể cáu hơn được. Thế là đêm hôm ấy thằng Loòng được giao trả về đại đội và mấy ngày sau được phiên chế vào A cối để chuyên cùi đạn. Sức nó cổ cày vai bừa, công việc đấy là thích hợp nhất. Hết chiến dịch Saravan, nó lại trở về C vận tải trên trung đoàn. Ấn tượng về nó trong C tôi không nhiều, ngoài câu chuyện như tiếu lâm ấy.

Chúng tôi bố trí lại đội hình chốt vì đoán địch chưa phát hiện ra có lính ta trong bản nên có thể chúng vẫn sẽ hành quân qua tiếp. Quả nhiên hai ngày sau một đơn vị chừng hai chục tên địch lại rễu rượi đi qua thật, theo đúng vệt đường như bọn trước. Lúc ấy cũng chừng đã 5 hay 6 giờ chiều. Thằng Lễ và anh Trịnh thủ B40, còn tôi và 2 thằng tân binh Nghệ An là Điểm và Hồng bắn AK. Cũng vì địch không vào bản mà chỉ đi chéo qua nên anh Trịnh và thằng Lễ chọn cái gầm nhà sàn gần với đường địch đi nhất, trong đó có mấy cái bao tải để núp, còn 3 chúng tôi nằm ở hai phía. Dự định khi thời cơ tốt nhất, hai khẩu B40 sẽ cấp tập mỗi khẩu 2 quả, còn AK sẽ quạt mỗi khẩu một băng. Kế hoạch thế nào thì diễn ra đúng như thế. Trong ánh chiều tà, bọn địch đang chủ quan đi cách nhau mỗi thằng chỉ vài mét lướt qua thì chúng tôi nổ súng. B40 vừa chớp phát đầu tiên là tôi quạt luôn AK, bấm loạt dài, quay ngang súng mà lia chứ không phải điểm xạ nữa. Trận đánh diễn ra rất nhanh, chắc chỉ độ hơn phút. Chớp lửa bùng lên ngoài nương thì bọn địch thằng ngã, thằng co cẳng chạy. Chúng không hề bắn lại một phát nào. Còn anh Trịnh và thằng Lễ chưa kịp bắn phát đạn thứ hai thì đã thấy lửa đỏ bùng lên dưới nhà sàn trùm lên người. Ngay lúc đó tôi tưởng địch đã kịp bắn trả bằng hỏa lực gì đó, nên vội lăn ra xa hơn, nhưng một lát thì thấy anh Trịnh và thằng Lễ chạy ra, tóc tai cháy xém. Hóa ra mấy cái bao tải dưới nhà sàn đựng toàn bông nên nó bắt lửa từ đuôi súng B40 và cháy luôn rất nhanh. Cũng may lượng bông không nhiều và quân ta cũng chạy thoát vội ra kịp. Điểm lại B40 chỉ bắn mỗi khẩu được một trái, còn AK thì không ai bắn hết cả băng. Nhìn ra ngoài nương thấy trời đã tối hơn và có mấy cái xác. Chúng tôi canh chừng cho nhau mò ra lấy được 3 khấu AR15 bên 3 cái xác, ba-lô thì bị nát nên chẳng có gì. Chắc còn có thêm thằng bị thương nhưng chúng đã chạy mất. Chúng tôi rút nhanh vào bản chờ đợi, nhưng chờ mãi không thấy gì, chắc địch cũng không có chi viện nên bỏ cuộc. Trận đánh thế là kết thúc. Tối hôm ấy chúng tôi rút thẳng vào trong bản và không dám bắt gà nữa.

Sau trận ấy, chúng tôi còn ở lại bản Khăm Tha Lạt thêm ba ngày nữa, tổng cộng là 10 ngày chốt giữ. Mấy ngày sau thì tình hình yên ổn. Đich không hành quân qua và chúng cũng chẳng để ý đến cái bản này nữa. Thằng Điểm (Nghệ An) chuyên mò sang ngồi cùng hầm tôi gạ chuyện. Thằng này ngoan, bảo gì làm nấy và cũng khá là chịu khó. Có điều nó cứ hỏi tôi về dân Lào, nào là có hay gặp họ không, con gái có xinh không. Rồi là mình có được bắt giữ họ không, có được làm gì họ không. Tôi thấy buồn cười hỏi nó, "Thế mày định làm gì con gái Lào?". Nó ghé tai tôi nói nhỏ "Nếu bắt được một đứa, anh cho tôi ...ụ nó một cái nhé" làm tôi phì cười. "Cái thằng, thế mày đi lính không được học 10 lời thế quân nhân và 12 điều kỷ luật à?". Nó gãi tai cười trừ. (Thế mà rồi cuộc đời nó cũng không được biết đến một người con gái nào. Sống đến tận ngày chiến thắng, nhưng trong một lần tham gia đóng phim dựng lại cảnh đánh phi trường Hòa Bình ở Buôn Ma Thuột năm 1975, nó lại bị hy sinh do tai nạn nổ đạn B40. Thương thay).

Một ngày đầu tuần tháng 1/1973, toàn bộ C6 chúng tôi lại rút sang bờ Bắc công Xê Đôn, nhưng lại vòng tít ra phía Tây và ở vào gần đoạn chảy theo chiều Nam-Bắc của con sông. Khu vực này nhiều rừng già và men sông nhiều cây lúp xúp. Cả tiểu đoàn K18 cùng rút về đây. Có lẽ địch cũng do thám được tình hình đóng quân của ta, cộng với việc chiến dịch "12 ngày đêm B52 đánh phá Hà Nội" đã kết thúc nên chúng rảnh tay tập trung B52 đánh vào chiến trường Nam Lào. Vừa mới thoát khỏi những cánh rừng khôộc thưa thớt và trơ trụi lá để chui vào rừng già, hưởng cái cảm giác ấm cúng và kín đáo của những cánh rừng như trên Cao nguyên chưa được bao nhiêu thì chúng tôi liên tiếp bị ăn B52. Đây là lần đầu tiên kể từ khi vào chiến trường, tôi được chứng kiến cảnh tượng B52 đánh vào đơn vị, còn từ trước chỉ nghe lính cũ nói. Khi bị B52, lính cũ nhận ra ngay. Dấu hiệu của nó là đột nhiên thấy phản lực F105 bay thấp rà sát cánh rừng, âm thanh của nó gầm rú như muốn đè mình xuống. Độ mươi phút sau thì cả cánh rừng nghe tiếng hút gió của bom rơi xuống. Đấy là vệt bom không rơi trúng mình thì mới thấy thế, chứ nó rơi trúng mình thì cái cảm giác ấy chỉ có đem ra mà kể cho Diêm vương. Bom xong đi qua cái cánh rừng ấy, nhìn khoảng không gian rộng lớn hoang tàn đổ nát còn khét và ngai ngái mùi cây tươi mà thấy rợn hết cả người. Con người thật bé nhỏ trước sức tàn phá man rợ của bom đạn.

Học kinh nghiệm của lính F2 ngày trước, chúng tôi mau chóng rời rừng già ra đóng quân trong các khu rừng lúp xúp. Hầu như chiều nào cũng bị bom B52 rải đến mấy lần. Thực tình lúc ấy khá hoang mang. C5 bị dính mép một vệt bom, đi tong mất nửa trung đội. Hầu như xác tử sĩ không còn nguyên vẹn, mà chỉ như những đám thịt nát bầy nhầy. Có hai thằng hứng nguyên một quả bom, thu lại được một bọc chỉ chừng hơn 5 cân thịt, phải đem vén ra thành 2 bọc cho vào nilon gói lại kèm theo 2 cái lọ nhựa ghi tên, thế là thành 2 phần mộ liệt sĩ. Những trường hợp như thế này mà sau này có quy tập hay bốc cốt đem về thì coi như vô nghĩa. Họ đã trở về với đất mẹ và tan nhanh vào lòng đất như thế. Những chuyện này không bao giờ dám kể lại cho người thân của họ, lại càng không thể giúp cái việc đưa các bạn trở về quê hương sau chiến tranh được nữa.

Lúc ấy chúng tôi được quán triệt phải cấp tốc đào hầm chữ A thật kiên cố. Thực ra cũng là yếu tố tinh thần thôi chứ trúng bom thì chẳng hầm nào trụ được. Chặt gỗ rừng và khẩn trương đào hầm cả đêm. Hầm xong được một ngày, chưa ấm hơi người thì đến lượt C6 chúng tôi dính bom. Hồng phúc chúng tôi còn lớn nên cũng chỉ có B5 bị rìa vệt bom quệt vào. Một quả bom nổ dội đất gần hầm tôi và anh Trịnh đã hất nguyên cả một nửa hầm chữ A cả đất và gỗ bay lên trời. Nửa hầm còn lại may chưa sập mà nằm trơ ra lộ thiên. Tôi và anh Trịnh cùng bị sức ép bom, nhưng có cái may là hầm đã bị hở tơ hơ, sức ép bom bị giảm nên chỉ nằm lịm đi một lát chứ không bị ngất. Nhìn vào cái hố bom sâu hoắm bên cạnh mà càng nghĩ càng sợ, nhưng lại càng thấy là may. Hai anh em cũng không ai bị trúng mảnh bom nào. Khi cái khói bom trong cả cánh rừng đã loãng đi, chúng toi mới lồm cồm chui ra khỏi hầm và leo khỏi hố bom. Xem lại ba lô và súng đạn còn nguyên, thật là "phúc trùng lai". Đi loanh quanh kiểm tra thì cả đơn vị cũng chỉ bị một phen hoảng hồn chứ không ai làm sao.

Đại đội tôi vẫn đóng quân chỗ đó vì địch không thả bom rải thảm hai lần cùng tọa độ. Máy bay T28 nó đánh bom thì lại khác, vì là đánh trực tiếp mục tiêu. Tôi và anh Trịnh phải đào một cái hầm khác, nhưng chỉ đào hầm làm mái bằng. "Sống chết có số", anh Trinh bảo thế, nhưng quả thật chúng tôi cũng chỉ còn rất ít thời gian vì lại sắp phải vượt trở lại sông Xê Đôn để đánh địch rồi.

Bên bờ Tây sông Xê Đôn có một bản gọi là bản Bốc. Trinh sát D và E bám địch biết được lực lượng chính của GM41 của địch co cụm lại đó. Riêng GM42 của địch vẫn phân tán hoạt động lẻ. Lúc này địch cũng bị tổn thất nhiều nên chắc quân số cũng còn ít. Trung đoàn quyết đánh một trận thật to nên cho 2 tiểu đoàn K15 và K16 ép từ hai phía Tây và Bắc, còn K18 đánh qua sông từ bờ phía Đông. Tuy thế gần phía Tây bờ sông toàn là địch nên muốn chiếm lấy một vùng làm bàn đạp, tiểu đoàn phải cho các đơn vị nhỏ của các C ban đêm vượt sông sang bờ Tây lập những cái chốt nhỏ theo kiểu cài răng lược với địch. Từ những điểm chốt đó sẽ đánh rộng ra và chiếm lấy khu vực bờ sông, cuối cùng mới hội quân làm một mũi đánh chính.

Ngay hôm C6 bị dính bom B52 thì đêm đó một A tăng cường (4 lính) của B4 do A trưởng Định chỉ huy vượt sông Xê Đôn sang bờ Tây lập chốt. Ngày hôm sau đã có một trận đụng độ với địch. Sau này nghe kể lại, tiểu đội anh Định đào hầm ngay trên dẻo đất rộng chỉ mươi mét cạnh sông sát một cái nương lúa cũ đã gặt. Bờ sông trơ trụi chỉ lưa thưa vài cây khôộc. Tất cả đều cố đào làm lấy mỗi người một cái hầm nắp bằng với những cây gỗ mang từ bên kia sông sang. Hầm anh Định nhô hẳn ra ngoài nương. Công tác ngụy trang khá tốt, hôm ấy nắng to nên những vụn đất đào lên khô nhanh, hòa lẫn luôn với những đám lá khôộc khô xung quanh. Buổi chiều địch mới nống ra. Giữ được thế bất ngờ nên loạt đầu đã diệt được sáu bảy tên địch. Sau lần tấn công thứ hai, địch phát hiện rõ khu vực các hầm chốt nên dùng DK từ xa bắn lại. Khoảng cách khá gần, DK uy lực chẳng kém pháo tăng. Tất cả các hầm của ta đều bị sập. Chỉ có thằng Dũng bị sức ép vùi trong hầm nhưng sống sót, còn lại hy sinh tất. Thương hơn là anh Định bị trúng nguyên cả một phát DK bay hết nửa người, chỉ còn sót lại từ thắt lưng trở xuống. Đêm ấy thằng Dũng vượt sông trở về vác theo cái xác nửa người của anh Định. Quân ta mất chốt, nhưng địch cũng bỏ không chiếm cái chốt. Đêm ấy B5 chúng tôi trở lại chốt làm nốt công tác thương binh tử sĩ.

Thế là cạnh cánh rừng đóng quân bị vệt bom B52 của đại đội lại phải vội vã lập một nghĩa trang để làm nơi yên nghỉ cho 3 người lính của B4: A trưởng Định, người đã bị khai trừ Đảng vì bắn nhầm B phó Đương trên cao nguyên, nay mới chỉ vừa kịp được xét trở lại đối tượng Đảng và hai thằng lính chưa đủ một tuổi quân là Sơn (Nam Hà) và Bình (Nghệ An). Những cái nghĩa trang nhỏ cứ được lập vội vã như thế ở Saravan dọc theo đường chiến đấu của đơn vị, không biết đến bao giờ những người đồng chí đồng đội ấy mới được về sát bên nhau?

Chiến trậncòn đang ở phía trước và những người lính chúng tôi lại phải tiếp tục lênđường. Vĩnh biệt các đồng đội nằm lại nhé. Đây chưa phải đất mẹ, nhưng cũng làlòng đất thân thương đón những kiếp người trở về với cát bụi. 


Hai hôm sau thì tất cả K18 đã vượt hết được sông Xê Đôn sang bờ phía Tây. Chỗ cái nương có khu vực chốt của anh Định thuộc một bản có tên là bản Bôc. Dọc sông Xê Đôn có nhiều bản dân nhưng họ đều phải chạy lánh nạn hết. Các đơn vị của K18 vượt sông làm bàn đạp và tổ chức tập kích địch liên tục khiến chúng tổn thất và co cụm lại. Tới ngày 6/1/1973 trinh sát D và E bám địch báo về hầu như toàn bộ các đơn vị của GM41 đã co cụm về khu vực bản Boc này rồi. Các tiểu đoàn của E9 được giao nhiệm vụ đánh một trận quyết chiến. Lúc này địch cũng đang có ý định rút khỏi Saravan. Các đơn vị của GM42 địch đang tổ chức rút về Pắc xế và bị các đơn vị của E19 chặn đánh tơi bời. Không có trận nào tiêu diệt gọn vì bình nguyên Saravan với những cánh rừng khôộc và nương dân rộng mênh mang có thể chạy khắp ngả nên khi bị đánh thường địch chỉ phản kháng lấy lệ rồi tìm đường rút. Chạy tứ tán nhưng chúng cũng tụ lại được với nhau rất nhanh và lại rút tiếp.

Đợt vừa rồi trong khi K18 triển khai bên bờ Tây sông Xê Đôn thì ở phía Đông và Nam thị xã, K16 đã lập một thành tích đặc biệt là tập trung đánh tan được trận địa pháo cối của địch, đưa tình thế hỏa lực của địch trở lại như lúc đầu mới ra Saravan. Trận địa pháo cao xạ 23 ly cũng đã nổ súng, bắn rơi được một chiếc máy bay T28. Đây là lần đầu tiên tôi nghe tin T28 của địch bị hạ ở chiến trường này. Bộ binh dưới đất cũng đánh mạnh khiến địch không thể lập được vùng tiếp nhận hàng thả dù dưới đất nên đạn dược của chúng cũng đã cạn nhiều.

Ngày 7/1 toàn bộ K18 và K15 được lệnh vây ép các đơn vị còn lại của GM41 đang co cụm. Cấp trên không tổ chức đánh ngay mà cho các đơn vị chúng tôi đào hầm và bao vây xung quanh. Thỉnh thoảng lại nổ súng, dã vào một ít cối 60 và B40. Cái khu vực xác định là địch co cụm cũng rất rộng, toàn cây khôộc và chúng tôi cũng không biết chính xác từng vị trí địch. Nhưng cứ vây ép và tương hỏa lực vào như thế thì thằng địch tất cũng tổn hao và hoang mang. Trong mấy ngày vây ép, chúng tôi không vất vả, nhưng khó chịu nhất là thiếu nước. Mỗi người một đùm cơm nếp to tướng gặp nắng xe khô rất nhanh, vừa cứng vừa mất mùi tuy ngửi thì cũng không hẳn là thiu. Cơm như thế ăn phải có nước mới nuốt được. Chỉ có đêm mới tổ chức mò ra sông lấy được nước, mỗi người một bi đông. Ngày nắng to quần áo hầm hập nên một bi đông nước cũng chẳng thấm tháp gì.

Vây đến ngày thứ 5 thì địch phá vây rút chạy. Chúng tôi xông vào đuổi đánh mà không vấp phải mìn. Lúc này có lẽ địch cũng không còn mấy vũ khí, có một vài quả mìn Cleimo thì lại không cài tự động mà cài theo kiểu bấm nổ, khi chạy không kịp thu hồi nên chỉ béo cho mấy ông y tá phá ra lấy thuốc làm chất đốt. Địch bị chết một phần nhưng chạy thoát khá nhiều. Nhìn cái trận địa rất rộng của chúng toàn hầm hố nhưng trông thảm thương làm sao. Các vỏ bao đựng đồ ăn, băng đạn, mấy mảnh dù và những cái ba lô rách vất rải rác, nghèo nàn xơ xác. Chiến lợi phẩm chẳng có gì ngoài mấy khẩu súng bên những cái xác địch. K15 được lệnh ở lại giải quyết nốt, còn các đơn vị của K18 lập tức thu quân lên đường tổ chức truy kích địch. Trinh sát tiểu đoàn chia ra đi theo các C bộ binh. Gặp địch ở đâu là đánh luôn. Địch chạy thì ta lại đuổi tiếp. Tuy thế nhưng thằng chạy thì chủ động và nhanh hơn vì chỉ có mục đích là rút, còn quân ta đuổi theo thì vẫn vừa phải nắm địch và vừa phải dừng lại để bổ sung đạn và cả gạo nữa. Vì thế không bám sát được địch mà cứ đuổi theo sau, vài hôm lại nổ súng một lần. Có khi lần này đánh một bọn, lần sau tìm thấy địch nổ súng thì là đám khác chứ không phải đám địch cũ.

Ngày 12/1 chúng tôi đánh một trận, diệt được dăm tên.

Ngày 14/1 lại đánh một trận nữa, diệt vài tên. Sau trận đánh mò được vào một cái bản có tên là Tha Mư Cầu. Dân chạy hết, nhưng bản nghèo cả có gì. Dừng được một buổi rồi lại đi ngay nên cũng không đủ thời gian để những con vật nuôi quay trở lại mà bắt.

Ngày 15/1 toàn trung đoàn 9B được lệnh hành quân trở lại Cao nguyên Boloven. Thế là sít soát 3 tháng trời ra Saravan đánh địch. Trong thời gian ấy, trong Cao nguyên bỏ trống nên địch đã chuyển quân chiếm lại đường 23. Vượt qua ba chục cây số từ ngã Ba Lào Ngam, hai tiểu đoàn Thái Lan đã kịp lập căn cứ chiếm giữ thị trấn Păc Soong, hầm hào và hàng rào thép gai đầy đủ. Thế là lại phải quay vào Cao nguyên. Chiến dịch Saravan coi như kết thúc.

Thế nhưng trên con đường chúng tôi hành quân về Cao nguyên thì thực chất lại là cuộc ganh đua trên các nẻo đường với các đơn vị còn lại của GM41, chúng cũng rút về Cao nguyên với mục đích hội quân về Păc Soong. Đường đi có thể khác nhau vì cứ băng rừng mà đi, nhưng lại cùng hướng nên tất có lúc phải đụng độ. Không có thời gian nắm bám trinh sát tình hình của nhau, tất cả đều vội vã hành quân nên có lúc bất ngờ húc nhau và buộc phải nổ súng.

Những ngày đó chúng tôi hành quân không có lịch nghỉ là ngày hay đêm. Cứ đi, mệt quá không đi được thì nghỉ. Hoặc giả gặp chỗ nào có nước anh nuôi dừng chân lại nấu cơm thì lính tráng tranh thủ nghỉ. Nhưng vì tất cả cùng đi nên nhiều khi anh nuôi đuổi theo không kịp. Mà có đuổi chịp, chưa chắc còn sức mà nấu cơm. Thế là lại chia ra từng B tự nấu, thay nhau mà nấu cơm. Mệt bã người, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ. Một lần hành quân giữa đêm, tôi và anh Tụy cối 60 tụt lại phía sau một đoạn. Anh Tụy người Nam Hà, nhập ngũ đầu năm 1972 lúc đang là thày giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đâu cũng gần ba chục tuổi. Cũng không thể hiểu nổi tại sao anh ấy lại đi cùng đoàn Nam Hà. Vào đơn vị, anh ấy thuộc loại lớn tuổi nhất trong đại đội. Cả đơn vị đều trân trọng anh ấy, vì anh Thiết "quản lý" bảo, "thày giáo của Trường ĐHSP có nghĩa là thày của những người thầy", quý lắm. Người như anh ấy không thể đưa xuống bộ binh dễ chết được nên đại đội phiên chế vào A cối 60. Tính cách anh ấy cũng nhỏ nhẹ, hiền lành, đúng là người "hai lần thày".

Thế mà lần này thì tôi rơi vào tình huống mà bây giờ mới dám kể. (Chuyện tế nhị về những người thày đâu phải lúc nào cũng bô bô kể ra được. Bây giờ anh ấy cũng đã nghỉ hưu rồi mới dám kể chứ).

Tụt lại phía sau hàng quân là tôi có ý riêng của mình. Trong đêm trăng lờ mờ chẳng ai rõ ai, nhưng vẫn có thể nhìn thấy hàng quân đi nên không sợ lạc. Với con mắt của kẻ đã có chút ít kinh nghiệm "ca cóng", tôi phát hiện thấy ở vùng này dân họ làm những cái nhà cho gà ở ngay rìa nương chứ không làm trong bản hay thả rông hoàn toàn. Nhà đơn (không phải nhà sàn) như kiểu cái bếp ở ngoài Bắc của ta, nhưng trong đó làm những giá cao xung quanh tường để gà lên đó làm ổ đẻ hay đậu ban đêm. Không thể bắt gà, nhưng trong đó nhất định có gà đang ấp trứng. Tôi tách ra khỏi hàng quân, chạy nhanh vào một cái nhà "gà" và nhắm mắt lại một lát rồi mở ra để quan sát trong bóng tối. Nhà "gà" nghèo nàn quá, ngoài mấy con gà thức giấc lao xao thì chỉ có một ổ gà đang ấp. Tôi kiễng chân luồn tay vào ổ dưới bụng con gà mẹ. Chỉ có độ chục quả trứng, ít quá nên tôi chỉ dám lấy một quả. Nghe có tiếng động, tôi nép vội vào một góc thì thấy một bóng người lẻn vào, cũng rất nhanh lần đến ổ trứng và thò tay vào. Lúc người ấy lùi ra thì húc phải tôi. Hơi giật mình nhưng chúng tôi nhận ra nhau rất nhanh. Hóa ra là "thày" Tụy. Trong bóng tối cả hai không nhìn rõ mặt nhau, nhưng chắc đều ngượng nghịu. Anh Tụy bảo: "Thôi, húp nhanh đi cho nó khỏe rồi còn đi cho kịp". Được lời, tôi mới bóc hai đầu quả trứng ra húp sống, tỉnh cả người. Cũng may nó là trứng gà mới chứ nếu sắp "lộn" rồi thì công cốc. Có lẽ nhờ quả trứng sống bồi dưỡng kịp thời nên tôi khỏe thêm, chỉ một lúc sau đã lọt được vào đội hình hành quân của đơn vị. Sau này có lúc nằm hầm rỗi rãi, anh Tụy mới nói lại chuyện này. Anh bảo, "mình ăn trộm chưa hẳn day dứt là của dân, mà cái chính là trộm của con gà mẹ, của một con vật đáng thương và bất lực. Nhưng thôi, cứ đổ cho chiến tranh cậu ạ. Đôi khi cũng phải bỏ qua danh dự và liêm sỉ để mà sống. Sống được trở về là có tất cả". (Ngay sau chiến tranh, cuối năm 1975 anh Tụy đã được giải ngũ. Có lẽ anh trở lại Giảng đường ĐHSP để đứng trên bục giảng hùng hồn kể về những năm tháng hào hùng của lớp trai thời chiến cho lứa sinh viên mới. Chắc cũng chẳng có lúc nào để nhớ lại về quả trứng gà ăn trộm trong một hoàn cảnh khá đặc biệt của đêm hành quân Saravan).

Những ngày hành quân trở lại Cao nguyên là một chuỗi ngày mệt mỏi và rã rời. Có lúc mệt quá cả quan bé lẫn lính cứ nằm lăn lóc rải rác ven đường. Bị thúc dậy có khi đi loạng quạng một đoạn vài trăm mét lại rúc luôn vào một cái bụi nào đó mà ngủ. Khổ nhất là cán bộ C, các anh CTV. Thúc được thằng này đi thì thằng khác lại lủi vào bụi. Cả hàng quân đi nhệch nhạc như thế, chẳng biết hiệu quả hơn hay tổ chức đi và nghỉ có giờ giấc thì hiệu quả hơn. Có lần anh Mỵ mới lên làm CTV của C tôi phải đứng ra giữa đường hô to: "Đảng viên, đoàn viên đâu? Giấy khen, bằng khen đâu? Đi đi chứ? Tiến lên đi các đồng chí!" nghe mới sầu thương làm sao. Kiểu này mà bất ngờ húc phải địch, bị nó đánh cho tan tác là cái chắc.

Vậy mà không phải thế. Ta mệt thì địch cũng mệt và cùng mất cảnh giác. Hơn nữa khi vào tình thế chạm địch thì lính ta tỉnh nhanh lắm. Phía trước chúng tôi khi đó là K15. Vào đến vùng giáp ranh giữa Saravan và Cao nguyên thì bất ngờ C2 đụng địch. Đoạn đó có hai con đường xe bò đi sát nhau, hoặc có thể là một con đường thôi nhưng rất rộng và chia thành hai vệt đường cách nhau bởi một hàng lau sậy mọc cao và rộng tới hơn một mét. Lính C2 đi vệt bên phải và đang ngồi nghỉ giải lao. Mệt nên chẳng ai nói chuyện gì, chỉ buồn ngủ nên cũng không có ai hút thuốc, đó chính là điều may mắn. Được ít phút rồi mé bên đường phía trái thấy rậm rịch có người. Đại trưởng C2 vạch lau chui qua xem đơn vị nào. Tỉnh cả người khi phát hiện ra là địch và thật trùng hợp, chúng cũng dừng lại nghỉ giải lao. Vì mệt nên mất cảnh giác chứ nếu không thì dù là trong đêm chúng cũng có thể phát hiện ra quân ta. Đại trưởng C2 thụt lại, gặp nhanh các cán bộ B trao đổi. Thế là rất nhanh và bí mật, lính ta được dựng dậy phổ biến tình hình và lên phưong án tác chiến. Nói thì chậm chứ mọi việc diễn ra lúc đó rất nhanh và khẩn trương. Lính C2 chui qua hàng lau sậy và xả súng như mưa vào những tên địch đang trong tư thế ngồi ngái ngủ. Bọn địch chết như ngả rạ và không thể có phản ứng gì dù chỉ là rất nhỏ. Trận đánh có lẽ chỉ độ 2 phút là cùng. Kiểm lại trận địa được hơn ba chục xác lính, chắc là một đại đội địch. C2 tổ chức thu dọn trận địa rất nhanh rồi lên đường hành quân tiếp luôn sau khi đã báo cáo cấp trên.

Rạng sáng thì chúng tôi cũng được thông báo tình hình và quán triệt tinh thần cảnh giác cao độ. Trinh sát tiểu đoàn phải làm việc nhiều hơn vì có thể còn gặp địch. Khi chúng tôi hành quân qua khu vực C2 nổ súng hôm trước, nhiều thằng trong C tôi chui qua thăm dò gỡ gạc, nhưng chỉ được một ít lựu đạn tròn. Các thứ khác C2 đã vét sạch rồi, nhanh thật.

Sang nửa cuốitháng 1/1973, chúng tôi vào đến vị trí tập kết trong Cao nguyên. Nơi đây là mộtcánh rừng Bằng lăng mọc xen kẽ trên vùng đất đá. Rộng ra xa là các dải đất hẹptoàn lau lách. Đào được một cái hầm là cực kỳ khó khăn nhưng vẫn phải đào. MỗiA đào chiếu lệ hai ba cái hầm nắp bằng dựa vào các phiến đá. Một con lạch nhỏrộng chừng nửa mét, sâu độ hai chục phân chảy cách khu trú quân dăm chục mét.Chúng tôi được nghỉ vài ngày chuẩn bị hậu cần cho trận chiến đấu mới. Línhtráng thay nhau tắm giặt ở con lạch nhỏ đó. Thời gian nghỉ ngơi còn lại toànchơi bài tiến lên. Vật chất không có gì, kể cả chè và thuốc lá. Vài thằng láucá tranh thủ mò ra các khu vực xa hơn kiếm thuốc lá của dân, nhưng vùng này xabản nên cũng chẳng có gì. Chào vao nhìn nhau cả ngày, nhưng được cái có thờigian nghỉ ngơi nên cũng thoải mái.


Thế là lại về Cao nguyên. Trong mấy ngày lính tráng nghỉ ngơi thì các cán bộ C đi họp túi bụi để tổng kết chiến dịch Saravan và nhận kế hoạch tác chiến mới. Ở khu vực này chơ vơ toàn cây Bằng Lăng mọc trên vùng đất đá nên cũng thưa thớt chẳng kém gì rừng khôộc Saravan. Chúng tôi phải làm những cái lán nhỏ như những cái lều chợ, chủ yếu là mái để che bớt nắng. Sang giữa mùa khô rồi nên không sợ mưa. Cũng không mắc võng được nên tất cả trải ni-lon nằm đất. Mà cũng phải loay hoay mới kiếm được chỗ đất bằng ở cái nơi toàn đá lổm nhổm này.

Sau vài ngày nghỉ là lại cùi đạn và gạo. Lần này chúng tôi tránh xa các bản dân. Chắc cũng vì nhiệm vụ, nhưng thực tình chúng tôi chưa đóng quân trong bản dân bao giờ. Chúng tôi tập trung chuyển đạn từ những cái kho làm vội trong các bãi lau đến khu vực thị trấn Pak soong. Ô tô tải chuyển đạn đến ban đêm thì hầu như hôm sau các đơn vị bộ binh đến chuyển đi hết. Công tác này gọi là lót đạn. Chúng tôi lờ mờ đoán là chuẩn bị đánh bọn Thái đang lập căn cứ ở Thị trấn. Đánh nhau trở thành chuyện thường ngày rồi. Lúc này chúng tôi vẫn chưa biết thêm tình hình gì trên thế giới cũng như ngoài Bắc. B52 của Mỹ dạo trước đã đánh Saravan, nay tiếp tục đánh vào cao nguyên, xung quanh Thị trấn. Không có trinh sát mặt đất, nhưng chúng cứ rà theo bản đồ rồi nhằm khu vực có rừng xanh mà thả bom tọa độ. Trung đoàn phổ biến cho tất cả các đơn vị không được trú quân trong rừng già. Khi đi cùi đạn gạo chỉ đi theo đội hình từng B hơn chục người. Lúc đi lại phải chú ý nghe ngóng. Hễ có dấu hiệu phản lực F105 bay rà sát trên đầu thì phải mau chóng chạy ra các bãi gianh hay khu rừng trống để nghỉ ở đó, chờ bom xong mới đi tiếp. Ngày nào cũng có B52 thả bom. Có chỗ chúng tôi vừa đi thoát, có chỗ hôm sau mới tới lại phải tìm đường vòng. Có hai lần chúng tôi phải nằm rạp trên bãi cỏ tranh, chứng kiến bom rơi thả vào ngay khu rừng cạnh đó chỉ hơn trăm mét, nghe tiếng đất đá bay rào rào. Cái cảm giác nghe tiếng bom nó hút xuống rờn rợn, bây giờ hình dung lại vẫn thấy ghê.

Ngày 26/1 chúng tôi được ăn tết Quý Sửu sớm. Gọi là ăn Tết vì hôm đó cả tiểu đoàn được nghỉ cùi cõng và được ăn xôi kèm thịt lợn. Chè thuốc vẫn chưa có gì. Đoạn này là tùy sự tháo vát của lính tráng thôi. Anh Dũng (người Nghệ An, B trưởng B5 từ lúc ở bản Khăm Thà Lạt) dẫn lính mò đi rất xa tìm bản dân đổi chác xin xỏ gì đó nên tối hôm ấy sau khi cơm nước xong, cả B tập trung hút thuốc rê và uống cà phê. Cà phê bột cho vào túi dù rồi bỏ vào xoong 6 đun lên, mỗi lính được một bát B52 đầy. Khu vực này trống trải, xa dân nên nói cười thoải mái.

Từ hôm sau lại đi lót đạn bình thường. Tối 28/1 chúng tôi tập trung cả C nghe CTV phổ biến Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam vừa mới ký. Không có đài nên thông tin phải phổ biến từ trên xuống. Nội dung cụ thể thì cũng không rõ lắm, nhưng mừng là chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt. Lúc này chưa có phổ biến gì về âm mưu thủ đoạn tiếp theo của địch. Chúng tôi chỉ biết là đất nước đã hòa bình. Bây giờ lại thương cho chính mình đang ở trên đất bạn, vẫn còn chiến tranh và vẫn phải đánh nhau, chả biết đến bao giờ mới hết.

Có lẽ phấn khởi vì kết quả của Hiệp định Pari và cũng có thêm điều kiện nên Trung đoàn cho chúng tôi ăn Tết lần nữa. Ngày 31/1 có tới một nửa quân số đơn vị không phải đi cùi đạn mà tập trung đi nhận nhu yếu phấm và thịt lợn cũng như kiếm thêm cái gì đó để cải thiện. Nhiều B còn vẽ vời kiếm ít hoa rừng buộc thành tùm treo trong lán cho có không khí Tết. Thế là được ăn Tết 2 lần. Ăn thì vẫn chỉ xôi với thịt lợn, không có rau, dù chỉ là vài nắm rau tàu bay. Một ít nõn chuối sát gốc thái nhỏ bóp muối cũng chỉ tạo được cảm giác man mát một chút. Hậu cần của đoàn 559 chuyển vào được cho chúng tôi cứ 4 người được một hộp mứt tết 250 gram, mỗi người 6 điếu truốc lá Trường Sơn. Mỗi trung đội được một gói chè Ba Đình loại 30 gram. Tuy không thể sánh được với thuốc lá đầu lọc hay cà phê cao nguyên, nhưng như thế là quá tuyệt vì đây là hương vị miền Bắc, lại đúng vào lúc chúng tôi chẳng còn gì. "Biết sống đến mai mà để củ khoai đến sáng", thế là tối đó cả đại đội liên hoan bằng hết. Vài miếng mứt tết như mứt bí, mứt gừng hay cà rốt nhấm nháp với nước chè lại gợi lên cảm giác nhớ nhà. Đây là cái tết đầu tiên trong lính của tôi vì tết trước chúng tôi được về phép ăn tết với gia đình. Thực ra vật chất thế này cũng tạm ổn vì ở nhà (ngoài Bắc) tiêu chuẩn Tết mua theo tem phiếu cũng chả có bao nhiêu. Chỉ hơn ở nồi măng, đĩa rau, miếng bánh chưng và nhất là không khí gia đình. Gia đình tôi có 5 khẩu cũng chỉ có một hộp mứt 500 Gram và một gói kẹo mềm (nhưng rất cứng, gói giấy) độ vài lạng gì đó thôi. Khi thưởng thức cũng phải chờ buổi tối quây quần cả gia đình mới mở ra nhấm nháp.

Đêm 30 Tết cả đại đội xuất quân, tiến sâu hơn vào Thị trấn Pak soong chừng hai chục cây số làm nơi tập kết mới. Ngày 01 Tết phổ biến nhiệm vụ và làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cả trung đoàn 9B tập trung đánh căn cứ của tiểu đoàn Thái 4001 nằm ở phía Tây Bắc thị trấn Pak soong. E19 tập trung đánh các đơn vị cả Thái và Lào ở phía Nam thị trấn dọc xuống đường 23. Trận đánh của E9 sẽ là trận chính. Suốt cả chiều 30 và ngày mồng 1 tết, chúng tôi tập trung làm công tác chuẩn bị y như những lần đánh công kiên trước đó. Súng đạn chuẩn bị theo cơ số (cối 60: 50 trái, B40 và 41 mỗi khẩu 7 quả. M79 40 trái, xung lực AK 250 viên). Tất nhiên vẫn phải chặt gỗ để vác theo làm hầm. Bao cát không có nhiều nên phải vào các khu hầm cũ của cả ta và địch quanh đó để tìm kiếm, gạn lọc và rọc ra thành tấm để lót. Lần này C5 sẽ làm nhiệm vụ mở cửa (hướng Tây) nên chúng tôi không phải chuẩn bị mìn DH. Trên cao nguyên vốn dĩ hàng rào của địch không nhiều nên các đại đội làm thê đội hai không phải chuẩn bị bộc phá ống. C6 chúng tôi cũng chỉ có hơn nửa đại đội bố trí nằm sau cả C7, nghĩa là đơn vị vào căn cứ sau cùng. Nghe phổ biến K16 sẽ mở cửa làm một mũi hướng Đông Bắc, còn K15 đón lõng và đánh viện binh ở vùng sát với Thị trấn. Riêng B5 tăng cường chúng tôi được làm nhiệm vụ độc lập, làm một mũi đón lõng ở hướng Đông Nam, cách căn cứ địch khoảng 800 mét. Hướng này không có đường từ căn cứ đi ra (căn cứ nằm trên một quả đồi), nhưng lại có một cái bản nằm sát quả đồi bên cạnh và có vệt đường xe bò từ bản đi về Thị trấn. Cấp trên dự đoán nếu bị đánh mạnh hai hướng (phía K18 và K16), có thể địch phá hàng rào rút chạy ra hướng Đông Nam để về Thị trấn.

Sáng 2 Tết Quý Sửu (ngày 4/2/1972), tất cả chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Có hai việc khác thường mà sau này chúng tôi mới biết rõ. Thứ nhất là một B trưởng của C5 tên là N.V. Tải đang chuẩn bị làm hồ sơ để phong anh hùng. Không biết các đơn vị khác thế nào chứ trong phần truyền thống trung đoàn chúng tôi, ngoài anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng ở đường số 6 Hòa Bình trong thời chống Pháp, không thấy kể tên các cá nhân được phong anh hùng LLVT thời chống Mỹ, mặc dù trong lính cũ có rất nhiều người là dũng sĩ diệt Mỹ, đánh xe cơ giới, thậm chí có dũng sĩ bắn rơi trực thăng bằng B40. (D trưởng K18 chúng tôi là Lê Quang Huân dạo chiến dịch Mậu Thân đánh Huế nhảy lên cướp xe M113 của địch rồi dùng đại liên bắn tiêu diệt tới trên 100 tên địch mà cũng chưa được phong anh hùng. Giữa năm 1972 anh ấy được ra Bắc bổ túc rồi sau đó về làm E trưởng E19 của sư đoàn). Anh N.V. Tải chính là người lính trong chiến dịch Mậu Thân đã dùng B40 trên một quả đồi bắn cháy một trực thăng địch khi nó sà xuống chân đồi. Mãi không có anh hùng, lại sợ trận này ác liệt anh ấy hy sinh thì hỏng to nên trung đoàn quyết định cho anh ấy nghỉ lại ở hậu cứ. C5 thiếu một B trưởng cứng, nhưng cũng đành chấp hành lệnh cấp trên.

Trường hợp thứ hai là đại trưởng Hùng của C tôi. Anh Hùng người Hà Tây, cao to trắng trẻo đẹp mã và cũng lãng tử lắm, tài "ca cóng" thuộc hàng đẳng cấp, nhưng lại rất mê tín. Vẫn biết sống chết có số, nhưng từ khi có đoàn tân binh Nghệ An bổ sung ở Saravan tháng 12/1972 vừa rồi vào C5 có một thằng cũng tên là Hùng, nghe lính mới đồn nhà nó có truyền thống xem tướng số giỏi lắm, đại trưởng Hùng hay nhân các lúc đi công tác để mò sang C5. Chả biết trò chuyện thế nào mà rồi tin và quý nó lắm. Trước trận này, anh Hùng có sang bên đó chơi. Nghe nó phán sắp tới anh có điềm gỡ, nhưng có thể tránh được, thế là đại trưởng lăn ra ốm. Tất nhiên trước sau gì thì trong lính rồi cũng biết là ốm ra sao, nhưng lúc đó chúng tôi chỉ nghe tin là anh ấy ốm nặng. Thế là trận này đại phó Chèo phải cầm quân (sau khi kết thúc chiến dịch Saravan, anh Chèo đã được lên đại phó). Mũi đón lõng của trung đội tôi được tiểu đoàn cử anh Điện là trợ lý tác chiến tiểu đoàn xuống tăng cường và chỉ huy.

Vì đường xa nên sau bữa cơm trưa, nhận bọc cơm nếp to tướng cho 3 ngày ăn nhét vào balo là tôi có mặt trong hàng quân ngay. Nhưng khổ nỗi cái gói cơm nếp nóng trong balo tỳ ngay vào lưng nên rát quá, cứ phải ngọ nguậy như bị bọ chét cắn. Anh Trịnh phải bẻ một nắm lá tươi to tướng nhét vào đệm chỗ đó giúp tôi, nhưng cũng chỉ đỡ được một chút thôi. Chưa đi mà mồ hôi đã vã ra ướt cả lưng áo. Đầu giờ chiều, đơn vị xuất phát. Đi chung được một tiếng thì B5 chúng tôi tách ra đi hướng riêng, có 2 trinh sát D dẫn đường. Trong hai trinh sát, có anh Hợp người Hà Tây là một trinh sát cứng mà trung đoàn đang nhăm nhe rút lên. Chả là hồi ngoài Saravan đẳng hướng như thế, vật chuẩn thì nhìn đâu cũng như nhau, thế mà anh ấy phải nhận dẫn đường cho một đơn vị của sư xuống kiểm tra tình hình và đặt sở chỉ huy theo dõi chiến dịch. Hơn 12 cây số mà anh ấy chỉ nhìn bản đồ, soi địa bàn một lát là đạp thẳng một lượt dẫn cả đoàn đến đúng khúc suối định đặt bản doanh, chệch chưa đến chục mét. Chỉ riêng vụ đó đã được thưởng một huân chương chiến công hạng 3. Lần này có lẽ nhờ có anh Điện vốn ở D bộ xuống tăng cường nên kéo được anh Hợp theo.

Vẫn luồn rừng mà đi. Lần này quân đông nên cấp trên chọn vị trí tập kết xa căn cứ địch. Trời tối thì chúng tôi cũng lọt vào khu vực thị trấn Pak Soong. Để đến được nơi đào hầm, chúng tôi phải vượt qua một cái đầm nước khá rộng. Tất cả ngồi nghỉ trên bờ chờ trinh sát thăm dò tiếp. Tất cả chúng tôi hạ gỗ và balo rồi ngồi xoài ra nghỉ. Ngọ nguậy và xoa bả vai cho đỡ mỏi. Chỗ này trống trải, nhìn lên trời chỉ thấy sao, không có trăng vì là ngày đầu tháng. Mọi phía nhìn chỉ nhờ nhờ, nhưng cũng đủ nhận ra nhau cách độ hai ba mét. Trời khá mát mẻ. Không ai được hút thuốc. Trinh sát quay lại, tất cả được phổ biến nhanh là phải bám sát nhau, đầm không sâu nhưng dưới nước và ven bờ có nhiều lá tôn cũ vất dưới đó nên chú ý kẻo dẫm lên phát tiếng động, hoặc vấp vào thì què châm. Chỉ có ít người nên cứ chầm chậm mà tiến. Chúng tôi không phải mũi chính, lại càng không phải làm nhiệm vụ mở cửa nên không vội. Chúng tôi có thể đào hầm tới tận sáng cũng được.

Sau khi vượtđầm nước, đi thêm độ dăm trăm mét thì tới vị trí triến khai. Trinh sát D quayvề còn chúng tôi bắt đầu đào hầm. Đây là một cái bản cũ, nhà cửa đã sập, chỉcòn sót lại một cái nhà sàn nhỏ gần như còn nguyên nhưng thiếu mái che. Vài chỗkhác còn lại ít cột nhà đã hỏng. Cả Trung đội chia nhau đào thành 5 cái hầm,hai người một cái thành hình cánh cung quay về trận địa địch. Anh Điện và Btrưởng Dũng nhận ngay cái gầm sàn của ngôi nhà còn sót để đào hầm. Tôi với anhTrịnh đào phía rìa phải, gần một bụi tre, phía lưng dựa vào một cái vách nhàsàn cũ đã sụt. Chỗ đó vừa kín được gió, vừa che được khá kín. Đào thêm một cáingách cho hầm là có thể chui vào đó bật lửa châm thuốc hút được rồi. Mùa khônhưng đất cao nguyên mềm nên chưa sáng chúng tôi đã đào xong hầm. Có thể nói làkhá chắc chắn. Ngồi hai người thì đủ, nhưng nằm thì không thể. Mỗi người mộtphía ngách hầm nếu có đánh nhau. Anh Điện, anh Dũng rồi cả chúng tôi cùng đượctrèo lên cái nhà sàn không mái, kê đòn gỗ làm thang rồi nhìn về phía trận địađịch nhưng chẳng thấy được gì. Ít nhất là chúng tôi được nghỉ cho tới khi trậnđịa nổ súng nên làm xong điếu thuốc là cả tôi và anh Trịnh cùng trải nilon ngaybên miệng hầm mà ngủ. Chỗ này chẳng phải gác sách gì. 


   Mờ sáng, chúng tôi cùng dậy trước khi có lệnh nổ súng. Anh Điện có đồng hồ nên thúc chúng tôi dậy trước 5 giờ. Chúng tôi được leo lên nhà sàn nấp trong đó để xem trận đánh. Thật ra xa đến 800 mét nên nơi này rất an toàn, nếu như không bị bom pháo. Phía trận địa cũng chẳng nhìn thấy gì, tối om. Đến lúc sáng hơn thì thấy toàn màn sương trắng đục.

5h00 sáng. Phía trận địa thấy có chớp lửa bùng lên rồi mới nghe tiếng nổ. Tiếng nổ không to. Rồi bắt đầu thấy trong căn cứ địch chớp lửa lóe lên loáng nhóang. Đấy là pháo cấp trên chi viện. Đạn dược có vẻ nhiều nên thấy bắn khá lâu. Lúc này nhìn quang cảnh như xem đánh trận giả. Chắc ngày xưa ở Điện Biên Phủ các cấp chỉ huy nằm trên núi cao xung quanh thung lũng Mường Thanh quan sát bộ đội đánh nhau có lẽ cũng như thế này. Có khi còn không rõ bằng chúng tôi. Sương tan dần nhưng thú thật là ngoài những chớp lửa lục bục thì cũng chẳng thấy gì rõ cả. Chúng tôi chỉ nhìn được đại thể chứ không nhìn rõ cửa mở của C5. Cửa mở của K16 khuất phía bên kia căn cứ nên càng không nhìn thấy gì. Lúc pháo cấp trên chuyển làn bắn sâu vào căn cứ để bộ đội xung phong, anh Điện phải nhắc chúng tôi mới biết. Tiếng hỏa lực B40 nghe cũng bé tẹo, không bằng tiếng pháo đất trẻ con chơi. Mãi mới nhận ra tiếng 12ly7 lạch tạch, còn xung lực AK thì chẳng nghe thấy tiếng. Xem xong cảnh mở màn, anh Điện bắt chúng tôi về hầm, chỉ còn một người ở lại quan sát. Nếu thuận lợi thì trận đánh cũng phải cỡ nửa tiếng nữa mới tạm ổn. Nếu địch có rút chạy thì cũng phải thêm độ nửa tiếng nữa chúng nó mới có thể đến được đây. Vậy là một người quan sát, còn lại tất cả lấy cơm ra ăn rồi ngồi hút thuốc chờ đợi.

Mũi chúng tôi không có điện đài đi theo nên chủ yếu trông chờ phán đoán và xử lý tình huống của anh Điện. Cái nhà sàn sẽ là đài quan sát rất tốt, nhưng vì nó không có mái nên trống hoác, anh Điện phải cho chặt mấy cây tre gần đó rấp lên để ngụy trang. Tất nhiên là cũng không hợp lý lắm nhưng như thế còn hơn để tơ hơ, L19 nhìn thấy thì chết với nó. Vẫn phải cử một người rúc trong cái đám cành lá tre đó nhô đầu lên quan sát tình hình. Một tiếng đồng hồ căng thẳng trôi qua, không có động tĩnh gì. Một ít thuốc rê còn sót lại từ dịp ăn Tết sớm tuần trước đã hết veo. Ngồi phục bây giờ giống như ngồi chốt, thấy buồn buồn.

Trời sáng hơn và sương mù tan dần khi có nắng. Vùng đất cao nguyên thì nơi nào cũng giống nhau. Mùa khô nếu sáng sớm có sương mù thì rồi sẽ có nắng. Sương mù sớm càng đặc thì nắng trưa càng to. Phía trận địa Thái 4001 bây giờ không còn pháo cấp trên dập vào nữa, nhưng trong đó vẫn nghe có tiếng nổ lục bục của hỏa lực hai bên. Nắng hơn nữa thì bắt đầu nghe tiếng vè vè rồi một máy bay trinh sát L19 xuất hiện. Hình ảnh của nó trên cao nguyên quá quen thuộc rồi. Anh Điện ra lệnh tất cả im lặng và tụt nhanh khỏi nhà sàn. Thằng L19 chỉ đảo có vài vòng là bắn pháo khói ngay. Nó bắn vào khu vực cửa mở của C5. Chẳng phải chờ lâu, bầu trời vang động tiếng ì ì của máy bay. Chỉ ngồi dưới gốc cây ngửa cổ lên cũng nhìn rõ hai chiếc máy bay ném bom T28 từ hướng Phù Chiêng bay tới. Cửa mở C5 bị đánh bom ngay lập tức. Ngồi xa nhìn rõ và nghe tiếng bom nổ "ục" và khói to hơn vết đạn pháo nhiều. Sau này chúng tôi được biết hướng cửa mở K16 địa hình hơi phức tạp nên chưa mở xong hàng rào ngay từ loạt mìn DH đầu tiên. Vướng cái hàng rào bùng nhùng đánh bộc phá mãi chưa được. Hướng C5 tuy mở thông hàng rào nhưng địch kịp lập các ụ súng phòng thủ ngay trước cửa mở bắn mãnh liệt vào bộ binh ta. Bộ binh làm nhiệm vụ chiếm đầu cầu bị tổn thất một trung đội mà chưa chiếm xong đầu cầu, lại bị bật ra. Địch điều cả DK ra bít cửa mở nên đội hình hỏa lực của D cũng bị tổn thất. Một khẩu 12ly7 bị trúng một phát DK bay mất cả khẩu đội. Thế là tạo thành thế trận giằng co. Đến khi sương tan thì địch cho T28 đến ném bom ngay vào cửa mở. Tiểu đoàn ra lệnh cho bộ phận phía trên sát hàng rào thì ép luôn lên sát hàng rào hơn nữa, còn bộ đội phía sau thì lùi xa lại để tránh vùng ném bom ở giữa. Thế trận chuyển sang đánh vây ép. Thực chất quân ta cũng có nhiều khó khăn hơn so với đánh D621 Thái trong ngã Ba Lào Ngam mấy tháng trước. Không có xe tăng chi viện. Hai tiểu đoàn bộ binh mang tiếng là to nhưng số tay súng bộ binh mỗi D cũng không đến trăm người. Ngay C tôi nếu tính cả cán bộ C và liên lạc mới đủ ba chục, mà mũi chúng tôi đã tách ra mất 10 người rồi. Tất nhiên không kể 3 lính A cối 60. Còn bên địch một tiểu đoàn Thái đầy đủ kể cả bọn hỏa lực tại chỗ có thể tham chiến được chắc cũng không dưới 200 tên. Tại nơi này, địch chỉ kém chúng tôi về pháo vì pháo từ Phù Chiêng của chúng không thể bắn tới. Tất cả lợi thế dồn vào máy bay nên chúng chi viện ngay.

Chúng tôi ở khu phía Đông Nam quan sát rõ mồn một trận đánh của máy bay, chẳng khác gì ngồi chốt trước trận đánh ngã Ba Lào Ngam hồi tháng 10 năm ngoái. Lại như xem phim và lại tiếc giá có phóng viên đi cùng quay phim ghi lại được cảnh này thì tha hồ tư liệu. Không biết địch ở Nam Lào có bao nhiêu máy bay T28, nhưng có lúc trên bầu trời đủ cả 4 chiếc. Cửa mở hướng K16 cũng bị đánh bom và bộ đội có tổn thất. Bây giờ thì yếu tố bất ngờ không còn nên đành phải quay ra đánh theo kiểu vây lấn. Lần đầu tiên ở chiến trường Nam Lào bộ đội ta phải đào thêm cả giao thông hào. Buổi chiều địch đưa cả phản lực đến đánh bom. Tôi không thạo về máy bay lắm nên cũng chẳng rõ chúng là loại gì, nhưng bọn phản lực ném bom xem ra ghê hơn T28 nhiều. Nếu như T28 vè vè thả từng quả và ở bãi trống có thể vừa quan sát vừa chạy được, thì với phản lực nó nhanh và tiếng động gây uy hiếp lắm. Chúng tôi ở tít xa quan sát cũng thấy sự uy hiếp của nó. Hình như 12ly7 của ta phía trận địa cũng tổ chức bắn lại.

Chiều tối dần và ngày thứ nhất trôi qua. Chiến sự diễn ra chủ yếu là các trận nem bom của địch. Ở trận địa chính anh em rất vất vả còn chúng tôi ở ngoài này vẫn yên ổn. Đấy chỉ là qua quan sát mà biết thôi. Buổi tối anh Điện cho anh em ra đầm nước lấy nước bổ sung để chuẩn bị cho ngày mai. Anh ấy vẫn bình tĩnh mặc dù chúng tôi không liên lạc được về tiểu đoàn. Anh ấy cũng đoán là chưa dứt điểm được căn cứ. Tình hình chuyển sang vây ép thế này chắc cấp trên cũng đã dự liệu nên mới cho chúng tôi mang đi 3 ngày cơm đùm chứ? Đêm hôm ấy chúng tôi phải tổ chức gác đề phòng có tình huống gì khác, nhưng chắc chưa phải đánh phục kích vì kiểu này địch nó còn trụ lại chứ không đơn giản tự chạy khỏi căn cứ.

Thuốc lá đã hết và tất nhiên lính tráng thấy mồm miệng rất nhạt. Sáng ngày hôm đó, sau khi phán đoán tình hình còn lâu mới đánh xong, chúng tôi bắt đầu ngó nghiêng cái bản bỏ nơi mình đang chốt giữ. Bản nhỏ, nhà cửa tan nát hết, nhưng vùng đất cao nguyên vốn trù phú nên những cây trồng dù không người chăm sóc cũng có khả năng hồi phục sau nhưng biến cố bom đạn. Trong bản, ngoài mấy bụi tre xanh mướt ngoài rìa thì còn sót lại chừng dăm cây bưởi. Cây nào cũng to, quả sai trĩu cành. Độ này bưởi đã đủ già nên không phải lo hai nhược điểm dễ gặp là non hoặc he. Anh Điện cho lính trẩy bưởi xuống. Ở đây xa địch, chứ lặng lẽ nhẹ nhàng mà thao tác thôi. Bổ bưởi ra thấy may mắn làm sao, toàn bưởi đào ngọt lịm, trời ạ. Cây nào cũng ngon như cây nào, thế là ai bổ nấy chén chẳng phải chung đụng gì. Ngồi nhẩn nha chén bưởi thay cho hút thuôc cũng hay phết. Ngày hôm ấy mỗi lính phải chén hết dăm quả. Bụng dạ lính ta vốn tốt, quả xanh nước lã không làm sao, nhưng do ăn nhiều bưởi quá nên khi đi vệ sinh mùi bưởi xông lên rõ mồn một. Anh Điện và anh Dũng phải ra lệnh cho lính tự đào hố chôn kín vỏ bưởi và hố mèo cũng phải đào sâu.

Ngày hôm sau, tình hình chiến sự vẫn như ngày hôm trước, nghĩa là quân ta không đánh vào được, còn trận địa suốt ngày bị đánh bom. Ngay từ lúc hửng nắng địch đã bắt đầu ném bom rồi. Cứ hết T28 rồi lại đến phản lực. Máy bay trinh sát L19 vẫn hoạt động và thỉnh thoảng vẫn phải bắn pháo khói để chỉnh lại mục tiêu. Hôm nay anh Điện cũng bình tĩnh hơn nên cho chúng tôi lần lượt lên xem trận địa qua cái nóc nhà sàn còn sót ấy. Lúc nắng to, trong trận địa nhìn rõ hơn những mô đất nhô lên như ụ súng hay hầm lô-cốt. Nhiều lúc thấy những tên địch chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Từ xa, nhìn chúng bé như những quả táo ta, lũn cũn. Thấy rõ cả cái dáng lom khom của chúng. Giá có mấy khẩu súng trường Hung có ống kính bắn tỉa (như trong phim "Bốn chiến sĩ xe tăng và con chó" của Ba Lan) chắc sẽ bắn tốt. Nghe tôi ước ao, anh Điện bảo, "Cậu chẳng biết cái quái gì cả. Bắn tỉa được vài thằng, lộ trận địa phục kích địch nó táng cho hai quả bom thì đi đứt hết tất cả à?".

Cứ mò lên xem một lát rồi lại quay xuống hầm tránh nắng. Lại bổ bưởi ăn cho đỡ sốt ruột. Cơm thì lính tráng có suất nên cứ tự động mà ăn lúc nào cũng được, tự chia cho đủ 3 ngày. Tôi đặc biệt thích lên quan sát lúc có máy bay đến đánh bom để so sánh với cái thời trẻ con ở nhà xem máy bay Mỹ đến thả bom và đối chiếu với cái kiến thức sơ đẳng về xem hình trái bom rơi để biết nó bay về đâu. Cả ngày hôm đó chủ yếu là máy bay địch ném bom thôi. Không nghe thấy tiếng pháo hay tiếng súng của cả ta và địch. Hôm nay có thể tiểu đoàn đã bố trí lại đội hình để bộ đội tránh thương vong do bom rồi.

Buổi tối lại đến và tình hình chưa có gì khác. Chúng tôi vẫn đủ cơm ăn một ngày nữa. Nhưng anh Điện và anh Dũng hội ý nếu ngày mai trung đoàn chưa đánh xong căn cứ thì đến tối sẽ phải cử người về bắt liên lạc để nắm tình hình và lấy thêm cơm.

Ngày thứ ba.Máy bay L19 lại lên từ sáng sớm. Rồi T28 lại đến đánh bom. Hôm nay thấy 12ly7của ta bắn trả rất mãnh liệt. Trung đoàn chắc không thể thụ động nữa nên cho12ly7 của các tiểu đoàn lập trận địa bắn trả. Cũng chỉ có 12ly7 là to nhấtthôi. Cái đơn vị pháo cao xạ 23ly 2 nòng thì đã rút về đường dây 559 từ khichúng tôi kết thúc chiến dịch Saravan rồi. Bọn T28 vốn làm mưa làm gió trên caonguyên, nay bị đánh trả cũng chờn. Chưa có chiếc nào bị hạ, nhưng chúng cũngném bom thưa hơn và chúng tôi thấy rõ chúng cắt bom từ rất cao, không còn nhìnrõ cả đầu thằng phi công như trước nữa. Ta đổi chiến thuật thì địch cũng đổichiến thuật. Chúng tăng cường ném bom bằng máy bay phản lực. Lúc nó bổ nhào,súng 12 ly7 vẫn bắn trả mãnh liệt. Có lẽ bây giờ, lính 12ly7 mới được bắn máybay, tất nhiên là ít kinh nghiệm. Mãi chẳng thấy hạ được chiếc nào. Chúng tôivẫn tiếp tục quan sát và xem bắn máy bay không mất tiền. 


   Một ngày không phải của bộ binh đánh nhau mà chỉ là của máy bay và súng phòng không. Trong ngày, chúng tôi leo lên nhà sàn xem trận địa rất nhiều lần. Xen trong các đợt máy bay ném bom vẫn có máy bay trinh sát L19 vè vè. Rất may là chỗ chúng tôi vẫn ngụy trang tốt, hoặc giả nó không nghi ngờ mấy về hướng này nên chúng tôi vẫn yên ổn.

Theo kế hoạch tác chiến thì vùng Thị trấn Păk Soòng và phía Tây đường 23 dẫn về Păk-xế do E19 đảm nhiệm và chiến sự vẫn phải diễn ra ở những khu vực đó. Nhưng có lẽ trận địa chỗ chúng tôi là chính nên máy bay mới tập trung nhiều vào đây. Mặt khác có lẽ là ở xa hay sao nên chúng tôi cũng chẳng nghe thấy gì ở hướng khác.

Quan sát trận địa của bọn Thái trong ngày, chúng tôi thấy chúng xuất hiện và di chuyển trên mặt đất trong căn cứ nhiều hơn. Cứ một lúc lại thấy một hay vài cái cục đen đen bé tí di chuyển trong đó, trông như trên sa bàn.

Trong ngày, vừa rỗi vừa buồn nên các anh Điện và Dũng cũng chạy qua chạy lại hầm chúng tôi hỏi thăm và trò chuyện. Một chốc lại leo lên nhà sàn quan sát địch rồi í ới gọi cho chúng tôi lên cùng xem. Cũng chẳng ai đoán ra địch đang muốn làm gì trong căn cứ.

Gần trưa thì hỏa lực 12ly7 của K18 làm nên chuyện. Một chiếc phản lực bị trúng đạn, nhưng không rơi tại chỗ. Nó chỉ bị thương, không bay về được căn cứ và rơi ở đâu đó. Sau này nghe đài kỹ thuật mới biết tin và C8 được ghi công.

Mọi chuyện tưởng diễn ra êm ả thì đầu giờ chiều có một sự kiện đặc biệt, hiếm thấy trong đời lính. Trên bầu trời xuất hiện một chiếc máy bay lạ, loại cánh bằng. Về sau mới biết nó là L21, cũng là một loại máy bay trinh sát. Chiếc máy bay lượn một vòng rồi bay ngang qua căn cứ địch. Vẫn ở tư thế bay bằng, có một cái cục gì đó rơi ra từ máy bay làm nó chúi một cái rồi lấy lại thăng bằng. Chúng tôi chưa kịp ngạc nhiên thì cái cục đen đen đã nở bung ra thành một cái dù và từ từ rơi xuống đất. Chiếc L21 vòng lại hai lần nữa và mỗi lần lại rướn bụng thả xuống một chiếc dù. Phía trận địa im ắng và chúng tôi ngắm mãi mấy cái dù rơi xuống trận địa. Nhìn rõ bọn địch như những quả táo di chuyển trong trận địa ra dỡ dù. Bây giờ thì chúng tôi hiểu là địch thả dù tiếp tế. Lúc này mà có cái ống nhòm pháo binh (loại có tiêu cự nhòm được xa 3 cây số rõ cả nốt ruồi trên mặt) thì sẽ biết ngay là địch thả hàng gì.

Chừng nửa tiếng sau thì cảnh trượng trên bầu trời căn cứ địch thật ngoạn mục. Vẫn có L19 bay trinh sát vòng ngoài, nhưng trên bầu trời căn cứ xuất hiện thêm cả loại vận tải AC130. Thằng này khi ở ngoài Sara van chúng tôi đã biết, nó bắn pháo sáng dai dẳng suốt cả đêm. Còn lính pháo và lính lái xe thì truyền miệng nhau khả năng nó bắn pháo 105 diệt xe cơ giới của ta rất chính xác nhờ có kính ngắm hồng ngoại. Bây giờ đây thì đến lượt chúng tôi chứng kiến khả năng chở hàng và thả dù của máy bay này. Chả cần nghiêng cánh, cứ lừ lừ bay và ùn ra mỗi lần đến mấy chiếc dù hàng. Chả mấy chốc mà trên bầu trời có đến cả chục chiếc dù lững lờ rơi, cái cao cái thấp, trông thật đẹp mắt và xúc động. Chả khác gì cảnh phim tài liệu thực dân Pháp thả dù ở Điện Biên Phủ, có khi còn đẹp hơn vì đây là cảnh thật sờ sờ ngay trước mắt. Anh Điện và anh Dũng tuổi quân cao hơn tôi nhiều cũng xem rất khoái chí và bảo đây cũng là lần đầu tiên các anh ấy xem thả dù. Bọn lính Thái con nhà giàu có khác, tiếp tế đến tận chân răng. (Dạo ngoài Saravan, địch cũng thả dù hàng tiếp tế cho bọn GM41 và GM42, nhưng toàn thả vào ban đêm nên chúng tôi không ai được nhìn thấy. Chỉ có đánh vào chỗ địch mới thấy những cuộn dù xếp lăn lóc trên đất). Xen kẽ máy bay AC130 thả dù trên tầm cao, chiếc L21 vẫn nhẫn nại thả dù ở tầm thấp hơn, dù mỗi lần chỉ són ra có một chiếc. Không hiểu vì lý do gì mà 12 ly 7 của ta không bắn dù cho rơi vỡ hàng của địch.

Buổi chiều hôm đó địch thả dù hàng rất nhiều. Chỉ dù hàng thôi chứ không có dù người. Cũng không có máy bay ném bom. Trời bắt đầu có gió và thổi về huớng chúng tôi. Từ trên nhà sàn, chúng tôi đã thấy rõ có những cái dù rơi ra rìa căn cứ. Tuy quân ta không bắn nhưng có lẽ máy bay địch cũng đề phòng nên chúng không dám bay thấp mà cứ thả dù từ tít trên cao. Bọn địch dưới đất có lẽ cũng lo lắng nhưng không làm gì được. Tầm cuối chiều có đến mấy cái dù hàng rơi vượt ra ngoài căn cứ đến cả trăm mét, ra khỏi hẳn những hàng rào. Phía này không có đường ra nên địch cũng đành đứng nhìn. Cuối cùng có cả dù do máy bay L21 thả cũng rơi ra ngoài, hướng về phía chúng tôi. Loại dù này nhỏ hơn và có màu trắng xen đỏ chứ không xám xịt như dù hàng do máy bay AC 130 thả.

Trong buổi chiều hôm đó, địch thả xuống đến hơn dăm chục chiếc dù, trong đó chúng tôi đếm được có 5 chiếc rơi ra ngoài hàng rào về hướng chúng tôi. Trong số đó có một chiếc dù khác lạ của máy bay L21 thả. Lính tráng chúng tôi ngứa ngáy chân tay lắm, muốn mò ra kiểm tra nhưng anh Điện không đồng ý. Khả năng mò ra đó có thể gặp địch mà cũng có thể gặp cả lính K16 mò sang, bắn nhầm nhau thì hỏng bét.

Buổi tối chúng tôi ăn nốt chỗ cơm cuối cùng mang theo. Bưởi trên cây còn khá nhiều nhưng ăn bưởi mãi cũng chán. Chắc không ai ăn bưởi thay cơm được. Buổi tối anh Điện và anh Dũng cử một nhóm 3 người do anh Trịnh dẫn đầu về hậu cứ lấy cơm. Tôi cũng đi cùng. Quãng đường về hậu cứ cũng phải mấy tiếng chứ không ít, lấy được cơm về chắc cũng hết đêm. Chúng tôi cùi theo hơn chục quả bưởi để về làm quà cho cánh anh nuôi. Tôi rất sợ lạc vì chúng tôi ra trận địa do trinh sát dẫn, nay trở về phải tự mò mẫm. Rất may là chúng tôi vượt qua hết đầm nước, về nhập được vào với đường trục đi chung với hướng chính thì gặp trinh sát D dẫn anh nuôi mang cơm tiếp tế cho chúng tôi. Cả hai bên đều hết sức vui mừng, chào hỏi nhau rối rít. Chúng tôi trao đổi bưởi và cơm cho nhau. Cơm ăn được tiếp tế thêm hai ngày. Có một cái lệnh kèm theo, ngày mai các hướng chính sẽ không vây ép nữa mà tấn công vì địch thả dù tiếp tế nhiều thế thì có thể chúng định ở lỳ tại đó chứ chưa có ý rút chạy. Vì thế hướng B5 phải thật chú ý chặn đánh địch nếu chúng rút qua đó. Chúng tôi trở lại chỗ chốt của trung đội khi chưa đến nửa đêm. Còn khối thời gian để ngủ.

Mờ sáng, trời lạnh vì sương rất nhiều. Nằm trong hầm rải đệm cỏ tranh và quấn mình trong mảnh dù ấm thì chả ai muốn dậy lúc này. Thế mà anh Điện lại thúc anh Trịnh và tôi dậy, hỏi:

- Chúng mày có muốn đi lấy dù không?

Muốn quá đi chứ. Hai chúng tôi tỉnh hẳn người. Thế là anh Điện, anh Trịnh và tôi mỗi người cắp một AK với hai băng đạn xuất kích. Cứ nhằm cái hướng có mấy cái dù rơi hồi chiều qua mà tiến lên thôi. Trời mờ mờ nhưng tất cả cứ phăm phăm mà đi theo anh Điện. Đi được chừng năm trăm mét thì gặp một con suối nhỏ, nước nông, bờ bên kia có nhiều bụi tre to. Sang qua suối đi độ chục mét thì toàn cỏ tranh cao lút đầu người. Chả còn nhìn thấy gì cả. Theo anh Điện chúng tôi cứ sục lên, ngoắt chỗ này rồi lại ngoéo sang chỗ nọ, tiến tiến lui lui. Được một lúc thì quần áo ướt hết vì thấm sương trên cỏ tranh. Chả có một cái gì cao hơn để leo lên mà nhìn tìm hướng cái dù. Rồi trời cũng dần sáng hơn và nhìn mọi thứ dễ hơn. Anh Điện sục xạo phía trước rất liều. Anh bảo cỏ tranh rậm rạp thế này thì không có mìn đâu. Mà húc phải hàng rào thì lùi cũng kịp, yên tâm. Mò mầm như thế đến gần tiếng chứ không ít, người đã mệt và tinh thần bắt đầu nản thì anh Điện húc phải một cái dù xám. Tất cả mừng rú lên sục luôn vào thùng hàng. Toàn đạn cối, bố khỉ. Anh Điện thần mặt ra, chúng tôi cũng lo lắng. Anh Điện bảo, bọn này bị vây mấy ngày, không đói cơm mà chỉ đói đạn hay sao. Lại sục tiếp. Cứ từ chỗ đó mà sục rộng ra thôi. Loanh quanh một lúc thì gặp được cái dù thứ hai. Hàng hóa là một cái sọt đan theo kiểu dáng như cái gàu tát nước có quai, trong đó có mấy bọc nilon. Lấy dao găm rạch ra thì ôi mẹ ơi, toàn dưa cải muối. Quái lạ thật, sao bọn lính Thái mà cũng ăn đồ ăn như dân mình thế nhỉ. Cả ba người vục tay mỗi người làm một nắm, chén tại chỗ, ngon tuyệt. Nhưng chẳ lẽ chiến lợi phẩm chỉ là mấy bọc dưa cải muối?

Ngồi thừ một lúc, anh Điện bảo, chúng mày có nhớ cái dù trắng đỏ rơi phía nào không? Tôi nhớ lại, bảo anh là nó rơi gần phía căn cứ hơn so với mấy cái dù xám. Thế là tất cả đứng dậy sục tiếp. Máu đang hăng thì nguy hiểm cũng bất chấp. Anh Điện bắt tôi cùi một bọc dưa cải muối, còn thì vất lại. Lúc này tôi bắt đầu thấy hai cánh tay xót ngứa, hóa ra bị cỏ tranh cứa do cứ vạch cỏ tranh ra mà sục lối đi khi trước. Chắc anh Điện và anh Trịnh cũng vậy, nhưng không thấy ai kêu gì. Sục độ chừng ba chục mét thì thật may, anh Điện túm được cái dù trắng đỏ. Chỗ này chắc cũng gần địch hơn nên phải thận trọng hơn, tuy nhìn quanh cũng chẳng thấy gì xa hơn vạt cỏ tranh kín trên đầu trước mắt. Đúng là trời không phụ công ba người chúng tôi. Thùng hàng của cái dù này chắc dành cho sĩ quan nên toàn đồ ngon. Anh Điện mừng rú lên dù chỉ là ư ử trong cổ họng. Trong cái sọt hàng (vẫn là cái sọt đan bằng một loại sợi mềm gì đó, không phải tre) có ba thùng giấy. Xé ra, trong có những cái gói bằng nilon trơn. Lúc này trời sáng hơn nên tôi đã nhìn thấy ngoài vỏ của nó có những dòng chữ Thái hình con giun và có hai con tôm càng đỏ au. Anh Điện bóc luôn một gói, bẻ ra cho mọi người ăn thử. Trong gói là một cái bánh kết thành bởi những sợi như sợi mỳ (mỳ sợi chỉ có tôi được ăn ngoài Bắc mới biết chứ anh Điện và anh Trịnh đã được ăn bao giờ đâu). Sợi bánh giòn, hơi ngọt, hơi mặn. Anh Điện tuyên bố chắc là bánh trứng, tuy chẳng hiểu sao trong đó lại có một gói nhỏ đựng muối to như ngón tay. Thôi bánh gì cũng được, của quý rồi. Mỗi thùng bánh có 60 gói (Mãi sau này khi giải phóng miền Nam, tôi mới biết nó là mỳ ăn liền hai tôm), anh Điện bảo lấy mang về hết. Sục xuống phía dưới sọt lại có hai thùng giấy nữa nặng chịch. Mở ra, mỗi thùng có 30 hộp sữa nước giống như hộp sữa Thống nhất ngoài Bắc. Loại chiến lợi phẩm này đã lấy nhiều rồi nên không ai còn lạ, đây cũng là của quý phải đem về. Phần hàng ở dưới cùng là một hộp giấy càng làm cho ba anh em sướng đến run người: đó là hai tút thuốc A lào loại đầu lọc đỏ, tuyệt vời luôn. Thật đúng là nếu không có cái dù trắng đỏ này thì cuộc sục xạo sáng nay thật vô duyên, còn bây giờ thì lại quá tuyệt. Thế là toàn bộ hàng của cái dù trắng đỏ cộng với một bọc dưa cải muối được chúng tôi chia nhau mang về. Nhưng là lính thì làm sao mà lại không ăn ngay khi miếng ăn kề miệng cho được. Củ khoai còn không thể để dành đến sáng được thì làm sao số chiến lợi phẩm tuyệt vời như thế này lại không kích thích sự hăm hở và nóng ruột thưởng thức của chúng tôi. Thế là anh Điện lôi ra chia ngay cho mỗi người một hộp sữa nước. Hai mũi dao găm chọc vào tạo hai cái lỗ, thế là hộp của ai nấy tu. Ngọt lừ, ngọt đến khé cổ, nhưng hút đến đâu thì tỉnh và khỏe người ra đến đấy. Lúc này anh Điện mới phấy tay: "rút", và chúng tôi nhanh chóng theo đường cũ chuồn vội. Tôi nhìn cái dù trắng đỏ tiếc rẻ rồi chẳng nói gì với ai, ngồi thụp xuống dùng dao găm cắt nhanh dây dù rồi cuộn luôn cái dù ôm theo. Chiếc dù loại này nhỏ chứ nếu to như cái dù xám thì chắc tôi cũng không tha đi được. Rồi cứ thế, tôi vừa theo hút các anh Điện và anh Trịnh mà đuổi, trong khi một tay vẫn ôm cái dù to cộm trước bụng, một tay vẫn còn cầm hộp sửa tu dở, cứ chạy một đoạn lại đưa lên tu, rồi lại chạy. Khẩu AK khoác trên người ngoặt ngoẹo thế mà cũng không cản được bước chạy của tôi. Chả mấy chốc mà tôi đã đuổi theo kịp anh Điện và anh Trịnh khi các anh ấy cũng vừa đến bờ con suối nhỏ.


Chạy đến bờ suối, tất cả cùng lội ào xuống. Lúc này cái cảm giác trong người rất lạ. Vừa mệt như đứt hơi, lại vừa thấy nóng và khát nước. Chân vẫn lội trong nước, chả ai bảo ai cùng vục đầu xuống uống nước như những con bò vừa vượt qua sa mạc. Uống nước vào đến đâu, cơn khát vợi đến đấy nhưng bụng chúng tôi căng ra. Con suối nhỏ, chỗ này là vũng nước quẩn, uống một hồi xong đứng thẳng người lên nhìn, không hiểu dòng nước chảy hướng nào, cứ như nó đang chảy ngược lại thì phải. Một lúc sau leo lên bờ thì không còn ai đi nổi nữa, tất cả nằm vật ra đất. Bây giờ mà có địch, chắc chúng nó bắt sống chúng tôi. Chung quy tất cả cũng chỉ vì mỗi người đã tu hết cả một hộp sữa, rồi khát quá uống cho no bụng nước nên gần bội thực. Bụng tức anh ách, to như bụng đàn bà chửa. Cứ nằm như thế có đến nửa tiếng mới hoàn hồn và ngồi dậy được. Câu đầu tiên của anh Điện là: "Cái gì thế này", khi nhìn thấy cái dù xổ một đống tướng cạnh người tôi. Nghe tôi trình bày, anh Điện nhăn mặt:

- Mày đúng là đồ tham mà lại ngu nữa.

Rồi anh giải thích, may lúc sáng sớm địch nó chưa kịp quan sát chứ nếu nó nhìn ra thấy mất cái dù sẽ biết ngay có người ở đó, nó tương cho mấy quả cối thì chết cả lũ chứ còn gì. Tôi thè lưỡi, rụt cổ: hú vía, nhưng rõ ràng là số vẫn còn may.

Nghỉ thêm lúc nữa, chúng tôi trở về chỗ trung đội. Nhìn đống chiến lợi phẩm toàn của quý, anh Dũng và mọi người mắt sáng rực. Lúc này mọi người vừa ăn sáng xong, nhưng vẫn sẵn sàng chén được tiếp. Anh Điện và anh Dũng hội ý nhanh rồi chia chiến lợi phẩm cho anh em. Mỗi người được mười gói "bánh trứng", giữ lại một thùng đem về nộp đại đội, còn thì cùng thưởng thức. Vì không biết đó là mỳ ăn liền có thể nấu lên được nên tất cả đều nhai sống, ai cũng khen ngon và thầm ghen tỵ với đời sống của lính địch. Tôi nhặt lại tất cả các gói muối trong các gói mỳ đó cất đi, đơn giản vì nghĩ nó là muối, trông lại hay hay, tuy lúc này chúng tôi không phải là thiếu muối. Sữa đặc cũng chia mỗi người hai hộp. Anh Dũng cho đục mấy hộp lẻ cho mọi người thưởng thức chung, tu luôn là chính nhưng cũng có có thằng đem pha luôn với nước suối, thế mà cũng chẳng đau bụng gì cả. Phần sữa còn lại cũng để dành cho đại đội và cho D bộ. Riêng khoản thuốc lá thì anh em biểu quyết chia hết vì chỉ có 2 tút. Sáng hôm ấy khu chốt của chúng tôi thơm lừng khói thuốc.

Cái dù trắng đỏ tôi đem về, bây giờ xem lại mới thấy quý. Nó gồm nhiều tấm vải dù lụa hình chữ nhật ghép lại, dày dặn chứ không mỏng như dù ca-rô xám của loại dù hàng. Mỗi tấm rộng vừa đủ một cái võng. Thế là chúng tôi tháo ra chia nhau mỗi người một tấm. Chỉ việc khâu lại ở hai đầu làm chỗ luồn dây võng là có một chiếc võng ngon lành.

Ba anh em đi sục dù lúc sáng không thể ăn được cơm sáng nữa vì đã quá no. Thế mà đến trưa lại vẫn ăn được bình thường. Bọc dưa cải muối đem ra ăn với cơm nếp vẫn thấy ngon, vì nó là chất rau. Có người tiếc rẻ còn đề nghị cho quay lại chỗ dù rơi lấy nốt mấy bọc dưa cải muối, nhưng anh Điện không đồng ý. Bây giờ quay lại đấy có khi lại nguy hiểm rồi. Nếu có tổn thất, chết vì ăn thì phen này anh Điện và anh Dũng chịu đủ án kỷ luật, nhưng quan trọng hơn vẫn là sinh mạng anh em. Vả lại những thứ chúng tôi đang có cũng quá tuyệt vời rồi, không nên tham quá làm gì.

Buối sáng hôm nay thế là đã sang ngày thứ tư, trời vẫn trong veo. Leo lên nhà sàn quan sát, thấy phía trận địa có đì đùng nhưng không có vẻ đánh nhau to. Có thể ở xa nên chúng tôi không cảm nhận hết, nhưng đúng là không phải kiểu đánh mạnh để dứt điểm. Hôm nay địch cũng không thả dù tiếp tế. Trong buổi sáng có mấy lần thấy pháo cấp trên bắn ít quả vào trận địa. Kiểu bắn như để khống chế hoặc tiêu hao sinh lực địch chứ không phải bắn cấp tập yểm trợ cho bộ binh xung phong. Cũng có thể vì thế mà địch không dám thả dù.

Buổi chiều thấy súng nổ nhiều hơn và bọn địch trong căn cứ di chuyển qua lại nhiều hơn. Có nhiều thằng còn đeo ba-lô to xù vì cái dáng chạy của những "quả táo" trông lũn cũn lắm. Nhờ thông tin cấp trên báo hôm trước cộng với kinh nghiệm chiến trận, anh Điện đoán đêm nay địch sẽ rút, dù ta không làm chủ trận địa trong ngày. Buổi chiều chúng tôi ăn cơm sớm rồi anh Điện xem bản đồ và cho chúng tôi chuyển vị trí. Chúng tôi luồn ra cái đường xe bò (chỉ còn lại vệt mờ) ở phía cánh phải cách chỗ chúng tôi chốt cũ chừng hai trăm mét. Mỗi người đào một cái hố chiến đấu xen vào trong đám lau và ngồi chờ phục kích ở đó.

Khoảng nửa đêm, phía xa có nhiều tiếng dậm dịch, chắc bọn địch đang rút ra từ căn cứ. Chúng tôi im lặng nhưng chờ khá lâu vẫn không thấy địch đến. Anh Điện quyết định dẫn chúng tôi rời hầm luồn ra phía có tiếng động. Hóa ra phía này khá quang, có lối đi được nên địch không đi theo đường xe bò cũ mà đạp thẳng luôn theo đó mà đi. Không biết địch có bao nhiêu tên, nhưng chắc đại bộ phận chúng đã đi qua rồi. Chúng tôi ngồi nán một lúc thì lại thấy lao xao rồi có những bóng đen. Anh Điện cho nổ súng luôn. Chúng tôi cứ bắn ào ào vào hướng đó. Không có tiếng súng đáp trả. Đợi một lát, chúng tôi sục lên gặp xác địch, đếm được 7 tên. Chờ mãi nữa cũng không thấy gì, chắc đây là tốp cuối, may mà chúng tôi kịp nổ súng chứ nếu ngồi chờ tí nữa thì chắc chẳng còn gì mà đánh. Bọn đã rút qua thì chắc cứ thế mà cắm đầu chạy chứ không quay lại cứu đồng bọn. Phải khá lâu sau, chúng tôi nghe tiếng súng nổ rộ phía Thị trấn. Chắc các đơn vị của E19 đã kịp triển khai đánh chặn. Tiếng súng nổ loạn lên, lúc lại lắng thưa, rồi lại nổ, xa dần. Anh Điện đoán bọn địch rút chạy bị chặn đánh, thằng chết cứ chết còn thằng sống cứ thế mà chạy tiếp, nhưng chắc thoát được không nhiều.

Mặc dù không bắt được liên lạc với các đơn vị bạn, nhưng trong đêm đó anh Điện và anh Dũng vẫn cho chúng tôi lùng sục theo hướng địch rút chạy, nhưng không đi quá xa. Kết quả là chúng tôi thu thêm được một số ba-lô nữa của địch. Súng thì chỉ thu về mỗi người một khẩu lấy thành tích. Chiến lợi phẩm lấy được có thêm một ít thuốc lá và những vật dụng cá nhân, ai thích gì giữ thứ nấy. Anh Trịnh lấy được một chiếc đài bán dẫn nhỏ của Nhật. Mờ sáng thì chúng tôi rút trở lại chỗ chốt ban đầu ở cái bản cũ.

Sáng hôm đó, tôi và anh Trịnh vừa nằm bên miệng hầm hút thuốc, vừa bật đài nghe. Đã lâu lắm rồi, bây giờ được nghe nhạc hiệu và giọng nói: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" sao mà thấy hạnh phúc thế. Bây giờ không biết ở nhà những người thân trong gia đình đang làm gì. Có ai bật đài lên để nghe được cùng bản tin như chúng tôi không. Cảm giác thanh bình quá. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi đã nghĩ là sau đợt chiến đấu này chắc địch phải rút lui rất xa và những trận đánh tiếp theo chắc cũng còn phải rất lâu.

Buổi sáng hôm đó là một ngày đẹp trời. Trời trong xanh, có nắng và có những đám mây trắng trôi nhè nhẹ trên bầu trời. Không gian tĩnh lặng vì không còn bóng dáng chiếc máy bay nào. Cũng không còn nghe tiếng súng. Chúng tôi chỉ còn việc ngồi chơi và hút thuốc, chờ tin tức đơn vị. Chừng giữa buổi sáng, trinh sát tiểu đoàn đến và truyền lệnh cho chúng tôi rút. Chúng tôi chia cho chúng nó một ít chiến lợi phẩm. Vì chỉ mang cùi không nên chúng nó trảy một lô bưởi đem về. Chúng tôi còn phải mang theo súng, kèm thêm chiến lợi phẩm nên cũng chỉ mang theo ít bưởi gọi là. Mấy cây bưởi thế là đã trút hết quả để chuẩn bị đâm chồi cho một mùa sau.

Sau bữa cơm trưa, đến đầu giờ chiều chúng tôi hội quân được với đại đội, lúc này cũng đang nghỉ trong một cánh rừng. Cũng lạ là bây giờ chẳng thấy ai nhắc gì đến chuyện tránh xa rừng già đề phòng bom B52 nữa. Chúng tôi tay bắt mặt mừng líu ríu chia nhau chút chiến lợi phẩm của cá nhân. Trận này C6 chúng tôi không có tổn thất vì là thê đội hai. Cánh B5 chúng tôi còn nổ súng đánh tí chút chứ cánh của đại đội đi theo mũi chính chẳng bắn phát nào (trừ hỏa lực bổ sung cho tiểu đoàn), cuối trận lại còn không được vào trận địa nên tất nhiên chẳng thu được gì. Đại đội hội quân xong cùng kéo luôn về bản Phù Đin, cách đó cũng hơn chục cây số.

Chúng tôi trú quân tạm trong một khu vườn cà phê của dân. Vườn cây lâu năm, thân cây cà phê rất to, có thể mắc võng được. Buổi tối đơn vị nấu cơm dù nhiều người vẫn còn cơm vắt. Tối hôm đó là một tối vui vẻ vì trung đội nào cũng có tiết mục cà phê sữa và thuốc lá thơm. Chuyện trò râm ran cứ như đất trời là của riêng mình. Mấy gói "bánh trứng" bóc ra toàn ăn sống như một thứ bánh kèm cà phê, ngon tuyệt. Chẳng ai biết là nó có thể nấu được. Về sau này cũng thế, chúng tôi đã chén hết tất cả số mỳ gói ấy chỉ bằng cách ăn sống. Riêng tôi giữ lại được vài chục gói muối gia vị trong đó.

Thêm được một ngày nghỉ ngơi, hôm sau cả đại đội hành quân vòng sang khu rừng ở phía Bắc của bản Phù-đin cách đó hơn cây số. Tại đây mỗi A phải đào một cái hầm chứ A kiên cố. Được cái đất mềm và cây rừng có sẵn nên tiểu đội hai người chỉ mất hai ngày là đào xong một cái hầm chữ A to tướng và chắc chắn. Đề phòng thôi, còn ban đêm chúng tôi vẫn rải nilon ngủ ngay cạnh hầm. Ổn định rồi, anh Trịnh phải đem nộp tiểu đoàn cái đài bán dẫn thu được bữa trước. Kể cũng tiếc.

Mấy ngày sau đó, chúng tôi về mấy cái bản có tên Y Beng và Bun Thẹ cách đó tới hơn hai chục cây số để lấy gạo và đạn dược bổ sung. Khu vực này cũng loanh quanh là khu hậu cứ cũ của trung đoàn khi chúng tôi còn đứng chân ở bản Xăm-xi-núc "may" năm ngoái. Như vậy sau chiến dịch Saravan, về lại cao nguyên, trung đoàn bộ và phần lớn các C trực thuộc lại trở về khu vực trú quân cũ. Chỉ có bộ binh và nhất là K18 thì bật ra khỏi khu vực cũ vì chiến sự đã lùi sâu về vùng đất của quân ta rồi.

Bây giờ mới tổ chức sinh hoạt và bình báo công cho trận đánh vừa rồi, nhưng cũng chẳng có gì nhiều. Chưa kịp làm gì thêm thì ngày 17/2/1973, cả đại đội lại rời rừng già để vào trú trong khu vườn cà phê, lần này sát ngay bản Phù Đin, cách nhà sàn của dân chỉ có dăm chục mét.

Ngày 20/2 lại rục rịch chuẩn bị súng đạn. Chúng tôi hỏi nhau mình sẽ đánh cứ điểm nào nhỉ, vì ngay cán bộ C cũng không thấy đi trinh sát trước. Câu trả lời là đánh theo mệnh lệnh, nghĩa là cấp trên chỉ chỗ nào thì đánh vào đó và cố mà chiếm cho bằng được. Ngày 21, đêm 21 và cả sáng 22/2 tất cả các đơn vị bộ binh của trung đoàn (Chắc các E khác cũng thế) ra quân. Hỏa lực tiểu đoàn đi sát, yểm trợ tối đa cho bộ binh. Trinh sát E và D được điều đi cùng, bám địch nhanh phía trước và dẫn ngay bộ binh theo phía sau. Chúng tôi đánh thành nhiều mũi, vỗ mặt suốt mấy chục cây số dọc đường 23 từ Thị trấn Păk Soòng đến ngã ba Lào Ngam, tức là khu vực hồi tháng 10 năm trước chúng tôi đã chiếm. Địch không tập trung thành căn cứ mà chỉ có các đơn vị đóng dã ngoại nên bị chúng tôi đánh cho tơi bời. Thậm chí chiến sự kéo trên một đoạn đường rất dài nên những tên địch tháo chạy cũng không thể rút lui theo đường cái mà phải chạy nháo nhào sang mé Nam đường 23 để rút dọc theo những cánh rừng. Chúng tôi cũng được lệnh đánh chiếm vị trí chứ không cần truy kích rát.

Trưa ngày 22/2 hầu như tiếng súng đã im. Trung đoàn để lại K16 chốt giữ ở khu vực gần ngã ba Lào Ngam, K18 về khu vực nằm giữa hai bản Xăm-xi-núc "cầu" và Phù Đin. Đại đội chúng tôi đóng quân ngay cạnh bản Xăm-xi-núc "cầu", trong một rừng non tái sinh. Đào hầm hay mắc võng đều tiện vì cây con bằng cổ tay, cổ chân mọc nhiều và rất sát nhau, chỉ có khâu ngụy trang hơi bất tiện. Khu vực này cách cánh rừng già của bản Xăm-xi-núc "may" năm trước đại đội tôi đóng quân chừng 3 cây số. Như vậy là K18 đã kết hợp với K16 tạo thành một cánh cung chốt giữ, hướng về phía ngã ba Lào Ngam và đường 231 chắn Păk-xế.

Mấy ngày sau,chúng tôi được tin ngày 21/2/1973, Hiệp định Viên Chăn về đình chiến và lập lạihòa bình ở Lào đã được ký kết. (Hiệp định này với Lào cũng có ý nghĩa như Hiệpđịnh Pari về Việt Nam). Sáng ngày 22/2 thì Hiệp định có hiệu lực và bên nào ởyên tại chỗ bên ấy.


Cuộc chiến của những người lính tình nguyện Nam Lào thuộc sư đoàn bộ binh duy nhất của bộ đội Trường Sơn đã đi vào hồi kết.

Diễn biến của việc thực hiện Hiệp định Viên Chăn khác một trời một vực so với thực hiện hiệp định Pari ở Việt Nam. Sau ngày đình chiến, chúng tôi không đánh lấn thêm một tấc đất nào và kẻ địch cũng vậy. Vùng giáp ranh là cả một dải đất rộng lớn không hề cài răng lược hay theo hình da báo. Hai bên chẳng nhìn mặt nhau, nói gì đến giao lưu hòa hợp. Thế nhưng diễn biến quân sự lại thật êm ả.

Các đơn vị lính Thái vượt sông MêKông về nước. Mỹ không chi viện bom, nhất là B52 nên các cánh rừng Trường Sơn trở nên yên ả. Bây giờ trên vùng đất Nam Lào chỉ còn các trung đoàn lính Fumi, sư đoàn 968 quân tình nguyện và khoảng 3 đại đội Pathet Lào. Nếu sườn Tây Trường Sơn không bị uy hiếp và đánh phá thì nhiệm vụ chiến đấu của Sư đoàn chúng tôi cũng kể như kết thúc.

Đất nước Lào rộng bằng nửa Việt Nam khi đó chỉ có dân số 3 triệu. Không có biển nhưng rừng của họ thực sự là rừng vàng, còn sông MeKông không bao giờ hết cá thì chắc cũng sánh ngang với bạc. Dãy Trường Sơn hùng vĩ và trùng điệp chung cho cả hai nước Việt Lào, nhưng những cánh rừng gỗ Lim bạt ngàn đi cả ngày không vượt qua với những cây to cỡ hai người ôm, hay những sườn núi cao có nghĩa địa voi tự nhiên thì chỉ ở bên Tây Trường Sơn thuộc đất Lào mới có. Đất rộng, người thưa còn chưa thể quản lý hết nổi giang sơn của tổ tiên để lại thì khi không có thế lực bên ngoài kích động, dân tộc Lào dễ tìm ra tiếng nói chung để hòa hợp hòa giải dân tộc. Vốn dĩ ba phái bên Lào gốc gác cũng là của ba anh em hoàng thân Suphanuvong, Suphana Fumi và Fumimunum nên họ cũng dễ nói chuyện với nhau. Nói là các phe đánh nhau, nhưng thực chất là những trận chiến đấu của bộ đội Việt Nam tình nguyện với lính Fumi có sự chi viện của lính Thái Lan mà thôi. Lính Pathet không tham gia bất cứ trận đánh nào. Bởi vậy khi các phái bên Lào đã hòa giải thì những trận chiến đấu trên chiến trường Nam Lào cũng đã chấm dứt từ sau cái ngày 22/2/1972 đó.

Tất cả cácđơn vị của sư đoàn 968 chúng tôi sau ngày đó rồi sẽ rút dần ra khỏi vùng đấtcao nguyên, về đóng quân bám quanh tuyến đường Trường Sơn. Chúng tôi sống cuộcsống hòa bình như các đơn vị huấn luyện ngoài Bắc. Thế là kết thúc những chuyệnchiến đấu, chỉ còn lại những chuyện thường ngày của lính mà chắc người lính nàocũng biết.


Thế là ở chiến trường này cũng đình chiến, cũng có hòa bình rồi. Cứ dần dà mỗi ngày được phổ biến và được học tập một ít, chúng tôi biết được rất nhiều thông tin cần thiết.

Nghe tin ở Việt Nam, ta và địch phân chia gianh giới tại những vùng kề nhau như giới tuyển. Ta và địch xây dựng chung những ngôi nhà hòa hợp, khu thể thao để hai bên giao lưu vì đều là dân Việt cả. Những thằng lính đã hoàn thành nhiệm vụ đánh nhau, bây giờ chia phần đất xong rồi, không đánh nhau nữa. Phần việc còn lại là của lãnh đạo các bên bàn bạc rồi đi đến tổng tuyển cử thông nhất đất nước. Lần này có nhiều bên quốc tế giám sát, phe XHCN đã mạnh hơn nên chắc địch không phá được như hồi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Đấy, lúc ban đầu là nghĩ như vậy. Chúng tôi ở bên này không làm nhà hòa hợp và giao lưu với địch vì là người hai nước khác nhau. Ai ở đâu cứ đóng ở đấy thôi. Gianh giới cũng chỉ ước lệ bởi đất Lào rộng lớn, quân của cả hai bên đều ít thì cũng chỉ lập chốt là đủ.

Chúng tôi được biết dần và nhiều hơn về Chiến dịch B52 của Mỹ ném bom Hà Nội hồi tháng 12/1972 và chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của ta. Nghe nói ga Hàng cỏ, bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên bị đánh bom tan tành. Nhưng thằng có gia đình ở các tiểu khu thuộc mấy chỗ đó lo lắng ra mặt, nóng ruột nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn.

Trong khoảng thời gian hơn hai tuần trú quân ở bản Xăm-xi-núc "cầu", công việc tương đối nhàn. Không phải cùi cõng lót đạn hay gạo cho tuyến trước như hồi năm ngoái. Chỉ đi lấy gạo cho riêng đơn vị mình là đủ. Có hai việc làm chủ yếu là học về vũ khí, chủ yếu là M79 và B41. Lúc này trong đơn vị vẫn còn B40, nhưng khi súng hỏng hoặc được bổ sung mới thì toàn là B41 của Trung Quốc. Loại súng này tuy có nặng hơn nhưng tác dụng của nó mạnh hơn B40 nhiều. Cối cá nhân M79 thì không nói làm gì, loại này quá ưu việt. Việc thứ hai của chúng tôi là hàng ngày đi lùng sục quanh vùng đóng quân theo tuyến của phần đất bên ta giữ. Chúng tôi chỉ đi trong phạm vi 5 cây số, không lấn sang phía địch làm gì.

Một lần nhóm 4 người B5 chúng tôi do anh Trịnh phụ trách lùng sục về khu vực bản Xăm-xi-núc "may". Vẫn cái bản dân bé nhỏ ấy, cuộc sống thanh bình. Mùa khô không làm nương và trồng cây gì nên các nương rẫy hoang tàn xơ xác. Chẳng còn vết tích của những đồi kiệu bạt ngàn xanh tốt, những nương trồng thuốc lá nhiều tới mức cứ có dịp lính tráng đi qua là tạt vào bứt ào ào đem về thái phơi hút như của mình mà mãi không hết. Giờ thì chỉ có men theo bờ suối, dân bản làm những mảnh vườn nhỏ rồng lưa thưa ít rau cải. Mình mà có ý định lấy về cải thiện cho cả đại đội một bữa thì chắc phải vặt bằng hết mới đủ. Đi qua bản, lính và dân chào hỏi vài câu lấy lệ rồi chuồn mất hút, cảm giác buồn buồn.

Một lần khác nhóm chúng tôi lại lùng sục về khu vực Xăm-xi-núc "may", nhưng không vào bản mà rẽ theo con đường nhỏ đi vào hướng khu rừng già nơi mà năm trước C6 trú quân. Trở lại chốn cũ, cảm giác bồi hồi xúc động qua từng bước chân. Qua cái nương nhỏ, chúng tôi vào khu vực B5 trước tiên. Những cái lán cũ mái đã mục nát, xiêu vẹo trông thật hoang tàn. Các sạp nứa trong hầm thùng ẩm mốc. Đường đi lối lại cây cỏ mọc đầy, nhiều chỗ chắn hết lối. Mà đấy là chỉ sau có một phần cuối mùa mưa và chủ yếu là mùa khô thôi đấy. Cảm giác buồn hơn nữa là nhìn những cái lán đổ nát mà thấy lồng trong đó như hình ảnh của một cuốn phim quay chậm đè lên cảnh sinh hoạt của cả đơn vị ngày nào. Vậy mà bây giờ nhìn lại chẳng còn mấy ai. Nhiều người bị thương ra Bắc, nhiều người nằm lại những cánh rừng khôộc lưa thưa bóng nắng ngoài Saravan. Một trung đội mười mấy người ngày đó mà nay có bổ sung thêm lính Nghệ An thì mỗi B cũng chỉ có 7, 8 người. Tràn ngập nỗi buồn man mác khó tả.

Chúng tôi đi lướt nhanh một vòng quanh cứ cũ của đại đội rồi nghỉ lại chỗ cái sân đại đội cũ giở cơm ra ăn. Rừng già đã trở lại dần vẻ âm u của nó với tiếng chim và đám sóc bay cùng những con chồn bé nhảy qua nhảy lại giữa các cành cây, ngơ ngác nhìn chúng tôi lạ lẫm.

Cơm nước và nghỉ ngơi xong, chúng tôi đứng dậy lên đường. Thật không thể tả rõ lúc đó vui hơn hay buồn nhiều hơn. Chiến tranh đã chấm dứt rồi, đáng lẽ phải vui, nhưng khi có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về số phận con người thì lại thấy buồn buồn trước những mất mát chia ly. Tôi biết cái cảm giác như thế này sẽ còn trở lại nhiều lần nữa trong cuộc đời nếu như mình còn sống và còn nhớ về đồng đội thân yêu.

Những ngày sau, chúng tôi còn vài lần trở lại lùng sục ở khu vực bản Xăm-xi-nuc "may", nhưng không bao giờ chúng tôi vào lại khu rừng đóng quân ấy nữa.

Ngày 8/3/1973, đại đội chúng tôi lại hành quân chuyển về bản Phù Đin, lại trở lại chính cái vườn cà phê tốt um nằm sát nhà dân ấy. Chẳng đào hầm nhưng tôi với anh Trịnh vẫn trải nilon nằm cạnh nhau. Thời gian chúng tôi ở đây chỉ có 4 ngày nhưng là những ngày nghỉ ngơi và lắm chuyện quấy nhộn.

Bản Phù Đin tuy không nhiều nhà, nhưng là một bản trù phú trên cao nguyên. Dân bản chủ yếu sống bằng trồng cây cà phê. Nhà toàn là loại nhà sàn gỗ to, làm sẵn ở đâu đó (các cột và ván gỗ là loại cưa xẻ bằng máy phẳng lỳ hẳn hoi chứ không phải đẽo bằng tay). Nhà to và rộng rãi. Ăn mặc của dân bản cũng có vẻ sang. Cái nhà cạnh chỗ B5 chúng tôi ở có hai vợ chồng và một cô con gái. Cô gái cũng độ tuổi "sao" (tuổi thiếu nữ 20), khá xinh và dáng người đầy đặn cân đối. Sống trên đất Lào đã gần một năm, nhìn thấy dân Lào và nói chuyện vặt vãnh với họ cũng không ít, nhưng thời gian này là lần đầu tiên tôi được ở gần và có thể quan sát và ngắm người dân Lào, nhất là con gái thoải mái như thế. Tôi với anh Trịnh không nằm võng mà đem hai cái tăng căng qua một sợi dây nối giữa hai cây cà phê tạo thành một cái lều trên mặt đất. Bên trong phủ ít lá khô, trải nilon, thế là có chỗ nằm kín đáo và thoải mái. Lúc không phải đi công tác hay sinh hoạt, nằm đây nhòm ra thì tha hồ mà ngắm sinh hoạt của nhà dân chỉ cách độ hai chục mét. Hình ảnh cô gái chủ nhà lên xuống cái cầu thang luôn in dậm trên nền trời xanh. Mà cho dù cô có đứng trên sàn ngoài nhà thì nhìn cũng thật rõ giữa thanh thiên bạch nhật vì lúc nào trời cũng sáng mà chẳng có gì che khuất. Cô ấy luôn đi đất (đôi khi mới thấy xỏ đôi dép Thái), mặc một cái váy hoa ngắn ngang bắp chân, nhưng đặc biệt là lúc nào phía trên cũng chỉ có mỗi một chiếc áo nịt con màu đen. Biết là không phải, nhưng chúng tôi rất thích nằm trong lán (cho kín đáo) mà ngắm nhìn (trộm) thân hình đầy đặn của cô gái, nhìn đôi vai trần và làn da trắng của cô ấy. Còn cô ấy thì cứ vô tư với những cử chỉ tự nhiên như chỗ không người. Mới đầu tôi và anh Trịnh cho là đặc ân của hai thằng khi lọt vào cái góc này, nhưng hóa ra không phải. Bản không đông dân nhưng cũng có đến chục cô gái tuổi "sao", còn cái đám trai gái bé hơn nữa thì cũng khá. Lúc chúng tôi có việc đi ngang dọc trong bản mới biết đám con gái ở đây đều ăn mặc thế cả. Thật khác xa ở nhà, vì con gái Bắc (kể cả đám thanh niên xung phong bạo dạn) cũng chẳng có ai mà trên mình có mỗi cái "tùng chiêng" lại dám thản nhiên đi lại trong sinh hoạt cộng đồng. Trong cái cảnh ấy, chắc cũng có thằng lính ta thầm nuốt nước bọt. Nhìn vài hôm thấy quen, nhưng tôi với anh Trịnh vẫn khoái vì cô gái nhà gần chỗ chúng tôi trông xinh nhất. Tiếc là nhìn ngắm thoải mái, nhưng đơn vị không cho giao lưu, thành ra chỉ hỏi được mỗi cái tên, nói vài câu chung chung rồi tịt.

Thời gian chúng tôi ở Lào tuy không phải là nơi đèo heo hút gió, vẫn có dân nhưng vốn chẳng bao giờ đóng quân trong bản nên nhìn dân gần gũi lúc này vẫn cảm thấy tình thương mến thương như làng xóm quê nhà. Gần bản có một con suối đá chảy qua, khá rộng, nước trong veo. Phía bên kia suối liền sát với một cánh rừng khá rậm rạp. Dân bản họ ăn uống và tắm giặt đều lấy nước từ con suối này. Chúng tôi ở đây thì cũng nhờ con suối như thế. Có điều chúng tôi nhận xét thấy là khi tắm giặt, dân bản phân chia khu vực rõ ràng. Đàn ông được tắm phía trên dòng chảy, còn phụ nữ và trẻ con tắm phía dưới, cách xa nhau đến cả trăm mét, khúc suối lại cong nên chẳng bên nào nhìn thấy bên nào. Bộ đội chúng tôi là đàn ông nên tất nhiên cũng được tắm ở khúc phía trên, nhưng cũng cách ra phía trên một tí vì dân họ không tắm chung cùng lính, nhất là không đi tắm tập trung.

Lòng vả cũng như lòng sung. Lính tráng xa nhà mà gần dân, thế nào chẳng có điều trắc ẩn. Không ít thằng mong được nhìn trộm con gái tắm, nhưng bộ đội cách mạng đâu có thể làm ấu. Cầm tay con nhà người ta công khai thì chẳng sao, nhưng nhòm ngó lung tung thì không được. Thế là mấy ông tai quái (nơi nào chẳng có các bố ấy) tìm cách mò sang bờ suối bên kia phục kích. Bên đó là rừng rậm, lại muốn giữ bí mật (cả với "quân ta" và "quân địch") nên phải vờ đi rừng ở đoạn rất xa, đi một khoảng cũng rất xa rồi mới định hướng đạp rừng quay lại. Đầu têu là mấy anh dân Hà Bắc (cựu nhất trong đơn vị) rồi đến các anh Hà Tây. Cho đến một lần anh Trịnh cũng ngứa ngáy chân tay rủ tôi cùng đi. Phải nhân một buổi chiều được cử đi lùng sục chỉ có hai người. Chúng tôi chỉ mang AK cho gọn, nhưng không đi theo lộ trình đơn vị giao, mà nhanh chóng cắt đường đổi hướng. Đường dài và gian nan đến nỗi có nhẽ sau hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới mò trở lại được bên kia suối. Lại định vị cho đúng khúc suối trong điều kiện chỉ được bò loặc lổm nhổm bốn chân. Bí mật được thì không sao, lộ ra thì coi như không còn gì để cãi. Chúng tôi chọn chỗ phục kích, cũng may là nơi đó toàn cây lúp xúp, bờ suối lại dốc đứng cao hơn lòng suối đến hơn chục mét nên khả năng bí mật được nâng cao. Chúng tôi còn phải nằm chờ rất lâu cho đến khi nắng chiều đã nhạt thì dân họ mới đi tắm (không như lính ta toàn phải đi tắm vào buổi trưa). Đang nằm im chờ thời cơ thì chúng tôi phát hiện chếch phía sau có tiếng động sột soạt. Chúng tôi nằm bẹp xuống, im re, không biết người hay thú dữ đây. Thú dữ cũng chết vì đâu dễ giải thích chuyện săn bắn ở vị trí này. Còn nếu là dân thì đúng là họ theo dõi bắt quả tang mình rồi. Thế thì đằng nào cũng chết. Cảm giác hồi hộp lúc này chẳng kém lúc phục kích địch thật là bao nhiêu. Dù sao chúng tôi cũng vẫn phải hơi xoay người chĩa mũi súng vào cái hướng loạt soạt ấy. Thật vô cùng bất ngờ khi tôi nhận ra một người đội mũ tai bèo đang bò đến, lính ta và không phải ai khác, chính là anh H. C viên phó của chúng tôi. Lúc này tôi muốn đái ra quần cho nó nhẹ người đi quá. Bị bố này bắt được thì coi như hết đường về quê mẹ rồi. Chắc phía sau còn có thằng liên lạc đi hộ vệ nữa. Tôi bấm tay anh Trịnh nằm im, không dám thở mạnh. Anh H. cứ chậm rãi bò dần tiến lên bờ suối, cách chúng tôi chỉ độ gần chục mét mà không phát hiện ra chúng tôi. Thế mới biết yếu tố bất ngờ quan trọng thật. Chẳng mấy chốc anh ấy cũng chọn xong chỗ để "quan sát". Không thấy thằng liên lạc đi cùng, hóa ra anh ấy cũng có mục đích giống hai chúng tôi. Cái khổ nhất đối với chúng tôi lúc này là vừa không được hút thuốc, vừa phải canh chừng thủ trưởng. Mãi sau thấy cứ thế này thì không ổn, anh Trịnh quyết định chủ động xuất cờ trước, lấy một hòn đất nhỏ ném về phía anh H. Anh ấy giật mình ngơ ngác. Đến khi nhìn thấy chúng tôi, vẻ mặt anh ấy khiến tôi dám chắc anh ấy muốn đái ra quần hơn cả tôi lúc nãy. Nhưng chỉ thoáng qua thôi, vì toàn là quân ta nên bắt liên lạc với nhau rất nhanh. Nói cho cùng, trong bụng ai chả có chất giống nhau, nên ba chúng tôi nhanh chóng hợp thành một đội.

Chiều hôm ấy, từ khoảng cách gần bốn chục mét, ba chúng tôi được xem "phim cấm". Nhưng nói thật là mọi thứ cũng chỉ mờ mờ ảo ảo như trong tranh thủy mạc của họa sĩ Đổng Thìn Sinh mà thôi. Nhưng thế cũng là lên tiên rồi.

Chỉ khổ là đến lúc "hết phim" phải về thì lại chạy như ma đuổi, đi tắt cắt rừng để về cho kịp giờ cơm chứ đi lùng sục gặp tình huống gì mà lâu thế. Được cái là các B ở phân tán, không phải ăn cơm và sinh hoạt tập trung nên chuyện này vẫn giữ được bí mật cho đến bây giờ, chỉ có ba chúng tôi biết mà thôi.


Thời gian ở bản Phù Đin quá ngắn nên không đủ để xảy ra sự cố với dân, những thằng tò mò cũng không có cơ hội được nhòm ngó bao nhiêu thì ngày 12/3, cả đại đội tôi nhổ trại hành quân về vùng bản Tà Kịt. Nghe nói tiểu đoàn phải chuyển sang giữ chốt ở hướng Keng Nhao trên con đường 231. Con đường này bắt nguồn từ ngã ba Lào Ngam và chạy xiên về hướng Tây Bắc. Nếu đi theo đường 231 thì từ ngã ba Lào Ngam đến Keng Nhao cũng chỉ chừng hai chục cây số, nhưng ngoài con đường đó ra thì sát theo huội Chăm Pi chỉ toàn là rừng rậm núi cao không có đường. Vì thế chúng tôi phải quay lên hướng ra phía Saravan rồi vòng lại theo các tuyến đường xe bò của dân thì mới đến được Keng Nhao. Cái bản Tà Kịt nằm ở chỗ gấp khúc trung chuyển đến đó.

Cũng như các cặp bản ở Lào có tên "cầu" (cũ) và "may" (mới) có nguồn gốc từ một bản, lần này chúng tôi ở cạnh bản Tà Kịt "nọi" (bé). Bản Tà Kịt cũ (Bản "nhầy"-to) thì đã bị phá rồi. Chúng tôi đóng quân ven một cái đồi rất to có hình dài như cái bánh mì. Trên mặt đồi trọc lốc toàn đất đá cứng, không có một bóng cây che. Chúng tôi phải chia làm hầm cạnh các gốc cây to ở một mé đồi cạnh một con suối. Cả đại đội nằm rải rác một bên bờ suối theo một chiều dài trăm mét. Đi xa một đoạn rồi vượt qua suối đi tiếp chừng hai trăm mét là tới bản Tà Kịt "nọi" có gần hai chục nóc nhà dân. Bản này cây cối rậm rạp và mát mẻ, nhưng hầu như không có cây ăn quả. Nhà cửa bé và xấu. Còn về tít xa cuối cái dãy đồi "bánh mì" là vết tích của bản Tà Kịt "nhầy", ở đó không còn nhà sàn nhưng lại có rất nhiều dừa, cây nào cây nấy cao vút có đến hơn chục mét, rất nhiều trái.

Trung đội tôi được bổ sung anh Thanh (dân tộc Tày) ở trên C25 vận tải về làm A trưởng. Thế là tôi chia tay anh Trịnh sang làm lính cho anh ấy, A chỉ có 2 người. Tôi và anh Thanh đào một cái hầm hàm ếch dựa vào một gốc cây gạo, gọi là có hầm thôi vì vùng này không có gỗ nhỏ. Vả lại lúc này không khí lính tráng cũng chủ quan lắm vì đã lâu không nghe tiếng máy bay và bom pháo. Đến nơi trú quân mới nghe nói đào hầm đã thấy ngại. Hai anh em che tạm lá và nilon trải ngay cạnh gốc cây gạo làm nơi trú ngụ, cảm giác thấy mình gần giống như anh Thạch Sanh làm nghề đốn củi trong chuyện cổ tích. Đang mùa khô nên không sợ ướt, ở độc lập chỉ có hai anh em, nhìn xa xa thấy con suối ẩn hiện sau những rặng cây rậm, "sơn thủy hữu tình", cũng thấy khoái.

Thời gian chúng tôi ở bản Tà Kịt "nọi" chỉ có một tuần. Hầu như chỉ nghỉ ngơi. Sinh hoạt đại đội có một lần. Một lần được tập trung ở đỉnh đồi "bánh mỳ" xem phim, một bộ phim tài liệu tuyên truyền và bộ phim "Trần Quốc Toản ra quân", một phim thể loại Chèo của Việt Nam. Vì không sợ máy bay nên chiếu ngay trên đỉnh đồi, cả tiểu đoàn ngồi theo hàng lối để xem. Nội dung phim gần như đã biết rồi (ai mà chả biết chuyện "Trần Quốc Toản bóp nát quả cam"), nhưng hơn năm trời mới được xem phim nên lính tráng chúng tôi đón nhận rất vui vẻ.

Thời gian ở đây, hàng ngày chúng tôi lọ mọ kiếm ăn. Suối bé không có cá, mà có cá đơn vị cũng không cho đánh bằng thuốc nổ. Đến bữa nấu cơm chỉ phát cơm và muối, còn lại tự túc. Đại đội cũng có cử lính đi "cải thiện" tức là đi tìm thứ gì ăn được làm thức ăn, nhưng thất bại. Khu vực này đến chuối cây hay rau tàu bay đều không có. Tôi cùng anh Thanh lần mò mãi thì gặp một vạt vườn ớt be bé đã bỏ hoang, toàn cây xơ xác chỉ có chút lá. Tôi ngắt một ít lá ớt về đem nấu canh với cái gói gia vị trong gói mì ngày trước lấy ở Păk Soòng, ăn thấy rất ngon. Thế là cứ mỗi bữa làm một cái hăng-gô cho một gói gia vị và mươi ngọn lá ớt là đủ canh ăn. Tôi cũng lấy đưa sang cho anh Trịnh cùng ăn. Có điều cái vườn bé quá nên chỉ vài bữa là hết sạch. Sau đó chúng tôi còn mò về bản Tà Kịt "nhầy" để tìm cái ăn. Ở đây có một ít cây dừa, sai trái nhưng cây rất cao. Chả thằng nào biết trèo dừa. Vác súng đem bắn thì chỉ làm thủng dừa chảy phí nước. Về sau chúng tôi tập trung nhiều thằng lại chặt đổ cả cây rồi lấy dừa chia nhau. Đem về bóc lấy cùi dừa đun với muối như kiểu món dừa kho thịt ở nhà, ăn với cơm cũng được, tuy hơi chát . Chặt được độ 5 cây thì BCH đại đội ra kiểm tra rồi cấm, không cho chặt dừa nữa vì tàn phá thế dân họ kêu thì chết.

Lại một chuyện làm liều nữa. Thời gian này chúng tôi ăn no đủ không thiếu gạo. Một lần lọ mọ sục xạo thế nào mà tôi phát hiện ra một kho gạo của quân ta, không biết giấu từ lúc nào. Kho làm nửa chìm, cây lá xung quanh che phủ chứng tỏ lâu không có ai nhòm ngó đến, tất nhiên là không có lính coi kho. Chỉ chừng độ hơn tấn gạo nhưng toàn là gạo đồ của Trung Quốc bọc trong bao nilon xanh, mỗi bao khoảng năm chục cân. Tôi báo cho anh Thanh và hai anh em cùng mò ra xem xét. Xác định tạm thời là vật vô chủ, nhưng không thể báo cả đơn vị lấy về dùng được. Chúng tôi đang đủ ăn, loại gạo này đun mãi không nhừ nên thực tình cũng không háo hức. Tuy thế anh Thanh lại bảo, dân Lào họ thích loại gạo này vì nấu xong hạt cơm cứ rời nhau tơi ra nên ăn bốc kiểu Lào thì rất tiện. Thế là hai anh em quyết định lấy trộm hai bao đem bán cho dân. Phải đi làm hai chuyến vào ban đêm đúng ca chúng tôi gác thì mới hết. Cũng may anh Thanh (người Tày) rất thạo tiếng Lào nên giao dịch trước được với dân. Chúng tôi đổi hai bao gạo được hai cái bật lửa và hai tút thuốc "A Lào", thêm được một ít đường. Anh Thanh cho tôi một cái bật lửa, còn thuốc lá không dám chia bừa bãi. Thế là do trú quân phân tán, buổi tối sau cơm nước anh Thanh kéo mấy đứa cùng B tụm lại đun cà phê uống (cà phê trên cao nguyên không thiếu, chỉ mỗi tội phải tự xay, giã và lọc thôi) và lấy thuốc lá thơm ra cùng hút. Không chia được trong cả C thì cho mấy anh em trong B quây quần thế này cũng đủ chan hòa tình đồng đội rồi. Chả ai thắc mắc từ đâu mà có, chúng tôi cứ từ từ thưởng thức hàng tối, rồi cũng hết nhanh chóng.

Thời gian này lúc nằm rỗi, anh Thanh kể cho tôi nghe rất nhiều về chuyện sinh hoạt của người dân tộc Tày, về chuyện đi săn bắn. Anh bảo ở quê anh ai cũng biết làm súng kíp để đi săn. Tuy thế súng này chỉ bắn được thú nhỏ. Loại to như gấu, hổ phải tìm mua súng hai nòng dưới xuôi bắn nó mới chết. Bây giờ ở quê cũng chỉ còn ít thú thôi, không có nhiều như trong này nên săn bắn cũng vất vả. Anh bảo hồi ở trên C25 anh bắn được nhiều chim thú cho đơn vị lắm. Bây giờ xuống bộ binh, nếu có điều kiện anh sẽ bắn thú cho mà ăn. Tôi háo hức lắm vì tuy từ ngày vào đơn vị được ăn cũng khá nhiều thứ, từ chồn, rắn, khỉ, bò, ngựa, thậm chí cả hổ và voi nữa, nhưng cũng chỉ tùy lúc, mà từ ngày ra Saravan đến nay không có. Bây giờ ở cùng anh, nếu đi hoạt động lẻ chắc chuyện cải thiện sẽ rất ngon lành.

Một lần tôi còn chứng kiến một chuyện mà cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu có phải đó là một thứ bùa mê không? Lần ấy trung đội chúng tôi đi lấy gạo cho đại đội. Đường đi phải lội suối rồi đi xuyên qua bản Tà Kịt "nọi". Lúc về, sau lúc ngồi nghỉ giải lao ở bản, anh Thanh để mọi người về trước, kéo tôi ngồi rốn lại về sau. Lúc vượt qua bản, chúng tôi thấy có một đàn gà mẹ con. Anh Thanh lấy ra một nắm gạo, là động tác gì đó rồi vãi ra trước mặt con gà mẹ, miệng kêu "tục...tục..." Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy con gà mẹ mổ ăn mấy hạt rồi cứ thế chạy theo sau chúng tôi ra phía bờ suối, bỏ mặc cho cả đàn con nháo nhác đuổi theo gọi mẹ. Tôi đã từng xem gà mẹ đuổi diều hâu hồi còn đi sơ tán ở Vĩnh Phúc, biết rằng gà mẹ khi nuôi con sẽ dữ chẳng kém gì chó nằm ổ. Thế mà ở đây nó như không còn biết đến đàn con. Ra đến bờ suổi, tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì thấy anh Thanh lội xuống nước rồi bụm tay hất nước "xùy, xùy..." đuổi con gà mẹ. Một lúc sau con gà mẹ mới như chợt tỉnh, quay lại đám gà con phía sau như bản năng vốn có rồi dẫn đàn con về bản.

Về đến đại đội trả gạo xong, lúc nằm khểnh hút thuốc, tôi mới bảo anh Thanh là "suýt nữa anh em ta có gà ăn". Anh Thanh cười bảo "không có đâu, làm chơi thì được chứ bắt con gà đó làm thịt là phải tội đấy, hỏng hết phép". Phép đó là gì, có phải thứ bùa của người dân tộc dùng để "chài" mà tôi có nghe nói không? Anh Thanh không trả lời, từ đó về sau trong hoàn cảnh nào gặng hỏi, anh Thanh cũng không quay lại chủ đề này nữa. Thế đấy.

Sau một tuần nghỉ thảnh thơi ở cạnh bản Tà Kịt "nọi", ngày 20/3 đại đội tôi lại lên đường, nhằm hướng đến bản Noọng Bua ở gần đường 231. Dọc đường đi chúng tôi có qua một hai cái bản khác của vùng cao nguyên. Trên cao nguyên, lính có câu:

"Phù sao Phăk Cụt,

Gia đụt Na Sịa,

Mía Noọng Tôm".

Điều đó có nghĩa là bản Phăk Cụt nổi tiếng có gái đẹp (tôi chưa đến đây nên chưa được chiêm ngưỡng), bản Na Sịa nổi tiếng về trồng thuốc lá. Nếu như vùng bản Xăm-xi-nuc người dân trồng cây kiệu bạt ngàn trên những nương rẫy rộng lớn thế nào thì ở vùng bản Na Sịa, họ trồng thuốc lá nhiều như thế. Cả một đại đội hành quân qua, lính tạt vào vặt mỗi thằng một ôm lá mà trông như nương thuốc không hề suy chuyển gì. Đi lẻ mà vào bản dân ngồi chơi tán chuyện là cũng có thể xin được một nắm thuốc rê to tướng đủ hút cả tháng. Dân Lào được tiếng mến khách và hào phóng.

Đợt hành quân này chúng tôi chỉ đi qua bản Noọng Tôm. Phía ngoài bản dân trồng mía bạt ngàn, nhưng có luống lối vun đắp tử tế chứ không phải những bãi mía trồng như rừng cho voi ăn vùng cao nguyên. Hình như tôi đã kể là trong cao nguyên vùng gần Păk Soòng có những bãi mía dân họ trồng cho voi ăn, bãi mía rộng tới cả hec-ta, toàn là loại mía nhỏ gióng dài màu vàng giống như mía chuyên để nấu đường. Loại mía này ngọt sắc. Lính tráng đi lẻ rất thích nghỉ chân ở đó, chui hẳn vào trong cho mát, ăn mía đến rát lưỡi mới chịu chui ra. Mỗi tội không được chặt mía đem về (ai lại đi ăn tranh của voi nhỉ?).

Ở bản Noọng Tôm này lại toàn giống mía tím gióng ngắn, thân to mà người ta hay gọi là mía "Tuy Hòa". Mía này không ngọt sắc, nhưng rất giòn, dễ gặm. Tuy chỉ gọi là vườn vì mía trồng ngay bên đường, khắp xung quanh bản nhưng nhiều đến độ nổi tiếng toàn cao nguyên thì cũng có thể hình dung rộng lớn thế nào. Có điều họ để ăn hay đem bán đi đâu đó chứ cũng không thấy có lò nấu đường. Thôi thì bộ đội hành quân nắng nóng cứ dừng chân rẽ vào mà giải khát. Chẳng phải tìm dân để xin vì vốn dĩ lính ta cũng không thích xin, đã quen như của nhà từ lâu rồi. Vả lại trong dân các bản cao nguyên lúc đó đã truyền tụng nhau câu nói "Bộ đội Việt Nam nó bảo, phong tục Việt Nam chỉ xin một lần là lấy mãi đấy". Vậy thì thể nào chả có lúc đã có lính hỏi xin, mà chúng tôi ai cũng là lính Việt giống nhau thì khỏi phải hỏi xin lần nữa. Chuyện này kể lại thì nghe có vẻ đùa, nhưng tình hình lúc đó là thế thật.

Mà lính ta khi có vật chất sẵn có và dồi dào thì cũng công tử lắm. Từ quan đến lính tự nhiên như ruồi, rẽ vườn mía chui vào chọn cây nào to, gióng đều, thẳng và còn nguyên lớp bụi bám trên các đốt thì mới chặt. Mía mùa hè ngon phần gốc, thì về mùa đông (có gió heo may) phần ngọn lại ngọt hơn. "Gió heo đường trèo lên ngọn", câu này truyền nhau, lính nào cũng biết. Bây giờ là tầm tháng 3 thì cả cây mía đều ngon. Trung bình mỗi lính "hạ" hai cây để giải khát, lúc lên đường hành quân còn một khúc gặm nốt là tròn khẩu phần. Quy định không chặt thêm mía mang theo, ngày đó chúng tôi chấp hành nghiêm lắm.

Đêm hôm ấychúng tôi nghỉ lại cạnh bản Noọng Bua. Nghỉ ngoài rừng sát cạnh bản chứ khôngvào trong dân. Mùa khô hành quân và dừng chân chỗ nào cũng tiện. 


Hôm sau chúng tôi lại hành quân tiếp về hướng đường 231. Lúc này chợt có cảm giác đội hình hành quân không đông, hình như chỉ có C6 chúng tôi thôi thì phải. Sau này được biết đúng là thế, cả trung đoàn vẫn nằm im, còn các đại đội khác cùng D và tiểu đoàn bộ hành quân ra vùng bản Sen Vàng giáp gianh Saravan. Vùng này có nhiều bản quần tụ đông đúc, tha hồ mà giao lưu với dân, tha hồ mà "phòn" (múa") với các cô gái mỗi đêm. Dân Lào kể cũng lạ, chả phải ngày hội hè gì, hễ cứ có giao lưu là đốt lửa uống rượu và múa. Điệu "phòn" của Lào khá đơn điệu, chỉ học độ mươi phút là nhún nhẩy và uốn éo chân tay được.

Nhưng thôi, đấy là việc của người khác, còn mấy chục lính C6 chúng tôi vẫn cặm cụi hành quân ra vùng giáp gianh với địch. Càng đi càng có cảm giác bản làng thưa thớt vì chỗ nào cũng như bỏ hoang, chả có nương rẫy gì. Rừng cũng không phải rừng già âm u mà khá thưa, nhiều chỗ đi qua cánh rừng có rất nhiều loại cây có dây leo chằng chịt. Mấy lính người dân tộc cứ cố nghển cổ tìm cây Gắm (một thứ cây cho quả, chà xát kỹ, rang lên ăn khá bùi, chống đói) mà không có. Tại một chặng, chúng tôi đi qua một dẻo đất kiểu như thung lũng có bùn đất và nước lấp xấp, các loại cây dại ăn được như rau càng cua, tập tàng mọc khá nhiều. Lính tráng thi nhau hái, đi đến đâu hái trụi đến đấy. Tới bữa tập trung lại cho anh nuôi là có món canh cải thiện ngon lành. Loại rau này ăn lành, vùng quê nào cũng có. Ở ngoài Bắc chỗ bãi tha ma gần nhà tôi có loại rau rền cơm mọc dại, loại này nếu chịu khó hái, nấu ăn còn ngon hơn loại rau rền trồng.

Tại một chỗ khác, chúng tôi thấy có nhiều rau mọc lan trên mặt đất, trông từa tựa rau muống. Tôi nghĩ đến loại rau muống Mèo mọc vùng Tây Bắc mà trong những truyện ký của cha anh về Điện Biên Phủ có nói tới, định hái một ít thì anh Thanh ngăn lại. Anh ấy bảo rau này trông đẹp vậy thôi nhưng không ăn được, ngộ độc có ngày. Các lính dân tộc mà đã nói là phải nghe theo rồi. Chúng tôi đã gặp vụ hái phải nấm độc hồi mới được bổ sung về tiểu đoàn, bây giờ vẫn còn nhớ rõ.

Chiều tối, chúng tôi đến trú quân tại một cánh rừng rậm, có nhiều cây leo. Nền đất nơi đây khá ẩm ướt. Bếp ăn được ưu tiên chọn chỗ cao khô ráo nhất, còn lại chia trú quân, mắc võng mà nằm. Tất nhiên địa hình thế này không phải đào hầm, vậy là sướng rồi.

Lúc này C6 chúng tôi được tiểu đoàn cho 2 trinh sát và 01 điện đài đi phối thuộc cùng. Điện đài là máy 2W của Liên -xô (không biết tên là K10 hay PRC10 gì đó, loại đeo vai như balo, màu cứt ngựa, có cái anten cần có 3 râu lá lúa). Lúc dừng chân, thằng lính thông tin chăng một sợi dây lên cành cây làm anten để thu được xa hơn. Lúc thanh bình này, nó hay nghe tin tức qua đài Tiếng nói Việt Nam, có khi cho vài anh em nghe ké. Đêm đó tiểu đoàn lại chỉ tọa độ mới và lệnh cho chúng tôi hành quân tiếp.

Hôm sau, chúng tôi đi thêm chừng hai chục cây số nữa, vượt qua đường 231 sang phía Tây chừng hai cây số, thuộc đất của địch. Con đường 231 là đường lớn chứ không phải loại đường xe bò, nhưng cũng chỉ là đường đất, cây hai bên đường mọc xòe ra che kín nhiều phần đường. Chúng tôi dừng chân trong một cách rừng già, bố trí các trung đội theo vòng tròn và tổ chức đào hầm chữ A hẳn hoi. Cánh rừng này khá rậm nhưng nhiều cây con, ai muốn mắc võng hay nằm đất sát miệng hầm thì tùy.

Hôm ấy là ngày 24/3/1973, Hiệp định Viên Chăn mới trôi qua hơn một tháng.

Tại cánh rừng này, cả đại đội tôi nằm trú quân khoảng 10 ngày, đủ một cơ số gạo 7 kg. Theo trinh sát dẫn đường và bố trí, hàng ngày có một B lùng sục về hướng Bắc, nơi phán đoán có địch đóng quân. Vì không phải mục đích đánh căn cứ nên trinh sát không bám địch đến tận nơi đóng quân của chúng. Họ chỉ báo là có gặp các tốp địch ở phía đó thôi. Vậy mà chúng tôi cũng được lệnh là nếu lùng sục mà gặp địch thì vẫn phải nổ súng, ở nhà sẽ ra chi viện. Cái khó là ở vùng này, chỉ chệch cánh rừng chúng tôi trú quân độ hơn trăm mét là cảnh rừng gần giống Saravan. Toàn cây cối lưa thưa như cây khôộc xen lẫn rất nhiều ụ mối. Không có đường, phải nhắm hướng nên chỉ đi xa lắm độ hai cây số là phải quay về để khỏi lạc. Phía đường 231 hướng về ngã Ba Lào Ngam thì cách một ngày cũng có một B đi lùng sục hướng đó, cũng chỉ men đường đi độ hai cây số thì về. Những lần đi qua hướng này, chúng tôi rất yên tâm vì những dấu vết trên đường luôn chứng tỏ không có người qua lại. Vậy là địch nó cũng chả mò ra đến đây.

Ngoại trừ các B đi lùng sục, A cối 60, anh nuôi, y tá và B còn lại toàn chơi tiến lên và ngồi tán chuyện gẫu. Ban đêm tuy có tổ chức gác, nhưng tinh thần trực chiến xem ra lỏng lẻo. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu tình hình gay gắt thì tại sao ở hướng này, cả trung đoàn mà chỉ có mỗi một C với hơn ba chục người ra đứng chân cách xa đại quân tới ba chục cấy số thì làm ăn được gì nếu có địch thực sự. Vì vậy khi đi lùng sục theo đường 231, chúng tôi cố gắng tìm dấu vết bản cũ hay cái nương bỏ nào đó để tìm rau, nhưng không gặp. Một vài đêm, chúng tôi tổ chức đi chém cá. Trong cánh rừng này có con suối đá khá rộng chảy qua, nước sâu đến đầu gối. Chúng tôi huy động Pin lấy từ đợt đánh Păk Soòng để đi chém cá. Cá ở đây không nhiều, chỉ to độ ngón tay cái. Ban đêm cá ngủ, nhưng dùng loại dao tông của Mỹ (dao mỏng, to bản) luồn xuống nước kê ngay gần con cá ngủ trên phiến đá rồi "phập" nhẹ một cái là con cá đứt đầu. Hai thằng với hai đôi pin là một tối được một gô cá cho cả đơn vị nấu canh chua (lá chua rừng không thiếu). Được vài đêm thì nguồn pin xem ra có vẻ hao quá, lại thêm một lần gặp phải cá rắn. Con này là cá chứ không phải rắn nước, nó to và dài giống con lươn nhưng bơi lượn rất nhanh. Mấy lính người dân tộc bảo loại cá rắn này còn độc hơn rắn hổ mang trên cạn, và chính họ có ý kiến rút lui trước nên chúng tôi cũng chờn. Thế là chuyện chém cá phải dừng lại.

Một lần, sau khi chúng tôi ở đây một tuần gì đó thì hai lính trinh sát D báo rằng họ đã phát hiện ngoài bãi trống cách chỗ chúng tôi chừng cây số có khoảng một B của địch thường đi lùng sục qua. Lâu không đánh nhau, không có thành tích nên Ban chỉ huy đại đội cũng ngứa ngáy, liền lập ngay phương án tác chiến. Hôm sau, một B tăng cường chúng tôi (khoảng chục lính) theo trinh sát mò ra phục kích. Đường đất có thành hình gì đâu, nên tất cả cứ theo ý trinh sát rồi chia ra ba tốp nằm phơi lưng sau 3 ụ mối hướng về một phía chờ đợi. Chờ hết buổi sáng không thấy gì. Chỗ này trơ khấc không hầm hố nên thấy khó chịu lắm, mọi thứ cứ tơ hơ ra, thuốc rê cũng không dám hút, mồm miệng nhạt thếch. Đang định nếu trưa đứng bóng không có địch thì rút về cơm nước thì địch lù lù xuất hiện. Một đám chục tên đội hình hàng dọc, không phải tiến qua trước mặt, mà chúng đi ngay từ phía sau lưng chúng tôi, cách độ chỉ dăm bảy mét. Nếu như cách nhau qua ụ mối thì chúng tôi đã nổ súng vì có vật che khuất, đằng này nó đi qua thì mình đang nằm phơi lưng ra huớng địch nên phải nằm im vì ngọ nguậy một cái là lộ ngay. Chúng tôi cứ nằm chịu trận như thế chờ cho tốp địch đi qua rồi khuất dần mới dám ngồi dậy thu quân. Về nhà, nhiều người chúng tôi cho rằng địch nó nhìn thấy mình rồi, nhưng nó không muốn đánh nhau mà thôi. Có vẻ như nó cũng muốn hòa bình yên ổn. Tư tưởng lính như thế khiến BCH đại đội cũng phân vân với ý định mò mẫn đánh địch tiếp. Sau đó điện về tiểu đoàn, cấp trên cũng chủ trương chốt giữ là chính nên chấp thuận cho C6 chúng tôi lên kế hoạch rút. Hai ngày sau, lại theo lệnh tiểu đoàn, cả đại đội được trinh sát dẫn đường mò sâu đến một cánh rừng cách đó hai cây số, tìm ra một cái kho đạn cối 60 có độ trăm quả chia nhau cùi về. Qua đó, tôi biết vùng này khi trước đã có tác chiến và quân ta đã từng đóng quân ở đây rồi.

Lấy đạn cối xong, cả đại đội lại rút về phía Đông đường 231, tới đóng quân lại ở chỗ khu rừng có nhiều cây leo mà mươi ngày trước chúng tôi đã dừng chân một đêm.

C6 chúng tôi vẫn phải trụ lại đây chứ không phải được rút về khu bản Sen Vàng cùng tiểu đoàn. Hàng ngày chúng tôi vẫn phải tổ chức đi lùng sục ra các hướng, đi rất xa nhưng chỉ theo từng nhóm 3 người. Cái hướng hay phải đi nhất vẫn là trở lại đường 231. Trong một tuần ở đây, ngày nào A tôi cũng phải đi lùng sục, có tăng cường thêm một lính nữa của A khác. Một tuần liền anh Thanh trổ tài săn bắn. Cứ ra khỏi nơi đóng quân khoảng dăm bảy cây số là anh Thanh nhận đi trước cách độ năm chục mét. Chỉ một lúc sau, nghe "đoàng" một tiếng chúng tôi chạy lên là đã thấy anh Thanh tươi cười với chiến lợi phẩm là một chú gà rừng rồi. Vùng này đặc biệt nhiều gà rừng. Đí đông người thì chúng bay hết, nhưng đi ít người và lặng lẽ thì nhất định gặp chúng đang kiếm ăn theo cả đàn. Anh Thanh chỉ việc chọn một con ngon mắt rồi khai hỏa là xong. Vì vậy đi lùng sục, trưa nào chúng tôi cũng có gà rừng ăn với xôi và muối đơn vị phát cho từ sáng đem theo. Đa phần là vặt lông sống rồi kiếm cái gì đó để luộc, có lần hứng lên mà chỗ nghỉ trưa an toàn thì nướng. Có điều là săn bắn khi đi làm nhiệm vụ lùng sục nên anh Thanh không dám bắn thêm đem về cho đại đội cải thiện, mà chỉ ba anh em ăn và biết với nhau thôi. Kể ra như thế cũng không hay, nhưng cái tình thế nó vậy nên phải chịu. Nhất là anh Thanh lại đang là đối tượng kết nạp Đảng.

Một lần chúng tôi còn mò sang đường 231, đến cánh rừng chúng tôi đã ở mười ngày trước thì phát hiện địch nó đã mò vào đó và phá tan hoang các hầm của chúng tôi. Dấu vết bếp anh nuôi cũng bị cày sới lung tung. Chắc chúng cũng bực vì quân ta lấn sang chỗ chúng nó sâu quá. Rất may bọn địch không ma quái chứ nếu chúng cứ gài đại vài trái mìn ở đây thì chúng tôi thiệt hại to rồi. Trưa hôm đó nhóm chúng tôi vẫn ung dung ra bờ suối làm thịt gà cho bữa ăn trưa, nhưng tự nhủ từ sau sẽ không quay lại chỗ này nữa.

Một lần khác anh Thanh dẫn chúng tôi đi lùng sục nhưng không vượt qua đường 231 mà cứ đi dọc theo đường rất xa về hướng Ba Lào Ngam. Đi xa đến mức phát ngại và hơi lo vì sợ lọt vào chốt địch. Thế mà may không hề gì, chúng tôi còn gặp một cái bản cũ. Nhà cửa không còn nhưng cây cối hoang vu tuy không người chăm sóc vẫn ra quả. Chúng tôi khẩn trương hái mấy quả mít đem về cho đại đội cải thiện. Mít còn non nhưng đem về xào thì rất ngon. Món này năm ngoái trong cao nguyên cũng là thức ăn loại ngon mà chúng tôi hay nhắm tới khi đi cải thiện.

Giữa nửa tuần đầu tháng tư, C6 chúng tôi lại thu quân trở lại bản Noọng Bua và tổ chức làm nhà cạnh đó để trú quân. Vì là mùa khô nên làm nhà cũng đơn sơ, gọi là có chỗ che nắng. Mỗi B là một nhà, bên cạnh nhà vẫn đào lấy lệ một cái hầm chữ A.

Như vậy vềtình hình nhìn chung là toàn trung đoàn 9B chúng tôi gần như đã rút hết ra khỏicao nguyên Boloven để chuyển ra vùng Saravan. Chỉ còn mỗi C6 chúng tôi là cònđang ở trên đất cao nguyên, quân số hơn ba chục người. Gọi là đứng chân cắmchốt, nhưng với lực lượng như thế thì chỉ là chiếu lệ. Bầu không khí hòa bìnhtràn ngập khắp đơn vị. 


Trung đội tôi không phải là trung đội chủ công của đại đội, mà là trung đội chuyên về chốt giữ. Bởi thế nên trong khi cả đại đội còn đang nghỉ chân tại bản Noọng Bua, chỉ có cùi gạo ăn và tập tành vớ vẩn mấy loại vũ khí, sau đó là học những bài chính trị đã thuộc lòng, thì ngày 10/4/1972, B5 phải hành quân trở lại đường 231, nhưng nhằm hướng Keng Nhao. Cả trung đội có 8 người, được tăng cường 1 y tá và 1 anh nuôi, vừa tròn một chục. Không có cán bộ C nào đi cùng. Trinh sát tiểu đoàn chỉ dẫn chúng tôi đến vị trí tập kết rồi quay về. Đoạn đường 231 chỗ Keng Nhao này cong vênh về hướng sông Me Kông hay sao ấy, nên đường đi từ bản Noọng Bua đến đó cũng phải gần ba chục cây số. B5 chúng tôi sẽ phải đến đó lập một cái chốt, cắm một cái cờ Pathet Lào làm mốc rồi ngồi đó mà canh giữ. Thời gian này, nhiệm vụ của chúng tôi gọi là "giữ cờ". Chúng tôi chỉ lo ngồi chốt trông giữ cờ thôi, còn gạo tiếp tế sẽ do các B khác cùi ra. Tất nhiên nếu có đánh nhau thì khắc có chi viện.

Trọn một ngày trời, trinh sát dẫn B5 chúng tôi đến nơi trú quân mới. Ở đây không có dấu vết bản, chỉ là một cánh rừng già cây to cao vút, mọc thưa và xen lẫn trong rừng có rất nhiều ụ mối nhỏ, đường kính chỉ chưa đến hai mét. Có một cái nhà sàn bằng gỗ cây dựng ở đó, không biết trước kia của ai. Chúng tôi đoán của bọn coi kho mặt trận hay tụi lính E39 làm nhiệm vụ dân vận. Nhà chỉ còn sàn và mái che, đủ chỗ cho cả chục người nằm, còn vách xung quanh mất hết cả.

Hôm sau chúng tôi triển khai vị trí cắm cờ. Đi xa qua vài cái nương bỏ không, cách độ 2 cây số thì tới. Đó cũng là một cái bản bỏ khá rộng nằm cạnh đường 231, chỉ còn dấu vết nền nhà và rất nhiều cây ăn quả, nhiều loại quả lạ như Vú sữa, Sầu riêng nhưng nhiều nhất là xoài. Chúng tôi chọn một cây to nằm sát đường và tương đối độc lập để trèo lên đó buộc một cái cờ Pathét, sao cho từ xa mà trời quang thì có thể nhìn thấy cờ. Cắm mốc thì cũng phải cho địch nó nhìn thấy để báo hiệu đây là gianh giới của ta chứ. Trong bản và một vị trí bên rìa khác, chúng tôi đào ba chiếc hầm làm ba điểm chốt có thể chi viện được cho nhau. Tại vị trí nào cũng có thể nhìn thấy cờ và bắn M79 tới đó được. Tuy không nhìn thấy sát gốc cây cắm cờ vì cây lúp xúp mọc um tùm quanh đó che khuất, nhưng nếu bọn địch trèo lên lấy cờ thì chúng tôi sẽ biết mà nổ súng. Còn nếu chúng tương đạn cối từ xa để hạ cờ thì cũng phải đành chịu. Chắc lúc đó cấp trên sẽ có biện pháp khác. Nhưng cứ hình dung tất cả lực lượng chỉ có mươi người, súng ống là loại trang bị cá nhân, mò xa cách đơn vị tới vài chục cây số thì chuyện giữ cờ chỉ là hình thức, chứ đánh nhau thật thì chốt kiểu này chỉ một ngày là bật. Chắc trên khắp các chiến trường, chỉ có chỗ chúng tôi mới có kiểu chốt giữ như thế này thôi.

Thế là hàng ngày cơm sáng xong, cứ khi trời bảnh mắt thì 6 lính chúng tôi có mặt tại vị trí cắm cờ để ngồi chốt. Ngoài cơm nắm nấu sẵn mang theo ăn trưa, nước uống chúng tôi cũng phải mang từ nhà cách xa 2 cây số ấy (Tức là ở cái chỗ nhà sàn bỏ hoang trong rừng ấy. Gần chỗ ấy cũng tìm thấy một cái lạch nhỏ đủ cung cấp nước ăn cho vài chục người, nhưng nếu muốn tắm thì cũng phải có cách mới gạn nước lên mà tắm được). Đơn giản là vì cái suối mà dân bản ở đây (chỗ giữ cờ) lấy nước lại phải đi vượt qua đường 231 sang phía địch. Bốn lính ở nhà lo việc cải thiện và nấu cơm chung cho cả bọn. Nếu không có gì xảy ra thì trước lúc hoàng hôn, nhóm lính chốt chúng tôi phải rời chốt để kịp về nhà trước khi tối hẳn. Buổi tối chúng tôi đốt lửa sáng để ăn cơm, sau đó ngồi chơi "tiến lên" đến tận 9 giờ. Nước uống chỉ là nước suông vì không còn chè. Ban đêm chúng tôi không gác (thật chủ quan), nhưng B trưởng Dũng không cho tất cả cùng ngủ trên nhà sàn mà bắt 4 thằng thay nhau tách ra xa mắc võng ngủ ngoài rừng để làm thế chân vạc phòng khi có địch. Nói trước luôn là suốt thời gian ở đó, không có tốp địch nào dám tập kích chúng tôi.

Chuyện ngồi chốt thì không có gì đáng nói, chỉ có một vài nét sau để ghi lại kỷ niệm trong thời gian một tháng rưỡi trời ở đây. Trước hết là chuyện cải thiện. Biết rằng khu vực này chỉ có mỗi trung đội mình nên anh Dũng triển khai ngay chuyện cải thiện để bồi dưỡng sức quân. Trong thời gian ngồi chốt, có hôm vừa mới sáng vào đến chốt, chúng tôi đã thấy có những bầu nước để sẵn cạnh hầm chốt. Đầu tiên thì nghi ngại, dò xét, sau thì biết dân Lào họ về bản cũ, thấy có hầm bộ đội thì thương tình mang nước tiếp tế, kết hợp hái hoa quả ở đó. Dân họ không có rau nên cũng tôi cũng đành biết vậy, chỉ nhận nước của họ thôi, nhưng cũng chỉ độ dăm lần. Hoa quả ở đay khá nhiều. Những cây xoài cao thấp đủ loại, quả chưa chín nhưng già và to. Mỗi quả xoài úp hai lòng bàn tay không che kín hết. Đây là lần đầu tiên tôi thấy xoài to như vậy. Ở ngoài Bắc chỉ toàn thấy muỗm, quả nho nhỏ thôi. Thế là chúng tôi hái về, nhưng món đó chỉ ăn cho vui (như khoai lang sống) chứ không làm thức ăn được. Sau thời gian chốt ở đó thì vườn xoài cũng nhẵn quả. Còn có hai thứ quả nữa cũng nên nhắc đến. Một là Sầu riêng. Nghe nói đây là đặc sản Nam bộ (Việt Nam), nhưng vùng này thổ nhưỡng thích hợp nên cũng có nhiều. Nhờ anh Dũng hướng dẫn nên chúng tôi mới biết giá trị của nó. Theo tôi, nó cũng là một loại mít, hương vị khá đặc biệt. Thế mà trong khi mọi người khen ngon thì vẫn có 2 lính không dám ăn, dù lính tráng chúng tôi khi đó ăn rất tạp. Chúng nó giải thích mùi này tương tự như kiểu mùi mắm tôm, ai ăn được thì cho là rất ngon, ai không ăn được thì ghê cả đời. Nhưng có một loại quả nữa ở đây, tôi cho là rất lành và rất tuyệt. Đó là quả vú sữa. Cầm nắn cũng thích (mà dứt khoát là phải nắn, nắn nhiều thì ăn mới ngon), còn ăn thì no không chán, chẳng bao giờ nóng người hay đau bụng. Hai thứ quả này dọc đường 23 trên cao nguyên Boloven có trồng nhiều, nhưng lính ở đó đông quá nên chỉ ở đây, chúng tôi mới được thưởng thức tự do và thoải mái như của riêng mình.

Khu rừng chỗ cái nhà sàn chúng tôi trú quân hàng đêm rất kín đáo. Cây cao, bóng mát và dưới gốc khá quang đãng. Vì có nhiều ụ mối nên những hôm không đi chốt, tôi mò ra xem mối. Mối ở đây rất to, đầu con mối phải bằng hạt đỗ đen, cứng và nâu bóng. Chúng gặm mọi thứ lạ rào rào. Vô tình mà bị con mối bò lên chân, khuơ hai cái càng như hai lưỡi kéo xoẹt qua một cái là rách da như bị đứt do lưỡi lam rạch, máu tứa ra không gì ngăn được. Vô phúc chân trần dẫm đúng ổ mối thì chỉ trong một phút, trên da thịt mình đã có dăm bảy vết cắt như vậy rồi, một lát sau máu tứa ra mới thấy buốt. Đánh rơi cái ba lô xuống sàn thì chỉ qua một đêm nằm trên đất, cái balo đã bị mối ăn không còn đáy. Sau này tôi còn qua nhiều cánh rừng có ụ mối nữa, nhưng chỉ gặp ở đây giống mối to và dữ như thế.

Điều đặc biệt là tuy mùa khô không có rau, nhưng khu rừng ở đây thì lại bạt ngàn cây "phac van" (rau ngọt - tiếng Lào) mà ở Trường Sơn bộ đội ta hay gọi là cây rau mì chính. Cây nhỏ, thân cứng mọc nguềnh ngoàng như kiểu cây rau ngót, nhưng cành thưa và lá to hơn nhiều. Rau ăn chẳng có vị gì rõ rệt, nhưng đem nấu lên thì nước của nó rất ngọt. Thế là chúng tôi tạm yên tâm về khoản rau. Ở đây được hai ngày thì anh Thanh phát hiện khu vực có gà rừng cách đó chỉ hơn cây số. Thế là anh Thanh không phải đi chốt nữa mà chuyên làm nhiệm vụ bắn gà cải thiện. Thời gian ở đó ngày nào cũng bắn được gà, có hôm được hai con. Gà rừng nhỏ con nhưng thịt của nó thì rất ngon. Anh Thanh còn bày ra những trò đặt bẫy nên đôi lúc chúng tôi còn được ăn cả nhím, chồn và rắn. Chuyện ăn thế là ổn. Đặc biệt có một lần chúng tôi còn kiếm được cả một con hoẵng (họ nai) chừng ba chục cân.

Chuyện là thế này. Vốn đã được học công binh và cũng có chút tai quái nên tôi nghĩ ra cái trò bẫy mìn ở chỗ cắm cờ. Mìn thật thì không có, lựu đạn lúc này cũng không dư thừa nên tôi lấy hai bánh TNT gói lại như quả thủ pháo. Thay vì có nụ xòe điểm hỏa, tôi vót một que gỗ vừa bằng lòng cái kíp nổ. Một đầu tôi vót nhọn và cắm vào trong cái kíp, sát gần mắt ngỗng. Tôi đem chôn quả thủ pháo đó ngay dưới chân cái cây có cắm cờ Pathet. Nếu tên địch nào mò đến cờ dẫm lên, cái que nhọn chọc vào mắt ngỗng là "bùm". Hàng ngày chúng tôi vẫn ngồi chốt bình thường, cũng không tin tưởng địch nó mò đến nên tôi cứ kệ thế, không kiểm tra hàng ngày. Một hôm vào lúc chiều, mấy thằng ở chốt đang ngồi lặng lẽ nhai xoài cho đỡ buồn thì "bùm" một tiếng rất to ở chỗ cắm cờ. Tất cả lăm lăm súng nhưng chờ mãi chả thấy gì thêm, cũng chẳng nhìn thấy gì rõ ràng. Có đến hai chục phút trôi qua, chúng tôi mới yểm hộ nhau lò dò mò đến. Ôi trời, không phải địch mà là một con hoẵng nằm gục tại đó. Chả biết làm sao nó lò mò qua đó dẫm phải quả "mìn" của tôi. Một cái chân trước tan đâu mất và ngực nát bươm. Thế là hôm đó chúng tôi nghỉ sớm và khiêng con hoẵng về nộp anh nuôi. Tối hôm đó ăn tươi, cả trung đội râm ran nói cười. Tưởng phen này tiếp tục được bẫy thú, nhưng cuối bữa, anh Dũng có vẻ nghĩ ngợi rồi tuyên bố: "Cái chuyện này chỉ là ăn may, không phải là cách bẫy hay. Nhỡ dân họ cũng lọ mọ đi vào thì thật chết, bởi vì bao lâu rồi có thấy địch đâu". Thế là từ đó tôi không nghịch dại cái trò ấy nữa.

Cứ độ mươi ngày, đại đội lại cử một tốp gùi gạo đến tiếp tế cho chúng tôi. Tốp này ngủ lại cùng một đêm, hôm sau mới về. Có chúng nó nên mới không mù tịt thông tin, nhưng giai đoạn đầu thông tin chẳng có gì mới, ngoài chuyện phổ biến viết thư cho gia đình để chúng nó mang về gửi lên tiểu đoàn. Lúc này chúng tôi vẫn chưa có ai nhận được thư nhà. Hầu như lần nào bọn cùi cõng tiếp tế cũng được chúng tôi đãi canh "phac van" và thịt gà hay thú rừng. Để đáp lại thịnh tình của chúng tôi, đến mấy lần sau chúng nó cũng kiếm được ít lá thuốc trồng ngoài nương của dân trên đường đi đem đến cho chúng tôi thái phơi để hút. Nếu không có chuyện này thì còn buồn hơn nữa.

Một lần giữa ban ngày còn có hai thằng du kích Lào (là chúng nó giới thiệu thế chứ chúng tôi cũng có gặp chúng nó bao giờ đâu) mò đến chơi. Chúng nó giới thiệu là ở đơn vị quái quỷ nào đó mà chẳng ai biết. Chỉ tin vì chúng cũng có súng AK. Bọn này cũng bẩn thỉu và hút thuốc rê luôn mồm. Chúng nó chỉ nói chuyện chơi, không nói gì đến chuyện công việc. Chúng nó qua lại với chúng tôi độ ba lần, cũng mang thuốc rê cho chúng tôi, đóng trong ống nứa. Một đoạn ống dài hai mươi phân thì một người hút phải nửa năm. Sau đó chúng nó không đến, và chúng tôi cũng chẳng bị làm sao, chắc chúng là du kích thật. Sau này nghĩ lại thấy mình cũng chủ quan, nhưng đồng thời cũng thấy người Lào hiền lành chất phác thật, không ma quái.

Một tháng rưỡi trời gần như không sinh hoạt vì có chuyện gì thì buổi tối ngồi ăn cơm anh Dũng đã nói rồi. Nhàn cư vi bất thiện. Ở đâu cũng vậy, nhưng cái phạm vi bất thiện lại bị giới hạn bởi điều kiện cụ thể từng lúc. Lính ta mà ngồi rỗi thì chỉ có hai chuyện thường nói, nói nhiều, nói mãi mà không chán. Đó là chuyện ăn và chuyện về chị em. Chuyện ăn thì không nói làm gì. Chuyện về chị em cũng là vô thưởng vô phạt, nhưng tôi bị vố nhớ đời. Tôi đã kể là anh Thanh A trưởng của tôi người dân tộc Mường, đã có vợ trước khi đi lính. Ông này cũng rất hóm chuyện và không sợ bậy bạ. Thằng Thái "Pitơ" trong C tôi thường bảo, mấy ông dân tộc mà sống lâu với người Kinh là rất hay dẫm vào cứt người Kinh (nghĩa là họ trở nên tinh quái). Nhưng trong vụ này tôi lại thấy rằng mấy bố ấy mà sống lâu với người Kinh thì còn quái đản hơn nhiều, sẵn sàng lừa cho chúng tôi dẫm vào cứt họ. Số là những thằng lính trẻ chưa vợ thì cứ hay tọc mạch, tò mò. Cái tò mò ly kỳ nhất là về cái của chị em. "Chúng mày chưa biết hả, để tao tả cho mà biết". Anh Thanh bắt đầu thế rồi hạ giọng: "Thế chúng mày đã nhìn thấy của trẻ con hai ba tuổi chưa". Nhiều thằng gật đầu vì có thằng ở quê có cháu gái, hoặc giả chúng nó nhìn trộm ở đâu đó nơi đóng quân. Chờ một lát để nhìn rõ mấy gương mặt háo hức của lính trẻ rồi nở nụ cười rất hiền lành, anh Thanh chậm rãi: "Đấy nó cứ từa tựa như thế, nhưng về sau khi lớn lên thì nó quay ngang, nên chúng mày về sau lấy vợ phải cẩn thận kẻo nhầm". Bài lên lớp thế thôi, anh Thanh không tiếp nữa mà để mặc cho chúng tôi thả sức tưởng tượng.

Khổ cho cáithân tôi, nhìn vẻ mặt dân tộc thật thà của anh Thanh (anh ấy lại là A trưởnggần gũi với tôi) nên tin sái cổ. Chuyện này tôi cứ âm thầm để bụng. Mãi cho đếnkhi rời khỏi quân ngũ xa nhau rồi, hơn ba chục tuổi đầu mới lấy vợ, tôi đã phảigạ gẫm, năn nỉ, xin xỏ vợ để rồi mới biết là năm xưa, anh Thanh đã cho mình"ăn cứt gà sáp".


   Độ hơn một tháng, mấy thằng cùi cõng tiếp tế gạo của đại đội đem đến cho chúng tôi một thông tin hoàn toàn bất ngờ: "Toàn bộ trung đoàn 9B đã trên đường hành quân ra Bắc".

Đêm đó chúng nó kể rất nhiều chuyện. Anh Dũng và anh Thanh háo hức vô cùng vì cuối năm 1969 trung đoàn chúng tôi cũng đã được ra Quảng Bình an dưỡng 6 tháng. Chuyện ở Quảng Bình, các anh lính cũ cũng đã từng kể cho chúng tôi nghe lúc này lúc khác mà tưởng không bao giờ hết. Bây giờ thì hai anh tha hồ thả hồn vào những chuyện quân dân trong thời gian ấy. Niềm vui của các anh ấy lây lan sang chúng tôi. Vậy thì chúng tôi ở đây chắc cũng không lâu. Mà đơn vị hành quân ra trước chúng tôi cả tháng thì chúng tôi chắc là được đi ô-tô mới kịp chứ. Mà thế cũng đúng vì chúng tôi phải vất vả hơn toàn trung đoàn mà. Ôi, thế là mình có hy vọng ra Bắc sau năm rưỡi trời ở chiến trường rồi.

Bọn cùi cõng tiếp tế cũng háo hức lắm. Chúng nó bảo bây giờ cả đại đội cũng rút ra ngoài bản Ka-pơ ngoài Saravan rồi chứ không còn ở trong Noọng Bua nữa và cũng đang rục rịch ra Bắc. Chỉ còn lại một tốp 4 người nằm lại Noọng Bua để tiếp tế nốt gạo cho chúng tôi thôi. Tất nhiên là tiếp tế đến bao giờ nữa thì không biết.

Tình hình như thế thì tư tưởng ngồi chốt giữ cờ cũng thả lỏng. Tất cả đều tin chắc chẳng còn gặp địch nữa. Chúng tôi sẽ rút ra Bắc và thế là những ngày giao tranh với địch trên đất Nam Lào này sẽ chỉ còn lại là những kỷ niệm. Ngoài những lúc kiếm ăn hay phải làm việc gì đó, cứ ngồi với nhau là chúng tôi lại nói chuyện đất Bắc. Khi ngồi chốt có một mình thì cũng lại ngẩn ngơ nghĩ về đất Bắc. Dù chúng tôi biết có được ra Bắc thì may lắm cũng chỉ ra tới Quảng Bình hay Hà Tĩnh là cùng, nhưng như thế là về đất mẹ rồi. Không còn Mỹ thì cũng có nghĩa là miền Bắc đã hòa bình, không thể có chuyện ném bom. Sẽ chỉ có huấn luyện, học tập và làm công tác dân vận, gần gũi với dân. Biết đâu sẽ có những thằng may mắn được cha mẹ lặn lội vào thăm. Nói gì thì nói, lúc ấy chúng tôi đều không nghĩ tới chuyện ở chính quê hương mình cũng đang vất vả và thiếu thốn, mấy nhà đã có thể có điều kiện mà tính chuyện đi thăm con. Chúng tôi ở trong này nhiều lúc cũng rất cực và thiếu thốn, nhưng nhiều khi lại như vua, ở nhà đâu dễ có thể được hưởng, dù chỉ một lần.

Tin tức cứ ngày một nóng lên, sốt hết cả ruột. Nghe tin đoàn tiền trạm của trung đoàn đã ra tới cây số "không". Cây số đó là ở đâu, tôi không biết. Mà mãi sau này cũng vậy, chẳng ai biết chính xác đâu là cây số "0". Nó được đánh dấu từ sông Bến Hải, hay trạm 5 Quảng Bình, hay tít ngoài Hà Tĩnh chỗ đèo "Pu la Nhích" thuộc nhánh Tây có dốc cua tay áo làm nổi gai lính lái xe Trường Sơn mỗi khi qua, hay là vùng núi Con Cuông, Nghệ An...? Nói tóm lại là nó cũng mờ mịt như cái địa danh "Cổng trời" trên dãy Trường Sơn. Có rất nhiều nơi cao chót vót trên Trường Sơn, lính ta tự đặt tên là "Cổng trời" chứ không ai xác định được nó có phải là duy nhất hay số 1, số 2 gì đó không? Có điều khi đó cái từ "cây số không" nghe ấm áp lắm, chúng tôi tin chắc là nó phải thuộc đất Bắc.

Ngày 15/5 tôi bị một trận sốt rét nặng, rất may vẫn là loại sốt rét thường niên, không phải sốt ác tính. Sau ba ngày vật vã, dù chân tay còn bủn rủn, tôi vẫn được anh Dũng quyết định cho về Ka-Pơ với đại đội, đi về cùng mấy thằng tiếp tế gạo. Đường xa mấy chục cấy số nên qua Noọng Bua phải nghỉ lại một đêm, hôm sau đi tiếp. Tuy còn mệt nhưng tôi càng đi càng thấy khỏe ra vì lúc nào cũng nghĩ tới hình ảnh đất Bắc. Vậy là nhờ có sốt rét nên tôi được rời khỏi Keng Nhao trước trung đội nửa tháng.

Vùng bản Ka-Pơ nằm ở phía Đông Nam Saravan. Nơi đây các bản dân nằm sát nhau và khá trù phú, tuy dân số bản nào cũng rất khiêm tốn. Có cả một con đường ô-tô to chạy xuyên qua một loạt bản. Nương lúa và vườn cây là chủ yếu. Rừng già lùi cách rất xa nơi đây, nhưng xen kẽ các nương rẫy vẫn có những khu rừng nhỏ, loại rừng tái sinh hay những đồi cỏ tranh rộng cỡ hàng hec-ta. Phía sau bản nào cũng có suối, không lớn nhưng nước rất trong.

Những ngày ở đây thật nhàn hạ, vì tất cả đều có tư tưởng ra Bắc, chỉ thỉnh thoảng sinh hoạt chiếu lệ, còn lại là chơi và kiếm ăn. Lúc này Nam Lào đang là mùa mưa rồi nên cuộc sống người dân rất có sinh khí. Lúa nương đã lên xanh, cây cỏ tốt tươi và các loại rau xanh khá sẵn. Dân Lào họ có tục lệ gieo hạt các loại rau xanh như dưa chuột, cải xanh các loại, bí ngô... trên nương để chống cỏ mọc nên họ ăn không hết, lính ta do đó mà tha hồ hưởng nguồn rau xanh ấy. Các loại cây khác như mía, chuối, đu đủ cũng rất dồi dào. Một hôm đơn vị được đi lĩnh đường. Đây là lần đầu tiên từ khi vào chiến trường, tôi được phát đường ăn, mỗi người ba lạng (Thời gian trước đôi lúc có đường để uống cà phê là do lấy của địch hoặc xin đơn vị pháo ngoài Saravan). Thịt lợn thì vẫn là do tiểu đoàn tổ chức mua của dân, làm thịt rồi chia xuống cho các đơn vị.

Tôi được ở chung với nhóm các anh quản lý đại đội và anh nuôi, y tá. Toàn là lính cũ nên các anh ấy giỏi lo chuyện kiếm ăn. Có tí đường thì nghĩ đủ cách để thưởng thức, trước tiên là nấu kẹo. Ở vùng này không có lạc nên mọi người nghĩ ra cách rang gạo nếp lên rồi nấu kẹo. Cách nấu cũng đơn giản, chỉ cần trông nom cẩn thận cho khỏi cháy là được. Kẹo gạo nếp rang tuy không thể sánh bằng kẹo lạc, nhưng lúc đó tôi ăn thấy rất thơm ngon. Có thanh kẹo nhấm nháp khi uống cà phê và hút thuốc rê thì cái sự khoái khi ấy nó cũng chẳng kém ngồi ở quán Gió công viên Bảy mẫu là bao nhiêu đâu. Có khi còn thấy sướng hơn nữa là khác. Bây giờ thì tôi đã biết cách chế biến cà phê từ quả cà phê tươi. Hạt cà phê có hai nửa, nhưng nó còn một lớp vỏ áo. Phải phơi khô hoặc rang qua rồi giã để bóc lấy hạt nhân chính bên trong. Phần rang cà phê là khó nhất. Loại bỏ những câu chuyện về cà phê cứt chồn và phân biệt các loại cà phê Chè, Mít, Vối, ở đây có gì dùng nấy, nhưng theo các anh lính cũ, cà phê cao nguyên Boloven sánh ngang cà phê Ban Mê thuột của nước mình. Nhưng muốn ngon trước hết phải chọn các quả chín đều (Cùng tuổi). Khi có hạt nhân cà phê thì phải chọn các hạt có cỡ đồng đều nhau (Cái này giống như bí quyết làm lạc rang húng lìu) để khi rang nó phải chín và cháy đều. Cà phê phải rang ba lửa, thực chất là rang cháy đến một độ nào đó. Lần rang cuối cùng trước khi bắc ra phải rưới một ít mỡ gà vào đó cho nó xèo xèo bốc khói. Cà phê rang có mỡ gà, khi pha sẽ có một váng béo loang trên mặt chén, rất thơm và hấp dẫn. Rang xong thì ủ trong áo cho nóng độ một tiếng rồi đem giã. Chầy cối đều là tự tạo. Khoản lọc bột cũng mất công, nhưng vì chúng tôi không có cái "rây" bột nên đành chấp nhận bột cà phê không mịn. Khoản này chỉ có mỗi cách khắc phục bằng kiểu đun cà phê bit-tất. Bây giờ người ta uống cà phê chỉ là một tách nhỏ, nhưng khi đó chúng tôi uống mỗi lần một người phải một bát B52.

Chuyện ăn uống không có gì đáng ghi nhớ lắm, nhưng chuyện mò ra dân chơi buổi tối lại rất hấp dẫn và phong phú. Đầu têu vẫn phải là các anh lính cũ khá thạo tiếng Lào, hoặc mấy anh dân tộc mất gốc. Kiểu gì thì cũng phải tán bằng lời chứ không thể diễn tả bằng tay được. Các bản dân dù thưa, nhưng bản nào cũng có một vài cô gái độ tuổi thiếu nữ mà người Lào gọi là "sao". "Sao" có nghĩa là 20, và tên các cô gái dậy thì được gọi bằng từ "sao" phía trước "tên" thay cho "tên họ". Khu vực này, các cô gái chắc không thể sánh bằng "gái Făkut" gần Păk soòng, nhưng cũng khá "giòn". Đa số các cô có da bánh mật, đẫy đà và có cô còn đầy đặn hơn nhiều so với cái trọng lượng chưa đến 50 cân của bọn lính chúng tôi. Nhưng tóm lại là rất ưa nhìn. Con gái Lào rất bình dị, thân thiện và không đỏng đảnh. Vài ba thằng lính kéo đến nhà chơi là họ tiếp chuyện bình thản như người quen. Thân thân một tí thì có thể cầm tay khi chào, nhưng nói chung là chúng tôi thường chắp tay và hơi cúi người xuống một chút khi chào, đúng kiểu người Lào.

Tôi đi theo lính cũ cũng chỉ là để cho mình thêm bạo dạn thôi chứ tiếng tăm chẳng thấm tháp gì. Vui nhất là màn chào hỏi tên nhau. Các cô gái thì tên là "sao" nọ, "sao" kia, còn lính thì toàn phá quấy không nói tên thật. Vùng Nam Lào đàn ông Lào thường có những "tên họ" như Khăm, Bun, Thao... (không thấy giống tên họ các bác ở vùng thượng Lào hoặc trong Trung ương bạn như Cay-xỏn, Xu-pha...). Thế là khi được các "sao" hỏi tên, người lính tình nguyện Việt Lào thứ nhất khai tên là "Khăm Đớp". Người thứ hai khai là "Bun Khợp" còn tất nhiên người lính thứ ba sau phút lúng túng cũng tìm cho mình được cái tên "Thao Bụp". Toàn là âm vần trắc, và liên quan đến cái dạ dày. Lúc đầu các "sao" tin lắm, tuy có thắc mắc tên bộ đội Việt khó gọi. Về sau lính tráng đồn nhau rồi tốp lính nào đi nhà nào gặp các "sao" cũng lòe mấy cái tên trên. Các cô gái Lào nhanh chóng nhận ra sự đùa bỡn đó. Về sau khi gặp, chưa kịp nói tên thì các cô gái đã nói luôn là "bộ đội Việt đừng có nói tên là Khăm Đớp với Bun Khợp đấy nhớ". Thế là tất cả cùng cười hỉ hả và về sau thì chúng tôi nói tên thật của mình, các "sao" nhớ tên chúng tôi cũng rất nhanh.

Chúng tôi cũng trêu các cô gái, nhất là cô nào béo núng nính. Noọng "Đăm khư tu mi, phì khư tu khoai" (em "đen như con gấu, béo như con trâu") làm các cô lúc đầu nguây nguẩy chối, nhưng sau rồi cũng cười vui vẻ. Các cô không muốn khen là béo, nhưng "người béo cũng có cái đẹp đáng yêu của nó chứ". Lính mà đã tán thì suối phải ngừng chảy, chim phải ngừng hót nên cuối cùng chia tay nhau lại muốn hẹn "tối mai lại đến chơi". Gái Lào cũng rất thích bộ đội Việt, về văn hóa giữa hai dân tộc cũng có cái gì đó rất gần gũi nên những cuộc giao lưu của chúng tôi diễn ra đều đặn như một thứ sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có những buổi đi chơi tối như thế này thì thời gian ở đây buồn chẳng kém gì ngồi chốt Keng Nhao. Tất nhiên là chỉ có cỡ lính từ cán bộ B trở xuống thôi, chứ cán bộ cấp C và D thì dù có thạo tiếng Lào, họ cũng không vào bản.

Tình quân dânthật là thắm thiết, nhưng lúc này chúng tôi sắp được về Đất Mẹ rồi nên chínhsách dân vận chấp hành rất tốt. Chỉ tán chuyện vui thôi và nhận chút quà làthuốc lá từ tay các cô gái bản. Đêm về ngoài ca gác chiếu lệ thì ngủ say nhưchết, chẳng thấy mơ mộng gì..


Đầu tháng 6, trung đội tôi rút khỏi Keng Nhao. Vùng đất ấy giao lại cho bộ đội Pa Thét. Các phái của Lào tiến hành hòa hợp yên bình nên không còn chiến sự và trung đoàn chúng tôi không phải quay lại Boloven để tác chiến nữa. Sau khi hội đủ quân, cả tiểu đoàn K18 hành quân vượt qua vùng đất Saravan về phía Đông để ra đường dây 559 cùng trung đoàn.

Cảnh vật ngoài Saravan không còn nắng cháy với những rừng khôộc khô quăn lá và những con suối cạn chằng chịt nữa. Thay vào đó là khung cảnh tươi mát đầy sức sống của mùa mưa. Các nương lúa xanh um quanh các bản dân, chúng tôi hành quân qua phải đi tránh ven theo bờ chứ không đạp thẳng qua mà đi như hồi mùa khô nữa. Đi qua bản nào cũng thấy gà lợn chạy quanh sân, có khá nhiều bò. Nhiều bản có cả những con trâu mộng sừng cong tuyệt đẹp, không biết người Lào họ có dùng trâu để cày bừa không. Những cánh rừng khôộc cũng xanh um tùm lá, nhiều chiếc lá to như những cái quạt nan, và cỏ thì mọc xanh um khắp các cánh rừng, trâu bò thả rông tha hồ mà lựa chọn cỏ ăn. Tuy không phải cao nguyên nhưng mưa nhiều cũng làm các con suối cạn đầy nước trở lại. Chúng tôi qua sông Sê Đôn phải chọn tìm chỗ mới lội qua được, nhưng nước khá sâu và chảy mạnh nên vẫn phải căng dây để bám và bọc ba-lô trong ni-lon cho khỏi ướt. Đường ra trận đẹp thế nào không biết, nhưng đường trở về thì trong lòng lúc nào cũng như có tiếng nhạc. Bước chân càng đi càng thấy dẻo dai, chẳng thấy ai kêu ca mệt mỏi gì. Lúc này chúng tôi cũng đủ ăn nên chẳng ai nhắc gì đến cái đói ở cuối mỗi chặng hành quân. Lệnh hành quân chấp hành nghiêm chỉnh, đội ngũ đâu ra đấy chẳng có tụt tạt gì.

Bình nguyên Saravan và những cánh rừng khôộc tuy thưa nhưng rộng bạt ngàn lùi dần lại sau lưng. Những cánh rừng già và núi non chập trùng trước mắt cứ gần lại dần. Chúng tôi náo nức hành quân, hào hứng đi cả trong trời mưa, nhiều khi như trút nước. Lại chuẩn bị đón cảnh mưa rừng, mưa Trường Sơn có lẽ còn mịt mùng và dai dẳng hơn mưa rừng cao nguyên, nhưng điều đó chẳng hề làm nản lòng chúng tôi. Sau mấy ngày hành quân, chúng tôi đã chạm vào tuyến đường vận tải 559 và dừng lại chia nhau ra tạm trú quân trong những cánh rừng già. Lần đầu tiên đóng quân trong đội hình cả đại đội mà không có lệnh đào hầm, dù nơi đây lần đầu có chúng tôi đặt chân tới. Không phải là những bãi khách binh trạm có sẵn hầm hào như năm kia hành quân vào. Chúng tôi phải tự lo mọi thứ. Mùa mưa nên phải căng võng nằm, nhưng vẫn phân khu theo đội hình các trung đội. Chỉ là dừng chân ít ngày nên chúng tôi chỉ làm bếp dã chiến và phát tạm cây cỏ lấy mấy lối đi giữa các trung đội.

Cái kiểu đóng quân này nếu như là của năm 1972 trở về trước thì rất dễ bị đón nhận bom B52, nhưng bây giờ rừng Trường Sơn đúng là rừng của ta, trời của ta rồi. Các nhánh đường vận tải được mở rộng thêm, tuy vẫn ở phía Tây là chủ yếu. Mùa mưa xe ô-tô vẫn vận chuyển, nhưng tổ chức theo những chặng đường ngắn, dễ đi.

Chỉ đóng quân được vài ngày mà đã biết nhiều chuyện. Lúc này chúng tôi ăn uống đều nhờ cấp phát, không còn dựa được thêm vào dân nữa, vì các bản dân đã ở xa lắm rồi. Cải thiện cũng chẳng có gì nhiều ngoài những thứ rau rừng như lá chua, môn thục và thân chuối rừng ăn rất xót ruột. Lần mò xa xa hơn thì có rau tầu bay, món này hấp dẫn hơn cả. Vùng này không thấy có tre bương gì nên không có măng. Cứ nhờ nhu cầu đi cải thiện mà dù chỉ là ở tạm ít ngày, chúng tôi cũng sục xạo khắp cả. Chúng tôi phát hiện ra cả một con đường xe ô-tô vận tải của quân ta. Gần chỗ chúng tôi còn có một đơn vị vận tải ô-tô đóng trong một cánh rừng cây Săng-lẻ. Có lẽ tuổi thọ của chúng bét cũng phải vài chục năm vì cây cao tới hàng hai chục mét và đa phần có cỡ gốc từ hơn một người ôm trở lên. Nhiều cây gốc không tròn mà tòe ra thì phải tới ba người ôm. Tôi đã biết cây Săng-lẻ này có họ với cây Bạch đàn có trồng ngoài Bắc và cây Bạch dương ở tận nước Nga xa xôi. Các lính cũ người từ vùng Thanh Hóa trở vào nói rằng gỗ cây Bạch đàn được chuyên dùng để đóng thuyền đi biển. Nó có đặc tính gì đó mà khi gặp nước biển thì nở ra làm các mộng ghép thêm chặt và khít. Các anh ấy nói ở quê nhà mà có cánh rừng thế này thì thật "bố tướng", còn tôi thì chỉ nhìn thấy nó là gỗ to, chắc để làm nhà hay đóng bàn tủ là tốt thôi. Lại nhớ khi học phổ thông, được dạy rằng "rừng vàng" có lẽ là như thế này đây, bởi vì cánh rừng Săng lẻ này rộng lắm. Nhìn hút tầm mắt chưa hết. Cả cái đơn vị xe ô-tô có dễ đến cả trăm chíếc ấy đỗ vào, mà từ ngoài nhìn vào trông lọt thỏm như ta xếp đồ chơi. Rừng cây cao rậm tới mức máy bay bay trên đầu chắc nhìn xuống chẳng thấy gì. Đơn vị này có lẽ là vận tải thuần túy nên chỉ có hai loại xe ô-tô là Giải phóng của Trung Quốc và Zin kính cong của Liên xô.

Rừng Lào, trừ phần trôi ra bình nguyên kéo dài từ tỉnh Khăm Muộn ở phía Nam cánh đồng Chum cho đến tỉnh Saravan mênh mông kéo dài tới hơn hai trăm cây số là địa hình xen lẫn giữa cây khôộc với những ụ mối và các dải đá mồ côi, còn thì áp sát dãy Trường Sơn là những cánh rừng đặc chủng mọc xen lẫn với những loại cây cổ thụ rất đa dạng. Có cánh rừng cây già mọc cao hơn chục mét nhưng bám quanh nó rất nhiều loại cây dây leo hay cây ký sinh mọc chằng chịt. Đi qua loại rừng đó mà mang vác nặng hay cồng kềnh là luôn thấy nản lòng. Những dây leo hay cành cây trồi ra lúc nào cũng muốn ngoắc vào các thứ lỉnh kỉnh của lính mà kéo giật ngược trở lại, cản bước hành quân. Đặc biệt những rừng rậm như thế lại thường nằm trên bình độ cao, cây mọc rậm nên ánh nắng lọt xuống ít, mặt đất và xung quanh lúc nào cũng ẩm ướt.

Rừng Trường Sơn đa số là các vùng có cây mọc tạp đủ loại, nhưng rất nhiều chỗ lại chỉ có một loại cây mọc gần như là duy nhất. Các cánh rừng có cây họ tre nứa đa phần mọc bám sát vào những chỗ có sông suối. Còn vùng thoai thoải hay tương đối bằng phẳng thì lại là những rừng cây có gỗ. Tôi đã từng ngẩn ngơ khi bất chợt bắt gặp cánh rừng Bằng Lăng đúng mùa hoa nở. Cây Bằng Lăng không hợp với khai thác gỗ vì thân nó thường còng queo, nhưng những cây lâu năm thì cũng cực to. Đi mỏi chân mà không vượt qua được một cánh rừng đặc chủng như thế là chuyện thường ở Trường Sơn.

Vùng Tây Trường Sơn có rất nhiều rừng già, rừng rậm toàn cây lấy gỗ. Ngoài những cánh rừng Săng Lẻ, Bằng Lăng mà tôi đã biết, còn có nhiều cánh rừng gỗ lớn như Lim hoặc họ Lim và rất nhiều loại cây mà tôi chẳng biết được tên. Nói chung là rừng già và phần lớn các đơn vị vận tải hay tăng pháo được đóng quân trong đó.

Chúng tôi gặp lại đơn vị xe tăng đã cùng đánh trận Ba Lào Ngam hồi tháng 10/1972 với trung đoàn 9. Tôi không rõ biên chế của đơn vị xe tăng, không biết đây là tiểu đoàn hay đại đội tăng, chỉ biết trong cánh rừng đó có chừng chục chiếc xe tăng. Họ cũng đóng dã ngoại như chúng tôi, không biết có phải cũng chờ để ra Bắc không. Lính tráng không tò mò hỏi nhau nhiều chuyện, nhưng tình hình bây giờ cũng không còn phải bí mật nhiều như trước nên họ vẫn cho chúng tôi vào chơi, cùng đánh mấy ván "tiến lên". Giao lưu chẳng có gì nhiều, nhưng rồi vì trú quân ở đó không phải chỉ vài ba ngày nên có lần chúng tôi đã bày trò kéo co với họ. Lính tăng đa phần to con hơn bộ binh, nhưng lính C8 hỏa lực của K18 chúng tôi cũng có nhiều người to cao. Thế là hẹn hò thử sức cho vui. Giằng đi giật lại, nhưng cuối cùng cả mấy keo, bọn lính tăng đều thắng. Lúc ngồi chơi uống nước, bọn lính tăng bảo bài tập đầu tiên khi vào binh chủng tăng là tập kéo co. Sau đó là áp dụng vào để kéo xích xe tăng để lắp xích khi bị đứt trên đường hành quân. Chúng nó bảo mỗi cặp mắt xích xe tăng nặng tới gần hai tạ. Hèn gì chúng nó kéo co thắng là phải.

Rỗi hơi, ngày nào lính tráng cũng ngóng chờ lệnh hành quân ra Bắc. Chúng tôi biết là sẽ phải hành quân bộ, chẳng có xe pháo gì đâu, vì đang là mùa mưa. Xe ô-tô chỉ có dùng để chở đạn gạo vào, rồi khi quay ra thì chở thương binh nặng. Mà ngay cả lính binh trạm ngoài nhiệm vụ giao liên chẳng vẫn phải cùi cõng và tải thương bạc mặt ra đấy sao. Nhưng cả đội hình trung đoàn, rồng rắn cũng phải ngót nghét hai tháng trời mới ra đến Bắc thì sao không cho đi luôn, chờ mãi thế này nó yếu người đi. Thế là những ngày đầu cứ ngắc ngỏm trông chờ, đi lại chỉ loanh quanh và chờ lệnh từng ngày. Về sau chờ mãi đâm oải và nhàm nên chúng tôi bắt đầu đi lang thang lùng sục xa hơn. Có khi là húc phải đơn vị khác cùng trung đoàn, nhưng đi xa hơn, rộng hơn thì cũng có nhiều chuyện đáng nói. Thậm chí nghe tin có đơn vị quen hay là trạm thương binh thì chúng tôi dám tổ chức đi xa tới cả ngày đường, vì sự quản lý của đơn vị lúc này rất lỏng lẻo.

Đầu tiên là chúng tôi mò ra được khu trú quân của thương binh mặt trận. Đủ các loại thương binh từ thời đánh nhau ở bản Xoan bên đường 231 đầu tháng 2/1972 cho đến thương binh thời đánh Saravan cuối năm 1972, thậm chí là thương binh đánh Păk soòng đầu năm 1973, tuốt tuồn tuột tất cả đều đang nằm lại ở đây, dù Trạm thương binh này đã thuộc về đường dây 559. Có những anh chúng tôi tưởng đã ra Bắc kịp về quê lấy vợ rồi, thế mà nay lại gặp ở đây. Đầu tiên gặp nhau thì tay bắt mặt mừng, nhưng đến khi hỏi rõ chuyện thì ai cũng nản. Chúng tôi sốt ruột ra Bắc, tưởng đã buồn nản lắm rồi, thế mà bây giờ xem ra, đám thương binh của toàn mặt trận này còn ngao ngán biết bao, nản hơn chúng tôi biết chừng nào. Nghe kể chuyện chúng tôi sắp được ra Bắc, nhiều thằng còn bảo bây giờ chuồn về đơn vị có khi còn được ra Bắc sớm hơn. Hỏi sao nằm đây lâu thế, chúng nó nói Binh trạm bảo thương binh ra Bắc phải chờ ô-tô, nhưng không có xe, còn hành quân bộ cả đống thế này thì không đủ người dẫn đường và y tá đi theo phục vụ. Thế là vết thương đã chữa lành nhưng phải nằm chờ đợi và an dưỡng.

An dưỡng là nhàn cư, chơi mãi cũng chán chứ sung sướng gì đâu. Thời gian là vô biên còn ăn uống cũng vô định. Ngoài những tiêu chuẩn ăn hơn hẳn lính trong đơn vị, lính thương binh còn mò sục khắp rừng. Nghe kể tôi mới biết là dọc theo những cánh rừng Trường Sơn này có rất hiều những kho hàng chiến lược đủ loại: súng đạn, gạo và đủ các loại hàng từ quân trang đến nhu yếu phẩm. Có nhiều khu kho chiến lược được cất giấu xong là đánh dấu vào bản đồ rồi định kỳ kiểm tra chứ không hề có người canh gác, vì các kho có rất nhiều và bố trí phân tán. Lại còn có rất nhiều kho lẻ bị bỏ lại, thậm chí lãng quên do mặt trận chuyển hướng, người ta không đủ sức để tổ chức thu hồi gom lại. Một lúc nào đó chiến sự quay lại thì cấp trên mới chỉ tọa độ cho đơn vị ở đó đến lấy, nếu không thì cũng thành của rừng hoang.

Chính vì thế nên cánh thương binh mò ra được cả kho súng đạn và lương thực cất giấu trong rừng. Không có người canh thì mạnh ai muốn làm gì thì làm, vô chính phủ. Thấy rất nhiều thương binh có súng ngắn, hỏi ra thì chẳng phải là cấp chỉ huy được phát mà là do tìm thấy kho rồi tự trang bị để nghịch chơi. Tôi gặp lại thằng Thắng C5 (nhà ở phố Hàng Trống, bị thương đợt Saravan) bị thương ở mắt, bây giờ nó bắn súng K54 thạo như tôi bắn AK. Chẳng ai quản lý, chẳng ai bảo được ai, chúng nó cứ tự lấy súng đạn đem vào rừng tập bắn chơi vào những gốc cây to nằm sát chân núi. Ngày này qua ngày khác, bắn hết bao nhiêu đạn rồi cũng chán. Chúng nó giữ súng lại chơi dù cái hứng bắn nghịch đã xẹp. Tôi cũng được nó đưa ra suối nhằm bắn chơi xuống nước, nhưng tôi cũng thấy chán ngay vì bắn K54 khá giật, ngắm nghía rất nặng tay, còn bắn vẩy như các diễn viên trên phim chắc phải tập đến mùng thất.

Tôi gặp lạianh Soán B4 (bị thương trong trận lùng sục Lào Ngam bên ngoài bản Phin hồitháng 5/1972), hơn năm nay rồi mà vẫn còn nằm ở đây. Anh ấy bị đạn văng mất mộthàm dưới, bây giờ được chữa lành và ghép tạm một cái hàm giả gì đó để ăn. Nétmặt dăn dúm trông già hẳn đi, nhìn một lúc mới nhận ra. Anh ấy rất khỏe, nhưngnói năng bị ngọng, phải nghe quen mới hiểu được anh ấy nói gì. Anh ấy cứ haynói mãi cái câu " Ngư nghế ngoày nguây ngờ nghì nghéo ngoai nghónghêu", nghe mãi mới luận được là "Như thế này bây giờ thì đ... ai nóyêu". Thật là dở cười dở khóc mà thương anh ấy. Có một cái gì đó chợt thấylành lạnh nơi sống lưng...


Gặp lại rất nhiều đồng đội thương binh. Ngày trước quả thật cũng có lúc tôi đã nghĩ rằng những người bị thương là gặp may, bởi mọi sự đã an bài. Mất một phần cơ thể (thậm chí có nhiều người chỉ bị vết thương chứ chẳng mất phần nào) nhưng cuộc chiến với họ thế là đã kết thúc. Gạt bỏ cái lý tưởng sách vở đi thì phận làm trai thời loạn coi như cũng đã xong nghĩa vụ với đất nước. Trở về quê với tấm bằng thương binh vẫn có thể sống, học tập và lo toan một mái ấm gia đình hạnh phúc cho riêng mình được. Chẳng phải qua bao cuộc chiến tranh, những người thương binh trở về vẫn sống tốt đấy sao. Nhớ lại ngày nào ở quê, chàng trai nào từ chiến trường trở về là thương binh (tất nhiên là loại vừa vừa thôi chứ không phải thương binh nặng) rất đắt giá. Có quyền chọn lựa các cô gái làng xinh xắn nhất làm vợ. Con gái nông thôn cũng rất đơn giản, lấy được tấm chồng thương binh là xong phận gái, không bao giờ còn phải lo chuyện ngày đợi đêm mong, phấp phỏng lo một ngày nào đó mình phải như hòn "vọng phu" góa bụa lúc tuổi còn đang xuân thì.

Bây giờ nhìn các anh em thương binh còn đang vật vờ chưa biết ngày nào được về, thì cái viễn cảnh được cùng cả đơn vị hành quân ra Bắc của chúng tôi lại như có vẻ là thiên đường. Chúng tôi quên ngay đi cái tâm sự thầm kín ích kỷ ganh tỵ với anh em thương binh là mình tuy chưa bị thương, nhưng rất có thể lúc nào đó sẽ ngã xuống và nằm lại nơi chiến trường, chẳng bao giờ còn được mơ ước điều gì nữa ở quê hương.

Nhưng rồi chính chúng tôi cũng cảm thấy mòn mỏi khi cứ ăn chực nằm chờ mãi trong đội hình của cả trung đoàn ở dải rừng Tây Trường Sơn này để đón nhận những trận mưa rừng đã sang chính vụ của Trường Sơn. Tuy so với năm trước không phải đánh nhau và lo cùi cõng trong mưa rừng, nhưng cả ngày ngồi bó gối trên võng nghe mưa rơi ràn rạt trên nóc tăng và nước chảy xối xả dưới đất, nhìn ra đâu cũng thấy màn trời trắng đục và mờ mờ tối thì não ruột vô cùng. Đi lấy cơm cũng ngại mà giải quyết chuyện vệ sinh cũng thật vất vả. Ngủ mãi cũng mệt mỏi. Những lúc đó tôi chỉ còn cách nằm nhìn lên mặt tăng và vơ vẩn ôn lại những kỷ niệm đã qua, nhất là đời học sinh. Rồi còn mơ về những chuyện cổ tích nữa, nhiều lúc đầu óc như kẻ mộng du, tưởng mình đang là chàng hoàng tử ở xứ tít mù nào đó đang tính kế cứu một nàng công chúa.

Mưa mãi rồi cũng có lúc tạnh, đôi khi trời còn hửng nắng. Chúng tôi lại mò đi khắp nơi, chỉ cần tránh chỗ nào có suối thôi vì gặp nước lũ thì có bơi giỏi mấy cũng không thể coi thường được. Chúng tôi lại ra khu trạm thương binh. Thằng Đức (Cầu Giấy) và thằng Dũng "trắng" (làng Kim Liên) đều bị thương ở Saravan cũng còn nằm ở đây. Cả hai thằng đều cho tôi xem vết thương, gần như giống nhau. Mỗi thằng đều bị một mảnh đạn cối cắt đứt dẻ xương sườn và chui vào nằm trong phổi. Bác sĩ không mổ lấy mảnh, bây giờ mảnh đạn vẫn nằm lại trong đó và đã được bọc mỡ. Chúng nó kéo chúng tôi vào rừng tìm kho lương khô. Ở đây chỉ có lương khô 701 của lính, không tìm thấy loại 702 cao cấp của sĩ quan cấp tá. Nhưng lương khô 701 với chúng tôi cũng là quá tuyệt rồi. Nếu như cánh lính vận tải, pháo binh và xe tăng coi lương khô là thứ nhàm chán khô khan, lúc nào cũng có sẵn thì đám bộ binh chúng tôi lại quý vì có thể đếm được từ ngày vào chiến trường mình đã được phát bao nhiêu phong lương khô rồi.

Chúng tôi lấy cắp của kho nhưng cũng có ý thức chứ không đến mức phá hoại. Lấy gọn từng thùng 10 kg đem về đại đội chia nhau, nằm võng ăn lúc trời mưa tầm tã thấy cuộc đời lính lại lên tiên. Lúc trời tạnh đem xuống anh nuôi nấu chè, ăn thấy cũng khá. Thời gian này lương thực coi như thoải mái, chỉ có điều là các thứ thực phẩm khác như thịt hộp hay mì chính thì không tìm thấy. Không kể đến chuyện khắc khoải chờ ngày ra Bắc thì thời gian ngắn ở đây cũng có thể coi là ước mơ của lính về vật chất.

Một ngày đầu tháng 7/1973, C6 chúng tôi được lệnh lên đường. Mệnh lệnh đến nhanh và bất ngờ khiến chúng tôi sung sướng đến ngỡ ngàng. Không còn đủ thời gian để chia tay với anh em ở trạm thương binh đường dây 559, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng họ cũng sẽ lên đường ra Bắc nhanh thôi. Chúng tôi được phổ biến là C đi tiền trạm cho trung đoàn, bởi vì chúng tôi không phụ thuộc vào giao lên và kế hoạch dẫn quân của các binh trạm Trường Sơn. Chỉ có một tổ trinh sát của D đi cùng chúng tôi. Lúc ấy tôi nghĩ chắc các C sau cũng sẽ lên đường chỉ sau chúng tôi một ngày.

Hành quân đi theo đường rừng vào mùa mưa có phần vất vả. Sau ba ngày, chắc là chỉ đi được độ vài ba chục cây số, nhưng tôi có cảm tưởng là chúng tôi đã đi được rất nhiều, thì chúng tôi được dừng chân tại một bãi khách của binh trạm Trường Sơn. Vẫn là cảnh rừng già, nhưng không khí thanh bình vì chuyện nấu nướng củi lửa không thấy phổ biến khắt khe như năm trước đi vào. Chúng tôi được nghỉ lại một ngày tắm giặt, âu đó cũng là chuyện thường tình.

Nhưng hình như chuyện bất thường đã xảy ra, bởi vì sang ngày thứ hai, rồi thứ ba, chúng tôi vẫn được nghỉ lại, không thấy có lệnh hành quân tiếp. Rồi đến khi có lệnh thì đó lại là lệnh dừng lại không đi tiếp nữa. Thế là cái quái gì nhỉ. Cả quan lẫn lính nhìn nhau thăm dò, suy đoán rồi cùng ngờ ngợ về một điều không hay gì đó đang xảy ra. Không biết trung đoàn đã lên đường hành quân chưa và mệnh lệnh cho chúng tôi tiếp theo sẽ là gì. Tất cả đều không có gì rõ ràng và cụ thế, ngoài chuyện: "Dừng lại và chờ".

Lại chờ, ôi ngao ngán quá, cầu mong đừng có chuyện gì không hay xảy ra. Dừng chân và nghỉ ngơi, thế là lính tráng lại lần mò trong rừng. Có một chuyện xảy ra ở đây không thể không kể, vì nó còn ám ảnh trong suy nghĩ của tôi nhiều năm sau về một cuộc chiến tranh giải phóng cùng số phận con người.

Gần cái binh trạm mà chúng tôi tạm dừng chân là nơi đóng quân của một đại đội thanh niên xung phong, toàn nữ. Nói chính xác hơn thì BCH là nam, nhưng đó không phải là điều chúng tôi quan tâm. Chỉ dừng chân ở trạm khách có vài ngày là những thằng lính quen sục xạo như chúng tôi đã tìm ra nơi đóng quân của họ. Thật không thể tả hết nỗi vui mừng khi gặp nhau. Hỏi tìm đồng hương rối rít, vồ vập cứ như là quen nhau từ lâu lắm rồi. Tôi đã biết các nữ TNXP cực kỳ bạo dạn từ ngày còn đang trên đường hành quân vào chiến trường. Lúc ấy tôi vừa ngượng vừa sợ nên tránh là chủ yếu, còn bây giờ dù sao tôi cũng đã vào chiến trường tới năm rưỡi trời. Cũng là đồng đội, lại khác giới, khác đơn vị thì cũng có nhiều chuyện để mà bốc phét.

Đại đội TNXP này có khoảng bốn chục chiến sĩ nữ. Họ đều còn trẻ măng, nhưng thực tình mà nói, tôi phải gọi họ là chị mới đúng vì khi đó tôi còn thiếu nửa năm trời nữa mới đủ 20 tuổi. Một điểm đặc biệt là nữ TNXP ở đây đều là người thuộc các tỉnh khu Ba, trong đó Nam Hà và Vĩnh Phú là đông nhất. Các cô ấy (tạm gọi thế vậy) đều đã vào chiến trường ít nhất cũng 3 năm. Họ hăng hái lên đường nhập TNXP từ khi còn 17, 18 tuổi thì nay ít nhất cũng đã 20 tuổi, hơn tuổi tôi là cái chắc. Thế nhưng gian khổ Trường Sơn chỉ làm họ cứng rắn lên chứ không mấy già đi trong con mắt chúng tôi. Có khi chính chúng tôi còn trông già hơn ấy chứ vì thằng nào cũng vừa gầy vừa đen, chỉ được cái tán chuyện thì không ai bằng.

Giao lưu với TNXP nữ thì vui lắm, vì dù sao chúng tôi cũng đã lâu không gặp con gái Việt. Chuyện hay còn do cả nội dung, những câu chuyện về quê hương, về những kỷ niệm của mỗi người nữa chứ. Các đồng đội nữ TNXP rất mến khách, có thứ gì đem ra đãi khách được là mời luôn. Cứ như là bạn cũ lâu ngày gặp nhau ấy. Thế mà trái lại mấy bố trong BCH đơn vị TNXP thì lại lầm lỳ, gườm gườm nhìn chúng tôi như kẻ thù. Chuyện vặt, sợ quái gì. Chắc là vì cái bản tính tham lam ích kỷ của đàn ông mà ra cái nông nỗi này thôi, chứ chúng tôi, lính Trường Sơn với TNXP thì là người nhà, tình lúc nào chả mặn nồng. Chắc các bố trong BCH sợ vì "đống rơm" của các bố ấy đang phơi đến độ cực nỏ mà thấy "lửa" như đuốc sống của lính mò đến chăm chăm châm ngòi thì lo ngại là phải thôi. Không chấp.

Nhưng chuyện đáng nói là đến ngày làm quen thứ hai thì rất nhiều cô không ngần ngại mà nói luôn nguyện vọng là muốn có thai, chả cần phải đồng hương đồng khói chi sất. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên. Đơn giản và dễ dàng như vậy sao? Làm cái chuyện ấy ít ra cũng phải có tình cảm, phải thề non hẹn biển xây dựng tương lai gì gì nữa ấy chứ. Thế mà sao nói với nhau điều hệ trọng như thế mà cứ tỉnh như không thì có điều gì không ổn. Từ chỗ háo hức ngắm nghía các cô, bọn lính chúng tôi đâm e ngại. Sau gạn hỏi sự tình thì thấy thật đau lòng. Các cô chả ngần ngại kể cho chúng tôi tất cả mọi chuyện. Các cô hăng hái xung phong lên đường, tưởng rằng tham gia vào cái nhiệm vụ vinh quang của lực lượng TNXP là "Xẻ dọc Trường Sơn mở đường cứu nước" nếu có cùng quá thì cũng chỉ 3 năm thôi rồi được trở về nhà. Gian khổ và hy sinh, các cô không ngại và đã làm tốt nhiệm vụ đấy chứ, nhưng cũng đã đến lúc phải mong được về quê để còn lấy chồng và chăm sóc cha mẹ nữa cơ mà. Thế mà qua 3 năm rồi, thậm chí có cô đã 4 năm mà chưa thấy cấp trên nói gì đến chuyện xuất ngũ cho mình. Nhiệm vụ vẫn cứ là phía trước, mòn mỏi qua tháng ngày. Cái lý tưởng dù cao đẹp đến đâu mà không được vun đắp và giải quyết một cách hợp lý thì lòng người cũng có lúc phải nản. Các cô chỉ là nữ nhi chứ đâu phải cao siêu cốt cán gì cho cam. Ai cũng muốn về nhà, nhưng đặc điểm của phái nữ trong chiến trường là không có gan đào ngũ như lính tráng chúng tôi. Thế là các cô vẫn phải sống và làm việc giữa núi rừng trong trạng thái "tư tưởng không thông, đến bình tông đeo cũng nặng". Mà dù có chây ì, xin chịu kỷ luật đi nữa thì các cô cũng vẫn không được giải quyết về nhà.

Vậy mà trong hoàn cảnh gieo neo ấy lại có một con đường, một lối thoát cho các cô trở về. Đó là ai có thai (chẳng cần biết từ đâu mà có) thì sẽ "được" đơn vị kỷ luật rồi trả ra Bắc. Thế là phù hợp với mong muốn của nhiều cô rồi. Đành chịu vứt bỏ công lao 3 năm chiến trường để kiếm một cái thai làm giấy thông hành ra Bắc, bất chấp khi về đến nhà lý giải về cái thai và gánh chịu búa rìu dư luận rất nặng nề khi đó để nuôi con. Nhưng ai ký cho các cô cái "giấy thông hành ra Bắc" ấy? Các bố trong BCH thì không dám rồi. Thế là đành trông chờ vào cánh lính lái xe hoặc các đơn vị công tác lẻ đi qua. Đã có một số cô đạt nguyện vọng và lên đường về quê rồi, số còn lại (không phải là tất cả) thì còn phải chờ. Vì thế mà lũ chúng tôi khi đó tưởng như sa vào chĩnh gạo.

Nhưng sự đời lại không thể đơn giản, vì lính tráng chúng tôi dù sao cũng là con người. Thật là quặn lòng rơi nước mắt trước tình cảnh của những đồng đội đa phần đáng tuổi chị mình ấy, nhưng không phải chúng tôi đã dễ dàng chiều các chị. Thực tình mà nói, khi hiểu hoàn cảnh và nghe giãi bày riêng lẻ ước muốn của các cô thì cái phần "người" trong tôi lại sực tỉnh. Tôi thấy chuyện này trở nên hệ trọng và nghiêm túc. Ở hậu phương tôi chưa có người yêu, nhưng bây giờ dù có muốn yêu một "chị" mà hẹn hò thì cũng phải vạch kế hoạch đàng hoàng cho tương lai chứ ai lại đi làm cái chuyện "cóc nhái" ấy. Không yêu mà "ban ơn" cho các cô thì thật không thể. Sau này nếu còn sống trở về sau chiến tranh, liệu mình có thể không bao giờ nghĩ rằng là trên đời này còn có một giọt máu của mình lưu lạc ở đâu đó mà không tìm kiếm không?

Trong một chiều mùa mưa Trường Sơn, trên một phiến đá ven suối, tôi đã ngồi cầm tay một đồng đội TNXP, nghe những lời thủ thỉ chân tình và tha thiết của cô ấy mà lòng quặn đau, không nói được nhiều nhưng nước mắt thì nhiều vô kể, chỉ có điều nó chảy vào trong. Giá như có nhiều thời gian hơn..., giá như biết được chiến tranh sẽ kết thúc và mình sẽ trở về... thì biết đâu nơi đây chẳng nảy nở một cuộc tình và tôi sẽ vun đắp cho nó thật đẹp và có tương lai... Nhưng lúc này tất cả chỉ sầm sì một màu xám xịt của rừng chiều mưa. Tôi không nghe theo ý cô ấy, nhưng cũng không biết làm cách nào để gúp cô ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết rằng trên đời này có những quy định thật bất công và nghiệt ngã, còn phận người thì quá mong manh.

Rồi chúng tôi cũng phải chia tay nhau trong buồn bã. Chia tay mà không hẹn hò, không mong chờ tin tức gì về nhau nữa.

Từ hôm sau tôikhông trở lại đơn vị TNXP ấy để giao lưu cùng các cô như mong ước của ngày đầugặp mặt. Tôi đã rất buồn và nghĩ mãi về câu chuyện đau lòng này, nhưng tôi nghĩmình đã hành động đúng. 


Sau ít ngày thấp thỏm chờ đợi ở cái binh trạm Trường Sơn ấy, chúng tôi cũng nhận được lệnh hành quân tiếp, nhưng hướng đi không phải ra phía Bắc, mà là quay lại Saravan. Cả bọn nhìn nhau ngơ ngác. Ban chỉ huy chắc cũng thế, nhưng các anh ấy không dám biểu lộ thái độ mà chỉ gọn ghẽ phát lệnh hành quân.

Cả đại đội lại nhổ trại lên đường. Ít ngày trước hăm hở và càng đi càng thấy dẻo chân bao nhiêu, thì nay lòng âm thầm trĩu nặng và buồn bã bấy nhiêu. Cơn mưa rừng đổ xuống trên chặng đường hành quân như người bạn cảm thông và chia sẻ cùng nỗi buồn và tâm trạng đầy lo âu thắc mắc của chúng tôi.

Cả trung đoàn đã hành quân đi rồi nên chúng tôi không phải quay lại đúng theo lộ trình khi trước lúc đi ra. Cứ nhằm hướng cắt đường mà đi thôi. Cả đại đội lầm lũi nhằm thẳng hướng thị xã Saravan. Sau khi vượt qua sông Sê Đôn, chúng tôi đi theo đường 23 về hướng Tha Teng. Tha Teng cũng là một cái thị trấn nhỏ như Ngã Ba Lào Ngam, nằm giữa khoảng cách từ Saravan về Păk Soong. Vùng này sau chiến sự năm 1970 thì đến nay dân Lào đã trở lại các bản cũ của họ. Các bản ven đường đều là nhà sàn gỗ xẻ nhưng nhỏ hơn so với trên Cao nguyên. Một loạt bản mà không có nơi nào đủ hai chục nóc nhà. K15 đã dừng chân tại ngã ba bản Bèng và đi sâu vào rừng tìm chỗ đóng quân. Bản này có vẻ đông vui như bản Sen Vàng trong cao nguyên. Còn lại hai cái bản nữa nằm ven đường thuộc loại khá lớn là Ca Đáp và La Vang chỉ có đúng 12 nóc nhà. Trong bản toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, tuyệt không có bóng thanh niên. Từ đây, Trung đoàn bộ và các đơn vị còn lại đi sâu vào rừng phía Tây và chia ra bố trí trên một vùng rộng lớn, dựa lưng vào nhiều dãy núi đất và rừng già. Phía ngoài đường này, xung quanh các bản dân có rất nhiều nương rẫy nằm thoai thoải và rộng lớn, nhìn ngút tầm mắt.

Dọc con đường chúng tôi đi, bạt ngàn hai bên đường, giữa các bản dân là những vườn chuối tây mọc như rừng. Ngoài đường đi, đất đỏ lúc nắng thì bụi mù, lúc mưa thì lầy lội nên cứ nghỉ giải lao là lính tạt vào vườn chuối chặt lá rải ngồi cho sạch. Đi sâu một chút vào vườn thì nơi đâu cũng có chuối chín. Chuối chín cây cũng có mà chuối già chặt đổ xuống đất rồi lợn rừng sục ăn dang dở thì cũng vô số.

Tôi đã kể là ở Nam Lào trên cao nguyên và nhiều vùng đất khác nữa, người Lào trồng rất nhiều chuối tây. Trồng nhiều như rừng và có lẽ vì chiến tranh nên họ không thể thu hoạch đem bán đi đâu. Họ ăn không hết nên cho ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Cũng vì phải để vườn chuối tiếp tục phát triển nên họ quy ước với nhau là ai có việc đi vào vườn chuối nếu thấy cây có buồng già hoặc chín thì phải đặt đổ cây đó xuống để gốc mau ải, lấy chỗ cho mầm chuối mới đẻ phát triển. Còn buồng chuối ấy nếu ai thích thì lấy đem về, không thì cứ bỏ mặc đó cho lợn nhà, lợn rừng vào ăn cũng được. Thiên nhiên và điều kiện thuận lợi vùng này đã ưu đãi những người dân Lào như vậy đó.

Hành quân tới đây rẽ vào vườn chuối, chúng tôi hăm hở tìm chuối, ăn xong thằng nào cũng xách theo một nải, nhưng đi cả chặng dài chỗ nào cũng ê chề chuối thì lại chán ngay, không buồn lấy nữa.

Qua bản Ca Đáp, chúng tôi rẽ vào nghỉ chân, nhưng Già bản (Phò bản) không cho vào mà bắt nghỉ bên ngoài. Chỉ cử người vào xin nước thì được. Hơi lạ vì người Lào vốn mộc mạc và mến khách lắm cơ mà. Mãi sau cán bộ đại đội hỏi chuyện (rồi chắp ghép thêm thông tin nghe kể sau này nữa) chúng tôi biết dân họ không muốn cho bộ đội Việt nghỉ trong bản cũng phải.

Chuyện là cách đây vài ngày, một đơn vị của K16 khi hành quân qua đây đã rẽ vào bản nghỉ chân. Dưới sàn nhà ở đây sạch như sân đất ở nông thôn ngoài Bắc vì dân họ không chăn nuôi trâu bò trong bản, nên lính tráng hạ ba-lô ngồi nghỉ dưới sàn. Đám trẻ con chắc cũng đã quen với cảnh bộ đội Việt như thế này nên sà vào chơi. Trong lúc những thằng vào trước hạ ba-lô nghỉ ngơi và xoa đầu trẻ nhỏ thì các lính đi sau lục tục kéo tới. Thằng K. (cũng lính đoàn Hà Nội chúng tôi) nghiêng người, mệt nhọc tụt ba-lô xuống. Không ngờ cái góc ba-lô của nó móc luôn vào cái "khong" của chốt quả lựu đạn mỏ vịt và cứ thế từ từ kéo tuột cái chốt an toàn theo đà hạ của ba-lô. Mọi việc diễn ra lúc ấy có lẽ thằng K. khi về thế giới bên kia mới hiểu là chuyện gì. Quả lựu đạn phát nổ ngay trên xanh-tuya của thằng K. làm nó chết ngay. Ngoài ra thêm một lính và hai đứa trẻ Lào cũng bị thương. Một ông già ngồi trên sàn nhà thẳng hướng với chỗ thằng K. đứng cũng bị mảnh văng lên làm gãy chân. Thế là tất cả đơn vị tán loạn và è cổ ra mà giải quyết hậu quả. Sau vụ này, trung đoàn phổ biến rút kinh nghiệm xuống khắp các đại đội và lệnh cấm lính đeo móc lựu đạn mỏ vịt trên dây lưng khi hành quân. Phải bỏ lựu đạn vào trong túi cóc ba-lô hay bỏ trong túi con trên dây lưng. Còn lúc đánh nhau thì thoải mái. Về sau này đánh nhau với tụi lính VNCH, thấy chúng nó cài lựu đạn ở dây đeo chéo trước ngực, thấy có lý.

Tiểu đoàn K18 đóng quân ngay phần cuối nương từ bản La Vang đi vào chừng hai cây số. Đi sâu thêm nữa độ một cây là một bản có tên Tùm Nho. Bản này toàn nhà sàn nhỏ làm bằng cột gỗ và tre nứa, không phải gỗ xẻ, cũng chỉ chưa đến chục nóc nhà. Trông dân ăn mặc nhếch nhác như đồng bào trên các bản cao tít dọc đường Trường Sơn. Từ vị trí đóng quân của D bộ, các đại đội rẽ ra các nhánh đi sâu hơn vào rừng. C6 chúng tôi phải đi sâu thêm 4 cây số nữa tính từ bản Tùm Nho. Đường đi vào là cắt rừng và được cắm chỗ theo tọa độ. Chiều tối của ngày đầu tiên hành quân tới nơi, chúng tôi tổ chức nấu cơm ăn theo từng trung đội tại vạt rừng đồi mà sau này sẽ làm nhà. Đêm mưa phải mắc tăng võng để ngủ.

Hôm ấy là ngày 27/7/1973, đúng ngày thương binh tử sĩ.

Điểm lại toàn đại đội tôi còn non bốn chục người. Mỗi Trung đội có 7 người, riêng B6 chủ công có 8. Số còn lại thuộc về A cối 60, quản lý, anh nuôi, y tá và BCH đại đội.

Lúc này tuy không có ai nói đến chuyện chiến sự, nhưng kết quả của việc hòa hợp các phái của Lào ra sao thì chúng tôi chưa biết. Chỉ biết vùng Păk sế vẫn là quân ngụy Lào và Thái Lan chiếm giữ. Chúng tôi hiểu lờ mờ là lúc này Thượng Lào thuộc quân ta. Trung Lào có căn cứ của Vàng Pao và tỉnh Chăm Pa xắc ở cực Nam của Lào thuộc phái Phu mi. Xem ra quân số của địch cũng ít vì dân số Lào lúc này chỉ có 3 triệu người thôi. Phải hành quân trở lại, chúng tôi đoán hay là phải đánh nhau tiếp và giải phóng xong nốt cái tỉnh Chăm Pa Xắc ấy thì chiến tranh ở Lào mới coi như xong?

Tham mưu con như chúng tôi trong đơn vị rất nhiều. Nhiều thằng còn lập luận rất văn vẻ khi đưa ra ý kiến để phán, nhưng nói chung thường là sai toét. Bởi vì có rất nhiều chuyện phải bí mật, không phải cái gì cũng được cấp trên phổ biến hết

Hôm sau đại đội họp giao ban, phát lệnh cho toàn C làm hậu cứ kiên cố để ở lâu dài. Chúng tôi sẽ không được ra Bắc nữa mà phải đóng quân lại tại chỗ để làm nhiệm vụ, còn chính xác là nhiệm vụ gì thì chưa biết. Đến cán bộ cấp C cũng chỉ biết là còn phải tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ cách mạng Lào, thế thôi.

Vị trí đóng quân của C6 nằm trong rừng già, ven một con suối đá nước trong và chảy rất mạnh. Bây giờ đang là mùa mưa. Trung đội 5 của chúng tôi nằm sâu nhất, áp sát suối. Bên kia suối là bạt ngàn rừng tre và nứa. Cả B chúng tôi được làm một nhà nửa nổi và vẫn phải đào một cái hầm chữ A to cho đủ lệ. Trong rừng này toàn cây gốc rất to nên chúng tôi quyết định dựng nhà toàn bộ bằng tre nứa. Cột kèo thì đương nhiên là tre rồi. Phần thưng xung quanh nhà, chúng tôi đan nứa thành phên để che. Riêng cái đoạn làm mái nhà thì lần đầu tiên tôi được biết đến mái ống. Không phải mái nứa mà là mái vầu. Cứ rọc cây vầu làm đôi, róc mắt rồi xếp đan úp ngửa chéo sát nhau cho kín mái nhà rồi neo giữ chặt là xong. Trông mái nhà rất gọn và đẹp, thẳng tăm tắp. Đúng là của rừng có khác, tha hồ dùng. Trong thời gian ở đây chúng tôi còn dùng tre nứa làm nhiều đồ dùng thông thường như rổ rá, ken thùng đựng nước ăn, rồi các loại bàn ghế, giá súng, thậm chí cả đường đi... Tiện nghi sinh hoạt đầy đủ và tiện lợi rất nhiều.

Sau một tuần làm xong nhà, trung đội tôi tổ chức liên hoan khánh thành. Bao nhiêu đường còn lại được góp tập trung để nấu kẹo. Cà phê bột tự làm cũng được đem ra dùng nốt vì loại này để lâu trong điều kiện mùa mưa cũng mau hỏng. Đặc biệt còn có hai bao thuốc "A Lào" của tôi. Chả là dạo ở bản Ka pơ, tôi đổi được hai bao thuốc và cất kín trong ba-lô khi biết tin được ra Bắc. Tôi mơ có ngày nào đó về hậu phương, được ngồi trong một quán nước (như Quán Gió hay Bốn Mùa chẳng hạn), gọi một tách cà phê rồi chậm rãi bóc bao thuốc đầu lọc (của này ngoài Bắc còn chưa có) lấy một điếu ra châm lửa hút rồi nhả khói lên trời, làm thơm ngát cả một góc quán trước nhiều cặp mắt ngưỡng mộ của bọn thanh niên. Ôi, một ước mơ vừa nhỏ bé, vừa ích kỷ làm sao. Bây giờ không được ra Bắc nữa nên tôi đem ra cho trung đội cùng liên hoan. Thế mà cũng vui vẻ được hai tối, lại còn mời thêm được cả mấy anh quản lý, y tá và anh nuôi.

Hơn nửa tháng trời chúng tôi chỉ quanh quẩn từ chỗ trú quân ra đám rừng xung quanh để kiếm vật liệu làm nhà. Tất nhiên vẫn phải có người ra tiểu đoàn lấy gạo. Buổi tối chỉ phổ biến kế hoạch làm việc tiếp chứ chưa phải họp hành và sinh hoạt chính trị. Sau khi làm xong nhà, chúng tôi tiếp tục tham gia làm hội trường, làm đường đi, phát quang lấy một cái sân chung. Nhà của đại đội và nhóm quản lý anh nuôi, nhà bếp... cũng được làm đồng thời, do các B cử người hỗ trợ.

Khu doanh trại làm xong, đẹp tuyệt vời, chẳng hề kém doanh trại hồi còn huấn luyện ở Bãi Nai, Hòa Bình. Có khi còn đẹp hơn, vì cảnh rừng thì ở ngoài Hòa Bình không thể sánh bằng.

Lúc này chúng tôi xác định nhiệm vụ huấn luyện là chính. Nghe nói sẽ được bổ sung thêm quân. Như vậy chuyện trung đoàn chúng tôi được ra Bắc để an dưỡng và củng cố sẽ thay bằng an dưỡng và củng cố tại chỗ. Lúc đầu quả thật chúng tôi có buồn, nhưng về sau xét lại, ngoài chuyện không có đồng bào Việt để giao lưu, còn về các khoản khác cả vật chất và tinh thần chắc còn tốt hơn ở Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Đơn giản là vì chúng tôi đang là chủ của những cánh rừng bạt ngàn có nhiều muông thú.

Nhưng không phải là không có niềm vui tinh thần. Toàn trung đoàn chúng tôi tổ chức bình công (chậm sau chiến sự tới nửa năm trời). Sau đó cả E có một đoàn được ra ngoài Bắc dự hội nghị chiến sĩ thi đua, kết hợp nghỉ phép (sướng thế!). Lính Hà Nội chúng tôi cũng có thằng Thắng (K16) được tham gia. Ngoài ra trong C nào cũng có mấy anh được đi phép, chủ yếu là các anh nhập ngũ từ năm 1965, 1967. Nói thực là số này còn lại cực ít, chủ yếu là anh nuôi, y tá và cán bộ từ B trở lên. Lại tíu tít chia tay và hùng hục viết cả một nắm thư gửi về nhà nhờ các anh ấy mang ra.

Đơn vị vắngđi gần chục người mà thấy thưa hẳn. Sẽ là hơn một tháng trời chờ đợi các anh ấy vào để biết tin nhà, nếu gia đình chưa kịp gửi thư. Đến lúc này, bọn lính HàNội chúng tôi cũng chưa ai biết tin ngoài Hà Nội qua thư gia đình. 


Đóng quân ở một vị trí mới thì nhiệm vụ trước tiên bao giờ cũng là lùng sục, chúng tôi đã quen với nếp này rồi.

Cái dẻo đất chỗ đại đội tôi đóng quân thật ra không phải là rộng lắm. Đi xa sang hai bên chỗ nào cũng có khe suối và rừng rậm chen kín. Cây gỗ mọc dày tới mức muốn lùng sục đi qua cũng phải mò mẫm phát các cây con lấy đường. tầm nhìn xa chưa đến chục mét. Đấy là chưa kể còn có dây leo chằng chịt. Rừng rậm, lại mùa mưa nên không khí rất ẩm thấp, vắt nhiều vô kể. Vùng này ngoài vắt nâu như trong các rừng nứa, còn có cả vắt xanh. Bọn vắt xanh không bò dưới đất mà bám trên lá cây. Đi đứng thế nào thì đầu và mặt cũng phải quệt vào lá. Những con vắt xanh màu lẫn vào lá như phục kích sẵn tha hồ thả người rơi vào cổ vào vai chúng tôi. Bọn này bò rất êm, nhưng cắn thì cực đau. Nhiều khi rùng hết cả mình, chỉ mong chạy ra được một khoảng trống nào đó cởi phanh cổ áo rồi giúp nhau vừa phủi vừa bứt chúng ra.

Để chống vắt, chúng tôi phát quang khá rộng quanh mỗi lán, hội trường và đường đi giữa các trung đội và bếp ăn. Con đường xuống suối và một con đường đi ra khỏi đơn vị để lên tiểu đoàn cũng vậy. Đường dốc trong khu vực đại đội còn được chúng tôi chặt gỗ lát hoặc đan phên tre đi cho khỏi bẩn chân.

Qua khỏi con suối đá phía sau B5 chúng tôi là rừng tre nứa. Đi xa thêm vài trăm mét thì ra một cánh rừng thưa hơn, cũng sát suối. Hôm đầu tiên lùng sục đến đây, từ xa chúng tôi đã nghe thấy cây rung rào rào. Vùng rừng rậm này không có voi, với lại voi đi thì rung đất chứ không rào rào trên cành cây như thế. Thoạt đầu, tôi đã liên tưởng đến trăn, nhất là những con trăn gió, trăn mốc dài hàng chục mét, nặng vài chục cân mà khi còn ở nhà tôi đã đọc trong truyện. Trăn chỉ di chuyển kém khi ở ngoài bãi đất trống, còn trong rừng, nó quăng mình qua các cành cây vèo vèo như gió. Tôi đã từng đọc về chuyện trăn mò đến nuốt người nằm trên võng, hay quấn người rồi vặn cho gãy hết xương. Con trăn chỉ có mỗi điểm yếu là cái khấu đuôi. Nếu chặt được vào đó hoặc nghiến răng ngoạm đứt (điều này khó hình dung) cái chót đuôi thì con trăn mới chịu bỏ mồi. Nghĩ thế là rợn hết cả người, súng bật chốt an toàn sẵn sàng nhả đạn, chúng tôi lò dò mãi mà chả thấy gì. Hôm ấy có lẽ đi chỉ độ non cây số đã phải chuồn về.

Tối về kể chuyện, A trưởng Thanh bảo, mày có ngửi thấy mùi gì không? Mùi tanh chẳng hạn. Nhớ lại, bảo không có chuyện đó, thế là anh ấy cười. Hôm sau anh Thanh xung phong đi lùng sục lại đúng hướng ấy. Anh ấy đi đầu, nhẹ nhàng và chú ý nghe ngóng. Đến một lúc nào đó thấy cây lá rào rào và tiếng kêu chí choét ngay trên đầu. Giật mình ngẩng lên thì chao ôi, cơ man nào là khỉ. Đàn khỉ đến vài chục con chuyền cành chạy trốn rào rào. Ngây người ra chỉ vài phút thì lũ khỉ chuồn mất tăm. Hóa ra khu vực này là một rừng cây có thứ quả hay hoa lá nào đó mà khỉ thích ăn. Chúng tôi ngồi nghỉ lại một lát rồi đi tiếp. Bây giờ thì yên tâm rồi vì bọn khỉ không nguy hiểm. Chúng không tấn công người. Chúng tôi đi tiếp, ngó nghé tiếp, cố mong tìm thấy một thứ quả gì người ăn được thì tuyệt, nhưng không có. Đến anh Thanh là người dân tộc mà cũng chẳng biết cái thứ mà lũ khỉ tìm ăn ở đây là quả gì.

Lính tất nhiên là phàm ăn, nhưng ở tại khu rừng đóng quân này, chúng tôi đã phạm phải một sai lầm, đó là săn bắn khỉ. Trong cao nguyên, năm ngoái B5 chúng tôi cũng đã bắn khỉ, nhưng đó chỉ là bất chợt. Ở đây các anh trong C tôi đã quyết định bắn khỉ để cải thiện. Lúc đầu bọn khỉ dát lắm, chúng tôi chưa đến gần chúng đã rào rào chuyền cành chạy trốn. Về sau chúng bạo dạn hơn, chạy trốn từ từ và thậm chí còn có con gan lì ngồi lại trên cây kéo cành lá che để nhìn chúng tôi. Khi hai bên đã dạn dĩ với nhau rồi thì đơn vị tôi mới bắn. Khỉ ở đây lông màu xám và nhỏ con chứ không to như con khỉ vàng trên cao nguyên. Cả đơn vị mấy chục người có một con thì chả ăn thua gì, nên mọi bộ phận của con khỉ đều chế biến hết. Hôm đầu tiên chưa có cảm giác gì, chỉ thấy thịt nó hơi gây gây, ngang ngang.

Mấy hôm sau đơn vị tôi lại bắn khỉ. Lần này khó hơn vì lũ khỉ đã nghi ngờ những láng giềng mới, nhưng chúng tôi vẫn bắn được. Khi xuống bếp xem anh nuôi làm thịt, tôi thấy có một cái gì đó ghê ghê, vì khi con khỉ bị cạo lông thì nhiều bộ phận của nó giống người.

Đến lần thứ ba bắn khỉ thì thật là não lòng. Anh Hành B4 không hiểu chọn mục tiêu thế nào lại bắn trúng một con khỉ mẹ đang nuôi con. Nó trúng đạn mà còn một tay ôm con, một tay cố bíu mãi vào cái cành cây, rất lâu rồi mới chịu rơi do đuối sức. Con khỉ con chỉ bé như con mèo rơi theo rồi cứ chót chét kêu cạnh khỉ mẹ mà không thể chạy đi đâu. Hôm ấy tôi theo anh Hành, phải chứng kiến cảnh ấy, thấy não lòng thế nào ấy. Nói dại chứ lúc ấy tôi nghĩ là chúng tôi đã bắn người chứ không phải bắn khỉ.

Con khỉ con được đem về cứ bám mãi theo xác mẹ, không trói mà nó cũng chả chạy đi đâu. Hôm ấy tôi thấy ghê ghê, không dám đụng đến món thịt khỉ. Cứ nghĩ cảnh khỉ mẹ bị đạn rớt mà vẫn níu con thì tôi cứ thấy không yên lòng thế nào ấy. Hình như con người tôi không hợp với cảnh bắn giết, dù đó là gì. (Nếu như ai đó nói rằng có hội chứng chiến tranh thì chắc tôi cũng là người mắc phải vì về sau và cho đến bây giờ, tôi vẫn không dám cắt tiết gà).

Con khỉ con bé quá, chúng tôi không nuôi được vì nó chẳng chịu ăn. Hôm sau tôi phải đem nó ra chỗ bắn khỉ hôm trước. Chẳng thấy bóng dáng đàn khỉ đâu cả. Chúng đã coi những thằng lính chúng tôi là kẻ thù nguy hiểm mất rồi. Tôi đi sâu tiếp vào rừng nhưng cũng không tìm thấy khỉ. Nghĩ mãi, tôi quyết định cứ đặt con khỉ dưới gốc cây, hy vọng biết đâu lũ khỉ quay lại gặp sẽ cứu con khỉ con vì tính bầy đàn. Chỉ lo là không phải con mình thì con khỉ khác có nuôi nó không. Nhưng như thế này may ra con khỉ con còn cơ hội sống, chứ ở với chúng tôi chắc vài hôm nó cũng chết mất.

Tôi đã đem chuyện này nói với anh Mỵ chính trị viên. Tôi kể mà giọng giống như đang lên án tội ác của chúng tôi. Anh Mỵ cũng là người dân tộc (may thế), đánh giặc thì hăng, nhưng tính tình thì dáng vẻ như con gái. Anh ấy cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi. Thế là từ hôm sau đại đội ra lệnh không được bắn khỉ nữa. Nếu nâng lên quan điểm thì đám khỉ cũng cùng tổ tiên với loài người chúng ta cơ mà. Còn thú trong rừng thì thiếu gì mà sợ không có cái ăn. Bắn con gì có nguồn gốc xa xa với loài người ấy cho nó đỡ ghê.

Nói thêm về chuyện khỉ. Sau hai hôm tôi có mò ra chỗ đã thả con khỉ. Không thấy nó, kể cả xác cũng vậy. Tôi tin và hy vọng con khỉ ấy đã được cứu sống nhờ lòng nhân ái của bầy đàn. Sau này, khi chúng tôi ở đó khá lâu và không săn bắn khỉ, không có tiếng súng nên dần dà đàn khỉ đã quay lại khu rừng. Chắc không phải chúng quên tội chúng tôi, mà là vì cánh rừng đó có thứ quả mà chúng ăn được nên chúng phải tìm đến. Hơn nữa chúng vốn là chủ nhân của khu rừng này trước chúng tôi, thì chúng cũng cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước cánh lính không mời mà đến là chúng tôi chứ. Một đôi lần khi ra suối đá tắm lúc trưa nắng, nhiều lần tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng những con khỉ. Chúng dè dặt hơn trước nhiều. Tôi cố nhìn nhưng không thấy (hay không thể nhận ra) có con khỉ con dạo trước trong đó không. Tôi cứ vơ vẩn nghĩ lũ khỉ đã tha thứ cho chúng tôi, nhưng chúng vẫn phải cảnh giác. Thế cũng phải thôi.

Có lẽ tất cả những người đã từng sống những năm tháng gắn bó với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đều phải công nhận rằng, trừ những khi đạn bom ác liệt, còn thì đó là nguồn tài nguyên sống vô tận và rất phong phú nuôi sống con người. Dưới một góc độ nào đó thì có khi còn sung túc nữa là khác. Chúng tôi có cái may mắn hơn rất nhiều đơn vị khác là chiến đấu ở dải đất Tây Nam Trường Sơn nên mức độ ác liệt có phần ít hơn. Khi dừng tác chiến thì cuộc sống cũng thật dư dả, tất cả đều là của rừng.

Mùa đốt nương phá rẫy đã qua nên những chuyện phục kích ngoài nương chờ bắn những con nai ban đêm mò ra ăn tro tranh lấy muối không còn nữa. Thời kỳ này chúng tôi vẫn săn bắn được nhiều hoẵng. Tôi chưa thấy hươu rừng, nhưng giống hoẵng có họ với nai thì ở đây rất nhiều. Con to chỉ độ cỡ ba bốn chục cân là cùng. Trung đoàn cho các đơn vị được phép săn bắn để cải thiện. Chúng tôi đi xa hơn vào rừng và nhiều lần bắn được hoẵng. Có lần các anh người dân tộc hứng chí đi bắn đêm bằng đèn. Bắn đêm khá vất vả, có lẽ thích thú chỉ ở cái cảm giác lúc con hoẵng bắt đèn của người săn mà ngơ ngác rồi đứng im chịu đạn mà thôi. Tôi thích đi cùng các anh ban ngày hơn, vì đỡ hẳn cái khoản rắn rết. Ban ngày dù sao mình cũng ít nhiều nhìn thấy để mà tránh.

Thời gian này chúng tôi huấn luyện là chính nên chuyện cải thiện cái ăn rất phong phú. Chính thời gian này được ăn thịt thú rừng rất nhiều. Cứ tổ chức đi săn là có thịt ăn. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, đấy là những tai nạn khôn lường.

Một lần chúng tôi đi lấy gạo ngoài vùng bản Ca Đáp. Đường đất không đủ rộng cho hai xe ô-tô tải tránh nhau một cách bình thường. Xe cũng ít qua lại, kể cả xe bò của dân nên hai bên đường lau lách rất nhiều, mọc tràn cả ra đường. Thỉnh thoảng lại gặp chỗ có lối mòn đạp rẽ vào rừng. Vì ít bóng người nên thỉnh thoảng lại có những con hoẳng rẽ bụi chạy băng qua đường. Lần ấy, khi nhóm lính C tôi đi đến một khúc cong, vừa rẽ ra chỗ đường thẳng thì bất ngờ phía trước cách độ vài chục mét có một con hoẵng nhảy ra đường. Nếu nó phi thẳng mất hút thì không sao, đằng này nó lại dừng ngay giữa đường nhìn chúng tôi như thể tò mò xem chúng tôi là cái giống gì. Thế là anh Trịnh quỳ ngay xuống giữa đường, xoay nòng AK cho nó ngay một điểm xạ. Liền lúc đó cũng có ngay một loạt AK khác nã về phía chúng tôi. Con hoẵng nhảy ngay vào rừng, mất hút. Phía trước mặt có tiếng kêu ầm lên rồi thấy mấy thằng lính nhà ta lóp ngóp bò dậy. Hóa ra phía trước cũng có một tốp lính của C khác đi lấy gạo về, ngược với chúng tôi. Cả hai tốp đều bất ngờ nhìn thấy con hoẵng, đều phản xạ bản năng muốn bắn con hoẵng. Kết quả là con hoẳng chỉ hoảng sợ chạy mất, còn chúng tôi hết hồn vì hai loạt đạn chĩa vào nhau. Phúc tổ bảy mươi đời là không thằng nào dính đạn. Chúng tôi cùng cáu tiết chửi nhau, cùng nhận ra chẳng thằng nào đúng nên đành chia tay đường ai nấy đi, nhưng vừa đi còn vừa run. Về đến lán đêm nằm nghĩ lại còn thấy sợ.

Những chuyện như thế cũng chẳng dấu kín được ai. Không thằng nào bị kỷ luật, nhưng có lệnh từ trên truyền xuống là chỉ được tổ chức săn bắn hẳn hoi chứ không được tùy tiện bắn lung tung.

Bây giờ thì lại xảy ra chuyện khác. Vốn dĩ cũng chẳng ai phân định đâu là vùng rừng của ai, nên đã xảy ra chuyện có đơn vị nọ cử người đi săn, tưởng cách xa đơn vị lắm rồi, nhưng lại lần mò sang đến khu rừng của đơn vị khác. Có ai cho chúng tôi biết rõ ràng vị trí đóng quân của từng đơn vị trong trung đoàn đâu, phải bí mật cơ mà.

Một lần chúngtôi đang ngồi thảo luận chính trị trong lán thì nghe thấy phía dưới gần suối cótiếng rung cây rất to. Chỗ ấy có nhiều cây to cao đến hai chục mét, mây songchằng chịt, um tùm. Anh Dũng B trưởng cho tạm dừng họp rồi xách súng ra xem. Tiến động cứ rùng rùng títtrên lùm cây cao, ào ào từng đợt. Chả hiểu sao mọi người lại đoán là có con gấutrên ngọn cây, tuy chẳng ai nhìn rõ. Lúc ấy cũng chẳng ai đủ bình tĩnh để suynghĩ xem, trên cây ấy có tổ ong đâu mà gấu nó leo lên. Cứ nghĩ có con gấu rấtto, bắn được là tuyệt rồi. Thế là chẳng cần nhìn thật rõ, anh Dũng choảng luônmột điểm xạ AK lên đó. Tiếng động im bặt, nhưng ở gốc cây có tiếng người gào ầmlên. Chúng tôi chạy lại thấy hai thằng lính C5 mặt tái mét ngồi thụp ngay gốccây. Hóa ra bọn C5 đi lấy dây mây đã mò sang khu vực C tôi, nhưng chúng nókhông đi theo đường mòn chính vào mà cắt rừng đi như ở chỗ không người. May màanh Dũng đoán con gấu trên ngọn cây mà bắn lên đó, chứ đoán con gấu đang ngồidưới gốc cây thì chắc có thằng kết oan. 


Không phải mọi chuyện lúc nào cũng ổn. "Đi đêm lắm có ngày gặp ma", các cụ nói cấm có sai. Trong tháng 10/1973, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn chết người do đi săn bắn phải nhau của K15 và K16. Trung đoàn họp rút kinh nghiệm và phổ biến ngay đến các đơn vị. Chuyện nào nghe cũng thấy rùng mình. Chết lúc bom đạn không sao, chết thế này chắc cũng không được liệt sĩ. Thằng chết số ruồi đã đành, còn thằng bắn nhầm cũng day dứt.

Trung đoàn vẫn không cấm săn mà chỉ nhắc nhở các đơn vị tổ chức săn bắn chu đáo hơn. Nhưng như thế nào là chu đáo thì chẳng ai chỉ ra được rõ ràng. Chết người rồi mới nhìn ra chỗ sai.

Tiểu đoàn K18 chúng tôi thì chặt chẽ hơn, tuyên bố đi săn phải tổ chức theo tiểu đoàn chứ các C không được tùy tiện. Có lịch giao ban về chuyện săn bắn hẳn hoi. Sau đợt đó, hầu như chúng tôi không còn được ăn thịt hoẵng nữa, nhưng bù lại thì lại được chén rất nhiều lợn rừng. Tôi không thạo lắm về thú rừng, chỉ nghe lính dân tộc nói là lợn rừng chia ra hai loại là lợn cỏ và lợn độc. Lợn cỏ đi theo đàn cỡ hơn chục đến vài chục con, có cả lợn đực trong đàn. Loại này không hung dữ, khi bị săn đuổi thì chạy là chính. Còn loại thứ hai cực kỳ nguy hiểm là lợn lòi hay còn gọi là lợn độc. Đây là những con lợn đực sống riêng lẻ không bao giờ đi theo đàn. Chúng thường to cỡ trên một tạ, khỏe và có răng nanh to nên rất nguy hiểm, không ngần ngại tấn công đối thủ kể cả là người. Đi lẻ mà bất ngờ gặp nó là một điều tệ hại. Ngay cả người chủ ý đi săn nó mà kinh nghiệm kém cũng dễ trở thành nạn nhân. Ở đường dây 559 đã có cả một câu chuyện kể về một vụ săn lợn lòi trừ hại cho dân bản vì con lợn này phá phách kinh lắm. Nó to cỡ tạ rưỡi, vết chân to như chân trâu. Chưa nhìn thấy nó, chỉ nghe thấy tiếng hộc hộc cũng đủ sợ rồi. Binh trạm ở đó vì muốn bảo vệ dân và đường dây nên đã tổ chức đi săn để trừ diệt. Người lính - thợ săn ấy phải lùng suốt 5 ngày đêm mới tìm ra nó trên một sườn núi đầy tre gai. Có điều không hiểu tình thế lúc đó vì sao ấy nên anh ta bắn con lợn ở vị thế thấp hơn con lợn. Trúng đạn vào đầu từ khoảng cách hai chục mét mà nó còn đủ sức lao cả người đâm hàng nanh sắc nhọn vào đối thủ. Khi đơn vị tìm được thì thấy cả hai xác người và lợn quấn vào nhau ngay dưới chân núi. Anh Thanh trong C tôi bảo nếu như người thợ săn ấy chủ động chọn được chỗ phía cao hơn con lợn và linh hoạt di chuyển thì mới có thể thoát được, còn trong tình huống như trong chuyện kể thì dù là ai chắc cũng phải chịu số phận như thế.

Thế cho nên mục tiêu chính là săn lợn cỏ. Loại lợn này thịt nạc nhiều, ngon hơn cả lợn nhà nuôi. Khởi đầu cho vụ săn lợn cỏ năm đó là tiểu đoàn bộ. Do tiểu đoàn bộ đóng gần nương lúa của dân hơn cả nên dễ phát hiện ra dấu vết của lợn rừng. Một lần ngay đầu buổi sáng có truyền đạt của tiểu đoàn đến báo các C lên D bộ nhận thịt. (Thời gian chúng tôi đóng quân tĩnh tại không bao giờ có điện thoại hữu tuyến nối giữa các đại đội với tiểu đoàn. Mọi liên lạc đều bằng người báo trực tiếp. Các cán bộ C nhận lệnh hay giao ban cũng phải tự đi bộ. Chỉ khi có chiến đấu, mà chỉ ở một số trận đánh tập trung mới có rải dây hữu tuyến).

Lên đến nơi chúng tôi mới biết D bộ do bác Chớt (anh nuôi cựu nhưng là thợ săn có nghề) chỉ huy ra phục ngoài nương lúa bắn được hai con lợn to, đến hơn hai tạ thịt. Mỗi C được đến nửa con, quân số lại ít nên ăn thoải mái, chả khác gì liên hoan ngày thành lập trung đoàn. Món thịt lợn dễ ăn và hấp dẫn lính tráng chúng tôi ngay từ ngày hôm đó. Thế là về sau C nào cũng tổ chức săn. Nương lúa của dân rất nhiều và lợn cỏ cũng rất nhiều. Bị bắn chỗ này, chúng bỏ sang vùng nương khác. Tiểu đoàn khoanh vùng nương cho các C để khỏi bắn vào nhau. Đại đội tôi được phân chia khu vực nương hướng về chân núi phía Đông, cách xa nơi đóng quân chừng một giờ đi đường. Tôi cũng được các anh lính cũ cho đi săn cùng và tôi thấy săn lợn rừng rất dễ và hứng thú.

Chúng tôi toàn săn vào ban đêm. Chọn phục kích nơi nào vẫn là do lính cũ, nhất là các anh người dân tộc. Lính người Kinh dù khôn ngoan cỡ nào thì cũng không thể sánh được với kinh nghiệm của người dân tộc trong những phần việc có liên quan đến núi rừng. Chúng tôi đi săn lợn theo tốp ba người. Chọn chỗ xong, cả tốp nằm phủ phục trong nương, hướng súng về một phía. Thời gian này đã dần về cuối mùa mưa, những đêm mưa như trút nước không còn nhiều, nhưng vẫn còn có mưa. Chúng tôi phải lấy nilon che trên người cho khỏi ướt vì những cơn mưa nhỏ hay sương đêm. Nằm ngoài nương cả đêm cũng lạnh lắm. Khoảng thời gian gần về sáng lợn mới vào nương kiếm ăn. Lúc này cũng là về cuối vụ, lúa đã gần chín nên mới hấp dẫn lợn rừng về. Các anh lính cũ bảo dù biết rằng chỉ săn được lợn lúc gần về sáng, nhưng vẫn phải nằm phục từ đêm cho sương làm tan hơi người. Lợn rừng tuy không phải là giống tinh nhanh lắm, nhưng dù sao chúng cũng có kinh nghiệm bản năng của thú rừng. Ngay cả chọn hướng phục không tốt, lợn nó lại xuất hiện từ phía sau lưng mình lại thì cũng coi như hỏng ăn.

Gần về sáng, nếu đúng đêm có lợn về (không phải đêm nào đi phục cũng bắn được lợn vì nó không về) thì sẽ nghe tiếng chân và hiếng hộc của chúng. Những con đầu đàn và to thường đi trước, bọn be bé chạy sau. Chúng cũng thận trọng lắm, đánh hơi, tiến chậm, mãi mới chọn chỗ ăn. Nương rộng mênh mông, lợn nó không đi khắp nương nên nếu chọn sai chỗ phục cũng không bắn được lợn. Khi có mục tiêu, chúng tôi hiệp đồng rất nhanh. Thường anh Thanh hay một anh cầm đầu ra hiệu, mỗi người chọn duy nhất chỉ một mục tiêu và nổ súng, sao cho càng đồng loạt càng tốt. Cũng chỉ bắn mỗi người được một điểm xạ hai viên AK thôi. Sau đó lợn nó chạy tung tóe, trong đêm chẳng nhìn thấy gì nên có đứng lên mà quạt bừa cũng chẳng trúng cái gì, nát lúa của dân thì đền ốm.

Nếu đạn bắn trúng đầu hay vào tim thì con lợn chết ngay, còn thường thì lợn nó còn chạy chán rồi mới chết, vì đa phần những con bị chọn bắn là con to, khỏe. Chúng tôi phải chờ đến sáng hẳn, xem vệt máu và kiểm tra, tìm kiếm thì mới thu được chiến lợi phẩm. Những đêm bắn được ba con lợn rất hiếm, còn thì thường chỉ được một hoặc hai con, chẳng hiểu tại sao lại thế. Chỉ đoán là loạt AK nổ đầu hạ được lợn, còn các loạt AK khác nổ sau nên không trúng mục tiêu, lợn nó nhanh chân chạy mất. Nếu ít thì chúng tôi chặt đòn khiêng về, còn nếu bắn được nhiều thì phải cử người về báo đại đội cho thêm người khiêng. Trước lúc về cũng phải vuốt lại những cây lúa đổ cho dân họ đỡ kêu.

Thời gian này chúng tôi được ăn nhiều lợn rừng, còn vì khi bắn được nhiều lợn, chúng tôi không làm thịt khô mà gọi chia cho các C bạn trong cùng tiểu đoàn. Đến khi họ bắn nhiều thì lại gọi chia cho chúng tôi.

Về gần cuối mùa lúa của dân, chúng tôi còn bắn lợn rừng bằng cối cá nhân M79. Lúc này những con lợn to trong đàn cỡ tám chục cân trở lên còn rất ít, chỉ còn nhiều con cỡ dăm sáu chục cân, thậm chí có con bắn được chỉ độ ba chục cân. Chúng tôi dùng đạn cối bi M79. Loại này khi bắn văng ra hai chục viên bi chì to như viên bi xe đạp, xa tới hai chục mét và sát thương như đạn ria của súng săn. Nếu nhằm được vào chỗ lợn ăn tập trung thì cũng hạ được hai, thậm chí ba con lợn nho nhỏ cỡ vài chục cân. Nhưng đa phần lợn không chết ngay mà chạy một đoạn xa mới chết, hơi phải mất công tìm khi trời sáng. Nhưng kiểu bắn này cũng chỉ được một thời gian ngắn vì đạn cối bi không có nhiều.

Trong mấy tháng trời đóng quân ở cái vùng bản Tùm Nho này, chúng tôi không thiếu thực phẩm. Gạo cũng phát đủ tiêu chuẩn bảy lạng một ngày nên ăn no, lính tráng khỏe lên trông thấy. Gần đường dây 559 nên chúng tôi được phát khá đủ các loại như thịt hộp, giò hộp, muối, mì chính và nhiều nhất là mắm tôm khô. Không có cá hộp, còn rau thì chỉ toàn là rau cải khô, hình như của Trung Quốc thì phải.

Còn có hai món nữa mà chúng tôi cũng hay kiếm được ăn và rất khoái. Một là những con chuột núi (con dũi). Khu vực chúng tôi đóng quân nhiều rừng tre bương, lại vào mùa mưa lắm măng nên dũi về đào ăn măng rất nhiều. Cứ lúc nào tĩnh lặng, bất kể đêm hay ngày mà nghe tiếng kèn kẹt chỗ bụi tre bương là thể nào cũng có một con dũi đang đào gặm củ măng. Ban ngày thì chúng tôi tổ chức đào, mất công một tý và phải biết cách thì kết quả thể nào cũng tóm được một con dũi, thường to nặng tới hơn một ký. Chỉ được một con thôi vì dũi không đào hang theo cặp. Một con cho cả đại đội ăn thì hơi thòm thèm, nhưng chia ngọt xẻ bùi vài miếng trong bữa cơm, đổi món thì cũng thật thú vị.

Đoạn đường từ C tôi lên tiểu đoàn bộ phải qua một đoạn suối khá dài, cứ men theo bờ suối hẹp mà đi. Điều đặc biệt là khu vực này có rất nhiều cua đá. Lưng của nó thiên về đen nhiều hơn chứ không vàng đen như cua đồng. Có lẽ giống cua này cùng loại với cua đá trong bài hát của các chiến sĩ ngoài đảo Cồn Cỏ. Cua đá cũng nhỏ như cua đồng, tôi thấy chẳng có gì khác nhiều. Cua bò rào rào bên bờ suối nên chỉ nhanh tay bắt là được chứ không phải móc cua trong hang như cua đồng. Cứ bỏ tất vào cái túi vải, về nhà tính sau. Ba người đi làm nhiệm vụ cải thiện mà bắt cua đá thì quá nhàn. Đường gần nhà, cua bắt dễ, chả mấy chốc đã đầy ba túi, thời gian còn lại tha hồ mà chơi và tán gẫu. Anh nuôi cũng làm cua giống như ở nhà. Chúng tôi cũng có đủ chầy cối tự tạo. Gốc cây khô trong rừng không thiếu, cưa ngang và khoét một buổi là có cái cối đại. Có lẽ trong rừng cái bí nhất là rau xanh và gia vị thôi. Nhưng mắm tôm (dù là loại khô) cũng khá hợp vị với canh cua nên hôm nào làm canh riêu cua ăn với thân chuối non thái mỏng (quá sẵn ở Nam Lào) thì lính tráng ăn rào rào như trả bữa.

Ngoài hai thứ ăn khoái khẩu ấy còn có thể kể đến một quà tặng khác của núi rừng, tuy không thật tuyệt lắm. Đi xa hơn một chút vào phía núi chỗ chúng tôi đóng quân còn có rùa núi. Mỗi con to như cái mũ sắt của lính, mai nâu đen mốc. Rùa núi rất chậm chạp, phát hiện ra nó nhờ khu vực và tiếng đi của nó trên lá. Vào ngày nắng, lá khô, rùa ra sưởi thì mới nghe thấy tiếng chân nó nhè nhẹ trên lá, còn ngày mưa thì chả bao giờ phát hiện ra chúng. Rùa núi bắt rất dễ chỉ cần tiến lại lật ngửa nó ra là cu cậu chịu chết. Chẳng bao giờ sợ nó cắn như ba ba, vì rùa chậm hơn ba ba. Có điều lượng thịt rùa không nhiều như ba ba và không ngon bằng, cái mai và yếm của nó hầu như không ăn được. Chỉ có chút thịt, cái đầu và bốn cái chân. Chúng tôi cũng chỉ bắt ăn cho biết chứ loại này làm thịt vất vả và không bõ để ăn.

Tất nhiên ăn mãi một thứ cũng chóng chán nên chúng tôi rất chịu khó cải thiện để có thêm cái ăn. Mùa mưa năm đó có thể nói là mùa bồi dưỡng sức quân. Ngoài những thứ của rừng, chịu khó đi xa một chút, chúng tôi xin được của dân cả rau cải xanh, bí ngô và các sản phẩm của chuối như chuối quả (xanh và chín), thân chuối hay bắp bi (hoa chuối). Dưa chuột cao nguyên ở đây cũng có rất nhiều, tha hồ lấy, nhưng xào ăn chỉ cách bữa thôi chứ cũng chóng chán. Đặc biệt khu vực này không có kiệu. Dân bản có trồng hành nhưng rất ít, tại ngay các bầu đất đặt trên nhà sàn, chỗ để chum nước. Muốn xin cũng chỉ độ hai ba nhánh nên chúng tôi cũng chẳng buồn xin.

Khi nào ngại đi xa thì chúng tôi lấy măng các loại ngay tại rừng nhà. Măng nứa luộc kỹ chấm mắm tôm (Mắm tôm khô đem tãi ra chưng với ít thịt hộp) hay măng vầu thái lưỡi lợn luộc kỹ thì ăn cũng tốt tuy thật ra nó chẳng có chất bổ gì.

Cuộc sống cứthế trôi qua với tập tành huấn luyện chút ít kiểu nửa du kích, nửa chính quy.Có lẽ thời gian này bộ đội Trường Sơn nói chung và lính E9 chúng tôi nói riênglà nhàn nhã nhất so với đồng đội ở khắp các chiến trường. Cuộc đời tưởng cứ thếtrôi qua chờ ngày đất nước hết chiến tranh để về nhà với mẹ. 


Mùa xuân chiến trường

(Xin tạm ngắt mạch chuyện để nói về mùa xuân chiến trường...)

Những người lính chúng tôi ai cũng từng trải qua vài mùa xuân chiến trường. Dù là trong lúc đạn bom ác liệt thì thể nào cũng dành ra được ít phút để bồi hồi đón xuân, để nhớ về những cái tết ngày còn ở nhà bên bố mẹ, anh chị em, được hồ hởi đón xuân dù vật chất thật khiêm tốn.

Với chúng tôi, tết chiến trường thì vào thời điểm giao thừa không có khi nào phải ngồi bên chiến hào. Có bận rộn chăng thì cũng chỉ là ở một cánh rừng nào đó chuẩn bị cho trận đánh sắp tới mà thôi. May mắn là mấy cái tết chiến trường, tết nào chúng tôi cũng được hưởng hương vị xôi nếp. Không có bánh chưng nhưng cũng thổi được nồi xôi nóng mà quây quần với nhau.

Lúc bom đạn ác liệt quá không nói làm gì, nhưng lúc không có đạn bom hay không phải chuẩn bị chiến trận thì có thể nói bộ đội Trường Sơn là đàng hoàng nhất. Chúng tôi không có được cái đầm ấm của bộ đội B2 ăn tết trong lòng dân, nhưng xét về khoản tự mình tổ chức thì thật không đâu bằng lính 559.

Cái tết 1974 chúng tôi đã được hưởng như thế. Lúc ở nhà cùng bố mẹ, đêm trước giao thừa (thậm chí là chính trong đêm giao thừa) ngồi đun nồi bánh chưng thì cũng do mẹ gói mà có. Nay vào lính mình tuy vụng về, nhưng bù lại những người lính cũ tháo vát thì rất nhiều. Chúng tôi vào những khe núi hái dong, bạt ngàn tha hồ chọn lá to lá đẹp. Giang và nứa chẻ lạt thì chả nơi nào thiếu. Chúng tôi cũng ngâm gạo, đãi đỗ, mổ lợn gói bánh chưng và làm đủ các món ăn. Có thể nói là so với ở nhà thì sung túc hơn rất nhiều. Lính tráng nhiều thằng gói bánh không cần khuôn mà cũng rất chặt và đẹp. Chúng tôi đào hố làm bếp (chả phải bếp Hoàng Cầm gì sất) rồi chất củi gộc đun bánh chưng trong những cái thùng phuy cắt bỏ một phần ba. Thùng phuy tìm ngoài trận địa nhiều vô số. Phải cắt bớt cho giống cái nồi thì khi luộc bánh chứng nó mới đều. Để nguyên cả thùng sâu xếp bánh mà không đảo thì bánh chưng ở dưới nát, còn bánh chưng ở trên không rền. Có thể nói bánh chưng nấu ngon nhất phải đun bằng củi gộc chứ không phải bằng than hay dầu.

Cuộc sống tinh thần cũng rôm rả. Nhiều thằng có hoa tay, chúng tôi làm bích báo thi giữa các trung đội. Rồi đêm giao thừa liên hoan văn nghệ, tự biên tự diễn tự hoan hô mà ai cũng cháy hết mình.

Không thể không kể đến chuyện trang trí lán trại. Hoa rừng Trường Sơn, nhất là phía Tây bên đất Lào thì thật phong phú. Người Lào ăn tết vào 14-16/4 dương lịch theo Bun hót nạm (Tết té nước), khi đó với họ chỉ có hoa Chăm pa. Còn Tết Nguyên đán của ta thì họ không mấy quan tâm. Mà rừng Lào lại thừa hưởng đào rừng rất nhiều và đẹp, toàn đào phai. Chúng tôi mò vào rừng chặt về trang trí khắp quanh lán. Mai rừng Trường Sơn cũng không thiếu, tuy chỉ là cây rừng chứ không phải mai thế trồng trong chậu. Nhiều tiểu đội lấy mai vàng về trang trí, trông cũng đẹp mắt. Nhiều thằng cầu kỳ còn mò vào rừng kiếm những giò phong lan về treo trước lán. Có thể nói là lán trại giữa rừng mà đẹp đến xao xuyến lòng những thằng lính xa nhà, làm ấm cúng thêm cảnh tết rừng. Các lính A cối còn bày trò tìm về trận địa cũ kiếm dù hàng (dù ca-rô xám) về căng trước sân tiểu đội, lại càng tăng thêm vẻ đẹp chiến trường (nói thật là tôi có cảm giác như dù căng ở hầm chỉ huy trên cánh đồng Mường Thanh thời Điện Biên Phủ ấy).

Bây giờ tếtvề, nhiều khi ngồi ôn lại chuyện xưa lại mong được hưởng lại cái tết Trường Sơnnăm đó, được hát hò nghiêng ngả cùng đồng đội mà đối với nhiều người, đó là cáitết cuối cùng vì họ đã phải mãi mãi nằm lại chiến trường vào những ngày chiếntrận của mùa mưa năm đó.


Cao nguyên Boloven hùng vĩ, tình sâu nghĩa nặng tưởng chừng sẽ mãi mãi lùi vào dĩ vãng, thì bất ngờ tôi lại được trở lại nơi đó. Không chỉ một mà là hai lần, toàn đi theo kiểu công tác lẻ. Cấp trên cũng chỉ tổ chức vớt vát và có phần khá vội vàng vì nghe tin trung đoàn sẽ được bổ sung quân số cho gần đủ với biên chế chính quy và còn phải huấn luyện tân binh cho kịp nữa. Chả biết sẽ đi đâu, nhưng trong tiềm thức, chúng tôi chưa hề nghĩ đến chiến trường miền Nam.

Đầu tháng 9/1973, bảy chiến sĩ trong đại đội do B trưởng B4 Tuyền chỉ huy nhận lệnh lên đường trở lại Cao nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm lại vị trí ngày trước ở Khoong xedon đơn vị đã bắn được một con gấu và chỗ Nam đường 23 bắn được con hổ. Thịt thì đã ăn rồi, nhưng ngày đó chúng tôi cũng đã tập trung xương vất vào sau bếp anh nuôi. Bây giờ chúng tôi phải quay lại đó tìm bới xương hổ, xương gấu đem về nộp cho trạm xá trung đoàn để nấu cao. Hầu như tất cả các đơn vị trong trung đoàn, nếu có bắn được mấy loại thú trên (kể cả bò tót nữa) khi trước thì đều phải cử người quay về tìm xương.

Sau nhiều ngày mưa nằm dầm dề và công tác vớ vẩn quanh đơn vị, nay chúng tôi được đi công tác lẻ thì thật như chim sổ lồng. Nhiệm vụ chả có gì là nặng nề cả. Chỉ là tìm được xương quý hay không mà thôi. Ra khỏi khu vực tiểu đoàn, đến con đường cái to (đường đất) là đã thấy chân tay ngứa ngáy lắm rồi. Chúng tôi đi ào ào nhằm hướng Paksoong. Trời tạnh, nhìn trời xanh bao la thấy mình như người tự do, làm chủ đất trời. Cả bảy người đều mang AK, như vậy là không có đánh nhau gì sất, chỉ có tự bảo vệ mình với thú dữ thôi.

Chúng tôi xác định ngày đi đêm nghỉ. Chỉ trú quân ở rừng ven đường chứ không cần vào nhà dân. Vào đấy thì cũng có xin xỏ được gì đâu, vì mọi thứ của dân đều ở ngoài nương. Đối với chúng tôi thì kiếm chác ngoài nương tốt hơn, vì chúng tôi quen như nhà của mình rồi. Chủ yếu cũng chỉ là rau cỏ cải thiện, còn chúng tôi xác định sẽ kiếm thịt từ thú rừng. Trong nhóm cùng đi có anh Sơn bắn hổ ngày trước là người dân tộc thì yên tâm rồi. Chúng tôi dự định vào trong Lào Ngam trước, nơi đó tuy có gần địch một chút, nhưng nhiều thứ còn hoang vu. Vụ bắn hổ mới xảy ra có một năm thì khả năng tìm thấy xương dễ hơn.

Dọc hai bên đường 23, mới chỉ có một số bản dân hồi cư thưa thớt. Càng vào sâu trong cao nguyên thì mức độ càng thưa thớt hơn. Người Lào vốn dân số ít, khi đã tản cư vào Pakse làm ăn ổn định rồi thì chẳng mấy ai muốn về vội nơi cũ, vì chiến tranh chắc gì đã hết hẳn. Cả mấy chục cây số hoang vu chẳng có ta hay địch. Cây cỏ mọc lan tràn ra đường, chắc từ trên máy bay nhìn xuống chỉ còn thấy một vệt nhỏ tựa như con đường mòn. Trên cao nguyên Boloven đặc biệt hai bên đường có rất nhiều cây mâm xôi và cây xấu hổ. Loại cây cành nhánh này mọc lan rất nhanh. Chúng tôi nhằm giữa đường mà đi, nhưng nhiều chỗ cũng phải đem dao tông ra phát bớt lấy đường. Lối vào các bản cũ vẫn dễ nhận ra, dù nơi đâu cây cối cũng um tùm. Chúng tôi nghỉ một đêm ngay tại thị trấn Paksoong. Chỗ này mà chịu khó lần mò chắc cũng còn khối thứ hay hay, mặc dù dấu vết của dân Lào trở lại khu căn cứ của bọn lính Thái năm trước để bòn mót các thứ dùng được đem về bản khá rõ. Thế nhưng nhiều khi có thứ cần với lính thì dân họ lại không cần. Tuy thế, chúng tôi không có nhiều thời gian, anh Tuyền lại lo nhỡ dẫm phải mìn nên không cho chúng tôi sục xạo nhiều. Lúc này chúng tôi nghỉ dưới một cái nhà sàn bỏ, chỉ ra loanh quanh một tý là đủ các thứ rau mọc hoang. Cơm canh có thêm thịt hộp, thế là tươm lắm rồi. Anh Tuyền vốn cẩn thận nên trong chuyến đi này, đêm nào chúng tôi cũng phải cắt cử canh gác.

Mấy chục cây số dọc theo đường 23, chúng tôi được nếm lại nhiều thứ hoa quả mà chúng tôi đã từng lấy cải thiện hồi mùa mưa năm ngoái. Có điều khi thiếu bàn thay người chăm sóc của con người thì cây gì rồi cũng thoái hóa dần, quả nhỏ hẳn đi. Anh Sơn vẫn nhớ vùng đất ngày trước chúng tôi được bắn bò và ngựa bỏ hoang của dân bản để cải thiện. Ngày ấy chúng tôi bắn đã gần hết, con vật đi hoang thì ngày càng tinh khôn hơn nên bây giờ chúng tôi chẳng hy vọng bắn được bò hay ngựa. Nhưng thú rừng khác thì rừng càng hoang vu thiếu bóng người, chúng càng dễ xuất hiện. Anh Sơn mò ra một vùng rừng ven suối, tìm dấu vết và bắn được hai con chồn. Hy vọng bắn được con hoãng cơ vì thịt loại này mới ngon. Ở khu bản Tùm nho chúng tôi thường xuyên bắn được lợn rừng nên bây giờ cũng muốn đổi món. Hai con chồn cho bảy người ăn cũng không phải là nhiều lắm. Anh Tuyền bảo có thịt chồn là tuyệt rồi, chúng mày cứ được voi đòi tiên. Tất nhiên là như thế, nhưng đi lẻ một mình, nhất là vào Cao nguyên thì chúng tôi tất phải mong nhiều hơn mới bõ.

Anh Sơn ăn mà không nói gì, nhưng trong bụng đã ngầm có ý định. Anh ấy bảo nên đi vòng một chút rẽ ra phía bản dân có người để hỏi thăm tình hình và kiếm ít rượu uống. Có lẽ anh Tuyền cũng là lính cũ có cỡ nên kinh nghiệm nhiều, tán thành luôn. Thế là chiều hôm sau chúng tôi đi qua một bản dân ở khu Fakcut. Cầu được ước thấy. Hôm ấy chúng tôi phải dồn tiền ra mấy trăm "kíp" để mua một bi đông rượu của dân, nhưng khoản thịt tưởng còn phải chờ đi săn thì bỗng dưng lại gặp may. Chiều đó dân bản bắn được một con hoẵng khá to. Vì chúng tôi dừng lại nghỉ tại bản, nên theo phong tục của họ (một phong tục quá tốt cho khách qua đường mà không phải nơi nào cũng có) cũng được coi như một gia đình và được họ chia cho thịt săn được. Cũng phải đến ba cân chứ không ít. Thế là đêm đó vừa được ở nhà sàn ấm cúng, đốt lửa tưng bừng và có rượu thịt để xơi. Cảm ơn một phong tục mến khách của các bộ tộc Lào, mộc mạc và đáng yêu làm sao.

Chia tay dân bản, sáng sau chúng tôi lại lần mò nhằm đường 23 thẳng tiến. Anh Sơn đã thăm dò được nhiều tin tức và hạ quyết tâm đợt này phải bắn được một con hoẵng. Của rừng đãi mình mà không biết tận dụng cơ hội thì thật xoàng. Gì chứ cái quyết tâm này thì chúng tôi giơ cả hai chân hai tay lên mà biểu quyết. Nhưng tất nhiên là phải có thời gian. Tới một cánh rừng ở Nam đường 23 gần đối diện với khu bãi đá, một căn cứ đóng cỡ đại đội của địch, đã bị tiểu đoàn tôi nhổ gọn từ tháng 2 năm trước thì chúng tôi chia làm hai tốp. Anh Sơn dù là người bắn hổ khi xưa, nhưng vẫn phải ở lại khu rừng đó cùng hai lính để tìm bắn hoẵng. Còn lại bốn người do anh Tuyền chỉ huy thì lần tìm về khu trú quân cũ tìm xương hổ. Đám xương ngày đó vất ở sau bếp anh nuôi nên cũng dễ tìm hơn vì hầu như tất cả chúng tôi đã từng ở đó. Tôi đi theo nhóm anh Tuyền vì dù sao ngày trước đã làm liên lạc cho đại trưởng Băng, cũng được đi lại và khá quen vùng này. Đợt đi đó chúng tôi không gặp địch. Có lẽ bọn địch lấy ngã ba Lào Ngam làm mốc, cùng lắm chúng cũng chỉ đóng quân ở cái khu căn cứ của tiểu đoàn Thái 621 ngày nọ thôi, thế thì chúng tôi còn cách xa lắm. Trong rừng mà cách nhau đến cây số có thể coi là đã xa lắm rồi. Nhất là cả năm trời qua bộ đội Bắc Việt rút ra mãi tít ngoài dãy Trường Sơn đóng quân; địch nó cũng bỏ trống cả mấy chục cây số từ ngã ba Lào Ngam tới Păksoong không thèm ngó nghé đến thì bây giờ chắc chúng cũng chỉ đóng trong căn cứ, hàng ngày tập luyện vớ vẩn thôi chứ không vào rừng lùng sục. Vì thế mà chúng tôi yên tâm lắm. Những chỗ ngày xưa địch thả bom bay bắn pháo, bây giờ dấu vết gần như mất hết bởi cây cối đã xanh tươi trở lại. Có biết chắc và chính xác chỗ khi trước địch thả bom thì may ra mới tìm thấy chút ít cây cối gãy cành.

Không khó khăn gì để chúng tôi tìm ra nơi trú quân ngày trước, dù mọi thứ của cái bếp cũ đã gần như mục nát. Vất vả chỉ là phần tìm bãi đất đã đổ xương hổ. Chúng tôi chia nhau đào bới đất tìm, vừa bới đất vừa vục tay bóp đất tìm xương. Cũng may là những con thú đơn vị bắn được như gấu hay hổ ngày đó, anh nuôi chỉ lọc thịt rồi nấu ăn chứ không chặt xương đem hầm rồi chia cho các tiểu đội gặm nên đám xương cũng chỉ vất tập trung ở đâu đó thôi. Mất gần nửa ngày trời rồi chúng tôi cũng tìm ra, nhưng phải đào và bọc rất nhiều đất đem xuống suối đãi, vì ngày trước vất bừa xuống hố đất chứ ai ngờ có ngày phải quay lại tìm mà tập trung vất thật gọn. Một năm trời trong đất ẩm không bị mục nát, xương hổ vẫn còn khá cứng. Chúng tôi rửa sạch sẽ mà cũng được một bọc khá to. Anh Tuyền bảo mình rửa đất mang cho nhẹ thôi, chứ khi về nhà, bọn ở trạm xá cũng còn phải cạo rửa lại chán mới đem nấu cao được. Thế là một nửa công việc đã hoàn thành, ai cũng hỉ hả.

Chúng tôi lần về đến khu bãi đá gặp nhóm anh Sơn thì lại có ngay tin vui. Anh ấy đã bắn được một con hoẵng rất to. Có điều là con hoẵng ấy đang có mang. Kể ra cũng hơi tội nghiệp. Nhưng xét về quy luật sinh tồn, chiến thắng thuộc về kẻ mạnh thì tất phải vậy thôi. Nhóm anh Sơn đã làm thịt hôm trước và rán mấy cái bào thai chén trước, bổ bằng xơi cả con hoẵng rồi còn gì. Phần thịt còn lại rất nhiều. Tất nhiên thường bắn được thú rừng ở đây thì phải lột bỏ mất tấm da chứ không làm tất cả như ở nhà được. Đặc biệt tôi thấy anh Sơn chặt khúc đuôi (ngắn cũn) của con hoẵng ra rồi chia đôi đem nấu cháo một nửa cho cả tốp bảy người chén. Tôi thấy thế là hơi ít, nhưng anh Sơn bảo giống nai hoẵng, ở con cái (nhất là con có mang) thì cái đuôi của nó bổ thượng hạng. Đem nấu nồi cháo từng này người ăn, chưa chắc đã tiêu hóa hết chất. Nếu tham mà hai ba thằng đem hầm rồi chén cả một cái đuôi nai (hoẵng) cái thì dù có sắp chết đói như năm 1945 thì rồi người cũng béo nứt ra; da dẻ nứt toắc chảy máu rồi nhiễm trùng mà chết. Nghe mà thấy hãi. Hóa ra trong rừng còn có nhiều điều bí ẩn thật. Không có các anh lính dân tộc chỉ bảo mà cứ phàm ăn như hảo hán Lương Sơn thì thật là có ngày chết vì ăn, quá xấu hổ. Nửa cái đuôi còn lại anh Sơn bảo vài bữa nữa nấu ăn nốt cho nó an toàn. Ngày hôm đó chúng tôi nướng thịt hoẵng ăn thoải mái một bữa. Tôi không uống được mấy rượu nên chỉ ăn, còn các anh khác kêu chưa khoái lắm vì hơi ít rượu. Nhưng thôi, còn đang phải làm tiếp nhiệm vụ cơ mà. Với lại như thế này so với bọn ở nhà là sướng hơn nhiều lắm rồi.

Ngày hôm đó do cơm no rượu say nên chúng tôi nghỉ lại cánh rừng đó. Số thịt hoẵng còn lại đem sào mặn để giữ. Một phần khá lớn đem hơ lửa sấy khô để giữ cho lâu hơn. Của này sau này đem về hậu cứ làm quà hay nướng chén lúc nhàn cư thì không gì bằng.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường, nhằm hướng Khoong Xedon thẳng tiến. Chúng tôi đã xa đơn vị gần một tuần rồi. Chắc cũng phải từng ấy ngày nữa mới xong nhiệm vụ.

Khoong Xedon là vùng đất nằm giáp Tây Nam Saravan, dính một chút vào những dãy núi đá thấp của cao nguyên Boloven, nhưng toàn rừng già và rậm. Phần phía Tây của nó giáp vùng dân cư ven đường 13 bên dòng Mekong rộng lớn. Sang bên kia sông Mekong là vùng đất của Thái lan rồi. Từ đây đi xuống Păkse, thủ phủ của tỉnh Chămpaxac cũng không bao xa. Có điều, nó không có thế chiến lược như cao nguyên Boloven nên từ sau năm 1970 khi ta giải phóng thì vùng đất này gần như là vùng trắng. Chỉ con dân cư lưa thưa, không có lính của bên nào chiếm đóng. Khi chúng tôi còn ở trong cao nguyên Boloven, mường Khoong xedon cũng là cái đích đến của những tốp lính hậu cần của các đơn vị đi mua lợn. Lợn ở đó nhiều và rẻ, còn hơn cả ngoài Saravan.

Đường đếnKhoong xedon phải đi xuyên qua nhiều vùng đất trù phú của cao nguyên Boloven.Trong số nhiều bản dân thì bản Sen Vàng là một cái bản lớn nhất mà tôi gặp.Trong bản có đến hơn ba chục nóc nhà. Toàn nhà sàn to, cột gỗ nguyên cây. Gỗthưng quanh nhà cũng là tấm gỗ lớn được xẻ ra. Nơi đây không có tí dấu vết gìcủa chiến tranh. Hầu hết các nhà sàn được lợp gỗ hoặc ngói. Đường đi lối lạiquang đãng, sạch sẽ và bằng phẳng. Có rất nhiều khoảng đất rộng như cái sânchơi. Điều đặc biệt là ở bản này có một cái chùa rất to và đẹp. Chúng tôi quyếtđịnh dừng chân nghỉ lại đây một ngày để tắm giặt và dưỡng sức. Trong rừng thìnơi đâu mà chả có suối trong nước mát để tắm, nhưng con suối chảy qua cạnh bảnnày cũng thật đẹp và sạch sẽ bởi cả một khúc dài lòng suối toàn đá sỏi. Chúngtôi tán thành ngay quyết định của B trưởng Tuyền. Tôi còn háo hức hơn nữa vìcũng muốn thăm ngôi chùa.


Ngôi chùa bản Sen Vàng làm toàn bằng gỗ to đẹp và có dáng dấp quen quen như đã từng nhìn thấy. Nhưng to và đẹp hơn tất cả các ngôi chùa làng mà tôi đã gặp. Quả thực là ngày ở nhà tôi hầu như không coi trọng chuyện đi chùa, ngôi chùa làng tôi thì bé không đủ chứa dân cả xóm cùng vào một lúc.

Quanh chùa không có rào cổng gì cả, Từ đường hay vườn xung quanh có thể luồn qua những hàng cây đi tắt vào. Ngoài phần sân to trước chùa, còn lại xung quanh chỗ nào cũng có những sân đất nện. Quanh chùa chỗ nào cũng có cây hoa Đại (hoa Chăm pa). Loại hoa này ở Việt nam cũng thường thấy trồng ở sân chùa. Có điều ở đây trồng rất nhiều, cây rất to. Cảnh chùa đẹp như khu nghỉ dưỡng.

Hôm đó trời không mưa, tôi thấy chỗ sân cạnh chùa có một đám sư trẻ con gần hai chục đứa đủ mọi lứa tuổi. Đứa bé chỉ sáu bảy tuổi, còn thằng lớn nhất chừng mười lăm, đều là con trai. Chúng chỉ giống nhau ở cái đầu trọc. Chùa có một sư thày trụ trì tuổi khá cao, có một số người nữa làm ở chùa. Tôi thấy lạ vì sao toàn thấy sư trẻ con, mà lắm thế. Lân la hỏi chuyện thì được biết phong tục của Lào, đàn ông mà không muốn đi tu cả đời như sư thì ai cũng phải qua 3 năm làm sư ở chùa. Cái này giống như một chế độ nghĩa vụ, kiểu như nghĩa vụ quân sự của ta. Có điều tùy sự sắp xếp của từng gia đình, đi tu 3 năm vào tuổi nào cũng được. Đa phần dân Lào họ chọn cho con mình đi từ lúc trẻ con, để khi lớn còn lao động. Nội dung đi tu "nghĩa vụ" cũng thật nhân văn. Đó là thời gian nhà chùa giáo dục cho người ta nhân cách con người. Từ chữ viết đến văn hóa... Phong tục hay thế nên người Lào nhân ái cũng phải.

Tôi chơi cả một buổi sáng với đám sư trẻ con, chúng nó cũng biết nhiều trò chơi như trẻ con bên ta. Các anh lính cũ chỉ nghé qua chùa một lúc rồi mò vào nhà dân tán gái và xin thuốc lá (thuốc rê). Vùng này khi trước bộ đội ta qua cũng nhiều nên dân rất dễ quen. Chúng tôi xin được khá nhiều thuốc lá. Buổi trưa chúng tôi ra suối tắm, một mình làm chủ đất trời vì dân Lào không ra tắm buổi trưa. Tối hôm đó chúng tôi nghỉ nhờ ngay tại chùa, sư thày cũng rất dễ tính. Chúng tôi còn được mấy cô gái bản đem cà phê đến cho uống. Thú thực là cũng hơn nửa năm rồi mới có cà phê. Sân chùa cũng như sân HTX bên mình, ngồi chơi nói chuyện tự nhiên như chỗ sinh hoạt cộng đồng, chả kiêng cấm điều gì. Mãi khuya chúng tôi mới đi ngủ. Đêm hôm đó là một đêm thảnh thơi, ngủ ngon vì không phải gác, nhưng cái cảm giác sướng nhất là như ở làng quê mình. Các anh lính cũ cũng chỉ tán gái vơ vít cho vui chứ không làm chuyện gì đáng trách.

Hôm sau chúng tôi cơm nước đàng hoàng rồi mới lên đường. Dọc đường đi còn qua vài cái bản nhỏ nữa, nhưng chúng tôi chỉ dừng chân nghỉ giải lao chút ít rồi đi luôn. Anh Tuyền xác định từ đây lại tiếp tục ngủ rừng. Hai ngày sau thì chúng tôi đến vùng Khoong Xedon.

Nơi này hoàn toàn xa lạ với tôi, vì ngày tôi được bổ sung vào đơn vị thì nơi đây đã giải phóng rồi và trung đoàn đã chuyển hướng về Paksoong. Vụ bắn gấu xảy ra từ năm 1971. Trong số 7 người chúng tôi chỉ có anh Tuyền và anh Sơn biết vùng này. Con gấu chính là do tiểu đội anh Tuyền bắn được.

Vùng này dốc núi không cao, nhưng rừng rậm toàn cây to. Gỗ rừng đủ loại, có nhiều cây gỗ quý. Đấy là nghe các anh ấy giảng giải chứ tôi không biết nghề mộc nên chỉ biết lõm bõm được vài loại gỗ chính mà thôi. Đi trong rừng ở đây có cảm giác rất lạ. Phải chăng vì ít phải leo trèo, địa hình rất rộng mà lại khá bằng phẳng nên tôi có cảm giác như mình đang ở cánh rừng của một câu chuyện cổ tích nào đó vậy. Tôi có cảm giác như trong cánh rừng này có nhiều hạt dẻ và nấm, có nhiều bầy ong làm tổ nên mới có gấu sống ở đó.

Quả đúng là vậy. Ngày ở hậu cứ Xăm xi Núc, trong chỗ đơn vị tôi trú quân cũng có hai cây hạt dẻ cổ thụ, thu hút bọn chồn sóc đến rất nhiều. (Một lần tôi đã kể là anh Hùng C phó bắn được một con chồn ngay giữa nơi trú quân, nhân lúc cả đơn vị đi gùi gạo vắng). Ở đây có rất nhiều dẻ, quả có phần to hơn. Nhẩn nha mà nhặt quanh gốc thì cũng được vô khối. Tuy thế ở đây không có nấm như trong chuyện cổ tích, nhất là nấm hương. Còn nấm dai trên các cây gỗ mục và nấm mối thì chẳng nói làm gì, vùng rừng nào mà ít nhiều chẳng có. Chỗ hậu cứ Tùm Nho, nấm mối gây ấn tượng hơn nhiều. Rừng ẩm ướt, lắm cây lá mục nên chỉ dọc con đường chúng tôi lên tiểu đoàn cũng có nhiều nấm mối. Nấm mối là loại nấm lành, rất ngon. Có điều là vòng đời của chúng rất ngắn. Buổi sáng nhìn thấy mũ cây nấm nhô lên độ vài phân trên mặt đất là đã phải theo dõi canh chừng rồi. Chỉ độ đến gần trưa là cây nấm đã mọc cao hàng hơn gang tay, có cây thân của nó to cỡ ngón chân cái. Còn mũ nấm thì xòe to như cái đĩa sắt tây. Lúc chóp mũ nấm có màu nâu nhạt, khô mịn là lúc phải thu hoạch ngay. Độ ba cây nấm như thế thì cả trung đội bảy người có một bữa chén ngon lành, đã miệng. Nếu không phát hiện ra thì sang buổi chiều, muỗi, dĩn và những con bọ gì đó tìm đến ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lúc đi qua buổi sáng chỉ thấy cái mũ nấm bé tẹo, không chú ý đến, nhưng chiều về thì ôi thôi, cả một cấy nấm mối to đùng, mỡ màng đã bị sâu bọ chén và cây nấm đã bắt đầu thối rữa ra rồi. Chính các anh lính dân tộc cũng bảo đặc biệt ở đây có nấm mối to như thế, chứ ở rừng nhà các anh ấy cũng thường chỉ có nấm mối mà mũ to cỡ lòng bàn tay thôi.

Vùng rừng Khoong Xedon không có nhiều nấm mối to, nhưng ong mật thì chắc chắn có. Có điều anh Sơn bảo là bây giờ còn đang mùa mưa, cây rừng ít hoa thì tổ ong không có nhiều mật. Muốn đi "ăn" ong (tức là đi rừng lấy mật ong) thì phải độ tháng năm tháng sáu cơ. Lúc ấy hoa nhiều, ong mới làm nhiều mật đặc và chất lượng. Anh Sơn bảo trong rừng có nhiều loài ong làm mật. Bé như con ong ruồi làm tổ trong các ụ đất mối cũng có, nhưng mật của nó cả một tổ vắt ra chỉ được độ một bát là cùng. Tuyệt vời nhất của rừng là ong Khoái, làm tổ trên các chạc cây to cao cách mặt đất cỡ năm bảy mét. Giống ong này thân to như cái đầu đũa. Tuy nó chỉ làm tổ có một "kèo", nhưng to như cái nong, mật ong vắt ra sánh vàng, thu được cỡ trên chục lít mật là thường. Nghe kể thôi mà thèm. Anh Sơn bảo cứ yên chí, nếu còn ở rừng thì thể nào cũng có lúc anh ấy dẫn đi "ăn" ong cho mà biết. Tôi tiếc, nhưng cũng mong có ngày đó để mở mang cho biết chứ đúng là dân thành phố, nghe kể chuyện gì về rừng cũng mắt tròn mắt dẹt.

Có bản đồ trong tay mà anh Tuyền còn phải loay hoay đến cả ngày trời mới "lạ nhỉ", "ô kìa" rồi "đây này" để phán đoán chỗ đơn vị đóng quân ngày trước. Dấu vết hầu như chẳng còn gì ngoài mấy cái hầm đã sập, đất lấp gần đầy. Chúng tôi chẳng biết gì, cứ lọ mọ theo sau anh ấy. Phán thế nào thì nghe vậy, chẳng biết đằng nào đúng sai mà lần. Ngay cả dấu vết mấy cái hầm thì cũng có thể đoán là ngày xưa quân ta ở đây thật, nhưng có đúng là cái chỗ ở của C6 và bắn được con gấu không thì chỉ có há mồm chờ nghe anh Tuyền khẳng định. Hy vọng anh tuyền nhớ được là chính. Lại mất một đêm mắc võng trú quân, khơi bếp nấu cơm ăn. Buổi tối chẳng có đèn đóm gì mà bàn bạc, với lại giữa rừng âm u thế này mà không kín đáo thì có khi cũng nguy hiểm. Chúng tôi cứ việc ngủ ngon, chỉ có anh Tuyền là trằn trọc để suy tính và phán đoán tiếp vì trách nhiệm bây giờ đặt lên vai anh ấy là chính.

Sáng hôm sau, anh Tuyền bảo, "chỉ có chỗ này thôi chúng mày ạ. Vì cả C chỉ ở tập trung chứ có đi đâu nữa đâu". Chúng tôi ăn cơm, không nói gì nhiều để cho anh ấy đỡ rối. Cơm nước xong rồi, anh Tuyền lại phải lấy giấy bút ra vẽ lại từ trong trí nhớ cái sơ đồ đại đội đóng quân ngày đó. "C bộ chỗ này, các B những chỗ này, bọn cối 60 đằng kia, còn phía suối là bếp anh nuôi..."

Theo tôi cái may nhất là bếp anh nuôi bao gờ cũng bố trí ở gần suối, dù cho đó là suối to rộng hàng chục mét hay chỉ là cái lạch nước rộng hơn chục phân. Khi tìm được chỗ đóng quân của đại đội rồi, thì cứ men theo suối mà xác định chỗ bếp anh nuôi. Chỉ phiền một nỗi là nhiều khi anh nuôi C tôi chỉ làm bếp Hoàng Cầm "một nửa", nghĩa là bỏ đi phần hầm om và thông khói, nên dấu vết còn lại của nó sau hai năm thật mờ nhạt. Nói thì vậy, nhưng tốt hơn là phải làm. Thế là theo trí nhớ và phán đoán của anh Tuyền, chúng tôi hùng hục đào chỗ anh ấy chỉ. Đào rộng đến hai mét, xới sâu một mét. Không thấy lại đào rộng tiếp. Chỗ này không thấy, anh Tuyền lại nhăn trán nhớ, đoán rồi lại chỉ chỗ khác. Cứ thế cả ngày hôm ấy chúng tôi đào có tới bốn chỗ khác nhau. Tới chỗ cuối cùng, anh Sơn bóp đất và phán là "có cái gì đó giống xương chúng mày ạ". Thế là mừng rú và lại hăm hở đào, bọc cả mấy bọc đất lại và đem ra suối đãi.

Chẳng ai có kinh nghiệm về món "xương cốt học", thành ra cứ đào và đãi thấy xương là mừng rồi. Tôi cũng "ù ù, cạc cạc" về cái khoản xương này nên cứ cắm đầu làm. Nói dại chứ nếu ngày trước ở đây ngoài chuyện thịt con gấu mà đơn vị còn làm thịt cả lợn nữa (Lợn mua của dân do hậu cần D cung cấp), thì trong cái đám xương nháo nhào này cũng không thể phân biệt được đâu là xương lợn, đâu là xương gấu. Thôi cứ coi như xương gấu đi cho nó vui vẻ, mọi chuyện khác, hậu xét. Tôi không nói ra nhưng thầm nghĩ trong bụng, nếu không tìm ra chính xác xương gấu thì cái tội này cũng chẳng thể khép vào mục nào được. Nước sông, công lính, nhiều lúc cũng phải đổ đi chứ có phải lúc nào cũng dùng được đâu. Chắc các anh khác cũng nghĩ thầm như thế, nên tối đó chúng tôi lại vui vẻ nấu cháo nốt nửa cái đuôi hoẵng liên hoan. Buổi tối quấn thuốc rê hút mù trời.

Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành, chúng tôi lên đường trở về hậu cứ. Những ngày thảnh thơi và tự do sắp chấm hết, chuẩn bị chui vào khuôn phép. Lúc đi thì thấy dài chứ lúc về mau lắm. Cứ theo các đường xe bò liên bản của dân mà đi. Lúc về chúng tôi toàn nghỉ đêm trong bản dân, vừa đỡ phải canh gác, vừa xin cái ăn. Lúc này gạo chúng tôi mang theo đã cạn. Được cái dân Lào mến khách và có phong tục lạ nhưng lại hay. Buổi sáng dậy họ thường nấu xôi và cho vào những cái "tuyp" nhỏ (đan bằng tre, kích thước na ná như cái cặp lồng của ta). Mỗi người một "tuýp" ăn trong cả ngày. Thế nhưng không bao giờ họ ăn hết sạch, mà thường để lại dưới đáy "tuýp" một nắm nhỏ to cỡ quả trứng vịt. Đó là do phong tục, với quan niệm rằng làm như thế để của ăn "không bao giờ hết" đối với họ. Chỗ xôi ấy họ dùng tiếp vào nồi xôi sáng sau, nhưng nếu có khách thì họ lại có thể đem cho hết mà không có vấn đề gì. Vậy là chúng tôi vào cuối chiều rẽ lại dừng chân ở bản, thì chỉ xin vài nhà là đủ ăn cho cả bọn. Thức ăn thì chúng tôi tự lo, chấm muối hoặc ăn thịt của mình mang theo. Dân Lào họ cũng có món chấm, nhưng lính ta không quen. Món "Phà đẹt" nổi tiếng (na ná như món "bò hóc" của Campuchia) thực chất là một loại thịt ươn thối vì ướp rất ít muối, ngửi nó có mùi khăn khẳn thì dù đói cũng khó mà nuốt được. Còn món chấm đơn giản khác là bắt bất cứ con côn trùng gì (Dân Lào rất thích bọ hung và bọ xít). đem vặt cánh rồi giã sống với muối và ớt thành một thứ hỗn hợp ươn ướt rồi vê xôi chấm ăn, thì chúng tôi cũng thấy nó tanh ngòm, ghê ghê.

Những buổi trưa, chúng tôi dừng chân nấu gần nương của dân. Vừa dễ kiếm rau, vừa dễ tự nhiên thưởng thức. Nói chung, lấy các thứ rau quả của dân Lào mà chỉ tỉa, đừng vặt trụi kiểu "hủy diệt" thì cũng chẳng có ai kêu.

Chúng tôi về đến nhà, nộp mấy túi xương lên tiểu đoàn để chuyển lên trạm xá trung đoàn. Nhiệm vụ coi như xong.

Về sau, trạmxá trung đoàn có nấu cao thật. Không có ai kêu ca xuống dưới về các loại xươngthú mà các đơn vị mang về nộp. Rồi y tá mỗi đại đội cũng được phát một lạngcao. Cục cao to gần như bao thuốc lá, màu nâu nhạt, hơi dẻo như cái đế dép bằngkếp. Nhưng các anh dân tộc xem rồi bảo đây là cao toàn tính, chắc nấu ra từnguyên thân những con khỉ. Có thể do xương thú ít quá không đủ nấu nhiều, nêntrung đoàn phải nấu thêm cao toàn tính để đủ phát tới các đại đội. Cục cao đóvề sau cũng chẳng biết các anh y tá đem ngâm rượu rồi cho những ai uống khinào.

(Chuyện bên lề:


Xin chào bác Trong C6. tôi theo dõi mấy bài gần đây và nhận thấy bác hiểu biết rất nhiều về nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quan đất nước bạn Laos, nhất là những chi tiết sinh hoạt công tác của bộ đội mình. tôi xin bổ xung hai ý sau, mong các bác tham khảo:

- Về hiện tượng đã gặp trong một ngôi chùa và thắc mắc của bác là tại sao toàn thấy sư trẻ con. Theo tôi đó là một tập tục của các dân tộc vùng cao, cũng giống như tập tục của người Khơ me Kampuchea. Đó là tập tục (tu báo hiếu). Theo truyền thuyết, nguồn gốc việc tu báo hiếu của người Khmer xuất phát từ câu chuyện về hai mẹ con người Khmer. Vì chồng mất sớm nên người mẹ trong câu chuyện này phải thay cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Là một đứa trẻ thông minh, có lòng nhân từ nên từ nhỏ khi thấy mẹ sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma - đứa con trai - đã trốn mẹ lên chùa gần nhà để xin được đi tu nhằm phần nào hóa giải tội lỗi giúp mẹ. Khi người mẹ chết, linh hồn của bà đã không bị quỷ dữ hành hạ dù bà đã sát sinh rất nhiều khi còn sống. Bà có được sự may mắn đó chính là nhờ đức độ tu hành của con mình đã giúp bà hóa giải những tội lỗi. Từ đó câu chuyện cảm động, người con trai Khmer đến tuổi trưởng thành đều đến chùa tu một thời gian để tạo phước báu cho cha mẹ như một cách báo hiếu công sinh thành dưỡng dục. theo đó những người con trai, để cộng đồng công nhận trưởng thành thì phải qua thời gian xuất giá, xuống tóc tu hành tại một ngôi chùa trong khu vực. Trước đây thời gian tu báo hiếu có thể tới mười năm nhưng nay do nhiều yếu tố tác động xã hội như hoàn cảnh mỗi gia đình, khả năng kinh tế và tác động những vấn đề cộng đồng xã hội mà thời gian tu có du di phù hợp, thậm chí từ lúc làm lễ nhập tu đến lúc hoàn tục chỉ có hai mươi bốn giờ đồng hồ.

- Vấn đề thứ hai là các loại xương thú mà các bác nhặtđãi trong đất chắc không còn giữ được các chất vì nó đã bị phân hủy do môitrường, còn cái loại cao mà cấp trên phát về cho quân y mỗi đại đội, có lẽ làcao trăn, cao khỉ hoặc một hay nhiều loại thú nhỏ và với kĩ thuật nấu (tồntính) với thời gian khoảng ba ngày, loạinày tôi đã thực hành trên sáu tấn trăn tươi và khoảng vài trăm con cháu họ tôngià rụng hết răng ở biển hồ Kampuchea. Nói chung tác dụng dược lý cũng rất tốttùy loại ứng vào lục phủ ngũ tạng (can, tâm, tỳ, phế, thận) của cơ thể con người, nhưng chủ yếu bồi bổ,nâng cao thể tạng, mạnh gân cốt, hoặc tăng sinh lực. Riêng kĩ thuật nấu cao CỐT thì nhiêu khê và tốnnhiều thời gian(7 ngày), thậm chí đến giờ phút chót có thể hỏng hoàn toàn.

- Mà người Lào quả là nhân ái các bác ạ. Trước đã vậy và giờ cũng thế thôi. Chính sách của họ luôn ôn hòa, không có giọng điệu hung hăng bao giờ. Xin kể thêm 2 chuyện này để biết sống với họ dễ chịu ra sao.


1. Tụi thằng Khiêm (hỏa lực) một lần đi công tác lẻ có nghỉ mấy ngày ở bản dân. Hai ngày đầu, cứ mỗi chiều, chủ nhà đi nương về lại vác cho chúng nó một cây mía tím to tướng. Mỗi thằng được hai tấm cũng đủ rửa răng.

Ngày thứ ba, chúng nó lần mò ra nương dân phát hiện ở một góc nương có bụi mía tím độ dăm cây. Chúng nó hạ xuống chén sạch.

Thế mà chiều về chúng nó còn hỏi khi không thấy chủ nhà mang mía về như hai hôm trước. Chủ nhà bảo: "Lúc chiều thấy bộ đội Việt ở ngoài nương đã ăn hết sạch cả mía rồi mà. Lúc ấy thấy bộ đội có súng nên sợ không dám ra nói".

Tụi thằng Khiêm im lặng, chắc lúc đó chỉ mong chui xuống đất. Tối đó ba thằng khăn gói xin phép chủ nhà đi thẳng, chuồn sang bản khác.

2. Lúc ở Bản Bun Thẹ với dân, thấy họ có vườn cam. Vì không phải bản bỏ nên hai chúng tôi không thể tự nhiên hái. Anh Hành cùng đi giả vờ hỏi: "Đây là quả gì, có ăn được không", rồi là "Ở VN không có loại quả này". Dân Lào thật thà nói tên quả rồi còn hướng dẫn cách ăn thử. Sau cùng là hái cho dăm quả cam to mang về cho mở mang thêm kiến thức, biết thêm một thứ quả của Lào mà VN không có (!?).

Thật đúng là Việt "gian".

Dân Lào họ thế đấy các bác ạ, chứ như vớ phải người dân tộc ở Tây nguyên hay vùng Trị Thiên thì "ăn" đủ. Mà đúng là sau này chúng tôi gặp được bài học nhớ đời thật)


Trong thời gian nhóm chúng tôi đi công tác tìm xương hổ, anh Trịnh cũng phải chỉ huy một tốp 5 lính đi công tác lẻ. Các anh ấy đi có một tuần, đi sau mà về sớm hơn chúng tôi. Nhiệm vụ kể ra cho biết thôi chứ cũng chẳng biết gọi là gì.

Số là một số thủ trưởng trung đoàn tôi được đi phép ra Bắc. Có thủ trưởng còn kết hợp về quê để cưới vợ. Chiến trường chẳng có quà gì, nhưng chả lẽ về thăm quê mà tay không. Thế là tiện có tiêu chuẩn đi xe riêng loại Com-măng-ca, mùa khô lại đang đến rồi, đường dễ đi, không phải tự thân mang vác nên các thủ trưởng nhớ ra món dù hàng. Của này thì lính D tôi gặp vô khối ngoài Saravan trong chiến dịch năm trước. Trận Paksoong hồi Tết 1973 cũng có nhiều. Thế là các tiểu đoàn cử lính đi tìm về. Anh Trịnh chọn đi hướng Saravan vì còn nhớ có những bãi đất địch đóng quân dã ngoại khi trước, lúc chúng rút đi chúng tôi qua đã gặp hàng đống dù hàng (dù caro xám) đã bó gập gọn vứt lăn lóc. Lúc đó đang đánh nhau, ai cũng có đủ dù dùng cho nhu cầu cá nhân rồi nên chẳng lấy thêm làm gì cho nặng. Bây giờ lại là lúc cần, thế là lên đường.

Mò mẫm, loay hoay tìm theo khoanh vùng trên bản đồ từ nhà, nhóm anh Trịnh rồi cũng tìm thấy bãi đất có dù khi trước. Vải dù là loại pha nilon nên vứt đó cả năm chỉ bụi bẩn thôi chứ không hỏng. Hơi sức đâu mà giặt dù và chờ phơi khô, thế là các anh ấy chọn những cái vừa ý, bó chặt lại và mang về. Dù hàng mỏng mảnh thế nhưng khi xòe ra che kín cả cái sân rộng nên cũng nặng. Mỗi người "thồ" hai cái mà toát hết mồ hôi. Cuối cùng, cũng hoàn thành một nhiệm vụ "nước sông, công lính".

Không phải cuộc sống của chúng tôi khi đó cứ bình lặng mãi, mà đã xuất hiện mầm mống của sóng gió. Người lính sống chết quên mình nơi chiến trận cho nhiệm vụ, song mặt sau của nó không thể không quan tâm.

Cuối tháng 9, các nhóm lính ra dự Đại hội thi đua của Đoàn 559 và được kết hợp về phép đã lục tục trở lại đơn vị. Chuyện hậu phương là điểm sôi nổi nhất trong những buổi sinh hoạt tập thể của đại đội ở hội trường. Những người được may mắn về phép thì quá vui rồi. Có anh đã tranh thủ tìm hiểu và lấy được vợ chỉ trong vòng non tháng phép. Đồng hương cũng vui lây vì có nhiều tin tức từ quê nhà.

Tôi nghe đài cũng có biết trong đợt máy bay B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội tháng 12/1972 đã thả bom trúng phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai. Nhà tôi nằm kẹp giữa hai khu vực đó nên cũng thấy lo lắm, nhất là mãi mà chưa nhận được thư nhà, dù đã viết về cả dăm lá. Gặp anh Ca, y tá đại đội, quê Hà Bắc đi phép đợt này vào, tôi bám lấy hỏi thăm. Anh ấy không thạo Hà Nội lắm nên nghe tôi tả khu vực nhà tôi mà mãi anh ấy vẫn không hiểu ra. Sau cùng tôi hỏi anh:"Thế cảnh quan tính từ ga Hàng cỏ đi ra, ngồi trên tàu hỏa anh thấy hai bên thế nào". Anh ấy bảo: "Ối giời ơi, từ ga Hàng cỏ đi ra nhìn thông thống đến công viên Thống Nhất. Hai bên đường toàn ruộng và bãi đất trống. Chả còn nhận ra cái bệnh viện Bạch Mai nó nằm chỗ nào". Thế là gay rồi. Tôi thừ người ra, không dám hỏi thêm nữa, lòng nặng trĩu. Tôi buồn cả tuần, lầm lì chả muốn nói chuyện với ai. Trong lòng lúc nào cũng thấy nóng và trống vắng.

Nửa tháng sau, may quá, tôi nhận được thư nhà. Bố tôi kể tỉ mỉ những chỗ bị bom B52 ở Hà Nội. Rất may khu nhà tôi ở không làm sao cả. Gia đình tôi tại thời điểm đó cũng sơ tán lên Vĩnh Phúc, nên hoàn toàn bình an. Tôi nhẹ cả người.

Không chỉ tôi mà lính tráng trong C hầu như ai cũng có thư nhà. Nhiều người vui vẻ và phấn khởi như tôi, nhưng có nhiều thằng buồn. Có mấy thằng quê Hà Tây và Nam Hà, gia đình thông báo là chúng nó đi Nam chỉ có mấy tháng đầu là gia đình nhận được tiền trợ cấp. Chả là khi đó loại lính binh nhì như chúng tôi đi B thì ở nhà mỗi tháng gia đình nhận được 10 đồng tiền trợ cấp đi B. So với lương kỹ sư 63 đồng một tháng thì chẳng đáng là bao. Chỉ có sĩ quan thì được trợ cấp nguyên lương, đủ để vợ con ở nhà sinh sống. Gia đình tôi và gia đình lính Hà Nội nói chung là nhận đủ, có lẽ là gần Trung ương và khi đó còn ít cái tệ nạn địa phương cường quyền, nên người ta chấp hành nghiêm chỉnh. Ở mấy vùng nông thôn và rơi vào trường hợp tôi kể, chính quyền địa phương không biết nghe từ đâu mà loan tin là chúng nó đào ngũ, đầu hàng địch rồi, thế là cắt trợ cấp. Tiền rợ cấp đã không được nhận mà còn mang tiếng với làng nước. Gia đình chúng nó viết thư vào kể, bức xúc lắm. Họ kể cả chuyện có đem mấy cái thư của con gửi về trình lên xã để chứng tỏ con họ vẫn đang chiến đấu ở miền Nam, nhưng địa phương không chấp nhận với bằng chứng là mấy cái thư đó. Mấy thằng lính đó bực bội, đứng ngồi không yên, chẳng muốn tập tành, sinh hoạt gì. Có thằng còn có nguyện vọng là về được ngay được nhà, đem theo khẩu AK lên xã xả mấy băng vào bọn ở Ủy ban cho nó hả giận. Không riêng ở C tôi, các C khác cũng lác đác có chuyện đó. Thế là các lính ấy tìm cách gặp nhau rồi đồng loạt đề nghị lên tiểu đoàn, trung đoàn. Xác định chuyện này có thật và ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm và sức chiến đấu của bộ đội, về sau Ban chính trị Trung đoàn phải cử cán bộ đem theo giấy tờ đầy đủ về tận từng địa phương đó minh oan và đòi lại chính sách cho anh em thì tình hình mới dần yên được.

Đấy là chuyện quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương đã để xảy ra điều đáng tiếc. Trong nội bộ trung đoàn cũng có chuyện. Ở một C của K16, không hiểu từ đâu và từ lúc nào nảy ra mâu thuẫn giữa một thằng lính và chính trị viên đại đội ấy. Cán bộ chính trị chứ không phải quân sự, thế mới phiền. Thằng lính quyết tâm trả thù bằng máu. Nó kiếm một quả lựu đạn M67, đến đêm bò vào lán BCH đại đội cài vào chân giường. Giường làm bằng phên tre cả dãy dài. Lớ ngớ thế nào ban đêm một thằng liên lạc mò dậy đi giải, vấp phải dây cài. Nó bị vướng chân, nhảy vấp và lao ra ngoài cửa, kéo giật quả lưu đạn văng ra đó. May là quả lưu đạn loại 2 ngấn nên văng ra ngoài cửa mới nổ. Thằng liên lạc bị thương vào chân, còn BCH đại đội chỉ giật mình phát hoảng chứ không ai làm sao. Cả đại đội báo động và nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Thằng lính cài lựu đạn bị vệ binh trung đoàn xuống bắt giải đi, còn chính trị viên C đó về sau phải điều lên Ban Thanh niên trung đoàn. Đấy cũng là một bài học kinh nghiệm cho các cán bộ chỉ huy. Thế cho nên nói rằng trong chiến trường, tình cảm quan và lính phải như anh em gắn bó sống chết có nhau là hoàn toàn đúng và có cơ sở.

Gần cuối tháng 9/1973, chúng tôi nhận một đợt tân binh Hà tĩnh. May là năm ngoái chúng tôi đã nhận một đợt tân binh Nghệ an ngoài Saravan nên cũng đã làm quen nhiều với thổ ngữ khu Bốn. Tuy thế nhưng nhiều khi chúng nó nói chuyện riêng với nhau, nói nhanh mình cũng không hiểu, đành lờ đi coi như không biết. Lính Hà Tĩnh có đủ dân vùng biển lẫn dân vùng núi. Bọn vùng núi có vẻ cứng cáp hơn. Đơn giản hơn vì chúng nó quen núi rừng, bây giờ lại vào rừng thì cũng chẳng phải ngơ ngác gì. Bọn ngoài vùng biển thì dè dặt hơn. Mấy ngày đầu về đại đội, chúng nó được phân về các trung đội để học chính trị chung, kết hợp chờ biên chế vì lính cũ chúng tôi cũng cần phải biên chế lại. Thế là mình cũng thành lính cũ rồi đấy, hơi oách trong con mắt chúng nó. Chúng nó kể nhiều chuyện ở quê rất hay, nhưng điều đáng để tôi phải nghĩ là nhiều thằng nói "đi bộ đội sướng hơn ở nhà". Chỉ xét về hai khía cạnh là ăn và mặc thôi. Bộ đội được mặc đầy đủ và ăn no. Ở nhà đói lắm, nhiều đứa kể cảnh nhà mà tôi không muốn tin, vì nó phảng phất hình ảnh gia đình chị Dậu trong tiểu thuyết "Tắt đèn". Không ngờ người dân khu Bốn trong chiến tranh có nhiều vùng khổ thế.

Đầu tháng 10/1973, tôi lại đi công tác lẻ một chuyến nữa vào Cao nguyên Boloven. Gọi là đi lẻ nhưng thực ra cả đoàn rất đông, tới hơn hai chục người gom từ các đại đội lên, lập thành một đoàn do chính trị viên tiểu đoàn V.B. Thịnh chỉ huy. Chúng tôi vào Cao nguyên làm chính sách, thực chất là đi bốc mộ để quy tập liệt sĩ từ những trận đánh hay chiến dịch nhỏ khi trước, tập trung lại một nghĩa trang lớn rồi bàn giao sơ đồ cho Ban chính sách sư đoàn. Trung đoàn phải làm việc này trước khi chuyển địa bàn. Chuyển địa bàn đi đâu thì cũng chưa rõ.

Theo sơ đồ chôn cất liệt sĩ của các đại đội mà tiểu đoàn nắm được, chúng tôi lần lượt đến từng khu vực có mộ liệt sĩ. Nhiệm vụ là bốc mộ, gói vào thành từng túi nilon, sau đó gùi ra một khu vực định sẵn ngoài Saravan rồi chôn lại, trong từng bọc cốt có hộp nhựa đựng giấy ghi rõ thông tin về từng liệt sĩ. Nói gọn thì như vậy, nhưng cụ thể cũng nhiều chuyện lắm. Các mộ chôn lâu hoặc chỉ quấn một lượt võng thôi thì việc bốc cốt bình thường. Mỗi mộ liệt sĩ được cấp 2 lít rượu để rửa xương. Có liệt sĩ khi chôn còn nguyên dày dép, xanh-tuya-rong, thậm chí cả bao xe có băng đạn. Chắc là lúc đó đang đánh nhau ác liệt nên chôn vội vàng. Các lính nhà ta rửa cốt rất tiết kiệm, để có rượu dôi ra uống. Về sau tiêu chuẩn rút xuống mỗi mộ LS chỉ có một lít, thế mà các anh vẫn có rượu uống mới tài. Số mộ mà thịt tan hết chỉ còn cốt rất ít. Đa phần là mộ chôn mới khoảng trên một năm, hay những mộ chôn nơi đất khô, bó chặt trong tấm tăng thì còn dính thịt rất nhiều. Nhiều mộ phải dùng dao để rọc và cạo tách thịt để lấy xương. Lúc đầu cũng thấy hơi chờn, sau rồi thấy người khác bạo, tôi mới bạo theo được bằng cách rửa tay bằng rượu rồi tợp bừa một ngụm. Có rượu, hình như người ta bạo dạn hơn. Thảo nào mà các anh ấy cứ bớt rượu làm chính sách ra để uống. Khoản rượu này chúng tôi phải mua từ trong bản dân, gần với vùng mình làm nhiệm vụ.

Vòng đi đảo lại nhiều lần chúng tôi mới quy tập hết được các liệt sĩ về một nơi chung. Khu vực này dùng cho cả trung đoàn nên chúng tôi cũng gặp nhiều đồng đội làm nhiệm vụ tương tự ớ các tiểu đoàn khác. Chừng ba tuần thì mọi việc xong xuôi.

Mấy ngày cuối cùng của đợt công tác thì lại xảy ra một chuyện khá buồn.

Hôm đó chúng tôi nghỉ đêm lại tại bản Xăm-xi-nuc "may". Bản có ít dân, là chỗ quen thuộc của chúng tôi từ hai năm trước. Đông người nên chúng tôi phải chia ra xin ngủ ở nhiều nhà dân. Hình như đây là quyết định sai lầm của trưởng đoàn khi không để chúng tôi mắc võng ngủ ngoài rừng. Một đêm mệt mỏi và không canh gác trôi qua. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, nấu cơm sáng ăn và chia tay dân bản. Bỗng nhiên có một người dân bản đến báo cho anh Thịnh biết là họ bị mất một chiếc đài bán dẫn 3 băng hiệu National. Tối qua họ vẫn bật đài nghe, nhưng sáng nay dậy không thấy đâu cả. Anh Thịnh liền tập trung cả đoàn kéo ra rìa bản họp, làm công tác tư tưởng và động viên người lấy trộm trả lại cho dân. Tất cả ngồi im, không ai nhận. Chúng tôi quyết định cùng kiểm tra quân tư trang của tất cả. Sau mấy chục phút không có kết quả, anh Thịnh đến nói gì đó với người dân, rồi chúng tôi lên đường. Tôi nghĩ là anh Thịnh đã lấy tiền công tác phí để đền cho dân.

Chúng tôi lên đường, anh Thịnh đi giữa đoàn quân, không nói năng gì. Không khí trầm lắng nặng nề, không có chút khí sắc gì như mọi ngày. Sau chừng hai tiếng đồng hồ, đã đi được khá xa, tới một bãi đất trống, anh Thịnh cho dừng lại nghỉ rồi phát lệnh kiểm tra quân trang. Chúng tôi chấp hành nhưng có người tỏ ra khó chịu. Thế mà không ngờ, trong ba lô của anh T. ở C tôi lại tòi ra một cái đài đúng hiệu National quấn trong một mảnh dù. Hóa ra đêm qua anh T. mò vào nhà dân lấy cái đài rồi đem đi một đoạn đường rất xa, giấu vào bụi. Hôm nay trong lúc hành quân, qua chỗ dấu anh ấy bí mật lấy cái đài cho vào balo. Anh Thịnh chắc đã dự tính từ trước chuyện này nên phải đi rất xa, chắc chắn người lấy trộm đã thu hồi lại chiếc đài, mới cho dừng chân. Khỏi phải nói chúng tôi bực mình và anh T. ngượng nghịu thế nào.

Anh Thịnh cho tất cả dừng lại nghỉ luôn tại cánh rừng cạnh đó, mắc tăng võng đàng hoàng và chuẩn bị cơm chiều. Một nhóm ba người gồm anh Thịnh, tôi và anh T. quay lại bản Xăm-xi-nuc "may". Chúng tôi trả đài cho dân, anh T. xin lỗi họ rồi anh Thịnh giải thích thêm nhiều điều nữa để người dân thông cảm. Chúng tôi trở lại chỗ mọi người dừng chân. Thế là hôm đó cả đoàn được nghỉ ngơi dài, còn ba chúng tôi đã phải đi bộ tới sáu tiếng đồng hồ, đủ mệt.

Sau chuyến công tác đó, tiểu đoàn chỉ thị cho C tôi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm. Anh T, bị khai trừ Đoàn. Cuối năm đó, anh ấy được xuất ngũ ra Bắc vì nhập ngũ cũng đã được sáu năm rồi. May mà không bị tước quân tịch.

Câu chuyện này về sau trong C tôi ít nhắc lại vì mọi người cũng muốn quên đi. Chỉ có một lần, mãi sau chiến tranh, anh Thịnh lúc đó đã lên chính trị viên tiểu đoàn, có nhắc lại trong một lần học tập chính trị để minh họa cho một chân lý: "Con người ta nhiều khi chiến đấu quên thân mình, bom đạn không quật ngã được, nhưng lại bị ngã bởi cám dỗ vật chất tầm thường".


Nam Lào đã bước vào cuối tháng 9. Mùa mưa ở Lào đến sớm hơn mùa mưa ở miền Nam VN một tháng thì cũng kết thúc sơm hơn một tháng, vì thế bây giờ đã là cuối mùa mưa. Những ngày không mưa và có nắng nhiều hơn. Đường đi lối lại trong đơn vị đã bớt ẩm ướt.

Tuy thế, vì áp lưng vào dãy Trường Sơn (nhiều khi không thể phân biệt rõ ranh giới giữa dãy Trường Sơn và những cánh rừng Lào, cũng như dãy Trường Sơn và những cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên đất đỏ vậy), nên vẫn còn những trận mưa cuối mùa. Mưa cuối mùa tuy không dai dẳng, nhưng có khi tầm tã không kém.

Chúng tôi làm được nhiều việc hơn, từ tập tành đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chứ không phải chỉ ngồi co ro trong lán học và thảo luận hết bài chính trị này đến bài chính trị khác. Mục làm bích báo thi gữa các trung đội là rôm rả nhất. Có bọn tân binh mới vào, không khí huấn luyện còn đang hừng hực, lại thêm cảnh vật và điều kiện chiến trường có nhiều cái lạ nên ở B nào cũng hào hứng cảnh làm bích báo và tập văn nghệ, chủ yếu là hát hò.

Bọn lính cũ thì giở vài mẹo vặt làm mấy bài thơ con cóc ôn lại những câu chuyện chiến đấu đã qua để góp vui cùng đám lính mới vào. Xin ghi lại một vài bài bích báo đó mà tôi có dịp chép và giữ lại.

Vở chèo đánh trận

Năm xưa miệng hát tay đàn,

Lời thơ tiếng hát ngân vang quê nhà.

Rộn ràng náo nức lời ca

Giục lòng tuổi trẻ xông ra trận tiền.

Tháng ngày chiến đấu liên miên,

Diệt địch nối liền mảnh đất quê ta.

Xuân này Quý Sửu bảy ba,

Tiếng hát quê nhà như vọng bên tai.

Trong đêm đánh địch mồng hai

Vây đánh Pak Sòng, một dải phù cao.

Suốt trận nổ súng hiểm nghèo,

Quản chi, ngỡ cảnh vở chèo năm nao.

Sân khấu: Trận địa, chiến hào.

Phông màn: là cả trăng, sao, đất, trời.

Lo thiếu ánh điện sáng ngời

"Chủ nhiệm pháo sáng" được mời tới ngay.

Khẩn trương làm việc luôn tay,

Từng chùm pháo sáng bắc bay lưng trời.

Hai hàng "hai mươi ly" rơi

Xung quanh trận địa làm nơi kết đèn

"Sập hầm!" cất tiếng đánh xen.

"Diễn viên" ta bèn chớp lấy thời cơ

Chuẩn bị diễn xuất bất ngờ,

Đã sắp tới giờ, còn chút nữa thôi.

Diễn viên thao tác xong rồi,

"Cối, pháo" đổ hồi giục diễn viên ra.

Mở đầu tiết mục đơn ca:

Mìn ta bấm nổ phá ba hàng rào.

Vi vu tiếng sáo vút cao

"Tám lăm" độc tấu ào ào không trung.

"Hăm hai" chẳng kém anh hùng,

U, u như tiếng dương cầm từ xa.

Vù vù, xoèn xoẹt lao qua.

DKB cất tiếng ca góp phần.

"Hai mươi" xoạc vững đôi chân

Ho từng cục lửa xả thân điểm chầu.

Diễn viên xung kích bỗng đâu.

Ào ào xuất trận, đi đầu 40

41 cũng cất tiếng cười.

"Ục, oàng" cấp tập, rền trời tiếng ngân

"Phốc! Oành!" trống cối cá nhân

"Tằng, tằng" giòn giã góp phần: AK.

Hầm tung, địch hóa ra ma.

Diễn viên thừa thế đột qua hàng rào.

Thọc sâu, phát triển đánh vào.

Địch hàng, địch chết ngã nhào từng xâu.

Vở chèo diễn hết đêm thâu

Phông, màn sân khấu rực màu hồng tươi.

Diễn viên "son phấn" đầy người

Sặc mùi khói đạn, tươi cười thu quân.

"Cực nhanh" cùng cối cá nhân,

Máy, bia, dù , thuốc nhanh chân thu về.

Diễn xong kịch, sướng hả hê

Vui mừng chẳng kể chân tay mệt nhoài.

Công sức tập, không phí hoài.

Diễn thành công vở "Diệt loài xâm lăng".

(trận đánh Pak soong 2 tết 1973),


Nhớ tháng 5

Những ngày cuối của mùa khô đã tới,

Rừng mùa khô, trưa inh ỏi tiếng ve

Nẵng chói chang oi bức cảnh trưa hè

Lại gợi lên trong lòng tôi ngày trước.

Nhớ ngày nào còn trên ghế nhà trường,

Đời học sinh với bao điều mơ ước.

Lòng hăng say học tập tiếp từng chương,

Lắng nghe tiếng thày đều đều trên lớp.

Vui những lúc bài làm thông thuộc hết,

Buồn khi bài không hiểu, chẳng làm ra.

Rồi cuối năm hồi hộp chờ kết quả,

Năm học này mình lên lớp hay không...

Năm học qua đi với bao điều mơ mộng,

Là lúc tháng năm, trưa inh ỏi tiếng ve,

Hoa Phượng đỏ báo hiệu đã tới hè,

Cùng bạn bè chia tay mỗi người đi một ngả.

*

Đời quân nhân đến với tôi mau quá,

Sách bút ngày nào, giờ đã súng cầm tay

Trong chiến trường chiến đấu suốt đêm ngày

Ta với địch giành nhau từng tấc đất.

Cuộc chiến đấu chỉ một còn một mất,

Đã cuốn tôi đi khắp đất Nam Lào.

Mười bốn tháng trời, ôi nhớ làm sao:

Từng bản làng, từng khu rừng, con suối

Nhớ những lúc hành quân đêm trời tối,

Hay lúc xung phong đột phá hàng rào,

Hoặc đêm chốt ngồi ngắm cảnh trăng sao,

Đời lính chiến vui buồn trong khói thuốc.

Phải trải sống những ngày xa đất nước,

Vẫn ngoan cường trong thử thách gian nguy.

Sống và chết, người lính chẳng nghĩ suy,

Vào chiến trận nghĩ làm gì cho nhọc.

Đường người chiến binh đi không tiếng khóc

Hướng ra đi là giải phóng quê nhà

Quét sạch quân thù ra khỏi quê ta,

Với sức mạnh không gì ngăn ta được.

*

Giờ thanh bình đã về trên đất nước,

Mùa hè về với cảnh vật xôn xao

Làm cho lòng tôi bỗng thấy nao nao

Nhớ tháng năm vào hè, nay và trước.

(Keng Nhao 5/1973)


Sau chuyến công tác lẻ thứ hai của tôi ít hôm, Trung đoàn chúng tôi được xả hơi, đón lãnh đạo sư đoàn về thăm và có cả văn công (còn gọi là đội tuyên văn) của sư đoàn về biểu diễn. Một khu vực nương của bản La Vang được trung đoàn mượn và sửa soạn thành một bãi đất rất lớn phục vụ cho tập trung đông người.

Cuộc đón tiếp phó chính ủy sư đoàn 968 Hồ Sĩ L. mộc mạc và đơn giản hơn rất nhiều so với lần tiểu đoàn huấn luyện chúng tôi đón đại tướng tổng tư lệnh về thăm ở Bãi Nai hồi tháng 12/1971. Không cần phải bí mật hay hành quân nghi binh. Chúng tôi được phổ biến cuộc thăm từ trước cả mấy ngày. Ba D bộ binh được tổ chức riêng thành 3 lần, các C trực thuộc thì chia ra ghép vào cùng dự với các tiểu đoàn.

Toàn tiểu đoàn K18, thêm mấy D hỏa lực, trinh sát được đón tiếp trước. Chúng tôi đến bãi đất, hàng ngũ chỉnh tề theo từng C. Súng ống vẫn đầy đủ, bất ly thân. Khẩu AK của tôi vẫn lên nòng sẵn 1 viên như mọi khi. Không có quy định khắt khe đặc biệt gì. Phó Chính ủy cùng đoàn tùy tùng và văn công đi trên mấy cái xe Commangca và Motolova đến từ hôm trước, nghỉ chân tại D bộ. Lúc này cấp trên cũng đi bộ ra bãi đất như chúng tôi. Cuộc viếng thăm không có gì đặc biệt lắm, ngoài hai điều đáng kể.

Một là về phó chính ủy sư đoàn. Ông ấy người khu Bốn, dáng nhỏ con nhưng khỏe khoắn. Ông ấy nói chuyện nhiều, khen ngợi thành tích và động viên chúng tôi. Ông ấy còn đọc thơ tự sáng tác, rồi hỏi chúng tôi "thơ có hay không?". Vài tiếng "có" lác đác. "Hay thế thì phải vỗ tay chứ?"- Nghe ông ấy bảo thể chúng tôi mới chợt nhớ ra là mình đã quên mất phép xã giao. Thế là vỗ tay rào rào. Cao hứng lên, ông ấy lại lôi truyền thống trung đoàn chúng tôi ra nói chuyện và kể về gương của anh hùng Cù Chính Lan diệt xe tăng Pháp ở đường số 6 trong chiến dịch Hòa Bình năm xưa. Chuyện này chúng tôi nghe mãi rồi, có đợt tân binh mới vào nào mà lại không cùng ôn lại nên chúng tôi còn biết rõ là anh hùng Cù Chính Lan năm xưa biên chế thuộc C2 D1 (tức K15 bây giờ) của trung đoàn 9B. Phó chính ủy khoe là người cùng quê và năm xưa cũng nhập ngũ cùng anh Cù Chính Lan. Ông bảo "Tiếc là anh ấy hy sinh chứ không bây giờ thì cũng bằng như tôi". (!)

Thằng Khiêm hỏa lực trung đoàn, không hiểu nghĩ thế nào đột nhiên ngứa ngáy buột miệng:

- "Hơn chứ làm gì đến ạ".

Không ngờ nó ngồi ngay gần hàng đầu, nói hơi to nên phó chính ủy nghe thấy. Ông ấy gọi luôn nó lên trước hàng quân rồi hỏi nó, sao dám phát biểu lung tung vậy. Thằng Khiêm trấn tĩnh một lúc rồi thưa là không có ý gì. Nó nói:

- Thưa thủ trưởng, em chỉ nghĩ là ngày ấy anh Cù Chính Lan đã là anh hùng có tiếng tăm rồi, còn thủ trưởng thì chả ai biết đến, nên nếu còn sống thì bây giờ anh Cù Chính Lan phải chức to hơn thủ trưởng chứ sao chỉ bằng ạ.

Cả đám lính chúng tôi cười vang to tán thưởng, quả có lý thật. Cũng vì lính tráng cả đống cùng cười nên thằng Khiêm mới không bị mắng gì thêm. Nó về hàng quân nhưng biết ý lủi dần ra sau rồi cuối cùng chuồn sang chỗ C tôi. Mấy thằng cùng đoàn Hà Nội chúng tôi lừa lúc mọi người không chú ý cùng chuồn sang nương khác. Bây giờ chúng tôi mới thỏa sức cười vang và tán chuyện tiếu lâm.

Buổi chiều là chương trình văn công. Dân Lào ở bản La Vang cũng đến xem. Văn công sư đoàn chỉ hát và tấu nói, không có múa. Mấy cô văn công gày, nhỏ bé, da xanh rớt vì sốt rét nên giọng hát cũng không được khỏe. Chúng tôi chỉ háo hức vì đã lâu không nhìn thấy con gái Việt nên nhòm ngó thôi chứ thực là vừa nghe hát mà vừa thương. Nghe nói các cô văn công này cũng không phải trường lớp ra mà chủ yếu được chọn từ TNXP, các binh trạm hay các đơn vị thông tin lên. Mấy người dân Lào xem văn công cho vui thôi chứ họ không hiểu tiếng Việt. Họ cũng bàn tán, bảo con gái Việt không bằng con gái Lào. Trai Lào lấy vợ Lào phải "biền tu khoai" (đổi trâu, một hình thức dẫn cưới), nếu lấy gái Việt thế này thì chỉ "biền tu cay" (đổi gà) thôi. Nghe mà thấy thương cho các đồng đội nữ văn công của chúng tôi, phận nữ nhi mà cũng phải vào chiến trường, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, để nhan sắc chóng nhạt phai.

Chương trình của văn công sư đoàn khá đơn điệu. Nửa cuối chương trình có phần sôi nổi hơn nhờ hình thức giao lưu. Lính trong tiểu đoàn chúng tôi cùng lên tham gia trình diễn văn nghệ. Không có tập tành gì nên đơn ca là chính. Thế mà nhiều thằng hát hay, văn công cũng phải thừa nhận. Đám lính Hà Nội mấy thằng còn lên độc tấu ghi ta, độc tấu sáo. Về sau trong một vài lần ở tĩnh tại, chúng nó cũng được rút lên để thành lập đội văn nghệ Trung đoàn, tham gia hội diễn...

Chừng hơn tuần sau, trung đoàn chúng tôi lại nhận thêm một đoàn tân binh Hà Tây. Quân số đơn vị tăng lên trông thấy. Các A, B phải biên chế đủ, không ghép như trước nữa nên tôi được giao làm A trưởng một A. Tiểu đội tôi lúc này có 8 người. Chúng tôi phải nhanh chóng mở rộng thêm lán trại. Tiếp theo là gấp rút học tập về các loại vũ khí địch được dùng trong đơn vị như cối cá nhân M79, Rốc két 66 (M72). Sau đó là học công binh, tôi tự nhiên lại thành giáo viên về môn này trong C. Sau đó chúng tôi còn tập trung thao diễn quy mô cả tiểu đoàn nữa. Chúng tôi phát cả những cánh rừng rất rộng để làm bãi tập chiến thuật.

Chỉ sau chừng mươi ngày tập linh tinh pha trộn các món, chưa ra đâu vào đâu cả thì chúng tôi lại nhận lệnh ra đường 23 làm đường. Đường chỉ là đường đất cũ thôi, nhưng có một số đoạn phải san lấp hố bom có từ trước, mở rộng thêm đường, nhất là có một số đoạn đi qua các bãi đá. Chúng tôi lên xưởng cơ khí của C công binh nhận về đủ các loại dao, cuốc xẻng. Lúc không đánh nhau, ngoài việc huấn luyện gì đó của họ thì C công binh quay ra rèn các loại dụng cụ cho các tiểu đoàn bộ binh. Bễ lửa và lò rèn thổi lửa suốt ngày. Sắt thép do bộ binh tìm từ các trận địa về, đủ loại. Cuốc xẻng công binh trung đoàn tôi rèn rất tốt, nhưng nặng. Bộ binh chúng tôi chỉ thích xẻng Liên-xô đem từ ngoài Bắc vào. Nó to bản, mỏng, nhẹ nhưng rất cứng. Đào đất cao nguyên thì chỉ một tiếng đồng hồ là xong cái hầm cá nhân. Xẻng Liên-xô khi đào hầm mà gặp rễ cây thì xắn rất ngọt, "sụt" một cái là đủ đứt cái rễ cây to bằng ngón chân cái. Nhưng nói về dao tông thì dao của công binh trung đoàn chúng tôi rèn từ nhíp xe ô-tô là vô địch. Dao tông ngoài Bắc, dao quắm dân tộc hay dao tông của Mỹ cũng không sánh bằng. Dao tông Mỹ tuy cứng, nhẹ nhưng khi chặt hay bị lạng. Phát cây vớ vẩn có khi lia cả vào chân. Còn chặt cây to thì chật vật lắm.

C công binh cử người ra đường xác định mốc giới, chỉ định những vị trí vướng đá phải dùng bộc phá, rồi giao cho bộ binh chúng tôi. Phần nổ mìn phá đá thì những thằng đã được học công binh trên trung đoàn chịu trách nhiệm. Cả tiểu đoàn rải ra gần hai chục cây số đường. Kiểu sửa đường như thế này chỉ thích hợp cho xe chạy mùa khô. Mùa mưa chắc lại hỏng hết.

Thời gian làm đường được ăn uống đầy đủ. Thực phẩm chủ yếu là thịt hộp và giò hộp. Rau hái ở các nương gần đó, nhưng nhiều nhất vẫn là chuối, từ cây, hoa đến thân đều được sử dụng. Làm đường được chừng gần ba tuần thì xong, tất cả lại rút về hậu cứ.

Đơn vị quay ra huấn luyện tân binh. Lần này tập trung vào xạ kích và các loại vũ khí mà tân binh ngoài Bắc chưa được dùng. Chúng tôi chỉ tập bài một và hai, còn bài ba ban đêm thì bỏ, vì thực tế chúng tôi cũng có đánh đêm kiểu vây ép bao giờ đâu. Bọn tân binh Hà Tĩnh và Hà Tây đều mới qua huấn luyện chỉ vài tháng nên coi thường chuyện xạ kích. Chúng nó không tin rằng trong đánh nhau, chúng tôi có khi quỳ bắn đấy mà bắn dăm điểm xạ AK vẫn không trúng mục tiêu dù chỉ ở khoảng cách hai, ba chục mét.

Gần nửa đầu tháng 11, chúng tôi đi bắn đạn thật. Mùa khô đã đến rồi, những con đường đất đỏ vùng cao nguyên lại bụi mù mịt (Nơi này thuộc Saravan, nhưng liền sát cao nguyên nên cùng chung thổ nhưỡng đất đỏ badan). Kết quả bắn đạn thật đạt toàn khá giỏi, điều đó cũng dễ hiểu. Chúng tôi còn được bắn đạn thật các loại B40, B41 và M79, M72. Thực ra không phải bắn kiểm tra mà là lính cũ được chỉ định bắn trình diễn cho tân binh xem để làm quen. Phần ném lựu đạn cũng vậy. Lựu đạn US của Mỹ sử dụng đơn giản nên không phải thử. Chúng tôi chỉ trình diễn ném mươi quả lựu đạn chày do tân binh mang vào cho có khí thế thôi. Thú thực đến lúc ấy ném quả lựu đạn chày cũng còn chưa thật thành thục, thầm nghĩ nếu quân đội ta mà cứ trang bị toàn loại này thì cũng chán thật.

Ngày 16/11/1973, đại đội chúng tôi được chuyển hậu cứ. C tôi vốn ở sâu trong rừng nhất. Trong đó rừng rậm, không có dẻo đất rộng mà bằng phẳng để phát thao trường lớn. Lợi thế chỉ có mỗi món măng đủ loại, mà lúc này lại sang mùa khô mất rồi. Chúng tôi hành quân ra hẳn đến vùng bản La Vang, vượt qua bên kia đường 23 tới hơn cây số mới hạ trại. Chỗ ấy là một cánh rừng già, bằng phẳng và có một con suối rộng hiền hòa chảy qua. Từ đường cái vào rừng toàn là lau lách, cao ngút đầu. Được cái là phát đường đi qua bãi lau lách cũng dễ, phát xong thì đường đi lối lại quang quẻ ngay. Chúng tôi chia vị trí và tổ chức làm nhà. Bây giờ quân số đông rồi nên mỗi A phải làm một nhà, kiểu nhà nổi chứ không làm hầm thùng. Đặc biệt là không phải đào hầm chữ A, nhàn nhưng có cái dở là bọn tân binh không được thực hành đào để biết lợi hại của hầm chữ A như thế nào.

Chúng tôi dựng nhà gỗ và lợp tranh. Gỗ rừng không thiếu, đi xa độ hai cây số cũng có tre, bương. Chỉ có cỏ tranh dùng lợp nhà là phải đi xa độ bốn cây số mới có. Lính tráng kể cả tân binh nhiều thằng cũng từng làm nhà kiểu này nên mọi việc rất chạy. Sau mười ngày thì tất cả đã làm xong nhà. Đường đi lối lại trong đại đội cũng được phát quang, sạch sẽ. Vì là rừng già nên toàn bộ doanh trại của đơn vị vẫn được ngụy trang bởi những tán cây rừng. Nhà cửa sạch sẽ, thơm phức.

Ở rừng đốivới lính đồng bằng thì không bị tật nọ cũng chịu tật kia. Trong hậu cứ bản TùmNho thì đường đi nhỏ và dốc, dù phát quang thế nào cũng không tránh được vắt.Vắt nâu, vắt xanh luôn là chủ của rừng rậm mùa mưa, nhất là loại rừng tre, nứa.Chẳng ai ở rừng mà thoát khỏi vắt cắn. Tuy thế, không nguy hiểm dù cho có mấtchút máu. Ra ngoài hậu cứ mới (chúng tôi gọi là hậu cứ La vang) vào mùa khô,hết nạn vắt thì lại gặp nạn bọ, ve của rừng lau lách. Lúc đầu chúng tôi khôngchú ý. Ra bãi tập hay nghỉ ngơi, cứ tiện thể lăn vào đám lau sậy khô mà nằm,lại còn nhẩn nha bóc nõn lau ra nhai cho đỡ buồn mồm. Nhưng lại bị con ve (kiểunhư bọ chó) chui vào người lúc nào không hay. Đặc biệt, chúng không cắn ngaygây đau ngứa như bọ mèo mà nhẹ nhàng lần vào nơi vừa kín vừa ẩm trên cơ thế.Đến lúc thấy ngứa, vạch ra thì con ve đã cắn chặt, chui cả cái đầu vào thịtmình rồi. Chịu khó nhờ nhau, lấy cái kim châm vào mình con ve rồi dùng bật lửahơ cho nó thấy nóng mà nhả ra thì cái nốt sần ấy chỉ ngứa một tháng là lành.Nhưng lúc đầu chúng tôi chưa biết, chưa có kinh nghiệm nên có thằng hấp tấpthấy ngứa quá là cấu giằng con ve vứt ra. Kết quả là chỉ có cái mình con ve togần bằng hạt đỗ xanh đứt rời ra, còn cái đầu của nó vẫn chìm sâu trong da thịtmình. Dùng kim gai nhể thế nào cũng không ra được hết. Cái nốt ấy như một cáinốt chai nổi, cứng, sần sùi và lúc nào cũng ngứa. Phải một năm sau thì da thịtta mới lại thật là của ta. Trong đại đội tôi hầu như ai cũng bị cái nạn này.Bây giờ nhớ lại vẫn thấy ghê. Đúng là rừng luôn có những điều lạ và bất ngờ. 


Hai lần gặp hổ

Trong kháng chiến chống Mỹ, bom đạn của Mỹ nhiều như thế, nhưng cũng chỉ có thể tập trung đánh theo trọng điểm, dù là dày đặc, tập trung vào các cung đường vận chuyển huyết mạch của ta. Rừng Trường Sơn rộng lớn quá nên sau bao năm chiến tranh vẫn có những cánh rừng bạt ngàn còn như nguyên sinh, không hề có dấu chân người.

Những cánh rừng Lào nằm ở phía Tây Trường Sơn cũng vậy. Dân số Lào quá ít, đất nước lại rộng bao la nên làm sao mà người dân có thể đi khắp nơi được. Người Lào không có tập tục du canh du cư nên nương rẫy của họ gần như là cố định, thiên nhiên ưu đãi nên nhiều vùng đất rất phì nhiêu. Có thể nói rừng tái sinh ở Lào rất ít, chỉ như muối bỏ bể so với những cánh rừng già. Có khi bộ đội chúng tôi lại sục sạo nhiều hơn cả người dân Lào trên chính vùng đất của họ ấy chứ. Chúng tôi đã gặp những cánh rừng hoang vu có khi chỉ cách bản của người dân Lào chỉ dăm cây số.

Khi chúng tôi đóng quân ở hậu cứ Tùm Nho thì cái bản dân chưa đến hai chục nóc nhà ấy nằm cách hậu cứ đại đội tôi chỉ một giờ đi đường. Thế mà chỗ chúng tôi đóng quân đã là rừng già rậm rạp. Chúng tôi chính là những người đầu tiên phát rừng thành đường đi vào đó và cũng là người hạ những cây gỗ rừng đầu tiên trong đó để làm nhà. Không có dấu vết gì của người dân trước đó. Xung quanh hậu cứ chúng tôi, bên này suối đá là rừng già đầy rẫy cây cổ thụ, còn bên kia suối là rừng tre, bương. Đi xa hơn vào đó thì lại là rừng già.

Con đường từ hậu cứ đại đội chúng tôi lên tiểu đoàn bộ phải đi ngang qua nương dân của bản Tùm Nho. Chỗ ấy, nương dân nằm sát rừng già. Dọc theo con đường chúng tôi đi có nhiều đoạn dốc, qua nhiều suối nhỏ.

Một lần tôi cùng anh Thiết quản lý lên Tiểu đoàn bộ nhận thực phẩm cho đại đội. Chả có gì nhiều, chỉ là một cái hũ mắm tôm khô, mình tôi cùi là đủ. Lúc đi hai người nhưng lúc về, anh Thiết lại bảo tôi về trước, anh ấy còn nán lại hậu cần tiểu đoàn tán chuyện gạ xin cấp thêm ít thịt hộp. Chả nghĩ gì nhiều, tôi cùi hàng và khoác súng ra về. Đoạn đường từ đại đội tôi lên tiểu đoàn, tôi đã đi mãi rồi, thời gian này lại đang đình chiến, mấy tháng trời yên ổn nên tôi cũng không lo chuyện gặp địch. Vả lại thằng lính cứ hễ có súng trong tay thì yên tâm tăng lên gấp đôi rồi. Chỉ phải cái trời mưa to quá, đi một mình hay buồn và phải cẩn thận lúc qua suối.

Qua khỏi nương bản Tùm Nho chừng một cây số, tôi dừng lại nghỉ và ngồi lên một cái rễ cây nổi trên một đầu dốc, che áo mưa quấn một điếu thuốc sâu kèn châm lửa hút. Trời mưa lành lạnh thế này có điếu thuốc thấy ấm lòng lắm. Vừa thả khói vào trong làn mưa dày trước mặt, tôi vừa lơ đãng nhìn xuống phía cuối dốc.

Bỗng thoáng một bóng đen gì đó nhoáng qua đường phía cuối dốc. Thám báo! Tôi vội nhè ngay mẩu thuốc hút dở, xoay người nép vào gốc cây và bật nhanh chốt an toàn khẩu AK. Tôi căng mắt nhìn xuống phía dốc, dỏng tai nghe ngóng chờ bóng tên thám báo thứ hai. Địch nó cũng phải đi theo tốp ba tên, chí ít cũng hai tên chứ không chỉ có một. Bắn luôn hay theo dõi đã? Chờ một lúc lâu nữa vẫn không thấy thêm động tĩnh gì, tôi đâm phân vân. Đi tiếp về đại đội hay quay lại tiểu đoàn báo cáo xin người lùng sục tìm địch. Ôi giá có anh Thiết đi cùng lúc này thì hay biết bao nhiêu. Mọi khi anh em trong đại đội nếu có đi công tác lẻ vẫn đi cùng nhau, hôm nay dở hơi thế nào mà anh Thiết lại bỏ tôi một mình thế này.

Chờ khá lâu vẫn không thấy thêm động tĩnh gì, tôi lại tự dằn vặt mình. Làm quái gì có thám báo ở đây nhỉ. Chỗ này cách khu vực địch xa lắm, lại có cái thế quân sự gì đâu mà địch nó mò vào đây. Bây giờ quay lại tiểu đoàn bộ báo tin, quân ta ra lùng sục không có gì lại gán cho tôi "mắt to hơn người" thì quá tội. Thôi, cứ lên đường tiếp tục về đại đội cho xong. Thế là tay lăm lăm AK, thận trọng từng bước tôi mò xuống dốc. Tới cái chỗ thoáng thấy bóng đen lúc trước, tôi cẩn trọng hơn và cố quan sát tìm dấu vết. Tôi phát hiện thấy hình như có dấu chân mờ của một con thú nào đó trên nền đất ướt cạnh đường. Tôi thoáng nghĩ nhanh tới hổ. Bỏ mẹ, rừng già mà đi trong mưa thế này chỉ có hổ thôi chứ còn con gì khác nữa. Phần bụng dưới của tôi như cứng lại. Tôi bước vượt nhanh qua đó, quay súng lại đi lùi một đoạn rồi xoay người đi như ma đuối về hướng đại đội. Trong một khoảng thời gian rất ngắn lúc đó, cảm giác như có ai đuổi theo. Tôi về đến đại đội, thời gian đi tốn ít hơn thì phải.

Tôi trả hũ mắm tôm cho nhà bếp và kể lại chuyện gặp hổ với anh nuôi Châu. Anh ấy cười độ lượng, an ủi tôi, nhưng tôi nghĩ anh ấy không tin là có hổ. Anh ấy bảo, mày cứ ngồi đây cho ấm, chờ lát nữa thằng Thiết về khắc biết ngay thôi.

Anh Thiết về đến đại đội sau đó không lâu. Nghe tôi kể lại chuyện, anh ấy cười vang, bảo tôi giàu trí tưởng tượng. Anh ấy bảo, thế qua đó mày có ngửi thấy mùi gì không. Làm sao mà tôi ngửi thấy mùi gì được vì trời đang mưa, hơn nữa con hổ chỉ đi vèo qua thì làm sao có mùi đọng lại được. Tóm lại là không ai tin khiến tôi cũng phân vân.

Mấy hôm sau tôi lại có chuyến đi cải thiện lên hướng tiểu đoàn. Qua cái chỗ hôm nọ, tôi tìm kỹ lại dấu chân mà tôi cho là hổ, nhưng chẳng thấy dấu tích gì, có lẽ mưa đã xóa sạch rồi. Chuyện con hổ thế là cho qua, không ai nhắc lại nữa, kể cả tôi. Tuy thế nhưng tôi vẫn để bụng chuyện này.

Nửa tháng sau, tôi được tháp tùng đại trưởng Chèo lên tiểu đoàn họp. Thằng liên lạc đại đội bị cái nhọt đau chân nên anh Chèo lấy tôi đi cùng, chả gì cũng có thời gian tôi từng làm liên lạc.

Hôm ấy trời quang mây tạnh. Gần trưa hai thầy trò lên đường trở về đại đội. Qua cái dốc cạnh cái chỗ hôm trước tôi nghĩ gặp hổ, tự nhiên đại trưởng lại đi vượt lên trước tôi. Gần đến đỉnh dốc, tôi bỗng thấy đại trưởng dừng phắt lại khiến tôi suýt va vào anh ấy. Trên đầu dốc, hiện lên giữa khoảng trời trong là một con hổ khá to. Nó đi ngang qua đường và thấy chúng tôi nên nó đứng lại, quay đầu nhìn chúng tôi. Lúc này nó đứng ngang nên cũng chỉ là quan sát đối phương chứ không phải tư thế đối đầu săn mồi. Hai anh em tôi đứng im gần như không cử động. Anh Chèo đặt tay lên bao khẩu K54, nhưng chưa dám bật nắp rút ra. Khẩu AK của tôi cũng đang chúc mũi xuống đất, tay đặt vào lẫy nhưng tôi cũng chưa dám bật chốt an toàn. Hai bên gần như bất động. Thời gian trôi qua hết sức nặng nề. Tôi không xác định được bao lâu, nhưng có lẽ cũng khá lâu, con hổ đột nhiên quay đầu lững thững đi vào rừng. Có vẻ như nó cũng coi thường, không thèm đếm xỉa đến chúng tôi. Phải đến mấy phút sau, thày trò chúng tôi mới bừng tỉnh. Hai anh em lau vội mồ hôi trán rồi khẩn trương rút lui. Lúc đầu còn thỉnh thoảng ngoái đầu lại nhìn, về sau thì cắm cổ mà đi cho nhanh. Về đến sân đại đội mới dám thở phào.

Bây giờ thì chuyện có con hổ ở vùng này là có thật. Ai cũng cho là chúng tôi gặp may hôm đó. Mấy anh lính dân tộc thì bảo cách xử trí hôm đó của đại trưởng Chèo là rất chính xác. Giải thích thêm, các anh ấy bảo, bình thường hổ nó không tấn công người. Nếu mình hoảng mà nổ súng trước là nó tấn công ngay. Điều thứ hai là những con thú rừng có một bản năng nào đó là luôn tránh xa người. Chúng không hiểu rõ người là cái giống gì nên thường tránh xa. Con hổ này có lẽ chưa ăn thịt người bao giờ nên nó lảng. Thôi thế cũng may chứ gặp con hổ đã từng ăn thịt người, nó quen mui thì chưa chắc chúng tôi thoát. Về sau trong đơn vị tôi không ai gặp lại con hổ ấy nữa, có lẽ nó cũng chỉ quá giang qua vùng này thôi,

Hành động đứng im của hai thày trò tôi khi gặp hổ hôm đó, được coi là hành động "mình không cắn nó thì nó cũng không cắn mình", một chân lý có tính quy luật hết sức đơn giản của rừng già.

Tôi nghiệm ra chân lý ấy luôn luôn đúng. Về sau này khi về đời thường, tôi yêu em thằng bạn lính mấy năm rồi xin cưới. Ông thày lấy số xem rồi bảo là không hợp, vì xung tuổi, vợ sẽ cắn chồng. Tôi đem chuyện gặp hổ năm xưa kể lại, cũng bảo "mình không cắn nó, làm sao nó cắn mình" khiến thày cũng phải giơ hai tay lên trời chào thua.

Mà đúng thế thật. Bao năm trời sống với nhau, vợ tôi chỉ đôi lần "cắn yêu" chồng chứ cũng chưa cắn thật lần nào./.


Trời Hà Nội đang có những trận mưa nhỏ đầu mùa. Lại một mùa hè, một mùa giông bão sắp đến. Bây giờ làm việc ngồi trong phòng là chính. Có phải đi đâu cũng chỉ đi ào một lúc, áo mưa đầy đủ không mấy ngại. Sinh hoạt mưa gió cũng bình thường, kể cả lúc có bão cũng không phải phòng bị nhiều.

Nhưng quả thật cứ ngồi trong nhà nhìn ra mái hiên lúc trời mưa to, sấm chớp đùng đùng, nhẩn nha uống chén trà nóng thì lòng lại nhớ về Trường Sơn khi xưa với những cơn mưa rừng dai dẳng, không khí ẩm mốc. Một đợt gió lạnh tràn qua khiến người nổi gai ốc, tê tê.

Rừng không thiếu nước. Mùa mưa lại càng tràn trề nước. Mưa rừng làm nước suối đổ về bất chợt, có khi lúc đi yên ổn, mà lúc về thì không thể qua suối, phải căng võng nằm lại giữa rừng. Chỗ hậu cứ bản Tùm Nho của chúng tôi, sau lưng B5 là một suối đá rất to, ngăn cách rừng già với rừng tre bương xanh rậm bạt ngàn. Đêm nằm nghe nước lũ đổ về réo sôi rầm rĩ. Được cái suối đá rất sạch. Nước chảy mạnh quá nên thời gian ở đó chúng tôi không được ăn cá lần nào. Muốn tìm một cái hủm to lặng nước nào đó để mà đánh cá cải thiện cũng không có, thực phẩm cải thiện chỉ là thịt thú rừng.

Cảnh suối đá thú nhất là không phải vào ngày lũ. Trời có nắng lại càng tuyệt. Những mùa đông miền Bắc ứng với mùa khô trong đó, Trường Sơn không có những cơn lạnh cắt da cắt thịt. Về đêm cũng có lạnh, nhưng quần áo lính mặc kín vào, chui xuống hầm có rải ít cỏ tranh hay lá khô nằm thì cũng chịu được. Nếu là hầm thùng thì kiếm củi, đốt đống lửa giữa nhà như người dân tộc là xong.

Mùa khô, chúng tôi chỉ ra suối tắm vào những lúc trưa nắng. Không hiểu sao lúc đó, sức chịu đựng của con người mạnh mẽ đến vậy. Thường thì một tuần mới tắm giặt một lần. Quần áo lúc nào cũng đóng bộ, nên người ta bảo vào lính "quần áo mặc suốt ngày" cũng đúng. Sao lúc đó chẳng ai thấy hôi, thấy bẩn như bây giờ, mặc cái sơ-mi có hai ngày vợ đã kêu "áo có mùi chua, cổ bị là cháy". Tất nhiên lúc đó có muốn cũng không thể tắm giặt nhiều được, thời gian đâu và cũng phải để cho quần áo giặt xong nó khô đã chứ. Chỉ có cái đợt đi làm đường, cuốc đất đá thì bẩn nhanh hơn. Ra suối đá tắm rất thích vì ở đó có rất nhiều tảng đá to, bằng phẳng. Mối thằng chiếm cứ một tảng, quần áo giặt chủ yếu là dấp đậm nước rồi lấy cành cây đập cho nó bở đất ra chứ làm gì có xà phòng. Tôi có một miếng xà phòng Liên-xô 72% màu đen, hôi nhưng giặt quần áo thì rất bền, vì nó lâu tan. Miếng xà phòng đem từ ngoài Bắc vào mà qua bao mùa mưa nắng, giặt bao nhiêu lần mà nó chả mòn bao nhiêu. Chỉ bé như cái lưỡi mèo mà đem quệt vài lần vào cổ áo là đủ giặt. Nhưng lính tráng vùng nông thôn hay dân tộc cũng khéo lắm. Chúng nó tìm được loại cây lá gì đó có quả mềm như quả mâm xôi trong rừng, vò ra có bọt như xà phòng, giặt quần áo rất hiệu nghiệm.

Hậu cứ bản Tùm Nho, trong cả một vùng rộng lớn không có dân. Chỉ có lính với nhau nên chúng tôi toàn tắm tiên. Cả một lũ lồng ngồng, giặt quần áo xong, đứng trên những tảng đá vừa kỳ cọ, vừa hong nắng và nghêu ngao hát. Một điều đặc biệt trong chiến trường là không có một thằng lính nào trong chúng tôi bị mấy cái bệnh như ghẻ lở, hắc lào hay nấm ngoài da. Dù là mặc quần áo ướt, âm ẩm như thế nhưng cũng chẳng làm sao. Có lẽ khi ở ngoài Bắc thằng nào chịu đựng kém đã bị ghẻ lở hắc lào, chữa xong người được đề kháng miễn bệnh rồi cũng nên. Còn nếu bị gai cào hay gì đó mà sứt chân tay thì chỉ bôi ít thuốc tím là khỏi. Ngày đó trong quân đội có thuốc tím tốt thế mà nay không thấy ai dùng hay nói đến.

Tắm tiên kiểu ấy, một lần đang chổng mông sưởi nắng, tôi thấy trên cái mông tròn trịa, trắng hồng của thằng Phú có hai ba nốt đen đen, nhìn kỹ ra không phải nốt ruồi, cũng không phải cái bớt. Hỏi thì nó bảo ngày còn ở nhà đi học có một lần xóm nhà nó bị máy bay Mỹ thả bom bi. Nó ngồi trong cái hầm chữ A nổi, chổng mông ra ngoài thế nào mà bị trúng mấy viên bi. Vì bị vào phần mềm nên chỉ chảy ít máu chứ không làm sao. Lên trạm xá, người ta bảo không mổ được vị bi nó "chạy", cứ để thế cũng không sao. Rồi nó đi bộ đội, mấy cái vết thương đó không được xét giảm thương tật. Nó khỏe như vâm. Nó kể hình như mấy cái viên bi bọc mỡ ấy cũng có chạy trong mông nó thì phải. Thỉnh thoảng nó lại nổi lên gần da, ngưa ngứa. Quả có thế thật vì sau đó mấy hôm có một viên nổi lên sát da ở mông nó đen sậm. Sờ vào thấy rõ viên bi cứng. Nó nhờ chúng tôi lấy gai nhể cho nó. Cậy mãi rồi viên bi cũng bật ra, chỗ đó chảy nước vàng. Rồi cũng chỉ sau vài lần bôi thuốc tím là khỏi hẳn chỗ đó.

*

Những ngày mưa rừng buồn nhất với tôi không phải ở hậu cứ Tùm Nho, mà là ở dãy núi Tây Bắc huội Chăm Pi, chỗ đi ra trận địa bản Xoan ở đường 231 trên Cao nguyên. Khi đó là mùa mưa đầu tiên với tôi. Trung đội chúng tôi nằm bên này huội, làm nhiệm vụ tiếp tế gạo, đạn cho đại đội. Chẳng may gặp lúc mưa lũ không thể nào qua suối. Trinh sát tiểu đoàn một lần hành quân qua huội Chăm Pi để ra phía trước, cậy đi lẻ và bản lĩnh cao, bơi giỏi nên đã liều lĩnh vượt suối. Ba thằng bám dây bơi qua, vật lộn mãi chẳng những không qua được suối, phải quay lại mà còn đánh mất một khấu AK báng gấp dưới lòng suối. Tất nhiên là phải chịu kỷ luật rồi.

Anh em trong trung đội bộ binh chúng tôi ai cũng biết bơi, nhưng là bơi sông hồ chứ không ai đủ tài bơi qua suối lũ. Vì thế cấp trên chẳng ai dám bắt chúng tôi bơi qua suối mà còn lại phải đèo theo cả một cùi gạo, hay ít đạn cối. Thế là có gần hai tuần khi đó, cả trung đội chỉ nằm chơi dài ở khu tập kết tạm trên đỉnh đồi. Tất nhiên vẫn phải đào hầm chữ A, đào hầm thùng để nấu ăn nghiêm chỉnh. Chỉ có cơm nếp ăn với muối thôi, bữa nào cũng như bữa nào, rất nóng trong ruột. Cả ngày chỉ có mỗi một việc là xuống bếp lấy cơm (nấu sáng, ăn cho cả ngày) rồi chui vào hầm ngồi co ro nhìn mưa rơi trắng trời, tối đất. Cảnh vật trong rừng già lúc nào cũng tối sầm sầm. Nước mưa cứ chảy tràn nhưng chúng tôi ở trên đỉnh đồi nên hầm không bị ngập. Chỉ đào rãnh và che tăng kín các rãnh là hầm đủ khô. Một việc nữa tuy vất vả nhưng cũng cần phải làm là mỗi ngày một lần đi xuống phía dưới dốc đào một cái hố mèo. Cứ thế thôi, ngồi và nhìn mưa mà thấy buồn não cả ruột. Thời gian dư dả nhưng chẳng biết làm gì. Tôi nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện cổ tích để giết thời gian. Thấy cảnh mình ướt át lại nghĩ không hiểu những con thú rừng thì nó tránh vào đâu và kiếm ăn như thế nào trong cảnh mưa rừng đến người còn bó tay như thế này.

Một lần trời ngớt mưa và hửng nắng độ hai hôm, A trưởng Nghị liều dẫn thêm hai thằng lọ mọ đi kiếm thêm cái ăn. Rừng già mưa thối đất thối cát thì đừng mong có nấm hay mộc nhĩ. Của đó gặp mưa nhiều cũng thối nhũn nát hết. Rừng cây gỗ nên không có măng. Nhưng đi thì cứ đi, nhỡ lọ mọ kiếm được cái gì ăn được thì sao. Thế là cả tốp cứ men ngược theo bờ huội Chăm Pi mà đi sang quả đồi khác. Đang vạch cây rồi rẽ đám lá rừng lúp xúp mà đi tới thì bất chợt cả nhóm lao ra một bãi rừng trống to bằng hai chiếc chiếu. Tất cả đứng sững lại như trời trồng. Ba thằng thám báo đang ngồi quanh đống lửa nhỏ nướng một cái gì đó. Súng kê bên đùi, chúng ngây ra nhìn chúng tôi, lúc đó cũng ngây ra không kém với ba nòng AK khoác trên vai đang chúc xuống đất. Không bên nào chủ động giương được súng. Căng mắt nhìn nhau thủ thế như vậy độ hơn một phút thì chúng tôi từ từ lùi dần, rất chậm rãi và thận trọng. Tư thế cầm súng trước thế nào thì nay vẫn giữ thế. Nếu chúng tôi nâng súng bật chốt an toàn, chắc tụi địch cũng lăn ra mà vơ lấy súng quạt lại. Cứ như vậy, hai bên đều chọn con đường tránh nhau là hơn. Lùi được một đoạn đủ khất sau hàng cây lúp xúp, chúng tôi cùng quay ngược đầu co chân chạy. Được một đoạn xa, cả ba mới dừng lại nép sau mấy gốc cây to và mới giương được súng lên. Một lát, anh Nghị phán đoán lại tình hình rồi dẫn chúng tôi trở lại cái bãi trống ban nãy theo một hướng khác. Lúc này thì súng ống sẵn sàng rồi. Dò dẫm được tới nơi thì bãi trống chẳng còn ai ngoài đống lửa đang tắt. Bọn thám báo chắc cũng bật dậy chuồn ngay sau đó cho chắc ăn. Bên đống lửa, chẳng tìm thấy cái gì khả dĩ ăn được. Có lẽ địch đã kịp mang đi hoặc có khi chúng nó cũng chả có gì mà nướng cũng nên. Chúng tôi cũng ngay lập tức rút lui.

Về đến chỗ trú quân, chúng tôi kể lại chuyện. B trưởng Quân đoán bọn này là thám báo, chắc cũng vì lũ mà kẹt không qua được suối như chúng tôi. May là cả hai bên đều bất ngờ và đều chọn giải pháp tránh cho nó lành, chứ nếu cứ nổ súng, chưa chắc bên nào đã thắng. Lại vì rừng già đang trong mùa mưa, nên cũng chẳng thể nghĩ đến chuyện tìm lại được bọn thám báo ấy ở đâu. B trưởng Quân cho kết thúc chuyện ở đây, chẳng trách cứ ai điều gì.

Mấy chục nămrồi, giờ đây nếu mấy người thám báo đó mà còn sống, chắc họ cũng nghĩ như chúngtôi khi nhớ lại chuyện này: Ở đời, may hơn khôn.�


Tháng 11/1973...

Sau khi làm hậu cứ mới xong, chúng tôi tập tành chiến thuật là chính. Phát thao trường đàng hoàng. Có cái may là không phải tập đêm. Riêng khâu gác thì nghiêm chỉnh. Mỗi B một vọng gác, cứ 3 đêm thì đến tiểu đội mình. Ngoài ra vẫn phải đi cùi lương thực, thực phẩm và cải thiện.

Dần dà, chẳng mấy chốc mà tháng cuối cùng của năm đã tới. Thế là đã bước hẳn sang mùa khô rồi. Mùa khô là mùa vận chuyển và chiến đấu, nhưng kham khổ về thực phẩm, nhất là rau xanh. Bây giờ chiến sự đã ngưng thì lợi thế đánh nhau không còn, chỉ còn khoản rau xanh là vẫn lo như trước. Lúc này chúng tôi không thiếu gạo, muối. Ngoài ra vẫn có thịt hộp và đặc biệt nhiều là mắm tôm khô, đựng trong những cái hũ sành. Rau cải khô cũng chỉ có một thời gian ngắn thì hết, không được cấp nữa.

Chúng tôi đi cải thiện, nhưng nương dân cũng chẳng còn gì. Ngay cả rau tàu bay vốn là đặc sản của Trường Sơn mà cũng hiếm. Mùa này rau tàu bay già, ngọn cây trổ bông hoa nở trắng, sợi bay tứ tung nhưng không còn lá. Bòn mót được mươi lá chỉ đủ cho hai thằng đi cải thiện "ca cóng" bữa trưa chứ không đủ cho cả C. Chủ lực bây giờ chỉ là các sản vật của cây chuối tây, từ quả, hoa đến thân. Chuối cây nhiều lắm. Chỉ có món hoa chuối dễ ăn nhất, chúng tôi không chờ cây trổ xong buồng mà cứ nhằm cây có bắp-bi thò lên đầu cây chuối, chưa kịp ra nải là đốn luôn. Hoa chuối kiểu này (chúng tôi gọi là hoa chuối "chửa") chất lượng lắm, nhưng lấy mỗi hoa là phá hoại cả một cây. May mà chuối tây của Lào bạt ngàn nên không bị dân kêu. Dù vậy tuy được xếp loại vào rau, nhưng ăn mãi cũng chán.

Nếu như trong Cao nguyên Boloven mùa mưa có những nương kiệu bạt ngàn ăn mãi không hết, thì mùa khô ở vùng La Vang này có một thứ đặc sản rất dễ chịu là củ đậu. Có rất nhiều bãi đất nhỏ rộng hàng vài trăm mét vuông cạnh đường, gần bản được dân trồng củ đậu um tùm. Cây củ đậu là loại dây leo, cho củ ăn ở phần rễ nằm trong đất. Trên thân cây cũng lủng lẳng khá nhiều quả đậu trông đẹp mắt. Thế nhưng quả đậu để già chỉ dùng làm giống thôi, chứ người mà ăn phải thì độc chẳng khác gì ăn lá ngón của người dân tộc. Rất may là chuyện này lính tráng rất nhiều thằng biết, truyền miệng nhau rất nhanh nên trong tiểu đoàn tôi không có ai bị ngộ độc. Lần theo dây củ đậu mà đào thì mỗi dây cho một củ đậu. Có điều lạ là củ đậu ở những bãi trồng tập trung thế này thường không to. Muốn đào củ to phải ra ngoài nương rộng mà tìm vì dân họ cũng trồng ở đó rất nhiều, tuy không thành bãi tập trung.

Men theo rìa nương tìm những dây củ đậu săn chắc, già gần khô và nhỏ xíu, mặt đất có vết nứt mà đào thì chắc chắn thu được củ đậu rất to. Có củ to như cái bát ô-tô, phàm ăn như lính mà một thằng cũng chỉ xơi một củ như thế là no ách bụng, phải nằm chơi nửa giờ đồng hồ mới làm việc khác được. Chỉ đi cải thiện độ vài lần là học xong kinh nghiệm về tìm đào củ đậu. Điều này về sau khi ở Tây Nguyên chúng tôi cũng áp dụng để đào củ mài ăn cứu đói. Dây củ nhỏ, già và hơi khô thì thể nào củ mài ở gốc đó cũng rất to. Có những củ to như bắp tay, dài hàng mét rưỡi, đủ ăn cho cả trung đội.

Củ đậu tuy nhiều, nhưng chỉ ăn chơi là thích hợp nhất vì nó mát, ăn chóng no nhưng cũng chóng đói như ăn cháo loãng vậy. Chúng tôi lấy củ đậu về, anh nuôi chỉ làm được mỗi món sào hoặc cho lính ăn chơi. Vì thế về sau, các nhóm đi cải thiện rất hạn chế lấy củ đậu. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi thiếu rau, vẫn hoàn là thiếu rau.

Toàn tiểu đoàn quyết định tổ chức tăng gia, trồng rau xanh ngắn ngày. Đại đội chúng tôi phát mấy dẻo đất dọc ven suối. Ở đó toàn cây bùng nhùng như cây "cứt chó" nên dễ phát, đốt được ngay, lắm tro. Đất khá tơi và màu mỡ, phù hợp để tăng gia. Đại đội chia đất tăng gia cho các A. Vừa phát đất xong thì đã có lệnh lên tiểu đoàn nhận hạt giống rau. Mùa này chỉ hợp trồng món cải xanh và cải trắng, vì nó dễ trồng, chóng thu hoạch. Lúc này tôi được biết là hạt giống rau được nhận từ hậu cần 559. Hóa ra ngành hậu cần của ta chu đáo thật, chiến tranh lâu dài nên đã lo cả hạt giống rau đưa từ ngoài Bắc vào để cấp phát cho những đơn vị dừng chân tĩnh tại, có điều kiện tăng gia. Khoản kỹ thuật trồng thì không phải lo vì quân ta chủ yếu là nông dân mặc áo lính. Phần chất bón cho rau thì lính ta tự túc được, A nào tự lo cho A đấy.

Chỉ hai tuần sau là vườn rau của các tiểu đội đã lên xanh mướt, ra khu tăng gia nhìn thật thích mắt. Những vườn cải trắng có vẻ hợp thổ nhưỡng hơn nên phát triển nhanh, bẹ cây rất to. Từ đó, chiều nào chúng tôi cũng có một giờ nghỉ sớm để tăng gia. Thế là chỉ sau vài tuần, chúng tôi hầu như đã tự túc được rau xanh. Các B cung cấp rau theo lượt vòng tròn cho bếp ăn của đại đội. Lúc này chúng tôi vẫn lấy cơm về ăn theo A chứ không ăn tập trung cả C vì chúng tôi không làm hội trường. Phần đi cải thiện ngoài nương dân bây giờ chỉ còn lác đác mỗi khi đơn vị muốn đổi món.

Thừa thắng xông lên, chúng tôi còn ra bản dân đổi lấy gà con về nuôi. Dân bản vùng này cũng không giàu lắm nên phải đổi, bất cứ thứ gì của lính họ cũng lấy, nhưng đắt hàng nhất vẫn là kim chỉ, quần áo và đá lửa. A nào cũng nuôi, ít nhất là 3 con. Gà thả rông trong khu doanh trại, lúc chiều gà của A nào về chuồng A ấy, không nhầm lẫn. Cảnh tượng đầm ấm chẳng khác gì làng quê, chỉ thiếu tiếng phụ nữ và trẻ con. Tiểu đội anh nuôi còn hứng chí nuôi cả một con chó. Người Lào không ăn thịt chó nên đổi cũng dễ. Có điều chính họ cũng ít nuôi chó, nên kiếm được một con chó bé đem về nuôi cũng khá kỳ công vì phải tìm ở một bản xa. Thời gian ở đây chúng tôi cũng chỉ mới đổi được gà chứ chưa đổi được chó để làm thịt lần nào.

Dịp 22/12, chúng tôi được nghỉ và tổ chức liên hoan. Bây giờ người đông, trung đội nào cũng cử người xuống giúp anh nuôi. Anh nuôi C tôi lần này tổ chức thêm hai món tuy kỳ công nhưng rất hấp dẫn. Đó là tráng bánh cuốn và làm bánh rán. Gạo nếp có sẵn, giã nhỏ, rây kỹ trộn cùng bột gạo tẻ là có bột làm bánh. Chúng tôi kiếm được một ít đỗ xanh nấu làm nhân. Món bánh rán này tôi ăn thấy ngon chẳng kém gì bánh rán ở quê, có khi còn ngon hơn ấy chứ. Riêng món bánh cuốn thì phải nói là kỳ công. Chày cối giã bột thì như tôi đã kể, trong rừng tận dụng các gốc cây khô, cưa và khoét làm cối. Vải làm khuôn thì đã có vải dù đủ loại. Khó nhất là khoản ngâm ủ bột như thế nào đó cho nó giống bột xay nước, và khi tráng phải đủ mỏng, thế mà lính ta làm cũng thạo như làng nghề. Những người đã từng ăn thì không nói làm gì, nhưng có những thằng từ bé chưa được ăn bao giờ thì luôn mồm tấm tắc khen ngon. Còn phải nói. Thử tưởng tượng tráng đủ một bữa bánh cuốn ăn no cho gần trăm con người không phải là chuyện đùa.

Tối hôm đó chúng tôi còn được đốt lửa trại, quây quần cả đại đội hò hát văn nghệ. Không khí náo nhiệt, thật vui vẻ. Nếu cán bộ đại đội không phát lệnh đi nghỉ thì chắc chúng tôi còn hát suốt đêm.

*

Thời gian này, tự nhiên tôi được làm một việc không có biên chế trong quân đội ta. Số là anh Mỵ, chính trị viên C tôi là người dân tộc, văn hóa chưa hết cấp hai. Vì là cán bộ chính trị nên trong phần việc của anh ấy có mục nói chuyện thời sự hàng tuần. Tin tức phổ biến qua giao ban tiểu đoàn thì chậm, nên nội dung chủ yếu thu được qua nghe đài (Lúc này đại đội tôi được phát một chiếc đài bán dẫn của Nhật 3 băng rất nhỏ gọn, chất lượng tốt chứ không phải loại Orionton của Hung to đùng, nặng chịch, có thêm chức năng làm Ampli, phát cho các đại đội huấn luyện ngoài Bắc). Ngoài mục Văn nghệ tối thứ bảy cả đại đội tập trung lên sân đại đội nghe, còn lại anh Mỵ phải nghe tin tức rồi tổng hợp tình hình đem phổ biến thời sự cho lính nghe để sinh hoạt chính trị có khí thế. Lúc này trong C tôi có vài lính đã học hết lớp 10 phổ thông, trong đó có tôi. Có lẽ do tôi trẻ nhất, dễ sai bảo nên anh Mỵ gạ tôi giúp anh nghe đài rồi soạn lại tin tức để anh ấy nói chuyện lại trong đại đội.

Việc này đối với tôi cũng đơn giản, vì ngày còn ở nhà, mỗi tối thứ 7 tôi cũng hay nghe chuyện cảnh giác. Nhà nào ở Hà Nội ngày đó cũng có cái loa truyền thanh (loa kim, mắc theo hệ thống loa truyền thanh của thành phố) để nghe tin tức. Chỉ có nhà giàu hoặc nhà có người đi nước ngoài mới có Radio (như kiểu Latvia hay Hồng Đăng, Thượng Hải) hoặc là đài bán dẫn XHCN thôi, mà phải qua đăng ký hải quan mới được dùng. Cái loa kim ở nhà tôi chỉ có một mức volumme, tiếng không được to lắm, mẹ tôi lại muốn sưu tầm các "chuyện cảnh giác" làm tài liệu. Thế là cứ 7 giờ 30 tối thứ bảy, tôi lại bắc cái ghế cao ngồi ghé sát tai vào cái loa, lăm lăm giấy bút nghe và ghi lại vài chi tiết chính như tên người, địa danh... Sau đó tôi dựa theo trí nhớ viết lại câu chuyện cảnh giác hôm đó vào một quyển vở, để lúc rỗi mẹ tôi xem. Cứ như thế nhiều tháng, rồi một hai năm, các cuốn vở ghi lại "chuyện cảnh giác tối thứ bảy" trong nhà tôi nhiều lên, các chuyện chép lại càng về sau càng sát nội dung với lời kể trên đài.

Bây giờ tôi có dịp để giúp anh Mỵ, thấy không khó lắm mà cũng hay hay. Lên nghe đài cùng anh Mỵ để được thưởng thức thêm chè và thuốc tiêu chuẩn của BCH đại đội, nhiều thằng trong C muốn mà không được ấy chứ. Giấy bút lúc ấy quá sẵn. Tất nhiên phần nội dung tôi soạn ra, cuối cùng phải được anh Mỵ duyệt và sửa. Được cái anh Mỵ cũng tài, chỉ xem phần tôi ghi lại từ đài để lấy cái sườn rồi nói thôi, chứ không phải cầm giấy đọc nguyên văn. Về sau anh Mỵ đưa tôi vào BCH chi đoàn và nhiều lúc còn cho tôi nói về một chuyên đề nào đó với anh em trong đại đội nữa. Có thể nhờ đó mà sau này khi ra quân, tôi nói chuyện trên diễn đàn trước đám đông vài trăm người mà cảm giác vẫn tự nhiên như mấy thằng lính tán chuyện hàn huyên với nhau vậy thôi.

Sau đợt liên hoan 22 tháng 12 năm 1973, chúng tôi được biết chính xác là chỉ một thời gian nữa thôi, E9B sẽ chuyển về chiến trường miền Nam. Về đâu thì chắc cán bộ trên D, E đã biết vì trung đoàn chúng tôi đã có những tốp tiền trạm lên đường. Lại nghe nói chỉ có trung đoàn chúng tôi thôi, còn bọn E19 và E39 vẫn ở lại giúp Bạn xây dựng cách mạng Lào. Trong E tôi, tất cả các anh nhập ngũ từ 1967 về trước mà không phải là cán bộ B trưởng trở lên đều được giải quyết ra quân. Nếu chế độ NVQS là 5 năm thì các anh ấy đều đã quá hạn rồi. Trong C tôi cũng có kha khá người, kể cả từ quản lý, y tá, anh nuôi đến B phó. Thế là lại lục tục liên hoan, chia tay. Quà cáp chả có gì, nhưng hầu như những cái gọi là vật dụng lấy được của địch qua các trận đánh, nếu các anh ấy thích gì là chúng tôi tập trung lại tặng cho các anh ấy hết.

Cuộc sống bắt đầu từ sau tết dương lịch khá sôi động. Chúng tôi lại nhận thêm một đợt tân binh Vĩnh Phú nữa. Đa phần là lính già. C tôi có cả hai anh tuổi đã 34, đang làm cán bộ của cơ quan huyện mà cũng phải nhập ngũ. Các anh ấy đều được sắp xếp về bộ phận anh nuôi. Các anh ấy có vẻ mãn nguyện, vì anh nuôi C tôi hầu như không phải ra tuyến trước, khả năng hy sinh thấp hơn. Các anh đều có vợ con cả rồi, tính cách cũng không nhốn nháo như chúng tôi nên cái gì an phận được là tốt.

Lúc này quân số C tôi khá mạnh. Tổng số cũng khoảng trăm người. Trừ ba đợt tân binh mới vào, tất cả chúng tôi kể từ đợt tân binh Nghệ An vào từ hồi ở Saravan 1972 đều được phát bổ sung quân trang. Mỗi người đủ hai bộ quần áo Tô châu, có cả áo cộc tay và quần đùi "chính ủy", giày, tất, khăn mặt và mũ cối. Thế là quần áo cũ được đem ra bản dân đổi gà và rượu. Cả đơn vị bây giờ quần áo súng sính cứ như lúc đang bắt đầu hành quân vào Nam. Chỉ khó chịu mỗi cái là quân trang phát xuống theo kiểu phát bừa, thằng nào được bộ cỡ nhỏ (vì lính ta toàn nhỏ con) thì mặc vừa, còn thằng nào vớ phải bộ to cũng đành chịu, đành phải nhờ nhau cắt sửa, khâu bóp các kiểu để thu nhỏ lại.

Chúng tôi được bổ sung đầy đủ vũ khí. Đại đội có thêm nhiều khẩu B41, ưu việt hơn B40, tuy nó cồng kềnh hơn. Đặc biệt còn được phát thêm cả trung liên RPD. Loại này nằm bắn để chụp ảnh hay quay phim thì trông rất oai, chứ trang bị cá nhân thì chẳng ai muốn nhận. Nó nặng và rất cách rách khoản lắp đạn phải nối 4 dây cho đủ băng 100 viên rồi đút vào băng sắt tròn. Lúc bắn lại phải thu hồi dây giữ đạn để có cái dùng về sau, mới nghe đã đủ phát sợ. Nhưng đấy là bọn lính cũ sợ thôi, chứ mấy khẩu RPD ấy nhét vào tay mấy thằng lính mới to con thì ba cối băng cơ số với một khấu súng nặng chịch và dài ngoằng ấy chưa đủ thời gian kiểm chứng để làm chúng nó sợ.

(Vậy mà, hỡiôi, về sau trong một đợt chốt dài ngày trên cao điểm 631 ở Pleiku, tôi lại phảitình nguyện ôm cây súng hỏa lực này trong mấy trận đánh liền và suýt bỏ mạng vìnó thì có phải là trời bắt tội "ghét của nào trời trao của ấy"không?) 


Những ngày đầu năm mới 1974 đã đến. Chúng tôi được nghỉ để tổ chức ăn tết Tây đàng hoàng. Bây giờ hậu cần tiểu đoàn ngoài chuyện phát thực phẩm đồ hộp hàng ngày thì thỉnh thoảng cũng tổ chức mua lợn trong dân Lào để cấp cho các đại đội ăn thực phẩm tươi như đợt tết Tây này. Rau xanh của chúng tôi tăng gia được nhiều nên tổ chức liên hoan cũng gần giống như ngoài Bắc. Lính mới vẫn có cảm giác như đang ở đơn vị huấn luyện.

Sau đó, hàng ngày chúng tôi vẫn tập tành túc tắc và chuẩn bị tinh thần về miền Nam yêu dấu. Chiến đấu ở rừng núi, hay về đồng bằng bám dân ba cùng nhỉ? Chúng tôi mặc sức tha hồ mà tưởng tượng vì cỡ lính tráng lèm nhèm chưa được biết đích xác là đến địa bàn nào. Tiểu đoàn kiếm đâu ra được một lô Tạp chí Văn nghệ quân đội phát xuống cho các đại đội. Truyện ngắn trong tạp chí kể nhiều về chuyện chiến đấu ở các vùng giáp gianh, thậm chí cả ở vùng đồng bằng sông Cửu long với nhiều mối tình thơ mộng của lính ta với nữ du kích miền Nam khiến lắm thằng mơ mộng. Nhiều "quân sư quạt mo" còn phỏng đoán là chúng tôi sẽ vào B2, sát ngay Sài Gòn để tham gia một cuộc giống như "Tổng tiến công 1968" nữa.

Đang yên ả như thế, một buổi trưa chúng tôi đang ngủ thì nghe tiếng súng nổ "đoàng" rồi tiếp theo hai điểm xạ AK nữa phía suối có vườn rau. "Có địch". Phản xạ ngay lập tức là thế, mặc dù lúc thường mà kể chuyện ở đây có thám báo Lào thì thật quá tiếu lâm. A tôi ở gần nhất nên được trung đội thúc ngay báo động chiến đấu và cho vận động nhanh ra hướng suối. Chúng tôi vượt qua cả vườn rau mà chưa thấy động tĩnh thêm gì. Tiểu đội tản ra ẩn nấp chờ trung đội tiếp ứng để vận động lên thăm dò tiếp tình hình. Phía trước, những hàng cây lúp xúp lay động vì có tiếng người vạch cây đi thẳng tới. Đang sẵn sàng chờ nổ súng thì lại nghe phía đó có giọng làu bàu bằng tiếng Việt: "Ngủ đ. gì mà chẳng có thằng nào ra tiếp ứng". Tôi nhận ra giọng thằng Tuấn, quản lý mới của đại đội. Thằng này trước cũng là A trưởng trong cùng B5 với tôi, lính Nam Hà. Tôi vội gọi to tên nó, vừa lúc cái mặt to phẹt của nó hiện rõ sau đám cây. Thế ra là quân ta cả. Chúng tôi cùng đứng dậy, cười vang hỏi chuyện nhau, trong lúc quân tiếp viện phía sau cũng lục đục mò tới. Đã có ngay việc để làm.

Chả là vốn cũng có máu ca cóng, buổi trưa quản lý Tuấn xách súng AK lọ mọ vượt qua phía vườn rau, định sục sạo xem hướng đó có cái gì cải thiện được không. Mạn này đi sâu cũng là rừng, nhưng là rừng thưa và chủ yếu là tái sinh. Cây cỏ may lắm chỉ có cây lá chua. Nhưng điều kích thích thằng Tuấn là dạo trước lúc còn nhiều lính cũ dân tộc, có anh cũng đã làm bẫy, loại bẫy đơn giản bằng cần thòng lọng và đã bắt được một con nhím rất to, đủ cái thiện cho cả tiểu đội. Tôi được nếm đôi miếng, thấy rất ngon. Vì thế nên thằng Tuấn mới bỏ giấc ngủ trưa mà lọ mọ một mình ra đây. Điều không ngờ là nó được chứng kiến một con chó sói phục bắt một con lợn rừng. Nếu thế thì đây là lần đầu tiên chúng tôi biết vùng này có chó sói. Tôi cứ nghĩ chó sói sống và kiếm mồi ở những đồng cỏ hoang vu hay rừng sâu núi cao tuyết dày cơ, chứ những cánh rừng tái sinh hiền hòa cách bản dân có vài cây số thì làm gì có chó sói.

Thấy con sói đang đè đầu cưỡi cổ con lợn rừng ở một gốc cây chỉ cách hai chục mét, quản lý Tuấn xoay AK trên vai bật nhanh chốt an toàn và nã luôn một phát tắc cú về phía con sói. Viên đạn trượt, con sói giật mình bỏ mồi chạy mất, còn lại con lợn bị thương đang loay hoay trên đất. Sợ mất nốt cả con lợn nên Tuấn ta bồi luôn 2 loạt AK. Lần này thì trúng đích và hạ gục con lợn tại chỗ.

Đấy là quản lý Tuấn kể lại thế. Chúng tôi lần mò mấy trăm mét đến chỗ Tuấn chỉ, thấy xác một con lợn rừng rất to, lông đen dày. Chắc chắn là lợn rừng chứ không thể là lợn của dân chạy lạc đến đây. (các lính dân tộc sành lắm, chỉ nhìn kiểu mọc lông là cũng biết lợn rừng hay lợn nhà, dù là lợn nhà thả rông). Chúng tôi chặt đòn buộc dây khiêng về. Con lợn có lẽ phải gần tạ. Hai thằng khiêng thì quá nặng, bước đi chuệch choạc nên cuối cùng phải bốn thằng khiêng. Được con lợn to, nhưng bây giờ quân số đại đội đông hơn rồi nên C tôi giữ lại cho anh em liên hoan, không chia cho các C khác như dạo trước. Chiều đó, anh em được bữa chén thoải mái, no nê mà vẫn còn dư thịt cho hôm sau. Cánh lính mới Hà Tĩnh, Hà Tây, Vĩnh Phú hoan hỉ lắm vì đây là lần đầu tiên chúng nó được thưởng thức sản phẩm ca cóng của rừng. Chuyện cũ chuyện mới lại râm ran cả tối. Cuộc đời lính chiến trường lại được dịp lên hương.

Tuy được ăn tươi và phải cảm ơn quản lý Tuấn, nhưng không phải tất cả chúng tôi đều khen nó. Không phải vì khoản thịt lợn mà là vì câu chuyện nó kể. Lính tráng chúng tôi có đến gần một nửa nghi thằng Tuấn bốc phét chứ làm gì có chó sói ở vùng này. Đám còn lại đông hơn, trong đó có tôi thì lại tin lời quản lý Tuấn vì xem xét con lợn bị thương, thấy dấu vết là hai con mắt bị móc nát. Tôi đã đọc chuyện ở đâu đó thấy nói những con sói tấn công con vật khác nặng gấp nó vài lần thường dùng thủ đoạn nấp kín trên cao rồi bất ngờ phi ra đái dòng nước cay xè vào mắt đối phương. Trong khi con mồi cay mắt chưa kịp phản ứng thì con sói chồm lên đánh đòn hiểm là móc hai mắt của đối phương. Cuộc chiến đấu tiếp theo giữa một kẻ tấn công hung hăng và một nạn nhân mù thì tất nhiên là phần thắng nghiêng về con sói. Cũng nhờ con lợn rừng bị mù nên thằng Tuấn mới dễ hạ thủ chứ không chắc con lợn cũng kịp phi thoát vào rừng rồi.

Câu chuyện bắn lợn rừng đúng là chưa dừng lại ở đó. Những ngày sau đi tăng gia, dù chỉ ra vườn ở khúc suối gần ngay hậu cứ, chúng tôi đều nhớ mang theo súng và không đi một mình. Nghe kể huyền thoại về chó sói, nhiều thằng lo nhỡ có chó sói thật mà nó không rình con thú khác, lại rình người thì sao? Tuy lo xa như thế, nhưng chuyện tiếu lâm do lính sáng tác và thêu dệt về việc thằng Tuấn gặp chó sói trong rừng thì ngày một phát triển, có lúc thành chủ đề chính những lúc giải lao. Thằng Tuấn ức lắm với biệt danh "cô bé quàng khăn đỏ có đôi mắt to hơn người(!)" do anh Hùng "cối" dân Thái Bình đặt cho. Tôi cũng tán chuyện, nhưng cứ nghĩ rồi nó sẽ trôi vào dĩ vãng thôi, như bao chuyện lính khác ấy mà.

Không ngờ quản lý Tuấn để bụng và quyết tâm phục hận. Chúng tôi không mấy để ý, nhưng có người biết là thằng Tuấn vẫn bỏ giờ nghỉ trưa vác AK vào rừng làm gì đó. Chẳng cần đợi lâu, chỉ chừng độ chục ngày sau, cũng vào một buổi trưa nắng đẹp, chúng tôi lại được nghe tiếng súng.

"Đoàng",..."đoàng",..."đoàng,...đoàng".

Toàn tiếng nổ AK phát một, vẫn ở phía cánh rừng qua suối hướng vườn rau. Ngưng lại hồi lâu đến vài phút mới lại nghe ba loạt AK điểm xạ lên trời liên tiếp. Lần này chúng tôi không giật mình, không báo động, nhưng cũng nhanh chóng bật dậy xách AK chạy ra tiếp ứng. Hùng hục chạy đến nơi, xa hơn chỗ quản lý Tuấn bắn lợn bữa trước thì thấy anh ta đang một tay xách AK, một tay chống nạng đứng dạng chân cười ngạo nghễ ngay giữa đám cây lúp xúp trên bãi đất trống. Đập vào mắt chúng tôi là xác hai con thú gần đó. Một con chó sói lông màu xám nhạt nằm gục mõm ngay gần một con lợn rừng to gấp ba bốn lần nó. Thằng Tuấn quả là thiện xạ, bắn toàn trúng chỗ hiểm mới hạ gục được ngay hai con thú tại chỗ như thế này. Chúng tôi vừa thán phục quản lý Tuấn, vừa khoái chí trước hai chiến lợi phẩm nằm trên đất. Những thằng bữa trước nghi ngờ Tuấn, giờ bỗng thẹn thùng, mắt tròn mắt dẹt. Rồi chúng tôi hò nhau khiêng sói và lợn về. Những thằng đầu têu chuyện tiếu lâm bị quản lý Tuấn phân công khiêng con sói cho nó bõ ghét. Nhưng tự nhiên lại hóa ra nhàn vì hai thằng khiêng con sói thì nhẹ tênh, còn chúng tôi khiêng con lợn thì vẫn lặc lè như trước. Không hiểu sao ở vùng này có lắm lợn rừng to thế, hay con sói chỉ rình bắt lợn to thôi, còn con bé thì nó bỏ qua?

Chiến lợi phẩm lần này phải liên hoan hai ngày mới hết. Thịt lợn không nói làm gì, nhưng thịt chó sói phải nói là ngon. Tôi không dám so sánh nó ngon hơn hay kém thịt chó nhà, nhưng cái món thịt chó sói om dừ với riềng và mắm tôm thì không đứa nào trong đại đội dám chê (Chúng tôi vốn vẫn còn nhiều mắm tôm khô được cấp từ trước, nay đem ra quấy nước nóng thì cũng thu được một loại mắm tôm lỏng, tuy không thể sánh với mắm tôm truyền thống, nhưng cũng đủ dậy mùi) . Chỉ cần một đứa chê là có dăm thằng khác xung phong ăn hộ ngay.

Cuộc hàn huyên và tiếu lâm bây giờ lại quay mũi dùi sang anh Hùng "cối". Cái mác "đã tốt nghiệp lớp 10" và đọc nhiều sách của anh bây giờ bị gán thành "nhà bác học giả cầy". Anh Hùng đã phải lên tiếng xin lỗi quản lý Tuấn. Sau đó mọi chuyện lại bình thường vì chúng tôi, lính ấy mà.

Sau hai vụ ăn thịt cải thiện ấy, trong C tôi còn có nhiều thằng còn đề nghị đại đội cho lập kế hoạch săn bắn tiếp, vì vùng rừng này chắc còn nhiều lợn rừng và chó sói. Thế nhưng may mắn đó không đến nữa vì tình hình đơn vị đã có nhiều thay đổi, nhanh đến chóng mặt khiến chúng tôi không còn kịp làm thêm gì nữa.

Năm nay tết Nguyên đán đến sớm, chỉ vào độ cuối tháng 1 này thôi, nên chúng tôi xác định mình sẽ được ăn tết tại khu hậu cứ này. Mọi chuyện gì khác nếu có đến chắc phải sau tết. Vì thế trong các A đã rủ nhau tập tành văn nghệ. Chi đoàn thanh niên đã lên kế hoạch tổ chức vui chơi "hái hoa dân chủ". Bếp ăn đại đội dự định sẽ tổ chức gói bánh chưng vì cả C đã được cấp một con lợn. Ngoài gạo nếp vốn là sở trường của đất Lào, chẳng bao giờ thiếu, đơn vị cũng được cấp đỗ xanh, lạc và đường. Từ ngày 25 tết, không khí trong đơn vị đã nhộn nhịp lắm rồi. Cứ thỉnh thoảng lại có lệnh cử người lên tiểu đoàn, thậm chí lên thẳng kho Trung đoàn để lấy hàng. Nhu yếu phẩm Tết năm nay khá hơn Tết năm trước nhiều. Đủ mỗi đầu người một bao thuốc lá Trường Sơn hoặc Tam đảo. Có cả chè Ba Đình. Mỗi tiểu đội được hai hộp mứt loại nhỏ 250 gram. Kể ra cả tiểu đội có mười người mà hai hộp mứt như thế thì chẳng bõ bèn gì, nhưng dù sao cũng là quà miền Bắc, tinh thần là chính. Có hương vị tết là được rồi. Mà thực ra ở nhà thì tiêu chuẩn tem phiếu cũng đâu có hơn gì. Các trung đội đều dự định nấu kẹo lạc. Gì chứ cái món nấu kẹo lạc đổ ra vung rồi cắt miếng thì thằng lính nào cũng nấu được.

Ngoài những món vật chất trên, chúng tôi còn tổ chức trang trí lán trại cho tăng khí thế đón xuân. Đại đội tổ chức đi lấy lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Ở rừng thì lá dong có mà thiếu giống. Những khe núi ẩm ướt hay có suối đất thì hai bên thể nào cũng tìm được lá dong. Chúng tôi lấy về, toàn lá bánh tẻ xanh mướt, to tướng. Gói bánh chưng nửa cân chứ gói loại to hơn cũng không phải ghép lá. Đun bánh chưng bằng củi gộc là rền và ngon nhất nên lính tráng cũng vào rừng xa lấy củi. Người ta bảo "cây ngay không sợ chết đứng" nhưng thực tế trong rừng có những cây to chết đứng rất nhiều, thân còn chắc nịch, có lẽ do cây già mà chết. Tha hồ mà củi gộc. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Phần trang trí lán thì cũng đủ loại và muôn màu muôn vẻ. Đất Lào có đủ các loại hoa có thể trang trí Tết, từ Đào phai, Mai vàng cho đến những cành mận rừng có hoa trắng nhỏ li ti cũng rất bắt mắt. Cầu kỳ thì đi xa hơn đến những cánh rừng già kiếm hoa Phong Lan. Thật ra chỗ nào có hoa, chúng tôi cũng đã ngắm nghía từ trước và đánh dấu sẵn trong đầu rồi, giờ chỉ còn đi lấy về thôi.

Ngày 27 Tết,mọi thứ đã chuẩn bị xong. Không khí Tết tràn ngập đơn vị. Tập tành hay học hànhchính trị cũng chỉ mang tính chiếu lệ. Từ bọn lính mới chờ đón cái tết chiếntrường đầu tiên đến đám lính cũ, ai cũng náo nức chờ xuân. 


Tết Nguyên đán của Việt Nam không trùng với Tết của Lào. Tết của họ vào giữa tháng Tư dương lịch, ứng với thời gian cuối của mùa khô. Tôi vào chiến trường đã qua hai cái Tết Lào. Tết đầu tiên đang chốt giữ ngoài bản Phin, bản Soan ở phía đường 231, lúc đó chưa biết gì về Lào. Cái Tết thứ hai B5 chúng tôi phải đi chốt Keng Nhao, ở đó chỉ có cái bản bỏ đầy hoa quả mà không có dân. Đại đội đóng quân ở gần bản Noọng Bua phía sau nên có được hưởng một chút Tết Lào của dân. Bọn lính B khác cùi gạo ra chốt Keng Nhao có kể lại cho chúng tôi nghe về cái Tết năm mới, còn gọi là Tết té nước (Bun pi may - Bun hat nạm) của dân Lào. Họ vui Tết hết sức đơn giản. Ăn uống không có món riêng đặc sắc như kiểu bánh chưng của Việt Nam mà chỉ là các món ăn tươi so với hàng ngày. Hình như họ cũng không chú trọng lắm về ăn. Nhưng tinh thần thì thật thoải mái. Dù bản chỉ có ít dân, họ cũng ra suối lấy nước về rồi té lên người nhau tràn lan, bất kể dân hay bộ đội đi qua, cười vang thoải mái. Cũng chả cần phải chúc phúc điều gì, chỉ té dội nước lên nhau là đủ, càng ướt càng tốt. Đến tối thì lại tụ tập phòn (múa) cùng nhau, ai cũng ướt sườn sượt.

Bây giờ chúng tôi chuẩn bị đón Tết, vì không có chủ trương giao lưu với dân nên việc ai nấy lo. Ra bản gặp dân cũng chỉ nhăm nhăm kiếm con gà hay bidong rượu. Mà dân ở thưa, cũng nghèo nên chả có mấy mà đổi chác. Lúc hì hục bận chuẩn bị Tết thì thôi, nhưng lúc xong việc ngồi nhàn lại thấy có gì đó bâng khuâng. Khung cảnh thanh bình, gần dân nhưng lính vẫn chỉ là lính ăn Tết với nhau. Chưa biết lúc nào, nhưng chúng tôi sắp chia tay đất Lào rồi. Về nước, về đất mẹ tuy có chút háo hức tò mò về chiến trường mới, nhưng rời xa mảnh đất đã nhiều ngày gắn bó và che chở cho mình thì không thể không thấy man mác buồn. Có một chút gì đó bồi hồi như trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, khi đó quân ta được về Thủ đô, về nơi đô hội ồn ã, cuộc sống tốt hơn nhưng lại thấy nao nao nhớ rừng Việt Bắc với những bữa cháo bẹ canh măng, với những sắc áo chàm đã bao năm đùm bọc che chở cho mình.

Dù trong đơn vị chẳng ai có mối tình nào với gái Lào như trong tiểu thuyết thường thêu dệt, nhưng thằng lính nào mà chả từng gặp dân xin rau củ, xin những nắm xôi trong tuýp cuối buổi chiều; từng tập tọe tán vài ba câu nào đó với phu sao Lào lúc đi công tác lẻ qua bản của họ..., thế cho nên có chút bâng khuâng tình quân dân cũng là điều tự nhiên dễ hiểu.

Cái tình cảm ấy khi không nói ra thì thôi, nhưng nói hơi nhiều và say sưa một chút thì lại bị mang tiến ủy mỵ, tiểu tư sản. Bọn lính Hà Nội chúng tôi, nhất là những thằng đã học hết lớp mười mà nói năng văn thơ một chút, thường bị gán cho mác tiểu tư sản (trong khi gia đình mình ở nhà cũng như mọi gia đình khác, tem phiếu bao cấp chứ có cái gì hơn đâu mà tư với sản). Nói ra thì bảo sai lập trường, nhưng khi đó những thằng thuộc thành phần bần nông, hay "bần bần" cố nông được tin tưởng hơn. Đấy là nói lúc về hậu cứ, được cấp trên để ý cất nhắc, chứ lúc còn đang ở tuyến trước thì bình đẳng như nhau, ai cũng phải lao lên và ai cũng có quyền được hy sinh, bom đạn chẳng chê hay nhường thằng nào.

Lại nói chuyện thằng Lễ (Nam Hà), cái thằng mà chỉ thích vác B40 phụt cho nó sướng, xung phong thì bụi tre gai cũng lao qua, mặc cho xây sướt hết cả mặt. Nó là thằng lên A trưởng nhanh nhất, mùa mưa năm 1973 được vào đối tượng đảng. Văn hóa thì tà tà thôi, nhưng thằng này thì gan kỳ và kiên định lập trường lắm. Thằng Thái Pi-tơ giễu nó ra mặt, thường bảo là Đảng mà có quần chúng toàn loại như thế này thì cách mạng phải thành công lâu rồi chứ không còn vất vả đến hôm nay. Thằng Thái thuộc loại bất cần, nó bảo chỉ mong giữ được cái gáo để về nhà, còn mọi chuyện khinh tạt hết.

Một lần thằng Lễ đi học lớp cảm tình đối tượng gì đó về đảng trên trung đoàn, lúc về vênh vang lắm. Nó cứ làm như sau mấy ngày đi học ấy thì kiến thức của nó phải bằng cả chục năm người ta đi học không bằng ấy. Thấy nó vênh vang, tôi tò mò hỏi nó đi học, thế người ta dạy cái gì? Nó có vẻ kẻ cả bảo tôi, mày biết gì mà hỏi, chúng tao học về lịch sử, về đường lối của đảng, về thời cơ và kinh nghiệm cách mạng Việt Nam. Ra là thế, cũng to chuyện đấy nhỉ.

Về sau tỉ tê thêm, nó khoe với tôi về chủ nghĩa cộng sản, về đảng ta thành lập mãi từ năm 1930, rồi là cách mạng tháng Tám thành công, rồi đường lối cách mạng hiện nay... Lúc đầu tôi cũng thấy hơi ù tai, sao thằng này học lắm thứ thế. Mãi sau nói chuyện nhiều thì ra có rất nhiều điều chúng tôi đã được học trong môn lịch sử từ năm lớp 10 rồi. Thế là tôi phản công lại, vì những điều nó học chỉ có mấy ngày, nhớ lõm bõm nên truy gắt một tý là lẫn lộn ngay, không còn phân biệt được Các Mác hay Lê-nin ông nào nhiều râu hơn. Thế là tôi liền kề cho nó nghe vanh vách từ chuyện Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng CS Pháp, cách mạng tháng Mười, các thời kỳ cách mạng của đảng ta, ứng phó của Bác Hồ với Pháp và Tàu Tưởng từ sau cách mạng tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến, rồi đến hai lần kéo pháo vào đánh Điện Biên Phủ...tóm lại là đủ thứ trong môn lịch sử mà tôi học. Còn cái đoạn ba trào lưu cách mạng cho đến chuyện "Ta thắng lớn địch thua to, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn" mà năm nào chúng tôi cũng học chính trị thì tôi nói ào ào như thuộc sách. Bấy giờ thằng Lễ mới chịu xẹp xuống và nhìn tôi với con mắt khác.

Khổ nỗi là những cuộc tranh luận hợp pháp ấy lúc to lúc nhỏ, nên đã đến tai đại đội. Chính trị Viên Mỵ thì khoái lắm vì thấy bọn học sinh lớp 10 tuy chẳng phải Đảng, Đoàn gì nhưng được học thế thì cũng coi như đã thấm nhuần chính trị, kiến thức gần bằng với cán bộ chính trị rồi, sau này tuyên truyền gì cũng dễ. Chỉ có Đại trưởng văn hóa lớp 5 là không thích bọn học cao hơn, nên lúc nào cũng muốn chụp mũ tiểu tư sản cho chúng tôi. Ông ấy còn khó chịu hơn khi tôi cãi rằng cách mạng Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng những lãnh tụ của Đảng đều là người có học mới lãnh đạo được, các Vị ấy chẳng có ai là bần cố nông mù chữ đâu ạ.

Mùa mưa năm 1973 chúng tôi học chính trị khá nhiều vì những ngày mưa to không thể tập tành. Ngoài thời gian học tập trung trên hội trường đại đội, chúng tôi về thảo luận ở B. Lúc đầu trung đội chỉ có tám chín người, về sau có bổ sung thêm tân binh thì đông hơn, được hơn chục người. Các lán trung đội ở xa nhau lại vì trời mưa nên rất nhiều buổi chỉ có anh em trong B với nhau, không có cán bộ đại đội đi kiểm tra. Trung đội tôi thường rút ngắn phần thảo luận để nhường chỗ cho đọc sách. Sánh báo lúc đó anh em tân binh mang vào được một ít, còn lại do tiểu đoàn cấp xuống, chủ yếu là Tạp chí Văn nghệ quân đội. B trưởng của tôi cũng quen thân nhiều trên tiểu đoàn nên mượn thêm được cả tiểu thuyết. Tôi thích đọc sách và có giọng đọc khá truyền cảm nên thường được giao đọc cho cả B nghe. Có như vậy chúng tôi mới biết đến những chuyện ngắn như "Mảnh trăng giữa rừng" của Nguyễn Minh Châu. Một loạt các tiểu thuyết chiến tranh ra đời dạo đó, chúng tôi cũng được đọc như "Chiến sĩ" của Nguyễn Khải, "Đất trắng" của Nguyễn Trọng Oánh, "Mẫn và tôi" của Phan Tứ, hay "Thung lũng Cô tan"...

Có một lần tôi đọc cuốn "Mẫn và tôi" đến đoạn gần cuối, khi cô Mẫn chia tay Tư Thiêm rồi lại chợt quay vội vào hầm và nói với Tư Thiêm trong hơi thở hổn hển: "Anh Thiêm! Hôn em đi. Chúng mình hôn nhau để từ biệt đi anh", có đến hai thằng trong trung đội nghe mùi mẫn quá xoay người ngã nhào từ trên sạp xuống đất. Từ đó tôi được trung đội mệnh danh là "giọng đọc Kim cúc" của trung đội.

Có một lầnchúng tôi mượn được cuốn "Đội cận vệ thanh niên" của nhà văn Liên -xô A. Pha-đê-ép, tập 2. Chỉ có mỗi một tập trong bộ tiểu thuyết 3 tập, nhưngđói sách nên chúng tôi vẫn đọc. Chỉ được mượn có một đêm trong lúc khách nghỉtại đơn vị, nên suốt đêm hôm đó chúng tôi đốt lửa đọc cho nhau nghe. Cũng vìchỉ có một tập, nên tôi phải kể thêm phần nội dung của hai tập kia, vì lúc ởnhà tôi đã có đọc. Lại còn phải giải thích thêm cụm từ cận vệ. Đây là một danhhiệu vẻ vang (đội cận vệ, sĩ quan cận vệ...) được tặng cho những cá nhân hay đơnvị có thành tích đặc biệt mà chỉ ở Liên-xô mới có. Đọc xong trang cuối cùng thìcũng vừa lúc bình minh. Thế mà cả trung đội chăm chú nghe, chẳng ai ngủ gật.Chỉ mỗi tội hơi tốn nước "chè sâm rừng", món sâm rừng do chúng tôi tựkiếm và sao lên chế biến. Sản phẩm là rễ của sâm rừng, dáng từa tựa như nhữngsợi giá đỗ.


   Đời thằng lính là "Đời thằng Mục, ăn cơm cục, uống nước đục..."

Không biết cái điệp khúc ấy ai sáng tác ra và có từ bao giờ, nhưng lính tráng chúng tôi khi đó đều được truyền khẩu và ai cũng thuộc. Cứ lúc nào mệt nhọc quá hay bất mãn chuyện gì đó là lại làu bàu trong miệng. Mình nói, mình nghe mà sao khi nói ra được thì nó cũng tự an ủi mình được phần nào, cũng giống như cái câu "nước sông công lính" hoặc "cuốc xẻng từ dưới phát lên, đường sữa từ trên phát xuống" vậy.

Đại đội dự định ngày 29 tết sẽ thịt lợn gói bánh chưng và nấu trong đêm để ngày 30 tết phát cho lính. Các tiểu đội cũng sẽ nhổ rau, thịt gà kết hợp vào ngày 30 tết để buổi tối có bữa liên hoan, rồi lửa trại văn nghệ. Ngày mồng 1 tết sẽ liên hoan bữa nữa và giao lưu chơi bời qua các trung đội. Sau ngày đó thì sẵn sàng chờ nhiệm vụ mới, không cần bàn đến nữa.

Lính tráng chẳng ai nói trước được tương lai, số phận của mình.

Sáng ngày 29 Tết, các tiểu đội cử người xuống giúp anh nuôi, làm thịt lợn, ngâm gạo, đãi đỗ và rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Những thằng còn lại thì dọn dẹp lán trại và lau súng.

Đùng một cái, 9 giờ sáng thì có thằng liên lạc tiểu đoàn hớt hải chạy xuống truyền lệnh: Toàn đại đội báo động hành quân di chuyển, ra vị trí tập kết của tiểu đoàn cách đó 10 cây số để lên xe hành quân về miền Nam. Phải có mặt lúc 2 giờ chiều. Cả trung đoàn sẽ cùng hành quân với sự hỗ trợ của cả trăm xe ô tô của vận tải đoàn 559.

Từ BCH đại đội đến anh nuôi, tất cả đều nghệt ra, ngơ ngác nhìn nhau. Thế là hết cả Tết. Tất cả thừ người ra. Khó tin, nhưng quân lệnh vẫn là quân lệnh.

Một lệnh mới được đại đội phát ra. Giải tán ngay tốp gói bánh chưng, dù gạo đã ngâm, lợn đã làm thịt và lá dong đã vớt. Cả một đống thịt lợn lập tức được rang muối chia về các tiểu đội tự quản lý. Gạo đỗ đã ngâm rồi không thể cho vào bao, dù nhiều cũng đem đồ xôi hết để ăn trưa và chia ra làm khẩu phần ăn đường cho ngày sau. Ngoài chuyện quân tư trang và súng đạn, các tiểu đội khẩn trương cho thu hoạch tất cả mọi thứ để chuẩn bị lên đường. Chúng tôi có hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị. 11 giờ trưa phải ăn cơm để 11giờ 30 xuất phát, kịp hành quân 10 cây số, đảm bảo đúng 2 giờ chiều có mặt tại vị trí tập kết của tiểu đoàn.

Tất cả vắt chân lên cổ. Tiểu đội tôi, trừ thằng đang giúp anh nuôi, còn lại tất cả chuẩn bị đồ đoàn rồi chia nhau ra vườn nhổ hết rau đem về tự luộc làm một bữa chén đẫy, còn lại buộc đem theo hành quân. Ba con gà nhép cũng làm thịt luôn. May mà chưa ai kịp ra bản dân đổi rượu.

Vì mọi thứ từ xôi đến rau, thịt rất nhiều không thể nào mang hết, vả lại cũng không để được lâu, nên các tiểu đội đều ra sức chén. Ăn thật lực, mọi thứ rất nhiều nhưng phải ăn khẩn trương, không khí trầm lắng.

11 giờ 30, chúng tôi chất mọi thứ lên vai ra sân đại đội. Các A khác cũng vậy. Chúng tôi nhìn lán trại, nhìn những cành hoa và những thứ mình bỏ sức trang trí đón Tết mà tiếc nuối. Có tiểu đội bức xúc còn đập bỏ lung tung trước khi đi. Chỉ còn thiếu nước chúng tôi đốt bỏ hậu cứ như những kẻ lục lâm. Đến giờ, chúng tôi lầm lũi lên đường.

Sau hai giờ rưỡi hành quân, chúng tôi đến vị trí tập kết của tiểu đoàn. Chỉ có D bộ là ở gần vị trí này nhất, còn lại các C khác tuy gần hơn C tôi, nhưng cũng phải hành quân dăm bảy cây số. Tất cả cũng đang lục tục vào vị trí. Tiểu đoàn tổ chức cho các C kiểm tra quân số, vũ khí... rồi quán triệt nhiệm vụ. Sau đó là nghỉ tại chỗ chờ xe ô-tô. Chúng tôi phần bữa trưa ăn no, phần hành quân cũng thấm mệt, lại đang mùa khô nên cứ kềnh ngay cạnh ba lô, nằm nguyên trong đội hình mà tranh thủ ngủ.

5 giờ chiều. Mãi chả thấy xe ô-tô đâu cả. Không biết hiệp đồng kiểu gì và phải chờ đến bao giờ. Thật là "ăn cơm gà gáy, xuất quân nửa ngày". Bây giờ thì chúng tôi đã nghỉ đủ lại sức và đang trong tâm trạng sốt ruột.

Rồi cũng chẳng phải chờ lâu. Tiểu đoàn lệnh tập hợp lại, hàng ngũ nghiêm chỉnh. Tiểu đoàn trưởng Đoàn "vịt" nét mặt tươi cười tuyên bố đây là một cuộc báo động giả để kiểm tra tinh thần sẵn sàng lên đường chiến đấu của tiểu đoàn. Thủ trưởng khen ngợi tinh thần toàn thể cán bộ chiến sĩ, đảm bảo đủ 100% quân số, không có tụt tạt hay thoái thác nhiệm vụ...Anh em chúng tôi miễn cưỡng vỗ tay, còn mồm cười như...mếu nghe biểu dương. Cuối cùng là các đại đội giải tán cho anh em ai về nhà đấy nghỉ ngơi, chờ lệnh mới.

Chúng tôi hành quân gấp trở lại hậu cứ La Vang. Bây giờ là cuối tháng nên cuộc hành quân này của chúng tôi chẳng khác gì cuộc hành quân đêm. Khỏi phải nói đại đội chúng tôi, từ quan đến lính chán nản và bực bội đến mức nào. Chúng tôi vừa đi vừa ca thán. Đến ngay cả CTV Mỵ hiền lành như thế mà bên cạnh chuyện động viên anh em khẩn trương trở lại hậu cứ, cũng phải tuôn ra một lô "đặc sản". Chúng tôi về đến hậu cứ cũng muộn, tất cả lấy cơm nắm và thịt nguội ra ăn bữa tối, cắt cử gác xong rồi lăn ra ngủ. Chán chả buồn nói chuyện gì nữa.

Sáng hôm sau, đúng 30 tết. Chúng tôi dậy sớm. Đáng lẽ ra giờ này là đang tưng bừng vớt bánh chưng, tổ chức nấu nướng và trang trí đón bữa tất niên. Thế mà ngủ dậy thì đập vào mắt là cảnh doanh trại tan hoang. Lại một bữa xôi nguội thịt nguội nữa đang chờ chúng tôi, ăn làm sao cho hết cái thứ ấy để chuyển sang cơm nóng.

Lệnh từ tiểu đoàn xuống, các đơn vị khẩn trương thu xếp lại và tổ chức cho bộ đội đón xuân sao cho thật đàng hoàng và vui vẻ. Cơ sở vật chất tan tành rồi, còn đâu mà đàng hoàng và vui vẻ. Thật là

"Bắt phong trần, phải phòng trần,

Cho ăn no mới được phần ăn no..."

Bực và chán cũng chả giải quyết được gì. Thôi thì cố mà thu gom lại tổ chức ăn Tết, mình tự an ủi mình vậy. Đại đội khẩn trương cho ngâm lại gạo nếp và đỗ, dùng nước nóng cho nhanh. Tiểu đoàn phải mổ lợn tiếp và chia gửi xuống cho các đại đội để có thịt tươi gói bánh chưng. Cũng chỉ có thế thôi và khoản này được ghi nợ để trừ vào thực phẩm cấp thời gian sau này. Đại đội vận động các tiểu đội còn bao nhiêu rau xanh đem góp chung cho cả đơn vị. Số rau ấy (có héo một chút) cũng không có nhiều. Chúng tôi ra vườn rau bòn mót nốt số lá rau bỏ lại hôm qua vì thừa thãi, vặt hết cả những cây rau mới bé bằng ngón tay. Anh nuôi xin cử người ra gấp ngoài vườn chuối của dân kiếm bắp-bi "bao tử" về làm thêm món nộm hoa chuối. Các tiểu đội vẫn nấu kẹo lạc.

Vậy là cuối cùng, buổi chiều hôm 30 tết, chúng tôi vẫn có bữa ăn tất niên, có rau, có thịt và một chút rượu, hò hét chúc nhau om sòm. Tối đêm 30 chi đoàn vẫn tổ chức văn nghệ "cây nhà lá vườn", có chè, có kẹo, thuốc lá. Mấy cái thùng phuy nấu bánh chưng đêm đó vẫn đỏ lửa.

Ngày mồng một Tết cả đại đội vui chơi tự do. Không thấy có thủ trưởng cấp trên xuống chúc tết. Chúng tôi tự chúc tết nhau vậy. Trong ngày mồng một, chúng tôi vẫn tự lo hai bữa ăn tươm tất. Tất cả món thịt rang được huy động ra để ăn hết. Sau tết có ăn muối vừng cũng được. Có A còn ra bản đổi được gà, nhưng số đó không nhiều. Chợt có thằng phát hiện ra một điều bất hợp lý. Tại sao mọi khi có thịt thú rừng ăn mà dịp tết này lại chẳng ai nghĩ đến chuyện đi săn nhỉ. Phán đoán lung tung, cuối cùng đổ cho chuyện sẵn sàng chiến đấu nên bị cấm trại. Chiều hôm đó, ai đó nêu sáng kiến, thế là chúng tôi tổ chức làm bánh rán. Cũng phải khẩn trương vì khoản giã bột tốn rất nhiều công sức. Nhờ có món bánh này mà không khí vui thêm được một ít.

Chiều ngày mồng một tết, tiểu đoàn tổ chức họp giao ban. Thế là tối hôm đó chúng tôi biết đơn vị chuẩn bị lên đường về chiến trường miền Nam. Có lẽ đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi ngủ trên đất bạn Lào, trong cái doanh trại mới làm được chưa đầy 3 tháng, vẫn còn thơm mùi gỗ và tranh tre vì chưa có trận mưa nào. Đêm đó đại đội vẫn cho chúng tôi nghỉ và chơi.

Mồng hai tết.

Đại đội giao ban, sau đó tập trung toàn đơn vị. Đại trưởng Chèo trực tiếp phổ biến nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ chuyển địa bàn, về chiến trường B3 Tây nguyên. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong đội hình sư đoàn 320A, thế chân cho một trung đoàn của sư đoàn đó được điều đi nơi khác. Từ nay chúng tôi không còn thuộc sư đoàn 968 nữa. Chúng tôi có thời gian chuẩn bị rất dài, đến 4 giờ chiều mới phải hành quân đến nơi tập kết và sẽ di chuyển bằng ô-tô trong đêm.

Vì chúng tôi vừa qua cuộc báo động di chuyển hai ngày trước đó, nên mọi thứ đã sẵn sàng rồi, khâu chuẩn bị không có gì, thừa rất nhiều thời gian. Chỗ nào cũng túm năm, tụm ba bàn tán.

Vậy là chỉ có E9 chúng tôi đi chiến đấu, còn tụi 19 và 39 vẫn ở lại đất Lào. Xét về đời lính thì số chúng nó sướng thật. Đất Lào có hòa bình mà. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng chỉ so sánh tí chút chứ không ganh tỵ, vì chính chúng tôi, trong đó đa phần là lính mới cũng rất đang háo hức chiến đấu. Lính mới thì tò mò và mơ mộng với chiến công sắp tới, còn lính cũ thì hình như mắc cái bệnh nghề nghiệp mất rồi, lâu không đánh nhau lại thấy ngứa ngáy, dù biết có thể có hy sinh và thương vong.

Nhiều thằng muốn tìm đồng hương bên các E 19 và 39 để chia tay, nhưng chẳng ai biết cụ thể chúng nó đóng quân ở đâu, cách mình bao xa. Cũng chẳng ai nghĩ đến chuyện tụt tạt ở lại đất Lào. Thế là đơn vị lên đường đủ quân số một trăm phần trăm. Còn thời gian dài, chúng tôi chỉ vơ vẩn quanh doanh trại. Vài tốp mò ra suối ngồi chơi trên những tảng đá, ngắm nhìn vườn rau chỉ còn trơ những luống đất.

Bốn giờ chiều, chúng tôi hành quân. Nếu như hai ngày trước khi báo động ra đi, có A còn đập phá tí chút, thì lần này chúng tôi lại xếp mọi thứ rất gọn ghẽ, cứ như là mình sẽ trở lại ấy. Những cành hoa đào, mai, mận vẫn tươi hoa, rực rỡ. Lính mới quyến luyến ít thôi, nhưng lính cũ thì nhiều tâm trạng.

Chia tay nước bạn không kèn không trống vì chúng tôi không được tiếp xúc dân. Nhưng dù sao cũng có ít nhiều kỷ niệm rải rác trong các bản dân, nhất là trên Cao nguyên. Những tên bản Xăm-xi-núc, Phù Đin, Sen Vàng, Na-xịa, La Vang... vẫn còn âm vang trong lòng chúng tôi. Dù không có mối tình nào, nhưng hình ảnh người con gái Lào trắng trẻo, mặc váy mà trên ngực chỉ có mỗi cái "tùng chiêng", không áo, dáng đi uyển chuyển trên nhà sàn ở bản Phù Đin mới hơn mười tháng trước chợt lại hiện lên trong tôi, len lỏi trong những ý nghĩ mơ màng, chập chờn theo bước chân đều đều trên đường hành quân.

Chúng tôi đi xa dần khỏi hậu cứ La Vang. Trong hàng quân bỗng thấy lao xao. Tôi vượt lên bám kịp nhóm anh nuôi. Ồ, trong đội hình của họ có một con chó nhỏ chỉ bằng bắp chân chạy lăng xăng. Nếu không có cái dây ở cổ bị anh nuôi Mậu nắm giữ, chắc nó phải vượt lên đầu hàng quân. Có lẽ con chó còn bé quá, không thể làm thịt được nên nó được sống sót và hội anh nuôi quyết đánh liều đem nó theo hàng quân. Cũng vui, vì đó là sinh vật sống duy nhất, dấu ấn của chiến trường Lào đi theo chúng tôi.

Đêm đó, chúng tôi lên xe để hành quân. Những chiếc xe Zin kính cong Liên-xô của Đoàn 559 với những người lính lái xe trẻ măng đón và đưa chúng tôi về chiến trường miền Nam.

Thế là cuộc hành quân trong đời lính trẻ của tôi mới đi hết chặng thứ nhất: Nam Lào.

Phía trước còn rất dài và rất xa. Những tháng ngày chiến đấu trên chiến trường B3 trong đội hình của sư đoàn 320A và đi cùng nhau cho đến tận cùng chiến thắng. Rồi những tháng ngày tiểu trừ Fulro trên Cao nguyên miền Trung.

Những người lính xuất phát cùng nhau trong đêm mồng 2 Tết năm 1974 ấy từ Căn cứ La Vang (Saravan) về chiến trường miền Nam đông đúc là thế, mà sau chiến thắng 30/4 chẳng còn lại bao nhiêu.

Tôi trở về đời thường, có gặp lại đồng đội từ thuở khoác áo "Quân tình nguyện Nam Lào" ấy thì đa phần là các anh lính cũ, hơn tuổi mình. Năm tháng trôi qua, khi gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đã lắng xuống thì mới có điều kiện lần mò tìm nhau để thăm hỏi và ôn lại những ngày cùng khoác áo lính.

Trong một ngày cuối đông, tôi đã tìm đến nhà thủ trưởng đại đội cũ và các anh lính đàn anh ở Hà Bắc. Cuộc hội ngộ tổ chức đơn sơ nhưng đầm ấm.

Lúc ôn chuyện cũ, lần mò theo thời gian từ trận đánh này qua trận đánh khác, đại đội trưởng đã cho tôi xem cuốn nhật ký (nặng tính thời sự của một cán bộ chỉ huy) năm xưa của anh. Tôi bồi hồi khi đọc một dòng nói về trận Đồng Dù:

"... 2 giờ chiều, xốc lại đơn vị đột phá qua cửa mở đánh vào khu huấn luyện của địch..."

Tôi cứ cầm cuốn nhật ký và nhìn mãi vào dòng chữ ấy. Ký ức tràn về. Trong đầu như còn vang tiếng súng nổ, lửa khói mịt mù và những người lính C6 chúng tôi đang ào ạt xông qua bãi mìn, qua đám hàng rào vướng chân mà lao vào cửa mở ở cái căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975 ấy.

Vậy là một lần nữa, có bằng chứng ghi lại để nói rằng trí nhớ của tôi vẫn đúng, dù đã hơn 34 năm rồi, khi tôi kể lại trận Đồng Dù dưới góc độ người lính mà mình tham gia (tôi đã viết ở đầu topic này-phần một).

Tôi kể lại cho những đồng đội lớn tuổi của tôi nghe chuyện tôi đã viết hồi ức, về chuyện nhiều người thắc mắc về tính chính xác của thời gian trong trận đánh, về chuyện bây giờ sử sách họ tổng kết thế nào. Tôi kể cả chuyện anh Thịnh D viên phó tiểu đoàn tôi kể lại chuyện đáng Đồng Dù của tiểu đoàn cũng y như trong sách.

Bây giờ chúng tôi đều đã già, nhưng có lẽ do cùng ngồi trên một chuyến tàu "thời gian" nên khi gặp lại nhau, chúng tôi có cảm nhận về nhau vẫn thế, vẫn như những ngày nào, vẫn người trên kẻ dưới, vẫn phân định chỉ huy và lính tráng. Trong mắt lính cũ, loại như tôi vẫn chỉ là "mầm non". Đại đội trưởng của tôi ngồi yên không nói gì. Có lẽ anh cũng không biết phải chia sẻ với tôi thế nào.

Các anh lính khác lao xao mỗi người một ý. Sau cùng, anh Thắng "cối" bảo tôi:

"Những cái chuyện đó bây giờ không còn quan trọng nữa rồi. Chú mày viết sao cũng vẫn được, nhưng anh nghĩ có lẽ nói thật quá nhiều khi cũng không hay. Trong lúc những thằng khác tô vẽ cho trang sử của đơn vị nó oai hùng thì mình lại viết thật, bình thường hóa chiến công và truyền thống của đơn vị mình. Nếu như trận Đồng Dù ấy, chú mày viết là "đơn vị ta đánh vào dứt điểm từ 10 giờ sáng rồi chờ đón hội quân cùng các mũi khác của sư đoàn trong cắn cứ" thì cũng có chết ai đâu, lại được tiếng cho trung đoàn mình".

Tôi ngồi đần thộn ra một lúc lâu. Muốn cự nự anh đôi lời mà không nói ra được, đành phải nở nụ cười méo mó. Nghĩ lại có lẽ ý nghĩ của anh mới là đúng.

Có thể tôi sẽviết tiếp, cũng có thể không viết được nữa. Nhưng vì những điều mình viết ra đãquá nhiều, kể chuyện đơn vị đã quá nhiều, tôi muốn gửi lời xin lỗi đến các thủtrưởng cũ, đến đồng đội cũ trong Trung đoàn 9B và đồng đội C6 thân yêu năm xưacủa tôi, nếu như những điều tôi viết ra đã làm đồng đội phật lòng và ảnh hưởngđến thanh danh, truyền thống của đơn vị như đã ghi theo sử sách. 

---------

Chuyện của lính:

Bạn lính

Anh Nghi hơn tôi một tuổi, cả về tuổi quân và tuổi đời. Khi tôi vào đơn vị, anh mới vừa được phong Binh nhất, nhưng vẫn là chiến sĩ. Hiền lành, dễ gần và luôn nhiệt tình giúp đồng đội là điều nhận thấy ở anh chỉ sau ít ngày cùng sinh hoạt.

Tôi thích mon men gần anh, vì anh giữ súng cối cá nhân M79 trong tiểu đội. Loại súng này lạ hoắc vì ngoài Bắc khi huấn luyện tôi chưa thấy bao giờ. Anh giải thích, đây là súng phóng lựu của Mỹ, bắn một viên đạn đi gần giống như ta ném một quả lựu đạn, nhưng bay xa và chính xác hơn. Ôi, thật là lợi hại. Nhìn những viên đạn to như củ khoai, đầu vàng chóe, tôi thích lắm.

Lân la cạnh anh, rồi có lúc đánh trận, nhất là khi giữ chốt, anh cũng cho tôi bắn thử vài viên. Anh coi tôi như đứa em nhỏ của mình nên cũng chiều. Tôi mê lắm, đến nỗi về sau có thời gian tôi cũng xung phong được mang M79 trong tiểu đội. Ra trận với cơ số 40 viên đạn, thấy mình như mạnh mẽ và tự tin hơn. Có điều còn lâu tôi mới được như anh Nghi, vì anh bắn giỏi lắm. Quân ta ít có điều kiện bắn tập bằng đạn thật, nhưng như một cái khiếu hay sao ấy mà chỉ qua các trận đánh với tâm lý khẩn trương, anh vẫn luyện cho mình một khả năng thiện xạ. Ngồi chốt với anh cũng sướng, mà đánh vận động thì sự chi viện của anh đắc lực lắm. Nhanh thoăn thoắt và thoắt ẩn thoắt hiện. Có lẽ vì thể mà anh chẳng bị trúng đạn phản hỏa lực của địch bao giờ.

Một trận đánh chốt cùng anh bên huội Chăm pi đã đưa anh ra khỏi biên chế tiểu đội tôi. Một quả pháo của địch nện trúng miệng căn hầm chữ A nhỏ bé của hai chúng tôi. Tuy cùng ngồi khuất trong ngách hầm không ai trúng mảnh, nhưng anh ngồi trong sát vách nên chịu sức dội và bị sức ép nặng hơn. Tôi chỉ phải lên quân y tiểu đoàn nằm ba hôm, nhưng anh phải đi trạm phẫu Trung đoàn nằm mất một tuần. Khi về đơn vị, tai nghễnh ngãng, nghe cái gì cũng ù ù cạc cạc, nên anh được chuyển xuống làm anh nuôi. Anh buồn nhưng phải chấp nhận, vì lính chiến mà nghễnh ngãng thì độ nhanh nhạy kém hẳn, chiến trận sẽ thành gánh nặng.

Anh Nghi hay được đi phối thuộc lẻ cùng trung đội tôi, nên những lúc hành quân hay ở cứ, tôi vẫn gần anh. Thời kỳ thiếu đói, đôi lúc anh vẫn để dành từ đâu đó cho tôi một mẩu cháy to bằng ngón chân, hay một mẩu sắn nhỏ như con chuột nhắt. Chỉ thế thôi, nhưng thật ấm lòng.

Chiến tranh kết thúc.

Cuối năm 1975, anh Nghi được ra quân.

*

Bây giờ ngồibuồn lại thấy nhớ anh. 

Tháng Bảy mưa Ngâu

Tháng Bảy là tháng nhớ về đồng đội đã hy sinh, dù rằng phần đông đồng đội cùng đơn vị tôi không hy sinh vào tháng bảy. Chẳng những về thời gian, mà không gian cũng rộng lớn vô cùng.

Chỉ có một ngàn mấy trăm ngày chiến trận thôi, nhưng cùng đơn vị, tôi đã đi qua nhiều chiến trường, nhiều chiến dịch với những vùng đất rộng lớn trải dài hai bên bờ Đông Tây dãy Trường Sơn. Hầu như chiến dịch nào cũng có hy sinh, trận đánh nào cũng có tổn thất. Đồng đội tôi ngã xuống và nằm rải rác trên nhiều vùng đất.

Một phần lớn đồng đội tôi hy sinh vẫn nằm lại Nam Lào, chưa được quy tập. Các đội quy tập liệt sĩ của Thanh Hóa, Nghệ An báo cáo danh sách quy tập nhiều, nhưng chủ yếu là các liệt sĩ hy sinh ở vùng Trung Lào, vùng Cánh đồng Chum. Chiến trường Nam Lào quá rộng lớn, tác chiến lại chỉ có mỗi sư đoàn 968 nên nghĩa trang nằm rải rác và không nghe nói sau chiến tranh quy tập về đâu. Một thực tế là vùng đất Atopo còn chồng chéo với tuyến đường vận tải Trường Sơn 559 (với rất nhiều con đường ngang dọc, nhiều binh trạm) nên hiện nay cũng còn nhiều liệt sĩ chưa được quy tập về, dù Nghĩa trang Trường Sơn đã có tới cả vạn ngôi mộ.

Chúng tôi đến thăm những gia đình của liệt sĩ đồng đội mình, biết phần đông vẫn chưa đưa về được nghĩa trang liệt sĩ địa phương, đành an ủi với tâm niệm rằng nơi đâu thì cũng là Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Còn có đôi ba trường hợp đưa được về thì câu chuyện lại thật ly kỳ. Như liệt sĩ Nguyến Khả Nhật (lính cùng đoàn Hà Nội nhập ngũ cùng tôi, vào cùng đại đội) thì gia đình và đồng đội tìm được lại may mắn do gặp được người lính phía bên kia đã bắn anh và tự tay chôn cất anh. Run rủi thế nào, người lính đó lại định cư ngay tại nơi đó sau chiến tranh, cách mộ anh chỉ vài trăm mét, nên đã giúp được rất nhiều. Nguyễn Khả Nhật nay đã về yên nghỉ trong nghĩa trang Tây Tựu của Thành phố.

Không tìm đến được tận nơi mộ của đồng đội đơn vị mình, chúng tôi đến nghĩa trang thành phố thắp nén hương chung. Thế cũng an ủi ít nhiều, vì ở dưới kia, các anh các chị vẫn là đồng đội, vẫn liên lạc được với nhau dễ hơn chúng tôi. Không biết đúng thật không, nhưng cứ nghĩ thế cho nó an lòng.

Tháng bảy này chưa có mưa ngâu, vì là tháng bảy Tây; nhưng nước mắt của người thân và đồng đội đến nghĩa trang thắp hương cho liệt sĩ thì cũng đủ hợp lại thành mưa ngâu, có điều nó chảy vào trong.

Đồng đội ơi. Đã mấy chục năm rồi các anh nằm xuống. Tuổi các anh mãi mãi đôi mươi, còn chúng tôi nay tóc cũng đã bạc gần hết rồi. Thế mà sao khi về thắp hương cho các anh, chúng tôi lại thấy mình cũng như trẻ lại, chúng mình lại cùng nhau tếu táo như ngày nào.

Dẫu một nămchỉ có một ngày 27 của tháng bảy, nhưng chúng tôi không bao giờ quên các anhđâu, những đồng đội liệt sĩ ơi. 

Đến với Điện Biên

Một ngày cuối tháng 4 sau ngày giải phóng Điện Biên 59 năm, tôi mới có dịp đến được với mảnh đất Mường Thanh-Điện Biên Phủ, mảnh đất mà năm xưa đã xảy ra những trận đánh ác liệt và then chốt cuối cùng của bộ đội ta với quân Pháp trước khi miền Bắc được giải phóng.

Mảnh đất Điện Biên cách xa Hà Nội gần 500 cây số, nhưng lại rất thân thiết với gia đình bên ngoại tôi. Nơi ấy, ngày 28/3/1954 đã diễn ra một trận đánh không cân sức trên cánh đồng Mường Thanh giữa đại đội 78, thuộc tiểu đoàn phòng không 387, đại đoàn 308 với một tiểu đoàn bộ binh lính Âu-Phi. Cậu ruột tôi, đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và tất cả đồng đội đang trực chiến trên trận địa hôm ấy đã lần lượt ngã xuống sau nhiều giờ chiến đấu. Chỉ có duy nhất một người lính bị thương nặng về sau được cứu sống. Chuyện về trận chiến đấu ấy của đại đội cậu Quỳ tôi đã từng được kể lại và in trong tập truyện "Hàng rào cuối cùng" xuất bản từ năm 1964 nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên.

Ông bà ngoại tôi có 9 người con trưởng thành. Cậu Nguyễn Viết Quỳ là em kề sát người chị cả là mẹ tôi.

Phải mất tới 40 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tới năm 1994, bằng nhiều nỗ lực bền bỉ, đại gia đình chúng tôi mới tìm được phần mộ liệt sĩ. Cậu tôi yên nghỉ trong Nghĩa trang Đồi Độc lập, nghĩa trang lớn nhất trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với 2432 ngôi mộ, trong đó chỉ có 56 ngôi mộ có danh tính.

Suốt từ năm 1994, năm nào đại gia đình bên mẹ tôi cũng tổ chức đoàn lên Điện Biên, đến Nghĩa trang Đồi Độc lập để thắp hương cho cậu tôi và các đồng đội của cậu. Mẹ, chị và vợ tôi đã lên Điện Biên. Riêng tôi vì lý do công tác và sức khỏe nên mãi đến năm nay mới cùng Hòa-em ruột tôi- theo các Dì và em họ lên Điện Biên thăm cậu Quỳ.

Mặc dù đã học và đã đọc nhiều về chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng lần đầu tiên được tới tận nơi, tôi vẫn choáng ngợp trước cảnh mênh mông của thung lũng Điện Biên với diện tích vài chục cây số vuông.

Trong ba nghĩa trang liệt sĩ đánh Điện Biên Phủ thì Nghĩa trang Đồi Độc lập là lớn nhất, kể cả về diện tích và số mộ liệt sĩ. Cây xanh vừa tầm trong nghĩa trang rất nhiều, khiến đứng trong nghĩa trang không có cái cảm giác bỏng rát giữa trưa hè như trong nhiều nghĩa trang lớn miền Trung mà tôi đã từng đến thắp hương cho những đồng đội thuộc thế hệ đánh Mỹ chúng tôi.

Mộ cậu Quỳ tôi nằm ngay đầu dãy thứ ba ngay bên phải cổng vào nghĩa trang. Tôi nhận ra ngay trên bia mộ tấm ảnh chân dung in trên đá, chụp cậu tôi lúc về phép cuối năm 1953, có lẽ do bố tôi chụp, vì ngày còn thanh niên, hai người đã là bạn thân, học cùng ở một trường cấp Ba hiếm hoi trên miền Bắc lúc bấy giờ. Tấm ảnh này trên bàn thờ nhà tôi cũng có, vì mẹ tôi tuy là phận gái, nhưng lòng nhớ thương người em tài hoa đã hy sinh cho Tổ Quốc quá lớn nên mẹ tôi đã thờ cả bố tôi và em ruột, mặc dù mẹ tôi vẫn còn hai người em trai nữa.

Tôi thắp hương cho cậu tôi và quỳ xuống bên mộ cậu. Lần đầu tiên thắp hương trực tiếp cho cậu, mặc dù cố kìm nhưng tôi không thể ngăn được hai dòng nước mắt. Tôi đã khóc. Tôi khóc vì lòng tiếc thương của một người cháu đối với một người cậu ruột mà tôi chưa biết mặt vì khi cậu tôi hy sinh, tôi mới có bốn tháng tuổi. Cậu tôi là một thanh niên tài hoa, năm 1945 học dở tú tài thì bỏ học theo các mạng. Năm 1946, khi mới 17 tuổi, cậu tôi đã là học viên khóa I của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Nước mắt chồng nước mắt. Tôi còn khóc với nỗi lòng của một người lính đối với một người lính, của một người đồng đội thế hệ sau với thế hệ của cậu tôi. Tôi là người lính thế hệ chống Mỹ. Dầu không cầm súng dài tới chín năm như cậu tôi, nhưng trong chiến tranh tôi cũng là một người lính bộ binh, trực tiếp chiến đầu tới vài chục trận trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tôi nhớ ngày tôi nhập ngũ trong cái năm cả nước tổng động viên ấy, bà ngoại tôi xót thương cháu đã khóc rất nhiều. Bà dặn tôi một câu khá đặc biệt: " Nếu chỉ huy có bảo xung phong lên lấp lỗ châu mai thì đừng có lên, cháu nhé". Tôi không biết tại sao bà lại biết rằng lấp lỗ châu mai tức là sẽ hy sinh. Tôi chỉ biết là bà thương tôi và chắc có nghĩ rằng tôi cũng có thể sẽ hy sinh, không trở về như cậu Quỳ tôi. Nếu như vậy thì bà ngoại và mẹ tôi sẽ trở thành hai người đàn bà có chung số phận, vì tôi cũng có một chị gái.

Bà tôi và chắc rất nhiều người không biết rằng, người lính khi ra trận sẽ hành động như thế nào. Bản năng người lính và tình thương đồng đội sẽ làm người lính quên đi bản thân mình trước hiểm nguy. Rất có thể khi gặp tình huống trong chiến đấu như anh hùng Phan Đình Giót, tôi cũng sẽ quên lời bà dặn mà hành động giống như anh. Nhưng có thể trong ước vọng của bà ngoại, còn có cả sự phù hộ của cậu tôi dành cho đứa cháu ruột là tôi khi ra trận, nên tôi đã không gặp phải tình huống gian nguy cần có người lấp lỗ châu mai. Tôi đã trở về sau chiến tranh với mẹ, với bà.

Và hôm nay, tôi có mặt ở đây để thắp hương cho cậu tôi. Để cảm ơn cả số phận đã trả lại tôi về với mẹ tôi sau chiến tranh nữa. Tôi cứ chắp tay khấn cậu và nghĩ miên man như thế, mặc cho nước mắt rơi.

Cùng các Dì và các em, tôi còn đi khắp nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sĩ Điện Biên. Thật đau lòng là nơi đây cũng có nhiều phần mộ khuyết danh quá, chẳng khác phần lớn các nghĩa trang chống Mỹ là bao. Chỉ có một câu chung dành cho các liệt sĩ ghi nơi đài tưởng niệm của các nghĩa trang: " Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ".

Trong bốn ngày ở Điện Biên, đại gia đình chúng tôi còn đi thắp hương cho các liệt sĩ ở những nghĩa trang khác nữa, nhưng ngày nào cũng đến thắp hương cho phần mộ của cậu tôi và các đồng đội tại nghĩa trang Đồi Độc lập.

Tôi cũng đi thăm di tích hầm Đờ-Cát, thăm đồi A1... Mỗi nơi, tôi đứng thật lâu, nhìn địa hình, đem chút kinh nghiệm lính trận của mình, đối chiếu với những điều đã ghi trong sách về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để hình dung ra những trận đánh dai dẳng và ác liệt của thế hệ cha chú mình với tụi lính thực dân Pháp.

Thật mãn nguyện và hài lòng vì mình đã có một chuyến đi thăm chiến trường xưa đầy ý nghĩa.

Cùng đại giađình trở về Hà Nội, tôi tạm biệt cậu Quỳ và mang theo lời dặn của các Dì. Sẽlên thăm cậu nhiều hơn và khi sức khỏe các Dì các Cậu của tôi đã yếu thì đám anh em con cháu chúngtôi sẽ tiếp quản đón nhận tình thương và tiếp tục tổ chức những chuyến đi ĐiệnBiên, lên thăm cậu Quỳ. Chúng cháu không bao giờ quên ơn hy sinh của cậu và cácanh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc./. 

Kể chuyện Tây Nguyên

Chuyện kể ở đây không phải là tư liệu nghiên cứu về đồng bào Tây Nguyên. Chỉ là những hồi ức, những kỷ niệm kể lại cho các bạn. Các bạn sinh viên Đại học Văn hóa làm luận văn về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt nam chớ có lấy đây làm tài liệu chính thống, người viết không chịu trách nhiệm về điểm luận văn của các bạn đâu nhé.

Đồng bào dân tộc nói chung là khổ và có mặt bằng văn hóa thấp và hạn chế hơn so với người Kinh. Trong thời kháng chiến thì điều này càng rõ. Bộ đội chúng tôi đã khổ và thiếu thốn, người dân tộc Tây Nguyên ven dãy Trường Sơn còn khổ hơn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn một thuở đã phải than là đồng bào ven Trường Sơn nghèo xơ xác quá. Trẻ con thì trai hay gái đều ở truồng quanh năm. Khi lớn thì đàn ông ai cũng chỉ có mỗi một cái khố. Đi qua vùng dân tộc, tôi chưa bao giờ trông thấy một cái khố nào phơi trên dây hay sào tre quanh nhà. Có lẽ chẳng có ai có được tới hai chiếc khố. Phụ nữ cũng chẳng hơn nhiều lắm. Có thể là một thời thanh bình xa xưa nào đó, phụ nữ Tây Nguyên cũng dùng vải thật để may váy áo, nhưng những năm tháng chúng tôi ở Trường Sơn, chỉ toàn thấy họ mặc váy áo được khâu lại từ một thứ vải bao cát. Trong chiến tranh, quân Mỹ Ngụy lập các căn cứ thường dùng một loại túi vải thưa, sợi to như sợi đan áo, đổ đất vào đó rồi cột lại, chất lên nhau làm công sự, chúng tôi gọi là bao cát. Loại sợi này có pha ni-lon, rất lâu mới mục nát. Làm bao đựng đất làm công sự thì tốt, nhưng phải dùng nó để khâu váy áo thì chắc chỉ có đồng bào Tây Nguyên. Mặc nó chắc rất nóng, và nói thật là nó rất thưa, độ che kín không đủ trăm phần trăm. Những chiếc váy họ mặc không phủ kín đến đầu gối. Còn áo thì hơi ngắn, đứng thẳng người không sao, nhưng hơi nghiêng người là hở cả lưng cả bụng. Phụ nữ Tây Nguyên không mặc đồ lót. Trộm nghĩ, các ca sĩ ngày nay cố gắng mang trang phục hở đông hở tây khi biểu diễn để "khoe hàng", bất quá cũng chỉ như học lại cái trang phục bất đắc dĩ thời chiến tranh đầy thiếu thốn của phụ nữ Tây Nguyên mà thôi. Nhưng đố dám bắt chước bỏ cả "nội y" đấy, dù thứ đó của các nàng bây giờ nhiều khi chỉ bằng hai cái lá mít bánh tẻ chập lại.

Người Tây Nguyên có nước da ngăm đen, không hẳn đen nhánh như người châu Phi, cũng không phải da màu như người Nam Mỹ. Chưa ai đo được da họ dày đến đâu, nhưng chúng tôi cũng chưa bao giờ nghe đến khái niệm đồng bào bị muỗi đốt. Ngay cả ở những vùng muỗi bay dày như vỏ trấu, đập cánh vù vù như tiếng sáo diều sông Bến Hải, thì đồng bào Tây Nguyên cũng không biết dùng màn. Tây Nguyên liền dãy Trường Sơn, bộ đội nhà ta không ai thoát khỏi sốt rét, nhưng muỗi A-no-phen lại phải tránh xa đồng bào. Những con muỗi rừng to như hạt thóc chiêm, vòi dài cả chục ly mà châm lính phát nào là chúng tôi nhảy dựng người lên phát đó, cũng chào thua lớp da người dân tộc. Ông Dac-Uyn sống lại chỉ cần nghiên cứu đoạn này cũng đủ hoàn thành thuyết Tiến hóa, khỏi cần phải mò ra một đảo hoang nào đó mãi ngoài Thái Bình Dương xa xôi để nghiên cứu lũ bướm đổi màu.

Tư lệnh Trường Sơn đã từng nói, đồng bào dân tộc tắm suốt ngày. Thực ra thì không hẳn như thế, chính xác là cứ khi nào lội qua sông suối là họ tranh thủ tắm. Một ngày lội suối bao lần là họ tắm bấy nhiêu lần, bất kể mùa khô hay mùa mưa. Được cái mùa khô tuy ban đêm lạnh, nhưng ban ngày thường có nắng ấm. Khi qua suối, người dân tộc thường chọn chỗ nước sâu. Đàn ông lội qua suối đến giữa dòng thì ngồi thụp xuống rồi cởi khố và đưa tay khua loạn xạ, lục xục một hồi rồi mặc luôn lại chiếc khố vừa giặt đang còn ướt sũng. Khi lội lên bờ, nhô người đến đâu thì thì họ kỳ cọ đến đấy. Chỉ cần dăm phút lội suối, khi lên đến bờ thì đã tắm xong. Phụ nữ cũng gần như thế. Họ không tụt hết rồi lao xuống suối tắm như mấy cô thanh niên xung phong "giả" trong mấy bộ phim của mấy ông đạo diễn thích câu khách bằng cảnh tươi mát đâu. Họ cũng lội chìm xuống suối, ngồi ngập đến tận cổ rồi có làm gì thì làm. Có khuơ khoáng loạn xạ thì cũng vẫn kín đáo. Thông thường phụ nữ lội dịch ở đoạn phía dưới theo chiều bước chảy, hoặc nếu cùng khúc suối thì họ thường lội sau. Cái đó hình như đã thành một nếp, một tập tục rồi, rất có văn hóa. Chưa bao giờ chúng tôi thấy nam nữ đùa nhau khi tắm suối.

Tất nhiên những điều tôi kể chỉ là sự nhìn theo kiểu trinh sát của lính tráng chúng tôi, chứ làm sao mà ngang nhiên nhòm ngó được. Bộ đội cơ mà.

Bây giờ, saubao năm chiến tranh, không biết cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên có nhiều thayđổi không, nhưng những điều thuộc về tập tục, chắc không có gì khác.

--------

Chiến trường B3

...

Thế là cái đêm mồng 2 Tết Giáp Dần 1974 ấy, trung đoàn 9B chúng tôi chính thức chia tay chiến trường Nam Lào để chuyển địa bàn về miền Nam chiến đấu.

Chúng tôi đi trong thầm lặng, không được chính thức chia tay cả dân Lào lẫn các bạn bè ở các trung đoàn khác trong cùng sư đoàn 968. Đối với chúng tôi thì việc về miền Nam là hiển nhiên, dù chưa biết chính xác về đâu, nhưng với dân và các đơn vị bạn thì giữ bí mật vẫn là điều cần thiết.

Cảm giác không hẳng vui, không hẳn buồn. Có một chút bùi ngùi của lính cũ và niềm háo hức ra trận của mấy đợt tân binh chưa qua chiến trận. Có một nhà thơ đã viết:

"... Khi ta ở, đất chỉ là đất ở,

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn..."

Điều ấy hoàn toàn đúng và nó đánh vào đúng tâm trạng của những người lính đang phải từng bước hành quân rời xa vùng đất đã gắn bó với mình biết bao chuyện vui buồn, bao gian nan thử thách trong suốt cả một thời gian dài. Trung đoàn 9B chỉ tham chiến trên vùng đất Nam Lào, trên cao nguyên Bô Lô Ven có chưa đầy 4 năm trời, nhưng khoảng thời gian ấy trong chiến tranh là dài lắm, bởi có vô vàn đổi thay với cả đơn vị và với từng người lính. Đơn vị ghi dày thêm chiến công vào trang sử truyền thống, còn trong từng đơn vị thì có nhiều người đã ngã xuống, nhiều người bị thương trở về hậu phương, và những người lính còn trụ lại thì đã thành lính cũ dày dạn. Có người đầy ắp chiến công và đã trưởng thành lên nắm giữ những cương vị chỉ huy quan trọng, điều mà lúc vào chiến trường không hề nghĩ tới. Và còn có không ít những người lính quên lời thề số 1, bỏ ngũ tìm về hậu phương tìm cái sống nhưng đa phần là buồn hơn vui.

Tôi còn nghĩ, mảnh đất nơi ta đã sống "... bỗng hóa tâm hồn" bởi nó chứa đựng những kỷ niệm riêng của từng người lính trong thời gian sống ở đó. Ở đó có tình người và người lính nào có chút lãng mạn hoặc có một mối tình nảy nở thì cái "hóa tâm hồn" ấy lại càng sâu đậm và da diết hơn.

Với riêng tôi cũng vậy. Những chuyện buồn vui chiến trường ở đây, tôi đã kể ra qua những trang viết trên đây rồi. Bây giờ lại xao xuyến qua từng bước chân trong hàng quân.

Nhưng có lẽ tất cả những điều đó chỉ âm thầm diễn ra trong tâm tưởng của từng người, còn hàng quân khi đó vẫn đều bước theo mệnh lệnh của các cán bộ đại đội và trung đội.

Chúng tôi hành quân có lẽ chừng độ ba bốn tiếng đồng hồ. Đủ để thâm mệt trong đêm hành quân. Đơn vị dừng lại, được lệnh nghỉ chờ đến sáng.

Mùa khô, lại mệt mỏi nên chúng tôi rải nilon hoặc vun chút lá rừng, ngả lưng ngủ ngay tại chỗ dừng chân. Đội hình của cả một trung đoàn có lẽ lớn lắm và có lẽ cũng quá an toàn nên chẳng có gác sách gì. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm với cánh rừng Trường Sơn chỉ có quân ta này.

Sau Hiệp định Pari tháng 1 năm 1973 thì cả tuyến đường Trường sơn 559 thực sự trở thành tuyến vận tải hậu cần và là hậu phương của lính ta. Không còn bóng dáng những chiếc máy bay trinh sát OV-10 hai thân trắng toát bay tít trên nền trời cao vè vè suốt ngày rình rập. Không còn những đợt bom B52 rung chuyển núi rừng không đoán được trước, và ngay cả những tốp phản lực ném bom theo chỉ điểm trực tiếp của OV-10 cũng không còn. Rừng cây hồi sinh trở lại nhanh chóng qua mùa mưa 1973.

Khung cảnh đêm càng yên tĩnh hơn. Lính tráng dễ ngủ, qua đợt hành quân mệt càng thêm dễ ngủ. Trong đêm, có lẽ chỉ thỉnh thoảng còn ánh đèn pin của các cán bộ chỉ huy quan tâm kiểm tra tình hình lính tráng.

Đêm nay, chúng tôi đã đi vào dãy Trường Sơn, nhưng vẫn còn thuộc đất Lào.

Trời sáng, chúng tôi lục đục dậy thu dọn. Cơm nếp và thức ăn từ hôm trước vẫn còn, anh nuôi chưa phải nấu cơm. Sau khi xuống suối lấy đủ nước vào bi đông, chúng tôi lên đường.

Chỉ đi chừng khoảng một giờ thôi, nhưng càng đi càng lên cao. Chỗ chúng tôi dừng chân là một cánh rừng rất rộng. Mặt đất chỉ có một ít đất nằm xen các khối đá lớn. Rừng thưa, toàn một loại cây lá nhỏ giống như cây Muồng hay cây Cơm nguội mọc nhiều ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Nơi này không cần làm đường, nhưng cũng không thể đào hầm vì toàn đá lớn.

Một dãy xe ô-tô đã đỗ sẵn ở đó, có tới mấy chục chiếc, toàn là xe tải. Hầu hết là loại xe Zin kính cong, chỉ có rất ít là loại xe Giải phóng trùm bạt kín mít. Chúng tôi hành quân xe theo đội hình tiểu đoàn. Xe Giải phóng chở đồ hậu cần của tiểu đoàn, còn lính tráng được xếp lên thùng xe Zin, cứ 24 người một xe. Quân số của đơn vị chúng tôi lúc này khá sung túc. Mỗi trung đội có tới 31, 32 người. Toàn đại đội kể từ chỉ huy tới anh nuôi cũng đến hơn trăm. Chúng tôi lên thùng xe xếp ba lô xuống dưới rồi ngồi lên trên, thành 4 hàng dọc. Súng của ai dựa vai người đó.

Tất cả các xe ô tô đều đánh số. Bọn lính lái xe trẻ măng, có khi còn trẻ hơn tôi. Mỗi xe một lính lái. Về sau hỏi chuyện thì biết, hầu hết chúng nó đều mới vào Trường Sơn từ sau Hiệp định Pari. Thời gian học lái xe chỉ có 3 tháng. Ngày trước khi máy bay Mỹ còn đánh phá tuyến đường Trường Sơn, hầu như chưa có mấy loại xe Zin kính cong này, mà toàn xe Gát với xe Giải phóng. Lính lái xe đều phải mặc áo giáp và đội mũ sắt. Bây giờ tôi thấy bọn lái xe toàn đầu trần và chỉ mặc trên người mỗi chiếc áo lót vải cộc tay.

Cũng phải tốn khá nhiều thời gian để sắp xếp lên xe. Lại còn phải dìn dìn chạy một lúc lâu mới chuyển thành đội hình hàng dọc và theo thứ tự. Vì đây không phải là tuyến đường nên những cây số đầu đi rất xóc. Mới đầu chúng tôi ngồi có vẻ chật, nhưng dằn theo xe một lúc, ép sát vào nhau nên thậm chí duỗi được cả chân. Lúc đầu đi có vẻ hàng lối vậy thôi, nhưng về sau do xe đã đánh số, không sợ bị lạc nên có những khoảng rừng rộng, có nhiều xe chẳng theo hàng lối mà cứ thế vòng vượt lên nhau, lính tráng lắc lư như những bao tải.

Chạy được khoảng hai giờ, chắc cũng chưa được bao nhiêu thì chúng tôi dồn đội hình, giải lao chừng nửa giờ. Lúc lên xe, không hiểu sao anh nuôi C tôi để tuột dây buộc con chó. Thế là con chó con (Mà tôi đã kể từ lúc xuất quân ở Bản La vang, Ca đáp) có lẽ không quen tiếng xe ô tô nên nhảy phốc xuống đất và chạy thẳng vào rừng. Một anh nuôi nhảy xuống đuổi theo. Rừng thưa, đường gập gềnh toàn đá, nhưng con chó chạy rất nhanh. Đuổi đến hơn trăm mét mà không bắt được, đơn vị lại giục vì các xe khác đã xuất phát, anh nuôi đành phải quay lại. Thế là mất con chó. Chúng tôi ở xe đi sau nhìn rõ mọi chuyện, thấy con chó khi không còn người đuổi thì lại đứng lại nhìn. Chúng tôi đi xa dần còn thấy nó đứng trên mỏm đá nhìn theo. Chắc nó cũng chưa hiểu là nó đã bị bỏ lại giữa rừng. Xe đi khuất, tự nhiên tôi lại thấy có cảm giác như vừa mất một cái gì. Con chó ấy liệu có sống được giữa rừng già mênh mông không một bóng người ấy?. Nếu không bị thú lớn ăn thịt thì chắc nó cũng chết đói chứ không thẻ trở thành chó hoang được, vì nó còn quá bé.

Hôm ấy chúng tôi dừng chân nghỉ sớm. Vẫn là những cánh rừng già của dãy Trường Sơn. Bây giờ mà có cho xuống xe đi bộ quay lại thì cũng chẳng thể nhận ra đường chúng tôi vừa đi. Chúng tôi nghỉ riêng, còn lính lái xe thì cũng nghỉ ngay gần đó theo đội hình xe.

Vì hôm trước được nghỉ ngay từ chiều, nên mới quá nửa đêm chúng tôi được lệnh lên xe hành quân. Trên xe sẽ lại ngủ tiếp nên chúng tôi cũng chẳng phàn nàn gì. Chúng tôi chỉ được lệnh đeo sẵn khẩu trang chuẩn bị từ trước và đội mũ tai bèo cho khỏi sương đêm. Tại sao gần như thời bình, nơi này lại rất xa chiến trường mà chúng tôi vẫn phải đi đêm? Sau này chúng tôi đoán già đoán non là đơn vị không muốn cho chúng tôi biết rõ đường rừng từ Nam Lào chúng tôi đi sang đây nhập vào đường vân tải Trường Sơn từ chỗ nào.

Chúng tôi tỉnh dậy trên xe khi trời bảnh sáng, cả đoàn xe đang dừng lại trên đường. Chúng tôi mở mắt nhìn nhau, phì cười vì thằng nào cũng bụi trắng đầy người. Khẩu trang, nơi có hơi nước thở qua miệng đầy đất. Một thằng phủi là bụi bay mù mịt tứ tung khắp xe. Có một vài lính, chủ yếu là cán bộ chỉ huy nhảy xuống đất nhưng chựng người lại ngay. Trên mặt đường là một lớp đất bột mịn dày đến hai, ba chục phân. Mỗi bước đi là lộp phộp bụi đến quá nửa ống chân. Thế là lại phải leo lên xe, kéo thêo bao nhiêu bụi. Sao lại dừng chân nghỉ giải lao ở cái chỗ giở hơi thế này, ai cũng kêu ca. Rồi có lệnh ăn sáng ngay trên xe. Cơm nắm có từ tối hôm trước rồi.

Chúng tôi lên đường. Bây giờ mới biết đằng nào thì cũng phải nghỉ giải lao trên đường thôi, vì con đường vận tải này là độc đạo, nằm cheo leo trên những núi cao. Đi đến mấy chục cây số nữa mà con đường vẫn ngập bụi thế. Các xe ô tô giãn cách nhau khá xa, vậy mà trên con đường vẫn mù mịt bụi, như đốt khói. Tôi để ý thấy con đường này có được do xẻ núi đất mà thành, mặt đường chẳng có lát một thứ gì hết. Thế cho nên xe ô tô chạy qua cứ cày đất lên tạo cho lớp bụi ngày càng dày. Chắc rằng đến mùa mưa thì không thể đi trên con đường này vì mấy chục phân bụi kia đã hóa hết thành bùn. Tôi đoán rằng con đường này chắc là mới mở, chưa trải qua đạn bom.

Có lẽ thế thật, vì khi đi quang qua một sườn núi bị bạt nào đó, chúng tôi đọc được dòng chữ "Tuổi trẻ kiên cường, mở đường thắng lợi" được khoét chìm vào vách núi đất bên đường. Mỗi chữ cái có lẽ phải cao độ trên 2 mét và sâu vào đất tới nửa mét, vì đi ở một khúc cong bên quả núi bên cạnh nhìn nó rất rõ. Thật khâm phục sức, ý chí và nghị lực của những con người thuộc đơn vị Thanh niên Xung phong trên tuyến đường này.

Cũng chẳng phải chờ lâu, chỉ hơn chục cây số tiếp theo, chúng tôi đã gặp được một đơn vị TNXP và cũng được dừng xe. Có đến bốn chục nữ thanh niên xung phong, chẳng thấy bóng đàn ông nào. Họ tất nhiên còn trẻ, trạc tuối như chúng tôi. Chỗ này lớp bụi đường đã bớt nhiều nên thấy dễ chịu hơn. Thế là hỏi thăm nhau, tìm đồng hương tíu tít. Rồi lúc chia tay, các cô TNXP đồng loạt hỏi xin chúng tôi cùng một thứ: đó là nước. Các cô kể: "Đơn vị chúng em đóng quân quản lý cung đường này, nhưng rất thiếu nước. Có con suối rất to nhưng nằm cách đây tới 30 cây số. Mồi tuần một lần có xe binh trạm chở chúng em đến suối tắm giặt và lấy nước dùng cho một tuần, nên rất phải dè sẻn. Các anh cho chúng em nước đi, cố chịu khát vài tiếng là các anh lại đến sông, suối rồi".

Nhìn con đương lộp phộp toàn bụi, mỗi bước chân đi là bụi lùa qua khe hở vào người thế này thì bao nhiêu nước cho đủ. Chỉ riêng chuyện này thôi đã thấy thương cái sự gian nan vất vả cho phận nữ nhi nơi đèo heo hút gió này rồi. Lán của các cô cũng chỉ nằm ngay gần đường đây thôi. Thế là tất cả chúng tôi, bình tông dù còn đầy vơi bao nhiêu nước, nhưng cũng rẽ vào lán trút nước ra cho các cô. Các cô TNXP đựng nước bằng những cái vỏ bao gạo đồ của Trung Quốc, chôn nửa chìm xuống đất và neo cọc để giữ. Đám lính lái xe cũng đem nước cho TNXP. Họ có những chiếc bi đông to đựng tới 5 lít nước, thật đáng nể. Có lẽ những việc làm như thế này cũng không phải lạ đối với lính lái xe Trường Sơn.

Chúng tôi lạilên đường. Cuối chiều thì tới nơi dừng chân. Xe ô tô đỗ lại bên đường để chúngtôi xuống xe và hành quân thêm độ non cây số thì dừng lại. Đó là một cánh rừnggià có rất nhiều cây Săng lẻ to hàng hai người ôm, nằm sát ngay bên một consông to to. 

Chúng tôi được nghỉ lại đây 3 ngày. Mắc võng hay nằm đất thì tùy, nhưng không phải đào hầm. Đây cũng chỉ là một cánh rừng do tiền trạm của trung đoàn chọn chứ không phải bãi khách của đường dây 559.

Lâu không hành quân, được đi ô tô cũng sướng, nhưng qua 2 ngày đi xe cũng khá mệt mỏi. Chiều hôm đó và buổi tối, chúng tôi nghỉ là chính.

Hôm sau là cả một lô việc. Thoạt đầu là báo động chiến đấu và kiểm nghiệm quân tư trang. Cái chuyện muôn thuở này tuy đã quen, nhưng quả tình không khoái. Từ lần kiểm tra trước ở bản La Vang trước khi hành quân đến lần kiểm tra này chỉ chưa đến chục ngày. Chắc cấp trên vẫn tưởng chúng tôi còn giấu diếm điều gì. Lính ta thường nói khi đánh nhau mà lấy vàng bạc gì đó thì rất hay đen đủi, dễ bị bom rơi đạn lạc, nên thực tình trận nào chiếm được cứ điểm địch, chúng tôi cũng chỉ nhăm nhăm lấy thứ ăn được chứ không để ý lục lọi thứ khác làm gì. Lấy những của đó về trước sau gì cũng phải đem nộp cấp trên, vừa mệt người mà còn để lại dấu vết nghi ngờ thì lấy làm gì. Tôi còn không thích hơn nữa là trong đoàn kiểm tra không phải chỉ có riêng cán bộ đại đội, mà còn có cả mấy ông trợ lý trên tiểu đoàn. Các ông ấy xăm soi rồi thản nhiên giở cả nhật ký của lính tráng ra xem. Đã có trường hợp nội dung trong đó bị ghi nhận lại rồi đem ra đánh giá lúc này, lúc nọ. Chính vì thế mà quyển nhật ký ghi chi tiết của tôi sau khi vào chiến trường chỉ sáu tháng sau đã phải bỏ. Nhật ký của tôi giờ chỉ còn cuốn sổ nhỏ, mỗi ngày chỉ ghi đôi ba dòng sự kiện là chính.

Sau kiểm tra quân tư trang, chúng tôi về dọn dẹp chỗ trú quân. Vì dừng lại mấy ngày nên vẫn phải phát quang chỗ ở từng tiểu đội và căng dây đi đêm cho khỏi lạc. Buổi chiều chúng tôi được nghỉ ngơi tắm giặt.

Con sông cạnh chỗ trú quân là một con sông to. Bây giờ là mùa khô mà ở chỗ ngang tiểu đội tôi hạ trại, chiều rộng con sông có dòng nước chảy cũng tới cả trăm mét. Tôi không rõ sông này tên gì. Nơi này vẫn thuộc đất Lào. Con đường đầy bụi chúng tôi đi hôm qua vẫn là thuộc nhánh Tây Trường Sơn.

Xuống tắm giặt mới biết con đường đất bụi xe chạy hôm qua bẩn thật. Quần áo đỏ ngầu. Nhiều người còn phải giặt cả ba lô vì bụi nhiều quá. Có một cái hủm sát bờ, nước chảy quẩn trong đó rộng chừng hai chục mét, không sâu lắm và có nhiều bờ đá đẹp nên đa phần lính tráng tắm giặt quanh đó. Quần áo đem phơi ngay các bụi cây và tảng đá bên bờ. Rất may là nơi đây cách xa con đường xe, lại có rừng già chắn nên bụi không bay tới đây, không khí rất trong lành. Giặt quần áo xong, một số lính rủ nhau ra khúc sông rộng bơi cho thích. Tôi cũng theo tốp khoảng gần chục anh bơi ra sông. Vùng vẫy một hồi, chúng tôi rủ nhau bơi vượt sông.

Có lẽ lâu ngày không bơi lội, nên ra đến giữa sông, dòng nước chảy mạnh hơn, tôi thấy hơi ngợp. Còn khoảng hai chục mét nữa tới bờ thì tôi thấy mệt. Đáng lẽ cứ bơi tiếp sang, nằm nghỉ ngơi, khi nào lại sức thì bơi về, tôi lại quyết định sai lầm, sợ sang đó thì không bơi về được. Thế là tôi bơi quay lại, trong khi các anh khác vẫn bơi tiếp sang bờ bên kia. Khi về ngang sông thì tôi thấy mệt hơn, nhất là lại phải chống lại dòng nước chảy mạnh. Tôi kêu to cầu cứu, nhưng bụng nghĩ chắc phen này mình nằm lại đáy sông rồi. Các anh trong đơn vị ở cả hai phía bờ đều cách xa tôi, khó mà bơi ra cứu được. Vừa bơi vừa trôi được thêm một đoạn thì tôi nghe anh Nhạn y tá kêu to.

- Thả lỏng người đi, cứ để trôi theo dòng nước mà vào bờ dần.

Tôi làm theo. Trôi được mấy chục mét nữa chả thấy ai, tôi lại hoảng. Tự nhiên lại nghĩ là thôi chết luôn cho xong. Nhưng muốn chết đuối phải uống no nước. Tôi chìm đầu xuống há mồm uống một ngụm to. Nhưng có lẽ do bản năng của người biết bơi nên tôi không nuốt nổi. Muốn chìm người xuống nhưng chân tay cứ khuơ nên vẫn không chìm. Một lúc sau nữa thì tôi bình tĩnh hơn, thôi kệ, cứ trôi, bao giờ kiệt sức chắc phải tự uống nước mà chết.

Trôi được vài trăm mét gì đấy thì tới khu vực trú quân của bọn K15. Cũng có nhiều thằng đang tắm ở đó. Chỗ này dòng sông mở rộng ra và cạn hơn. Một thằng chắc phát hiện ra tôi bị trôi từ xa, vớ được một cành cây dài liền lội ra mé nước chìa sẵn. Đoạn này dòng sông uốn cong về phía đó, tôi trôi lại được gần bờ hơn. Thế là tôi cố sức vùng vẫy bơi vào và tóm được túm lá đầu cành. Tôi được mấy đứa kéo và dìu vào bờ. Nằm được một lúc thì anh em trong đại đội cũng men theo bờ chạy tới. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn lính K15 rối rít rồi đưa tôi về. Thế là thần chết vẫn bỏ quên tên tôi.

Về tới đơn vị, an toàn rồi anh em trong đơn vị mới chế riễu tôi rồi châm chọc đủ chuyện. Tôi chỉ ngồi im cười. Hoàn hồn ngồi nhớ lại chuyện xảy ra mới biết số mình vẫn còn may. Chết ở đâu không chết, lại chết đuối trên sông này do mình đi tắm và lại tự ý bơi thì thật quả là dở hơi.

Sau cú bơi mệt lử, may mắn tối đó chúng tôi được bồi dưỡng. Lúc chiều mấy thằng lính Hà Tĩnh trong trung đội tôi mò mẫm ra cánh rừng ven sông. Vốn nhiều kinh nghiệm đi rừng, chúng nó phát hiện ra dây củ mỡ. Nếu ở trong rừng sâu chắc đào ốm không ăn thua, nhưng may là dây củ mỡ này lại nằm trên một bờ đất ven sông. Thế là cả lũ hè nhau đào cả bờ đất đó đẩy xuống sông rồi chui xuống vỡ đất ra tìm củ. Vớ bở vì củ mỡ này rất to, tới khoảng năm cân. Anh Dũng B trưởng quyết định tập trung đường để nấu chè. Thế là buổi tối sinh hoạt B hôm đó, cả trung đội có món chè khoai xì xụp cải thiện.

Cái "bài caống cóng này" là niềm vui của lính. Tết vừa rồi chúng tôi được phát mỗi ngườiba lạng đường, hầu như vẫn còn nguyên. Bát chè ngon khiến chúng tôi viễn tưởngvề một cuộc sống tốt đẹp và nhiều lúc rất đầy đủ như bên Lào của vùng đất sắpđến. Chắc chúng tôi sẽ được sự chăm sóc của những bà má miền Nam hay những O dukích dễ thương. Không ai nghĩ rằng một chiến trường mới vô cùng khắc nghiệtđang chờ chúng tôi và những hạt đường cát là thứ xa xỉ đừng bao giờ nên mơ tới.*

   Ngày hôm sau, cả tiểu đoàn tập trung học chính trị. Nơi tập trung chỉ là một bãi đất rộng khá bằng phẳng và có nhiều cây to, tựa như một bãi xe. Cả mấy trăm con người chui vào đây. Tiểu đoàn có một cái đài Orionton của Hunggari có thêm chức năng phóng thanh nên nghe khá rõ. Nội dung không dài. Chủ yếu là một bài ca chính trị về nhiệm vụ đầy vinh quang mà trung đoàn sắp đón nhận. Sau đó, chúng tôi được nghe những thông tin cần thiết:

Trên mặt trận B3 Tây nguyên hiện nay có sư đoàn 320A đóng quân. Sư 320A vốn có 3 trung đoàn: 48, 52 và 64. Do yêu cầu nhiệm vụ, trung đoàn 52 đã được điều đi chiến trường khác. Sư 320A khuyết một trung đoàn nên Bộ điều trung đoàn 9B thế chân vào đó. Trung đoàn 9B sẽ tác chiến ở phía Tây Thị xã Pleiku, từ đường 19 kéo lên phía Bắc. Trong sư 320A, E48 có truyền thống đánh công kiên, là E chủ công của Sư. E64 có truyền thống đánh vận động và phục kích. Còn E9 chúng tôi tuy là E chủ công của sư 968, nhưng khi nhập vào đội hình 320A sẽ làm nhiệm vụ chốt giữ và đánh lấn là chính.

Đấy là những thông tin chính và hết sức cần thiết với lính tráng chúng tôi. Thực tình, tôi chưa hình dung ra cái Thị xã Pleiku với đường 19 là như thế nào. Qua sách báo và kiến thức cũ, tôi chỉ biết Pleiku là thủ phủ của tỉnh Gialai (và người dân tộc chủ yếu ở đó thì gọi là dân tộc GiaRai), nằm trên trục đường 14 giữa hai tỉnh là Kontum và Daklak. Tôi cũng biết đi qua Pleiku có con đường 19 chạy từ Bình Định lên và chạy thẳng ra biên giới, xuyên qua sân bay Đức Cơ. Trên đường 19, đoạn phía Đông có đèo An Khê. Nơi đây năm 1954, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội khu 5 đã phục kích đánh tan Binh đoàn 100 của Pháp. Phía Bắc Kontum có Thị trấn Đắc Tô-Tân Cảnh, có căn cứ Phượng Hoàng mà năm 1972 ta đã giải phóng. Còn sân bay Đức Cơ thì sau Hiệp định Pari đã được dùng làm nơi trao trả tù binh. Khu vực này đã thuộc vùng giải phóng.

Vậy là về miền Nam, chúng tôi vẫn tác chiến trên vùng rừng núi giống như hồi bên Lào. Lại sống cùng những người dân tộc Tây Nguyên. Không có những bà má miền Nam đôn hậu và cũng đừng mơ đến những cô du kích chít khăn rằn chèo xuồng trên kênh rạch nữa. Nhưng có lẽ thế cũng hay, vì sống giữa núi rừng, tự do và tự túc đã trở thành vốn sống đối với chúng tôi.

Sau khi cuộc họp tiểu đoàn giải tán, chúng tôi về và tập trung theo từng đại đội. Lại một bài xác định trách nhiệm và quyết tâm với nhiệm vụ nữa của chính trị viên. Sau đó đại đội trưởng đọc quyết định phong quân hàm. Các cán bộ cấp đại đội đều được phong thiếu úy, nhưng trung đoàn đã công bố riêng từ hôm trước. Hôm nay chỉ có lính và hạ sĩ quan. Tất cả các B trưởng được phong thượng sĩ. Các A trưởng (trong đó có tôi) được phong trung sĩ. Vậy là một đám mấy thằng như tôi không phải qua nấc hạ sĩ ngày nào. Còn lại lính tráng dù cũ mới tất tần tật đều được phong binh nhất (nếu chưa được phong từ hồi Tết 1973).

Đọc quyết định phong thế thôi chứ cũng chẳng có quân hàm quân hiệu gì. Mọi thứ kể cả tiêu chuẩn của quan lẫn lính, trước thế nào nay vẫn vậy.

Điểm lại 6 thằng lính Hà Nội bọn tôi được bổ sung vào C6: Hai thằng mất tích ở Saravan, một thằng bị thương cũng ở đó rồi ra Bắc, nay còn lại 3. Chỉ có tôi làm A trưởng. Thằng Thái "pi tơ" (cái thằng có tài hát nhại theo văn công hồi ở Tân Lạc, Hòa Bình ấy) nay ở cùng B với tôi, về đến chỗ ở bên sông thì mò sang bắt tay tôi, chúc mừng "trung sữa". Cái giọng nó kéo dài, cười cợt. Rồi nó bảo tôi:

- Nếu sau này còn sống mà về thì học tiếp hay đi công nhân mà sống, chứ ăn đời ở kiếp với quân đội làm quái gì.

Tôi gật đầu:

- Thì tao cũng muốn thế. Nhưng bây giờ không làm A trưởng cũng không được. Mà A trưởng đã là cái gì đâu. Đầu binh, cuối cán ấy mà. Vất bỏ mẹ chứ sướng gì.

Buổi trưa, tôi nằm võng, nhìn ra dòng sông rộng mênh mang mà chiều qua tôi còn đang chơi vơi ngoài đó, nghĩ đủ thứ chuyện.

Trừ cán bộ đại đội và trung đội là lớp đàn anh lính cũ, còn trong mươi thằng A trưởng thì quá nửa là sàn lứa như tôi. Lính tráng trong đơn vị phải tới hai phần ba là lính thuộc mấy đợt tân binh bổ sung sau lúc đình chiến ở Lào. Chiến trường mới lạ nước lạ cái, mình không còn trông chờ vào các anh lính cũ như trước được nữa, mà bây giờ lại là chỗ dựa cho lính mới nhìn vào. Thế là tự nhiên phải lên gân, tỏ ra cứng rắn. Lục trí nhớ ôn lại những trận chiến đấu đã tham gia ở Lào mà thấy cứ nao nao trong lòng.

Tôi lại thấy nhớ nhà. Thư viết về nhà nhiều mà cái tới cái không. Còn thư nhà thì suốt gần năm trời ngừng chiến, tôi cũng chỉ nhận được có ba lá. Hôm trước Tết, tôi có viết thư về nhà, nhưng lúc ấy cũng chỉ báo được tin là sắp chuyển về miền Nam. Bây giờ về miền Nam thật rồi, hòm thư lại thay đổi thì chắc chẳng còn mong nhận được thư nhà nữa.

Buổi chiều, chúng tôi nhận thêm thực phẩm. Xe ô tô chở đến giao hàng tại vị trí của từng tiểu đoàn. Lúc đầu chúng tôi tưởng đây là hàng của đường dây 559, về sau mới biết cũng là của trung đoàn chia xuống cho lính. Khi rời Nam Lào, sư đoàn ưu ái cho E9 khá nhiều thứ. Ngoài súng đạn đầy đủ thì gạo và thực phẩm cũng khá dồi dào. Lúc đầu trung đoàn chở tập trung, bây giờ lại đem chia tiếp cho lính. Chả gì cũng đã bốn ngày hành quân rồi còn gì. Nói chung ăn uống trên đường đi mấy ngày qua khá sung túc.

Được nghỉ thêm non một ngày nữa chuẩn bị mọi thứ. Chiều tối chúng tôi hành quân ra đường lớn lên xe ô tô hành quân tiếp. Lần này toàn đi trong đêm. Đường không xóc, nhưng tốc độ đi khá chậm. Chẳng hình dung được là đi bao xa, nhưng mờ sáng thì chúng tôi dừng lại. Vậy là ngày nghỉ, đêm đi. Hôm đó, chúng tôi mắc võng nghỉ cả ngày trong rừng. Nghe cấp trên xì xào, chỗ này cách biên giới Việt-Lào chừng 10 cây số, ngang với tỉnh Kontum bên kia Việt Nam.

Vẫn là ngày nghỉ, đêm đi. Đêm hôm ấy chúng tôi vượt biên giới vào Việt Nam và đi thêm một đêm nữa. Cái đêm vượt biên giới vào đất Kontum thật gian nan. Toàn đường đất xen đá tảng, gập ghềnh. Phần lớn con đường quanh co và đi xuống dốc là chính. Đêm tối mịt mùng, xe ô tô chạy đèn gầm chỉ soi được một quầng sáng nhỏ. Nhiều đoạn nhìn thấy một bên là vách núi, còn bên kia đen sì, không biết vực sâu đến đâu. Nhưng có lẽ không nhìn thấy lại hay, đỡ sợ. Cánh lính lái xe tuy trẻ măng nhưng thật can trường. Ô tô cứ bò bò chầm chậm vậy, nhiều lúc nghiêng ngả quá khiến chúng tôi tưởng như sắp rơi tuột, lăn qua hai bên thành xe, thậm chí là lăn qua nóc cabin mà rơi xuống đất phía trước xe khi nó xuống dốc. Hai tay cứ lên gân liên tục bíu vào thành xe, cong người uốn éo; vậy mà đêm ấy mấy chục xe vượt tuyến đường mà không có xe nào gặp nạn.

Hai giờ sánghôm sau, sau một chặng đường khá bằng phẳng, chúng tôi đến một vùng đất phẳngrộng mênh mông. Tất cả xuống xe, đây đã là chặng cuối cùng rồi. Có tiếng thìthào: "Sân bay Đức Cơ đấy".

Tôi đã xem nhiều truyện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội dạo ở Lào, nên có biết chút ít về cái sân bay Đức Cơ này. Nhiều trận đánh đã xảy ra quanh đây từ thời còn quân Mỹ. Tôi cũng không hình dung nổi cái sân bay dã chiến này ngày xưa ra sao mà giờ lại hoang tàn như thế này. Trong đêm tối trăng mờ, mọi thứ nhìn không rõ lắm. Chỉ có cán bộ được soi đèn pin một cách hạn chế, còn lính tráng thì không được dùng. Mà thật ra có cho dùng thì đèn của chúng tôi cũng hết pin từ lâu rồi (vì nguồn pin của lính có được đều là chiến lợi phẩm tự túc). Chỉ có cán bộ cấp C trở lên được cấp pin theo hàng nhu yếu phẩm thôi.

Sân bay chỉ hiện rõ nhất là một vệt đường mờ to mà đoàn xe ô tô của chúng tôi đang đỗ. Tôi sờ tay xuống đất, một thứ gì cứng chả hiểu đất nện hay đường nhựa. Hai bên còn nhiều khoảng rộng nữa, nhưng mọc xen đó toàn một thứ cây lúp xúp. Chắc sân bay bỏ hoang đã lâu, mấy mùa mưa đi qua nên cây cỏ hoang mọc lan tràn như thế. Bây giờ có lẽ chỉ còn dùng cho trực thăng đỗ được mà thôi.

Chúng tôi lục đục xuống xe, thu dọn ba lô đồ đoàn rồi tập trung thành hàng lối gần đó. Sau khi kiểm tra đủ mọi thứ lần cuối, chúng tôi được lệnh hành quân. Đoàn ô tô vận tải 559 chỉ đưa chúng tôi đến đây là chặng cuối rồi chia tay, trở về tuyến đường Trường Sơn. Anh Điện, C phó đơn vị tôi đi tiền trạm từ gần hai tháng trước ra đón chúng tôi. Bây giờ tôi mới biết là anh ấy đi tiền trạm miền Nam, chứ khi trước cũng chỉ tưởng anh chuyển đơn vị khác. Anh Điện đi quanh, ghé sát mặt từng thằng lính, thăm hỏi. Anh cũng hơi ngỡ ngàng một chút khi biết tin có thêm một số anh lính cũ trong C đủ thâm niên đã ở lại Lào để ra quân. Khi mọi thứ đã ổn, anh Điện dẫn chúng tôi hành quân về hướng Nam, vòng vèo qua một ngọn đồi và một sườn núi khá cao, tới một khu rừng rậm cách nơi đổ quân chừng 3 cây số thì dừng lại. Trời vẫn chưa sáng. Chúng tôi được lệnh tản ra tìm chỗ mắc võng nghỉ nốt đêm.

Tại vị trí dừng chân này, chúng tôi lại được nghỉ bốn hôm. Thoạt đầu là cùi gạo bổ sung. Thực chất là quay lại vị trí sân bay Đức Cơ để lấy nốt gạo và thực phẩm mà trung đoàn chia cho các tiểu đoàn, vì từ đây không còn ô tô nữa. Tất cả là cuốc bộ.

Vị trí C tôi trú quân là một cánh rừng già bên một con suối đá. Cảnh vật hết sức thơ mộng. Tôi chưa bao giờ sang Liên Xô, nhưng nhìn cánh rừng này tôi lại thấy nó có nét gì đó giống như bức tranh Mùa thu nước Nga mà tôi đã được chị tôi cho xem khi còn ở nhà. Rừng già, cây to nhưng mọc thưa, toàn một thứ cây lá nhỏ bằng ba ngón tay. Lá vàng rụng đầy đất, còn trên cây chỉ lưa thưa chút lá, khiến nắng chiếu xuống làm vàng rực cả cánh rừng. Lá rụng ra tới sát bờ suối. Con suối khá rộng, bề ngang chừng gần hai chục mét (mùa khô đấy nhé). Dòng nước chảy khá mạnh, xen quanh những bờ đá to nhô ngang ra đến giữa lòng suối. Phía sát bờ suối có một ít cây con mọc lúp xúp. Bướm bay đầy lèn đá, chao qua chao lại từng đàn. Không hề có dấu vết bom đạn. Tôi nghĩ nơi này chắc chưa từng xảy ra chiến sự. Chiến tranh kéo dài và ác liệt vậy, nhưng núi rừng lại quá rộng nên không phải nơi nào cũng hứng chịu đạn bom. Đó chính là điều lý thú trong cuộc sống của lính tráng rừng núi chúng tôi. Gặp những nơi này nhiều khi có cảm giác ở đây chưa từng có dấu chân người, nhất là khi phát hiện những loài cây lạ chỉ có ở những khu rừng nguyên sinh. Những lúc như thế thấy thật bình yên và cảm giác thêm mến yêu cuộc sống. Trong lòng như có những khúc nhạc êm dịu trữ tình vang lên.

Buổi sáng nơi đây trời hơi lạnh, nhưng đến trưa nắng to ra suối tắm rất ấm (dù nước vẫn mát lạnh). Chúng tôi lại được dịp tắm giặt cho sạch bụi đường Trường Sơn.

Anh nuôi đào bếp ngay sát suối lấy nước nấu cơm. Nước đầu nguồn, lại là suối đá nên trong veo. Dịch xuống dưới một đoạn có nhiều bờ đá to như cánh phản. Chỗ này chắc xa địch, an toàn nên đại đội cho lính tráng tha hồ tắm giặt, hò reo. Đi ngược theo suối lên một đoạn khá xa, lại có một vạt đất ẩm mọc rất nhiều lá lốt. Trưa đó, anh nuôi hái lá lốt quấn giò hộp rán cho chúng tôi ăn. Món chả kiểu này từ ngày vào chiến trường đến nay mới được ăn. (Mà ngay cả hồi còn ở nhà, được ăn lúc nào tôi cũng chẳng nhớ, vì làm gì có nhiều thịt mà bày vẽ). Lạ miệng, lại tiêu chuẩn gạo đầy đủ, bữa ăn thật ngon. Chỉ có vài thằng kêu món này ăn như có mùi dầu hỏa.

Hôm sau lại có lệnh phải đào hầm. Chỗ này đóng quân tạm mấy ngày mà vẫn phải đào hầm. Đại đội giải thích đề phòng bom pháo, nhưng lại chỉ bắt chúng tôi đào hầm bằng. Lính tráng chúng tôi nghĩ, nếu bon pháo thì mấy cái hầm này tan ngay, ăn thua gì. Chắc đây chỉ là bắt đào hầm khi trú quân cho thành thói quen, vì đã lâu lắm chúng tôi không đào hầm. Vì thế nên mấy cái hầm đào chỉ để cho có đào. Chúng tôi nghỉ và lấy tú-lơ-khơ đánh bài tiến lên là chính. Một thói quen khác khi đến nơi trú quân mới mà chúng tôi phải làm là đi lùng sục xung quanh, lần này cũng bỏ. Thế là chúng tôi cứ nghỉ, chơi và thưởng thức cảnh đẹp suối, rừng nơi đó, trong khi các cán bộ đại đội vẫn lên tiểu đoàn họp.

Ngày nghỉ thứ ba, chúng tôi có buổi sinh hoạt đại đội. Nhiệm vụ phổ biến vẫn chỉ là chung chung, nhưng C phó Điện phổ biến cụ thể một số điểm khác cần chú ý ở chiến trường B3 này. Ở đây bom pháo nhiều hơn nên khi đến khu làm hậu cứ phải đảm bảo công tác bí mật và đào hầm cẩn thận. Phải lùng sục và canh gác nhiều hơn vì địch thường tung nhiều tốp thám báo vào sâu trong vùng đóng quân của ta. Thứ nữa là ở đây địch thường gài nhiều lựu đạn và mìn ở quanh căn cứ của chúng cũng như trên lối đi nên phải chú ý khi hành quân hoặc khi đánh địch. Điều thứ ba này đáng chú ý hơn vì nó khác hẳn vơi chiến trường Nam Lào. Bên đó bọn địch lười cài mìn và ít thủ đoạn hơn. Còn cài lựu đạn thì quả thật tôi chưa phải gỡ lần nào.

Chúng tôi nghỉ thêm một ngày nữa. Đến đêm thì thu dọn để hành quân. Đó là một chặng đường khá vất vả so với những ngày hành quân trước. Chúng tôi phải đem theo cơm nắm cho một ngày trời. Nước lấy đủ một bi đông, dùng cho hai chặng đường hành quân. Chặng thứ nhất phải đi trong đêm, vượt qua hai dãy núi rất cao, nghỉ rất nhiều lần. Nếu không có dặn dò từ trước, chắc chúng tôi đã uống hết bi đông nước trong đêm, dù trời mát. Mờ sáng mới xuống đến chân dãy núi để nghỉ ngơi và ăn sáng. Thằng nào chót uống hết nhiều nước ráng chịu vì chỗ này không có sông suối gì.

Mặt trời mọc và nhô dần lên cao, chúng tôi biết mình đang đi về phía Đông. Nghỉ ngơi chỉ hơn một tiếng đồng hồ lại hành quân tiếp. Đường đi khá bằng phẳng, qua nhiều cánh rừng đủ loại. Rừng già có mà rừng cây tái sinh, cây lúp xúp có, và thậm chí cả đồi cỏ tranh cũng có. Không khác rừng Lào bao nhiêu. Tới gần trưa thì chúng tôi đến nơi sẽ làm hậu cứ trú quân. Một cánh rừng già xanh um trên một dốc đồi, cũng không có dấu đạn bom. Nghe nói đây là rừng Chư Nghé.

Hôm nay làngày 5 tháng 2 năm 1974. Vậy là từ đêm bắt đầu rời bản La Vang, Ca Đáp bên Làođể lên đường thì cuộc hành quân chuyển chiến trường của chúng tôi kéo dài hết13 ngày.

Tiểu đoàn K18 đóng quân phía Đông căn cứ Chư Nghé.

Đại đội tôi đóng quân trong một khu rừng già khá rộng. Từ một con đường đất đỏ (sau này tôi biết là đường 10) đi qua một bãi cỏ tranh rộng mọc thưa xen lẫn nhiều cây lúp xúp và rất nhiều ụ mối độ năm trăm mét thì tới bìa rừng. Vào sâu năm chục mét có một con suối đất nhỏ chảy ngang, chỉ rộng độ hơn mét, nước trong, sâu đến đầu gối. Qua suối là bắt đầu lên dốc thoai thoải. Đại đội tôi bắt đầu đóng quân từ đây trở lên. Khu vực sát suối bố trí bếp anh nuôi. Suối đất nên phải đào giếng bên cạnh để lấy nước ngấm qua. C bộ đóng ở lưng chừng dốc, các B khác chia ra hai cánh, còn B tôi nằm phía trên đỉnh dốc, cánh suối tới trăm rưởi mét.

Trừ những lính canh gác, số còn lại chúng tôi được nghỉ hết ngày hôm đó. Hôm sau bắt đầu phân chia khu vực đóng quân cho các B và tổ chức đào hầm, lùng sục rồi làm nhà. Mỗi A làm một hầm thùng rộng sâu 1 mét, trên đó làm nhà lợp mái tranh. Trong lòng hầm làm sạp như doanh trại, đủ chỗ cho cả A nằm, chỗ để ba lô, giá súng và một khoảng rộng ở giữa để có thể đốt lửa. Hai phía đầu nhà đào hai cái hầm chữ A to, có ngách phụ để vừa có thể tránh bom pháo, vừa có thể tác chiến. Phía trước nhà mỗi A đều phải phát bãi làm sân. Đường đi đến các A và các B cũng phải phát thành lối. Nói tóm lại là cũng không khác mấy so với làm hậu cứ bên bản La Vang ở Lào. Chỉ khác mỗi đoạn bây giờ lại phải đào hầm chữ A và vị trí các nhà đều phải nằm kín dưới các tán cây rậm. Vùng rừng này may là đất đen (không phải đất đỏ) nên dễ đào. Rừng già, cây mọc rậm và dày nên gỗ làm hầm và làm nhà rất sẵn, kiếm ngay tại chỗ, to nhỏ gì cũng có. Chỉ cần chú ý chặt cây thưa ra mỗi nơi một ít để tránh bị héo lá quang cả một góc rừng, gây chú ý cho máy bay trinh sát của địch. Riêng cỏ tranh lợp mái, chúng tôi phải thông qua các đợt lùng sục và tìm bãi cỏ tranh để cắt. Hầu như phải đi xa tới hàng cây số mới có bãi cỏ tranh rộng, còn bòn mót ở những vạt nhỏ gần khu rừng này thì chỉ cắt được từng gánh.

Gần sát vị trí đóng quân của B tôi có một con đường mòn, nhưng chắc rất ít khi có người qua. Chúng tôi đi lùng sục, thấy một nhánh đường đi sâu và rừng rồi nhạt dần. Ở đó có rất nhiều vết hố đào củ mài của dân. Nhánh kia đi khoảng nửa cây số, thấy nương rẫy của người dân tộc. Nương nhỏ hơn rất nhiều so với nương rẫy bên Lào. Sau hai ngày lùng sục, chúng tôi xác định được khu rừng mà đại đội tôi làm hậu cứ rộng khoảng non một cây số vuông, áp sát một khúc cong của đường 10.

Một lần lùng sục rộng, chúng tôi vượt qua rẫy của đồng bào thì gặp một bản nhỏ, chỉ chục nóc nhà. Rìa bản có mấy cây mít, chứng tỏ bản này đã trụ lại ở đây khá lâu, nhưng không có tên trên bản đồ (Sau này chúng tôi biết, vùng Gia Lai này có rất nhiều bản dân kiểu như thế. Bản nhỏ, dân ít và chắc cũng chỉ định cư được hơn chục năm. Các bản lớn hơn, trù phú và có tên trên bản đồ thì thường chỉ còn lại nền nhà và cây cối). Nhà sàn rất bé, dựng bằng gỗ và tre, mái lợp tranh. Cả bản ở lộ thiên để khỏi bị ném bom nhầm. Ngoài mấy cây mít ra thì không còn thứ cây gì khác. Không có cây gạo truyền thống ở đầu bản. Trong bản chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con. Có một vài người đàn ông có vẻ đứng tuổi nhưng trông cằn cỗi. Họ ăn mặc rất lôi thôi. Đàn ông đóng khố còn đàn bà mặc thứ váy bằng một loại vải gì đó trông như vỏ bao cát. Đa phần để ngực trần. Trông họ đen đúa và mốc thếch, cả trẻ con cũng vậy. Họ im lặng nhìn chúng tôi đi qua bản, không tỏ thái độ gì dù chúng tôi có chào. Về sau chuyện này quen thì cũng chẳng cần phải chào hỏi gì cả, việc ai nấy làm. Tôi có cảm tưởng trong những cái nhà sàn vách nứa bé tí kia, chẳng thể có một thứ gì đáng giá cho chúng tôi, nếu như dân có bỏ bản chạy giặc.

Vượt qua bản, đi cong vòng theo hướng bên trái bám theo cánh rừng chúng tôi trú quân, có một con đường mòn khá rộng. Ở đây không thấy đường xe bò nối các bản như bên Lào. Đến một ngọn đồi có nhiều cây lúp xúp, chúng tôi bắt gặp dấu vết một trận địa chốt của bộ đội ta. Có nhiều hầm chữ A chia thành 3 cụm cách nhau vài chục mét. Về sau chúng tôi biết đây là một điểm "kiềng" của một đơn vị thuộc sư 320A lập ra khi chuẩn bị đánh căn cứ Chư Nghé. Đây cũng là một điểm khác biệt với bên Lào. Bên Lào, trận địa chốt của chúng tôi có bao nhiêu người thì đào bấy nhiêu hầm, thường chỉ là ba đến năm hầm bố trí hình cánh cung. Không có kiểu làm "kiềng" bao giờ. Ở đây phải lập "kiềng" đến cả chục cái hầm, chứng tỏ mức độ đánh nhau có ác liệt hơn.

Đi tiếp vài trăm mét, chúng tôi gặp đường 10 và căn cứ Chư Nghé bỏ hoang. Rồi chúng tôi vòng theo đường 10 về hậu cứ chứ không phải quay lại theo lối cũ nữa. Sau này có thời gian, chúng tôi hiểu thêm về căn cứ Chư Nghé này.

Chư Nghé còn có tên là Lệ Minh. Căn cứ này do một tiểu đoàn lính Biệt động quân biên phòng (VNCH) trấn giữ. Nó là căn cứ tiền đồn của địch, cách thị xã Pleiku độ chừng hơn hai chục cây số về phía Tây Nam, và nằm ở phía Bắc đường 19. Từ phía thị xã Pleiku, không biết điểm xuất phát bắt đầu từ đâu, nhưng có hai con đường đất đỏ to gọi là đường 5A và đường 5B chạy từ Đông sang Tây. Đường 5A nằm phía Bắc, còn đường 5B nằm phía Nam. Hai con đường này kết thúc ở đường 10, cũng là một con đường ô tô chạy, nền đất. Căn cứ Chư Nghé chiếm giữ ba quả đồi rộng, dốc thoai thoải nằm bên đường 10. Còn con đường 10 chạy ngoằn ngoèo đi qua những đâu, tôi không rõ. Chỉ biết rằng nếu đi theo hướng Bắc sẽ ra vùng giải phóng của ta.

Căn cứ Chư Nghé rất rộng, hàng rào các loại tới 5 lớp. Trong căn cứ còn có cả một trận địa pháo 105ly với 3 khẩu. (Về sau nghe nói có một nữ bộ đội của ta tên là Thanh, người Thanh Hóa bị thám báo bắt cóc khi ra tắm suối. Sau cô phải chấp nhận chiêu hồi, làm kế toán pháo binh cho trận địa này. Cô đã tử nạn khi căn cứ thất thủ). Hầm trong căn cứ khá kiên cố, có cả rào B40 bao quanh. Hệ thống giao thông hào chạy khắp căn cứ. Tháng 9 năm 1973, trung đoàn 48 của Sư 320A đã đánh chiếm toàn bộ căn cứ này, tiêu diệt cả một tiểu đoàn Biệt động quân. Quân ta kéo pháo 105 vào sát chân hàng rào, bắn thẳng nên mới trị được các hầm kiên cố có lưới B40 bảo vệ của địch. Tù binh bắt được rất nhiều, trong đó có con gái của Tỉnh trưởng Gia Lai, là người yêu của tay thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn BĐQ trấn giữ căn cứ Chư Nghé này. (Câu chuyện về cô gái này có liên quan khá nhiều đến những người lính C6 chúng tôi, hồi sau sẽ kể).

Thời điểm tháng 2 năm 1974 khi chúng tôi về đây, địch đã bị đẩy lùi xa về phía Pleiku tới hơn chục cây số. Căn cứ Chư Nghé hoang tàn, không còn mùi khói súng. Phía ngoài, nơi quân ta đào hầm chuẩn bị nổ súng, cỏ đã mọc đầy. Trong trận địa chỉ còn những căn hầm nát trên các bãi đất đỏ loang lổ hố pháo và những cây cọc sắt. Pháo 105 ly, vũ khí và những thứ lấy được, lính ta đã lấy hết. Bao cát cũng bị rỡ lấy đi rất nhiều. Chỉ còn lại nhiều nhất là đạn cối cá nhân, băng đạn AR15 hoen rỉ và những mảnh quần áo rách. Bây giờ quân ta tạo thành một lối đi mới, một đường mòn từ đường 10 xuyên qua căn cứ đi về phía Tây tới bờ sông Pa. Rải rác trong căn cứ có những bộ xương người. Từ khi E48 đánh căn cứ này tới nay mới có chưa đầy 5 tháng, mà những xác lính xấu số đã phân hủy gần hết. Trên mé hầm chỗ khu vực trận địa pháo có một bộ xương mà tôi đoán là của phụ nữ vì ở chỗ vùng kín của bộ xương có tới 5 quả cối cá nhân nằm ở đó. Chắc lính ta nhét vào khi chủ nhân của nó vừa tử nạn sau trận chiến.

Lúc đầu có việc đi qua căn cứ, chúng tôi hay nghỉ chân ở bãi đất to chỗ sở chỉ huy trong căn cứ để còn có cớ mò mẫm xem xét. Về sau thì chán và có một cảm giác buồn chán thế nào đó. Chiến tranh, số phận những con người. Với những người nằm xuống thì mọi thứ là kết thúc, chẳng còn gì vương vấn. Còn với chúng tôi, cái gì sẽ chờ đợi? Những trận đánh và những người lính lại tiếp tục ngã xuống? Bao giờ thì đến lượt mình? Chiến tranh còn bao lâu? Liệu còn trở về, hay tất cả mọi kỷ niệm đều phải gán thêm trạng từ "lần cuối cùng": trận đánh cuối cùng, lá thư cuối cùng, lần gặp nhau cuối cùng...?

Tôi còn qua căn cứ này nhiều lần mà không hiểu sao lần nào cũng thấy nao nao, không gạt ra được cái ý nghĩ buồn buồn ấy.

Đại đội chúng tôi tập trung cả chục ngày để làm hậu cứ. C bộ và nhóm quản lý, anh nuôi được các B cử người hỗ trợ làm nhà và đào hầm. Nhà cửa kiểu nửa chìm vì có hầm thùng nhưng khá khang trang và hầm hố rất chắc chắn. Vẫn đang mùa khô nên mọi thứ đều sạch sẽ, khô ráo. Giống như những ngày còn chiến sự trên cao nguyên Boloven, ở đây chúng tôi không làm hội trường để ăn chung nữa mà chia cơm về theo tiểu đội. Cả đại đội vẫn nấu một bếp, nhưng anh nuôi thì đã phân công chuyên trách khi đi lẻ với các B.

Quân đội đúng là một trường học lớn. Mỗi người một nghề, vào lính bảo nhau làm được tất cả; những chuyện như dựng cột, đục đẽo vì kèo, làm rui mè, hay đánh tranh lợp mái chúng tôi đều tự làm được hết. Dạo bên Lào, tiểu đoàn lập lò rèn và đã rèn đủ cho tất cả các trung đội trong tiểu đoàn, đơn vị nào cũng có đủ từ dao rựa, liềm, cưa đến các loại đục... Vì thế chúng tôi dựng nhà về cơ bản cũng không khác ở thôn quê là mấy. Cái khác là toàn nhà hầm 3 gian, không có chái.

Xen kẽ những ngày này, chúng tôi tiếp tục cùi gạo và đạn cối để chuẩn bị cho tác chiến. Trung đoàn bộ và các kho vẫn nằm cách xa chúng tôi cả ngày đi đường.

Một loạt các chuyện mới lạ đến với chúng tôi. Tất nhiên hầu hết mọi chuyện đều là rỉ tai từ cán bộ các cấp mà ra.

Các thủ trưởng trung đoàn E9 được lên họp trên sư đoàn. Sư đoàn bộ vẫn ở cách xa các đơn vị và cách rất xa địch, giống như bên Lào. Mà có lẽ nơi nào cũng thế thôi. Thế cho nên nói chuyện cánh lính trên sư bộ không biết đến mùi thuốc súng là tất nhiên. Thủ trưởng trung đoàn 9 chỉ lên họp ở sư bộ 320A thôi mà đã nhận thấy sự đói khổ của chiến trường B3 rồi. Thế là sau khi về trung đoàn, các thủ trưởng E9 quyết định đem món quà duy nhất và độc đáo mà trung đoàn có là quân phục mới, đem tặng cho sư đoàn. Lúc trước Tết ở bên Lào, chúng tôi đã được sư 968 cấp bổ sung quân tư trang. Sư 968 vốn là sư bộ binh duy nhất của đường dây 559; E9 lại là trung đoàn duy nhất đi bổ sung cho chiến trường miền Nam nên có phần được ưu đãi. Sau khi cấp đủ cho lính mà còn dư tới 2000 bộ quần áo. Các thủ trưởng E9 quyết định không trả lại sư 968 mà đem theo về miền Nam, và bây giờ đem tặng sư 320A vì thấy lính tráng ở đây quần áo quá rách. Tất nhiên số quần áo này không đủ cấp hết cho các đơn vị của sư 320A, nhưng cũng là một món quà quý. Ngoài thứ đó ra, chúng tôi chẳng có gì khác lạ. Còn những thứ như gạo, muối hay súng đạn trong những tháng ngày sắp tới lại phải trông chờ hậu cần của sư 320A cấp.

Chỉ sau khi chúng tôi nhập vào sư 320A được hơn một tuần, cơ số gạo mang theo đi đường đã hết. Chúng tôi được phổ biến là sẽ hưởng chế độ ăn như của B3. Gạo rút từ 7 lạng xuống còn 5 lạng một ngày cho mỗi lính. Đã thấy đói rồi. Một tháng sau thì lại rút tiếp chỉ còn 4 lạng. Không những thế, cấp trên thông báo chỉ cấp cho chúng tôi lương thực có 8 tháng trong một năm. Số còn lại các tiểu đoàn phải tự túc. Thế là không chỉ đói ngay mà còn nhìn thấy trước cái đói dài dài. Cán bộ chiến sĩ đều buồn. Thế là thời huy hoàng đã qua và cái đói sắp tới còn gay go hơn năm 1972 nhiều.

Đã đói, tất nhiên lại hay bàn chuyên ăn. Chúng tôi ngỡ ngàng nhất là chuyện đơn vị chiến đấu mà còn phải tăng gia tự túc. Nhưng B3 là thế. Những câu chuyện về B3 được cán bộ cấp C, D và ngay cả những cán bộ được sư 320A bổ sung cho các đại đội chúng tôi sau đó, truyền miệng đến từng thằng lính chúng tôi. Tây nguyên B3 là một chiến trường có vị trí lưng lửng ở miền Nam, không như các chiến trường khác. Chiến trường B4, B5 gần hậu phương miền Bắc, lại không có đất mà tăng gia nên được miền Bắc cung cấp đủ theo chế độ "cơm Bắc, giặc Nam". Chiến trường B2 tuy xa hậu phương nhưng gần dân và được cung cấp từ đồng bằng Căm-pu-chia nên cũng no đủ. Con đường vận tải của 559 tuy vào đến được B2, nhưng lại chỉ chạy được ở nhánh Tây Trường Sơn trên đất Lào và Căm-pu-chia. Đông Trường Sơn bị căn cứ Đăcpet ngoài Kontum án ngữ nên ta không mở được tuyến vận tải Đông Trường Sơn. Hôm chúng tôi về miền Nam cũng chỉ là theo một con đường nhánh chọc từ tuyến Tây Trường Sơn sang Kontum mà thôi.

Lại thêm một tin nữa là các thủ trưởng B3 coi vùng đất này như Quốc gia riêng, quyết tâm với cấp trên là có thể tự cung tự cấp được, trừ súng đạn, nên lính tráng cũng phải theo.

Thực tế, lính B3 đã có nhiều thời gian đói dài, nhất là năm 1972. Nhiều lúc những quả chuối xanh luộc cũng được coi là lương thực cấp cho lính. Sau đợt vây ép Kontum mùa mưa năm 1972 không thành, cả sư 320A phải rút qua biên giới, sang lánh nhờ ở tỉnh Rat-ta-ra-ki-ri bên đất Căm-pu-chia. Đấy là một tỉnh nghèo ở vùng Đông Bắc Căm-pu-chia, nên lính tráng cũng chẳng kiếm được gì, ngoài bài ca ăn sắn. Nhưng đấy là sắn của bạn cho ta. Khi quay về đất B3 là lại đói. Để cứu đói, một biện pháp được mặt trận B3 đưa ra là: Tất cả các đơn vị, hễ dừng chân ở đâu quá 10 ngày là phải tổ chức phát rẫy trồng sắn. Dù chỉ phát được mảnh đất ven rừng, cạnh bản cũ, nhỏ cỡ trên trăm mét vuông là trồng sắn được rồi. Trồng sắn chưa chắc đơn vị mình được ăn, nhưng đơn vị nào cũng trồng như thế thì khi chuyển quân qua lại, đơn vị nào cũng có thể gặp rẫy sắn để ăn. Lúc đầu hom sắn phải kiếm bên đất Căm-pu-chia gánh về. Sau này có cây rồi thì cứ thế nhân ra.

Trung đoàn 9 chúng tôi về B3 cũng phải làm như thế. Chỉ sau khi đứng chân chưa được một tháng đã phải phát rẫy trồng sắn rồi. Chúng tôi đã làm được khá nhiều cái rẫy như thế. Có cái rộng cả héc-ta, nhưng nhiều cái chỉ hai ba trăm mét vuông. Chúng tôi cũng gặp nhiều rẫy sắn nhỏ lẻ như thế, của các đơn vị khác trồng từ rất lâu, đã đến kỳ thu hoạch. Gặp được rất ngẫu nhiên, bất ngờ vì chẳng có cái bản đồ chỉ dẫn nào cả. Chỉ tội những cái rẫy như thế, hoặc là ở mãi vùng Đức Cơ, hai là lại áp sát gần vùng thị xã Pleiku (chẳng hiểu sao lại có rẫy tập trung chủ yếu ở đó), nên mấy tháng đầu chúng tôi cũng không kiếm được sắn, phải chịu cảnh lúc nào cũng đói, thèm ăn.

Thời gian làm hậu cứ, có lần tiểu đội tôi đi cắt cỏ tranh gặp một đôi vợ chồng người dân tộc đang làm rẫy. Rẫy của họ cũng bé teo, xơ xác chẳng có thứ cây gì ra hồn. Ven rẫy chỉ có độ chừng hơn hai chục gốc gắn. May mắn gần đó có một bãi cỏ tranh khá rộng. Chúng tôi hỏi thăm dân qua loa rồi tranh thủ cắt hết tất cả đám cỏ tranh đó để giữ phần vì nơi ấy khá gần hậu cứ chúng tôi. Được độ vài chục gánh. Chúng tôi gánh về một ít, hôm sau lại ra gánh tiếp theo khoán mỗi lính đủ một gánh một ngày là được, nên có thời gian để chơi và nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy, không hiểu có thằng lính ở A nào trong C tôi đói quá đã mò ra cái rẫy của cặp vợ chồng nọ. Thằng này thấy mấy gốc sắn đìu hiu thì cũng không dám nhổ cả gốc, chỉ dám dùng dao găm bới men theo rễ lấy một củ thôi, rồi lấp đất lại. Vậy mà vợ chồng người dân tộc ấy vẫn biết. Họ cảnh cáo bằng cách châm lửa đốt hết mấy chục gánh tranh mà chúng tôi để dành, chưa kịp gánh về. Hôm ấy ra nhìn đám tro còn nguyên hình những gánh tranh trên bãi đất mà não hết cả lòng. Lúc đầu chưa biết nguyên nhân tại sao mới tìm dân gặng hỏi. Sau biết chuyện họ phát hiện thấy vết lính ta đào trộm sắn nên cảnh cáo, chúng tôi đành im lặng lủi thủi ra về, đi tìm bãi cỏ tranh khác.

Tây Nguyên B3 là thế. Lính đói nhưng dân ở đây cũng nghèo, không có nương rẫy màu mỡ và trù phú như Cao nguyên Boloven bên Lào, có đủ thứ để cho lính tráng chúng tôi đến mùa là "chỉ xin một lần rồi lấy mãi - theo phong tục Việt nam(?!)". Mà quả thật, nhìn cuộc sống người dân nơi đây thấy rằng nếu mình có lấy trộm của họ dù chỉ một chút gì đó thôi thì cũng thật là bất công, tàn nhẫn.

Ở vùng này không có du kích hay bộ đội địa phương. Dân họ sống trung lập. Nhưng bản lĩnh của họ cũng không thể xem thường. Không thấy người dân đi rẫy mang theo súng hay nỏ bao giờ. Vậy mà họ cũng có nhiều biện pháp mạnh tay để răn đe lính ta làm bậy. Khi chúng tôi đã đóng quân ở đây lâu rồi, thấy ở nhiều rẫy sắn, người dân còn treo những quả lựu đạn lên những cây sắn to cảnh báo. Có chỗ, họ còn gài cả lựu đạn theo phương pháp đơn giản và thủ công tại những lối mòn nhỏ đi vào rẫy của họ. Còn trong bản, tuy chỉ có vài cây mít lưa thưa quả, họ cũng cài lựu đạn cả ở trên cây và dưới gốc. Chuyện gỡ những quả lựu đạn ấy ra đối với chúng tôi thật đơn giản, nhưng chúng tôi không hành động như thế. Đơn vị cũng phải quán triệt nhiều lần để lính ta không vi phạm. Lời thề thứ hai của những người lính cụ Hồ vì thế mà cũng được thực hiện thêm phần nghiêm túc.

Nhưng ngườidân tộc cũng có những cái hay, cái lạ của họ. Tuy nghèo, nhưng họ cũng có tấmlòng thơm thảo, thương người. Có lần chỉ hái đâu đó được một ít rau tạp nham đủloại, họ mang đến cho chúng tôi. Không nỡ nhận, chúng tôi tìm cách từ chối. Thếlà họ cứ thẳng đường đất, vượt qua vùng chốt của ta, đi về phía địch. Địch cũngcó điểm chốt, họ không bắn vào dân hiên ngang đi trên đường bao giờ. Thế là dângặp địch và cho mấy nắm rau đó. Lính chốt thì bên nào mà chả thiếu thốn. Cònngười dân thì giải thích chuyện đó hết sức đơn giản: "Bộ đội bên này khôngnhận, thì ta cho bộ đội bên kia thôi. Chúng nó cũng đói mà (!?)" 

Cái thời làm nhà hòa hợp và hòa giải dân tộc, gặp gỡ giao lưu giữa lính tráng hai bên trên những vùng giáp gianh nhờ Hiệp định Pari đã qua lâu rồi. Trên Cao nguyên B3 không có nhiều vụ lấn chiếm "tràn nhập lãnh thổ" của lính VNCH như vùng dưới đồng bằng. Chẳng bên nào mạnh vượt trội hơn cả, nên cứ đóng chốt cầm canh. Phá "nhà hòa hợp" thì thôi, lính ta lại lùi lại làm những cái chốt sâu, bám sát rừng.

Căn cứ Chư Nghé không phải do địch chiếm sau hiệp định Pari 1973. Nó đã có từ lâu rồi, sau Hiệp định thì địch giữ lại làm căn cứ tiền đồn. Tháng 9/1973, ta đánh giải phóng căn cứ đó là để phục vụ cho yêu cầu chiến lược, tạo hành lang vận chuyển ven Trường Sơn cho B3.

Sau đợt đó, ta và địch lại lập chốt và đánh giằng co. Chỉ toàn những trận đánh nhỏ lẻ cấp C trở xuống.

Nhưng trước đó, khi có dịp, quân ta cũng muốn ùng oàng. Lính cũ B3 kể, sau khi các "nhà hòa hợp" giải tán, một lần vào độ tháng 5 gì đó, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu lên Cao nguyên và đi trực thăng đến úy lạo một đơn vị Biệt động quân đóng ngoài sân bay Cù Hanh. Tin trinh sát ta nắm được liền báo cho Sư đoàn. Các Cụ nhà ta lâu lâu không có chiến sự cũng thấy ngứa ngáy. Thế là đơn vị pháo 105ly của sư được lệnh giã cho đơn vị BĐQ đó vài trái, nhân thể hạ sát được Tổng thống đối phương thì tốt. Lính pháo nhà ta đem bản đồ ra căn, thấy từ chỗ đặt pháo của ta đến cái bãi đất đã căn tọa độ có địch tập trung đó, khoảng cách đúng 18 cây số. Chưa thể bắn được vì pháo 105ly của ta bắn hết liều, hết tầm cũng chỉ được 17 cây 8. Thiếu mất hai trăm mét. Thế là chỉ huy ra lệnh cho lính hò nhau kéo một khẩu pháo vượt suối sang quả đồi bên kia, cách đó đúng 200 mét để đủ tầm phát hỏa. Khổ nỗi lúc đó đã vào mùa mưa, đường sang quả đồi bên cạnh dù chỉ vượt qua có con suối nhỏ, nhưng dốc và trơn nên không thể dùng xe kéo. Lính pháo đành hò dô ta kéo bằng tay. Nhưng lại có một khó khăn khác là mọi lần khi đánh trận, những con voi thép ở xa thì có xe kéo, còn vào gần trận địa thì dùng sức bộ binh. Cả C mấy chục lính xúm vào mà kéo thì trước sau gì cũng phải tới đích. Bây giờ chỉ có nhõn lính pháo, mấy tháng trời ăn nghỉ thiếu tập tành nên sức có hạn, khi kéo được pháo lên đỉnh đồi bên kia thì sư đoàn báo Tổng thống Thiệu đã lên trực thăng rời đi từ mấy chục phút trước rồi. Thế là cha con nhà pháo lại kéo pháo về. Chỉ được mỗi bữa luyện tập vàng mắt, bở hơi tai.

Khi chúng tôi về B3 thì hầu như là tiếp nhận lại các vị trí cũ của sư 320A đã có từ cả năm trước. Khu vực này cách xa tầm pháo 105ly của địch, nên tạm yên tâm. Chỉ còn lo máy bay mà thôi.

Đấy là vùng hậu cứ. Nhưng cứ xuất phát ra vùng chốt là nằm trong tầm pháo địch. Ở bên Lào, chỉ khi yểm trợ hành quân hoặc phát hiện vị trí quân ta, chi viện cho căn cứ lúc bị tấn công, hay phản pháo sau khi ta gãi chơi mấy quả DKB, địch mới bắn pháo. Nói chung chúng bắn pháo có chủ đích. Ở B3 lúc này, không biết địch mạnh đến đâu, nhưng chúng bắn pháo nhiều và tùy hứng. Chỗ có chiến sự đã đành, chỗ chẳng có gì nhiều khi cũng bị nã pháo, dù chỉ là vài trái. Khó chịu nhất khi ra tuyến trước là có khi đang ngủ lúc ban đêm ở một chỗ mình cho là bí mật, chả liên quan đến địa hình địa thế quân sự gì cả, bỗng dưng lại nghe tiếng đề-pa, rồi "rầm" một trái nổ vào ngay gần nơi mình trú quân. Cha con lính ta nhỏm dậy căng tai đề phòng thì lại nghe nổ tiếp một trái nữa ở mãi tít đâu đó. Cái kiểu bắn vu vơ không định trước này gây tâm lý rất khó chịu. Mãi về sau mới biết cái kiểu bắn pháo này gọi là pháo "đĩ", do mấy thằng lính pháo của địch rỗi hơi ngủ với gái rồi cho chúng nó chỉnh tầm lung tung và giật cò súng. Lính cũ B3 kể bây giờ ít đi nhiều rồi, chứ ngày trước thì đêm nào cũng có. Mà không chỉ một trái, có khi tới mấy trái cấp tập rồi mới chỉnh lại tầm. Đã có trường hợp lính trinh sát và cả các bố hậu cần quân ta nằm phía sau bị chết oan kiểu "tên bay đạn lạc" này.

Nằm ở khoảng giữa các con đường 5A và 5B là các con đường mòn mà trung đoàn chúng tôi thường hành quân ra phía trước. Cách hậu cứ của C tôi chừng hai giờ đi đường là một khu đồi rất lớn trải theo chiều Bắc Nam có cao độ đỉnh là 525 mét. Gần nơi này có một bản gọi là Lệ Kim. Không hiểu sao ở vùng này chúng tôi vẫn thấy gọi các làng của người dân tộc là bản, chứ không gọi là buôn như sau này hay gặp ở tỉnh Buôn Ma Thuột. Một điều lạ khác là nhiều bản ở vùng quanh Pleiku này thường có tên bắt đầu bằng Lệ (như Lệ Minh, Lệ Thanh, Lệ Kim, Lệ Ngọc...). Về sau thì biết vùng này những năm dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, phu nhân của cố vấn Ngô ĐìnhNhu là Lệ Xuân đã lên đây thâm nhập vùng người dân tộc, tặng quà, làm các công tác xã hội và lấy họ Lệ của mình đặt tên mới cho chữ đầu của hàng loạt bản ở đây.

Mang đặc tính cao nguyên, ở đây có đủ loại rừng cây xen kẽ nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là cây lúp xúp và rừng tái sinh. Ở rừng tái sinh không thể làm nhà, nhưng làm nơi trú quân tạm hoặc lập chốt, đào hầm thì có gỗ làm hầm rất vừa tầm. Bản Lệ Kim mang tiếng là bản nhưng cũng chỉ còn là nền đất. Trên diện tích khá rộng toàn cây cỏ mọc hoang, chả có thứ gì tận dụng được. Tôi không hình dung được những cái nhà sàn ngày trước ở đây to bé như thế nào vì mọi thứ hoặc đã cháy trụi, hoặc đã được lính ta tận dụng từ trước hết rồi.

Đặc biệt là ở gần bản Lệ Kim còn có một khu rừng cao su rất lớn, chiếm cả một khu đồi. Ngoài nó ra thì xung quanh vùng Tay Pleiku này không còn khu rừng cao su nào khác nữa. Khu rừng cao su này chắc đã khai thác được nhiều năm vì cây rất già và to, nhưng có vẻ như đã từ lâu không còn khai thác được nữa, chưa hẳn do chiến tranh, mà có thể do rừng đã quá già cỗi. Nhiều chỗ chỉ còn toàn gốc cây cháy hoặc chết khô. Xung quanh đồi rừng cao su là một lạch nước tụ thủy khá to, mọc toàn cây môn thục. Nước đen bẩn không dùng được, khi cần phải tiếp tế từ rất xa. Đỉnh đồi khá bằng phẳng và chạy dài theo chiều ngang. Cả đại đội tôi nhận lệnh đào hầm chốt ở ven đỉnh phía sườn bên này của đồi cao su. Sau đó chúng tôi đào một loạt giao thông hào và râu tôm phía sườn bên kia đồi, dựa vào các gốc cây cao su già để tiện quan sát. Mé bên kia về phía địch trơ trụi hơn, tầm quan sát rất xa. Địch đóng chốt ở quả đồi bên cạnh, nhưng xa tới mức nếu chúng tôi bị lộ thì chúng chỉ có thể bắn ĐK hoặc câu pháo mà thôi.

Những đêm ở đây, chúng tôi được hưởng sự tấn công của một lũ muỗi có thân mình to như những cái kim đan len. Quần vải Tô Châu (Trung Quốc) dày là thế mà chúng vẫn cắm vòi xuyên qua được. Loại muỗi này châm phát nào là chúng tôi nhảy dựng người lên phát đó. Đau đến mức nó chưa kịp hút máu thì mình đã phát hiện ra rồi. Thành ra tuy không hẳn là đã bị đốt, nhưng đau và khó chịu đến mức không thể ngủ được. Cả đêm chỉ lo đập muỗi, nên không phải chỉ một thằng gác thức, mà là cả điểm chốt đều thức. Sáng ra thằng nào thằng nấy bơ phờ vì mất ngủ. Về sau chúng tôi phải liều nghĩ ra cách căng màn trên mặt đất, cứ 3 thằng một cái màn quay ngang, đêm nằm chui phần nửa trên người vào đó, còn từ thắt lưng trở xuống thì quấn nilon chống muỗi. Cách này tuy có bí và hạn chế ngọ nguậy, nhưng tỏ ra có hiệu quả. Rất may là ban ngày nắng lên lũ muỗi bay đi đâu hết, chứ nếu chúng tấn công cả ban ngày thì chúng tôi chắc chết. Một cái may nữa là khu rừng này khi chưa bị lộ chính xác vị trí chốt của ta thì địch chỉ bắn pháo vu vơ mỗi ngày ít quả, còn ban đêm chúng cũng nghỉ. Suốt thời gian cả tuần chúng tôi ở đây, địch không lẫn dũi lần nào. Mà thật ra địa hình ở đây tơ hơ thế này thì nếu có càn như ngày trước, chúng cũng phải có xe tăng mới tấn công được. Cái sườn đồi thoai thoải trước mặt chốt của chúng tôi quang quẻ tới mức quan sát được từ rất xa nên bên nào tấn công trước thì bên ấy sẽ tổn hại nặng nề trước.

Có lẽ chínhsự quang đãng của rừng cao su mà chúng tôi lập chốt đã tạo nên thế bất ngờ vàđóng vai trò quan trọng trong việc ngụy trang. Suốt cả tuần chúng tôi ở đâykhông bị pháo địch bắn, cũng không bị địch tấn công. Ngày nào cũng có pháonhưng nó ùng oàng vào phía sau lưng chúng tôi hoặc tít mãi ở đâu đó. Đặc biệtmáy bay trinh sát L19 thì ngày nào cũng vè vè trên đầu, nhất là lúc trời nắngto. Buổi trưa và chiều tối thì nó nghỉ không bay. Một lần thằng L19 phát hiệnnghi vấn ở một cánh rừng cách đó không xa. Chúng tôi thấy rõ nó nhào xuống bắnpháo khói. Nhanh hơn ở Nam Lào chỉ có máy bay T28 vè vè đến ném bom, ở đây làmáy bay phản lực nên nó đến nhanh hơn. Những chiếc máy bay phản lực cánh bằngsáng lóa từ tít trên cao nhào xuống cắt bom. Tiếng của nó nghe rin rít ghê rợnhơn T28. Loại này không giống những chiếc Thần sấm F105 hay Con ma F4 mà tôi đãnhìn thấy ngoài Bắc. Đầu cánh của nó không nhọn. Về sau thì chúng tôi biếtchúng là máy bay F5E, cũng là một loại phản lực hiện đại mới trang bị cho bênđịch. Chúng cũng đến theo tốp hai chiếc một, ném nhiều loạt bom xuống cánh rừngphía xa đó. Chúng tôi lại được dịp xem phim trực tiếp. Về sau biết trận bom đócũng chẳng trúng vào đơn vị nào của ta. 

....

Hồi ký của bác Trọng đã được tập hợp trong cuốn sách Hồi ức lính


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật