夢人 mộng tàn.

Chuyện du học (1)



Cuộc sống du học (1)

Thật ra cuộc sống du học vẫn luôn đan xen niềm vui, nỗi buồn, đôi lúc là sự cô đơn, và có lẽ cũng có chút chạnh lòng. Với tôi, du học là con đường cho tôi nhiều tự do trong trải nghiệm hơn, vì nhà tôi rất hay quản chế con cái nghiêm ngặt. Một việc cơ bản như quần áo mẹ tôi cũng sẽ chỉ đạo xem tôi phải mặc đồ như thế nào. Vậy nên có một thời gian qua Mỹ tôi vung tay mua sắm nhiều vô kể. Đó là một trong những lần hiếm hoi tôi cảm nhận được sự vui sướng khi lần đầu "quẹt thẻ" và tự chọn cho mình quần áo.

Chuyện thứ hai phải kể đến việc học. Tôi không có biết có phải có những khuôn mẫu (stereotype) cho du học sinh hay học sinh Châu Á không, nhưng bởi vì khuôn mẫu là một kiểu "niềm tin" (beliefs) nên nó có thể xấu và tốt tuỳ trường hợp. Trong mắt mọi người, gương mặt có phần tròn của tôi khiến bạn bè lúc nào cũng trầm trồ bảo "người Châu Á các cậu trông trẻ thật." Khi đến những lớp khoa học, tôi thường được giáo viên ưu ái nhờ giải đề hoặc làm gia sư cho các bạn có thành tích kém hơn. Điều này không chỉ áp dụng với toán và khoa học, mà còn cả những môn học xã hội ví dụ như Tâm Lí Học. Giáo viên đề tài nghiên cứu đã từng khen rằng bà ấy chưa bao giờ hiểu được du học sinh vất vả như thế nào nhưng bà tin chúng tôi và riêng tôi đều sở hữu nghị lực phi thường và sức bền khó tả. Ở Việt Nam tôi học chuyên văn nên chưa bao giờ tôi nghe có ai khen mình "thông minh" và "nỗ lực." Thế nên lúc nghe giáo viên và bạn bè ở Mỹ khen thông minh, tôi vẫn thấy ngại nhùng.

Sự thật là Việt Nam, tôi vốn chỉ học ở mức trung bình khá, cũng không có biểu hiện xuất sắc gì. Vậy nên chăm chỉ, nỗ lực, và thông minh dường như là những ngữ từ xa lạ đối với tôi. Thế nhưng có thể thời gian đi du học giúp tôi nhận ra bản thân vốn dĩ tiềm tàng những sức mạnh riêng biệt và có thể phát triển. Tôi thấy xung quanh mình các anh chị bạn bè Việt Nam đều rất chăm chỉ và thông minh. Ai cũng có giải thưởng khoa và được tuyên dương. Vậy nên mới thấy nề nếp thói quen học tập của du học sinh Việt Nam ít nhất với cộng đồng xung quanh tôi — vô cùng đáng nể. Đây là những người dù phải là nhân viên pha chế, thư viện hay cắt cỏ, quét tường 20 giờ một tuần để trang trải thu nhập, thì vẫn có thể học 4.0 GPA và kiếm việc các công ty kiểm toán, trường đại học nghiên cứu tốt.

Chuyện thứ ba tôi cảm thấy kì diệu khó hiểu với cuộc sống du học sinh chính là cách thức mà những mối quan hệ trước lạ sau quen, và "đã từng ngủ quên" giờ sống lại. Với tôi, việc đi du học gắn liền với những ngày "ăn nhờ ở đậu" host experience cùng những bạn du học sinh khác. Chúng tôi nói tiếng việt, ăn những món việt nam, ôn lại những chuyện trong quá khứ. Vì xuất phát cấp 3 của tôi là một trường chuyên trong thành phố, mà phần lớn học sinh ở trường đều đi du học. Vậy nên, có thể hơi phóng đại nhưng ở mỗi một tiểu bang, tôi đều có thể tìm được ít nhất một bạn du học sinh có cùng trường cấp 3 với tôi. Thi thoảng chúng tôi ôn lại kỉ niệm về trường cũ, ôn lại hồi ức về những ngày học cấp 3 và giáo viên. Những mối quan hệ trước lạ sau quen ấy dần dần trở thành sợ dậy kết nối chúng tôi bền chặt hơn. Có lẽ vì có điểm chung là trường cấp 3 nên mọi cuộc nói chuyện làm quen đều trở nên cởi mở hơn cả.

Chồng của tôi cũng từng là du học sinh, và anh ấy đi du học từ cấp 3. Như bao người, tôi cũng nhìn vào thành tích và học bổng khi đó của anh mà thầm ngưỡng mộ. Tôi chỉ nghĩ rằng ở độ tuổi trẻ mười bốn mười lăm, anh ấy một mình sang nước ngoài du học, không phải trả học phí, và còn được chu cấp tiền mỗi tháng. Suy nghĩ ngày trẻ ngây thơ của tôi vẫn luôn là sự ngưỡng mộ và khao khát mình được như anh. Nhưng thật lòng, khi chúng tôi nghiêm túc nói về chuyện này, tôi mới phát hiện ra vẫn có những câu chuyện chưa nói anh giữ cho riêng mình. Ví dụ như tôi chỉ nghĩ rằng anh ấy đi du học, thế là hết. Nhưng tôi lại không biết về những áp lực học tập mới phát sinh trong thời gian anh du học. Ví dụ như việc ở đất nước xa lạ ấy, anh lại tiếp tục cạnh trang với những học sinh "giỏi" khác không chỉ vì giữ học bổng mà tiếp nối truyền thống học thuật của người Việt. Hay như việc anh ấy cố gắng ăn đồ ăn trong nhà ăn đến lúc ngán nhất cũng phải gắng gượng chờ tiền thưởng cuối tháng, mới dám ăn ngoài một bữa no nê.

Sau đó anh ấy lể với tôi về những lần kiểm tra và thi cử. Đó là thời gian anh ấy cảm thấy khủng hoảng, mệt mỏi và như bị rút cạn sức lực. Anh nhìn xung quanh cả kí túc xá và thấy mọi người đang vùi đầu vào máy tính và sách vở. Thế nhưng anh thì cảm thấy đã 6-7 tiếng trôi qua và học thêm cũng chẳng thể nhồi nhét được gì. Thế là anh ấy một mình băng qua những ngõ nhỏ những công viên vắng tanh rong ruổi trong chuyến "hóng gió đêm." Sự thật là anh ấy cảm thấy lạc lõng trong bầu không khí căng thẳng ấy, anh muốn vươn tay xua tan sự nhột ngạt bao trùm lên kí túc xá và tâm trí nhưng lại chẳng có ai hay và ủng hộ anh. Dẫu biết lí do của họ thuyết phục, anh vẫn cảm thấy không khỏi chạnh lòng.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật