Trao duyên

sau khi trao duyên




Có một nhà thơ mà người Việt Nam không ai là không mến yêu và kính phục, có một truyện thơ mà hơn hai trăm năm qua hông mấy người Việt Nam không thuộc lòng nhiều đoạn hay vài câu. Người ấy, thơ ấy đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt. Đúng như lời thơ ca ngợi của Tố Hữu:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru hàng ngày"
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

Và đó chính là đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng kiệt tác "Đoạn trường tân thanh" mà từng vần thơ đã đi vào đời sống như một món ăn tinh thần của dân tộc Việt, chắp cánh cho âm nhạc thăng hoa, tỏa sáng.

Trong đó phải kể đến mối tình Kim-Kiều, một mối tình vượt qua thời gian và thử thách của cuộc đời. Nhưng chính bởi sự gắn bó sâu đậm ấy mà khi Kiều đặt chữ hiếu lên trên chữ tình:

"Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
Quyết tình nàng mới hạ tình
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha"

Nàng vô cùng đau khổ và day dứt trước bi kịch tình yêu tan vỡ. Để bù đắp cho Kim Trọng, nàng đã nhờ em gái Thúy Vân trả nghĩa cho chàng giúp mình qua đoạn trích "Trao duyên"

Mở đầu là hai câu thơ mang nặng nỗi buồn:

Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

Bằng việc sử dụng nhiều từ xưng hô như nói với người trên "cậy", "chịu", "lạy", "thưa" tác giả đã cho thấy thái độ khẩn khoản, van nài của kiều. Nếu chỉ đọc qua, ta thấy có sự bất thường, nhưng đặt mình trong hoàn cảnh nhân vật để bộc lộ tâm tư thì đây lại là cử chỉ hợp lí của nàng. Thế mới thấy cái tài của Nguyễn Du, ông không vồn vã không tung hô nhân vật của mình mà để độc giả tự đào sâu suy nghĩ, thấm thía. Dường như câu truyện sắp nói vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của hai chị em. Bởi thế, nếu tat hay bằng những từ ngữ khác thì chắc hẳn sẽ mất đi sức nặng của câu thơ.

Có thể nói trong thời điểm này, Kiều rất tỉnh táo, vừa dùng tình cảm , vừa dùng lễ nghi để nhờ cậy em. Các từ ngữ nàng dùng có sự lựa chọn rất tinh vi, chứng tỏ Nguyễn Du hẳn là một thi sĩ sâu sắc nước đời.

Trong cảnh ngộ trớ trêu trước bi kịch tình yêu, Kiều tâm sự với Thúy Vân về mối tình cùng Kim Trọng, nuối tiếc quá khứ êm đẹp đã qua.

"Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề."

Một mối tình rất sâu đậm ấy đã phải "dở dang", "đứt gánh" để nàng giữ trọn chữ hiếu. Kiều như sống lại với những kỉ niệm "Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.", cái đêm thề nguyền đính ước kết duyên làm sao có thể quên.Nhưng sự phũ phàng đã xô đẩy Kiều đến vũng bùn của sự bất hạnh:

"Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề ven hai"

Đồng tiền đen bạc đã khiến bọn sai nha bán rẻ nhân cách, gây nên bao oan nghiệt cho gia đình nàng:

"Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền"

Kiều phải bán mình chuộc cha, đau đớn dứt tình với Kim Trọng. Bởi thế, nàn đã thuyết phục Thúy Vân thay mình trả nghĩa.

"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

Lí lẽ cơ bản mà nàng đưa ra thuyết phục thúy Vân là tình cảm chị em máu mủ ruột già. Đồng thời nêu lên tiếng nói thương thân xót phận, nàng sẽ không yên lòng nếu còn mang nặng lời thề mà chưa trả hết, bởi thế càng gieo vào lòng người đọc niềm cảm thương sâu sắc để Vân trả nghĩa giúp mình.

Nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ có sự kết hơp giữa cách nói văn hoa, trang trọng: Keo loan, tương tư, tơ duyên...chén thề và cách nói giản dị, dân dã: tình máu mủ, lời nước non...nhờ vậy nên nó có tác dụng thuyết phục cả về lí và tình.

Nếu như ban đầu còn là sự đau đớn khi phải trao duyên cho Vân thì giờ đây, sau mười hai câu thơ đầu, tâm trạng Kiều có vẻ thanh thản, nhẹ nhõm hơn vì vấn đề nặng như núi dường như đã được giải quyết. Điều muốn nói đã nói được với Thúy Vân.

Và một quy luật tất yếu trong cái giây phút vô cùng đau xót của cuộc đời nàng là cả một quá khứ về tình yêu sâu đậm gắn liền với kỉ niệm tình yêu đẹp như sống lại trong tâm trí Kiều. Nàng như sống trong hồi ức qua những kỉ vật và nhất là hồi tưởng lại cái đêm thề nguyền thiêng liêng cùng Kim trọng:

"Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa"

Kỉ niệm sống dậy mãnh liệt, ào ạt trong Kiều.Ngỡ như tình yêu vẫn bừng lên trong lòng nàng vào cái giây phút nàng buộc lòng "trao duyên" ấy. Duyên đã trao nhưng tình yêu thì làm sao có thể dứt được? chính vì thế nỗi đau càng tăng lên, bi kịch càng hiện rõ. Đó là những kỉ vật: "chiếc vành", "bức tờ mây", "phím đàn" hay mảnh hương nguyền luôn được Kiều giữ gìn, nâng niu, trân trọng nên khi phải trao cho Vân, Kiều rất đau lòng. Có lẽ bởi vậy nàng có nói "vật này của chung", dù đã trao nhưng nàng vẫn muốn níu giữ, muốn còn lại phần của mình trong đó. Chính bởi mối tình sâu đậm, khăng khít đến thế mà mặc dù "mối tình Kim- Kiều chỉ kéo dài trong hai tháng mà Nguyễn Du đã dành đến một phần của tác phẩm"(Lê Trí Viễn). Qua đây ta thấy được tâm trạng xót xa luyến tiếc của Kiều vì đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời nàng. Nhờ những kỉ vật đó mà nó như chiếc cầu nối để hình ảnh Kiều- một người phụ nữ tài hoa bạc mệnh sau này có lùi vào quá vãng cũng mãi còn là hình ảnh sâu đậm trong tâm trí Thúy Vân và Kim Trọng.

Kiều vẫn tiếp tục đắm chìm trong những hồi tưởng về tình yêu. Từ "ngày xưa" cho ta thấy thời gian được tâm lí hóa, quá khứ tươi đẹp rực rỡ mới đây đã trở nên quá xa vời đối với nàng.

Chỉ với mười tám câu lục bát ở đầu đoạn trích cùng dòng văn chương bác học và tài năng trác tuyệt của mình, Nguyễn Du đã làm nên một thành công lớn gieo vào lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc về nhân vật Thúy Kiều.

Qua đây đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của nàng Kiều, con người tài hoa nhưng luôn phải chìm đắm trong muôn kiếp trầm luân, biển khổ và có một tình yêu sâu nặng.

Phải là một nhà nhân đạo lớn, một trái tim lớn, nhà thơ mới có thể xây dựng nên một nhân vật đi cùng tháng năm, sống mãi trong lòng bao thế hệ để tiếng thơ đi cùng câu hát, chắp cánh âm nhạc để những khúc ru chan chứa tình người. Đúng như nhận xét về đại thi hào Nguyễn Du, Mộng Liên Đường chủ nhân có câu: "Tố Như tử có con mắt trông khắp sáu cõi, có tấm lòng nghĩ đến cả nghìn đời, lời văn tả thực có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi."


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật