GIÁO LÝ CĂN BẢN PHẬT GIÁO

Tại sao Nhẫn sắc, nhẫn dục là khó?



Phân tích tại sao Đức Phật nói : “ Nhẫn sắc, nhẫn dục là khó”

Đề tài này khó nói nên không thấy ai nói nhiều, nhưng nó rất quan trọng cho những ai quyết tâm tu hành tinh tấn. Có phân tích mổ xẻ vấn đề, chúng ta mới khắc chế và làm Thân Tâm của mình An Lạc được.

Con người luân hồi trầm luân trong bể khổ là vì còn Tâm tham đắm ái dục. Tâm tham đắm ái dục này không chỉ được hiểu là tình luyến ái nam nữ, mà còn mang nghĩa rộng hơn, Ái là ham muốn, là vơ vét tất cả những cái gì đẹp về cho mình một cách ích kỉ. Thấy người khác giới đẹp một cách lạ lùng, cũng ham thích. Thấy người cùng giới đẹp cũng ham thích ưa nhìn, muốn tiếp xúc gần gũi. Sự tham ái của con Người quả là ghê sợ! bất chấp tuổi tác già trẻ, bất chấp đồng giới hay khác giới nam nữ. Chính cái sự Tham Ái này mà con người chúng ta luân hồi khổ đau không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, không bứt phá ra được 6 nẻo luân hồi, chìm đắm trong sông mê bể khổ không biết ngày nào thoát ra. Khi sinh tâm luyến ái, chúng ta muốn có nó, muốn chiếm đoạt lấy nó làm riêng của mình. Nếu họ không thuận theo ‎ý mình, không làm vừa lòng mình, thì lập tức nổi Sân tức giận, sinh tâm Hờn ghen buồn giận, Tâm không lúc nào được an lạc hạnh phúc.

Ái còn là ham muốn tài sản, vật chất, tiền tài, danh lợi, nổi tiếng, chức vị cao... Ai có tài sản lớn thì không muốn mất, sợ người khác chiếm đoạt, ai có danh tiếng thì lại càng muốn nổi tiếng hơn thế nữa. Cứ phát triển lòng tham Ái rộng ra, con người bị che mờ mắt trong sự tham lam ích kỉ đó, không quan tâm người khác khổ sở như thế nào, nói những lời cay đắng, dùng vũ lực, sát hại sinh mạng từ người đến con vật nhỏ bé, phá hoại thiên nhiên cây cỏ...rồi Nghiệp quay lại trả quả Báo, lúc đó hối hận cũng không kịp, lại than trời trách phận, có hay đâu, vì vô minh mê mờ ngộ nhận, không thấy được mình đã vô tình tạo ra biết bao nghiệp ác cho chúng sanh, làm khổ lẫn nhau, gieo hờn trách oán lẫn nhau ngay trong gia đình và ra tận xã hội.

Lòng tham Ái dục quả là khủng khiếp, nó nhận chìm con người trong sông mê bể ái đọa đày khổ đau.

Tiếp tục phân tích mổ xẻ lòng tham Ái này ra nữa, những ai đang sống trong tình yêu nam nữ, vợ chồng, vì huân tập thói quen “luôn cần có nhau”, nếu thiếu nhau thì sống không nổi. Do đâu vì sống không nổi? Chính bản thân 1 người đã có sự ích kỉ bên trong và nay thêm cộng thêm 1 cá nhân ích kỉ nữa, cả 2 đều muốn sở hữu lẫn nhau. Gần nhau thì lòng tham dục nổi lên như bản năng không kiểm soát được. Xa nhau thì nhớ, gần nhau thì thêm thương. Lòng ái dục này nó trói buộc, như gông cùm xiềng xích, che mắt bịt tai, khiến cho cả 2 không nhìn ra xung quanh họ, còn biết bao nhiêu người đang sống trong khổ đau, bệnh tật, nghèo đói. Trong con mắt người nữ thì thấy chỉ toàn người nam, trong con mắt người nam chỉ toàn thấy người nữ. Sống đời đời cho đến tuổi già đầu bạc, răng rụng mắt mờ. Mỗi người 1 cái hòm riêng, người chết trước, kẻ chết sau, con cháu có ai nguyện chết chung với mình bao giờ. Vậy rốt cuộc, tình yêu lứa đôi này đã tạo ra cái gì? Tạo ra 1 đống ích kỉ trói chặt cả 2 cùng chết chung với nhau mà không làm gì để giúp người khác xung quanh. Ai động đến gia đình họ, đến con cái họ, đến nhà của họ, đến tài sản của họ thì lại nổi Sân, tìm mọi ngôn ngữ, mọi phương tiện để lấy lại “công bằng” cho bằng được.

Nói thẳng vấn đề tình dục ra luôn, xin thưa rằng, lòng ham dục không bao giờ mất đi theo thời gian, ông cụ bà cụ còn hồi xuân. Ông cụ còn có khả năng sinh sản nữa, đến một lúc nào đó tùy vào cơ địa mỗi người, mà tinh trùng không còn sản xuất ra được nữa. Cơ thể lão hóa, tế bào chết dần chết mòn, nhưng ai nói lòng ham dục mất đi. Tánh tham dục huân tập qua nhiều đời nhiều kiếp mang sang được kiếp sau, mang 1 thân thể mới, nhưng tánh tham dục không bao giờ biến mất. Nếu người tu biết tháo dỡ tính tham này ra từ từ làm thân tâm thanh tịnh thì mới mong chuyển cái Nghiệp Ái này mỏng nhạt dần. Việc này phải luyện tập kiên nhẫn nghiêm khắc với chính mình. Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình, chiến thắng lòng tham dục tham ái của mình, đó mới là chiến thắng vĩ đại nhất, là cả 1 sự nghiệp chúng ta phải tu tập gìn giữ trọn đời.

Nhẫn sắc nhẫn dục là khó: nghề nghiệp buộc phải tiếp xúc với thân thể và sinh mạng con người. Người học Y phải tôn trọng thân thể người khác, ai có tâm tà thì nổi toàn tâm tham dục, muốn đụng chạm người khác, nhìn đâu cũng thấy cơ thể lõa lồ hiển hiện ra trước mắt hàng ngày. Đây là Tâm của Ma. Còn người chỉ mang trong đầu ý nghĩ giúp đỡ người khác lau chùi tắm rửa, trân trọng từng cái tay, cái chân, từng vết thương, luôn luôn quan sát họ đau như thế nào, sợ đụng chạm nhiều sẽ gây đau đớn cho họ. Thấy bộ phận cơ thể người không phải là bộ phận cơ thể người hở hang, mà chỉ toàn là cơ thể mang bệnh, là nguồn gốc gây đau đớn cho họ, luôn luôn nghĩ mình làm có đúng quy trình, đúng trách nhiệm không, làm có đúng kĩ thuật không...trong đầu luôn luôn nghĩ như thế thì lấy thời giờ đâu mà ngắm nghĩa cơ thể hở hang của người khác. Đây là tâm của Phật. Cái vấn đề này chợt có 1 người hỏi tôi? Làm tôi cũng ngạc nhiên và choáng váng luôn, chẳng lẽ tâm địa chúng sanh chỉ toàn là xấu xa, dơ bẩn, hở hang, lõa lồ như thế sao? Cứ dùng tâm của mình mà quán xét, cứ giả như mình là bệnh nhân đang nằm trên giường, hở hang, không mặc đồ gì hết để cho người ta chọc nguấy, làm gì thì làm rồi lâu lâu ác ý chêm vào mấy câu nhận xét chẳng ra gì, thì bệnh nhân họ sẽ đau đớn khổ sở như thế nào?

Tâm Phật và Tâm Ma chỉ gần nhau trong tích tắc, quả là nguy hiểm cho những ai không có lòng hi sinh vì người khác và nguy hiểm cho những ai đang tu hành giữ gìn thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh từng giây từng phút không buông lơi.  Một con người là một vị Phật tương lai, cơ thể con người cũng quý báu, chăm sóc cho một bệnh nhân có khác nào chăm sóc cho 1 vị Phật tương lai. Làm sao có nhiều dịp để chăm sóc thân thể của vị Phật tương lai? Suy cho rộng ra nữa, ví như cha mẹ, anh em ta là bệnh nhân đang nằm đau đớn trên giường bệnh, có mấy ai chịu đựng mùi hôi thúi của bài tiết phân và nước tiểu hay lại đùn đẩy lẫn nhau, trả tiền nhiều cho y tá chăm sóc chứ mình nhất quyết không đụng tay vào các thứ dơ bẩn đó. Ngay cả phân, nước đờm, nước tiểu, mùi hôi của chính mình thải ra còn không chịu được, nói gì chịu đựng, ngửi mùi hôi, dọn dẹp phân của người khác. Tuy nói những lời không mấy thanh tịnh này ra, nhưng đây là 1 sự thật trong cuộc sống. Người ta đi chơi, đi hát karaoke, nhậu nhẹt, ăn uống no say chứ có mấy ai đi vào bệnh viện thăm người bệnh bao giờ, có đi thăm thì chỉ mấy phút rồi vọt ra cho lẹ. Người ta ưa thích cái hay, cái đẹp, cái thơm tho của thế gian, chứ có ai chịu đựng cảnh chết chóc tan thương, chia lìa, bệnh tật bao giờ. Thật buồn cho thế thái nhân tình, con người đối xử tốt với nhau lúc mạnh khỏe, lúc giàu có nhưng lại giả dối bạc bẽo, lúc nghèo đói lúc bệnh tật.

Ngày xưa,  các vị Tỳ Kheo quán xác chết để từ bỏ tâm tham dục luyến ái của mình. Ngày nay, chúng ta nên đi vào bệnh viện, tham dự đám tang,  nhà xác, nhà tang lễ, lò thiêu cho nhiều vào, đi hàng ngày kìa, chứ không phải lâu lâu mới đi. Đi để mà quán xét tâm của mình, đi để mà mở banh con mắt tham dục luyến ái của mình, đi để nhận ra giá trị thực của cuộc sống là gì, đi để nhận ra rằng những lời Đức Phật dạy không hề sai. Đừng có trốn tránh sự thật, càng trốn tránh bao nhiêu càng đau khổ bấy nhiêu. Sự thật không muốn thấy, chỉ muốn thấy toàn là giấc mơ màu hồng giả tạo. Phải đối đầu với sự thật cay đắng nó không chừa bất cứ một ai trên cõi đời này cả.

Người tu muốn biết mình đã tạm dứt trừ lòng tham ái này hay chưa? Thì khi vô tình coi hình ảnh quảng cáo anh chàng đẹp trai, cô nàng đẹp gái, hở lưng, hở bụng, hở ngực đang lan tràn như những con virus trên báo chí, trên mạng, nói chung là các phương tiện truyền thông nhan nhản đầy đường, thấy mà lòng không khởi 1 niệm xấu nào thì lúc đó chỉ mới bắt đầu thâm nhập hiểu nghĩa lý của việc từ bỏ lòng tham ái dục của mình mà thôi. Luôn luôn nhớ rằng, chính nó là con rắn độc đang trốn núp đâu đó trong tàng thức thôi, lúc này nó chưa hiện ra, lúc khác lại xuất hiện, chứ có bao giờ buông tha cho người tu hành bao giờ. Nhưng luôn luôn có cách hóa giải vấn đề cho mọi chuyện. Nói chung, ta dùng 4 phép Quán: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thì khổ để đè nén các dòng Nghiệp đang tuôn trào trong tâm thức, lòng tham ái ví như các cơn sóng biển, lâu lâu đập vào bờ để hù dọa người tu thôi, để thử mức Định của người đó đến đâu đó mà. Ai biết càng nhiều pháp môn tu hành hơn nữa thì cũng giống như biết nhiều “võ công” công phu tu tập thượng đẳng là “cao thủ võ lâm’ thì ba cái tẹp nhẹp tình cảm nam nữ này chỉ là cỏ rác không đáng quan tâm. Còn 1 cám dỗ cao cấp hơn khiến người tu chúng ta phải choáng váng, Ngài A-Nan đã bị mắc vào cái này mà chậm chứng đắc A-la-hán hơn các vị khác. Xin đọc tiếp sẽ hiểu thêm.

Con người chúng ta bị chi phối bởi cái đẹp, nên muốn sở hữu nó. Người đẹp có tướng mạo dễ coi, có ánh mắt nụ cười quyến rũ, có làn da trắng mịn, có hàm răng trắng đều, dáng đi duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh thoát, cử chỉ từ tốn...nói chung, người đó có cái gì mình đều thấy đẹp hết. Diễn viên, người mẫu, ca sĩ là ví dụ điển hình không chạy đi đâu được hết, ai mà chẳng mê, ai mà chẳng thích ngắm nhìn. Nhưng cái đẹp đó chỉ làm mê mờ tâm trí những người bình thường chưa có tu.

Nếu người đẹp đó không có đạo đức, nói toàn những lời thô thiển, phát ngôn bừa bãi, làm mất lòng mọi người xung quanh thì sớm muộn gì ai cũng xa lánh.

Nếu người đẹp đó vừa có đạo đức, nói những lời hay ý đẹp, làm mát lòng mọi người xung quanh, luôn giúp đỡ cho người khác, không có ý nghĩ xấu về người khác, mọi lời nói ra đều như bông như hoa thì người tu cũng có thể vượt ra được cám dỗ này.

Nhưng nếu người đẹp đó nói những lời làm chúng ta thức tỉnh tâm trí, trí tuệ mở mang sáng láng, nhận ra được chân lý và con đường giải thoát giác ngộ, mang vẻ đẹp của 1 vị Phật với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì ngay cả người tu như Ngài A-Nan cũng khó mà cưỡng lại nổi, nói chi phàm phu tục tử chúng ta. Thời đức Phật tại thế, có nhiều người thấy đức Phật đi khất thực với oai nghi tế hạnh như thế, dù đức Phật chưa nói 1 lời nào thôi cũng đủ cho mọi người phát tin tâm và quỳ lạy đi theo xuất gia luôn. Cho thấy lòng tham ái tham cái đẹp của con người quả là khủng khiếp khó mà diệt trừ được. Ngài A-nan đi theo Phật lúc đầu chỉ vì thấy Phật đẹp quá chứ chưa giác ngộ hoàn toàn, nên đức Phật nhập Niết Nàn rồi ngài mới chứng đạo.

Phân tích sâu xa như vậy, cho thấy đức Phật nói “ Nhẫn sắc, nhẫn dục là khó”. Ai vượt qua 1 điều khó này thôi, cũng đủ thấy định lực người này là có căn cơ tu hành không chỉ 1 kiếp mà xóa bỏ hoàn toàn được, mà phải qua muôn ngàn đắng cay khổ đau, không tiếc thân mạng, nhiều đời, nhiều kiếp tích lũy mà có. Mà Đức Phật Thích Ca được tôn xưng là Bậc Đại Hùng, Đại Lực và Đại Từ Bi, không những chiến thắng chính mình mà còn giúp chúng sanh chiến thắng chính bản thân họ. Quả là Bậc thầy của Tam giới, đến quỷ thần, ma vương, vua chúa, thiên tử, rồng, dạ xoa.... từ trong nhiều kiếp quá khứ xa xưa đến cho tận ngày hôm nay đều bái lạy phủ phục 5 vóc gieo sát đất. Con người phàm phu chúng ta ngày nay nhìn Tôn tượng của Đức Phật mà hãy suy nghĩ xem đã làm được điều gì xứng đáng cho nhân loại chưa, mà trơ trơ 2 con mắt ếch, chắp 2 tay đứng mà cầu xin vàng bạc, tiền tài, tình tiền này kia kia nọ cho bản thân mình và cho gia đình mình mà thôi. Câu hỏi này hãy để mỗi người trong chúng ta tự xét lấy Tâm của mình mà Sám hối và Phát Nguyện chuộc lỗi lầm.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật