GIÁO LÝ CĂN BẢN PHẬT GIÁO

Ngày Rằm Tháng Giêng Là Ngày Phật Hứa Với Ma Vương



Ngày Rằm Tháng Giêng Là Ngày Phật Hứa Với Ma Vương !

Đức Phật cùng với đông đảo chư đệ tử tiến về thành Vesali. Ðây là thủ đô của xứ Vajjians, mà đức hạnh của dân tộc xứ này đã từng được Ngài khen ngợi:

- Thứ nhất dân chúng bộ tộc Vajjians rất thường hội họp và thảo luận một cách nhất trí mọi vấn đề.

- Thứ hai dân chúng Vajjians không bao giờ hủy bỏ những luật lệ cũ.

- Thứ ba dân chúng Vajjians thường xuyên nghe lời khuyên nhủ của các bậc lão thành.

- Thứ tư dân chúng Vajjians không bao giờ xâm phạm tiết hạnh của phụ nữ.

- Thứ năm dân chúng Vajjians luôn luôn tôn trọng những nơi thờ phượng.

- Thứ sáu dân chúng Vajjians tiếp tục hiến dâng của cải đến những cơ sở tín ngưỡng.

- Thứ bảy dân chúng Vajjians lúc nào cũng sẵn sàng che chở và hộ trì những bậc tu hành chân chính.

- Với bảy đức tính như thế không ai có thể phủ nhận được sự thịnh vượng, hùng mạnh của dân chúng Vajjians.Chính Như Lai đã dạy dỗ cho họ thấm nhuần được bảy phẩm hạnh ấy! Một dân như thế là một dân tộc có thể bảo vệ được gia sản, vật chất cũng như tinh thần của họ một cách dễ dàng.

Và một cuộc chiến tranh suýt do vua A Xà Thế gây ra, tàn phá nước ấy cũng đã được Ngài dùng pháp lành dập tắt. Nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ một cách sâu xa thì sẽ thấy rằng sự có mặt của đức Phật trong lãnh thổ Vajjians này không có mục đích gì khác hơn là dùng ân đức của Ngài để can ngăn vua A Xà Thế đem quân đánh chiếm một nước nhỏ lân cận.

Và tại thành Vesali, đức Phật đã thọ trọng bệnh. Một thân nghiệp tự nhiên và sau cùng của một đời người. Ngài đã dùng sức mạnh thiền định để đánh tan mọi đau đớn. Ðồng thời Ngài cũng không muốn viên tịch mà chưa triệu tập đầy đủ các hàng đệ tử một lần sau cùng.

A Nan Ða thấy đức Thế Tôn nhuốm bệnh và biết rõ ấy là một căn bệnh ngặt nghèo, thì buồn khổ vô cùng. Ông lo sợ đến nổi mất hết sáng suốt. Rồi để tự an ủi, A Nan Ða đã tưởng tượng và nói với đức Phật rằng:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Dù bệnh hoạn có nguy kịch cỡ nào, một vị Phật chắc chắn cũng không bao giờ nhập Niết bàn một cách bất ngờ, khi chưa triệu tập đủ mặt chư đệ tử và ban bố những lời di chúc tối hậu.

Nhưng đức Phật bỗng hết đau đớn, thần thái tươi tỉnh nói:

- Này A Nan Ða! Như lai không có gì để di chúc tối hậu cả! Những điều đáng truyền lại cho các hàng đệ tử, Như Lai đã thuyết ra hết rồi. Hiện tại không còn một pháp nào có thể gọi là bí mật để di chúc tối hậu. Ông chớ hiểu lầm có một vị Phật đang sống để lãnh đạo Giáo Hội, và trước khi viên tịch, vị Phật ấy phải chuẩn bị mọi lời di chúc để chuyển giao quyền hành như các hàng vua chúa còn mắc dính trong bản ngã phàm tình. Thân Như Lai hiện giờ giống như một cỗ xe đã cũ. Ở cái tuổi 80 thân Phật của Như Lai chỉ được yên ổn khi tâm thường an trú trong các bậc Thiền, nhất là Thiền Phi Tưởng và Vô Sở Hữu Xứ. Và khi ra khỏi hai bậc thiền ấy nhục thân Như Lai cũng chịu mọi trạng thái tàn hoại của luật vô thường.

- Này A Nan Ða ! Ông hãy tự xem mình là nơi nương nhờ của chính ông.Ông hãy xem trí tuệ chơn chánh của mình là pháp cứu rỗi duy nhất, vì một đệ tử thấm nhuần Phật giáo không bao giờ mong cầu nơi tha lực để giải thoát sự sinh tử luân hồi của chính mình.

Phần thứ ba của kinh Ðại Niết Bàn, cũng được thuyết tại Vesali, thuật lại giai thoại:

- Ở đó đức Phật đã đừng chân để tu dưỡng một mùa hạ. Một hôm đức Thế Tôn bảo A Nan Ða lấy tọa cụ và theo Ngài đến đại tịnh xá Capala để hành thiền. Sau khi Phật và A Nan Ða an toạ, đức Thế Tôn thay vì lập tức Nhập Ðịnh, Ngài lại quan sát khung cảnh thanh tịnh, và đẹp đẽ xung quanh, rồi Phật nói như cảm khái với A Nan Ða rằng:

- "Những nơi phụ cận trong vùng cũng có sắc thái xinh đẹp, thanh tịnh như thế này. Như Lai nên an trú ở đây, hay lần lượt đến những nơi đó ?"

Hành động của đức Phật khi ấy vốn có một nguyên do, nhưng A Nan Ða đã không hiểu. Ông chẳng tìm thấy một ngụ ý nào trong lời Phật nói cả.

Và theo kinh điển, mãi về sau các học giả Phật giáo mới nhắc đến câu nói ấy của Phật để phân tích, khi họ đối diện với những đoạn khác đầy minh chứng trong Tam Tạng Pháp Bảo.

Vì một đấng Phật Tổ mà thốt lên lời cảm khái hay tỏ ra ưa thích cảnh đẹp như thế (dù là cảnh đẹp thanh tịnh) là một điều rất hiếm và dường như mâu thuẫn với phẩm cách không còn dính mắc thế gian của một bậc hoàn toàn giải thoát.

Nhưng Phật đã xuất khẩu nói ra, tất phải có lý do. Và lý do duy nhất chỉ là báo hiệu sự gần Nhập Diệt của Ngài. Không phải vì Phật lưu luyến cảnh đẹp, mà vì lòng thương xót chúng sanh. Lần đầu tiên non 45 năm về trước sau khi Ðắc Ðạo, nhận thấy Phật giáo quá cao thâm và vì nghiệp chướng của chúng sanh lại sâu dày, Ngài đã chần chờ, thì Phạm Thiên đã xuất hiện thỉnh Phật thuyết pháp.

Giờ đã trải qua 45 năm truyền đạo giải thoát, nếu duyên lành của nhân loại còn thuận hành, thì có kẻ tịnh tâm sẽ yêu cầu Ngài khoan Nhập Diệt.

Rồi đức Phật lại nói" Ai phát triển được bốn thần lực tuyệt đối là: nhất tâm, tinh tấn, nhẫn nại, và sát minh, thì người ấy có thể làm chủ hoàn toàn được vận mạng của chính mình. Nếu muốn kéo dài tuổi thọ, họ cũng có thể làm được".

Có nghĩa là một vị Phật còn hơn thế nữa, vì Ngài đã dư đủ bốn thần lực ấy, nên khi có ai yêu cầu Phật tiếp tục sống để cứu độ chúng sanh thì Ngài cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Theo chú giải kinh nói về kiếp sống thì bốn thần lực của một vị Phật có khả năng làm cho nhục thân của Ngài kéo dài tuổi thọ bằng một kiếp trái đất. Còn nếu Phật dùng thần lực, mà Ngài chỉ áp dụng thiền định. Ngài cũng có thể sống đến 120 tuổi. Trường hợp thân Phật bị dư nghiệp hiện kiếp phát tác, chẳng hạn như Ngài bị vi trùng công phá, sinh bệnh, thì Ngài cũng có thể dùng Ðại Bát Nhã pháp để sống lâu theo ý muốn. Tức là kéo dài kiếp sống cho đến khi nào các tế bào cuối cùng trong thân Ngài bị vi trùng phá hủy. Và trong thời gian dùng Ðại Bát Nhã pháp để kéo dài sự sống, một vị Phật chỉ biết Thuyết Pháp và Nhập Ðịnh mà thôi chứ Ngài không còn những sinh hoạt phàm tình khác.

Ðức Phật không phải chỉ nói điều ấy với A Nan Ða một lần, mà Ngài đã nhắc lại đến lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng A Nan Ða vì quá âu lo, bối rối, đã không hiểu rõ nghĩa lý của lời Phật dạy. Dẫu sao, nếu Ma Vương (Màra) không ám ảnh thì A Nan Ða đã hiểu rõ ngụ ý trong lời Phật dạy rồi. Ông không phải chỉ yêu cầu một lần, mà cho đến một nghìn lần, ông cũng sẽ sẵn sàng vui vẻ năn nỉ Phật tiếp tục trên thế gian này để cứu độ chúng sanh. Và chỉ cần một lời yêu cầu thôi, lóng từ bi vô lượng của đức Phật sẽ tỏa rộng và Ngài sẽ không sớm nhập Niết bàn.

Theo thuật truyện (Màrajàtaka) thì Ma Vương không phải chỉ mới bắt đầu khuấy phá sức khoẻ của Phật, và những ai gần gũi Phật khi tuổi đời Ngài ở giai đoạn xế bóng, mà hắn đã xuất hiện yêu cầu Phật hãy bước ra khỏi Tam giới, tức là hãy nhập Niết bàn lúc Ngài vừa đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới cội cây Bồ đề, nhưng Ma Vương đã không toại nguyện. Nhờ vậy tuổi thọ của Phật giáo mới không bị rút ngắn hơn nữa (dưới 5000 năm) chứ nếu không, cõi Ta Bà này đã không có đủ 45 năm hưởng thụ ơn ích của một vị Phật Tổ và hiện thời thế gian vì không có Phật giáo chắc phải mang một bộ mặt khác. Bộ mặt lấy sự bạo động làm" chân lý" rồi ân oán triền miên, đau khổ không bao giờ chấm dứt.

(Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng. Lấy ân báo oán, oán lại tiêu tan. -- Theo Pháp Cú kinh).

Sự cần thiết phải có người yêu cầu Phật "Khoan nhập Niết Bàn" như thế, là một điều thần bí trong kinh điển Pàli (Phạn ngữ). Xưa nay chúng ta vẫn hiểu rằng: Tuổi thọ của một kiếp người là do kết quả của toàn thể những nghiệp mà người ấy đã tạo ra trong kiếp trước.

Nhưng trường hợp của đức Phật thì hơi khác. Vì kiếp thành Phật là kiếp chót, nên tuổi thọ của một vị Phật là di quả lưu lại của hằng hà sa số kiếp trước. Có thể có những di quả phi thiện hay trung hòa quá yếu nào đó, nằm trong vô thỉ kiếp xa xưa đã không đuổi theo kịp tiền thân Phật, nên Ngài chưa trả, thì khi thành Phật Ngài phải trả. Người ta gọi những di quả quá yếu ấy là di quả Tuỳ nhân duyên. Nghĩa là khi có lý do chính đáng, đức Phật có thể chuyển hóa chúng được.

Và lý do chính đáng vừa nói, chính là phải có người thiện tâm yêu cầu đức Phật tiếp tục cuộc sống trên thế gian để độ cứu chúng sanh. Khi nghe lời yêu cầu ấy lòng từ bi của một vị Phật sẽ tự động tỏa rộng và làm chuyển hóa mọi hiệu lực của di quả Tùy nhân duyên kia.

Trở lại trường hợp A Nan Ða bị Ma Vương (Màra) làm cho tăm tối, chúng ta thử đọc tiếp trong Tam tạng:

"Khi ấy A Nan Ða vâng lời Phật, vừa đến ngồi Nhập Ðịnh dưới một tàng cây to, cách chỗ Phật không xa, thì Ma Vương (Màra) hiện ra. Y nhắc lại những điều đức Phật đã hứa trước đó 45 năm, khi Ngài mới đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nghĩa là Ma Vương muốn đức Phật Nhập Diệt càng sớm càng tốt, để Ngài đừng bao giờ Chuyển Pháp Luân trên thế gian này. Nhưng đức Phật đã trả lời rằng: Ngài không thể Viên Tịch khi đạo giải thoát chưa được phổ biến đầy đủ, và bốn hạng người lành (Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni, Thiện nam, Tín nữ) chưa thấm nhuần Chánh Pháp, cùng chưa vững tiến trong đời sống phạm hạnh.

Ma Vương nhắc xong rồi nói: "Hiện tại những việc đó Phật đã hoàn thành, vậy Ngài hãy giữ lời hứa và phải Nhập Diệt".

Ðức Phật trả lời: "Chúng sinh còn thiện duyên với Như Lai! (Ngài không nói duyên lành ít hay nhiều). Như Lai sẽ vào Niết Bàn trong khoảng ba tháng nữa...!"

Một câu hỏi có thể đặt ra: "Tại sao đức Phật lại tuyên bố Ngài sẽ Nhập Diệt trong vòng ba tháng tới, trước Ma Vương, mà Ngài không tuyên bố lời ấy, trước một ai khác?"

Chúng ta thử phân tích về điểm này: Theo điển cố thì Ma Vương là chủ tể của cái vòng sinh tử luân hồi, gồm Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới). Ảnh hưởng mạnh nhất của Ma Vương là cõi Dục giới. Tất cả những sắc thân từ vật chất ô trược (như đặc, lỏng, mủ, máu, hữu cơ v.v...) cho đến vật chất thể bền và thể hơi (như sắt, đá, gió, lửa và các thứ khí v. v...) đều là sản phẩm độc quyền chế tạo của Ma Vương.

Khi một chúng sanh ra đời trong Tam giới, bất luận thuộc hạng nào, có thể từ thấp sinh, noãn sinh, hay thai sinh, lên đến hóa sinh, như: từ thú rồi người và trời v.v... là chúng sinh ấy đã chịu "nương" vào sản phẩm của Ma Vương để mà sống.

Tất cả chúng sanh mang thân nghiệp có thể ví như người ở trọ, mà Ma Vương là chủ nhà. Một vị Phật hay một vị A La Hán là những bậc đã đứt khoát không chịu: “thuê nhà” kiếp sau của Ma Vương nữa. Các vị ấy không chịu nuôi dưỡng: tham, sân, si thì không còn tái sinh nữa, nên Ma Vương nổi giận muốn đuổi người "ở trọ" thánh thiện ấy đi. Tuổi chết (ví như hạn kỳ thuê nhà) của một bậc Giác Ngộ, dù chưa đến, Ma Vương cũng tìm đủ mọi cách làm cho nó đến sớm, kẻo bậc Giác Ngộ càng có mặt lâu trên cõi đời này thì số người Giác Ngộ càng tăng, khuyến khích nhau tận diệt tham, sân, si... bước ra khỏi Tam giới, không còn ai “thuê nhà” kiếp sau do Ma Vương chế tạo nữa.

Do đó Ma Vương chính là kẻ đầu tiên biết Phật không còn cần đến y nữa. Nhưng năng lực của Phật muốn lưu lại trong ngôi nhà cũ (ám chỉ xác thân), không biết đến bao giờ mới cạn, nên y cứ tìm cách hỏi Phật chừng nào Ngài Nhập Diệt? Ma vương cũng tự biết rằng: Thánh quả Toàn Giác, tuy rất hiếm, nhưng cũng có thể xuất hiện trên thế gian bất cứ lúc nào. Không có một năng lực chi có thể ngăn cản được. Cũng như thành quả Chánh Ðẳng Chánh Giác ấy muốn lưu lại trong Tam giới bao lâu tùy nhân duyên chứ Ma Vương không làm sao biết trước hay xua đuổi được.

Nhưng dù sao, đức Phật sau khi Ðắc Ðạo, Ngài đã quyết định không sống một kiếp người dài bằng tuổi thọ trái đất. Ngài đã không vận dụng những thần lực để biến mình thành trường sinh bất tử. Những thần lực này vốn có sẵn trong tâm Phật. Ngài có thể phát triển bất cứ lúc nào ngài muốn. Nhưng Ngài đã không phát triển.

Và khi đối diện với Ma Vương, Phật thản nhiên tuyên bố Ngài sẽ Nhập Diệt trong vòng ba tháng nữa, tức là một cách Phật gián tiếp xác nhận Ngài sẽ không sử dụng thần lực trường sinh bất tử. Nên quả đất phải rung chuyển và phong vũ sấm sét đã nổi dậy vì những sức mạnh phi thường bao quanh địa cầu. Những sức mạnh phi thường ấy đã từ lâu chờ đợi tâm Phật phổ ra để biến thành kim cương mà bảo vệ một vị Phật Chánh Ðẳng Giác cho đến mãn kiếp trái đất. Nhưng những năng lượng ấy đã không được Phật sử dụng, nên chúng giải phóng rộng ra như thế.

Khi A Nan Ða chứng kiến một cách kinh hãi cảnh mặt đất rung động, đồng thời trên không trung sấm sét, cuồng phong nổi lên như thế. Ông lập tức bạch Phật hỏi nguyên nhân, thì được đức Thế Tôn trả lời rằng:

- Có tám nguyên nhân làm cho mặt đất rung động và bầu khí quyển bị xáo trộn sấm sét, cuồng phong là:

''Một, có một sinh vật khổng lồ bước đi. Hai, có một đạo sĩ đắc Thiền đạt thần thông Vô sắc. Ba, có một đại Bồ Tát giáng sinh vào lòng mẹ. Bốn, có một Đấng cứu thế ra đời. Năm, có một đức Phật Thành Ðạo. Sáu, có một bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác bắt đầu Chuyển Pháp Luân. Bảy, có một vị Phật Tổ từ chối sự trường sinh bất tử. Và tám, có một lời hứa Phật sẽ nhập Niết Bàn''.

Khi đọc đến đoạn này, chúng ta sẽ thấy rằng: Sự hiện hữu của một vị Phật Tổ, trên thế gian vốn có nhiều liên quan với càn khôn vũ trụ, chứ không đơn giản như cuộc sống của một phàm tình mà chúng ta thường tưởng.

Trên thực tế, tám điềm lạ, (tức tám nguyên nhân làm cho mặt đất chuyển động và phong vũ sấm sét nổi lên) vốn chứa lắm điều bí ẩn đặc biệt. Ðức Phật dẫu có tiết lộ trước đó, phàm tuệ của A Nan Ða cũng không thể nào thấu hiểu nổi. Cho nên Phật Tổ đã không nói ra và chỉ khi có những hiện tượng nhiệm màu làm cho A Nan Ða bị kinh cảm, mới khiến cho ông sực nhớ biết chắc Ðức Phật sắp đi vào Niết bàn. Và cảnh quả địa cầu đã chấn động khiến vạn vật rung rinh một cách kỳ lạ mà không làm tổn hại đến A Nan Ða một sợi lông, đủ chứng minh cái sắc thái thần bí muôn đời giữa đức Phật và vũ trụ.

Trở lại câu chuyện của đức Phật và A Nan Ða tại Thiền Ðịnh Ðạo Tràng Capala: Sau khi quả địa cầu kinh cảm chấm dứt, đức Phật liền đích thân dạy cho A Nan Ða các phương pháp hành thiền thích hợp với các căn cơ ông nhất để A Nan Ða mau tiến hóa.

Ðoạn đức Thế Tôn thuật lại cho A Nan Ða nghe những gì ngài đã hứa với Ma Vương 45 năm về trước. Ngài lập lại câu nói ''Một vị Phật không thể Nhập Niết Bàn trước khi chưa ban bố Pháp Giải Thoát đầy đủ trong Tam Giới''.

Rồi Phật tiếp:

- Nhưng trải qua 45 năm chờ đợi. Vừa rồi Ma Vương đã hiện ra nhắc rằng: Hiện tại Như Lai đã công bố đầy đủ tám muôn bốn ngàn pháp môn rồi. Tại sao Như Lai chưa nhập Diệt? Và Như Lai đã hứa với y là Như Lai sẽ nhập Niết Bàn trong ba tháng tới.

Và Phật kết thúc câu chuyện:

- Khi tâm Phật hướng vào Niết Bàn mà thân Phật chưa biến thành Kim cương thân thì quả địa cầu, phải rung động. Hiện tượng ấy không phải lúc nào cũng có, mà nó chỉ xảy ra đúng ba tháng trước khi Phật nhập Niết Bàn.

A Nan Ða nghe thế liền hốt hoảng quỳ lạy thiết tha yêu cầu Phật hóa thành Kim cương thân để sống lâu độ đời. Ông yêu cầu lần thứ nhất, rồi lần thứ hai, vẫn thấy đức Thế Tôn ngồi yên, im lặng.

Ðoạn Phật hiền từ nhìn A Nan Ða cho biết rằng:

- Này A Nan Ða! Bây giờ thì quá muộn, vì tâm Phật đã hướng về Niết Bàn rồi và đã tự dứt bỏ các phép mầu nhiệm để trường sinh bất tử.

Nhưng khi A Nan Ða yêu cầu đến lần thứ ba thì đức Phật chợt nghiêm nghị hỏi A Nan Ða:

- Này A Nan Ða! Vậy ông có tin tưởng vào phẩm hạnh hoàn toàn của một bậc đã ra khỏi Tam Giới không?

- Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử tin tưởng như thế!

Rồi đức Phật dạy tiếp:

- Nếu tin tưởng như thế, tại sao ông lại nài nỉ Phật làm một việc đã quá thời đến ba lần?

A Nan Ða biện hộ rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Sở dĩ đệ tử yêu cầu đức Thế Tôn đến ba lần, là vì đệ tử đã nghe đức Thế Tôn nói một vị Phật luôn luôn có đầy đủ bốn thần lực tuyệt đối, dư khả năng hóa thân thành Kim cương thân, kéo dài tuổi thọ.

Ðức Phật liền hỏi A Nan Ða:

- Này A Nan Ða! Mà ông có tin điều Như Lai nói, về bốn thần lực ấy, là sự thật không?

- Bạch đức Thế Tôn! Ðệ tử tin sự ấy có thật.

Ðức Phật bèn giải rõ:

- Này A Nan Ða! Dịp may độc nhất đã qua rồi không bao giờ trở lại! Lời ông yêu cầu Phật hóa thân trường sinh bây giờ đã quá trễ! Ông chỉ có thể yêu cầu Phật chấp nhận Kim cương thân khi nào tâm Phật chưa bắt đầu hướng vào Vô Dư Niết Bàn. Và hiện tại thì hy vọng ấy của ông không còn nữa.

Rồi Phật giảng thêm:

- Này A Nan Ða! Nếu trước đây ông đã cung thỉnh Như Lai hóa thân trường sinh độ đời đúng lúc, thì lời yêu cầu của ông đã được Như Lai chấp nhận rồi! Ông quên rằng chính Phật đã gợi ý cho ông làm điều đại thiện ấy nhiều lần, nhưng ông vì tăm tối đã để trôi qua. Phật không phải đã chỉ nhắc ông một lần mà Ngài đã nhắc ông đến mười lăm lần tại năm địa điểm khác nhau rằng: Một vị Phật khi thân thể suy tàn, nếu có kẻ thiện tâm yêu cầu, Ngài vì lòng từ bi sẽ hóa thân trường sinh độ đời.

Ðoạn đức Phật nhắc lại năm địa điểm gần thành Vesali, nơi đó Ngài đã gợi ý để A Nan Ða thỉnh Phật đừng nhập Niết bàn (mỗi địa điểm Phật nhắc đến ba lần, tổng cộng thành mười lăm lần), nhưng A Nan Ða vẫn im lặng, không phản ứng gì cả.

Sau cùng đức Phật khuyên nhủ A Nan Ða rằng vạn vật trong Tam giới luôn bị chi phối bởi luật Vô thường. Và một bậc Toàn Giác không bao giờ làm ngược lại với duyên phận của chúng sinh trên cõi đời. Phật đã hứa với Ma Vương trong ba tháng nữa sẽ Nhập Diệt, là một cách để cho những ai hữu duyên còn sót lại, có thể sẽ được Ngài cứu độ.

Tiếp theo đức Phật bảo A Nan Ða tập họp chư Tăng đệ tử trong vùng để Ngài thuyết một bài pháp tán dương Sự phát triển nội tâm (thiền định) và trao dồi Minh sát tuệ (vipassanà). Vì chỉ có hai phép tu tập này mới làm cho đời sống phạm hạnh được duy trì vững chắc, và mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Phần cuối bài pháp, đức Phật dùng để công bố giữa Tăng hội rằng Ngài sẽ nhập Niết Bàn trong vòng ba tháng nữa. Lúc Phật tuyên bố câu ấy nhằm ngày 15 tháng giêng Âm lịch. Bởi vậy về sau này theo truyền thống Nam tông, mỗi năm chư Phật tử hằng tổ chức: Lễ kỷ niệm ''Phật hứa với Ma Vương'' - hay “Ngày Phật Di Chúc” - vào ngày trăng tròn tháng thứ nhất.

Tuyên bố thời điểm nhập Niết Bàn xong, đức Phật bèn thốt ra nhiều bài kệ, mà một trong các bài ấy được tạm dịch như sau:

Như Lai tuổi đã về chiều,

Niết Bàn sẽ nhập là điều tất nhiên.

Khuyên hàng đệ tử cần chuyên,

Rèn tâm, trì giới tạo duyên lấy mình.

Luân hồi bao nẻo đăng trình,

Khổ, vui, thăng, đọa.. tự mình mà thôi.

Giới mà giữ đúng không rời,

Ðịnh mà vững chắc là đời thánh nhân.

Minh tâm kiến tánh càng tăng,

Giác duyên sẽ kết, thiện căng sẽ dày.

Ai ai hành những lời này,

Ngày sau thoát cảnh đọa đày chẳng sai.


Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sau khi sửa lỗi kết quả sẽ cập nhật tại trang Truyện mới cập nhật